Trang trong tổng số 4 trang (32 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Tản mạn Huế...

Tôi là một người Huế, hiện đang ở Huế, và yêu Huế từ khi còn bé thơ cho đến tận bây giờ_ yêu đến nỗi khi có một thời phải xa Huế và tưởng chừng không còn được trở về Huế nữa tôi đã buồn khôn tả. Vậy nên, khi được trở lại Huế, xe vừa qua khỏi địa phận Đà Nẵng - ngay trên đỉnh đèo Hải Vân, tôi đã bắt gặp mình đang khóc ngon lành! Một tình yêu sâu nặng đối với quê hương trào dâng khiến tôi chẳng còn thấy xấu hổ vì khóc trước mặt mọi người.

Huế thật yên bình, thật lặng lẽ. Nhịp đời đi ở Huế cho đến tận bây giờ vẫn cứ mang dáng dấp của một xứ sở trầm tư. Có nhiều người cho Huế chậm phát triển, Huế nghèo và quá giàu chất thủ cựu! Ý kiến này không phải không có lý, bởi loài người đã tiến vào thế kỷ 21 rồi, bởi 2 đầu đất nước và ngay cả Đà Nẵng gần bên cũng đã quá sôi động! Song vì Huế là Huế; vì nếu Huế cũng mang trong lòng quá nhiều sự tất bật, quá nhiều sự phồn hoa, quá nhiều hành trình công nghiệp thì liệu Huế có còn là Huế trong lòng những người yêu Huế?!
Lòng tôi cũng giùng giằng như dòng Hương Giang, nửa muốn quê hương mình giàu lên, người dân xứ Huế mình bớt nghèo, bớt khổ, nửa vẫn muốn Huế đừng đánh mất bóng dáng của chính mình!
Có phải vì tâm trạng ấy, nỗi niềm ấy mà Huế luôn không bứt thoát khỏi nỗi day dứt của nhân tình?
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Ai cũng có một miền quê để thương, để nhớ, đặc biệt khi người ta phải đi xa... Dẫu quê hương có mưa dầm thối đất, có nắng nóng như muốn thiêu người, có lụt lội , có bão tố, có cằn khô... quê hương vẫn đáng yêu, đáng nhớ. Với rất nhiều người Huế, sinh ra, lớn lên trên mảnh đất còn nhiều gian khó này, khi xa Huế, trong lòng họ, bên cạnh nỗi nhớ người thân, bao giờ vẫn canh cánh một nỗi niềm luyến lưu, da diết với Huế đến nao lòng.

Nỗi nhớ có khi rất là rõ rệt: những con đường quen thuộc vẫn đi về ngày còn học phổ thông; những sớm chiều đến trường, tan lớp với bạn bè ríu rít, hồn nhiên; những buổi tình cờ được nghỉ học, rủ nhau đạp xe loanh quanh với những đồi dốc ngoại vi thành phố đến với Nam Giao, Ngự Bình; lang thang trong các vườn chùa Tây Thiên, Từ Hiếu, Linh Mụ, Huyền Không...Hoặc những ngày ôn thi học kỳ, trong công viên bên bờ sông Hương, một thoáng ngẩn người thẩn thờ vì bóng ai trông thật quen vừa đạp xe lướt qua trên đường Lê Lợi, hoặc vì bất chợt nhận ra: sao Huế mình xanh thế, đẹp thế!
Nỗi nhớ có khi cũng rất mơ hồ: chỉ biết nhớ, rất nhớ, nhớ đến muốn khóc, nhưng nếu có người hỏi, nhớ nhất điều gì có khi lại không biết trả lời sao!
Chả lẽ lại bảo tôi nhớ Huế vì Huế nhỏ bé nên dễ gói trọn vẹn vào tim!
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

demmuadong

Về loài hổ...

Lần ấy, đó là lần duy nhất mà ta nhìn thấy lũ hổ con ở vườn Bách Thú, vậy là ta đã giành tình yêu cho chúng, những con vật hung dữ nhưng lại vô cùng tình cảm và đáng yêu...

Đã lâu lắm rồi ta mới lại cảm thấy quan tâm tới một vấn đề xã hội. Ông ấy đã tự bỏ tiền ra để nuôi dưỡng được 41 con hổ (ngưỡng mộ và ghen tị vô cùng). Bất kể ông ấy nuôi chúng vì mục đích gì, huống chi là phi mục đích, thì đó cũng là một việc làm có ích, cho xã hội và cho loài hổ. Ta cảm thấy hiểu nỗi buồn của ông ấy khi họ mang bất cứ con hổ nào trong đàn hổ ấy ra khỏi lồng của ông ấy, ta buồn và cảm thấy phẫn nộ vô cùng...

