Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [24] [25] [26] [27] [28] [29] [30] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mục lục

(tiếp theo từ trang 25)



206. Mối đe dọa mới cho môi trường

207. Lâm tặc “mở hội” ở Vườn quốc gia Yok Đôn

208. Vào rừng diệt bẫy  (Phùng Mỹ Trung)

209. Cảnh báo về việc phá hoại vùng đất thiêng Ba Vì

210. Tòa án Brazil cản dự án thủy điện trên sông Amazon

211. “Phân lô” lòng hồ Dầu Tiếng  (Quang Khải)

212. Đập Tam Hiệp: Đã quá muộn để sửa chữa

213. Lá cây nhân tạo sản xuất ra điện

214. Rừng và sông đầu nguồn tan nát  (Đức Tuyên)

215. Giải nhất cho giấc mơ từ cuộc sống  (Đoàn Cường)

216. Lợi ích nhóm đã gây khó cho việc bảo vệ nguồn nước  (Mai Quốc Ấn)

217. Lá chắn xanh ở Vàm Rầy  (Khổng Loan)

218. Khi công bố đồng nghĩa với tận diệt  (Phùng Mỹ Trung)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đàng sau chiến dịch quảng bá việc sử dụng khí đốt đá phiến:

Mối đe dọa mới cho môi trường



TT - Các tập đoàn dầu khí toàn cầu đang mở chiến dịch dữ dội nhằm vận động châu Âu, Mỹ và các nước tăng cường khai thác khí đốt đá phiến thay vì đầu tư vào năng lượng sạch. Thế nhưng, đằng sau chiến dịch này là gì?

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=493724
Người dân bang New York, Mỹ biểu tình phản đối các hãng dầu khí sử dụng công nghệ “gây nứt gãy bằng thủy lực” để khai thác khí đốt đá phiến - Ảnh: AP



Các công ty dầu khí hàng đầu thế giới như Royal Dutch Shell, GDF Suez và Statoil đang quảng bá khí đốt khai thác từ các tầng đá phiến là một loại nhiên liệu rẻ, thân thiện với môi trường, trong bối cảnh giá dầu ngày càng tăng vọt, còn than thì quá bẩn.

Khí đốt đá phiến sạch hay bẩn?
Chủ tịch Hãng Shell James Smith tuyên bố lựa chọn khí đốt đá phiến sẽ giúp thế giới “có chỗ để thở” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Luận điểm của các công ty năng lượng dựa trên báo cáo của Hãng tư vấn McKinsey, do tổ chức vận động hành lang Diễn đàn vận động khí đốt châu Âu (EGAF) thuê viết. Theo báo cáo này, Liên minh châu Âu (EU) có thể tiết kiệm được 900 tỉ euro (1.300 tỉ USD) mà vẫn hoàn thành mục tiêu giảm khí thải vào năm 2050 nếu đầu tư vào khí đốt thay vì năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió... Báo cáo này đã được đưa đến tận tay Chủ tịch EU Jose Manuel Barroso cùng hàng loạt cao ủy EU cũng như thành viên Nghị viện châu Âu (EP).

Ở Mỹ, chiến dịch vận động cũng diễn ra dữ dội. Chỉ riêng tại bang New York, năm 2010 các công ty đã chi 1,6 triệu USD cho nỗ lực vận động chính quyền bang nghiêng về khai thác khí đốt đá phiến. Công nghệ chính để khai thác khí đốt từ các tầng đá phiến là “gây nứt gãy bằng thủy lực”, nghĩa là bơm nước, cát và hóa chất vào tầng đá phiến, tạo ra các vết nứt để dễ dàng hút dầu và khí đốt trong lòng đất.

Khí đốt đá phiến có thật sự là năng lượng thân thiện với môi trường? Theo báo cáo của McKinsey, sản xuất điện từ khí đốt sẽ giúp giảm 50% khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với than. Tuy nhiên, thực tế không được như vậy. Theo nghiên cứu của ĐH Cornell (Mỹ), hoạt động khai thác khí đốt từ đá phiến bằng công nghệ “gây nứt gãy bằng thủy lực” khiến khí methane và CO2 rò rỉ ra môi trường. Methane gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 20 lần so với CO2. Do đó, giới chuyên gia xác định các nhà máy điện chạy bằng khí đốt đá phiến xả ra khí nhà kính nhiều hơn 20% so với nhà máy điện chạy than.

“Sẽ là cực kỳ sai lầm nếu quảng bá khí đốt đá phiến khi trên thực tế nó gây hiệu ứng nhà kính còn tệ hơn than - chuyên gia Quỹ Thiên nhiên hoang dã (WWF) Jenny Banks khẳng định - Chúng ta cần loại bỏ khí đốt từ nguồn này, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và khai thác tiềm năng của nhiên liệu thay thế”.

Bơm chất độc vào đất
Tại Mỹ đã có những cảnh báo về tác hại môi trường nghiêm trọng của công nghệ “gây nứt gãy bằng thủy lực”. Theo báo cáo điều tra của Ủy ban Năng lượng và thương mại Hạ viện Mỹ (CEC), từ năm 2005-2009 tổng cộng 14 công ty dầu khí hàng đầu nước Mỹ bơm 780 triệu gallon (2,95 tỉ lít) chất lỏng, chứa 750 loại hóa chất khác nhau vào trong đất ở 13 bang để khai thác khí đốt. Điều đáng nói là trong số các loại hóa chất được sử dụng có 29 loại gây ung thư, bị xếp vào dạng gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Trong số đó có những loại cực kỳ độc hại như methanol, benzene, axit lưu huỳnh và chì.

Trên thực tế, các tập đoàn dầu khí đang áp dụng công nghệ “gây nứt gãy bằng thủy lực” để khai thác khí đốt trên phạm vi toàn thế giới.

Kết quả điều tra của báo New York Times cho thấy các công ty dầu khí Mỹ chuyển nước thải chứa nhiều độc chất từ các dự án sử dụng công nghệ “gây nứt gãy bằng thủy lực” tới các nhà máy xử lý nước thải không được thiết kế để xử lý nước thải chứa quá nhiều chất độc như vậy. Và các nhà máy này đã xả nước thải ra sông hồ.

Theo tài liệu của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), các nhà máy ở Pennsylvania xả nước thải đã qua xử lý nhưng vẫn chứa lượng benzene cao gấp 28 lần mức cho phép ra một con sông trong vùng hồi tháng 5-2008, thậm chí còn chứa cả chất phóng xạ cao gấp nhiều lần mức cho phép. Hiện tại EPA đang điều tra nghi vấn này.

HIẾU TRUNG (Theo Guardian, NYT, Cornell.edu)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Lâm tặc “mở hội” ở Vườn quốc gia Yok Đôn

- Hàng trăm cây gỗ quý bị đốn hạ. Hàng ngàn khối gỗ theo lâm tặc về xuôi. Yok Đôn - một trong những vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam (thuộc huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) đang bị lâm tặc xâu xé đến hoang tàn…
Lâm tặc “phản đòn”

Sáng 25.4, trước những bức xúc của dư luận về việc lâm tặc hoành hành trong Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn, UBND huyện Buôn Đôn đã “tưng bừng” làm lễ ra quân truy quét lâm tặc.

http://images.danviet.vn/CMSImage/Resources/Uploaded/baogiay2/113_8_go-huong-bi-lam-tac-don-ha.jpg
Cây gỗ hương có đường kính gốc hơn 1m bị lâm tặc đốn hạ ngay trong ngày ra quân “truy quét lâm tặc”.

