Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [27] [28] [29] [30] [31] [32] [33] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Dùng sinh học “mở cửa” cho nông sản

Bài 2: Thay đổi quan niệm về thuốc trừ sâu



SGTT.VN - Không chỉ “nuôi ong, cắp kiến”, các nhà khoa học đã đột phá trong việc phòng trừ sâu hại bằng các loại thảo mộc, chế phẩm sinh học. Từ cây trẩu, chè, thơm ổi (hoa ngũ sắc), neem (xoan Ấn Độ), các chế phẩm sinh học có tác dụng trừ ốc bươu vàng, khử mọt kho, côn trùng có hại… đã ra đời, hiệu quả nhanh và không gây hại môi trường.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=152227
Hạt neem dùng để chiết xuất chế phẩm sinh học trừ sâu hại.



Thảo mộc trừ ốc bươu vàng
Có 100.000 – 300.000ha diện tích trồng lúa sạ các tỉnh phía Nam bị nhiễm ốc bươu vàng cần phòng trừ hàng năm – đây là kết quả điều tra trực tiếp của các nhà khoa học của viện Bảo vệ thực vật (thuộc viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) tại 18 tỉnh đại diện. TS Nguyễn Trường Thành, trưởng bộ môn thuốc – cỏ dại và môi trường, cho biết nhiều quốc gia cũng bị ốc bươu vàng gây hại nhưng đến nay vẫn chư­a tìm ra đư­ợc biện pháp diệt trừ triệt để. Khảo sát tận nhà dân thì nhà khoa học phát hiện: các biện pháp chủ yếu vẫn là thu bắt ốc và trứng, dùng ốc cho vịt ăn và nuôi cá, đặt các lưới chắn kim loại hoặc phên chắn, đào mương bẫy ốc. Còn một loại thuốc trừ sâu đặc dụng để diệt trừ ốc bươu vàng hiệu quả cao, ít độc với cá và đủ rẻ để nông dân chấp nhận sử dụng trên diện rộng thì chưa có. Sự hoành hành của loài sinh vật ngoại lai ấy đã thôi thúc các nhà khoa học vào cuộc. Mất năm năm, qua hàng trăm lần thí nghiệm, với hàng trăm loại thảo mộc, 40 loại chế phẩm trừ ốc bươu vàng ra đời. Trong đó, có 15 loại có hiệu lực cao từ 50% trở lên, nh­ư: cây thàn mát, mác vắt, sở, cau, sui...

Khi chế phẩm trừ ốc bươu vàng được dùng thử nghiệm trên những thửa ruộng đầu tiên, đa số đã mang lại hiệu lực rõ rệt, đặc biệt tác dụng nhanh trong ba ngày đầu, trong khi cá vẫn sống khoẻ. Các chế phẩm diệt ốc bươu vàng như Tictack 13.2 BR và Bourbo 8.3 BR (chủ yếu từ cây sở, trẩu, chè) hiện đã được gia công và ứng dụng tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai và xuất khẩu 20 tấn sang Đài Loan. Còn chế phẩm ECLINTON 4W P (cây thơm ổi, còn gọi hoa ngũ sắc) được ứng dụng tại Nam Định, Thái Bình và một số tỉnh Đông Nam bộ với số lượng hàng chục tấn. Người dân có thể trộn chế phẩm này cùng với phân bón, cát để rắc lên. Giá của mỗi gói chế phẩm (tác dụng trong phạm vi hai sào Bắc bộ) chỉ 10.000 – 12.000 đồng, ốc bươu vàng chết sau một ngày rắc.

Diệt mọt, xua sâu bằng lá và hạt neem
“Nhiều người bảo họ cứ nhìn thấy tôi là thấy neem, nên gọi tôi là “tiến sĩ neem”. Tôi thì mỗi khi vào Ninh Thuận, thấy rừng neem xanh mát, mênh mông là thấy lòng mình ấm áp, xốn xang lắm. Nếu có 20 tỉ đồng trong tay, tôi sẽ xây dựng một nhà máy thuốc trừ sâu sinh học từ các loài thảo mộc” – vừa giới thiệu chế phẩm sinh học từ lá và hạt cây neem, TS Thành hồ hởi nói. Gắn bó với nghề nông nhiều năm nay, ông hiểu người nông dân cần gì, thiếu gì. Loại thuốc trừ sâu sinh học từ cây neem ra đời sau những lần mắt thấy tai nghe khi tiếp xúc người nông dân, từ chuyện nông sản sau thu hoạch của họ bị mọt phá, đến chuyện những vườn rau màu, cây trái bị sâu hại.

Từ các hạt và lá cây neem thu hoạch từ Ninh Thuận, qua các máy ép và lọc dầu, ông cùng các nhà khoa học của viện Bảo vệ thực vật đã thu được 35,8 lít dầu neem tự nhiên và 60,5kg bánh neem/100kg nhân hạt. Hàm lượng azadirachtin có mật độ cao trong dầu neem là cơ sở chính để tạo ra tám loại tiền chế phẩm có khả năng xua đuổi mọt hại kho trong vòng bảy ngày đầu, đạt hiệu quả lên tới 87%. Chưa dừng lại ở đó, từ ba tiền chế phẩm có triển vọng nhất, các nhà khoa học đã bổ sung các phụ gia tạo dạng thành công ba loại chế phẩm mới, trừ mọt kho trên 90%. “Người dân có thể phun hoặc quét phía ngoài bao bảo quản ngũ cốc. Ngoài ra, phun trừ diệt mọt trực tiếp để đạt hiệu lực 100% khi vệ sinh nhà kho, khi đổ ngũ cốc trong thùng lớn. Các chế phẩm này rất an toàn với môi trường, sau hai tuần xử lý đã không còn tồn dư hoạt chất trong nông sản kể cả khi phun trực tiếp”, TS Thành khẳng định. Hiện bốn tỉnh Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Ninh Thuận đã thử nghiệm chế phẩm này với mô hình 1 – 3 tấn lương thực, hiệu quả trừ mọt trên ngũ cốc đạt 80% sau sáu tháng.

Không chỉ trừ mọt kho, từ dầu neem tự nhiên các nhà khoa học còn cho ra đời chế phẩm Elincol 12 ME, có khả năng loại sâu chích hút hại chè, sâu cuốn lá lúa, nhện đỏ hại cam… Được biết, hiện đã có 20 tấn chế phẩm này được xuất kho. Các dạng phân bón chức năng từ bánh neem còn giúp trừ tuyến trùng sâu hại trong đất. “Nền công nghiệp neem Ấn Độ đã giúp dân Ấn thoát nghèo. Nhiều nước muốn trồng neem như mình mà không trồng được, trong khi chúng ta có nhưng nếu không thu mua quả, người dân sẽ chặt cây đi thì phí lắm. Khi chưa có ngay chiến lược lâu dài thì mình có thể động viên nông dân qua các chương trình khuyến nông. Việc nông dân có thể tự trồng neem, tự giã hạt neem đem phun vừa tiết kiệm chi phí thuốc hoá học, lại rất an toàn”, TS Thành nói.

