Trang trong tổng số 1 trang (2 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Trăng Quê

Sương trắng bạch dương gồm 68 bài thơ tình đặc sắc của những nhà thơ lớn của Nga do Nguyệt Vũ dịch và Vân Chi biên dịch tiếng Nga. Ngoài những tên tuổi đã khá quen thuộc với bạn đọc Việt nam như Olga Becgôn, Yesenin, Puskin, Nguyệt VŨ xin giới thiệu với các bạn những tên tuổi đã lừng danh khắp nước Nga như A.A.Fet, Yulia Drunnina, Balmont, Asadov và Rubtsov. Tác phẩm đã được NXB Văn học ấn hành và được phát hành bởi Nhà sách Đông Tây và Nhà sách của NXB Văn học.

Với sự biên dịch kỹ lưỡng của PGS- TS Đinh Thị Vân Chi – trường đại học Văn hóa, người đã từng học tập và nghiên cứu tại Nga nhiều năm, hy vọng bạn đọc yêu thơ Nga sẽ đón đọc Sương trắng bạch dương một cách hài lòng nhất. Các tác giả và các bài dịch phần lớn đã được giới thiệu trên Tạp chí Văn học nước ngoài,  các báo Văn Nghệ Trẻ, Quân đội Nhân dân, Người Hà nội và gần đây nhất một chùm thơ của Olga Becgon được giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Vũng tàu số 10/2010. Nguyệt VŨ chân thành cảm ơn tới NXB Văn học, họa sỹ Văn Sáng, PGS TS  Vân Chi và một số bạn bè tại diễn đàn nuocnga.net đã giúp tôi hoàn thành tác phẩm tâm huyết này.

Sương trắng bạch dương đang được phát hành tại:
Nhà sách Đông Tây:
62 Nguyễn Chí Thanh, Hà nội
16 Hàng Tre, Hoàn Kiếm , Hà nội
Thư viện Cafe Đông tây nhà 11A Trần Quý Kiên, Cầu giấy, Hà nội
Sách Hà nội, 245 Nguyễn Thị Minh Khai. Q.1, TP Hồ Chí Minh.

Nhà sách của NXB Văn học tại 18 Nguyễn Trường Tộ - Hà nội.
Nhà sách Thanh Xuân, trường đại học Hà nội.
Nếu một mai kiệt sức quỵ bên đường
Em sẽ mang theo gương mặt anh rạng rỡ
Mùa Thu reo chấm nắng vàng sớt lửa
Pha bột màu thương nhớ vẽ trời yêu!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phạm Thôn Nhân

.
LỜI TỰA TẬP THƠ SONG NGỮ  "SƯƠNG TRẮNG BẠCH DƯƠNG"  CỦA DỊCH GIẢ NGUYỆT VŨ     (TỨC NHÀ THƠ VŨ THỊ MINH NGUYỆT)  DO NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC XUẤT BẢN NĂM 2010

LỜI TỰA

    Đất nước Nga trong tôi là tiếng bạch dương reo, là mùa đông tuyết trắng là mùa thu vàng rực rỡ, là mùa hè hoa nở bạt ngàn trong những công viên tự nhiên rộng mênh mông. Con người Nga trong tôi là những con người nồng hậu, ấm áp và rộng mở trái tim.

