Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

   Tôi sưu tầm được vài truyện ngắn, và truyện vừa. Có truyện từng được đăng trên báo chí, có truyện chưa được đăng.

Mục lục

 1. Một câu chuyện về Noel ở Singapore (Goh Sin Tub)                                           trang  1
 2. Phóng sự ảnh (Thiên Phạm)                                                                                          1
 3. Sáng tác rất ngắn của bé Stephanie Lee                                                                       1
 4. Nhân vật chính (Anh Hoàng)                                                                                          1
 5. Cơm dọn sẵn rồi, cả nhà lên ăn nào! (Elinor Goulding Smith)                              trang  2
 6. Một bức thư, một chuyện tình (người dịch: Chính Anh)                                                   2
 7. Cánh én báo tin vui (không rõ tác giả)                                                                            2
 8. Chuyện kể trong nước mắt (Nghị Minh)                                                                           2
 
     (Mời xem tiếp mục lục ở trang 7)

   Nhân mùa Noel sắp tới, xin gửi tặng các bạn một truyện ngắn liên quan đến Noel.
   Ở những nước có nhiều tín đồ Công giáo, đông người tin rằng Noel là dịp xảy ra những chuyện lạ, hoặc phép mầu. Có người tin chắc chắn như thế, một số người khác lại tin theo kiểu đó là một nét văn hoá đáng giữ gìn.
   Truyện ngắn dưới đây khá đơn giản, cốt chuyện đơn giản, bút pháp không cầu kỳ, chủ yếu để góp vui, mang lại không khí lễ hội Noel, kèm theo thông điệp nhân ái, như tự bao giờ, với mùa Noel, mùa của phép lạ.

=============



Một câu chuyện về Noel ở Singapore


   Joe nhìn trừng trừng vào những người chung quanh anh. Tinh thần và tâm trạng anh hiện không có chút gì vui tươi thân thiện cả. Joe nuốt ực ly rượu của mình. Không, anh không say, anh còn rất tỉnh táo. Nhưng có lẽ phải nhiều tuần rượu nữa mới đủ để nhận chìm cơn sầu này.
   Đúng thế, tinh thần anh xuống đến mức thấp nhất, tưởng chừng đã xuống đến địa ngục. Cách nay vài tuần vợ chồng anh đã cãi nhau. Mary không thể hiểu được tại sao anh ít dành thì giờ cho gia đình, mà lại hy sinh cho công việc đến như thế. Cả hai vợ chồng đều không giữ được bình tĩnh và sau đó anh đã bỏ nhà ra đi.
   Việc như thế là đã tệ rồi.
   Và bây giờ anh lại còn phải đối đầu với một tương lai đen tối là bị đuổi việc.
  
   Những sợi dây kim tuyến óng ánh và các quả cầu lấp lánh ánh sáng làm anh bực mình. Và ngay cả cái ca khúc nhí nhảnh phát ra từ Frisco Bar.

   "Happy holiday, happy holiday...Ca thì dở, mà bài hát Christmas lại lãng xẹt! Thế ngày lễ có gì vui cơ chứ?"
   "Khổ thật!". Joe càu nhàu. "Không thể nào mà thoát được. Cả thành phố đều như sa lầy đến tận gối, sa lầy vào cái lễ Christmas ngu ngốc này. Vui mừng, vui mừng, ở đâu cũng thấy toàn là niềm vui cả. Trên thế giới này chẳng thấy an bình đâu! Thật là phát mệt!"
  
   Anh ta nhìn quanh. Rõ ràng là không ai chịu làm thính giả của anh cả. Tia nhìn duy nhất mà anh có thể "giao lưu" phát xuất từ đôi mắt của cái gã đứng phía sau quày rượu.

   Với ai thì không biết, nhưng với gã này thì lúc nào ta cũng có thể hy vọng được. “Chàng Hữu nghị” mà. Miệng gã luôn nở nụ cười, một nụ cười chuyên nghiệp của người bán những thứ nước giải khát có khả năng mang lại cho bạn hoan lạc. Gã biết rằng thế giới rượu chè này được tạo ra từ nhiều số phận khác nhau, đủ thứ số phận trên đời, vì vậy gã chấp nhận hết, trong đó có cả số phận của Joe.
   Chàng Hữu nghị luôn sẵn sàng cho mọi tình huống. Sẵn sàng trách móc, phê phán ai đó, phê phán cả loài người, lên án đủ loài. Chỉ cần anh nói ra loài đó tên gì là chàng sẵn sàng ngay.

   "Sam này, anh biết cái gì đang đứng trước mặt anh không? Muốn đoán thử không? Không à? Đứng trước mặt anh là một tên trốn chạy khỏi gia đình. Hà hà! Và sắp lên đoạn đầu đài đấy. Ngày mai tôi sẽ bị đuổi việc!"


   Tên của gã đứng quày rượu đâu phải là Sam, nhưng điều này chẳng hề hấn gì. Ai cũng gọi gã là Sam. Từ cổ chí kim, một khi bạn không biết tên thật của hắn là gì, những tay phục vụ ở quày rượu và những tay chơi piano trong quán đều được gọi là Sam cả. Mà đối với gã này như thế là ổn rồi, bởi vì người ta còn gọi gã bằng những cái tên tệ hơn nữa kìa. Hắn trưng ra cái bề ngoài rất dễ mến, rất hữu nghị, một bề ngoài không tàn phai theo năm tháng, một bề ngoài được trả bằng tiền "boa". Vì vậy Joe tiếp tục trút hết cái nỗi lòng của mình, và Sam cũng nghe, ít nhất là cũng bằng một lỗ tai, phòng trường hợp sau phần thuyết trình sẽ đến phần vấn đáp.


*
*  *

   Joe cho Sam biết rằng anh phụ trách bán lẻ một cửa hàng áo sơ-mi nam (loại cao cấp, có tên tuổi, có nhãn hiệu đàng hoàng đấy nhé, chứ không phải thứ rẻ tiền, muốn trả giá thì trả đâu. Và cửa hàng của anh lại nằm ngay khu phố sang trọng hàng đầu Orchard Road nữa đấy).
  
   Với mùa mua bán không bao giờ ngừng tay suốt năm nay, cuộc sống xem như đã căng thẳng lắm rồi, bây giờ lại còn gặp thứ kinh dị trong hàng kinh dị: cái cơn sốt Noel này lại ập đến nữa cơ chứ!

   Mỗi năm thì chỉ Noel một lần thôi (và nên cảm ơn Thượng đế về điều ấy Sam ạ!), nhưng một khi mà nó đã đến rồi, thì người hỡi! Nó quét ta như một trận cuồng phong, quét sạch sành sanh. Từ ngày 1 tháng 11 liền tù tì cho đến 24 tháng 12, tất cả Singapore, và luôn cả những láng giềng của Singapore, cả một đàn quá cỡ thợ mộc ấy, cả dân địa phương cả dân "nhập khẩu", đều ùa vào thành phố trong một sự mua sắm điên cuồng đầy chộn rộn và không thể nào kiểm soát nổi.

   Hôm nay là ngày tồi tệ nhất của Joe. Nguyên cả một ngày, Joe bị quấy nhiễu bởi từng đàn những người đi mua sắm, ai ai cũng muốn người đứng bán toàn tâm toàn ý quan tâm đến mình. Đủ hạng người tiêu dùng, đủ kích cỡ, đủ màu da, đủ giới tính. Và máu tiêu dùng này còn bị hâm nóng bởi những kỳ bán "xôn", bán có thưởng vào dịp cuối năm nữa chứ. Chiến lũy của người mua bị phá vỡ hoàn toàn bởi cung cách bày hàng đầy ma thuật, bởi nền nhạc mê hồn, bởi những cái "super", những cái "đặc biệt", những câu gợi ý tài tình như thôi miên khách hàng tiến lên và mua, mua, mua nữa đi!


   Và vào ngay chính cái thời điểm đỉnh cao nhất của máu đam mê tiêu thụ quái ác ấy mà Joe mất tự chủ, và đầu hàng bạo lực:

   Joe đã để ý cái thằng cha to như bò ấy, cái thằng cha lúc nào cũng bô bô cái loa phóng thanh của mình. Mà cái áo sơ-mi của hắn còn bô bô hơn cái loa nữa. Một cái áo in hoa rất to (hình như dâm bụt), mà nếu ở chợ phải bị liệt vào hạng R. Trông nó giống như cặp ngực của một phụ nữ Hỏa tinh, và thay vào chỗ thường khi là hai núm vú, đó lại là hai cọng ăn-ten., Đối với cái nhìn của giới bán áo sơ-mi có nhãn hiệu cầu chứng, thì đúng là một thằng cha chẳng ra thể thống gì, một thằng Philistin không chút khẩu vị, là dạng thấp hèn nhất của sinh vật người.
   Đi theo hắn là một cô gái, rất dịu dàng khả ái, ăn mặc đẹp và nói năng lịch sự. Nàng cố gắng suỵt suỵt cho hoàng tử kia tốp bớt cái mồm lại, mà trong khi đó hoàng tử lại huênh hoang và chỉ trích những mặt hàng đang là niềm tự hào của Joe (và như thế hắn ta đâu biết rằng mình đang tiết lộ sự thiếu thốn trình độ thưởng lãm tế nhị, cho dù đó là cái trình độ tối thiểu).

   Joe tiến đến chào hắn một cách lạnh lùng nhưng vẫn rất lịch sự : "Thưa ngài, tôi có thể giúp đỡ ngài điều gì ạ?"

   Hắn ta trả lời châm biếm : "Có, cậu có thể giúp, (hắn chậc chậc lưỡi). Giúp dẹp ba cái mớ áo đồ bỏ đi này đi, rồi mang ra thứ gì đó thật sự hết xẩy. Như áo tôi đây này!"

   "Kìa Nick, suỵỵỵttt... khẽ thôi nào! Thôi, chúng ta đi đi!", cô gái tế nhị kia vừa nói vừa lôi cánh tay áo của hắn ta, cánh tay của chiếc áo dị hợm.


   Nhưng Nick không bằng lòng. Và hắn trở nên hung bạo. Hắn quát vào mặt cô gái:

   "Suỵt, suỵt! Suỵt cái mồm cô đấy! Mắc chứng gì mà cô cứ phải suỵt tôi im thế nhể?". Hắn gạt mạnh bàn tay cô gái đang trên vai áo hắn, làm cô mất thăng bằng, vấp ngã, và rơi gọn bân vào vòng tay đã sẵn sàng của Joe.

   Mặc dù không chủ tâm ôm gọn cô gái, nhưng Joe vẫn cảm thấy thích thú. Tuy nhiên sự thô bạo của gã kia khiến Joe điên tiết. Không thể nào đối xử tệ bạc với một thiếu nữ duyên dáng như thế.

