Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [20] [21] [22] [23] [24] [25] [26] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Xác bụi

Truyện ngắn của NGUYỄN NGỌC TƯ


http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=188937
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần



SGTT.VN - Cái tối trước khi Nhu đi, em cầm tay Nhu luồn vào ngực mình, giọng ríu lại “…nè”. Vì run rẩy mà nuốt mất chữ “Em cho…”. Nhưng Nhu kịp hiểu, bàn tay hấp háy. Rõ ràng là em chỉ hổn hển, không vùng vẫy tí nào vậy mà hai đứa vẫn đạp ngã hũ giấm.

Sáng ra bước vô nhà củi, má em hết hồn tưởng đâu có trộm: mấy bó lá dừa khô dùng để nhen lửa bị tháo bung, giấm chảy chèm nhẹp ra đất, khạp tương thì rơi nắp.

Mùi giấm chuối chua khẳm lẫn lộn mùi đậu tương mằn mặn. Tiếng gà lục cục động ổ. Âm thanh lá dừa khô rột rẹt sột soạt lào xào theo mỗi chuyển động của đôi người. Mấy trái vú sữa chín cây rụng sau cú bay lên của đám chim đêm. Lùi xa hơn, là mùi cám ở nhà máy chà gạo, nơi em và Nhu lần đầu gặp nhau. Mùi bông bần ngát con đường xóm mà hai đứa thường về sau khi coi hát. Đó gần như là tất cả những gì Nhu có cùng em.

Chừng đó thôi cũng đủ, chúng cứ đay đi đay lại thời con gái của em. Đôi khi mùi tương thoảng qua mặt, em mắc cười nghĩ Nhu chơi trò này thiệt nhàm. Nhưng em vẫn không kìm được rùng mình như vẫn luôn rùng mình mỗi khi Nhu ào về mang theo một cảm giác thân thiết gợi nhớ về mối tình đã cũ.

Nhu vẫn thường về trong chiêm bao của em, trong nhân dạng thằng con trai mười chín tuổi. Trẻ hoài. Nhu đu nhánh bần, nói vói xuống, “ê, nhớ anh không ?”. Hoặc thò đầu ra khỏi đám bông lau trắng xốp thở dài sườn sượt, “ở đây lạnh quá chừng”. Hoặc khọt khẹt ho, “rễ cây nó xuyên qua cổ anh rồi”.

- Đừng quên anh, Dịu!

Sau này, Nhu chỉ nói mỗi câu đó, bằng lời nhẹ như gió, hoặc bằng vẻ mặt buồn rượi, da diết, sương khói… làm em choàng dậy, mồ hôi đầm đìa bết dính tóc vào gối. Hôm em lấy chồng, đêm tân hôn Nhu thả vú sữa lơi lịch bịch, mang bao nhiêu mùi giấm mùi tương mùi cám vào buồng, em không biết có nên rên lên để chồng vui hay thôi. Em rên thể nào Nhu cũng mếu máo nghĩ, thôi rồi, em ấy quên mình rồi, quên sạch.

Nhưng em đâu có quên Nhu dễ dàng như vậy. Có thể vì Nhu không để em quên. Từ Nhu chết, em nghĩ mọi thứ quanh mình không có gì là bâng quơ hết, lá xóc nóc nhà xào xạc cũng là bước chân của anh bồ cũ. Những mùi hương phảng phất nửa đêm. Một đóm sáng nhói lên trong đêm tối, tan nhanh như một thứ ảo ảnh. Những giấc mơ mang bóng dáng Nhu buồn rượi. Những hình ảnh quen thuộc trong góc nhà xuồng như đóng cọc vào lòng mỗi khi em bước vào đó lấy trứng gà trên ổ. Cái cảm giác Nhu ở quanh đây làm em cười giòn cũng ngại. Chồng em đã quen việc nửa đêm vợ tự dưng ngồi dậy ngó quanh, thuộc cái nỗi ám ảnh của thằng bạn cùng xóm tên Nhu, nhận ra nỗi đắn đo hổn hển hay không hổn hển của vợ.

Chồng ít chạm vào người em, và hay đi đánh cờ đêm với ông láng giềng. Cửa nẻo lạnh lẽo. Em nghĩ tìm thấy Nhu đã, đưa anh về đất quê nhà, rồi không còn ngoái lại nữa, nhà cửa chắc ấm lên.

Anh Hai của Nhu vẫn thường nói lạ lắm, nhà bên đó toàn người ruột thịt, nhưng không ai mơ thấy Nhu lần nào. Em nghe, vừa thích vừa nặng nề. Nhu chỉ tin cậy và trông đợi vào mình thôi. Mình mà không tìm Nhu thì mặt mũi nào.

Ý tưởng đó bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần, khi thì vì em có bầu, rồi mẹ chồng bệnh, kế tới sinh con, nuôi đứa đầu vừa dứt mũi dãi lòng thòng thì lại nghén đứa thứ hai… Cũng có khi vì manh mối về Nhu mỏng quá, lúc đi thì bảo đi cạo mủ cao su, nhưng tin tức lần cuối là ở bãi vàng. Nhu về thường hơn. Lần gần nhất Nhu lẻn vô chiêm bao khoe cánh tay xăm ba chữ “hận mụt măng”. Tỉnh dậy, em suy đoán trên thân xác Nhu có một bụi tre.

Đàn bà ở xóm Lung hình như ai cũng lấn bấn với người thân xiêu lạc. Mẹ chồng kể hồi đi lấy cốt ba chồng, mẹ cứ khăng khăng với đám thợ đào bới là mất khúc xương giữa hai đùi, “tôi đếm kỹ rồi, còn thiếu khúc đó”. Em cười đến chảy nước mắt. Mẹ lấy ba khi mới mười sáu tuổi, khờ căm, vẫn nghĩ sinh con từ bên hông. Ba bị pháo dập nằm ở miệt Trảng Bom, mẹ chưa kịp gần gũi đàn ông khác, nên không biết cái đoạn xương ấy chỉ là mẫu sụn thỉnh thoảng huênh hoang ta đây dũng mãnh.

Nghĩ, mẫu giữa hai ngón chân cái Nhu chắc thành đất lâu rồi. Nhớ thân thể Nhu và những va chạm vừa hoảng loạn vừa bổi hổi, vừa xa xôi vừa máu thịt, cảm giác đó em không tìm lại được ở chồng. Nên nhiều khi tiếc đến chảy nước mắt ra chớ không phải vừa. Rắn rỏi, chắc nụi, Nhu đã làm em tê mê ú ớ, ngay lần đầu tiên của hai đứa. Thích quá chừng. Hồi chưa có tin báo Nhu bị vùi đâu đó ở bãi vàng, em cứ nghĩ mai kia Nhu về, lại ôm nhau ấy nhẩn ấy nha vào nhẩn ra nha lên nhẩn xuống nha bù cho đêm nào vội vã. Em nhớ đầu gối Nhu bị xước khi quỳ trên nền đất cứng đanh. Nhớ tấm lưng Nhu hay đưa cho em gãi, xuýt xoa khen đã ngứa quá. Gương mặt xương có đôi môi dày, và mớ tóc cháy nắng cứng đờ khi gại trên ngực em làm em kêu nhột… dần rã đi ở nơi nào đó, những ý nghĩ ấy gợi cho em nỗi tuyệt vọng âm thầm.

Nhưng em không cho mình cái quyền được quên. Cảm giác em nói rằng Nhu đang ở bên mình. Kệ em đã là mẹ của hai con vợ của ông chồng hiền lành cộc tính, Nhu luôn chứng tỏ sự có mặt của mình bằng cái mùi giấm bâng quơ, mà nói thiệt, có thanh thoát lãng mạn gì cho cam, nó cứ chua lè chua loét. Trong mớ vũ khí mà Nhu vẫn thường tấn công vào những lúc em chập chờn nửa mê nửa ngủ, chỉ có hoa bần là mát lành nhất, nhưng cũng mỏng manh nhất. Nhu cần thứ gì đó xộc thẳng vào tim óc em, để cái nhớ phải nhảy dựng lên, chong lên ý nghĩ tìm Nhu, phải tìm Nhu.

Có lần, trong lúc cho con ăn, em bận nối những ảo ảnh tìm một manh mối nào đó, lơ đãng để con mắc xương gà. Vừa khóc vừa vác con chạy lại trạm xá, em nghĩ chuyện này phải kết thúc ở đây. Phải kết thúc.

Em đi tìm những ông thầy Ba cốt cô Bảy, nhờ họ vẽ cho một con đường tìm Nhu. Lúc đầu xách nón đi hai thằng con kêu khóc. Sau này tụi nó vẫy tay cười rất tươi. Sau nữa tụi nó hỏi sao lúc này má không đi thầy?

Hôm người nhà Nhu bày mâm cúng vái để bật gốc bụi tre gai ở bãi đất hoang cách quê nhà hơn một ngàn cây số bới tìm xương cốt thằng con trai yểu mạng, em cũng rủ chồng con đi cùng. Hai đứa trẻ đẻ năm một phá như quỷ sứ, thấy người lớn không để ý, liền cầm hai đoạn xương ống làm vũ khí đánh nhau choang choang, miệng còn giả âm thanh chém gió của phim kiếm hiệp. Giây phút đó, dù rất cố gắng, nhưng em vẫn không tìm được chữ nào tử tế, sang trọng để gọi tên mấy thứ bày ra trên tấm vải liệm kia ngoài hai chữ: đống xương.

Cả mùi người, chúng cũng không còn giữ lại.

Mấy đoạn cốt tanh bùn này đã làm cho em đổi tóc xanh thành tóc trắng. Lúc em kêu la chạy theo tụi nhỏ đòi lại hai cái xương, chúng cứ tưởng mẹ giỡn, vì nghĩ thứ này mà quan trọng gì. Cho đến khi nhìn mẹ đổ sụp ra đất, tụi nhỏ cũng chưng hửng. Có gì đâu mà khóc lóc ghê vậy.

Giây phút đó, em tự hỏi mình đã làm chi cuộc đời mình?

.

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

GÃ MẶT TRÒN

Jack London
Lê Vy dịch


(Một câu chuyện về lòng đố kị của con người đến tàn bạo và độc ác nham hiểm không thể tả. Có những kẻ như vậy, ta không làm gì họ, không tranh giành, không thù ghét. Ấy vậy mà sự đố kị xuất hiện trong họ, một con thú ác độc nhất thế gian núp trong hình hài một con người, vẫn không cho chúng ta yên).
Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!



