Trần Thiện Chánh, Nhà thơ yêu nước tài hoa
Từ khi liên quân xâm lược Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Năng (1858) rồi kéo vào đánh chiếm Sài Gòn (1859), lịch sử đã gây ra nơi văn học viết Việt Nam những thay đổi lớn lao trên nhiều phương diện. Bên cạnh sự xáo trộn về tư tưởng và văn hóa làm nảy sinh thêm nhiều khuynh hướng sáng tác đối lập nhau trên văn đàn Việt Nam buổi ấy, còn có sự xáo trộn về chính trị và xã hội tạo ra những biến động trong lực lượng sáng tác, trước hết trên khía cạnh tình hình phân bố ở các địa phương mà nổi bật là việc nhiều tác giả Nam Kỳ rời khỏi địa bàn Lục tỉnh sang hoạt động ở nơi khác sau khi thực dân Pháp chiếm được ba tỉnh miền Đông (1862) rồi ba tỉnh miền Tây (1867). Ở nhiều mức độ khác nhau, những người này đã trực tiếp để lại dấu vết của họ trên văn học viết vùng Trung Bắc nửa sau thế kỷ XIX, trong đó phải kể tới Trần Thiện Chánh, một trong những người đầu tiên tập hợp nhân dân đứng lên chống xâm lược ở Gia Định đồng thời là một nhà thơ yêu nước tài hoa.
Vài nét về tiểu sử Trần Thiện Chánh

Khác với những người như Nguyễn Đình Chiểu mà cuộc đời được ghi lại một cách khá đầy đủ bởi nhiều nhân chứng đương thời hay những người như Nguyễn Thông mà lý lịch được ghi lại một cách chính xác bởi chính bản thân, Trần Thiện Chánh là một nhân vật mà hành trạng tuy cũng được chính sử ghi lại ít nhiều nhưng vừa không đầy đủ vừa thiếu chính xác. Bên cạnh đó, đây còn là một tác giả mà thơ văn sớm rơi vào cảnh đoạn giản tàn biên nên trên niên biểu tác phẩm hiện nay có quá nhiều khoảng trắng, và tình hình này đòi hỏi phải dựa vào tất cả các tài liệu hiện có để tìm hiểu về cuộc đời, trong đó có cuộc đời sáng tác của ông.
Theo Đại Nam Chính biên Liệt truyện và Quốc triều hương khoa lục (trở xuống viết tắt là Liệt truyện và Hương khoa lục), Trần Thiện Chánh tự Tử Mẫn, hiệu Trừng Giang, người thôn Tân Thới huyện Bình Long tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Hóc Môn Thành phố Hồ Chí Minh) (1). Có lẽ ông sinh ra trong một gia đình khá giả, nên sau này mới có thể “xuất ngàn vàng mộ quân” (Mộ sĩ vạn kim) như Phạm Phú thứ tán tụng hay “Phá gia tài mộ quân ra sức chống Pháp” (Phá gia mộ sĩ lực ngự Hồ) như Miên Thẩm ngợi ca (2). Liệt truyện chép ông mất năm 1874 (Giáp tuất, Tự Đức thứ 27), lúc 53 tuổi, và căn cứ vào lối tính “tuổi ta” ngày trước, có thể xác định rằng ông sinh năm 1822. Ngoài ra, Danh gia liên tự cho biết ông mất vào tháng 6 (3), song tờ tâu của Trần Thiện Chánh ở Ninh Bình ngày 13 tháng 6 năm Tự Đức thứ 27 trong đó ông trình bày là vì quá yếu nên phải nhờ Bố chánh Đặng Văn Huấn viết thay chữ “ký” (đại hoạch “ký” tự) (4) còn cho phép xác định sát hơn ngày ông mất: từ 13 đến 29 tháng 6 âm lịch, tức từ 26.7 đến 11. 8. 1874.
