Trang trong tổng số 1 trang (4 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

nh0crua_mt

Tôi muốn viết gì đó về nước Nga, không hẳn vì tôi yêu mến nước Nga đến nhường ấy, cũng không hẳn vì tôi biết nhiều thứ về nước Nga để có thể chia sẻ với những người khác. Tôi muốn viết về nước Nga đơn giản vì đó là một quãng thời thơ ấu của mình, là những trang sách, những bài hát, những tấm bưu thiếp, những quả táo thơm ngon, những con lật đật hai mắt tròn xoe, lông mi vẽ cong vút, những con búp bê gỗ từ nhỏ tí tẹo đến lớn, con này chui trong con kia, những bức ảnh của một cô bạn người Nga tôi vẫn còn giữ, nhưng đã quên tên. Tôi muốn viết về nước Nga cho bạn tôi đọc, để cô ấy thấy lại thời tuổi trẻ của mình, những ngày đông đứng bên con sông đóng băng, nhìn ánh đèn hiu hắt, kiếm tìm cánh chim chao nghiêng buổi chiều hôm nào, chờ đợi để lắng nghe tiếng còi tàu rúc lên quen thuộc.

Mùa đông rồi
Những cánh chim đã đi
Tìm hơi ấm tận phương nào
xa lắm....
Sông đóng băng rồi
Chẳng còn ngọn sóng
Để mỗi chiều chim chao cánh bay nghiêng.

Mùa đông rồi
Lòng sông giá băng
Những con tàu chẳng tìm ra bến đỗ
Nên tàu cũng đi
Về đâu không rõ,
Sông vắng rồi tiếng còi rúc
tương tư...

Tôi hình dung về một Matxcơva "những đàn sếu bay qua - sương mù và khói toả", những tấm biển treo dọc đại lộ "Tránh đừng đụng vào cây mùa lá rụng". Tôi hình dung một Matxcơva với những bụi xiren tím ngắt và thơm ngát nở rộ mỗi khi tháng năm về. Xiren (tử đinh hương) là hoa của mùa xuân, nhưng vì Matxcơva quá lạnh, nên chỉ tháng năm mới bắt đầu có. Tôi hình dung Matxcơva với những bó Landuska, một loài hoa dại mà các bà già hay bán ở cửa metro. Cô bạn tôi hay mua về, cắm vào những cái lọ hoặc cốc thuỷ tinh nho nhỏ, rồi mê mải ngắm những bông hoa hình chuông bé tí xíu, trắng muốt, toả mùi thơm dịu dàng. Tôi hình dung một Matxcơva với những hàng bạch dương và tiếng rì rào êm đềm của sông Volga, những cô gái đội mũ lông mắt xanh trong veo, hai má ửng hồng như trái đào, bọn trẻ con nặn hình người tuyết và vo tuyết ném nhau...

Nhưng thực ra mỗi khi hình dung về nước Nga, tôi nghĩ không nhiều đến Matxcơva, mà là những tỉnh lỵ "nơi đứng ở thềm nhà cũng có thể nhìn thấy những cánh đồng ở bên kia sông, những con đường rộng bò lên núi, những chiếc xe chở rơm trên những chuyến phà" (Bình minh mưa). Tôi tưởng tượng nước Nga qua những trang sách đã từng đọc ngày xưa, qua những Đất vỡ hoang, Sông Đông êm đềm... Nước Nga trong tôi là những bức vẽ của Levitan, những bài thơ của Puskin, là Tuyết, Bình minh mưa... của Pautopxki, nơi tôi bắt gặp những con người mộc mạc và tốt bụng với tình yêu quê hương đất nước cháy bỏng, những căn nhà gỗ ấm áp với chiếc ấm xamova và những chén trà nóng, "hương mật ong, táo chín tỏa ngất ngây", chiếc bình nhỏ cắm bó hoa đồng nội để trên mặt bàn gỗ mộc...

"Con nhắm mắt lại và thấy con mở cửa hàng rào, bước vào vườn. Mùa đông, tuyết xuống, nhưng con đường dẫn tới phong đình bên dốc đã được quét dọn sạch sẽ, còn băng bụi phủ đầy những khóm tử đinh hương. Lò sưởi trong phòng kêu tí tách. Khói bạch dương thoang thoảng. Cây dương cầm cuối cùng đã được lên dây lại và cha đã cắm những cây nến vàng hình xoắn ốc con mua từ Lêningrat vào những chân đèn. Và vẫn những bản nhạc ấy trên chiếc đàn ? Bản tự khúc của vở nhạc kịch “Con đầm Pích” và tình ca “Trên bờ cõi Tổ quốc xa xôi”. Không biết những quả chuông treo ở cửa có kêu không ? Thế là con vẫn chưa kịp chữa. Chả lẽ rồi con sẽ lại được gặp tất cả những cái đó ? Chả lẽ rồi con lại được lấy nước giếng trong bình mà rửa sạch bụi đường xa ? Cha nhớ không ? Ôi, nếu cha biết được rằng từ chốn xa xôi này con yêu mến tất cả những cái đó biết chừng nào ! Cha đừng ngạc nhiên, nhưng con nói với cha một cách thật nghiêm túc rằng con nhớ đến những cái đó trong những phút ác liệt nhất của trận đánh. Con biết rằng con đang bảo vệ không riêng gì bờ cõi đất nước mà cả cái góc nhỏ bé và thân yêu ấy trong lòng con : tức là cả cha, cả khu vườn nhà ta, cả những chú bé tóc bù xù trong làng ta, cả những cánh rừng bạch dương bên kia sông và cả con mèo Ackhip nữa. Xin cha đừng cười và đừng lắc đầu cha nhé" (Tuyết)