"Nhớ rừng"... bài thơ ấy đã phần nào nói lên tâm trạng của những con hổ phải xa rừng. Tuy trang trại ấy chưa phải là rừng nhưng cũng còn hơn là ba tầng cũi sắt và những con người vô cảm ở cái trung tâm cứu hộ động vật quý hiếm ấy. Loài hổ trung thành, loài hổ thuỷ trung lắm...
... Thì cứ say cho xa đừng phải nhớ.
Thì cứ điên cho đổ vỡ đừng buồn...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Miên

Hoa loa kèn... Cái tên thì thô thô nhưng hương thơm lại nồng nàn kỳ lạ. Dáng hoa vươn thẳng kiêu hãnh, trong sáng gợi cho ta hình ảnh một cô gái có vầng trán nhô cao bướng bỉnh. Cô ấy không xinh, không khéo, nhưng vẫn tỏa ra nét ngời ngời âu yếm, có cái nhìn trong vắt tin yêu đối với con người.
Đó là cảm nhận của tôi khi ngắm một bông hoa loa kèn trắng. Đặc biệt, hoa này khi còn non nớt, phía trong cánh hoa ánh lên màu xanh kỳ diệu, khiến bông hoa trở nên thanh thoát vô cùng. Loa kèn cắm nhiều bông trong một lọ cũng đẹp, mà chỉ cắm một bông thôi cũng đáng yêu.
Nhưng đôi khi hương hoa về đêm nồng nàn quá, đến nỗi nhiều người không chịu nổi, phải mang lọ hoa để ra ngoài sân cho mùi hương tan bớt đi... Có phải cũng như một cô gái yêu hết mình, hết lòng, yêu đến độ tình yêu của cô khiến người ta sợ hãi mà lảng đi. Phải vậy chăng?
Dù thế nào mặc lòng, tôi vẫn yêu loài hoa ấy. Cũng như muốn được giống như cô gái trong tưởng tượng kia - được yêu một ai đó hết lòng, không tính toán!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Tản mạn về loài hoa tôi yêu...
   

   Tôi không biết chắc là mình yêu hoa gì nhất...

   Lắm lúc ngồi tự nghĩ, tự hỏi, rồi cũng cứ thấy mơ hồ, không xác định được. Có điều tôi biết chắc chắn rằng mình không chọn hoa hồng - loài hoa vương giả - ở vị trí độc tôn trong lòng mình.

   ***
   Thông thường tôi yêu những loài hoa mang màu trắng, kể cả những loài hoa dại, li ti, li ti bên vệ đường, trong đám cỏ hoang dã. Với màu trắng tinh khiết, có vẻ mỏng manh, chúng càng làm tôi thích ngắm nhìn...Hình như với các loài hoa màu trắng trời lại thường phú cho chúng một làn hương thật mộc mạc, đằm thắm, dịu dàng.

   Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ mình yêu mê cây hoa Mộc ở góc vườn nhà Ông nội như thế nào! Hồi đó, mỗi sáng , ông tôi thường có thói quen uống trà sớm. Trước khi pha trà, bao giờ ông tôi cũng ra vườn, khi thì ngắt mấy nhánh hoa Soái trắng, buổi lại hái một chùm hoa Mộc nhỏ xíu , rồi vào nhà, thong thả bỏ chúng vào trong bình trà vừa pha...Chén trà chế ra mang màu vàng xanh của lá trà, quyện thêm hương hoa mộc mạc, hấp dẫn ngay cả với một con bé 7, 8 tuổi như tôi!
   
     Lớn hơn một chút, mỗi sáng sau khi đã áo dài tề chỉnh, ôm cặp sách đi học, ngang qua chỗ cây hoa Mộc, lúc nào tôi cũng thò tay qua hàng rào chè tàu, ngắt một chùm, thả vào trong một trang vở. Đến trường, mở trang vở ra, cái mùi thơm thoang thoảng, ngòn ngọt của hoa Mộc lại lan vào khứu giác, dễ chịu vô cùng...

   Bây giờ tôi vẫn còn yêu hoa Mộc và nhớ làn hương thơm của ngày xưa, nhưng tiếc thay, không tìm đâu ra được một cây hoa Mộc để trồng. Tôi vẫn nuôi ý định tìm và vẫn để ý tìm nhưng loài cây mộc mạc đó dường như cũng đã trôi theo cùng ký ức, hiếm hoi một cách lạ kỳ. Tết này, đến thăm nhà một người quen, thấy cây hoa mộc được đưa về từ đâu , tôi mừng rỡ như được gặp người thân cũ bao năm lại tìm về. Anh ấy thấy tôi thích, có hứa sẽ để ý tìm và tặng cho một cây, nhưng tôi thì không tin lắm bởi không biết đến bao giờ lời hứa đó mới thành hiện thực!