Thanh Tuyền – Trung Dũng

(Đón xem Bài 3: Người mười năm theo đuổi… ruồi)


Thảo mộc làm sâu ngán ăn
Không chỉ lấy hạt, lá làm thuốc trừ sâu, neem được coi là cây chịu hạn số một. Hiện Việt Nam có 5.000 – 6.000ha neem tập trung tại các tỉnh miền Trung, miền Nam. Dựa trên tác dụng trừ sâu của azadirachtin có trong cây neem, các nhà khoa học thuộc viện Hoá học (viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) cũng đã nghiên cứu tác dụng ức chế sinh trưởng với sâu khoang thông qua tách chiết các loài aglaia (họ xoan) thu hái được ở Việt Nam. Với các chất này, sâu ăn vào sẽ không thể tiếp tục phát triển, ngán ăn, gầy đi và chết dần chết mòn.


Chế phẩm từ cúc, gừng trừ sâu rau
Là sáng chế của các nhà nghiên cứu thuộc khoa nông lâm ngư trường đại học Vinh. Theo đó, sau khi chiết xuất các chất từ cúc, gừng, tỏi, ớt… kết hợp phụ gia kết dính, các nhà nghiên cứu đã cho ra chế phẩm thảo mộc có thể xua trừ nhiều loại sâu hại rau màu như sâu xanh bướm trắng, sâu khoang, rệp cải. Kết quả thử nghiệm 10ha tại thành phố Vinh và các vùng lân cận, các loại rau màu đều phát triển tốt. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu tiếp tục phối hợp với công ty TNHH Lý Mỹ Hưng sản xuất đại trà cho thị trường.


Trị bệnh cho cá bằng đông dược
Trung tâm Chuyển giao công nghệ dịch vụ và phát triển cộng đồng nông – ngư nghiệp Việt Nam (FACOD), trực thuộc hội Nghề cá Việt Nam vừa nghiên cứu thành công ứng dụng thuốc đông dược để trị bệnh gan thận mủ ở cá tra. Theo đó, FACOD đã sử dụng tám thành phần đông dược (đan sâm, nhục quế, bạch chỉ, đại hồi…) kết hợp cùng một số tá dược khác để phòng trị bệnh cho cá tra. Qua 20 thử nghiệm cho cá tra giống, cá tra thịt tại Bến Tre, Tiền Giang… cá đã không bị bệnh gan thận mủ. Hiện nghiên cứu này đã được ngân hàng Thế giới tài trợ 30.000 USD để nhân đại trà cho nông dân.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

DÙNG SINH HỌC “MỞ CỬA” CHO NÔNG SẢN

Bài 3: Người mười năm đeo đuổi… ruồi



Một trong những người có công giúp cây trái miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long có mặt trên thị trường thế giới là một nhà khoa học còn rất trẻ: ThS Lê Quốc Điền, với chế phẩm sinh học chống loài ruồi đục quả.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=152366
ThS Lê Quốc Điền theo dõi sự sinh trưởng của cây thanh long ruột đỏ sau khi dùng chế phẩm sinh học. Ảnh: Trung Dũng



Diệt ruồi bằng bã bia
Vùng chuyên canh trồng sơri xuất khẩu của hơn 100 hộ dân tại huyện Gò Công (Tiền Giang) nay đã “lấy lòng” được thị trường thuộc loại khó tính nhất: Nhật Bản, mang về ngoại tệ chứ không còn là “đồ bỏ” như trước. Từ 30 tấn hàng đầu tiên xuất sang Nhật vào tháng 3.2009, đến nay cứ định kỳ, sơri (6.000 đồng/kg) sẽ đi Nhật qua đầu mối thu mua là công ty TNHH Thịnh Phát. Với ThS Điền, đó là một kết thúc đẹp cho “cuộc chiến” với loài ruồi.

Không riêng gì sơri, trước đây nhiều loại trái cây đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long muốn chu du nước ngoài nhưng bị “chiếu bí” vì chứa ấu trùng, dư thừa vi lượng thuốc hoá học… Chàng sinh viên mới tốt nghiệp đại học Cần Thơ khi đó lờ mờ hiểu phải giúp nông dân giàu lên từ chính nông phẩm của họ, nên đầu quân về viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Cũng từ những chuyến thăm vườn, anh phát hiện: để trừ sâu hại, dân phun thuốc hoá học. Trái cây đỡ bị côn trùng phá hoại nhưng rớt giá thê thảm bởi không ai dám ăn. “Phải dẹp được ổ dịch mà quan trọng là xác định được ngưỡng dịch cho từng loại trái cây, nếu không, dù có chuyển giao công nghệ mới hay phun thuốc trừ sâu cũng không ăn thua, mà lại hại cho con người và môi trường”, Điền đúc kết. Rồi anh phát hiện thủ phạm chính là loài ruồi đục quả: “Ruồi đục quả lợi hại vì ký chủ phong phú, khả năng đẻ trứng cao (ruồi cái đẻ 300 trứng/lần), vòng đời ngắn, từ đó có thể tạo thành quần thể lớn trong một thời gian ngắn, nhóm này cũng có khả năng lây nhiễm cao do có khả năng di chuyển rất xa”. Ruồi đục quả phá hại ngay từ giai đoạn ấu trùng. Với những thị trường khó tính (Mỹ, Nhật, Úc…), ruồi là rào cản chủ yếu. Từ kinh nghiệm những chuyến thực tế, lục lọi tất tần tật các tài liệu trong và ngoài nước, Điền lao vào nghiên cứu. Sau rất nhiều đêm thao thức với thí nghiệm, công thức, bẫy ruồi, nuôi ruồi... anh đã sáng chế ra loại chế phẩm diệt ruồi mang tên SOFRI Protein mà nguyên liệu là bã nấm bia, chỉ cần pha với nước phun cho đến khi thu hoạch.

“Cứu tinh” của trái cây miệt vườn
Thế nhưng mọi chuyện đâu dễ dàng. Chế phẩm này cần áp dụng trên diện rộng, trong khi các nhà vườn chưa quen tập quán liên kết nhóm với tổ chức địa phương, thời gian phun lại không giống nhau. Cách để nhà khoa học trẻ thuyết phục người dân chịu dùng sản phẩm của mình là tổ chức tập huấn, lân la bàn chuyện với họ như vầy: “Tui nói thiệt bụng, bà con muốn sơri bán 500 hay 6.000 đồng? Bán được thì bà con lợi hay tụi tui lợi?” Điền cho thử nghiệm phòng trừ tổng hợp hai loài ruồi Bactrocera dorsalis Hendel và Bactrocera correcta Bezz gây hại trên quả sơri và thanh long (tại Tiền Giang), cho hiệu quả phòng trừ ruồi đến 90%. Năm 2005, một thử nghiệm phòng trừ ruồi hại quả sơri trên diện tích 100ha tại Gò Công, cho thấy tỷ lệ hại giảm xuống còn 4%, trong khi ở vùng đối chứng tỷ lệ này là 100%.