Thế nhưng cũng trong sáng 25.4, cách nơi đang diễn ra lễ “diệt giặc rừng” gần 10km theo đường chim bay, tại tiểu khu 499 của VQG Yok Đôn, một cây gỗ hương có đường kính gốc hơn 1m bị đốn hạ. Rất kỳ lạ là không hiểu sao người báo tin lại không gọi cho những người có chức trách đang chủ trì buổi lễ kia để lập luôn chiến công trong lễ ra quân, mà lại báo cho các phóng viên - những người không có khả năng bắt lâm tặc?

Qua trạm bảo vệ rừng số 2 của VQG, theo đường 6B khoảng 2km là nơi vừa xảy ra vụ việc. Một cây hương cổ thụ “ngã nhào” ra đường. Cú “ngã” của nó khiến 2 cây căm xe bên cạnh cũng “qua đời”.

Về số phận của cây hương, nó bị hạ bởi một nhát cưa rất ngọt. Phần giữa dài khoảng 2m - đoạn đẹp nhất của cây đã bị lấy đi. Và tại hiện trường vết xe cải tiến còn hằn sâu từ gốc cây chạy thẳng ra đường lộ thênh thang, nơi luôn có ít nhất vài cán bộ kiểm lâm VQG qua lại tuần tra...

Xâu xé Yok Đôn

Đường 6B, nơi chúng tôi vừa đi, ô tô có thể đạt tốc độ 100km/giờ. Ngoài con đường này, để dễ dàng cho việc tuần tra rừng tại VQG Yok Đôn, người ta còn mở hàng loạt đường rộng thênh thang.

Đi trên đường 6B, chỉ một đoạn dài chừng 3km, chúng tôi đã đếm được đến trên 30 cây hương bị xẻ thịt. Ở đó, đường đi của lâm tặc nhẵn thín như đường vào nhà. Và tất cả những con đường ấy đều xuôi về dòng Sê Rê Pôk. Cách trạm bảo vệ rừng số 3 - nơi luôn có ít nhất 2 kiểm lâm “trấn giữ” - chừng 50 m, chúng tôi đếm được hơn 40 gốc hương bị đốt thành than.

Vườn quốc gia Yok Đôn không âm u, không phải vượt suối, leo đèo để tuần tra. Ở đó có 170 người được giao nhiệm vụ giữ rừng 24/24 giờ. Thế nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn: VQG Yok Đôn đang bị tàn sát.

Ông Đoàn Xuân Thiện - cán bộ VQG, người dẫn đường chúng tôi, “thuyết minh”: “Giám đốc VQG chỉ đạo đốt để xoá dấu vết đấy. Vụ này xảy ra cách đây vài tháng thôi”. Một đồng nghiệp của tôi nhẩm: “40 gốc này nếu bán đi đủ tiền xây cái nhà kha khá đấy. Tiếc nhỉ!”.

Tại các tiểu khu 507, 508, 419, 420, 484, 408, 434, 425, 421… được bảo vệ nghiêm ngặt nhất đang có một thực tế rất bất thường. Những nơi đó, thậm chí nhiều kiểm lâm của VQG còn chưa được đặt chân đến lại chính là nơi “mở hội” của lâm tặc. Điều đó không khó nhận ra, chỉ cần đi một vòng quanh tiểu khu 507 bằng ô tô thôi cũng đủ thấy “ngày hội” của lâm tặc lớn đến chừng nào.

Ở đấy dấu xe của lâm tặc vẫn còn hằn chằng chịt trên đất. Mất 2 giờ khảo sát các tiểu khu 507, 434, chúng tôi đã thống kê được hơn 100 cây hương chỉ còn lại gốc và cành ngọn. Ngoài những cây đã được phát hiện có bút tích của kiểm lâm, rất nhiều cây vẫn chưa được kiểm lâm “sờ” đến. Nếu quy thành tiền thì số tài sản bị mất tại hai tiểu khu này đã lên tới cả chục tỷ đồng.

Bỏ ruộng nương theo lâm tặc

Việc lâm tặc “tề tựu” về Yok Đôn không chỉ khiến rừng tan hoang, tài nguyên quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng mà còn khiến tình hình an ninh địa phương trở nên vô cùng phức tạp.
Tại xã Krông Na (Buôn Đôn), một xã vùng 3 biên giới còn hết sức khó khăn của tỉnh Đăk Lăk, hầu hết trẻ em đều biết dùng điện thoại di động. Hiện tượng lạ này được những người am hiểu giải thích rằng: Chúng được lâm tặc chu cấp và đào tạo để làm... cộng sự. Hàng ngày, những đứa trẻ này ngoài việc chăn bò trên rừng, chúng còn được giao “nhiệm vụ” báo tin nếu thấy có dấu hiệu bất lợi cho lâm tặc. Và dĩ nhiên chúng sẽ được trả công xứng đáng.

Ông Đào Kim Anh - Chủ tịch xã Krông Na, cho biết, vào “mùa lâm tặc” (mùa khô) xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động bà con xuống đồng. Không kể già trẻ, gái trai... lâm tặc “tuyển dụng” tất. Những người không được “tuyển dụng” cũng khó cưỡng lại trước nguồn lợi khổng lồ từ rừng. Họ tự sắm dụng cụ đi làm lâm tặc. Hoặc nếu không có tiền, sức khoẻ yếu thì họ vào rừng “ăn hôi”. Chỉ với việc “ăn hôi”, người ta cũng có thể kiếm vài trăm ngàn mỗi ngày. Tình trạng này đã được xã ra sức xử lý nhưng hiện nay vẫn còn ít nhất 1/3 số lao động của địa phương bỏ ruộng nương, “đầu quân” cho lâm tặc; một số học sinh của Trường THCS Võ Thị Sáu bỏ học lên rừng...

“Nhiều năm nay, tình hình trật tự địa phương vốn đã phức tạp lại càng thêm phức tạp bởi sự “hội tụ” của các đối tượng làm ăn phi pháp. Nhiều người và phương tiện ra vào địa bàn không kể ngày đêm, gây mất trật tự an ninh và xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.