   Ngay khi bị khó chịu bởi cái áo sơ-mi gớm ghiếc ấy, Joe vẫn còn dằn lòng được, ngay khi bị thằng ngu xuẩn chủ nhân của cái áo kia chê trách nhún trề những chiếc sơ-mi đầy uy tín của mình, Joe cũng còn kìm chế, nhưng bây giờ thằng cục súc đó lại vũ phu với thiếu nữ khả ái kia!

   "Này thằng kia mày làm gì thế? Mày định hôn bồ tao ngay cả trước mặt tao đấy à?"


   Joe phản xạ. Không kịp suy nghĩ, Joe phủ nhận lời cáo buộc hèn hạ đó. Bằng nắm đấm của mình. Nick lãnh trọn quả ngay giữa mặt. Hai người quần thảo với nhau, nhưng đám đông chung quanh không hay biết chi cả, vì đã quen với cảnh chen lấn khi đi mua hàng đại hạ giá.


   Cấp trên tài ba của Joe, viên phụ trách cả tầng lầu này, đột nhiên không biết từ đâu xuất hiện ngay. Ông ta can hai người ra và rối rít xin lỗi Nick. Tia nhìn của ông ta phóng hàng loạt dao nhọn về phía Joe. Nhưng dù sao, với tư cách là người bán hàng, ông ta cũng biết việc ưu tiên khẩn trương lúc này là: vuốt ve mơn trớn khách hàng, và nếu cần nên tặng cho họ một món quà, làm sao cho người tiêu dùng luôn vừa ý. Nếu không, đó sẽ là một thứ quảng cáo xấu cho cửa hàng của ông ta trong thời buổi cạnh tranh này.

   Ông hối hả đưa đôi khách hàng vào chốn riêng tư của văn phòng ông. Và trước khi đi khỏi, ông nhắn Joe một điều chẳng có vẻ gì tốt lành: sáng mai lên gặp ông ta vào đầu giờ.
 
*
*   *


(còn tiếp)

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Một câu chuyện về Noel ở Singapore

(tiếp theo)


Sam cảm  thấy rất tiếc cho Joe.
   Trước giờ Sam không có thói quen cảm thương cho những điều khốn khó của thiên hạ, anh ta chỉ nhìn chúng một cách khách quan mà thôi. Nhưng cái tinh thần ngày Noel đã thấm vào ngay cả trái tim sắt đá của gã bartender ba chìm bảy nổi này. Làm sao mà gã có thể cưỡng lại được điều ấy cơ chứ, vào khi suốt ngày đêm cứ đứng ở chỗ này, phơi mình cho bao nhiêu tia phóng xạ — những bài hát Noel chúc tụng điều lành, chúc tụng niềm vui và hạnh phúc, ngày đêm đêm ngày gì cũng vang vọng bên tai.
   Vì vậy, thay vì để Joe đứng đây (thì sẽ bán được nhiều rượu hơn), Sam giục Joe trở về với gia đình.
  
   Joe nhắc lại là anh ta không có gia đình nào để trở về cả, rằng sau khi cãi nhau với vợ, anh ta đã bỏ cô, bỏ luôn thằng Chris mới tròn ba tuổi. Bỏ đi từ mùa bán hàng hồi tháng chín. "Thế thì sao nào? Ông cứ nghỉ ngơi một đêm cho thoải mái, dưỡng sức để chiến đấu với cái lão giám đốc của ông vào sáng mai,". Sam cảm thấy mình nên "xía" vào chuyện người khác một tí.

   Và có lý. Joe kêu tính sổ và tặng cho Sam món tiền boa hậu hĩ. Để đáp trả, và để giúp cho anh chàng này lên gân, Sam trao cho Joe một dĩa “bánh may mắn”, dọc đường Joe có thể mở ra thưởng thức.

   Cái trò bói toán này bắt chước một thông lệ ngộ nghĩnh ở San Francisco, theo đó người thợ làm bánh bỏ một mẩu giấy vào một cái bánh rỗng. Đương nhiên những thông điệp ấy đều mang nội dung vui vẻ, chúc mừng lấy hên. Sam biết tỏng việc này quá rồi mà. Bởi vì chính anh ta đã bỏ những mẩu giấy ấy vào.


   Cho đến khi sắp rời khỏi vùng sáng lờ mờ, Joe quên khuấy đi mất việc xem thử xem trong bánh có gì. Thật ra suýt nữa anh ta nhai nó luôn rồi. Thò vào miệng lấy mẩu giấy, bàn tay hơi run run mở nó ra, Joe đọc nội dung trong cảnh tranh tối tranh sáng.


   Joe giật nảy mình, vì những tưởng trong ấy ghi một điều gì đó vui vẻ lắm. Nhưng dù sao lời tiên đoán cũng hoàn toàn hợp với hoàn cảnh: Joe sẽ gặp một lễ Noel tơi bời.


   Tinh thần của Joe xuống tận mắt cá chân. Ngay cả thần thánh cũng báo điềm tai họa, thần thánh cũng bỏ ta rồi.


   "Thế giới này thật vô cùng, vô cùng đen tối!", Joe vừa kết luận như thế, vừa đẩy mạnh cánh cửa hẹp thông ra đường lớn.


   Và đùng một cái, anh ta như lọt vào một trận tuyến của bao ánh sáng hoa đăng của triệu triệu ngọn đèn. Joe đã bước vào một thế giới khác. Anh ta đã ra khỏi cảnh mờ mờ mịt mịt của tâm hồn mình, và bất chợt rơi vào sự rực rỡ không tưởng của phố Orchard Road, mà Tổng thống Singapore vừa làm động tác tượng trưng là bật sáng công-tắc đèn.

   Cả thế giới chung quanh Joe đều chói ngời bởi những megawatt, và như rung động với những khúc nhạc ca ngợi niềm vui. Còn nhiều tuần nữa mới đến Noel nhưng không sao cả, giờ đây tại Orchard Road, tất cả dường như đã nằm trong sự càn quét của cơn bão vui mừng rồi, và mọi người ai ai cũng hào hứng cả.
   Những gương mặt quay lại nhìn Joe đều là những nụ cười tươi. Những bàn tay chìa ra đều thật là ấm áp. Thậm chí vài cánh tay nào đó đã thân ái ghì mạnh lấy vai anh. Orchard Road là một biển bạn bè. Còn hơn là một gia đình bạn bè! Đại gia đình Singapore.
   Và gia đình hiển nhiên cũng hiện diện quanh anh. Một đôi với mái tóc muối tiêu thật dễ thương đang dìu nhau tay trong tay. Các tình nhân trẻ, gương mặt chói ngời vì hạnh phúc với chính mình, và với tất cả thế giới. Những nhóm thanh thiếu niên cười khúc khích, xô đẩy nhau cùng phụ họa vào khung cảnh vui tươi này và không có vẻ xa cách chút nào. Mấy cậu nhóc thì nhảy dựng lên, mắt sáng rỡ và luôn mồm gọi to "Ba ơi ba ơi" cái này nè, "Ba ơi Ba ơi" cái nọ kìa...

   Và lập tức Joe bắt đầu nghe thấy tiếng "Ba ơi Ba ơi" của chính thằng Chris con mình. Và anh ta thấy nhớ con khủng khiếp.


   Từ bên kia đường, một cặp có gương mặt quen thuộc lọt vào tầm nhìn của Joe. Đó là ông và bà Anthony Ang, những người bạn tốt. Tội nghiệp họ thật, cả gia đình rạn nứt và xào xáo từ trên xuống dưới vì thằng con trai lấy vợ khác đạo. Thật khổ quá, khi cha mẹ và con cái không thể đối thoại với nhau!

   Ơ hay, nhưng mà gì thế nhỉ? Ngay đàng sau lưng ông bà Ang là cậu con trai và cô con dâu, mà mà, tất cả bọn họ còn lại đang chuyện trò với nhau trông thật là hạnh phúc nữa kia! Lại một gia đình. Một lần nữa lại chung một gia đình, điều gì xảy ra thế? Phép mầu của Noel chăng?

*
*   *

(còn tiếp một kỳ)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Cảm ơn bạn! Mình nghĩ ý này của bạn rất hay! Mọi người có thể gửi vào đây những truyện ngắn và truyện vừa hay, tâm đắc.
Mong một mùa Noel an lành! :)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Một câu chuyện về Noel ở Singapore

(tiếp theo và hết)


   Giọng ca của ca đoàn đại chúng này đang chống trả một cách dũng cảm và vui tươi với sự náo nhiệt hoan lạc chung quanh. Lời ca dễ nhớ, thiết tha và quyến rũ, bền bỉ và kiên gan, lời ca như mê hoặc và đưa tất cả mọi người hòa cùng điệu nhạc:

"O tidings of comfort and joy, comfort and joy,
 O tidings of comfort and joy, comfort and joy..."

   Joe không còn sự chọn lựa nào khác. Âm nhạc, đám đông, môi trường chung quanh như phủ lấy anh, cuốn hút anh, khiến cho anh dù muốn dù không cũng trở thành thành viên của tập thể, thành viên của mọi thứ đang diễn biến. Và bây giờ Joe cũng bắt đầu cảm thấy điều ấy. Cảm thấy sự khuây khỏa và niềm vui. Comfort and joy.
   Trong đám đông, một chú bé len bàn tay nhỏ xíu của mình vào tay Joe. Joe thích lắm. Mẹ của cháu nhìn anh mỉm cười. Anh cũng rất thích điều này.

   Bây giờ họ đang hát "Let nothing you dismay...". Ý nghĩa quá! Làm gì mà phải cuống lên vì lo sợ mất một loại việc làm mang nặng tính cầu toàn như thế? Đối với Joe, thật ra công việc hàng ngày chẳng phải là việc làm hấp dẫn tí nào. Nó đòi hỏi anh phải bỏ nhiều công sức quá, nó khiến anh phải xa Chris và Mary. Với quan hệ ngoại giao của mình, có lẽ Joe sẽ không mấy khó khăn để tìm một việc làm khác, giúp anh được nhàn rỗi hơn.

   Joe cảm thấy cái khối người vui nhộn kia lôi cuốn mình đi thẳng vào việc làm hòa với nhau. Đấy, anh ta đang thân mật mày tao mi tớ với một cặp đang quàng cứng nhau và rõ ràng là đang làm hòa với nhau. Những giọt nước mắt và những lời xin lỗi đã nói lên hết câu chuyện.
   Và người đàn ông kia gọi cô thiếu nữ là "Mary"! Thật là một trùng hợp diệu kỳ!

"To free all those who trust in Him
From Satan power and might..."

   Và bỗng chốc, họ dấn thân vào một ca khúc mới, một ca khúc mãnh liệt:

"O holy night, the stars are brightly shining ..."

   Một yên bình thánh thiện bao trùm đám đông.

   Và Joe cảm thấy sự mầu nhiệm. Anh ta không phải là tín đồ Thiên chúa, trọn đời chưa bao giờ giở quyển kinh thánh. Nhưng mà này! Việc ấy có hề gì? Noel là cho tất cả mọi người, Noel thuộc về tất cả mọi người, Noel là cho anh, và tùy anh muốn dùng nó như thế nào thì dùng...