Sau đó hai năm, với sự hỗ trợ về kỹ thuật của ACIAR và đầu tư của công ty cổ phần hoá chất bảo vệ thực vật Hoà Bình, viện Bảo vệ thực vật đã xây xưởng sản xuất bã protein tại nhà máy bia An Thịnh (Từ Sơn, Bắc Ninh). Xưởng có công suất 200 tấn/năm, sản phẩm có tên thương mại Entopro đủ cung cấp cho các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền Trung. Do chủ động nguồn bã protein, năm 2007 nhiều mô hình phòng trừ ruồi hại quả được thử nghiệm tại các tỉnh phía Bắc. Mô hình phòng trừ ruồi hại quả hồng tại Hoà Bình giảm tỷ lệ thiệt hại từ 26% xuống còn 1%. Các mô hình phòng trừ ruồi hại quả ổi, mướp đắng tại Thanh Hà (Hải Dương), Hương Trà (Huế) đều cho kết quả tốt, mở ra một hướng mới cho quản lý ruồi hại quả ở nước ta. Thế nhưng, với hành trình mười năm đeo đuổi ruồi đục quả, nhà khoa học trẻ cho rằng: “Cần có những nghiên cứu chuyên sâu nhằm xây dựng quy trình cụ thể cho việc sử dụng bã phòng trừ ruồi cho từng loại cây ở từng vùng khác nhau”.

Gặp Điền những ngày này, anh đang đầu tắt mặt tối với bao dự án cá nhân lẫn cộng đồng. Trong đó, có một chiến dịch quy mô lớn là trị bệnh chổi rồng trên cây nhãn đang được xúc tiến tại nhiều nhà vườn miền Tây. Điền nói: “Có nhiều kinh nghiệm trị sâu bệnh của người dân rất hiệu quả mà lại không gây hại cho môi trường, như dùng khói một số đông dược để trị côn trùng hại dừa, tiếc là những kinh nghiệm ấy không có ai tiếp thu nên mất dần. Cứ xuống gặp người dân, họ sẽ kể nhiều chuyện hay hơn tôi nói nhiều”. Có lẽ, nhà khoa học trẻ này cũng đã học được rất nhiều từ những chuyến “dân vận” như thế, bởi hơn ai hết anh biết dân cần gì.

Trung Dũng – Thanh Tuyền


(Đón đọc Bài cuối: Ru ngủ rau quả để xuất khẩu)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

DÙNG SINH HỌC “MỞ CỬA” CHO NÔNG SẢN

Bài cuối: Ru ngủ rau quả để xuất khẩu



SGTT.VN - Để nông sản tươi lâu, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn khi tới tay người tiêu dùng thì rất cần sự “tiếp sức” của nhiều công đoạn sau thu hoạch. Chế phẩm tạo màng từ các chất tự nhiên hay công nghệ quản lý trái cây bằng nhiệt độ giúp kéo dài tuổi thọ được các nhà khoa học cho ra đời từ những đòi hỏi bức thiết như thế.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=152554
Bảo quản cam bằng chế phẩm tạo màng Cefores. Ảnh: T. Tuyền



Kéo dài tuổi thọ trái gấp ba lần
“Buôn xoài, chuối nếu không có chất bảo quản thì khó lắm. Thời gian từ lúc chín cho tới khi hỏng với xoài chỉ năm ngày, chuối khoảng chín ngày, với cam lâu nhất cũng chỉ 20 ngày. Nhiều người thường chọn cam để buôn, còn muốn buôn xoài thì phải đến vườn từ sớm”, đó là ý kiến của chị Nguyễn Thị Hoà, cũng là của nhiều người bán hoa quả chợ Phú Gia, Hà Nội. “Sở dĩ phải khảo sát ý kiến của họ, bởi chúng tôi đang tìm hiểu một sáng chế mới về công nghệ bảo quản trái cây của viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch – chế phẩm tạo màng Cefores.

Câu chuyện về sự ra đời của Cefores, theo mô tả của TS Nguyễn Duy Lâm, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm, xuất phát từ những trăn trở của cộng đồng. Trước đó, nhiều phương án bảo quản trái cây đã được đưa ra, cuối cùng tiêu chí xanh, sạch và hiệu quả của Cefores được chọn. Đó là một loại chế phẩm dùng phủ lên trái cây, khi khô sẽ tạo thành một lớp màng mỏng bao lấy trái. Nhờ tính chất bán thấm điều chỉnh khí và hơi nước của màng này mà “nhan sắc” và tuổi thọ trái cây có thể kéo dài gấp hai, ba lần. Thực tế, khi dùng Cefores, bảy loại sản phẩm là xoài, chuối, bưởi, cam, dưa hấu, dưa chuột và càrốt lần lượt kéo dài thêm tuổi thọ là tám ngày cho xoài, 40 – 50 ngày cho cam, quýt và 15 ngày với chuối. Đặc biệt, với bưởi có thể bảo quản gần 100 ngày. Điều đặc biệt là các chế phẩm được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu “lành” nên người tiêu dùng lỡ ăn phải màng chế phẩm từ trái cây chưa rửa cũng không phải lo lắng.

Theo TS Lâm, Cefores được pha chế từ nhiều nguyên liệu khác nhau gồm nhựa cây, sáp thực vật, sáp động vật, protein và một ít polymer tổng hợp. Protein để làm màng thực phẩm có thể tách chiết từ bắp, lúa mì, đậu tương, sữa... “Cách sử dụng chế phẩm bảo quản tạo màng khá đơn giản, chỉ cần phun hoặc thoa, nhúng một lớp mỏng phủ lên trái cây là được. Mỗi lít chế phẩm (giá 150.000 đồng) có thể dùng cho khoảng 800kg quả”. Ngoài ra, với từng loài quả mà mức độ chế phẩm được đưa vào khác nhau. Ví dụ với quả ăn cả vỏ như táo, dâu tây, ổi thì mức độ màng chế phẩm sẽ khác màng chế phẩm tại các loại quả không ăn vỏ như cam, chuối, dưa hấu. Chế phẩm đã được ứng dụng rộng rãi với cam Vinh, cam Hàm Yên, cam Hà Giang, bưởi Diễn. Đặc biệt, với dưa hấu, khi “mặc áo” Cefores, dưa hấu giống Hắc Mỹ Nhân (tại Hải Phòng và Đồng Nai) duy trì được ruột màu đỏ tươi giòn, sau bảo quản 22 ngày vẫn đảm bảo chất lượng, tỷ lệ tổn thất nhỏ hơn 10%. Các nhà khoa học của viện cũng đã hoàn thiện bảy quy trình sản xuất chế phẩm phù hợp với quy mô 350 lít/mẻ và hoàn thành mô hình sản xuất chế phẩm với hệ thống thiết bị do chính họ thiết kế, tạo dựng về điều kiện nhà xưởng...

Đỡ tốn... vé máy bay
Hôm tiếp chúng tôi tại viện Cây ăn quả miền Nam, TS Nguyễn Văn Phong vừa trở về từ Rotterdam (Hà Lan). Đó là chuyến khảo sát dài ngày để kiểm định chất lượng thanh long xuất khẩu trong hai container của công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (tỉnh Bình Thuận). Sở sĩ phải chu du cùng trái cây bởi anh và nhóm cộng sự đang theo dõi công nghệ mới trong bảo quản trái cây sau thu hoạch bằng quy trình quản lý nhiệt độ TS Phong cho biết: “Với những loại cây trái xuất qua thị trường châu Âu, trải qua hải trình dài ngày nếu không bảo quản tốt chất lượng trái sẽ giảm tỷ lệ thuận. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải nghĩ cách để làm sao trái tươi lâu, chất lượng không bị thâm hụt nhưng tuyệt đối không dùng hoá chất độc hại”.