Nước Nga trong tôi là những con đường đất bùn lầy xa hút phía chân trời, những cỗ xe ngựa chở rơm lóc cóc gõ nhịp, là mùa đông tuyết trắng bao la, những cây bạch dương cô đơn, những cây phong gầy guộc, là những cánh đồng bát ngát yên tĩnh...

Xuyên những hàng sương gợn sóng
Mảnh trăng mờ ảo chiếu qua,
Buồn rải ánh vàng lai láng
Lên cánh đồng buồn giăng xa.

Trên đường mùa đông vắng vẻ
Cỗ xe tam mã băng đi
Nhạc ngựa đều đều buồn tẻ
Đều đều khắc khoải lòng quê

(Con đường mùa đông - Puskin)

Đã lâu lắm rồi, tôi không còn xem phim Nga, không đọc tiểu thuyết của Nga. Tuổi thơ đã ở lại, xa thật xa. "Ta đã lớn. Và Pauxtốpxki đã chết !". Nhưng trong tôi, hình ảnh một nước Nga tưởng tượng sẽ mãi là như thế.
"Cái giàu nghèo của nó là vô biên. Niềm vui nỗi buồn của nó là trường cửu"
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nh0crua_mt

Một số bài thơ của nhà thơ Bằng Việt, một người yêu thơ Pauxtopxki đến "lạ" >:D<
Nghĩ lại về Pauxtopxki
- Bằng Việt -
Đồi trung du phơ phất bóng thông già
Trường sơ tán. Hồn trong chiều lộng gió
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu...

Lẵng quả thông trong suối nhạc nhiệm màu
Hay Chuyến xe đêm thầm thì mê đắm
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa.

Có thể ngày mai ta cũng đi qua
Một cánh cửa nao lòng trong truyện Tuyết?
Có tiếng chuông rung, và con mèo Ackhip
Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong...

Xa xôi sao... thời thơ ấu sau lưng!
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
cuộc đời không phải thế!
Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể
Bể mặn mòi, sôi sục biết bao nhiêu

Khi em đến bên anh trước biển cả dâng triều
Ta thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ
Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời
Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến
Dấu đen rầm khi đáy bóng đêm trôi...

Và...hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng
Nốt cao quá, trong đời xao động quá!
Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
Lại ngọt ngào, kì lạ, lớn lao hơn...

Anh đã đi qua bão lốc từng cơn
Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất
Anh qua cả màu không gian ngây ngất
Một tiếng thầm trong nắng mới lao xao...

Em đã đến...rồi đi như một giấc chiêm bao...

Bây giờ, anh biết nói gì hơn?
Có thể, ngày mai thôi... Có thể...
Hoa tóc tiên ơi! Sớm mai và tuổi trẻ!
Lật trang nhật kí nào cũng chỉ xát lòng thêm.

Pauxtopxki là dĩ vãng trong em
Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại
Nhưng không phải thế đâu,không phải thế đâu,
anh hiểu rằng không phải...
Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!...

Đưa em đi...tất cả hóa xong rồi,
Ta đã lớn, và... Pauxtopxki đã chết !
...Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện Tuyết
Dẫu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em...!

NHỮNG NGÔI SAO 18
Những vì sao sáng đến tận cùng đêm khi em 18 tuổi
Trang sách Pauxtopxki giấu ánh mắt thật hiền
Những ngọn nến lung linh cạn mình để cháy
Có thể nào là cuộc sống của em ?

Anh chúc gì cho em ngày em 18 tuổi ?
Bản sonat quê hương mang khát vọng dâng triều ...
Những bông tuyết tan dần trong lòng tay ấm nóng
Hay bông hồng vàng... những mảy bụi tình yêu ?

Cho em khóc cùng Đanhi niềm vui 18 tuổi
Lẵng quả thông thơm ước mộng êm đềm
Cho em mở những lá thư phập phồng hi vọng
Để trao đi một tấm lòng và nhận lại một trái tim

Cuộc sống sẽ là gì sau trang sách của em ?
Nghe bàng hoàng ngày sóng xô biển động
Nghe rừng thu xao xác lá muôn chiều
Bao nỗi đau đi qua mới cháy thành hạnh phúc
Trăm niềm thương lắng lại một niềm yêu!

Anh có kết giùm em bông hồng từ gió bụi ?
Mỗi nẻo em qua, vàng trong cát thầm thì
Một thoáng ngậm ngùi len trong lòng hạnh phúc
Để ta nhắc lại Pauxtopxki

Gửi lại Pauxtopxki nỗi buồn 18 tuổi
Nhật kí tuổi thơ khép lại, nhớ thương nhiều
Lật trang sáng của một thời bão nổi
Em soi cuộc sống của mình trong đáy mắt tình yêu

Anh chúc gì cho em
Khi bầu trời
Tím đến tận cùng đêm ???
Thơ tình ngày biển động
- Bằng Việt -
Chưa bao giờ anh ước đâu em
Một ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa....