(Còn nữa)
Duy Hậu - Quang Tạo
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vào rừng diệt bẫy



SGTT.VN - Ít ai ngờ trong một khu bảo tồn thiên nhiên mà lại toàn cạm bẫy, từ bẫy cùm, thòng lọng đến đú cá! Để bảo vệ động vật hoang dã, trách nhiệm của đội ngũ kiểm lâm là truy tìm cho ra những cạm bẫy nguy hiểm ấy.

http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=135096
Kiếm lâm Tuấn đang chặt đứt từng chiếc cần bẫy



“Nếu chẳng may đạp dính bẫy cùm thì dù có mang đôi giày tốt như của ông cũng khó tránh khỏi bị thương ở cổ chân. Khoẻ như bò rừng, heo, nai cũng không thoát khỏi, vì loại bẫy cùm này quá lợi hại. Còn các loại bẫy thòng lọng thì con gì đi qua cũng dính từ chuột, cheo cheo đến chồn… Tuần trước, một con khỉ đuôi heo Maccaca leonis gần chục ký dính bẫy hai ngày không thoát được, may mà chúng tôi gặp nên cứu được nó. Tận diệt nhất là các loại đú, loại bẫy có thể bắt sạch từ rắn, cá, kỳ đà, thú nhỏ... Cứ chui vào là chết chắc!”, đó là những chia sẻ của trạm phó kiểm lâm Rang Rang thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai (Đồng Nai) Nguyễn Đình Năm với chúng tôi trong một đợt khảo sát ở khu vực các anh quản lý.

Sau bữa sáng, chúng tôi chuẩn bị la bàn, giày, thuốc, vớ chống vắt và nước uống, dao, thức ăn trưa... rồi cùng nhau tiến về hướng suối Rang Rang. Hành trình hôm nay khá dài: khoảng 20km đường xuyên rừng. Đúng 7 giờ xuất phát, rừng rậm chào đón chúng tôi bằng một bụi mây rậm đầy gai. Đi được khoảng hơn 2km, mọi người chuẩn bị vượt qua một con suối nước đến ngang ngực. Anh Tuấn, một kiểm lâm viên bơi qua trước, tay cầm một sợi dây mây để buộc vào đầu một cây lớn bên kia suối giúp chúng tôi có điểm bám vượt qua. Mặt trời đứng bóng cũng là lúc anh Tuấn phát hiện luồng bẫy đầu tiên. Chúng tôi chia làm hai ngả và bắt đầu diệt bẫy. Rút từ trong túi một chiếc kìm cắt dây thép rất bén, anh Tuấn đưa tôi cầm để cắt đứt sợi dây bẫy thép. Phần anh dùng dao chặt đứt từng chiếc cần bẫy một. Anh giải thích: “Nếu không chặt bỏ cần bẫy mà chỉ tháo sợi dây bẫy thì kẻ đặt bẫy cũng sẽ gài lại. Chiếc cần bẫy rất quan trọng, nếu bị chặt bỏ thì luồng bẫy không thể cài lại được vì rất khó kiếm chiếc cần bẫy khác”. Kết quả tổng cộng luồng bẫy đầu tiên đếm được 120 chiếc và rất may là không có con thú nào bị dính bẫy. Mệt mỏi, chúng tôi dừng lại ngồi nghỉ trên một tảng đá rộng, bày đồ ăn trưa lấy sức cho cuộc chiến buổi chiều. Anh Năm cho biết: “Để đối phó với những kẻ đặt bẫy thú rừng, lực lượng kiểm lâm khu bảo tồn rất mỏng trong khi phải quản lý một diện tích rừng rất lớn”. Hàng ngày các anh phải lên lịch trực và chia nhau tuần tra theo từng vùng được xác định có nguy cơ cao.

Hoàn tất phá bỏ thêm một luồng bẫy nữa cách luồng bẫy đầu tiên khoảng 5km, trên đường về nơi đầu con suối cạn trong rừng, chúng tôi phát hiện một chiếc đú còn mới. Quả là một hình thức huỷ diệt chỉ con người mới có thể nghĩ ra. Mọi người cùng nhau thu dọn chiếc đú thành một đống lớn sau khi thả hết các loài cá, rắn và một chú kỳ đà nhỏ vào rừng. Chiếc đú quá lớn và nặng không thể vận chuyển về trạm kiểm lâm được, mọi người thống nhất dùng dao phá tan thành từng mảnh và bỏ vào một chiếc hố gần đó.

Chúng tôi trở về trạm kiểm lâm khi mặt trời đã xuống núi. Giờ này, các loài thú ăn đêm bắt đầu chui ra khỏi nơi ẩn nấp để bắt đầu một hành trình kiếm ăn đầy bất trắc. Không chỉ ở khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu này, hầu hết động vật hoang dã còn sót lại trong các cánh rừng đều đang phải đối mặt không chỉ với các loài ăn thịt, mà còn với những chiếc bẫy tàn ác do con người gài sẵn đâu đó trong cuộc mưu sinh nghèo khó.

bài và ảnh: Phùng Mỹ Trung


Nhận mặt các loại bẫy thú

http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=135097

Bẫy cùm: là loại bẫy mạnh và nguy hiểm nhất, bẫy được thợ rèn chế tạo với hai miếng thép có răng lược đan vào nhau, và hai chiếc lò xo cực mạnh giữ chặt lấy chân con thú khi bẫy sập xuống. Đây là loại bẫy chuyên để săn các loài thú lớn, được cài theo các lối mòn nơi các con thú thường ngang qua, hay bìa rừng gần nương rẫy nơi thú thường ra phá hoại mùa màng. Bẫy được nối với một sợi dây cáp và buộc chặt vào một gốc cây to gần kề. Bẫy thường được người cài nguỵ trang bằng cách phủ lên trên một lớp lá khô để tránh phát hiện của con mồi và cả nhân viên kiểm lâm.


http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=135098

Bẫy thòng lọng: một loại bẫy ít nguy hiểm hơn nhưng cũng là phương thức hiệu quả để sát hại các loài thú ăn thịt nhỏ. Những chiếc bẫy này thường được làm bằng dây cáp thắng xe đạp và được một chiếc cần bẫy bằng cây rừng kéo căng. Bẫy được cài thành từng luồng, mỗi luồng gài từ 50 – 200 chiếc kéo dài hàng trăm mét. Để làm một luồng bẫy tốn rất nhiều công phu, do vậy để tránh lực lượng kiểm lâm, bẫy chỉ cài vào ban đêm, nhất là những đêm tối trời. Bẫy kéo dài và nhiều chiếc nên khả năng dính các loài thú rất cao, nhưng cũng dễ bị kiểm lâm phát hiện.


http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=135099

Đú cá: so với hai loại bẫy trên thì đú là loại bẫy mang tính huỷ diệt cao nhất vì chúng bắt được tất cả các loài cá, bò sát, lưỡng cư và các loài thú nhỏ. Khi đã chui vào đú thì hiếm con nào có cơ hội thoát thân, vì những ma trận dài hàng chục mét với hàng chục nút thắt.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Cảnh báo về việc phá hoại vùng đất thiêng Ba Vì


Những năm qua, nhiều nơi ở Vườn quốc gia Ba Vì và vùng đệm đang trở thành vườn riêng, trang trại, biệt thự, sân chơi của những người giầu có với các dự án san đồi, bạt núi. Và các nhà khoa học đã lên tiếng về vấn đề này tại cuộc tọa đàm “Chung tay cứu Vườn quốc gia Ba Vì” vừa được Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật VN và Báo Khoa học& Đời sống tổ chức ngày 14.3 tại Hà Nội.
Các khu du lịch sinh thái và sân Golf có nguy cơ tàn phá thiên nhiên

