Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [17] [18] [19] [20] [21] [22] [23] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Rào-Nam

- Ở trường con vẫn cầu nguyện đấy chứ? - mẹ tôi hỏi trong lúc bà ủi món đồ cha tôi vừa kịp may xong trong ngày.
- Hẳn rồi - tôi đáp chắc như đinh đóng cột - bọn con còn đọc sách viết về Cain và Abel nữa ấy chứ.
- Thế mà người ta đồn ông giáo mới là kẻ vô thần.
- Kẻ vô thần là sao, mẹ?
- Là không chịu tin Chúa - mẹ tôi lộ vẻ bất bình và bà đè mạnh chiếc bàn ủi dọc theo lằn xếp trên ống quần.
- Thế còn quỉ sứ? Quỉ sứ có thật hả mẹ?
- Cố nhiên là thế.
Nắp vung đậy chiếc nồi trên bếp nhảy múa tưng tưng. Từ miệng nồi trông giống mõm con quái vật đang sùi bọt mép, hơi nước bốc lên cuồn cuộn. Một con bướm đêm bay chập choạng dưới trần nhà quanh chiếc đèn móc vào sợi dây thép xoắn. Thường thì mẹ tôi vẫn càu nhàu mỗi khi bà phải ủi đồ. Mặt bà căng ra khi ủi đường khâu của chiếc quần. Nhưng hôm nay giọng mẹ tôi dịu dàng, hơi buồn, như thể bà đang bảo ban cho một kẻ ít học.
- Quỉ sứ cũng từng là thiên thần, hiềm nỗi về sau lại trở chứng.
Con bướm đụng vào chiếc đèn làm nó lúc lắc và những cái bóng trong phòng cũng nhảy nhót theo.
- Hôm nay ông giáo giảng rằng bướm cũng có lưỡi. Nó mảnh, dài và cuộn lại
hư cái lò xo đồng hồ. Khi nào ở Madrid người ta gửi cái máy tới, ông ấy sẽ chỉ cho bọn con xem lưỡi bướm. Thật không, mẹ? Bướm cũng có lưỡi à?
- Ông giáo đã nói vậy nghĩa là có thật. Trên đời này vô khối chuyện khó tin nhưng lại có thật. Thế con đã thích đi học chưa?
- Con thích lắm. Ông giáo không đánh ai cả. Ông giáo không đánh...
Ông giáo Grigorio không đánh ai cả, ngược lại cái miệng rộng như miệng cóc của ông luôn cười vui vẻ. Nếu trong giờ ra chơi có hai thằng con trai đánh nhau, ông kêu hai đứa lại, gọi chúng là “hai con cừu đực non”, buộc chúng bắt tay nhau trước khi chuyển chúng sang ngồi chung một bàn. Nhờ bị phạt lối đó nên tôi làm quen với Dombodan - một thằng cao to, vụng về nhưng hiền lành, về sau trở thành bạn nối khố của tôi. Rồi thêm một thằng nữa, thằng Eladio, có mụt ruồi mọc ngay trên má. Tôi muốn choảng nó một trận cho ra trò nhưng không dám, vì tôi sợ bị ông giáo ra lệnh bắt tay nó và sợ phải xa Dombodan. Cần phải nói thêm là ông giáo sẽ im lặng nếu ông muốn cho chúng tôi biết ông đang giận.
- Nếu các trò còn làm ầm ĩ thì ta đành im lặng vậy.
Ông bước đến bên cửa sổ, giả vờ ngó lên đỉnh núi Sinai. Sự im lặng kéo dài của ông khiến chúng tôi hoảng sợ đến tuyệt vọng. Chúng tôi cảm thấy bơ vơ đơn độc giống như bị bỏ rơi giữa một vương quốc xa lạ. Tôi chợt hiểu ra rằng sự im lặng của ông giáo là hình phạt đáng sợ nhất trên đời, bởi bất kỳ điều gì ông nói ra đều như những câu chuyện cổ tích tuyệt vời. Câu chuyện đó có thể bắt đầu từ lịch sử phát minh ra giấy viết, rồi nhảy cóc qua rừng nhiệt đới Amazon và quay trở về với lời giải thích cách cơ tim co thắt. Những câu chuyện mạch lạc, nối tiếp nhau và đầy ý nghĩa. Khi ông giáo tiến tới trước tấm bản đồ thế giới, cả lớp lặng đi, nôn nóng chờ đợi, giống như lúc màn ảnh trong rạp Rex nhấp nháy lóe sáng, bởi vì nhờ ông chúng tôi được nếm thử nỗi kinh hoàng của thổ dân châu Mỹ lần đầu tiên nghe tiếng súng hỏa mai. Nhờ ông giáo, chúng tôi như được cùng với Aníbal de Cartago cưỡi voi vượt qua rặng Alpes tuyết phủ tiến về Rome, dùng gậy và đá hộc đánh giáp lá cà với lính của Napoleon ở Ponte-Sampaio. Không chỉ đánh nhau, ở Incia chúng tôi đập búa trong các lò rèn biến những cục sắt thành liềm và lưỡi cày. Có mặt ở Provenza hay bên bờ biển Vigo, chúng tôi nghĩ ra những bản tình ca. Chúng tôi xây Cổng Tụng Ca, trồng khoai tây mà chúng tôi mang từ châu Mỹ về. Rồi sau đó vào thời “dịch khoai tây” , chúng tôi lại di cư sang châu Mỹ.
- Té ra người ta mang khoai tây từ tận châu Mỹ về, mẹ ạ - tôi hoan hỉ khoe như vậy trong bữa ăn tối, khi bà đặt đĩa xuống trước mặt tôi.
- Từ châu Mỹ? Thế mà cũng nói. Ở đây lúc nào không có khoai tây? - mẹ tôi phản đối bằng giọng không để cho ai cãi lại.
- Không đâu, mẹ. Ngày xưa tổ tiên chúng ta ăn hạt dẻ, chưa có khoai tây. Bắp cũng được mang từ châu Mỹ về.
Lần đầu tiên tôi nhận thức rành rọt rằng nhờ có ông giáo tôi biết thêm nhiều điều quan trọng về thế giới mà cha mẹ tôi không biết.
Những giờ học thú vị nhất là khi ông giáo giảng về lũ sâu bọ. Nào là nhện nước biết chế tạo tàu ngầm, kiến trồng nấm và chăn rệp để lấy sữa. Nào là ở Úc có loài chim dùng lá và nhựa cây làm ra sơn có nhiều màu dùng để trang trí tổ của chúng. Làm sao bạn quên được những chuyện ông kể? Có một giống chim tên là Tilonorrinco, con đực của loài này mỗi khi xây xong một chiếc tổ mới lại bỏ vào đó một bông hoa lan để chiêu dụ chim mái tới ở.
Tôi đâm ra mê mẩn với những giờ học và xung phong đi bắt côn trùng cho ông giáo, còn ông coi tôi là đứa học trò giỏi nhất lớp. Hễ có dịp, thường vào thứ bảy hay những ngày lễ, ông lại ghé rủ tôi đi dạo - những chuyến đi đối với tôi gần như là những cuộc thám hiểm. Chúng tôi lội dọc hai bờ sông ngập trong những vạt cỏ dại, sau đó chúng tôi vào rừng, leo lên đỉnh Sinai. Với tôi, mỗi cuộc dạo chơi là một chuỗi khám phá. Trở về nhà, thể nào chúng tôi cũng khuân theo kho báu: bọ ngựa, chuồn chuồn voi, bọ dừa, và lần nào cũng có một loài bướm mới, mặc dù bây giờ tôi chỉ còn nhớ được một loài mà ông giáo gọi tên nó là iris. Khi con iris đậu xuống mô đất hay đống phân bò, đôi cánh nó lấp lánh rất đẹp.
Trên đường về nhà, như hai người bạn già, chúng tôi cùng nhau hát váng lên. Qua ngày thứ hai, đến trường ông giáo nhắc tôi lôi kho báu ra:
- Nào, Chim Sẻ, bây giờ chúng ta sẽ nói chuyện một chút về mấy anh bạn mới.
Cha mẹ tôi coi sự ưu ái của ông dành cho tôi là một vinh dự lớn. Hễ chúng tôi đi dạo, thế nào mẹ tôi cũng chuẩn bị sẵn bữa lót dạ sáng cho hai thầy trò.
- Không dám, không dám. Tôi đã dùng bữa rồi - ông giáo từ chối.
Thế nhưng khi chúng tôi trở về, ông lại nói:
- Cảm ơn bà, bữa sáng ngon lắm.
- Có lẽ ông giáo cũng sống bữa nay lo bữa mai - mẹ tôi nhận xét.
- Ở nước ta chẳng có ông giáo nào được đối đãi xứng đáng - cha tôi hùng hồn tuyên bố - nhưng chính họ làm nên văn hóa của nền cộng hòa đấy.
- Ôi dào, cộng hòa với chả cộng hòa! Để rồi xem nền cộng hòa của các ông ra sao! Nó sẽ dẫn tất cả chúng ta tới đâu đây?
Cha tôi ủng hộ chế độ cộng hòa, mẹ tôi thì không. Nói cách khác, mẹ tôi thuộc số những phụ nữ chăm chỉ đi lễ mỗi ngày, còn những người cộng hòa như cha tôi nổi tiếng là kẻ thù của giáo hội. Khi có mặt tôi, cha mẹ tránh không cãi nhau về chuyện này nhưng dù sao ít nhiều ý kiến của họ cũng lọt vào tai tôi.
Một lần, khi ông giáo ghé nhà rủ tôi đi bắt bướm, cha tôi xin ông cho phép đo ni để may áo khoác.
- May áo khoác à?
- Vâng, thưa ông giáo. Xin ông chớ giận. Tôi rất muốn làm điều gì đó cho ông vui. Cũng là để cảm ơn ông. Tôi lại chỉ biết may vá chứ đâu biết làm gì khác.
Ông giáo chớp mắt bối rối.
- Đấy là nghề của tôi - cha tôi cười, nói thêm.
- Nghề nào tôi cũng kính trọng cả, ông ạ - ông giáo đáp sau thoáng im lặng.
Suốt cả năm trời ông giáo mặc chiếc áo khoác ngoài cha tôi may. Ông đã mặc chính chiếc áo đó vào cái ngày tháng sáu năm 1936, khi tôi trông thấy ông trên đường tới hội đồng thành phố.
- Sao rồi, Chim Sẻ. Năm nay thầy trò mình chắc chắn sẽ được chiêm ngưỡng lưỡi bướm nhỉ.
Xung quanh đang xảy ra chuyện gì đó bất thường. Ai nấy đều tỏ vẻ vội vã nhưng kỳ thực chẳng ai nhúc nhích khỏi chỗ của mình. Những người đang nhìn về phía trước, đột nhiên quay lưng đi ngược trở lại. Những người đang ngó sang phải, lại bất ngờ rẽ trái. Bác hốt rác Cordeiro làm một việc tôi chưa từng thấy bao giờ: bác chịu khó ngồi lặng trên ghế, mà lại là ghế trước sân khấu hòa nhạc. Bác nhìn lên trời, khum bàn tay che mắt cho khỏi chói. Thông thường, bác Cordeiro nhìn trời kiểu đó và nếu như lũ chim im bặt thì có nghĩa là trời sắp nổi cơn dông.
Tôi nghe tiếng vọng bình bịch đơn độc của một chiếc môtô. Rồi nó xuất hiện, do một người vệ binh cầm lái, một cây cờ cắm vào yên xe sau lưng. Gã chạy xe ngang tòa thị chính, quăng ánh mắt sắc lạnh lướt trùm lên đám đông tụ tập dưới mái hiên của tòa nhà đang lo lắng thì thầm với nhau. Hắn thét: “Tây Ban Nha muôn năm!” và rồ máy chạy tuốt, bỏ lại sau đuôi một làn khói đen và tiếng ì ầm.
Các bà mẹ vội vã réo gọi con về. Cả nhà tôi ủ rũ như lúc bà nội tôi qua đời. Cha tôi ngồi trước cái gạt tàn đầy ụ mẩu thuốc, mẹ tôi vừa chùi nước mắt vừa loay hoay làm những việc vô nghĩa: bà mở vòi nước rửa chồng đĩa đã sạch bóng và cất đống đĩa dơ vào tủ chén.
Có ai đó gõ cửa. Cha mẹ tôi nín thở dõi theo vòng quay của quả đấm. Té ra bà hàng xóm Amelia. Bà ta đang đi ở cho gia đình Suares.
- Đang xảy chuyện gì vậy hả? Ở Coruna người ta thiết quân luật, rồi lại bắn cả vào dinh tỉnh trưởng nữa.
- Xin Chúa cứu giúp chúng con - mẹ tôi làm dấu thánh giá.
- Còn ở đây - hạ giọng thì thào như thể sợ vách tường có lỗ tai, Amelia nói tiếp - nghe đồn ngài thị trưởng triệu cảnh sát trưởng tới nhưng ông này cáo bệnh để khỏi phải có mặt.
Ngày hôm sau, cha mẹ không cho phép tôi ra khỏi cửa. Nhìn qua cửa sổ tôi thấy hết thảy người đi đường đều lặng lẽ như những cái bóng, làm như mùa đông bất ngờ sụp xuống và những cơn gió lạnh đã đuổi sạch lũ chim sẻ của Alameda - giống như thổi những chiếc lá khô - đi đâu mất.
Binh lính được điều từ thủ đô tới đã chiếm tòa thị chính. Mẹ tôi đi lễ nhà thờ nhưng mới được một lát thì trở về, miệng câm lặng, mặt trắng bệch. Chỉ trong nửa giờ dường như bà đã già thêm vài tuổi.
- Ramon, có chuyện chẳng lành rồi - mẹ tôi sụt sùi nói với cha tôi.
Cha tôi cũng già đi trông thấy. Tệ hơn, ông dường như đã đánh mất nốt chút ý chí cuối cùng. Ông ngồi bất động, lưng còng, lọt thỏm trong chiếc ghế bành, không chịu hé miệng nói năng mà cũng chẳng chịu ăn.
- Mau đốt sạch những thứ gây nguy hiểm cho ông đi, Ramon. Báo, tạp chí, sách. Đốt tất.
Trong những ngày ấy, mẹ tôi nhảy lên làm bà chủ nhà. Một buổi sáng bà ra lệnh cho cha tôi ăn mặc tươm tất và dẫn ông đi lễ nhà thờ. Trở về tới nhà, mẹ tôi nói:
- Nghe này, Moncho. Bây giờ đi với mẹ lên Alameda.
Bà lôi bộ đồ mà tôi chỉ được mặc vào dịp lễ ra, tự tay thắt nơ cổ cho tôi và dặn dò nghiêm khắc:
- Nhớ cho kỹ, Moncho. Cha con không phải là người cộng hòa, chưa từng là bạn của thị trưởng. Cha không khi nào báng bổ linh mục. Còn một chuyện quan trọng nữa, Moncho, cha con không hề tặng áo cho ông giáo Grigorio.
- Nhưng cha có tặng...
- Không, Moncho. Không tặng. Hiểu chưa? Không tặng!
- Vâng. Không tặng.
Rất nhiều người tụ tập ở Alameda, tất cả đều diện những bộ cánh ngày lễ. Có cả dân từ các xóm núi đổ xuống: đàn bà con gái mặc đồ đen, các lão nông khoác áo chẽn, đội nón vành rộng. Lũ trẻ con vừa sợ hãi vừa thích thú đeo bám đám đàn ông áo chàm, súng ngắn xệ bên hông. Hai hàng lính đứng rải từ chân tam cấp dẫn lên tòa thị chính ra tới mấy chiếc xe tải đóng song sắt mà người ta thường dùng chở súc vật đến hội chợ phiên. Nhưng hôm nay ở Alameda không hề có tiếng hò la vui vẻ của hội chợ, trái lại sự tĩnh lặng như dưới mồ đang ngự trị khắp nơi. Người ta không chào hỏi nhau, làm như chẳng hề quen biết. Ai nấy đều căng thẳng ngóng nhìn về mặt tiền tòa thị chính.
Một gã vệ binh thò đầu khỏi cánh cửa mở hé nhìn bao quát đám đông. Sau khi mở toang hai cánh cửa, hắn khoát tay ra hiệu. Từ trong vòm tối của tòa nhà, những người bị bắt bước ra. Họ bị trói tay, trói chân và bị xiềng dính với nhau. Một toán vệ binh đi áp giải họ. Có những người trong số họ tôi không biết tên nhưng đã nhiều lần thấy mặt. Này là ông thị trưởng, mấy người thủ lĩnh công đoàn, rồi thủ thư của câu lạc bộ văn chương “Tia sáng công nhân”, ca sĩ đơn ca của nhóm “Mặt trời và cuộc sống”, anh thợ đẽo đá có biệt danh Hercules, cả cha của Dombodan nữa... Người cuối cùng bị xiềng là ông giáo Grigorio của chúng tôi, lưng khòm, mặt mũi xấu xí như cóc.
Tiếng khẩu lệnh nhát gừng, tiếng thét chát chúa vang lên và bay tản khắp bầu trời Alameda giống như tiếng đại pháo. Dần dà, đám đông bắt đầu lặp lại những lời rủa xả đám vệ binh xổ vào mặt những người bị bắt:
- Đồ phản bội. Kẻ cướp Đỏ.  
Chợt tôi nghe tiếng cha tôi thốt lên, bằng giọng the thé lạ tai:
- Đồ phản bội! - rồi tiếng của ông to hơn và to hơn nữa - Đồ kẻ cướp!
Cha tôi bứt khỏi tay mẹ tôi, sán tới sát hàng lính, cả người ông run rẩy vì giận dữ và phẫn nộ. Ông nhìn trừng trừng vào ông giáo:
- Kẻ giết người. Thằng vô chính phủ. Đồ ác độc chết tiệt.
Giờ lại tới lượt mẹ tôi cố xoa dịu cha tôi, bà giật áo ông, nhưng dường như cha tôi đã đánh mất lý trí:
- Đồ khốn kiếp. Đồ chó chết.
Chưa bao giờ tôi nghe thấy cha tôi gán cho người khác, thậm chí cả ông trọng tài đá banh mà cha tôi rất ghét, những từ xấu xa như thế. Ông thường dạy tôi:
- Mẹ của người ta đâu có lỗi mà lôi họ ra chửi, đúng không, Moncho? Con nhớ cho kỹ điều đó nhé.
Nhưng hiện thời cha tôi đã phát điên, ông quay lại và thúc giục tôi bằng ánh mắt đỏ ngầu những tia máu:
- Mày cũng la đi chứ, Moncho. Hét vào mặt nó!
Và khi những chiếc xe tải chở đám người bị bắt chuyển bánh, tôi đã có mặt trong số những đứa trẻ chạy đuổi theo xe để ném đá. Tôi cố tìm bằng mắt cho ra gương mặt của ông giáo để hét to “Đồ phản bội, đồ kẻ cướp”, nhưng đoàn xe tải đã biến mất sau đám bụi ở phía xa. Còn lại mình tôi đứng giữa đường, hai tay nắm chặt, ngạt thở vì giận dữ và bất lực, miệng thì thầm:
- Cóc! Tilonorrinco! Iris!


(sưu tầm từ internet)

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Vodanhthi đã viết:
Âm bản chiến tranh  

(tiếp theo và hết)

Đêm nay sao dài gấp nghìn lần cái đêm Luận cùng Hơ Miêng ân ái bên bờ suối. Có biết bao sự việc, gương mặt của thời máu lửa cứ ẩn hiện trong đầu anh. Cuộc gặp mặt các cựu chiến binh của trung đòan tăng - pháo kết hợp ở quân khu V thời chống Mỹ có thể sẽ đảo lộn cuộc sống của Luận những năm tháng sau này. Bảo gặp anh không còn vồ vập, suồng sã như mọi lần. Cái nhìn của Bảo hướng vào anh như thôi miên, nhiều ẩn ý khó đóan ra được. Thường thì trong các cuộc gặp mặt, lúc họp chung, Bảo ngồi im re, chỉ hào hứng tán bậy, chửi tục văng mạng khi vào tiệc rượu. Lần này Bảo đến trễ, nồng nặc hơi men, mắt đỏ vằn, dắt theo một bé gái chừng 13- 14 tuổi. Hội trường khi ấy đang nghiêm trang phát kỷ niệm chương và cuốn lịch sử pháo binh khu V. Trên hàng ghế danh dự, Luận được ngồi chung với mấy vị tướng và các thủ trưởng cũ nay đã về hưu, vinh danh lão thành cách mạng. Bảo bước vào, nhìn xóay vào Luận vài giây rồi quay sang cháu bé giới thiệu:

- Xin các thủ trưởng cũ, mới và anh em chiến hữu nhìn cho rõ, đây vừa là cháu nội vừa là cháu ngọai của trung đòan ta, chính xác hơn là của tiểu đòan pháo 105 ly anh hùng.

- Nói rõ và cụ thể xen nào, Bảo ơi!- Cả hội trường nhao lên.

- Thế là đủ, cần gì phải nói rõ. Thằng nào có con có cháu thì tự biết. Đau xót là ở chỗ tôi vừa cứu cháu Hơ Linh thóat khỏi ổ mại dâm tại thị trấn Hà Lam, thủ phủ huyện Thăng Bình. Cả bố lẫn mẹ cháu đều là giọt máu thuần chủng cách mạng của lính ta gửi lại trong trận đánh Quế Sơn năm 1972. Từ Hà Lam vào khu căn cứ của trung đòan ta chỉ có hơn 40 cây số theo quốc lộ 16E mà vợ chồng chúng nó sau 30 năm thống nhất, sống khổ như chó lợn nên cháu Hơ Linh mới ra nông nỗi này.

- Cậu lại phát biểu mất lập trường rồi, Bảo ơi ! Về chỗ ngồi đi cho hội nghị tiếp tục- Một thủ trưởng cũ ôn tồn nói.

- Ơ hay!...Thế nào là lập trường hở thủ trưởng? Nó là cái Đ gì mà làm khổ tôi đến mức bây giờ cái C cũng chẳng còn để lưu truyền nòi giống tổ tiên dòng họ? Sống thật với bản năng tính người, nói ra những sự khốn nạn là mất lập trường ư ? Này Luận! Cậu đang ngồi hàng ghế danh dự vì cậu đã lên quan, làm thứ trưởng một bộ quan trọng, hãy trả lời đi.

Luận cố tránh ánh mắt nhìn như moi tim, móc óc của Bảo. Anh xúc động rưng rưng, đứng dậy, bước khỏi hàng ghế danh dự, lại gần bạn, dìu Bảo về chỗ ngồi ở cuối hội trường. Thật lòng anh không muốn về lại chỗ cũ, nhưng ngồi gần Bảo và Hơ Linh lúc này thì anh không dám. Khỏi cần Bảo giới thiệu, chỉ mới thóang nhìn cô bé bước vào hội trường, anh đã nhận ra nét quen quen. Chẳng lẽ anh đã có con gái với Hơ Miêng. Chẳng lẽ Phát và Hơ Ngoan đêm ấy chỉ đủ sức một lần hoan lạc mà lại kịp có con trai với nhau. Chẳng lẽ mới 33 năm mà số phận đã ghép con anh, con Phát thành vợ chồng, sinh ra bé Hơ Linh. Trời ơi! Thật kỳ diệu và cũng thật khủng khiếp. Liệu Bảo có nhầm lẫn không và nếu đúng thì sẽ phải xử sự ra sao đây? Luận biết, từ ngày xuất ngũ, Bảo về quê Bát Tràng theo nghề ông cha, mở lò gốm mỹ nghệ. Mười năm lại đây, doanh nghiệp của anh phát đạt, nổi tiếng về nhiều sản phẩm xuất khẩu. Năm nào, đến dịp 30 tháng 4, anh đều về thăm lại chiến trường xưa, tặng địa phương vài chục triệu đồng. Sao Bảo không hề kể gì với Luận về Hơ Miêng và Hơ Ngoan…

Luận tìm về Bát Tràng không làm Bảo ngạc nhiên. Anh nắm tay bạn, giọng lanh tanh:

- Về rồi hả? Tao biết sớm muộn gì mày cũng về tìm tao hỏi chuyện. Về sớm thế này là tốt. Nhưng sao lại đi xe máy, không dùng ô tô Thứ trưởng đưa vợ con mày đi cùng ? Sợ hả ?

- Không, sợ thì không, hoang mang tí chút thì có.

- Sợ vợ nổi tam bành còn có lý, chứ hoang mang vì danh dự Thứ trưởng làm cái Đ gì cho tổn thọ.

- Không… Tao chỉ hoang mang vì liệu mày có nhầm không và cái chuyện tao với Phát làm đêm ấy mày biết từ bao giờ?

Bảo đấm nhẹ vào lưng Luận cười xả láng:

- Có thể mày không tin, nhưng tao biết tỏng mọi chuyện ngay từ đầu.

- Và mày im lặng giữ kín suốt những năm ở chiến trường ?

- Tố giác chúng mày ư, tao sẽ không bằng con chó ghẻ, bởi tao cũng thèm được như thế. Tao thấy hai thằng có ống nhòm chạy về một phía là đóan ra lý do, lính trinh sát rất nhậy cảm. Song phải làm nhiệm vụ trước đã. Tao đuổi theo một thằng thanh niên lóang cái là chộp được. Ngỡ tao là lính công hòa, tay dao, tay súng như sắp làm thịt mình, nó lạy như tế sao, thú nhận mình là du kích, khai ông ổng từng trận địa pháo để được tha mạng. Điên tiết, tao tống vào mõm nó mấy quả đấm thôi sơn, trói ghì vào gốc cây, chẳng thèm giải thích nữa. Xong xuôi, tao lộn trở lại hướng bờ suối. Giời ơi là giời ! Nhìn chúng mày làm tình với hai em giữa nơi hoang dã tao thèm rỏ nước dãi. Người tao như phát cuồng lên. Trong đêm tối, tao tưởng tượng ra từng động tác của chúng mày và khao khát. Nhưng nếu tao xông vào sẽ làm chúng mày mất hứng, đòi mần chung thì tao hóa thành đồ xúc vật…

- Vậy mà bấy lâu tao cứ ngỡ Phát chết rồi thì chuyện này của tao cũng chôn theo nó. Mày là ân nhân của tao, không biết lấy gì báo đáp.

- Không hẳn thế. Nếu tao tố giác, mày bị kỷ luật, có thể sẽ biên chế sang địa phương quân thì Hơ Miêng sẽ được có chồng, đâu đến nỗi khổ nhục về sau.

- Tại mày không cho tao biết sớm- Luận thở dài, mắt rớm lệ.

- Đừng quá buồn, tao cũng mới biết chuyện đời của Hơ Miêng, Hơ Ngoan thôi.

- Mày về thăm khu căn cứ thường xuyên đã 10 năm cơ mà?

- Nhưng chưa từng gặp hai nàng.

- Sao thế?

- Họ sống biệt lập trong rừng, bị tách biệt khỏi cộng đồng. Cái thằng du kích chết dấp, lạy tao như tế sao ấy từ lâu đã mê Hơ Miêng. Sau năm 1972, Quế Sơn giải phóng, nó được làm Chủ tịch xã. Biết Hơ Miêng có thai nó vẫn lẵng nhẵng chạy theo đòi cưới, bị nàng từ chối. Ăn không được thì đạp đổ, nó kết tội Hơ Miêng và Hơ Ngoan mất lập trường, ngủ với lính cộng hòa nên khai trừ khỏi Đảng và du kích, đầy họ vào sống trong rừng. Hai đứa trẻ lớn lên trong chiếc lán nhỏ bé giữa rừng, bên hai bà mẹ cô độc nên chúng thành vợ chồng rất sớm cũng là lẽ tự nhiên. Hơ Linh, cháu ngọai của mày ra đời trong hòan cảnh trớ trêu đó. Một gia đình ba đời tủi khổ vì ma ám lập trường, thì mình tao mất cái con C vì nó có là gì giữa cuộc đời này..

- Thằng Chủ tịch xã chó đểu, tao muốn băm vằm nó - Luận nghiến răng rít lên phẫn nộ.

- Thằng ấy đi tù vì tham ô đồ cứu tế đồng bào bị lũ lụt từ lâu rồi, không đợi mày phải ra tay. Giá như trước lúc ra Bắc, mày không sợ thứ ma ám lập trường, đi tìm Hơ Miêng!

- Mày bảo tao bây giờ phải làm gì?

- Cuối năm ngoái, tao vào khánh thành trường tiểu học do mình bỏ tiền tòan bộ ra giúp xã xây dựng, nghe nói có một cháu học sinh lớp 5 bỏ học, đi hoang, gia đình và nhà trường tìm kiếm gần một năm chưa thấy. Nghe chuyện về hòan cảnh Hơ Linh tao xúc động, đánh xe vào rừng tìm gặp bố mẹ nó, hóa ra số trời run rủi lại gặp cả Hơ Miêng và Hơ Ngoan. Giờ thì họ ổn rồi. Tao đã nhờ bạn bè tìm được Hơ Linh, xây một ngôi nhà 2 tầng ở thị trấn huyện làm cửa hàng cho họ kiếm sống. Mày chỉ cần đưa vợ con vào gặp họ nhận mặt con gái, con rể với cháu Hơ Linh là đủ.

- Nhưng tao muốn làm hơn thế.

- Cái đó tùy mày, nhưng đừng miễn cưỡng mà đắc tội mất “lập trường”với vợ con không biết chừng… Mày biết không, khi thằng Chủ tịch xã tuyên bố kỷ luật, hai nàng Hơ Miêng, Hơ Ngoan cùng nói: “Chúng tao theo cách mạng là thật cái bụng, đâu có lươn lẹo như mày. Chỉ có cái L của chúng tao là không biết lập trường của tổ chức tròn méo thế nào thôi. Ra tổ chức thì ra, vào rừng thì vào, chúng tao Đ sợ, chúng tao đi làm một kiếp người”. Tao nghe họ kể như nghe lời một triết gia vĩ đại. Cái sự thần thánh của cuộc chiến tranh giành độc lập, sách báo viết đã nhiều, đọc lên cũng sướng cái lỗ tai. Nhưng đó là dương bản của chiến tranh, lũ nhà văn, nhà báo mặc sức tô vẽ muôn hồng nghìn tía, tao Đ cần cái dương bản ấy. Cái phầm âm bản của chiến tranh chỉ có hai màu tối sáng, những thằng lính như tao với mày gậm nhấm đến hết đời. Chuyện của mày với Hơ miêng chỉ là mảnh vụn rất nhỏ của âm bản khổng lồ mà mấy mươi năm gậm đã hết đâu… .

* * *



Chia tay Bảo ra về, lòng Luận rối bời, the thắt. Anh phóng xe máy như điên, mặc cho số phận may rủi có thể sẽ ném thân xác anh vào gầm ô tô, càng hay, cho quên đi tất cả. Bảo nói, đã thắp nhang khấn vái, xin với Phát rồi, còn Luận. Liệu anh có thể nghe theo lời bạn, chấp nhận với số phận an bài, đừng phá vỡ tổ ấm gia đình đang hạnh phúc. Bảo muốn anh chỉ đưa vợ con vào Quế Sơn gặp mặt, nhận người rồi nhường hai bà Hơ Miêng và Hơ Ngoan làm vợ nghĩa tình để Bảo có con, có cháu như bao người bình thường khác. Đến con C của Bảo cũng bị chiến tranh tiện đứt mất thì lời đề nghị ấy là chân thành, hợp lý chứ đâu phải vì thương hại cho hoàn cảnh éo le của Luận. Nhưng anh vẫn thấy không thể… Anh muốn làm một thằng người cho đáng mặt người, sao đời lại xui khiến anh phải hành xử không hơn gì một con vật?... Luận không về nhà. Anh lang thang khắp Hà Nội, rồi tìm một khách sạn yên tĩnh ở ngoại ô trăn trở với điều thỉnh cầu của bạn…

VŨ NGỌC TIẾN


(Trích từ tập truyện "Rồng đá" của Nhà xuất bản Đà Nẵng)
Tập truyện ngắn này mình đọc từ lúc nó mới xuất bản. Tuy nhiên sau đó nó bị cấm và bị thu hồi. Lý do vừa sáng vừa tối!

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mùi cỏ

Truyện ngắn của NGUYỄN KIM CHÂU


http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=528618



TTCT - Cái máy đuôi tôm đang chạy ngon ơ bỗng khục khục mấy tiếng rồi chết cứng, làm chiếc ghe chòng chành, lững thững ngoẹo đầu vướng vào hàng điên điển. Thảnh làu bàu: “Tiêu rồi! Hết xăng hay chết bugi bất tử vầy trời!”.
Chưa bao giờ Hưởng thấy hoảng như lúc này. Hút tầm mắt là giang đồng ngập trắng, lưa thưa mấy vạt cây ngụp mặt ngoi ngóp như sắp chết chìm. Chút ánh sáng mặt trời còn lại nhuộm bầm hàng cây phía chân trời. Không gian lạnh ngắt sau cơn đại hồng thủy, còn anh và Thảnh thì đúng là hai sinh thể bé xíu bám vào chiếc lá cỏ dập dềnh giữa biển nước. Có tiếng chim kêu xao xác, chẳng biết chim gì, tiếng vang từ một nơi âm u, theo nước trôi đi rất xa.

Hưởng ngó Thảnh, cố tìm chút hi vọng. Hóa ra, nó cũng đang chết điếng nhìn cục máy, chẳng biết làm gì. Vậy mà khi xăng xái nhận đưa anh về xã làm mấy số liệu còn lại của công trình nghiên cứu tiềm năng du lịch cho tỉnh, nó vỗ ngực nói thánh: “Yên tâm đi! Tao là dân thổ địa! Đồng nước xứ này, tao nắm trong bàn tay. Mình đi riêng cho tiện. Có hứng thì ở lại, tối tao dẫn mày đi nhậu đế ôm, vi vu với mấy em gái đồng cho biết”.

Hưởng cười: “Gái đồng thì có gì đặc biệt?”. Thảnh lắc đầu: “Mày dốt! Chỉ chạy theo mấy em gái thành, dàn ngoài coi sướng mắt vậy chứ thịt da bở rệu. Nào biết gái miền Tây nổi tiếng khắp nước!”. Hưởng ngó bạn, cái nhìn săm soi như muốn đếm thử mấy phần trăm sự thật trong lời nói tưng tửng.

Thảnh trợn mắt: “Thiệt mà! Tao hay đi công tác, du lịch cùng sếp, ra tới Lạng Sơn, Móng Cái, Hạ Long, Hải Phòng... hễ vô mấy chỗ thư giãn là được giới thiệu đặc sản gái đồng bằng... Không tin hả? Quyết định nghe! Đêm nay ở lại dưới xã cho mày mở mang kiến thức. Không chừng chuyến này về, mấy cái công trình nghiên cứu du lịch của mày quăng ráo trọi!”. Ừ, thì đi!...

...Điện thoại của Hưởng nhận một tin nhắn mới: “Rảnh không? Đến bar Hoàng Hôn đi!”. Tuyết đấy! Hưởng cười như mếu, bấm phím: “Đang bận việc! Tối mai nghe!”. Mắt Thảnh sáng rỡ khi thấy Hưởng cầm điện thoại: “Đúng rồi! Đưa đây! Tao alô, kêu mấy thằng lính ruột vô rước!”. Hưởng lắc đầu nhìn ký hiệu báo tin nhắn không gửi được: “Hết tiền! Điện thoại mày đâu?”. Thảnh cười ngỏn nghẻn: “Hết pin rồi! Mẹ cha nó! Xui thiệt!”.

Cả hai nhìn nhau rồi nhìn đồng nước. Hồi lâu, Thảnh đứng dậy chụp cây sào: “Đi! Chắc thế nào cũng kiếm được nhà dân. Chẳng lẽ bó tay chịu chết”. Hưởng cũng vói tay lấy cây dầm thọc xuống nước. Người chống, người bơi, mướt mồ hôi mà chiếc ghe nhỏ chỉ lắc lư, trở mình nhích từng chút, sốt cả ruột!

Mặt trời lặn từ lúc nào. Quanh Hưởng, giờ chỉ còn nước và bóng tối. Cả hai phần mông lung của thế giới đêm ép chặt khiến trái tim anh thoáng quặn lên một nỗi sợ khôn cùng. Có lần, Hưởng đã từng sống trong cảm giác khó chịu như vậy. Đó là đêm anh thức giấc và nhận ra mọi thiết bị điện đều tắt.

Căn phòng ngủ tối om, đưa bàn tay ra, cố hết sức mà chẳng thấy tay mình. Lò dò lại cửa sổ, mở tung ra, từ căn hộ trên cao, anh nhìn cả thành phố chìm trong bóng tối mà ớn lạnh sống lưng, cứ tưởng mình là người duy nhất sót lại sau một thảm họa tận thế. Hưởng khóc lúc nào không biết! Những giọt nước mắt ngớ ngẩn sót lại đâu đó trong ký ức tự nhiên lăn dài xuống mặt nóng hổi khiến anh đỏ mặt, phì cười.

Ngày còn nhỏ, hễ chiều tối, ngồi ngoài bậc cửa nhìn ra vườn là Hưởng khóc. Đám anh em xúm lại chọc quê: “Lêu lêu! Đồ mít ướt!”. Hưởng không cãi được, cục tức nghẹn trong họng khiến nước mắt càng chảy nhiều hơn. Lần nào, má cũng đến ngồi cạnh, lấy vạt áo bà ba lau nước mắt cho anh rồi ôm anh vào lòng. Hưởng nhớ như in cảm giác được dụi mặt vào lòng má, được ưu tiên che chắn an toàn.

Ngực má tròn căng, ấm lắm, lại có mùi mồ hôi mằn mặn lẫn trong mùi cỏ tươi, thứ cỏ lác ngoi lên từ đồng nước, lấm láp bùn phèn nên ngai ngái, hăng hăng, hơi khó chịu nhưng lâu dần lại đâm ghiền. Những người tình qua đêm trong đời Hưởng luôn thấy lạ khi thấy anh cứ dụi mặt vào mảng ngực trần của họ khi ngủ như một phản xạ tự nhiên. Họ không bao giờ biết rằng những lúc như vậy, trong mơ, Hưởng vẫn quằn người chịu đựng nỗi nhớ cồn cào vùng ngực ấm của người mẹ đã đột ngột bỏ đi lúc anh mười tuổi.

Anh không biết lý do. Cũng không ai cho anh biết lý do nên Hưởng cứ nghĩ, ngày mai, tháng sau, năm sau... thế nào má cũng sẽ về. Anh chông chênh đợi, để một ngày giật mình nhận ra đã ở cái tuổi bốn mươi chưa già nhưng chẳng còn trẻ nữa mà vẫn chưa tìm thấy cô gái nào có vùng ngực ấm, nồng nồng mùi cỏ tươi như của má khi xưa...

... Đêm hạ tuần, khuya lắm mới có trăng. Chiếc ghe lọ mọ đi mù, chậm chạp trôi trong bóng tối, trên biển nước, dưới cơn mưa bắt đầu lắc rắc nhểu hạt... Mây cuộn trắng mờ trên trời và gió rít u u trên ngọn trâm bầu đứng lắc lư dầm nước. Hưởng hỏi cho có, chỉ để biết rằng giữa đồng nước xa lạ này, anh còn một người đồng hành: “Thảnh à! Mày đi vầy, chắc ở nhà lo lắm?”.

Thảnh dừng tay chống sào, thở dài đánh sượt: “Lo gì mày ơi! Tao có chết sình trên đồng nước này, ba ngày sau cũng chẳng ai biết! Nhà mỗi người cái chìa khóa, mạnh ai nấy đi. Vợ thì tối ngày ngoài tiệm vàng. Con thì cắm chốt phòng game. Có lần, tao lên Sài Gòn cả tuần mới về. Thằng con gặp tao xách giỏ đứng ở phòng khách, hỏi: Ủa, tính đi đâu vậy ba? Mày coi có buồn không?”. Hưởng bần thần, như thấy trước mắt cảnh Thảnh đứng chết trân nhìn thằng con, chẳng biết nên mắng nó một trận hay bỏ nhà đi tiếp. Hèn gì, Thảnh khoái xa nhà, ai rủ đi chơi là OK, sống chết gì cũng đi ngay...

Đang chống ghe, Thảnh chợt lắp bắp, chỉ tay: “Kia kìa! Có đèn! Tao đã nói mà! Thế nào cũng có nhà dân”. Hưởng dụi mắt mấy lần, nhìn kỹ quầng sáng chấp chới giữa rặng cây tối thẫm, có cảm giác như đó chỉ là ánh sáng phản chiếu từ một ngôi sao mới mọc le lói trên trời. Chẳng ai bảo ai, cứ cắm đầu chống sào bơi miết. Đến gần mới nhận ra đó là ánh sáng từ cái lều nhỏ trên giồng đất, cả hai tấp ghe lại, xăm xăm đi vào.

Trong lều, chỉ thấy một ông già đang ngồi bên mâm cơm vừa dọn. Thảnh lẹ làng chào: “Bác, tụi cháu lỡ đường, ghe hư máy. Bác cho ngủ nhờ một đêm, nghe!”. Ông già nín thinh, tay vẫn cầm chén cơm mới xới phân nửa, ngước mắt, trân trối nhìn hai kẻ từ trên trời rơi xuống. Thảnh sốt ruột nói thêm: “Bác đừng sợ. Tụi cháu là người đàng hoàng, trên tỉnh về công tác”. Những nét nhăn căng thẳng trên gương mặt ông già hơi giãn ra sau một lúc dò xét ngại ngần. Ông đặt chén cơm xuống rồi chỉ tay về phía đối diện: “Ngồi đi!”. Thảnh sà xuống, chăm chăm ngó nồi canh chua cá rô nấu với bông điên điển và chén nước mắm thơm lựng.

Hưởng đảo mắt khắp căn lều, nhận ra nơi đây không có vết tích nào của cuộc sống hiện đại: ngọn đèn dầu đặt trên nền đất, cái bếp làm bằng ba cục đất ông táo đặt ấm nước đen kịt bồ hóng, cái chõng tre nằm sát vách lá, chiếc bàn nhỏ có đặt lư hương và tấm ảnh ố vàng, chỉ lờ mờ thấy một người đàn bà không còn trẻ, gương mặt hao hao ai đó mà Hưởng chưa kịp nghĩ ra. Ông già có vẻ hoạt bát hơn, chỉ tấm ảnh nói: “Vợ tui đó! Mất lâu rồi. Thôi, ngồi đi cậu, làm mấy ly ấm bụng rồi ăn cơm nghe?”.

Mắt Thảnh sáng rỡ. Nó quất thẳng một ly đế đầy, chép miệng, hít hà: “Hên thiệt! Bữa nay gặp bác. Nếu không, chắc tụi cháu rục xương trong đồng nước quá”. Ông già cũng ực hết ly, cởi mở nở nụ cười móm mém: “Không sao! Để sáng, tui đưa hai cậu ra lộ cái. Lớ ngớ, lạc vô bưng sâu, chết như chơi!”. Hưởng nhẩn nha cầm ly rượu, định uống phân nửa nhưng thấy ông già trừng mắt, đành ngửa cổ, dốc cạn.

Rượu nhạt, có mùi dễ chịu, hậu ngọt nhưng vào tới bụng thì nóng ran, mới mấy ly đã lừ đừ say, chắc vì bao tử trống trơn từ trưa đến giờ. Thảnh cũng đã ngà ngà. Cái thằng quen thói huyên thuyên, chẳng kể quen lạ, rượu vô là phun ra đủ chuyện trên đời. Thảnh nói đó là một nghệ thuật. Phải biết mua chuyện, lấy lòng sếp, tạo không khí thân thiện với đối tác... chứ chẳng lẽ cứ ngồi đực ra uống rượu. Nhậu mà ngọng miệng, chẳng biết khuấy động “phong trào”, mai mốt chó nó thèm kêu. Chẳng biết Thảnh có làm vừa lòng ông già không, chỉ thấy lúc gần hết chai đế, nó bò lại chõng tre, lăn ra ngáy.

Ông già cười cười, ngó Hưởng: “Bạn cậu vui thiệt!”. Hưởng ái ngại: “Cái thằng xởi lởi, phổi bò. Nó vậy đó bác. Có gì trật, bác bỏ quá cho!”. Ông già phẩy tay: “Có gì đâu! Ăn cơm đi!”. Bây giờ, Hưởng mới chú ý thấy chén cơm xới đầy đặt cạnh chén cơm của ông già. Hưởng hỏi: “Ai vậy bác?”. Ông già à lên một tiếng: “Con gái tui. Nó đi ngoài đồng, sắp về”. Nói xong, ông gắp nửa con cá rô đặt vào chén cơm xới đầy bên cạnh.

Hưởng nghe tiếng nước xao động, tiếng chân người ngoài lều. Ông già nói như reo: “Đó, con gái tui! Nó về rồi”. Anh lơ mơ quay ra, ngây người ngó cô gái đang bước vào. Hình như cô vừa dầm mưa trở về. Những giọt nước ròng ròng chảy trên tóc, trên gương mặt thanh tú, trên bộ quần áo ướt bết vào da thịt bắt ánh sáng từ ngọn đèn dầu cứ lấp lánh như những hạt lân tinh.

Có một vùng tối ở chỗ cô đang đứng che khuất khiến những chi tiết của gương mặt bị nhòe đi. Chỉ thấy đôi mắt đang nhìn anh, ánh nhìn xa vắng, thấm cái quạnh quẽ của đồng nước lúc chiều sẫm. Cứ như ai đó rất quen, từ cõi tiềm thức lãng đãng sương khói, đang nhìn Hưởng qua đôi mắt cô gái, khiến anh rùng mình. Ông già cất tiếng gọi: “Vô thay đồ rồi ăn cơm đi, con!”. Cô gái làm thinh, đi ngang qua Hưởng, rất gần, tưởng như hơi thở nhẹ và mỏng của cô vừa chạm vào lưng anh. Thoáng chốc, cô đã đứng sau tấm màn vải ở cuối lều. Chỉ nghe tiếng vải ướt sột soạt cũng đủ biết cô gái đang thay bộ đồ sũng nước.

Thốt nhiên, Hưởng lạnh người! Anh nhận ra một mùi hương rất lạ vừa thoảng qua đâu đó đã lấp đầy không gian trong lều. Nó làm anh ngạt thở, hoa mắt, trái tim như ngừng đập! Anh quay lại chỗ tấm màn, bất giác ứa nước mắt khi biết chắc rằng cái mùi ấy tỏa ra từ thân thể cô gái. Chao ôi! Đúng nó rồi!... Cái mùi cỏ tươi nồng nồng, ngai ngái lẫn trong mùi mằn mặn, găn gắt của bùn phèn và mồ hôi!...

Ba mươi năm, nó lấp đầy khoảng trống hụt phần ký ức trẻ con trong anh bằng niềm khao khát mòn mỏi một bầu ngực tròn căng. Nó thấm nỗi nhớ da diết vào máu anh thành cơn tê thấp bải hoải, nhưng nhức xương cốt mỗi lúc trở trời. Nó phiêu linh vào tận ngóc ngách sâu hút giấc mơ anh, đánh thức cảm giác bị hắt hủi, ghẻ lạnh trong những chiều dông gió, rưng rưng nhìn ra vườn tối mà không có má. Chưa bao giờ anh nghĩ rằng còn có thể gặp lại nó trong thực thể hiện hữu, đầy đặn, rõ ràng như lúc này!...

Hưởng bật khóc sảng sốt, vừa khóc vừa lồm cồm bò dậy, lảo đảo chạy đến giật vội tấm ảnh trên bàn thờ, đặt sát vào quầng sáng ngọn đèn. Tấm ảnh mềm oặt như sắp bủng thành bột. Mắt Hưởng nhòe nhoẹt nước, chùi mãi mà nước vẫn trào ra khiến anh không nhìn rõ được gương mặt. Hưởng nhào đến chỗ ông già, hai bàn tay siết vai ông chặt cứng: “Bác! Ai vậy? Nói giùm cháu đi. Bà này tên gì?”.

Ông già điếng người ú ớ. Hình như ông có trả lời nhưng tai Hưởng lùng bùng, âm âm. Có cái gì đó vừa nổ tung, đổ sụp, tan nát trong anh. Rất mơ hồ, Hưởng cảm thấy ai đó đang đè cứng anh xuống đất, rồi gỡ những ngón tay co quắp của anh ra để giằng lấy tấm ảnh. Hưởng giãy giụa, cố bấu chặt lấy nó như đang cuống quýt níu giữ một chỗ bám mong manh trên vách đá lưng chừng trời. Anh quằn người thét gọi nhưng chẳng ai trả lời. Quanh anh chỉ có nước và bóng tối...

...Hưởng tỉnh dậy trong một trạm y tế vắng hoe. Anh nghe tiếng Thảnh từ ngoài cửa: “Mừng quá! Tao vừa tính mướn xe cấp cứu đưa mày về thành phố”. Hưởng uể oải, hỏi: “Sao tao vô đây?”. Thảnh tròn mắt, ngạc nhiên: “Thiệt tình là mày không nhớ gì hả?”. Hưởng nhăn mặt: “Tao chỉ nhớ lúc tụi mình lạc trong đồng nước, rồi... ghé lều ông già... rồi mày uống rượu say... Còn sau đó thì lờ mờ!”.

Thảnh cười: “Thôi đi ông tướng! Mày say quắc cần câu thì có. Say xong rồi nóng sốt, mê sảng, la hét phát sợ. Tao với ông già đưa mày ra đây. Mày mê man hai ngày rồi. Biết chưa?”. Hưởng ngơ ngác: “Còn cô gái?”. “Cô gái nào?”. Hưởng lắp bắp: “Cô gái, con ông già! Đêm đó, mày say, cổ mới về lều”. Thảnh lo lắng, sờ tay lên trán Hưởng: “Chắc mày chưa thiệt tỉnh quá! Con gái ổng chết năm rồi. Ổng dọn cơm, bới một chén đầy để kế bên, kêu con về ăn. Mày không nhớ à?”.

Hưởng vỗ vỗ bàn tay lên trán. Đầu anh vẫn còn nhưng nhức, nằng nặng, nhập nhằng, chẳng biết mình vẫn còn lang thang trong đồng nước mơ thấy trở về nhà hay ngược lại. Hưởng lấy tay dụi một giọt nước còn đọng lại trong mắt từ lúc nào không rõ, băn khoăn hỏi thêm: “Vậy còn tên ông già, mày biết không?”. Thảnh ngớ người: “Thôi chết! Tao quên hỏi. Đưa mày ra lộ cái xong, ổng quay xuồng đi luôn”...

NGUYỄN KIM CHÂU
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Người chăn kiến


* BÙI NGỌC TẤN


http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/Thi%20-%20van/ant.jpg



Cái tay B trưởng ấy hoặc đã chán mọi chuyện đánh đấm, hoặc có máu hài hước. ông M vừa bị vài cú khai vị tưởng rụng quai hàm thì hắn hét bọn đàn em vây quanh ông đang nổi cơn say đấm đá:
- Thôi.
Hắn bước tới gần ông. Nhìn. Ngắm:
- Trắng.
- …
- Làm nghề gì?
Ông nuốt một bụm máu, nửa cái răng gẫy vào bụng và biết nên nói thật:
- Giám đốc.
B trưởng reo lên:
- Thảo nào. Trắng như con gái.
Rồi thật bất ngờ:
- Cho làm nữ thần Tự Do.
- …
- Tượng nữ thần Tự Do ở bờ biển Nữu Ước. Làm giám đốc mà không biết à?

Ông thoát khỏi trận đòn nhập B mà chưa ai lường hết được sự ghê gớm và hậu quả của nó. Thay vào đó ông phải khoả thân leo lên bậc thang cao nhất, giáp cửa song sắt ngăn với sân xê rom, cái sân thượng chỉ về đêm mới có lính gác. Tay ông giơ lên cao khi gói kẹo, khi quả dưa chuột ố những đồ tiếp tế của anh em tù — để làm nữ thần Tự Do. Trần truồng trước hàng trăm con mắt, thật nhục nhã, quá sức chịu đựng đối với một người từng làm giám đốc lại đã đứng tuổi như ông. ở trên ấy ông thèm được như ông già chủ nhiệm hợp tác xã dưới kia, chỉ phải bế bọc nội vụ đi quanh, hát ru em bài Bé bé bằng bông.

Ðúng là tay B trưởng này có máu đại hài hước. Trời nóng, hắn ngồi phè phẹt giữa sàn, hét:
- Hitachi!
Gần hai chục người lập tức vây quanh hắn.
- Quạt.
Tất cả quạt. Bằng tay. Nhưng mát, bay cả tóc. Hắn lại hét:
- Panasonic.
Những người trong đội Panasonic sẵn sàng.
- Quạt.
Lại còn thêm:
- Tuốc năng.

Cái vòng người Panasonic vừa quạt vừa chạy quanh hắn giống đèn kéo quân bỗng đồng loạt đổi chiều như cùng một bánh xe truyền lực.
Cô đơn khoả thân trên cao, cái nóng từ máy chàm vào người như nướng, ông M ao ước được ở trong đội quạt, nhưng ông không dám nói với ai. Ngoài những lúc đi cung hoặc học tập chính sách cải tạo, giờ chính quyền còn lại ông ngoan ngoãn đứng làm nữ thần Tự Do. Cho đến một ngày… Hôm ấy đi làm vệ sinh về, tay B trưởng bắt ra 4 con kiến đỏ bé xíu đựng trong cái vỏ bao thuốc lá. Hắn cầm mẩu gạch non khoanh 4 vòng tròn xuống nền xi măng. 12 anh tù được hắn chỉ định chia thành 3 ca chăn 4 con kiến nhỏ. Ông M không ngờ mình lại mê chăn kiến đến như thế. Công việc kì dị ngày càng hấp dẫn ông. Nó làm ông khao khát đến bồn chồn. Cho dù đó là khổ ải. Phải giữ kiến luôn ở trong vòng tròn. Trong ấy có bánh bích qui, có đường, có thịt, kiến ăn nhưng không chịu ngủ, kiến vẫn bò tìm tổ. Phải luôn tay chặn kiến lại và không được làm sứt một cái chân của kiến. Chính những điều ấy khiến ông thèm khát. Nó sẽ giúp ông quên thời gian, quên những thiên thu tại ngoại. Hơn nữa ông quá chán trò cởi truồng đứng trước mặt mọi người.

Thế là một hôm ông gặp B trưởng, chìa ra một con kiến ông vừa bắt được trong khi đi làm vệ sinh và rụt rè, ấp úng xin được chăn… B trưởng cố kìm cơn giận. Hắn miết chết con kiến và quắc mắt, hất hàm về phía sân xê rom.

Ông hiểu. Ông lại khoả thân bước lên. Nhưng ông không được làm thần Tự Do nữa. Ông biến thành con chim. Con chim nhỏ trên cành cây cao. B trưởng đứng dưới, giả cầm súng lom khom, chui lủi, rình ngắm:
- Ðoàng.

Ông phải rơi từ sát mái nhà xuống. B trưởng không bằng lòng với cách rơi giả vờ, rơi có chuẩn bị, rơi chân xuống trước ấy. Phải rơi như thật. Như bị bắn rụng thật. Hiểu chửa. Làm lại.

“Thật quá rùng rợn. Cầu mong đừng gẫy cổ, vỡ mặt, mù mắt, gẫy tay là được. Cố vượt qua. Ðể còn ra”.

Ông M đã được ra. Ông được ra sau bốn tháng giam cứu. Ông được ra bởi ông không có tội. Những người gây ra vụ án oan ức của ông đã bị kỉ luật.
Người ta đã khôi phục lại cho ông tất cả. Ông lại làm giám đốc nhưng ở một xí nghiệp tận trong Nam, để ông có thể quên được những gì vừa trải qua. Ông cám ơn cấp trên về điều tế nhị ấy.
Cũng như mọi xí nghiệp, giờ nghỉ trưa ở đây nhiều vẻ… Uống bia. Ðánh cờ tướng. Tiến lên. Làm vài séc bóng bàn. Chuyện gẫu…
Giám đốc mới không tham dự. Ăn trưa xong ông về phòng. Các vị chức sắc cũng muốn kéo ông vào cuộc vui nhưng trả lời tiếng gõ cửa là sự im lặng.

Họ bảo nhau:
- Thôi. Ðể sếp ngủ.

Chẳng một ai biết sau khi gài trái cửa, giám đốc rút ngăn kéo lấy ra một lọ nhỏ, trong đựng 4 con kiến. Ông thả lũ kiến vào một vòng tròn bằng phấn vẽ trên bàn. Ông bẻ bánh cho chúng ăn và lấy những các-vi-dít (Có rất nhiều trong ngăn kéo ố của khách và của ông) chặn chúng lại. Thỉnh thoảng ông còn đặt cả ghế lên bàn làm việc. Và khoả thân trên ghế. Ðứng thẳng. Mắt hướng về phía xa. Tay giơ cao. Như kiểu thần Tự Do.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

.

"Bâng khuâng chiều 30"

Truyện ngắn của CHÍNH ANH




Minh họa của Vũ Đình Giang



Gọi điện cho Đức "gà tồ", nghe cười hề hề mới biết giờ này hắn vẫn còn ở công trường, có khả năng là không kịp về thành phố để "bâng khuâng chiều 30". "Vả chăng, khu đó đang giải tỏa để làm xa lộ vành đai rồi mà, anh Hai?".

"Bâng khuâng chiều 30" là kịch bản do Đức đặt ra và thực hiện suốt nhiều năm nay, từ thuở ở Sài Gòn xe đạp còn nhiều hơn xe máy gấp mấy lần. Tôi buộc hắn phải nhìn nhận rằng bây giờ là mùa xuân, vì phía bên kia lề đường Nguyễn Kiệm, tiểu thương và mối lái hối hả giao nhận hàng ngàn giỏ cúc, vạn thọ, mồng gà, mâm xôi… chưa kể lũ lượt khách lựa mua từng cặp chậu, giỏ hoa về chơi Tết. Nhưng Đức vẫn cười hề hề thật đểu mà chẳng trả lời vì đối với hắn, đơn giản lúc ấy là chiều 30, là cuối năm, và cái "bâng khuâng" kia sẽ vĩnh viễn là một nghi thức không thể thiếu.

"Anh Hai nghĩ coi - Đức nhấp một ngụm cà phê kho nguội ngắt - Mình quần quật đầu tắt mặt tối suốt cả năm, không có thời gian để mà thở, đến giờ này mình phải làm gì đó để bù trừ chứ?". Và lý luận bù trừ của hắn là: mọi người cho dù giàu hay nghèo gì thì ngày cuối năm cũng nặng lòng với nghĩa vụ mua sắm, càng gần về chiều 30 lại càng tất bật. Cứ như vậy hằng năm khi xế trưa, khi nắng đã bớt gắt, Đức thả bộ ra ngã ba Chú Ía, kéo cái ghế gỗ không thể nào ọp ẹp hơn của quán cóc bụi đời, tựa lưng vào bức tường loang, thơ thẩn ngắm "ông đi qua bà đi lại, lo toan sắm Tết".

"Mình nhà nghèo mà lại đơn thân, không có gì để lo cả, hoàn toàn thư thái", và đó là khoảng thời gian mà Đức cho là chất lượng nhất của năm. Lưng dựa hờ hững vào tường, trên đầu là tán lá trúc xanh xám bụi, xoay xoay trong tay cái "xây chừng" nhạt thếch, hắn thực hiện nghi thức thường niên. Khi nói mỗi năm xài sang một lần là hắn nói cái khoảng "bâng khuâng chiều 30" này. Nhìn thiên hạ ngược xuôi vội vã, nắng càng tà họ lại càng dáo dác. Ai cũng bưng bê cầm nắm vật gì đó trên đường về nhà. Chỉ riêng hai gã không chốn để về thì rất nhẩn nha sang trọng.

Mỗi năm, khu dân cư nghèo này chờ Tết để sống được một mùa no đủ. Bà Tám "nhang đèn" bán ba mớ giấy tiền vàng bạc, bao lì xì. Nhiều người nhờ ông Bảy Tửng quét lại tường vôi, còn bà Bảy bán mão hết lá của chục cây chuối. Bà đang chăm chỉ hứng thú lột vỏ một trái quýt giập của khách qua đường làm rớt lại. Mùi hương Tết này thật đặc trưng, thanh thanh dìu dịu, thật nồng nàn bâng khuâng, mà nếu không khéo sẽ làm ta cay mắt.

Đức "gà tồ" đã đứng lên, lững thững bước xàng xê lẩn vào dòng người chấp chới. Tôi chưa kịp hỏi xem đêm ấy hắn sẽ ở đâu thì đám bụi đường đã che mờ lưng áo kaki chằng đụp.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Kịch ở làng


* NGUYỄN NGỌC TƯ



Bà má nghe tức ngực từ lúc tiếng loa rao dặt dìu từ dưới sông vẳng lên nhà. Gió vặn cái tin hội chợ về xóm Củi vẹo thành nhiều khúc, nghe chữ gần chữ xa. Tự dưng từng cơn ho xếp hàng dọc chen đùn lên căng ứ trong cổ họng bà. Nhàn nấu cơm sớm để bà má ăn dằn bụng trước khi uống thuốc, nghe tiếng ho trên nhà ruột chị teo mấy đoạn.

Hội chợ ở lại chỉ hai ngày. Anh nói trên điện thoại rằng lần này quay lại xóm Củi chỉ vì Nhàn. Nghe cái giọng mỏi mòn, nhuốm một chút vô vọng, “hội chợ đã đáo đi đáo lại cái xóm đó bảy lần rồi, tụi con nít ớn rồi...”  

Ghe hội chợ cặm ở đầu rạch Bà Chiếc, gần một sân bóng nhỏ. Lần đầu hội chợ về đó, đám nhỏ nôn nao gần như không thể nuốt nổi cơm. Hội chợ khuấy đảo dải xóm bởi tiếng rao giòn không kịp thở vẳng lên từ mấy gian hàng có trò hơn thua như ném vòng vào lon nước ngọt, ném bóng qua ô, lô tô; những bài hát trẻ con đã nhão nói về cái sự thương nhau của cả nhà phát ra hết cỡ từ mấy cái đu quay ngựa xanh thỏ đỏ… Ở xa sẽ nghe một bài hát hỗn loạn rằng “cờ ra con mấy, tóc bà trắng bà trắng như mây, ném vô vòng trúng gói mì tôm, không ném vô vòng em để chàng ôm…”.  

Nhàn quá tuổi con nít ham chơi, nhưng hội chợ áp vào cô ngay từ ngày đầu. Mắt ấm, cái cười ấm.  

- Bọn này là ai ấy hả? Nửa sơn đông nửa gánh hát nửa lừa gạt gái nhà quê.

Người đàn ông ấy cười khi tới nhà Nhàn mua vài cây tre để cặm lều. Và hỏi tiếp, cô có dám theo theo tôi không?

Sau này, câu ấy lặp đi lặp lại nhưng càng ngày lưỡi người nọ càng đuối đi, dịch vị nài nỉ làm cho từng chữ rã rời.

Anh nói Nhàn ơi theo anh đi.          

Nhàn nói vú sữa chín đầy cây nên phải hái

Anh nói sống vì mình trước hết.

Nhàn nói chanh giấy cũng sắp tới mùa

Anh nói chờ cho tới chừng nào?

Nhàn nói bà má đang đau.  

Phổi của bà già nhạy cảm kỳ lạ. Nó hay càu nhàu sưng sỉa vì những thứ tưởng chẳng liên quan gì đến việc hít thở, như người ta vẫn hay hào hển vì nắng mưa đột ngột, độ ẩm không khí cao. Nó khò khè vì tiếng chuông leng keng của anh cà rem mỗi khi ghé qua nhà xin nước uống, nó ho hen vì mùi mồ hôi ngai ngái của anh trưởng ấp đến bảo treo cờ vào dịp lễ, nó quăng quật bà già sáu mươi chín tuổi chỉ vì những tiếng thở dài của con đàn bà son trẻ thảng hoặc vẳng lại sàn nước bên hè. Lần sửa lại nhà dưới, bà già ho gần một tháng, không biết vì mùi lá mục ẩm ướt vừa giở ra, hay mùi dăm bào xước lên từ những thân cây đã ngâm trong nước lâu ngày giờ được vớt lên làm kèo, cột. Bà má ho cặm đầu, Nhàn cũng rầu nên không cười khi một anh thợ mộc ngẩn ngơ bảo tối qua anh thấy em gội tóc trong chiêm bao.  

- Cái thằng mặt mũi sáng sủa, bây thấy được thì cứ bước tới…  

Bà già xúi. Nhàn cười, biết câu sau đây của bà sẽ là “đàn bà có thì, đừng để lỡ. Thằng Tường không biết còn mất, hơi sức đâu mà chờ...”.  

Tường, thằng đàn ông duy nhất của nhà này đã khăn gói đi rằm tháng Giêng năm trước của ba năm trước[*] Nhàn chưa kịp quen với tiếng ngáy của anh ta, chưa kịp biết trên người có bao nhiêu nốt ruồi, và Tường cũng chưa kịp cấy vào bụng Nhàn một con lăng quăng biết biến thành đứa trẻ con biết khóc. Số phận Tường lúc đầu còn lờ lững theo những tin đồn, ai đó nói gặp Tường đập đá ở núi Sam, ai đó nói gặp một người giống Tường hay ôm gà đá ở chợ Thủ, ai đó nói Tường theo ghe biển làm ngư phủ, mất tích ngoài khơi sau mấy bữa giông bão tơi bời. Sau thì không nghe tăm tích. Cái tên Tường như chìm trong một dãi sương mù, mờ dần trên môi hai người đàn bà mòn mỏi.

- Sống chết gì thì má cũng coi như không còn nó… - Bà má tuyên bố chắc nụi hôm đám giỗ chồng, với niềm tuyệt vọng vì đến giỗ cha mà thằng con cũng không thấy đâu - Bây thấy có đám nào được thì ưng cho rồi.      

Chuyện bà già xúi con dâu đi lấy chồng khác, cả xóm biết. Chuyện bà làm mọi cách để chứng minh có thể sống một mình được, Nhàn biết. Bà bửa củi, xỏ kim, tự đánh gió mỗi khi cảm cúm. Trong cái dáng bà bưng thúng gạo è è nhấc chân qua ngạch cửa là một lời tuyên bố dõng dạc, bà già này còn khỏe lắm. Có lảo đảo làm rơi thúng chẳng qua là “trơn quá nên vuột tay”. Củi để lại dằm trên tay mưng mủ thì “sơ sẩy chút thôi, mai mốt lại lành”, và luồn chỉ qua kim có hơi trầy trật hàng giờ chẳng qua “mắt không tỏ vì bụi vướng vô”. Chứng minh cho việc xoay xở lấy là chuyện nhỏ, bà già lấy thuốc nhỏ mắt, không may cầm nhầm chai dầu mù u.  

Nhưng đây không phải là câu chuyện nghĩa tình dù bà mẹ chồng hay xua cô con dâu đi, “Luẩn quẩn với má hoài thì con chết già...”, dù chiều ấy bà kêu Nhàn ăn cơm xong bây cứ ra hội chợ chơi, kệ má, ho hen chút đỉnh nhằm nhò gì… Giọng bà quả quyết như thể mấy viên thuốc đã xử lý gọn cái phổi cau có kia. Mà thật, cơn ho bỗng dưng dịu lại.         

Nhàn ngờ là bà má cố nhịn, quả thật, khi Nhàn qua khỏi cái miếu thổ thần ở góc đất, những tràng ho mới bục ra. Bà tưởng Nhàn đã đi xa nên ho cho đã.  

Lúc Nhàn về vẫn chưa khuya lắm. Tiếng ho của bà má nhòe lẫn trong những âm thanh náo động của hội chợ, gió và bóng tối làm Nhàn bị ảo giác mình vẫn chưa đi đến cuộc hẹn hò, đâu đó vẫn có người đang đợi. Chỉ cọng rơm vướng trên cổ áo, những tê mê giữa hai ngón chân cái nhắc Nhàn những cú ôm sâu đã từng có, đã từng trôi qua. Anh nói không quay lại nữa, nhưng Nhàn có thể tìm anh nếu muốn, miễn là đừng lâu quá.  

Nhàn nói dạo này má yếu nhiều, có bữa đi xuống bếp mà phải vịn lần vách, tưởng Nhàn không thấy. Bà già đó giờ đang cố nín ho khi nghe tiếng chân con dâu lẹp xẹp qua cửa nhà.

Cách một vách buồng, Nhàn không nghe được bà già thở hắt ra, nhẹ cả người. Có cái mánh nhỏ đem ra xài hoài mà vẫn giữ con nhỏ ở lại với mình. Đối phó với những người tử tế, sao mà dễ.  

Mai lại ho bữa nữa, vì hội chợ chưa nhổ sào.



[*] Tóm lại là bốn năm trước  :)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Suối bạc

Truyện ngắn của TRẦN THÙY MAI


http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=155264
Minh hoạ của Lê Thiết Cương



Một tay ôm bức tranh cuốn trong chiếc ống tre, một tay xách vali, anh bước xuống xe ngựa kéo. Sau dốc đồi, một vùng cây xanh mênh mông. Hình như giờ đây cây nhiều hơn, những tán lá mượt mà hơn. Cũng lâu lắm rồi, hơn mười năm, giờ anh mới quay về. Bé Bi từ trên dốc cao chạy xuống, hai tay đưa ra, chiếc khăn quàng lụa trắng bay phất phơ trong gió.

Gió nhiều quá, cũng y như ngày xưa. Hai tay đều bận nên anh lúng túng chẳng biết làm sao ôm con vào lòng. Vì vậy anh đứng ỳ ra, để mặc con bé vòng hai tay quanh cổ anh mà hôn vào cái cằm có những sợi râu tua tủa. Khi bé Bi bắt đầu cười ríu rít và kéo anh đi, đôi mắt đen và trong rơm rớm lệ, thì anh mới bắt đầu tự rủa, sao mình có thể chậm chạp đến mức không biết ném cái vali xuống đất để ôm lấy con. Nghĩ ra thì đã muộn, phút đầu gặp gỡ đã qua rồi. Đành vậy, anh nhủ thầm như biện bạch: Tình cảm là cái ở sâu trong lòng, chứ đâu phải là thứ bộc lộ hoa hoè ngoài miệng lưỡi. Trước kia anh thường nói với nàng như vậy. Còn nàng thì thường trêu anh: Vào những phút lẽ ra người ta phải sủi bọt như sâm banh thì anh cứ lờ đờ như một ly trà nguội.

“Mợ Minh và em Huy có khoẻ không ba?”, bé Bi hỏi, tay đỡ lấy bức tranh trên tay anh. “Cả nhà khoẻ cả, cảm ơn con”. Gọi “bé Bi” là theo cách quen miệng từ mười năm trước. Chứ bây giờ, con bé đã lớn tướng, có lẽ chỉ còn thiếu mấy phân là cao bằng anh rồi. Con bé mảnh khảnh, trắng xanh, giống như nàng. Cũng giống nàng ở cái mùi thơm gây gây từ mái tóc dài, gió làm cho những đuôi tóc cứ quấn quýt lấy vai anh trong khi hai cha con đi theo con đường rải sỏi dẫn vào cái quán trà cũ xưa, với những bức vách sụt lở phủ đầy rêu và lá vạn niên thanh.

Hồi ấy chính anh đã vẽ ra phác thảo trang trí cho cái quán này. Phác thảo của anh dựa theo ý tưởng của nàng: một khu phế tích đầy cây xanh. Đấy là một không gian vừa phố thị vừa hoang vu, với những bộ bàn ghế bằng tre thu mình bên những góc vách lộ thiên phủ đầy rêu và dây cát đằng hoa tím. Những giọt nước trong rỉ ra từ các khe nứt trên vách. Thuở ấy, anh và nàng đã mơ ước sống một đời bình thường, nàng pha trà còn anh chọn nhạc, một cuộc sống đầm ấm và giản dị như cỏ cây. Bây giờ quán trà vẫn còn đó, mọi thứ gần như y nguyên vị trí cũ, bàn ghế, góc vách, đèn hoa.

Nhưng bàn ghế tre đã thay bằng đồ nhựa màu, nhiều ngọn đèn đã mất đi chao lụa, vách tường thì chỗ quá um tùm, chỗ quá khô trọc bày cả thớ gạch bên trong. Quán trà ngày trước vẫn còn, nhưng linh hồn của nó không còn nữa.

*

Giản, em trai nàng, dẫn anh vào trong. Cả hai đi xuyên qua quán trà. Trong buổi chiều im mát thật đẹp mà chỉ có mấy người khách ngồi lác đác. Giản bật đèn, chỉ lối đi vào nhà vệ sinh, chỉ khăn tắm, bồn rửa mặt, vẻ ân cần như một chủ nhà hiếu khách. Như thể anh là một người lạ chứ chưa từng có thời gian làm chủ ngôi nhà này...

Ừ, thời đó xa lắm rồi mà. Thuở còn phiêu lưu qua những xứ lạnh giá, anh đã nhìn thấy những dòng sông đang chảy miệt mài bỗng âm thầm quánh lại, từng ngày, từng ngày rồi bất ngờ đóng băng sau một đêm. Giữa anh và nàng cũng thế. Vì sao? Thật ít khi cả hai có thời gian để nghĩ cặn kẽ vì sao. Nghĩ về nàng lúc nào anh cũng có cảm giác là nàng ở bên anh mà rất xa. Quái quỷ, cảm giác ấy đeo dính vào hồn anh như một cái bã kẹo cao su, không sao rẫy ra được.

Bé Bi chạy vào phòng, cầm một cái khăn tắm to bằng vải bông vẽ hình con gấu. “Ba ơi, ba tắm đi, rồi ra ăn cơm với hai cậu cháu”. Giọng con bé trong, vui nhưng không giấu được chút rụt rè. Biết làm sao được, nó đã không lớn lên bên anh.

“Khoan đã, con gái”. Anh kéo nó ngồi xuống bên mình, bàn tay anh chạm vào mấu xương đòn gánh trên bờ vai mảnh dẻ. “Con có đi với ba không?” Bé Bi bỗng trở nên tư lự:

– Ba và mợ đã có em Huy rồi mà.
– Em Huy cũng là em con.

Cô bé im lặng một giây, rồi quàng hai tay lên cổ anh, và lại hôn một cái rõ to lên cái cằm có những sợi sâu cứng. “Thôi, chuyện đó để nói sau đi ba”. Giọng nói này anh đã quá quen. Một giọng âu yếm và lảng tránh. Giống hệt như nàng. Anh cầm cái khăn đi vào phòng tắm, thầm nghĩ: Tại sao? Mình đã làm gì? Anh biết thời gian về sau nàng đã nhận ra anh không muốn ở gần nàng nữa. Cuộc sống chung trở thành một thứ trách nhiệm ngột ngạt trong lặng lẽ. Nước từ vòi sen lăn theo từng chân tóc, anh cảm thấy dễ chịu dần. Ngày xưa, từ phòng tắm này vào phòng ngủ, anh thường đứng một lúc nhìn nàng nằm cuộn mình trong chăn nệm, đôi mắt lim dim lơ mơ ngủ. Anh rất thích mở cửa sổ cho gió ngoài vườn nhẹ nhàng thoảng qua, nhưng lúc nào trước khi đi nằm nàng cũng đóng kín.

Nàng sợ mùi hoa quỳnh từ ngoài vườn, bởi thói quen dị ứng với mùi thơm quá ngọt ngào. Có lần nàng bảo mùi hoa quỳnh là mùi ma, mặc dù anh phản đối quyết liệt tính mê tín vớ vẩn. Đêm nào cũng vậy, ngay từ tối tân hôn, sau phút nồng nàn bao giờ nàng cũng nhanh chóng vuột mình ra khỏi vòng tay anh, rồi xoay lưng về phía anh mà ngủ say. Cái thế nằm ấy làm tổn thương anh, một người chồng cục mịch nhưng nhạy cảm. Có lần anh cố ý giữ nàng quay mặt về phía mình, và nàng nằm yên như thế, thiu thiu ngủ. Nhưng chẳng mấy chốc, trong giấc mơ, nàng lại xoay mặt về phía khác, bỏ mặc anh nằm ngửa mặt ngó lên đình màn như một người chiến thắng và cô đơn.

Giản chờ anh trong phòng ăn, mâm cơm có cà mắm, tôm chua, dưa giá. Giản cười: “Nghe chị nói ngày trước anh thích những món này” – “Ừ, cá thịt gì ăn cũng chán rồi, chỉ có mắm muối là còn hấp dẫn”, anh vừa trả lời vừa ngồi xuống. “Bé Bi đâu?”, anh nhìn ra ngoài nhà. Con bé đang tìm cách mở ống tranh anh đem theo. “Đừng, con không biết cách tháo đâu. Để rồi ba mở” – “Ba ơi, sao ba lại đặt tên bức tranh này là Suối bạc?”

Bức tranh ấy anh vẽ nàng từ hồi mới chia tay, vẽ theo trí nhớ. Anh đã tưởng tượng lại hình ảnh nàng nằm lơ mơ trong chăn nệm, vẻ mặt trắng xanh trong một phối cảnh màu ngân nhũ và tím biếc.

Tại sao tên nó lại là Suối bạc? Đó là cái hình ảnh mà anh nhớ về vợ mình trong những năm tháng khủng hoảng của đời anh. Người ta bảo suối vàng, cõi chết, là nơi âm dương cách biệt. Anh với nàng vẫn ở trong cõi dương, nhưng cũng không bao giờ nhìn thấy nhau nữa. Vì vậy với anh, nơi nàng ở là suối bạc, nơi mà người ta chỉ đến trong những giấc mơ.

Mặt hơi cau lại, anh quyết định nháng nhát búa vào vách, đóng vào đấy cái đinh dài. Treo bức tranh lên, anh thầm ước tính: nơi này gần cửa sổ, những đêm rằm ánh trăng sẽ hắt bóng đến tận đây. Suối bạc sẽ nằm đây, có lẽ tốt nhất nên như thế. Từ lâu, với anh, thời khủng hoảng đã qua. Nơi căn nhà anh đang ở, đứa con trai anh đang lớn lên. Mọi thứ ở đó đều thuộc về hiện tại. Còn Suối bạc chỉ thuộc về quá khứ mà thôi; tuy vậy, anh chẳng đành lòng huỷ nó đi.

Sau lưng anh dường như có ánh mắt ai đang nhìn. Anh quay lui: bé Bi đang ngồi trên giường, cười tủm tỉm khi thấy anh đứng nhìn sững bức tranh.

Anh bước tới ngồi bên con gái. “Ba vẽ theo trí nhớ, hồi mới rời căn nhà này. Con thấy sao?”

Bé Bi lắc đầu: “Ba vẽ sai rồi. Khi nằm một mình mẹ không bao giờ quay mặt vào vách”.

“Vớ vẩn. Ba biết rõ mẹ con mà”.

Bé Bi ngước nhìn anh. “Mẹ bảo con, từ nhỏ, lúc nào mẹ cũng nằm quay lưng vào vách. Có thế mẹ mới yên tâm ngủ say”.

“Sao vậy?”

“Vì bà ngoại mất sớm, từ nhỏ mẹ ngủ một mình. Mẹ rất sợ ma, lúc ngủ mẹ tựa lưng vào tường. Lúc ấy mẹ cứ nghĩ nếu có gì nguy hiểm hiện ra thì nó sẽ đến từ phía bên ngoài, và mẹ quay về phía đó bởi vì ít nhất sau lưng cũng đã có bức tường che chắn”.

“Nhưng ba luôn nhìn thấy mẹ quay mặt vào vách, quay lưng về phía ba”.

“Vì khi có ba thì ba là chỗ dựa, là một chỗ che chắn tốt hơn”.

Một cảm giác như là say sóng đột ngột chiếm lấy anh. Bé Bi nằm xuống: “Ba thấy buồn cười phải không? Khi nghe mẹ nói con cũng đã cười mẹ là trẻ con quá đi mất. Ấy vậy mà giờ, mẹ mất rồi, con cũng bỗng nhiên thành thói quen, nằm giống y như mẹ”. Con bé kéo tấm drap mỏng đắp lên ngực, và nằm xuống, quay lưng vào vách.

Một giọt nước bỗng rịn ra trong khoé mắt anh. Nhưng anh chỉ ngồi lặng yên không nói. Chẳng còn gì có thể nói về quá khứ, bởi giờ đây nàng không còn nữa. Anh không biết vào giờ phút cuối gương mặt nàng như thế nào, nhưng anh hình dung nàng lúc ấy cũng như thế, cái đầu nhỏ nhắn, những sợi tóc mềm lả trên gối và cái nhìn lúc nào cũng hướng về một phía mà anh cứ nghĩ là không có anh.

Anh khẽ vuốt ve mái tóc mềm của bé Bi, cố gượng nhẹ để khỏi làm con thức giấc.

Đêm qua đi, và anh ngồi như thế cho đến lúc ánh bình minh dần dần soi sáng ngoài kia, trên khu phế tích đầy cây xanh.

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tiếc nỗi nhọc nhằn


(Truyện ngắn đăng ở tạp chí Her World)





– Sắp tới, phà ngưng chạy, con về Đức Huệ luôn, không lên đây bán nữa!

Giọng tỉnh rụi pha lẫn chút tươi vui đáng ngạc nhiên của chú bé bán vé số giúp tôi thôi trôi lăn trong những vùng ký ức xôn xao để trở về thực tại. Chú bé con này cũng “thời sự” dữ đa! Mỗi ngày, chú địu đứa em nhỏ trước bụng, lên xuống mấy trạm xe từ quê xa ra tới bến phà này để bán vé số, đến chiều tối lại về.

Cơn mưa rào khiến vài hành khách ít ỏi co vào nhau tránh ướt. Trên cao, vách phòng lái phà gắn tấm bảng ghi “150 người”, cho biết số hành khách tối đa mà một chuyến phà có thể phục vụ. Nhiều năm trước đây, con số này thường bị vượt qua, vì nhu cầu quá giang là rất lớn. Nhưng từ khi cầu bắc qua sông, khách đi phà đã thưa dần, và chuyến này chỉ chở khoảng 20 người.

Nghe tin phà sắp ngừng hoạt động, lại sẵn có vài đứa cháu mới ở quê ra, tôi dẫn chúng đi một lần cho biết, nhân tiện hồi tưởng những việc từ nhiều năm trước. Phà ngày nay trắng trẻo sạch boong, chứ không còn nhếch nhác. Nhưng chính vì thế mà tôi cảm thấy thiêu thiếu. Thiếu những lời chào mời mua quà bánh, thiếu câu ca vọng cổ mùi mẩn của cặp vợ chồng mù bán vé số, tiếng chửi bới của dân anh chị đứng bến đang tính tiền phải quấy, giọng trẻ con khóc ré pha trộn lời dỗ dành hay đe nẹt của phụ huynh. Đã có một thời tôi hết sức khó chịu với những hiện tượng ấy, cũng như từng khó chịu với sự chen lấn xô bồ của khách quá giang, với sàn phà luôn trơn trợt bởi những nước cháo, nước mía, nước nôn ói, cùng với hằm bà lằng các loại nước không tên. Tôi từng nhăn mặt vì mùi mồ hôi, mùi tôm cá, mùi dầu gió, mùi khói phà và đặc trưng nhất là mùi mỡ bò bôi trơn hệ thống xích điều khiển phà. Bây giờ mới thấy tiếc…

Thật ra thì tiếng ca vọng cổ vẫn còn vang lên, và đám khách ít ỏi đồng loạt quay nhìn về phía ấy. Đang mừng vui thú vị vì món quà tinh thần không ngờ mà đến, tôi bỗng dưng cảm giác mủi lòng vì giọng ca khắc khoải của người phụ nữ (mà tôi đoán là người vợ) như dào dạt mà chơ vơ, mặc dù không lạc lõng nhưng vẫn chưa tìm được chỗ để nương vào. Trong khi chị vợ thể hiện một bài nói về nổi niềm của kẻ hát dạo ở bến đầu cầu, thì anh chồng mù nắn nót dây tơ, những ngón tay lên xuống mạnh nhẹ phím đàn lõm, tỉa tót chừng như muốn cứa bật máu các đầu ngón, mặc dù đã chai sần nhưng vẫn còn cảm được niềm đau nhân thế.

Cơn mưa vừa ngớt thì bài ca não nề cũng vừa dứt. Không đợi chị vợ tiến đến, nhóm khách qua sông ít ỏi tự động bước tới bỏ tiền vào cái lon. Số tiền tùy hỉ của mỗi người cũng nhiều hơn mọi khi. Mỗi người đều cảm thấy điều gì đó cho riêng mình. Nấn ná để được là người tậng tiền cuối cùng cho cặp vợ chồng, tôi lân la nhận xét về những cú nhấn dây tơ, bảo rằng anh đàn như thể…

“…thì đúng là đờn cho màn chót rồi, chớ còn gì nữa!” anh chồng mù ngắt lời tôi. Anh nói bâng quơ rằng cho dù bến phà bị dẹp thì vợ chồng anh vẫn không sợ đói, vì “nghề này còn kiếm ăn được ở vài nơi,” nhưng “mình bám trụ nhiều năm ở đây rồi, bi giờ sắp đi thì cảm thấy nó làm sao, làm sao…”

Anh cho biết rằng mình sống với đôi tai và cái mũi nhạy bén, nên nhận biết từng đổi thay nhỏ nhặt mỗi ngày trên chuyến phà, những đổi thay mà người mắt sáng chưa chắc đã nhận ra. “Hồi xưa chen lấn cực khổ, đông nhưng mà vui, bấy lầy mà bình yên, hôi rình mà an tâm…”

Tôi nhất trí với anh về việc ấy. Phà hiện nay sạch quá, tươm tất quá nên không còn tất cả những thứ nhọc nhằn ấy, khách lên xuống qua lại thật ung dung nên vắng mất một tâm trạng quen thuộc trước kia: nhẫn thứ này một chút, nhẫn thứ kia một tẹo. Còn nhớ vị khách cuối cùng ráng phóng xe vào, trước khi tấm bửng thép được quay lên. Bánh xe anh ta làm lấm lem ống quần của ông thầy giáo. Nhìn nhau khó chịu, nhưng chẳng lẽ lại cãi nhau, nhất là khi ta lại đồng hội đồng thuyền mỗi ngày hai bận? Rồi những lúc mưa bất chợt như cơn mưa trưa nay, cũng phải co vào nhau cho đỡ ướt. Còn những khi phà chết máy trôi theo dòng nước, cũng chung nỗi bực mình pha thoáng lo âu. Và thay vì cập bến ở cửa này, phà lại cập phía cửa kia, khiến bao nhiêu xe cộ phải đồng loạt quay đầu lại. Lúc ấy ông thầy giáo và gã thợ hàn dù muốn dù không cũng phải phụ nhau xê dịch những chiếc xe. Và con bao kỷ niệm nhọc nhằn khác…

Trên những chuyến phá đầy ắp năm xưa, trong khi chờ cặp bến, hành khách nóng lòng, trong cặp mắt mỗi người hiện lên, có thể là những tính toán, có thể là những lo toan, cũng có thể là sự bồn chồn không xa lạ. Nhưng hiện giờ, tia nhìn của từng người đã vắng đi các tính toán, lo toan và bồn chồn ấy. Thay thế vào đó là một sự bình tĩnh đến lạ lùng, mà ta có thể lầm với vẻ ung dung. Không, không thể lầm đâu, bởi vì trong tia nhìn của họ ngầm chứa điều gì đó mênh mang, tuy chưa hẳn là thi vị nhưng cũng đủ man mác để gợi sầu.

Phà cặp bến rồi, một trong những chuyến cuối cùng. Cái bửng thép đã hạ xuống mà hành khách vẫn còn uể oải. Neo dây xong, bác nhân viên ngó lơ ra phía xa, tựa như nhìn chằm chằm vạt lục bình nào đó đang nổi trôi trong trí tưởng…

Người lớn thật rắc rối. Nhọc nhằn sinh khó chịu. Bây giờ thiếu những thứ ấy lại cảm thấy bùi ngùi. Không như ánh mắt trong veo của chú bé bán vé số kia, địu đứa em trước bụng. Đứa em khá nặng khiến chú cứ đi vài bước là phải dừng lại xốc nó lên. Nguồn thu nhập của chú (và biết đâu là của cả nhà) sắp mất đi theo những chuyến phà cuối cùng. Nhưng không sao, tuổi thơ lạc quan chỉ nhìn về phía trước, không quản vất vả. Chỉ có tuổi già mới tiếc nỗi nhọc nhằn.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Và nhiều năm sau nữa...

Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ HẬU


http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/799/518799.jpg
Minh hoạ của NGUYỄN NGỌC THUẦN



1
Nó ngồi trong quán cà phê trên một con phố nhỏ trong một thành phố cũng nhỏ.

Thành phố này (tạm gọi là X) khá hiếm quán cà phê, đi mỏi chân cũng chỉ thấy những tiệm ăn. Quán cà phê này buổi sáng khá vắng nhưng đến trưa trở thành quán ăn nhanh cho công chức văn phòng, dân buôn bán trong các cửa hàng quanh đấy đến mua những phần thức ăn có kèm ly nước ngọt hay cà phê. Nó ngồi ở cái bàn sát cửa sổ, đôi mắt to với hàng mi dài như bị hút vào những giọt nước mưa bám trên tấm kính, những giọt nước to tròn, lăn từ từ rồi chạy ngoằn ngoèo nhanh dần tan ra khi chạm khung cửa. Khi người phục vụ hỏi nó muốn uống gì, nó giật mình ngơ ngác một lúc rồi kêu ly cà phê đá. Ly cà phê khá lớn và loãng nhách, chỉ có chút mùi vị quen quen. Lơ đãng khuấy ly cà phê nó nghĩ mãi, nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao mình lại có mấy ngày rảnh rỗi ở thành phố xa lạ này?

Nó ngồi đó từ sáng đến trưa, rồi đến quá chiều. Rồi quán đóng cửa, nó đi, quay về khách sạn. Ngồi quán, hay đi lang thang, hay bây giờ bó gối nhìn xuống dưới con đường xe chạy miên man dưới kia, ở đâu, lúc nào nó cũng thấy rõ ràng cảm giác cô đơn vì bị - người - lớn - bỏ - rơi y như ngày còn bé. Nó bất lực vì không thể thoát ra khỏi ý nghĩ: mình là một người thừa ở thành phố này, không ai cần nó. Nó cũng không cần chính mình trong tình trạng trống rỗng này.

Thời gian cứ chậm chậm trôi, dưới kia, trên đường chỉ còn những ngọn đèn kiên nhẫn đứng trong đêm. Những chuyến xe taxi cuối cùng vội vã lao đi. Ai cũng mong được về nhà, đã quá nửa đêm rồi.

Nhưng căn phòng này không phải là ngôi nhà, không phải là ngôi nhà của nó, không là ngôi nhà của ai cả. Có lẽ vì vậy chẳng có ai phải vội vã trở về.

Từ biệt giấc mơ về hạnh phúc, nó biết, nhiều năm về sau nữa chắc chắn nó không thể quên những ngày này.

...

Mở cửa, anh nhìn quanh. Ngọn đèn ngủ đầu giường vẫn sáng, tivi vẫn loang loáng hình ảnh chiến tranh một nơi nào đó. Ấm nước trên bàn còn nóng. Giường gọn gàng chăn nệm phẳng phiu. Không thấy nó trong phòng. Trái tim nhói đau, anh biết, hạnh phúc vừa tuột khỏi tầm tay.

Anh đứng bên khung cửa nhìn xuống con đường loáng nước dưới kia mà tưởng như thấy bóng nó chìm vào màn đêm. Anh biết khoảnh khắc này sẽ đi theo anh suốt đời.

2
Ánh nắng chói chang ùa vào căn phòng. Anh tỉnh giấc, nheo mắt nhìn sang bên, cô vẫn ngủ say, mắt khép hờ chỉ thấy một vệt tròng trắng, bất giác anh ngoảnh mặt đi. Vươn vai đứng dậy anh kéo rèm cửa sổ. Tiếng động làm cô cựa mình, càu nhàu: Nắng quá, để cho người ta ngủ! Anh làu bàu: Ngủ cho lắm mơ mộng gì cả đêm sụt sịt... Cô gắt lại giọng tỉnh như sáo: Ai mơ? Sao cứ trở mình thở dài thườn thượt không cho ai ngủ?

Anh im lặng nhìn xuống con đường dưới kia. Vẫn như nhiều năm trước, dòng xe chạy không dứt, hình như có gì đó hơi là lạ... à, xe đi theo chiều tay trái. Hồi đó khi qua đường nó cứ quen nhìn về bên phải, anh nắm tay nó nhắc bên này cơ mà, nó lại cười... nụ cười làm anh lặng người khi nhìn thấy lần đầu tiên. Lúc đó anh đang làm việc ở X và có người yêu là cô bạn đồng nghiệp. Thế rồi trên một chuyến xe buýt tình cờ anh gặp nhóm bạn trẻ đi du lịch. Khi nghe chúng ngơ ngác hỏi nhau sẽ xuống bến nào, nhận ra tiếng nói quê mình, anh làm quen rồi chỉ đường đi cho cả nhóm. Nó cám ơn anh và mỉm cười. Anh chợt nhận ra nụ cười này quen thuộc lắm, dường như mình đã chờ đợi từ rất lâu rồi...

Vài ngày cũng đủ để anh và nó quyết định đến với nhau. Khi bạn bè về, nó ở lại thêm mấy ngày nữa. Ngày cuối cùng của nó, anh quyết định sẽ gặp cô bạn đồng nghiệp để nói lời chia tay. Để nó ở lại khách sạn, anh hứa chiều về sớm đưa nó ra bãi biển đẹp nhất thành phố... Nhưng rồi cuộc trò chuyện không thể kết thúc sớm như anh muốn. Đến khi anh đón được taxi về khách sạn thì đã quá nửa đêm. Trong phòng, nó ngồi bó gối nhìn xuống đường, đôi mắt mọng nước.

....

Thời gian trôi qua. Họ đã có hai đứa con, cuộc sống ngày càng đầy đủ nhưng hiếm khi cô nghe thấy giọng nói ấm áp của anh như ngày nào gặp nhau trên xe buýt, còn anh cũng quên mất không biết nụ cười tươi tắn trước kia của cô như thế nào. Thỉnh thoảng họ đi du lịch nơi này nơi kia như những gia đình phong lưu khác. Lần này theo tour tình cờ họ đến X. Hôm qua theo cô đi shopping cả ngày anh mệt rã rời, còn cô hí hửng vì mua được bao nhiêu đồ giảm giá. Lúc ngồi taxi từ khu trung tâm về khách sạn, anh nhận ra con đường cũ, quay sang định nói với cô thì nghe cô nhắc: Mai anh chuyển thêm tiền vào thẻ cho em, hết rồi.

Thấy anh cau mặt quay đi, cô nhìn ra con đường có dải phân cách trồng đầy bông giấy tím ngát, bỗng nhớ quá chừng cảm giác bình yên ngày trước khi anh nắm tay cô dẫn qua con đường có dòng xe chạy về bên trái. Cả ngày cô luôn giật mình khi qua đường dù anh đi ngay bên cạnh.

Về đến khách sạn họ đi ngủ, và mơ.
.

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Sợi dây!

Truớc miếu Quan Âm mỗi ngày có vô số nguời tới thắp hương lễ Phật, khói hương nghi ngút. Trên cây xà ngang truớc miếu có con nhện giăng tơ, mỗi ngày đều ngập trong khói hương và những lời cầu dảo, nhện dần có Phật tính. Trải nghìn năm tu luyện, nhện đã linh.
Một ngày, bỗng Phật dạo đến ngôi miếu nọ, thấy khói hương rất vượng, hài lòng lắm. Lúc rời miếu, ngài vô tình ngẩng đầu lên, nhìn thấy nhện trên xà.
Phật dừng lại, hỏi nhện: "Ta gặp ngươi hẳn là có duyên, ta hỏi ngươi một câu, xem ngươi tu luyện một nghìn năm nay có thật thông tuệ chăng. Ðuợc không?"
Nhện gặp đuợc Phật rất mừng rỡ, vội vàng đồng ý. Phật hỏi: "Thế gian cái gì quý giá nhất?"
Nhện suy ngẫm, rồi đáp: "Thế gian quý nhất là những gì không có được và những gì đã mất di!". Phật gật đầu, đi khỏi.
Lại một nghìn năm nữa trôi qua, nhện vẫn tu luyện trên thanh xà truớc miếu Quan Âm, Phật tính của nhện đã mạnh hơn.
Một ngày, Phật đến trước miếu, hỏi nhện: "Ngươi có nhớ câu hỏi một nghìn năm truớc của ta không, giờ ngươi đã hiểu nó sâu sắc hơn chăng?"
Nhện nói: "Con cảm thấy trong nhân gian quý nhất vẫn là "không có được" và "đã mất đi" ạ!"
Phật bảo: "Ngươi cứ nghĩ nữa đi, ta sẽ lại tìm ngươi."
Một nghìn năm nữa lại qua, có một hôm, nổi gió lớn, gió cuốn một hạt sương đọng lên luới nhện. Nhện nhìn giọt sương, thấy nó long lanh trong suốt sáng lấp lánh, đẹp đẽ quá, nhện có ý yêu thích. Ngày này nhìn thấy giọt sương nhện cũng vui, nó thấy là ngày vui sướng nhất trong suốt ba nghìn năm qua. Bỗng dưng, gió lớn lại nổi, cuốn giọt sương đi. Nhện giây khắc thấy mất mát, thấy cô đơn, thấy đớn đau.
Lúc dó Phật tới, ngài hỏi: "Nhện, một nghìn năm qua, ngươi đã suy nghĩ thêm chưa: Thế gian này cái gì quý giá nhất?"
Nhện nghĩ tới giọt sương, đáp với Phật: "Thế gian này cái quý giá nhất chính là cái không có được và cái đã mất đi."
Phật nói: "Tốt, nếu ngươi đã nhận thức như thế, ta cho ngươi một lần vào sống cõi người nhé!"
Và thế, nhện dầu thai vào một nhà quan lại, thành tiểu thư đài các, bố mẹ dặt tên cho nàng là Châu Nhi. Thoáng chốc Châu Nhi đã muời sáu, thành thiếu nữ xinh đẹp yểu diệu, duyên dáng. Hôm dó, tân Trạng Nguyên Cam Lộc đỗ đầu khoa, nhà vua quyết định mở tiệc mừng sau vườn ngự uyển.
Rất nhiều nguời đẹp tới yến tiệc, trong đó có Châu Nhi và Truờng Phong công chúa. Trạng Nguyên trổ tài thi ca trên tiệc, nhiều tài nghệ khiến mọi thiếu nữ trong bữa tiệc đều phải lòng. Nhưng Châu Nhi không hề lo âu cũng không ghen, bởi nàng biết, chàng là mối nhân duyên mà Phật đã đua tới dành cho nàng.
Qua vài ngày, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật, cũng lúc Cam Lộc đua mẹ tới miếu. Sau khi lễ Phật, hai vị mẫu thân ngồi nói chuyện. Châu Nhi và Cam Lộc thì tới hành lang tâm sự, Châu Nhi vui lắm, cuối cùng nàng đã có thể ở bên nguời nàng yêu, nhưng Cam Lộc dường như quá khách sáo.
Châu Nhi nói với Cam Lộc: "Chàng còn nhớ việc mười sáu năm trước, của con nhện trên xà miếu Quan Âm chăng?"
Cam Lộc kinh ngạc, hỏi: "Châu Nhi cô nương, cô thật xinh đẹp, ai cũng hâm mộ, nên trí tuởng tượng của cô cũng hơi quá nhiều chăng?". Nói đoạn, chàng cùng mẹ chàng đi khỏi đó.
Châu Nhi về nhà, nghĩ, Phật đã an bài mối nhân duyên này, vì sao không để cho chàng nhớ ra chuyện cũ, Cam Lộc vì sao lại không hề có cảm tình với ta? Vài ngày sau, vua có chiếu ban cho Trạng Nguyên Cam Lộc sánh duyên cùng công chúa Trường Phong, Châu Nhi được sánh duyên với thái tử Chi Thụ. Tin như sấm động giữa trời quang, nàng không hiểu vì sao Phật tàn nhẫn với nàng thế.
Châu Nhi bỏ ăn uống, nằm khô nhắm mắt nghĩ ngợi đau đớn, vài ngày sau linh hồn nàng sắp thoát khỏi thân xác, sinh mệnh thoi thóp.
Thái tử Chi Thụ biết tin, vội vàng tới, phục xuống bên giuờng nói với nàng: "Hôm đó, trong những cô gái giữa bữa tiệc sau vuờn thượng uyển, ta vừa gặp nàng đã thấy yêu thương, ta đã khốn khổ cầu xin phụ vương để cha ta cho phép cưới nàng. Nếu như nàng chết, thì ta còn sống làm chi." Nói đoạn rút gươm tự sát.
Và giây khắc ấy Phật xuất hiện, Phật nói với linh hồn sắp lìa thể xác Châu Nhi: "Nhện, ngươi đã từng nghĩ ra, giọt sương (Cam Lộc) là do ai mang đến bên ngươi chăng? Là gió (Truờng Phong) mang tới đấy, rồi gió lại mang nó di. Cam Lộc thuộc về công chúa Truờng Phong, anh ta chỉ là một khúc nhạc thêm ngắn ngủi vào sinh mệnh ngươi mà thôi.
Còn thái tử Chi Thụ chính là cái cây nhỏ trước cửa miếu Quan Âm dó, anh ta đã ngắm ngươi ba nghìn năm, yêu ngươi ba nghìn năm, nhưng ngươi chưa hề cúi xuống nhìn anh ta. Nhện, ta lại đến hỏi ngươi, thế gian này cái gì là quý giá nhất?"
Nhện nghe ra sự thật, chợt tỉnh ngộ, nàng nói với Phật: "Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất di, mà là hạnh phúc hiện dang nắm giữ!"
Vừa nói xong, Phật đã đi mất, linh hồn Châu Nhi quay lại thân xác, mở mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ định tự sát, nàng vội đỡ lấy thanh kiếm...
Câu chuyện đến đây là hết, bạn có hiểu câu cuối cùng mà nàng Châu Nhi nói không?
"Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!"
Trong suốt đời ta, sẽ gặp hàng nghìn hàng vạn loại người.
Ðể yêu một người thì không cần cố gắng, chỉ cần có "duyên" là đủ.
Nhưng để tiếp tục yêu một người thì phải cố gắng.
Tình yêu như sợi dây, hai người cùng kéo hai đầu, chỉ cần một nguời kéo căng hoặc bỏ lơi, tình yêu ấy sẽ căng thẳng hoặc chùng xuống.
Vậy khi bạn đi kiếm người ở đầu kia dây, hãy cân nhắc. Hoặc bạn có quá nhiều sợi dây tình cảm, hoặc bạn cứ liên tục tìm cái mới, hoặc khi dây đã đứt, bạn không còn can đảm hay lòng tin, tình yêu dể đi tìm một tình yêu mới nữa.
Bất kể thế nào, khi sợi dây đó đứt, bạn chỉ mất đi một nguời không yêu bạn, nhưng người đó đã mất đi một người yêu họ.
Mất một người không biết trân quý bạn, có gì phải buồn rầu?
Bởi bạn còn cơ hội, một lần nữa, gặp người biết rằng bạn quý giá.
Có muốn nghe tôi kể câu chuyện ấy lần nữa không, ngày xưa, truớc miếu Quan Âm..


(copy từ blog một người bạn)

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [17] [18] [19] [20] [21] [22] [23] ... ›Trang sau »Trang cuối