Trang trong tổng số 1 trang (5 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Thập Tứ Cách Cách

Tam Hoàng Ngũ Đế (chữ Hán: 三皇五帝) là thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc, và là các vị vua huyền thoại của Trung Quốc trong thời kỳ từ năm 2852 TCN tới 2205 TCN, thời kỳ ngay trước thời nhà Hạ.

 Tam Hoàng (三皇) là ba vị vua đầu tiên của nước này. Ngũ Đế (五帝) là năm vị vua nối tiếp theo Tam Hoàng, có công khai hóa dân tộc Trung hoa, đưa dân tộc này thoát khỏi tình trạng sơ khai. Trong thời kỳ này, người Trung Quốc đã biết chế ra lửa để nấu chín thức ăn, biết cất nhà, làm quần áo, trồng ngũ cốc, chài lưới, thực hiện lễ nghi, và bắt đầu tạo ra chữ viết. Theo truyền thuyết, ba vị vua này được cho là thần tiên hoặc bán thần, những người đã sử dụng các phép mầu để giúp dân. Do phẩm chất cao quý nên họ sống lâu và thời kỳ cai trị của họ hòa bình thịnh vượng.

 Đó là thời kỳ sơ khai tối cổ của Trung Quốc. Văn minh chưa có hay mới bắt đầu có nhưng rất thô sơ và dân chúng rất thưa thớt, sống từng nhóm nhỏ theo lối du mục, không có dấu tích gì còn sót lại. Điều này khiến việc nghiên cứu để biết rõ các triều đại tối cổ này khá khó khăn.

 Những từ ngữ như Tam Hoàng, Ngũ Đế, và hiệu của các vị vua, do người đời sau đặt ra để hệ thống hóa các tư liệu về cổ sử. Còn Đế hiệu thì lấy tên đất mà đặt ra, gọi là Địa hiệu, hoặc lấy công đức đối với dân mà đặt ra, gọi là Đức hiệu.


     Tam Hoàng:

 Các học giả Trung Hoa không nhất trí với nhau về Tam Hoàng cụ thể là ai.

 Theo Sử ký Tư Mã Thiên, ba vị vua là:

   Thiên Hoàng - 天皇 (trị vì 18.000 năm)
   Địa Hoàng - 地皇 (trị vì 11.000 năm)
   Nhân Hoàng - 人皇 (còn gọi là Thái Hoàng - 泰皇) (trị vì 45.600 năm).
   Vận Đẩu Xu (運斗樞) và Nguyên Mệnh Bao (元命苞) cho rằng ba vị là:

     Phục Hi,
     Nữ Oa
     Thần Nông
  Trong đó, Phục Hi và Nữ Oa là thần chồng và thần vợ, được coi là tổ tiên của loài người sau một trận đại hồng thủy. Cũng như Thần Nông là người đã phát minh ra nghề nông và là người đầu tiên dùng cây cỏ làm thuốc chữa bệnh.

  Các sách Thượng thư đại truyện (尚書大傳) và Bạch hổ thông nghĩa (白虎通義) thay thế Nữ Oa bằng Toại Nhân (燧人), người phát minh ra lửa. Sách Đế vương thế kỉ (帝王世紀) thay thế Nữ Oa bằng Hoàng Đế (黄帝), người được coi là tổ tiên của người Hán.

  Việc thay thế Nữ Oa - một nữ thần - bằng một vị nam thần được cho là kết quả của việc chuyển từ chế độ mẫu hệ thời cổ xưa sang chế độ phụ hệ trọng nam khinh nữ.


    Ngũ Đế:

  Ngũ Đế cũng có nhiều giả thuyết: Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Ngũ Đế bao gồm:

    Hoàng Đế (黄帝)
    Chuyên Húc (顓頊)
    Đế Khốc (帝嚳)
    Đế Nghiêu (帝堯)
    Đế Thuấn (帝舜)
 Trong đó, Nghiêu và Thuấn còn được gọi là Nhị Đế, cùng với Đại Vũ (禹), người sáng lập ra nhà Hạ, được Khổng giáo coi là các vị vua kiểu mẫu và là các tấm gương đạo đức. Thượng thư tự (尚書序) và Đế vương thế kỷ lại liệt kê Thiếu Hạo (少昊) thay cho Hoàng Đế.