Vườn Quốc Gia Ba Vì nằm trên địa phận huyện Ba Vì - Hà Tây và 2 huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn - Hòa Bình. Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì (2000), tổng diện tích của vườn hiện nay là 6.786 ha, bao gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 1.092 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 4.646 ha, và khu hành chính dịch vụ là 1.048 ha. Năm 2003, Chính phủ phê duyệt quy hoạch mở rộng diện tích Vườn Quốc gia Ba Vì với diện tích được giao thêm là 4.646 ha. Các nhà khoa học đánh giá những ảnh hưởng và tác động của dân cư tới môi trường tự nhiên của Vườn quốc gia như sau: Rừng trên Núi Ba Vì là nơi cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên như gỗ, củi, thảo dược và thực phẩm cho các cộng đồng địa phương. Khi thành lập khu bảo vệ, thì việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã bị cấm. Tuy vậy, nhân dân địa phương và những người từ nơi khác vẫn tiếp tục khai thác bất hợp pháp các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho nhu cầu sử dụng tại chỗ và buôn bán. Tăng trưởng dân số nhanh do tăng dân số tự nhiên và di cư từ nơi khác đến đã làm tăng sức ép lên diện tích rừng còn lại của Vườn Quốc gia. Ước tính trong năm 1998, tổng số dân vùng đệm của vườn quốc gia đã là 46.547 người. Trong những năm gần đây, đa dạng sinh học của vườn quốc gia bị suy giảm nghiêm trọng. Các hoạt động khai thác của người dân địa phương và các lâm trường đã phát quang những vùng rừng rộng lớn. Sự xâm phạm ở các vùng đất thấp và hiện tượng du canh thiếu bền vững đã làm mất đi diện tích rừng rộng lớn. Hiện tượng khai thác gỗ củi phổ biến trong vùng cũng làm suy giảm chất lượng rừng. Săn bắn trái phép đã làm suy giảm số lượng và mất đi một số loài động vật. Lửa rừng đã phá huỷ cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Ước tính giữa những năm 1992 và 1997, đã có 365 ha rừng trong vườn quốc gia bị phá huỷ do bị cháy.

Phát biểu tại hội thảo, KTS cảnh quan Trần Thanh Vân đã cảnh báo về việc hiện nay các sân Golf và các Khu du lịch sinh thái đang tiếp tục chiếm đất để tàn phá thiên nhiên ở vùng Ba Vì. Mới nhất, một dự án sân Golf và Khu du lịch có quy hoạch 1600 ha vẫn đang nhăm nhăm nuốt chửng khu thung lũng lúa nước, cái nôi của nền văn minh lúa nước ở xã Vân Hòa, vườn chè Ba Trại và rừng thuốc độc nhất vô nhị có trên 300 loài cây thuốc ở làng người dân tộc Dao nơi đây.

“Các nhà đầu cơ, các ông chủ lớn thực chất không hiểu du lịch sinh thái là gì, nên họ ngang nhiên phá hủy hệ thống sinh thái. Hiện nay nhiều dòng suối đã cạn kiệt, dự án xây đập và phá núi, đào vàng đang rầm rộ tung hoành. Các đại gia đang tự do xây lâu đài thành quách nhà mình như xây Phủ chúa. Theo định nghĩa loại hình Kiến trúc, thì Phủ là nơi giành cho Đại quan đời trần và Đại Thánh đời âm. Vậy họ không hiểu rằng ở đất Thánh linh thiêng Ba Vì này mà làm vậy tức là họ hỗn xược với Thánh, và họ sẽ để lại món nợ nhiều đời cho con cháu phải gánh trả. Mặt khác, vùng đồi núi linh thiêng nay sẽ tái xuất hiện chế độ nông nô? Người nông dân vốn nghèo khổ, nay lại bị cướp mất ruộng đất, bị đuổi ra khỏi làng, họ chỉ còn con đường vào trang trại của các ông chủ lớn để hầu hạ các ông bà chủ, hoặc đi làm thuê... Thực tế nhỡn tiền cho thấy người ta đang cố tình làm ngơ để cho thung lũng Ba Vì vốn là cái nôi của nền văn minh lúa nước và cây lương thực, cây thuốc quý, đồi chè trở thành nơi buôn bán bất động sản với lâu đài, khu biệt thự và những gì linh thiêng nhất từ ngàn năm bị chết lụi!”, KTS Vân phân tích.

Về vấn đề cần phải cư xử với Ba Vì ra sao, KTS Trần Thanh Vân đề nghị: Thanh tra nhà nước cần phải vào cuộc làm rõ những hành vi phá hoại cảnh quan, môi trường của vườn quốc gia Ba Vì và cần phải xây dựng Dự án công viên địa chất, kiên quyết bảo vệ những di sản thiên nhiên về cây lúa nước, rừng cây thuốc, đồng cỏ nuôi bò sữa…ở vùng này. Ba Vì, Hồ Tây, sông Hồng là một trục phong thủy rất quan trọng, liên quan đến vận mệnh của đất nước. Vì thế Vườn Quốc gia Ba Vì cần phải được bảo vệ một cách nghiêm nghặt. Xét về cội nguồn văn hóa thì cái nôi của văn hóa lúa nước được xác định là ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì đang có nguy cơ bị tàn phá.

Nhận xét về góc độ văn hóa của vùng đất thiêng Ba Vì, TS Nguyễn Xuân Diện cho biết: Trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi, cuốn địa chí đầu tiên của Việt Nam được viết trong niềm tự hào về non sông gấm vóc Đại Việt, có đoạn: “Núi Tản Viên – Ba Vì là núi tổ của nước ta đó!”. Núi Ba Vì Tản Viên là nơi ngự trị của Sơn Tinh- Tản Viên Sơn Thánh, vị thần đứng đầu trong Tứ Bẩt tử của Việt Nam, là vị anh hùng khai sáng của dân tộc: dạy dân đắp núi, khơi ngòi, chống lụt, chống hạn, đào giếng, đánh cá, ca hát...Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên Sơn Thánh có sự tích,truyền thuyết ảnh hưởng sâu rộng cả về mặt địa bàn lẫn chiều sâu tâm linh.Hạo khí linh thiêng của Thần Tản Viên là một thế lực siêu nhiên, chống lại một thế lực siêu nhiên khác đến từ Phương Bắc là Cao Biền. Việc Thần Tản Viên chống lại Cao Biền, khiến Cao Biền phải bỏ chạy và chấp nhận sự thất bại còn được lưu truyền trong những truyền thuyết và đã được các nhà Nho Việt Nam văn bản hóa bằng những thư tịch. Hiện nay, quanh vùng núi Ba Vì và lân cận, có tới trên 300 di tích thờ Tản Viện Sơn Thánh cho thấy người dân Việt cổ đã sùng phụng Thần Tản Viên từ buổi bình minh lịch sử.