Theo Đại Nam Thực lục (trở xuống viết tắt là Thực lục) và Hương khoa lục, Trần Thiện Chánh đậu thứ 4 trong 16 Cử nhân khoa thi hương trường Gia Định năm 1842 (Nhâm dần, Thiệu Trị thứ 2) (5). Không rõ ông có được Thiệu Trị ban thưởng hậu vì “bài ứng chế lúc thi đình nhiều chỗ hợp với ý chỉ” như Đại Quang thiền tự cho biết (6) hay không, nhưng có thể ông cũng có dự khoa thi hội năm 1844 và sau khi không đậu mới nhận chức Hậu bổ Khánh Hòa chứ chưa ra làm quan ngay sau khi đậu Cử nhân như Liệt truyện chép. Một thời gian sau ông được bổ làm Huấn đạo Long Xuyên, kế được thăng Tri huyện. Và căn cứ vào chi tiết Trần Thiện Chánh được tỉnh Hà Tiên xếp hạng ưu trong kỳ sát hạch quan lại đầu năm 1855 (Ất mão, Tự Đức thứ 8) nhưng bị Tự Đức đòi bộ Lại xét lại vì “chưa thấy có thực trạng gì hơn người” chép trong Thực lục (7), có thể nghĩ rằng ông đã giữ chức Tri huyện của một trong ba huyện Hà Châu, Kiên Giang, Long Xuyên thuộc tỉnh Hà Tiên lúc ấy. Nhưng sau đó ông bị cách chức, về sự kiện này các tài liệu hiện có đều không cho biết cụ thể cả thời điểm lẫn nguyên nhân.
Ngày 17. 2. 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Giữa lúc quan quân triều đình chạy tan tác - Hộ đốc Võ Duy Ninh chạy về Cần Giuộc, Đề đốc Trần Thi, Bố chánh Vũ Thực, Lãnh binh Tôn Thất Năng chạy qua Hóc Môn... thì Trần Thiện Chánh cùng một viên Suất đội bị thải hồi là Lê Huy tập hợp hơn 5.800 nghĩa dũng - nông dân từ Hóc Môn kéo về Sài Gòn chặn giặc. Trong lịch sử chống Pháp ở Gia Định, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng tới mức về sau một tác giả thân Pháp cũng phải nhắc tới mặc dù với thái độ cố tình bô bác, chê bai:
Còn quan Bố Thực nan phân,
Trần Tri Đề đốc nương lân tiền hành.
Thủy sư Phó Lãnh Nguyễn Sanh,
Lãnh binh Tôn Thất danh Năng đồng đoàn.
Hiệp nhau Tây Thới luận bàn,
Bố, Đề, Chánh, Phó tính đàng qua Biên.
Thới Tây Tân Phú tiếp liền,
Tại quê Phủ Chánh gần miền Phủ Doi.
Hai ông chạy đến loi ngoi,
Xin quan ẩn trú hai tôi giúp giùm.
Thúc thôi Tổng lý xã trùm,
Sức chiêu tàn tốt cho sung viên biền.
Chiêu quân khí giới thành tuyền,
Cậy lương dân xã tương liền dưỡng binh (8)
Cần lưu ý rằng ngay sau ngày 17. 2. 1859, quân đồn điền của Trương Định, quân nghĩa dũng của Dương Bình Tâm, Phạm Tuấn Phát... đều chưa kịp có mặt ở Sài Gòn, quân triều đình từ Huế thì càng chưa kịp kéo vào, trong khi đó Tổng đốc Long Tường Trương Văn Uyển đã lập tức rút quân cứu viện Gia Định về giữ Vĩnh Long (9), còn Vũ Thực, Trần Tri thì theo tác giả Thơ Nam Kỳ đã định rút quân sang Biên Hòa tránh giặc... Cho nên, Trần Thiện Chánh với gần 6.000 chiến sĩ dưới quyền đã không chỉ làm riêng việc “hộ vệ cho Đề đốc Trần Thi rút về bảo Tây Thới” như các sử thần triều Nguyễn sẽ viết trong Thực lục, Liệt truyện... sau này, mà còn đã thực sự trở thành lực lượng chủ yếu bảo vệ mặt trận Sài Gòn trong những ngày đầu chống Pháp. Và hai tháng sau, có lệnh cho ông được phục hàm Tri huyện theo giúp việc quân ở Gia Định - lần này thì triều đình Tự Đức đã phải thừa nhận rằng viên Tri huyện bị cách kia quả có một “thực trạng hơn người”...