TS Phong cho chúng tôi hình dung, công nghệ sau thu hoạch là công đoạn cuối để trái cây ra thị trường nhưng lại đóng vai trò quyết định. Đặc biệt, khi làm ăn với những quốc gia đặt sự minh bạch lên hàng đầu, lại được hỗ trợ bởi công nghệ máy móc hiện đại thì trái cây dính trứng ấu trùng hay tồn dư thuốc hoá học lập tức bị huỷ và có thể chấm dứt làm ăn. Trước đây, việc bảo quản trái sau thu hoạch sử dụng phương pháp trữ lạnh, tuy nhiên do không quản lý được nhiệt độ nên thời gian bảo quản ngắn, trái nhanh bị hỏng… Ông Phong cùng các đồng nghiệp đã đột phá bằng biện pháp quản lý nhiệt độ cho trái cây trong dây chuyền lạnh. Với phương pháp này, trái được kéo dài thời gian bảo quản tươi lên tám tuần. Với quỹ thời gian bảo quản này, chuỗi cung ứng thanh long Việt Nam đến các thị trường bằng đường tàu sẽ không bị gián đoạn...

Lý giải về việc cứ phải liên tục kiểm tra trái trong kho lạnh, dùng máy để đo kích cỡ trái, kiểm tra màu sắc… TS Phong cho biết, với thanh long xuất khẩu, chương trình nhiệt độ được thiết lập dựa trên hai kỹ thuật: quả được làm lạnh nhanh sau khi thu hoạch, xử lý đóng gói bởi hệ thống làm lạnh sơ bộ nhằm giúp quả giải phóng nhiệt nhanh hơn, giảm sự hô hấp và tươi lâu; sau đó quả được trữ lạnh theo các mức nhiệt độ được chuyển đổi trong quá trình tồn trữ. Thanh long sau khi vô gói sẽ phải “sống” ở nhiệt độ 8 – 100C bằng hệ thống quạt thổi không khí lạnh tốc độ cao trong hai, ba ngày. Khi trái cây đã thích nghi, nhiệt độ sẽ hạ xuống từ 1 – 30C. Khi đến thị trường phân phối, nhiệt độ sẽ điều chỉnh trở lại phù hợp với nhiệt độ hiện tại...

Ngoài thanh long, công nghệ mới trong bảo quản trái cây sau thu hoạch bằng quy trình quản lý nhiệt độ có thể áp dụng cho nhiều loại trái cây khác. Đặc biệt, kỹ thuật bảo quản quả bơ đang được áp dụng ở quy mô phòng thí nghiệm. “Trước đây do thời gian bảo quản ngắn nên nhiều loại trái cây phải vận chuyển bằng đường hàng không, chi phí cao. Bây giờ với thời gian bảo quản dài hơn, có thể đi bằng tàu, giảm chi phí. Trái cây bán được giá cao, thị trường ổn định thì thu nhập nó mang lại ngày càng khả quan hơn”, TS Phong cho biết.

Thanh Tuyền – Trung Dũng
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bảy bạn nhỏ tư vấn tiết kiệm điện



TT - Các bạn nhỏ của nhóm Bajiko (một lớp học của Tổ chức BAJ cầu châu Á - Nhật Bản) đã gửi đến ban tổ chức cuộc thi Viết về tiết kiệm điện một bài viết thật thú vị, kể về những mẩu chuyện các em đã học, đã thực hiện. Dĩ nhiên, việc thể hiện bài viết có sự trợ giúp về ngôn ngữ của người lớn, nhưng vẫn đảm bảo “giọng điệu” của các em. Trang Môi trường xin giới thiệu bài viết này.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=508422
Chúng mình quan sát vòng quay của đồng hồ điện.



Nhóm chúng mình có bảy bạn nhỏ học các trường tiểu học trong thành phố và tám thầy cô, đều là thành viên của lớp Bajiko. Tụi mình là những người bảo vệ môi trường, tụi mình đã nói rất nhiều về nước, không khí, xăng, củi, điện, vậy tụi mình nói chuyện làm thế nào để tiết kiệm điện bằng những cuộc khảo sát quanh thành phố.

1. Bài toán máy bơm nước
Đầu tiên chúng mình tới Trường THPT Ngôi Sao (Q.Bình Tân, TP.HCM). Ngôi trường có bốn tầng. Bồn nước nằm ở tầng 4. Mỗi tầng có ba lớp học, một lớp theo cô hiệu trưởng là 40 bạn. Mỗi lần rửa tay một bạn tốn 1 lít nước (tụi mình hứng nước rửa tay của các bạn để tính đấy). Như vậy, một ngày máy bơm hoạt động nhiều lần. Trong khi đó, ta có thể để bồn nước ở tầng 2 trở lên, tầng 1 thì đường ống trực tiếp, như vậy đỡ tốn một lượng điện đáng kể. So sánh chúng mình thấy máy bơm nước ở nhà cũng vậy, cứ một lúc lại kêu, nó tự động mà. Lớp Bajiko chúng mình còn có chuyện thế này: hôm đó chúng mình đi vào siêu thị, từ nhà vệ sinh đi ra bạn Thuần nói với Tân: Này, có người rình hay sao ấy, mình vừa đi một cái là có người giội cho mình. Tân không trả lời mà nói: “Lại một đèn chờ”.

2. Đèn chờ và đồng hồ điện
Cứ một đèn chờ là thêm một lần lãng phí điện. Chúng mình quan sát và vẽ số lượng đèn chờ ở nhà mình thì thấy mỗi nhà thậm chí có tới sáu ngọn đèn chờ. Đèn chờ tivi, đèn chờ đầu đĩa, đèn trên ổ cắm điện, đèn quạt..., ôi nhiều lắm. Thành phố mình biết bao nhiêu đèn chờ, đèn chờ là tiện lắm nhưng sao phải nghiên cứu nhỉ. Thầy nói 12 đèn chờ màu đỏ nhỏ li ti đó bằng một ngọn đèn vàng thắp sáng. Chúng mình còn phát hiện nhiều vật dụng thời gian dài không dùng vẫn không rút dây điện. Bạn cứ thử quan sát xem sẽ thấy: tivi này, cassette này, đầu karaoke với dây điện đầy bụi bám đang cắm vào ổ điện. Thầy nói tất cả các loại dây cắm vào ổ khi không dùng này tốn tới 6% điện năng tiêu thụ của gia đình.

Rồi nhóm chúng mình đi đến các cửa hàng đồ điện. Thầy nói: khi nắm những chỉ số Watt ghi trên các thiết bị thì mới biết tiết kiệm điện. Chúng mình đã hiểu đồng hồ điện vẫn quay mặc dù đã tắt hết đồ điện. Nghĩa là khi chúng ta ngủ, điện vẫn bị tiêu hao. Đó là điều khiến chúng mình ngạc nhiên hết sức mà lại vỡ lẽ ra nhiều điều.

Nhiệt độ máy lạnh 27-28OC thì đã mát nhưng nhà chúng mình vẫn cứ cài 22-23OC; một vài ngôi trường chúng mình khảo sát, phòng cô hiệu trưởng cài tới... 16OC nữa đấy. Phí phạm quá!

Cuộc đối thoại ở lớp như thế này: “Nhà tớ màn hình phẳng”, “Nhà tớ cong và phẳng đều có”...

Cả nhà có thể dồn về một phòng để xem, vậy việc gì phải có tới ba tivi nhỉ? Tivi chưa hư vẫn mua cái mới. Mà điều này lớn lắm nhé: vì nhu cầu không giới hạn đó mà điện cứ liên tục tăng lên, nhà này nhà kia, thế thì làm sao thành phố và nước của mình không thiếu điện.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=508421
Tìm hiểu các chỉ số về điện in trên các sản phẩm. Phải hiểu đúng thì sử dụng mới đúng - Ảnh: nhóm Bajiko cung cấp.



