Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [26] [27] [28] [29] [30] [31] [32] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Xâm hại rừng Cát Tiên không chỉ có thuỷ điện



SGTT.VN - Con đường liên xã từ xã Tiên Hoàng đến xã Đồng Nai Thượng thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng được các nhà bảo tồn thiên nhiên ví như “lưỡi gươm đâm thẳng tim rừng”.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=151851
Khi con đường liên xã Tiên Hoàng – Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên hình thành cũng đồng nghĩa vùng đông bắc vườn quốc gia sẽ bị chia cắt hoàn toàn và gỗ rừng bị đốn hạ nhiều hơn. Ảnh: TS Vũ Ngọc Long cung cấp



Đồng Nai Thượng trước đây là thôn 5, xã Tiên Hoàng với vài chục nóc nhà và nằm tách biệt (thôn giữa rừng già trực thuộc xã). Năm 2002, UBND huyện Cát Tiên mời ban quản lý vườn quốc gia Cát Tiên lên công bố thôn Đồng Nai Thượng trở thành một xã độc lập. Dự án xây đường liên xã tiến hành cách đây bốn năm. Các nhà bảo tồn thiên nhiên và ban quản lý vườn quốc gia Cát Tiên cật lực phản đối chuyện này nhưng bất thành. “Khi tách xã Đồng Nai Thượng thì UBND huyện Cát Tiên mời chúng tôi lên và đưa ra các văn bản mà Trung ương duyệt thì chúng tôi mới ngỡ ngàng. Họ trình lên một vấn đề liên quan đến rừng quốc gia mà không cần một lời tham khảo nào của ban quản lý rừng lẫn các nhà khoa học”, một cán bộ vườn quốc gia Cát Tiên bức xúc.

“Con đường liên xã này sẽ làm dày thêm những trang hồ sơ đau buồn vì các mất mát của vùng rừng nguyên sinh này…”, một thành viên ban giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên nhận định. Vị này cũng cho biết, do con đường đâm ngang rừng đặc dụng nên ban quản lý vườn quốc gia phải tách chốt kiểm lâm Tiên Hoàng thành Tiên Hoàng 1 và Tiên Hoàng 2 (sáu người/trạm nay còn ba người/trạm) cộng với trạm Bù Sa ở Đồng Nai Thượng để ngăn ngừa nguy cơ phá rừng nhưng do lực lượng mỏng đi nên chỉ “cố chừng nào hay chừng đó”. Theo người giữ rừng này, một nhóm các nhà khoa học nước ngoài đã không bao giờ trở lại Việt Nam nữa bởi dù họ có đưa ra bất cứ ý kiến nào, chính quyền cũng im lặng.

Theo các chuyên gia nước ngoài, con đường này chẳng khác nào “lưỡi gươm đâm thẳng tim rừng” và có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Một con đường, dù sao cũng có thể giúp lâm tặc nhanh chóng vào rừng săn thú, đốn gỗ và tẩu tán dễ dàng hơn so với việc băng rừng, vượt sông chảy xiết. Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, viện phó viện Sinh học nhiệt đới nhận xét: “Các nhà khoa học nước ngoài cảnh báo chính xác đấy. Những tiếng động lạ nằm ngoài tự nhiên nếu tác động lên thú rừng có thể làm chúng phải thay đổi tập tính sinh hoạt như kiếm ăn, nghỉ ngơi và thậm chí là gián đoạn hay chấm dứt cả quá trình sinh sản. Rừng lõi Cát Tiên sẽ bị đe doạ nghiêm trọng và con đường này cắt đứt toàn bộ phần đông bắc vườn quốc gia”.

Mặt khác, cũng theo các nhà khoa học, sự giao thương tiện lợi giữa các hộ dân người Châu Mạ ở xã Đồng Nai Thượng với các xã khác của Cát Tiên cũng có thể dẫn đến những cuộc di dân từ nhiều nơi khác đến đây, làm phá vỡ văn hoá bản địa. “Tôi nghiên cứu vùng này và thấy hiện tượng đổi rẫy điều trả xe máy, bán đất không cần công chứng mà nhận tiền rồi trao giấy tờ cho người mua... là không hiếm. Chưa có nghiên cứu sâu nào về các tác động xã hội đối với văn hoá bản địa ở đây nhưng nếu có, có lẽ những thiệt hại về văn hoá, tập quán, kinh tế xã hội bản địa chắc chắn bị tổn hại nghiêm trọng”, tiến sĩ Long nhận định.

Mai Quốc Ấn
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đánh giá tác động môi trường của các dự án chỉ là hình thức



SGTT.VN - “Báo cáo đánh giá tác động môi trường thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A là bản sao chép” tiếp tục gây bức xúc cho bạn đọc khi GS.TS Lê Huy Bá nói thẳng (trên báo Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày 18.7.2011) rằng có đến trên 90% báo cáo đánh giá tác động môi trường đều thuộc diện này bởi đơn giản không ai muốn nói ngược ý của người chi tiền. Điều này cho thấy việc đánh giá tác động môi trường của các dự án hiện nay chỉ là hình thức, thủ tục.

Ông Nguyễn Đình Xuân, giám đốc vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát tỉnh Tây Ninh, đại biểu Quốc hội khoá XI và XII cũng đồng tình với nhận định này khi trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 19.7.2011.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=147520
Nhiều người dân ở Lâm Đồng từng phải bỏ của chạy lấy người khi thuỷ điện Đồng Nai 3 tích nước. Ảnh: Quang Sáng



Thưa ông, bộ Tài nguyên và môi trường vừa trả lại hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A và cho rằng cần trình lên Quốc hội. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội khoá XII đã quy định, bất kỳ dự án nào chuyển đổi trên 50ha vườn quốc gia sang mục đích khác đều là dự án quan trọng quốc gia và thuộc quyền quyết định của Quốc hội. Nghị quyết 49 ra đời nhằm hạn chế tối đa việc phá rừng đặc dụng để chuyển sang mục đích khác. Trong hai khoá vừa qua, tôi thấy Quốc hội chỉ thông qua hai dự án thuỷ điện là Lai Châu và Sơn La.