Theo Liệt truyện, sau đó Trần Thiện Chánh được thăng chức Đồng Tri phủ, đến năm 1864 (Giáp tý, Tự Đức thứ 17) được thăng hàm Hàn lâm viện Thị độc lãnh chức Phó Quản đạo Phú Yên, ít lâu sau lại được thăng hàm Hồng lô tự khanh, đổi giữ chức Biện lý bộ Hộ sung kinh kỳ Thủy sư Hiệp lý (Chỉ huy phó lực lượng thủy quân ở Huế). Về đoạn đời này của ông, một chú thích trong bài thơ Võ hội thí, vi trung đối nguyệt ký Trần Thủy sư Hiệp lý Tử Mẫn (Thiện Chánh) của Phạm Phú Thứ viết năm 1865 có thể làm rõ thêm về chi tiết “Tử Mẫn trước đây ở quân thứ Gia Định lập công được phục chức Tri huyện, kế thăng Tri phủ Tuy Biên tỉnh An Giang, đánh giặc Man ba năm, việc xong được thăng Phó Quản đạo Phú Yên. Năm nay được tiến cử thăng hàm Hồng lô tự khanh, dự việc chỉ huy thủy quân” (10) - thời gian ba năm (1862 - 1864) Trần Thiện Chánh tham gia chống phong kiến Campuchia câu kết với thực dân Pháp quấy rối biên giới tây nam (11) đây rất có thể bắt đầu sau khi triều đình Tự Đức ký Hiệp ước “Hòa bình và Hữu nghị” 5. 6. 1862 nhường ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho quân xâm lược - không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Thông, một người đồng hương từng kết bạn thơ rượu với Trần Thiện Chánh từ trước 1849 (12) và được bổ làm Đốc học Vĩnh Long sau Hòa ước 1862 lại than thở “Xa xứ cùng đau thân lữ khách” (Hữu gia giai tác khách) khi đưa ông đi Phú Yên tháng 5 năm Giáp tý 1864 (13). Ngoài ra tháng 2 năm Giáp tý 1864 triều đình vừa quyết định đặt thêm chức Phó Quản đạo ở các đạo Quảng Trị, Phú Yên, Hà Tĩnh thì tháng 3 ở Phú Yên đã có việc nổi loạn của các giáo dân Thiên chúa (14), những sự kiện này ít nhiều cho thấy hoạt động của Trần Thiện Chánh trong thời gian ở Phú Yên.
Ở chức vụ Kinh kỳ Thủy sư Hiệp lý, Trần Thiện Chánh bị phạt một năm lương vì chiến thuyền tuần biển trở về trễ hạn. Năm 1866 (Bính dần, Tự Đức thứ 19) ông được cử vào phái bộ Việt Nam qua Hương Cảng thương lượng đổi mua chiếc tàu máy Thuận Tiệp (15). Tháng 5 năm Đinh mão 1867, không rõ vì lý do gì, ông bị “miễn chức chờ xét”, đến tháng 6 thì bị cách chức nhưng chỉ 13 ngày sau lại được phục hàm Hàn lâm viện Kiểm thảo lãnh Tri phủ Hàm Thuận tỉnh Bình Thuận (16), và cứ theo hai câu “Lòng trung cô độc vua lưu luyến, Lời nghị cao xa chúng ngại ngùng” (Cô trung yêu chủ quyến, Cao luận hãi nhân văn) trong bài thơ của Nguyễn Thông đưa ông về kinh năm sau (17) thì rất có thể sự kiện trên có liên hệ trực tiếp với việc quân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ tháng 6.1867. Khoảng cuối năm 1866 (Mậu thìn, Tự Đức thứ 21), quan coi Hàn lâm viện là Vũ Phạm Khải tiến cử Trần Thiện Chánh có tài thơ văn nên ông được thăng hàm Hàn lâm viện Tu soạn về làm việc ở Viện. Vài tháng sau, vào đầu năm 1869 (Kỷ tỵ, Tự Đức thứ 22), ông được thăng hàm Hồng lô tự thiếu khanh, giữ chức Biện lý bộ Binh, đến giữa năm ấy sung chức Tán tương quân thứ Sơn Tây (18), tham gia đánh dẹp các toán phỉ Trung Quốc tràn qua cướp bóc ở miền Bắc lúc bấy giờ.