3. Rau và điện
Ở Bajiko, chúng mình học những điều khác biệt. Chuyện rau thì liên quan gì đến điện? Vậy mà có đấy. Ở siêu thị, rau được giữ trong tủ lạnh từ ngày này qua ngày khác để rau luôn tươi. Vậy mỗi ngày rau đã dùng điện rồi. Tương tự như thế, thịt bò, thịt gà, thịt heo ở siêu thị cũng tiêu thụ điện. Những điều tưởng chừng tự nhiên ấy, Bajiko chúng mình nói hàng giờ. Cái này ngon, nhưng bạn biết không nó nằm ở Mỹ, Nga, Úc... vào kho, lên xe, lên tàu thủy...

Ở Bajiko, chúng mình nướng thịt heo của nông dân nuôi để ăn, thịt do anh Luých ở Huế gửi vào. Những chú heo chúng mình đã theo dõi chúng từ khi còn bé. Chúng được nuôi bằng cám, bằng thức ăn trong gia đình, bằng rau lá trong vườn chứ không phải bằng thức ăn tăng trọng. Vì vậy mà thịt heo ngon hơn, thơm hơn và là thịt heo không qua đông lạnh. Bajiko chúng mình đang làm cùng với BAJ (Tổ chức cầu châu Á - Nhật Bản), để rau của người nông dân nhỏ được đi đến với mọi người, nó không chỉ là niềm vui hương vị, nó là việc bảo vệ môi trường.

Bajiko chúng mình trồng rau, quan sát cây và hiểu cây xanh giúp giảm nhiệt độ, tiết kiệm điện. Vườn rau luôn là nơi thật thú vị. Mỗi ngày chúng mình đến thăm vườn và biết rằng rau lớn lên cần bàn tay chăm bón thật cần mẫn. Phải làm cỏ, phải bắt sâu thì cây mới lên xanh tốt. Chúng mình còn biết sự thông thái của nông dân khi kết hợp các loại rau trồng xen kẽ trong vườn. Chúng mình còn biết vườn rau là niềm vui, là cuộc sống của người nông dân vì nó là bữa ăn hằng ngày. Người nông dân biết cái ngon của rau mới hái, biết mỗi vị ngọt của cây trái trong vườn và biết cách nấu làm sao cho nó quyện vào nhau để ăn vào sẽ không quên được. Bạn hãy thử một lần rồi sẽ thèm ăn cái vị rau tươi ấy.

Trò chuyện với các bác nông dân, chúng mình học được rất nhiều thứ - những thứ mà chẳng bao giờ chúng mình học được ở trong trường. Thầy Tuệ nói nếu biết tất cả những điều đó thì chúng mình sẽ không phí phạm điện. Chúng mình hiểu không phải dùng điện nhiều là tốt, là hiện đại, không phải dùng nhiều mới sướng.

Những điều chúng mình nói ở đây không phải là nói mà thật sự là niềm đam mê để mọi người cùng trải nghiệm. Vì bài học tiết kiệm điện không ở đâu khác hơn là điều được hình thành từ chính những chuyện hằng ngày như thế này.

Nhóm Bajiko (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tạm dừng khai thác khoáng sản trên cả nước



SGTT.VN - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu tạm dừng việc cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước cho đến khi có chỉ đạo mới. Chỉ đạo này có hiệu lực từ ngày 30.8.2011

Chỉ đạo của Thủ tướng nêu rõ, bộ Tài nguyên và môi trường phải báo cáo về việc cấp phép thăm dò, khai thác các loại khoáng sản trên cả nước; bộ Công Thương báo cáo quy hoạch và thực trạng khai thác, chế biến và xuất khẩu của từng loại khoáng sản hiện nay, nói rõ loại khoáng sản nào phải chế biến sâu, sâu đến mức nào; bộ Xây dựng báo cáo quy hoạch và tình hình thực hiện khai thác, chế biến và xuất khẩu của từng loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan trên phải nêu rõ mặt được, chưa được và những biện pháp cần chấn chỉnh, tăng cường quản lý. Theo kế hoạch, các nội dung trên sẽ được báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9.2011.

P.V
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Xâu xé khu bảo tồn thiên nhiên



TT - Rừng nguyên sinh bị băm nham nhở. Những đại công trường khai thác vàng trái phép mọc lên ngay giữa khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (H.Nam Giang và H.Phước Sơn, Quảng Nam).

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=514256
Máy móc hạng nặng cũng được đưa vào khu bảo tồn để khai thác vàng  - Ảnh: VŨ TÙNG



Sau nhiều ngày cắt rừng, chúng tôi mới vào được khu vực rừng nguyên sinh thuộc xã Đắc Pring, Đắc Pre (Nam Giang). Tại vùng lõi cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của khu bảo tồn này, những gốc cây cổ thụ to đến hai người ôm bị đánh bật gốc nằm chỏng chơ. Gần đó, những ngọn đồi rợp cây bị đào xới sâu hoắm. Ngay dưới chân những ngọn đồi nham nhở là hàng loạt lán trại của các nhóm “vàng tặc”. Dòng suối Ring nước đỏ lòm, những hố bùn lầy lội tràn ngập hai bên bờ suối.

Đi thêm một đoạn đến khu vực Khe Cọp, Khe Nhớp, Khe Đẹp... khung cảnh càng hoang tàn hơn. Những thân cây to ở khu rừng nguyên sinh này bị đốn hạ không thương tiếc.

Đột kích bãi vàng
“Chúng phá rừng để lấy gỗ làm hầm vàng đấy”, một cán bộ đi trong đoàn truy quét “vàng tặc” của lực lượng biên phòng Quảng Nam nói. Đang đi thì cả đoàn nghe ầm ầm tiếng máy nổ vang vọng giữa rừng sâu. Quyết định tập kích, đoàn tiến hành bao vây một lán trại khai thác vàng có quy mô lớn ở cuối đoạn suối Ring.

Những đường hầm sâu hun hút nằm dưới lòng đất, phía trên là máy tời. Một cán bộ biên phòng hét lên khi từ dưới lòng đất chiếc máy tời chầm chậm kéo lên một tốp lao động mặt non choẹt với nước da tái nhợt. Tiếp tục đi sâu vào bên trong hầm, một hệ thống hầm ngầm kiên cố như pháo đài được chống đỡ bằng những phách gỗ được đốn hạ từ chính khu bảo tồn này.

Đi đến tận cùng đường hầm, bộ đội biên phòng còn phát hiện thêm nhiều thiết bị máy móc, hơn 2.000 lít dầu diesel và không dưới 3 tấn lương thực, thực phẩm để phục vụ đội quân “vàng tặc”. Bị bắt quả tang, chủ bãi vàng Nguyễn Văn Diệm (Nam Định) không thể chối cãi. Ông Diệm phân bua do hoàn cảnh khó khăn nên từ năm 2010 đã cùng 13 người ở Nam Định vào đây phá rừng làm vàng.

“Tôi biết là ảnh hưởng đến môi trường, cây cối bị thiệt hại nhưng nhà nghèo nên phải làm vậy”, ông Diệm nói.