Trời ơi! Buổi sớm quá chừng thơm
Anh gặp lại hương sen năm anh mười támtuổi
Một ánh vui táo tợn của mùa hè
Khi những vệt ong hôn lên nhuỵ hoa cháy bừng như vệt lửa
Những trận lốc, những cơn mưa trước hồn anh bỏ ngỏ
Và ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa
Có thể nào anh ước đâu em!

Rất nhiều chuyện qua rồi, rất nhiều chuyện giống như quên
Sau tuổi 20 ngỡ không cần đến nữa
Chút xôn xao trong hàng cây nắng nhỏ
Giọt nước tròn rung rinh trong lá sen
Cả gợn sóng mơ hồ trong ánh mắt riêng em
Màu trời xám mênh mông ngày động biển
Cánh bướm mai hồng, cơn mơ chiều tím
Một cửa sổ lặng thầm chi chút đốm sao rơi

Hạnh phúc ta cần, thực cũng giản đơn thôi
Như chỉ ở trước ta trên một tầm tay với
Ngỡ rảo bước là sớm chiều đã tới
Suốt một đời, sao vẫn giục mình đi?

Em có thể là gì sau trang sách Pautovsky?
Là một ánh bình minh xanh mờ không thể tắt?
Hay hương mát rừng thông cao ẩm ướt?
Một áng mây khắc khoải cả mùa hè?

Anh không biết dãy phố ta đi hôm ấy gọi là gì?
Không biết lá cây trên đầu sao buổi chiều phát sáng
Giọt nước mắt giữa tình yêu, tình bạn
Những kỷ niệm nơi này xáo trộn với nơi kia...

Anh và em (chỉ thế thôi). Và không có Pautovsky
"Ta đã lớn. Và Pautovsky đã chết!"
Chỉ còn lại cuối cùng những cảm thông da diết
Của tất cả những gì vừa có lại vừa không...

("Ta đã lớn. Và Pauxtopxki đã chết", câu thơ quá hay)
"Cái giàu nghèo của nó là vô biên. Niềm vui nỗi buồn của nó là trường cửu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nh0crua_mt

Biết đến Pauxtopxki không chỉ có thơ mà ông còn thành công vang dội ở thể loại truyện ngắn như: "Bụi quý", "Lẵng quả thông ","Hạt cát", "Tuyết",v.v... với những lời văn, nhận định mang tính soi sáng chỉ đường cho không ít các nhà văn trẻ khác sau này...
Rùa chỉ xin post lên truyện ngắn "Bụi quý" của Pauxtopxki(gọi là Pautovsky thì đúng tiếng Nga hơn :D), nếu muốn tìm hiểu nhiều hơn, mọi người có thể qua bên vnthuquan.net (http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4n2nmnmn31n343tq83a3q3m3237n3n) để đọc thêm:


Truyện ngắn Pautovsky


Bụi quý

Tôi không sao nhớ ra được là mình đã biết câu chuyện anh thợ quét rác thành Pari tên là Giăng Samet như thế nào. Samet kiếm sống bằng nghề quét dọn những xưởng thủ công trong khu phố anh ở.
Samet sống trong một túp lều ở ngoại thành. Tất nhiên, có thể tả tỉ mỉ khu ngoại ô song như vậy sẽ đưa độc giả ra ngoài lề câu chuyện. Thiết tưởng chỉ cần nhắc lại rằng, đến nay, ở những khu ngoại thành Pari, vẫn còn lại những tường thành cổ bằng đất cũng đủ. Vào khoảng thời gian xảy ra câu chuyện, những bụi hoa kim ngân và sơn trà vẫn mọc um tùm trên tường thành và chim chóc làm tổ trong những bụi đó.
Túp lều của anh thợ quét rác nằm ép sát vào chân tường thành phía bắc, kề bên những ngôi nhà nhỏ bé của các bác hàng thiếc, các bác thợ giày, những người đi nhặt mẩu thuốc lá và những người ăn xin.
Nếu như Môpatxăng để ý đến cuộc sống của những người cư trú trong những túp lều nọ, hẳn ông đã viết thêm được một số truyện ngắn tuyệt hay. Có khi chúng sẽ làm cho vinh quang vốn đã rực rỡ của ông thêm nhiều ánh lấp lánh mới.
Đáng tiếc là không một người ngoài cuộc nào để mắt đến những nơi ấy, trừ lũ mật thám. Mà bọn này cũng chỉ ló mặt tới đấy trong trường hợp phải đi lùng kiếm đồ vật mất trộm.
Bằng vào biệt hiệu “Gõ kiến” mà hàng xóm láng giềng đặt cho Samet, ta phải hình dung anh là một người gầy gò, mũi nhọn và dưới vành mũ bao giờ cũng lủng lẳng một mớ tóc giống như mào chim.
Trước kia, Samet đã từng được sống những ngày sung sướng. Anh đăng lính trong quân đội của “Tiểu Napôlêông” trong thời gian chiến tranh ở Mêhicô.
Samet gặp may. Anh bị sốt rét nặng ở Vera-Krux. Anh lính ốm yếu chưa từng qua một trận đọ súng thật sự nào liền được gửi về nước. Viên chỉ huy trung đoàn nhân dịp bèn nhờ Samet đưa đứa con gái lên tám của ông tên là Xuyzan về Pháp.
Viên chỉ huy goá vợ, vì thế đi đâu ông cũng phải đèo bòng con gái theo. Nhưng lần này ông quyết định tạm xa con và gửi nó về cho người chị ở Ruăng. Khí hậu ở Mêhicô rất độc đối với trẻ con Âu. Thêm vào đó, cuộc chiến tranh du kích hỗn độn ở đây chẳng thiếu gì những nguy hiểm bất ngờ.
Trên đường Samet về Pháp khí nóng bốc ngùn ngụt trên Đại Tây Dương. Con bé suốt ngày im lặng. Thậm chí nhìn những con cá bay vọt lên khỏi mặt nước, bóng nhẫy, nó cũng chẳng mỉm cười.
Samet hết sức chăm sóc Xuyzan. Tất nhiên anh cũng hiểu rằng con bé không chỉ mong được anh chăm sóc mà còn muốn được âu yếm vuốt ve. Mà anh, tên lính của một trung đoàn thuộc địa, anh có thể nghĩ ra được cái gì trìu mến kia chứ? Anh có thể mua vui cho nó bằng cách gì đây? Đánh mạt chược với nó chăng? Hay hát cho nó nghe những bài hát thô tục của lính tráng.
Nhưng dù sao cũng không thể cứ nín lặng mãi. Càng ngày anh càng hay bắt gặp cái nhìn băn khoăn của con bé. Cuối cùng anh đánh liều kể cho nó nghe một cách không có mạch lạc, về cuộc đời mình, nhớ lại những tình tiết nhỏ nhặt nhất về một vạn chài trên bờ biển Măngsơ, những bãi cát tơi, những vũng nước khi triều xuống, ngôi nhà thờ nhỏ trong thôn với quả chuông rạn, chuyện bà mẹ anh chữa cho hàng xóm láng giềng khỏi chứng đau rát thực quản.
Samet không tìm được chuyện gì buồn cười trong mẩu ký ức đó để làm vui cho Xuyzan. Nhưng anh ngạc nhiên thấy con bé nghe một cách háo hức và thậm chí còn bắt anh kể đi kể lại, đòi biết thêm những tình tiết mới.
Samet nặn óc tìm cho ra những tình tiết ấy, mãi cho đến khi anh không còn tin được là chúng có thật. Đó không chỉ là những ký ức, mà chỉ là bóng dáng mờ nhạt của chúng. Chúng tan ra như những mảng sương mù. Thực vậy, Samet không hề ngờ rằng sẽ có lúc anh phải khôi phục lại trong trí nhớ quãng thời gian vô ích ấy của đời mình.
Có lần anh mang máng nhớ tới một bông hồng bằng vàng. Cũng chẳng ra là Samet đã trông thấy bông hồng thô kệch đánh bằng vàng đã xuống nước móc vào cây thánh giá của Chúa trong nhà một bà lão dân chài, mà cũng chẳng ra là anh đã nghe câu chuyện về bông hồng đó do những người láng giềng kể lại.
Không, đúng là anh thậm chí đã thấy bông hồng đó và còn nhớ nó sáng lấp lánh như thế nào, mặc dù bên ngoài cửa sổ không có nắng và cơn bão buồn thảm đang gầm gào ngoài eo biển. Càng về sau, Samet càng nhớ rõ hơn cái ánh lấp lánh ấy: Nó giống như những ngọn lửa nhỏ cháy sáng dưới một trần nhà thấp.
Mọi người trong thôn đều ngạc nhiên thấy bà lão dân chài không chịu bán vật quý của mình đi. Bán nó đi bà có thể thu được cả đống tiền. Chỉ một mình mẹ Samet biết rằng bán bông hồng ấy đi là có tội, bởi vì đó là quà chúc phúc của người tình bà lão tặng bà, khi bà còn là một cô gái tươi hơn hớn làm ở nhà máy đóng hộp cá xácđin ở tỉnh Ôđécnơ.
- Trên thế gian này hiếm ai có được những bông hồng vàng, - mẹ Samet nói. – Nhà nào có nó, nhà ấy sẽ được hạnh phúc. Mà không riêng gì họ, ai đụng tới bông hồng đó, người ấy cũng sẽ được hạnh phúc.
Thằng bé Samet sốt ruột đợi mãi ngày bà lão dân chài được hưởng hạnh phúc. Nhưng đến cả bóng dáng của hạnh phúc cũng chẳng thấy đâu. Ngôi nhà của bà lão run rẩy trước gió và tối tối trong nhà cũng chẳng có ánh lửa.
"Cái giàu nghèo của nó là vô biên. Niềm vui nỗi buồn của nó là trường cửu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nh0crua_mt