Theo GS.TS Lê Huy Bá, trên 90% hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là bản sao chép và không thực chất. Chủ đầu tư lại là người thuê đơn vị tư vấn làm hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thì khó có thể nói ngược?

Việc xây dựng hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo ý chủ đầu tư là hoàn toàn có thật. Trước đây, tôi đã có chín năm làm công tác về môi trường và đã tham gia xét duyệt nhiều hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nên biết điều này. Một khi chủ đầu tư thuê người làm hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường có nghĩa họ đã chọn mặt gửi vàng và thường thuê những đơn vị có mối quan hệ tốt với cơ quan thẩm định để có thể nhờ vả được. Tuy nhiên, người xét duyệt lại không hề được tiếp cận với dự án mà chỉ tiếp cận qua báo cáo dự án và hầu như không đi hiện trường. Thêm nữa, tiền tổ chức xét duyệt dự án này cũng do chủ đầu tư chi nốt, cho nên hiện nay mới xuất hiện loại hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường mà người được thuê làm hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ viết những điều làm hài lòng nhà đầu tư và đưa ra rất nhiều hứa hẹn, thậm chí chủ đầu tư còn không biết.

Làm cách nào để hạn chế tình trạng này, thưa ông?

Theo tôi, về nguyên tắc, chủ đầu tư phải chi trả tiền cho hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng quyền mời người làm hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thì phải thuộc về một hội đồng tư vấn và luôn luôn phải mời hai cơ quan song song. Cụ thể là một cơ quan đánh giá và một cơ quan phản biện giám sát. Cả hai cơ quan này sẽ trình báo cáo cho hội đồng phản biện, như vậy sẽ khách quan hơn.

Các dự án đầu tư nước ngoài ở Việt Nam rất chú trọng đến cái khâu đánh giá, phản biện, tính toán. Để hội đồng đánh giá được tính khách quan của cơ quan tư vấn, họ phải mời phản biện. Chi phí cho người phản biện cũng phải tương xứng với chi phí cho người viết báo cáo hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nếu đơn vị làm tư vấn, đi hiện trường được trả nhiều tiền, còn đơn vị phản biện đọc báo cáo chỉ được mấy trăm nghìn như chúng ta đang làm hiện nay, tất kết quả sẽ méo mó.

Nhiều nhà khoa học cho rằng cần dừng hai dự án thuỷ điện này lại. Quan điểm của ông?

Theo tôi, không nhất thiết huỷ bỏ dự án này ngay, mà phải yêu cầu họ làm rõ những nguy cơ khi thi công dự án này. Nói chung, cần một báo cáo đánh giá khách quan về vấn đề này. Tương tự như dự án Xayaburi (trên sông Mekong), nếu chúng ta chưa đủ dữ liệu thì tốt nhất nên ngưng một thời gian. Nói rõ hơn, đối với hai dự án này cần chậm lại vài năm để có thời gian đánh giá kỹ hơn, xây dựng khung pháp lý chặt chẽ hơn nhằm phát huy những giá trị của thuỷ điện, đồng thời hạn chế tối đa những tiêu cực của nó.

Nếu hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A vẫn được triển khai, ông băn khoăn nhất điều gì?

Trước đây, nhiều nhà khoa học cho thuỷ điện là loại năng lượng sạch, nhưng giờ đây, thực tế đã chứng minh là thuỷ điện không vô hại như người ta tưởng. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, Chính phủ đã cho ngưng hoặc sửa đổi gần 100 dự án thuỷ điện trên cả nước do tác động bất lợi đến rừng và môi trường nói chung. Lý do là chúng ta đã mất quá nhiều rừng và đa dạng sinh học. Điều mà tôi băn khoăn nhất đối với hai dự án thuỷ điện này là nó sẽ tạo ra tiền lệ phá vườn quốc gia cho các mục đích khác nhau. Nếu rừng này bị phá thì rừng khác cũng có thể bị phá. Một khi rừng quốc gia có thể phá làm thuỷ điện được thì những dự án khác như khai khoáng, làm du lịch, sân gofl cũng có thể phá rừng được...

Một băn khoăn nữa là người dân nghĩ gì khi được tuyên truyền rừng quốc gia rất quý, không được phá, nhưng khi Nhà nước cần thì lại phá? Mặt khác, theo như chủ đầu tư hai dự án trên nói thì có những dự án lấy rất nhiều rừng so với dự án này, vậy những dự án đó thông qua các cơ quan chức năng bằng cách nào? Tôi rất quan ngại bởi nếu như thế thì có lẽ chúng ta phải kiểm tra lại các dự án trước đây về trình tự thủ tục cũng như tác động của nó đối với môi trường và rừng hiện có.

Đoàn Quý phỏng vấn
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhà thầu Trung Quốc phải trả 6 triệu USD

Chủ đầu tư dự án Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ (Hải Phòng) là Tập đoàn Hóa chất VN vừa đạt thỏa thuận yêu cầu nhà thầu Trung Quốc nộp các khoản tiền gần 6 triệu USD do thi công nhà máy không đảm bảo một số chỉ tiêu theo hợp đồng. Nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Xây dựng hóa chất quốc gia Trung Quốc.

Tổng giá trị xây dựng toàn bộ nhà máy theo hợp đồng ban đầu khoảng 172 triệu USD (chưa tính các phát sinh).

Trong báo cáo gửi Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải, Cục Hóa chất cho biết Nhà máy DAP Hải Phòng được khởi công từ 27-7-2003 nhưng cần đến sáu năm, tận 22-4-2009 mới hoàn thành, thuộc dạng chậm tiến độ so với yêu cầu. Đây là dự án lớn với yêu cầu sản xuất phân bón phức hợp chất lượng cao. Cục Hóa chất cho biết nhà máy đã được phân ra 19 gói thầu, trong đó có hai gói thầu lớn là gói thầu chính EPC do nhà thầu Tập đoàn Xây dựng hóa chất quốc gia Trung Quốc đảm nhiệm. Gói thầu thứ hai là tư vấn quản lý dự án do nhà thầu Hoàn Cầu cũng của Trung Quốc đảm nhiệm.