Từ khi ra Bắc, Trần Thiện Chánh bị thăng giáng nhiều lần, đến cuối năm 1872 (Nhâm thân, Tự Đức thứ 25) thì bị cách chức vì cấp phát tiền lương trái quy định, hút thuốc phiện và giả ốm để cưới vợ lẽ (19). Năm 1873 (Quý dậu, Tự Đức thứ 26) ông được tạm giữ hàm Tán lý cùng Thanh đoàn Lưu Vĩnh Phúc tiễu phỉ ở Tam Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang), thắng liên tiếp năm trận nên được thưởng quân công một cấp. Kế tiến chiếm lại được huyện lỵ Phù Ninh tỉnh Sơn Tây nên được phục hàm Hồng lô tự khanh. Sau đó, ông được lệnh cùng Tôn Thất Thuyết chuyên lo việc tiễu phỉ ở Tam Tuyên để Hoàng Kế Viêm về Hà Nội giúp Nguyễn Tri Phương chuẩn bị chống Pháp (20).
Tháng 11. 1872, tên lái buôn thực dân Jean Dupuis đã gặp gỡ Senez (đặc phái viên của tướng D'Arbaud từ Sài Gòn ra) trên vùng biển Bắc Bộ bàn bạc kế hoạch đánh chiếm miền Bắc, và sau đó nhiều lần gây hấn để tạo điều kiện cho bọn thực dân ở Nam Kỳ. Và đến tháng 10. 1873, dưới chiêu bài “giải quyết vụ Jean Dupuis”, Thống đốc Nam Kỳ Dupré đã phái Thiếu tá Francis Garnier đem quân ra Bắc. Ngày 3. 11, Francis Garnier tới Hà nội và sau đó lần lượt đánh chiếm các thành Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định. Triều đình Tự Đức liên tiếp cử các phái đoàn Trần Đình Túc, Nguyễn Văn Tường ra thương thuyết, nhưng ngày 21. 12 quân dân Hà Nội phối hợp với quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc đã phục kích ở Cầu Giấy giết chết Francis Garnier. Ngày 31. 12 Pháp phải giao trả thành Hải Dương, kế đó là thành Ninh Bình (8. 1. 1874) và Nam Định (10. 1). Lúc bấy giờ tình hình chính trị - xã hội ở những nơi này rất rối ren, trong đó nổi bật là vấn đề Thiên chúa giáo: ngày 3. 1. 1874 Nguyễn Văn Tường và Philastre trong phái đoàn hiệp thương Việt - Pháp đã thỏa thuận giải tán 12.000 tên lưu manh và giáo dân phản động vừa qua theo quân của Francis Garnier đi quấy phá các nơi. Vì vậy mà Trần Thiện Chánh liên tiếp được cử giữ chức Khâm phái Nam Định rồi Khâm phái Hà Nội, nhưng vẫn còn ở Sơn Tây thì lại được lệnh lấy hàm Hồng lô tự khanh đổi sung Hộ lý Tuần phủ Ninh Bình sau khi quan tỉnh này là Đặng Văn Huấn, Bùi Văn Dị tâu rằng không đủ khả năng giải quyết vấn đề giáo dân ở tỉnh (21). Một thời gian sau ông được thăng hàm Thị lang, chính thức giữ chức Tuần phủ Ninh Bình.
Ngày 26 tháng 5 năm Tự Đức thứ 27 (9. 7. 1874), Trần Thiện Chánh ngã bệnh vì chứng khối u ở dạ dày (thượng tiêu yết cách) (22) rồi qua đời sau khoảng một tháng mỏi mòn trên giường bệnh, để lại cho những người quen một niềm thương tiếc xót xa. Được tin, Tự Đức cũng rất thương xót, ra lệnh cho các tỉnh từ Ninh Bình tới Huế tùy nghi điều động người và phương tiện đưa linh cữu ông về quàn tạm ở kinh.
Theo Liệt truyện, Trần Thiện Chánh nổi tiếng hay thơ, có sáng tác các tập Trừng Giang thi văn tập, Nam hành thi thảo và Bắc chinh thi thảo. Con ông là Trần Thiện Cốc sau làm quan ở Bình Thuận, giữ chức Tri huyện Tuy Phong.