   Trong vườn nhà tôi bây giờ cũng có nhiều cây ra hoa màu trắng với làn hương thơm không hẳn giống nhau: Quất, Mai Chiếu Thủy, Thiết mộc Lan, Trúc lưu ly và cả một cây hoa gì chưa biết tên chính xác. Lúc đầu, có việc đến nhà một BS quen, thấy ông thân sinh của anh ấy chăm sóc vườn cây cảnh, tôi lại lân la hỏi tên cây này, cây khác. Bác ấy thấy tôi cũng yêu thích cỏ cây nên đã nhổ tặng một cây con mà Bác bảo là cây Xơ-ry. Tôi thích lắm, vì vẫn nhớ những xe đẩy ngùn ngụt trái Xơ- ry đỏ thắm, hấp dẫn của đất Sài thành. Đem về trồng, chăm ẳm mấy năm nay, năm ngoái vừa cho quả bói. Hoa nở ra màu trắng, thật thơm, thật mảnh, bao giờ đi ngang qua cây này tôi cũng ghé mắt ngắm nhìn. Quả có khến và nhỏ như quả Chùm ruột, mới đầu có màu vàng non, sau chín chuyển sang màu đỏ thẩm, rất đẹp...

   Những hương hoa đó, có loài chỉ bộc lộ mình về đêm , ngào ngạt như Thiết mộc lan; còn thường thì chỉ khoe hương vào lúc sáng sớm như hoa quất, hoa Mai Chiếu Thủy, hoa Trúc Lưu Ly, còn ban ngày, hương hoa lẫn khuất đi đâu hết!

   ***
   
   Nhưng để cắm hoa trong nhà thì tôi lại chỉ thích hoa Loa kèn trắng hoặc hoa Cẩm Chướng!
   Những năm trước, cô học trò cũ vẫn thường cứ thấy có hoa lạ là mua mang về biếu cô, nhiều lúc cũng chẳng biết tên hoa là gì. Để làm sang, thỉnh thoảng cô bé lại mang mấy cành hoa Ly kiêu sa về tặng. Hoa đẹp bởi sắc hồng pha trắng, nở chậm và lâu tàn, hương hoa lại thơm đáo để. Tôi lại không chịu nỗi cái mùi hương nồng nàn này nên ban đêm lại phải mang nó để tận ngoài hiên, nghĩ cũng tội cho đời hoa quá kiêu sa!

   Ở Huế mấy năm gần đây, người ta nhân giống , trồng nhiều loài hoa kèn trắng. Cánh hoa trắng muốt, vươn dài như cái cần cổ thơ ngây mà quý phái của mấy cô Tôn nữ xưa. Nụ hoa khi nở không phô hết sắc hương riêng mà vẫn giữ được cái vẻ chúm chím như một nụ cười hiền thục, có lẽ vì thế mà tôi thích chăng?

   ***
  
   Nhưng để ngắm hoa ngoài trời, giữa thiên nhiên cảnh sắc thì tôi lại chỉ thích ngắm hoa sen, hoa súng! Những khi có dịp ngang qua các cổng thành của Huế trong mùa hạ, tôi lại lấy hết sức bình sinh, hít một làn hơi dài để hương hoa sen dưới Hộ thành Hào vào hết trong buồng phổi! Những lúc đó, buồn đến mấy cũng sẽ tan thôi! Những lúc đi xa, khi ô tô hoặc tàu hỏa chạy ngang qua những đầm sen, những hồ trồng đầy hoa súng, tôi lại cảm thấy lòng đột nhiên thanh thản, vui lên. Trong tôi lại mênh mang, mênh mang những cảm xúc, hoài niệm...

   Cái sắc sen hồng, sen trắng, súng tím ...sao mà hợp lòng tôi đến thế! Có lẽ tôi yêu chúng nhất, thật rồi!
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

CÓ NÊN ĐỌC PAUSTOVSKI KHÔNG?