Nhà máy không đạt thiết kế ban đầu, công nghệ lạc hậu chậm tiến độ rất nhiều năm, ô nhiễm môi trường đến mức báo động và sản phẩm không đạt yêu cầu chất lượng, và đến nay chưa khắc phục được.

P.V.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đừng xem tiêu diệt động vật là trò chơi



TT - Ngày nay, game trên máy vi tính dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống. Thị trường game vì thế cũng trở nên đa dạng, phong phú, trong đó có không ít trò mang nội dung chống lại hoặc tiêu diệt các loài động vật hoang dã. Điều này đi ngược với xu hướng bảo vệ động vật mà cả thế giới đang rất quan tâm.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=514437
Game “Bắn chim”



Hầu hết game đánh đập, tiêu diệt động vật đều có cách chơi đơn giản, chủ yếu dùng các phím trên bàn phím để ghi điểm trực tiếp, nội dung cũng không phức tạp. Tuy nhiên, các game này lại đầy bạo lực đối với loài vật. Game “Bắn chim” (Bird shot) có nội dung như sau: bạn dùng ná hạ lũ chim sẻ để giành điểm số và bảo vệ đĩa bánh. Một game bắn chim khác lại mang ý nghĩa: “Đến mùa đi săn rồi.

Cùng vác súng ra đồng săn chim bạn nhé. Chắc chắn sẽ rất thú vị đấy”. Săn bắn chim có thể rất thú vị, nhưng đó là chuyện của hàng thế kỷ trước và đã không còn phù hợp trong thế giới hiện nay, khi nhiều loài chim đang biến mất nhanh chóng (như sếu đầu đỏ hay một số loài chim ruồi).

Tương tự, game “Mùa săn” (Hunting season) có nội dung: “Mùa săn lại đến. Hãy cố gắng săn thật nhiều động vật như bạn có thể”. Thiết nghĩ, sẽ hay hơn nhiều nếu bảo vệ thật nhiều động vật như bạn có thể.

Còn game “Quăng gậy ném sóc” (Squirrel hunter) thì lý giải: Mùa xuân đang đến, cây cối đơm hoa kết trái tạo ra rất nhiều thức ăn cho bạn. Lũ sóc háu ăn lại liên tục tìm cách nẫng tay trên. Nhiệm vụ của người chơi là phải đánh đuổi lũ thú hoang nhanh nhẹn này bằng những khúc gỗ trong tay mình.

Việc người chơi cần làm trong game là nhấn phím Space để quăng gậy vào trúng con sóc đang nhảy nhót trên một gốc cây đổ. Việc quăng gậy vào một chú sóc đang nhảy nhót tại sao lại xem như là một trò chơi? Lẽ ra trông thấy một chú sóc nhảy nhót chúng ta phải lấy làm mừng và hi vọng chú sóc ấy ngày nào cũng nhảy nhót như vậy mới đúng!

Với game “Đánh chim cánh cụt” thì đơn giản hơn, bạn sẽ được hả cơn giận bằng cách gõ vào đầu chú chim cánh cụt này. Dù giận dữ đến đâu cũng có rất nhiều cách giải tỏa, đâu cần phải gõ vào đầu một chú chim cánh cụt!

Đối với những em nhỏ chơi các game này sẽ ảnh hưởng xấu đến ý thức của các em. Ai có thể khẳng định game hoàn toàn không ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của người chơi? Cho nên thay vì quăng gậy ném sóc, hãy ném trái cây cho sóc; thay vì gõ vào đầu chú chim cánh cụt, hãy ghép những tảng băng đang ngày ngày tan chảy cho những chú chim cánh cụt có chỗ sinh sống.

Với khả năng của các nhà lập trình game, việc tạo ra những game có nội dung bảo vệ động vật tin rằng không khó. Vậy tại sao cứ phải chơi trò đối xử tàn nhẫn với động vật vô hại, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể chơi game một cách nhân văn hơn?

THÙY DUNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chung kết cuộc thi “Sáng tạo tiết kiệm năng lượng năm 2011”

Giải nhất cho ý tưởng biến dầu mỡ thành nhiên liệu sinh học



TTO - Ý tưởng "Nghiên cứu tái chế dầu mỡ trong nước thải nhà hàng khách sạn làm nhiên liệu sinh học" của Dương Thị Thanh Thủy (công ty cổ phần khách sạn Dầu khí PTSC) đã xuất sắc đoạt giải nhất (7 triệu đồng) cuộc thi Sáng tạo tiết kiệm năng lượng năm 2011.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=514783
Dương Thị Thanh Thủy (bìa phải) - công tác tại Công ty cổ phần khách sạn dầu khí PTSC - đoạt giải nhất cuộc thi với ý tưởng "Nghiên cứu tái chế dầu mỡ trong nước thải nhà hàng khách sạn làm nhiên liệu sinh học" - Ảnh: Thiên Hương



Vòng chung kết với 10 cá nhân - nhóm diễn ra vào chiều nay 19-8 tại Trung tâm Hội chợ & triển lãm Tân Bình (TBECC).

Nghiên cứu đoạt giải nhất của Dương Thị Thanh Thủy cho thấy triển vọng tái chế dầu mỡ từ các nhà hàng, khách sạn thành dầu biodiesel (có thể sử dụng cho các loại xe tải, xe buýt,…). Dây chuyền sản xuất này không những vừa giảm thiểu việc sử dụng năng lượng hóa thạch vừa không gây ô nhiễm môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế lớn.