“Vùng núi Ba Vì không những là nơi lưu trữ các giá trị về địa mao, địa chất, về hệ động thực vật phong phú đa dạng và quý hiếm, mà còn là một là một vùng văn hóa cổ đặc sắc của Việt Nam. Việc bảo vệ gìn giữ các giá trị văn hóa và tự nhiên của vùng núi Ba Vì càng đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết, khi những lợi ích kinh tế được các nhà hoạch định và quản lý coi trọng và bỏ mặc các giá trị về môi sinh và văn hóa một cách thiếu hiểu biết. Các nhà khoa học các ngành cần tập trung nghiên cứu sâu và chuyên ngành, liên ngành về vùng văn hóa cổ Ba Vì, để tôn vinh một vùng đất thiêng của dân tộc”, TS Diện kiến nghị.
Cần có biện pháp mạnh đối với các vi phạm

Phân tích ở góc độ sinh thái và biến đổi khí hậu trước thực trạng vùng đất thiêng Ba Vì bị xâm hại, TS Ngô Kiều Oanh cho rằng: Thật rất thiển cận và có thể coi là tội ác khi vì lợi ích, nhất là lợi ích chỉ của một nhóm người trong xã hội nước ta hiện nay dưới danh nghĩa các dự án xây dựng (đô thị ,sân gôn,du lịch giải trí ..v) chỉ trong chốc lát hủy họai vĩnh viễn lớp sinh thái tự nhiên và nông nghiệp qua hàng nghìn năm mới có thể tạo ra được. Những vùng đất nông nghiệp và quỹ gen nguyên thủy của vùng rùng núi Ba Vì và vùng đệm nông nghiệp xung quanh chân núi sẽ càng ngày càng quý hiếm vì thảm họa đang dần tới từ biến đổi khí hậu. Vấn đề an ninh thực phẩm hiện đang dần trở thành một vấn đề gay gắt ở Việt Nam nếu như tiếp tục tàn phá các Vườn quốc gia và vùng đệm nông nghiệp như đang tàn phá hiện nay ở Ba Vì .

“Vùng đất đai quý giá này đang bị đe dọa bởi các toan tính và âm mưu quét gọn những khu vực đất đai nông nghiệp, đuổi dân cư, bất chấp chính sách đối với các hộ dân tộc nghèo (Muờng, Dao ).Quét cả nhừng trung tâm giống chăn nuôi và trồng trọt Quốc gia, thu vén đất đai của vùng đệm và Vườn Quốc gia vào túi của một số đại gia trên sự liên kết chặt chẽ với một số các nhà quản lý biến chất, trục lợi nấp dưới các dự án du lịch sinh thái,du lịch tâm linh…”, TS Oanh bức xúc nói.

Để giảm thiểu tác hại đối với vùng rừng núi Ba Vì, TS Oanh kiến nghị: Nhà nước cần có chủ trương xây dựng một cách đồng bộ và hệ thống các cơ chế bảo vệ và bảo tồn nghiêm ngặt để bảo vệ nguồn gen tự nhiên gốc vùng rừng núi Ba Vì, bảo vệ địa hình cảnh quan, diện tích đất đai và các mặt nước hồ sông suối của vùng đệm nông nghiệp xung quanh chân núi Ba Vì và bản thân núi Ba Vì. Xây dựng một vùng giữ giống gốc về chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp ,thảo dựoc, thủy sản và cung cấp thực phẩm tập trung mang tính hàng hóa xanh sạch cho dân cư nội thành song hành với các họat động du lịch nông nghiệp . Phát triển mạnh mẽ các họat động du lịch nông nghiệp tại vùng đệm dựa vào các làng nông nghiệp truyền thống có sẵn (không chiếm diện tích nông nghiệp rộng lớn của vùng đệm và hủy họai Vườn Quốc gia như các dự án mang tên du lịch sinh thái và vui chơi giải trí v..v ) mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của du khách nội địa và quốc tế. Các kết quả đạt đựợc tại các mục trên sẽ chứng minh việc đẩy mạnh phát triển vùng cung cấp các sản vật tự nhiên và du lịch nông nghịệp tại vùng đất đai nông nghiệp xung quanh núi Ba vì là giải pháp rất hiệu quả để bảo vệ tài nguyên sinh thái của Vườn Quốc gia Ba Vì một cách bền vững và lâu dài.

Phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm, GS-TS Nguyễn Lân Dũng, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng cần phải có giải pháp mạnh để bảo vệ Vườn quốc gia Ba Vì: “Tôi kiến nghị Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Viêt Nam phối hợp với Hội đồng tư vấn khoa học tổ chức các buổi khảo sát chính thức lên vùng núi Ba Vì. Bởi vì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam là hai tổ chức được Đảng, Nhà nước giao trách nhiệm phản biện xã hội, do đó chúng ta cần phải có cuộc khảo sát nghiêm chỉnh. Sau đó đưa ra những kiến nghị chính thức đưa lên các cơ quan Đảng và Nhà nước. Tôi đề nghị phải đình chỉ ngay lập tức, đồng thời xử lý hình sự đối với những người có liên quan đến việc sai phạm ở Rừng Quốc gia Ba Vì, bất kể người đó là ai, kể cả những người bao che, kể cả những những người đứng sau duyệt các dự án. Một điều khác cần phải nhấn mạnh, đó là hệ động thực vật, vi sinh vật... ở Rừng Quốc gia Ba Vì cần được bảo vệ. Hàng năm, chúng ta vẫn công bố những loài mới mà theo nhiều nhà nghiên cứu là chưa từng phát hiện trên thế giới trước đó. Vì thế, Quốc Hội cần có tiếng nói khẳng định rằng: Đây là việc làm trái luật pháp, coi thường dân chúng, và đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân”.

Tán đồng với GS Nguyễn Lân Dũng về quan điểm bằng mọi cách phải giữ lấy Vườn quốc gia Ba Vì, PGS- TS Hồ Uy Liêm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam nhận định: “Có một vấn đề rất bức xúc hiện nay là cứ kêu gọi, hô hào giữ lấy Ba Vì nhưng vẫn có ai đó vì quyền lợi rất cá nhân đang gặm nhấm Ba Vì. Sau khi có dự kiến quy hoạch Hà Nội sẽ đưa trung tâm hành chính lên Ba Vì đã khiến cho giá đất trên đó sôi lên. Chúng tôi có chuyến thực địa lên đó và thấy rằng, người ta đã khoanh từng ô một để xây dựng. Ba Vì là nơi đất thiêng về mặt tâm linh, lịch sử, về mặt sinh thái đối với chúng ta. Bằng mọi cách phải giữ lấy Ba Vì. Chúng tôi sẽ tổ chức cuộc khảo sát, sau đó cùng với Hội Bảo vệ thiên nhiên Môi trường, Báo KH&ĐS làm hội thảo khoa học nữa về vấn đề này. Sau đó sẽ gửi kiến nghị lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước để giữ lấy Ba Vì”.

Với kiến nghị cần phải giám sát lại toàn bộ các dự án ở Vườn Quốc gia Ba Vì, GS-TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện sinh thái tài nguyên sinh vật cho biết: “Vườn quốc gia Ba Vì có hệ sinh thái phong phú với 32 loài thực vật có giá trị của nước ta. Do đó, cần thiết phải đề ra những phương án quản lý tốt chứ không thể đợi đến khi phá vỡ cảnh quan rồi mới đề xuất thì quá muộn. Theo tôi, để quản lý tốt Vườn Quốc gia Ba Vì thì trước hết phải giám sát, rà soát lại toàn bộ dự án có liên quan. Nếu thấy dự án nào không tuân thủ luật Bảo vệ rừng và Nghị định 117 thì phải xử lý. Chúng ta đã có Cục cảnh sát môi trường phối hợp giải quyết”.