   Bởi vậy nó không cần phải là sự khai thác người tiêu dùng, không phải là việc mua sắm như điên cuồng và ăn uống phủ phê thừa mứa.
   Ngay trong lòng Orchard Road, ngay chính trong tâm của tất cả cái Xmas-ploitation này, Noel có thể là nhiều thứ, có thể là niềm tin, là thiện chí, là tình giao hảo xóm giềng, là gia đình, là niềm vui của trẻ nhỏ, là hòa giải, là hòa bình... Là tất cả những gì tốt đẹp mà bạn muốn biến nó thành.

"A thrill of Hope, the weary world rejoices
For yonder breaks a new and glorious morn ..."

   Joe đã cảm thấy hy vọng rưng rưng ấy, đã cảm thấy sự đổi thay từ mệt mỏi sang niềm vui. Ờ, ta đâu có mất tất cả. Có những điều lẽ ra ta đã nên làm, có những điều lẽ ra ta không nên làm. Nhưng bản thân anh, anh cũng có thể đến với buổi bình minh vinh quang và mới mẻ ấy chứ!
   Vâng, Noel là của chúng ta (và có thể cái Tết Nguyên đán, cái lễ Hari Raya và Deepavali cũng của chúng ta); vâng, cung cách độc đáo để chúng ta mừng Noel, cung cách ấy thuộc về người Singapore chúng ta, cung cách ấy là một phần của văn hóa mới Singapore của chúng ta! Và nếu chúng ta hành động như thế, cung cách ấy có khả năng trở thành một nét Singapore kỳ diệu nhất.
   Bây giờ họ lại hát một bài khác :

"Let there be peace on earth
And let it begin with me ..."

   Vâng, Joe quyết định, đã đến lúc rồi. Hãy để cho an hòa. Hãy để cho an hòa bắt đầu từ tôi.
Joe lần tìm về nhà. Mái ấm thật sự của anh, nơi có gia đình mình. Mary và Chris.

   Ngồi trong taxi, khi sờ soạng tìm chiếc mù-xoa, bàn tay Joe tình cờ đụng mảnh giấy bói toán bỏ quên trong túi. Anh móc nó ra.

   Anh không còn bị nao núng bởi lời tiên đoán "một Noel tơi bời" nữa. Dù sao đấy cũng chỉ là một dự báo sai lầm. Không tơi bời, mà thực ra còn là một điều tốt. Anh đang trên đường về nhà. Rồi sẽ là một Noel đầy ắp niềm vui.
   Joe liếc những dòng chữ một lần nữa. Chúng không sai. Anh sai. Anh đã đọc nhầm chúng. Thông điệp vẫn giữ lời hứa, lời chúc mừng một Noel vui vẻ. Thông điệp ghi rõ :

"Xin chúc bạn một Noel tưng bừng!".


* Tác giả: GOH SIN TUB (Singapore)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

PHÓNG SỰ ẢNH (Phần 1)
Truyện ngắn dự thi- VNQQĐ. THIÊN PHẠM

Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp gia đình họ - chỉ gồm ba người đàn ông, một ông nội, một con trai, một cháu nội trai - là họ giống nhau như đúc. Lúc đó, họ đang quây quần ăn cơm với nhau trên chiếc chiếu rách trải trước hiên nhà. Một khuôn mặt sao ra ba lần, rồi gắn lên ba cái mặt đàn ông, để nhìn thế giới và thế giới nhìn vào. Ta có cảm giác chỉ có một người ngồi đó rồi phân thân ra ba đoạn đời khác nhau. Người ấy - ông nội- quá khứ. Người ấy - ông bố - hiện tại. Người ấy - thằng bé con - tương lai.