 Sở Từ (楚辭) nói đến Ngũ Đế như là các vị thần ở các phương:

    Thiếu Hạo (đông)
    Chuyên Húc (bắc)
    Hoàng Đế (trung)
    Phục Hi (tây)
    Thần Nông (nam)
 Lễ ký (禮記) đồng nhất Ngũ Đế với Ngũ Thị (五氏), bao gồm:

    Hữu Sào thị (有巢氏)
    Toại Nhân thị (燧人氏)
    Phục Hi thị (伏羲氏)
    Nữ Oa thị (女媧氏)
    Thần Nông thị (神農氏)
 Vị Hoàng đế Trung Hoa đầu tiên trong lịch sử là Tần Thủy Hoàng (秦始皇), người đã tạo từ mới cho "hoàng đế" (皇帝) bằng cách kết hợp các danh hiệu "hoàng" (皇) của Tam Hoàng với "đế" (帝 với nghĩa vua-thần).


   Thông tin thêm:

  Trong các vị Tam Hoàng Ngũ Đế, tên của các vị như Đế Khốc (帝嚳), Đế Nghiêu (帝堯), Đế Thuấn (帝舜), Thần Nông (神農) có thứ tự các từ không giống với cấu trúc ngôn ngữ của người Hán phương Bắc (tính từ đặt trước danh từ) mà giống với cấu trúc của ngôn ngữ phương Nam (tiếng Quảng Đông, tiếng Việt...). Do đó, có thuyết cho rằng các vị này có xuất xứ từ vùng đất Bách Việt ở phía Nam.
  Ngoài ra, vua Thần Nông cũng được gọi là Viêm Đế. Viêm có nghĩa là nóng ấm. Có thuyết cho rằng vua Thần Nông đến từ miền nóng ấm, tức là phương nam, tức là đất Bách Việt. Từ đó suy ra nông nghiệp Trung Quốc bắt nguồn từ Bách Việt.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thập Tứ Cách Cách

Hoàng Đế


  Hoàng Đế (Trung phồn thể: 黃帝, Trung giản thể: 黄帝, bính âm: huángdì), còn gọi là Hiên Viên Hoàng Đế, là một vị vua huyền thoại và anh hùng văn hoá người Trung Quốc được coi là thuỷ tổ của mọi người Hán. Chữ hoàng 黃 ở đây hàm nghĩa sắc vàng, là màu biểu trưng cho hành thổ. Hiểu nôm na “Hoàng Đế” là “Vua Vàng”, khác với hoàng 皇 trong hoàng đế 皇帝 là danh xưng của các vua Trung Quốc kể từ thời nhà Tần

  Hoàng Đế được coi là một trong Ngũ Đế, theo huyền sử Trung Quốc thì ông trị vì trong khoảng 2698 TCN đến 2599 TCN.

  Theo truyền thuyết, việc ông rút về phía tây tại trận Trác Lộc (涿鹿) đánh thủ lĩnh Xi Vưu (蚩尤) là cái mốc hình thành người Hán.


     Thân Thế:

  Hoàng Đế, tên thật là Công Tôn Hiên Viên, là con của bà Phù Bửu. Thân mẫu ông đã nằm mơ thấy sao Bắc Đẩu rớt vào mình mà thụ thai sinh ra ông. Thưở nhỏ, ông rất thông minh, có tính thần linh, thường khuyên người đồng thời lo làm lành và tu ngũ đức.


     Cai Trị:
       Chiến tranh với Xi Vưu:

  Cách đây hơn 4000 năm, ở lưu vực Hoàng Hà và Trường Giang có nhiều thị tộc và bộ lạc sinh sống. Hoàng Đế là một trong những thủ lĩnh bộ lạc nổi tiếng nhất trong truyền thuyết.

  Bộ lạc Thiểu Điển, do Hoàng Đế làm thủ lĩnh, ban đầu sống ở vùng Cơ Thuỷ thuộc tây bắc Trung Quốc, sau dời tới vùng Trác Lộc bắt đầu định cư, phát triển chăn nuôi và trồng trọt.