Thật ra, câu hỏi này tôi đặt ra cho thằng cu con của tôi chứ muốn hay không muốn, nên hay không nên, tôi cũng đã trót đọc Paustovski mất rồi. Những ngày thơ bé... Ngoài trời mưa lạnh. Trong nhà ấm sực hơi nhà, hơi mẹ, hơi cha, hơi ấm từ cái má nẻ của thằng em bé bỏng... cả hơi bếp lửa trấu và hơi ấm của con mèo mướp gày gò nữa. Đọc Paustovski trông không gian ấy thật sự là rất đặc biệt. Chính vì thế mà những câu văn của ông cứ đọng lại mãi, cho đến bây giờ, sắp già rồi, vẫn còn nhớ... Mọi người thử đọc xem này:

Một cánh cửa kính để mở. Bên ngoài cánh cửa, đằng sau những chậu thu hải đường, một bụi tử đinh hương ướt nước mưa lấp lánh dưới ánh sáng yếu ớt từ trong phòng lọt ra qua cửa kính. Mưa bụi thì thào trong bóng tối. Những giọt nước nặng hối hả đập vào lòng máng.



Vườn hoa kéo dài tới tận cuối phố. Cổng mở. Liền sau cổng là những con đường rậm rạp, bỏ hoang, không người chăm sóc. Trong vườn có mùi lá ướt, hơi lạnh của đêm khuya. Đó là một khu vườn cũ, đen ngòm những cây bồ đề cao lớn. Chúng đã rụng hết hoa và đã hơi yếu ớt. Chỉ mỗi một lần gió ào ào kéo qua là cả khu vườn xao động tưởng chừng như có một trận mưa rào nặng hạt vừa đổ xuống rồi lại tạnh ngay.
Cuối vườn là bờ sông dựng đứng trên mặt nước và bên kia là những chân trời trước rạng đông ướt sũng nước mưa, ánh phù tiêu mờ mờ phía dưới, sương mù, tất cả nỗi buồn những ngày mưa mùa hạ.



Ráng chiều vàng lộng lẫy trong công viên thành phố. Chớp loang loáng trong bóng đêm bên kia sông Dnhieprơ. Tưởng như ở đó có một đất nước chưa ai biết đến - một đất nước đầy giông tố và ẩm thấp - tràn ngập tiếng lá chuyển động ào ào.

Mùa xuân trút xuống thành phố cơ man nào là hoa dẻ vàng nhạt với những cánh lốm đốm đỏ. Hoa nhiều đến nỗi khi trời mưa chúng rơi thành đống, ngăn nước mưa lại và làm một số đường phố biến thành những hồ con.

Từ trong cửa sổ toa tàu, chị bất thần trông thấy một cánh rừng bạch dương thưa thớt và một lưới mạng nhện mùa Thu ánh lên trong nắng... Và thế là chị muốn nhảy ào ra giữa lúc con tàu đang chạy để được ở lại cánh rừng ấy...


Paustovski rất giỏi tả phong cảnh... Đôi khi tôi cảm giác mình chẳng cần biết câu chuyện sẽ diễn biến ra sao, chỉ cần được thả mình trôi theo những lá, những nắng, những hoa, thậm chí cả mưa lạnh giá buốt trong câu chữ của nhà văn - thế thôi đã đủ cảm thấy cuộc đời ấm áp và đáng yêu đến thế nào... Đặc biệt, tất cả những loài hoa đồng nội của Nga đều có mặt trong hai tập truyện của Paustovski - tử đinh hương, uất kim cương, hoa xuyên tuyết, bồ công anh....

Những cái tên sao mà kiêu kỳ, nhưng lại thân thương đến thế. Có lẽ Paustovski là người thổi vào trái tim những người đọc Việt Nam tình yêu nước Nga. Đối với hội nhóc con thì còn khủng khiếp hơn: Paustovski đã biến bọn chúng thành những người mơ mộng.

Đọc Paustovski và trở thành những người mơ mộng :-)...
Điếu ấy tốt hay là không tốt? Nên hay là không nên?


Sau này con tôi lớn lên có nên "xui" nó đọc Paustovski không?



Hôm nay cu con đi chơi về, đã hái được mấy bông hoa Bồ công anh đầu tiên của mùa Hoa vàng năm nay. Hôm qua mới chỉ đầy những bông mẹ-dì ghẻ đầu mùa. Chính hoa Mẹ-dì ghẻ cũng từng xuất hiện trong truyện của Paustovski. Nó giống Bồ công anh lắm nhưng bé hơn nhiều.. và mọi người có biết tại sao nó có cái tên kỳ lạ đến độ thằng bé nhà tôi nghe thấy thì lăn ra cười vì cho rằng “Mẹ đùa con à mẹ?” không? Bông hoa bé xíu, vàng rực, có một lớp cánh mềm thật mềm và một lớp cánh cứng thật cứng. Mềm mại – là mẹ đấy. Cứng rắn – là dì ghẻ đấy. Tâm lý mọi dân tộc điều giống nhau nhỉ? Thực ra đâu phải dì ghẻ nào cũng độc ác như người ta thường nghĩ!