Thằng bé con ngửng đầu lên nhìn khi tôi bước vào sân nhà. Đó là một cái sân bằng phẳng, nền cát núi mịn, rợp bóng của những bụi tầm vông um tùm. Nhưng người cất tiếng hỏi trước là ông nội, mặc dù ông chẳng nhìn ra sân, hình như ông nhìn trớt qua đầu tôi, phóng mắt lên ngọn núi xanh xanh trước nhà.
- Nhà có khách hả con? - Ông cụ hỏi vậy. Tôi nhìn vào mắt cụ và biết rằng cụ bị mù. Tôi chào cả nhà.
- Dạ chào bác, chào anh, chào cháu. Tôi là phóng viên báo…
Ông cụ khẽ gật, cười theo hướng mà ông nghe có tiếng tôi:
- Gặp bữa, chú ăn cơm luôn. Chú thứ mấy?
- Dạ, cháu thứ tư. Cụ cứ gọi thằng tư. Con còn nhỏ tuổi hơn anh đây…
- Chào hỏi vậy đủ rồi. Tí lấy chén bát cho chú con.
Tôi ngồi sà vào mâm cơm cho phải phép dù tôi đã ăn trên chợ xã tô hủ tiếu rồi. Lúc ấy, trời đã trưa. Nắng in những tấm vải bông trên sân cát mịn - bóng của những chiếc lá tầm vông. Những cơn gió thoảng đưa ngang. Những tấm vải bông ấy dập dờn trên sân trông vui mắt.
Anh con trai nói với tôi:
- Tôi nghe mấy anh trên xã giới thiệu về anh rồi. Anh là phóng viên báo X. Chà, anh định viết bài về lũ tắc kè núi vào tháng này thì… hơi căng đây. Mùa này khó khăn lắm mới gặp chúng.
- Không sao đâu anh. Anh có thể kể cho tôi nghe những kinh nghiệm săn bắt chúng, những giai thoại về chúng trong dân làng mình. Tôi tìm cách ghi lại vài tấm hình ngoài tự nhiên của chúng cũng được. Rồi nào là đặc tính “ông uống bà khen” của rượu tắc kè…
- Cái đó thì nhiều. Mà thôi, anh ăn miếng cơm đi. Ăn với ve sầu chiên nè, cho biết mùi núi rừng.
Anh gắp cho tôi vài con ve chiên vàng. Giòn và thơm. Vị ngọt lan ra từng thớ thịt, từng lỗ chân lông. Ngon, ngon nổi da gà!
Anh con trai lắc đầu cười:
- Lần đầu anh không thấy ngon đâu. Ốc ác anh nổi lên trên da là do anh vừa ăn vừa ớn ớn đó.
Cả ba người đàn ông cùng cười. Ông cụ nhai rau ráu con ve, gật gù:
- Thứ này ăn vô, bà cũng khen lắm đây!
- Là sao hả ông nội? Thằng bé ngửng cái đầu khét nắng, tóc ngọn vàng ươm lên chen vào.
- Là… là bà khen đó! Ông cụ ấp úng khó khăn. Thôi lo ăn cơm đi mày! Con nít hỏi tào lao không hà! Không trả lời được!
- Con biết chuyện đó rồi nội ơi. Ở tiệm net mấy đứa con coi hoài chớ gì!
- Trời đất!
Cả ông nội và bố nó cùng kêu lên.
Tôi ngước mắt nhìn lên ngọn núi xanh ngút mắt trước nhà. Trên đó sẽ có những đêm săn tắc kè núi. Trên đó tôi sẽ ghi hình những thứ cần thiết cho bài báo của tôi. Và một ý nghĩ chen vô khi nghe thằng bé mười tuổi vừa nãy nói. Văn minh đã len về vùng đất hoang sơ, sạch sẽ này như thế đó. Những tiệm net, những game bạo lực và sex nữa.
Dưới chân núi, những miếng ruộng bậc thang đang được bơm nước. Sắp vô vụ lúa mới. Vài miếng đất không trồng lúa thì thấp thoáng bóng người nhổ đậu nành, nhổ mì, Mấy chiếc xe bò bánh gỗ to đùng trang trí cho cảnh vật. Vài ngọn thốt nốt lơ thơ in lên nền trời xanh những bàn tay gai góc.
Anh con trai buột miệng:
- Mùa này thả vịt lội đồng, lượm lúa rớt đâu được nữa. Người ta phải đưa vịt lên ghe chuyển tới đồng xa, xuống miệt dưới, miệt Trà Vinh, Vĩnh Long, cách đây hàng trăm cây số…
- Ồ, anh cũng nuôi vịt thả đồng nữa sao?
- Không! Không, tui đâu có nuôi… Chồng của…
Ông cụ đột ngột ngừng đũa. Gần như ông cố nhìn chằm chằm qua anh con trai. Nội lực của tia nhìn không ánh sáng ấy khiến anh con trai cúi đầu. Anh liếc ra mấy con gà nòi đang úp bội gáy ót ót dưới gốc nhãn khi nghe ông cụ gằn giọng.
- Tao đã nói với mày nhiều lần về con nhỏ đó. Tao nói không êm đâu nghen. Mày léng phéng với nó có ngày thằng chồng nó dù hiền như cục đất cũng tính sổ mày. Tụi bây ngày càng lộ liễu. Tao mù nhưng tao vẫn thấy. Vậy là bà con quanh đây thấy hết. Nguy hiểm lắm nghe con! Trời ơi, đàn bà gì mà chồng lùa vịt đi đồng xa là tối lại tọt qua nhà trai, hú hí trong vườn liền…
- Tía! Anh gắt. Nhà có khách nghe tía.
Tôi cười giả lả. Tôi vỗ vỗ vai anh thành thật:
- Chuyện gia đình tôi không quan tâm đâu. Bác và anh cứ thoải mái. Tôi về đây theo anh leo núi tìm lũ tắc kè thôi mà…
Sau này tôi mới biết, vợ anh đã đi biền biệt, theo trai, từ hồi thằng bé mới đẻ. Nghe đồn chị mê kép cải lương. Một hôm có một đoàn hát về đây diễn mấy đêm. Đoàn hát đi mang theo cả má của thằng bé. Nhà không có đàn bà từ đó.
Anh con trai quay sang tôi.
- Thôi anh đi xa, chắc mệt. Tạm thời ra giếng nước tắm sơ sơ đi. Có chiếc võng giăng dưới gốc nhãn. Anh làm đỡ một giấc. Tối tui với anh sẽ lên núi. Đi nổi không đó?
- Nổi chớ anh.
Tôi nhìn ra cái võng đong đưa trong vườn nhà. Gần đó là cái giếng đúc bằng xi măng trên thành đá xanh tròn vành vạnh. Tôi bước về phía đó. Nước giếng trong xanh mát lạnh cứ như chảy từ đá núi trên kia xuống. Tôi rửa ráy sơ sài, uống một ngụm ngọt thanh. Làn gió làm lao xao những bụi tầm vông. Đúng là khung cảnh thanh bình, tuyệt diệu!
Rồi tôi nằm lăn ra võng. Vài lần lắc lư cái võng kèm theo cái thấm mệt khi đã ngồi hơn hai trăm cây số trên xe đò về đây khiến tôi nhướng mắt lên không nổi. Căn nhà gỗ ba gian của ba người đàn ông cất trên nền đá xanh cao lắc qua, lắc lại vài lần trong mắt tôi, rồi chìm đắm cả vào cơn buồn ngủ. Hình như có vài chiếc lá tầm vông khô giòn, vài tiếng ve ra rả trên sườn núi, vài tiếng gà nòi gáy ót ót giữa trưa cũng chen nhau rơi vào giấc ngủ của tôi.
*
*    *
Các tấm hình chụp cận cảnh con tắc kè cho thấy mặt mũi nó dữ dằn, như bộ mặt con khủng long thời tiền sử. Gai lưng nó tua tủa bén ngọt dựng lên trên. Da có vảy lốm đốm nhiều màu sắc, sẵn sàng thay đổi màu theo thời tiết sáng, trưa, chiều, tối; hay thay đổi màu theo cảm nhận của chúng với kẻ địch, với độ hiểm nguy. Có khi nó nằm sờ sờ trên vách đá ngay trước mặt tôi mà tôi cũng không nhận ra, cứ ngỡ đám rong rêu mốc thích mốc lai, như những dấu chân của thời gian, của mưa nắng giẫm lên đá. Anh Toàn, người dẫn đường, khều nhẹ vai tôi “nó đó!”, tôi mới nhìn ra. Có con bằng cườm tay người lớn, nằm ép mình trên khe đá. Có con nhỏ xíu như thằn lằn, bám lằng nhằng trên vách đá ẩm ướt và sẫm màu, thoạt nhìn cứ tưởng vết đá nứt. Có con ôm dài theo một nhánh cây rừng, ép sát vào đó như thể nhánh cây gồ lên một mắt cây. Có con nổi vân xuôi theo thân, nhùng nhằng bám trong đám dây leo rậm rì, khó có thể nói đâu là thân dây leo, đâu là thân tắc kè.
- Kiểm lâm không cho bắt loại tắc kè này đâu anh. Thú quý hiếm mà! Họ nói phải bảo tồn bảo tàng gì đó. Không khéo nó tuyệt chủng hết - Toàn nói. Anh chộp lia lịa chúng dồn vô bao.
- Nó đem ra chợ bán được giá, nên dân đi bắt nhiều, phải không?
- Được giá quá đi chớ! Nhờ tính năng “ông uống bà khen đó”. Có tài cán như vậy nên nó mới bị bắt, bị giết. Con người cũng giống vậy, phải không anh tư? Có tài hoặc có sắc đều dễ chết, đúng không?
- Chắc vậy quá… Tôi chĩa ống kính vào những con tắc kè đang cố chạy thoát thân lên dốc đá cao hơn. Tôi chộp được tấm hình đầu con tắc kè với những cái gai tua tủa dựng ngược như rẻ quạt “contre de soleil” với ánh mặt trời chiều dìu dịu. Ngày sắp tàn. Hứng thú với thành tích của mình, tôi buông câu trả lời với anh Toàn một cách bâng quơ như thế.
- Loại tắc kè này anh bắt sống bán có giá hơn làm khô ngâm rượu. Có điều kẹt nỗi mỗi khi chở bao tắc kè đi, chúng cắn nhau trong bao, hoặc rống lên “tắc… kè… tắc… kè”. Om sòm! Bịt miệng không được. Vậy nên trên xe ai cũng biết mình chở tắc kè! Ai cũng biết nên kiểm lâm cũng biết. Vậy là mình bị kiểm lâm hỏi thăm. Chì chài mất hết nhờ cái mỏ con tắc kè. Lấy dây chì khớp mỏ nó lại, đừng cho kêu thì hoặc nó chết, hoặc bán không có giá, chết sướng hơn. Thứ gì đâu mà! Hễ kêu lên là chết, chết vì cái miệng mà ham kêu quá trời.
Toàn là một tay có cựa trong nghề bắt tắc kè xứ núi này. Anh bắt được chúng giữa ban ngày! Ban ngày rất khó kiếm, khó bắt. Do yêu cầu của tôi phải chụp ảnh chúng nên anh dẫn tôi đi lên núi lúc chiều xuống. Rồi anh trổ ngón nghề luôn. Đa phần người dân vùng này bắt chúng về đêm. Đêm đêm, từng đàn tụ tập hứng sương, hứng gió. Dân đi bắt chúng dùng đèn, bình ắc-qui, pha cực sáng vào mắt chúng. Chúng “mê đèn” đứng sững, chết trân, không nhúc nhích. Những vòng tròn thắt bằng gân lá dừa, bằng dây nilon thả ra, móc vào cổ từng chú, rồi tóm từ từ trọn cả bầy. Khi ăn thịt tắc ke, hay khi ngâm rượu để uống, người ta thường chặt bớt đầu chúng. Lý do con mắt có độc chất. Và món ăn về chúng, khoái khẩu nhất, theo tôi là món cháo tắc kè và ngon nhất là phần đuôi của nó. Thịt ngọt lạ lùng, ngọt đến mức nước bọt tứa ra không kịp, đau cứng hai bên quai hàm! Ông cụ cười cười bảo tôi: “Chú ăn thế này hai ngày sau mới thấy cái cảnh…”. “Cảnh gì bác?”. “Cảnh nó bứt rứt trong người. Cảnh phải căng căng mà chạy kiếm đờn bà. Mà lạ lắm nghe chú. Lúc đó dòm tướng bà nào cũng ngộ, cũng tròn. Coi như con mắt mình nó bị hư, nó phản mình vậy. Dòm đờn bà là chịu!”
Tôi còn nhớ chòm râu lơ phơ của ông rung rung lên trong cái cười phơ phớ của người từng trải… Nhiều người chết vì cái miệng như con tắc kè này lắm nghe anh Toàn. Tôi cười cười.
Toàn gật gù. Tướng tá anh roi roi, chắc nịch. Trời hơi chuyển mưa, anh đã lo lẹ lẹ kiếm áo mặc vô. Sợ lạnh lắm! Tôi đã biết nhiều vị như thế. Nhưng cái khoản “giường chiếu” của họ thì khỏi chê. Ốm ốm mà dẻo dai lắm. Hèn gì… Cái cô gì có chồng vừa đi thả vịt đồng xa là đêm đêm chạy tọt qua vườn nhà kiếm anh liền. Tôi hỏi khéo Toàn:
- Ông cụ không thấy đường lâu chưa anh?
- Hơn chục năm rồi. Bị cườm gì gì đó. Xuống tỉnh mổ, rồi đui luôn anh à.
- Ông cụ mù, sao biết… sao biết… cô bồ đã có chồng của anh… là đẹp? Tôi thắc mắc thiệt nghe anh, chứ không phải tò mò chuyện của anh và cô kia.
- Anh là người xứ khác lại đây. Có biết chuyện của tui với Thắm (tên cô gái) cũng nhằm nhò gì đâu. Ít bữa nữa anh cũng đi rồi. À phải, anh hỏi sao tía tui biết Thắm đẹp hả? Ông nghe mùi tỏa ra của người ta là ổng biết đẹp xấu.
- Thiệt hay chơi hả trời?
- Thiệt! Tôi gạt anh làm khỉ gì. Bữa nào anh chịu khó dắt ổng đi chợ. Ông khịt khịt mũi một chút là biết bà nào đẹp, bà nào xấu cho coi.
- Chà! Chà! Độc đáo quá ta.
- Tía tui có một quá khứ lẫy lừng. Sáu bà vợ chứ ít đâu anh. Cỡ tui là út mít, con bà vợ thứ sáu! Lúc đó tía tui yếu rồi. Ổng sanh tui năm ổng sáu mươi tuổi đó!
- Hèn gì bây giờ ông cụ gần chín mươi tuổi mà anh gần ba mươi chớ gì.
- Tía tui là dân thương hồ, mua bán gỗ từ bên Miên, bên Lào, thả bè trôi về xứ này. Mỗi vùng ổng đi qua gần như ổng có một bà. Mà bà nào cũng ngộ hết nghe anh. Hồi đó, tía tui giàu lắm. Sau này phe Lonnon đảo chánh ở Nam Vang, tía tui bỏ hết của cải chạy về xứ này rồi gặp má tui. Ý là vét nồi giũ ống rồi, hết xí quách rồi mà ổng còn đẻ tui ra đó.
- Nhưng làm sao ông cụ gặp được Thắm mà biết đẹp xấu? Hay anh làm ăn nhểu nhảo ông cụ biết?
- Trời ơi, con đàn bà đã mê trai rồi thì nó còn kể số gì nữa. Chồng Thắm vừa lùa vịt lên ghe đi Vĩnh Long buổi sáng, buổi chiều nó đã bồng con qua nhà tui, dọn dọn dẹp dẹp, như thể nó là con dâu nhà này vậy. Ờ, tui chưa kể cho anh. Con vợ tui lúc trước mê kép cải lương. Cái thằng đẹp trai, ca cổ lúc nào môi dưới cũng trề trề, chu mỏ bàn phà đó anh, thằng L.V. đó. Anh là nhà báo chắc biết nó. Vợ tui mê nó lắm. Chờ đoàn hát có thằng đó về đây là cuốn đồ theo nó luôn. Bỏ chồng. Bỏ con. Bỏ hết. Đàn bà đã mê trai rồi thì…
Tôi ừ ào cho qua. Tôi không muốn khơi gợi thêm những gì đau xót nơi anh.
Anh nói đều đều, mặc kệ tôi có nghe hay không, mặc kệ đỉnh núi muốn nhảy phóc vào bóng đêm đang ngập ngừng dưới đồng bằng.
- Tía tui nói cũng đúng. Trong chuyện trai gái, con đàn bà thấy ngon, thấy ngọt, thấy sướng bằng ba lần thằng đàn ông nên nó ghiền, nó mụ mị hơn ai hết. Cho nên đàn bà đã có ý ngoại tình thì gần như cả làng, cả xóm đều biết, bởi nó lộ ra trên khuôn mặt, lộ ra trong tướng đi, tướng đứng.
- Rồi chồng Thắm biết không?
- Tôi đồ chừng… biết! Có điều thằng đó nhu nhược. Tới đứa con nít xứ này cũng ăn hiếp được nó. Nó nuôi vịt thả đồng, bán trứng. Một ngày nó cũng kiếm vài trăm ngàn ngon ơ. Trứng nó đem bán, chủ vựa thu mua muốn đếm sao thì đếm. Nói một ngàn thì nó ừ một ngàn. Nói hai ngàn thì nó ừ hai.
- Nhỡ anh ta cũng có tay ngoài tay trong hay bồ bịch gì ở xứ khác nên không quan tâm tới cái sự lăng loàn của vợ…
- Thằng này không có vợ bé vợ mọn gì đâu. Thắm nói nó yếu xìu hà… Cổ chưa tới bến, chưa được gì thì anh chồng đã ngã vật ra, thở hào hển như lên cơn suyễn, mềm nhũn mềm nhão như cọng u du bị bẻ ngang đọt vậy!
- Nói vậy anh và Thắm không đề phòng mà được sao?
- Ừ, tại con đàn bà. Nó ghiền quá. Nó hay xé rào trước, bất kể xóm giềng. - Toàn thở dài - Trời đất. Sao tối hù mau vầy nè trời. Thôi tui với anh xuống núi. Bữa nay chụp hình bộn rồi, phải không anh?
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

PHÓNG SỰ ẢNH (Phần 2)
Truyện ngắn dự thi- VNQĐ . THIÊN PHẠM

*
*     *

“Cá ngát là loài cá ngon có tiếng, đem nấu chua với bần xanh ngon đến tưa lưỡi. Cá ngát thường nấp dưới những gốc cây lớn có hang, có hốc ven sông. Khi mình thả lưỡi câu xuống, câu nó thì được rồi, nhưng bắt nó thì khó lắm, vì nó ngậm miếng mồi, kéo dây câu chạy lùng tung lúng túng, như thể luồn sợi dây câu trong chùm rễ cây. Vậy rồi làm sao giựt dây câu lên mà bắt nó hả con? Giựt lên là đứt dây câu liền. Nó thoát. Đã hôn?”
Ông cụ nằm đưa võng hất hất ở hàng hiên. Đêm xuống. Ông kể giọng đều đều. Những câu chuyện đánh bắt vào cái thời cách đây nửa thế kỷ. Thằng Tí mặc quần xà lỏn, ngồi trên bậc thềm, lẳng lặng nghe ông nội kể chuyện xưa. Tai nó thì nghe nhưng mắt nó lom lom ngó ra chòm cây sao trước nhà. Tay lăm lăm cái ná thun. Thỉnh thoảng nó bắn một phát. Viên sỏi bay chìm trong đám lá kêu lẹt rẹt. Bằng cách đó, đôi khi Tí hạ được một con dơi chó đang loạng quạng bay ngang. Tí nói bắn dơi khi nghe tiếng dơi đang bay ngang anh hùng hơn tìm vô hang dơi ngủ mà bắn. “Bắn người ta vào lúc người ta ngủ, người ta không đỡ được, hèn lắm chú ơi!”
- Vậy rồi phải câu cách nào để bắt được cá ngát hả ông nội?
- Người ta xắt khúc cá linh, bỏ vô hộp bịt kín, phơi nắng một buổi cho bốc mùi thum thủm. Mồi ngon của cá ngát đó con. Rồi luồn sợi dây câu qua ống sậy bọng ruột dài sọc vậy đó. Cá ngát đớp mồi, muốn lội lăng quăng để cột dây câu vào rễ cây cũng không được. Dây câu bây giờ thẳng băng như cây sậy! Rút dây câu, mỏ con cá ngát bị hút vô ống sậy. Ê mỏ, không giãy giụa được, đành chịu phép bị bắt. Mà con nhớ nghe Tí. Con chỉ câu vào lúc nước ròng trở lớn lên thôi nghe. Nước lớn câu không dính. Ròng cũng không!
Thằng Tí ậm ừ. Tôi ghé tai thằng Tí hỏi nhỏ:
- Ở đây không có sông lớn, sông nhỏ gì hết. Xứ núi mà. Mình câu ở đâu Tí?
- Kệ, cứ để ông nội nói. Ổng đang nhớ quê ổng ở miệt Hồng Ngự bên kia sông Tiền.
À ra vậy. Thằng Tí có vẻ người lớn ghê vậy ta!
- Sau Tết, nước sông Tiền trong xanh. Đó là mùa câu cá trắng, tức những loài cá mè vinh, cá he… Cá mè vinh thích ăn mồi là lá bí rợ. Lá xanh vậy mà nó khoái! Còn cá he thì thích hột bắp ngâm mà phải ngâm cho nở, cho mềm. Cá trê vàng muốn ăn cho ngon phải chờ sau vụ lúa mùa. Cá trê không bắt ở sông mà phải bắt trên đồng, trên mương nước, ao tù. Mồi khoái khẩu của cá trê là chuột con. Con đào hang chuột trên đồng, bắt đám chuột con, loại còn đỏ hỏn, rồi nướng sơ chúng trên lửa. Thơm hết hồn luôn. Móc chuột nướng làm mồi câu…
Hình như ông cụ đang chìm dần trong giấc ngủ. Câu chữ của ông loạng choạng ngả nghiêng trong hơi ngáp dài. Có tiếng tắc kè điểm nhịp như song lang trong buổi đờn ca tài tử. Có tiếng cheng chéc mơ hồ của bầy dơi chó đang bay vun vút trong vườn lá để đuổi theo những con muỗi, những con côn trùng có đôi cánh mỏng. Có tiếng tác của bầy nai trên núi vọng xuống. Có tiếng rền của những cơn mưa xa xa vọng lại. Ở đây vài ngày tôi mới để ý rằng, cơn buồn ngủ không đè lên mi mắt, mà ghì ghì vùng gáy, vùng vai người ta. Một cảm giác mỏi mê lan dài từ đó xuống.
- Ông nội ngủ rồi, chú à. Tí nói.
- Sao con thích nghe chuyện bắt cá bắt tôm của ông nội?
- Vì nó vui vui. Nghe chơi cho ông nội được an ủi vậy mà. Gặp cha con hả chú, ổng lội xuống mương nước, xuyệt điện một cái là cá nổi phình bụng cả một khúc mương. Nóc nái, lớn nhỏ gì chết ráo. Mình bắt sạch nhách, khỏi cần mồi, câu, lưới chi cho mệt.
- Sau này còn có cá nữa đâu cho mình bắt hả Tí?
- Hết rồi thì kiếm thứ khác mà ăn, lo gì hả chú? Trời sanh voi sanh cỏ mà chú.
- Ai dạy con kiểu đó hả Tí?
- Chú quê quá hà. Dân ở đây ai mà không nói vậy hả chú?
Dân ở đây ai không nói vậy! Trời sanh voi sanh cỏ. Vừa ăn vừa hủy diệt. Văn minh đã về đây thật rồi sao? Đột nhiên tôi nhớ đến những con tắc kè của tôi. Chúng đổi màu liên tục. Chúng tự thích nghi với môi trường. Chúng tồn tại. Tại sao tôi thích đứng ngoài cuộc nhân sinh để bình phẩm họ, phê phán họ? Chắc chắn loài người này sẽ tàn phá môi trường, tàn phá chính cuộc sống bình yên lý tưởng mà thiên nhiên đã giao cho họ. Nhưng chắc họ cũng sẽ thích nghi theo hướng khó khăn ngày càng chồng chất mà họ đã tạo ra. Chắc cũng sẽ thích nghi thôi. Trời sanh voi sanh cỏ. Có khi thằng Tí bé con kia cũng có lý. Biến cố rồi sẽ tới. Rồi sẽ có cách thích nghi. Thật nhé đời!
Đêm đã xuống rất sâu, càng xuống, càng lắng như thể đặc sệt lại. Đêm quyện trên mặt đất từng vệt đen đậm đặc. Ngước mắt nhìn từ dưới đất lên, cái tầng của đêm nhạt dần ra. Nhạt nhất là nơi những chòm sao, bụi sao vung vãi như những hạt kim cương lóng lánh trên bầu trời. Nhờ những hạt sao lóng lánh ấy, bóng núi tạc lên trên bầu trời một đường nhấp nhô đen kìn kịt. Giờ này Toàn vẫn chưa về. Hầu như đêm nào cũng vậy, kể từ hôm tôi về nhà anh, anh và cô Thắm vẫn hẹn nhau mãi đến giữa đêm. Tôi thấy hơi lo cho anh. Tôi lây nỗi lo của ông cụ anh. Cả làng cả xóm đều râm ran nói về mối quan hệ của cặp Toàn – Thắm này. Những câu nói bỏ lửng hoặc lảng sang chuyện khác khi tôi và Toàn bước vô một quán cà phê, một hàng cháo, một tiệm phở… tôi gặp ngày càng nhiều. Có những câu lông bông lơ lửng kiểu: “Dạo này gà trống hay gáy buổi trưa. Làng này chắc có gái chửa hoang”. Chúng tôi cứ nghe mãi. Toàn sượng mặt cười trừ đã nhiều lần.
Tôi đã gặp Thắm. Chẳng những gặp mà còn ghi hình được Thắm. Tấm ảnh tôi chụp Thắm bằng ống kính télé, theo tay trỏ của Toàn, trong đám đông đang reo hò sau sân chùa Miên. Hôm ấy là lễ hội đua bò. Khoảng đất ruộng sau sân chùa lấp xấp nước. Những con bò đá nước lên trên không gian thấp thoáng ánh cầu vồng của mặt trời rọi xuống buổi trưa. Qua ống ngắm télé, tôi chộp luôn khuôn mặt xinh xắn của Thắm dưới cái nón lá. Vài hạt nước bắn rơi dài bên góc trái bức ảnh. Cả sắc cầu vồng bé xíu cũng lọt vào khuôn hình. Mũi dọc dừa rất đẹp. Đôi mắt to và ướt. Hàm răng đều hạt bắp nổi hẳn lên trên quai nón lá màu tím. Một tấm ảnh đẹp cho một cái cười. Cái cười tươi tắn và lôi cuốn lạ. Cái cười làm những bắp chân săn chắc của Toàn phải rung rung lên khi leo núi trước mắt tôi. Sự lôi cuốn của nữ tính làm xiêu vẹo bước chân anh lực điền!
Tôi trở vào, soạn lại những tấm ảnh mình đã chụp được mấy ngày qua. Những con tắc kè ở đủ mọi tư thế, đủ mọi nguồn sáng. Ảnh của Thắm. Ảnh của ông cụ. Ảnh của thằng bé giương ná bắn chim. Cả ảnh ba người đang ngồi ăn cơm, ba người đàn ông trong ngôi nhà này, ba gương mặt giống nhau như đúc. Một tiềm thức đột ngột gióng lên trong tôi một tiếng động. Hình như trong dân gian, người ta kỵ chụp cả ba người đồng giới trong một bức ảnh. Người ta sợ một người trong đó sẽ ra đi. Xương sống tôi lành lạnh. Có thể là Toàn… Có thể là Toàn sẽ ra đi! Tôi nghe gió rào rạt trong bụi tầm vông. Trời lạnh thật. Gió từ trong núi thổi ra, không phải xương sống tôi lạnh vì linh cảm một cái gì đâu. Tôi tự an ủi mình vậy. Ngủ đi. Ngày mai lên đường về thành phố. Mình xong việc rồi. Lát khuya Toàn sẽ về thôi mà. Và tôi ngủ, khi cảm giác ghì ghì sau gáy đã lan hết toàn thân.

*
*     *
Tôi mơ màng đâu đến quãng hai ba giờ sáng gì đó thì bỗng tỉnh giấc. Đêm ấy trời rất tối. Nhưng vào quãng ấy, trời có được mảnh trăng như lưỡi liềm sét sẹt treo chếch trên đỉnh núi. Tôi nghe có tiếng xối nước ngoài giếng. Hi hí mắt trông ra thì… ôi chao! Một tòa thiên nhiên ngần trắng đang ngã người hứng trọn thùng nước chắc là mát lạnh rơi xuống. Tôi có cảm giác hơi lạ. Nước rơi chậm hơn thường khi. Nước bắn lên hai vú nõn vung vẩy dưới ánh trăng. Mái tóc người đàn bà cuộn lên một búi sau gáy. Thắm ư? Toàn dẫn Thắm về vườn nhà tắm ư?
Tôi hơi xấu hổ, đành nhắm mắt lại. Tôi thực tình không muốn lạm vô đời Thắm của Toàn. Tuy vậy, tôi rạo rực thực sự. Giá như… Giá như tôi có thể chạy ra bờ giếng ấy để tắm chung với Thắm, kỳ cọ với Thắm và làm tình cùng Thắm, tôi sẽ làm ngay. Ông cụ nói đúng, sau bữa cháo tắc kè ngon ngọt kia chừng vài ngày, con người mình khác lắm. “Bứt rứt trong người, căng căng chạy kiếm đờn bà. Lạ lắm nghe chú. Lúc đó dòm tướng bà nào cũng ngộ cũng tròn…”
Tuy vậy lúc đó ở trong nhà bốc lên cái mùi ngai ngái, hăng hăng kỳ lạ. bóng người đàn bà đang tắm mờ dần trong mắt tôi. Có lẽ lúc đó tôi đang xụi xuống, gục xuống trong tư thế một tay bíu lấy song cửa để trông ra, một tay quờ xuống vùng bụng dưới. Lần sau này không phải cơn buồn ngủ trườn tới sau gáy.

*
*     *
Toàn đi thật. Toàn đi vĩnh viễn không về. Chồng Thắm, anh chàng nuôi vịt thả đồng, anh chàng “tới đứa con nít cũng ăn hiếp được”, đã dùng một con dao lê sét sẹt đâm Toàn một phát, khi đôi tình nhân đang say sưa trong cuộc mây mưa. Lưỡi lê sét xuyên ngọt, từ sau ra trước, lách qua những kẽ sườn xuyên qua phổi, qua tim, trổ ra dưới vú. Anh chàng bị vợ cắm sừng, sau khi rửa sạch nỗi đau của mình bằng cách đó, lặng lẽ lên công an xã đầu thú.
Sáng hôm sau, cái chợ xã nhỏ xíu ven núi tan hoang, xơ xác vì những lời bàn tán. Vậy mà tôi và hai ông cháu lại là người hay tin sau cùng. Bởi lẽ chúng tôi ngủ như chết cho đến khi người dân trong vùng tới đập cửa báo tin.
Ông cụ, khi bị người ta vực dậy cho hay tin dữ, ông chết trân. Người ta dìu ông đi tới hiện trường, là cái nhà của Thắm. Nhưng vừa ra tới giếng nước, ông quày quả đòi trở vô nhà. Ông không đi nữa. Ông hỏi tôi:
- Tối qua chú có ngủ như chết không?
- Dạ có. Vào quãng hai ba giờ sáng, cháu thức giấc, nhìn ra giếng thấy có người tắm.
- Đàn bà? Tóc dài? Tướng đậm đậm?
- Ờ… ờ, chắc tóc dài. Vì lúc đó cô ấy búi lên một búi rất to sau đầu.
- Chú dẫn tôi ra phía sau bồ lúa. Vậy là con vợ thằng Toàn lẻn về trong đêm qua.
- Sao bác biết?
- Tôi nghe mùi của nó phảng phất ở đây. Chú dẫn tôi ra sau bồ lúa…
Sau bồ lúa có một hộc vuông, được đậy bằng tảng đá núi đã bị cạy tung lên. Ông già sờ sờ những nắm đất vung vãi. Ông nói như tiếng thở dài.
- Vậy là hai cái họa đổ xuống đầu tôi cùng lúc rồi chú ơi. Mấy lượng vàng tôi chôn ở đây để phòng thân khi thằng Toàn bị hại cũng tiêu luôn rồi. Con vợ theo trai của thằng Toàn nó…
Tôi hiểu ra tất cả. Người đàn bà táo tợn, vợ Toàn đêm qua đã lẻn về. Chính y thị đã đốt khói xông có thuốc mê cho những người trong nhà lịm xuống. Có lẽ y thị cũng đã mò vào chỗ tôi nằm, thấy tôi đang nằm thì tưởng là Toàn). Thực hiện xong việc xông khói, y thị ra khỏi nhà và tắm táp ngoài giếng đêm qua. Vậy mà tôi cứ ngỡ Thắm. Chính y thị mới biết vàng của ông cụ giấu ở đâu… Trời ơi, tai họa này có phần của tôi dự vào không đây? Sao tôi lại chụp ảnh ba người đàn ông trong một tấm ảnh hả trời?
Phen này, trời không sanh voi sanh cỏ đâu Tí ơi! Phen này, liệu hai ông cháu kia có thích nghi nổi với quãng đời còn lại như những con tắc kè núi kia không? Một khuôn mặt sao ra ba lần, gắn lên ba cái mặt đàn ông. Ông nội - quá khứ. Bố - hiện tại. Con - tương lai. Chỉ cần hiện tại làm sai là tương lai điêu đứng.

*
*     *
Phóng sự ảnh của tôi bày trên bàn Tổng biên tập. Anh khen từng tấm, từng tấm một. Anh lẩm bẩm liên hồi “Sẽ cho đăng ngay. Sẽ cho đăng ngay…”. Anh ngạc nhiên trước vẻ mặt thẫn thờ, không hồn, không vía của tôi. “Cậu này quái lạ. Cậu làm tốt lắm sao mặt mày như đưa đám thế kia?”
Khi tờ báo đăng phóng sự ảnh, tôi hay tin ông cụ đã mất. Tôi hối hả quay về nơi ấy. Một cảnh tang thương lại diễn ra trong sân nhà ấy trong vòng mười ngày. Đám ma lặng lẽ. Tôi cố tìm thằng Tí nhưng không gặp. Có người nói nó bỏ nhà đi trước khi ông nội nó mất. Có thể mẹ nó rước nó đi chăng? Tôi quên không kể với các bạn ông cụ đã không báo với chính quyền vụ mất trộm vàng. Ông cụ bảo tôi: “Chắc phải chừa mẹ thằng Tí ra khỏi vụ lu bu này. May ra, sau này nó nghĩ lại, nó lo cho thằng Tí, con nó…”
Tôi thắp hương cho ông cụ. Tôi nghe gió núi thổi ra nhè nhẹ. Có tiếng tắc kè gõ nhịp trên ngọn cây sao. Tôi lôi tấm ảnh chụp ba ông cháu ra. Tôi xé vụn. Gió thổi mạnh thêm. Tôi tung những vụn ảnh lên trời. Gió cuốn những mảnh vụn ảnh, chấp chới như đàn bướm nho nhỏ, trăng trắng bay biến vào vườn lá
      
T.P
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

   Xin giới thiệu một sáng tác rất ngắn của bé Stephanie Lee, 11 tuổi.


   Một số người cho rằng tình yêu là mù quáng, nhưng em nghĩ tình yêu rất đẹp.
  
   Bất cứ ai hay bất cứ điều gì cũng có thể cảm được tình yêu, cho dù đó là chim chóc, loài người hay loài vật — tất cả mọi sinh vật đều cảm được tình yêu.

  
   Yêu có nghĩa là quan tâm và biểu lộ sự cảm thông.

   Yêu nghĩa là có mặt bên cạnh người nào đang cần bạn.
   Yêu tức chứng tỏ mình là một người bạn.
   Bạn có thể yêu những thú cưng của mình, yêu búp bê, yêu chiếc ghế mà bạn thích nhất.
   Yêu bạn bè và gia đình mình.
  
   Bất kỳ điều gì bạn muốn nó là tình yêu, thì nó là tình yêu.

  
   Yêu do bạn chọn.


Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhân vật chính

============

Tác giả: Anh Hoàng

Đạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi viết truyện ngắn do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức.
Thời gian: Khoảng năm 1987

- - - o O o - - -



1.    “Dạo này mình có cảm tưởng ít gặp mẹ mỗi ngày. Ừ phải rồi, tại mẹ đi làm thêm. Mình thấy mẹ lần thứ nhất vào sáng sớm khi mặt trời chưa mọc, mẹ lúi húi nhét thêm một cái áo hoa mỏng để thay vì mùa này nóng, trong xưởng dệt chắc hầm lắm. Lần thứ hai mình biết mẹ về lúc hết ca 2, gần mười một giờ đêm, mọi người đã ngủ và mặt trời cũng ngủ, chỉ còn mẹ và mình thức mà thôi. Trong hai lần gặp gỡ như thế, ánh sáng đều không đủ để mình nhìn thấy gương mặt mẹ một cách rõ ràng, nhưng mình có cảm giác rằng hồi này mặt mẹ hơi tái, không gầy hơn trước bao nhiêu nhưng hơi tái. Và mình cũng có cảm giác kỳ kỳ là mẹ có vẻ đẹp lên một tí, nhưng lại gì gì đi một tí. Cảm giác này cứ làm mình nhột nhạt thế nào ấy, hệt như đêm nọ, lúc mình với bé Thảo vào giường nằm đã lâu mà chưa ngủ, mẹ chưa về. Bé Thảo lăn qua lăn lại một lát rồi bảo nhớ mẹ, mình buồn cười, trêu bé: “Bé đòi bú hả?”. Tưởng nó sẽ cấu véo mình, nhưng không, nó nằm in, mắt mở to. Con nít mà cũng bày đặt suy nghĩ. “Hay là muốn chị dắt đi pipi, hử?” - “Không, em pi rồi”. Tội nghiệp, con bé mắc chứng gì mà mỗi đêm phải đi pipi mấy lần. Năm kia, mỗi lần như thế mình dậy dắt nó đi, sau này nó tự đi một mình. Nó kể, cách đây mấy hôm, có bận nó vừa đi xong đứng dậy thì mẹ đi làm vừa về. Đứng sau cửa nhà tắm, nó thấy mẹ làm cái gì lạ lắm. Nghe nó kể xong mình cảm thấy kỳ kỳ, suỵt nó, bảo nó ngủ đi, ngày mai chơi ô ăn quan...
  
   Bé Thảo đã ngủ, mẹ vẫn chưa về. Mấy giờ rồi nhỉ? Mẹ mượn lại cái đồng hồ đeo tay bé xíu mà mẹ cho mình năm ngoái. Mẹ bảo để canh giờ làm thêm, tính lương, mẹ hứa khi nào để dành được kha khá sẽ mua cho mình một cái điện tử Thái Lan. Mình chẳng muốn, một phần vì quen hơi hướm cái đồng hồ cũ của mẹ, một phần vì mình ghét loại đồng hồ Thái Lan, gì mà xanh xanh đỏ đỏ, trông chẳng ra làm sao cả. Nói thế chứ biết bao giờ mà để dành cho nổi. Hồi ba chưa bị tai nạn lao động phải nghỉ việc, gia đình cũng đã chật vật lắm rồi, huống gì bây giờ ba thất nghiệp, mẹ bắt đầu làm thêm còn chưa đủ sống.


   Tội nghiệp ba quá. Trước khi mẹ quyết định đi làm thêm, nằm bên này mà mình nghe bên kia ba mẹ xì xào gì đó rất căng thẳng. Hình như ba sợ mẹ mất sức, hư mắt khi phải làm buổi tối. Mẹ bảo trong xưởng đèn sáng choang. Sau này mình thấy ba khổ nhiều. Vốn ít nói, ba càng lầm lì hơn. Có lẽ ba mặc cảm. Nhiều khi mình muốn nói chuyện với ba cho ba vơi bớt, nhưng sợ ba bảo mình còn nhỏ biết gì. Ba mặc cảm làm chi, ba có lười biếng gì cho cam. Đi dạy gần chục năm sắm không nổi chiếc xe đạp, ba bỏ nghề, về thành phố mướn xe xích lô để kiếm thêm tiền vì lúc ấy bé Thảo vừa chào đời. Sau đó không hiểu tại sao bác năm Lô lấy xe lại, ba đi làm thợ hồ với chú bảy Dù cho đến đầu năm. Rồi tai nạn xảy ra. Ông thợ hồ ở trên cao làm đứt dây dọi, cục gạch ống rơi trúng đầu ba lúc ba đứng trên giàn giáo, ba giật mình sẩy chân rơi xuống. Gẫy chân. Không được bồi thường, không được trợ cấp còn bị quy là bất cẩn khi thao tác. Đơn từ qua lại. Vô ích.


   Cũng vô tích sự như cái hợp tác xã thủ công nghiệp mà mình lãnh hàng về làm nè. Bao nhiêu tháng rồi không có lương, cãi qua cãi lại cũng vô ích. Ông chủ nhiệm bảo cái công ty gì đó tên dài thoòng có chữ “xuất khẩu”, nhận hàng của mình mà chiếm dụng vốn, nghĩa là không trả tiền, bởi vậy “tui đâu có tiền mà trả cho bà con?”. Huề.


   Xí nghiệp mẹ cũng chậm trả lương vì không tiêu thụ được mặt hàng. Nhưng cũng còn đỡ hơn cha con mình. Mẹ bức bách quá phải đi làm thêm. Ba bảo cứ đem chỉ sợi về cho cả nhà làm, mẹ nói nặng lắm khuân không nổi. nghe thế ba im ngay. Ba thương mẹ lắm, không muốn mẹ khuân nặng. Đó là một trong rất nhiều điểm tốt của ba.


   Có lẽ mình còn trẻ, chưa đi đây đi đó nhiều nên chưa biết hết, chứ so với cả khu mình ở, chưa có ai bằng ba. (Mình có chủ quan không nhỉ? Anh Bích ở trên Đoàn thanh niên khuyên ta không nên chủ quan). Kệ, cứ cho ba mình là “xịn” nhất đi, đã sao nào? ba không rượu chè, không cờ bạc như bác năm Lô. Ba đẹp... trai mà không mèo chuột như chú bảy Dù. Ba có kiến thức và thận trọng khi giải nghĩa điều gì đó cho chị em mình nghe, dù đôi khi bé Thảo hỏi ba những cái ngớ ngẩn nhất, ba cũng trả lời rất nghiêm chỉnh. Hôm nọ bé Thảo hỏi mình tại sao con sáo nó hót mà con quạ không hót. Mình đang nói thì ba xen vào trả lời thay, trước khi đó ba nói: “Ba xin lỗi ngắt lời Hiếu nhé!”. Mình hơi ngượng vì nhớ lúc kể lại chuyện này cho bạn bè nghe, tụi nó bảo ba mình khách sáo. Không, mình có hơi mất tự nhiên một tí thật, nhưng một niềm tự hào cứ len lén dâng lên trong lòng, ba mình lịch sự hơn ba mẹ chúng bạn, vốn hay gắt và nạt chúng. Sau này có con, mình cũng sẽ xin lỗi khi ngắt lời nó như thế. Từ hồi mình có ý thức đến nay, chưa lần nào nghe ba nặng lời với mẹ, mà đúng hơn chưa lần nào nghe ba mẹ nặng lời với nhau, dù mình phải công nhận rằng ba với mẹ, ai cũng ít nói, không như ba mẹ mấy nhỏ bạn, nhất là mẹ nó, lúc nào cũng tíu tít. Khi mình đưa ra nhận xét, nhỏ Hà bảo “Người lớn họ có bí mật riêng của họ”.


   Ừ mà có lẽ như thế thật! Lần mình nói với mẹ sau này khi lấy chồng, mình sẽ chọn một người có nhiều tính tốt như ba. Mẹ cười nhẹ khó hiểu: “Có nhiều tính tốt quá cũng không hẳn là tối ưu đâu con”. Mình không hiểu nhưng mẹ từ chối diễn giải thêm. Rõ ràng “họ có bí mật riêng của họ” thật. Xét lại, mình thấy ba đối xử với mẹ rất lịch sự (như trong phim Tây ấy), săn sóc mẹ, quan tâm nhiều đến mẹ, câu ba nói bao giờ cũng mở đầu hoặc tận cùng bằng chữ “em” thật êm ái (hồi trước mình hơi mắc cỡ khi nghe thấy, bây giờ thì quen rồi, có lẽ đến lượt bé Thảo mắc cỡ), ba đỡ đần mẹ hết mình. Nhưng... ừ nhỉ... nhưng chưa bao giờ mình thấy ba cười với mẹ... chưa bao giờ mình nghe ba nói đùa với mẹ! Có những đêm mình liếc qua bên giường ba mẹ, ba ngủ rồi, mẹ trở dậy đứng tựa cửa sổ nhìn ra ngoài, rồi thở dài. Dạo sau này thì ngược lại, mẹ ngủ say, ba bước đến bên cửa, cũng nhìn ra ngoài, ba hít thật mạnh, nhưng không nghe ba thở ra như mẹ...

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhân vật chính

==================
(tiếp theo)

2.    Hai con đã ngủ rồi, Hạnh cũng ngủ rồi, nét mặt mệt mỏi, hai khóe miệng trễ xuống như muốn khóc. Dạo này làm thêm liên tục, sức nào chịu cho nổi! Làm sao kiếm ra tiền đây? Xoay đủ cách, đi đủ chỗ, hỏi nhiều nơi, thử nhiều lần. Mà với cái chân gãy này thì... A! Kiếm ra được tiền, mình sẽ mạnh dạn đề nghị Hạnh ngưng việc làm thêm. À mà cũng lạ nhỉ, lúc thì nhà máy ngưng sản xuất, ở nhà liên tục, rồi lại đùng một cái, đi làm thêm liên tục. Hạnh bảo vật tư rót xuống rồi. Kỳ thật, cả ngàn người chờ một người rót vật tư hèn chi đói cả đám, nghèo cả lũ. Nhưng ai đói ai nghèo mặc, đâu ảnh hưởng gì đến người rót vật tư.

   Làm sao kiếm ra tiền? Ngoài kia những đôi đi xem hát, xem cải lương về khuya, tiếng xe máy nổ tạch tạch, nghe có vẻ mệt mỏi nhưng êm tai, cũng như nét mặt của cặp vừa đi qua, mệt mỏi, buồn ngủ, nhưng sung sướng. Còn gì bằng sau khi ăn tối, đi nghe hòa nhạc về khuya, vừa từ giã cái không khí hâm hấp của phòng đông mùi người mùi nước hoa lẫn lộn, lại chợt hơi khẽ rừng mình với cái mát gây gây bất chợt của một cái đuôi cơn mưa khuya cuối tháng Sáu, rúc vào nhau, vội vàng một cách thong thả chạy xe về nhà, hai cặp mắt buồn ngủ muốn tỉnh mà không dám, cố tỉnh để lờ đờ hầu mang theo chút hương đêm về tận chốn nệm ấm chăn êm. Ấm êm. Hạnh thở hơi mệt nhọc, cánh tay trần lộ ra nõn nà, biết bao lần mình thèm hôn nhưng lại tự cản ngăn.


   Làm sao kiếm ra tiền? Hôm nọ Hạnh chưa về, mình đứng đây nhìn mấy cô thợ dệt ra ca về ngang, tiếng guốc dép lọc tọc thật là nữ tính, dễ yêu quá! Trước kia có một anh chàng ốm nhách như xì ke lâu ngày, mặt còn trẻ mà lưng đã còm, đã thế mắt lại hí, khuya nào cũng đứng đấy chờ đi theo một cô thợ dệt trẻ, sức lực căng tròn. Thoạt đầu cô bĩu môi qua chỗ khác, riết rồi dạo này lại thấy ngồi sau xe đạp anh chàng ấy rồi.


   Mình đề nghị đi đón mà Hạnh không chịu, bảo ở nhà săn sóc các con. Thế cũng được, còn hơn đi cạnh bên nhau suốt mà chẳng hé môi, gieo những tiếng thở dài cho chật không gian. Từ lâu rồi, giữa Hạnh và mình không còn gì để nói. Đúng hơn còn một điểm duy nhất nhưng Hạnh không giải tỏa được. Người ta có thể gọi đó là bí mật, mình đặt tên cho nó là thành trì, cái thành trì kiên cố, xây dựng trong lòng Hạnh từ hồi trước khi về sống chung, cái thành trì đã bao phen mình đập phá nhưng không thành công.


   Em ngự cao thành trong bóng giặc
   Anh từ quên lãng kéo quân về
   Năm cũ hương thừa đen tròng mắt
   Dầm dề sương phủ mấy sơn khê...

   Lần đầu đọc Hạnh nghe mấy câu thơ này, mắt Hạnh có gợn tí, rồi thôi. Một người đàn bà sắt đá, chất liệu chính xây dựng thành trì. Bao phen toan đập nát cho trống trải, để mình thổi luồng gió mát tình yêu đến, nhưng không xong. Người đàn bà có cặp mắt giống như cặp mắt một con chó vừa bị đòn, vậy mà sắt đá gớm...