(tiếp theo truyện ngắn "Bụi quý")
...Thế rồi Samet bỏ làng ra đi, không đợi được đến ngày cuộc đời bà lão thay đổi. Mãi một năm sau, một người quen làm thợ đốt lò trên con tàu chở thư ở Lơ Havrơ mới kể cho anh nghe rằng con trai bà lão bất thình lình từ Pari trở về, anh chàng họa sĩ đó râu xồm, vui nhộn và có tính khí kỳ quặc. Từ ngày ấy người ta không còn nhận ra túp lều kia nữa. Nó trở nên ồn ào và dư dật. Người ta kháo nhau rằng bọn hoạ sĩ vẽ lăng nhăng cũng kiếm được ối tiền.
Một hôm, ngồi trên boong tàu, Samet đang dùng chiếc lược sắt của mình chải mớ tóc rối tung trước gió cho Xuyzan thì con bé hỏi anh:
- Anh Giăng ơi, rồi cũng có người cho em một bông hồng vàng chứ?
- Rất có thể, - Samet trả lời. - Rồi cũng sẽ có một thằng dở hơi nào đó cho em, Xuyzan ạ! Trong đại đội anh có một chú lính gầy nhom. Thằng cha thật tốt số lạ lùng. Hắn nhặt được trên chiến trường một chiếc hàm giả gẫy, bằng vàng. Cả đại đội bèn bán đi lấy tiền nhậu. Chuyện đó xảy ra hồi chiến tranh An Nam. Các chàng pháo thủ say rượu mới lấy súng cối bắn chơi cho vui, đạn rơi vào miệng núi lửa đã tắt, nổ tung trong đó, và bị bất ngờ cú này, núi lửa liền thở phì phì và phun lại. Có trời biết tên cái núi lửa đó là gì. Hình như Kraka-Taka thì phải. Nó phun mới dữ làm sao! Bốn chục người dân bản xứ đang yên lành lăn cổ ra chết. Chỉ vì một cái hàm giả hỏng mà ngần ấy người toi mạng, thật quá quẩn! Về sau mới biết ra cái hàm răng ấy là của chính ông đại tá đơn vị anh đánh rơi. Vụ này rồi sau cũng được dẹp đi – uy tín của quân đội trên hết mà. Còn bọn anh thì chuyến ấy say bí tỉ.
- Chuyện ấy xảy ra ở đâu hả anh? – Xuyzan nghi ngờ hỏi.
- Anh đã nói rồi mà, ở tận nước An Nam, tận Đông Dương cơ. Ở đấy đại dương bùng bùng lửa cháy, chẳng khác gì dưới địa ngục, còn những con sứa thì giống như những cái váy viền đăng ten của vũ nữ. Ở đấy lại còn ẩm ướt nữa chứ, đến nỗi chỉ một đêm thôi, nấm đã mọc lên trong ủng bọn anh. Anh mà nói dối thì xin cứ treo cổ anh lên.
Trước đó Samet đã nghe nhiều chuyện bịa đặt của lính tráng, nhưng riêng anh, anh chưa từng bịa chuyện bao giờ. Không phải anh không biết tưởng tượng, chẳng qua anh chưa bao giờ thấy cần phải làm như vậy. Còn giờ đây anh coi việc làm vui cho Xuyzan là một bổn phận thiêng liêng.
Samet đưa Xuyzan đến Ruăng và trao tận tay cho bác gái nó – môt người đàn bà cao lớn, có đôi môi tái nhợt và mím chặt. Bà ta đeo hạt cườm đen khắp mình trông như một con rắn ở rạp xiếc.
Con bé vừa trông thấy bà bác đã vội bám chặt lấy Samet và nép vào cái áo ca pốt bạc phếch của anh.
- Không sao! – Samet thì thầm và khẽ đẩy vào vai Xuyzan. - Bọn lính trơn bọn anh cũng chẳng được lựa chọn cho mình các ông đại đội trưởng đâu. Chịu khó vậy, Xuzi, cô lính ạ!
Samet bỏ đi. Anh ngoảnh lại mấy lần nhìn lên những khung cửa sổ của ngôi nhà buồn tẻ, ở đó đến gió cũng chẳng buồn lay động các bức rèm. Nghe rõ tiếng đồng hồ hối hả trong những quán nhỏ nằm ở các phố hẹp. Trong túi dết Samet còn giữ lại kỷ niệm của Xuyzan: một cái nơ buộc tóc đã nhàu nát màu xanh. Có trời mới biết vì sao cái băng đó lại thơm dịu đến thế, như thể nó được cất giữ trong một giành hoa tím.