Thiếu tá Hồ Văn Phú - phó trưởng Phòng phòng chống tội phạm và ma túy Bộ đội biên phòng Quảng Nam, đội trưởng đội truy quét - cho biết: “Các đối tượng khai thác vàng ngày càng ranh ma hơn, tổ chức rất quy mô, tính toán kỹ lưỡng theo nhóm, nguy hại hơn là chúng có thể ém quân hoạt động nhiều tháng trời giữa rừng sâu do có kho dự trữ lương thực”.

Ngay sau đó, lực lượng biên phòng đã tiến hành đốt, tiêu hủy 30 lán trại, 54 máy nổ, máy phát điện, gần 2 tấn dầu diesel, 16 tấn thủy ngân dùng để phân kim. Ngoài ra, còn đẩy đuổi hơn 200 đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi rừng.

Rừng già kêu cứu
Ông Nguyễn Viễn, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Nam, nhìn nhận: “Ở đây việc tổ chức khai thác quy mô còn hơn ở những nơi được cấp phép. Tình trạng khai thác trái phép có chiều hướng tái diễn. Nếu để kéo dài không biết rừng còn bị băm nát đến chừng nào”.

Đặc biệt là có rất nhiều tấn cyanure, thủy ngân được các “vàng tặc” sử dụng để phân kim tìm vàng. Ông Trần Văn Thu, trưởng ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, nói: “Diện tích khu bảo tồn lên đến hàng trăm nghìn hecta trong khi chỉ có 29 cán bộ làm nhiệm vụ là quá mỏng, làm không xuể”.

Theo thống kê, hiện trong khu bảo tồn có bốn điểm nóng về khai thác vàng trái phép với gần 100 đối tượng. Tuy nhiên, ông Thu thừa nhận việc truy quét tựa như “ném đá ao bèo”, không thể triệt để được.

“Lực lượng biên phòng đã phối hợp các ngành mở nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi hàng nghìn đối tượng khai thác vàng ra khỏi khu vực, tịch thu, phá hủy các phương tiện phục vụ đào, đãi vàng. Bắt nhiều chuyên án lớn về mua bán, tàng trữ trái phép vật liệu nổ, ma túy tuồn vào các bãi vàng. Thế nhưng, nhiều đối tượng vẫn lén lút đưa máy móc, thiết bị vào tổ chức khai thác vàng khiến tình hình an ninh rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường” - thiếu tá Hồ Văn Phú nói.

Một tiểu đội biên phòng đã được cử ở lại để chốt chặn, không cho “vàng tặc” lén lút trở lại. Vậy nhưng cũng khó kiểm soát hết được 200.000 ha của khu bảo tồn này.

Đ.CƯỜNG - VŨ TÙNG


Nô lệ giữa rừng già

Vi Văn Hoài (19 tuổi, quê Nghệ An) sau khi được kéo lên khỏi hầm đã thất thần, sợ hãi khi bất ngờ chạm trán lực lượng biên phòng. Thân hình xanh xao, tay chân bợt trắng, nổi mụn nhọt... là kết quả của những tháng ngày dầm nước trong hầm ngầm để đào vàng.

Hoài kể: “Đang ở quê thì có người đàn ông lạ mặt tên Linh tìm đến nhà nói tuyển đi làm việc với lời hứa công việc nhàn rỗi, thu nhập cao. Để tạo niềm tin, người đàn ông này còn xởi lởi ứng trước 1 triệu đồng để lấy tiền tiêu pha. Thấy vậy em cùng sáu đứa bạn ở quê khăn gói theo ông Linh. Đến nơi mới hay đi đào vàng trái phép”.

Theo lời Hoài, những ngày đầu các phu vàng chỉ đào đãi ở chân đồi, ven khe suối. Nhưng dần dần các chủ trại ra lệnh họ phải đào hầm sâu vào lòng đất. “Tụi em làm quần quật suốt ngày đêm, có đêm chỉ ngủ được ba tiếng là bị gọi dậy”.

Seo Văn Dần (17 tuổi, quê Nghệ An) cũng trở thành nô lệ cho ông chủ giữa rừng sâu này. Dần cho biết vì nhà nghèo nên học đến lớp 9 thì bỏ dở. Rồi Dần theo đám bạn vào miền Nam tìm việc nhưng đến nơi mới biết mình bị lừa.

“Có đứa còn bị chủ rủ rê chơi “hàng trắng” cho nghiện để dễ sai khiến”, Dần kể. Tương tự, Vương (16 tuổi), Tuấn (20 tuổi)... quê Nghệ An cũng sa lầy ở các bãi vàng heo hút.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Luật Bảo vệ môi trường 2005

Nhiều điều mơ hồ, thiếu chặt chẽ cần sửa đổi, bổ sung



SGTT.VN - Các tồn tại, vướng mắc trong luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2005 đã được các chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp “mổ xẻ”, đưa ra khuyến nghị sửa đổi tại hội thảo về “Rà soát luật Bảo vệ môi trường” do phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại sứ quán Anh tại Hà Nội và bộ Phát triển Anh quốc vừa tổ chức tại Hà Nội.


20.000 vụ vi phạm nhưng không khởi tố được vụ nào!

“Cảnh sát môi trường chúng tôi trong năm năm qua đã bắt giữ được gần 20.000 vụ vi phạm môi trường nhưng chưa khởi tố được vụ nào. Nếu có khởi tố thì chỉ là các vụ liên quan tới động vật hoang dã, phá rừng”, phó cục trưởng cục Cảnh sát môi trường Lương Minh Thảo cho biết.

Lý giải về nguyên nhân, ông Thảo cho hay hiện luật quy định còn mơ hồ. Ví dụ điều 92 quy định căn cứ để xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm nhưng cụm từ “khu vực bị ô nhiễm” ở đây có thể hiểu là cả dòng sông rộng lớn với bao nhiêu lượng nước lưu thông hàng ngày, gồm nhiều khu vực. Điều đó khiến cho vụ Tung Kuang hay các vụ việc tương tự khó khởi tố bởi muốn biết được ô nhiễm của đơn vị nào phải kiểm tra lấy mẫu ngay tại cống, tại nguồn của họ thải ra chứ không thể chung chung “khu vực bị ô nhiễm”.

Cảnh sát môi trường cũng gặp khó trong vấn đề quy định “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” (ĐTM). Luật cho phép họ tự làm, tự thuê tư vấn, nên ĐTM nào cũng được thông qua. Chỉ cần một công ty tư vấn TNHH từ ba đến bốn người, có chức năng tư vấn môi trường là đủ. Thậm chí, với trường hợp công ty Vedan, khi cảnh sát yêu cầu cung cấp báo cáo ĐTM, họ đưa bản photo rất chung chung, không có căn cứ gì mà để nói họ xả ra bao nhiêu m3 nước/ngày. Hỏi bản chính đâu, họ bảo luật không bắt phải trình bản chính và với những bản photo người ta có thể thay đổi nội dung thì lấy gì để đảm bảo, ông Thảo chia sẻ.