Vì nhìn thấy mấy bông hoa Mẹ-Dì ghẻ này mà tôi nhớ đến Paustovski, nhớ đến những cuốn sách cũ kỹ đầy vết mối gặm dán nhấm của mình. Cái mùi giấy oi oi nồng nồng, cái màu giấy đen xám với những chữ kiểu đánh máy cổ cổ…. sao mà lôi cuốn đến thế! Những cuốn sách cũ sờn, quăn mép ấy chứa đựng cả một thế giới kỳ ảo và dịu dàng! (mà sao người lớn đã dạy phải giữ sách, sách vẫn bị quăn mép nhỉ?)

Bây giờ người ta đưa những cuốn truyện ấu thơ mình đã từng đọc lên mạng. Không biết mọi người thế nào, chứ tôi sợ không dám ngó vào những trang đó, chỉ lo mất đi cảm giác đầm ấm thú vị khi cầm mãi cuốn sách trên tay… Những dòng chữ rõ ràng hiện lên màn hình… lại trôi tuột khỏi đầu cùng bàn tay rê chuột của mình… Chẳng còn gì đọng lại!
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Hoa Xuyên Tuyết đã viết:


Hôm nay cu con đi chơi về, đã hái được mấy bông hoa Bồ công anh đầu tiên của mùa Hoa vàng năm nay. Hôm qua mới chỉ đầy những bông mẹ-dì ghẻ đầu mùa. Chính hoa Mẹ-dì ghẻ cũng từng xuất hiện trong truyện của Paustovski. Nó giống Bồ công anh lắm nhưng bé hơn nhiều.. và mọi người có biết tại sao nó có cái tên kỳ lạ đến độ thằng bé nhà tôi nghe thấy thì lăn ra cười vì cho rằng “Mẹ đùa con à mẹ?” không? Bông hoa bé xíu, vàng rực, có một lớp cánh mềm thật mềm và một lớp cánh cứng thật cứng. Mềm mại – là mẹ đấy. Cứng rắn – là dì ghẻ đấy. Tâm lý mọi dân tộc điều giống nhau nhỉ? Thực ra đâu phải dì ghẻ nào cũng độc ác như người ta thường nghĩ!

Vì nhìn thấy mấy bông hoa Mẹ-Dì ghẻ này mà tôi nhớ đến Paustovski, nhớ đến những cuốn sách cũ kỹ đầy vết mối gặm dán nhấm của mình. Cái mùi giấy oi oi nồng nồng, cái màu giấy đen xám với những chữ kiểu đánh máy cổ cổ…. sao mà lôi cuốn đến thế! Những cuốn sách cũ sờn, quăn mép ấy chứa đựng cả một thế giới kỳ ảo và dịu dàng! (mà sao người lớn đã dạy phải giữ sách, sách vẫn bị quăn mép nhỉ?)