Bệnh sốt rét Mêhicô đã hủy hoại sức khoẻ của Samet. Anh chưa được thăng chức đội thì đã bị thải hồi, trở về cuộc sống dân thường với hàm binh nhì.
Năm tháng qua đi torng cảnh thiếu thốn đơn điệu. Samet nếm trải hết nghề cực nhọc này đến nghề khốn khổ khác và cuối cùng anh trở thành người hót rác thành Pari. Từ đó, mùi bụi bặm và rác rưởi lúc nào cũng ám vào anh. Anh cảm thấy nó cả trong cơn gió thoảng từ phía sông Xen luồn vào trong phố, cả trong những bó hoa ướt át mà các bà lão ăn vận sạch sẽ đứng bán trên các đại lộ.
Ngày lại ngày quyện lấy nhau torng một màu vàng đục. Nhưng đôi khi trong cái màu vàng đục ấy, Samet lại thấy dấy lên trong lòng mình một áng mây hồng: Đó là bộ áo dài cũ của Xuyzan. Từ tấm áo ấy phảng phất hương xuân tươi mát như thể người ta cũng cất nó trong giành hoa tím.
Xuyzan giờ ở đâu? Em sống ra sao? Samet biết ngày nay Xuyzan đã là một cô gái trưởng thành, còn cha nàng thì đã bị tử thương.
Đã nhiều lần Samet định đi Ruăng thăm Xuyzan. Nhưng anh cứ lần lữa mãi cho đến lúc chợt hiểu rằng mình đã bỏ lỡ thời gian và chắc chắn Xuyzan đã quên hẳn anh rồi.
Anh tự mắng mình là đồ bị thịt, khi nhớ đến cuộc chia tay với Xuyzan. Đáng lẽ phải hôn cô bé thì anh lại ấn vào lưng nó, đẩy nó tới chỗ con quạ già nọ và bảo: “Chịu khó vậy, Xuzi, cô lính ạ!”
Ai cũng biết những người thợ hót rác chỉ làm việc ban đêm. Có hai nguyên nhân buộc họ phải làm vào thời gian đó: Vì rác rưởi do con ngừơi thải ra tích tụ nhiều nhất vào cuối ngày và thứ hai, những người thơ hót rác không được phép xúc phạm tới thị giác và khướu giác của người dân đất kinh kỳ. Ban đêm hầu như không có ai ngửi hoặc trông thấy việc làm của họ, trừ lũ chuột cống.
Samet đã quen với công việc về đêm và còn thích thú cái khoảng thời gian ấy là khác. Nhất là lúc ánh bình minh uể oải bắt đầu chọc thủng bóng tối trên thành phố. Sương mù vương vất trên sông Xen, nhưng sương không bao giờ bay lên quá thành cầu.
Một hôm, cũng vào một buổi bình minh mờ mịt hơi sương như thế, Samet đi trên cầu Phế Binh bắc ngang sông Xen và gặp một thiếu phụ mặc áo dài màu tím nhạt, đính đăng ten đen. Thiếu phụ đứng trên thành cầu và nhìn xuống dòng sông.
Samet dừng lại, cất bỏ chiếc mũ bụi bặm và nói:
- Thưa tiểu thư, nước sông Xen lúc này lạnh lắm. Tiểu thư nên để tôi đưa về nhà thì hơn
- Giờ đây tôi cũng chẳng có nhà.
Thiếu phụ trả lời rất nhanh và quay về phía Samet.
Samet để rơi chiếc mũ.
- Xuzi! – Anh kêu lên bằng một giọng tuyệt vọng và sung sướng đến cực độ, - Cô lính Xuzi! Cô bé của anh! Thế là cuối cùng anh cũng đã gặp em. Chắc là em quên anh rồi. Anh là Giăng Ecnet Samet đây, cái anh binh nhì ở Trung đoàn Thuộc địa số Hai Mươi Bảy đã đưa em về cho mụ bác gái tởm lợm ở Ruăng đây. Em bây giờ xinh quá đi thôi! Tóc em chải mới khéo nữa chứ! Còn anh, cái thằng lính quèn này thì chẳng biết xoay xở với mái tóc em thế nào.
- Giăng! - Thiếu phụ kêu lên, đâm bổ tới ôm lấy cổ anh và khóc, - Giăng, anh vẫn tốt như xưa. Em còn nhớ hết mà!
- Ồ, rõ vớ vẩn! – Samet lầu bầu trong miệng. – Lòng tốt của anh thì lợi lộc gì cho ai. Có chuyện gì đã xảy ra với em vậy, em gái bé nhỏ của anh?
Samet kéo Xuyzan lại gần mình và làm cái việc anh không dám làm trước kia ở Ruăng: Vuốt ve và hôn lên mái tóc óng ả của nàng. Rồi anh vội lánh ra, sợ Xuyzan ngửi thấy mùi chuột cống trên áo ngoài của anh. Nhưng Xuyzan lại càng nép chặt vào vai anh hơn
- Có chuyện gì vậy, em bé nhỏ của anh? – Samet bối rối nhắc lại.
Xuyzan không trả lời. Nàng không nén được tiếng nức nở. Samet hiểu rằng lúc này chưa nên hỏi nàng chuyện gì hết.
- Anh có một cái hang chỗ tường thành. – Samet vội vã nói. – Hơi xa đây một chút. Tất nhiên ở nhà chẳng có gì hết, nhẵn như chùi. Nhưng được cái có thể hâm nước cho nóng và nằm ngủ trên giường. Ở đó em có thể tắm táp và nghỉ ngơi. Và nói chung em muốn ở bao lâu tùy thích.