    Ba mươi năm trước đây khi còn là một cô bé ngồi trên chiếc xe khách từ sân bay Quốc tế Mockva về ngoại vi thành phố, tôi như được lạc vào thế giới thần tiên. Những hàng phong đỏ rực, những cánh rừng bạch dương, khẳng khiu thân trắng…
    Đường phố rộng sạch tinh và những chiếc lá vàng rơi lao xao. Đó là cái cảm nhận đầu tiên của một cô bé từ luỹ tre xanh Việt nam với một mùa thu đầy sắc màu lộng lấy.
Kể từ độ ấy mỗi bận thu về lại xôn xao nỗi nhớ, nhớ một xứ sở diệu kỳ, nơi tôi đã có những ngày tháng thời sinh viên thơ mộng nhất. Những buổi chiều mùa thu cùng người yêu nắm tay tung tăng chạy trong công viên tự nhiên, đắm say đến tận bây giờ.
    Có lần tôi nói với đám bạn, giá mình được trở lại Nga lần nữa. Bạn tôi bảo thôi đừng quay lại, ngày xưa xa rồi, mọi thứ đều khác. Không quay lại may ra còn giữ lại những kỷ niệm đẹp…
    Một đứa lại bảo dù đất nước Nga bây giờ không còn như xưa nữa nhưng có hai thứ không bao giờ thay đổi đó là “ thiên nhiên Nga và con gái Nga”. Cả lũ cùng cười!
    Và mùa thu Nga, không nơi nào đẹp như vậy. Chả thế mà có bức tranh Mùa thu vàng của Levitan quyến rũ mê hồn.
    Và thơ tình Nga.
   Rất nhiều người biết đến Olga Berggoltz với những dòng thơ dịu dàng và sâu lắng, bà là người phụ nữ tài hoa và bất hạnh, số phận thăng trầm sau mỗi cuộc tình.
        …Nếu chẳng nhớ em
                                  như một người yêu,
        xin đừng nhớ em - như một người quen cũ,
        mà nhớ em như một giấc mơ…

    Là người phụ nữ yêu đắm đuối mê say và cũng đau khổ vật vã vì yêu nên thơ của bà đi vào lòng người  với rất nhiều cung bậc khác nhau. Bà tự ví mình như cây ngải đắng, qua bao thăng trầm vẫn bền bỉ sống và nở hoa bên đời.
     Thơ của A. A Fet chưa được dịch nhiều ở Việt nam, nhưng những ai đã từng đọc thơ ông đều bị đam mê giống như có chất gây nghiện. Ngôn ngữ thơ của Fet trong trẻo và tinh khiết, các bài thơ thường ngắn và cô đọng. Thiên nhiên Nga trong thơ ông đẹp đến lạ lùng, ông viết nhiều về những đêm trăng huyền diệu và tình yêu. Những bài thơ tình của Fet mang sắc thái vườn cổ tích : dịu dàng, mê đắm và thánh thiện. Các cung bậc của tình yêu như hồi hộp, sợ hãi, lo âu, bỏng rát và run rẩy … được thể hiện một cách tinh tế trong ngôn từ đẹp và sang trọng khiến người đọc ngộp thở như chính mình đang trong vườn yêu.
        Trong ảo huyền đêm, em của tôi!
        Làm sao nén nỗi buồn được nhỉ?...
        Em như tình yêu, rạng ngời đến thế,
        Trong đêm yên lặng trắng sao trời.

      Yesenin mãi trong lòng người yêu thơ như một chàng hoàng tử đẹp trai, mái tóc bồng bềnh và ánh mắt xanh như nước hồ thu. Cuộc đời ngắn ngủi nhưng tài năng của thi sỹ bùng cháy như một ánh sao băng. Tình yêu thiên nhiên, đất nước con người Nga đã làm cho thơ Yesenin có nhạc, có hoa, có trăng sao và chim họa mi ca hát. Những dòng sông êm đềm, những con suối róc rách hoan ca hay buổi chiều thợ cày trở về làng.
        Đêm. Tất cả im lìm.
        Chỉ suối reo róc rách.
        Trăng riêng mình lấp lánh
        Dát bạc cả thế gian.

     Những câu thơ đẹp mê hồn, tinh tế và giàu sức biểu cảm, âm điệu thơ uyển chuyển, ngôn từ trong sáng làm rung động hàng triệu trái tim độc giả không chỉ nước Nga mà trên toàn thế giới.