  Viêm Đế (Thần Nông) là thủ lĩnh một bộ lạc khác đồng thời với Hoàng Đế, cư trú tại vùng Khương Thuỷ ở tây bắc Trung Quốc. Theo truyền thuyết Trung Hoa thì Viêm Đế có họ hàng thân tộc với Hoàng Đế.

  Còn Xi Vưu là thủ lĩnh bộ tộc Cửu Lê. Họ chế tạo ra các loại vũ khí như đao, kích, cung, nỏ, thường dẫn bộ lạc đi xâm chiếm, cướp phá các bộ lạc khác.

  Có lần, Xi Vưu xâm chiếm vùng đất của Viêm Đế. Viêm Đế đem quân chống lại nhưng thất bại. Viêm Đế đành chạy đến Trác Lộc, xin Hoàng Đế giúp đỡ. Hoàng Đế liên kết các bộ lạc, chuẩn bị lương thực, vũ khí, triển khai một trận quyết chiến với Xi Vưu trên cánh đồng Trác Lộc.

  Về trận đại chiến này, đã có nhiều truyền thuyết hoang đường, khi quân của Hoàng Đế thừa thắng đuổi theo quân của Xi Vưu, trời bỗng nổi cuồng phong, là do Xi Vưu đã được sự giúp đỡ của thần gió, thần mưa. Hoàng Đế cũng nhờ Thiên Nữ giúp đỡ. Cuối cùng, Xi Vưu bại vong.[1] Những truyền thuyết trên chỉ có tính chất phản ánh sự khốc liệt của cuộc chiến.

  Từ đó, Hoàng Đế được nhiều bộ lạc ủng hộ. Nhưng sau đó 2 bộ lạc của Hoàng Đế và Viêm Đế lại nảy ra xung đột, hai bên đánh nhau một trận ở Bản Tuyền, Viêm Đế thất bại. Từ đó Hoàng Đế trở thành thủ lĩnh của liên minh bộ lạc các vùng Trung Nguyên.

  Trong các truyền thuyết cổ đại Trung Quốc, Hoàng Đế rất được tôn sùng. Người đời sau đều cho rằng Hoàng Đế là thuỷ tổ của người Hoa Hạ (tức dân tộc Hán ngày nay) và coi mình là con cháu của Hoàng Đế. Viêm Đế và Hoàng Đế vốn thân thuộc nên sau này hai bộ lạc lại hoà hợp, nên người Trung Quốc thường tự xưng mình là con cháu Viêm-Hoàng. Để kỉ niệm vị tổ tiên chung đó, người ta xây lăng Hoàng Đế ở Kiều Sơn, phía bắc huyện Hoàng Lăng tỉnh Thiểm Tây.


     Phát Minh:

  Thời Hoàng Đế có nhiều phát minh sáng tạo (trong truyền thuyết) của nhiều người nhưng được quy chung cho Hoàng Đế như làm nhà, đóng xe thuyền, may được quần áo ngũ sắc, chế kim chỉ nam, làm lịch, y thuật (Hoàng Đế nội kinh tương truyền là của Hoàng Đế và Kỳ Bá) v.v...

  Lịch cổ Trung Quốc lấy mốc bắt đầu từ Hoàng Đế.

  Cũng theo truyền thuyết Hoàng Đế có người vợ tên là Luy Tổ (嫘祖) hay Loa Tổ (螺祖), là người đã dạy cho phụ nữ nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa. 累 hay 螺 đều có chữ 糸 mịch tức sợi tơ nhỏ. Tuy nhiên, một số người cho rằng các tên trên có thể phiên sai từ 雷祖 Lôi Tổ, nghĩa là bà Tổ Sấm.

  Theo sách Hoài Nam Tử, Hoàng Đế còn có một sử quan tên là Thương Hiệt, đã sáng tạo ra chữ viết cổ. Tuy nhiên, người ta chưa được thấy chữ viết thời đó nên không có cách gì chứng minh cho việc này.



   Tham khảo thêm:

  Hoàng Đế
Vua huyền thoại của Trung Hoa
Trị vì: 2697 TCN – 2598 TCN

Tiền nhiệm: Thần Nông
Kế nhiệm: Thiếu Hạo

Vợ: Luy Tổ
Tên thật: Công Tôn Hiên Viên
Bộ lạc: Thiểu Điển
Thân mẫu: Phù Bửu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thập Tứ Cách Cách

Thần Nông


    Thần Nông (chữ Hán phồn thể: 神農, giản thể: 神农, bính âm: Shénnóng), còn được gọi là Viêm Đế (炎帝) hay Ngũ Cốc Tiên Đế (phồn thể: 五穀先帝, giản thể: 五谷先帝, bính âm: Wǔgǔ xiāndì), là một vị vua huyền thoại của các dân tộc chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, một trong Tam Hoàng và được xem là một anh hùng văn hóa Trung Hoa. Theo truyền thuyết, Thần Nông sống cách đây khoảng 5.000 năm và là người đã dạy dân nghề làm ruộng, chế ra cày bừa và là người đầu tiên đã làm lễ Tịch Điền (còn gọi là lễ Thượng Điền, tổ chức sau khi gặt hái, thu hoạch mùa màng) hoặc Hạ Điền (lễ tổ chức trước khi gieo trồng), cũng như nghề làm thuốc trị bệnh, cho nên trong dân gian có câu Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc (tức Thần Nông dạy dân trồng ngũ cốc). Theo truyền thuyết phương nam thì Thần Nông là tổ tiên năm đời của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân và Âu Cơ được coi là tổ tiên của người Việt.

    Thần Nông cũng có thể là từ để chỉ tới các thần dân của vị vua nói trên, do cụm từ Thần Nông thị/神農氏/神农氏/Shén nóng shì với chữ thị (氏) có thể được hiểu là thị tộc, bộ lạc, dòng họ hay gia đình. Nó cũng có thể có nghĩa là họ/tên thời con gái (do đàn bà tự xưng mình cũng gọi là thị, có lẽ ẩn chứa truyền thống tiền gia tộc và chế độ phụ hệ). Trong bất kỳ trường hợp nào, Thần Nông khi được hiểu như là một nhóm sắc tộc tiền sử không nên lẫn lộn với Thần Nông khi được hiểu như là "ông tổ" truyền thống, được lấy tên theo đó của nhóm sắc tộc này. Tuy nhiên, do chữ thị (氏) cũng có thể là thuật ngữ danh giá để chỉ một người đàn ông, giống như các từ ngài/quý ông, nên sự mơ hồ là vĩnh cửu: Thần Nông thị/神農氏/神农氏/Shén nóng shì hay chỉ đơn giản là Thần Nông, được sử dụng để nói tới một cá nhân và/hoặc nói tới chức tước của cá nhân đó. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào từng ngữ cảnh.



   Huyền Thoại:

    Trong thần thoại Trung Quốc, Thần Nông, ngoài việc là ông tổ nông nghiệp, người đã dạy dân trồng ngũ cốc và chế tạo ra cày bằng gỗ, ông tổ nghề gốm sứ và nghề y dược, thì đôi khi ông cũng được coi là tổ tiên hay thủ lĩnh của Xi Vưu; và giống như ông này, Thần Nông cũng là người có đầu giống đầu bò, sừng nhọn, trán đồng, đầu sắt. Một khác biệt giữa huyền thoại và khoa học được thể hiện trong thần thoại Trung Hoa: Thần Nông và Hoàng Đế được coi như là những người bạn và đồng học giả, cho dù giữa họ là khoảng thời gian trên 500 năm giữa vị Thần Nông đầu tiên và Hoàng Đế, và cùng nhau họ chia sẻ những bí quyết giả kim thuật dùng trong y dược, khả năng bất tử và chế tạo vàng.

Theo sự bổ sung của Tư Mã Trinh vào Sử ký thì Thần Nông là bà con với Hoàng Đế và được coi là ông tổ của người Trung Quốc. Người Hán coi cả hai đều là tổ tiên chung của mình với thành ngữ "Viêm Hoàng tử tôn" (con cháu Viêm Hoàng). Ông cũng được coi là một trong số các tổ tiên của người Việt (Đế Minh, ông nội của Lạc Long Quân, được coi là cháu nội của Thần Nông trong truyền thuyết Việt Nam). Ông chết do nếm phải một loại độc thảo mà không kịp lấy thuốc chữa, sau một thời gian dài từng nếm rất nhiều các loại độc thảo khác nhau. Ông được thần thánh hóa như là một trong số ba vị vua huyền thoại danh tiếng nhất, gọi chung là Tam Hoàng vì những đóng góp của mình cho loài người.