Xuyzan ở nhà Samet năm ngày. Năm ngày ấy, một mặt trời kỳ lạ cất lên trên thành Pari. Hết thảy mọi ngôi nhà, kể cả những nhà cũ kỹ nhất, ám khói, tất cả những khu vườn, thậm chí cả cái hang của Samet nữa đều rực rỡ trong những tia sáng của vừng thái dương ấy, như là những báu vật.
Ai chưa từng được xúc động với hơi thở nhè nhẹ của thiếu nữ trong giấc ngủ, người đó chưa thể hiểu thế nào là dịu dàng. Môi nàng tươi hơn cả những cánh hoa ẩm ướt và đôi hàng mi nàng lấp lánh những giọt lệ đêm.
Phải, những gì đã xảy ra với Xuyzan quả đúng như Samet dự đoán. Người tình của nàng - một diễn viên trẻ - đã phụ nàng. Nhưng năm ngày Xuyzan sống bên Samet đã đủ để cặp tình nhân làm lành với nhau.
Samet tham dự vào việc hoà giải đó. Anh phải mang thư của Xuyzan lại cho anh chàng diễn viên và đã dạy cho gã điển trai đáng ngán nọ một bài học về phép lịch sự khi gã định dúi vào tay anh vài xu tiền thưởng.
Sau đó ít lâu, anh chàng diễn viên đáp xe ngựa đến tìm Xuyzan. Và đâu lại vào đó: Một bó hoa, những cái hôn, tiếng cười qua nước mắt, lời xin lỗi và dáng vô tư ngượng ngập.
Khi đôi bạn trẻ lên đường, Xuyzan vội vã nhảy lên xe, nàng quên cả từ biệt Samet. Liền đó nàng sực nhớ ra, đỏ mặt và ngượng ngùng đưa tay cho anh.
- Em đã chọn lấy cuộc sống theo ý em, anh chỉ còn biết chúc em hạnh phúc. - Cuối cùng Samet mới lầu bầu nói.
- Em chưa biết rồi sẽ ra sao? – Xuyzan trả lời và mắt nàng ngấn lệ.
- Em băn khoăn như vậy thực là vô ích, em bé nhỏ của anh ạ! – Anh chàng diễn viên trẻ dài giọng và nhắc lại. – Em bé xinh đẹp của anh.
- Giá có ai đó tặng cho em một bông hồng vàng! – Xuyzan thở dài. – Cái đó chắc chắn sẽ mang lại cho em hạnh phúc. Em vẫn nhớ câu chuyện anh kể trên tàu, anh Giăng ạ!
- Biết đâu đấy! – Samet trả lời. – Nhưng dù sao thì người sẽ mang bông hồng vàng đến cho em cũng chẳng phải là cái anh chàng quý phái này đâu. Em tha lỗi cho anh, anh là một thằng lính, anh không ưa bọn công tử bột.
Hai người trẻ tuổi đưa mắt cho nhau. Gã diễn viên nhún vai. Chiếc xe chuyển bánh.
Thường thường cứ h ết ngày là Samet đổ đi tất cả những rác rưởi mà anh quét dọn ở các xưởng thủ công. Nhưng sau lần gặp Xuyzan, anh không đổ bụi ỡ những hiệu kim hoàn đi nữa. Anh giấu diếm đổ chúng vào một cái túi và mang về lều mình. Hàng xóm cho rằng anh chàng hót rác nọ đã trở thành ngớ ngẩn. Hiếm người biết rằng trong bụi đó có chứa bột vàng, bởi vì những người thợ kim hoàn khi làm việc thế nào cũng làm hao đi chút xíu kim loại quý đó.
Samet quyết định sẽ sàng bụi lấy vàng, đúc thành một thoi nhỏ và dùng nó đánh một bông hồng vàng mang lại hạnh phúc cho Xuyzan. Mà rất có thể, như mẹ anh đã nói, nó còn mang lại hạnh phúc cho nhiều người khác nữa. Biết đâu đấy! Anh quyết không gặp lại Xuyzan khi bông hồng chưa được làm xong.
Samet không kể cho ai nghe chuyện đó. Anh sợ bọn cảnh sát và nhà cầm quyền. Ai mà biết được bọn quan toà nhiễu sự sẽ giở trò gì. Chúng có thể buộc anh vào tội ăn cắp, tống anh vào tù và lấy mất số vàng anh có. Dù sao vàng cũng chẳng phải của anh.
Trước khi đăng lính, Samet là cố nông trong trang trại của một ông mục sư nông thôn và vì thế anh biết sàng sẩy. Những hiểu biết đó đối với anh bây giờ hoá ra lại có ích. Anh nhớ rằng khi quạt lúa mì thì những hạt nặng sẽ rơi xuống đất, còn bụi thì bị gió cuốn đi.
Samet làm một cái quạt gió nho nhỏ và đêm đêm, ở sân nhà, anh quạt bụi lấy được trong các hiệu kim hoàn. Anh hồi hộp mại cho đến lúc trông thấy lờ mờ một lớp bụi vàng lấp lánh trên ngăn gỗ.
Đến lúc có đủ bụi vàng để đánh thành thỏi thì đã mất nhiều thời gian lắm. Nhưng Samet chưa đưa cho người thợ kim hoàn đánh bông hồng vội.
Không phải Samet thiếu tiền thuê thợ. Bất cứ người thợ kim hoàn nào cũng bằng lòng đánh bông hồng để lấy tiền công bằng một phần ba thỏi vàng và như thế họ cũng đã hài lòng lắm rồi.
Duyên do không phải vì thế. Càng ngày, giờ gặp gỡ Xuyzan càng gần. Nhưng không biết từ lúc nào, Samet bắt đầu sợ cái giờ ấy.
