Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

NanLan

Phượng Hoàng Lửa đã viết:
NƯỚC MẮT            ( Chùm truyện ngắn dưới 100 chữ )

  Ngày này năm ngoái , anh mất. Chị khóc chồng như Đam San khóc vợ .Khóc và kể. mắt sưng mọng. Ai cững ái ngại cho chị và thương đứa con côi chưa đầy 4 tuổi ngơ ngơ , ngác ngác.
  Hôm nay giỗ đầu anh. Chị tươi tắn xinh đẹp bên người chồng mới, lăng xăng chào mời khách . Tôi chạnh nhớ  anh và lẩn thẩn tự  hỏi trong đôi mắt rất đẹp , biết nói, biết cười, đang lúng liếng kia, chị lấy đâu ra dòng suối lệ khóc anh năm trước.
                                                                     T.T.A.H  ( Cần Thơ )


                                            NGƯỜI NGHÈO

  Ba đèo con trên chiếc xe đạp. Bỗng một chiếc xe đạp khác chở đầy  những bao than loạng choạng từ phía sau đâm vào. Em không chuyện gì ; ba thì quần rách te, đầu gối máu ra nhiều. Ba loay hoay phụ đỡ  người chở than - trạc tuổi ba - sửa cho những cái bao ngay ngắn lại…
  Ba bảo em : “ Người nghèo khó hay nghĩ hay lo, đôi khi họ không thấy những gì trước mặt đâu con. Làm sao chúng ta có thể cáu gắt với họ được ? ! “
                                                                        Nguyễn Thái Sơn



                                           SINH KHÓ

  Nhà năm anh em, tôi là con út, lần sinh tôi nghe kể là lần sinh khó.
  Hồi nhỏ, tôi tả cảm xúc của mình về chuyến  “đi biển một mình “ của mẹ qua bài văn ở lớp, thầy khen.
  Tôi thương mẹ nhiều hơn thương ba. Sau khi ba mất có lần mẹ kể : Hồi sinh tôi tội nhất là ba. Mẹ trở dạ ban đêm đúng vào mùa nước nổi. ba bơi xuồng hàng chục cây
số để đưa mẹ đến nhà bà mụ vườn. Lúc mẹ sinh, việc nhà chỉ một mình ba quán xuyến…
  Ngoại tôi nói như trách :” Người sinh khó là ba con chứ không phải mẹ, vậy mà tụi bây chỉ thương có mẹ…”
                                                                          Võ Thành An


                                              THỜI GIAN


  Mẹ già bị bênh Alzheimer, lúc nhớ lúc quên. Gặp người này lại tưởng người kia. Chủ nhật, con gái từ thành phố tất tả về thăm.
  Thấy mẹ cười , chị rất mừng. Chắc mẹ còn nhận ra mình.
  Mẹ cầm tay chị rồi sụt sùi : “ Chị về chơi, con gái tui có nhắn gởi chi cho tui không “
   Chị ôm mẹ khóc oà.
   Nhìn hai mẹ con, bố quay mặt, lau nước mắt.
                                                 Lê Thi
Cám ơn Phượng Hoàng Lửa,

Đọc xong mấy câu chuyện mini này tự dưng nước mắt ứa đầy mi. Thật xúc động lắm,
Có ai quay lại mùa Thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

Truyện ngắn


                                                    ĐỒNG VỌNG NGƯỢC CHIỀU

   Theo cái gậy tre dò đường, bà lão rờ rẫm từng bước về phía cửa ga.
    Bà đi như người tập làm xiếc trên dây. Chiếc nón lá rách lướp tướp, từ bàn tay gầy guộc, lẩy bẩy của bà huơ đi huơ lai , không lúc nào yên.
    Dừng lại bên đống rác lớn ,bà lão bắt đầu van vỉ :
- Cháu lạy các ông các bà…Cháu mù lòa già cả…Cháu xin các ông các bà nhón tay làm phúc…
    Không một hồi âm, ngoài tiếng vo ve của mấy con nhặng xanh đang tranh nhau ăn trên một cái lá bánh, Một con chuột ngày trơ tráo bò lên bàn chân bà lão. Bà sững người. khuôn mặt lóe lên một tia sáng mỏng. Bà đưa tay lần tìm từng tý trong lòng chiếc nón. Nhưng ngay sau đó, cặp mắt nặng trĩu ầng ẵng nước của bà tối sầm lại.
    Bà lão tiếp túc van vỉ. Vẫn điệp khúc cũ. Nhưng càng về sau càng thống thiết não nề. Những câu nói rời rạc, như tự chảy ra từ khuôn miệng dúm dó, xệch xạc của bà.
    Cái nón vẫn trống huếch . Một tia nắng lọt qua cái chóp thủng, xiên thẳng xuống đất, như đóng đinh bà lão xuống nền đường.

                                                     *

    Nằm dưới gốc cây sấu già, bé Chi thiu thiu ngủ. Nó gối đầu lên cái túi dúm dó, khâu bằng bốn, năm loại vải cũ, sờn. Một cái bát sắt hoen gỉ, thủng đáy, nằm lăn lóc bên cạnh. Bộ ngực gầy trơ xương của con bé thắc thỏm dưới làn áo cáu bẩn, nhàu nát.
   Từ sáng tới giờ chưa có chút gì vào bụng, nên bé Chi đói rũ người. Nó hy vọng giấc ngủ xua tan cái đói. Nhưng không thể được.
   Mọi ngày vào tầm này, mèng ra nó cũng xin được đủ tiền mua hai cái bánh mì. Hôm nay xúi quẩy thế nào, chỉ được tờ hai trăm đồng mất góc.
   Bỗng bé Chi giật thót người, có một bàn chân nào đó giẫm lên người nó. Đang lúc đói,mệt bé Chi gầm lên :
- Mù à? Người ta nằm thế mà dẫm lên !
- Bà mù…Mù thật cháu ạ !Thôi , bà đã trot …cho bà xin !
Lặng đi một lát bé Chi đưa hai tay sờ mắt mình. Từ hai hốc mắt của nó, những giọt nước mặn chát rỉ ra. Nó ngập ngừng :
- Cháu …cháu xin lỗi bà ! Cháu không biết là bà như thế…
Bà lão ngúc ngắc đầu như thể chấp nhận , rồi tiếp tục đi về phía có tiếng đông người. Vừa đi bà lại vừa lẩm bẩm :
- Cháu lạy các ông các bà…Cháu xin các ông các bà nhón tay làm phúc…Thương kẻ  mù lòa , khốn khổ này !
Ngẫm ngợi điều gì  đó lung lắm, bé Chi lấy trong túi áo ra tờ giấy bạc hai trăm đồng mất góc, quả quyết:
- Bà ơi !...Cháu bảo này!
Bà lão dừng ngay lại. Bà nhận ra người gọi mình chính là con bé bà vừa nói chuyện. Linh cảm mach bảo bà sẽ gặp may.
- Bà ơi ! Cháu…cháu biếu bà !
Khuôn mặt lộ vẻ vui mừng, bà lão chậm chạp quay trở lại, rồi chìa nón về phía gốc cây chờ đợi.
- Đúng khoảnh khắc ấy, một cơn gió nhẹ ào qua. Từ trên cây sấu già, những phiến lá khô rơi xuống, khẽ khàng, đúng vào cái nón của bà lão.
     Ngỡ con bé thả tiền vào nón, bà lão đưa tay quờ đi quờ lại. Một cái nhíu mày xéo ngang vừng trán nhăn nheo. Bà lão buồn bã đi tiếp về phía cửa ga. Vừa đi bà vừa thầm rủa :
- Bố con nhà mất dạy…Lừa cả người già…Rồi giời sẽ bắt tội đấy con ạ!
Ngồi ở gốc cây, bé Chi vẫn chìa đồng bạc về phía trước, vẻ thành tâm. Chờ mãi, không thấy bà lão nhận tiền, nó đứng phắt dậy thảng thốt gọi :
- Bà ơi ! Cháu xin biếu bà! Thực đấy mà !
Không ai trả lời con bé. Nó đưa tay quờ quạng quanh mình. Bàn tay nó chạm phải thân cây sấu già, thô nhám.
Nhét tờ bạc vào túi áo, một tay cầm túi, một tay chống gậy, con bé mù thập thững tìm đường.
 Lúc ấy là mười hai giờ trưa. Nắng hạ chói chang, in hình bé Chi xuống nền đường, tròn như đồng tiền vàng…

       (  Sưu tầm)
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

VIÊN  NGỌC ẨN   ( Truyện ngắn )


   Ông tư thấm mệt gác cây cần lên chiếc xuồng nan, ngước mắt nhìn trời, miệng chủi đổng : Mẹ kiếp! Nắng dữ ! Suốt ba tháng liền chẳng một giọt mưa. Cứ cái kiểu này thì làm ăn kiểu mẹ gì đây !
   Câu cá tràu ở trên con bàu Lâm Yên này đã gần hai chục năm, ông tư chắt bóp dè sẻn, tuy không dư dả, nhưng cũng đắp đổi qua ngày. Đặc biệt năm nay trời hạn mãi, cá tràu chẳng chịu vẩy tổ đẻ trứng. Sự tính cứ như thế này, ông không biết đào đâu ra tiền gạo nuôi đàn con nheo nhóc và bà vợ ốm đau mãi ấy! Ông tư cảm thấy mệt mỏi rã rời nghĩ đến cái cảnh con thơ ngồi trên mui thuyền ngóng mắt chờ cha, vợ đau nằm trong xó xỉnh cầu nguyện cho chồng làm ăn gặp vận. Càng nghĩ ông càng buồn!
   Ông chạnh lòng nhớ lại những tháng năm còn sống với bố mẹ. Bao nhiêu nỗi nhọc nhằn cay đắng vì lũ ông mà bố mẹ phải gánh chịu không một lời than thở. Tình thương ấy cứ gắn mãi trong lòng mỗi người cho đến khi mấy chị đi lấy chồng, ông đi lấy vợ, ở riêng. Tình mẫu tử thiêng liêng đã thấm mềm trong cơ thịt và với ông, nó như một sợi dây vô hình đã ràng buộc ông vào con thuyền lênh đênh, vào cái nghề cực khổ này. Bỗng tiếng tù và rúc một hồi dài kéo ông quay về thực tại. Con vịt mồi nằm trên sạp gỗ trố cặp mắt ráo hoảnh nhìn ông. Cây cần câu lưỡi vẫn buộc chặt trên thân. Ông thầm nghĩ : không lẽ hôm nay chẳng hơn gì hôm qua sao!
   Mặt trời đã tròn bóng! Tiếng mái chèo lại bắt đầu khua bì bõm trên mặt nước. Một thân một xuồng lẩn quất trong các hốc hờm, lau lách trên mép bờ bàu. Cứ thế con xuồng lấn dần lấn dần những gần cây số đường nước mà vẫn chưa bói ra mẻ nào! Bất chợt từ phía đám lùng, một cái vẫy ầm toé nước. Ông khấp khởi mừng thầm , lao nhanh xuồng tới. Quả đúng như dự đoán. Một tổ cá vầy trong bụi cỏ to hơn chiếc nón. Trứng trắng đã ngả màu đen xạm dàn trải lên lớp màn đục. Ông đoán chắc là chúng sắp nở con. Cái nghề sống  gần hai mươi năm ấy đã dạy ông biết chắc một điều : trứng sắp nở, bố mẹ nó sẽ tợn hơn  nhiều bất chấp cái chết để bảo vệ cho bằng được đàn con ra đời. Lòng ông rộn lên niềm vui. Tay ông buộc  vịt , tra mồi mà đầu mải nghĩ đến cuộc đọ sức tuy không cân xứng về lực, nhưng tài mưu lược đôi bên có lẽ ngang tầm. Ông buột miệng quả quyết kêu lên : “ Tao sẽ thắng vì lũ con tao đang cần chúng mày”.
   Quả thực ông tư đã thắng! Hai con cá tràu nằm sườn sượt trong lòng xuồng. Chốc chốc chúng ngoi đầu lên, vẫy đuôi đành đạch như cố tìm đường tẩu thoát để về với lũ con sắp ra đời của chúng, nhưng bất lực…!
   Ngồi nhìn cặp cá, ông tư sắp sẵn trong đầu : một con bán đi lấy tièn đong gạo. Con cá mẹ lớn hơn làm thịt nấu cháo cho lũ con đánh bữa đỡ lòng qua những ngày đói khát.
   Sự dự tính tưởng chắc như cơm vào miệng . Ai ngờ , con cá đã trút hết vẩy để lộ cái thân hình nõn nà, bà tư sơ ý, đánh rơi xuống bàu, lẩn mất tăm.
   Cơ sự đã ra thế ấy, hai vợ chồng và lũ con ông ngồi sững sờ nhìn nhau! Chết điếng !
    Sáng hôm sau khi ông mặt trời thức dậy, như thường lệ, ông tư tu một bát nước chè hâm, cho cần và vịt mồi vào xuồng rồi lướt sóng ra đi. Ông gặp tổ cá sớm hơn hôm qua. Trước mắt ông, dưới cái tổ con đen sạm cũng chỗ ấy, hôm qua, một con cá tràu thân trắng tơ bông đang lững lờ bơi qua bơi lại. Mắt ông hoa lên, ông dụi tay xem lại. Bất chợt ông thảng thốt kêu lên :”Chính nó rồi!”. Trời ơi! Vượt mấy cây số đường nước với cái hình hài trơ trụi thế kia mà nó vẫn cố tìm về. Và về kịp, lúc những chấm cá tràu bắt đầu hiện li ti trên mặt nước. Lòng ông bàng hoàng ! Chân tay bủn rủn ! Không còn ham muốn gì nữa, ông đành quay xuồng lặng lẽ trở về…!
    Từ đó, trên cái bàu Lâm Yên này, không ai còn thấy bóng dáng con thuyền của gia đình ông Tư đỗ ở đây nữa…!

                      ( Sưu tầm )
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mảnh vườn xưa

* TẠ ĐỨC AN



Mẹ - người đàn bà khốn khổ đã đẻ tôi ra vào cái năm thanh niên trong làng bỏ đi biệt xứ kiếm ăn, vì họ thấy cuộc đời quá bấp bênh trên mảnh đất cằn cỗi, hết hạn hán lại lũ lụt kéo dài.

Thế nên sau này trong giấc mơ của mình, tôi hay mơ thấy một đứa trẻ lúc sinh ra, mở mắt nhìn cuộc đời đầy cô đơn, nó như muốn tìm kiếm, cầu cứu bằng ánh mắt van lơn tội nghiệp.

Mẹ bỏ đi sau những lần bố say rượu về cãi vã. Đêm hôm ấy đúng tuần trăng nhưng chẳng hiểu sao bầu trời lại đầy mây. Mẹ trở dậy, lén lút lấy túi đồ giấu sẵn dưới gầm giường rồi lách cửa ra đi. Tôi chạy theo mà không dám khóc, mặc dù cơn buồn tủi đã ứa đầy lên cổ. Mẹ quay lại ôm tôi vào lòng nói trong tiếng nấc: "Mẹ xin con. Con thương mẹ thì để mẹ đi, đến mùa mưa mẹ sẽ trở về". Tôi đứng chết lặng cho đến khi những cơn nấc nghẹn đã qua mới dám trở vào giường nằm im. Bố tôi vẫn nằm ngáy ngoài nhà, tôi dụi mặt vào chiếc gối vẫn còn đượm mùi mồ hôi mẹ mà khóc. Khi ấy tôi mười tuổi.

Mẹ hứa đi đến mùa mưa sẽ về, nhưng hết mùa mưa này đến mùa mưa khác đi qua. Tôi đã mười lăm, mười sáu tuổi, mấy thằng choai choai đi qua nhà buông lời chọc nghẹo mà mẹ vẫn bặt vô âm tín. Con bạn bảo tôi:

- Mày phải làm đẹp dần đi chứ. Con gái gì mà cứ lôi thôi, lếch thếch.

- Để làm gì chứ?

- Để lấy chồng.

Tôi cười chua chát. Mười lăm tuổi tôi đã biết cười đời chua chát thì hỏi tôi có mấy giây phút được vui trong cuộc đời cô độc này. Tôi không còn mẹ, không ai dạy tôi làm con gái phải thế này thế kia, rồi phải kiêng kỵ điều này điều nọ. Tất cả tôi đều phải tự học lấy, bởi bố thì càng chẳng bao giờ dạy tôi bất cứ điều gì ngoài chửi mắng, đánh đập. Nhưng bao giờ tôi cũng thương yêu bố hay nói đúng hơn là tôi thương cái cô đơn, cái kiếp bị bỏ rơi. Bởi suy cho cùng, tôi cũng có nỗi cô đơn giống bố.

Bố uống rượu. Càng uống càng thấy nỗi buồn tràn ngập trong đôi mắt ấy. Cũng may bố không đánh tôi những lúc say. Chỉ khi nào thật tỉnh táo bố mới mang đòn roi để đánh tôi. Lúc đầu, tôi cố van xin, hoặc bỏ chạy. Nhưng rồi tôi mặc kệ, bởi chẳng còn thấy đau đớn thịt da gì nữa. Chỉ có buồn tủi dày vò. Đánh tôi, bố cũng chẳng nhẹ người hơn, có lẽ chính lúc ấy cuộc đời cũng đang hành hạ ông nhiều nhất. Sau mỗi lần đánh chửi tôi, bố ngồi lặng rất lâu ngoài hiên, không uống rượu, không khóc, đôi khi chỉ cất lên mấy lời hát khàn khàn nghe như xát muối vào lòng. Những ngày mưa buồn bã. Hai cha con, mỗi người ngồi mỗi nơi, nhưng đều ngóng ra phía cổng.

Việc duy nhất bố làm cho tôi, ấy là khi tôi mười sáu tuổi. Ngực tôi đã nhô lên, người cao vổng, mấy cái áo các dì mua cho đã ngắn cũn cỡn. Một hôm tôi đang ngồi tắm ngoài vườn thì bỗng phát hiện có người rình trộm, tôi hét lên sợ hãi. Sáng hôm sau bố lên rừng chặt tre làm cho tôi cái buồng tắm, có cả cửa được gài chắc chắn. Bố bảo:

- Mai cầm tiền đi ra chợ mua quần áo mới mà mặc. Con gái lớn thì cũng phải ăn mặc đoàng hoàng chứ.

Tôi nghe mà nước mắt lưng tròng, không rõ vì tủi thân hay mừng vui. Tôi lớn lên, bố cũng không còn đánh mắng như hồi lên mười nữa. Nhưng điều đó khiến tôi đau đớn. Bởi khi không còn cầm roi đánh tôi thì bố dường như u uất hơn nhiều, suốt ngày chỉ đi ra đi vào lầm lũi như chiếc bóng. Nhiều khi tôi ước gì bố cứ cầm roi quất vào cơ thể tôi như lúc nhỏ, như thế dễ chịu hơn nhiều.

Một lần say, bố mang những bức ảnh cũ của mẹ ra ngắm. Tôi rất sợ bố sẽ đốt đi những kỷ vật cuối cùng về mẹ. Nhưng rồi bố lại cất đi, nước mắt ướt nhòe, bố nằm ngửa mặt lên trời cười không ra cười, khóc không ra khóc. Sáng hôm sau, bố đưa cho tôi một mảnh giấy bảo hãy đi tìm mẹ. Tôi đã không đi. Có thể vì sợ khi bước chân ra khỏi ngôi nhà khốn khổ ấy, tôi sẽ lại biệt tăm như mẹ. Tôi sợ mình bỏ lại một khoảng trống mênh mông cho người cha đã đi hết nửa đời người trong buồn khổ.

* * *

Khi tôi càng dặn lòng đừng nhung nhớ mẹ, thì dường như những mảnh vụn ký ức càng chẳng chịu buông tha. Đêm đêm, tiếng bà mẹ trẻ ru con vẳng mênh mông phía cánh đồng hoang, nơi mẹ từng bao lần hát ru tôi trong nước mắt. Tiếng ru gợi nhớ trong tôi mùi sữa mẹ, cái thứ quý hiếm mà một thời mẹ từng cắn răng chịu đựng để cho tôi rít chặt vú kiếm tìm dòng sữa. Để rồi, khi tôi thất vọng nhả vú ra, cũng là lúc mẹ rơi nước mắt. Tiếng ru nhắc tôi những bản năng đã lãng quên mà chẳng cần ai nhắc nhở. Đôi lúc chính bản thân tôi cũng không hiểu vì sao mình lại có thể hồi tưởng được mọi thứ từ quá khứ, từ những tháng năm tưởng chừng như mình còn quá nhỏ để ghi lại bất cứ hình ảnh gì đã xảy ra. Có lẽ ông trời đã bù đắp cho đứa trẻ đã sớm phải rời xa mẹ như tôi, sớm phải mò mẫm với mọi thứ xung quanh, để học cách tồn tại.

Khi không có mẹ ở bên, tôi nhớ quay quắt hương bồ kết trên mái tóc mẹ, nhớ cả cái dáng ngồi khom khom mỗi khi bố say rượu trở về nhà. Nỗi nhớ thôi thúc tôi đi tìm mẹ. Khi ấy, tôi đã gần hai mươi, tôi phải trải qua kỳ thi quan trọng của cuộc đời mình. Đấy là lần đầu tiên tôi nghĩ đến việc rời xa bố.

Tôi trở về sau kỳ thi đại học muộn hơn năm ngày. Bố đón tôi trở về bằng một nỗi buồn dường như đã mặc định trong đôi mắt. Rất có thể bố biết tôi đã đi tìm mẹ, rất có thể bố đọc được trong suy nghĩ tôi sự tuyệt vọng và hờn giận. Nhưng ông vẫn im lặng. Ngày ấy, tôi hận sự im lặng của bố vô cùng nhưng giờ tôi lại nghĩ, mình cần phải cảm ơn bố vì điều ấy.

Mẹ sống một cuộc đời sung túc hơn tôi vẫn từng cầu chúc cho bà. Người ta nói với tôi về mẹ như nói với một người qua đường về người đàn bà đầy hạnh phúc. Người ta bảo, khoảng mười năm trước, có một người đàn bà đến đây xin vào làm trong công ty đóng gạch. Rồi thế nào lại lấy ông chủ, sinh con đẻ cái. Khi những lò gạch được mở rộng ra khắp làng thì người đàn bà lạ nghiễm nhiên trở thành bà chủ giàu có. Người ta kể về mẹ tôi như thể người ta đang mơ ước và ghen tỵ. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để thôi thúc tôi quay về mà không gặp mặt mẹ sau bấy nhiêu năm xa cách. Tôi càng không khi nào kể với bố tôi về mẹ. Bởi tôi sợ sẽ có thêm một sự thù hận.

Tôi đi học xa nhà đã bốn năm. Mỗi lần trở về thăm nhà, nhìn dáng bố ngồi khom khom ngoài hiên một mình mà thương khắc khoải. Bố già đi nhiều lắm, vì phải gánh trên vai không chỉ là những nỗi buồn quá khứ, mà cả gánh nặng lo cho tôi học tập. Bố vẫn im lặng, kể cả lúc tôi biết rằng bố đang rất hạnh phúc khi tôi trở về thăm sau mấy tháng dài xa cách. Cái buồng tắm lần nào tôi về cũng được che chắn lại, bữa cơm nào cũng có canh chua cá, món mà tôi thích nhất. Trong bữa cơm, bố luôn hỏi tôi ở dưới thành phố có vui không, có ăn uống đầy đủ không? Rồi dặn tôi đừng đi làm thêm nhiều mà gầy ốm, con gái thì phải béo khỏe mới lấy được chồng. Rồi trước lúc tôi đi, lần nào bố cũng giúi thêm cho tôi ít tiền mà tôi biết là bố đã phải rất vất vả mới ki cóp được. Bố bảo:

- Cầm lấy xuống thành phố mà mua sắm. Con gái đến tuổi trưởng thành đừng tuềnh toàng quá, người ta lại khinh. Mua thức ăn mà bồi dưỡng, mấy tháng nay bố thấy con gầy quá.

Tôi cầm vội những đồng tiền của bố rồi quay đi thật nhanh, vừa quay đi nước mắt đã ướt nhòa trên má. Tôi không chịu được những lời yêu thương ấy, nó làm tôi đau đớn như thể tôi đã quen với sự im lặng quá lâu rồi. Mặc dù tôi vô cùng yêu thương bố.

* * *

Sau lễ tốt nghiệp, tôi nhận bằng rồi trở về quê. Tôi mang theo con lợn sứ đầy ắp những đồng tiền bố từng gửi cho tôi. Tôi chẳng tiêu một đồng kể từ khi tôi kiếm được việc làm thêm. Số tiền này tôi dự định sẽ sửa sang lại căn nhà cho bố, và để bố dưỡng già. Ý nghĩ ấy an ủi tôi phần nào.

Căn nhà im ắng, chỉ thấy xào xạc tiếng lá rơi ngoài mảnh vườn sau nhà. Tôi lặng người đi khi nhìn thấy dáng bố đang lom khom chăm tưới cho mấy chậu lan rừng mà mỗi dịp đi thực tế trên Tây Bắc tôi lại lôi về. Chúng đã ra hoa tim tím bên những gốc cây sù sì, già cỗi. Đây - mảnh vườn tuổi thơ tôi đã từng bao lần ngồi khóc khi bị bố đánh hay khi hết mùa mưa mà mẹ vẫn chưa về. Bấy nhiêu năm tôi không đoái hoài để ý, để bây giờ, nhìn mấy cây xoài đã cao lớn hẳn, tỏa bóng mát khắp khu vườn. Trên thân cây, dù bao mùa thay vỏ nhưng vẫn còn những vết khắc sâu mà ngày xưa tôi đã dùng mảnh chai siết mạnh.

Và bố vẫn cặm cụi quét vun đống lá khô cho mùa đông dài sẽ ngừng lên rừng hái củi. Vết chổi va vào tiếng lá khô nghe buồn xao xác, nhưng chính vào giây phút ấy, tôi lại tìm thấy hạnh phúc bình dị của mình.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Những cảm xúc đang xen khi đọc câu chuyện này...
Ban đầu là sự lo lắng: lo vì sẽ lại bắt gặp những tan tác, đổ vỡ và đớn đau, dằn vặt cùng những hậu họa của nó...
Giữa chừng là ngậm ngùi, xót xa...
Rồi bỗng dưng tìm thấy được cảm giác yên ổn!
Gần cuối là nước mắt thương cảm nhưng rất ít dấu vết của nỗi buồn. Có cả chút hạnh phúc vì số phận tuy luôn buồn đã không quá nghiệt ngã. Con người ta vẫn tìm được cho mình một góc im ắng để nỗi buồn lắng xuống, vợi đi ít nhiều....

Cảm ơn nhiều đến tất cả: nhân vật, tác giả và người đã mang câu chuyện này đến đây... =D>:)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

ĐIỂM TÁM
Tác giả : Nguyên Hương

Giờ trả bài tập làm văn là giờ sôi động nhất vì thầy thường đọc cho cả lớp nghe hai bài, bài được điểm cao nhất và bài có điểm thấp nhất. Tất nhiên, bài cao điểm được những tràng pháo tay và bài điểm thấp là những trận cười, chưa kể sau đó còn hình thành nên những giai thoại từ những câu mà thầy nhận xét là " què cụt, thiếu sức thuyết phục...". Và giai thoại này đôi khi còn lan truyền ra cả các lớp khác mà tác giả của nó chỉ còn cách là lấy cả hai tay mà che mặt lại. Vào giờ này, cả lớp đứa nào cũng hồi hộp khi xấp bài trên tay thầy đã vơi nhiều mà bài của mình còn chưa thấy đâu.

 Hôm nay, như thường lệ, thầy mở cặp lấy xấp bài ra là cả lớp nhấp nhỏm. Với đề ra là "Hãy kể lại một kỷ niệm sâu sắc của em", thầy đã nói rằng lớp có bốn mươi học sinh thì chắc chắn sẽ có bốn mươi kỷ niệm khác nhau, không như khi chứng minh trích đoạn nào đó bị thầy chê là đơn điệu và chúng tôi thường chống chế "Thầy ơi, học cùng nhau thì làm sao mà không dẫn chứng trùng lặp được ".

 Khác thường, là thầy đưa xấp bài cho lớp trưởng, chỉ giữ lại một bài. Chỉ một! Đứa nào cũng nhón người nghểnh cổ cho cao lên một chút để cố nhìn cho ra tên của ai và được mấy điêmr nhưng không được. Bài hay nhất? Dở nhất?

 Giỏi văn nhất lớp là Kim Chi. Nhưng rồi dự đoán của chúng tôi tiêu tan khi Kim Chi với tay nhận bài của mình từ tay lớp trưởng. Vậy là thầy giữ lại bài dở nhất rồi! Cả lớp chuyển ánh nhìn về phía Cường với tiếng cuời khúc khích. Cường thường có những câu văn kiểu như "Đi một ngày đàng học một sàng khôn vậy nên chúng ta phải đi nhiều ngày hơn nữa...". Nhưng rồi Cường cũng nhận được bài của mình.

Vậy thì của ai? Hay? Dở? Làm sao biết trước được bài sẽ đọc lên hôm nay là của ai! Trời, môn Văn...Có khi bài trước mới được sáu điểm với lời phê " Lối hành văn trong sáng, nên đọc nhiều để dẫn chứng phong phú hơn" thì bài sau nhận được ngay điểm bốn với lời phê " Quá lan man dông dài"! Điểm bảy môn văn của thầy là một ước mơ xa! Ngay cả Kim Chi cũng nói vậy.

 Chúng tôi nhìn theo tay của lớp trưởng cho đến khi bài cuối cùng được phát ra. Chỉ mình Dũng là chưa có. Không hẹn mà cả lớp đều ngạc nhiên nhìn về phía Dũng, tác giả bài văn trên tay thầy.

Tránh cái nhìn của cả lớp, Dũng ngoảnh ra cửa sổ. Không thấy mặt Dũng, nhưng có thể thấy rõ hai vành tai và cổ của Dũng đỏ ửng.

Dũng là học sinh trường huyện mới chuyển về lớp tôi hai tháng nay. Không có gì nổi trội, nơi Dũng cái gì cũng bình thường và chưa có gì tỏ vẻ ra là đặc biệt về môn Văn cả. Vậy mà điểm tám. Phải, điểm tám! Chúng tôi nhìn rõ số tám trong ô điểm khi thầy đưa tay sửa lại cặp kính trên sống mũi, cử chỉ quen thuộc mỗi khi thầy xúc động. Giọng thầy trầm trầm:

 "Kỷ niêm sâu sắc nhất của em là khi nhận được thư của ba em. Nhà em nghèo lắm nhưng ba má cho em ra phố học để sau này em có thể làm được điều gì đó tốt đẹp hơn. Cho em ra phố, ngoài việc phải kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải chuyên học hành của em, ba em còn phải làm những việc mà khi ở nhà, em có thể đỡ đần được cho gia đình. Chưa bao giờ ba má em viết cái gì cả. Hồi em còn ở nhà, mỗi khi cần thư về quê hay đơn từ là em viết..."
 
 Thầy ngừng đọc, nhìn cả lớp:
  - Các em, thầy sẽ chép lại  nguyên văn lá thư của ba bạn Dũng lên bảng cho chúng ta cùng đọc.

  Một chuyện lạ! Tất cả chúng tôi hồi hộp tò mò đọc từng chữ hiện ra dưới tay thầy:

  " Con iu thươn của ba. Chìu hôm qua ba kiu người báng con heo đễ có tiềng gưởi cho con con nhớ nhà khôn? Cã  nhà nhớ con nhìu lấm cố họch nge con chừn nào mùa màn song ba má xẻ ra thăm con"

  Lá thư vỏn vẹn 45 chữ.

 Khi thầy quay lại thì Dũng đã úp mặt xuống bàn, hai vai run run. Mắt thầy cũng hoe đỏ.

 Cả lớp im phăng phắc trước lá thư đầy lỗi chính tả trên bảng, lá thư yêu thương và gởi gắm của một người cha vốn chỉ quen với cày cuốc lần đầu cầm bút viết cho con.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

KẺ CẮP   (Truyện ngắn)

   Nghe tiếng mẹ gọi dậy, tôi vội vùng khỏi chiếc chăn ấm…Sáng nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng tôi phải dậy ra phụ giúp mẹ bán bánh. Mùa hè thì chẳng sao chứ mùa đông, quả là khó khăn.  Một hôm, đang lúc bận rộn bán hàng, chợt có tiếng nói:
   - Ô…kìa con chó lấy ổ bánh mì !
   Con chó kẻ cắp mồm ngậm bánh đang chạy rất nhanh, có đuổi cũng không kịp. Đến giờ đi học, tôi vội vã tới trường và cũng quên luôn chuyện lúc sáng.
   Nhưng mấy hôm nay, ngày nào cũng mất một chiếc bánh, tôi cho rằng thủ phạm chính là con chó lạ đó, phải cho nó một trận mới hả. Nhưng mẹ tôi lại bảo:
   - Thôi con ạ ! Chắc nó bị bỏ đói, ta cho nó vậy !
    Tôi không đồng ý và quyết định cho con vàng to  khoẻ, đẹp mã và nổi tiếng khôn ngoan của tôi trừng trị. Quả nhiên sáng ấy đang lúc còn ngái ngủ bởi còn thưa khách hàng, tôi giật mình nghe tiếng chó sủa rất to của con vàng và vút một cái nó xô tới con chó kẻ cắp đang tiến tới thùng bánh. Con chó lạ gầy nhom sợ quá quay đầu co cẳng chạy bạt mạng. Không hiểu sao, con vàng đuổi theo một  đoạn, sủa lên rất to rồi quay lại. Có lẽ nó thương hại !
   Chủ nhật được nghỉ học, tôi nảy ra ý định theo dõi xem con chó đó của nhà ai. Tôi bắt đầu sốt ruột thì con chó lạ xuất hiện. Nó vội vàng lấy chiếc bánh. Tôi và con vàng nhẹ nhàng bám theo. Qua một dãy phố đến chân cầu thang Bách hoá tổng hợp, con chó lạ dừng lại trước một thằng bé còm nhom rách rưới, vẻ mặt bơ phờ, đang run rẩy vì lạnh. Chỉ nhìn đã biết nó là ăn xin và đang bị ốm. Con chó lạ thả cái bánh vào tay chủ, đứa bé ăn một miếng lại bẻ một ít cho chó. Mải nhìn nên con vàng xô tới chỗ đó mà tôi không kịp giữ lại. Thấy con vàng, con chó lạ gầm gừ nhưng thằng bé quát im đi rồi bẻ miếng bánh cho con vàng. Vàng ngửi ngửi, lưỡng lự, thằng bé lại tung miếng nữa và  gắng mỉm cười :
    - Ăn đi mày, tao chỉ có vậy thôi.
    Thấy chủ tỏ ra thân thiện, con chó kẻ cắp cũng lại gần ngửi ngửi làm quen. Lát sau, hai con chó đã vui vẻ tranh nhau những miếng bánh mà thằng bé tung lên. Chúng đã là bạn của nhau thật rồi ! Trông cảnh tượng đó, mắt tôi bỗng cay xè.
   ( Sưu tầm )
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trên tay có đá

* NGUYỄN NGỌC TƯ



Trên một ngọn núi cao lêu đêu đứng khều mây, có ông thầy.

Lần đầu tới chơi thầy kêu bỏ mấy cục đá xuống cho rảnh tay múc giùm ta gàu nước. Bạn cãi ủa con có cầm đá gì đâu. Thầy cười, khi nảy con định ném đá cho bể đầu ông xe ôm dưới chân núi mà. Tại thằng cha đó lấy tiền công mắc quá, mới chạng vạng mà tính giá gấp đôi lúc ban ngày, bạn ngoay cái miệng phân trần. Thầy lại cười, mấy chục ngàn đó cũng còn rẻ, vì chở con là chở theo một đống đá, nặng lắm chớ đâu phải chơi.

Giọng thầy không có chút cà rỡn nào, làm bạn ngờ ngợ ngờ ngợ ngờ ngợ miết. Không nén được, bạn xòe tay ra coi, và thật kỳ lạ, bạn thấy trên tay mình thiệt tình là có đá. Thiệt tình là bạn đang lăm le chực hờ ném vào người khác, giống hệt cái cách người đời hăng hái ném nhau.

Bạn về nhà rồi chuyện mấy cục đá cũng lẻo đẻo theo về, đeo bám dai dẳng. Đôi khi bạn bĩu môi lườm nguýt ai đó, mắng xiên chửi xéo ai đó… mà thấy rõ ràng là mình vừa ném đá vào người ta. Đôi khi viết một đoạn chữ mà thấy lổn nhổn nặng nề như đá. Đôi khi chỉ nói nửa câu mà thấy người nọ rúm ró vì đau. Ném đi rồi thấy sướng phút đó hể hả phút đó nhưng dường như người không nhẹ bớt, vì cục đá thiên hạ ném trả bạn nhặt lấy mang theo bên mình, rình chờ cơ hội chọi lại.

Những hòn đá đó không bao giờ rơi xuống đất, bởi không người này cất thì người kia cũng cầm. Vì nó mà mình đau nhưng người ta vẫn giữ gìn để tiếp tục làm đau người khác, hòn đá được ném đi ném lại trong một hành trình sát thương không ngơi nghỉ . Sách nói vậy. Sau này, bạn nghiền ngẫm sách Thiền các loại, bạn nghiên cứu kinh Phật kinh Thánh kinh Coran… Bạn cố không lẫn lộn giữa chê bai và lăng mạ, giữa phê bình và đạp đổ, giữa dèm pha và hạ nhục… để nếu có ném đi thì chỉ là những hòn đá con con. Thấy chưa ăn thua, bạn hay lên núi nói chuyện với ông thầy học cách làm sao bỏ đá khỏi tay. Ông thầy cười nói phải có cách nào thì ta đâu có bỏ chạy lên đây, ở một chỗ chỉ có mây và vài nhà hàng xóm. Ít người lại qua, ít va chạm ít thị phi thì đỡ phải ném đá nhau…

Nhưng bạn ở một chỗ nào? Chỗ mà sáng sớm dừng ở đèn đỏ có kẻ chạy xe lấn đường xước cả tay bạn. Chỗ mà sáng sớm phát hiện ra chị kia thản nhiên cân thiếu. Chỗ mà sáng sớm anh cảnh sát giao thông ngoắc bạn lại kiếm tiền lót tay. Chỗ mà sáng sớm mở trang báo thấy bao nhiêu chuyện nát lòng: người giàu thả chó cắn chết người nghèo, mẹ ngược đãi con, chồng giày vò vợ… Chưa hết, biển thông tin đưa bạn tới gần những sự thật, ở đâu đó người ta đào bới tận diệt thiên nhiên. Ở đâu đó có những đứa trẻ bị đẩy ra đường phơi mưa nắng kiếm tiền khi vẫn còn ẳm ngửa. Ở đâu đó có những người phụ nữ bị bán mua rẻ mạt…

Bạn nghe lửa bốc lên đầu, giận đầy ứ họng. Căm. Uất. Ngột ngạt. Nghe đá ở đâu bỗng chất oằn cả người, kẻ thủ ác mà đứng trước mặt bạn dám ném cho họ chết lắm. Nhưng đó là "ở đâu đó…", giờ chuyện xảy ra ngay ở quê hương bạn, cách chỗ bạn chỉ hai mươi cây số. Nghe đâu, coi bản tin thấy hai vợ chồng trẻ người mà tàn ác man rợ, nhục hình tra tấn thằng nhỏ làm công mà tỉnh bơ như thở như ăn, có một bà già quê đập bể ti vi rồi xách dầm xuống xuồng bơi đi "đi đánh hai đứa ác ôn đó coi tụi nó biết đau không?".

Như thể hết cách rồi, đá phải được đáp trả bằng đá. Bạn giận mình sao không được như bà già đó. Những cuốn sách về nghệ thuật buông bỏ, hạn chế sân hận trải rộng tình thương… đã trở nên vô nghĩa.

Không thể buông bỏ ở cái thời thế này. Đến cha mẹ mà tàn tệ với con, không phải loạn thì là cái gì. Ông thầy trên núi gọi điện thoại xuống, nói ông coi ti vi rồi. Lặng đi giây lát, ông nói, "ta thấy sợ…". Ông thầy sợ vì tôn giáo mà ông đeo đuổi làm sao cứu rỗi được người đã đánh mất chất người. Còn bạn sợ vì luật pháp làm sao cải tạo thay đổi được người đã không phải là người nữa. Sách nói không có gì là rác hết, bạn đã từng tin vậy, nhưng giờ chê sách xạo, thiệt tình.

Nông nổi này biết đâu nảy sinh từ những cú ném đá lặt vặt nhỏ nhít mà người ta không nhận ra. Cho đến một ngày…
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

ANH HAI     ( Truy ện ng ắn )
  - Ăn thêm cái nữa đi con!
  - Ngán quá , con không ăn đâu!
  - Ráng ăn thêm một cái, má thương. Ngoan đi cưng!
  - Con nói là  không ăn mà. Vứt đi! Vứt nó đi!
  Thằng bé lắc đầu quầy quậy, gạt mạnh tay. Chiếc bánh  kem văng qua cửa xe rơi xuống đường, sát mép cống. Chiếc xe hơi láng bóng rồ máy chạy đi.
  Hai đứa trẻ đang bới móc đống rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng chơ, xô đến nhặt. Mắt hai đứa sáng rực lên, dán chặt vào chiếc bánh thơm ngon. Thấy bánh lấm láp, đứa con gái nuốt nước miếng bảo thằng con trai:
  - Anh hai thôỉ sạch rồi mình ăn.

  Thằng anh phùng má thổi. Bụi đời đã dính, chẳng chịu đi cho. Đứa em sốt ruột cũng ghé miệng thổi tiép. Chính cái miệng háu đói của nó làm bánh rơi tõm xuống cống hôi hám, chìm hẳn.
  - Ai biểu anh hai thổi chi cho mạnh – con bé nói rồi thút thít.
  - Ừa . Tại anh ! Nhưng kem còn dính tay nè. Cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi!   

    ( ST )
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đàn ông đi chợ

* LƯU QUANG MINH



Năm 40 tuổi, đàn ông vẫn chưa chịu lấy vợ cho mẹ vừa lòng. Mẹ nóng ruột lắm, giục suốt mà đàn ông mãi dửng dưng, chẳng chịu dẫn ai về nhà ra mắt mẹ.

Đàn ông là kiến trúc sư, vẽ đẹp, đàn hay, bạn bè không ai tin đến tuổi này lại chẳng có người nâng khăn sửa túi. Đàn ông kiếm tiền rất giỏi, tậu được một căn hộ ở cao ốc gần 30 tầng. Dân kiến trúc nên đàn ông tự tay thiết kế nội thất, ai đến cũng phải xuýt xoa: nhà đẹp quá ông ơi! Nhưng ngó khung cảnh vắng lặng buồn bã, lại thêm một câu: thôi nhanh nhanh lấy vợ đi ông tướng...

Lấy vợ! Đi đâu, gặp ai, đàn ông cũng đều nghe mỗi hai từ ấy.

"Giờ sự nghiệp, tài chánh của chú tốt như thế, còn chờ gì nữa?".

Chị của đàn ông khuyên. Đàn ông hờ hững, ngậm điếu thuốc lá, hít một hơi, lim dim. Thỉnh thoảng, cuối tuần đàn ông lại ghé nhà bà chị chơi, ngồi huyên thuyên với ông anh rể. Ông anh rể dáng bệ vệ, giọng sang sảng động viên:

"Có vợ sướng như tiên ấy chú ạ. Thấy tôi không, cơm ăn, áo mặc có phải lo lắng cái chi đâu...".

Vừa nói anh rể vừa vỗ vai đàn ông bôm bốp, lại hơi liếc liếc bà chị. Bà chị đang dở tay làm bếp, nghe chồng khen khéo tủm tỉm cười.

Đàn ông lái sang chuyện khác: "Chứng khoán dạo này chán quá anh nhỉ...".

Ăn bữa cơm trưa với nhà chị xong, đàn ông xin phép về. Ông anh cố giữ:

"Ở lại chơi với các cháu, tối về ai nấu cơm cho mà ăn?".

Ông anh bà chị có cả nếp cả tẻ. Con gái lớn vừa tốt nghiệp đại học, tiếng Anh cứ gọi là vanh vách, anh chị tính cho đi tu nghiệp nước ngoài luôn. Thằng con trai năm nay vào lớp 10, trường chuyên hẳn hoi. Hai đứa bám cậu lắm. Cô cháu gái còn gợi ý:

"Bạn cháu nhiều đứa xinh lắm, cậu thích không, cháu giới thiệu cho!".

Nếu cô cháu gái nói câu này cách đây mười năm trước, nghe còn chấp nhận được. Đàn ông ngượng:

"Về chẳng biết cậu gọi bằng em hay bằng cháu đây nữa...".

"Em hay cháu gì mà chẳng được. Chồng già vợ trẻ là tiên trên đời mà...".

Kèm theo là một trận cười sang sảng của ông anh rể.

Chẳng biết ông anh chỉ giỡn hay có pha chút mỉa mai mà trên đường về đàn ông cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Ừ thì đúng rồi, tối về ai nấu cơm cho đàn ông ăn đây.

Vốn dĩ từ lâu, đàn ông đã chấp nhận những bữa ăn qua loa chiếu lệ. Khi hàng xóm đang quây quần bên mâm cơm đầm ấm của gia đình, có tiếng cười giòn tan của trẻ nhỏ, tiếng thì thầm tâm sự giữa vợ và chồng, đàn ông ngồi trên ghế salon, mắt đăm đăm lên màn hình ti vi. Xem ti vi mà tưởng như đang phóng tầm mắt chu du vào khoảng bao la vô định nào đó. Lâu lâu lại nhấm nháp ổ bánh mì kẹp thịt nguội ngắt.

Đàn ông rất ít khi mở đèn vào buổi tối. Trong nhà, chỉ ngập thứ ánh sáng loạng choạng của ti vi. Khói thuốc tràn khắp phòng khách. Thông thường, phụ nữ ghét mùi khói thuốc. Chính cô người yêu đàn ông quen ngày còn là sinh viên đã ra tối hậu thư:

"Một là thuốc lá, hai là em. Anh chọn đi!".

Nàng cứ nghĩ đàn ông sẽ chọn nàng. Vậy mà không, đàn ông quyết giữ thuốc lá ở lại.

Có tiếng chuông điện thoại. À, bạn chí cốt.

"Làm vài chén chứ mày, quán cũ nhé”.

Đàn ông chơi thân với Tấn chừng cũng đã hơn hai chục năm. Dễ gì có được một tình bạn bền lâu như thế. Nhất là, khi đã bận đường vợ con, bạn bè cũng dễ chểnh mảng nhau. Vậy mà không, cuối tuần anh em vẫn nhậu nhẹt, cà phê cà pháo đều đặn.

"Mày là sướng nhất rồi, như tao đây, tự dưng đeo cái cùm vào người, có khổ không cơ chứ!".

Tấn cũng muộn đường vợ con y như đàn ông. Hình như tận xa xưa, hai thằng đã có lời thề không bao giờ lấy vợ, có lẽ vì thấy nhiều người mất tự do quá, mình cần phải làm "cách mạng". Ấy thế mà đến năm ba mươi lăm tuổi, đột nhiên Tấn "phản bội", quay ngoắt đi lấy vợ, bỏ đàn ông chơi vơi lại một mình.

"Tao cũng muốn "trụ hạng" đến cùng lắm đấy, thế nhưng mà vì hoàn cảnh...".

Tấn gãi đầu gãi tai, làm bộ làm tịch, rồi phá lên cười hềnh hệch. Nói là nói thế, chứ từ ngày rước vợ về, Tấn như khác hẳn. Quần áo, đầu tóc gọn gàng tươm tất, chẳng còn nhận ra cái thằng luộm thuộm của ngày xưa nữa.

"Trăm phần trăm đi. Mà này, chú mày cũng kiên trì thật đấy...".

Lấy vợ đi! Chưa dứt câu đàn ông đã nói thay. Hai thằng lại phá lên cười.

Đàn ông nhớ hồi vợ Tấn mới sinh. Trong điện thoại, giọng nó lạc đi, đầy xúc động:

"Con trai. Con trai. Con trai mày ơi! Trời ơi con trai!".

Có thể tưởng tượng ra nó đang nhảy cẫng lên vì sung sướng. Đàn ông nhận được tin, tức tốc đến thăm vợ con nó ngay. Đang đi, đàn ông sực nhớ ra, đâu thể nào tới tay không được. Thế là gửi xe, vào siêu thị.

Vào tới nơi, trông y như một mê cung với đủ loại hàng hóa xếp trên kệ, tầng tầng lớp lớp. Khổ, công việc mua sắm vốn là của phụ nữ. Đàn ông ngơ ngơ ngác ngác, chẳng biết nên mua gì, mua gì thì tốt cho cả mẹ và con nhỉ? Lục tung đầu óc một hồi, mới nhớ hồi bà chị sinh, đàn ông phải chở mẹ đi mua sữa, rồi ít trái cây cho chị bồi bổ. Phải rồi, sữa bột cho bà mẹ.

Lại đi khắp các dãy hàng, vẫn chẳng tìm được quầy sữa ở đâu. Cái siêu thị này rộng quá, gì cũng bán, đi đến mỏi nhừ cả chân. Chả hiểu sao mấy bà phụ nữ có thể bỏ cả ngày trời vào trong này được nhỉ.

Mò mẫm mãi cuối cùng đành phải hỏi cô nhân viên đang đứng phụ trách quầy gần đó. Cô bé xinh xắn, chỉ dẫn tận tình, đàn ông ấp a ấp úng lọng cọng cảm ơn.

Cầm hộp sữa ra khỏi siêu thị, đàn ông tạt qua chợ mua trái cây. Chợ thì chẳng được mát mẻ như siêu thị. Đủ mùi thịt, tôm, cá, mắm, trái cây trộn lẫn nhau bên cạnh những đống rác chất lên bề bộn, nhớp nháp. Ngày nào mẹ và chị đàn ông vẫn đi, chẳng bao giờ biết chán, hay thật! Đàn ông chạy xe từ đầu chợ đến cuối chợ, quay xe chạy lại từ cuối chợ về đầu chợ, luống cuống đến là tội nghiệp. Mua trái cây, nhưng là trái cây gì, mua một thứ hay mua tất tần tật mỗi thứ một ít? Một hồi lâu, đành bấm máy a lô cho bà chị:

"Chị ơi, đi thăm vợ thằng bạn mới sinh thì mua trái cây gì?".

Tấn biết chuyện, lăn đùng ra ôm bụng cười. Đàn ông đỏ hết cả mặt, sau về chị hỏi mới ớ ra mình còn bị mua đắt nữa. Có mấy quả cam quả táo mà hết cả trăm ngàn. Khổ, lơ nga lơ ngơ, đàn ông đi chợ có biết mặc cả là thế nào đâu.

Đấy là tình hình của 5 năm về trước. Đàn ông bây giờ có không muốn, vẫn phải đi chợ. Không thể ngày nào cũng ăn bên ngoài, rồi mãi mì gói, bánh mì kẹp thịt được. Lần đầu tiên bắc nồi lên bếp, tưởng ngon ăn, đàn ông cứ để lửa đấy đi tắm cho mát. Đang tắm thì nghe mùi khét nồng nặc bốc lên, mới tá hỏa tam tinh, vội vội vàng vàng chạy ù ra ngoài. Kết cục vẫn là mì gói "chữa cháy". Rút kinh nghiệm về sau, đàn ông chỉ dám nấu những món cực kỳ đơn giản, chẳng mơ mộng đòi làm "Yan Can Cook" nữa.

Chị gái biết đàn ông vốn sẵn vụng về, thương lắm, lâu lại qua nấu cho một bữa tươm tất.

"Chị đã bảo chú lấy vợ đi mà cứ gàn. Mẹ trông mãi. Phải để mẹ thấy cháu chứ...".

Đàn ông hễ cứ nghe nhắc đến là mau đánh trống lảng: chứng khoán lên xuống thất thường thế nào ấy chị... Chị thở dài ngao ngán: chẳng vợ con thì cũng kiếm một cô bồ đỡ đần cho mình, nhà cửa thênh thang thế này.

Cũng có mấy lần hiếm hoi, đàn ông miễn cưỡng nghe lời chị đi "xem mặt". Đều là bạn bè, em, cháu... của chị cả. Chị phải dụ mãi: xinh lắm, đẹp người đẹp nết, không nhanh người ta đi lấy chồng thì phí! Đàn ông đang bị stress vì công việc, thôi thì đi một lần đã mất gì, gọi là giải trí cho đầu óc thư giãn. Nhưng đến lúc ngồi đối diện "người đẹp" rồi, đàn ông đổ mồ hôi hột, tim đập, chân run, mặt đỏ au, nói mãi chả nên lời. Bà chị ở nhà hồi hộp chờ tin vui, nào ngờ ông em về lắc đầu:

"Chẳng được gì cả chị ơi!".

Càng thêm tuổi, tiêu chuẩn của đàn ông mỗi lúc một nâng dần lên. Đẹp là đương nhiên rồi. Nhưng đẹp phải đi đôi với thông minh, duyên dáng. Nói chuyện mà nhạt như nước ốc thì còn thú vị nỗi gì. Rồi còn phải đảm đang này, nấu ăn ngon, việc nội trợ trong nhà không bao giờ phải đến lượt đàn ông làm...

Bà chị chịu thua với ông em:

"Lạy chú, chú già đến nơi rồi đấy".

Đàn ông phì phèo điếu thuốc.

Nhận được cuộc điện thoại bất ngờ hẹn gặp của người xưa, đàn ông hơi bàng hoàng. Bao nhiêu năm không gặp nhau rồi. Mọi ngày ăn mặc tuềnh toàng, hôm nay ráng chải chuốt một chút. Đàn ông nhớ những ngày còn bên nhau, nàng ngồi sau xe đạp cho đàn ông đèo đi chơi, cứ như là thơ là phim vậy. Giờ ra đường thấy mấy em xinh như mộng ngồi sau SH, Dylan, đàn ông phì cười. Ít ra đàn ông còn phúc hơn các thằng chở mấy em ấy.

Nàng vẫn đẹp, nhưng theo một kiểu khác. Nàng vừa cùng chồng về nước, thăm lại quê hương sau mười mấy năm bên xứ người. Anh chồng mắt xanh, mũi lõ, bập bẹ được vài câu tiếng Việt vợ dạy cho, lịch sự bắt tay đàn ông.

"Em nghe bảo anh vẫn chưa vợ con gì, còn nhớ em hay sao?".

Đàn ông ngượng chín mặt: "À, thì cũng có nhớ, mà kiếm mãi chẳng tìm được ai phù hợp...".

Chẳng biết anh chồng nàng nghe có hiểu gì không mà cũng cười cười, gật gật hóng chuyện. Đàn ông thấy không thoải mái, ngồi một lúc cáo bận đi về.

Mấy hôm sau, nàng hẹn đàn ông đi uống cà phê, chỉ có hai người. Đàn ông ngậm điếu thuốc lá, mắt phiêu du ra ngoài cửa sổ.

"Anh vẫn không bỏ được thuốc lá à? Buồn cười thật anh ạ, chồng em cũng nghiện thuốc lá nặng, có khi còn hơn cả anh nữa. Đúng là ghét của nào trời trao của ấy...".

Ghét của nào trời trao của ấy... Đàn ông gắng kìm tiếng thở dài rất khẽ. Đàn ông ghét đi chợ, ghét nấu ăn, ghét phải ngồi xem ti vi một mình trong đêm. Vậy mà vẫn phải làm tất cả. Làm một mình.

Hôm sau, đàn ông hẹn nàng và chồng qua nhà ăn bữa cơm, cũng là để biết nhà. Thế là phải đi chợ, mua gì đó đơn giản...

* * *

Đàn ông đi chợ, một mình như mọi khi. Chợm nghĩ, giá mà ở nhà giờ này có một người đàn bà ngồi chờ cơm...
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] ... ›Trang sau »Trang cuối