Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [30] [31] [32] [33] [34] [35] [36] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hồ Dầu Tiếng thành phim trường?



TT - Một khu tổ hợp phim trường và du lịch sinh thái tầm cỡ khu vực và quốc tế đã được UBND tỉnh Tây Ninh chấp thuận cho đầu tư tại đảo Nhím bên trong lòng hồ Dầu Tiếng.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=530056
Một góc đảo Nhím trong lòng hồ Dầu Tiếng  - nơi được quy hoạch xây dựng phim trường và khu du lịch sinh thái - Ảnh: Q.KHẢI



Dự án do Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) làm chủ đầu tư. Có nhiều lý do để dự án hình thành, tuy nhiên một số nhà khoa học thủy lợi lo ngại việc triển khai dự án có thể làm mất an toàn, gia tăng ô nhiễm nguồn nước trong lòng hồ.

Dự án phim trường mang tầm cỡ khu vực
Hồ Dầu Tiếng có diện tích mặt nước 270km2 (cách thị xã Tây Ninh 25km), có nhiệm vụ cắt lũ và cung cấp nước tưới tiêu, cung cấp nước sinh hoạt, đẩy mặn... cho năm địa phương là Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM và Long An. Không chỉ vậy, hồ Dầu Tiếng còn được thiên nhiên ưu đãi cho phong cảnh hữu tình, hệ sinh thái độc đáo... Trong lòng hồ có nhiều vùng bán ngập và hàng loạt đảo, trong đó có đảo Nhím với diện tích 350ha.

Với những tiềm năng phát triển du lịch như trên, tỉnh Tây Ninh đã có chủ trương mời gọi đầu tư vào hồ thủy lợi này. “AVG là đơn vị đi thực tế khảo sát, đề xuất nghiên cứu dự án xây dựng khu tổ hợp phim trường kết hợp du lịch sinh thái và được UBND tỉnh Tây Ninh chấp thuận” - ông Trần Hữu Hậu, giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Tây Ninh, cho biết.

Hiện AVG đã lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2.000 dự án này, đồng thời xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (quản lý hồ Dầu Tiếng), Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chuyển đổi và bổ sung chức năng khai thác du lịch tại lòng hồ Dầu Tiếng cho phù hợp với việc đầu tư dự án. Ông Phạm Nhật Vũ - chủ tịch hội đồng quản trị AVG - cho biết nếu AVG không triển khai đầu tư cũng sẽ tặng đồ án quy hoạch này lại cho tỉnh Tây Ninh để các đơn vị khác đầu tư.

Theo đồ án mà AVG lập, toàn bộ đảo Nhím sẽ được xây dựng thành tổ hợp liên hoàn phục vụ việc sản xuất, tác nghiệp các sản phẩm văn hóa về lĩnh vực truyền hình - điện ảnh kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày. Cụ thể đảo Nhím sẽ được chia làm ba phân khu. Khu thứ nhất (khoảng 119ha) sẽ được đầu tư làm trung tâm sản xuất - phim trường.

Khu thứ hai (khoảng 108ha) là khu vực thực cảnh, bối cảnh phục vụ việc đóng các phim từ cổ trang đến hiện đại. Tại khu này còn được đầu tư khu vui chơi, giải trí phục vụ du khách tham quan. Khu còn lại được dùng vào việc xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp làng điện ảnh. Để đưa du khách cũng như các đoàn làm phim vào đảo Nhím, một khu vực bến tàu rộng tới 3ha được quy hoạch để xây dựng ở phía bờ hồ thuộc địa bàn thị trấn Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Chiều dài từ bến tàu đến đảo Nhím khoảng 8,5km.

Ông Hậu đánh giá dự án phim trường trên mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, không chỉ phục vụ chủ đầu tư mà còn dùng cho các đoàn làm phim trong và ngoài nước thuê. Bên cạnh đó, dự án hoàn thành cũng thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh phù hợp với định hướng mà UBND tỉnh đã hoạch định.

Còn nhiều băn khoăn
Theo ông Hậu, để đảm bảo các vấn đề về môi trường, AVG trình bày phương án sẽ xây dựng khu tổ hợp phim trường và du lịch thân thiện với môi trường. Dự án sẽ có hệ thống cấp thoát nước riêng cũng như hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Ngoài ra, xung quanh đảo Nhím sẽ trồng hàng cây xanh cách ly... không để chất thải bên trong chảy ra làm ảnh hưởng đến mặt nước trong lòng hồ Dầu Tiếng. Riêng hệ thống điện cung cấp cho phim trường và khu du lịch sẽ được ngầm hóa, kéo từ bờ hồ qua.

Tuy vậy, các nhà khoa học về thủy lợi đã có những lo ngại dự án phim trường và du lịch sinh thái này có thể gây ra nguy cơ mất an toàn, gia tăng ô nhiễm nguồn nước bên trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Ông Nguyễn Trường Xuân, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM, cho rằng thời gian sắp tới hồ Dầu Tiếng phải mở rộng phục vụ tưới tiêu thêm hàng chục ngàn hecta của khu vực Tân Biên (Tây Ninh) và Long An. Vì vậy, dù hồ Dầu Tiếng sắp được bổ sung lượng nước 50m3/giây từ hồ Phước Hòa đổ về cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là trong mùa khô.

Vì vậy, Hội Khoa học thủy lợi TP.HCM đã thống nhất đề xuất với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu nâng cao trình hồ Dầu Tiếng lên thêm 2m so với hiện hữu để gia tăng khả năng cắt lũ cũng như tích nước phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, đẩy mặn và hạn chế ô nhiễm trong mùa khô. Khi đó mực nước dâng bình thường trong hồ Dầu Tiếng cao hơn so với hiện hữu (24,5m) - cao độ được xác định để xây dựng phim trường.

“Vì vậy nguy cơ phim trường bị ngập rất cao. Lúc đó, các nguồn ô nhiễm trong khu phim trường tràn ra cộng với ô nhiễm từ các hoạt động chăn nuôi, sản xuất trên lòng hồ sẽ làm tình trạng ô nhiễm nguồn nước hồ Dầu Tiếng thêm trầm trọng” - ông Xuân cảnh báo.

