Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [18] [19] [20] [21] [22] [23] [24] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vodanhthi đã viết:
...
Có người còn lợi dụng tranh luận để phê phán, thậm chí động chạm đến chuyện riêng tư của người khác. Trong lần tranh luận này chẳng rõ vì động cơ nào mà có phát ngôn bóng gió nhắc tới chuyện GS Ngô Bảo Châu từng nhận những ân huệ này nọ của Nhà nước, vì thế mà bị mất tự do và phải từ bỏ truyền thống phản biện trước đây của mình.
...
Hồ Anh Hải
(Vietnam.net)
Tôi xin phép không tranh luận về vấn đề trí thức vì cái lẽ người dân thường thấy "trái tai, gai mắt, điều hay, lẽ phải" hay kẻ có học biết "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" là những điều quá hiển nhiên.

Tôi chỉ xin phát biểu cảm tưởng riêng của mình về GS. Ngô Bảo Châu, cùng đồng môn chuyên toán Đại học Tổng hợp với tôi.

Tôi rất tự hào về GS. Châu khi nghe tin giáo sư được giải thưởng Fields. Tôi lại càng tự hào hơn khi đọc những dòng tâm sự cá nhân của giáo sư trong blog Thích Học Toán (http://thichhoctoan.wordpress.com) đặc biệt câu:

Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.

mà tôi đã trân trọng coi là danh ngôn bất hủ.

Nhưng tôi đã thất vọng khi GS. Châu khoá blog này của mình. Tôi càng thất vọng hơn nữa khi gần đây đọc được quan điểm của giáo sư về trí thức và phản biện xã hội.

Thật đáng tiếc cho dân tộc Việt Nam!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Ứng xử trong thời đại gameshow

Bài đăng trên báo Tổ Quốc 27/02/2012 10:15

(Toquoc)-Gameshow hiểu đơn giản là trò chơi. Khi một người đồng ý trở thành người chơi trên sân chơi ấy đồng nghĩa với việc phải chấp nhận mọi luật lệ của trò chơi, dù là vô lý.

Sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế mua bản quyền nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua đã đem lại một bức tranh giải trí mới mẻ và sôi động. Ở khía cạnh lợi ích, nó phần nào kéo khán giả về lại với truyền hình trong nước trước sức mê hoặc của các kênh truyền hình nước ngoài như HBO, Star Movie, Cinemax..., đồng thời làm gia tăng lợi nhuận của các nhà kinh doanh dịch vụ quảng cáo và truyền thông. Bên cạnh đó, nó cũng mang đến một món ăn tinh thần hấp dẫn dù có thể không phải là hoàn toàn “bổ béo” cho người xem truyền hình.

http://toquoc.vn/Upload/Article/admin/2012/2/27/rez_350_anh-1.jpg
Mẹ con thí sinh Quỳnh Anh của Vietnam's Got Talent với cách ứng xử
đang gây bàn tán sôi nổi trên mạng (Ảnh: Internet)



Nhưng cùng với cơn bão gameshow ấy là những lên tiếng về vấn đề đạo đức. Các gameshow được quy kết cố tình bôi xấu thí sinh, tạo dựng scandal để gây sự chú ý, làm tăng lượng rating, tăng quảng cáo, tăng doanh thu mà không chịu trách nhiệm về những hậu quả xã hội.

Cả hai mặt của gameshow đều đang tồn tại ở các nước phương Tây, nơi khai sinh ra những chương trình đó, chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.

Các nhà sản xuất gameshow ăn khách luôn là những bậc thầy về nghệ thuật tạo sóng dư luận. Sóng tốt hay xấu không quan trọng bằng việc sóng lớn hay sóng nhỏ. Bởi thế, khán giả nào từng say mê theo dõi Britist’s Got Talent hay America’s Got Talent hẳn chả lạ lùng gì khi vụ scandal Lê Nguyễn Quỳnh Anh xuất hiện tại Vietnam’s Got Talent cùng cuộc chiến “ném đá” trên mạng (bao gồm cả mạng xã hội và báo mạng) diễn ra ngay sau đó. Nếu có bất ngờ thì chính là “ thư kêu cứu khẩn cấp” gửi tới Uỷ ban thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội do chính tay em Lê Nguyễn Quỳnh Anh viết.

Những gì mà một cô bé 15 tuổi phải trải qua trong 10 ngày thực là không nhỏ. Nhưng sống trong môi trường toàn cầu hoá, học ở một trường quốc tế, gia đình Quỳnh Anh chắc biết rõ về Got Talent ở các quốc gia khác trước khi tự nguyện đặt bút ký vào tờ luật chơi để trở thành một người chơi của Got Talent phiên bản Việt Nam. Họ cũng biết tất cả những gì họ nói và làm đã không còn là của riêng mình nữa mà đã được bán cho nhà sản xuất - chủ xị cuộc chơi -  và sau đó là hàng triệu người chứng kiến, bình luận, phán xét, quy kết; cuối cùng là tất cả cũng bị quét sạch trong cơn bão của thông tin.

Hầu như ai tìm đến những sân chơi truyền hình thực tế vì hâm mộ phiên bản quốc tế đều mang theo khát vọng nổi tiếng đồng thời với tâm lý chấp nhận rủi ro. Rủi ro ở đây không phải là cái lắc đầu của BGK mà là những hình ảnh về mình sẽ trở thành thứ mua vui cho hàng triệu người xem, và xấu hơn nữa là trở thành đề tài đàm tiếu. Họ đã xem và đã biết là những người chơi càng bất tài, càng háo danh, càng hợm hĩnh, càng dị thường trên sân khấu thì càng được ưu ái nhiều thời lượng trong một số phát sóng. Nếu người chơi không đọc kỹ luật chơi, không tự ý thức được điều này để giương cao tinh thần cảnh giác hay tự cân bằng khi gặp rủi ro thì sẽ rất hối tiếc.

Nghịch lý là, rủi ro không chỉ đến với thí sinh - người chơi mà còn đến với cả giám khảo - người cầm trò. Bởi vì xét tính chất của các gameshow, giám khảo cũng chỉ là một thành phần của trò chơi. Họ cũng phải tuân theo các luật chơi của chương trình chứ không phải là người đề ra luật. Và họ cũng ý thức rõ được hai trường hợp có thể xảy ra: hoặc là danh tiếng bấy lâu được tôn lên, hoặc là bỗng dưng có thêm lượng antifan khổng lồ.

Không phải giám khảo nào của gameshow Việt cũng có cái may mắn được khán giả yêu mến như nhạc sỹ Quốc Trung. Đa số phải nhận thêm nhiều người ghét mình hoặc bị “ném đá” không thương tiếc trên các trang mạng xã hội và báo mạng bởi những phát ngôn của họ, như Lê Minh Sơn, Siu Black, Trần Tiến, Lê Hoàng… Thực tế, giám khảo được nhà sản xuất khuyến khích có những phát ngôn gây chú ý. Vì chẳng ai thích xem một chương trình có những vị giám khảo nói toàn lời nhạt nhẽo dễ nghe. Còn lại rủi ro tuỳ thuộc vào khả năng cảnh giác của mỗi vị giám khảo đến đâu. Không phải ngẫu hứng mà nhạc sỹ Trần Tiến phát biểu: “Có lẽ người ngu nhất là người chọn nghề giám khảo”. Đó là đúc rút thấm thía của một người chơi vừa tham gia một sân chơi mà họ chưa lường hết những hệ quả của luật chơi.

Cuối cùng, người được lợi là nhà sản xuất - nhiều người sẽ có cùng suy nghĩ này. Nhưng không hẳn vậy. Britist’s Got Talent mất 3 năm mới nổi tiếng toàn cầu, nhưng không phải nhờ những trò dị hợm nhảm nhí, mà nhờ tìm được Susan Boyle. Ở Việt Nam, Vietnam Idol mất hai mùa với đủ các clip hài hước về thí sinh vòng loại tung hoành trên mạng lẫn băng đĩa lậu cũng không gây được tiếng vang cho đến mùa thứ 3 tìm ra Uyên Linh. Công chúng là vậy. Một bộ phận không nhỏ sẽ thích thú với những trò mua vui trong chốc lát. Nhưng dư âm thì chỉ lưu lại được từ những gì tốt đẹp. Khi nhà sản xuất cố gắng tạo sóng dư luận, cố gắng thu hút sự chú ý của công chúng vào chương trình mà quên đầu tư cho chất lượng, cho một cái kết thuyết phục thì họ sẽ thất bại. Nhưng chỉ khi có được cả hai thì họ mới có được thành công. Nên, đã có truyền hình thực tế thì phải có scandal (dù vô tình hay cố ý).

Mọi so sánh là khập khiễng, nhưng cũng giống như các casino hay các phố đèn đỏ được hoạt động theo luật tại nhiều quốc gia phương Tây và một số quốc gia phương Đông, ai quyết định đặt chân vào đó đều phải tự ý thức được các hệ luỵ cũng như trách nhiệm của bản thân. Và vì thế, chỉ có khán giả là phải tỉnh táo trước cuộc vui.

Cúc Y
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

GS Mỹ luận bàn vai trò trí thức

Bài đăng trên Tuần VietNamNet 29/02/2012 10:48:42 AM (GMT+7)

Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, sẽ rất rủi ro nếu một xã hội nào đó chỉ tạo ra giới trí thức của những người có kiến thức nhưng lại biệt lập với nhau. Những con người biệt lập có thể có tri thức tuyệt vời, nhưng họ không thực sự nhận ra tri thức của mình có ảnh hưởng như thế nào đối với thực tiễn. Các trí thức sẽ có ích nhất khi họ có thể dạy cho thế giới những gì họ biết, và cũng qua đó rút ra những bài học từ thế giới.

Trí thức là gì?


Những ai theo dõi tin tức chắc hẳn đều biết ít nhiều về các trí thức. Nhưng chính xác thì họ làm gì, hay quan trọng hơn, họ nên làm gì? Ngay lúc này, không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nơi khác trên thế giới, người ta vẫn đang tranh luận gay gắt về định nghĩa trí thức và vị trí cụ thể của họ trong xã hội.

Nhiều người nghĩ rằng cuộc tranh luận chỉ xoay quanh vấn đề là liệu trí thức có nên chủ động tham gia vào các công việc chung, cố gắng thay đổi thế giới theo cách chính trị nhất hay không, hay họ chỉ nên dành thời gian cho những cuốn sách và phòng thí nghiệm, nói chuyện với học giả và sinh viên, và cố gắng mở rộng chân trời tri thức?

Theo quan điểm của tôi, không nhất thiết phải chọn một cách duy nhất này hay cách khác. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng, một số cảnh sát nên dành thời gian giải quyết vụ phạm tội vừa xảy ra, trong khi số khác nên tập trung phòng ngừa tội phạm sẽ xảy ra trong tương lai. Do đó, các trí thức khác nhau cũng sẽ đóng những vai trò khác nhau.

Tương tự, trong thế giới hiện nay, hầu hết chúng ta đều đồng ý giáo viên nên dạy cho trẻ những kiến thức cơ bản, đồng thời cố gắng vun đắp nhân cách cá nhân của các em. Như thế, một trí thức có thể dành một phần thời gian cho các vấn đề chung và một phần thời gian khác cho các vấn đề học thuật.

Tuy nhiên, rắc rối là ở chỗ: Trong trường hợp cảnh sát hay thầy giáo, chúng ta khá dễ đi đến thống nhất về công việc của họ và những gì họ nên làm. Nhưng với các trí thức, vấn đề không rõ ràng như vậy. Chúng ta có thể định nghĩa họ như thế nào? Sau khi biết trí thức là gì, chúng ta mới có thể biết vai trò họ nên đóng góp cho xã hội ra sao.

Theo tôi, cách tốt nhất để định nghĩa hai chữ "trí thức" là nhìn lại cách người ta sử dụng từ này trong lịch sử. Tôi là người Mỹ, tôi không thể nói nhiều về việc từ này được sử dụng ra sao ở từng khu vực khác nhau. Nhưng tôi nghĩ, sẽ rất thú vị cho cuộc tranh luận ở Việt Nam nếu biết thêm một chút về lịch sử từ "trí thức" ở phương Tây.

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/02/29/10/20120229105239_images385918_trithuc.jpg



Điều đầu tiên cần lưu ý là dù hình tượng được người ta liên tưởng đến các trí thức đã tồn tại từ rất lâu, nhưng ý niệm về một nhóm những con người cụ thể được gọi là "trí thức" còn tương đối mới mẻ.

Từ xa xưa, luôn có những người cố gắng giải thích các sự vật cho người khác, cũng giống như việc có những người luôn tự nhận là hiểu biết nhiều hơn người khác. Tuy nhiên, ngay cả khi các sử gia đôi khi vẫn viết về các trí thức thời xưa, họ hiểu rằng con người (rất nhiều người) thời đó đều thuộc trường phái tư tưởng này hay khác. Họ chủ yếu dành thời gian và sức lực cố gắng phô diễn sự ưu tú của phe mình hơn so với những người còn lại.

Dù chúng ta vẫn làm điều đó hôm nay, nhưng các trí thức đã cố gắng trở nên độc lập hơn, ngay cả khi họ rất trung thành với một nhóm nào đó. Bước ngoặt tạo ra kiểu trí thức mới ở phương Tây là thời kỳ Khai sáng thế kỷ 18. Thời đó, người có học vấn thấy mình mâu thuẫn sâu sắc với các tín ngưỡng giáo hội của thời đại, và họ thường bị nhà thờ hay hoàng gia ám sát hay bắt giữ, bởi dám phản đối các truyền thống đang và đã có sẵn.

Trí thức có ích nhất khi nào?

Tuy nhiên, điều vẫn hay bị bỏ quên là, ngay cả khi chủ nghĩa cá nhân đã biến các nhà tư tưởng thời kỳ Khai sáng trở thành các trí thức phương Tây hiện đại đầu tiên, họ vẫn thường nghĩ cần phải hợp tác với nhau vì cùng một mục đích chung. Thực tế, một trong những thành tựu lớn nhất của thời kỳ Khai sáng châu Âu là cuộc phối hợp để tạo ra cuốn Bách khoa toàn thư về những tri thức hữu ích và tư duy phê phán. Công việc được tiến hành từ năm 1751-1772.

Tuy nhiên, chúng ta không thể định nghĩa "trí thức" ngày nay chỉ bằng cách liên tưởng tới các nhà tư tưởng thế kỷ 18. Chúng ta cũng nên xem xét những gì đã xảy ra với những con người có kiến thức ở Nga thế kỷ 19. Trong giai đoạn này, một thuật ngữ quan trọng nữa là "giới trí thức" đã ra đời để chỉ nhóm người bao gồm các trí thức.

Tuy nhiên, họ là những trí thức có nhận thức rằng họ sẽ không còn ý nghĩa gì trong thế giới này trừ khi họ hết mình chống lại thực tiễn xung quanh. Với các điều kiện khắc nghiệt của nước Nga vào thời điểm đó, dễ hiểu tại sao giới trí thức lại nổi lên, và tại sao họ sẽ tiếp tục bùng nổ ở những nơi các nhà trí thức bị cấm không được truyền bá những kiến thức bổ ích và tư duy phê bán. Tuy nhiên, không phải mọi trí thức theo định nghĩa này đều thuộc giới trí thức.

Điều này đưa chúng ta đến đâu? Tôi  chắc chắn sẽ rất vui nếu các trí thức có thể đóng góp vào việc phổ biến kiến thức và vì sự tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên, lý tưởng này không dễ đạt được. Nó đòi hỏi những người có kiến thức phải thực sự hết mình vì việc truyền bá tri thức và hiểu biết mới.

Xã hội phải sẵn sàng xem xét ý những quan điểm mới, và tất cả các bên phải duy trì các chuẩn mực phê phán cao. Nhiều xã hội, trong đó có Mỹ, gặp khó khăn lớn trong việc nhận ra các mục tiêu này.

Có một điều luôn khắc sâu trong tôi: Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, sẽ rất rủi ro nếu một xã hội nào đó chỉ tạo ra giới trí thức của những người có kiến thức nhưng lại biệt lập với nhau. Những con người biệt lập có thể có tri thức tuyệt vời, nhưng họ không thực sự nhận ra tri thức của mình có ảnh hưởng như thế nào đối với thực tiễn. Các trí thức sẽ có ích nhất khi họ có thể dạy cho thế giới những gì họ biết, và cũng qua đó rút ra những bài học từ thế giới.

GS David Pickus (ĐH Arizona)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhạc cổ điển – sẽ ba chìm sau bảy nổi?



SGTT.VN - Một năm với liên tiếp các chương trình giao hưởng hè phố, giao hưởng hướng đến đại chúng, nhạc cổ điển có vẻ “được mùa”, có vẻ đã tìm được hướng tiếp cận công chúng thủ đô. Nhưng nếu đó chỉ là hiện tượng bề nổi?

http://118.69.212.146:8080/ImageHandler.ashx?ImageID=167395
NSND Quang Thọ trình diễn trong chương trình Luala concert. Ảnh do ban tổ chức cung cấp.



Giao hưởng tấp nập ra phố
Ngay từ đầu năm, chương trình giao hưởng đặt mục tiêu phổ cập nhạc cổ điển của nghệ sĩ piano Trang Trịnh đã khiến người ta giật mình với một trailer khác lạ, mang nhiều ngụ ý: nữ nghệ sĩ mải mê chơi dương cầm ngay trên phố. Dòng người vụt qua hờ hững. Nhưng, có một cô bé đã dừng lại, mê mải lắng nghe. Không ai ngờ, giấc mơ của Trang Trịnh, giấc mơ chung của những người yêu nhạc cổ điển sớm trở thành hiện thực bằng hàng chục chương trình giao hưởng hè phố liên tục diễn ra trong suốt một năm qua, và kéo dài đến hiện tại.

Luala concert dù chọn một không gian biểu diễn không mấy phù hợp cho một dàn nhạc dây, cũng không hẳn thuận tiện cho khán giả, vẫn có được lượng công chúng hết sức đầy đặn qua mười tuần đầu tiên. Nét độc đáo của tour giao hưởng hè phố này là thu hút khá đông các nghệ sĩ nổi tiếng hoạt động ở những lĩnh vực ngoài âm nhạc, thậm chí, chẳng hề dính dáng đến nhạc cổ điển. Sự lôi cuốn và độ khuếch trương của Luala concert cũng nhờ thế càng lên cao. Diễn ra âm thầm hơn là chương trình Tôi yêu sự chia sẻ của học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Dù không quảng cáo rầm rộ, cũng không có sự xuất hiện của những gương mặt “hút khách”, nhưng đội ngũ nghệ sĩ – sinh viên trẻ măng vẫn khiến một góc vườn hoa Lý Thái Tổ rộn rã mỗi sáng chủ nhật. Lượng khán giả tăng dần qua 12 buổi diễn, bất kể cái rét của mùa đông hay mưa phùn của tiết xuân Hà Nội. Điều thú vị là gần đây, chương trình giao hưởng hè phố này còn được một số công ty du lịch đưa vào tour dành riêng cho khách du lịch quốc tế, như một trong những điểm đến đặc biệt.

Mới đây, khi Luala concert có tên trong bảng đề cử giải Cống hiến 2011 vốn chỉ mặn mà nhạc nhẹ, không ít người đã vội đưa ra những dự cảm lạc quan cho nhạc cổ điển Việt Nam, một thể loại hàn lâm bị đóng khung trong những khán phòng hoặc sang trọng, hoặc chuyên biệt, và chưa bao giờ có đông khán giả.

Bề nổi hay chiều sâu?
Rất tiếc, những ai đang náo nức với “trang mới” của nhạc cổ điển Việt Nam sẽ phải đón nhận một tin kém vui. Tôi yêu sự chia sẻ nhiều khả năng chỉ kéo dài đến hết năm 2012, theo đúng hợp đồng với nhà tài trợ. Luala concert cũng có thể đồng cảnh ngộ, dù trong buổi họp báo ra mắt chương trình, ban tổ chức đã loại trừ lý do kinh phí. Tức là, hai chương trình đáng được xem như dấu mốc của nhạc cổ điển Việt Nam có nguy cơ phải khép lại trong nuối tiếc, như khá nhiều những chương trình phổ biến âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc cổ điển trước đó. Điều đáng nói là nếu như thế thì dư âm của mười, hay hai mươi mấy buổi diễn giao hưởng hè phố liệu có thể kéo dài được bao lâu, và lan toả được bao xa?

Nhìn sang nhạc jazz, một thể loại cũng kén công chúng ở Việt Nam. Trước đây, không ai ngờ jazz có thể bán được vé, và có thể vào được nhà hát Lớn, nhưng, sau nhiều năm bền bỉ, nghệ sĩ Quyền Văn Minh và các đồng nghiệp của ông đã làm được. Đương nhiên, họ thành công không phải nhờ một ý tưởng ngẫu hứng, một kế hoạch ngắn hạn, những hoạt động manh mún, hay những mạnh thường quân đôi khi xem trọng yếu tố thương mại hơn nghệ thuật. Jazz đã làm được, nhạc cổ điển tại sao không?

Hương Lan


Mới đây, học viện Âm nhạc quốc gia đã trao đổi với bộ Giáo dục và đào tạo về một chương trình phổ biến – nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho sinh viên – một thế hệ công chúng giàu tiềm năng, sẽ thực hiện liên tục trong nhiều năm, và ở nhiều thành phố. Nếu được duyệt và triển khai thì đây sẽ là dự án phổ biến âm nhạc đầu tiên không còn dừng lại ở những trào lưu bề nổi.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Khi sự hiếu thắng đưa đường, dẫn lối...

Bài đăng trên Tuần VietNamNet 02/03/2012 09:51:00 AM (GMT+7)

Nghệ thuật là chân- thiện- mỹ, văn hóa là nhân bản, mà một khi cái gọi là "nghệ thuật" ấy cười trên nỗi đau của một gia đình, hơn nữa, là nỗi đau của một đứa trẻ 15 tuổi, tâm lý đang quá tổn thương, thì liệu nó có còn thiện, còn mỹ, còn nhân bản nữa không?

Người lớn hiếu thắng, con trẻ... thua


Có một câu chuyện tưởng đã lắng xuống và qua đi, không ngờ mới đây nó lại một lần nữa bùng lên, tiếp tục trở thành chuyện đàm tiếu của thế gian, khiến những người quan tâm tới văn hóa không khỏi bận lòng suy ngẫm về văn hóa người Việt.

Bởi chuyện chả có gì mà thành... ầm ĩ thế!

Đó là câu chuyện của em Q.A, thí sinh 15 tuổi, bị loại từ vòng một, trong cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt 2012 (Vietnam's Got Talent), và được VTV3 phát gần đây.

Rất tình cờ, người viết bài này xem đúng lúc diễn ra tiết mục Tình mẹ của QA.

Mặc dù trước đó, gia đình giới thiệu cháu hát được sáu thứ tiếng, và người anh trai khen em gái hát đỉnh của đỉnh. Cái sự nắc nỏm đó khiến cho người xem càng ấn tượng và háo hức...

Nhưng nói thật, trực tiếp nghe, theo người viết bài, giọng hát cháu bình thường, chưa thật hay, hơi khô, cứng, không truyền cảm, dù thể hình và trang phục đẹp.

Quả vậy. Nhạc sĩ Huy Tuấn là người roẹt... roẹt... đầu tiên.

Chuyện cũng bình thường. Đã dự thi, thí sinh phải chấp nhận luật chơi, dù người thua, nhất là một em gái, hẳn rất buồn. Có thể thấy gương mặt của QA, lúc nghe Ban Giám khảo nhận xét.

Thế nhưng thật bất ngờ, người ta thấy mẹ của QA, bà Nguyễn Thị Ngọ bước ra sân khấu "tranh luận" cho sự thắng thua của con gái, đại ý: "Không phải tôi bênh vực cho cháu, nhưng theo dõi, tôi thấy trước đó, có nhiều thí sinh không bằng cháu vẫn được.... Cháu còn trẻ, tôi mong hãy cho cháu một cơ hội...".

Quả thật, người viết bài cũng là một người mẹ. Xem đến đây, bỗng thấy...  rất ngượng.

Xưa nay con hát mẹ khen hay, cha ông nói cấm sai. Nhưng sao sự "tranh luận" của người mẹ QA, giống hệt như lời một phụ huynh xin xỏ cho con lên lớp hoặc thoát kỷ luật!

Bởi là một cuộc thi giữa thanh thiên bach nhật trước hàng triệu khán giả trong trường quay và ngoài trường quay, liệu có giám khảo nào dám "muối mặt" để nhận lời bà Ngọ, cho QA một cơ hội đi tiếp vòng trong? Nghệ thuật vốn rất khó tính, và rất sòng phẳng, sòng phẳng đến nghiệt ngã, nếu con người không có thực tài. Và cũng bởi Ở nhà nhất mẹ nhì con. Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta.

Nhưng sự tranh đấu vì con, cho chiến thắng của đứa con, ở góc độ một người mẹ của bà Ngọ, không ngờ ghê gớm thế.

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/03/02/09/20120302095137_quynhanh.jpg
Lê Nguyễn Quỳnh Anh và mẹ, bà Nguyễn Thị Ngọ



Trái ngược với những hình ảnh diễn ra trên màn hình, khi trả lời phỏng vấn, bà Ngọ cho rằng cả gia đình bà đã bị.. lừa, chương trình bị cắt xén. Rồi đến lượt bà Thuý Hạnh, một trong ba giám khảo lên tiếng: Không ai dàn dựng lời nói của mẹ QA. Và Ban Tổ chức thì thanh minh, thanh nga...

Vậy đâu là sự thật? Có lẽ chỉ ba phía: Gia đình QA, Ban Giám khảo, và Ban Tổ chức là hiểu rõ nhất. Tiếc thay, họ là "ba mặt" nhưng không chung...một lời

Rốt cục, câu chuyện về QA nổ tung ra giữa bao lời đàm tiếu của xã hội, trong cái thế giới phẳng vốn khắc nghiệt và tàn nhẫn, khó có gì dấu được. Nơi mà mọi phản hồi tốt xấu, hay dở đều dễ dàng nhận được ngay lập tức, chỉ qua một cú nhấp chuột.

Chuyện bỗng dưng từ bé xé ra to. Đúng như dân gian đã tổng kết.

Hàng trăm bài báo, đến nỗi người ta gọi là các nhà báo quăng bom. Thời của báo chí "lá cải", của ba chữ S -sốc, sex, sến- lên ngôi! Đau hơn, hàng nghìn lời bình "ném đá" gia đình QA trên trang mạng xã hội.

Mạng ảo, "đá" cũng ảo, nhưng lại cực kỳ tàn nhẫn, vì nó chứa đựng biết bao hỉ, nộ, ái, ố của những cái nhìn, trình độ và con tim khác nhau. Từ bao dung đến hẹp hòi, từ nhân ái đến cay độc, từ hiểu biết đến thiển cận, từ sâu sắc đến nông cạn...

Cho dù gia đình bé QA, theo lời bà Ngọ, rất ý thức về việc "che chắn, đóng kín" những phản ứng bất lợi cho tâm lý của cháu sau vụ việc. Nhưng cách hành xử, quyết liệt đến độ hiếu thắng của người mẹ QA, vô tình lại "mở toang" cánh cửa tinh thần của gia đình, khiến cho QA phải tiếp tục hứng chịu sự tổn thương quá nặng nề với tâm lý một đứa trẻ.

Không hẹn mà gặp, rất nhiều ý kiến trong xã hội đều... nhìn về một phía- chê bai cách hành xử thiển cận, đã không còn là biết mình biết ta, tức là biết ở cái tuổi quá nhiều trải nghiệm trên thương trường của mẹ QA. Đã có người dùng bằng hai từ "lố bịch"

Chuyện nghe mãi cũng nhàm. Bất ngờ, mới đây, báo chí đưa tin ngày 24/2/2012, website của Trường Quốc tế châu Á- Thái Bình Dương, nơi mẹ QA làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đăng tải bức thư tay của QA, gửi tới bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội, khẩn thiết xin bà hãy điều tra "những sự việc gian dối mang danh truyền hình thực tế": Bác ơi hãy cứu cháu cùng mẹ và gia đình cháu, khiến dư luận đã nguôi lắng, lại lập tức bùng lên.

Nhiều ý kiến nghi ngờ đây không phải là lời lẽ của một em bé 15 tuổi, vì câu chữ sắc sảo, rất người lớn. Tuy nhiên, mẹ QA lập tức phủ nhận, và khẳng định đây là lá thư của chính con gái bà.

Người mẹ thường lắng nghe tiếng khóc của đứa con bằng con tim. Nhưng mẹ QA, đã lắng nghe tiếng khóc của đứa con bằng con tim... hiếu thắng. Con tim hiếu thắng đã khiến bà không nhìn thấy nên để con tự đứng dậy, đi lên sau cú thua cuộc bằng con đường nào là đúng đắn nhất.

Bởi lẽ ra, cái vụ thi thố tài năng ca hát, tuy đáng buồn và nuối tiếc với cả gia đình, biết đâu, sẽ trở thành một kỷ niệm buồn cười, khi QA khôn lớn hơn. Những thất bại đầu đời kiểu đó biết đâu, giúp em có nghị lực và bản lĩnh, để vượt lên và tu luyện thành tài, bởi em có sẵn niềm đam mê ca hát, và cũng bởi cuộc đời em còn rất dài.

Nhưng cho dù có ngã ngũ thì với QA, đây vẫn là một cú ngã đau đớn, không phải do tài năng quá kém, mà do em quá được yêu chiều, nuôi dưỡng bằng nhiều ngộ nhận và ảo tưởng. Bắt đầu từ tâm lý gia đình, ở đây là người mẹ, khó chấp nhận sự thất bại của con mình.

Người mẹ thường lắng nghe tiếng khóc của đứa con bằng con tim. Nhưng mẹ QA, đã lắng nghe tiếng khóc của đứa con bằng con tim... hiếu thắng. Con tim hiếu thắng đã khiến bà không nhìn thấy nên để con tự đứng dậy, đi lên sau cú thua cuộc bằng con đường nào là đúng đắn nhất.

Tiếc thay, bà lại công tác ở một môi trường giáo dục!

Bất ngờ nhất, hơn cả sự bất ngờ về lá thư của QA gửi Quốc hội, theo Bee.net, những ngày gần đây website của Trường Quốc tế châu Á- Thái Bình Dương, nơi bà Ngọ làm việc luôn bị giới hacker chiếm quyền kiểm soát. Và gửi chỉ một dòng chữ duy nhất bằng tiếng Anh: "Ever feel like you're wrong place?" (Tạm dịch: Đã bao giờ bạn cảm thấy mình sai?)

Câu hỏi đó, dành cho ai? Không ai trả lời, dù có vẻ, ai cũng hiểu câu hỏi đó dành... cho ai!

Người lớn cười, trẻ em... khóc

Xem chừng, "cuộc khẩu chiến" của gia đình QA với dư luận xã hội có vẻ như chưa ngưng nghỉ. Mới đây, người thứ ba- ông Lê Anh Tuấn, cha của em lên tiếng- với một lá thư gửi báo chí, và cũng đăng trên website của Trường Quốc tế Châu Á- Thái Bình Dương, ngày 27/2/2012, nhan đề: "Lời nhắn gửi của gia đình Quỳnh Anh Vietnam's Got Talent". Đây được coi là phát ngôn chính thức của người chủ gia đình QA.

Trong thư, ông Lê Anh Tuấn tỏ rõ quan điểm: "Chúng tôi hoàn toàn không cay cú về việc Quỳnh Anh không được lọt vào vòng trong" và khẳng định "Người có tội ở đây và là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra vụ tai tiếng có hàng triệu người tham gia này chính là nhà tổ chức và nhà sản xuất chương trình Vietnam's Got Talent".

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/03/02/09/20120302095509_bo-quynh-anh-len-tieng.gif
Ông Lê Anh Tuấn, cha của Quỳnh Anh đã lên tiếng với một lá thư gửi báo chí. Ảnh: VTC



Lá thư này, rồi đây, có được nhà tổ chức và nhà sản xuất chương trình Vietnam's Got Talent hồi âm không, xin hãy đợi ở thì... tương lai.

Có điều để xảy ra chuyện lùm xùm, mất thời gian, gây đàm tiếu và chuốc lấy sự chê cười của xã hội xung quanh vụ việc của QA, không phải ông Tuấn không có phần trách nhiệm, ở vai trò trụ cột một gia đình. Con dại, cái mang, nhưng ở đây con dại, cái... dở thì người đau đớn nhiều, sau QA, chính là ông- người chồng, người cha.

Dù vậy ông Tuấn có lý khi phản ứng về vở hài kịch "Copy và Bơm vá" phát trên sóng truyền hình tối 25/2. Cũng tình cờ, người viết bài lại được xem vở hài kịch này, mà chả thấy nó hài tý nào.

Bởi thực chất, nó nhại lại câu chuyện của QA. Vừa nhạt, vừa có phần ác vì sự diễu cợt, chả ra giáo dục, chả ra văn hóa. Nghệ thuật là chân- thiện- mỹ, văn hóa là nhân bản, mà một khi cái gọi là "nghệ thuật" ấy cười trên nỗi đau của một gia đình, hơn nữa, là nỗi đau của một đứa trẻ 15 tuổi, tâm lý đang quá tổn thương, thì liệu nó có còn thiện, còn mỹ, còn nhân bản nữa không?

Người viết cứ tự hỏi, tại sao các nghệ sĩ hài kịch quen thuộc vốn được khán giả truyền hình hâm mộ, lại không thể từ chối chút ít thù lao, chỉ vì cái gọi là hài kịch ấy cười trên tiếng khóc của một đứa trẻ? Và hãy đặt hoàn cảnh của mình. Nếu con của các nghệ sĩ bị rơi vào hoàn cảnh như QA, các nghệ sĩ hài nghĩ sao?

Chả lẽ, sự hiếu thắng sẽ gặp sự ...vô cảm là đương nhiên?

Chả lẽ, văn hóa người Việt chúng ta, giờ tàn tệ như thế này chăng?

Kỳ Duyên
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Giả dối - chuyện nhỏ?

Tác giả: Hà Văn Thịnh

Bài đã được xuất bản trên Tuần VietNamNet

Riêng có một điều người viết bài này sẵn sàng đặt cược, đó là: Nếu coi sự dối trá, giả dối đang tung hoành, phô trương khắp nơi là "chuyện nhỏ"(!) thì chắc chắn, xã hội ngày mai sẽ phải trả giá vô cùng đắt.

Trong top ten đầu tiên của loài người - Kinh Thánh coi "chớ nói chứng dối" (điều răn thứ Chín) là một trong 10 điều quan trọng nhất của cuộc đời. Trước đó 500 năm, Đức Phật - Bụt (Budha) còn kỹ lưỡng hơn khi Người xếp "Giới Vọng ngữ" vào một trong năm điều cấm (Ngũ Giới) đối với bất kỳ ai muốn hướng về Cõi Ngộ (prajnã) hay Cõi Tỉnh thức (Bodhi = Bồ Đề).

Những lời nói dối chân thật khác dối trá chỗ nào?

Và, hẳn là ai cũng biết trong Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng; có một điều dạy không dối gian, tức là phải luôn thật thà. Thật thà là một trong những phẩm chất quan trọng nhất, trẻ em không được phép quên... Nói như thế để thấy rằng giả dối, hay dối trá là những thói xấu nhất của con người. Nhưng tiếc thay, thói giả dối dường như đã song hành cùng với mọi kiếp người ở mọi thời, mọi nơi. Một khi chúng là nan đề, có nghĩa là dẹp bỏ (thực ra, chỉ có thể là làm bớt đi, ít trầm trọng hơn) cái nan đề ấy sẽ vất vả, nhọc nhằn biết bao nhiêu...

Trước hết, chúng ta mặc nhiên đồng thuận rằng cuộc sống luôn cần đến những lời nói dối chân thật - tên một bộ phim của Hollywood, được biến hóa dưới rất nhiều cái vỏ, áo khoác, mỹ từ với thiên hình vạn trạng. Chẳng hạn, nói về việc con dâu chăm sóc chu đáo bố mẹ chồng, ta gọi đó là nàng dâu biết điều.

Biết điều trong trường hợp này là ai cũng... biết con dâu không bao giờ có thể thương mẹ chồng như mẹ đẻ nên tình thương ấy có ẩn chứa sự biết điều. Hoặc trước những sai lầm, sai phạm diễn ra, làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích chung của xã hội, không ít người lại cố tình làm giảm nhẹ những điều đau xót ấy bằng các từ như "một số", "một số ít", "một bộ phận nhỏ"... Sự giả đó có tính toan và rất khó phản bác bởi một số nằm giữa cả ít và nhiều(!)

Chuyện phải giả dối ngọt ngào trong đời thì ai cũng có: Một cái áo đẹp vừa vừa của một người đàn bà có thu nhập không cao, đang mặc nó sẽ dễ dàng được khen là rất đẹp. Trước một bệnh nhân nặng ta đủ sự thành tâm và vô tư để an ủi là không có gì nguy hiểm lắm. Bạn đến nhà làm vỡ cái lọ hoa mà ta rất quý nhưng ta vẫn nói rằng không sao đâu mà...

Vài dẫn liệu trên đây cho thấy rằng những lời nói dối chân thật không chỉ là phần không thể thiếu được của cuộc đời vì nó là 'kiến trúc sư' làm nên tế nhị, biết điều, phải chăng, khiêm tốn, hòa thuận, hợp lý, đoàn kết, khôn ngoan...,

Nói chung nó còn là vô vàn lợi ích mà ông cha ta đã dạy (gián tiếp hay trực tiếp) thông qua vô số ca dao, tục ngữ: Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Yêu nhau cau sáu chẻ ba/ Ghét nhau cau sáu bửa ra làm mườ. Qua sông nên phải lụy đò/ Tối trời nên phải lụy O bán dầu. Chim khôn hót tiếng oanh vàng/ Người khôn ăn nói dịu dàng, dễ nghe...

Bàn đến đây mới thấy cái sự khó của việc phân định rạch ròi giữa giả dối, dối trá với lời nói dối chân thật gần như là vô vọng chẳng khác gì chuyện chúng ta khẳng định rằng A nói thế là tự hào, còn B nói vậy là tự kiêu.

Cũng tương tự như thế, sự khiêm tốn thái quá thành tự ti, không thể chấp nhận. Sự thẳng thắn cực đoan sẽ trở nên tàn nhẫn, khó có thể dung tha. Nhưng, một nỗi mặc nhiên của cuộc đời buộc chúng ta không thể thoái thác mà phải lựa chọn. Đó là sao cho ít sai sót nhất những lời nói dối chân thật có thể chấp nhận được chứ không phải là thấy "không quản được thì cấm".

Rất cần bàn (phải bàn, phải đặt cho ra lẽ) những lời nói dối chân thật nào là chấp nhận được và những gỉa dối, dối trá nào là không thể. Một ví dụ nhỏ: Gần 47% mỹ phẩm đang bày bán ở các shop thời trang Hà Nội là đồ giả là một sự thật đau lòng (Dân trí, 11.12.2011). Nói khác hơn, xã hội rất cần những tiêu chí khu biệt được sự khác nhau giữa lời nói dối chân thật và dối trá.

Sự khác nhau giữa lời nói dối chân thật và dối trá có thể ví với cách phân biệt giữa tập tục, ước lệ xã hội với hành vi phạm tội trong luật pháp. Cái đáng phải phiền muộn nhất trong sự phân biệt trên là do người Việt có thói quen sống duy tình (từ dùng của cố GS Trần Quốc Vượng). Nên rất thường xuyên lẫn lộn giữa hư và thực, tình và lý. Cái nhất thiết phải chế tài, đào thải nghiêm khắc và cái có thể thông cảm, cái nên cho qua và vấn đề không thể bỏ qua, cái kinh tế rạch ròi và cái chính trị hóa mơ hồ...

Rất nhiều nhà văn, học giả đã diễn giải thói xấu này bằng các cách nói khác nhau. Chẳng hạn, nhà văn Nguyễn Quang Lập thì bỡn cợt là tình hình rất chi tình hình. GS Hoàng Tụy thì xa xót về một nền giáo dục hư học. GS Hoàng Ngọc Hiến, khi than phiền về sự giả dối trong văn học, đã gọi văn học nước nhà là nền văn học phải đạo hay nước Việt mình nó thế.

Thậm chí, một học giả người nước ngoài, ông Jonathan Pincus, học giả làm việc cho chương trình Việt Nam, Harvard Kennedy School và là Hiệu trưởng Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright tại TP HCM, mới đây có bài đăng trên Financial Times cảnh báo chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế không có nghĩa là tiếp tục theo lối mòn lâu nay: "If economic reconstruction is a political game..." Financial Times, 2.12.2011).

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/Uploads/1313105341-lie1_1331626298.jpg
Ảnh minh họa



Làm thế nào giảm bớt giả dối và dối trá?

Vậy trong một phạm vi rất hẹp, có thể phân biệt ranh giới giữa lời nói dối chân thật và dối trá là ở đâu? Và, làm thế nào để giảm bớt giả dối và dối trá trong xã hội, nhất là, làm cho thế hệ trẻ tiếp nhận được, phân biệt được nó?

Thứ nhất, trong việc giáo dục cho con trẻ dứt khoát phải dạy rằng nói dối nguy hại và xấu xa, không được phép làm chứ không phải là khuyên chúng "nên nói thật". Đây là cách thay đổi khái niệm cũng như nội hàm của triết lý giáo dục đúng. Phạt nghiêm (sự dối trá) và thưởng hậu (sự thật thà) là nguyên lý mà cha ông đã khuyên nhủ từ lâu.

Thứ hai, trong mọi ngành nghề, phải có chế tài nghiêm khắc đối với tất cả mọi sự dối trá. Chẳng hạn, một nghị sĩ kê khai chức danh giả mặc nhiên phải từ chức. Một nhà giáo "đạo văn" để có bằng cấp mặc nhiên phải bị tước bằng, nghỉ đứng lớp chứ không chỉ là kiểm điểm rút kinh nghiệm. Một cơ quan thống kê "nhầm lẫn" số liệu để phù phép cơ quan kiểm toán hay cơ quan thi đua, mặc nhiên phải bị truy tố, và người đứng đầu phải bị cách chức, kỷ luật...

Thứ ba, mọi cung cách ứng xử lâu nay được coi là "bình thường" phải được dư luận lên án mạnh mẽ. Chẳng hạn, việc xả rác ra đường phố vô tư phải bị phạt tiền và bị coi là giả dối trong nguyên tắc sống tôn trọng cộng đồng. Cung cách ngụy biện sai lầm, tội ác phải được chỉ ra đích danh chứ không thể chung chung: "Một số" là kẻ thù của sự thật; những cái tạm coi là đúng nửa vời cũng là sự đồng lõa với dối trá...

Thứ tư, cái khó nhất, thực sự là nan đề của mọi vấn đề chính là dạy cho học sinh. Không chỉ dạy cho các em sự trung thực bằng lời nói, mà cần dạy sự trung thực bằng chính bài giảng. Nếu không, sẽ là huyễn hoặc các em và cũng là dạy các em thói không trung thực.

Thứ năm, nói đi đôi với làm luôn là cái khó nhất của con người. Nếu người lớn chúng ta, nói không đi đôi với làm, rất khó khiến cho học sinh, tuổi trẻ tâm phục, khẩu phục. Một cách khác, cũng là dạy cho hậu bối sự gian dối, sự dối trá.

Vài kiến nghị tạm coi là rạch ròi như thế thực ra vẫn chỉ là gợi ý (lạm bàn) để bạn đọc, nếu có sự quan tâm tới chủ đề này, trao đổi. Riêng có một điều người viết bài này sẵn sàng đặt cược, đó là: Nếu coi sự dối trá, giả dối đang tung hoành, phô trương khắp nơi là "chuyện nhỏ"(!) thì chắc chắn, xã hội ngày mai sẽ phải trả giá vô cùng đắt.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Có đấu tranh với sự giả dối được không?

Bài đăng trên Tuần VietNamNet 16/03/2012 06:00:00 AM (GMT+7)

Hầu như ngày nào chúng ta cũng "chạm trán" với sự giả dối, nhưng chúng ta lại cố tình... lờ đi, vì đấu tranh với sự giả dối không đơn giản chút nào. Có những sự giả dối vô hại, thậm chí có chút lợi ích nho nhỏ, nhưng đại đa số giả dối có hại - cái hại đó lớn tới mức làm băng hoại đạo đức xã hội, suy tàn quốc gia...

Trong những người trưởng thành, không ai dám chắc mình trung thực tuyệt đối suốt đời. Vì cuộc sống phong phú, đa dạng phức tạp tới mức nhiều khi con người không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Ranh giới giữa sự khéo léo và sự nịnh hót rất mong manh.

Ai cũng ghét sự giả dối nhưng ai cũng... mắc

Rất nhiều người tự răn mình là không được dối trá. Họ đã cố gắng làm như vậy cho đến lúc hoàn cảnh bắt buộc họ phải nói dối. Lúc đó họ tự an ủi mình là sự nói dối của mình vô hại, thậm chí là có lợi nho nhỏ.

Điển hình cho hoàn cảnh này là nhân vật bà xơ trong tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của V. Hugo. Bà xơ này chưa một lần nói dối nhưng để cứu Jean Valjean Giăng Van- Giăng (người mà bà rất kính trọng) bà đã nói dối cảnh sát.

Còn những chuyện nói dối vô hại như bạn đến nhà người quen chơi khi họ vừa dùng xong bữa, họ hỏi: "Anh (chị) đã ăn cơm chưa?". Dù chưa ăn cơm nhưng bạn trả lời "Ăn cơm rồi".

Có những người cứ nghĩ mình rất thành thật, nhưng không biết là đã bị nhiễm thói đạo đức giả. Lại có những người không có khả năng thành thật với chính mình. Mà không thành thật với bản thân mình cũng là một sự giả dối.

Sự giả dối ít bị lên án, ít bị vạch mặt vì ai cũng cảm thấy mình không đủ tư cách để nói lên điều này. Hơn nữa, nhiều người còn lập luận rằng, họ nói dối với dụng ý tốt, lời nói dối đôi khi lại trở thành hữu ích nếu biết rằng sự thật trong một số trường hợp không có ích cho ai. Tuy nhiên, với những người sống có nguyên tắc, chủ nhân của những lời nói dối kia vẫn bị khép tội dối trá.

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/03/15/15/20120315155907_lies-truth_1331793154.jpg
Nhận diện sự giả dối không hề khó. Đấu tranh với chúng mới là điều cần bàn. Ảnh minh họa



Sự giả dối - một phần của văn hoá ứng xử

Vào thế kỷ thứ XVIII, ở nước Anh, những người phụ nữ trang điểm còn bị khép tội lừa đảo, nhưng nay việc trang điểm cho phụ nữ đã được đẩy lên thành một nghề hái ra tiền. Con người đã thỏa hiệp với các dạng nói dối vô hại và sự giả dối không lời như sử dụng mỹ phẩm, tóc giả, phẫu thuật thẩm mỹ... Đó là do nhu cầu của cuộc sống.

Nhà văn Mark Twain đã viết: "Người ta giả dối bất cứ khi nào, cả trong lúc ngủ và lúc thức, trong lúc buồn và vui. Nếu người nào đó giữ được cái lưỡi im lặng, anh ta sẽ chuyển sang giả dối bằng thái độ". Sự giả dối giống như một thứ kỹ năng, tồn tại trong mỗi con người và được sử dụng khá thoải mái.

Đã có một số nghiên cứu nghiêm túc về sự nói dối của con người. Năm 2004, nhà tâm lý học Robert S.Feldman ở ĐH Massachusetts (Mỹ), sau khi phân tích những cuộc nói chuyện của sinh viên với người lạ, đã công bố: Hơn 60% số người có biểu hiện nói dối trong khoảng thời gian mỗi 10 phút.

Mức độ dối trá được sắp xếp từ thổi phồng cho đến bịa đặt. Nam giới và nữ giới có tần suất nói dối như nhau, nhưng  mục đích nói dối khác nhau. Trong khi phụ nữ có khuynh hướng giả dối để đối tượng yên tâm thì nam giới lại dùng sự giả dối cốt để tự an ủi chính mình.

Vì sao con người dễ dàng lừa dối và bị lừa dối đến vậy? Vì điều đó góp phần không nhỏ vào sự thành công trong quá trình sinh tồn của chúng ta. Dối trá để tồn tại, dối trá để giúp nhau, dối trá để thăng tiến... Có thể nói, dối trá là một "sản phẩm đa năng"  được sinh ra từ não bộ, giúp con người  thoát hiểm trong nhiều trường hợp nguy cấp.

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, những người bình thường nói dối cho yên chuyện, còn những người có chức, có quyền nói dối để thực hiện những dự tính, những mẹo mực của mình. Chính vì vậy đây là sự dối trá rất nguy hiểm vì chúng thường được tô vẽ cho tốt đẹp hoặc được "bảo kê" bằng sự đe doạ. Họ dựa trên nguyên tắc: Con người nếu không tin thì cũng phải biết sợ.

Khi sự dối trá có mũ "bảo hiểm"

"Bệnh thành tích" là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự dối trá tập thể. Điều này chúng ta dễ dàng nhận ra khi các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan làm báo cáo tổng kết cuối năm thời bao cấp. Đọc các báo cáo này, người ta thấy hầu hết đều đạt được những thành tích cao, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Nhưng thực chất, đây là sự dối trá của nhiều tập thể, chính vì vậy mà có những lúc chúng ta phải cãi vã với nhau để dành được quyền... mua một chiếc áo may ô hay một tuýt kem đánh răng.

Bây giờ chúng ta không thiếu những thứ này nữa nhưng không phải vì thế mà sự dối trá ít đi. Sự dối trá hiện nay trở nên tinh vi hơn, xẩy ra ở  cả những nơi tôn nghiêm, sang trọng. Do vậy, ảnh hưởng xấu của nó cũng ghê gớm hơn, lâu dài hơn.

Thật đáng buồn và đáng lo là trong khoa học, trong giáo dục sự dối trá cũng diễn ra tràn lan. Rất khó hiểu là khoa học -  lĩnh vực đáng ra phải tuyệt đối trung thực nhưng bây giờ cũng đầy rẫy sự dối trá.

Tại sao có sự dối trá trong khoa học? Tại vì chúng ta đào tạo ra các nhà khoa học, nhưng lại quản lý họ theo luật công chức như quản lý các nhân viên hành chính. Vì vậy đáng ra các nhà khoa học chỉ tập trung vào nghiên cứu, sáng tạo thì lại phải đối phó với rất nhiều thứ.

Có viện nghiên cứu khoa học ở Hà Nội bắt tất cả cán bộ, nhân viên phải lấy vân tay để làm thẻ vào cửa. Những người không chịu làm thẻ thì bị kỷ luật, thậm chí không được vào phòng làm việc. Còn những người làm thẻ rồi, đến phòng làm việc có... ngủ vẫn được chấm công. Quản lý như vậy không sinh ra sự dối trá mới lạ!?

Về nguyên tắc, ở đâu mà sự dối trá ngự trị thì ở đó khoa học không hoạt động có hiệu quả được. Khoa học Việt Nam vài chục năm nay hầu như không có thành tựu gì đáng kể. Đến việc xây dựng một trường đại học có chất lượng cao, có đẳng cấp quốc tế chúng ta cũng không làm được. Điều này có nhiều lý do, nhưng lý do chính là nền khoa học của chúng ta đang bị tha hoá, đang có sự dối trá ở trong đó.

Sự giả dối ít bị lên án, ít bị vạch mặt vì ai cũng cảm thấy mình không đủ tư cách để nói lên điều này. Nhưng xét cho cùng, sự giả dối vẫn là thói xấu bị muôn đời bị con người căm ghét. Đã căm ghét thì phải tìm cách đấu tranh, loại bỏ.

Sống chung với giả dối!

Nhận diện sự giả dối không hề khó. Đấu tranh với chúng mới là điều cần bàn. Ví dụ, khi báo chí phản ánh về những sai phạm trong việc "cống hoá" đoạn mương Liễu Giai - Linh Lang trên đường Phan Kế Bính, lãnh đạo Quận Ba Đình và TP Hà Nội đã vào cuộc. Họ nói chắc nịch: "Phần nào làm không đúng với thiết kế phải dỡ bỏ!".

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/03/15/16/20120315160148_ImageView.aspx_1331793161.jpg
Đoạn cống hóa mương Liễu Giai - Linh Lang trên đường Phan Kế Bính.



Có người tưởng đây là thái độ quyết liệt và trung thực, nhưng phần lớn nhận ra rằng, đây chỉ là sự giả dối vì không chỉ rõ thời gian và cơ quan phải làm việc này. Và đến nay toàn bộ công trình xây dựng ở đây đã được đưa vào sử dụng. Như vậy, chúng ta biết được sự giả dối nhưng không đấu tranh một cách có hiệu quả.

Đấy chỉ là một ví dụ rất cụ thể thôi, trong cuộc sống hiện nay, còn nhiều sự giả dối to lớn và nghiêm trọng hơn nhiều vẫn tiếp tục diễn ra một cách công khai.

Chuyện bức xúc nhất gần đây là hàng loạt ô tô, xe máy bỗng nhiên bị cháy mà không rõ nguyên nhân. Đây là hậu quả tổng hợp của nhiều sự giả dối cùng một lúc, trong đó có xăng bị pha chế, có sự bất lực của khoa học, có sự vô trách nhiệm của những người quản lý.

Cái đáng lo nhất hiện nay là sự giả dối lan tràn. Nói một cách cụ thể, thẳng thắn, có những phát biểu chung chung, những lời hứa, những mục tiêu to tát không đi kèm những biện pháp khả thi cũng là sự... giả dối. Hơn nữa, sự giả dối loại này gây tác hại to lớn và lâu dài. Mà đấu tranh với những loại giả dối này là vô cùng khó.

Thế nên, chúng ta luôn phải sống chung với giả dối!


Hồ Bất Khuất
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

              DỐI

Nói dối thường đi với đứa tham
Hám ăn nhưng lại biếng tay làm
Tranh công, đoạt chức, gian như cáo
Làm ít, lương nhiều, bám đít quan!
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Theo tôi, rất khó đấu tranh với sự giả dối. Cái dối nó len lỏi trong đời sống thường ngày, cả trong môi trường giáo dục, nơi mà đáng lẽ ra phải trong sạch nhất. Ai đời có đoàn kiểm tra lại báo trước và vệ sinh sạch sẽ ...Hay có dự giờ là thầy cô sắp đặt, chỉ định từng em giơ tay phát biểu với câu hỏi đã biết trước. Dạy kiểu gì hả?
Ngày trước, lớp tôi thầy hay cho tổ tự bầu hạnh kiểm. Các tổ khác nếu có ai sai phạm trong giờ kiểm tra mà bị bắt thì mới bị hạnh kiểm thường. Riêng tổ tôi, hễ bạn nào giở tài liệu là bị hạnh kiểm thường, bất kể có bị bắt hay không. Các bạn ấy vẫn vui vẻ gãi đầu gãi tai nhận mà không ý kiến gì.
Trở lại hiện tại, các quan bây giờ chỉ khi bị khui ra ánh sáng mới gọi là  người xấu. Nếu không bị ai sờ gáy thì vẫn là công bộc tốt và đáng kính của dân, mặc dù vụ việc sờ sờ ra trước mắt, nhưng toàn bộ nhân viên cán bộ, các ban ngành cả tỉnh huyện đều mù cả. Hỡi ôi, câu chuyện đấu tranh được với sự giả dối chỉ có ở thì tương lai xa hàng nghìn năm ánh sáng. Bao giờ cho đến ngày ấy? Hả? Hả? Bao giờ?
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

"Nếu coi sự dối trá, giả dối đang tung hoành, phô trương khắp nơi là "chuyện nhỏ"(!) thì chắc chắn, xã hội ngày mai sẽ phải trả giá vô cùng đắt".

Hà văn Thịnh

Bác này hình như không sống ở trần gian mấy, nhất là ở cái nước Nam này.Cái sự dối trá nó tác oai tác quái thật khủng khiếp từ lâu rồi. Và rất nhiều người đang cho nó là chuyện nhỏ. Và xã hội ta đã, đang và tiếp tục bị trả giá thật đớn đau.
  Cái nguyên nhân sâu xa của sự dối trá  là để mang lại lợi ích cho mình, đơn vị mình, ngành mình, địa phương mình. Hay nói gọn lại là để mưu lợi một cách bất chính cho mỗi cá nhân. Chống nó ư ? Dễ ợt ! Nhưng vô cùng khó khăn. Khó đến không tưởng. Hãy từ trên xuống: Nói không với dối trá. Mọi hành vi dối trá đều bị xử lý. Trên xử lý dưới. Dưới xử lý dưới nữa...Ai dám hy sinh lợi ích của mình để từ bỏ dối trá đây ?
  Còn chuyện "lời nói dối thật thà" thuộc phạm trù khác, không bàn ở đây.
Mấy nhời thô thiển, có gì không phải nhờ các bác chỉ dẫn để anh em được học hỏi.

TTT
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [18] [19] [20] [21] [22] [23] [24] ... ›Trang sau »Trang cuối