Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [23] [24] [25] [26] [27] [28] [29] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Viết lách ở Việt Nam



Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí với hơn 1.000 ấn phẩm các loại, nhưng tự do báo chí đúng nghĩa vẫn còn là ước mơ đối với nhiều người làm báo tại Việt Nam.

Tự do theo lĩnh vực

Ở Việt Nam không phải báo chí không tự do. Báo chí tại đất nước này đang giống như một trái bong bóng được thổi căng rồi bóp lại. Phần phì ra của quả bóng giống như báo chí lá cải, khai thác các khía cạnh của đời sống như: tình dục, ma quỷ, tôn giáo, bí ẩn… nở rộ. Đây là điều cấm kỵ đối với văn hóa xã hội chủ nghĩa trước đây. Còn phần về chính trị, xã hội đang bị bóp nghẹt lại. Nhạc sĩ Tuấn Khanh, đã có nhiều năm làm báo chuyên nghiệp, hiện đang là một người viết báo tự do, viết blog, sắc sảo nhận xét.

Một phóng viên đang làm việc tại báo Thanh Niên cho biết với lĩnh vực giáo dục, khoa học không có gì cấm kỵ. Bất kể cơ quan, cá nhân nào khi phát hiện có sai phạm đều viết được. Anh chỉ không viết khi không có đủ chứng cứ.

Với lĩnh vực chính trị, xã hội… một phóng viên S (*) đang làm việc cho tờ nhật báo của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nói: Không phải cái nào cũng viết như những gì mình nắm được. Luôn phải ngó trước, ngó sau, vừa an toàn cho mình và cũng đúng chủ trương.

Ở khía cạnh người viết blog, nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ ông đã nhiều lần bị an ninh gọi lên vì viết blog. Các trang blog của ông bị yêu cầu phải đóng cửa. Họ kiểm duyệt từng bài, mỗi một bài là một thư mời. Điều này không chỉ xảy ra với riêng ông mà nhiều người viết lách khác cũng gặp khó khăn như vậy.

Một năm trước, nhà thơ Bùi Chát, người chủ trương tự do in ấn tác phẩm của mình với “Nhà xuất bản Giấy Vụn” đã được Hiệp hội Các nhà xuất bản Quốc tế IPA trao giải thưởng Xuất bản Tự do. Tuy nhiên, sau khi nhận giải từ thành phố Buenos Aires (Argentina) trở về, ông đã bị tịch thu giải thưởng và bản thân cũng bị tạm giữ vài ngày.

“Trong xã hội Việt Nam không có tự do báo chí, chỉ có những con người tự do suy nghĩ viết báo. May mà có Internet để họ thổ lộ tâm sự, ở dưới bề mặt rộn rịp của xã hội có cái gì đó đang diễn ra”, nhạc sĩ Tuấn Khanh nói.

Sinh công cụ kiểm duyệt
“Các tòa soạn báo ở Việt Nam đều hoạt động theo luật báo chí nhưng cơ quan quản lý lại không làm như vậy”, nhà báo T (*) xin không nêu tên đang làm việc cho một tờ báo “S” có tiếng tăm tại TP.HCM nói.

Còn nhạc sĩ Tuấn Khanh lại cho rằng những người kiểm soát báo lỡ theo hiến pháp không kiểm soát báo chí trước khi xuất bản, nên họ buộc lòng sản sinh ra hệ thống khác là ban tư tưởng văn hóa để kiểm soát.

Nhà báo T cho biết bây giờ cơ quan quản lý không cần kiểm duyệt bằng văn bản, mà thay vào đó là lệnh miệng. Năm trước (2011), họ yêu cầu ban biên tập không nên đăng, dừng lại một vấn đề, tuyến bài nào đó chỉ bằng một cú điện thoại, hoặc tin nhắn. Năm nay lại thêm cách yêu cầu đăng như thế nào, bài hay tin, trang mấy. Do đó, không có gì lạ nếu sáng ra mở báo thấy các tờ báo đều có tin giống nhau về một vấn đề rất có tính báo chí.

“Do vậy, bản lĩnh hiện nay của một tờ báo phụ thuộc rất lớn vào chóp bu lãnh đạo của tờ báo đó. Vì thế, vẫn có những tờ báo đăng bài ngoại lệ, tuy nhiên thường sau đó bị yêu cầu sửa chữa hoặc “rút” xuống”, nhà báo T nói.

Cũng theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, báo chí còn có những điều cấm kỵ rất mơ hồ. Chẳng hạn khi viết về Trịnh Công Sơn thì tốt nhất phải ít hoặc không nói đến Khánh Ly, mà thay vào đó nên nói đến Hồng Nhung.

“Quản lý báo chí như hàng rào giam lỏng những người viết lách. Lâu rồi mỗi người sống trong cơ chế này tự dựng nên hàng rào kiểm duyệt cho chính mình. Nếu có thay đổi, phải cần thời gian 5 năm mới nhìn thấy sự tích cực của báo chí”, nhạc sĩ Tuấn Khanh không mấy lạc quan.

Vai trò nhà báo
“So với những người làm báo ở các nước có nền tự do báo chí thật sự thì nghiệp vụ của nhiều phóng viên ở Việt Nam không hẳn đã kém. Bị hạn chế trong tiếp cận thông tin, phương tiện hỗ trợ, xử lý thông tin, viết bài… họ vẫn có được những bài viết sắc sảo, nói được cái mình muốn nói”. Một nhà báo H (*) công tác tại báo Tuổi trẻ vừa rời tờ báo này so sánh.

Anh H chỉ ra hàng loạt những vụ tham nhũng đã được báo chí phanh phui như PMU18, cho thuê đất trồng rừng, Vinashin... Vụ đất đai tại Tiên Lãng (Hải Phòng) vừa qua nếu không có báo chí “lề phải, lề trái” sát vai, phần đúng đã luôn thuộc về chính quyền. Gần hơn nữa, như cách vận chuyển, cung cấp xăng dầu nếu không có báo Thanh Niên bắt tay điều tra làm rõ một phần thì cơ quan chức năng đã không sớm vào cuộc.

Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận: để có giải Pulitzers vẫn còn là một cái gì đó rất xa vời với người làm báo tại Việt Nam.

ANH KIỆT (Radio Australia)

(*) Những người được phỏng vấn đang công tác tại các tờ báo khi được phỏng vấn đã yêu cầu không được nêu tên. Do vậy, người viết đã tôn trọng người được phỏng vấn và sử dụng cách viết tắt và trình bày như thế này.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vodanhthi đã viết:

Viết lách ở Việt Nam


Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí với hơn 1.000 ấn phẩm các loại, nhưng tự do báo chí đúng nghĩa vẫn còn là ước mơ đối với nhiều người làm báo tại Việt Nam.

“Trong xã hội Việt Nam không có tự do báo chí, chỉ có những con người tự do suy nghĩ viết báo. May mà có Internet để họ thổ lộ tâm sự, ở dưới bề mặt rộn rịp của xã hội có cái gì đó đang diễn ra”, nhạc sĩ Tuấn Khanh nói.
Suy cho cùng, tất cả những gì ngăn cản tự do sáng tạo thì đều xuất phát từ ngu xuẩn và dẫn đến ngu xuẩn.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sát sanh trong tư tưởng

(trích đoạn)



http://www.thuvienhoasen.org/images/upload/thitgachay.jpg
Thực phẩm chay ngày nay...



Trong công nghệ ăn chay ngày nay, có thể nói rằng Đài Loan là một trong những xứ sở tiên phong tạo ra khuynh hướng ngã hóa đối tượng của việc ăn chay. Lúc đầu, công nghệ thực phẩm chay giả mặn được hình thành với một thiện ý. Thay vì để thực khách ăn thịt những con vật thật  thì họ tạo ra những món chay giả các loại thịt cá bằng tàu hủ, mì căn để cho người ăn bớt đi nghiệp sát. Khẩu vị tiếp xúc thì giống nhau nhưng nghiệp sát mạng sống thật thì không có. Thiện chí đó có ý nghĩa dẫn dụ người chưa quen ăn chay.

Về  lâu dài,  thực phẩm chay được  sản xuất theo công nghệ  dây chuyền và trở nên phổ biến khắp thế giới. Dĩ nhiên tác dụng  lúc đầu của nó không còn nữa. Hiện nay thực phẩm chay giả mặn  được sản xuất với hình thù và mùi vị y hệt như thịt cá thật. Nếu  có dịp  thưởng  thức nước mắm chay  thì quý vị  sẽ cảm nhận  được hương  vị  của nước mắm  cá  thu  không  khác  chút nào.  Tương tự mắm ruốc chay hay các loại cá chay, đùi gà chay, tôm  sú,  tôm  càng  chay  v.v...  không  còn hương  vị  chay  tịnh nữa,  tanh  hôi  vô  cùng. Ăn  những  thực  phẩm  đó  nếu  không  biết  trước là đồ chay giả mặn thì không thể phân biệt được giữa thật và giả. Vô tình ta đang ngã hóa đối tượng các con cá, gà thành  các hình thù thực phẩm chay. Trong hành động ăn chay đó, ta  vẫn đang tiếp tục gieo trồng các hạt giống của sát hại bằng tâm  nghĩa  là sát sanh trong tư tưởng, do đó nghiệp sát trong tâm  cũng khó có thể hóa giải.

Cần loại trừ thói quen tiêu thụ các thực phẩm chay giả mặn. Về phương diện y học, các thực phẩm đó không có dưỡng chất và chứa nhiều độc tố. Hạt giống của tâm sát hại vô tình vẫn được tồn tại dưới dạng tùy miên, tức là ngủ ngầm trong tạng thức con người. Lúc ăn những đồ chay giả mặn, hạt giống sát hại thầm lặng được xúc tác, tưới tẩm và nuôi lớn. Ăn loại thực phẩm chay giả mặn chẳng khác nào ăn những động vật thật, dưới góc độ tâm tưởng. Để xóa bỏ được lòng thù hận ta phải dẹp bỏ tiến trình ngã hóa đối tượng.

Trích từ sách: KHÔNG CÓ KẺ THÙ, Thích Nhật Từ - Chương 3 - Nhà Sách Thời Đại
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nỗi lòng cư xá... (*)



SGTT.VN - Xưa, có một người đàn ông đã nói với con mình rằng: “Nếu về Sài Gòn mà được ở cư xá là coi như cuộc sống văn hoá của gia đình sẽ có được cái nếp thị dân đáng hãnh diện”.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=172939
Bình yên một góc cư xá Lữ Gia. Ảnh: TL



Vì sao cuộc sống ở cư xá lại quyến rũ người ta đến vậy? Những con đường nội bộ thông thoáng, hoa giấy rực rỡ cùng đủ loại sắc màu dây leo, những căn nhà lúc nào cũng có dáng thanh lịch, hàng hiên từng nhà đầy bóng cây xanh che mát cho ghế xích đu, ghế đá. Buổi sáng chim hót vang lừng, buổi trưa khẽ khàng tiếng mận, tiếng ổi rụng, đêm ngọt ngào mùi hương lài, hương ngọc lan. Trong mắt nhiều người nhập cư, toàn bộ không gian cư xá Sài Gòn xưa chính là điểm tiếp liên giữa khung cảnh miền quê và khung cảnh thị tứ. Không gian cư xá Sài Gòn kéo người ta về phía trước nhưng không tách người ta rời gốc cội quê nhà.

Những lúc đời sống gặp bế tắc và cả khi đời sống có tín hiệu vui, nhiều người thường dạo quanh những khu cư xá Lữ Gia, Đô Thành, Bắc Hải, Lê Đại Hành, Chu Mạnh Trinh, Phú Lâm... Mỗi lần vào một khu cư xá nào đó, cảm giác trước tiên người ta có được là thoát khỏi những bức tường cao ốc, biệt thự, thoát khỏi những ngoằn ngoèo hẻm nhỏ, thoát khỏi cái vẻ luộm thuộm của đời sống chung cư.

Phòng khách của nhiều căn nhà cư xá cũ vẫn còn trang trọng cái tủ thờ, những bức tranh thờ tráng thuỷ, những khung ảnh gia đình, bộ ghế salon gỗ, tủ ly... Khách bước vào nhà lúc nào cũng được người nhà ra chào và mời nước, khi cái quạt trần quay nhè nhẹ xua bớt cái nóng đô thị nhiệt đới thì chủ nhà sẽ hỏi thăm cảm giác của khách khi đến nhà chơi. Sau đó là những câu chuyện về thời tiết, việc làm, giải trí. Người cư xá tiếp khách dù thân hay sơ cũng không bao giờ khoe của, khoe địa vị, điều họ khoe duy nhất là chuyện học hành tiến bộ của con cháu hoặc cây kiểng trong nhà. Cung cách rước chuyện khách của người cư xá không khách sáo, không lơ là mà chừng mực, tử tế, biết lắng nghe và luôn cám ơn, đó là những phẩm chất được giữ gìn cẩn trọng.

Thầy chúng tôi có lần nói: “Nền nếp lối sống văn minh của cư dân đô thị được thăng hoa và duy trì đều trông cậy vào tầng lớp trung lưu. Và không ở đâu giới trí thức trung lưu quần cư trọn vẹn bằng cư xá”. Với một người đến từ miền quê cần định hình nếp sống chuẩn mực thị dân thì lời thầy như một chuẩn để noi theo. Không ai đến đô thị này để chinh phục cả, động lực trước tiên là tìm kiếm một đời sống tốt hơn và tấm gương sống văn minh của người cư xá Sài Gòn là hình mẫu. Buổi sáng những bà mẹ, người chị quét sân và quét luôn cả đoạn đường trước cửa nhà, chuyện dắt chó đi vệ sinh cũng tự hốt, con nít phá cây làm ồn sẽ nhận được lời khuyên răn, không ai mắng chửi, tiếng ồn từ sinh hoạt mỗi nhà hạn chế tối đa, người sắm được xe hơi cũng cố sao cho đừng lố bịch, đám ma, đám cưới cũng chừng mực đúng lễ không rình rang... Nhịp sống hàng ngày của người cư xá là tôn trọng cộng đồng và phẩm chất ấy trở thành một tấm gương.