Nguồn: Văn nghệ Trẻ
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.
Đọc những bài này mà thấy lo lo, không hiểu rồi tài nguyên, môi trường ở nước ta sẽ đi tới đâu,và quan hệ giữa người giầu, kẻ nghèo cứ xa mãi...
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tòa án Brazil cản dự án thủy điện trên sông Amazon



TT - Một tòa án ở Brazil đã ra lệnh tạm ngưng dự án xây dựng đập thủy điện khổng lồ Belo Monte ở bang miền nam Para với lý do con đập này sẽ hủy diệt môi trường rừng nhiệt đới Amazon.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=483741
Thổ dân Amazon liên tục biểu tình phản đối đập Belo Monte - Ảnh: Getty Images



Thẩm phán Ronaldo Desterro của Tòa án bang Para cho biết Cơ quan môi trường Brazil đã thông qua kế hoạch xây dựng đập thủy điện Belo Monte trên sông Xingu (nhánh chính của sông Amazon ở phía đông nam) mà không đảm bảo rằng dự án trị giá gần 19 tỉ USD này đáp ứng 29 yêu cầu môi trường. Một trong những mối lo ngại lớn nhất là đập Belo Monte có thể sẽ làm đứt quãng dòng chảy của sông Xingu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và giao thông dọc con sông. Thẩm phán Desterro cũng ra lệnh cấm Ngân hàng Phát triển quốc gia Brazil hỗ trợ tài chính cho dự án xây đập Belo Monte.

Án tử hình đối với sông Xingu
Là đập thủy điện lớn thứ ba trên thế giới sau đập Tam Hiệp (Trung Quốc) và Itaipu (Brazil - Paraguay), đập Belo Monte dài 6km và có công suất dự kiến khoảng 11.233 MW. Chính quyền Brazil khẳng định Belo Monte sẽ cung cấp điện cho 23 triệu hộ gia đình trong khu vực và tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, các tổ chức môi trường ở Brazil và thế giới khẳng định đập Belo Monte sẽ là một thảm họa sinh thái và xã hội bởi nó sẽ hủy diệt môi trường sinh thái của sông Xingu, nguồn sống chính của 50.000 người dân địa phương, trong đó có các cộng đồng của 18 bộ tộc thổ dân Amazon. Ít nhất 20.000 người sẽ rơi vào cảnh mất nhà cửa và phải di dời. Con đập khổng lồ này cũng sẽ làm ngập ít nhất 668km2 đất, trong đó có gần 500km2 là diện tích rừng nguyên sinh Amazon, một trong những lá phổi xanh cực kỳ quan trọng đối với cả môi trường thế giới. Hồi đầu tháng 2, tổ chức bảo vệ môi trường đã đâm đơn khiếu nại lên văn phòng tổng thống đòi bà Dilma Rousseff bãi bỏ kế hoạch xây dựng đập Belo Monte. Lá đơn này có chữ ký của hơn 600.000 người dân Brazil. Các cộng đồng thổ dân Amazon cũng liên tục biểu tình ở thủ đô Brazilians trong nhiều tháng qua để gây sức ép lên chính quyền.

“Đây là một cuộc chiến sinh tử - nhà hoạt động bảo vệ môi trường Sheyla Juruna tuyên bố - Với việc xây dựng đập Belo Monte, chính quyền Tổng thống Rousseff không chỉ xâm phạm quyền lợi của người dân bởi đây không chỉ là việc bảo vệ sông Xingu mà còn là nỗ lực bảo vệ cả con sông và rừng nhiệt đới Amazon cũng như cả hành tinh của chúng ta”. Trưởng bản Ireo Kayapo của cộng đồng thổ dân sống dọc sông Xingu cho rằng chính quyền Brazil đã ký bản án tử hình đối với sông Xingu.

Thủy điện không sạch
Theo các quan chức chính quyền Brazil, đập thủy điện Belo Monte sẽ cung cấp nguồn điện sạch, ít khí thải nhà kính và đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng và môi trường khẳng định thủy điện trên thực tế không sạch như nhiều người lầm tưởng. Thứ nhất, các hồ chứa thủy điện xả ra một lượng lớn khí CO2 và khí methane (gây hiệu ứng nhà kính gấp 25 lần CO2) do cây rừng ngập trong nước bị phân hủy. Viện Nghiên cứu Amazon quốc gia ước tính trong mười năm đầu, đập Belo Monte sẽ thải ra môi trường 112 triệu tấn CO2. Một nghiên cứu từ năm 1990 cho thấy đập Curua-Una cũng ở Brazil xả khí thải CO2 nhiều gấp 3,5 lần một nhà máy điện chạy dầu. Đó là chưa kể đến việc đập Belo Monte sẽ phá hủy một diện tích rừng nguyên sinh rất lớn, có chức năng hấp thụ CO2.

Thứ hai, đập thủy điện Belo Monte không chỉ cung cấp điện cho các hộ gia đình mà còn cho cả những ngành công nghiệp tiêu tốn năng lượng như khai thác mỏ và luyện nhôm. Sẽ có thêm nhiều nhà máy nhôm và kim loại mọc lên ở bang Para, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều khoảng rừng bị phá hủy, nhiều cộng đồng dân cư lâm vào cảnh mất nhà cửa.

Các chuyên gia năng lượng cũng cho biết đập Belo Monte sẽ là một khoản đầu tư tiền thuế của dân cực kỳ lãng phí. Phần lớn ngân sách dự án được rút ra từ các quỹ hưu trí, trong khi nó chỉ chạy với 39% công suất dự kiến mỗi năm do chỉ hoạt động với 10% công suất trong mùa khô từ tháng 7 đến tháng 10. Quỹ thiên nhiên hoang dã (WWF) cho biết nếu đầu tư vào các biện pháp tiết kiệm và sử dụng tối đa hiệu quả năng lượng, Brazil sẽ tiết kiệm được một lượng điện tương đương với công suất của 14 đập Belo Monte từ nay đến năm 2020.

HIẾU TRUNG (Theo Guardian, AFP, Amazon Watch)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

“Phân lô” lòng hồ Dầu Tiếng



TT - Nhiều hộ dân cơi thêm hàng trăm mét, nhô ra lòng hồ đến 10m, có người lấn đến 10ha lòng hồ. Đó là tình trạng đang diễn ra ở hồ Dầu Tiếng, một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=497851
Ao bên trái rộng khoảng 5.000m2 trước đây là lòng hồ nhưng bị một hộ dân đắp đê chắn ngang biến ao trên thành của mình - Ảnh: Q.Khải



Ngày 12-5, chúng tôi đi canô ngược dòng lên khu vực thượng lưu hồ Dầu Tiếng, khi đến địa phận xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) thì phát hiện một đoạn bờ hồ được “đôn” nhô ra lòng hồ với chiều dài hơn 100m, lấn vào hồ gần 10m bằng đất đỏ mới tinh. Cạnh đó một xe cuốc vẫn còn nằm chỏng chơ không người điều khiển.