Bây giờ người ta đưa những cuốn truyện ấu thơ mình đã từng đọc lên mạng. Không biết mọi người thế nào, chứ tôi sợ không dám ngó vào những trang đó, chỉ lo mất đi cảm giác đầm ấm thú vị khi cầm mãi cuốn sách trên tay… Những dòng chữ rõ ràng hiện lên màn hình… lại trôi tuột khỏi đầu cùng bàn tay rê chuột của mình… Chẳng còn gì đọng lại!
Lần đầu tiên mình nghe đến cái tên của loài hoa này! Nó độc đáo ghê nhỉ? Chả trách Dế bảo Mẹ đùa! :) Có lẽ vì mình đã không đọc Paustovski! :D. Văn học Nga, mình chỉ biết và đọc được sau ngày 30/4/75, lại chủ yếu là đọc dòng văn học viết trong thời chiến tranh vệ quốc và xây dựng XHCN , trước nữa thì chỉ có " Chiến tranh và hòa bình", " Anna Karenina" ( giờ viết lại thế kô biết có chính xác không nữa! :"> )
Bây giờ thì còn tệ hơn, lười cả đọc sách trên giấy và cả trên mạng nữa, chỉ khi vào các diễn đàn mới " cóp nhặt" từ các bài được mọi người post lên như thế này đây! :P. Giờ mà có nói cho ai nghe mình đã từng một thời say mê đọc sách, có lẽ chẳng ai sẽ tin đâu, nhỉ?! :D
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Hi hi, sao lại không tin hả chị? Cô giáo dạy Văn cơ mà!
Hồi xưa sách không nhiều như thế này, nhưng em có cảm giác người đánh máy cũng đánh chậm rãi và thận trọng hơn. Em nhớ những mẩu giấy "đính chính" kèm trong cuốn sách :-).. Chứ bây giờ, sách sang và đẹp nhưng sai sót nhiều mà chẳng có lời nào xin lỗi cả...
Giờ em nhớ những cuốn sách ngày xưa là em nhớ ngay hình dáng cuốn đó... , nơi em đã ngồi hoặc.. nằm đọc (đôi khi chui vào chăn cùng một chiếc đèn pin :-P), nhớ mùi của giấy và nhớ lúc ấy mình tưởng tượng những gì. Hì hì.. Nói ra thì xấu hổ quá, không biết có phải thời xưa cha mẹ nghèo, mình không được ăn nhiều cao lương mĩ vị hay không mà em luôn luôn nhớ như in những đoạn tả ... đồ ăn. Bánh xèo má Bacbơranh nhá... Món "bánh bọc thịt" trong cuốn "Chó hoang Đin-gô" mà khi ăn người ta "rưới dấm vào và nuốt như nuốt những ngọn lửa nhỏ"... Món xôi ngào đường trong Tảng Sáng của Võ Quảng nhá... Ôi cả món nhộng ăn với bánh tráng... mà sao Võ Quảng tả món ăn sinh động thế không biết!
Chắc tại em háu đói :-P...
À, nói đến Văn học Nga... Chị ơi, hồi bé em đọc nhiều lắm. Thời xưa các dịch giả dịch tuyệt vời thật đấy (trong đó có bố chồng em và thày giáo của em). Đến khi có thể đọc nguyên tác, em vẫn cảm thấy trọn vẹn những cảm xúc ban đầu của thời nhỏ, khi đọc qua bản dịch.
Có lẽ chị chưa đọc "Chó hoang Đin-gô" - cuốn này thời bọn em mới có. Nhưng mà hôm nào chị tìm đọc đi chị nhé, em nghĩ chị sẽ thích. Cuốn sách nói về những tâm sự của tuổi mới lớn, nhưng nó nhẹ nhõm và tinh tế lắm, đến nỗi bây giờ lớn tuổi rồi đọc lại, vẫn tìm thấy hình ảnh mình trong đó.
Nói chung nền văn học Nga rất đồ sộ, đọc mãi đọc mãi sẽ bị chìm nghỉm trong đó... Bây giờ em cũng ít đọc lắm, chỉ toàn nhai lại thôi. Những cuốn đang "hot" của Nga thì em không đọc được, không thấy hay...
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Miên

"Như dải lụa mềm lấp loáng dưới ánh dương", bia ký vua Thiệu Trị đã ví dòng Hương như thế. Cao Bá Quát lại nhìn thấy nơi sông Hương hình ảnh một "thanh kiếm dựng trời xanh". Còn mảnh đời của người sông Hương thì mãi nổi trôi giữa đôi bờ dải lụa và thanh kiếm...

Bút ký của Vĩnh Quyền

Lên mười, tôi trốn mạ đi tắm sông lần đầu tiên. Sông Hương. Rong dài quấn lấy chân, sổc nước muốn chết ngộp. Đó cũng là lần duy nhất cho đến bây chừ tôi uống nước sông Hương. Lớn lên, chong đèn đọc Đại Nam thực lục chính biên, tới câu vì nước sông thơm ngọt nên có tên Hương giang, tôi tủm tỉm cười một mình trong đêm, thoáng ngờ vực. Tôi muốn "chủ động" uống nước sông quê lần nữa, lổn xuống đáy sông xem có đúng là có loài tảo thạch xương bồ vương hương trong rong? Mãi chỉ là ý muốn. Mà thử làm chi? Đã là nước sông quê tất phải ngọt lành, mát thơm. Huống hồ đó là sông Hương!


Thuyền tôi thả xuôi từ Bãng Lãng. Thế là vẫn còn đấy mối nợ với trường giang điệp điệp. Bởi nửa đời trai Huế đi khắp đó đây mà lại chưa đổt chân tới cõi thượng nguồn Hương Giang. Núi Trường Động nguồn tả, núi Chấn Sơn nguồn hữu vẫn là điểm hẹn hành hương. Ngồi trên mạn thuyền có thể trông lên những kiến trúc lừng danh của cố đô ẩn hiện sau màu xanh cây lá sum sê. Đó chính là sự lựa chọn tuyệt vời của những người tiên phong mở cõi. Năm 1836 vua Minh Mạng đúc cửu đỉnh, hình tượng sông Hương được chạm khắc vào Nhân đỉnh. Năm 1843 vua Thiệu Trị dựng bia đình ghi nhận vẻ đẹp và công lao của sông Hương. Năm 1850, vua Tự Đức xếp sông Hương vào trật tự điển, nghĩa là sông được cúng tế hàng năm. Ân điển các bậc vua chúa dành cho sông Hương cũng chỉ là cách bày tỏ lòng biết ơn con sông của con người đó thôi.

Thuyền qua Nguyệt Biều rồi tới Kim Long. Cũng trên quãng sông này, 356 năm về trước, chúa Nguyễn Phúc Lan tổ chức thao diễn thủy binh liên tục ba ngày đêm với trên hai nghìn quan quân, hai mươi thuyền chiến sơn son thếp vàng lộng lẫy để...bốn nữ tu Tây Ban Nha thưởng thức! Số là tháng 2 năm 1645, thuyền Tây Ban Nha bị bão đánh giạt vào cửa Hội An. Được tin báo trên thuyền có bốn nữ tu Thiên Chúa, chúa Nguyễn Phúc Lan hạ lệnh triệu các nàng ra dinh chúa ở Kim Long để...xem mổt. Cuộc thao diễn trên sông Hương gọi là đáp lễ. Thực ra, nhà chúa muốn 50 sĩ quan và binh lính tháp tùng các nữ tu trên tàu Tây Ban Nha tận mắt chứng kiến thanh thế của lực lượng hải quân từng đánh tan hạm đội Hà Lan hùng mạnh trên biển Đông năm trước, 1644. Chúa Nguyễn Phúc Lan rõ là một "ông Huế" lãng mạn và kiêu hùng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Miên

Cũng trên dòng sông này, những chiến thuyền lừng danh triều Nguyễn đã ngược xuôi một thuở. Trong đó có chiếc Long Phi và Phụng Phi của vua Gia Long do hai sĩ quan người Pháp chỉ huy. Đó là J.B Chaigneau và P. Vannier. Nhưng sông Hương cũng trải qua những năm tháng bi tráng cùng vận nước. Năm 1880, trước mối nguy pháo hạm Pháp tiến vào kinh thành theo sông Hương, đại thần Tôn Thất Thuyết đích thân chỉ huy công trình xây đập phòng ngự, giăng xích sắt và bố trí pháo đài ở cửa sông, Thuận An. Gỗ lim chuyển từ các tỉnh phía bắc vào không đủ, ông lệnh tháo dỡ 17 kho lúa ở Quảng Trị lấy gỗ tốt bổ sung khẩn cấp. Bao nhiêu lính thợ bỏ mình trong hai năm thực hiện nhiệm vụ sử sách không chép rõ, chỉ biết là nhiều lắm... Hoà ước năm 1883 có điều khoản buộc triều đình nhà Nguyễn phải phá bỏ đập phòng ngự để pháo hạm Sơn Ca của Đô đốc Courbet ngược sông Hương vào Huế. Và năm 1916, một đêm không trăng sao, sông Hương chứng kiến cảnh vua Duy Tân bí mật rời hoàng thành xuống thuyền ở bến Thương Bạc tham gia khởi nghĩa Cần Vương. Lửa hiệu khởi nghĩa vừa bùng lên đã bị dập tắt ngay sau đó...

Từ Dã Viên đến cồn Hến, thuyền tôi trôi giữa lòng phố Huế. Quãng sông dài hơn 3.500 mét ấy như dành cho những hoạt động văn hoá, du lịch và có lẽ quãng sông đẹp đẽ gần gũi này đã chảy vào tâm thức người Huế và người yêu Huế. Kỷ niệm tuổi trẻ của tôi ở Huế trải theo chiều ngang dòng Hương hơn là chiều dọc. Nên chi đôi khi thích bến đò Thừa Phủ có ngày phục hồi để những tà áo trắng nữ sinh Đồng Khánh lại quyện gió sông Hương qua về giữa đôi bờ không gần không xa đó. Nên chi mỗi lần về Huế lại thích một mình thong thả qua cầu Trường Tiền ngó trông áo tím con gái nhà ai âm thầm đổi màu theo ráng trời sắc nước chiều hôm. Nên chi giận ai trùng tu cầu Trường Tiền mà nỡ quên những khoang dừng chân thơ mộng của cầu cũ, cứ bắt người ta xếp hàng một, thúc gót chân nhau đi miết đi hoài...

Sự giận dỗi nhẹ nhàng của tôi bỗng lây qua những người cùng thuyền. Thế là ca ngợi sông chán, câu chuyện chuyển qua ta thán con người. Theo đó, người Huế, nhất là những người có trách nhiệm và thẩm quyền với sông Hương, với Huế phải thương quý chăm sóc con sông hơn nữa. Mà thương sông cũng như thương một cô gái. Hãy giữ cho cô được thanh tân như xưa. Đừng bày đổt chuyện xây nhà nghỉ cho chuyên gia Hồng Kông nhô cả móng đá cản dòng chảy của sông, xây kè bêtông trước Đại học Sư phạm nơi chẳng hề bị xói lở trong mưa lũ làm mất nét mềm mại của sông. Vân vân... "Sáng tạo" nào cũng tiêu tốn hàng chục tỉ đồng để rồi bị phản ứng phải phá bỏ. Sông Hương là trái tim, là "mổt tiền" của thành phố Huế. Mọi kiến trúc, chỉnh trang hai bên bờ sông cần ghi khắc điều đó. Những chiếc thuyền rồng phục vụ du khách trên sông Hương cũng đến lúc cần điều chỉnh. Hiện nay, các cơ quan trách nhiệm dường như chỉ quản lý nội dung và đánh thuế các hoạt động dịch vụ văn hoá trên sông chứ chưa quan tâm đến vẻ đẹp hài hoà giữa "thuyền rồng" và dòng sông. Sông Hương rộng trên dưới 350 mét, một chiều rộng lý tưởng, tỉ lệ đẹp với không gian Huế. Nhưng hàng năm số lượng "thuyền rồng" càng tăng và những con rồng ấy có xu thế mập phì, trông cứ như những chiếc thùng vuông vuông khổng lồ chen chúc làm chật chội mổt sông. ấy là chưa kể các chủ thuyền tô rồng vẽ phụng quá đỗi vụng về, thậm chí có nhiều "con" đã "trầy vi tróc vảy" bởi mưa nắng bất thường xứ Huế mà chẳng được sửa sang...".

Sau bữa cơm cá thệ sông Hương, cá ngon đến mức đã thành danh trong Phủ biên tạp lục, tôi xin thuyền cổp bến khách sạn Hương Giang vì có hẹn với hai người Huế rất Huế: chị Thái Kim Lan và anh Nguyễn Văn Dũng. Ai không biết trước Thái Kim Lan là nữ tiến sĩ dạy triết ở đại học bên trời Đức mà nghe chị nói chuyện hoổc đọc tuỳ bút của chị thì cứ nghĩ chị chưa rời khỏi Huế nửa bước. Lấy một câu của chị làm bằng chứng: Có chắc chắn chi một cơn gió heo may, để cứ đinh ninh mùa thu mãi hoài chìm trong màu tím. Có bền bỉ chi những cơn mưa đuổi nhau trên đầu sóng, để cứ mãi tin từ đây bốn bề hiu hắt "lòng rộng không che"! Anh Dũng đã "để dành" một chỗ tâm đắc chờ tôi: Góc xa của sân thượng khách sạn. Nơi đây có thể nhìn bao quát hơn một nửa không gian Huế và được ngắm quãng sông Hương dài nhất, gần nhất. Sông từ dãy núi lam im lìm phía tây, vượt ba cây cầu, chảy tụ dưới chân mình rồi chuyển hướng thật dịu dàng, nghe lời dụ dỗ của con sóng biển đông, lãng xa mình mà đi...Tôi bảo ở nơi đây có thể nhận ra hình tượng thanh kiếm của sông Hương trong thơ Cao Bá Quát? Anh Dũng lắc đầu: "Có lẽ họ Cao đã đứng trên đỉnh Kim Phụng để viết câu thơ nớ, mình đã trèo lên tới đó rồi...". Tôi lại cười mình ngớ ngẩn, hồi đó làm chi có sân thượng khách sạn Hương Giang cho Cao Bá Quát uống rượu ngắm sông? Anh Dũng cho biết còn hai nơi để nhìn ngắm sông Hương nữa: Chùa Thiên Mụ và Công viên Tứ tượng.

Nhưng khi đã chia xa với sông Hương trong mưa dầm gió bấc, tôi thấy những chỗ tuyệt vời để ngắm vẻ đẹp dòng Hương mà anh Nguyễn Văn Dũng dày công khảo sát, chắt lọc dường như chưa đủ. Với tôi, sông Hương đẹp nhất khi được nhìn từ thẳm sâu ký ức. Bởi đó là con sông quê hương...

Nguồn: http://www1.laodong.com.v...uan2002/vh-xh/trang41.htm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (32 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối