Trang trong tổng số 10 trang (94 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Đinh Vũ Hoàng Nguyên đã viết:
Thật vui được đọc những truyện ngắn của anh Duyên.
Em không ngờ là anh sinh năm 50, trước không biết, cứ xưng "anh, tôi" suốt. He he...
Có sao đâu. Văn chương không có tuổi chỉ có tài năng thôi mà tài năng của bạn thì tôi nghĩ bạn sinh năm bốn nhăm cơ. Chỉ có điều trong bài thơ khép cửa của bạn
                  
       Anh khép cửa cho mùa thu cởi áo
        
       CÒN em trút lá giữa phòng anh

Tôi cứ nghĩ rằng chữ "Còn" thay bằng chữ "Và"thì bài thơ rất hay. người đọc có thể đồng nhất "Mùa thu" và "em"còn nếu dùng chữ "Còn" người ta không thể đồng nhất "Mùa thu"và "Em"đưộc" Vì "mùa thu cởi áo" nên rất dễ bị nhầm trong phòng có ba người. còn tiêu đề của bài thơ nên đỏi thành "Khoảnh khắc" vừa hay hơn vừa dẫn hưống đưộc mạch cảm xúc cho người đọc
 Định góp ý với bạn lâu rồi nhưng lại ngại nhưng thấy tiếc vì bài thơ hay quá nên liều nói bậy vài câu. Đừng giận nhé
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Cao Trung Nhan

Nguyễn thế Duyên đã viết:
Chà anh bạn này đây là đi chơi với bạn gái hay là đi vì nhiệm vụ?
 Sa đà thêm một chút, bạn Duyên thông cảm: Hiện TV đang chiếu phim Bí thư tỉnh uỷ. Mình không thích tác giả và đạo diễn của phim này. Họ không chú ý đến sự hợp lý của nội dung. Cái mà họ cần là chuyển tải ý chí và nội dung. Đơn cử như tình tiết phê phán mấy ông cán bộ xã không cho dân mổ lợn để thay mộ, nhằm phê phán thói cửa quyền và tệ bao cấp. Nhưng để chuyển tải ý đó, họ cho người ta đến đám nhưng tay không, vào nhà thì 100% xà ngay vào mâm rượu, ngay cả bàn thờ cũng chẳng thấy hương khói gì hết!
Hay tại vùng đó không có lệ lễ nghi gì trong ngày thay mộ?
Đời là một chuỗi những ngạc nhiên
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Chửi