   Lịch sử:

    Khó có thể nói Thần Nông là một nhân vật lịch sử có thật hay không. Tuy nhiên, Thần Nông, dù là một cá nhân hay một thị tộc, là rất quan trọng trong lịch sử văn hóa đặc biệt khi nói tới thần thoại và văn học dân gian. Trên thực tế, Thần Nông được nhắc tới rất nhiều trong văn học lịch sử.



   Thần Nông Trong Văn Học:

    Mặc dù Tư Mã Thiên đề cập rằng các vị vua ngay trước Hoàng Đế là từ một nhà (hay nhóm sắc tộc) Thần Nông nhưng Tư Mã Trinh, người bổ sung thêm phần Tam Hoàng bản kỷ cho Sử ký, cho rằng Thần Nông là người họ Khương (姜) và liệt kê một danh sách những người kế vị ông. Trong cuốn sách cổ hơn, và ngày nay dường như được dẫn chiếu tới nhiều hơn, là Hoài Nam tử có viết: Trước khi có Thần Nông thì dân chúng mông muội, đói ăn và ốm đau bệnh tật; nhưng sau đó ông đã dạy dân chúng trồng ngũ cốc mà tự ông tìm ra, rồi việc nếm các loại cây cỏ, mà mỗi ngày có thể tới 70 loại khác nhau. Thần Nông cũng được nhắc tới trong Kinh Dịch. Tại đây ông được nói tới như là người trị vì sau khi kết thúc sự trị vì của nhà Bào Hy/Phục Hy, là người phát minh ra cày bằng gỗ với lưỡi cong cũng bằng gỗ, truyền các kỹ năng canh tác cho dân chúng và lập chợ ban ngày. Một dẫn chiếu khác có trong Lã Thị Xuân Thu (呂氏春秋), đề cập tới một số vụ bạo loạn khi Thần Nông nổi lên và cho biết quyền lực của Thần Nông thị kéo dài tới 17 thế hệ



   Trong Văn Hóa Dân Gian:

    Ông được cho là từng nếm thử hàng trăm loại cây cỏ để kiểm tra các tính chất dược học của chúng. Đóng góp được coi là của Thần Nông là Thần Nông bản thảo kinh (phồn thể: 神農本草經, giản thể: 神农本草经, bính âm: Shénnóng běncǎo jīng) – được biên tập và chỉnh lý lần đầu tiên vào khoảng cuối thời Tây Hán, vài ngàn năm sau khi Thần Nông tồn tại – trong đó có liệt kê nhiều loại cây cỏ khác nhau, như linh chi, được Thần Nông tìm ra và đánh giá phẩm cấp, tính năng. Tác phẩm này được coi là dược điển sớm nhất của người Trung Quốc. Nó cũng bao gồm 365 vị thuốc tổng hợp từ khoáng vật, cây cối và động vật. Thần Nông được coi là đã nhận dạng hàng trăm loại dược thảo và độc thảo bằng cách tự mình nếm thử để tìm hiểu tính chất của chúng, là cốt yếu đối với sự phát triển của y học cổ truyền Trung Hoa. Truyền thuyết cũng kể rằng ban đầu Thần Nông có thân hình trong suốt và vì thế ông có thể nhìn thấy các tác động của các loại cây cỏ khác nhau lên cơ thể mình. Trà, được coi là thuốc giải đối với các tác động gây ngộ độc của khoảng 70 loại cây cỏ, cũng được coi là phát hiện của ông. Phát hiện này được coi là vào năm 2737 TCN, mà theo đó Thần Nông lần đầu tiên nếm thử trà từ những chiếc lá chè trên cành trà bị cháy, được gió nóng của đám cháy đưa tới và rơi vào vạc nước sôi của ông. Thần Nông được tôn kính như là ông tổ của y học Trung Hoa. Ông cũng được coi là người đã đề ra kỹ thuật châm cứu.

Người ta cũng cho rằng Thần Nông đóng một vai trò trong việc tạo ra cổ cầm, cùng với Phục Hy và Hoàng Đế. Một số công trình học thuật cũng đề cập rằng dòng họ đằng cha của viên tướng nổi tiếng thời nhà Tống là Nhạc Phi có nguồn gốc từ Thần Nông



   Hậu Duệ:

    Theo phần bổ sung của Tư Mã Trinh vào Sử ký[4] thì: Viêm Đế của Thần Nông thị làm vua 120 năm, khi mất táng tại Trường Sa (nay thuộc tỉnh Hồ Nam). Kinh đô ban đầu đặt tại đất Trần, sau dời tới Khúc Phụ. Ông sinh ra Đế Đồi. Đồi sinh Đế Thừa, Thừa sinh Đế Minh, Minh sinh Đế Trực, Trực sinh Đế Ly, Ly sinh Đế Ai, Ai sanh Đế Khắc, Khắc sinh Đế Du. Tổng cộng 8 đời (từ Đế Đồi tới Đế Du), kéo dài 530 năm cho tới khi Hiên Viên thị nổi lên.



   Tại Một Số Quốc Gia:
     Trung Quốc:

       Nơi ở của Thần Nông:

         Tương truyền Thần Nông thị xuất phát từ Liệt Sơn, ngày nay thuộc tỉnh Hồ Bắc. Cách trung tâm địa cấp thị Tùy Châu khoảng 40 km về phía bắc có Liệt Sơn Thần Nông động tại trấn Lệ Sơn, huyện Tùy, được coi là "nơi ở của Thần Nông".

        "Nơi ở của Thần Nông", tức động Thần Nông bao gồm 2 nơi (một nơi làm chỗ tàng trữ lương thực và dược vật, một nơi là chỗ cư trú). Tại đây có đình Thần Nông, tháp Thần Nông, miếu Thần Nông, phía nam núi có nhà uống trà của Thần Nông, vườn hoa Thần Nông, đình Cửu Long còn phía bắc núi có ao tắm của mẹ Thần Nông là An Đăng, vườn bách thảo. Ở vùng miền núi phía tây Hồ Bắc có vùng đất gọi là Thần Nông Giá, có lẽ có liên quan tới Thần Nông.


    Thần Nông động và Thần Nông bia:

     Cách trung tâm địa cấp thị Tùy Châu khoảng 55 km về phía bắc là Liệt Sơn thượng, giữa động có bàn đá, ghế đá, bát đá và tháp đá, theo truyền thuyết là các vật dụng của Thần Nông. Liệt Sơn còn có giếng Thần Nông, nhà Thần Nông, quán Thần Nông, miếu Viêm Đế là các kiến trúc cổ. Phía bắc trấn Lệ Sơn còn có một tấm bia "Viêm Đế Thần Nông thị", được bảo tồn đến ngày nay.


    Việt Nam:
      Lễ Thần Nông:

       Lễ Thần Nông tức là lễ tế vua Thần Nông để cầu mong được mùa và nghề nông phát đạt.

       Trên các quyển lịch cổ hàng năm, người ta thường vẽ một mục đồng dắt một con trâu. Mục đồng tức là vua Thần Nông, còn con trâu tượng trưng cho nghề nông.

       Hình mục đồng cũng như con trâu thay đổi hàng năm tùy theo sự ước đoán của Khâm thiên giám về mùa màng năm đó sẽ tốt hay xấu.

       Năm nào được coi là được mùa, Thần Nông có giày dép chỉnh tề, còn năm nào mùa màng bị coi là kém, Thần Nông có vẻ như vội vàng hấp tấp nên chỉ đi giày một chân. Con trâu được đổi màu tùy theo hành của mỗi năm, nó có thể có một trong 5 màu vàng, đen, trắng, xanh, đỏ đúng với các hành Thổ, Thủy, Kim, Mộc, Hỏa.

      Thời phong kiến, hàng năm đều có tục tế và rước Thần Nông tại triều đình cũng như ở các địa phương.


   Nghi thức lễ tế Thần Nông thời Nguyễn:

    Lễ tế Thần Nông hàng năm cử hành vào ngày Lập xuân, bởi vậy nên lễ tế Thần Nông còn được gọi là tế xuân.

    Theo chỉ dụ của vua Minh Mạng, hàng năm sau tiết Đông chí, tòa Khâm thiên giám phải lo sửa soạn việc tế Thần Nông. Các quan cùng nhau họp để nặn trâu và tượng Thần Nông.

    Trước ngày lập xuân hai ngày, tại gần cửa thành Đông Ba (ngày nay là cửa chính Đông), các quan Khâm thiên giám cho lập một cái Đài hướng đông. Trâu và tượng Thần Nông cũng được đưa tới lưu tại phủ Thừa Thiên để ngày hôm sau các quan trong phủ mới rước từ phủ tới Đài. Các quan vận lễ phục, có quân lính mang gươm giáo, tàn lọng, cờ quạt theo hầu.

    Tới Đài thì một lễ đơn giản được cử hành, ngụ ý trình với Thổ Công về sự hiện diện của tượng Thần Nông và trâu. Sau đó, trâu và tượng Thần Nông lại được khiêng về kho cất. Hôm tế xuân, tượng và trâu lại được rước ra Đài, nhưng lần này đi rước là các quan bộ Lễ và các quan phủ Thừa Thiên. Khi đám rước đi qua cung vua, một viên thái giám vào tâu để vua biết. Sau đó, đám rước lại tiếp tục đi và khi đi qua bộ Lễ, một viên quan đánh vào mông trâu ba roi, có ý thôi thúc trâu phải làm việc.

    Tới Đài, các quan làm lễ tế Thần Nông theo như nghi lễ các cuộc tế khác. Tế Thần Nông xong, trâu và tượng Thần Nông được quân lính mang đi chôn sau buổi lễ.

    Tại các tỉnh, trong ngày Lập xuân cũng có lễ tế Thần Nông và lễ cũng được sửa soạn từ sau ngày Đông chí. Các quan tỉnh phụ trách việc hành lễ. Trâu và tượng Thần Nông cũng được đem chôn.



  Lễ Tế Thần Nông Của Các Dân Tộc Khác:

    Người Dao Tuyển, để cảm tạ công ơn và cầu xin cho mùa màng bội thu, nhà nhà hạnh phúc thì lễ hội ngày 6 tháng 6 âm lịch là ngày cúng Thần Nông lớn nhất trong năm. Ngoài ra họ còn thờ cúng Thần Nông vào các ngày 1 tháng 1 âm lịch và 9 tháng 9 âm lịch hàng năm.



  Một Số Vấn Đề Khác:

    Có tài liệu cho rằng Hoàng Đế và Thần Nông là một người. Có tài liệu thì lại cho rằng Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế là ba người khác nhau (gọi chung là Tam Hoàng). Thực ra tất cả chỉ đều là huyền thoại, không có gì đảm bảo là họ là ba người hay chỉ là một hoặc ba người.

    Câu hỏi tại sao người Việt nhận là con cháu của Thần Nông, một trong những ông vua đầu tiên của Trung Hoa là vấn đề được nhiều người tranh cãi. Một số nhà nghiên cứu hiện nay, dựa trên các dữ liệu về sử học, thần thoại học, ngôn ngữ học, đã giả thiết rằng Thần Nông là một vị thần có nguồn gốc từ phương nam (từ phía nam sông Dương Tử xuống đến hết Việt Nam ngày nay, đó là vùng đất cư trú của cư dân Bách Việt). Sau khi nước Trung Hoa mở rộng từ phía tây sang phía đông (giai đoạn một), rồi từ phía bắc xuống phía nam (giai đoạn hai) thì Thần Nông được người Trung Hoa sát nhập vào văn hóa của họ và được coi là một trong các "ông vua" đầu tiên của họ[cần dẫn nguồn]. Thực ra trước đó, Thần Nông đã được coi là "ông tổ" của một số bộ tộc Bách Việt. Và sau này, do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa rất mạnh, nhiều người lầm tưởng người Việt nhận một ông vua Trung Hoa làm ông tổ của mình.

Các dữ liệu ủng hộ giả thuyết trên:

  Thần Nông tức là vị thần về nông nghiệp, vị thần này thường được hình dung cưỡi trâu để đi lại nên vị thần gắn liền với văn hóa lúa nước.
  Thần Nông còn có một tên gọi khác là Viêm Đế (vua xứ nóng - vua phương nam), và được coi là vị thần cai quản phương nam.
  Cách đọc từ Thần Nông là cách đọc của phương nam, người phương bắc sẽ có xu hướng đọc là Nông Thần.
  Tuy nhiên, điều này bị phản bác rằng từ Thần Nông vẫn hiểu được theo ngữ pháp phương bắc, và có nghĩa là người nông phu-thần linh.
  Truyền thuyết của một số dân tộc thiểu số của Việt Nam (ít bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa) như người H'Mông cũng coi Thần Nông là ông tổ của nghề trồng lúa nước.



Tham khảo thêm:

  Thần Nông
Vua huyền thoại của Trung Hoa
Trị vì: 2737 TCN – 2698 TCN

Tiền nhiệm: Phục Hy
Kế nhiệm: Hoàng Đế

Tên đầy đủ: Hiệu/tên là Thạch Niên
Thân phụ: Thiếu Điển
Thân mẫu: Nữ Đăng hay An Đăng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hà Như

Cám ơn Thập Tứ Cách Cách đã có trang này, khi cần rất dễ tìm hiểu và tra cứu.
Nếu bạn không phản đối, Hà Như xin cung cấp một đoạn nói về Thần Nông trong Đại Việt Sử ký toàn thư, để bổ sung:

Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư
Quyển I
Kỷ Hồng Bàng Thị
Kinh Dương Vương
Tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông (6).
Nhâm Tuất, năm thứ 17. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh (8) lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương].
Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ.
Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long (9) sinh ra Lạc Long Quân
(Xét: Đường kỷ chép:thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi).

Ghi chú:
6 Thần Nông: theo truyền thuyết Trung Quốc, là một trong 5 vị đế thời thượng cổ, dạy dân biết cày bừa trồng trọt, cũng gọi là Viêm
Đế.
7 Theo Mục lục kỷ niên của Đại Việt Sử Ký và câu kết của Kỷ Hồng Bàng thị (NK1, 5b) thì từ năm Nhâm Tuất đến năm Quý Mão (258 TCN) cộng 2622 năm. Vậy năm Nhâm Tuất là năm 2879 TCN. Đó chỉ là một niên đại suy đoán trên cơ sở - như trong Phàm lệ đã nói rõ - muốn đặt Kinh Dương Vương ngang với Đế Nghi.
8 Ngũ Lĩnh: có nhiều thuyết khác nhau, đại khái chỉ 5 ngọn ở biên giới phía nam của Trung Quốc. Theo Quảng Châu ký, đó là các núi: Đại Dũ, Thủy An, Lâm Hạ, Quế Dương, Yết Dương.
9 Nguyên văn: "Thú Động Đình Quân nữ, viết Thần Long".
Theo câu này thì phải hiểu Thần Long là tên người con gái của Động
Đình Quân. Nhưng ở đoạn dưới (tờ 2b), soạn giả lại viết: "Kinh Dương Vương lấy con gái của Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân".
Như vậy tên của Động Đình Quân là Thần Long.

Xin nói thêm:
Chính vì vậy, khái niệm Con Rồng, Cháu Tiên không những người Việt nam (Giao chỉ) coi là Tổ tiên, mà còn nhiều dân tộc ở Nam Giao cũng như vậy.
Chữ Giao, là chỉ con Giao long, Rồng nước.

Hà Như
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

papen

Mình bản thân cũng tìm hiểu sử TQ 1 ít, không giỏi bằng nhiều người nhưng cũng muốn nói đôi chút. Theo như kiến thức của mình thì Tần Thỉ Hoàng là hoàng đế đầu tiên , thống nhất Trung Hoa. Vì thời đó có 3 Hoàng 5 Đế, và để chỉ mình cao nhất tất cả, ông ghép 2 từ đó lại , tạo thành Hoàng Đế.

Còn về truyền thuyết Hoàng Đế và Thần Nông thì thời đó phương Bắc chia làm 2 tộc lớn, 1 của Hoàng Đế và 1 của Thần Nông. Về sau Thần Nông thua phải đi về phương Nam. Trận chiến này sử TQ gọi là Xuân Thu Thời Đại 春秋时代.
Mình nghĩ để cho mọi người không nhầm nên ghi chú thêm Hán Tự:

Hoàng Đế (trong 3 hoàng 5 đế) 皇帝
Hoàng Đế (trong Thần Nông) 黄帝
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (5 bài viết)
[1]