Biến lòng hồ thành ao riêng
Ông Hồ Anh Thái, trưởng phòng quản lý nước và công trình thuộc Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, cho biết đây là một trong những “địa chỉ” lấn chiếm lòng hồ trái phép vừa phát hiện. Cách đó không xa, một đoạn bờ khác cũng được cơi thêm dài khoảng 300m, nhô ra lòng hồ khoảng 10m.

Ông Thái cho biết: “Tình trạng lấn chiếm lòng hồ đã xảy ra hơn một năm qua, nhưng do Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa là đơn vị quản lý hồ không có chức năng xử phạt, chế tài, vì vậy khi phát hiện chúng tôi chỉ có thể lập biên bản yêu cầu ngưng việc lấn chiếm. Tuy nhiên cũng có trường hợp phát hiện nhưng không lập được biên bản vì thời điểm đó chủ đất đã trốn”. Có thể các vụ việc trên chưa được xử lý đến nơi đến chốn nên tình trạng lấn chiếm lòng hồ ngày càng nhiều hơn, xảy ra táo tợn hơn. Đơn cử trường hợp tự ý đắp một đoạn bờ bao để biến một khúc eo khoảng 5.000m2 trong lòng hồ thành ao cá riêng do ông Trần Văn Sinh (ấp Hòa Phú, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng) thực hiện tháng 4-2010. Mặc dù vụ việc được lập biên bản nhưng đến nay đoạn bờ bao trên vẫn chưa được tháo dỡ trả lại hiện trạng như cũ.

Ông Vũ Đức Hùng, giám đốc Công ty thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, thừa nhận có nhiều trường hợp lấn chiếm thu hẹp diện tích lòng hồ, trong đó có vụ lấn chiếm đến 10ha nhưng đến nay vẫn chưa thống kê được con số cụ thể. Ông Hùng cũng cho biết do không thể xử lý được nên đã báo cáo các vụ việc trên cho Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương, nhưng đến nay các vụ lấn chiếm không những chưa được giải quyết mà có dấu hiệu tăng thêm.

Tái phát nuôi cá bè
Cũng theo ông Hùng, ngoài việc bị lấn chiếm, hồ Dầu Tiếng đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động chăn nuôi đang diễn ra ở khu vực lòng hồ. Đặc biệt sau khi hơn 1.000 bè cá bị giải tỏa trắng (từ năm 2007) vì lo ngại gây ô nhiễm nguồn nước, hiện nay hoạt động nuôi cá bè có dấu hiệu tăng trở lại. Cũng trong ngày 12-5, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Dầu Tiếng đã kiểm tra trên lòng hồ (thuộc địa phận huyện Dầu Tiếng) phát hiện có đến 13 bè cá đang hoạt động.

Ông Hà Tuấn Mỹ, chuyên viên Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Dầu Tiếng, cho biết trước đó kiểm tra chỉ phát hiện tám bè. Phòng Tài nguyên - môi trường đã lập biên bản xử lý và yêu cầu chủ các bè trên phải chấm dứt hoạt động kể từ tháng 6-2011, nhưng nay lại xuất hiện thêm năm bè mới.

Ông Nguyễn Minh Châu, phó Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Dầu Tiếng, cho biết vì địa bàn giáp ranh với Tây Ninh nên việc kiểm tra, xử lý khó khăn do chủ bè chạy qua chạy lại. Ông Châu cho biết sẽ báo cáo lại tình hình tái nuôi cá bè cho huyện Dầu Tiếng để có biện pháp xử lý mạnh tay hơn, đồng thời trong thời gian tới sẽ phối hợp với chính quyền địa phương phía Tây Ninh và Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa xử lý dứt điểm tình trạng nuôi cá bè trái phép trên lòng hồ.

QUANG KHẢI
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đập Tam Hiệp: Đã quá muộn để sửa chữa



TT - Có hai thừa nhận về đập Tam Hiệp: chính quyền Trung Quốc thừa nhận đập Tam Hiệp “có nhiều vấn đề khẩn cấp cần giải quyết về môi trường, sinh thái”; giới chuyên gia môi trường Trung Quốc thừa nhận “đã quá muộn để sửa chữa”.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=498923
Đập Tam Hiệp khổng lồ gây nhiều nguy cơ sinh thái nghiêm trọng  - Ảnh: Reuters



Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử là công trình thủy điện lớn nhất thế giới với chiều cao 182m và công suất năm 2010 vào khoảng 84 tỉ kWh. Theo chính quyền Bắc Kinh, tổng đầu tư của dự án này lên đến 23 tỉ USD, nhưng giới chuyên gia quốc tế cho rằng con số thực tế có thể gấp đôi.

Đập Tam Hiệp được xây dựng kéo dài 15 năm. 13 thành phố, 140 thị trấn và 1.600 làng bị nhấn chìm, khoảng 1,43 triệu dân phải di dời. Tuyên bố của Quốc vụ viện Trung Quốc được đưa ra mới đây đã khẳng định: “Dù dự án đập Tam Hiệp đem lại lợi ích tổng thể lớn, song vẫn còn các vấn đề khẩn cấp cần giải quyết như tái định cư người dân, bảo vệ và ngăn chặn nguy cơ thảm họa môi trường, sinh thái”.

Ô nhiễm tảo, đảo rác, lở đất
Kể từ năm 2006 khi đập Tam Hiệp cơ bản hoàn thành, ô nhiễm tảo đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng trên các nhánh sông Dương Tử. Dọc sông Dương Tử đầy rẫy mỏ phôtpho và các nhà máy. Chất gây ô nhiễm được thải thẳng ra sông, dẫn đến tình trạng tảo độc sinh sôi nảy nở trên mặt nước.

Trong khi đó do bị chặn bởi đập Tam Hiệp, sông Dương Tử mất dần khả năng phân tán chất gây ô nhiễm trong nước. Hậu quả: nước ở các nhánh của sông Dương Tử tại tỉnh Hồ Bắc trở nên xanh lè, bốc mùi hôi thối, đẩy hàng ngàn người dân vào cảnh không có nước sạch.

Ở khu vực đập Tam Hiệp cũng xuất hiện các đảo rác khổng lồ! Mưa lũ mùa hè 2010 đã cuốn hàng chục ngàn tấn rác xuống sông Dương Tử, phủ kín 50.000m2 mặt nước trên sông và trôi đến đập Tam Hiệp. Có những đảo rác dày và kết chặt với nhau đến mức có thể đi bộ bên trên. Lượng rác này đe dọa làm nghẽn hoạt động của đập.

Ước tính mỗi năm Tập đoàn đập Tam Hiệp phải chi khoảng 1,48 triệu USD để dọn rác trôi về phía đập. Trước đó, các chuyên gia môi trường từng cảnh báo hồ chứa nước của đập có thể trở thành “hầm cầu” chứa nước thải không qua xử lý và hóa chất công nghiệp, và hoạt động của đập Tam Hiệp sẽ đẩy nước thải về phía thành phố Trùng Khánh.