Trong khi đó, giáo sư - tiến sĩ khoa học Nguyễn Ân Niên, chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi TP.HCM, cho rằng: “Hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi mang tính liên tỉnh, liên thành nên vấn đề an toàn phải đặt lên trên hết. Nếu hồ Dầu Tiếng xảy ra sự cố thì hơn 1 tỉ m3 nước tràn về hạ du gây ra thảm họa khó lường, đặc biệt là TP.HCM. Vì vậy Hội Khoa học thủy lợi TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét những bất hợp lý trước khi đồng ý cho xây dựng dự án tổ hợp phim trường và du lịch sinh thái trong lòng hồ Dầu Tiếng”.

Q.KHẢI
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thổ dân Brazil chiếm đập Belo Monte



TT - Mang theo cung tên, hàng trăm thổ dân Brazil tức giận xông vào chiếm lấy khu vực xây dựng đập thủy điện gây tranh cãi Belo Monte tại bang Para đòi ngừng thi công dự án này.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=528414
Thổ dân Brazil biểu tình trước Tòa án liên bang tại Sao Paulo ngày 17-10 phản đối việc xây dựng đập thủy điện Belo Monte - Ảnh: Reuters



AFP cho biết khoảng 400 thổ dân và nhà hoạt động môi trường đã tiến vào khu dự án đập Belo Monte một cách hòa bình và không vấp phải sự ngăn cản nào. Những người biểu tình sau đó tiến thẳng đến khu nhà ở dành cho công nhân xây dựng và chiếm lấy đường cao tốc xuyên Amazon đi qua dự án.

Những người tham gia chiếm đập yêu cầu ngừng hoàn toàn việc xây dựng hoặc hoãn dự án cho đến khi chính quyền tham khảo ý kiến của người dân địa phương. Họ quyết định chiếm đập sau khi chính quyền từ chối tham gia một buổi hòa giải do Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ tổ chức ở Washington, Mỹ. Theo BBC, tòa án Brazil tháng trước đã phán quyết cho ngừng dự án đập Belo Monte, nhưng việc xây dựng các khu nhà ở cho công nhân vốn bắt đầu từ ba tháng trước vẫn tiếp diễn.

Theo các nhà môi trường, dự án đập Belo Monte trị giá 11 tỉ USD sẽ làm ngập lụt một diện tích gần 520km2 và cạn kiệt 100km của sông Xingu, đe dọa đến cuộc sống của người dân bản địa và môi trường. Tuy nhiên, chính quyền khẳng định 11.000 MW điện do con đập cung cấp là rất quan trọng cho nền kinh tế và cam kết sẽ giảm thiểu tác động của dự án.

Đập Belo Monte, dự án gây tranh cãi trong nhiều năm qua, nếu hoàn thành sẽ là con đập lớn thứ ba thế giới sau đập Tam Hiệp của Trung Quốc và đập Itaipu nằm ở biên giới Brazil - Paraguay.

TRẦN PHƯƠNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ồ ạt xuất khẩu than - Kỳ 1: Chuyển “núi” ra nước ngoài



TT - Chín tháng đầu năm 2011, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN đã xuất khẩu tới 12,5 triệu tấn than. Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện VN lại đang và sẽ phải nhập than với giá cao.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=534664
Khai thác than xuất khẩu tại Quảng Ninh - Ảnh: NGUYỄN ĐÁN



Mặc dù có chủ trương hạn chế xuất khẩu tài nguyên dạng thô, đặc biệt VN đã phải nhập khẩu than, nhưng chín tháng đầu năm 2011 Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) vẫn xuất tới 12,5 triệu tấn than. VN tiếp tục nằm trong top 5 nước xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới.

Một quan chức Bộ Tài chính mới đây đã phải thốt lên: tốc độ xuất khẩu như vậy là quá ồ ạt và bộ này đã phải tăng thuế xuất khẩu than vào tháng 9-2011, nhưng cả năm TKV vẫn có thể xuất khẩu đạt 16,5 triệu tấn...

Doanh thu cao nhờ bán than
Tại các mỏ than của TKV ở Quảng Ninh những ngày cuối tháng 11-2011, không khí khai thác vẫn sôi động để chuẩn bị hoàn thành mục tiêu năm 2011 khai thác 47,06 triệu tấn than nguyên khai (chưa chế biến), bằng 100,8% năm 2010.

Hầu hết công ty thành viên của TKV công nhân làm việc liên tục ba ca nhằm đảm bảo sản lượng khai thác. Với kế hoạch đặt ra từ đầu năm doanh thu lên tới gần 73.000 tỉ đồng (gần 3,5 tỉ USD), TKV vừa được xếp hạng là một trong những tập đoàn có doanh thu cao nhất VN, chỉ sau một số tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Xăng dầu...

Theo Bộ Công thương, tính chung giai đoạn 2006-2010 TKV sản xuất và tiêu thụ bình quân mỗi năm 40-41 triệu tấn than sạch. Sản lượng khai thác của TKV liên tục tăng mạnh. Với số lượng than nguyên khai đào được ngày càng tăng, doanh thu từ than và giá trị xuất khẩu của TKV đạt được cũng rất lớn. Nếu như năm 2006 TKV mới thu được khoảng 15.300 tỉ đồng từ than thì năm 2009, tức sau bốn năm, doanh thu đã tăng hơn gấp đôi, lên tới trên 36.500 tỉ đồng.

Với tổng lượng than bán được năm 2010 là 42 triệu tấn, TKV cho biết đã xuất khẩu 18,7 triệu tấn. Tính chung năm 2010, tổng giá trị xuất khẩu than khoáng sản của tập đoàn này lên đến con số ấn tượng: 1,4 tỉ USD!

Theo một quan chức của TKV, rất khó có thể so sánh xuất khẩu than với các loại khoáng sản khác. Bởi khai thác than tạo ô nhiễm và khi khai thác xong trên bề mặt và dưới lòng đất các lò than rất khó khôi phục, trả lại nguyên trạng mà có thể phải mất cả chục năm sau cây cối mới xanh tươi trở lại.

Số lượng than khai thác mỗi năm lên tới trên 40 triệu tấn, theo quan chức này là đã đem ra khỏi lòng đất một lượng vật chất khổng lồ. Với lượng than xuất khẩu của TKV năm 2010 là khoảng 18,7 triệu tấn, một chuyên gia trong lĩnh vực khoáng sản ví von số lượng này tương đương mấy quả núi được chuyển ra nước ngoài...

Tăng thuế cũng không sao
Một lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng tốc độ xuất khẩu than như vậy là quá ồ ạt, trong khi chủ trương chung của Nhà nước là hạn chế xuất khẩu tài nguyên dạng thô, nên Bộ Tài chính đã phải tăng thuế xuất khẩu than từ ngày 11-9-2011 thêm 5%, lên mức 20%.

Ông Nguyễn Thành Sơn, giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, cho biết với những thông tin ông có được thì than TKV xuất khẩu chỉ một lượng nhỏ trong nước không dùng đến, còn lại ước tính phải đến 10 triệu tấn chính là loại than mà VN đang và sẽ phải nhập trong tương lai. Ông Sơn cho rằng TKV nên công khai tỉ lệ từng loại than xuất khẩu xem thực chất đang xuất khẩu loại than gì.

Đặc biệt, ông Sơn phân tích chất lượng than trong lòng đất cơ bản không thay đổi, vấn đề TKV khai thác được nhiều than đẹp để xuất khẩu còn do sử dụng công nghệ mới. Cũng có thể nói TKV đã chạy theo số lượng khi khai thác cả than lộ vỉa để tăng số lượng khai thác, tăng xuất khẩu.

Chuyên gia địa chất Lê Quang Cảnh, nguyên cán bộ Liên đoàn 3 Tổng cục Địa chất, cũng cho rằng hiện đối tác lớn mua than của TKV là Trung Quốc và họ mua chủ yếu để phục vụ nhu cầu không phải quá cao cấp. Theo ông Cảnh, Trung Quốc đã phải khai thác xuống rất sâu, giá thành cao nên họ cần mua than của VN. Tuy nhiên, chính vì thế VN nên tính việc xuất khẩu than với lợi ích lâu dài chứ không phải trước mắt.

CẦM VĂN KÌNH


Đã nhập trên 9.500 tấn than

Tháng 6-2011, TKV đã cho công ty con nhập khẩu trên 9.500 tấn than đầu tiên từ Indonesia để chuẩn bị cho việc VN sẽ phải nhập khẩu nhiều  than từ năm 2015.

Ông Lê Minh Chuẩn, tổng giám đốc TKV, trong cuộc họp giao ban tại Bộ Công thương mới đây cho biết loại than nhập khẩu là than thô, khi nhập về phải sơ chế, chế biến. Giá nhập loại than này khoảng 73,6 USD/tấn, cộng cước vận chuyển 27 USD/tấn, tổng giá chỉ 106 USD/tấn - tương đương than cám mà VN đang xuất khẩu 108,6 USD/tấn. Nếu vận chuyển từ Hòn Gai vào Cát Lái chi phí mất 14 USD/tấn nên theo ông Chuẩn, nhập từ nước ngoài rẻ hơn khoảng 14 USD/tấn.

Từ lập luận trên, ông Chuẩn cho rằng vừa xuất và nhập khẩu than là rất bình thường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Sơn phân tích: lãnh đạo TKV tính giá than nhập khẩu rẻ hơn than trong nước là chưa tính đến các chi phí khác. Như nhập than từ Indonesia về giá cuối cùng là 108,6 USD/tấn, nhưng TKV đã quên không tính chi phí chế biến, sàng tuyển mất khoảng 10 USD/tấn.

Chi phí bốc than đã sàng tuyển đem đến các nhà máy khoảng 5 USD/tấn, chưa kể chi phí kho bãi, nhất là khi sàng lọc than quá kém phải loại ra... cũng khiến tăng giá thành. Vì vậy, ông Sơn cho rằng than nhập khẩu sau khi chế biến, chuyển đi có thể giá còn cao hơn cả giá than trong nước, các nhà máy điện sẽ khó ai dám mua than đó.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Lá thư được viết vào năm 2070

Bài đăng trên VnExpress Thứ bảy, 3/3/2012, 15:50 GMT+7

"Life in the year 2070" (Cuộc sống năm 2070) là một trong những bài viết chưa được công bố của cựu tổng thống Ấn Độ - tiến sĩ A. P. J. Abdul Kalam. Nó là một cuộc đối thoại nhân bản giữa các thế hệ về giá trị của môi trường tự nhiên đối với sự tồn vong của loài người.

"Hiện, chúng tôi sống vào năm 2070. Tôi vừa mừng sinh nhật lần thứ 50, thế mà trông như ông cụ 85 tuổi. Tôi bị đau thận rất nặng vì uống quá ít nước. Tôi nghĩ mình sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Hiện giờ tôi đã là người lớn tuổi nhất ở đây.

Tôi vẫn còn nhớ về khoảng thời gian khi mới lên 5 tuổi, mọi thứ đều rất khác với hiện nay. Lúc ấy có nhiều cây trong công viên, nhiều căn nhà trong những khu vườn tuyệt đẹp và tôi có thể tắm thật lâu dưới vòi sen cả giờ đồng hồ. Vậy mà giờ đây, chúng tôi chỉ có thể vệ sinh thân thể bằng những chiếc khăn ẩm thấm dầu khoáng dùng một lần rồi bỏ.

Trước đây phụ nữ thường tự hào về mái tóc mềm mại và suôn thẳng của mình. Thế mà bây giờ, mọi cô gái đều phải cạo trọc đầu để giữ vệ sinh khi không còn nước gội rửa. Trước đây cha tôi từng xịt rửa xe hơi bằng những luồng nước ào ạt tuôn ra từ chiếc ống dẫn, nay thì lũ con của tôi khó mà tin nổi rằng có một thời người ta đã dùng nước vào những việc kinh khủng như thế.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/bd/37/8d/a07.jpg
Nếu không gìn giữ, nguồn nước sẽ ngày càng cạn kiệt. Ảnh minh họa.



Thời ấy, tôi còn nhớ nhiều nơi đã treo tấm bảng cảnh cáo: “Đừng lãng phí nước”. Nhưng chẳng ai để ý cả. Mọi người cứ nghĩ rằng nước không bao giờ cạn. Bây giờ phần lớn các con sông, đầm lầy, suối nước, cũng như nguồn nước ngầm đều bị ô nhiễm không thể hồi phục. Số còn lại khô cạn hoàn toàn.

Khu vực xung quanh nơi chúng tôi ở đã biến thành sa mạc nóng bỏng bát ngát. Các bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa, ung thư da và chứng rối loạn đường tiểu đang trở thành nguyên nhân chính gây chết người.

Nhiều khu công nghiệp bị tê liệt và tỷ lệ mất việc tăng cao chưa từng có. Trong khi đó, các nhà máy lọc nước muối lại trở thành nơi làm việc chính của mọi người. Thay vì trả lương bằng tiền, họ đã dùng nước để thay thế. Điều đáng sợ nhất là có rất nhiều trường hợp bị giết để cướp nước uống nơi các con đường vắng vẻ ở ngoại ô thành phố. Tất cả thức ăn mà chúng tôi dùng hàng ngày đều được tổng hợp bằng hóa chất.

Trước đây các bác sĩ thường khuyên người lớn nên uống tám ly nước mỗi ngày. Giờ tôi chỉ được phép uống nửa ly thôi. Vì không thể giặt quần áo được chúng tôi đã vứt chúng sau vài lần mặc và như thế làm tăng nhanh chóng số lượng rác thải ra môi trường bên ngoài. Chúng tôi phải sử dụng lại loại hố xí tự hoại như người ta đã dùng thời Trung cổ, chỉ đơn giản vì hệ thống xử lý chất thải không thể hoạt động được do thiếu nước.

Mọi người trông như những bóng ma: thân thể họ lờ đờ vì yếu đuối, nứt nẻ vì thiếu nước trầm trọng và bị lở loét vì ung thư da do bầu khí quyển không còn khả năng ngăn chặn tia tử ngoại khi tầng ozone bị phá hủy.

Vì lớp da bị khô nứt, con gái tôi mới 20 tuổi đã trông giống như một bà già 40 tuổi. Các nhà khoa học đã tìm mọi cách để nghiên cứu và khám phá nhưng vẫn chưa đạt được bất cứ kết quả khả quan nào. Chúng tôi không thể chế tạo ra nước. Hiện tượng cây cỏ chết khô làm giảm lượng oxy trong không khí, khiến chỉ số thông minh của các thế hệ loài người sinh ra kế tiếp bị suy sụp nhanh chóng. Cấu trúc tinh trùng của nhiều người đàn ông bị biến thể... gây nhiều hiện tượng khiếm khuyết, đột biến và dị tật ở trẻ sơ sinh.

Các Chính phủ thậm chí còn đánh thuế trên mỗi hơi thở của công dân mình: người lớn chúng tôi chỉ được phép thở 137 m3 không khí cho một ngày (nghĩa là gần bằng 31.102 gallon không khí). Những người nào không thể đóng thuế sẽ bị trục xuất ra khỏi khu vực “thoáng khí”, nơi có không khí dễ thở được cung cấp nhờ những lá phổi máy nhân tạo khổng lồ chạy bằng năng lượng mặt trời. Tuy vậy, lượng không khí ở những “khu vực thoáng khí” cũng chẳng trong lành gì, nhưng ít nhất là chúng tôi vẫn còn có thể hít vào thở ra được. Giờ đây, tuổi thọ bình quân của con người là 35 tuổi.

Một số quốc gia còn bảo tồn và lưu giữ được một ít các hòn đảo có cây xanh và suối nước ở trên đó. Và họ bảo vệ khu vực này rất chặt chẽ với lực lượng quân đội trang bị hùng hậu. Nước trở thành một thứ hàng xa xỉ khó kiếm được, quý hơn cả kho báu và nhiều khi có giá cao hơn cả vàng hoặc kim cương.

Dĩ nhiên với một tình trạng như thế, hầu hết cây cối đều chết khô vì thiếu mưa. Và cứ mỗi lần trời mưa thì nước mưa có chứa hàm lượng axít rất cao gây gỉ sét và tàn phá nhà cửa của chúng tôi. Chúng tôi không còn phân biệt được mùa hè với mùa đông. Những dấu hiệu biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính và các hoạt động làm ô nhiễm môi trường của con người mà trong thế kỷ 20 chúng tôi đã từng phớt lờ, giờ đây ngày càng nghiêm trọng. Chúng tôi đã được cảnh báo về việc phải bảo vệ môi trường, thế mà chẳng ai chịu khó lắng nghe.

Khi con gái tôi nằng nặc đòi bố kể chuyện về thời còn bé thơ của bố nó, tôi đã mô tả cho cháu nghe về vẻ đẹp của những khu rừng. Tôi mơ màng kể về những cơn mưa đầu mùa ướt đẫm, về những bông hoa nở rộ, về cảm giác dễ chịu khi được tắm mát, về những con cá quẫy nước dưới dòng sông, về những vùng hồ bát ngát xanh trong, và về cái thời mà tôi có thể uống bao nhiêu nước tùy thích. Tôi kể cháu nghe con người lúc ấy thật khỏe mạnh biết bao. Con bé chợt gọi làm tôi tỉnh giấc mơ: “Bố ơi! Sao chúng ta không còn nước nữa?”.

Tôi chợt cảm thấy cổ họng khô khốc... Tôi chẳng còn gì để biện minh cho mặc cảm tội lỗi của mình vì tôi thuộc về một thế hệ đã hoàn thành công việc hủy hoại môi trường của chúng tôi, chỉ vì xem thường các cảnh báo ấy... Rất nhiều người đã có thái độ như thế!

Tôi thuộc về thế hệ loài người cuối cùng đã có thể cứu vớt hành tinh này, nhưng đã chọn cách thờ ơ và không hành động. Giờ đây, con cái chúng tôi phải trả giá quá đắt. Thành thật mà nói, tôi nhận ra rằng không bao lâu nữa trái đất sẽ không còn là nơi thích hợp cho bất cứ sự sống nào nữa. Đó là vì những tác động hủy hoại môi trường của con người đã vượt quá mức không thể cứu vãn. Ôi! Tôi ước gì có thể quay trở lại quá khứ và giúp nhân loại hiểu được điều này... khi mà người ta vẫn còn kịp làm một điều gì đó để cứu lấy hành tinh này.

Hãy gửi lá thư này cho tất cả mọi người bạn gặp, và hãy bắt tay vào việc cảnh báo, dù là nhỏ bé, về một ý thức toàn cầu bảo vệ nguồn nước sạch. Đây không phải là một trò đùa mà đó đã là định mệnh của chúng ta. Hãy làm vì con cái bạn dù bây giờ bạn chưa có con, thì sau này bạn sẽ có... Đừng để lại di sản là một hỏa ngục... Hãy để lại sự sống cho các cháu". (trích từ lá thư "Life in the year 2070" (Cuộc sống năm 2070) của cựu tổng thống Ấn Độ - tiến sĩ A. P. J. Abdul Kalam)

Đọc bức thư này xong, tôi vô cùng hoảng sợ trước sự hủy diệt môi trường sống của thế hệ chúng ta. Đây là bức thư cảnh tỉnh cho chúng ta, nếu không có biện pháp tích cực chống biến đổi khí hậu thì hậu họa sẽ đến với con cháu của chúng ta. Hiện tại chúng ta sống trong môi trường ô nhiễm đã đến mức độ báo động đỏ. Chúng ta cần chung tay, chung sức bảo vệ môi trường sống dù một việc rất nhỏ ở tầm vi mô như không vứt rác bừa bãi, đến tầm vĩ mô không vì lợi ích của thế hệ bây giờ mà phá hủy môi trường sống để đời sau khó có thể khắc phục được. Hãy làm cho thế giới xanh, sạch, đẹp, văn minh và hiện đại.

Nguyễn Thị Trà sưu tầm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

.
Cảm ơn bác Tuấn đã phát hiện và post một bài rất hay. Đoạn này thật là thấm thía:

Tuấn Khỉ đã viết:
Lá thư được viết vào năm 2070


Tôi chợt cảm thấy cổ họng khô khốc... Tôi chẳng còn gì để biện minh cho mặc cảm tội lỗi của mình vì tôi thuộc về một thế hệ đã hoàn thành công việc hủy hoại môi trường của chúng tôi, chỉ vì xem thường các cảnh báo ấy... Rất nhiều người đã có thái độ như thế!

Tôi thuộc về thế hệ loài người cuối cùng đã có thể cứu vớt hành tinh này, nhưng đã chọn cách thờ ơ và không hành động. Giờ đây, con cái chúng tôi phải trả giá quá đắt. Thành thật mà nói, tôi nhận ra rằng không bao lâu nữa trái đất sẽ không còn là nơi thích hợp cho bất cứ sự sống nào nữa. Đó là vì những tác động hủy hoại môi trường của con người đã vượt quá mức không thể cứu vãn. Ôi! Tôi ước gì có thể quay trở lại quá khứ và giúp nhân loại hiểu được điều này... khi mà người ta vẫn còn kịp làm một điều gì đó để cứu lấy hành tinh này.
Cảm ơn bác đã quan tâm đến chủ đề “Môi trường” này, tức là bác đã quan tâm đến thế hệ con, cháu, chắt, chút, chít… vv, của chúng ta.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Các mỏ sa khoáng ở Bình Định bị ô nhiễm phóng xạ



SGTT.VN - Cơn sốt titan ở Bình Định ngày càng nóng lên khi cả vùng rộng lớn ven biển của tỉnh này đang trở thành “đại công trường”. Tuy nhiên, thanh tra tại tám doanh nghiệp khai thác, chế biến titan ở Bình Định, bộ Tài nguyên và môi trường phát hiện tất cả đều có sai phạm về hoạt động khoáng sản, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và đã ra quyết định xử phạt tám doanh nghiệp này hơn 400 triệu đồng.

http://118.69.212.146:8080/ImageHandler.ashx?ImageID=168606
Khai thác titan tại Mỹ Thành, Phù Mỹ. Ảnh: Uyên Thu



Phát hiện phóng xạ trong nước
Theo ông Võ Minh Thành, phó chánh thanh tra sở Tài nguyên và môi trường Bình Định, kết quả phân tích chất lượng môi trường không khí tại các khu vực khai thác titan đều vượt 4,5 – 6,2 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh. Kết quả phân tích các mẫu nước thải tại nhà máy tuyển tinh của công ty cổ phần khoáng sản Bình Định, xưởng nghiền zircon và mương khai thác của công ty TNHH sản xuất – thương mại khoáng sản Ban Mai có tổng hoạt độ phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép.

Đáng báo động hơn khi mới đây, TS Võ Ngọc Anh, phó giám đốc sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bình Định đã công bố công trình nghiên cứu “Đánh giá mức độ ô nhiễm phóng xạ do sa khoáng titan vùng ven biển tỉnh Bình Định”. Theo đó, qua phân tích cường độ gamma (phóng xạ) mặt đất tại 18.000 điểm, cũng như phân tích hàng ngàn mẫu vật cho thấy: quá trình khai thác, chế biến, sử dụng các sa khoáng dẫn đến sự làm giàu, tăng khả năng xâm nhập của các nguyên tố phóng xạ vào môi trường xung quanh gây ô nhiễm phóng xạ.

Theo ông Anh, có hai khu vực chủ yếu bị ảnh hưởng phóng xạ là xưởng tuyển ướt và xưởng tuyển tinh. Tại xưởng tuyển tinh quặng, tập trung nhiều tinh quặng chứa chất phóng xạ, do đó, khu vực này bị ô nhiễm phóng xạ đối với môi trường dân cư, nhân viên làm việc trong xưởng. Ở xưởng tuyển ướt, vị trí gây ô nhiễm phóng xạ chủ yếu là đống quặng được làm giàu 85 – 92%. “Do đó, người dân sinh sống ở vùng có quặng sa khoáng titan, công nhân làm việc ở xưởng tuyển có nguy cơ nhiễm xạ cao hơn những vùng khác”, ông Anh nói.

Trong khi đó, báo cáo khoa học của GS Lê Khánh Phồn, trưởng khoa dầu khí trường đại học Mỏ – địa chất, chủ trì nghiên cứu cùng một nhóm các nhà khoa học – một trong những công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về ô nhiễm phóng xạ do khai thác titan, cho biết các cơ sở sàng tuyển cát lấy titan thải ra lượng lớn hỗn hợp khoáng chất, trong đó có monazit phát ra tia phóng xạ với cường độ rất nguy hiểm. Tiến hành đo mức phóng xạ tại hơn 1.000 điểm ở một khu khai thác quặng titan ven biển Nam Trung bộ (trong đó có Bình Định), các nhà khoa học kết luận vùng ô nhiễm phóng xạ (vượt quá tiêu chuẩn an toàn cho phép) bao quanh thân quặng có dạng kéo dài với bề rộng từ 200 – 500m, dài hơn 6km. Hầu hết, nước từ quá trình tuyển khoáng cho chảy trực tiếp ra biển, không qua giai đoạn xử lý nào.

Dân điêu đứng vì môi trường bị huỷ hoại
Nhiều năm nay, người dân các địa phương bị các doanh nghiệp khai thác titan đua nhau huỷ hoại rừng phòng hộ ven biển, nguồn nước sinh hoạt ngày càng cạn kiệt. Tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), một trong những địa phương có trữ lượng titan lớn nhất Bình Định, hiện có hơn mười doanh nghiệp đua nhau xới tung bờ biển với vài chục giàn hút titan. Theo người dân các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), gần đây các địa phương này hầu như không còn thuỷ sản nào sống nổi. Ông Lê Văn Ngân ở thôn Tân Thành, xã Mỹ Thọ cho biết: “Vùng biển này vốn có nhiều loài ngao, sò, ốc, ghẹ, cá, ruốc… sinh sống gần bờ, thế nhưng, bây giờ các loài thuỷ sản này đều biến mất”.

Theo bộ Tài nguyên và môi trường, việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường của tỉnh Bình Định còn nhiều thiếu sót; nội dung của nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường rất sơ sài, nhưng vẫn được phê duyệt; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại Bình Định và các cơ quan khác liên quan chưa chặt chẽ, thậm chí để xảy ra tình trạng dự án đã đầu tư khai thác, nhưng không lập cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.

Uyên Thu


Cần quản lý chất monazit

Sa khoáng titan có năm hợp chất cơ bản gồm ilmenite, zircon, rutin, monazit, manhetit. Báo cáo khoa học của GS Lê Khánh Phồn chỉ rõ trong quặng ilmenit, zircon có các khoáng vật chứa các chất phóng xạ, nhất là khoáng vật monazit, có hàm lượng phóng xạ cao, rất nguy hiểm đối với sức khoẻ con người. Từ lâu, các chuyên gia viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử quốc gia đã cảnh báo cần quản lý chất monazit thải ra trong quá trình khai thác, chế biến titan như một chất phóng xạ, phải chứa trong những hầm bêtông tại các bãi thải quy định.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vodanhthi đã viết:

Các mỏ sa khoáng ở Bình Định bị ô nhiễm phóng xạ

Tài Nguyên & Môi Trường

Tài nguyên yên lành thành kiệt quệ
Môi trường quái quỷ bị tăng lên
Hơi tà tối đất mùi kinh tế
Khí độc mù khơi vị chức quyền.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bài học Fukushima - một năm nhìn lại



TTCT - Chưa kịp hồi sinh, điện hạt nhân (ĐHN) lại bị lao đao sau thảm họa Fukushima. Một năm đã trôi qua, hiểm họa phóng xạ nơi đây vẫn còn âm ỉ.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=551440
Nhà máy điện nguyên tử Fukushima đã bị phá hủy nặng nề bởi trận động đất và sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái - Ảnh: gratisparacelula



Trong nhiều thập kỷ tới, nước Nhật sẽ phải tốn hàng trăm tỉ đôla để dọn dẹp đống hoang phế này và hồi sinh các vùng dân cư phụ cận. Hầu hết 50 lò phản ứng của họ phải ngưng hoạt động để kiểm tra sức chịu đựng (stress test), trong khi công chúng mất niềm tin vào ĐHN không dễ gì cho phép các lò này khởi động trở lại.

Bên kia bờ Thái Bình Dương, nước Mỹ sẽ không chứng kiến hàng chục nhà máy trước năm 2020 theo chương trình hồi sinh ĐHN từ thời tổng thống Bush. Mãi gần đây, Hội đồng An toàn hạt nhân với một phiếu chống và bốn phiếu thuận mới đồng ý cho xây hai lò đầu tiên sau hơn 30 năm đình đốn. Chính chủ tịch hội đồng này, Gregory Saczko, đã bỏ phiếu chống bởi theo ông, nó chưa thể hiện đầy đủ bài học từ Fukushima.

Sau Fukushima, các lò phản ứng an toàn hơn, nhưng chính vì thế ĐHN đã leo lên mặt bằng giá mới, cao ngất ngưởng. 14 tỉ USD cho hai lò phản ứng 2.200 MW mới được phê duyệt ở Mỹ, gần gấp đôi dự kiến trước Fukushima. ĐHN đắt lên bởi để được an toàn hơn, người ta phải đầu tư và bảo trì rất nhiều thứ mà có thể sẽ không bao giờ cần đến nó suốt thời gian vận hành nhà máy.

Lò phản ứng phải chống chịu được động đất cấp 9, sóng thần cao hơn 10m, những thảm họa không mấy khi xảy ra tại một địa điểm cụ thể. Hệ thống tải nhiệt thụ động phải bảo đảm làm nguội lò khi điện lưới mất hoàn toàn trong 5-6 ngày liền, một kịch bản rất hãn hữu, nhưng vì nó đã xảy ra ở Fukushima nên không ai dám liều lĩnh xem thường. Lại nữa, lò phản ứng phải được nhốt trong boongke đủ kiên cố cao hơn 15m để không bị hề hấn gì khi một chiếc máy bay 20 tấn lao thẳng xuống nắp lò…

Đầu tư cho ĐHN tăng vọt còn vì những rủi ro trong xây dựng do khâu xét duyệt kéo dài, do sai sót thiết kế, từ đó đi đến tranh chấp và đẩy lùi tiến độ thi công. Hàng nghìn lỗi thiết kế đã được phát hiện trên công trường xây dựng lò phản ứng thế hệ III+ ở Olkiluoto, Phần Lan. Dự án này khởi công năm 2003, dự kiến vận hành năm 2009, sau nhiều lần trễ tiến độ giờ đây tạm chốt lại vào năm 2014, giá đầu tư tăng từ 3,5 tỉ USD ban đầu lên 7,2 tỉ USD tính đến cuối năm ngoái.     

Lò phản ứng an toàn hơn, đắt hơn, song không ai dám chắc thảm họa hạt nhân sẽ không xảy ra. Nhìn cảnh tượng ở Fukushima hồi này năm ngoái, nhiều người lắc đầu: “Nếu xảy ra ở Việt Nam, chúng ta sẽ bó tay”. Nhưng ngay lúc ấy có người đã trấn an: “Đừng lo, chúng ta sẽ có công nghệ tiên tiến hơn nhiều”. Được thể, các công ty nước ngoài thi nhau cam kết: “Công nghệ của chúng tôi an toàn nhất, chịu được động đất cấp 9, lò phản ứng sẽ không thể bị tan chảy dù bị mất điện nhiều ngày”.

Dự án ĐHN Ninh Thuận được Quốc hội thông qua và hiệp định mới ký gần đây với Nga trên thực tế đã đặt dấu chấm hết câu chuyện “nên hay không nên làm ĐHN”, mở đầu một trang mới: phải làm ĐHN như thế nào ở một nước mà hầu như tất cả điều kiện đều chưa chín muồi? Khó, nhưng chúng ta không thể ngồi nhìn người khác làm giùm ĐHN, thậm chí áp đặt những thứ có thể làm chúng ta mệt mỏi trong nhiều thập kỷ sau này.

Điều cần nhất giờ đây, tuy đã muộn, là phải rút ra bài học đích thực từ Fukushima, bình tĩnh hình dung đúng đắn ĐHN là gì và chúng ta chưa sẵn sàng ở những khâu nào để nhanh chóng khắc phục.

Thảm họa Fukushima đã làm sụp đổ hoàn toàn quan niệm xem nhà máy ĐHN chẳng khác gì nhà máy nhiệt điện chạy than thông thường (tuyên bố với báo giới của một quan chức Bộ Công thương). Nhưng ĐHN là gì, nó cần gì và không thể chung sống với những gì là những vấn đề chưa được hình dung đúng đắn. Bởi thế mới có chuyện lên kế hoạch kỷ lục xây dựng 12 lò phản ứng trong 10 năm, du nhập hai công nghệ lò khác nhau cùng lúc và đặt kế hoạch đào tạo hàng trăm tiến sĩ và thạc sĩ để phục vụ ĐHN trước năm 2020.

Đã qua rồi thời kỳ cổ vũ cuồng nhiệt cho ĐHN. Đã đến lúc phải đối diện với những vấn đề hóc búa về khoa học, công nghệ và kinh tế ĐHN như xem xét địa điểm xây dựng, luận chứng khả thi và các phương án thiết kế, thi công. Trong khi lực lượng trí thức còn quá mỏng, hệ thống tổ chức quản lý chồng chéo, thiếu hiệu quả, luật lệ hạt nhân chỉ mới du nhập phần nào trên giấy, rất cần một vị tổng chỉ huy đủ uy lực và toàn tâm toàn ý cho ĐHN.

Chính những công việc trước mắt là trường học đào tạo nhân lực trình độ cao cho ĐHN. Phải học xong qua việc xem xét một dự án từ đối tác thứ nhất, trước khi chuyển sang đối tác thứ hai. Chạy theo tiến độ là điều tối kỵ trong xây dựng nhà máy ĐHN, nó sẽ chôn vùi bao nhiêu sai sót và khuyết tật trong núi hồ sơ do các công ty nước ngoài cung cấp.

GS PHẠM DUY HIỂN


Những gì báo chí Nhật đã nhất loạt phanh phui trong năm qua chứng tỏ rằng sự cố Fukushima trầm trọng như thế do con người và hệ thống quản lý nhà nước đã bị các tập đoàn hạt nhân lũng đoạn.

Động đất và sóng thần hung dữ chỉ châm ngòi cho sự cố. Cho nên thảm họa và khủng hoảng ĐHN vẫn sẽ xảy ra, có thể không giống như ở Chernobyl và Fukushima nhưng theo những kịch bản khác, với nhiều cấp độ khác nhau, nhất là ở những nơi con người thiếu tri thức mà lại chủ quan, pháp luật lỏng lẻo, văn hóa an toàn thấp kém và bị các nhóm lợi ích lũng đoạn.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

TP.HCM: dân ngoại thành uống nước nguy cơ ô nhiễm kim loại cao



SGTT.VN - Chưa có nước máy về, người dân ở hầu hết khu vực ngoại thành TP.HCM vẫn phải dùng nước giếng khoan. Nhưng theo báo cáo mới nhất của chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, nước ngầm ngoại thành đang bị nhiễm kim loại nặng.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=167579
Nước kênh quanh khu vực khu xử lý chất thải rắn Củ Chi luôn có màu đen, nguy cơ thấm ô nhiễm xuống nước ngầm cao.



Chỉ lớp nước lã đóng cặn vàng trong ly, chị Nguyễn Thị Hiền, khu phố 1, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM cho hay, chỉ cần để qua một ngày, nước đã thế này. Nếm thử thì nước có mùi tanh, vị chát. Chị Hiền bảo, toàn khu vực này, dân không có nước máy xài nên đều phải dùng nước giếng khoan. Có nhà khoan 30 – 40m, cũng có nhà khoan tới 60 – 70m, nhưng nước lấy lên vẫn phải lọc mới dám dùng.

Nhiều khu vực ngoại thành khác, nơi mà nước máy chưa được kéo về, người dân cũng vẫn phải dùng thứ nước giếng khoan ô nhiễm giống như ở phường Hiệp Thành. Anh Nguyễn Văn Phúc, tổ 14, ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, ở gần khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Củ Chi cho biết, dù giếng khoan sâu tới 70m nhưng nước vẫn có mùi hôi, tanh, để lâu thì bám cặn vàng. Còn ở ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, Hóc Môn, cả ngàn người dân ở đây không có nước máy xài, đều phải ăn, uống, sinh hoạt bằng nước giếng khoan, nhưng ở độ sâu nào cũng ít nhiều có mùi tanh, vị chát. Bà Nguyễn Ngọc Huyền cho hay, nhà bà và nhiều gia đình khác đã nhiều lần đem nước lên thành phố xét nghiệm, kết quả là nước bị nhiễm sắt, vượt tiêu chuẩn. Theo nhiều bà con tại đây, nước thải từ khu công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân – giáp ranh Hóc Môn) chưa được xử lý thường bị lén xả ra rạch Cầu Sa gần cả chục năm nay khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm…

Kết quả quan trắc mới nhất của chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM cho thấy, nồng độ Fe và chỉ tiêu nhiều kim loại nặng trong nước ngầm nhiều khu vực đã vượt tiêu chuẩn cho phép. Ở tầng Pleistocen – nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho thành phố – nồng độ Fe vượt chuẩn từ 1,5 – 6,7 lần tiêu chuẩn tại khu vực huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12; hàm lượng chì vượt 1,1 lần tiêu chuẩn tại khu vực Củ Chi, quận 9; tại tầng Pleistocen dưới ở Củ Chi; Bình Chánh, Fe vượt 1,7 – 8,4 lần…. Đồng thời, mức độ nhiễm kim loại nặng (Zn, Cu, Pb, Cd, As, Cr…) cũng đang tăng mạnh về nồng độ so với năm 2010 tại các tầng nước ngầm thành phố, đặc biệt là ở một số khu vực ngoại thành như: các sân golf, quận 2, quận 12, quận Thủ Đức, huyện Củ Chi.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trưởng phòng Quản lý tài nguyên, viện Môi trường và tài nguyên (đại học Quốc gia TP.HCM), dân gian gọi nước nhiễm phèn thực ra đó là nước bị nhiễm sắt, có mùi tanh, để lâu thì lắng lại, đóng cặn vàng. Hiện tượng nước bị ô nhiễm kim loại nặng thường gặp trong các lưu vực nước gần các khu công nghiệp, các bãi rác, khu vực khai thác khoáng sản... Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình nước thải độc hại không xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu bị đổ ra môi trường. Nước mặt bị ô nhiễm sẽ lan truyền các chất ô nhiễm vào nước ngầm, vào đất và các thành phần môi trường liên quan khác; hoặc do các bãi rác không chống thấm tốt, lâu ngày nước rỉ rác đi vào nước ngầm. Cũng theo các chuyên gia, kim loại nặng vào cơ thể con người qua da, hô hấp, ăn uống. Bình thường cơ thể có các cơ chế để đào thải kim loại nặng nhưng khi hàm lượng này vượt mức chống độc của cơ thể thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như làm tăng nguy cơ gây ung thư, rối loạn trao đổi chất ở các tổ chức sống, các tuyến và các cơ quan nội tạng, làm mất cân bằng các hệ enzym...

bài và ảnh Lê Quỳnh
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chuyện nhỏ ở Nhật



TT - Chuyện về chiếc ống hút và mẩu nilông bọc nó dán dính trên hộp sữa nhỏ đúng là chuyện nhỏ, quá nhỏ nữa chứ! Chuyện lại từ mấy cô cậu học sinh cấp I ở một ngôi trường nhỏ, làm sao không là chuyện nhỏ được!

Chuyện là thế này... Trong bữa ăn trưa mà khẩu phần bắt buộc luôn phải có một hộp sữa, các em học sinh sau khi xé mẩu nilông lấy ống hút ra chọc vào hộp sữa và... uống, đã không ném ngay vỏ hộp vào thùng rác. Các em phải thực hiện thêm vài động tác, trước hết xe mẩu nilông lại và cột vào ống hút, rồi để riêng ra một bên. Còn vỏ hộp sữa thì xé ra ép gọn lại. Sau đó hai loại rác này được thu gom riêng: những ống hút có mẩu nilông vào một chỗ, những vỏ hộp giấy vào một chỗ (sau đó còn được xịt nước rửa để khâu xử lý rác tiếp theo không có mùi hôi).

Làm thêm mấy việc này thật cũng chẳng mất mấy thời gian, nhưng dẫu sao cũng là... thêm việc, mà thế là thêm phiền phức. Sao lại bày thêm chuyện, cứ bỏ vào sọt rác, không quăng bừa ra sân là tốt rồi?

Câu trả lời rất đơn giản: chuyện đó là việc phải làm cho quy trình xử lý rác sau đó được thuận tiện và hiệu quả. Phần nilông xử lý riêng, phần giấy xử lý riêng. Đó là chuyện cần làm, để các em từ tuổi măng non đã được rèn thói quen và ý thức về chuyện rác. Rác không là thứ bỏ đi, rác là môi trường, hành xử đúng với rác sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Từ búp măng non biết cột mẩu nilông vào ống hút, xé vỏ hộp sữa, có thể hi vọng rồi sẽ có những thân tre biết yêu quý môi trường, tôn trọng thiên nhiên, biết tiết kiệm từng mẩu giấy, giọt nước, biết trân quý những chồi xanh.

Chuyện nhỏ từ hộp sữa trong nhà trường nước Nhật. Bắt đầu từ những chuyện nhỏ như thế, hộp sữa nhỏ trong suất ăn học đường được “luật hóa” từ vài chục năm trước đã góp phần cho những thế hệ thanh niên Nhật “nhổ giò” tăng trưởng chiều cao, xóa đi cái nhìn cũ về một dân tộc thấp bé.

Bắt đầu từ những chuyện nhỏ như thế, chuyện xử lý vỏ hộp sữa nhỏ cũng góp phần tạo nên những lớp người trẻ có nhân cách, có cái nhìn và tấm lòng yêu quý thiên nhiên, cuộc sống và con người.

Có lẽ cũng nên bắt đầu từ những chuyện nhỏ, rất nhỏ!

AN ĐỖ
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [30] [31] [32] [33] [34] [35] [36] ... ›Trang sau »Trang cuối