Tất nhiên bây giờ cái nền nếp sống văn minh của người cư xá Sài Gòn cũng có những thay đổi. Vài ông chủ nào đó không ngần ngại mua mấy căn cư xá một lúc để cất lên một biệt thự kệch cỡm, loè loẹt. Quán karaoke, quán nhậu, cà phê nhạc cứ cắn phá không gian, không một lời xin phép. Xe hơi hàng xóm cứ đậu choán cửa nhà hàng xóm, tiếng xe gắn máy, tiếng các dàn nghe nhạc gia đình cứ tra tấn ầm ĩ...

Đã đến lúc đặt ra vấn đề nếu phá huỷ không gian sống văn minh của các cư xá Sài Gòn thì người đô thị này sẽ còn lại gì? Từ tư thế của một người nhập cư Sài Gòn cũ, tôi sẽ hỏi những người đến sau rằng: từ nông thôn, tỉnh lẻ anh đến Sài Gòn mướn nhà trọ, rồi anh sẽ định cư ở chung cư, vậy thì anh mang nền nếp sống gì đến với các khu chung cư? Ngay cả khi anh may mắn trở thành đại gia, vậy thì anh mang nếp sống gì đến với khu nhà biệt thự? Chẳng lẽ anh cứ theo mãi nếp sống thôn quê, tỉnh lẻ với những thói quen không còn phù hợp và thường khi vô tình phá hỏng nền nếp của cộng đồng văn minh thị dân?

Trong tất cả những cái mất đi của một đô thị lớn đang chuyển mình vươn tới tương lai như TP.HCM – Sài Gòn xưa, cái đáng sợ nhất là đánh mất văn minh và văn hoá của người cư xá, một thời là tấm gương sáng của đô thị này.

Trần Tiến Dũng

(*) Một câu trong ca từ bài "Trả lại em yêu" của Phạm Duy
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Phát ngôn gây sốc của "quan" Hưng Yên

Bài đăng trên Người Lao Động Thứ Năm, 10/05/2012 15:09

“Dù hai người đó không phải nhà báo thì cũng là những công dân, họ không có hành động chống đối và không có hung khí gì. Hành động như vậy là không thể chấp nhận”, “Nếu không phải là nhà báo thì là dân thì có quyền đánh sao? Cho dù đó là ai, lực lượng cưỡng chế cũng không được phép hành xử như vậy”, “Phát ngôn như vậy là ẩu tả, vô trách nhiệm”…

Hàng trăm độc giả đã có ý kiến phản hồi đầy bức xúc sau khi ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, đồng thời là Người phát ngôn của UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí vào ngày 9-5: “Chưa có bằng chứng hay nhân chứng khẳng định 2 nhà báo VOV chính là 2 người bị đánh trong clip đang phát tán trên mạng”.

Được quyền đánh tất?

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo sáng 2-5, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo Thủ tướng vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở huyện Văn Giang. Theo đó, ngày 22-4, “dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh và sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công an, các lực lượng hỗ trợ thi công và cưỡng chế của huyện Văn Giang đã thực hiện tốt các phương án đề ra, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Sau cưỡng chế, tình hình nhân dân 3 xã ổn định”. Ngoài ra, ông Hào cũng báo cáo trước hội nghị rằng có sự việc trên mạng Internet lan truyền một clip về cảnh 2 thanh niên mặc áo sơ mi, đội mũ bảo hiểm bị những người mặc thường phục đeo băng đỏ và cả sắc phục công an đánh, tuy nhiên đó là clip giả, dàn dựng nhằm “vu khống, bôi nhọ” chính quyền.

Tuy nhiên hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long (Đài Tiếng nói VN- VOV) lại xác nhận chính là người bị đánh trong clip và “clip đó phản ánh đúng những gì xảy ra với chúng tôi vào sáng 24-4 tại xã Xuân Quan. Không có sự dàn dựng hay giả tạo nào trong đó cả”.

Ngay sau đó, ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh lại nói: “Chưa có bằng chứng hay nhân chứng khẳng định 2 nhà báo VOV chính là 2 người bị đánh trong clip đang phát tán trên mạng vì hình ảnh quay quá xa và mờ không thể nhìn rõ mặt người bị đánh và người đánh”.

Phát ngôn của hai vị lãnh đạo này ngay lập tức nhận phải sự phản ứng của người dân, trong đó có độc giả báo Người lao động. “Lẽ nào nếu không phải là nhà báo thì được quyền đánh tất?”, “Cách nói của ông Thanh nói lên 2 điều: một là thiếu trách nhiệm, hai là coi thường thông tin đại chúng. Không hiểu lúc nào đất nước ta xóa hết kiểu cách này?”, “Lòng tự trọng của họ không còn nữa, họ chỉ cố cãi cối cãi chày cho qua chuyện. Tôi thấy các quan chức ở Nhật, Hàn Quốc, Mỹ,... mà phát ngôn hớ là họ xin từ chức hoặc xin lỗi dân. Đằng này, đánh dân (nhà báo cũng là dân thôi) rần rần ra đấy mà họ vẫn cãi lấy được. Đâu phải cá biệt? Nhiều vụ lắm rồi”…, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi.

Ông bà xưa từng răn dạy con cháu: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, có nghĩa là chúng ta phải suy nghĩ kỹ trước khi phát ngôn, làm sao để lời nói không xúc phạm, không làm khổ cho người khác, không gây mất lòng… Làm cán bộ lại càng phải cẩn trọng, bởi từng câu chữ của họ là “khuôn vàng, thước ngọc”. Tiếc là, các lãnh đạo tỉnh Hưng Yên dường như quên mất bài học này và cả bài học “nhãn tiền” từ vụ Tiên Lãng. Thay vì tập trung tìm nguyên nhân vụ việc, nhận ra mặt hạn chế, sai sót để kịp thời sửa sai thì “các quan” lại loay hoay tìm cách để biện minh cho mình. Để rồi càng nói càng sai, càng gây mất niềm tin nơi người dân.

Phải biết sửa sai, đừng làm "khó" bị hại

“Trong các vụ việc, khi đã làm hết cách vận động, tuyên truyền, thuyết phục mà một số ít người dân vẫn cố tình không chấp hành mới buộc phải cưỡng chế. Cưỡng chế cũng phải đúng phương án, phù hợp quy định pháp luật…”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu như thế tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vào ngày 2-5.

Tuy nhiên, vụ việc cưỡng chế ở Văn Giang vừa qua với hình ảnh lực lượng cưỡng chế, công an đánh công dân khi họ không có hành động chống đối và hung khí gì đã thực sự làm cho hình ảnh chính quyền tỉnh Hưng Yên xấu đi trong mắt người dân. “Nếu cho rằng 2 nhà báo này có tác nghiệp không đúng chăng nữa cũng không thể cho phép một đám đông có vũ khí đánh đập họ tàn nhẫn như vậy! Tôi cảm giác ngày càng có nhiều người lợi dụng danh nghĩa đang làm nhiệm vụ hành động thiếu tôn trọng pháp luật, thiếu tính người và mang tính côn đồ nhiều hơn là người thi hành công vụ” (bạn đọc Bình Nguyễn viết).

“Lãnh đạo công an Hưng Yên hãy điều tra ngay những người hành hung nhà báo và kỷ luật thích đáng, vì chính họ, những người bảo vệ luật pháp, lại ngang nhiên vi phạm luật, làm hoen ố hình ảnh công bộc của dân (bạn đọc An Hòa). “Việc làm đó tất nhiên không thể nhận được sự đồng thuận của dư luận cả nước” (bạn đọc T.H)…

Câu hỏi đặt ra, việc những người mặc cảnh phục, có trang bị công cụ hỗ trợ đánh đập những người không có hành động chống đối đã làm đúng quy định của pháp luật chưa? Đây mới là điều các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên cần ngồi lại phân tích để thấy đúng - sai từ đâu nhằm rút kinh nghiệm để sửa sai kịp thời và làm tốt hơn chứ không phải làm “khó” cho người bị hại bằng cách “yêu cầu cung cấp hình ảnh gốc của clip này để cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên xem xét và xử lý theo luật định” như ông Chánh Văn phòng tỉnh nói.

Nông dân lấy gì để sống?

Việc cưỡng chế thu hồi đất cho dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang gặp phải sự phản ứng quyết liệt của một số người dân nguyên nhân trước tiên bắt nguồn từ giá đền bù chưa thỏa đáng. Dù ông Bùi Huy Thanh khẳng định: “mức giá bồi thường 48,6 triệu đồng/sào là mức cao nhất được áp dụng trên địa bàn tỉnh tại thời điểm hiện tại” nhưng đất sản xuất nông nghiệp là mồ hôi, máu thịt, là sinh kế duy nhất của nông dân từ  thế hệ này qua thế hệ khác, không còn đất, liệu số tiền đền bù đó đủ để họ duy trì cuộc sống trong bao lâu? Trong khi căn cứ giá đền bù, có thể thấy cái lợi nghiêng hẳn về phía chủ đầu tư và lợi ích từ dự án mang lại (như hứa hẹn): khu đô thị mới đạt chuẩn quốc tế, trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí… thì chắc chắn những người nông dân mất đất không được thụ  hưởng.


Vy Thư
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đừng than trời nắng, hãy tạo bóng râm



SGTT.VN - Sau nhiều lần bị trì hoãn, hội thảo chủ đề Sách và chấn hưng giáo dục do viện Nghiên cứu phát triển Giáo dục (IRED), bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, hội Thư viện Việt Nam và nhóm Sách Hay tổ chức đã được diễn ra vào sáng 6.5 tại TP.HCM.

Tôn trọng sự thật để phát triển văn hoá, đạo đức

“Khủng hoảng”, “báo động” là những từ mà giới chuyên môn thường dùng để nói tới tình hình lười đọc sách, truy cầu tri thức của học sinh, sinh viên hiện nay. Những “băn khoăn không mới” đó được thể hiện trong nhiều tham luận và phát biểu tại hội thảo này. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, cần thiết phải có những thay đổi về phương thức giáo dục; xây dựng văn hoá đọc phải bắt đầu từ nhà trường. TS Hồ Thiệu Hùng, người từng giữ chức giám đốc sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, thì thẳng thắn bày tỏ, nếu Quốc văn giáo khoa thư trước đây là cuốn sách giáo khoa chất lượng cao, để lại dấu ấn sâu đậm trong đời người học, thì những cuốn sách giáo khoa hiện nay có chất lượng yếu kém, nội dung ôm đồm, chưa thuyết phục, thiếu thực tế, không tích hợp và thu hút, không giúp cho người học trang bị được những kiến thức cơ bản để hướng đến tương lai. Nhưng sách giáo khoa đang giữ vai trò độc tôn trong suốt quá trình học đối với người học, thay vì càng trưởng thành thì người ta cần phải tiếp cận sách tham khảo nhiều hơn. Nhà giáo, dịch giả Phạm Toàn lại quan tâm đến mục đích đào tạo: “Chúng ta đứng trước hai chọn lựa. Hoặc là chỉ cần cho con em thoát nạn mù chữ, hoặc là tạo cho con em năng lực đọc, để năng lực đó phát triển dần dần trong một nền văn hoá đọc” (Tham luận Điều kiện ban đầu xây dựng văn hoá đọc). Theo ông, năng lực đọc này “cần phải được chuẩn bị công phu ngay từ lớp 1 ở trường phổ thông”.

Nhìn từ góc độ giáo dục đại học, GS Nguyễn Đăng Hưng bức xúc trước tình trạng giáo dục hiện nay thiếu sự tôn trọng tinh thần tự do học hỏi, nghiên cứu khoa học, sự thực và tự do tư tưởng. Ông nhấn mạnh: “Nếu không tôn trọng sự thực thì không tôn trọng văn hoá, khoa học, đạo đức. Nếu sự tự chủ và tự do tư tưởng chưa có được thì những gì chúng ta bàn (về văn hoá đọc hay chấn hưng giáo dục) chỉ là những mơ tưởng xa vời”. TS Bùi Trân Phượng đến từ đại học Hoa Sen bày tỏ hai nỗi “thèm thuồng”: “Khi đi ra thế giới, tôi thấy thèm cái cơ chế pháp lý và quyền tự nhiên mà người ta có. Khi tìm hiểu tình hình trí thức Việt Nam đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh người biết chữ ít, sách xuất bản ít, nhưng tôi lại thấy thèm thuồng cả những gì người hôm qua đã làm được”. Bà đặt câu hỏi: làm sao để giáo dục được phép là giáo dục, đại học được phép là đại học?

“Không chấp nhận sự đau khổ hiện tại”, cá nhân bà Phượng chọn giải pháp cách “làm từ cơ sở”, từ những nỗ lực ngay trong chính môi trường giáo dục của mình để cải thiện từng bước nhỏ.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=173460
Nhiều người trẻ tham gia và bày tỏ suy nghĩ tại hội thảo Sách và chấn hưng giáo dục. (Trong ảnh: sinh viên Nguyễn Phạm Phi Vũ, năm thứ năm, đại học Y dược TP.HCM đang bày tỏ suy nghĩ về mục đích của việc đọc và vấn đề tại sao Việt Nam giàu tài nguyên, nhân lực nhưng phát triển chưa tương xứng).



Dạy văn để thắp lên ngọn lửa đọc sách
Xem trọng tâm vấn đề chất lượng giáo dục là giáo dục đại học, GS Nguyễn Thiện Tống, một tên tuổi chuyên ngành kỹ thuật hàng không cho rằng, trường đại học của chúng ta hiện nay chỉ là một dạng trường dạy nghề cao cấp, tri thức đào tạo thiếu tính phổ quát và liên ngành. Theo ông, việc cải tổ giáo dục phải ở từng giảng viên nên việc đào tạo chất lượng giảng viên phải hết sức coi trọng. Việc sáng tạo về phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh thì sẽ kích thích người đọc khám phá tri thức qua việc đọc nhiều hơn.

Từ góc độ một hoạ sĩ quan tâm đến việc giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường, hoạ sĩ Nguyễn Quân cho rằng: “Đọc sách làm giàu khả năng tưởng tượng của con người. Nếu giáo dục không khuyến khích sự ham muốn tưởng tượng thì sẽ không có việc đọc sách”. Ông đưa ra hai khuyết điểm quan trọng trong giáo dục hiện nay cản trở việc đọc sách của người học: cách học theo giáo khoa hiện nay là giết chết tưởng tượng, không có tính mỹ dục trong giáo dục. Từ Pháp, GS Cao Huy Thuần gửi về hội thảo tham luận Đọc văn bàn về việc đọc, hiểu, học văn và dạy văn ở nhà trường. Ở đó, ông chống lại sự áp đặt cách hiểu, diễn dịch văn chương, thay vào đó, việc dạy văn là phải thắp lên sự thích thú, vì không thích thú là không hiểu, phải tôn trọng sự chủ quan của người học, vì thiếu sự tôn trọng này, sẽ không có hứng thú sáng tạo trong tiếp nhận văn học.

Đọc sách để được khai minh
Người Nhật đã sớm có ý thức gắn kết văn hoá đọc trong chiến lược chấn hưng giáo dục và phát triển đất nước. GS Trần Văn Thọ trong tham luận Dịch sách và tinh thần cầu học: khởi động quá trình hiện đại hoá Nhật Bản đã nêu ra vài nét về tình hình dịch thuật của Nhật vào nửa sau thế kỷ 19 và cho rằng đó chính là nguyên nhân thành công của công cuộc cận đại hoá của chiến lược theo kịp phương Tây của người Nhật. Trong khi đó, GS Nguyễn Xuân Xanh lại nhấn mạnh tinh thần và ý thức đọc sách là để khai minh, để vươn lên không thua kém dân tộc nào của người Nhật. Trở lại tình hình Việt Nam, trong phần kết tham luận, ông viết: “Cần phải gấp rút có cuộc chấn hưng văn hoá đọc và hiểu biết thế giới, trong đó nghiên cứu và dịch thuật là việc nền tảng. Đó là mệnh lệnh của tất cả mọi người Việt Nam. Không có nghiên cứu, dịch thuật dồi dào, và nếu những việc này không được thể chế hoá, thì người Việt Nam thiếu hiểu biết về thế giới một cách nghiêm trọng, chỉ có tình yêu quê hương và hy vọng thuần tuý, nhưng khó đạt đến sự phồn vinh và sức mạnh cần thiết để bảo vệ độc lập của mình”.

Từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau: làm xuất bản, trực tiếp tham gia vào môi trường sư phạm hay từng là nhà quản lý giáo dục… các diễn giả đưa ra tiếng nói đầy ưu tư về thực trạng văn hoá đọc và yêu cầu cấp bách của việc chấn hưng giáo dục nước nhà. Có thể xem hội thảo lần này là một phương cách “tạo bóng râm thay vì chỉ ngồi than trời nắng” (theo lối nói của GS Nguyễn Thiện Tống). Độ phủ của bóng râm đó, trước hết có thể thấy ở thực tế hơn nửa khán phòng là những gương mặt trẻ chăm chú lắng nghe và đưa ý kiến về những khó khăn gặp phải trong việc đọc. Phần lớn là sinh viên từ các trường đại học có quan tâm đến việc vì sao đọc sách, đọc như thế nào, đọc thì được gì?

bài và ảnh: Nguyễn Vinh
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Tuấn Khỉ đã viết:
Phát ngôn gây sốc của "quan" Hưng Yên

Bài đăng trên Người Lao Động Thứ Năm, 10/05/2012 15:09

“Dù hai người đó không phải nhà báo thì cũng là những công dân, họ không có hành động chống đối và không có hung khí gì. Hành động như vậy là không thể chấp nhận”, “Nếu không phải là nhà báo thì là dân thì có quyền đánh sao? Cho dù đó là ai, lực lượng cưỡng chế cũng không được phép hành xử như vậy”, “Phát ngôn như vậy là ẩu tả, vô trách nhiệm”…

Hàng trăm độc giả đã có ý kiến phản hồi đầy bức xúc sau khi ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, đồng thời là Người phát ngôn của UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí vào ngày 9-5: “Chưa có bằng chứng hay nhân chứng khẳng định 2 nhà báo VOV chính là 2 người bị đánh trong clip đang phát tán trên mạng”.
Những Từ Cửa Miệng

Có phải "nhân dân", cứ đánh bừa?
Còn là "báo chí", đánh vô tư?
Thâm tâm chắc chắn "không mong" chứ?
Thảm cảnh đơn thuần "phản cảm" ư?
Mắc vạ, xin mời "dân chủ" đợi!
Hàm oan, hãy cố "tự do" chờ!
Trong khi nhẫn nại mong "nghiêm chỉnh"
Chịu khó mà xem "đáng tiếc" trò!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Giật mình trước “bệnh hôi của” tràn lan



(Nguoiduatin) - Thay vì giúp khổ chủ thoát khỏi sự cố rủi ro, không ít người xung quanh lại tìm cách kiếm chác chút tài sản của người bị nạn. Các chuyên gia xã hội cho rằng, về bản chất đó là hành động ăn cướp trắng trợn.

Hôi của là một hiện tuợng đáng báo động trong xã hội hiện nay. Lợi dụng lúc người bị nạn lâm vào cảnh bối rối, khó khăn không ít kẻ hám lợi đã lao vào hiện trường tìm mọi cách móc tiền, múc xăng, nhặt hoa quả...

http://media.nguoiduatin.vn/public/data/images/linhgiang/nguoiduatin-Hoicua.JPG
Hình ảnh người dân chạy ra hôi xăng bất chấp sự ngăn cản của công an và chủ xe.



Gần đây nhất ngày 7/5, cảnh hàng trăm người chen chân múc xăng dầu khi xe chở 25.000 lít xăng từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình bị lật nghiêng trên Quốc lộ 1 khiến dư luận thêm một lần nữa bức xúc về lối ứng xử của người Việt trong những hoàn cảnh tương tự. Bất chấp tính mạng và nguy cơ ngọn lửa có thể bùng cháy bất cứ lúc nào, từng tốp người gồm già trẻ gái trai đua nhau dùng xô chậu, can nhựa để hứng xăng chảy ra từ xe bồn.

Cảnh sát và chủ hàng cũng phải bất lực trước thái độ hăm hở của những kẻ hôi của. Đám đông ấy chỉ chịu rời đi khi sức đã thấm mệt vì trời nắng và lượng xăng trong bồn chảy ra gần hết.

Vụ “xe điên” gây tại nạn liên hoàn trên đường Lý Thái Tổ (Quận 10, TPHCM) xảy ra cách đây đã nửa năm nhưng khi nhắc lại nhiều người vẫn không khỏi bàng hoàng, xót xa. Chiếc xe 4 chỗ đang chạy trên đường bất ngờ lao vào 3 tô khác rồi húc tung 12 chiếc xe máy đang dừng đèn đỏ.

Vụ tai nạn thảm khốc đã khiến 12 chiếc xe máy bẹp dúm, 2 người chết và 17 người bị thương. Những người gặp nạn hôm ấy không chỉ phải chịu sự đau đớn, mất mát về thể xác mà còn bị mất hết tài sản. Nhân chứng tại hiện trường cho biết, lúc tai nạn có hàng loạt điện thoại, ví tiền, túi xách, tư trang... của nạn nhân rơi vãi khắp nơi.

Có người đã lạnh lùng xông vào nhặt đồ, đút túi, rồi “chuồn” êm mặc cho người bị nạn nằm vật vã đau đớn trên đường. Trong số những người bị nạn hôm ấy, có người trong cơn mê vẫn lơ mơ nhớ lại cả toàn bộ khối tài sản gồm tiền, vàng, đô la… đựng trong cốp xe bị người khác lấy đi.

Hình ảnh một nước Nhật trật tự, an bình sau thiên tai có lẽ là điều đáng để cho người dân Việt Nam và các quốc gia khác học tập.

Có ý kiến cho rằng, dùng cách gọi “hôi của” có lẽ vẫn còn quá nhẹ nhàng bởi bản chất của hành động đó chẳng khác gì ăn cướp một cách trắng trợn mồ hôi công sức của người khác. Những nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội đang trăn trở với câu hỏi vì đâu mà người dân bất chấp tính mạng, bất chấp liêm xỉ, bỏ qua tình người để hôi của của người bị nạn?

Tàn dư của tâm lý tiểu nông
Trao đổi với Người đưa tin, PGS.TS Lê Quý Đức, Viện Văn hóa Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: “Hiện tượng hôi của là một hành động nhỏ nhưng lại thể hiện một vấn đề lớn trong ý thức của người Việt Nam. Đó là tâm lý tiểu nông, tiểu kỷ, tàn dư của nền kinh tế sản xuất nhỏ.

Đa số người hôi của khi xe chở xăng, chở bia, sữa, hoa quả lật là do họ nghĩ đó là của công. Người khác lấy được, mình cũng phải cố kiếm.

Sâu xa trong ý thức, họ nghĩ rằng xã hội người ta tham ô tham nhũng đầy ra đấy, mình có kiếm chác của người khác chút ít cũng chẳng sao.

Điều đáng lo ngại là, nhiều người hôi của tỏ ra coi thường tính mạng, liều lĩnh nhảy vào tranh cướp giữa đám đông. Thuốc đặc trị căn bệnh này không chỉ dựa vào phát triển kinh tế, xã hội mà  cần giáo dục thay đổi nếp nghĩ của nguời dân trong một thời gian dài”.

Con  người ngày càng vô cảm
TS. Nguyễn Thị Tố Quyên, phó trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí Tuyên Truyền cho rằng: “Đạo đức bình thường giữa con người trong xã hội là khi khó khăn thì giúp đỡ, chia sẻ cùng nhau.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, thái độ vô cảm trước những đau đớn, rủi ro của đồng loại ngày càng trở nên phổ biến. Những hành vi bất thường này cho thấy lòng tham của con người dường như đang lớn dần lên. Thậm chí, ngay khi tiền ở trong túi chúng ta, một số đối tượng còn cố tình cướp giật, huống chi khi của văng ra đường.

Quả thực, văn hóa, lối sống, ý thức, đạo đức của nhiều người trong xã hội hiện nay phải được nhìn nhận lại. Tâm lý hám của còn tồn tại trong số đông. Thay đổi thực trạng trên không chỉ ngày một ngày hai mà là cả một quá trình. Chúng ta nên có những cách tiếp cận vấn đề một cách nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người để họ thấy được đó là hành vi xấu, bị lên án và tẩy chay mạnh mẽ, ”.

Ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông
Một chuyên gia tâm lý “bắt bệnh”: “Người Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi tâm lý đám đông. Họ thấy một vài người làm không sao nên cũng nhảy vào hôi của theo.

Cũng giống như đứng trước đèn đỏ nếu một người không dừng, ngay lập tức những người sau cũng phóng xe hùa theo, bất chấp việc đó là vi phạm luật. Muốn thay đổi được tâm lý a dua cần phải có nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục lâu dài để giúp ăn sâu vào tiềm thức mỗi người.

Các cơ quan truyền thông có thể làm những tiểu phẩm, mở các diễn đàn để thu hút sự quan tâm của dư luận. Các hoạt động giáo dục nêu ý kiến, bàn luận về các hành vi xấu sẽ giúp quá trình tự nhận thức của các thành viên diễn ra nhanh hơn. Từ đó giúp chuyển biến thay đổi hành vi”.

Tình người trong hoạn nạn bị “cài số lùi”
Nhà giáo Trịnh Lương, Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ: “Từ lâu, người Việt Nam vẫn có truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Trong những giai đoạn khó khăn nhất, chúng ta còn sẻ chia cho nhau từng bắp ngô, hạt gạo.

Vậy mà khi đất nước đang trên đà phát triển, tình người trong hoạn nạn dường như đang bị… cài số lùi. Một số ít người vô cảm, hám lợi đang làm méo mó hình ảnh con người Việt Nam yêu thương, gắn bó một thời. Chưa có một chế tài hay một hình thức nào ngay lập tức xỏa bó được bệnh hám của.

Tuy vậy, chúng ta có thể thay đổi bằng các hình thức giáo dục để cải thiện nhận thức của mỗi người. Câu chuyện về hiệp sỹ đường phố là “đốm sáng” làm ấm lòng những con nguời có tâm để hy vọng vào tình người trong xã hội”.

Hôi của là ăn cắp tài sản
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh, giám đốc công ty TNHH luật An Biên cho rằng: “Hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của người khác trong hoàn cảnh chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản là vi phạm pháp luật. Những người này có thể bị phạt hành chính vì tội trộm cắp tài sản hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ.

Tuy nhiên, với đa số người dân Việt Nam vẫn chưa nhận thức được hành vi của mình là thiếu đạo đức, là vi phạm pháp luật và đáng bị lên án”.

Hãy học tập người Nhật
Đỗ Thị Thu Trang, sinh viên ĐH KHXH và NV Hà Nội chia sẻ: “Thật đau lòng khi chứng kiến những hình ảnh như vậy. Họ thấy xe gặp nạn đã không giúp đỡ mà còn túm lại hôi của. Làm sao có thể dạy dỗ được trẻ con khi chính người lớn vẫn có những hành động vô đạo đức như thế. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của những người bị nạn để biết rằng họ khốn khổ thế nào?. Người Việt Nam cần phải học tập tinh thần của người dân Nhật Bản trong đợt sóng thần năm 2011. Đói khát, mất nhà cửa, mất người thân nhưng họ vẫn trật tự, bình tĩnh để nhận tiếp tế thức ăn, nhu yếu phẩm. Họ không tranh cướp nhau để giành giật sự sống và quyền lợi cho mình. Nhìn lại những hình ảnh ấy, tôi vô cùng ngưỡng mộ cách giáo dục con người của họ".

Lan Thơm
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

GS Hồ Ngọc Đại: 'Tôi thương phụ huynh quá!'

Bài đăng trên VietNamNet 14/5/2012 06:23 AM

- Trong hai ngày cuối tuần (12 và 13/5), một hiện tượng giáo dục thu hút sự quan tâm của dư luận: phụ huynh đạp đổ cổng trường để mua đơn đăng ký cho con vào học lớp 1. Chuyện xảy ra tại Trường PTC Thực Nghiệm (Hà Nội). Nói về hiện tượng này, GS Hồ Ngọc Đại, "cha đẻ" của mô hình trường thực nghiệm bày tỏ: "Tôi thương phụ huynh quá!"

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/05/13/18/20120513183250_20120513100143_9.jpg
Một vài xô xát nhỏ đã xảy ra trong khi xếp hàng mua hồ sơ vào Trường Thực Nghiệm sáng 13/5. (Ảnh Văn Chung)



Trường Thực Nghiệm nóng vì sao?

Lý giải nguyên nhân về việc chen lấn để mua hồ sơ, nhiều bậc phụ huynh cho biết, do được biết, năm học 2012 - 2013, trường chỉ tuyển 140 em, trong khi đó, số lượng hồ sơ bán ra khá "nhỏ giọt" (200 bộ). Trong khi đó, lâu nay, trường được biết tới là có uy tín, môi trường học chất lượng, và thêm một điểm nhấn, GS Ngô Bảo Châu, người vừa có giải thưởng quốc tế về toán học Fields, từng học tiểu học tại đây.

Chị Hoàng Hường ở quận Ba Đình, chọn ngôi trường này vì con chị được học lớp ít học sinh (40 cháu/ lớp). Bé tới trường không phải còng lưng cõng cặp nặng. Về nhà, bé cũng không phải bò ra để làm bài tập. Hơn nữa, bé được học tiếng Anh nhiều. Ngoài chương trình học trên lớp, bé không phải học thêm bất cứ môn nào, kể cả môn tiếng Anh.

Do vậy, bé thứ hai đến tuổi vào lớp 1 - chị không ngại dậy sớm chen chân xếp hàng, xô đẩy để mua đơn cho con vào học năm học tới.

Anh Hưng (tên nhân vật đã đổi), một phụ huynh ở quận Cầu Giấy cho biết, cả hai cháu (sinh năm 2000 và 2005) đều chọn Trường Thực nghiệm. Bởi mô hình này tôn trong cá tính của học sinh - ngay từ đầu vào lớp 1, con được khẳng định cái tôi trong cách xưng hô: gọi "cô xưng em" chứ không gọi cô xưng con như những trường tiểu học khác. Và học sinh rất thích đến trường.

Lý do nữa được anh Hưng chọn Thực nghiệm là các cô giáo có cách hành xử với học sinh có văn hóa, gây thiện cảm với số đông phụ huynh. Hồi năm 2006, khi cô con gái đầu lòng vào lớp 1, anh rất ấn tượng với cô giáo Diệu Lý chỉ bởi trong ngày tựu trường, cô đãcầm quạt giấy đi từng học sinh xếp hàng ở sân trường quạt cho từng cháu.

"Về chương trình học, ngoài việc có nhiều sự lựa chọn cho phụ huynh nếu muốn cho con học Chương trình đại trà (quy định của Bộ GD-ĐT) hoặc Chương trình thực nghiệm thì cách dạy của trường không chạy theo thành tích" - anh Hưng khái quát. Các con anh học rất thoải mái, không có cảm giác nhồi nhét. Hơn nữa, mỗi môn học như Toán, Văn, Nhạc, Vẽ....đều có giáo viên riêng. Đây là sự khác biệt so với các trường tiểu học khác.

Còn lý do mà chị Vân Anh ở quận Đống Đa chọn mô hình Trường Thực nghiệm cho hai con là bởi "ngộp khuôn viên của trường khi đến tìm hiểu cho con thứ nhất học (năm 2003).

Thêm những lý do khác như lớp học không quá đông, con về nhà ít bài tập và không phải đi học thêm - nên chị tiếp tục chọn ngôi trường này cho đứa thứ hai.

Nhưng theo năm tháng song hành cùng chuyện học của con, chị nhận thấy, trường Thực nghiệm ngày hôm nay đã có một số thay đổi. Một số cô giáo dạy giỏi của trường cũng đã "chạy" sang trường khác. Cô giáo Diệu Lý, người "gây mê" nhiều phụ huynh, nay đã chuyển sang làm quản lý một trường tư thục.

Và quan trọng hơn, môi trường sư phạm dần bị mai một. Sự quan tâm của cô chỉ còn là tiếng đồn theo năm tháng, khiến phụ huynh chạy theo xu hướng "tâm lý đám đông".

Bất chấp tất cả để con được học trường tốt

Không chỉ "nóng" trước cổng trường Thực Nghiệm dù trước buổi sáng đều có các cơn mưa, câu chuyện "đạp đổ cổng trường mua hồ sơ cho con vào lớp 1" sôi động không kém trên nhiều diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ, các trang mạng xã hội.

Thu thập thông tin qua báo chí, một số thành viên webtretho tỏ vẻ thất vọng về văn hóa của người Thủ đô. Một số khác thở dài: “Người lớn thiếu văn hóa vậy sao mong trẻ con có văn hóa” hay “Buồn thay cho cái gọi là thủ đô văn hiến, nhìn cảnh này rồi cảnh lễ hội hoa, không dám nghĩ người nước ngoài sẽ đánh giá Hà Nội sao nữa”.

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/05/13/18/20120513183433_xin_hoc_5.jpg
Phụ huynh xô đổ cổng trường để vào mua đơn sáng 12/5. (Ảnh Vnexpress)



Một thành viên khác thẳng thắn nhận định “Tìm trường tốt cho con là đúng, nhưng chỉ vì tâm lý đám đông mà làm mọi cách, có những hành vi khiếm nhã thế này thì không chấp nhận được”.

Trên mạng xã hội Facebook, tham gia thảo luận cùng bè bạn, một cư dân mạng biệt danh Hiệp Linh đặt vấn đề: "Tại sao lại làm 1 việc vô giáo dục để cho con cái được giáo dục?". Tuy nhiên, gợi mở của anh được tranh luận lại ngay: "Chẳng phải là vô giáo dục, nhìn phụ huynh thức đêm đứng chờ xin học cho con thấy mà thương. Đấy là tại ngành, chứ không phải tại dân".

Biệt danh Đức Bình bình tĩnh phân tích: Có 2 vấn đề ở đây. Một là hệ thống giáo dục phân biệt trường điểm trường thường làm cho tâm lí phụ huynh luôn muốn con mình phải vào trường điểm. Thứ 2 là ý thức của người dân mình quá kém, tại sao không xếp hàng một cách văn hóa, người đến sau phải tôn trọng người đến trước, bố mẹ như vậy thì làm sao dạy trẻ có văn hóa?

Chị Nhật Mai, ở huyện Từ Liêm, từng chen chân mua hồ sơ cho con vào trường này năm ngoái bày tỏ sự cảm thông: "Khi tới đây, không ai nghĩ rằng, lại có đông người như thế; không ai nghĩ trước được có cảnh chen lấn này. Nên đến rồi thì cố cho được thì may, không thì cũng thôi. Thực trạng các trường tiểu học ở Hà Nội như vậy nên khó tránh khỏi”.

Nickname capi_hh nêu ý kiến: “Cái gì tốt thì người ta tìm đến là lẽ đương nhiên. Tại sao các trường khác không cố gắng mà làm tốt như vậy nhỉ? Không phải thời bao cấp vẫn còn mà đây chính là kiểu của thời kinh tế thị trường, hàng hóa ở đâu tốt thì người ta mua thôi. Dù phải chen nhau vẫn sướng”.

Không thể trách phụ huynh?

Trao đổi với VietNamNet chiều 13/5, GS Hồ Ngọc Đại -"cha đẻ" của mô hình Trường Thực nghiệm chia sẻ: Tôi đã theo dõi hiện tượng phụ huynh xô đẩy để mua đơn cho con qua phản ánh của các báo - và thấy thương phụ huynh nhiều hơn. Đó là quyền lợi sát sườn, tương lai của con em họ...nên không thể trách.

Đáng trách phải trách những người làm giáo dục: Tại sao mô hình có rồi lại không nhân ra để phụ huynh khỏi chen lấn?

"Hiện tượng phụ huynh xô đổ cổng trường nói lên một điều, mô hình giáo dục hiện nay có vấn đề buộc phụ huynh phải tìm đến một mô hình khác" - ông nói. Dù mô hình khác chưa chắc đã tốt hơn, nhưng giữa hai cái tồi tệ, buộc họ phải chọn cái ít tồi tệ hơn.

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/05/13/18/20120513183600_20120513101227_6.jpg
An ninh phải nhập cuộc mới hết cảnh xô đẩy (Ảnh chụp sáng 13/5, Văn Chung)



Chứng kiến cảnh chen lấn, xô đẩy...GS nhắc đi nhắc lại quan điểm "tôi rất thương phụ huynh học sinh". Và đáng trách những người làm giáo dục mà nạn nhân của nó là những người làm chương trình năm 2000.

"Họ đổ tiền tỷ vào làm chương trình để "thu lại" sự không bằng lòng của "khách hàng" là phụ huynh. Cuối cùng, đọng lại chỉ là "thành tích của lợi ích nhóm".

"Khoan vội trách phụ huynh hành xử thiếu văn hóa, bởi họ phải thương con mình. Đối với phụ huynh, con cái là nhất nên phải chọn môi trường tốt hơn cho chuyện học hành, mặc dù sự lựa chọn chỉ là cảm tính" - ông chia sẻ sâu sắc trước những hành vi chưa thanh lịch của các bậc làm cha làm mẹ.

Theo GS,  nên hiểu phản ứng của phụ huynh là mong muốn bình thường - mong muốn con được học trong môi trường giáo dục tốt.

"Để không còn phản ứng đó và có niềm tin vào nền giáo dục nước nhà, chỉ có cách giáo dục. Trường Thực Nghiệm cũng phải thay đổi. Hôm nay, họ phản ứng như vậy là cách hành xử tự nhiên, không chê trách được!?" - GS Hồ Ngọc Đại chốt lại.

Kiều Oanh
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đạp cổng trường, đổ văn hóa



SGTT.VN - Chuyện phụ huynh thức đêm thức hôm, chen lấn mua hồ sơ vào lớp 1 cho con em xảy ra ở trường THCS Thực Nghiệm (Hà Nội) sáng 12, 13.5 không mới. Năm ngoái, tình trạng tương tự đã xảy ra tại các trường mầm non như Thành Công A, Bình Minh.

Nhưng khi những hình ảnh đó tái hiện với mức độ căng thẳng mỗi năm càng cao (năm nay, đám đông phụ huynh đã xô đẩy chen lấn đến sập cả cổng trường Thực Nghiệm) thì hẳn, những ai có hình dung về một chế độ giáo dục bình thường, đã không khỏi sửng sốt.

Những hình ảnh trên phản ánh một sự rối loạn đang xảy ra trong môi trường văn hoá giáo dục. Nó khởi phát từ tâm lý bất an, mất lòng tin của phụ huynh về tính công bằng trong chính sách trang bị điều kiện chất lượng giáo dục cho người dân. Cụ thể, đó là sự thiếu công bằng trong phân bổ điều kiện và chất lượng giáo dục ở trường công lâu năm đã ám ảnh tâm trí các phụ huynh. Hành động bằng mọi giá, đạp đổ cả hàng rào của lòng tự trọng và ý thức văn minh để giành giật một chỗ học có chất lượng cho con em là một trong những động cơ chống lại cảm giác nghi ngờ thường trực trong chọn lựa môi trường giáo dục cho con em.

Nhìn từ phía gia đình, những hình ảnh trên cũng phản ánh một nhận thức giáo dục bất ổn từ phía các phụ huynh. Cho đến nay, nhiều người đem con đến trường với tâm lý thay vì tạo những điều kiện văn hoá hậu thuẫn từ gia đình thật tốt để con cái nỗ lực học tập thì lại trăm sự trông chờ ở nhà trường, vì thế, trường càng nhiều thành tích càng đem lại sự yên tâm cho phụ huynh.

Quan niệm giáo dục thụ động đó nguy hiểm ở chỗ, nó không đòi hỏi tố chất, sự nỗ lực từ phía người học, mà lại đặt nặng thành tích (hình thức) của môi trường giáo dục. Cảnh chen lấn xô đẩy đăng ký cho con vào trường THCS Thực Nghiệm xảy ra trong một vài năm gần đây có lý do: đây là trường mà GS Ngô Bảo Châu và nhiều nhà khoa học từng theo học. Chắc hẳn, với nhiều phụ huynh, đã nảy sinh tâm lý mong muốn tương lai thành đạt, rạng rỡ của con em qua sự nghiệp của các vị giáo sư. Nhưng ít ai nhớ rằng, để có một sự nghiệp lớn, thì ngoài tài năng, chất lượng môi trường giáo dục, thì tinh thần, ý chí học tập, nền tảng văn hoá phía gia đình là những nhân tố mang tính quyết định.

Văn hoá gia đình, không chỉ gói gọn trong môi trường gia đình, mà là nhận thức, hành xử với môi trường xã hội chung quanh, trong đó có tương quan hỗ trợ với nhà trường. Đừng mong con em hạnh phúc khi đến trường học, tôn trọng thầy cô, ra đời sống biết lễ độ với tha nhân, có ý thức văn hoá cộng đồng nếu như ngay ngày đầu tiên đưa con đến trường, chính các bậc phụ huynh đã cố tình làm ngược những điều đó.

Nguyễn Vĩnh Nguyên
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [23] [24] [25] [26] [27] [28] [29] ... ›Trang sau »Trang cuối