Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [20] [21] [22] [23] [24] [25] [26] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Điều chưa vui ở hội sách



Trong số những cuộc giao lưu với tác giả, dịch giả được mong đợi nhất tại Hội sách TPHCM lần thứ 7, có 5 cuộc bị hủy bỏ một cách lạ lùng. Theo giải thích của BTC hội sách, là “do những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, theo ý kiến của Ban chỉ đạo”.

Những hoạt động đó gồm: Chương trình giao lưu với nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn nhân tái bản dịch phẩm “Hiện tượng học tinh thần”  của Hegel do Cty sách Thời Đại tổ chức ngày 20.3; chương trình “Sách và chấn hưng giáo dục” của Dự án Sachhay.com tổ chức ngày 22.3, giao lưu giới thiệu sách “Theo đuổi tri thức” của TS Nguyễn Thị Từ Huy và TS Phạm Quốc Lộc do Cty phát hành sách TP và ĐH Hoa Sen tổ chức, giao lưu với TS Nguyễn Xuân Sanh và TS Nguyễn Khánh Trung cùng giới thiệu sách “Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại” do Fahasa và ĐH Hoa Sen tổ chức, ngày 23.3; cũng như  buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm “Bí mật phụ nữ” và “Thông minh sâu thẳm” của Cty đầu tư giáo dục Minh Triết ngày 24.3. Ngoài ra, buổi hội thảo “Tư vấn giáo dục” của Học viện  Giáo dục Hoa Kỳ ngày 21.3 cũng ngừng tổ chức.

Liệu có thể hiểu khác từ thông báo trên rằng những hoạt động trên có thể diễn ra ở một nơi nào đó ngoài hội sách?

Những năm trước, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn vẫn có buổi giao lưu chung với một số dịch giả khác trong tủ sách của NXB Tri Thức và chương trình thu hút khá đông độc giả cũng như giới văn nghệ sĩ ở chất lượng cũng như tính chuyên môn sâu. Trước đó, Dự án Sachhay.com cũng đã tổ chức thành công hội thảo “Người Việt có mê đọc sách”, xới lên nguyên nhân vì đâu xã hội còn chưa phát triển văn hóa đọc một cách thực chất.

Thông báo của BTC Hội sách TPHCM lần 7 đã phần nào cho thấy sự bất cập ở  khâu tổ chức, sắp xếp sự kiện. Điều này khiến các dịch giả, tác giả giao lưu chẳng thể hiểu tại sao.    

Minh Thi (Báo Lao Động)


Bóng ma vẫn còn đó
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

“Phim ngu” là phim gì?



SGTT.VN - Hai câu chuyện nổi bật trong làng điện ảnh tuần qua đại diện cho hai cách thức rất khác biệt mà nhà làm phim chọn lựa để chiếm lĩnh đời sống và nghệ thuật.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=171211




Lưỡi dao thích hoá búa rìu
Khi danh tiếng bị đe doạ vì truyền thông phê phán, khán giả bắt đầu chán và chê những bộ phim của bạn, hãy chịu khó lên mạng và truyền hình phát biểu những điều thật gây sốc. Thủ thuật này có lẽ chẳng ai giỏi bằng L.H, vị đạo diễn nổi tiếng một thời. Phát biểu của ông trên một tờ báo mạng trong tuần qua dường như đã đạt cấp độ mới của sự ngoa ngôn, rằng: “Phim tôi làm có cái cao, cái thấp, cái hay, cái dở nhưng chưa có phim nào ngu”, làm bàng hoàng, rối trí bất cứ ai có thói quen phân tích từ nguyên trong tiếp nhận ngôn ngữ. “Phim ngu” là phim như thế nào? Hẳn ông cũng bao gồm trong đó ngụ ý câu chuyện về bốn cô gái làng chơi trong bộ phim mới nhất của ông không phải là sản phẩm của sự ngu dốt. Các cô sống trong mái nhà tranh, hành nghề bán bia ôm, thấy tờ tiền đô mừng phát khóc nhưng nằng nặc... thủ tiết khi có khách. Sau đó, quyết định đốt mái nhà tranh, phóng bốn chiếc xe tay ga về thành phố “săn” đại gia, và thoáng chốc đã ở trong tâm điểm của thế giới phù hoa, sang trọng…

Bỏ qua một bên khả năng sử dụng ngôn ngữ mà nhiều người cho là “điêu ngoa”, còn có hai khía cạnh có thể giúp giải thích vì sao ông nổi danh mạnh miệng trong làng văn nghệ. Thứ nhất, ông tin rằng những người chỉ trích ông “trong thâm tâm đấy là những kẻ yếu đuối, tự ti. Lấy khoái cảm bằng cách rình mò người khác”. Thứ hai, như ông nói, “Tại sao tôi phải sợ “búa rìu dư luận” trong khi bản thân tôi cũng là một thứ búa rìu”?

Thật kỳ lạ là chúng ta đang sống trong một xã hội mà sức mạnh đào thải yếu đến mức người ta có thể tiếp tục kiếm được danh lợi nhờ vào hào quang quá khứ và khả năng sử dụng ngôn từ.

Cú chạm vất vả vào cánh cửa điện ảnh
Cùng trong tuần qua, một đạo diễn khác cũng ngồi lại với báo chí, không phải để phô trương về bộ phim còn nằm trong đầu, mà để trò chuyện về bộ phim của anh mà giới báo chí vừa được xem. Để lần đầu tiên có phim ra rạp ở Việt Nam và Bắc Mỹ, Nguyễn Đức Minh phải trải qua một hành trình vất vả hơn hai năm cho bộ phim đầu tay Chạm (tựa tiếng Anh: Touch), do chính anh viết kịch bản. Dốc hết tiền dành để mua nhà mà chỉ được phân nửa, Minh chạy xin ở các nhà bảo trợ để kiếm đủ 200.000 USD làm phim. Tiền ít, Minh gói ghém thời gian quay trong vòng 18 ngày, với dàn diễn viên hầu hết lần đầu đóng phim, tự mình làm các khâu dựng phim, tuyển diễn viên, làm nhạc… Ngay cả khi phim được tán dương và đoạt nhiều giải thưởng ở Bắc Mỹ, vị đạo diễn trẻ học phim ảnh tại đại học Nam California (USC, Mỹ) vẫn khá kiệm lời và hướng báo chí đặt câu hỏi cho các diễn viên đã phải khó nhọc vì bộ phim của anh. Nói về khả năng mở ra từ thành công của bộ phim đầu tay, anh khá dè dặt: “Tôi mong phim Chạm sẽ mở cửa cho tôi. Vì để làm được đạo diễn quả thực là rất khó. Ai cũng muốn làm cả nhưng vị trí chỉ dành cho một số người”.

Sự kiện bộ phim Chạm ra mắt ở Việt Nam và được khen ngợi khiến người ta không khỏi giật mình về sự tồn tại của một đội ngũ làm phim người Việt đang sống và làm nghề ở Mỹ. Theo ước tính của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, đội ngũ này phải lên tới hàng trăm người, bởi cộng đồng người Việt phần lớn sống gần Hollywood. Họ lớn lên ở Mỹ, được đào tạo bài bản, âm thầm đóng góp đằng sau những bộ phim lớn, mà nếu có ai chịu khó đọc danh sách giới thiệu đoàn làm phim chạy ở cuối phim, sẽ rất hay bắt gặp vài cái tên Việt “rành rành”. Rõ ràng, họ không làm phim… bằng miệng, mà bằng chính thành quả lao động sáng tạo.

Đã có một thế hệ làm phim trẻ trong và ngoài nước, được học hành tử tế, tiếp cận với cái mới và với chính đời sống đương đại. Rất may, trước khi thành danh, họ đã biết điều cơ bản nhất: sự nghiệp của một đạo diễn là tác phẩm chứ không phải những gì anh ta nói! Và nếu muốn đi đường dài phải học hỏi liên tục. Nếu không như thế, nhiều “ngôi sao” của một thời sẽ phải nếm một cảm giác có tên là vị đắng... điện ảnh.

Kiến Minh
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vui cùng âm nhạc ngoài trời



TT - Không hẹn mà gặp, cả Hà Nội và TP.HCM cùng có những ngày cuối tuần với những góc phố rộn ràng niềm vui âm nhạc.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=557628
Nhóm It’s Time trong buổi diễn sáng 8-4 tại công viên Gia Định, TP.HCM - Ảnh: Minh Trang



Sau mùa thu đông thành công, lần trở lại của LUALA mùa xuân hè 2012 bắt đầu từ 16g thứ bảy 7-4 đã mang lại những giờ phút cuối tuần say sưa cho những người Hà Nội yêu âm nhạc. Trong khi đó, chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố Tôi yêu sự sẻ chia cũng đang tiếp tục thu hút khán giả TP.HCM.

Hòa nhạc đường phố trở lại
LUALA concert - chương trình hòa nhạc cổ điển đường phố miễn phí ngay trước cửa Nhà xuất bản Âm Nhạc (đường Lý Thái Tổ, Hà Nội) - đã thu hút khoảng 300 khán giả tham dự vào mỗi chiều thứ bảy và chủ nhật, liên tục trong hai tháng.

Bên cạnh đó, chuỗi chương trình LUALA concert cũng đã vào top 10 sự kiện âm nhạc của năm 2011 (Câu lạc bộ Âm nhạc và báo chí cùng Hội Nhạc sĩ VN bầu chọn), đồng thời được đề cử chương trình của năm (giải Cống hiến 2011). Có lẽ vì vậy mà lần trở lại này, nhà tổ chức và các nghệ sĩ tham gia chương trình dù lần đầu như saxophone tài danh Quyền Thiện Ðắc hay đến lần thứ...n như chỉ huy dàn dây Nguyễn Xuân Huy đều tỏ ra rất tự tin và phấn khích.

Buổi hòa nhạc chiều 7-4 mang đậm phong cách jazz, blues và nhạc thử nghiệm qua sự thể hiện của ban nhạc Phù Sa - ban nhạc jazz hàng đầu VN theo đánh giá của giới chuyên môn và theo tần suất biểu diễn tại các sàn diễn VN và quốc tế, gồm ba thành viên Quyền Thiện Ðắc, Vũ Ngọc Hà và Lê Quốc Hưng. Ðể nhạc jazz đến gần công chúng VN hơn, theo chủ ý của nghệ sĩ Quyền Thiện Ðắc, chương trình trình diễn những bản jazz kinh điển của Mỹ trước khi chơi các bản jazz hiện đại và các bản jazz VN được sáng tác trên nền tảng dân ca VN như Trống cơm hay Lý ngựa ô.

Tay guitar kỳ cựu Vũ Ngọc Hà - từng làm mưa làm gió ở các bar nước ngoài và các sàn nhạc trẻ đầu tiên của Hà Nội 20 năm trước - nay thanh thản, điêu luyện và duyên dáng trên vỉa hè Hà Nội cùng hai người bạn diễn thân thiết là tay trống Lê Quốc Hưng và tiếng kèn vừa trời sinh vừa khổ luyện bài bản của Quyền Thiện Ðắc tạo nên một buổi chiều Hà Nội rộn rã. Không đủ chỗ ngồi, có lúc hàng trăm người, đặc biệt là các du khách nước ngoài, đã say sưa nhún nhảy theo những giai điệu sôi động và vỗ tay không ngừng cho những giây phút "phiêu" của tam tấu.

LUALA xuân hè 2012 được trình diễn miễn phí hằng tuần vào thứ bảy (từ 16-18g), chủ nhật (9-11g và 16-18g), kéo dài đến ngày 6-5-2012. Một mùa diễn mới lại bắt đầu, sẽ có 15 buổi chiều người Hà Nội có một hè phố dành riêng cho niềm vui âm nhạc ở một trong những góc phố đẹp nhất thủ đô.

Cho tôi một ly cà phê sữa đá
"Người pha cà phê ngon nhất Sài Gòn" - tên gọi hơi dài nhưng thân mật ấy của Hà Okio xuất phát từ khi Sài Gòn, cà phê sữa đá - một sáng tác nhẹ tênh với giai điệu tươi tắn, trong trẻo của anh - được nhiều người trẻ hát vang mỗi khi nhâm nhi một ly cà phê sữa đá...

Và không hẹn mà gặp, một sáng chủ nhật vàng óng nắng, nhiều người tản bộ tại công viên Gia Ðịnh tình cờ gặp lại "chàng pha cà phê" Hà Okio đang ôm guitar, ngân nga "cho tôi một ly cà phê, cà phê sữa đá... Cho tôi ngồi bên hàng cây, hàng cây tán lá..." giữa một góc nhỏ trên đường phố TP.HCM. Nhiều người chỉ vô tình đi ngang qua, tò mò dừng xe lại... ngó, có người thuộc bài, khe khẽ hát theo... rồi chẳng mấy chốc đám đông đã tạo thành một vòng tròn, mải mê thả hồn với chàng ca sĩ vui tính.

Không chỉ có Hà Okio, "sân khấu tự phát" ấy tiếp tục được làm nóng với sự hồn nhiên, tươi tắn của ca sĩ Thái Trinh, sự sôi động và trẻ trung của ba chàng trai trong nhóm It’s Time. Một vài sự cố không mong muốn cũng đã xảy ra khi It’s Time trình diễn: đang say sưa thì dây đàn của một thành viên bị đứt, chuẩn bị hát lại thì âm thanh lại có vấn đề và cuối cùng đến đoạn cao trào thì bỗng đâu xuất hiện hai khán giả nhí... giành sân khấu để nô đùa! Những điều tưởng chừng sẽ gây phiền toái ấy lại trở thành những trục trặc đáng yêu làm ca sĩ thích thú, khán giả vui cười và càng vỗ tay cổ vũ lớn hơn giữa một khoảng không thoáng đãng, xanh tươi ngoài trời...

Biểu diễn nghệ thuật đường phố không phải là hình thức biểu diễn mới lạ tại các nước cũng như tại VN. Với quy mô đơn giản, những buổi biểu diễn này thường lấy "bối cảnh" chủ yếu tại các công viên, góc phố... Nằm trong dự án Tôi yêu sự sẻ chia do Ngân hàng Ðông Á thực hiện, chương trình vừa diễn ra sáng 8-4 tại công viên Gia Ðịnh đã thật sự mang lại cho người nghe những giây phút thư giãn nhẹ nhõm, tươi vui với âm nhạc hòa cùng nhịp thở phố thị.

"Hãy đến các công viên trong thành phố vào sáng chủ nhật hằng tuần để hòa mình vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Chúng tôi yêu bạn và yêu sự chia sẻ!" là thông điệp nhẹ nhàng mà ý nghĩa của những người thực hiện chương trình. Tôi yêu sự sẻ chia hứa hẹn sẽ mở rộng quy mô trên toàn quốc và kéo dài đến hết năm 2012.

THU HÀ - MINH TRANG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Festival Huế 2012

Tác phẩm sắp đặt Nguồn thơ bị phá nát



TTO - Tác phẩm sắp đặt Nguồn thơ của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh (Huế) trưng bày tại Nhà kèn trong công viên 3-2, bên bờ sông Hương (TP Huế), phục vụ Festival thơ đã bị phá tan tành chỉ trong một đêm.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=557730
Tác phẩm sắp đặt Nguồn thơ đã bị kẻ xấu phá tan tành - Ảnh do họa sĩ Đinh Khắc Thịnh cung cấp



Họa sĩ Đinh Khắc Thịnh cho biết tác phẩm sắp đặt Nguồn thơ được làm từ hơn 1.800 con chữ xốp, treo đính chuỗi trên những sợi cước, nối từ mái Nhà kèn xuống nền và những con chữ còn được rải ngẫu nhiên dưới sàn nhà để du khách có thể dùng chữ ghép thành những câu thơ, bài thơ yêu thích.

Do không có bảo vệ canh giữ nên tác phẩm của ông đã bị kẻ xấu phá tan tành chỉ trong đêm 7-4, khi vừa ra mắt công chúng được vài giờ. Họa sĩ Thịnh cùng các cộng sự đã làm việc liên tục trong cả ngày 8-4 để sắp đặt lại tác phẩm đã bị phá nát. Tuy nhiên, do thời gian gấp rút, tác phẩm Nguồn thơ mới chỉ hoàn thành được 60-70% so với tác phẩm sắp đặt ban đầu.

Sáng 9-4, theo ghi nhận của TTO, tác phẩm sắp đặt tiếp tục bị xâm hại, toàn bộ những con chữ rời được rải dưới mặt đất để du khách tham quan sắp xếp thành những câu thơ đã bị lấy cắp, chỉ còn lại những con chữ được treo ở bên trong Nhà kèn.

Họa sĩ Thịnh nhìn tác phẩm sắp đặt của mình bị phá nát, chua xót: “Khi xây dựng tác phẩm  tôi mong muốn những người yêu nghệ thuật, yêu thơ đến đây có thể dùng những con chữ có sẵn để tạo nên những câu thơ ý nghĩa, nhưng giờ thì ý tưởng đó đã bị phá nát. Tác phẩm mới không còn mang ý nghĩa trọn vẹn như ban đầu”.

NGUYÊN LINH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vodanhthi đã viết:

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=557730
Tác phẩm sắp đặt Nguồn thơ đã bị kẻ xấu phá tan tành - Ảnh do họa sĩ Đinh Khắc Thịnh cung cấp


Họa sĩ Thịnh nhìn tác phẩm sắp đặt của mình bị phá nát, chua xót: “Khi xây dựng tác phẩm  tôi mong muốn những người yêu nghệ thuật, yêu thơ đến đây có thể dùng những con chữ có sẵn để tạo nên những câu thơ ý nghĩa, nhưng giờ thì ý tưởng đó đã bị phá nát. Tác phẩm mới không còn mang ý nghĩa trọn vẹn như ban đầu”.
Như vậy thì có thể nói rằng, ngoài nghệ thuật sắp đặt, chúng ta còn có cả nghệ thuật phá phách nữa. Tiếc thay, các cụ đã dạy rồi "làm mới khó chứ phá thì dễ như bỡn".
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đạo sách nhưng vẫn trúng giải



Gần đây dư luận trong giới nhiếp ảnh, đa phần là Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN, trong đó có nhiều vị lão thành thuộc thế hệ “ cây đa- cây đề” bức xúc về một giải thưởng được trao cho “công trình lí luận phê bình”, cuốn “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới” của tác giả Trần Mạnh Thường được trao giải B, bị khui ra là đạo văn.

http://laodong.com.vn/Image.aspx?id=57375&ts=425&lm=634692216388800000



Công luận lên tiếng
Để tìm hiểu và rộng thông tin trong vụ “bê bối” mà dư luận và anh em trong giới nhiếp ảnh quan tâm, tác giả bài viết đã tìm gặp nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN để tìm hiểu về đường đi của cuốn sách “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới” của tác giả Trần Mạnh Thường.

Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành cho biết cả ông và ông Trần Mạnh Thường đã có thời gian sống làm việc tại CHDC Đức và ông Chu Chí Thành có trong tay cuốn sách “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới” của Beaumont Newhall, do NXB Chirmer-Mosel (CHLB Đức) phát hành.

Trò ảo thuật
Năm 1999, cuốn “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới” được NXB văn hóa Thông tin ấn hành. Có lẽ đây là cuốn sách bằng tiếng Việt đầu tiên về đề tài này, số lượng phát hành 1000 cuốn. Cuốn sách dày 520 trang, có 16 chương kèm với 96 ảnh minh họa của các tác giả nước ngoài và 4 ảnh của VN.

Là một nhà lí luận, nghiên cứu, phê bình, ngay đầu trang 2  tác giả đã không quên có lời phi lộ: “Chân thành cám ơn ông Lê Phức trong việc góp nhiều ý kiến sâu sắc và có hiệu quả cũng như cung cấp tài liệu tham khảo có giá trị để hoàn thành cuốn “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới” này”. Thời gian này ông Lê Phức là Tổng thư kí Hội NSNAVN.

Trang sau cùng cuốn sách ghi Biên tập: Mạnh Thường- Lê Phức. Chịu trách nhiệm XB: Quang Huy. Biên tập Trần Long. Vẽ bìa: Vũ Anh Chương. Sửa bản in: Thanh Hà, nhưng khi phát hành thì mặt in này đã bị nửa trang giấy dán đè lên, coi như xóa bỏ chức trách của những người trong NXB nơi ông Thường công tác. (Ông Trần Mạnh Thường lúc đó đang là Biên tập viên Nhà XB Văn hóa).

Ban đầu người ta ngỡ là sai sót do lỗi sắp chữ. Nhưng sau mới biết, các anh chị em trong NXB yêu cầu bỏ tên mình để khỏi phiền toái, vì có người thấy nghi nghi… Ở thời điểm này thị trường sách VN chưa thấy xuất hiện đầu sách bản gốc tiếng Anh và bản dịch tiếng Đức về “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới” của Beaumont Newhall nên không rõ gốc tích. Vậy là lần thứ nhất ông Thường đã “úm” được NXB của mình. Sau đó một năm sau, năm 2000, tác giả mang cuốn sách đến Hội NSNAVN xin tài trợ và đã được Hội đồng của Hội duyệt tài trợ.

Khi ông Mạnh Thường nhận được tiền tài trợ của Hội NS- NA-VN, một thời gian sau có người phát hiện, cuốn “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới” do Mạnh Thường đứng tên tác giả không phải do ông viết mà đây là sách dịch thuật (ông đã thuê dịch) từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Nhưng sự việc đã rồi, tiền tài trợ ông đã bỏ túi, vì vậy anh em trong Hội bỏ qua không muốn làm rùm beng, Như vậy ông Mạnh Thường lại trót lọt lần thứ hai.

Bẵng đi tròn 10 năm, cuốn sách “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới” lại đươc NXB Sân khấu phát hành. Trên đầu bìa một và bìa lót in “Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh HN”. Dưới là tác giả Trần Mạnh Thường. Một lần nữa nó lại được mang đến Hội NSNAVN đăng kí xét giải thưởng năm 2011 (lúc này Ban chấp hành Hội NSNAVN mới được bầu cuối năm 2010, phần lớn là người mới, Tân Chủ tịch Hội là ông Vũ Quốc Khánh).

Trao giải sai địa chỉ
Điều kì lạ cuốn “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới” vẫn được xét thưởng giải B về thể loại tác phẩm nghiên cứu, biên soạn nhiếp ảnh, mặc dù trước đó có vị đã từng giữ trọng trách trong Hội cảnh báo cuốn sách có “vấn đề”…

Hàng năm Hội NSNAVN, được nhà nước cung cấp cho số tiền để hỗ trợ anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tác và xét giải thưởng về hai thể loại nhiếp ảnh và sách biên soạn nghiên cứu, phê bình nhiếp ảnh. Đây là việc làm nhằm khích lệ những người có công sức tìm tòi, khám phá những tác phẩm ảnh nghệ thuật cũng như biên soạn sách nghiên cứu lí luận phê bình nhiếp ảnh.

Rất tiếc trong đợt xét duyệt trao giải B năm 2011 cho “tác phẩm biên soạn nghiên cứu” cuốn “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới” lần này lại nhầm “địa chỉ, sai đối tượng”, nó hoàn toàn không phải là công trình nghiên cứu gì cả mà đúng nghĩa gọi là “đạo sách”. Tác giả Trần Mạnh Thường đã bê cả 16 chương của cuốn “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới” bằng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ tên tác giả để thay tên mình trên đầu bìa sách.

Đây là việc làm đã vi phạm bản quyền tác giả. Vừa qua trên báo chí ông Mạnh Thường cũng đưa ra vài lí do đổ lỗi do NXB nhầm lẫn, nhưng hoàn toàn không thuyết phục vì không có chuyện nhầm lẫn đến lần thứ hai khi mà cuốn sách “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới” do NXB Sân khấu phát hành vẫn thấy tên tác giả Trần Mạnh Thường trên bìa sách?

Chủ tịch Hội NSNAVN Vũ Quốc Khánh trả lời trước báo chí về việc xét thưởng giải B cho một tác phẩm được đánh giá là dịch thuật chứ không phải là công trình nghiên cứu, biên soạn đã làm cho đa số Hội viên Hội NSNAVN thất vọng… Ông đưa ra những lập luận, so sánh có vẻ khập khiễng. Đại để, với giải thưởng chỉ là 8 triệu cũng xứng đáng với công sức của tác giả…

Thời gian gần đây trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về những vụ đạo nhạc, đạo văn, thơ, đạo tranh và có cả đạo ảnh… Đây là những việc làm thiếu đạo đức của một số người không muốn mất công sức trong lao động nghệ thuật, nhưng lại muốn hưởng danh lợi. Thiết nghĩ xã hội cần lên án những việc làm thiếu lành mạnh, đừng để “chỉ vì con sâu làm rầu nồi canh”.

Khánh Duy  (Báo Lao Động)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Từ bún cháo "chửi" nghĩ đến văn hóa lạ lùng của Hà Nội

Bài đăng trên VietNamNet 13/04/2012 02:12:35 PM (GMT+7)

Người Hà Nội bây giờ “dễ tính” và “cam chịu” quá nên mới đến mức đi ăn phải chịu nhục vì chửi, sáng ra đi chợ bị chửi, vào cơ quan không được việc bị chửi, đến cơ quan y tế, công quyền cũng bị chửi, đi trên đường bị chửi té tát thậm chí có thể gây chiến tại chỗ…

Muôn kiểu chửi

Anh Nguyễn Văn An (lập trình viên máy tính của công ty phần mềm CNC, Hà Nội) có kể lại việc làm gây bất bình của chủ quán họ “vô học”. Anh bức xúc “chúng hành xử với thượng đế như là bọn du côn, bất cần đời ấy”. Sự việc bắt đầu từ cô gái người Sài Gòn ra Hà Nội công tác khi rẽ vào một quán bún chả ven hồ Trúc Bạch ăn khi tính tiền thì cô này bị “lấy đắt gấp đôi” vì trót để lộ mình là người Sài Gòn.

Khi cô gái thắc mắc về giá cả đắt thì được chủ hàng phán “ngồi ăn chỉ biết ăn đứng lên là phải tính tiền có gì phải thắc mắc nhiều”. Bất bình quá, anh An lao ra vạch mặt việc bắt chẹt khách Sài Gòn thì bị chủ quán quát đến hãi “thằng nhãi này, mày muốn gì hả định làm anh hùng rơm chắc”, “còn không mau cuốn xéo đi”.

Vì cũng nóng tính nên máu liều của anh nổi lên, hai bên đôi co dữ dội với nhau. Đến khi hỗn loạn, ông chủ quán này đã cầm dao ra dọa “mày còn muốn sống không?”. Bó tay với kiểu làm ăn này, anh An “sợ chừa đến già” với kiểu chủ quán bún chửi du côn này.

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/04/13/14/20120412082855_1-4.jpg
Quán bún "chửi"



Anh Đình Việt (sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân) ở trọ khu Cầu Giấy còn bức xúc “thích thì chửi bới đủ trò, thích thì đánh nhau vì mấy số điện, vài đồng tiền nước bọn chủ nhà trọ là một lũ khát tiền cả”. Anh Việt vừa nói, vừa nghĩ đến vụ hôm trước bị chủ nhà trọ đuổi giữa đêm. Việt kể, ông chủ trọ này là một con nghiện bài bạc, rượu chè, gái gú …mỗi khi thua bạc có khi cả xóm sẽ bị đuổi ngay giữa đêm.

Cách hành xử vô đạo đức của tên chủ trọ đã khiến Việt phải lang thang suốt đêm tìm phòng trọ mới trong thời tiết vô cùng lạnh giá của mùa đông. Đối với chủ trọ quái ác này, việc đuổi sinh viên ra đường giữa đêm là một thú vui để giải stress mỗi khi thua bạc, nhìn thấy sinh viên lầm lũi dọn đồ trong đêm là “hắn cười khoái trá rất vô nhân tính”- Anh Việt tố cáo.

Anh Việt còn cho biết, rất nhiều sinh viên còn lâm vào hoàn cảnh trớ trêu hơn đó là bị chủ nhà đánh và đuổi đi. Với uy thế nhà cao cửa rộng, các chủ trọ thường xuyên quát mắng, chửi bới, thậm chí có chủ trọ còn có nguyên tắc bất di bất dịch “nói không nghe thì phải đánh”. Nếu không tin, thì các bạn có thể đến khu trọ HITC, Xuân Thủy, HN để nghe những câu chửi mắng, quát tháo tục tĩu như cơm bữa từ những chủ trọ giữa thủ đô.

Chị Thu (công nhân ở trọ nhà ngõ 233, Xuân Thủy) có cho biết “toàn lũ vô học khát tiền, suốt ngày chửi bới nọ kia kiếm cớ để thu thêm tiền”. Chả là chị Thu ôm trước đã phải đóng nguyên văn tiền nhà một tháng mà không được ở nên chị rất bức xúc. Nếu như không đóng chị sẽ bị cả nhà chủ gần hơn 10 người chửi té tát và dùng vũ lực uy hiếp. Nghĩ đến cảnh ở trọ đất Hà Nội, nhiều lần chị vẫn còn ngao ngán đến tận cổ với cách hành xử vô văn hóa này.

Hầu hết người Việt đều có tâm lí của những người dân “làng Vũ Đại ngày ấy” lầm lũi ăn bát phở mà bà chủ quán không ngừng văng tục, chửi thề và cổ súy rằng “chắc không chửi mình” và “cứ ăn thôi miễn là no làm việc gì cũng được”.

Nhiều khi tôi nghĩ sao một số người Hà Nội bây giờ giỏi thế có thể chịu được “miếng ăn là miếng nhục” đặc biệt thói quen dễ dãi trong ăn uống đã khiến các quán ăn bẩn tung hoành trên đường phố một cách ngang nhiên.

Thậm chí, dù người chủ nhà có ghê ghớm chửi đánh một ai trong xóm trọ thì những người ở cùng chỉ biết thở dài mà không lên tiếng bênh vực dù người đó có đúng đi chăng nữa.

Hầu hết đều có tâm lí rằng “không động đến quyền lợi của mình thì thôi” vì vậy những nhà trọ kiểu này vẫn tác quái khắp thủ đô. Văn hóa nhẫn nhục của một số người Hà Nội giỏi đến thế là cùng?!

Khách "được" ăn giày vào mặt

Có lần được chứng kiến, một vị khách bị tên chủ quán bún ốc đuổi đánh giữa đường và ngay sau đó được ăn ngay cả một cái giày vào mặt. Anh Thắng (Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy) cho biết “vị khách Sài Gòn đó chắc hoảng đến già, không dám bước chân ra Hà Nội vì đi ăn bún mà được ăn ngay cả một cái giày”.

Anh Thắng kể, hôm đó một vị khách bước vào quán bún ốc ở Nghĩa Tân, vị khách này liên miệng kể về quán ăn Sài Gòn lịch sự và đồ ăn ngon hơn ở Hà Nội nhiều.

Bỗng chủ quán đang thái thịt quay lại mắng “Thế thì cút vào Sài Gòn mà ăn ra đây vào quán tao làm gì”. Vị khách này choáng váng, tức giận và lên tiếng đáp lại ông chủ quán. Kết quả là vị khách bị người chủ quán cho ngay cái giày vào mặt. Có lẽ người chủ quán muốn để một kỉ niệm nhớ đời ở Hà Nội cho anh chàng người Sài Gòn tự hào về quê hương mình.

Chuyện người Hà Nội quá quen với đủ kiểu chửi, quát mắng của các chủ hàng quán xá và “lầm lũi” ăn vì “nghĩ có động đến mình đâu” đã tạo ra một thứ văn hóa mới là văn hóa chửi bới. Nhiều người Sài Gòn rất sợ ra Hà Nội, vì không quen với cách ăn uống và hành xử của các chủ quán xá. Thậm chí khi nhận được lệnh công tác ra Hà Nội một tháng có người Sài Gòn còn giả vờ ốm để không phải ra đây thưởng thức trọn văn hóa chửi.

Anh Văn, một người Sài Gòn ra công tác ở Hà Nội hơn một tháng chia sẻ “tôi đã được thưởng thức trọn thứ được gọi là văn hóa chửi bới, văng tục ở quán ăn hàng ngày”. Hơn một tuần nay la cà quán xá, anh Văn cho rằng “người Bắc ăn bẩn quá! Muốn có vịt quay phải đợi bà chủ vào nhà vệ sinh lấy vịt ra mới có”. Vì chật chội nên nhiều hàng quán để vịt ngổn ngang trong nhà vệ sinh là có thật.

Anh Văn kể “những bạn bè của tôi sợ ra Hà Nội lắm, mỗi lần ra là mỗi lần kinh sợ có người cạch đến già không dám ra thủ đô chỉ vì người Hà Nội mới bây giờ ghê ghớm, chua ngoa và thiếu văn hóa với thượng đế quá”. Đặc biệt, nhiều người Sài Gòn đi ăn hàng quán ở Hà Nội có thể bị bắt chẹt trả gấp đôi, gấp ba gây bức xúc.

Trên thực tế, nhiều người ở các tỉnh miền Nam ra Hà Nội đã “một đi không trở lại” với thủ đô chứ đừng nói gì đến khách du lịch nước ngoài.

H.B
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nghe kể mà kinh quá bác ạ! Từ trước đến nay vẫn nghĩ đến cụm từ "Hà Nội nghìn năm văn hiến..."
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Dòng chảy bolero trong tâm thức người Việt

Bài 1: Cảm thức về dòng ca khúc bolero Việt



SGTT.VN - Nhạc sĩ Thanh Sơn đã ra đi như dòng nước sông Seine chảy qua cầu Mirabeau mà thi sĩ G. Apollinaire ghi nhận là nước chảy nhưng ông còn đọng lại.

Dòng nước bolero Thanh Sơn trôi đi, nhưng bao nhiêu người còn đọng lại với bolero của Nỗi buồn hoa phượng, Lưu bút ngày xanh… Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu loạt bài về dòng nhạc bolero mà nhạc sĩ Thanh Sơn đã đóng góp không nhỏ.


http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=171621
Ca sĩ Hương Lan, môt trong những giọng ca bolero mùi mẫn và ngọt ngào nửa thế kỷ nay.



Như nhiều nội dung khác, phần kết luận về sự xuất hiện các dòng tân nhạc Việt Nam không đạt đến tính thống nhất về các giá trị. Nhưng sức sống của dòng nhạc bolero thì lại vượt qua khỏi những đánh giá chính thống – hàn lâm và tự nhiên kết tinh thành giai điệu lấp lánh trong một phần riêng của tâm hồn nhiều thế hệ người Việt.

Có thể ai đó mà khả năng thẩm âm của họ được giáo dục để chỉ cảm thụ nhạc giao hưởng, opera… nhưng liệu có chắc là không hề có cảm xúc gì khi bên tai bỗng vang lên giai điệu của một bản bolero, nhất là khi tình trạng cảm xúc họ đang có nhu cầu tự tình trước cảnh trí thiên nhiên hay nỗi niềm nhân thế. Có thể ai đó chỉ thuộc giới bình dân ít học, việc họ đón nhận điệu thức và ca từ bolero không phải là để thay thế câu ca dao, điệu hò, bản vọng cổ mà chính là để lấp đầy nhu cầu muốn cất giọng tự tình nâng cảm xúc bản thân sao cho khớp với những biến động nhân sinh, phận người đa đoan, tình người dâu bể.

Người ta có thể kể về trường hợp cây đàn ghita du nhập và đã trở thành cây đàn ghita phím lõm, một tài sản vô giá của đờn ca tài tử, vọng cổ, sân khấu cải lương. Và sẽ là bất công nếu không tin rằng trong những điệu tân nhạc du nhập vào Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20, điệu bolero bỗng nhiên trúng khía một cách kỳ lạ với nhu cầu tự tình của người Việt. Tất nhiên để đạt được chuyện gãi đúng chỗ ngứa, điệu bolero phải được chế cho khớp để xe duyên, để có cuộc hôn phối với chất cảm âm Việt. Và nếu nhìn vào sức thuỷ chung của cuộc hôn phối này rồi đem so với việc du nhập các dòng tân nhạc khác cũng như đặt cạnh những giá trị lớn khác từ văn hoá phương Tây, thì đây là một trong những cuộc hôn phối sâu rộng – tròn đầy.

Trên con đường bolero – tự tình, nhiều thế hệ người Việt từ lúc học tiểu học đã cất giọng: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…” Nhiều thế hệ nhạc sĩ sáng tác ca khúc bolero đã đặt được chất trong sáng của giai điệu bolero và ca từ vào tâm hồn tuổi học trò. Và rồi những cô cậu học trò vào tuổi dậy thì lại ngẩn ngơ thì thầm Ngày xửa ngày xưa, đôi ta chung bước đôi ta chung trường… bolero tự tình tiếp tục rời con đường làng, phố thị tỉnh lẻ đến những ngã ba, ngã tư của những cung bậc gập ghềnh, éo le trớ trêu hơn của tình tự con người với những Nỗi buồn gác trọ, Mưa nửa đêm, Sao chưa thấy hồi âm, Chuyến tàu hoàng hôn… Cứ vậy, điệu bolero chở cảm xúc con người đi, và thật sự bolero Việt đã đi qua biết bao là biến động nhân sinh, kể cả những khổ nạn chiến tranh… những nơi chốn mà tưởng chừng chỉ có người may mắn, kẻ mạnh mới có thể tồn tại thì điệu bolero tưởng như uỷ mị, mềm yếu lại là nơi nương tựa, đỡ đần cho tâm hồn con người. Chất tha thiết chia sẻ, giãi bày thiệt lòng, chất réo rắt của suối nguồn buồn vui lúc rịn ra như máu của một vết đau, lúc vỡ oà như mưa lành, như hoa xuân… Và chất tự tình của bolero Việt lại là nơi chốn không gì có thể thay thế, một khi con người muốn tình tự chân thật với mình và với cuộc sống.

Một dòng nhạc, một bài hát luôn có không gian riêng và chỉ khi thuộc về không gian riêng đó hiệu ứng mới đủ làm nên cảm thụ sâu sắc. Nếu nhìn từ góc độ đó, không gian tình tự bolero quả thật rất rộng và sâu. Một ca khúc bolero hay không chỉ làm chủ phạm vi sân khấu biểu diễn, không chỉ nâng dìu cảm xúc người đồng điệu mà còn khiến thính giả hát theo trong đầu hoặc hát thầm trong miệng khi lời ca tiếng đàn vang lên. Hát theo, để đánh thức những chi tiết kỷ niệm! Liệu sự thức giấc của vùng cảm xúc thường tình có phải là chiều chuộng cảm xúc vụn vặt của mình chăng! Làm mình không sang trọng, không trí thức, không xứng, quá sến chăng! Có lẽ đúng vậy và cũng không cần giấu lòng. Bolero là không gian tự sự – tự tình và trong kho báu tình tự có trong mỗi người, điệu bolero Việt luôn là một cơn gió mát thổi qua và làm rung lên những mạch cảm xúc rẻ tiền có, quý giá có, thô vụng có, tinh tế có nhưng hơn hết là rất người và không cần che giấu.

Nếu nói loại ra hoặc bỏ rơi tính tự sự – tự tình trong đời sống âm nhạc thì nhu cầu ca hát của công chúng cũng sẽ không còn. Tất nhiên không sức mạnh nào có thể làm được điều đó, chính vì thế tôi thấy tiếc cho những bạn trẻ không chịu hiểu hoặc không hát được bolero Việt, và mừng vì mình và bạn bè luôn còn nguyên một gia tài ca khúc bolero.

Trần Tiến Dũng
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Dòng chảy bolero trong tâm thức người Việt

Bài 2: Bolero và hoài niệm



SGTT.VN - Thoạt tiên chỉ là cuộc chơi lúc trà dư tửu hậu giữa một số anh em doanh nhân và nhà báo trong một bữa tiệc thân mật tại nhà hàng Blue Ginger.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=172018
Khúc tình xưa – một album rất thành công thuộc dòng bolero của ca sĩ trẻ Lệ Quyên. Ảnh: K.M



Bữa tiệc ấy diễn ra cách nay đã ngoài mười năm khi một anh chàng nào đó trong men vui của rượu vớ lấy cây guitar của nhà hàng và hát một ca khúc theo tiết tấu bolero rất quen thuộc ở phía Nam khoảng thập niên 60 thế kỷ trước. Hầu hết thực khách trong bàn tiệc hôm ấy đều thuộc thế hệ 4X hoặc 5X, từng lớn lên ở miền Nam trước đó, đồng loạt kéo gân cổ hát theo chàng ca sĩ nghiệp dư kia với sự hào hứng bất ngờ. Nhạc bolero mà đem ra hợp ca thì kết quả ra sao ai cũng rõ, nó biến thành sự vui nhộn dù ca từ thê thiết đến mấy chăng nữa. Cho đến một lúc, có ai đó đề nghị phải hát thực sự nghiêm túc, tức phải đơn ca, phải nỉ non kể lể, phải diễn cảm mùi mẫn. Để làm được điều đó buộc phải thuộc trọn vẹn ca từ của một ca khúc bolero. Hầu hết các ca khúc bolero mà anh em “biểu diễn” đều rất thịnh hành ở thập niên 60, 70 do các nhạc sĩ Trúc Phương, Mạnh Phát, Châu Kỳ… sáng tác.

Thế hệ chúng tôi khi là những chàng trai trẻ vừa mới lớn, vừa mới biết rung động bởi câu thơ “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” của Huy Cận thì dòng nhạc bolero đã phổ biến khắp nơi rồi. Thích hay không thì nó vẫn cứ lọt vào tai và nằm khuất lấp đâu đó trong tiềm thức. Có thể chàng trai ngày cũ đã chuyển sang yêu thích các dòng nhạc “sang cả” của Phạm Duy, Cung Tiến… hoặc những ca khúc đẹp như thơ của Hoàng Quý, Tô Vũ, Đoàn Chuẩn… thời tiền chiến. Vậy mà, vào một cơ hội nào đó, trong một cuộc tâm tình bầu bạn bên men say, khi nghe các ca khúc bolero ngày xưa, lòng tự dưng chùng xuống, rưng rưng với kỷ niệm. Tâm trạng ấy hệt như khi ta xếp dọn đống sách báo cũ đã nhiều năm vứt bỏ, bỗng nhặt ra được tập “lưu bút ngày xanh” mấy năm đầu tiên ở bậc trung học với những dòng chữ lưu niệm giữa bạn bè đồng lớp trước khi chia tay nghỉ hè. Những dòng lưu niệm ấy phần lớn đầy sáo ngữ nhưng giờ đây đọc lại ta bỗng run lên vì xúc động trước các hình ảnh của quá khứ ùa về. Sự xúc động ấy chẳng phân biệt “sang” hay “sến”…

Sự thành công quá mức của bữa tiệc “bolero” đầu tiên khiến những bữa tiệc về sau của anh em phải luôn có phần nhạc bolero tự diễn kèm theo như một điều kiện cần và đủ. Dần dà số người tham gia đông hơn, không chỉ là doanh nhân hay nhà báo nữa mà có cả các vị trí thức khoa bảng tốt nghiệp ở phương Tây hẳn hoi, trong đó không ít người mê nhạc hàn lâm thứ thiệt của Bach, Mozart, Beethoven… Những vị này vốn cũng trải qua một thời bolero ở miền Nam trước khi du học, nay tham gia bữa tiệc “bolero” để được sống lại với những kỷ niệm thời trai trẻ. Các bữa tiệc “bolero” ấy dần dà thu hút không chỉ thế hệ 4X, 5X mà còn có cả thế hệ 7X, 8X nữa. Sự tham gia của thế hệ trẻ chứng tỏ sức sống lạ lùng của dòng nhạc này.

Có ai đó đã vui gọi sinh hoạt ca hát của nhóm anh em chúng tôi là “Câu lạc bộ bolero”, hoành tráng hơn nữa là “Hội bolero”. Loại câu lạc bộ bolero này theo tôi nghĩ, chắc phải có hàng vạn trên khắp đất nước.

Với ai thì không rõ nhưng với phần lớn anh em chúng tôi khi tụ tập hát bolero cho nhau nghe cốt chỉ để sống lại một thời trai trẻ của mình, cái thời mà chúng tôi cũng là thành viên trong đám bình dân đại chúng kia. Và để “sống lại” với hoài niệm thì điều kiện cần thiết chính là “không khí bolero” chứ không phải “không gian biểu diễn”. Ở đâu cũng thế, miễn có người đồng điệu là được.

NGUYỄN KHẮC NHƯỢNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [20] [21] [22] [23] [24] [25] [26] ... ›Trang sau »Trang cuối