John Claverhouse là một gã có khuôn mặt tròn như mặt trăng; loại khuôn mặt ấy, hẳn bạn cũng biết: đôi gò má phẳng lì, cằm và trán lẫn vào đó làm cho nó đã tròn lại càng thêm tròn vạnh; cả cái mũi cũng vậy vừa thấp, vừa to, nằm chĩnh chện ngay giữa khuôn mặt trông cứ như một cục bột được gắn trên mặt thớt; có lẽ bởi ậy mà tôi ghét gã; đối với tôi sự có mặt của gã đã làm cho trái đất này trở nên chật chội, và gã đã thật sự trở thành một cái gai trong mắt tôi; Người nào khác may ra còn có thể bàng quan coi loại người có khuôn mặt kiểu ấy chả có gì là bất thường, chứ tôi thì tôi ghét cay ghét đắng cái gã John Claverhouse ấy, không phải chỉ vì gã ta đã làm cho tôi trở nên kém cạnh trước mắt bàn dân thiên hạ; còn hơn vậy nữa kìa; cái ác là một cái gì đó bí hiểm, khôn lường, nó mơ hồ, lãng đãng, không làm sao tách bạch ra cho thật rạch ròi được ; trong cuộc sống hình như nó vẫn thường tiềm ẩn đâu đó trong lòng mỗi chúng ta. Lần đầu tiên gặp một người nào đó, một người mà chúng ta hoàn toàn không nghĩ tới , nhưng ngay trong lần gặp đó, chúng ta có ngay ấn tượng là không ưa loại người đó, không biết vì sao, chỉ có thể nói không ưa là không ưa: vậy thôi. Đối với tôi, John Claverhouse chính là một con người như vậy.


Một con người như vậy thì có quyền gì mà sống sung sướng cơ chứ? Trông gã lúc nào cũng phởn phơ, cười cợt, mặt mũi lúc nào cũng tươi hơn hớn; mẹ gã chứ, đối với gã, mọi việc lúc nào cũng cứ suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió! Bất cứ người nào khác cười cợt, tôi chả bận tâm; ngay cả tôi, cũng có lúc tôi vẫn thường cười cợt, vui đùa, nhưng đó là trước lúc gặp John Claverhouse kìa.


Coi cười của gã kìa, nó làm tôi phát điên phát khùng lên được, như thể trên thế gian này không còn cái gì khác có thể làm tôi phát khùng phát điên lên như vậy; cái tiếng cười của gã, nó cứ lởn vởn bên tôi, bám riết lấy tôi; giống như một cái giũa khổng lồ, nó chà xát trái tim tôi cả lúc thức cũng như trong lúc ngủ. Ngay lúc bình minh vừa rạng, xuyên qua cánh đồng cỏ nó đã lồng lộng ùa tới xua tan giấc ngủ nán sảng khoái của tôi; giữa trưa nắng chói chang trong khi đám cây cối rũ xuống và lũ chim đã rút sâu vào rừng, vạn vật trở nên im ắng, tiếng cười hô hố của gã lại vang lên như muốn thách thức cả mặt trời; cả lúc đêm đã khuya, từ trên phố vừa về tới lối rẽ vào nhà, gã lại phá lên cười rộ; tiếng cư̖ của gã dựng ngược tôi dậy, làm tôi trằn trọc không sao ngủ lại được.


Ban đêm, đã nhiều lần tôi lẻn đến, mở cổng chuồng xua đàn gia súc của gã ra đồng; đến sáng, lại nghe tiếng cười rộ của gã và trông thấy gã ta lùa ra đồng luôn những con còn, sót lại ; "Tội nghiệp" - gã nói - "mấy con quái này lại thèm cỏ tươi đây mà!".


Gã có nuôi một con chó, đặt tên là Mars; đó là một con chó đực cao to, dáng điệu hung vĩ, thuộc nòi chó săn. Gã rất khoái con vật, đi đâu cũng dắt theo. Tôi rình mãi, cho đến một hôm gặp dịp, tôi dụ con chó ra ngoài và ném cho nó một miếng thịt bò tẩm mã tiền. Điều đó cũng chẳng làm John Claverhouse động tâm; mặt gã vẫn cứ tươi hơn hớn và do đó, trông lại càng tròn vành vạnh.


Tiếp đó, tôi đốt cả chuồng gia súc và cả cánh đồng cỏ của gã. Sáng hôm sau, nhằm ngày chủ nhật, trông gã vẫn cứ phởn phơ, vui vẻ.


"Ông tính đi đâu vậy?" - tôi hỏi khi thấy gã vừa ra đến chỗ ngả rẽ.


"Đi làm một mẻ cá hồi; tôi khoái cái kiểu đánh cá hồi này lắm!" - gã đáp, mặt gã tròn vành vạnh cứ như mặt trăng đêm rằm.


Có ai như gã không cơ chứ? Đồng cỏ, chuồng trại cháy rụi, huê lợi đi đoong, vậy mà, đối diện với cái đói và mùa đông khắc nghiệt sắp tới, gã vẫn cứ phởn phơ - mẹ kiếp - "đi làm một mẻ cá hồi", chỉ vì "khoái" cái kiểu đánh bắt cá ấy! Phải chi trên khuôn mặt gã lộ ra một chút gì đó có vẻ u ám làm nó chảy dài ra cho bơn bớt tròn đi một chút, phải chi gã bớt ngoác miệng cười đi được một lúc, may ra tôi còn có thể động tâm và để yên cho gã; đã chẳng vậy, sau bao nhiêu tai họa, trông gã lại còn có vẻ phởn phơ tới hơn bao giờ hết.


Tôi sầm mặt lại; gã chăm chú nhìn tôi rồi phá ra cười, vẻ ngạc nhiên:


- Sao, bộ tôi làm ông khó chịu à? - Chưa dứt lời, gã lại cười rộ lên, rồi mới nói tiếp: - Ông tức cười thật đấy! Hô... hô... ha... ha... Ông làm tôi tức cười đến chết mất! Hi... hi... hô... hô... hà... hà...


Gặp trường hợp như vậy, nếu là bạn, bạn thấy sao? Còn tôi, nói có quỉ thần hai vai chứng giám, không hiểu sao tôi lại thấy ghét thậm ghét tệ cái gã John Claverhouse ấy. Lại còn cái họ nữa chứ! Họ quái gì mà lại là Claverhouse! Claverhouse, cái họ sao mà ngớ ngẩn! Lạy Chúa, sao họ của gã lại là Claverhouse nhỉ? Câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu tôi; thà cứ là Jones, là Smith, là Brown đi, có sao đâu, đàng này lại là Claverhoue! Đâu, bạn hãy thử đọc to cái họ ấy lên xem sao: Cla-ver-house, nghe có đần không cơ chứ! Một con người mà lại có thể sống với một cái họ như vậy được à? Hẳn bạn cũng đồng ý với tôi là không, không thể nào sống với một cái họ như vậy được!


Bất chợt, nhớ đến người chủ nợ vẫn thường cho gã vay vốn làm mùa, biết chắc rằng gã chẳng thể nào đến gặp người đó để vay tiếp được nữa vì đồng cỏ chuồng trại đã cháy rụi, tôi liền tìm một người cho vay lãi khác - sắc sảo, kín đáo hơn - chỉ cho y ta đến gặp gã. Tôi không ra mặt, chỉ thông qua người đó, buộc gã ta phải đi đến chỗ phá sản, phải bán tống bán tháo tất cả cơ ngơi của gã. Vài ngày sau, tôi rảo đến, coi xem gã ta ứng phó với hoàn cảnh thế nào, vì từ hơn hai mươi năm nay, gã vẫn sống gắn bó với cơ ngơi đó. Gặp tôi, gã tròn xoe mắt nhìn, mặt giãn ra cho đến khi nó lại tròn vành vạnh như mặt trăng đầy.


"Ha,ha, ha - Gã phá lên cười: - Ông xem, cái thằng bé, con tôi ấy, nó có ngộ không; tôi kể ông nghe nhé, nó chạy chơi ở bờ sông, bất đồ một khoảng bờ sụp xuống làm nước bắn tung toé lên người nó, vậy là nó hét toáng lên: Ôi ba ơi, nước bay lên đánh con kìa!..."


Gã dừng lại, đợi tôi hưởng ứng câu chuyện; tôi nhăn mặt, nói cộc lốc: "Chuyện như vậy thì có gì đáng để cười đâu cơ chứ!"


Gã ngạc nhiên trố mắt nhìn tôi, rồi khuôn mặt lại giãn ra, lại sáng rờ rỡ như mặt trăng đêm rằm, rồi cười phá lên: "Hì, hì... hà hà... chuyện như vậy mà ông bảo không cười cho được à? Hà hà... Ông thấy đấy, cả một khối nước chứ chơi à!...".


Đến nước như vậy thì làm sao mà còn chịu được, tôi tức tối quay lưng bỏ đi; mẹ gã chứ, phải kết thúc chuyện này ngay thôi; lẽ ra, gã đừng nên ra đời mới phải...


Lên đến tận đỉnh đồi, tôi vẫn còn nghe tiếng cười quái gở của gã lồng lộng trong bâu trời. Chính lúc đó, tôi đã quyết định là phải khử ngay cái gã John Claverhouse đó mới được, và giờ đây, tôi có cảm giác thỏa mãn vì đã thực hiện được điều đó một cách hoàn hảo. Lúc đó, tôi đã cố toan tính phải làm cách nào để lương tâm không bị cắn rứt, nhưng kết quả phải thật chắc chắn mới được. Tôi không thích kiểu làm hấp tấp, cũng không thích kiểu làm tàn bạo; đối với tôi, bắn cho gã một phát, đâm cho gã một dao, đập cho gã một gậy,... những cách đó, sao mà tởm ! Phải thật khéo léo, phải thật gọn gàng, và điều cốt tử là phải làm thế nào để mình đừng bị mảy may nghi ngờ. Ở suốt một tuần, cuối cùng tôi cũng tìm ra cách. Bắt tay vào việc, trước hết tôi tìm mua một con chó cái nòi spaniel giỏi lội nước mới non năm tháng tuổi; tôi đặt tên nó là Bellona và ra sức huấn luyện nó.. Ai để ý hẳn sẽ thấy tôi chỉ dạy cho nó mỗi một việc là tìm mang về những đồ vật mà tôi ném đi. Ném một cái gậy xuống nước, tôi suỵt nó lội xuống tìm, không những chỉ mang về, mà phải mang về ngay lập tức, không được gặm hay đùa nghịch với chiếc gậy đó. Mục tiêu nó phải đạt là đem gậy về ngay, càng nhanh càng tốt, không được dừng lại. Tôi tập cho nó chạy đuổi theo tôi, miệng vẫn ngậm chặt chiếc gậy cho đến khi nào đuổi kịp mới thôi. Vốn thuộc nòi chó sáng ý, chẳng mấy khó khăn, nó đã nhanh chóng thành thục trò chơi đó.


Đợi đến lúc thuận tiện, tôi đem Bellona tặng cho John Claverhouse. Vì đã phần nào nắm được điểm yếu của gã, tôi biết tôi phải làm thế nào.
Lúc tôi đưa sợi dây buộc cổ chó cho gã, gã đẩy ra:
- Ông... ông thật lòng không đấy? Tôi biết... tôi biết là ông đâu có ưa gì tôi - Gã nhăn nhở cười: -Nhận quà tặng của ông... hóa ra... tôi...
Ngắm nghía con chó, mặt cố lập nghiêm, gã hỏi:
- Ông đặt cho nó tên gì vậy?
- Bellona. - Tôi đáp.
Mặt giãn ra, gã cười rộ lên:
- Ha... ha... Bellona... Cái tên hay thật đấy!
Giữ vẻ mặt bình thản, đợi gã nín cười, tôi nói:
- Chắc ông cũng biết, Bellona là vợ của Mars * đấy
Mặt sáng rỡ, mất một lúc gã mới buột miệng reo lên:
- Vậy ra... ông cho tôi thật à? Tội nghiệp, nếu vậy thì giờ đây nó góa bụa mất rồi, hà, hà...
Tôi xoay lưng, rảo bước lên đồi.

***
Một tuần trôi qua nhanh, chiều thứ bảy, gặp gã, tôi hỏi:
- Thứ hai ông đi rồi, phải không?
Gã gật đầu, miệng lại toác ra cười.
- Vậy là ông hết còn dịp đi "làm một mẻ cá hồi" rồi nhỉ?
Không để ý đến giọng điệu móc máy của tôi, gã đáp:
- Không chừng ngày mai tôi sẽ ra đó làm một mẻ cuối cùng nữa đó!
Vậy là chắc ăn; tôi quay về nhà, nôn nao đợi.
Sáng sớm hôm sau tôi thây gã xách vợt và túi "đồ nghề" đi về hướng dòng suối, con Bellona lúc thúc chạy một bên. Đã biết chỗ gã thường đánh cá, tôi đi tắt qua cánh đồng cỏ, xuyên qua các lùm cây bụi, leo lên tận đỉnh núi; để khỏi bị người nào đó tình cờ trông thấy, tôi đi vòng gần hai dặm đường rồi men xuống chỗ lùm cây rậm rạp bên sườn núi, gần chỗ con suối đổ vào lòng hồ có các tảng đá bao quanh. Lòng hồ đó là nơi gã vẫn thường đến đánh cá. Chọn một hốc đá kín đáo. Nhưng từ đó có thể quan sát toàn cảnh bên dưới, tôi ngồi xuống, lấy ống tẩu nhồi thuốc hút.


Thời gian chậm rãi trôi, mãi một lúc sau mới thấy John Claverhouse đi ngược dòng suối lên tới chỗ lòng hồ, Bellona chạy quẩn dưới chân gã. Đến nơi đã chọn, gã thả vợt và túi "đồ nghề" xuống tảng đá cạnh bờ hồ, rồi móc túi lấy ra một thỏi trông giống như thỏi nến nhưng khá to; tôi biết ngay đó là cốt mìn, loại phương tiện gã vẫn thường dùng để đánh cá hồi. Dùng một sợi dây, gã quấn chặt dây cháy chậm vào thỏi cốt mìn rồi châm lửa, ném mạnh vào hồ.


Như một tia chớp, Bellona phóng vào hồ về hướng thỏi cốt mìn vừa rơi xuống; tôi muốn cười phá lên khi nghe tiếng Claverhouse réo đến thất thanh nhưng cũng chẳng ăn thua, gã vơ đá ném theo nhưng Bellona đã ngụp xuống ngoạm lấy thỏi cốt mìn rồi quay mình bơi vào bờ. Ý thức được mối nguy, Claverhouse co giò chạy. Đúng như tôi tiên liệu, Bellona vọt lên bờ đuổi theo. Từ lùm cây trên cao, tôi nín thở theo dõi. Trên bờ đá ngổn ngang phía dưới, Claverhouse quýnh quáng chạy, ngay dưới chân y, Bellona chạy theo sát nút. Một chớp sáng, một bựng khói bùng lên, cùng lúc đó là một tiếng nổ kinh hồn. Khói tan, ở chỗ người và chó chạy đuổi nhau giờ đây chỉ còn lại một hõm lớn.


Thật hoàn hảo, cái cách gọn, đẹp mà tôi đã nghĩ ra để khử John Claverhouse; biên bản điều tra ghi nhận: "Chết do tai nạn trong khi đánh cá bằng phương thức bất hợp pháp". Đâu, hẳn bạn cũng đồng ý với tôi là giải quyết như vậy thì có gì để có thể nói là tàn nhẫn, là ác độc, là đáng xấu hổ đâu phải không nào? Sẽ không còn tiếng cười khùng khục vang vọng khắp không an, sẽ không còn khuôn mặt tròn vành vạnh làm tôi gai mắt; giờ thì tâm trí tôi đã có thể yên ổn, đêm đêm tôi có thể ngủ thẳng một giấc được rồi.


Sưu tầm từ internet.


*. Theo thần thoại La Mã, Mars là thần chiến tranh, Bellona là nữ thần chiến tranh một trong những người vợ của Thần Mars.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sói hoàng hôn

Truyện ngắn của VĨNH QUYỀN


http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/220/607220.jpg
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần



TTCT - Chuyến khảo sát hai tuần trong rừng khộp kết thúc với cuộc họp đoàn bên lửa trại. Nói đoàn theo thói quen chứ lúc này nếu không tính con chó săn luôn theo sát chân anh thì chỉ có anh và Katy - nhà nghiên cứu động vật hoang dã đến từ nước Úc.

Ông tiến sĩ lâm sinh trưởng đoàn phía Việt Nam đã chia tay hai hôm trước để kịp bay đi Nam Phi dự hội thảo gì đó. Nài Y Bham thì từ trưa đã ngược suối tìm voi chuẩn bị chuyến thồ về xuôi vào sáng mai. Mỗi lần đoàn dừng chân, voi Y Tun được thả rông kiếm ăn sau khi bị xiềng lỏng hai chân trước.

Cũng chẳng có gì nhiều để nói đối với một chuyến khảo sát thất bại. Cho đến ngày cuối của kế hoạch, Katy và mấy cái bẫy ảnh của cô đã không “chộp” được con sói đỏ Việt Nam nào ngoài những dấu chân tản mạn hiếm hoi của chúng. Thêm nữa anh chỉ là gã dẫn đường kiêm phiên dịch hợp đồng thời vụ, không can dự tới các thứ tài chính hay đề tài khoa học...

Vàng rơm, vàng nâu của tóc, của da dẻ đàn bà Úc, vàng lấm tấm đen của bộ lông óng mượt của con chó đang chuyển nhẹ nhưng khá nhanh, khi sẫm khi sáng theo ánh chập chờn vàng chanh của trăng, vàng cam của lửa, phối thành bức ảnh gam vàng hoang dã nhiều sắc độ trong trí tưởng dàn dựng của anh. Những ngón tay khẽ co duỗi nhưng anh gần như bất động, máy ảnh nằm im trong túi da đặt trên đùi, bởi anh biết trước mình lại sẽ không có được bức ảnh giống bức ảnh đang có trong đầu và mọi thứ sâu lắng đẹp đẽ trước mắt sẽ biến dạng theo chiều hướng xấu đi trước hoặc sau âm thanh bấm máy.

Ý nghĩ đó dẫn anh đến một ý nghĩ khác, là không biết Katy giữ lại hay đã xóa đoạn phim hôm qua?

Chiều hôm qua, nài Bham chuyển vị trí một trong số ba bẫy ảnh mà quên không báo với Katy. Anh ta đặt máy nhìn ra suối lớn, nơi phát hiện dấu chân thú uống nước, buộc thêm túi muối vào gốc cây nằm sát bờ để tăng phần dụ dẫn. Có lẽ Bham hi vọng sẽ giúp Katy ghi nhận được sự tồn tại của loài sói đỏ đang tuyệt chủng ở đây. Thế rồi sáng nay, sau bữa điểm tâm, Katy và anh kiểm tra kết quả ngày làm việc cuối cùng. Hai người chết ngây khi thấy máy bẫy trúng trường đoạn cô chủ tắm suối, phơi mở thân trần trong ráng chiều rực rỡ. Katy ngượng đến không thể phản ứng gì. Anh chủ động tắt bụp màn hình, nói vu vơ vẫn không thấy sói đâu, rồi bước ra khỏi lều, châm thuốc hút.

Nếu có cơ hội trở lại đây nghiên cứu, tôi mong được ông giúp đỡ, như ông đã làm rất tốt trong nửa tháng qua, Katy bỗng lên tiếng, giọng vừa như biết ơn vừa như có chút gì cố tạo không khí cần thiết cho một buổi tối làm việc.

Anh gật đầu, hàng ria mép dày rậm hơi dãn ra và cong lên theo cái cười mỉm xã giao.

Không bị trở ngại ngôn ngữ trong công việc, ông đúng là mẫu người các đoàn khảo sát quốc tế cần đến, Katy nói tiếp, rồi hỏi sau một lúc im lặng, ông học tiếng Anh ở đâu?

Đại học, anh đáp nhát gừng, nghĩ thầm cô không thể biết những con chữ ấy nhọc nhằn thế nào, ý nghĩa thế nào với tôi đâu.

Ngọn lửa giữa anh và Katy đã yếu, mềm ẻo như mấy mảnh lụa chấp chới chiều thẳng đứng. Tiếng đập cánh phành phạch của con chim lớn ngái ngủ trong lùm cây gần đấy và bản hòa tấu tùy tiện giữa dế, tắc kè, ve rừng vây quanh cũng đang lúc cao trào làm tăng bầu không khí trầm lắng giữa hai người. Và vẻ mặt chờ đợi thật thà đến tội nghiệp của Katy khiến anh phải hắng giọng, nói đôi điều. Rằng anh ôm sách đi học ngoại ngữ ngay những ngày chân ướt chân ráo trở lại đời thường sau mười năm là lính trinh sát vùng biên với một mảnh pháo của bọn phỉ cắm trong đầu.