     Aleksandr Sergeevich Pushkin là mặt trời thi ca Nga. Nhà văn Nga Nikolai Gogol viết: “Pushkin là một hiện tượng đặc biệt, và có thể là một hiện tượng duy nhất của hồn Nga. Trong con người này,  thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga, tiếng Nga, tính cách Nga được phản ánh một cách trong sáng, bằng một vẻ đẹp trong sáng, tưởng như một bức tranh phong thủy hiện lên trên nền một tấm kính trong veo”…
    Thơ của Pushkin ngắn gọn súc tích, giàu âm thanh hình ảnh và luôn đọng lại trong lòng người đọc những lời thơ thánh thiện ngọt ngào như suối lặng mây bay. Thơ của ông đã đi hết tình yêu với tất cả các cung bậc sướng vui, đau khổ, hờn ghen, hậm hực cả thất vọng nữa…
" Tác phẩm văn chương mà không vỗ vào bản năng con người thì không ai đọc". Ai đó đã nói như vậy .
     Yulia Vladimirovna Drunina là một nhà thơ nữ của quân đội Nga. Trong chiến tranh lửa đạn những vần thơ của bà vẫn toát nên vẻ nữ tính dịu hiền. Khao khát được yêu thương, khao khát được mềm mại ngả đầu vào vai người đàn ông của mình. Những bài thơ của bà luôn ngắn gọn và súc tích nhưng mềm mại bởi nỗi buồn man mác.
        Nhưng chiều nay tiếng súng đã lặng yên
        Mùa đông về tuyết dày trắng phủ
        Em không muốn nhớ về quá khứ
        Chỉ muốn làm người đàn bà -
        ngỡ ngàng, nhút nhát -
        Ngả đầu vào vai anh.

     K. Balmont là một nhà thơ có dòng dõi quý tộc. Ông là một trong những nhà thơ Nga viết nhiều thơ xô nê và thành công với thể thơ khó và phức tạp này.
     Một số các nhà thơ lớn khác của Nga như Eduard Asadov hay Nicolai Mikhailovich Rubtsov cũng có những tác phẩm làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại.

     Năm năm ( 1981-1986) sống và học tập tại Liên Xô cũ, những kỷ niệm về nước Nga một thời ấm mãi trong tim. Và với tất cả tình yêu của mình đối với nước Nga, Nguyệt VŨ muốn dịch và giới thiệu với các bạn đọc Việt nam tập thơ song ngữ Sương trắng bạch dương. Tập thơ gồm 68 bài thơ tình của 8 nhà thơ Nga nổi tiếng. Đây là một tập thơ dịch tri ân lại đất nước và con người, nơi Nguyệt VŨ đã được sống và học tập trong những năm tháng tuổi trẻ của mình.

       Với Nguyệt VŨ việc dịch thơ là một công việc khó và đòi hỏi một lao động nghiêm túc. Người dịch thơ phải giỏi cả ngoại ngữ lẫn tiếng Việt. Dịch làm sao vừa bám sát nguyên tác, thoát được thông điệp của bài thơ vừa phải đảm bảo dịch thơ ra thơ. Nguyệt VŨ muốn người Việt nam được đọc thơ Nga giống như tác giả người Nga đã viết ra chứ không phải do ý chí sáng tạo chủ quan của dịch giả. Tiêu chí dịch thơ của Nguyệt VŨ là bám sát nguyên tác với khả năng tối đa nhất .
      Với sự biên dịch kỹ lưỡng của PGS- TS Đinh Thị Vân Chi – Giảng viên trường đại học Văn hóa, người đã từng học tập và nghiên cứu tại Nga nhiều năm , hy vọng bạn đọc yêu thơ Nga sẽ đón đọc Sương trắng bạch dương một cách hài lòng nhất. Các tác giả và các bài dịch phần lớn đã được giới thiệu trên Tạp chí Văn học nước ngoài,  các báo Văn Nghệ Trẻ, Quân đội Nhân dân và Người Hà nội.

     Nguyệt VŨ chân thành cảm ơn tới Nxb Văn học, họa sỹ Văn Sáng, PGS TS  Vân Chi và một số bạn bè tại diễn đàn nuocnga.net đã giúp tôi hoàn thành tác phẩm tâm huyết này.

Hà nội - Thu 2010.

.
Thiên trường địa cửu vô chung tất
15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài viết)
[1]