Sáu vướng mắc cần sửa đổi
Đến từ hiệp hội Thép Việt Nam, ông Phạm Chí Cường cũng giãi bày những vướng mắc mà luật đang làm khó các nhà luyện kim. Cụ thể, điều 42 quy định phế liệu nhập khẩu phải được phân loại và làm sạch. Tuy nhiên, hai chữ “làm sạch” là rất mơ hồ bởi đã gọi là phế liệu, thậm chí là những rỉ sắt nằm bao nhiêu năm dưới lòng đất thì không thể đòi gia công làm sạch. “Thế nào là sạch và phân biệt rạch ròi giữa sạch trong phòng nhà ở với sạch trong công nghiệp là rất khó. Nếu không thì cảnh sát môi trường có thể bắt các nhà luyện kim bất cứ lúc nào”, ông Cường nhấn mạnh.

Rà soát lại luật BVMT, TS Nguyễn Văn Phương, trường đại học Luật Hà Nội (trưởng nhóm nghiên cứu) đã nêu ra sáu nhóm vấn đề lớn còn tồn tại vướng mắc cần điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Đó là: vấn đề về quy chuẩn kỹ thuật môi trường; vấn đề BVMT trong hoạt động xuất nhập khẩu; đánh giá tác động môi trường; thẩm quyền quản lý của các cơ quan nhà nước; vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất và quản lý chất thải; xử lý vi phạm pháp luật về BVMT.

Luật BVMT 2005 quy định quá nhiều bộ chủ quản chuyên ngành thực hiện phối hợp hướng dẫn việc thực thi pháp luật BVMT, dẫn đến tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn về chức năng, nhiệm vụ, thậm chí dễ “tranh công, đổ lỗi” trong việc đưa pháp luật BVMT vào cuộc sống, là ý kiến đồng tình của TS Nguyễn Văn Cương, viện Khoa học pháp lý (bộ Tư pháp) với báo cáo rà soát.

Thanh Tuyền
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ngũ Hành Sơn bất ngờ sạt lở



SGTT.VN - Ngày 8.9, đỉnh Mộc Sơn thuộc quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bất ngờ sạt lở.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=154384



Hàng trăm mét khối đá từ độ cao 50m sạt xuống, đè lên ba căn nhà ngay dưới chân núi. Xưởng đá mỹ nghệ của ông Lê Thanh Chiến và hai hộ dân khác bị sập gần một nửa. Rất may, mọi người đã kịp chạy thoát thân. Mộc Sơn là một trong năm ngọn gồm Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ban quản lý danh thắng này cho biết, có thể do mưa lớn trong mấy ngày qua dẫn đến sạt lở.

Ánh Tuyết
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Du lịch biển để bảo tồn biển



SGTT.VN - Bản thân những hướng dẫn viên người nước ngoài luôn ý thức việc bảo vệ môi trường biển chính là bảo vệ nghề nghiệp và nguồn sống của họ. Và, họ thường nói với du khách biển đảo rằng: “Vấn đề cuối cùng tôi muốn nhắc các bạn, đừng đối xử thô bạo với biển…”

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=154274
Đến với biển để gìn giữ môi trường tự nhiên của biển. ảnh TL



Dịp đến Nha Trang du lịch gần đây, tôi quyết định tham gia chuyến thăm đảo Yến do một công ty Việt Nam hướng dẫn và đi lặn biển tại vườn bảo tồn Hòn Mun do một dịch vụ của người nước ngoài phụ trách.

Chuyến đầu rất khác chuyến thứ hai
Đúng 7 giờ sáng ngày đầu tiên, chiếc xe buýt 24 chỗ ngồi đưa chúng tôi rời trụ sở của một câu lạc bộ lặn do một người Anh vận hành tại Hòn Mun, ra cảng lên tàu đi lặn biển. Bước chân lên tàu, đội ngũ hướng dẫn hơn chục người Việt và nước ngoài đã chờ sẵn đón chào hơn 20 du khách, trong đó có sáu người Việt. Khi mọi người ổn định, trưởng nhóm giới thiệu đầy đủ các thành viên trên tàu, nhiệm vụ của từng người, không quên người lái tàu và người phụ việc. Mọi người đều chăm chú lắng nghe. Sau màn giới thiệu là những thông tin chi tiết về sinh thái, đời sống hải dương nơi mọi người lặn biển, và thời gian lặn. Kết thúc, người hướng dẫn chốt lại: “Vấn đề cuối cùng tôi muốn nhắc các bạn, đừng đối xử thô bạo với biển, với môi trường vì như thế chúng ta tự phá huỷ môi trường sống của chúng ta. Có sẵn hai thùng rác ở hai bên cạnh thuyền, hãy bỏ những thứ bạn muốn bỏ đi vào đó”. Khách trên tàu đáp trả bằng tràng pháo tay vang lừng. Người hướng dẫn còn nháy mắt khi tôi giơ ngón tay tỏ ý tán đồng việc anh nhắc nhở mọi người: “Nhớ dịch lại cho ai không hiểu tôi nói nhé!” Tiếng tàu chạy và tiếng sóng biển phía sau đuôi tàu là âm thanh duy nhất tôi nghe thấy rõ suốt quãng thời gian gần 30 phút ra đến khu vực lặn biển.

Sang ngày thứ hai, chiếc xe buýt 50 chỗ đón chúng tôi tại một công ty du lịch ở Nha Trang ra cảng đi đảo Yến. Xe khởi hành trễ 20 phút nhưng chẳng biết vì lý do gì! Trong số 30 du khách, có năm khách nước ngoài. Trên tàu, anh hướng dẫn cầm micro chào hỏi du khách và loan báo lịch trình tham quan. Nhưng chỉ có vài người khách Việt cố gắng nghe, số còn lại người thì bôi kem chống nắng cho nhau, người thì cười nói lao nhao, khen nón đẹp, kính mát xịn, bàn tán về những cuộc thi hoa hậu ở vài hòn đảo nào đó… Trước khi chuyển sang hướng dẫn bằng tiếng Anh cho vài khách quốc tế, anh hướng dẫn đề nghị mọi người im lặng vài phút cho anh nói. Cất được hai câu giới thiệu, anh phải bỏ micro và đi đến gặp từng người khách nước ngoài để hướng dẫn vì tiếng cười nói quá ồn.

Và sau đó, những câu chuyện thú vị về vùng biển Nha Trang, những cái tên và hình thù của các hòn đảo, những làng chài trên biển, những nơi có chim yến về nhiều. Và, tôi chỉ còn nghe câu được câu mất khi anh hướng dẫn nói chuyện bằng tiếng Anh. Bởi nhóm du khách Việt vẫn thản nhiên “tung hứng” với nói cười... Hôm nay, tôi không nghe rõ tiếng máy chạy và tiếng sóng biển phía đuôi tàu, vì tiếng ồn đã át mất không gian biển.

Xin cho tôi rác
Ngồi cạnh một người đứng tuổi. Tôi đoán bà khá giả giàu có qua sợi dây chuyền vàng lấp lánh trên cổ, hai chiếc vòng cẩm thạch và chiếc nhẫn có đính hạt óng ánh khá bự trên tay. Bà vừa bóc đậu phộng luộc đựng trong bịch xốp ra ăn vừa quay ngang nói chuyện với người đi cùng. Từng cái vỏ được liệng ngay xuống biển, cho đến hột cuối cùng thì cái bịch nilông cũng… chung số phận!