Tất cả sự trìu mến từ lâu dồn nén trong đáy lòng, Samet muốn dành cho nàng, cho Xuzi. Nhưng ai cần đến cái trìu mến của con người tàn tã và dị dạng này chứ! Samet từ lâu đã nhận thấy rằng, gặp anh, người ta chỉ muốn bỏ đi cho nhanh và quên phứt cái bộ mặt hốc hác xám ngoét với làn da chảy xệ và đôi mắt chòng chọc của anh.
Trong túp lều của Samet có một mảnh gương vỡ. Hoạ hoằn lắm Samet mới soi gương. Nhưng hễ cứ nhìn vào là anh lại văng một câu chửi tục và quăng vội mảnh gương đi. Thà đừng nhìn thấy mình còn hơn, cái thân hình gớm ghiếc lê lết trên đôi chân tê thấp khập khiễng.
Cuối cùng, khi đã đánh xong bông hồng, Samet mới biết Xuyzan đã rời Pari đi Mỹ từ một năm trước, và theo người ta nói, nàng đi hẳn, không về nữa. Không ai có thể cho Samet biết địa chỉ của nàng.
Thoạt đầu, Samet thậm chí còn thấy nhẹ hẳn người. Nhưng rồi tất cả sự chờ đợi cuộc gặp gỡ đầm ấm và thanh thản với Xuyzan, không hiểu sao, đã biến thành một mảnh sắt gỉ. Mảnh sắt nhọn ấy mắc trong lồng ngực anh, ngay ở bên tim và Samet cầu trời cho nó mau mau đâm thẳng vào trái tim ốm yếu ấy đi, cho tim anh vĩnh viễn ngừng đập.
Samet bỏ việc quét dọn trong các xưởng kim hoàn. Anh nằm trong túp lều của mình mấy ngày liền, quay mặt vào tường. Anh im lặng và chỉ mỉm cười một lần, đưa cánh tay áo cũ lên mắt. Không ai nhìn thấy anh khóc. Hàng xóm láng giềng cũng chẳng có ai sang thăm anh. Người nào cũng đã có chán vạn cái lo âu bận bịu của mình.
Chỉ có một người theo dõi Samet. Đó là người thợ bạc đứng tuổi đã đánh từ thỏi vàng ra một bông hồng rất tinh xảo. Cùng trên một cành, bên cạnh bông hoa, người thợ bạc đánh thêm một nụ hồng bé nhỏ và nhọn hoắt.
Người thợ bạc đến thăm Samet nhưng không đem thuốc đến cho anh. Ông ta cho rằng có mang cũng vô ích.
Thực thế, Samet đã lặng lẽ qua đời trong một lần đến thăm của người thợ bạc. Ông ta nâng đầu anh thợ quét rác lên, lấy ở dưới cái gối xám ra bông hồng vàng bọc trong chiếc nơ nhàu nát màu xanh, khẽ khép cái cánh cửa cọt kẹt lại, rồi thong thả đi ra. Từ chiếc nơ xông lên mùi chuột.
Lúc đó vào cuối thu. Màn đêm rung động vì gió và vì những đốm lửa nhấp nháy. Người thợ bạc nhớ đến nét đổi thay trên mặt Samet sau khi anh chết. BỘ mặt trở nên nghiêm nghị và trầm tĩnh. Người thợ bạc thấy niềm cay đắng hiện trên mặt anh còn tuyệt đẹp nữa là khác.
“Cuộc sống không coh người ta cái gì thì cái chết lại đem cho người ta”. Người thợ bạc vốn quen với những ý nghĩ rẻ tiền nghĩ như vậy và thở dài.
Ít lâu sau, người thợ bạc đem bông hồng vàng nọ bán cho một nhà văn đã có tuổi ăn mặc lôi thôi lốc thốc, và theo nhận xét của bác thợ, nhà văn này cũng chẳng giàu có gì cho lắm để có thể cho phép mình mua một vật đắt tiền đến thế.
Hẳn câu chuyện về bông hồng vàng do người thợ bạc kể lại cho nhà văn đã đóng vai trò quyết định trong việc mua bán nọ. Nhờ những ghi chép của nàh văn già mà mới có người biết được câu chuyện đau buồn trong đời người cựu binh Trung đoàn Thuộc địa thứ Hai Mươi Bảy là Giăng Samet.
Trong những ghi chép của ông, nàh văn đại khái có viết:
“Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hướng dương đang bay hay lửa sao trong một vũng nước đêm - tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng.
Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh “Bông Hồng Vàng” của ta - truyện, tiểu thuyết hay là thơ.
Bông hồng vàng của Samet! Đối với tôi có phần nào là hình tượng tương lai của hoạt động sáng tạo của chúng ta. Thật là lạ lùng khi chẳng có ai chịu bỏ sức lao động của mình ra nghiên cứu xem từ những hạt bụi quý ấy đã phát sinh ra nguồn văn học sinh động như thế nào.
Nhưng cũng giống như bông hồng vàng của ngừơi thợ hót rác già kia làm ra là để cho Xuyzan được hạnh phúc, sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của trái đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối cho chúng ta rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt.”
"Cái giàu nghèo của nó là vô biên. Niềm vui nỗi buồn của nó là trường cửu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài viết)
[1]