Ô nhiễm lại đe dọa hủy diệt môi trường sinh thái dọc sông Dương Tử. Giới chuyên gia môi trường Trung Quốc và quốc tế khẳng định đập Tam Hiệp đã góp phần vào sự tuyệt chủng của loài cá heo nước ngọt baiji trên sông Dương Tử. Lượng cá tầm sông Dương Tử giảm sút đáng kể sau khi đập được đưa vào hoạt động. Loài sếu Siberia đang có nguy cơ tuyệt chủng do đập Tam Hiệp đã hủy diệt một diện tích lớn đầm lầy, nơi trú đông của loài sếu này. Ngoài ra, một diện tích lớn rừng trong khu vực cũng đã bị phá hủy.

Do mực nước trong hồ chứa dâng cao, đập Tam Hiệp gây xói mòn, lở đất nghiêm trọng ở hai bờ các nhánh sông Dương Tử. Từ năm 2007, 91 điểm ở bờ hồ chứa nước đập Tam Hiệp đã bị lở, khoảng 36km đã bị sụp. Một số vụ lở đất dọc sông Dương Tử đã tạo ra sóng thần cao tới 50m.

Tháng 7-2007, một ngọn núi dọc một nhánh sông Dương Tử bị lở, gây sóng lớn cướp đi sinh mạng 13 nông dân và 11 ngư dân. Tháng 11-2007, một trận lở đất khác làm 30 người chết.

Tháng 7-2010, lũ lụt và lở đất gần đập Tam Hiệp làm 30 người thiệt mạng. Chính quyền Trung Quốc cũng thừa nhận áp lực từ hồ chứa khổng lồ của đập Tam Hiệp có thể dẫn đến nguy cơ động đất. Sau khi đập Tam Hiệp được hoàn thành, nhiều vết nứt bí ẩn đã xuất hiện ở các con đường, tòa nhà các thị trấn và làng mạc trong khu vực.

Gây hạn hán
Các chuyên gia môi trường cho biết do làm thay đổi dòng chảy sông Dương Tử, đập Tam Hiệp đã khiến hạn hán thêm nghiêm trọng ở khu vực miền trung và miền đông Trung Quốc. Hạn hán liên tục trong bốn tháng đầu năm 2011 đã khiến mực nước đoạn giữa sông Dương Tử tụt xuống mức thấp kỷ lục.

Các thành phố khu vực hạ lưu đập không còn khả năng tiếp nhận tàu bè vào cảng, 400.000 dân và 97.300 gia súc ở tỉnh Hồ Bắc rơi vào cảnh thiếu nước sạch. Ở tỉnh Hà Nam, 320.000 người bị ảnh hưởng. Nhiều cáo buộc cho rằng đập Tam Hiệp đã giữ nước để đảm bảo sản xuất điện.

Do đó, từ ngày 7 đến 11-5, ban quản lý đập Tam Hiệp đã cho xả 400 triệu m3 nước để chống hạn hán và nâng mực nước sông Dương Tử cho tàu bè đi lại dễ dàng hơn.

“Chẳng thể làm nổ tung con đập!”
Chuyên gia môi trường kỳ cựu ở Trung Quốc Đới Thanh cho rằng dù thừa nhận các vấn đề do đập Tam Hiệp gây ra, chính quyền Bắc Kinh khó có thể làm gì. “Đã quá trễ để giải quyết những vấn đề đó” - ông khẳng định. Chuyên gia môi trường Vương Vĩnh Thần cho rằng Bắc Kinh có thể giải quyết một số vấn đề như cải thiện chất lượng nước, nhưng cũng thừa nhận: “Chẳng thể làm gì nhiều. Chúng ta chắc chắn không thể cho nổ tung con đập đó được”.

Dù vậy, giới bảo vệ môi trường Trung Quốc lại cho rằng tuyên bố của quốc vụ viện sẽ là một “vũ khí” chống lại trào lưu sính làm thủy điện tại Trung Quốc. Mới đây, Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc còn lên kế hoạch sản xuất thêm 140 gigawatt thủy điện trong vòng năm năm tới.

Một phần trong kế hoạch này là xây dựng 13 đập thủy điện dọc sông Nộ Giang ở tây nam Trung Quốc, một khu vực sinh thái giàu có. Báo chí Trung Quốc cho biết Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tỏ thái độ phản đối kế hoạch xây đập trên sông Nộ Giang.

“Bằng việc nhắc lại những vấn đề của đập Tam Hiệp, Thủ tướng Ôn Gia Bảo có thể đang bắn mũi tên tới những kẻ mù quáng chạy theo đập thủy điện và sẵn sàng quên đi những bài học trong quá khứ” - chuyên gia Peter Bosshard, giám đốc chính sách Tổ chức Sông quốc tế, nhận định.

HIẾU TRUNG (Theo WSJ, People’s Daily, NYT)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lá cây nhân tạo sản xuất ra điện



TT - Trên con đường tìm kiếm nguồn năng lượng bền vững, các nhà khoa học Mỹ vừa công bố một kết quả nghiên cứu đột phá về lá nhân tạo có khả năng biến năng lượng mặt trời thành điện năng.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=491827
Nguyên mẫu thiết bị quang hợp nhân tạo có khả năng tạo ra điện từ ánh nắng mặt trời và nước - Ảnh: Fastcomapy



Các nhà khoa học thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ cho biết những chiếc lá có kích thước gần bằng với lá cây tự nhiên thực chất là những tấm pin năng lượng mặt trời thu nhỏ làm từ silicon giá rẻ và các mạch điện. Lá nhân tạo cũng có cơ cấu hoạt động tương tự quá trình quang hợp của lá cây, song có khả năng sản sinh năng lượng cao gấp 10 lần. Dưới ánh nắng mặt trời, lá nhân tạo sẽ phản ứng và tách nước thành khí oxy và hydro, sau đó chuyển chúng đến một bộ phận năng lượng có chức năng tạo ra điện từ hai loại khí trên.

Theo ông Daniel Nocera - trưởng nhóm nghiên cứu, với 4 lít nước một chiếc lá nhân tạo có thể tạo ra nguồn điện đủ cho một gia đình ở một nước đang phát triển thắp sáng hoặc sưởi ấm trong vòng một ngày. Thử nghiệm ban đầu cho thấy loại lá nhân tạo hoạt động ổn định trong liên tục 45 giờ.

Tiềm năng phát triển dự án năng lượng thay thế từ lá nhân tạo cũng rất lớn do nguồn nguyên liệu chế tạo giá rẻ, điều kiện hoạt động đơn giản (chỉ cần có ánh nắng mặt trời) và ổn định hơn so với các ý tưởng tương tự trước đây. Tập đoàn Tata của Ấn Độ đã ký thỏa thuận với nhóm của ông Nocera để sản xuất trạm phát điện có kích cỡ bằng chiếc tủ lạnh, trong vòng 18 tháng tới.

TRẦN PHƯƠNG (Theo World Science)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [24] [25] [26] [27] [28] [29] [30] ... ›Trang sau »Trang cuối