Lang thang trên đảo Yến, ngắm nhìn những vách núi nơi yến về làm tổ, gặp vài con hải âu trắng đậu trên bãi đá, tôi cứ áy náy mãi vì đã không cản việc xả rác của người khách kia. Rồi một trong năm du khách nước ngoài trong đoàn vừa bơi từ bãi san hô quanh đảo đi tới, tay đưa trước mặt tôi một cái nắp chai bia, một mảnh bao nilông và hỏi: “Bạn biết thùng rác ở đâu không? San hô đẹp quá, nhưng những thứ này không tốt cho chúng”.

Tôi nhớ lại, trên cửa buồng lái của con tàu mà tôi đi lặn biển hôm trước có dán hai tờ giấy, một tờ ghi nội quy của khách khi lên tàu; một tờ khác ghi cỡ chữ rất lớn: “Không xả rác xuống biển”. Cả hai mảnh giấy ấy chỉ được dùng ngôn ngữ địa phương: tiếng Việt.

Kim Dung
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vụ công trình bôxit Tân Rai rò rỉ hóa chất



TT - Sáng 22-9, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ xung quanh sự cố hóa chất từ Nhà máy alumin Tân Rai gây ô nhiễm môi trường, ông Trần Dương Lễ, phó giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng, cho rằng không phải hóa chất rò rỉ mà chỉ là một “sự cố” do sơ suất của công nhân.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=520998
Khu pha chế xút ở nhà máy alumin thuộc tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng, nơi được lãnh đạo nhà máy cho rằng các bao xút rắn sau khi pha chế xong để ngoài trời bị nước mưa tạt vào làm nước nhiễm xút tràn ra khu dân cư - Ảnh: Thuận Thắng



Ông Lễ cung cấp cho chúng tôi một báo cáo của BQLDA gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN đề ngày 14-9 do ông ký. Theo đó, xác định nguyên nhân của “sự cố” là do sơ suất của công nhân pha xút rắn tại bể pha đã để bao bì đựng xút ngoài trời không được che chắn, khi trời mưa rửa trôi lượng xút dính trong bao bì và do công nhân không cẩn thận đã làm vương vãi mà chưa kịp xử lý.

“Đây chỉ là sơ suất do phía công nhân người VN của nhà máy thôi, chứ bể xút xây bằng bêtông chống kiềm mác 300 làm sao rò rỉ được” - ông Lễ nói.

Nhìn tận mắt bể pha xút
Chiều cùng ngày, chúng tôi được ông Duyên Anh - cán bộ phụ trách vật tư của BQLDA - hướng dẫn vào tham quan khu vực tập kết và pha xút. Khu vực này rộng gần 1.000m2, nền ximăng, trong đó một phần có mái che. Bên trong phần có mái che là chỗ tập kết những bao xút rắn loại 25kg/bao và bể pha dung tích 200m3.

Những bao xút này, tổng cộng khoảng 20 tấn, được chất ngay trên nền ximăng đọng nước mưa, dù trước đó thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường Lâm Đồng đã nghiêm cấm không được để nước mưa chảy tràn vào nơi chứa các hóa chất, nhất là nơi chứa xút.

Kết luận của thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường Lâm Đồng ngày 8-9 ghi nhận: một số vị trí trên thành bể gạch ốp bị sạt lở, một số vị trí thành và đáy bể bị ăn mòn tạo ra các khe hở; khu vực kho và bể pha xút không có biển cảnh báo nguy hiểm.

Trong báo cáo cung cấp cho phóng viên, BQLDA cho biết đã yêu cầu nhà thầu Chalieco khắc phục sự cố sạt lở gạch ốp bao xung quanh bể và trang bị biển báo nguy hiểm tại bể và kho xút theo yêu cầu của Sở Tài nguyên - môi trường.

Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, một số vị trí vẫn còn bong tróc, một số vị trí ở đáy bể còn loang lổ. Bên hàng rào quanh bể pha có treo ba tấm gỗ vuông nhỏ sơn đen, không có chữ nào cho thấy đây là biển cảnh báo. Nền ximăng ở một góc bể pha xút không có mái che và không có xây thành chắn xung quanh nên nước mưa tạt vào và chảy ngược ra bên ngoài.

Theo ông Duyên Anh, chính vị trí này trước đây các công nhân chất bao bì đựng xút và khi mưa đã làm xút tồn dư tan chảy cuốn ra bên ngoài theo đường thoát nước mưa.

Chỉ giám sát một tháng hai kỳ
Trả lời câu hỏi về hoạt động của tổ giám sát đặc biệt do Bộ Tài nguyên - môi trường chỉ đạo thành lập để giám sát quá trình xây dựng và vận hành nhà máy, ông Huỳnh Văn Chín, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Lâm Đồng, cho hay tổ chỉ hoạt động một tháng hai kỳ. Sự cố vừa rồi do Phòng tài nguyên - môi trường huyện Bảo Lâm phát hiện theo phản ảnh của người dân và doanh nghiệp địa phương. Sau đó Sở Tài nguyên - môi trường đã báo cáo UBND tỉnh và có thông tin lên Bộ Tài nguyên - môi trường.

“Đây là công việc của địa phương nên chỉ thông tin để bộ biết chứ không báo cáo chính thức cho bộ” - ông Chín nói. Cũng theo ông Chín, hiện cơ quan chức năng chưa tiến hành đánh giá ảnh hưởng của sự cố đối với khu vực dân cư bên ngoài, cũng như chưa thống kê thiệt hại mà người dân phản ảnh.

Cùng ngày, ông Bùi Cách Tuyến, thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường kiêm tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, xác nhận bộ có được Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Lâm Đồng thông tin về sự cố trên. “Ở tỉnh báo là có sự việc nhưng mức độ cũng không đáng kể, cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền” - ông Tuyến nói.

“Còn hoạt động của tổ giám sát của Bộ Tài nguyên - môi trường như thế nào? Sau sự cố này bộ có chỉ đạo gì về công tác giám sát?” - chúng tôi hỏi. Ông Bùi Cách Tuyến cho biết tổ giám sát của bộ vẫn hoạt động nhưng chủ yếu tập trung giám sát những phần việc lớn như xây dựng hồ bùn đỏ.

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo tổ giám sát, cơ quan chức năng địa phương và yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, tránh để xảy ra những sự cố tương tự” - ông Tuyến khẳng định.

Xin miễn giảm mức phạt hành chính
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 14-9, BQLDA cho biết kết quả đo chất lượng nước tại các cống xả ra môi trường, nước đã không còn đục, không có mùi và độ pH đã ổn định ở mức 6-7. BQLDA đã yêu cầu nhà thầu Chalieco tuyệt đối không được xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Ban cũng cam kết “không để tái diễn tình trạng vừa qua”.

Dù việc xử lý vi phạm hành chính đối với sự cố vừa qua còn đang được cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xem xét, nhưng trong báo cáo này BQLDA đã chủ động “kính đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét miễn giảm mức phạt hành chính đối với sự cố môi trường này”.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiến hành kiểm tra, xác định hành vi và mức độ sai phạm trong công tác bảo vệ môi trường tại dự án tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng. UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Ban quản lý dự án tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung tại kết luận thanh tra ngày 8-9 của Sở Tài nguyên - môi trường Lâm Đồng, giao Sở Tài nguyên - môi trường tiếp tục kiểm tra xác định hành vi và mức độ sai phạm trong công tác bảo vệ môi trường tại dự án tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng để xử lý theo quy định.

N.TRIỀU - T.NGUYÊN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [27] [28] [29] [30] [31] [32] [33] ... ›Trang sau »Trang cuối