Giải nhì thuộc về Lê Tấn Phúc (sinh viên ĐH Nông lâm TP.HCM) với sản phẩm "Máy ấp trứng tự động sử dụng năng lượng mặt trời". Được cấu tạo từ pin và máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, sản phẩm này được ban giám khảo đánh giá cao vì kết hợp giữa việc tự động hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp với sử dụng nguồn năng lượng tái tạo dồi dào của mặt trời, tạo ra hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Ban tổ chức còn trao hai giải ba cho sản phẩm "Xe điện scooter tiết kiệm năng lượng" của Phạm Ngọc Anh Tùng (sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM) và sản phẩm "Bộ thí nghiệm đa năng dùng HDL - 9000 trong đào tạo và thực nghiệm lập trình điều khiển phun xăng điện tử tiết kiệm nhiên liệu" của tiến sĩ Nguyễn Bá Hải - Trần Bá Trung (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM).

Đặc biệt, vòng chung kết cuộc thi còn ghi nhận ý tưởng của hai học sinh Hà Hiếu Nghĩa, Đinh Thị Kim Cương - các thí sinh nhỏ tuổi nhất vào vòng chung kết. Sản phẩm "Mô hình đèn tín hiệu giao thông sử dụng năng lượng mặt trời" của hai em thu hút sự nhiều sự chú ý.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=514796
Thí sinh Phạm Ngọc Anh Tùng - sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM và sản phẩm "Xe điện scooter tiết kiệm năng lượng" - Ảnh: Thiên Hương



Chia sẻ về ý tưởng này, Kim Cương và Hiếu Nghĩa cho biết: “Tình trạng mất điện xảy ra khá thường xuyên khiến các đèn tín hiệu giao thông bị ngưng trệ. Trong khi đó, năng lượng mặt trời lại là một nguồn năng lượng dồi dào mà không gây ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, chúng em mong muốn một ngày nào đó, ý tưởng này sẽ không còn là mô hình nữa mà sẽ có mặt trong đời sống”.

Cuộc thi Sáng tạo tiết kiệm năng lượng 2011 do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM tổ chức, dành cho các thanh thiếu nhi tại TP.HCM từ 6 đến dưới 30 tuổi. Sân chơi này thu hút trên 80 sản phẩm, mô hình, ý tưởng với thành phần dự thi đa dạng, từ học sinh lớp 2 đến sinh viên, công nhân viên, tiến sĩ,…

Phần lớn các ý tưởng chú trọng tính tính thực tế và đáp ứng nhu cầu sử dụng tiết kiệm năng lượng hiện nay.

TR.UYÊN - THIÊN HƯƠNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trung quốc: Chính quyền phải đóng cửa nhà máy vì dân biểu tình



TT - Chính quyền thành phố Đại Liên (Liêu Ninh) phải lập tức ra lệnh đóng cửa Nhà máy sản xuất paraxylene Phúc Giai và cam kết sẽ di dời nhà máy này ra khỏi Khu công nghiệp cảng Đại Liên dưới sức ép trực tiếp của người dân.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=514047
Khoảng 12.000 người đã biểu tình ở quảng trường Nhân Dân (Đại Liên)  - Ảnh: AFP



Cuộc biểu tình ngày 14-8 được xem là bản sao của cuộc biểu tình ở thành phố Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) bốn năm trước.

Phiên bản Hạ Môn
Năm ấy (2007), hàng chục ngàn người dân rầm rộ biểu tình đòi chính quyền thành phố phải di dời nhà máy sản xuất paraxylene do Đài Loan đầu tư, cuối cùng chính quyền thành phố phải cho di dời nhà máy ra khỏi khu trung tâm.

Bốn năm sau, số phận tương tự được lặp lại với Nhà máy paraxylene Phúc Giai. Giao thông và mọi hoạt động ở khu quảng trường Nhân Dân (Đại Liên) gần như bị tê liệt trong nhiều giờ liền khi có hơn 12.000 người đổ về tụ tập trước tòa nhà chính quyền để yêu cầu di dời nhà máy này khỏi khu dân cư của họ.

Nhật báo Đô Thị Phương Nam cho biết người dân sống gần nhà máy đã phải sơ tán do lo ngại hóa chất độc hại bị rò rỉ sau khi những cột sóng cao do bão Muifa đã xé nát bờ đê bảo vệ nhà máy tuần qua. Tức nước vỡ bờ, như Thời Báo Hoàn Cầu mô tả, người dân Đại Liên lo sợ thảm họa rò rỉ hóa chất xảy ra nếu như lại có bão hay lũ lụt, bởi nhà máy chỉ cách khu dân cư 20km.

Với dòng chữ “Hãy trả lại thành phố Đại Liên xinh đẹp cho chúng tôi”, dòng người đã đổ về quảng trường ngày một đông trong gần bảy giờ. “Phúc Giai hãy cút khỏi. Tôi muốn sống thêm vài năm nữa” - họ hô to.

Cảnh sát và an ninh đã có mặt nhưng không thể vãn hồi trật tự. Người biểu tình đã ném chai lọ và cố vượt qua vòng vây cảnh sát để tiến vào tòa nhà chính quyền. Chủ tịch thành phố Đại Liên Lý Vạn Tài và Bí thư thành ủy Đường Quân đã phải xuất hiện và cam kết sẽ di dời nhà máy, song không đưa ra thời gian chính xác. “Thời gian, thời gian, lúc nào cũng cần thời gian. Chính xác là khi nào hãy cho chúng tôi thời gian cụ thể, chúng tôi muốn sống sót, chúng tôi cần một môi trường trong lành” - một người biểu tình nói. Những người biểu tình chỉ chịu giải tán khi chính quyền buộc phải ra tuyên bố chính thức bằng văn bản về việc đóng cửa và di dời nhà máy. Trước lúc ra về, họ không quên: “Chúng tôi sẽ giám sát việc thực thi này”.

Cuộc biểu tình ở Đại Liên là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Trung Quốc để phản đối nạn gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn những người biểu tình cho biết họ không còn tin các báo cáo của chính phủ đưa ra.“Dù cho có xảy ra rò rỉ hay ô nhiễm thì chính quyền cũng sẽ chặn tin tức lan ra ngoài” - Cindy Tân, một người tham gia biểu tình, cho biết.