Giờ nó vẫn ở đây, vừa nói anh vừa vỗ nhẹ bàn tay vào vùng chỏm, lệch về phía sau một chút. Gương mặt Katy lúc ấy là hình ảnh biểu hiện sự chia sẻ trong bất lực. Nó khiến anh chạnh lòng và cũng nhắc anh nhu cầu nghe chuyện đêm khuya của cô.

Hình ảnh đầu tiên tôi lờ mờ nhận ra sau trận đánh là một bóng trắng ngồi ngay dưới chân tôi đang nằm, nó phát ra từng chuỗi rì rầm không hiểu được, như một dạng cầu kinh vậy, anh tiếp. Đường nét, âm thanh rõ dần, cuối cùng tôi nhận ra mình đang ở trong một bệnh viện quân y. Bóng trắng thực ra là cô y tá trong bộ đồng phục, đang lẩm nhẩm đọc một cuốn sách. Về sau cô gái trẻ ấy cho biết tôi đã hôn mê hơn một tuần, đến nỗi cô có thể vừa canh chừng cái xác sống là tôi vừa tranh thủ ôn thi tiếng Anh lớp đêm mà không bị sếp mắng khi bắt gặp. Không ai nghĩ tôi có thể sống sót, họ gọi tình trạng của tôi lúc ấy là gì nhỉ?

Katy nói một từ nào đó. Anh lắc đầu bảo không đủ từ vựng cho chuyện này. Cô kiên nhẫn giải thích, cuối cùng cũng gợi ra được một khái niệm chuyên môn của ngành y. Anh thốt lên bằng tiếng Việt, à, chết lâm sàng.

Cô y tá hỏi tôi có học tiếng Anh không, tôi bảo học một chút thời trung học, vốn từ giờ chỉ đếm được trên mười ngón tay. Cô ta cười kiểu trẻ con, khoe ảnh chụp kỷ niệm cả lớp vào dịp bế giảng khóa trình độ A trước đó. Tôi lặng người khi nhận ra cô giáo chủ nhiệm là ai.

Người yêu? Katy hơi chồm tới trước.

Anh gật đầu, kể tiếp. Tự đi một mình được là tôi ghi danh lớp tiếng Anh. Tôi hồi hộp, nôn nóng gặp lại người yêu thời trung học, tâm trạng căng thẳng như tâm trạng trước giờ nổ súng. Sau đó tôi nhận ra trong mắt người đàn bà đã có gia đình và hai con ấy tôi chỉ còn là thứ kỷ niệm đáng yêu của một thời trẻ dại. Vẫn không thoát được sức cuốn hút của quá khứ, thỉnh thoảng tôi nhận lời mời đến nhà cô giáo ăn cơm tối như một người bà con xa tình cờ gặp lại trên đất khách. Mỗi lần như thế tôi thường phải chịu đựng những ván cờ nhạt với anh chồng nhạt ở phòng khách trong khi chờ cô ấy làm món nhậu dưới bếp.

Vừa qua được kỳ thi trình độ A thì nhận kết quả giám định thương tật, sau đó tôi ra quân như một thương binh. Bỏ lại mối quan hệ buồn tẻ sau lưng, tôi tìm sự thay đổi cần thiết giữa một Sài Gòn bụi bặm náo nhiệt. Nhưng bằng cách nào đó, cái lớp đêm ngớ ngẩn trong mùa mưa Tây nguyên ấy đã đánh thức tôi, khiến tôi quyết định theo học tiếng Anh ở một trường đại học, và quay về với Tây nguyên sau đó.

Anh dừng lại, châm điếu thuốc.

Katy nhìn gương mặt đàn ông rắn rỏi âm thầm sau làn khói, vẻ hài lòng được chia sẻ câu chuyện khá là riêng tư của một người kín tiếng. Cô nghiêng người, vói lấy chai Blue khỏi balô cạnh đấy, rót hai ly cho hai người. Anh nói cảm ơn, vừa nhấp rượu vừa thầm mong cô sẽ không hỏi tiếp là làm thế nào anh thuộc rừng như thuộc bàn tay mình. Nhiều người vẫn hỏi thế khi đồng hành với anh.

Không thích nói dối, nhưng anh cũng không muốn nói thật trong trường hợp này rằng anh vốn là thằng con hoang của rừng. Những năm làm phó giám đốc kỹ thuật lâm trường anh đã góp phần làm cho rừng nghèo đi, và trước đó nữa, thời gian còn là lính trinh sát, anh đã bắn chết bao nhiêu là thú để cải thiện bữa ăn cho tiểu đội, kể cả những con chó rừng lông đỏ mà Katy đã bay từ Úc sang chỉ để mong mỏi ghi nhận sự sống sót của chúng...

Katy định tiếp tục câu chuyện thì dừng lại bởi tiếng khịt mũi liên tục của con chó. Từ tư thế nằm kê mõm lên hai chân trước nó nhổm hẳn dậy, mắt long lanh bắt ánh lửa, mũi hếch cao về hướng đầu nguồn. Dường như hương mùi thoáng qua trong không khí chưa đủ xác tín điều gì, con chó dịu xuống, nhưng vẫn đứng với cái đuôi dài dựng cong.

Nó chưa sinh đẻ lứa nào, phải không? Katy chuyển câu chuyện phiếm từ ông chủ sang con chó cái. Anh gật đầu, biết cô có thể đọc được tiểu sử con vật khá chính xác qua vẻ ngoài và những biểu hiện của nó. Ngoại đạo về động vật học như anh, nhưng với nhiều năm gần gũi với chúng, anh cũng đoán được phần nào tính cách, giá trị của một con chó trông thấy lần đầu.

Ông gọi nó là Lài, nghĩa là gì vậy, bởi tôi biết người Việt đặt tên cho người, cho thú vật phần lớn đều gắn với ý nghĩa nào đó, Katy nói.

Anh bảo thật ra anh đã gọi con chó theo cách của chủ cũ, một người Mông ở Lai Châu đi kinh tế mới Tây nguyên, lúc ấy nó vừa được 3 tháng tuổi. Anh cũng đoán Lài là cách nói trại âm lai, chỉ chung giống chó phối giữa chó săn của đồng bào dân tộc và chó rừng. Loại này bây giờ rất hiếm, vì như cô biết đấy, chó rừng gần như đã tuyệt chủng.

Con Lài vẫy đuôi, mũi hướng phía thượng nguồn hít lấy hít để, rồi rít lên bồn chồn.

Chắc nó đánh hơi Y Tun đang về tới, anh nói.

Katy nhìn con Lài rồi lắc đầu, tôi nghĩ nó bắt được mùi đực, nhìn giữa hai chân sau của nó thì biết, đang cuối xuân mà, bắt đầu mùa động dục của loài chó...

Anh không nhìn con chó mà nhìn vào Katy, cô biết không, tôi cũng có khả năng nhìn là biết đã lâu cô không làm chuyện ấy. Tất nhiên anh không nói ra điều đó, chỉ có hàng ria mép dày rậm khẽ máy động theo nụ cười hóm thoáng qua, và anh lái câu chuyện sang hướng khác.

Hôm họp báo ở Buôn Ma Thuột, khi cô nói đến dã thú hoàng hôn, nếu không có chữ chạy trên màn hình, chắc tôi nghĩ mình nghe nhầm và không tự tin khi phiên dịch, anh nói.

Katy mỉm cười nói vậy hả, sói thuộc loài dã thú hoạt động tích cực vào sáng sớm và hoàng hôn nên các nhà khoa học dùng hình ảnh đó để định danh.

Có phần lãng mạn bất ngờ đối với các nhà khoa học, anh nói và hỏi cô cũng lãng mạn chứ?

Katy lại cười, lần này thành tiếng, tôi không biết nữa. Rồi cô uống cạn phần rượu còn trong ly, đứng lên, nói là còn tiếc con suối, muốn được tắm một lần nữa trước khi rời khỏi chỗ này.

Anh châm điếu thuốc mới, không nói gì.

Canh chừng cho tôi nhé, Katy nói trong khi quay lưng đi về phía bờ suối cách chỗ anh chừng ba bốn bước chân. Sau một thân cây, cô thong thả cởi bỏ áo quần, đặt lên phiến đá. Bóng trăng vỡ tan khi cô nhúng chân xuống nước. Đến chỗ mực nước lên quá bầu ngực, Katy mới quay lại phía anh nói mát lắm, ông thử đi...

Anh cảm ơn nhưng tiếp tục ngồi bên ngọn lửa, hút thuốc.

Khi Katy khuyến khích lần thứ hai, anh chậm rãi nói cô biết không, từ lúc mười tuổi tôi đã không cởi áo trước phụ nữ, kể cả mẹ tôi.

Thật sao, Katy ngạc nhiên và không biết phải nói gì thêm với một câu chuyện không thể lường trước.

Anh ném điếu thuốc hút dở vào bếp khiến ngọn lửa bùng lên một chút, nói trong chiến tranh không thể tính được có bao nhiêu người bị dính bom napalm, nhưng dường như chỉ mỗi Kim Phúc được thế giới biết đến, trở thành đại sứ thiện chí của UNESCO. Tôi kém Kim Phúc hai tuổi nhưng bị chất lân tinh đốt cháy da thịt cùng năm với cô ấy, năm 1972. Vấn đề là Nick Út - phóng viên ảnh của Associated Press - có mặt đúng thời điểm bé Kim Phúc cháy, còn thằng nhóc tôi và hàng nghìn người khác thì không...

Im lặng cho đến khi Katy thì thầm hơn là nói, không sao đâu, không sao đâu, nào, cởi áo đi, xuống đây đi, ông biết không, ánh lửa, ánh trăng, bóng lá và cả bóng nước nữa sẽ làm dịu mọi hình ảnh dữ dội, đau đớn nhất trên đời.

Dưới nước, hai bàn tay Katy run nhẹ, vuốt ve thật khẽ thật chậm như muốn đếm từng vết sẹo trên người anh.

Trên bờ, con Lài lại lên cơn lẩy bẩy, rít nhắng một hồi rồi phóng vụt theo mùi hương dẫn dụ phía thượng nguồn. Anh vội buông Katy, gọi vói con chó đã biến mất. Nhưng Katy mạnh mẽ níu anh lại, thì thầm hãy cho nó tự do.

Lát sau, hai người dừng lại lắng nghe tiếng tru dài hào sảng trong đêm.

Anh nói giọng phấn khích, chó rừng đấy!

Katy áp mặt vào vai anh, ừm, sói hoàng hôn...

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Biển đã khác

* Tùy bút của tạp chí HerWorld


http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/Thi%20-%20van/Biendakhac_zps288dd3e3.jpg
Minh họa: Chính Anh




Đến khi quăng cái ba-lô xuống bãi cát lẫn lộn những hòn cuội lớn nhỏ ấy, tôi vẫn không ngờ rằng mình trở lại chốn này chỉ vì nửa bài thơ. Trái tim nào từng vỡ mộng sẽ xem đó chỉ là thứ lãng mạn rong rêu, nhưng biết đâu, ờ bờ kia, em sẽ bảo ấy mới là sự dấn thân không toan tính?

Từ giã nghề hướng dẫn du lịch đã lâu, tôi về lại chốn xưa làm gì nhỉ? Trong cơn bốc đồng, khoác đại cái ba-lô, nhảy lên yên con ngựa sắt, thế là vào một buổi chưa chiều mà đã quá trưa này, tôi lại có mặt bên cạnh tảng đá to đùng của đêm hôm ấy.

Hôm ấy, chui vào chiếc lều dựng khuất sau tảng đá để tránh bớt gió và hơi nước biển, tôi rút từ túi sau ra cái chai dẹp, định làm một tợp chúc mừng Neptune thì em xuất hiện. Nói chính xác thì một nửa váy áo phần phật ôm lấy đôi ống chân khẳng khiu án ngữ trước cửa lều, khiến Neptune chưa thể uống mừng.

Đừng tưởng nhé. Con gái cá tính và điên điển như em, tôi từng gặp rồi, vì thế em chẳng tạo ấn tượng gì đặc biệt đâu. Suốt hành trình từ thành phố chật như nêm, ra tận cái làng chài vắng xơ xác này, em hầu như chẳng thèm hé môi với chàng hướng dẫn, ngoại trừ câu duy nhất “No info needed!” đi kèm với tia nhìn có khả năng biến một gã nào đó từ một mét bảy lăm xuống còn nửa mét.

Thế thì tại sao cô giám đốc sáng tạo của một công ty danh giá lại đặt hàng chuyến du lịch câm này, chỉ dành cho mỗi một mình? Trả lời cho câu hỏi này là “Anh uống gì vậy?” đi kèm với ánh mắt nửa nghi ngờ nửa quan tâm.

“Black!”

Em gật đầu, chụp lấy cái chai trên tay tôi. Tôi thẩn thờ nhìn đôi môi dày ngậm trọn cổ chai. Chiếc cổ dài ngửa lên, hé lộ ra tính cách dễ bị tổn thương của con thiên nga đang quẫy đạp. Giây phút ấy bỗng tối thật nhanh vì vầng dương đã lặn ào xuống biển ở phía chân trời. Như cơn triều xám xịt, lớp sương dày từ biển dấy lên trùm lấy mái lều nhỏ. Không mang áo khoác, em rùng mình rút vào trong và điềm nhiên rúc vào tôi mà chẳng đợi mời. Hai đứa chẳng nói lời nào, biển kia cũng im lặng như thể sắp tận cùng thế giới. Có những làn gió vô hình và không sở thấy, nhưng chúng mang hương vị i-ốt làm sũng ướt mép môi. Cái chai dẹp được luân phiên chuyền tay, ta liếm muối mặn rất đỗi ngọt ngào, hòa lẫn với làn hơi cay xè châm châm vào niêm mạc mũi.

Chai đã cạn nhưng em vẫn khẽ rùng mình. Nhúc nhích xoay trở qua lại một tí để tìm vị trí ấm cúng nhất, em thật bất ngờ:

  “Những cơn mưa đã khác
  Khi còn dai dẳng trong ta bao con đường lầy lội
  Biển đã khác
  Khi ta bắt gặp những mảnh vụn con thuyền
  Bài hát ấy đã khác
  Khi ta từng lãng quên
  Vầng trăng đã khác…”


Trăng sao có thể vần vũ, tinh cầu có thể trọn vòng tay, nhưng đâu đó ở một góc tâm hồn vẫn luôn thổn thức câu hỏi chập chờn, khiến hành trình không trọn vẹn. Biển đã khác, khi giờ đây không còn tĩnh lặng, mà nổi lên biết bao âm thanh màu sắc lồng vào nhau bất tận, khiến em chòng chành tìm nơi bám víu, và em bảo rằng từ đây, với em, biển sẽ chẳng bao giờ như trước nữa. Tôi bảo biển là bất trắc, vẻ hiền hòa là nơi ẩn nấp những cơn sóng dập dồn. Em thì thầm nếu chẳng có những cơn gió thổi nghiêng đêm, thì biển muôn đời vẫn thế.

Có những thời khắc lén lút trôi đi như ăn trộm. Tờ mờ sáng, em nhổm dậy trước, bảo tôi trở lên trên kia, nơi em để hành lý trong lữ quán nhỏ ở lưng chừng cao. Đêm ấy chẳng dài bởi vì không đủ để ta hỏi những gì quá khứ, mà sau đó em chỉ mỉm cười độ lượng khi tôi chấm phá một bức tranh mà cả hai đều thầm biết là siêu thực.

Vòng qua tảng đá to đùng, tôi đi bên phải để vào lối chính thoai thoải của lữ quán có hai hàng cây vân thê xanh rũ. Em vòng qua phía trái, liếng láu giành lấy ba-lô của tôi, vất vả những bước chệch choạc lên sườn đồi đầy những cát, đá và xương rồng, em khổ nhọc men theo lối nhỏ gai góc của ngõ phụ phía sau. Mặc cho những lần va vấp khiến đầu gối tiểu thư rướm máu, em chọn vào lối hẹp, hẹp đến nỗi đôi vai gầy guộc cũng khó mà lách qua thật yên bình. Ba-lô đè nặng vai, lọn tóc nổi loạn đẫm mồ hôi dán vào má, trông em mệt mỏi va xa vắng. Đó là hình ảnh sau cùng tôi ghi nhận của lần gặp nhau duy nhất.



Nhiều tháng năm sau đó, em đến với tôi qua những bưu thiếp gửi về từ mọi ngỏ ngách của hành tinh, với nguệch ngoạc vài dòng nơi chốn, tuyệt nhiên chẳng thêm bất cứ tiếng lòng nào. Và như thế có lẽ tôi nên quen với việc em siêng năng rút đi từng lá bài, mà lẽ ra đã có thể xây nên một tòa lâu đài mà em cho là chông chênh quá. Vẻ như em tự mãn và gián tiếp khước từ mọi dễ dãi của trần gian?


Sáng nay tôi đã không cần đến cữ cà phê thật đậm thường nhật, khi bác bưu tá vừa quay lưng. Bưu thiếp lần này sang trọng hơn, với điều mà tôi đoán là phần còn lại của nửa bài thơ trong túp lều đêm hôm ấy.

  “…Khi ta quá vội vàng với bếp lửa mỗi ngày
  Nhưng em của anh
  Mọi điều cùng em
  Không khác.”


(Trong bài có sử dụng thơ của tác giả Tôn nữ Thu Thủy.)
.

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tro tàn rực rỡ

Truyện ngắn của NGUYỄN NGỌC TƯ



TTXuân - Lúc đó nửa đêm rồi, lửa cao ngọn lắm. Cao hơn đọt dừa. Tàn đóm tán loạn mỗi khi gió thổi qua quăng quật đống lửa. Mấy cây trúc ven vách chịu nóng không nổi, vặn xoắn lại trước khi nổ như pháo chuột.

Lần này nhà không lợp ngói nên không nghe ngói nổ, lửa cháy coi bộ êm đềm. Không giống như cây rơm trước sân cháy bạo phát bạo tàn, nhà của Tam và Nhàn cháy rất lâu, ánh sáng của nó rọi xa đến tận từng nóc nhà của xóm Thơm Rơm.


http://123.30.128.27/static/img.news/2013/02/510b3cb2838d1105530.jpg



"Cô lại bỏ chị em con Tí để chạy lại đó? Đã nói rồi, hay ho gì mà nửa đêm lặn lội…" - chồng càu nhàu trong tiếng võng đưa kèn kẹt. Em ấn mạnh thớt gỗ trên vào trái chuối, hai bả vai ê ẩm. Hôm nay chắc lại mưa chiều, mớ chuối ép phơi không đặng nắng, thâm xịt lại dưới bóng mây cụm ba cụm bảy. Mùi mật chuối đặc sệt trong sân, đầu mũi em như ướt đẫm đường.

- Ông Tam đốt nhà phải đến năm lần rồi - Em nhẩm tính bằng mấy ngón tay đen kịt mủ chuối.

- Thì lần nào cũng như lần nấy, mắc gì phải coi.

Không phải, chồng chưa từng nhìn thấy một đám cháy nào nên chẳng biết mỗi đống lửa mang một mùi khác nhau. Mùi những con mối cánh bén lửa, mùi lá mục, hay mùi nhựa khét xộc ra từ tấm bạt xóc nóc nhà và những sợi dây câu. Em phân biệt được đám cháy nào có mùi những con chuột bị nướng trui trên mái ngói, hay những cái trứng kiến quá lửa, đám cháy nào lẩn khuất mùi cơm sôi do Nhàn đang bắc nồi cơm lên bếp thì đằng trước Tam rê quẹt gas vào mái lá…

Em có thể nhớ mồn một những lần nhà Nhàn cháy, nhớ bao lâu thì đám cháy rụi đi. Và tàn tro của chúng cũng khác nhau, ít dần ít dần, có khi gom lại không đầy hai thúng. Đám cháy đầu, nhà Nhàn còn trơ được bộ cột cái cháy sém và những mảnh ngói vỡ ám khói. Ngôi nhà tương đối khang trang đó là quà ra riêng hai bên sui gia góp lại.

Sau này, lửa nhấm nháp đến trơ ra nền đất rám mặt, vì nhà của vợ chồng Nhàn ngày càng tạm bợ. Nhàn cười, nói với em: "Trước sau gì anh Tam cũng đốt, làm tử tế chi uổng công. Tụi này cũng đâu có khá giả gì". Và cái tối vừa rồi, thứ dào dạt tan đi trong lửa chỉ là cái chòi cột cặm, không hơn.

- Nhưng nó cháy lâu lắm, lâu nhất từ trước tới giờ.

Em nói, khi hai bả vai đau nhừ nhẫm lại gồng lên lần nữa. Trái chuối bẹt ra như một bàn tay xòe. Nghe cái mùi tóc hơi tanh cá và khét nắng của chồng phảng phất ở lưng. Mai chồng đi, mùi ấy còn vướng vất lại trên võng đến cả tuần, hành hạ em tới ổ.

Em thường kể lại mấy vụ cháy Tam gây ra vì chồng không bao giờ chạy đến đó, kể cả lúc ghe biển vào bờ và chồng về thăm nhà. Tỉnh rụi và dửng dưng, như vợ chồng Nhàn chưa bao giờ là xóm giềng, bè bạn. Dù vậy, em lại nghĩ là chồng muốn biết chuyện Nhàn làm gì sau mỗi bận nhà cửa hóa tro than.

- Chị Nhàn không khóc đâu, tỉnh bơ luôn…

Bới tàn tích ra chỉ mấy cái nồi cà ràng còn nguyên vẹn, chị đi dài xóm xin gạo, mót mớ củi ngoài sân nấu cơm. Ăn cái đã, rồi sống tiếp. Tam không bao giờ ăn cùng, anh không đói. No nê thỏa thuê, bụng căng đầy lửa, anh ngủ đến cả ngày sau. Nằm vạ vật bất cứ chỗ nào.

Nhàn không bao giờ xin gạo ở nhà em nhưng có lần hỏi mua ít lá dừa nước. Em bảo tụi mình với nhau mà bán chác gì, em cho, có mấy cây so đũa bên hè, chị đốn luôn đi. Nhàn nhặt nhạnh, kết lại cái tổ đủ hai vợ chồng chị chui ra chui vào. Nhìn chị kéo mớ lá về, đuôi lá quét lên cỏ một vệt ướt đẫm, em không làm sao nhịn được việc nghĩ đến kết cuộc của chúng: một đống tro than. Ý nghĩ ấy nếu biến thành lời người ta sẽ cho em là đứa ăn nói xui xẻo, trù ếm. Nhưng ở cái xóm Thơm Rơm này, ai mà không biết Tam say xỉn suốt ngày, và những lúc ấy anh ta hay lên cơn tủi thân. Chỉ vì Nhàn mệt quá ngủ quên không ngồi chờ bên cửa, chỉ vì con chó hàng xóm sủa dữ quá, và Tam nghĩ "nó khinh ta", hay vì cái rễ cây me tây gồ lên khỏi mặt đường làm anh ta vấp té.

- Phải khóc được thì tôi đâu có đốt nhà. Tam phân trần, mặt hiền queo xẻn lẻn.

Má Tam bảo Nhàn bỏ thằng trời đánh phứt cho rồi. Bây muốn ở vậy thì ở với má, bằng không lấy chồng khác má cũng cúng heo ăn mừng. Chị kêu trời đất, con mà bỏ ai cất nhà cho ảnh đốt, lỡ đốt nhà hàng xóm, kỳ lắm. Bà già đó thở hắt ra, điệu bộ của ông thầy lang đứng trước con bệnh không thuốc chữa, sau khi dỗ dành chúng tôi đã cố gắng hết sức. Từ phát hiện chồng có thể tủi thân chỉ vì cọng cỏ, ngọn gió chướng, tiếng chim kêu nước… Nhàn mang gởi những thứ chị nghĩ là cần thiết, để lúc lửa bén nóc nhà chị chỉ cần vơ lấy cái kẹp tóc rồi lách mình khỏi đám cháy sắp bùng lên, chị kiếm một chỗ ngồi nhìn Tam.

Nhưng trong mắt Tam chỉ có đám cháy rực rỡ. Không có Nhàn. Như mọi đàn ông ở cái xó quê này, họ thường không còn nhìn thấy vợ mình chỉ sau đám cưới vài ba tháng, nhiều lắm là vài ba năm. Có khi đứng, khi quỳ, giữ một khoảng cách vừa phải với lửa, Tam say đắm, tê mê ngắm chúng cho đến khi những cái lưỡi đỏ khát thèm liếm láp đến mẩu gỗ cuối cùng. Vẻ mặt rạo rực đó là của một con người khác, không còn là thằng Tam nghèo, chịu nhiều mất mát. Xóm giềng hồi đầu còn xúm lại tát nước cứu nhà, rồi thấy thằng chồng say sưa đứng ngó mái lá bị lửa ăn rào rào, và con vợ thì đắm đuối nhìn chồng, cả hai không có vẻ gì xa xót. Bà con nản, "thôi kệ cha cái tụi mắc đằng dưới, nghèo mạt rệp không lo, đốt nhà coi chơi là sao là sao là sao?".

Em cũng đến đám cháy như một người coi hát. Vở tuồng của những con người đổ nát. Hồi con Tí còn nhỏ em bồng nó theo, rồi kệ nó ngủ trên tay, em ở đó cho đến khi lửa rụi tàn. Thứ ánh sáng lộng lẫy đó xáo động em đến cả mấy tháng sau. Em thấy mình chính là Nhàn kia, một con đàn bà thèm khát được chồng nhìn thấy.

Em, chồng và Tam, Nhàn cưới nhau cùng năm. Tam và Nhàn cưới trước, hai bảy tháng hai. Em nhớ vì đêm hai sáu đi đám đãi bạn ở nhà Nhàn về, em và chồng (lúc ấy chưa gọi là chồng) cùng say, ngọn đuốc trên tay anh lắc lư trên con đường xóm. Rồi tự dưng anh dừng lại, nhìn em mê dại. Cái nhìn ngây ngất và bừng cháy ngay cả khi anh quăng con cúi xuống sông. Tàn đóm lịm trong làn nước tối thẫm. Một cách dứt khoát, anh vùi em vào trong một đống rơm, vùi vào giữa hai đùi em cơn nóng hổi.

Năm đó em mười bảy tuổi, bốn tháng sau mới biết mình đang mang bầu. Suốt từ cái đêm nằm trên rơm đến khi bụng em phình ra không cứu vãn được, anh không gặp em. Anh ngoắt tàu đò ra cửa Gành Hào đi bạn cho ghe biển. Chán ruộng đồng rồi, ra chơi với biển, anh bảo vậy. Chắc nụi, như một lời thề. Như một cuộc trốn chạy. Một bữa má anh nhắn tàu đò kêu thằng con về gấp. Về cưới vợ. Bụng con nhỏ chang bang rồi. Chắc anh mất nhiều thời gian mới nhớ ra con nhỏ mà má nói là em, nhớ ra một đêm tối trời, say, đuốc chìm trên mặt nước, và mấy cọng rơm cứ cọ vào bẹn nhột ran.

Đám cưới rước dâu bằng cửa sau, em lủn tủn tròn quay với cái bụng đội áo. Cái khác biệt duy nhất mà đám cưới mang lại là em chuyển sang nhà chồng sống, phụ mẹ chồng ép chuối phơi khô, bán cho thương lái. Chồng lại đi biển. Em nối xứ Thơm Rơm vào chồng bằng những câu chuyện kể, lúc hết con nước, chồng về. Ờ, cái hôm em sanh con Tí trăng sáng lắm, nằm trên xuồng ra trạm xá em cứ nghĩ chắc là đẻ trên xuồng. Con nhỏ thiệt lì, láu ăn nữa, đem ra là mút tay chóc chóc. Em lo là mẹ lẫn, hôm rồi lấy dầu lửa nhỏ mắt, gần đui. Chị Nhàn sinh đứa thứ hai hơi khó, em bé chết lưu. Em đi thăm thấy chị cứ nằm co, kệ sữa ướt đầm đìa áo. Ông Tam dạo này hay nhậu.

Em kể và kể, vờ như bâng quơ, chuyện nọ xọ chuyện kia, như nhớ gì nói nấy. Như không phải em ấp ủ từng đêm trên cái giường trống hoác, những gì nên kể, những gì mà em nghĩ chồng muốn biết nhất. Chúng làm chồng muốn về nhà, để nghe. Cũng vài ba lần em hi vọng một vài câu chuyện nào đấy sẽ làm chồng nhìn em ngây say như tối ấy, cái nhìn mà vì nó em đã không kêu khi lưng trần chìm lút trong tấm thảm rơm. Em không kêu, chỉ tự gỡ mấy cọng rơm trên tóc, tự cài cúc áo và lẳng lặng về. Ngồi đòng đưa trên cây khế mỗi khi thấy thèm chua, em nhấm nháp cái ánh mắt nóng rực kia, dù biết vốn cũng không phải vì mình và cho mình.

Nhưng có sao đâu, đêm đó bóng em in mắt anh, trọn vẹn. Ý nghĩ đó làm em không khóc cả khi ba em bắt nằm dài ra bộ ngựa đánh bằng bất cứ gì ông vớ được trong tay. Lúc ấy bụng đội lên làm người em không làm sao sát ván, đầu và chân như hai phía của bập bênh, nhừ nhẫm vì roi vọt.

Nhưng cái nhìn đó không bao giờ em còn thấy lại. Cả khi em nói anh ơi con Tí lại có em rồi, đạp mạnh lắm, chắc con trai. Mắt chồng vẫn tối, lạnh, sâu. Sau mỗi chuyến đi biển chồng về, tiếng võng lại nghiến mòn đêm. Cho nhà có tiếng người, cho nó giống một gia đình đúng nghĩa, tiếng đàn bà nói rốp rẻn, đàn ông khạc nhổ và trẻ con cười, em lại kể chuyện mong lấp đầy khoảng lặng. Má sưng phổi vừa nằm ở nhà thương huyện cả tuần. Cô giáo chọn con Tí đi thi viết chữ đẹp cấp xã. Thằng Lanh thì mọc được sáu cái răng. Hôm chị Nhàn vớt con Hoa dưới mé kinh lên, ông Tam đang gặt. Nghe người ta kêu, ông chạy về đánh Nhàn lăn ra đất, đạp túi bụi vào bụng chị, xong cứ ôm xác con không chịu buông.

Có hồi em thấy tuyệt vọng, đó là lúc em không biết nói gì lúc chồng về nằm cuộn trên võng như chui vào kén. Tẻ nhạt hết sức nơi cái xóm Thơm Rơm này, nơi những người đàn ông ngập trong rượu và mối lo thất mùa rớt giá, con cái ốm đau; nơi những người đàn bà suốt ngày cắm mặt vá víu những chỗ rách trong nhà. Chị Nhàn ít ra đường, em không thể tả cho chồng nghe giờ chị ốm hay đen, ăn mặc như xưa hay rách rưới, vẫn cười hay khóe miệng đìu hiu.

Rồi Tam gây ra đám cháy đầu tiên. Người ta vẫn nhắc về nó như một sự kiện lớn của xóm Thơm Rơm, ngay cả khi chiến tranh cũng không thấy cháy lớn như vậy. Cháy trụi. Không còn gì. Những đám cháy sau này không gây ấn tượng sâu sắc cho họ nữa, nhàm rồi. Ngọn lửa chỉ khuấy đảo cái đời sống bình lặng của họ được một lần đó thôi. Chỉ mỗi em quan tâm, mỗi em biết không đám cháy nào giống hệt đám cháy nào.

Chị Nhàn đi đâu thấy có cái cây nào cặm cột được đều vác về quăng xuống ao ngâm, biết thể nào cũng xài tới. Những chi tiết này chắc em đã kể nhiều lần, cái khó nhất là giữ vẻ bình thản. Ông Tam vẫn thường lang thang ngoài đường lúc nửa đêm, lè nhè chửi rủa chiếc xuồng vuột dây trôi mất, chửi đom đóm, chửi rạ rơm vướng chân.

- Nhưng sau lần cháy này, ông Tam sẽ không đốt nhà nữa.

Em cố giấu nỗi tiếc nuối với cái ý nghĩ từ giờ mình chẳng còn vụ nhà cháy để kể. Điều đó có nghĩa chồng không về nữa, biết đâu. Ngồi kỳ cọ bàn tay đầy sẹo, trong nỗi đau đớn và nhẹ nhõm, trong cái trưa Thơm Rơm thẳng căng vắng rợn, trong tiếng đập cánh của những con ong vàng sà xuống hút mật chuối đang tươm ra, với cảm giác cắt nhát kéo vào sợi dây diều, em nói với người đàn ông cuộn trong kén chi tiết cuối cùng:

- Nhàn đã không chạy ra khỏi đống lửa như mọi khi, anh à!

NGUYỄN NGỌC TƯ
...
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

Câu chuyện của hai cặp vợ chồng ở cái xóm nghèo buồn quá, buồn ghê gớm. Họ yêu, ghen và cùng đau đớn khôn nguôi. Hai người vợ trong câu chuyện đều thèm khát được chồng nhìn thấy mình nhưng đã 5 lần, ngọn lửa đốt nhà từ lúc cao hơn đọt dừa lộng lẫy cho tới khi rụi tàn chỉ làm người chồng đốt nhà "no nê thoả thuê, bụng căng đầy lửa" và người chồng còn lại "cuộn trên võng như chui vào kén" nhưng không làm cho họ nhìn thấy… vợ. Câu chuyên chân thực quá và điều đó làm cho người đọc đọc xong thấy thật buồn.

Cảm ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Cảm ơn anh Vodanhthi.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

.
Bạn đã có nhận xét cốt lõi. Một bạn đọc khác đã đưa ra nhiều ý kiến, trong đó có nhận xét giống như bạn. Tôi chép vào đây để bạn tham khảo thêm:

Đọc Tro Tàn Rực Rỡ của Nguyễn Ngọc Tư

KHUẤT ĐẨU



“Lúc đó nửa đêm rồi, lửa cao ngọn lắm. Cao hơn đọt dừa. Tàn đóm tán loạn mỗi khi gió thổi qua quăng quật đống lửa. Mấy cây trúc ven vách chịu nóng không nổi, vặn xoắn lại trước khi nổ như pháo chuột. Lần này nhà không lợp ngói nên không nghe ngói nổ, lửa cháy coi bộ êm đềm”.

Bằng một giọng bình thản nếu không muốn nói là lạnh lùng, người đàn bà hai con ngồi rủ rỉ kể chuyện cháy nhà hàng xóm cho chồng mình nghe.

Chồng thì bảo: “lần nào cũng như lần nấy. Hay ho gì mà coi”. Nhưng vợ bảo mỗi lần mỗi khác. Và nàng tỉ mỉ phân tích: mỗi đống lửa mang một mùi khác nhau. Mùi những con mối cánh bén lửa, mùi lá mục, hay mùi nhựa khét xộc ra từ tấm bạt xóc nóc nhà và những sợi dây câu. Em phân biệt được đám cháy nào có mùi những con chuột bị nướng trui trên mái ngói, hay những cái trứng kiến quá lửa, đám cháy nào lẫn khuất mùi cơm sôi do Nhàn đang bắc nồi cơm lên bếp thì đằng trước Tam rê quẹt gas vào mái lá.

Hóa ra anh ta đốt nhà mình. Và đốt những 5 lần!

Đương nhiên anh ta say. Nhưng không phải vì say mà đốt nhà. Mà chỉ vì Nhàn mệt quá ngủ quên không ngồi chờ bên cửa, chỉ vì con chó hàng xóm sủa dữ quá, và Tam nghĩ “nó khinh ta”, hay vì cái rễ cây me tây gồ lên khỏi mặt đường làm anh ta vấp té.

Đọc tới những cái “chỉ vì” đó nhiều người sẽ kêu lên: Đúng là dân Nam bộ! Lúc nào cũng say xỉn, ngang ngược hết biết!

Nhưng Trời ạ, anh ta đốt nhà vì ghen!

Anh ta ghen vì cô vợ có hai mặt con với anh đã từng yêu người khác. “Phải khóc được thì tôi đâu có đốt nhà”, anh ta thú thiệt. Và, người khác đó chính là, chồng em đang nằm cuộn tròn như cái kén trên võng kia.

Cái bí mật đớn đau cả xóm không ai hiểu, cứ tưởng bọn họ bị mắc đàng dưới, khật khùng đốt nhà coi chơi. Chồng thì đứng nhìn một cách say sưa, còn vợ thì tỉnh queo, không khóc.

Nhưng người kể chuyện xưng em lại thấy ngọn lửa đó thật lộng lẫy, xáo động em đến cả mấy tháng sau. Em thấy mình chính là Nhàn kia, một con đàn bà thèm khát được chồng nhìn thấy.

Cứ như thế, câu chuyện cay xè được em bóc dần như những củ hành trong truyện của Gunter Grass, bóc để được chảy nước mắt. Cái nút thắt ghê gớm của câu chuyện mở ra như thể là tình cờ, chuyện nọ xọ chuyện kia thực ra là âm ỉ trong em rồi bùng lên còn hơn ngọn lửa đốt nhà của Tam, khi anh nấc lên và đổ sụp xuống da thịt nhễ nhại của em mấy tiếng Nhàn, Nhàn ơi! (*) khi anh vùi em vào trong một đống rơm, vùi vào giữa hai đùi em nóng hổi.

Đúng là em cũng đang ghen. Còn ghen sâu, ghen dai dẳng, ghen nghiệt ngã hơn cả Tam. Tam say xỉn, mất bình tĩnh, có lúc đánh đập vợ nhưng em chịu nghèo cực ép từng trái chuối phơi khô để khi chồng về, em ngồi kể và kể, rất chi là ngọt ngào, rất chi là nhỏ nhẹ, nói như rót mật vào tai chuyện của người mà anh kêu lên Nhàn ơi, Nhàn ơi! em kể lê thê chuyện nhà cháy, mùi của từng con chuột nướng chín, của trứng kiến sém lửa, cảnh “người ta” đi khắp xóm xin gạo, cảnh bị chồng đá vào bụng để cho anh đứt từng khúc ruột như khi Thúc Sinh nghe Thúy Kiều đàn trước mặt Hoạn Thư.

Tam không khóc được nên phải đốt nhà!

Em không khóc được nên phải kể, vậy thôi. Em cũng đau đớn lắm, chứ có sung sướng gì đâu. Có điều thấy “người ta” tàn đời và anh thì đau khổ, em cũng được an ủi, hả hê. Em là vậy đó, đàn bà mà, thù dai một chút có sao đâu!

Một lần nữa người đọc lại bắt gặp cái ghen trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Không phải cái ghen ầm ĩ thô tục của những người đàn bà đổ keo dán sắt vào chỗ kín con điếm Sương hay ‘sát” đàn bà như Út Vũ, người chồng bị vợ bỏ theo trai trong Cánh đồng bất tận. Mà là một cái ghen bình thường ít nhiều được kìm nén, nên người ghen không bị khinh ghét, trái lại còn có thể cảm thông, tha thứ. Người bị ghen tuy đau hơn nhưng vẫn âm thầm chịu đựng cho đến khi không chịu đựng nổi nữa.

Ngòi bút của tác giả trong truyện này đã trở nên trầm tĩnh, sâu sắc hơn. Cách dựng truyện cũng được nâng lên một tầm cao, phải nói là thật khéo.

Truyện chỉ có vài ngàn chữ, tưởng là chuyện say xỉn, quậy phá ở miệt biển, không ngờ lại là chuyện tình cay đắng của hai cặp đôi đói nghèo. Tác giả không phân tích tâm lý, không mổ xẻ nhân vật, chỉ để em kể những chuyện tưởng không đâu vào đâu nhưng thực ra là có sắp đặt một cách kín đáo.

Thường, từ tình yêu mới đến tình dục, nhưng với em thì ngược lại, từ cái đêm anh vùi giữa hai đùi em nóng hổi, em đã yêu anh, yêu đến nỗi cái mùi tóc hơi tanh cá và khét nắng còn vướng vất lại trên võng đến cả tuần, hành hạ em tới ổ.

Yêu, ghen, thù và trả thù là chuyện của muôn đời, nghĩa là quá xưa, quá cũ, nhưng được tác giả phơi mở rất lạ, rất mới.

Khác với nhân vật xưng tôi trong Cánh đồng bất tận khiến cô bé Nương trở nên già trước tuổi, ở đây người kể chuyện xưng em, nghe thật ngọt ngào, nhún nhịn rất hợp tình mà cũng hợp lý.  

Nhưng coi chừng, đó là cái tiếng em lạnh lẽo nhất trần gian kia đấy, tiếng em làm người chồng chết ruột chết gan. Cũng là tiếng em nhỏ nhẹ của một người đàn bà cô đơn thủ thỉ tâm sự với chính mình.

Một tiếng em buồn xiết bao!

Với một câu chuyện nỉ non như thế, nên giọng văn cũng rủ rỉ, tỉ tê, đôi chỗ đẹp một cách không ngờ như khi nói tới những phút giây không thể nào quên trên tấm thảm rơm, hay những con chữ ngộ nghĩnh trong tro tàn rực rỡ, trong khóe miệng đìu hiu…

Không kỳ cục, xa lạ như trong Cánh đồng bất tận, không triết lý vẩn vơ như trong Gió lẻ, bốn nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư qua Tro tàn rực rỡ đã sống thực với nỗi đau của chính mình: lặng lẽ yêu nhau, lặng lẽ làm khổ nhau cho đến lúc chia lìa. Đó là những bi kịch muôn đời của những xó quê nghèo đói xa xôi.  

Không phê phán, không kêu than, tác giả với ngòi bút đã trở nên thâm trầm sắc sảo, vẽ nên những cảnh buồn không chịu được. Không chịu được nhưng cũng phải chịu vậy thôi vì đó là cái góc khuất tối tăm của không chỉ một, hai mà rất, rất nhiều những cặp đôi như thế ở những nơi mà nhân phẩm của người nữ muôn đời vẫn là một cái gì  rất xa lạ.

Khi, chỉ một mình lên tiếng phê phán những nhân vật trong Cánh đồng bất tận, tôi đã từng viết:… với Nguyễn Ngọc Tư, xin cô hãy quay về với đồng đất tuy có mùi phèn nhưng vẫn thơm ngát hương rừng Cà Mau. Hãy bám rễ trên quê hương như rừng đước Năm Căn, hãy giữ vững bản lĩnh của một cây bút mạnh mẽ mọc lên từ đất như cây mắm cây bần, mặc cho những cơn sóng tâng tiu hay những cơn bão nịnh nọt.

Và, hôm nay, giữa đám tro tàn rực rỡ, cô đã trầm tĩnh quay về. Xin cảm ơn cô.

28/1/13

(*) Câu này đã được giản lược khi đăng trên báo.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Góc đường

Truyện ngắn của MAI HƯƠNG


http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/Thi%20-%20van/ImageView_zps083f2b00.jpg
Minh họa: Kim Duẩn



TT - Ba ăn cơm đi, nguội hết rồi này.

- Ba vừa ăn rồi mà.

- Từ sáng tới giờ ba đã ăn gì đâu. Ba biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Ba giờ chiều rồi đấy. Khổ thật, lẫn quá cơ. Chưa ăn lại bảo ăn rồi. Ăn rồi lại bảo chưa ăn.

- Ừ thì ba ăn. Nhưng mà con phải lấy cho ba cái khăn màu xám, ba quàng cho đỡ lạnh đã.

- Trời, mình đang ở Sài Gòn, nóng 33 độ đấy.

- Mình về Sài Gòn rồi à?

- Về Sài Gòn rồi.

- Con không lấy chồng Tây đấy chứ?

- Con lấy chồng Việt. Thôi, bây giờ ba ăn cơm đi nhé.

- Ừ. Hay ba đợi mẹ về, ăn cùng cho vui.

- Mẹ mất lâu rồi.

- Ừ, mất lâu rồi. Thế bây giờ ba đã bảy mươi tuổi chưa?

- Ba tám hai.

- Tám hai? Sao lâu đến bảy mươi thế?

- Qua tuổi bảy mươi mười hai năm rồi.

- Ừ. Nhưng sao ba chưa đi uống cà phê cùng cô ấy nhỉ?

- Cô nào hả ba?

- Cô tặng ba cái khăn quàng màu xám ấy. Ba hẹn cô ấy, có dịp gặp nhau ở Sài Gòn sẽ uống cà phê. Cô ấy chưa bao giờ biết Sài Gòn...

Bất giác ông thở dài. Ngày ấy, cái ngày mà ông hẹn cô đã hơn ba mươi năm rồi.

- Thôi mà. Ăn đi rồi con lấy khăn quàng xám cho.

- Ừ, lấy luôn cả tiền cho ba nữa. Lấy hết ra đây, cho ba xem. Hay là lấy luôn cả vận đơn nữa - ông năn nỉ con gái - À, con vẫn điều hành công ty ba để lại đấy chứ?

- Ba ăn đi rồi con lấy cả khăn, cả tiền cho ba. Cả vận đơn nữa. Lấy hết.

- Ừ, ba ăn. Tiền của ba là năm triệu đô đấy nhé. Lấy ra đây để ba trả cho khách hàng.

- Khách hàng của ba nghỉ làm hết rồi.

Lẫn mọi thứ nhưng tiền bạc không bao giờ lẫn. Người con gái vừa trả lời vừa tủm tỉm cười.

- Mang hết vận đơn ra đây nhé.

Người cha nói với theo cô con gái đang quày quả bước lên cầu thang.

Năm triệu đô. Sự nghiệp kinh doanh của ta kể ra cũng không đến nỗi. Một phần số tiền đó, có thể cho ta làm phép thử như vị tỉ phú trong phim “Lời đề nghị khiếm nhã”. Ta có thích một cô nàng biên tập viên truyền hình xinh đẹp, sao hồi đó không thử một lời đề nghị nhỉ? Hơi ác đấy. Nhưng thú vị. Một đêm với cô vợ nóng bỏng? Nàng hay chồng nàng là kẻ bị lung lạc đầu tiên? Đó không phải là sự mua bán tầm thường, đó là một thương vụ đặc biệt mà bất cứ người đàn ông nào cũng mơ ước. Một triệu đô để biết được diễn biến tâm lý người lương thiện trước cám dỗ của đồng tiền, để biết được sức mạnh của nó phá hủy đạo đức cỡ nào?

*



Người con gái bước xuống cầu thang, trong tay cầm chiếc khăn furla màu xám đã bạc màu và một xấp tiền năm trăm ngàn mới cứng.

- Khăn của ba đây. Năm triệu đô nữa, vận đơn thì cháu nó đang tìm cho ông. Thôi, bây giờ ba ăn cơm đi. Nguội hết rồi.

- Ừ ừ, ba ăn ngay - ông giơ cái khăn lên cao ngắm nghía - Phải rồi, cái khăn này đây. Người bạn của ba, cô ấy đã tặng cho ba vào ngày đầu mùa đông lạnh giá. Ba không thích màu này lắm nhưng sáng đó, trời bỗng chuyển lạnh đột ngột nên cô ấy tặng chiếc khăn thật đúng lúc. Lúc đó ba đang rất vội đi gặp đối tác để ký hợp đồng nên chỉ kịp cảm ơn rồi vội vã xách cặp rời quán cà phê ngay.

- Được rồi, con nghe chuyện này một nghìn lần rồi. Giờ, ba ăn đi.

- Lần đầu ba kể con nghe đấy chứ. À, con lấy chồng người Việt hả? Không lấy cái cậu mà ba không thích đấy chứ? Sao ba nhìn nó quen quen? Thế hằng ngày ba hay nó đưa con đi học?

- Con đã hơn năm mươi. Có cháu nội rồi.

- Ừ, nhanh quá. Vậy ba đã bảy mươi tuổi chưa?

- Ba tám hai.

- Thế khi nào ba có thể đến quán cà phê Khúc Ban Chiều? Quán ấy nhạc đồng quê hay lắm. Chắc chắn cô ấy sẽ thích. Bây giờ cho ba đến đó được không?

- Thôi mà, ba ăn đi đã.

- Nhưng ba phải đến đó, có xa không? Ba đã lỡ hẹn nhiều lần. Cô ấy chờ ba lâu lắm rồi.

- Không được đâu. Cô ấy cũng mất rồi.

- Mất lâu chưa? - ông thảng thốt.

- Mới mất.

- Sao lại mất được nhỉ? Ba đã hẹn có ngày sẽ uống cà phê ở Sài Gòn rồi mà. Cô ấy đã biết Sài Gòn đâu. Sao có thể mất khi chưa uống cà phê ở Sài Gòn? Ba phải tới đó và nói với cô ấy rằng ba biết cô ấy đã rất xúc động khi ba quàng cái khăn này. Lúc ấy ba không kịp nói. Thường khi nhận quà người ta mới hay xúc động, đằng này... Phụ nữ lạ thật. Không hiểu nổi.

- Đàn bà là vậy mà.

- Ba cũng biết, thực ra là linh cảm thì đúng hơn, khi ba chia tay cô ấy ở ngã tư, cô ấy còn đứng mãi ở góc đường nhìn theo cho tới khi ba đi khuất. Lúc đó đầu óc ba chỉ nghĩ đến hợp đồng làm ăn. Ba vội đến mức không ngoái đầu lại để vẫy tay tạm biệt cô ấy. Đã hơn ba mươi năm rồi. Cô ấy vẫn đứng ở góc đường đó chứ?

- Vẫn đứng. Ba ăn cơm đi được không!

- Không, ba phải đi gặp đối tác. Ba rất vội. Gặp xong ba sẽ quay lại góc đường tìm cô ấy để nói lời tạm biệt. Ngoài đó trời lạnh lắm, không thể để cô ấy đứng ở góc đường chờ lâu như thế.

- Ba ăn một chút đi rồi con kêu tài xế chở ba ra sân bay cho kịp chuyến.

- Nhưng ba đi thì ai đưa con đến trường?

- Con tự đi được. Ba đi ngay đi, kẻo cô ấy chờ.

- Ừ. Cảm ơn con.

Ông đi ra cửa, chừng sau như nhớ ra điều gì ngoái đầu lại năn nỉ:

- Không bắt ba ăn cơm nữa nhé.

- Không bắt nữa.

- Cô ấy vẫn đứng ở góc đường nhìn theo ba chứ?

- Vẫn đứng đó ba à.

- Vậy thì ba đi đây. Muộn lắm rồi.

Bao nhiêu năm rồi...

...

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

Đọc "Góc đường" thấy thấm thía hơn tình yêu, tình người. Một lát cắt của cuộc sống, mỏng thôi mà thật xúc động. Cám ơn anh Vodanhthi đã chia sẻ câu chuyện!
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Một câu chuyện thật xúc động dù được khoác lên một chiếc áo khá nhẹ nhàng. Người ta đọc xuất phát từ sự tò mò rồi bị cuốn hút từ lúc nào không biết. Rồi thổn thức vì một điều gì đó thật sâu xa...
Cảm ơn bạn đã luôn để ý tìm và chia sẻ lên Thi viện những truyện ngắn thật hay, đậm tình người.
NT
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [20] [21] [22] [23] [24] [25] [26] ›Trang sau »Trang cuối