Đầu tiên hắn chửi lãnh đạo cơ quan của hắn
-Mẹ chúng nó chứ! Lũ chúng nó bạc như vôi. Ông không biết đấy thôi, cái vụ này khi tôi chưa về làm vụ trưởng nát như tương Bần chứ có phải được như bây giờ đâu. Không có năm nào vụ không bị bọn báo chí chửi cho vài trận. Hết dự án nọ đến dự án kia bị bọn nhà báo khui ra .Thôi thì đủ mọi chuyện. Thế mà ông xem ,từ khi tôi về đến nay mọi việc êm re . Vụ đâu vào đấy. Chẳng có một điều tiếng gì. Thế mà lũ ăn cháo đái bát vụ vừa ổn định là bọn chúng lại bẩy tôi đi
Kể hắn nói cũng phải. Từ khi hắn lên làm vụ trưởng đến giờ không có một bài báo nào đả động đến vụ của hắn thật. Thậm chí thỉnh thoảng còn có những bài báo ca ngợi vụ của hắn nữa. Thật tiếc, tôi thầm nghĩ .Một người có tài thế mà bị bật bãi. Chẳng biết trên đời này còn công lý nữa hay không? Tôi an ủi hắn
-Thôi mà ông. Cây càng cao gió càng lớn bật gốc cũng là chuyện bình thường. Cứ như tôi đây này,đầu chày, đít thớt . Cả đời tôi chả thấy thằng nào định bẩy tôi đi . Tức làm gì cho mệt. Mà sao tôi không thấy báo chí của  đả động đến vụ thay đổi nhân sự này nhỉ?
Nhắc đến báo chí, hắn đã nguôi nguôi rồi, đột nhiên lại nổi xung lên. Hắn nhổ một bãi nước bọt đến toẹt một cái ra giữa nhà
-Bọn khốn nạn! Bọn bồi bút ! Khi tôi còn ngồi ở ghế vụ trưởng, tháng nào mà bọn chúng chẳng mò đến hết xin cái này đến nhờ cái kia. Một tháng  tôi phải chi cho chúng nó đến gần chục triệu. Thế mà từ khi tôi thôi chức vụ trưởng đến giờ chẳng thằng nào ỏ ê gì nữa. Bạc ! Đời thật đen bạc
À ra vậy.
Tôi với hắn vốn là hàng xóm của nhau đã mấy chục năm rồi.Từ hồi chúng tôi còn bé tý, cùng nhau ra bãi gỗ sông Hồng kiếm củi. Phải công nhận năng lực của hắn phát tiết từ rất sớm. Hồi bé như thế mà hắn đã hơn hẳn tôi rồi. Chỉ thoáng một cái là hắn đã thuổng ngay được một thanh củi nạc, dấu xuống dưới đám vỏ cây rồi thoáng một cái nữa , tôi đã thấy hắn lủi ra đằng sau lưng tay bảo vệ,lom khom bê cái thúng, lẩn nhanh qua hàng rào và biến mất vào trong một hẻm nhỏ . Còn tôi thì kì cạch dùng dũi ,dũi từng miếng vỏ cây đặt vào thúng đội về. Mẹ tôi thường mắng tôi
-Mày ăn cứt cho thằng Tân ấy. Mày xem ngày nào nó cũng kếm được hàng đống củi . Đun không hết còn đem bán. Còn mày ngày nào cũng chỉ dăm cái vỏ cây
Quả thật vào những năm sáu mươi của thế kỉ trước cái đun nấu của Hà nội là cả một vấn đề .Lớn lên, tôi đi học đại học còn hắn phá ngang đi làm công nhân. Và cả lúc này nữa, tôi cũng phải công nhận là năng lực của hắn hơn hẳn tôi. Chả thế mà trong khu nhà tôi có một cô gái tên là Lan, rất xinh. Tôi mê tít . Thế mà một anh chàng công nhân như hắn  đã cho một chàng sinh viên như tôi bị Knockout ngay từ hiệp một. Xin mọi người nhớ cho sinh viên của những năm bẩy mươi oai như cóc chứ không phải nhiều như lợn con như bây giờ. Thời gian cứ trôi đi vùn vụt. Ngoảng đi ngoảnh lại mà hai chục năm đã trôi qua. Tôi nhớ có một hôm ,nhà hắn tổ chức ăn uống to lắm. Tôi cứ tưởng là ăn hỏi hắn. Tối hôm ấy tôi gặp hắn ở máy nước tôi hỏi
-Ông sắp lấy vợ đấy à?
-Vợ con gì đâu gì đâu-Hắn nói- hôm nay đảng ủy cơ quan tôi đến để đi thẩm tra lí lịch kết nạp đảng cho tôi. Nhân thể mời mấy ông đảng ủy và chi bộ đến
-À ra vậy. Thế mất mấy mâm?
-Mất bẩy mâm ông ạ. Thôi cũng đành nghiến răng chứ biết làm sao
Hắn thở dài đến sượt một cái. Nhìn mặt hắn tôi biết . Hắn chắc sót ruột lắm. Thế rồi hắn vào đảng. Thế rồi hắn lên phó giám đốc công ty. Một hôm hắn sang nhà tôi chơi và khoe tôi  tấm bằng đại học tại chức. Hắn còn kể
-Ông biết không, Hôm bảo vệ luận án, cả hội đồng không ai hỏi tôi được một câu nào. Còn hỏi gì được nữa! Luận án quá hoàn hảo. Ông biết luận án của tôi được bao nhiêu điểm không?-Hắn hỏi tôi mà mặt hắn vác lên-Mười điểm. Điểm tuyệt đối
Tôi cũng phải trợn tròn mắt. Mười điểm ! Thật kinh khủng. Thời tôi đi học, luận án tốt nghiệp của tôi được chín điểm mà tôi đã nức tiếng toàn trường. Đã được mệnh danh là khủng long bạo chúa. Thế mà hắn được những mười điểm. Hèn gì hắn chẳng thăng tiến như diều . Nghe hắn nói mà lòng tôi được an ủi rất nhiều. Tôi đúng là ếch ngồi đáy giếng. Cứ tưởng là mình ghê lắm. Cứ nghĩ mình không tiến lên được suốt đời èng èng chức tổ trưởng cơ điện là do số mình không tốt chứ chẳng phải mình kém tài gì. Hóa ra là thiên hạ còn khối người tài giỏi hơn mình. Như hắn chẳng hạn.
Ba mươi tết năm ấy, vợ hắn sang nhà hỏi tôi
-Chị nhà đi đâu hả anh
- Chắc là đi chợ sắm tết
Tôi trả lời. Vợ hắn tần ngần một lúc rồi nói
-Em sang trả tiền cho chị ấy không năm hết tết đến mà không trả nợ được thì xúi quẩy cả năm mất
-Cô vay tiền nhà tôi ?- Tôi ngạc nhiên-Cô đùa chắc
-Thế bác tưởng nhà em giầu lắm à?-Vừa nói, vợ hắn vừa mở ví móc tiền ra đưa cho tôi-Năm triệu đây. Bác đếm lại cho em. Bác có biết vừa qua em tốn mất bao nhiêu trong vụ bảo vệ luận án của nhà em không? Ba mươi triệu đấy
À ra vậy
Sau khi có bằng đại học , một năm sau hắn lên giám đốc, rồi hai ba năm gì đó ,tôi không nhớ, hắn lên bộ. Con đường hoạn lộ mở rộng thênh thang. Từ khi hắn lên bộ, hắn không sang nhà tôi chơi nữa mà tôi cũng có ý tránh vì sợ mang tiếng thấy người sang bắt quàng làm họ.
Nhưng ! vâng vẫn lại chữ nhưng. Tôi đọc ở đâu đó nói rằng trời không cho ai tất cả mà cũng không tước của ai đi mọi thứ. Được cái nọ thì mất cái kia. Hắn tuy vậy nhưng lại chỉ có được mỗi một thằng con nhưng nó lại bị đơ đơ . Hắn hận lắm. Từ hồi lên bộ, hắn không quan hệ với ai trong xóm. Tôi thì tôi không để ý nhưng đối với mấy mụ dỗi hơi luôn ngồi lê đôi mách thì đấy lại là một trọng tội
-Ối giờ, mới lên ông nọ bà kia mà mặt đã vác lên. Để rồi xem liệu có hơn được ai không. Giờ cũng có mắt đấy các bà ạ. Nhà ấy thế là tuyệt giống.Ai thèm lấy con lão . Để xem lão có mang của đi mua vợ cho con được không?
Mấy con mụ ấy ác khẩu thật. Nhưng mấy bà đâu biết rằng “ Có tiền mua tiên cũng được” nói gì đến mua vợ cho con. Hắn đi mua vợ cho con thật.Đùng một cái,hắn mang thiếp mời đi mời cả xóm.Mà đám cưới tổ chức tại khách sạn năm sao Dai woo hẳn hoi. Cả xóm chẳng ai dám đi. Mỗi mình tôi nghĩ đến cái thủa cùng đi ăn cắp củi ngày xưa đánh liều  đi dự. Vừa đi vừa run. Không biết  lên đấy mình có  quê quá hay không. Con dâu hắn xinh như mộng. Nghe đâu nhà mãi tận Mường Tè Lai châu gì đó. Về nhà hắn có nửa năm mà cô bé như lột xác. Nào váy nọ , áo kia. Nào ví đầm, mắt xanh mỏ đỏ con dâu mấy bà ở xóm tôi nhìn thấy mà chạy mất dép. Thế là mấy bà dưa lê xóm tôi tịt mít chẳng còn gì để nói. Không những thế, chỉ một năm sau,hắn đã đưa con bé vào làm ở một công ty ngoại thương làm mấy bà xóm tôi tức phát rồ
- Ối giời ơi! Công ty ngoại thương cũng có dăm bảy loại. Ngữ ấy,học không học, hành không hành, đến đấy chắc chỉ làm chân bưng bê chứ làm ông nọ bà kia gì mà tinh tướng
-Được làm chân bưng bê thì đã phúc. Có khi làm chân dọn chuồng xí ấy chứ
Một mụ khác chêm vào .Quái lạ cho cái giống đàn bà đã gét ai thì thế nào cũng bới móc ra đủ chuyện. Không hiểu những lời đó có đến tai hắn không mà một hôm thấy hắn và con dâu đi xe về. Ngang qua đám buôn dưa lê đang ngồi ,hắn bảo con dâu
-Thế danh thiếp của con đã in lại chưa ,? Đưa đây cho bố xem nào
Cô con dâu đưa cho hắn một tập danh thiếp. Hắn dơ tay cầm. lóng ngóng thế nào tập danh thiếp lại bị rơi xuống đất. Hắn cúi xuống nhặt lên nhưng nhặt không hết còn sót lại mấy tấm. Khi bố con hắn đi rồi. Mọi người cầm lên đọc. Mắt tất cả đều trợn ngược. Tấm danh thiếp ghi
                        “Trần thúy Vân-Trưởng phòng kinh doanh
                               Công ty vận tải Ngoại thương “
Vợ tôi đưa cho tôi xem một tấm. Đọc xong tôi thầm nghĩ : “Hắn không thể gọi là có năng lực mà phải gọi là siêu năng lực mới xứng với tài của hắn”
Thế nhưng. Vâng! Lại một chữ nhưng nữa ,làm tôi cũng không biết số của hắn là may mắn hay khốn nạn. Số là sau khi hắn về hưu được có ba tháng thì vợ và hắn xảy ra một cuộc cãi nhau nảy lửa. Điều này thời đương chức không bao giờ xảy ra. Ngồi tận nhà tôi mà tôi vẫn thấy vợ hắn chu chéo
-Âm mưu cho lắm vào. Tham như chó ấy. Đã bảo rồi, nó không có học có hành gì thì mua cho nó một cái cửa hàng để vợ chồng nó buôn bán lặt vặt có phải là vẫn còn con còn cháu không. Đằng này lại âm mưu, thủ đoạn đưa nó vào làm ở công ty, còn bẩy nó lên làm trưởng phòng nay , trưởng phòng nọ . Bây giờ mới trắng mắt ra. Ối giờ ơi, Sao mà số tôi nó khổ đến thế này hả trời.
Vợ hắn kêu khổ. Vợ hắn chửi trời . Làm trời cũng khó lắm thay. Tôi nghe thấy tiếng hắn gầm lên
-Im mẹ cái miệng mày đi
Rồi nghe thấy tiếng rầm một cái và tiếng vợ hắn la lên
-Ối giời ơi! ối làng nước ơi !Lão ấy giết tôi
Tôi vội đứng dậy định chạy sang thì vợ tôi ngăn lại
-Vợ chồng người ta cãi nhau, anh sang đấy làm cái gì.
-Em lạ nhỉ -Tôi nổi cáu –em học được cái thói cháy nhà hàng xóm bình chân như vại của ai thế?
-Thì của chính ông bạn thủa kiếm củi của anh chứ ở đâu nữa.Anh thử xem, nhà ông ta có tham gia bất thứ cái gì của xóm không? Vậy nhà ông ta có chuyện thì cứ để ông ta tự giải quyết.
Tôi cứng họng.Của đáng tội, từ khi lên bộ hắn không hề quan hệ với ai thật. Thậm chí đi ra đi vào chạm mặt nhau hắn cũng chẳng thèm chào hỏi ai. Làm gì người ta chẳng gét.Bên nhà hắn, vợ hắn lại gào lên
-Ông có giỏi thì giết tôi đi. Giời ơi là giời. Sao tôi lại khốn khổ thế này
Không đừng được, tôi đi sang nhà hắn
Nhà hắn đúng là một bãi chiến trường. Bát đĩa khắp nơi. Thức ăn vung vãi mọi chỗ. Vợ hắn dúi vào một chỗ khóc rưng rức. Còn hắn đứng ở giữa nhà, mặt xám xanh, tay cầm cái phích giơ lên cao đang định đập xuống.. Tôi tiến lại giữ lấy tay hắn
-Thôi nào ! Có gì thì bình tĩnh nói chuyện. Đừng ầm ỹ lên thế mà hàng xóm người ta cười cho.
Hắn ngồi phịch xuống ghế,hai tay ôm lấy đầu. Vợ hắn thấy có người bênh lại được dịp kể lể
-Ối bác ơi! Con Vân nhà em nó bỏ đi theo giai rồi bác ơi. Chị tại cái thằng chồng em đã ngu lại còn tham.Con bé xinh đẹp như thế, giữ rịt ở nhà còn chưa chắc đằng này lại muốn cho nó thành ông nọ bà kia cơ. Bây giờ mới trắng mắt ra.
Tôi đưa mắt nhìn sang hắn. Hắn gật đầu thừa nhận
-Đúng đấy ông ạ.Hận nhất là cái thằng ẵm mất con đĩ ấy lại là thằng đệ tử ruột của tôi. Chính tôi đã cất nhắc nó lên chức tổng giám đốc. Mẹ nó chứ! Quân khốn nạn. Đồ vong ân bội nghĩa. Ông xem, ngày xưa các cụ vẫn bảo “Con thầy, vợ bạn” là phải tránh xa. Bây giờ, chúng nó chẳng còn cái gì mà không dám làm. Suy đồi hết! suy đồi hết! Đạo đức thời nay đúng là xuống dốc không phanh.
Tôi nhìn hắn mà ái ngại. Đúng là họa vô đơn chí. Hóa ra là số hắn cũng chẳng sướng gì. Lúc lên voi ai cũng xúm vào ca ngợi hết lời. Khi xuống chó đến vợ cũng chửi cho là ngu với tham. Như tôi đây, cả đời cưỡi chó lại hóa ra hay. Tôi an ủi hắn
-Thôi ông ạ, Con dâu như thế nó bỏ đi có khi lại hóa may chứ nó còn ở nhà có khi ông lại đi nuôi một đống cháu người
-Trời ơi! –Hắn ôm đầu rên rỉ - Tôi cần gì nó. Tôi cần mỗi đứa cháu tôi thôi thì nó lại mang đi mất
Tôi nghe hắn nói mà rợn gai ốc. Hóa ra không phải hắn cưới vợ cho con mà hắn mua người để đẻ thuê cho dòng giống nhà hắn.Có lẽ trời có mắt thật chăng? Nếu hắn đề bạt một người tử tế lên làm tổng giám đốc Nếu hắn không mua người để đẻ thuê cho con hắn thì liệu hắn có gặp phải cảnh này không? Nếu ! chao ơi có một trăm chữ nếu mà sao ai cũng rơi xuống vực rồi mới tự nói với mình chữ nếu ấy nhỉ? Sao họ không tự hỏi mình một chữ nếu trước khi làm một việc xấu xa? Hay họ không tự biết đó là một việc đê tiện nhỉ? Vì nếu biết họ đã đặt một chữ “Nếu “ trong đầu.
Sau lần ấy, hắn bị sốc đến mức phải đi viện. Tôi vào bệnh viện Việt Xô thăm hắn.Bệnh viện của các quan chức to có khác, Sạch sẽ và vắng vẻ. Tôi vào thấy hắn đang ngồi nói chuyện cùng với mấy ông cấp vụ ,cấp cục cũng đã về hưu như hắn . Tất cả bọn họ đều đang chửi
-Thằng ấy thì có năng lực gì . Chẳng qua chỉ giỏi bợ đít
-Giời ơi toàn một bọn khốn nạn
-Chúng nó thì chỉ chăm chăm móc túi dân đen, Vơ vét tiền của nhà nước chứ làm gì?
        _...........
Quái lạ thật! Tôi tự hỏi . “ Chúng nó”  từ lỗ nẻ nào mà chui lên thế nhỉ? Chẳng phải từ chính các vị đưa lên sao?Thế mà bây giờ các vị lại chửi. Bây giờ tôi mới biết có một định luật :Càng to càng chửi khỏe và chỉ chửi lúc đã về hưu. Sao họ không chửi lúc đương chức nhỉ? Tôi tự hỏi mà không sao trả lời được Hồi vợ tôi ốm nằm bệnh viện Bạch mai. Ba người nằm chung một chiếc giường một. Tôi cấm thấy ai chửi rủa gì. Đúng là những bà vô học có khác, chỉ quanh quẩn lo
-Không biết mưa thế này ,ông ấy có biết mà che cót thóc không?
-Đến kì đóng học phí rồi. Mình nằm viện lấy đâu ra tiền đóng cho con bé
-Thuốc bây giờ có đắt không mấy bà
Trời ơi! Một nơi toàn những lời chửi còn một nơi toàn những lời than.
Con trai tôi tốt nghiệp đại học. Một tối nó hỏi tôi
-Bố ơi con muốn xin vào làm công chức ở bộ bố bảo có nên không
Tôi bảo thằng con
-Cái đó còn tùy vào năng lực của con. Bố chỉ dạy con câu ngạn ngữ này “Dốt ,lỳ thì đi làm quan. Giỏi, to gan thì đi làm giầu” Mà khi còn đi học môn chửi của anh điểm có khá không?
-Bố lo gì –Thằng bé cười- Còn những ba mươi năm con mới về hưu. Chẳng lẽ từng ấy thời gian mà con trai bố lại không học được cách chửi à?
 Ơ cái thằng này! Hóa ra nó cũng biết à?Mình tưởng mỗi mình mình biết điều ấy
                                                                        Hà Nội 22-1-2009
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Keanm

@ anh Thế Duyên: Kẻ ăn mày đã từng đọc một câu truyện hay trên Net ở một trang Web khác :” TÌNH YÊU - Nguyễn Thế Duyên
________________________________________
Cả lớp đứng lên khi Thành lọc cọc chống nạng đi vào. Anh tươi tỉnh vẫy tay ra hiệu cho học sinh ngồi xuống. Cẩn thận xếp đôi nạng ra bên mép bàn, ngồi xuống ghế anh tự giới thiệu.
-Tôi là Thành, người sẽ phụ trách lớp các em cho đến khi các em đi thi. Bây giờ chúng ta làm quen với nhau đã nhé. Nào mời em ngồi bàn đầu. Em hãy tự giới thiệu về mình …. “
Hôm nay mới biết tập truyện ngắn của anh trên thiviet.net. Đọc truyện đầu tiên, của anh,  Kẻ ăn mày chợt liên tưởng đến một câu chuyện đăng trên báo văn nghê. Kẻ ăn mày muốn được chia sẻ câu chuyện đó lên đây để mọi người cùng thưởng thức. Nếu như bài viết này làm loãng topic, anh có thể xoá bài viết này, Kẻ ăn  mày sẽ vui vẻ và chắc chắn không có lời"bào chữa" nào. Cảm ơn anh, chúc anh vui khoẻ và vạn sự tốt lành.

Chuyện người lính già
Truyện mini của Đỗ Đức

Ông ngồi trước mặt tôi. Bóng ông lờ nhờ hắt lên vách nhà bởi cái bếp sưởi chỉ có mấy gộc củi to bự chụm đầu, hồng rực than, nhưng lửa không bốc lên thành ngọn. Đêm lạnh quây bốn bên sàn. Gió bấc hun hút quất vào vách, nhưng đến quanh bếp thì tắt lịm, ngẩn ngơ tìm hướng khác.
Ông ngồi và lững thững với một nỗi buồn nhàn nhạt vương vất đâu đó trong tâm can. Trí nhớ của ông cũng giống cái bóng chập chờn trên vách, chỉ đậm lên khi có ngọn lửa bốc cao trên bếp. Sau đó lại chập chờn mờ ảo như câu chuyện trôi qua đã nửa thế kỷ.
Hồi ấy ông là một chàng trai trẻ trong lực lượng công an vũ trang trấn tại một đồn cửa khẩu trên đất Lao Cai. Hôm ấy sau chuyến tuần tra, anh lính trẻ yêu đời chưa về đồn ngay thì bắt gặp cô gái xách cái túi vải đang quẩn quanh như muốn tìm cái gì. Anh lại gần thì cô gái bảo tàu chậm trên nửa tiếng nên em muốn tranh thủ đi xem cột mốc biên giới nó thế nào. Cô nói với anh rằng ở xuôi lên thăm họ hàng. Biên giới với cô cái gì cũng lạ, cô muốn tận mắt nhìn thấy cột mốc để còn về kể với mọi người. Chuyện nhỏ, anh lính trẻ hồ hởi đưa cô lên ngay cột mốc gần đó.
Chiều đông. Họ đi sát vào nhau. Tuổi trẻ, nên chỉ sau vài câu chuyện hai người trở nên gần gụi như đã quen từ lâu. Khi quay về vượt qua suối để trở ra con đường mòn trở lại ga tàu thì cô gái bước hụt, trượt ngã nhoài. Anh lính trẻ với phản xạ cực nhanh, lao theo đỡ cô. Cô ngã đè lên anh ngay bên bờ cỏ. Trong phút chốc hơi ấm tỏa sang nhau, nhập vào làm một. Cả hai chẳng nói gì, chỉ còn mỗi cảm giác rối rít không cắt nghĩa nổi. Anh bỗng trở nên điên dại kéo tụt quần cô. Cô lặng yên nằm yên như chết… thế là không còn gì để nói tiếp nữa..
…Chỉ còn cảm giác bản năng trong họ trỗi dậy, họ như một, đã là một. Nóng ran, bổi hổi, đầy ứ…
Giữa lúc hưng phấn tột độ thì từ phía ga, tàu kéo một hồi còi dài, báo hiệu cho khách lên tàu chuẩn bị xuất hành. Cô gái giật mình chợt tỉnh cơn mê. Bất ngờ cô đẩy vội anh sang một bên, cuống cuồng kéo quần lên vơ tư trang lao về phía nhà ga. Trời đã nhá nhem tối. Anh lính cũng chợt bừng tỉnh, xốc quần phóng theo; vừa lao theo cô vừa kéo xanh tuya… Và cuối cùng anh cũng kịp đỡ cô lên tàu thì vừa lúc tàu chuyển bánh…
Thế mà đã trên năm mươi năm.

Hấp háy đôi mắt già, ông bảo:
Bác chẳng hối hận gì. Tuổi trẻ mà, có lúc làm những chuyện ngu không chịu được. Bác không kịp hỏi tên, và cô ấy cũng chẳng biết bác. Nhưng có một nỗi đau đến bây giờ vẫn không gỡ ra khỏi cái đầu. Số là sau khi tàu chuyển bánh khuất sau lớp núi, bác lững thững trở về đồn thì chợt phát hiện ra mình mất băng đạn k54 giắt bên người. Đành phải quay lại chỗ vừa giao chiến mò tìm- chợt thấy bên khóe mép ông thoáng một nét cười- Đạn chẳng thấy lại nhặt được cái túi nhỏ, trong đó bọc gói tiền khá lớn. Bác chợt tỉnh ra. Có lẽ trong lúc cuống quýt cô ấy cầm nhầm túi đạn của mình lại cứ tưởng túi tiền…
Sau đấy rất nhiều năm, mỗi chuyến tàu ngược bác đều kiếm cơ lảng vảng ra ga mong gặp lại cô ấy, hoặc mong cô ấy tự tìm đến đồn, mà không gặp bao giờ. Bác đóng quân tại đồn ấy nhiều năm, vào Đảng, rồi là sĩ quan cho đến lúc phục viên…
Tôi lẳng lặng ngồi nghe ông thổ lộ, câu chuyện như suối nguồn róc rách thầm thì giữa rừng. Ông bảo bao nhiêu năm rồi cố tìm lại cô ấy để trả lại túi tiền rơi. Chỉ sợ cô ấy nghĩ mình là thằng đểu. Đã ngủ với nhau rồi còn ăn cắp tiền. Cứ nghĩ thế là lại không sao ngủ được.
Đêm đi vào sâu, người lính già ngồi không nói thêm lời nào. Ông im như bức tượng đồng. Bóng ông nhòa vào bóng đêm cùng nỗi băn khoăn nửa thế kỷ chưa một phút yên ngủ.
16/11/2008

(Báo Văn Nghệ hội nhà văn Việt Nam số: 6(2559)- Thứ bảy, 7-2-2009)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Anh bạn kẻ ăn mày này cẩn thận quá. Tôi tính tình vui vẻ không bao giờ để ý đến những chuyện linh tinh nên bạn đăng thêm một câu chuyện vào đây càng hay chứ có sao đâu. Cám ơn bạn đã đọc truyện của tôi lại còn đăng vào một câu chuyện . Mà sao bạn không có nhận xét gì thế? Đừng ngại bạn ạ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Tình yêu



Cả lớp đứng lên khi Thành lọc cọc chống nạng đi vào. Anh tươi tỉnh vẫy tay ra hiệu cho học sinh ngồi xuống. Cẩn thận xếp đôi nạng ra bên mép bàn, ngồi xuống ghế anh tự giới thiệu.
     -Tôi là Thành, người sẽ phụ trách lớp các em cho đến khi các em đi thi. Bây giờ chúng ta làm quen với nhau đã nhé. Nào mời em ngồi bàn đầu. Em hãy tự giới thiệu về mình .
Từ trên bục cao nhìn xuống, thành thấy bọn học sinh bắt đầu xì xầm với nhau. Anh biết chúng đang nhìn anh với cặp mắt thất vọng. Cũng đúng thôi! Với đôi nạng, hình ảnh người thầy đã giảm đi một nửa sự thuyết phục. Cậu bé ngồi bàn đầu đứng dậy.
     -Thưa thầy ! Em là Dũng học sinh lớp mười hai chuyên toán tin trường chuyên Lê hồng Phong ở Nam định ạ.
Cứ thế lần lượt bảy cô, cậu học sinh đứng lên tự giới thiệu về mình. Đến cô bé cuối cùng , người thứ tám đứng dậy, mặt Thành bỗng tái nhợt như người bị trúng gió. Anh buột mồm thốt lên .
     -Diệu Anh!
Cô bé tròn mắt ngạc nhiên
     -Thưa thầy! Thầy biết mẹ em ạ?
Thành lúng túng một thoáng nhưng rất nhanh anh lấy lại được sự điềm tĩnh
     -À không! Thầy nhầm. Nào em nói đi
Thưa thầy em là Quỳnh Anh học lớp mười một trường Am của Hà nội
     -Cám ơn em. Em ngồi xuống đi—Thành nhìn cả lớp một lượt. Tám khuôn mặt thơ trẻ đang chăm chú nhìn anh. Anh biết, muốn thành công, anh phải lấy được lòng tin nơi bọn trẻ và phải làm cho bọn trẻ tin ở chính bản thân chúng—Các em là những học sinh giỏi nhất đã vượt qua hàng nghìn học sinh khác để tập trung ở đây chuẩn bị cho cuộc thi quốc tế về tin học. Bây giờ chúng ta phải vượt một cửa ải nữa đó là phải vượt qua hàng triệu học sinh trên toàn thế giới để giành lấy vinh quang cho đất nước mình. Tôi sẽ giúp các em vượt qua cửa ải này,--Thành dừng lại một chút quan sát những thay đổi trên gương mặt bọn trẻ. Anh thấy chúng nhìn nhau với ánh mắt nghi hoặc. “Chưa thuyết phục lắm” Anh thầm nghĩ. Anh quyết định thay đổi chiến thuật—Bây giờ tôi xin tự giới thiệu về mình. Tôi là Trần Thành, tiến sĩ toán tin.—Anh nghe thấy một tiếng “ồ” nhỏ phát ra từ phía bọn trẻ--Tôi lấy bằng tiến sĩ tại đại học Harvard Hoa kì và được mời làm giáo sư giảng dạy tại đấy nhưng tôi đã từ chối và về đây để dạy các em
Anh lại nghe thấy một tiêng “Ồ” nữa của bọn trẻ. Ánh mắt của bọn chúng nhìn anh sáng rực, đầy ngưỡng mộ. Anh biết mình đã thắng trong hiệp một. Anh cầm lấy viên phấn, vịn bàn đứng lên, nhảy lò cò một bước đến bên bảng.
     -Bây giờ chúng ta sẽ học bài đầu tiên “Ma trận”
Đến cuối buổi chiều, khi tiếng chuông hết giờ vang lên,anh để cho học sinh về hết còn mình ngồi lại nhìn qua cửa sổ ra phía cổng trường. Giờ này sinh viên chưa tan lớp, chỉ có tám học sinh luyện thi của bộ ở cổng trường. Cô bé Quỳnh Anh đứng ngóng về phía cuối phố chắc đang đợi mẹ đến đón. Một chiếc xe máy xịch đến. Con tim Thành bỗng loạn đi một nhịp. Anh thấy cô bé đang láu táu kể điều gì đấy cho mẹ. Thành nhìn theo cho đến khi cái dáng hình thân quen khuất hẳn . Anh thở dài , nặng nề đứng dậy trở về nhà.
                                                             *
                                                       *          *
Cả nhà ngồi quanh mâm cơm. Bữa cơm tối thật vui vẻ và đầm ấm. Đang ăn, đột nhiên nhớ ra, Thành bảo với bố
     -Bố này, con gái của Diệu Anh đang học ở lớp của con đấy.
Nghe cái tên “Diệu Anh” mặt mẹ Thành cau lại. Bà dằn mạnh bát cơm
     -Con còn nhắc cái tên con người bạc bẽo ấy làm gì?
Hai bố con nhìn nhau. Bố Thành hơi lắc đầu.
     -Thôi mà mẹ.—Thành năn nỉ --Có phải lỗi tại cô ấy đâu. Tại mình đấy chứ.
     -Tại mình?Đồ vô ơn
Mắt bà quắc lên. Bữa cơm đang vui vẻ bỗng trở thành tẻ ngắt. Miếng cơm bã ra trong miệng. Thành buông bát đũa lẳng lặng đi về phòng mình. Trước khi cánh cửa khép lại , anh còn nghe thấy tiếng bố bảo với mẹ
     -Bà lại làm cho nó buồn rồi.
     -Tôi nói nó vô ơn không đúng sao? Tiếng bà cự lại chồng—Không có con trai mình thì liệu nó có còn sống để có chồng với con không?
Thành ngồi xuống ghế. Không hề có chủ ý, tay anh cầm lên khung ảnh vẫn đang để trên bàn đăm đăm nhìn cô gái trong ảnh, một cảm giác buồn buồn nhè nhẹ dâng lên tràn ngập trong hồn. Thời gian đã quá lâu, nỗi đau không còn là một nỗi đau cào xé nhưng thời gian tuy dài thế nhưng vẫn chưa đủ làm lành hẳn vết thương lòng. Vết thương đã kín miệng nhưng chưa kéo da non thỉnh thoảng nó vẫn rỉ chút nước vàng âm ỉ. Con người lạ thế. Tình yêu lạ thế. Có đôi khi một chút buồn mênh mang lại làm ta thêm yêu quý cuộc đời. Cái ngày xưa  của mười mấy năm về trước chợt ùa về.
Đấy là một mùa hè của năm cuối đại học,Thành phải vào bệnh viện để chăm sóc mẹ đang nằm ở phòng cấp cứu. Anh ngồi đầu giường cầm cái quạt nan phe phẩy quạt cho mẹ mắt thì lơ đãng nhìn ra ngoài hành lang bênh viện. Anh thấy một chiếc băng ca đang được đẩy dọc theo hành lang về phía phòng mổ. Đi theo sau băng ca là một bà cụ đầu tóc rối bù, ánh mắt thất thần. Cửa phòng mổ đóng lại, bà lão ngồi trên chiếc ghế ngoài hành lang chờ đợi mà khóc rưng rức. Lòng cảm thấy bất nhẫn, Thành chống nạng đi đến chỗ bà cụ định an ủi bà mấy câu. Anh chưa kịp nói gì thì cửa phòng mổ mở ra. Bà lão chạy bổ về phía cánh cửa. Cô y tá phòng mổ bước ra nói với bà cụ
     -Bà về huy động người nhà đến bệnh viên ngay. Nhóm máu của cháu bà là loại Rh âm, một nhóm máu cực hiếm.Bệnh viện không có loại máu này. Mà cần nhiều đấy
Bà lão  gần như khụy xuống, mếu máo sau khi nghe cô y tá nói
     -Giời ơi! Tôi biết làm sao bây giờ? Bố mẹ nó thì đi công tác xa. Mà họ hàng chúng tôi có ai ở Hà nội đâu
     -Rh âm hả chị?
Thành hỏi lại cô ytá. Cô gái nhìn anh.
     -Anh Rh âm à? Thế nhóm máu gì?
     -O
     -Thế thì tốt quá rồi.
Cô ytá reo lên rồi quay sang bà lão
     -Chắc anh đây muốn bán máu. Cụ bàn với anh ấy về giá cả đi để cho chúng tôi còn lấy máu. Mà nhiều đấy
Tai thành đỏ bừng. Anh nhìn cô ytá lắc đầu.
     -Bán chác gì hả chị. Tôi thấy người gặp nạn thì cứu giúp thôi.
     -Hiến máu nhân đạo?
Cô ytá trợn tròn mắt nhìn Thành rồi đưa mắt nhìn xuống chiếc chân bị tật nguyền của anh và đôi nạng. Bà cụ túm chặt lấy tay anh van vỉ
     -Cháu ơi cháu giúp bà với. Trời phật sẽ phù hộ cháu
Mười lăm phút sau, người ta đẩy anh ra bằng một chiếc băng ca. Anh đã phải cho gần hai đơn vị máu mới có thể cứu sống được cô bé. Nhìn mặt Thành tái nhợt nằm bất động trên chiếc băng ca, bà cụ nắm chặt lấy tay anh nước mắt trào ra vì cảm động.
     -Cháu ơi ! Nếu cháu bà mà được cứu sống, nhất định bà sẽ gả nó cho cháu để đền cái ơn này.
Môi thành nở một nụ cười nhợt nhạt
     -Bà ơi ! Bà đừng nói như thế. Ai người ta lấy cháu hả bà.
Nói rồi anh buồn bã nhìn xuống cái chân tật nguyền của mình.
Thành phải nằm ở nhà mất hai hôm. Hôm thứ ba anh đến bệnh viện thì đã thấy cô gái được chuyển xuống nằm ở chiếc giường ngay cạnh giường mẹ mình. Không hiểu do định mệnh hay như bà của cô gái đã nói “Trời phật sẽ phù hộ cho cháu”. Thấy Thành bà cụ cuống quýt giắt anh đến bên giường của cô cháu gái
     -Này cháu! Đây là người đã cho cháu mạng sống .
Nghe bà cụ nói Thành lại đỏ mặt
     -Bà bạn nói quá lên đấy.
Cô gái nhìn anh nói giọng cảm động
     -Không phải là bà em nói quá đâu mà đúng là như thế đấy.Em đã hỏi chuyện các bác sỹ, em biết rằng  bình thường không được phép lấy quá một đơn vị máu thế mà vì cứu em anh đã cho em gần hai đơn vị máu của mình. Em rất biết ơn anh
Nghe cô gái nói, Thành lại càng lúng túng hơn. Đã sắp tốt nghiệp đại học nhưng vì mặc cảm với đôi chân tật nguyền của mình nên chưa một lần anh ngồi nói chuyện với một cô gái. Một sự rung cảm của tuổi trẻ đột ngột trào lên trong anh. Thu hết can đảm , anh nhìn thẳng vào mặt cô gái . Đôi mắt của họ gặp nhau. Chỉ một thoáng thôi, Không chịu nổi ánh mắt mạnh bạo đầy ngưỡng mộ của cô gái, anh cụp ngay mắt xuống và bắt gặp chiếc chân tật nguyền của mình. Một tiếng thở dài cứ chực buột ra. Cô gái chìa tay cho anh.
     -Chúng mình kết bạn nhé. Em là Diệu Anh sinh viên sư phạm. Còn anh?
Anh rụt rè nắm lấy tay cô gái. Một luồng điện từ bàn tay cô gái truyền lan đi khắp cơ thể Thành. Anh cảm thấy chơi vơi. Một cảm giác kì diệu lắm mà không một ngôn từ nào có thể diễn tả được. Một cảm giác mà về sau, suốt cả cuộc đời mình dù trải qua trăm nghìn cay đắng, trải qua trăm nghìn vui sướng anh vẫn không làm sao quên được.
     -Mình là Trần Thành sinh viên Bách khoa.
Thành cứ thế ngồi lặng trước bàn miên man với những hồi tưởng. Cửa phòng mở, bố anh bước vào. Ông dừng lại trước cửa phòng đau sót nhìn đứa con trai đang thẫn thờ ngắm bức ảnh. Thời gian ! Ai bảo nó là liều thuốc nhiệm màu với mọi vết thương lòng?Một cảm giác có lỗi lại trào lên trong lòng ông. Tại mình. Mình đã không thể cho con một thân thể trọn vẹn. Ông cảm thấy rất giận bản thân mình. Ông đi lại phía con trai, đặt tay lên vai anh khẽ hỏi
     -Con vẫn không quên được phải không?
Thành giật mình nhìn lên bắt gặp ánh mắt đầy thương cảm của bố,mọi cái cứng rắn đàn ông trong anh tan biến. Anh úp mặt vào lòng bố khe khẽ gật đầu. Anh đã cố quên và có nhiều khi anh đã tưởng rằng mình đã quên được nhưng không phải. Gặp đứa con người yêu cũ, cái tình yêu mà anh đã dùng toàn bộ lí trí và niềm kiêu hãnh  đàn ông của mình để dìm nó xuống tận đáy lòng lại trỗi dậy tuy mong manh nhưng mãnh liệt.
     -Con bé học hành thế nào?
     -Con bé thông minh lắm bố ạ. Chỉ tiếc là nó mới học lớp mười một nên khối lượng kiến thức còn hơi ít so với các em học sinh khác.
     -Thế con định thế nào?
Thành đắn đo một lúc rồi rụt rè hỏi bố
     -Con định bồi dưỡng thêm cho nó ở nhà nhưng con lại sợ mẹ sẽ làm tổn thương con bé.
     -Ừ, Con nghĩ thế là phải đấy.—Ông khe khẽ lắc đầu và thở dài nhè nhẹ.—Mẹ sẽ còn căm giận cô ta cho đến khi nào con còn chưa chịu lấy vợ. Mà không phải là….
Nói đến đây ,ông đột nhiên dừng lại. Thành im lặng đợi ông nói tiếp nhưng không thấy ông nói gì nữa. Anh ngẩng lên nhìn bố và thấy ông đang chăm chú nhìn mình. Trong con mắt ông, thành đọc thấy có một điều gì đó ông muốn hỏi mà không dám hỏi.
     -Bố muốn hỏi điều gì phải không?
     -Ừ.—Ông gật đầu –Bố muốn hỏi con là không phải con định dùng cách này để trả thù mẹ con bé đấy chứ?
     -Sao bố lại nghĩ thế? –Thành kêu lên –Con yêu Diệu Anh. Kể cả bây giờ con vẫn yêu Diệu Anh. Chưa bao giờ con căm giận cô ta cả
     -Thế thì tốt. Thù hận và trả thù  không bao giờ mang lại cho ta hạnh phúc đâu con ạ.—Ông vỗ vỗ vai con trai—Vả lại con bé cũng chịu quá nhiều những dằn vặt rồi
     - Con biết mà bố
Anh ôm chặt lấy bố, tin cậy nép đầu vào lòng bố. Gần bốn mươi tuổi đầu anh vẫn thấy mình cần bố biết bao
                                                       *
                                                 *          *
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Tình yêu  (tiếp)


Cũng như mọi bận, về đến nhà là Quỳnh Anh lại láu táu kể cho mẹ nghe mọi chuyện ở lớp. Từ chuyện bạn Dũng mải chơi game không chịu làm bài tập bị thầy mắng cho một trận đến bạn Thúy bị kẻ trộm vào nhà lấy mất hết đồ đạc, Nhưng người nó kể nhiều nhất là thầy giáo của nó. Qua cái giọng điệu của con gái, Diệu Anh biết anh ta đã trở thành thần tượng của con bé
     -Thế thầy giáo của con có nói gì về con không?
Diệu Anh hỏi con bé. Mắt nó sáng rực.
     -Thầy quý con nhất lớp mẹ ạ.Thầy khen con thông minh có những cách giải độc đáo. Thầy bảo chỉ tiếc rằng con mới học lớp mười một nên khối lượng kiến thức hơi ít hơn các bạn. À con quên mất. Thầy bảo từ tuần sau, mỗi tuần thầy sẽ bồi dướng thêm cho con hai buổi để con đuổi kịp trình độ của các bạn.
Diệu Anh băn khoăn. Cô biết tiền dạy thêm của những giáo viên luyện thi đại học đã rất cao rồi. Đằng này lại là luyện thi quốc tế
     -Thế thầy giáo của con có bảo bao nhiêu tiền một buổi dạy thêm không?
Quỳnh Anh tức đỏ cả mặt. Nó cảm thấy mẹ đã xúc phạm vào thần tượng của nó. Con bé vùng vằng
     -Mẹ với bà cái gì cũng quy ra tiền. Thầy con mà vì tiền thì thầy đã ở lại làm giáo sư của trường Harverd rồi. Trên đời này có những thứ không thể mua được bằng tiền.
Một mũi dùi nóng bỏng xuyên suốt qua con tim Diệu Anh. Mặt mày xa xẩm,cô choáng váng ngồi vội xuống chiếc ghế.
     -Mẹ! mẹ làm sao thế?
Con bé hoảng hốt kêu lên. Nó chạy vội về phía mẹ.
     -Không! Mẹ không sao. Mẹ chỉ hơi chóng mặt một chút. Con đi lấy cho mẹ cốc nước.
“Trên đời này có những thứ không thể mua được bằng tiền”. Anh! Chính anh đã nói câu này khi mà mẹ cô quật hai tập tiển trước mặt anh.
     -Đây là mười triệu. Số tiền này đủ mua toàn bộ số máu trong người cậu.Cậu hãy cầm lấy. Từ nay , chúng tôi và cậu không nợ nần gì nhau cả. Còn định làm con rể tôi thì cậu đừng có mơ. –Nói xong bà quay sang Diệu Anh. –Về ngay.
Bà túm lấy tay cô,lôi cô đi.
     -Khoan đã thưa bác.—Anh từ từ ngẩng lên. Nhìn anh, cô hoảng sợ. Vẻ mặt anh sắt đanh. Đôi mắt mở to dữ dội—Cháu không định bán máu kiếm tiền càng không có ý định đổi tình yêu bằng máu. Lẽ ra cháu không nhận tiền nhưng làm như vậy thì cả đời Diệu Anh sẽ áy náy. Cháu sẽ nhận số tiền bằng đúng giá máu cháu bán cho bệnh viện.—Nói rồi anh rút mấy tờ trong tập tiền, còn lại anh đưa trả cho mẹ cô. –Bác cầm lấy. Từ nay chúng ta không nợ nần gì nhau cả nhưng cháu muốn nói với bác điều này. Trên đời này có những thứ không thể mua được bằng tiền. Đó là sinh mạng và danh dự.
Đấy là lần cuối cùng cô gặp anh. Một tháng sau, anh nhận được một học bổng du học bên Mỹ. Thời gian trôi cuồn cuộn, chớp mắt mà mười mấy năm trời đã trôi qua. Anh đang ở đâu?Em đã nợ anh một mạng sống mà ở kiếp này em không sao trả nợ được. Có kiếp sau không?Để cho em dùng tình yêu của mình trả nợ cuộc đời anh.
Khi con bé Quỳnh anh cầm cốc nước quay lại phòng, nó thấy mẹ nó đang nhìn như đóng đinh vào một điểm vô hình trên tường vẻ mặt đờ dẫn.Nó vào trong phòng rồi mà mẹ nó vẫn không nhìn thấy nó. Hoảng sợ con bé lay lay mẹ
     -Mẹ! Mẹ làm sao thế?.
Diệu Anh choàng tỉnh. Cô cầm lấy cốc nước nhấp một ngụm rồi nói với con gái.
     -Mẹ xin lỗi. Mẹ không có ý nghĩ xấu về thầy giáo của con đâu. Con thưa với thầy là mẹ xin gặp thầy một buổi được không?
     -Không được. –Con bé nói ngay –Để mẹ gặp thầy rồi mẹ lại nói về chuyện tiền nong làm xấu mặt con à.
Ôi! Con mình mới ngây thơ và trong trắng biết bao. Nó y như mình của mười mấy năm về trước. Mình đã xấu hổ đến mức chỉ muốn tìm một lỗ nẻ nào đó để chui xuống đất khi mẹ nói chuyện trả tiền cho máu của anh. Và anh ơi! Khi anh rút mấy tờ tiền trong cái tập tiền dày cộp kia và nói rằng để cho em khỏi áy náy thì anh có biết không? Chính hành động đó của anh đã hành hạ em suốt mười mấy năm trời.
     -Mẹ thề với con là mẹ sẽ không nói đến chuyện tiền nong. Nhưng mẹ phải gặp để cám ơn thầy giáo của con mới phải đạo chứ. Đúng thế không nào?
Con bé cắn cắn môi nhìn mẹ nghi ngại
     -Mẹ nói thật chứ? Thôi được, mẹ để mai con thử hỏi thầy xem sao.
Hôm sau cô thực sự sửng sốt khi nghe con gái nói.
     -Mẹ ạ.! Con hỏi thầy rồi nhưng thầy bảo thầy bận lắm không có thời gian để tiếp mẹ đâu. Thầy bảo là thày xin lỗi mẹ nhưng mẹ không cần phải đến để cám ơn thầy.
Lại một người nữa có tính giống anh. Cô thầm nghĩ. Ngày xưa em gặp anh thì được cứu sống còn bây giờ con em gặp được một người tính giống anh thì việc gì sẽ xảy ra đây? Một cái gì đó rất mơ hồ vương vào tâm trí của cô nhưng cô chắc chắn một điều đó không phải là nỗi lo lắng. Những người có tính cách giống anh sẽ không bao giờ làm điều gì xấu xa với mọi người. Và rồi một ngày cô bé Quỳnh Anh xô cửa vào nhà reo to.
     -Mẹ! Con đã chính thức lọt vào đội tuyển đi thi quốc tế rồi. Nửa tháng nữa chúng con sẽ đi Anh. Mà mẹ biết không? Thầy giáo của con là trưởng đoàn việt nam còn nằm trong ban giám khảo và ra đề thi nữa đấy.
Con bé khoe với mẹ về thầy giáo của nó  với một giọng nói đầy tự hào
     -Thế thì tối nay hai mẹ con mình phải đến nhà thầy để chúc mừng và cám ơn thầy mới được
     -Thầy đi Anh sáng nay rồi. Thầy trong ban ra đề thi nên phải đi trước.
Rồi con bé đi Anh. Cả nhà phấp phỏng chờ đợi. Rồi niềm vi vỡ òa khi conbé gọi điện từ Anh về
     -Con được huy chương bạc. Chiều thứ bảy này chúng con về nước. Mẹ ra sân bay đón con nhé.
Chiều thứ bảy, Diệu Anh thuê một chuyến taxi đi Nội Bài đón con. Sân bay bố trí cho đoàn đi thi quốc tế ra một cửa riêng. Ở cửa này chỉ có gia đình của các học sinh đi dự thi và đám phóng viên tay lăm lăm máy ảnh chờ đợi. Cửa mở. Đoàn dự thi Tin học quốc tế xuất hiện.
     -Anh!
Diệu Anh thốt kêu lên. Cô loạng choạng  vịn vội vào một cái cột cho khỏi ngã. Thành cùng bốn em học sinh của mình tươi cười vẫy chào mọi người đến đón. Ánh đèn Plash chớp nhoang nhoáng. Mọi người ùa đến cánh cửa. Những cuộc phỏng vấn ngắn gọn. Những bó hoa. Những lời chúc mừng và những giọt nước mắt hạnh phúc. Hai hàng ước mắt của Diệu anh cũng từ từ ứa ra. Trong những giọt nước mắt ấy, giọt nào là giọt nước mắt vui mừng, giọt nào là giọt nước mắt đau đớn?
Cô bé Quỳnh Anh rẽ đám đông chạy về phía mẹ. Nó nắm tay lôi mẹ về phía đoàn của mình
     -Mẹ lại đây, con giớ thiệu thầy con với mẹ
Đang mải trả lời phỏng vấn và những lời chúc mừng của mọi người, đến khi quay lại, Thành sững người khi thấy Diệu Anh ở ngay bên cạnh
     -Diệu Anh!
Thành thốt kêu lên. Con bé ngạc nhiên
     -Thầy với mẹ biết nhau ạ?
Thành lúng túng một giây lát rồi rất nhanh chóng anh lấy lại được vẻ thản nhiên.
     -Ừ! Thầy với mẹ em biết nhau hồi học đại học, --Nói rồi anh chìa tay cho cô –Chúc mừng em. Con bé đoạt hai giải,một huy chương bạc và một giải người có cách giải độc đáo.
Diệu Anh chìa tay ra cho anh. Một luồng điện từ bàn tay anh truyền lan đi khắp cơ thể cô. Cô cảm thấy chơi vơi. Một cảm giác kì diệu lắm mà không một ngôn từ nào có thể diễn tả được. Một cảm giác mà cô chưa bao giờ được biết đến dù cho con đã lớn
     -Đấy là công của anh. –Cô nói nhỏ, giọng nghèn nghẹn—Cuộc đời em nợ anh nhiều quá.
                                                          *
                                                    *          *
Phải suy nghĩ mất mấy ngày Diệu Anh mới dám đến nhà Thành.. Cô gõ cửa. Mẹ Thành ra mở, thấy cô, bà không nói gì ,sập ngay cánh cửa lại. Tiếng Thành trong nhà hỏi.
     -Ai đấy hả mẹ?
Không nghe thấy tiếng bà trả lời. Một lát sau Thành ra mở cửa. Thấy cô anh sượng sùng
     -Xin lỗi em. Mẹ anh…..
Cô vội vã ngắt lời anh bằng một giọng buồn buồn
     -Không sao đâu anh. Em đáng bị như thế
     -Vào nhà đi em
Họ vào trong nhà. Thành lo ngại nhìn vẻ mặt lầm lì của mẹ. Anh đưa mắt về phía bố cầu cứu. Ông đứng lên tươi cười
     -Diệu Anh đấy à . Lâu lắm rồi mới gặp. Ngồi đi cháu. –Ông quay sang vợ--Bà gặp cô Liên chưa?Sáng nay cô Liên cho người đến báo bà cụ vừa bị ngã.
Mẹ Thành hoảng hốt đứng dậy
     -Sao ông không nói sớm. Tôi phải sang ngay bên ấy đây. Ông đưa tôi đi nhé.
Ông đứng lên bảo với Diệu Anh
     -Cháu ngồi nói chuyện với Thành bác phải đưa bác gái đi có việc.
Hai ông bà đi rồi.Diệu Anh mới bảo thành
     -Ta vào phòng của anh . Em muốn xem phòng của anh như thế nào.
Họ vào phòng Thành. Nhìn thấy tấm ảnh của mình để trên bàn làm việc,lòng cô nhói buốt. Gần hai mươi năm rồi anh vẫn không quên được mình. Làm sao để anh quên được mình đây? Một cảm giác tội lỗi tràn ngập trong tâm hồn cô. Họ cứ im lặng ngồi bên nhau. Có quá nhiều điều muốn nói mà không thể nói.
     -Em sống thế nào? Hạnh phúc chứ?
Cô gái nhìn anh. Ánh mắt u buồn như một lời trách móc. Hạnh phúc? Thế nào là hạnh phúc? Một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi,một cuộc sống không phải lo về tiền bạc. Một đứa con ngoan ngoãn giỏi giang. Đủ chưa?Chưa đủ! Còn thiếu một thứ. Tình yêu! Một thứ không hình, không bóng, hư vô hơn cả những gì hư vô nhất, nhưng thiếu nó tất cả đều sẽ chết. Thiếu nó, ngôi nhà to đẹp sẽ biến thành nhà mồ,bữa ăn ngon sẽ biến thành vô vị, nhạt nhẽo. Từ khi có đứa con, em tưởng lấy tình yêu con để thay thế cho tình yêu của anh. Nhưng không được. Tình Yêu! Một tình cảm không có một thứ gì có thể thay thế. Em thiếu nó. Vậy em có hạnh phúc không?
Nhìn ánh mắt của Diệu Anh, Thành bỗng thấy ân hận. “Tại sao mình lại đi hỏi em câu đó?” Mình với em ai hạnh phúc hơn? Chắc chắn là mình rồi. Mình có thể sống với tình yêu của mình, với nỗi nhớ của mình mà không phải che dấu. Còn em? Em có dám sống với tình yêu của em, nỗi nhớ của em không?Hay em phải che dấu đi tình cảm ấy trước chồng và con của mình. Em ơi ! sao em khổ thế?
Họ cứ thế nói chuyện với nhau bằng một thứ ngôn ngữ không lời. Cả hai đều kìm nén. Cả hai đều muốn nhận về mình những thiệt thòi. Đều muốn dấu đi những đau đớn của mình cho người kia yên dạ. Tình yêu lạ thế chỉ muốn cho đi mà không muốn nhận về.
Diệu  Anh nhìn lên trên giá sách. Bất chợt cô nhìn thấy  một tờ giấy. Người cô run bắn lên trong một nỗi đau đớn đến cùng cực. Cô cầm tờ giấy ấy xuông,giở ra. Tờ giấy chứng nhận hiến máu nhân đạo và mấy tờ tiền. Tất cả đã ố vàng theo năm tháng. Cô cắn chặt môi cố gắng ngăn dòng nước mắt cứ chực trào ra
     -Anh cho em xin những thứ này
     -Đừng! –Thành hoảng hốt. –Em đừng giữ nó. Để anh đốt nó đi..
Anh cố gắng giằng lại tờ giấy và những đồng tiền trong tay Diệu Anh nhưng cô đã giấu nó ra đằng sau lưng.
     -Không! Em phải giữ những thứ này
Cô kiên quyết. Thành nhìn cô phân trần
     -Anh cứ nghĩ anh sẽ không bao giờ gặp lại em nữa nên anh mới giữ lại vật này. Nếu anh biết sẽ gặp lại em thì anh đã đốt nó đi rồi
Cô nhìn anh. Đau đáu một nỗi đau. Thăm thẳm một nỗi buồn. Cô nói nhỏ như là đang nói với chính mình
     -Anh có thể đốt chính trái tim mình được không?—Rồi không thể kìm nén nổi mình, cô gục vào ngực anh . Nước mắt lặng lẽ chảy—Anh ơi! Lúc anh rút máu ra cứu sống cuộc đời em thì cũng là lúc em giết chết cuộc đời anh. Em biết lấy gì để chuộc tội với anh đây?
Thành nâng đầu Diệu Anh lên. Cái mạnh mẽ đàn ông đã trở lại
     -Em muốn chuộc tội với anh bằng những dòng nước mắt sao?—Thành cười, lắc lắc cái đầu. –. Thôi, Ta đừng nói đến chuyện cũ nữa. Mà con bé có biết về quan hệ của chúng ta không?
     -Không! Con bé chưa biết.
     -Ừ. Đừng nên cho nó biết về quan hệ của chúng ta
                                                       *
                                                  *        *
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Tình yêu




                                                       
                          
Họ đã cố gắng dấu con bé nhưng không được. Một buổi tối, Diệu Anh đang ngồi chấm bài thì con bé mở cửa  bước vào. Nhìn con gái, cô hoảng sợ. Mặt nó bừng bừng tức giận.
     -Có việc gì đấy con?
Cô hỏi. Nó không trả lời mà đặt mạnh trước mặt cô cuốn nhật kí của mình. Cô giật mình.
     -Sao con dám đọc trộm nhật kí của mẹ?
     -Mẹ! –Con bé kêu lên. –Con thất vọng về mẹ.
Nói rồi nó òa khóc và bỏ chạy. Cô vội vàng đuổi theo kéo nó lại
     -Mẹ thề với con là mẹ chưa bao giờ làm điều gì có lỗi với bố và con
Con bé ngẩng lên nhìn mẹ với cặp mắt mọng nước mắt
     -Thầy con mà có thể làm điều gì có lỗi với mẹ sao? Chỉ có mẹ có lỗi với thầy thôi
Rồi nó không nói gì nữa. nhưng từ đấy nó bắt đầu đổi khác.
Cái dễ nhìn thấy nhất là nó không nói chuyện với mẹ nữa. Ngày trước mỗi lần đi học về là nó láu táu kể cho mẹ nghe đủ mọi thứ chuyện ở lớp. Nó có thể tâm sự với mẹ mọi thứ nhưng bây giờ thì nó tránh nói chuyện với mẹ. Đi học về là nó vào phòng của mình đóng cửa lại và đặc biệt là không bao giờ nó sang nhà bà ngoại nữa. Diệu Anh đau đớn nhìn đữa con gái đang tuột dần ra khỏi vòng tay mình mà cô không thể làm gì được. Cô biết, ở cái lứa tuổi chưa phải là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con của nó, nó nhìn cuộc đời bằng một cặp mắt nghiêm khắc. Trong nó chỉ có hai từ Đúng và Sai và thật là đau đớn cho cô và cũng là điều đau đớn cho nó từ Sai lại thuộc về cô, mẹ của chính nó. Biết nói gì với con đây?vì chính cô , cô cũng không biết nói gì về chính mình. Cô quyết định đốt cuốn nhật kí. Buổi chiều hôm đó, cô đang ngồi đốt cuốn nhật kí của mình ở ngoài sân thì con bé về. Nó nhìn cô không nói gì. Nó vào phòng cô, một lúc sau mang ra cho cô tờ giấy chứng nhận hiến máu nhân đạo và những tờ tiền
     -Sao mẹ không đốt nốt tờ giấy này và những tờ tiền độc ác của bà ngoại. Đốt hết cả đi cho lòng được thanh thản.
Diệu Anh ngã ngồi xuống sân. Trời ơi! Nó học đâu được giọng nói cay độc ấy? Không thể chịu đựng nổi và bất lực cô đành đến tìm gặp Thành. Cô kể lại cho anh nghe hết mọi chuyện rồi nói.
     -Bây giờ chỉ có anh mới cứu được em thôi.
Thành thở dài
     -Thôi được. Để anh nói chuyện với nó
Tối hôm sau, lúc cả nhà đang ngồi ăncơm thì có chuông điện thoai. Diệu anh đứng lên nhấc máy rồi quay sang con gái
     -Thầy Thành muốn nói chuyện với con
     -Thế ạ.
Con bé mắt sáng rực. Nó bỏ vội bát cơm xuống chạy đến cầm máy. Diệu Anh ăn cơm nhưng cố lắng tai nghe xem con bé nói gì. Chỉ thấy nó “Vâng” liên tục rồi cô nghe thấy nó nói.
     -Tám giờ tối nay ạ? Vâng. Phải xin phép mẹ ạ? Có cần phải thế không hả thầy?
Lắng đi một lúc  rồi cô thấy nó “Vâng” một tiếng ỉu xìu. Cơm xong, nó vội vàng đi rửa bát đũa. Thỉnh thoảng cô lại thấy nó liếc nhìn lên chiếc đồng hồ. Gần tám giờ, Cô thấy nó tần ngần rồi lần lần đến gần mình. Cô cười thầm nhưng cứ lờ đi
     -Mẹ!
Lâu lắm rồi cô mới lại được nghe tiếng “Mẹ” từ miệng con. Người cô rung lên vì cảm xúc
     -Gì thế con?
     -Thầy giáo con hẹn con đến nhà.  Mẹ cho phép chứ ạ?
     -Ừ con đi đi
Nó chỉ đợi có thế là lao vội ra ngoài cửa.
Không biết anh đã nói với nó những gì nhưng hôm sau với mẹ nó bắt đầu thay đổi. Không thể nói là giống như ngày xưa nhưng khoảng cách giữa hai mẹ con đã thu hẹp rất nhiều. “Em lại mắc nợ anh lần nữa” Cô cay đắng thầm nghĩ.
Sau khi thi quốc tế về,lớp luyện thi giải tán, Thành không còn dạy con bé nữa nhưng thỉnh thoảng nó vẫn đến nhà anh hỏi bài.
Thời gian trôi đi vùn vụt, Chẳng mấy chốc mà lớp mười hai qua đi. Một buổi sáng Thành gọi điện đến nhà cô báo tin
     -Con bé nhận được một xuất học bổng của chính phủ Mỹ. Nó sẽ học tại trường đại học Harvard
Cô lặng đi vì sung sướng và cảm động. Cô biết , suất học bổng này không phải chỉ bằng tài năng của con gái mình là có thể nhận được. Em lại mắc nợ anh rồi. Đến tối, vào giữa bữa ăn, cô thông báo tin này với cả nhà. Mọi người reo lên sung sướng nhưng con bé thì mặt tỉnh nhưng không. Nó tuyên bố giọng ráo hoảnh
     -Con không đi Mỹ. Con sẽ vào học khoa tin trường đại học Tổng hợp.
Diệu Anh choáng váng. Bây giờ thì cô  hiểu cái gì đã xảy ra bên trong con bé. Khoa tin trường đại học tổng hợp là khoa mà chính anh làm trưởng khoa. Đến tối khi mọi người đi ngủ cả cô vào phòng con bé. Hình như nó biết là cô sẽ vào. Nó nhìn cô chờ đợi với một vẻ mặt căng thẳng. Cô ngồi xuống giường nhẹ nhàng hỏi con.
     -Con quyết định vào học trường đại học tổng hợp thật đấy à?
     -Vâng.
Con bé trả lời cô với vẻ mặt kiên quyết.
     -Có phải là vì….
Đến đây, cô ngập ngừng không biết mình nên nói thế nào nhưng con bé nói ngay.
     -Vâng! –Rồi nó nhìn cô chăm chú và hỏi lại—Mẹ phản đối sao?
Diệu Anh ngồi ngây người ra không biết trả lời con như thế nào. Cô biết, ở lứa tuổi của nó mọi thứ đều mong manh rất dễ đổ vỡ. Mọi suy nghĩ và tình cảm của con bé đều được xây dựng trên một mầu hồng rực rỡ của cổ tích và huyền thoại. Nếu không cẩn thận để cho niềm tin của nó sụp đổ thì rất có thể con cô sẽ trở thành một kẻ tàn phế về tâm hồn. Nhưng là một người mẹ, cô hiểu những gì sẽ chờ đợi con bé ở phía trước. Đợi mãi không thấy mẹ trả lời, con bé hỏi tiếp.
     -Chẳng lẽ mẹ lại giống bà ngoại sao?
Cô thoáng rùng mình. Có một cái gì đó không ổn ở đây. Cô túm chặt lấy vai con bé hỏi nét mặt nghiêm nghị
     -Mẹ muốn hỏi con : Con làm điều ấy là vì con yêu thầy hay vì…
Cô chưa kịp nói thì con bé đã trả lời ngay
     -Vì cả hai. Con yêu thầy và con cũng muốn thay mẹ trả nợ cho thầy
Diệu Anh ôm chặt lấy con. Nước mắt cô chảy dài. Một lúc sau, cô nặng nề đứng dậy
     -Nếu vì con yêu thầy thì mẹ đồng ý . Nhưng nếu vì con muốn thay mẹ trả nợ cho thầy thì mẹ không cần con làm điều này và thầy con càng không cần
Đến lượt con bé sững sờ. Nó không ngờ mẹ lại đồng ý. Nó ôm chăt lấy mẹ
     -Mẹ!
Nó kêu lên một tiếng nho nhỏ
                                                          *
                                                   *            *
           -Em điên à? Sao em lại đồng ý
Thành quát lên. Diệu Anh lúng túng.
     -Nhưng em biết nói gì với con bé đây? Liệu em có thể nói “Không được” với nó không trong lúc anh tốt như vậy và em mắc nợ anh nhiều như vây?
     -Thế em định dùng con bé để gán nợ cho anh sao?
Câu hỏi của Thành sắc như một lưỡi dao làm cô rợn hết cả người
     -Không! Em….
Thành cắt ngang lời cô
     -Anh không cần em thương hại. Anh không lấy vợ là vì anh chưa muốn lấy vợ chứ không phải là anh không thể lấy được vợ. Em gọi nó đến đây. Anh sẽ nói chuyện với nó
Anh đưa di động cho cô. Cô bấm máy. Khi tiếng con bé vang lên trong điện thoại thì anh giằng lấy máy.
     -Alô Quỳnh Anh hả? Thầy Thành đây. Em có bận không? Bây giờ em có thể đến nhà thầy được không? Đến ngay nhé . Thầy đợi.
Thành tắt máy xong quay lại bảo với cô.
     -Tị nữa con bé đến đây anh có hỏi gì thì em cứ sự thật mà nói nhé
Con bé đến. Nó sững người khi nhìn thấy mẹ. Thành tươi cười chỉ vào cái ghế
     -Ngồi xuống đây cô trò. Thầy nghe mẹ em nói em yêu thầy. Có đúng vậy không?
Con bé lườm mẹ một cái đầy thù hận. Mặt nó đanh lại
     -Vâng!
     -Và mẹ em cũng đã đồng ý?
     -Vâng!
Thành im lặng một lúc. Đột nhiên anh quay sang hỏi Diệu Anh
     -Trước mặt con gái em, em hãy nói cho anh biết em có còn yêu anh không?
Con bé nắm lấy mép bàn. Những ngón tay của nó bấu vào mép bàn khiến nó trở thành trắng bệch. Nét mặt nó căng thẳng. Nó chăm chăm nhìn mẹ đợi một câu trả lời. Diệu anh cúi đầu nói như ngạt thở
     -Có! Em vẫn yêu anh.
Anh quay sang con bé
     -Em nghe rõ chưa? Mẹ em yêu thầy. Nếu em cũng yêu thầy thì liệu em có dám san sẻ tình yêu của em với mẹ không?
Con bé im lặng suy nghĩ một lúc rồi nó gật đầu quyết liệt.
     -Có!
Thành cười kéo con bé vào lòng
     -Con ơi ! Thế thì đấy không phải là tình yêu rồi mà chỉ là một thứ tương tự tình yêu thôi con ạ. Con biết vì sao không? Vì tình yêu là thứ duy nhất không thể san sẻ cho dù là hai mẹ con
Con bé bặm môi suy nghĩ một lúc. Mặt nó dần dần đỏ bừng. Nó gỡ tay Thành ra rồi vùng bỏ chạy.
     -Quỳnh Anh
Diệu anh gọi với theo. Cô định đuổi theo con bé nhưng Thành ngăn lại.
     -Em cứ kệ nó. Nó nghĩ ra rồi đấy và nó đang xấu hổ
     -Em lại mắc nợ anh rồi.
Cô nói nhỏ. Thành cười nhìn xoáy vào mặt cô
     -Bây giờ thì anh định đòi nợ em đây.
Cô rùng mình sợ hãi
     -Anh định đòi nợ bằng cách nào?
Thành im lặng. Trống ngực cô nện liên hồi
     -Bằng một nụ cười. Chẳng lẽ em lại không biết là chỉ khi nào em cảm thấy hạnh phúc thì anh mới thấy mình thanh thản sao. Nào bây giờ em hãy nhìn anh và cười lên
Cô nhìn anh và nở một nụ cười. Tuy nhợt nhạt nhưng là một nụ cười
                                  
                                                                     Hà nội 21-6-2009
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Tuyết Tuyết

Chào bạn Nguyễn Thế Duyên
Trước đay Tuyết Tuyết mới biết một NTD trên trang thơ Thơ bạn chân thành mà lãng mạn ,sâu lắng ...song đến hôm nay  NTT mới biết không những thơ bạn viết thật tuyệt mà truyện ngắn bạn viết cũng rất  hay ,cuốn người đọc NTT chúc bạn vui ,khoé thành công trên bước đường sáng tác VĂN THƠ nhé
                                                       NTT: 29/10/2010
Em không xinh ,chẳng nõn nà
Cứ như cây lúa đồng nhà trổ bông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Con bạc
Nắng như đổ lửa. Bờ sông trơ trụi không một bóng cây. Chỉ có nắng và gió. May mà còn có gió nếu không tôi đã gục mất rồi. Ném cái thúng xuống đống cát tôi kêu to.
-Nghỉ cái đã! Chúng mày.
Hùng híp nhìn tôi lầu bầu
-Làm với ông chán bỏ mẹ. Vừa mới đội được mấy thúng cát đã đòi nghỉ. Thế này thì bao giờ mới xong?
Tuy biết là thằng Hùng híp nói đúng nhưng có lẽ là do cái nắng, cái nóng  và cái mệt đã làm cho tôi không thể bình tĩnh
-Tao xin chúng mày đi làm đấy à? Biết tao yếu sao chúng mày vẫn cứ rủ tao đi làm?
Nói xong tôi cầm  cái áo vứt trên đống gạch vỡ khoác lên vai định bỏ về thì vừa vặn thằng Hùng thành đội một thúng cát từ xà lan đi lên. Nó đổ cát vào đống rồi quay sang chửi thằng Hùng híp
-Mày sống như con c..ấy. Ông ấy đéo ăn vào phần mày đâu mà mày đã lo—Chửi xong , nó quay sang tôi—Anh mệt thì cứ nghỉ đi. Kệ mẹ nó anh đừng chấp với con chó ấy làm gì. –Nói xong , nó lại quay sang chửi Hùng híp—Mẹ cái thằng bần tiện!Lúc nào cũng chỉ lo thiệt—Nó quay sang hỏi cả bọn bốn năm thằng đang cùng đội cát—Chúng mày có cho ông Duy làm Không?
Cả bọn nhâu nhâu vào chửi thằng Hùng híp
-Đ…mẹ mày! Mày sợ thiệt thì cút mẹ mày sang toán khác mà làm.
-Mẹ mày chứ! Lúc con mày vác sách sang hỏi ông ấy thì đéo thấy mày tính hơn thiệt.
Hùng híp im mất. Tôi nghe mà mát lòng mát dạ.
Quả thật ở xóm bờ đê này tôi đã trở thành anh giáo Thứ trong “Sống mòn” của nam cao. Xóm toàn dân tứ chiếng tụ hội về đây, không nghề, không nghiệp, cả xóm có độc  một nghề duy nhất . Cửu vạn. Ban ngày, các ông chồng ra ngoài cảng không đội cát, sỏi thì đội than từ sà lan lên bờ còn các bà vợ thì ngồi nhà hết tam cúc đến tá lả. Hết tiền thì cả bọn ngồi buôn dưa lê . Cuộc sống của họ tù túng và quanh quẩn với một cái nghèo lẵng nhẵng đeo đuổi họ đến hết cả cuộc đời. Cả xóm chỉ độc mình tôi là người có học.  Sau khi ly hôn, tôi để lại toàn bộ tài sản cho vợ con, không tiền, tôi một mình giạt đến xóm bờ đê này cắm lấy một cái lều vịt tá túc qua ngày và rồi không biết từ lúc nào cuộc sống của tôi hòa vào trong cuộc sống đầy cực nhọc, tối tăm của họ. Biết tôi cần tiền,để trả nợ cái lều vịt mua chịu, thỉnh thoảng họ lại kéo tôi đi đội cát ngoài bờ sông với họ. Tôi biết, họ kéo tôi đi là để trả ơn cho cái công thỉnh thoảng tôi giảng bài cho con cái họ.
Tôi cầm cái thúng lên uể oải đi xuống sà lan. Hai thằng làm nhiệm vụ xúc cát vào thúng chọn những chỗ cát khô trên mặt xúc vào thúng cho tôi. Mới ngang ngang bề mặt thúng, chúng nó đã dừng lại rồi một đứa xốc thúng cát lên đặt lên đầu cho tôi. HAi cái ván gỗ chao đảo, cái sà lan chòng chành, mặt sông đỏ sẫm như máu. Trên đầu mặt trời hung hãn dội lửa. Dưới cái nắng hè gay gắt, những thân người sắt lại, đen bóng, lầm lũi . Chỉ còn những tiếng thở gấp gáp và tiếng gió ai oán than khóc cho một kiếp người.
Bốn giờ chiều, thúng cát cuối cùng được đổ lên đống. Trong lúc ngồi đợi thằng Hùng thành đi thanh toán tiền, chúng tôi tập trung ở một quán nước dưới một gốc cây trong cảng. Chỉ một thoáng đã thấy thằng Hùng thành đi lại, tay cầm một tập tiền. Cả bọn mặt tươi rói. Tiền! đã làm tan đi mọi mệt nhọc. Con người bỗng trở nên sinh động hẳn. Những bóng đen lầm lũi cùng với những hơi thở nặng nhọc, gấp gáp lập tức biến thành những con người với bộ mặt biết cười.
Năm triệu cho sáu con người. Thằng Hùng Thành tuyên bố.
-Mỗi thằng tám trăm, còn hai trăm lẻ làm vài phát chẵn lẻ thằng nào số son thì được
-Thôi ! phần của tao, tao chỉ lấy năm trăm thôi
Tôi nói, thằng Hùng híp nhìn tôi cầu khẩn
-Ông anh làm thế thì ông anh giết chết thằng em rồi đấy. Thằng em chỉ buột mồm nói thế chứ thằng em không có ý gì đâu.—Nói rồi nó quay sang cả bọn—Mà chúng mày về cũng đừng nói gì đấy. Con vợ tao nó mà biết thì đêm nay nó đạp tao xuống gậm giường cho mà xem.
Cả bọn xúm vào nài tôi phải nhận nốt phần tiền của mình. Xong xuôi Hùng thành quay sang bà chủ quán nước.
-Bà lấy cho chúng tôi mượn dụng cụ.
Bà lão hàng nước vừa thò tay xuống gậm bàn lôi ra một cái đĩa , một cái bát và bốn mảnh giấy cắt ra từ đầu có in chữ của mấy con tam cúc vừa nói.
-Thế chúng mày không cho tao tý hồ để lấy lộc à?
-Đéo gì chưa chơi đã hồ
Thằng hùng lầu bầu. Nó đặt bốn miếng giấy vào trong đĩa, úp cái bát lên rồi xóc xóc mấy cái, đặt xuống đất.
-Tao lẻ. Chúng mày?—Cả bọn đứa lấy chẵn, đứa lấy lẻ. Nó quay sang tôi—Còn anh?
Tôi lắc đầu.
-Không! Tao không chơi.
Chỉ hai lần xóc, số phận của hai trăm lẻ đã được định đoạt. Thằng Hùng híp chiếm nốt. Nó vơ đám giấy bạc nhét vào túi, không quên xỉa cho bà lão hàng nước một tờ giấy một chục làm tiền hồ. Hùng thành có vẻ cay cú
-Tiếp chứ?
-Tiếp!
Đang đứng dậy định về, thằng hùng híp lại ngồi ngay xuống. Cả bọn ngồi xuống theo. Tôi vội gàn cả bọn.
-Thôi về! làm mửa mật cả ngày rồi lại ném vào sới bạc. Chúng mày lạ thật đấy.
Hùng thành cười. Nụ cười của nó sao trông đáng yêu thế. Hình như nó cười bằng cả tâm hồn. Một nụ cười  vô tư, không lo, không nghĩ.
-Cái ông này! Sống như ông chỉ tổ chóng già. Làm thì cũng phải có lúc vui chơi giải trí một tý chứ. Mà đây là một cách kiếm tiền bằng chất xám đấy. Ông ngồi xuống đây làm một chân cho vui. Biết đâu cờ bạc đãi tay mới, ông lại làm cả năm triệu không chừng.
-Tao chưa thấy thằng nào giàu vì đánh bạc bao giờ.
-Thì ông không đánh bạc nhưng ông cũng có giàu đâu. Giàu có số--Nó tặc lưỡi—Biết đâu hôm nay lại vào cầu. Thằng nào cầm cái đây?
Nó hỏi cả bọn.
-Tao!
Hùng híp vừa nói vừa cầm cái bát lên, xóc xóc mấy cái rồi đặt xuống đất.
-Lẻ thừa năm mươi
Cả bọn xòe tiền đặt vào cửa của mình. Hùng híp đợi cho cả bọn đặt tiền xong, tay nó cầm lấy cái bát. Mắt của cả bọn dán vào cái bát. Hình như tôi thấy đứa nào cũng nín thở. Thằng Hùng híp mở bát.
-Chẵn!
Nó reo to một tiếng rồi nhanh tay vơ tiền về phía lòng mình. Cái bát lại được đậy lại. Tay nó lại xóc lên đều đều.
-Bán chẵn
-Chẵn
Cả bọn reo lên. Mặt thằng Hùng híp đang tươi rói bỗng chốc dài ra như cái bơm. Nó nhặt tiền trong đống của nó lên đặt trả vào các cửa.
Những tiếng “Chẵn” “Lẻ” cứ liên tục vang lên. Những tiếng reo vui, những tiếng lầu bầu chửi tục. Những nét mặt căng thẳng, bàn tay run run đặt lên cái bát ngại ngần. Mọi cung bậc tình cảm Hỉ, Nộ, Ái ,Ố đều diễn ra ở đây, xung quanh chiếc bát này. Chỉ hơn nửa tiếng sau, ba thằng thở dài đứng dậy. Trên sới bạc chỉ còn lại hai con bạc khát nước. Mắt Hùng thành đã bắt đầu kè đỏ. Nó điếm lại số tiền của mình rồi giằng lấy cái bát trên tay  Hùng híp
-Nhát này tao làm cái.
Nó cầm bát lên xóc rất mạnh và rất lâu rồi dằn mạnh cái đĩa xuống dưới đất. Tôi có cảm giác cái đĩa sẽ vỡ tan. Nhưng nó không vỡ
-Chẵn thừa! Tất!
Thằng Hùng híp cười khẩy. Cái cười khẩy của nó làm cho thằng Hùng thành điên tiết.
-Mở đi!
Tay thằng Hùng Thành đặt lên trên bát run bắn. Mắt nó mở trừng trừng như muốn nhìn xuyên qua cái bát xem bên trong là chẵn hay lẻ.
-Lẻ!
Thằng hùng híp hô to, tay nó nhanh nhẹn thò sang túm lấy số tiền trong lòng thằng Hùng thành nhưng bàn tay to bè của hùng thành đã nắm chắc cổ tay nó.
-Mày để số tiền này lại đây cho tao vay rồi chúng ta chơi tiếp.
-Không được
Hùng híp lắc đầu.
-Mày sợ tao không trả được mày à?
-Tao không sợ. Nhưng hôm nay số tao đang son. Cho vay vận đỏ sẽ mất. Nhưng nếu mày bán cái áo đang mặc thì tao mua.
-Bao nhiêu?
-Một trăm
Cả bọn ồ lên một tiếng. Một trăm nghìn phải mua được mười cái áo may ô mà thằng Hùng đang mặc. Cách trả giá kiểu ấy làm thằng Hùng thành điên tiết. Nó lột phăng cái áo may ô đang mặc ném vào lòng thằng Hùng híp. Lại thua. Hùng híp nhìn Hùng thành khiêu khích.
-Còn cái quần đùi, có bán nốt không?
-Bán!
-Cởi ra
Thằng Hùng đứng ngay dậy. Đến nước này thì tôi không dám ngồi lại xem chúng nó đánh bạc nữa. Tôi bỏ về. Khoảng nửa tiếng sau, khi đang ngồi trong quán nước của vợ Hùng thành ngay đầu xóm, tôi thấy Hùng thành cởi truồng tồng ngồng, hai tay xòe ra che cái bìu phía trước lom khom chạy vội về nhà trong tiếng cười nghiêng ngả của cả xóm. Tôi nhìn vợ Hùng thành khẽ lắc đầu. Vợ Hùng thành không nói gì nhìn theo chồng cố nén một tiếng thở dài.
                                                     *
                                               *         *
Buổi tối, sau khi cơm nước xong, tôi đang ngồi hóng mát ngoài sân thì năm thằng quần áo chỉnh tề kéo nhau sang nhà tôi. Hùng híp nói.
-Mời ông bác đi lai rai cùng chúng em cho vui.
Tôi định từ chối thì hai thằng chẳng nói chẳng rằng sấn lại , nhấc bổng tôi lên cứ thế lôi tôi đi. Biết không thể khác được, tôi đành đi theo chúng nó. Cả bọn kéo nhau vào một quán phở. Hùng híp chỉ tay vào hai con gà to, béo nhất đang treo lủng lẳng trên giá, khệnh khạng bảo chủ quán
-Hai con này! Chặt to. Một chai rượu.
-Có ngay.—Chủ quán sởi lởi, ông ta quay sang quát đứa con gái đang ngồi ở phía trong nhà—Mày ra lau ngay cái bàn đi cho các anh đây ngồi.
Cô bé lầm lũi đi ra cầm khăn lau cái bàn. Lúc đi ngang qua Hùng híp, nó lấy tay vuốt má cô gái cười nhăn nhở. Cái mắt hip của nó gần như nhắm tịt lại.
-Cô em càng lớn lại càng xinh .
Cô bé mắt đanh lại, gạt tay nó ra im lặng đi vào phòng trong. Một thoáng, hai đĩa thịt gà được bưng ra. Tôi cầm lấy mấy đôi đũa , lấy giấy ăn định lau thì một thằng đã giằng lấy những đôi đũa. Nó cầm lấy một cái đùi gà ấn vào tay tôi.
-Gà cờ bạc ai dùng đũa.
Năm bàn tay vươn ra chộp lấy những miếng thịt gà. Năm cái mệng nhồm nhoàng, ngấu nghiến lem nhem những mỡ. Năm cốc rượu rót tràn cả ra bàn và tiếng DZdô cùng lúc thoát ra từ năm bộ ngực. Cuộc đời! sao đẹp thế? Vô tư và thanh thản. Tôi nâng chén rượu lên khẽ tợp một ngụm nhỏ thấy cái vị mồ hôi mằn mặn trong mồm.
Tan bữa rượu thịt cả bọn lại kéo nhau ra quán Karaoke. Tôi vốn không biết hát hò và cũng không thích tụ tập cái kiểu này nên bảo.
-Tao có biết hát đâu. Thôi tao về trước.
-Mồm không hát thì tay hát. –Nó quay sang những thằng đi cùng—Chúng mày túm lấy ông ấy.
Hai thằng cửu vạn lực lưỡng kẹp chặt tôi ở giữa, một thằng đứng đằng sau lôi tôi vào trong quán.Những cô gái tiếp viên lập tức túa ra. Một cô ôm lấy hùng híp nũng nịu nói
-Lâu lắm rồi mới thấy đại ca thắng bạc. Lần này thắng có to không?
Mặt thằng hùng vênh lên
-Năm triệu
Các cô gái rú lên điên loạn. Một cô gái nói to
-Các em! Đêm nay phục vụ các đại gia hết mình vào. Thế nào đại ca Hùng cũng thưởng hậu.
Thằng Hùng, trước khi vục mặt vào bộ ngực đầy đặn của một cô gái còn kịp quay lại nói với tôi
-Ông anh thấy chưa? Không đánh bạc bao giờ mình mới trở thành đại gia?
                                                     
                                                           *
                                                      *        *
Ba giờ sáng, có người đập cửa nhà tôi thình thình. Tôi mở cửa, vợ Hùng híp đứng ở ngoài nước mắt ngắn nước mắt dài
-Bác ơi! Con bé nhà em sốt quá phải đưa đi cấp cứu. Bác cho em mượn đỡ mấy trăm
-Thằng Hùng vừa mới thắng bạc chiều nay cơ mà
-Hết rồi! Nó lại ngồi chiếu đến giờ đã về đâu.

Tôi quay vào lấy tiền, trở ra đã thấy nó đứng bên cạnh vợ. Tay nó chìa ra cầm lấy những đồng tiền tôi đưa còn mồm thì nói
-Đúng là dính vào gái, đen như chó  

                                                               HÀ NỘI  23—12—2009
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 10 trang (94 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] ... ›Trang sau »Trang cuối