Bốn ngày trước đó, báo Đô Thị Phương Nam cho biết Nhà máy hóa chất Đàm Thành, tỉnh Sơn Đông, đã rò rỉ khí chlorine khiến 125 người ngộ độc cho đến nay vẫn còn nằm bệnh viện, phần lớn là công nhân nhà máy và cư dân sống gần đó. Ba tháng trước, Nhà máy sản xuất hóa chất Lục Lương đã đổ 5.222 tấn hóa chất chromium ở ba thị trấn của thành phố Khúc Tịnh (Vân Nam). Lượng hóa chất trên đã được đổ xuống những hồ nước nhỏ chảy ra sông Nam Bàn, một nhánh của sông Châu Giang từ tháng 4 đến tháng 6-2011. Đất và nguồn nước trong một số khu vực đã bị ô nhiễm trầm trọng, hàng loạt gia súc chết bất ngờ. Sự việc được người dân báo từ tháng 6-2011 song gần đây thông tin mới được chính thức công bố. Báo Đô Thị Phương Nam nhận định đây chính là những nguyên nhân khiến người dân Trung Quốc nổi điên vì môi trường sống của họ đang bị xâm hại nặng nề mà chính quyền gần như ít đoái hoài đến.

Xem nhẹ mạng sống người dân
Ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân chính gây nên bất ổn xã hội ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Theo một nghiên cứu của Trường đại học Nam Khai (Thiên Tân), năm 2009 ở Trung Quốc đã có 90.000 cuộc biểu tình các loại.

Người dân Đại Liên còn chưa hết phẫn nộ từ sau vụ tràn dầu hồi tháng 6-2010. Đường ống dẫn dầu vào kho chứa ở cảng Đại Liên đã phát nổ và dầu tràn lan rộng 50km2. Họ lại như ngồi trên lửa khi Nhà máy Phúc Giai chỉ cách hiện trường vụ tràn dầu không tới 200m rung rinh dưới cơn bão Muifa. Báo Kinh Tế Thế Kỷ 21 cho rằng hai sự kiện xảy ra liên tục chứng tỏ quy hoạch phát triển của thành phố này có vấn đề. “Rõ ràng chính quyền địa phương đã bỏ sót vấn đề an toàn khi lên kế hoạch xây dựng khu công nghiệp. Họ cũng không dự báo những nguy cơ tiềm ẩn quanh khu vực” - báo này viết.

Giáo sư Trúc Lập Gia, Học viện Hành chính quốc gia, kêu gọi chính quyền các địa phương ở Trung Quốc phải “suy nghĩ kỹ” trước khi ra quyết định kêu gọi đầu tư. “Bảo vệ môi trường và cuộc sống của nhân dân nên được tính đến trước khi tính đến tăng trưởng kinh tế. khi lên kế hoạch xây dựng nhà máy nào, nên hỏi ý kiến dân trước khi làm” - giáo sư Trúc nhấn mạnh.

Nhiều người dân Trung Quốc cho rằng giờ đây dù cho có đánh đổi mạng sống họ cũng đấu tranh để các nhà máy như Nhà máy sản xuất paraxylene Phúc Giai phải biến khỏi nơi sinh sống của họ. “Đó là làm cho thế hệ mai sau, làm cho con cái của chúng ta... Chính phủ phải biết rằng những đứa trẻ là hi vọng cuối cùng của cha mẹ chúng. Họ sẽ làm bất cứ điều gì để phản đối nếu con cái họ không được sống hạnh phúc và khỏe mạnh” - Trương Lập Tân đã viết trên blog của anh.

MỸ LOAN


Nhà máy hóa chất Phúc Giai chuyên sản xuất chất paraxylene, một chất hóa dầu gây ung thư được sử dụng trong sản xuất nhựa và dệt may. Hóa chất này có thể gây sưng tấy cổ họng, mắt và mũi, nếu thấm lâu ngày có thể dẫn đến tử vong. Nhà máy này đã đi vào hoạt động từ tháng 6-2009 nhưng không được Sở Bảo vệ môi trường Liêu Ninh cấp phép cho đến tháng 4-2010.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lại thêm bạo động vì môi trường ở Trung quốc



TT - Người dân Trung Quốc lại tiếp tục kéo nhau đi đấu tranh do bức xúc trước tình trạng các nhà máy xả thải gây ô nhiễm môi trường sống của cộng đồng, chỉ hai ngày sau vụ ở Đại Liên.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=514836
Hàng ngàn người dân đã bao vây cổng Nhà máy Long Sâm - Ảnh: Weipo



Ngày 16-8, hàng ngàn người dân xã Nam Lĩnh, huyện Liên Hoa, tỉnh Giang Tây đã bao vây Nhà máy Long Sâm Hoa Sen, để yêu cầu chính quyền đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm này. Hai ngày trước đó, hàng ngàn người dân ở thành phố Đại Liên, Liêu Ninh cũng đã bao vây nhà máy và kéo đến trụ sở chính quyền để yêu cầu đóng cửa và di dời Nhà máy sản xuất paraxylene Phúc Giai.

Đụng độ lớn
Ở Đại Liên, người dân đã buộc được chính quyền có văn bản cam kết di dời Nhà máy hóa chất Phúc Giai. Còn tại Nam Lĩnh, cảnh sát đã can thiệp và ít nhất 10 người dân đã bị bắt. Chính quyền tuyên bố không có ai bị thương. Bất bình trước tuyên bố này, người dân đã khênh những người bị thương đến một đường cao tốc nằm gần nhà máy để tiếp tục phản đối. Cảnh sát xuất hiện và đụng độ lại xảy ra.

“Khoảng 100 cảnh sát được điều đến vào buổi trưa và bắt đi 10 người, có bảy người đã bị thương trong cuộc đụng độ, trong đó có cả một bé trai 12 tuổi” - một nhân chứng giấu tên cho biết.

Từ một nhà máy năng lượng ban đầu theo giấy phép kinh doanh, Công ty Long Sâm dần dần bí mật chuyển thành một nhà máy luyện kim vào năm 2009. Từ đó nhà máy đã xả nước thải và khí gas làm chết cây cối và các loài thủy sinh sống ở khu vực xung quanh.

Năm 2010, nhiều trẻ em xã Nam Lĩnh đã đột ngột ngã bệnh mà không rõ nguyên do. Khi người nhà đưa các trẻ này đến Bệnh viện huyện Liên Hoa thì đa số đều không được tiếp nhận mà không có lý do cụ thể. Người dân buộc phải đưa con em lên tỉnh để chữa trị. Có hai trẻ đã tử vong nhưng các bác sĩ vẫn không tìm ra được nguyên nhân. Từ đó, người dân Nam Lĩnh hoài nghi Nhà máy luyện kim Long Sâm chính là thủ phạm gây ra thảm cảnh này.

Trước thái độ tảng lờ của chính quyền, thậm chí lại còn có phần nghiêng về phía Nhà máy Long Sâm, tháng 3-2011 người dân Nam Lĩnh đã kéo đến phong tỏa một cửa hàng và hệ thống đường ống mà nhà máy này sử dụng để thải nước bẩn ra môi trường. Người dân cũng nhiều lần khiếu nại lên chính quyền nhưng chỉ nhận được sự im lặng. “Giọt nước tràn ly, chúng tôi phải đấu tranh để tự bảo vệ mạng sống của mình và yêu cầu nhà máy này ngừng hoạt động” - một người dân xã Nam Lĩnh bức xúc.

Người dân mất niềm tin
Đại diện chính quyền huyện Liên Hoa là ông Hà Trí Bân cho biết chính quyền địa phương đã có “ý định” xử lý và dọn sạch những đường ống dẫn nước thải của nhà máy này, song “bị người dân ngăn chặn”. “Hoạt động của công ty đã ngưng trong nhiều tháng qua và chúng tôi sẽ không cho tái sản xuất cho đến khi chúng tôi chắc chắn nó không gây ô nhiễm môi trường” - ông Hà nói.

Song, cũng như người dân Đại Liên, dân xã Nam Lĩnh không còn tin vào những hứa hẹn này nữa.

“Công ty không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, không chỉ gây ô nhiễm bằng chất thải mà tiếng ồn phát ra từ công ty cũng làm chúng tôi mệt mỏi. Hai năm nay, người dân Nam Lĩnh có đêm nào được ngủ yên. Năm nay, cá trong hồ nuôi đều chết trắng, nguồn nước lúc nào cũng đục nhờ. Chúng tôi chuyển qua nuôi thỏ thì thỏ cũng chết do ăn phải cỏ nhiễm độc, còn trồng lúa thì đến mạ cũng không sống nổi” - ông Lâm, một cư dân xã Nam Lĩnh, cho biết.

Giang Tây cũng chính là nơi cách đây gần ba tháng (26-5-2011) đã xảy ra vụ đánh bom liên tiếp vào khu nhà hành chính của chính quyền Phúc Châu vì những bất mãn với cách hành xử của chính quyền địa phương.

MỸ LOAN


Vụ việc ở xã Nam Lĩnh chỉ là phần nổi của những bất ổn ở Trung Quốc do những bức xúc của người dân liên quan đến ô nhiễm môi trường, tình trạng bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo, quan liêu cửa quyền của quan chức địa phương đối với đời sống dân sinh và nạn tham nhũng. Tính từ tháng 6-2011 đến nay đã có gần 10 vụ bạo động quy tụ từ vài chục đến vài chục ngàn người.

Đại học Nam Khai (Thiên Tân) thống kê trong năm 2009, Trung Quốc có khoảng 90.000 cuộc bạo động lớn nhỏ do những mâu thuẫn giữa người dân và cơ quan công quyền, song một số chuyên gia cho rằng con số thực tế còn lớn hơn nhiều.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vodanhthi đã viết:

Đánh giá tác động môi trường của các dự án chỉ là hình thức

Hình Thức Hoá

Rất nhiều thứ đều chỉ là hình thức
Không tuân theo, không kiểm soát, thực thi.
Cứ nhắm mắt, nhắm mũi làm bằng được
Mặc kệ sau đất nước có ra gì!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thông điệp môi trường từ những bức ảnh



TT - Với slogan Đừng nghĩ, hãy hành động, chương trình Mỗi bức ảnh - một hành động đã phát đi thông điệp rõ ràng khi mong muốn mỗi bức ảnh chụp vì môi trường sẽ thay cho ngàn lời muốn nói!

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=515791




http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=515792
Các nghệ sĩ cùng thông điệp bảo vệ môi trường của mình - Ảnh: ban tổ chức cung cấp



Mỗi bức ảnh - một hành động là chương trình vì môi trường được tiếp nối sau Vì một Việt Nam xanh (Canon khởi xướng và thực hiện từ năm 2010). Năm nay, Mỗi bức ảnh - một hành động với tiêu chí giúp nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng đối với các hoạt động bảo vệ môi trường tại VN có sự góp sức của những người nổi tiếng (NSƯT Thành Lộc, diễn viên Trương Minh Quốc Thái, Hồng Ánh, người mẫu Hà Anh, ca sĩ Đức Tuấn, Khánh Linh, Tùng Dương, nhóm 365...) và các nhóm hoạt động về môi trường. Để khởi động chương trình này, những người nổi tiếng trong vai trò đại sứ của chương trình đã thực hiện những bức ảnh thể hiện mối quan tâm của chính họ đối với những vấn đề môi trường trong cuộc sống.

Bên cạnh sự xuất hiện của các đại sứ, chương trình Mỗi bức ảnh - một hành động còn có các hoạt động khuyến khích các bạn trẻ chia sẻ tiếng nói và cách nhìn của mình như cuộc thi nhiếp ảnh cùng tên (chủ đề phản ánh thực trạng môi trường, những góc nhìn mới đối với vấn đề môi trường và những thông điệp kêu gọi bảo vệ môi trường) đã được phát động vào đầu tháng 8.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=515793
Hồng Ánh và chiếc túi in hình cô với thông điệp: Giữ gìn môi trường âm thanh trong sạch cũng là bảo vệ sự yên tĩnh cho tâm hồn - Ảnh: ban tổ chức cung cấp



Các sản phẩm của chương trình như túi thân thiện môi trường (in hình những người nổi tiếng tình nguyện tham gia chương trình cùng thông điệp bảo vệ môi trường của họ), sách ảnh sẽ được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động truyền thông và hành động nhằm bảo vệ môi trường do các nhóm bạn trẻ thực hiện trên cả nước thông qua tổ chức Sống và học tập vì cộng đồng và môi trường (Live & Learn).

Đại diện Live & Learn cho biết những chiếc túi vải được thiết kế đẹp mắt, tiện lợi, thời trang dễ gây được sự chú ý. Bản thân chiếc túi vải cũng đã là một thông điệp nhỏ về vấn đề tiêu dùng bền vững, hạn chế sử dụng túi nilông. Hiện nay túi đang được bán tại một số cửa hàng ở Hà Nội, TP.HCM...

Tất cả cửa hàng đều tự nguyện tham gia và không lấy chi phí bán hàng. Sau khi bán túi gây quỹ, Live & Learn sẽ tìm kiếm các dự án có ý nghĩa và sử dụng quỹ để tài trợ cho các chương trình cụ thể do các bạn và các nhóm hoạt động môi trường đề xuất nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Live & Learn là một tổ chức điều hành mạng lưới http://thehexanh.net bao gồm 77 nhóm hoạt động thanh niên/câu lạc bộ hoạt động tích cực vì môi trường tại 22 tỉnh thành trong cả nước, đồng thời là đầu mối tổ chức nhiều chương trình lớn như Giờ Trái đất, chiến dịch 26 độ...

* Một số thông điệp của những người nổi tiếng: Đừng để tương lai của chúng ta bị bao bọc bởi túi nilông (nhóm nhạc 365), Bảo vệ môi trường từ những việc rất nhỏ như tắt điện khi đi ra khỏi phòng (ca sĩ Đức Tuấn), Yêu thương và bảo vệ rừng như chính con người bạn (người mẫu Hà Anh), Giữ gìn môi trường âm thanh trong sạch cũng là bảo vệ sự yên tĩnh cho tâm hồn (diễn viên Hồng Ánh), Bật điều hòa quá lạnh không chỉ hại cho sức khỏe của bạn mà còn hại cho sức khỏe của Trái đất nữa (diễn viên Trương Minh Quốc Thái), Tôi không phải là ma cà rồng, tôi là Thành Lộc. Mắt tôi đỏ là vì khói bụi (nghệ sĩ Thành Lộc), Phá rừng là tự hủy hoại cuộc sống của chúng ta (ca sĩ Tùng Dương)...

CÁT KHUÊ


* Cuộc thi Mỗi bức ảnh - Một hành động: Dành cho những người đam mê và muốn thể hiện khả năng nhiếp ảnh, có góc nhìn độc đáo, mới lạ đối với các vấn đề môi trường, muốn góp phần bảo vệ môi trường. Gửi album ảnh tham gia dự thi trực tiếp lên website http://hayhanhdong.canon.com.vn hoặc gửi đến Facebook Fanpage Mỗi bức ảnh - một hành động của chương trình. Dự kiến ngày 30-11 sẽ công bố kết quả chính thức.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Dùng sinh học “mở cửa” cho nông sản

LTS. Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà đã bước vào thị trường thế giới. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu đó, tiêu chí xanh – sạch được đặt ra như tiêu chuẩn bắt buộc cho những thương vụ làm ăn. Muốn vậy, ngoài sự hanh thông về chính sách quản lý, còn cần có sự phát triển xứng tầm của đầu tư ứng dụng sinh học trong nông nghiệp. Người nông dân phải được tiếp cận những loại giống tốt nhất, cách nuôi trồng thích hợp cũng như khâu bảo quản, chế biến hiện đại… Và có những nhà khoa học đang thao thức nghiên cứu cho nền nông nghiệp sinh học tiên tiến ấy. Từ số này, Sài Gòn Tiếp Thị khởi đăng loạt bài về những nhà nghiên cứu dùng khoa học để “mở cửa” cho nông sản miệt vườn ra với thế giới.

Bài 1: Diệt sâu bệnh bằng… côn trùng



Từ sự phát hiện và dụng công của các nhà khoa học, những sinh vật rất đỗi bình thường như ong, bọ rùa, bọ xít, thậm chí cả chuồn chuồn, ruồi bắt mồi… đã góp phần tiêu diệt một số lượng lớn các loài sâu hại trong nông nghiệp.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=152116
Một loài thiên địch của côn trùng gây hại cho cây trồng. Ảnh: Thanh Tuyền



Dùng độc trị độc
“Đừng bao giờ coi thường bất cứ một loài sinh vật nào, các loài sinh ra đều có lý do tồn tại và có mối quan hệ lẫn nhau trong môi trường sinh học của nó”, PGS.TS Khuất Đăng Long, trưởng phòng sinh thái côn trùng viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, mở đầu câu chuyện. Là chuyên gia nghiên cứu côn trùng hơn 30 năm, ông Long còn được biết đến với những công trình liên quan đến việc sử dụng các loài thiên địch như ong ký sinh, cánh cứng và nhện bắt mồi... để diệt trừ sâu hại. Ông Long cho hay, thiên địch trừ sâu hại được chia làm hai nhóm: nhóm bắt mồi và nhóm ký sinh. Trong đó, nhóm bắt mồi phải kể đến ruồi, bọ cánh cứng, bọ rùa, bọ xít, nhện bắt mồi. Nhóm ký sinh gặp ở các pha trứng, sâu non, nhộng và thậm chí cả trưởng thành của các loài sâu hại.

Việc sử dụng côn trùng diệt sâu là một trong những cách giúp nông dân không tiêu tốn tiền mua thuốc trừ sâu hoá học, không lo lắng về sự kháng thuốc của sâu hại, không sợ ảnh hưởng tới sức khoẻ chính mình: “Việc dùng thiên địch còn giúp bảo tồn loài, không làm mất đi các nguồn gen bản xứ quý, đa dạng sinh học vẫn được bảo tồn nguyên vị, thậm chí những vụ cây trồng kế tiếp cũng không cần phải lo phun thuốc hoá học”, ông Long khẳng định.

Lấy tuyến trùng diệt sâu trong đất
Tìm tuyến trùng có ích và sử dụng những sinh vật này để diệt sâu hại trong nông nghiệp, là hướng đi mới của viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật. Đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu vấn đề phòng trừ bằng phương pháp sinh học này. PGS.TS Nguyễn Ngọc Châu, trưởng phòng tuyến trùng, cho biết tuyến trùng (nematodes) thuộc nhóm động vật không xương sống, đa bào, có kích thước mắt thường không thể nhìn thấy. Và trong số hàng ngàn loài tuyến trùng ký sinh ở côn trùng tại Việt Nam có nhóm Entomopathogenic nematodes (EPN) có khả năng vừa ký sinh vừa gây bệnh cho côn trùng.

Theo ông Châu, hiện nay đã có khoảng 70 chủng tuyến trùng có tác dụng phòng trừ sinh học và không độc hại với con người, trong đó có mười chủng tốt. Đã có sáu chế phẩm được sản xuất sử dụng sáu chủng tuyến trùng bản địa. Lợi thế của chế phẩm sinh học từ tuyến trùng rất thích hợp cho việc diệt sâu hại sống trong đất, điều mà các thuốc trừ sâu hoá học phải “bó tay”. Kết quả thử nghiệm cho thấy những chế phẩm này có thể diệt được gần 30 loài sâu hại khác nhau.

Ở nước ngoài, các sản phẩm từ tuyến trùng được sử dụng nhiều trong các nhà kính, cho cây cảnh trong nhà vì nó đạt yêu cầu cao về môi trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam giá của các chế phẩm sinh học này hiện còn cao: khoảng 1 triệu đồng/ha so với 750.000 đồng/ha nếu sử dụng thuốc hoá học.

“Vũ khí” kiến vàng
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long từ xưa đã biết nuôi và sử dụng kiến vàng trong vườn nhằm giúp trái cây ngọt, không bị chai, có nhiều nước hơn bởi họ biết kiến có thể xua côn trùng phá hoại. Tuy nhiên, gần đây, trong quá trình thâm canh tăng năng suất, việc sử dụng nhiều loại thuốc trừ dịch hại đã vô tình loại bỏ loài thiên địch này. Nhằm đưa con kiến vàng trở lại những vườn cây, giúp nông dân phát triển cây có múi (cam, quýt, bưởi), GS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc và các đồng nghiệp ở đại học Cần Thơ trong nhiều năm đã nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi nhân và sử dụng loài côn trùng này.

Bà Cúc phân tích, sự xuất hiện của kiến vàng sẽ khiến bọ xít – loại côn trùng thường làm rụng trái – khó có mặt. Kiến vàng còn giúp hạn chế nhiều loài sâu ăn lá, đặc biệt là hạn chế được sự bùng phát và gây hại của rầy chổng cánh truyền bệnh vàng lá trên các cây có múi, một loại bệnh đang gây hại rất trầm trọng trên cây có múi. Phân của kiến vàng còn là một loại phân hữu cơ tự nhiên rất quý, giúp cây phát triển tốt và trái có chất lượng cao hơn.

Nhưng để dân tin và nuôi kiến thì đâu phải dễ. Bà Cúc nhớ lại, phải cần nhiều chuyến công tác dài ngày để xây dựng các điểm trình diễn cho bà con tham quan, giúp họ hiểu về vai trò của kiến, thuyết phục họ nuôi và hướng dẫn cách nuôi kiến. Và trong thời gian ấy, hàng tá trăn trở của người dân gửi đến GS Cúc xoay quanh con kiến bé xíu. Bà bật mí: “Không nên phun thuốc trừ sâu hoá học. Muốn đưa một quần thể kiến vàng mới vào thì vườn phải sạch, khi đưa thì tuỳ khoảng cách, nếu gần chỉ cần cột dây nhử thức ăn từ vườn này sang vườn kia, nếu xa thì phải mang tổ từ nơi khác về”. Theo bà Châu, việc này nên thực hiện vào mùa mưa, là lúc có sự hiện diện của nhiều kiến chúa. Kiến vàng thường định cư trên các cây có lá phát triển tốt, đặc biệt là vào giai đoạn cây ra lá non như cam, quýt, bưởi, mận, xoài, mãng cầu, bình bát, cóc… Nếu áp dụng được các kỹ thuật trên, cộng với việc chỉ phun thuốc trừ sâu sinh học vào chiều mát khi kiến đã về tổ thì các nhà vườn có thể yên tâm với vườn cây ăn trái.

Hiện phương pháp dùng kiến vàng xua sâu hại trên cây có múi đã được ứng dụng tại nhiều địa phương đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long…

Thanh Tuyền – Trung Dũng

(Đón xem Bài 2: Thay đổi quan niệm về thuốc trừ sâu)


Công trình nghiên cứu về tuyến trùng đã nhận được sự hợp tác của các nhà khoa học Bỉ và CHLB Đức. Việc hợp tác với Bỉ đã giúp phát hiện năm loài tuyến trùng mới cho khoa học. Một số loài ong ký sinh (ong mắt đỏ) và côn trùng bắt mồi (cánh cứng và bọ xít ăn sâu), đã được các nhà khoa học nhân nuôi với quy mô có thể trừ sâu hại cây trồng trong nhà lưới hoặc triển khai với quy mô nhỏ tại một số vùng chuyên canh cây mía, đay, bông của Việt Nam.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [26] [27] [28] [29] [30] [31] [32] ... ›Trang sau »Trang cuối