   Tiếng xe đạp cọt két của anh chàng lưng còm chở cô thợ mắt ướt như mắt Hạnh ngày xưa, vừa đi qua. Anh chàng làm nghề gì nhỉ, mà làm nghề gì gì cũng xong, miễn có tiền kha khá là được. Chắc chắn anh chàng này không làm nghề giáo. Trông họ hạnh phúc thật. Hạnh phúc. Chữ này không có trong tự điển của mình. Bọn thằng Khang bảo mình cố chấp, hạnh phúc hay không tự mình. Đối với nó thì quá thoải mái. Lúc mình còn đạp xích lô, buổi tối cúp điện ngồi vệ đường nghỉ mệt, thấy Khang thoải mái đến nỗi chở vợ nó, cô Hằng, ra chỗ ông bán thuốc lá lẻ chong đèn dầu, dưới ánh sáng lờ mờ vàng ệch, hai vợ chồng lựa mua... bao tránh thai. Nó chưa kịp lấy thêm mấy điếu thuốc cho chẵn số tiền, Hằng vội thụi vào hông nó mấy cái giục đi ngay. Tụi nó đi rồi mà mình còn nghe tiếng cười khúc khích và ngửi thấy mùi hương tóc của Hằng. Hương tóc.


   Dạo này hương tóc Hạnh có mùi là lạ, như mùi khói thuốc lá đã lạnh. Như mùi thằng Sơn đang quen con Hiếu nhà mình. Mỗi lần sang chơi, nó đến chào, người chưa tới nơi, mùi thuốc lá đã tới trước. Mình không mấy ưa thằng này, con Hiếu nên cẩn thận. Công tâm mà nói thì nó chẳng du côn du đãng gì. Chỉ cái đi dép Lào (mà mình chúa ghét ai mang dép Lào ngoài đường) và hai cái răng mái hiên, nếu không phải là nụ cười đểu. Như thằng Vinh.


   À mà tại sao lúc này thằng Vinh nó nhìn mình là lạ nhỉ. Dạo trước, thấy mấy cái răng hô của nó là mình muốn bẻ phứt rồi. Chưa kể đến cái nhìn đầy ý nghĩa của nó. Như tự mãn, như trêu chọc, như tội nghiệp mình. Mình cũng cố tình tránh nhưng ai đó cứ đặt để cho mình hay gặp nó trên đường đi. Mình với nó chưa hề quen nhau, chưa hề nói chuyện một lần, vẫn cảm thấy như có sợi dây vô hình nối liền. Sợi dây đó là vợ mình, Hạnh? Vẫn biết rằng Hạnh đã thất thân với nó trước khi về với mình. Nhưng là quá khứ rồi, chẳng hay ho bổ béo gì mà cắn đắn, nhưng tại sao mình vẫn khổ nhỉ. Vì cái nhìn của nó, hay vì hàm răng hô của nó gây cảm tưởng lúc nào cũng cười cợt mình? Mấy ngày nay nó không còn nhìn mình như trước nữa, thấy mắt nó khác, như trân trân trối trối, như... (mình dùng đúng chữ không nhỉ) như... hối hận?


   Hạnh trở mình rồi kia, co người, có lẽ hơi lạnh. Để mình bước đến đắp nhẹ cái chăn lên bờ vai rộng (như vai đàn ông) và cái khung xương chậu nhỏ xíu như của một đứa bé gái.



Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhân vật chính

===============

(tiếp theo)

3.    Mãi mấy lúc sau này vì không muốn gặp chồng Hạnh, khi cố tình đi đường khác đến cơ quan, tôi mới có dịp nghĩ đến thái độ lố bịch của mình bấy lâu. Thật chẳng anh hùng hay quân tử gì khi nhìn người ta một cách khinh khỉnh như thế, một cách hèn mạt, tưởng rằng mình là kẻ chiến thắng. Nghĩ lại cũng buồn cười, chiến thắng gì, vì mấy năm sau khi đã mất trinh tiết với tôi, Hạnh mới quen với chồng tương lai, một anh chàng lúc nào cũng có vẻ đắm chìm trong những biến động nội tâm. Hay là anh ta khổ vì vợ mình như thế? Thật ra tôi chẳng ác ý chi lắm khi ngạo mạn nhìn anh, tôi không muốn cười cợt trên đau khổ của anh một tí nào cả. Nhưng mới cách đây vài hôm trở về trước, sở dĩ thái độ tôi như thế vì Hạnh đối với tôi như cái bánh dở dang ăn chưa trọn vẹn. Bây giờ tôi khác rồi, tôi hối hạn, tôi không nhìn anh như trước nữa, không phải vì nỗi khổ của anh làm tôi ăn năn – mình là giống đực, sự thương xót giữa hai con đực thì không có bao giờ – nhưng vì...




   Người đàn bà bên cạnh tôi đã bật dậy ngay sau khi tôi lăn ra giường, đưa tay sờ soạn tìm gói thuốc. Cô loay hoay quơ vội cả áo cả quần, luống cuống mặc quần vào trong khi tay vẫn nắm cái áo. Tôi buồn cười tưởng tượng rằng nếu trời cho được bốn tay, có lẽ cô ấy sẽ vận dụng để vừa mặc quần vừa mặc áo cho nhanh hơn, đồng thời xoay lưng lại hoặc quay mặt đi trước khi khách đánh que diêm.
    Các cô sợ lửa, nói đúng hơn là sợ ánh sáng, các cô không phải là những con thiêu thân. Ừ mà có lẽ như thế thật, có lẽ mụ Chín Simone nói thật. Mụ tú bà lão làng ấy nói nhỏ với tôi rằng hạng gái này “suya” lắm, bảo đảm không bệnh, “mấy cổ không phải chuyên nghiệp, người ta là dân đàng hoàng, lâu lâu “dù” một cái để “cải thiện”, trang trải trong gia đình, bởi dzậy nếu cậu Vinh muốn, phải đến cỡ chín giờ đêm trở lên mới có”, mụ còn cẩn thận dặn tôi đừng quá sàm sỡ “tội nghiệp mấy cổ, thiệt làm thân đờn bà khổ hết sức, tui là đờn bà tui biết rõ hơn ai hết”. Thoạt đầu, nhìn cái “thân đờn bà” của mụ Chín, phối pháp tươi mát, phấn son thơm phức, vòng vàng nhẫn xuyến mắt xanh mỏ đỏ tôi chẳng tin tí nào, cho rằng đây chỉ là biện pháp kỹ thuật để tăng giá dịch vụ. Tuy nhiên dần dà tôi thấy chính bản thân mụ, vốn cũng thuộc loại “chằn ăn trăn quấn”, nhưng lại đối xử với các cô có khác. Chẳng hạn mụ gọi các cô là “cô hai cô ba” thay vì mày tao mi tớ như đối với tụi con Nguyệt con Hoa. Từ đó thôi không nham nhở với đội “nữ binh” này – chẳng lẽ người như mụ Chín còn biết ăn ở nghĩa nhân mà mình không biết hay sao?...




   Người đàn bà ra ngoài lúc nào tôi không hay. Như thế đấy. Không bao giờ nằm lại với khách như bọn con Hoa, không bao giờ xin “puộc boa”. Không bao giờ thấy rõ mặt vì ngọn đèn duy nhất tận cuối dãy phòng san sát ba căn chỉ hắt chút ánh sáng lờ mờ vào những gương mặt và thân thể không mùi son phấn.
    Tôi sắp bật lửa thì bỗng giật mình vì tiếng nói của người phụ nữ ở phòng bên, chỉ cách một tấm phên cót xiêu vẹo: “Đừng anh, khoan anh, để em mặc quần áo vào đã”. Tiếp theo đó là tiếng cười hề hề nho nhỏ của khách. Giọng nói quen quá, tim đập mạnh, thử nhìn qua lỗ tấm cót. Người đàn ông bên kia không thông cảm, vẫn bật diêm đốt điếu thuốc khi cô nàng chưa kịp mặc quần áo. Hắn thèm thuốc hay vì muốn nhìn cho mãn nhãn, cho đáng những đồng tiền bẩn thỉu đã bỏ ra? Chỉ thấy cô gái vội xoay lưng lại hắn, quay mặt vào vách, nghĩa là về phía tôi...




   Mấy ngày sau vào cơ quan tôi không tìm được cái quẹt gaz của mình, đến hồi nhẩm lại mới nhớ có lẽ đã đánh rơi lúc ấy mà không hay. Lúc ấy là lúc tôi bàng hoàng nhìn thấy người đàn bà qua lỗ phên.

   Ngọn lửa từ cây diêm trong phòng tối có hiệu quả như một trái hỏa châu. Ánh sáng đến từ phía sau lưng nàng, “công sô lây” nên tôi không nhìn rõ mặt, nhưng đủ, quá đủ cho tôi thấy đôi vai rộng, quang, và khung xương chậu nhỏ xíu mà khi đi mua quần jeans phải chọn “sai” thiếu niên. Một ngoại hình và một giọng nói tôi không thể nào nhầm lẫn được. Bàng hoàng quá, chao đảo quá, may thay tôi bước lui đụng thành giường và ngã vật ra đó, thao láo nhìn trần nhà.
   Đến cái trần nhà cũng không buông tha cho tôi. Cũng mấy tấm các-tông cũ kỹ thủng lác đác đó, cũng mạng nhện giăng đầy muội khói như muốn tạo viền nét cho các đốm ố vàng do nước dột mùa mưa, cũng...
  
...Nghĩa là cũng y hệt như cái trần nhà tôi, sau tấm màn lớn che cái giường kê sát tường nơi lần đầu tiên tôi đã cưỡng hiếp Hạnh để trả thù cho bao phen cự tuyệt mà tôi xem là mắm muối thêm vào hầu kích thích khẩu vị đàn ông. Hồi đó chúng tôi đã yêu nhau rồi, tiến từ những chiếc hôn môi tình tứ dần đến các cử chỉ vuốt ve sâu kín hơn, tôi muốn gì cũng được, nhưng phải ngừng “ở đó”. Hạnh nhất định không cho tiến xa hơn, đưa cái lý luận cũ mốc của đám con gái ngốc nghếch là “để sau đám cưới”. Sau những pha vuốt ve âu yếm rực lửa như thế mà phải dừng lại, tôi vô cùng bực tức. Dù tôi có bảo trước sau gì cũng là của anh, em cho đi, Hạnh vẫn không chịu. Được rồi. Lần đó, sau một buổi nằm đú đởn bên nhau, tôi bất thần... “Đừng anh, đừng anh”, cũng câu “đừng anh” đó... nhưng tôi đã thành công. Người con gái nào mà chẳng khóc, tôi thấy nhiều rồi. Hạnh nằm im, những giọt nước mắt lặng lẽ không lay động nổi trái tim tôi. Nàng thều thào “Anh hại cả đời em rồi”. Tôi nằm ngửa hút thuốc... và ngắm cái trần nhà...


   Kinh nghiệm một thằng đàn ông trong nghề dạy cho tôi biết hễ một phen “đã rồi”, người-con-gái-thành-đàn-bà sẽ buông xuôi. Thật vậy, những bận sau đó Hạnh đã thõng tay mặc tôi muốn làm gì thì làm, thõng tay cho đến ngày tôi bỏ nàng theo người khác...



Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối