Trang trong tổng số 1 trang (7 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

tu thu tuyet18

MB: Mỗi một tác phẩm văn học viết ra đều có tính mục đích, đều đem đến những ý nghĩa xã hội nào đó, tức là nó phải thực hiện được chức năng riêng của mình. Macxim Gorki từng nói “Văn học là nhân học”, vì vậy cái rộng lớn bao la trong tâm hồn con người cũng có thể đem so sánh với văn học. Chức năng của văn học bởi thế cũng rất đa dạng và phong phú.Tuy nhiên có thể chia ra ba cặp chức năng chính là: Nhận thức – dự báo, thẩm mỹ - giải trí và giao tiếp – giáo dục. Truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành là một tác phẩm có giá trị lớn ca ngợi nhân dân Tây Nguyên anh hùng, cổ vũ tinh thần đấu tranh trong kháng chiến chống Mỹ của dân tộc mà tiêu biểu nhất là hình tượng nhân vật Tnú. Vì vậy nó cũng mang đầy đủ những bình diện chức năng mà ta đang cần xem xét.
TB: 1. Trên bình diện nhận thức – dự báo, ngay từ đầu, nghệ thuật đã mang trong mình nó nhân tố nhận thức trong những truyện thần thoại, truyền thuyết. Sự nhận thức ấy phát triển theo sự vận động của xã hội, càng ngày càng đa dạng và ý thức hơn.
 Nói đến nhận thức là nói ngay đến khả năng của văn học là cung cấp tri thức bách khoa về cuộc sống, phản ánh cuộc sống một cách toàn vẹn, chi tiết. Trong tác phẩm “Rừng xà nu”, tri thức đầu tiên ta nhận được đó là hình ảnh của một dân tộc Tây Nguyên anh dũng, quật cường như biểu tượng của rừng xà nu “ham ánh sáng mặt trời”, “đại bác không giết nổi chúng” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dân tộc ấy vẫn luôn tự hào “5 năm chưa hề có một cán bộ bị bắt hay bị giết trong rừng làng này”.Từ  bé Heng “súng đeo chéo ngang lưng ra vẻ một người lính thực sự”; rồi Mai – một người phụ nữ kiên cường như cây xà nu không chịu khuất phục trước tên giặc tàn ác, không chịu khai chồng mình ở đâu, chỉ thương con tìm cách che chở cho đứa con đang địu trên lưng cũng bị chúng đánh đập; nối tiếp người chị, Dít cũng dũng cảm không kém, bị giặc trói, bắn đạn quanh thân thể cũng vẫn lạnh lùng, bình thản đến cụ già làng Mết vẫn một lòng một dạ đi theo cách mạng, cụ luôn nói với buôn làng: “Đảng còn, núi nước này còn”…Tất cả đều chứa chan một tình yêu buôn làng, yêu tự do và sẵn sàng hi sinh vì những điều chính nghĩa đó. Tác phẩm ra đời năm 1965, là thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc, cách đây đã hơn 40 năm. Tuy chỉ là một lát cắt hiện thực nhưng nó cũng đã giúp bạn đọc thời sau khám phá những vấn đề xã hội và con người trong thời đại mà tác phẩm ra đời.
Con người là đối tượng trung tâm của văn học nghệ thuật. Khám phá những bí ẩn “biện chứng tâm hồn của con người” trong những mối quan hệ phức tạp trong một tác phẩm nhất định cũng đem lại cái nhìn hoàn thiện  về thời đại mà tác phẩm ra đời. Hình tượng nhân vật Tnú trong “Rừng xà nu” nói với chúng ta về những phẩm chất tốt đẹp, cao quý nhất của dân làng Xôman. Tnú sinh ra và lớn lên ở quê hương rừng núi, mang hơi thở của bầu trời rừng, sức mạnh của cây rừng. Cuộc đời của anh gắn bó thủy chung với bản làn, cũng là gắn bó với những gì thiêng liêng nhất dân làng tôn thờ. Đó là lý tưởng cách mạng, là khát vọng độc lập, tự do. Ngay từ nhỏ anh đã thể hiện ý chí cách mạng của mình ở việc lấy đá đập đầu để mở đường cho con chữ đi vào khi học chữ mà lại quên. Tuy nhiên trong công tác chú bé Tnú lại rất sáng dạ, từng trải và đầy kinh nghiệm. Bị giặc bắt được, anh nuốt vội lá thư vào bụng. Sau mỗi câu hỏi :cộng sản ở đâu?, Tnú không trả lời lại bị một nhát dao chém vào lưng. Dù còn nhỏ nhưng Tnú rất kiêu hãnh chỉ tay vào bụng mình và trả lời: “Ở đây này”. Tấm lưng của Tnú lúc này chưa đủ rộng, chỉ bằng cái xà lét mẹ để lại nhưng đã là biểu hiện của một tấm lưng có thể chịu đựng được bão táp như rừng xà nu ưỡn tấm ngực ra che chở cho làng. Tnú cũng từng đau đớn, hai con mắt như “hai cục lửa lớn” khi chứng kiến cảnh người vợ và đứa con mà mình yêu thương phải chịu trận đòn bằng roi sắt đến chết. Anh lao vào cứu vợ con trong khi không hề có vũ khí. Bị bắt, bị giặc tẩm dầu xà nu đốt 10 đầu ngón tay nhưng anh không hề kêu một tiếng nào. Anh chỉ nghe “lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng” và tự nhủ “người cộng sản không thèm kêu van”. Trải qua tất cả đau thương về thể xác và tinh thần, Tnú lại tiếp tục đi trên con đường cách mạng, để trả thù cho buôn làng, cho gia đình và cho chính bản thân anh. Sự vận động của Tnú cũng như dân làng Xôman từ lúc không hề có vũ khí trên tay cho đến khi biết tự mài giáo, vót chông...để bảo vệ mình và dân tộc cũng chính là con đường cách mạng mà dân tộc ta đã đi. Tnú đã thực hiện chân lý giản dị mà sâu xa của dân tộc này là: Kẻ thù đánh ngã ta ở chỗ nào thì ta đứng lên ở chỗ đó; kẻ thù giết ta bằng thứ gì thì ta giết kẻ thù bằng thứ ấy: “Này, ta có súng đây, nhưng tao không giết mày bằng súng, không đâm mày bằng dao. Nghe chưa! Dục! Tao giết mày bằng 10 ngón tay cụt này thôi!”
Chức năng nhận thức không chỉ giúp con người hiểu biết về thế giới khách quan mà nó còn giúp con người nhận biết về chính mình. Đây được coi là sự tự nhận thức. Tác phẩm chính là tấm gương soi chiếu năng lực và tư tưởng của nhà văn. Ở đây quá trình nhận thức đồng nghĩa với quá trình giác ngộ, “hiểu biết, khám phá và sáng tạo”(Phạm Văn Đồng). Bởi mỗi tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng giúp người ta trải qua, sống lại từ đầu một biến cố, 1 tình huống hay một số phận. Những ai từng trải sẽ có dịp nghiền ngẫm bình tĩnh và khách quan hơn, những ai chưa sống qua thì có dịp nếm trải nó như chính trong cuộc đời. Một nhà văn có trí tuệ lớn và đứng trên lập trường của giai cấp tiến bộ, phản ánh được “ít ra vài ba khía cạnh chủ yếu của cách mạng” như Lênin từng nói thì có thể chỉ ra những xung đột, những vấn đề cơ bản nhất của hiện tại và cả những hướng phát triển của chúng trong tương lai. Chức năng nhận thức qua đó cũng đem lại chức năng dự báo về tương lai khá tin cậy. “Rừng xà nu” thông qua việc xây dựng hình tượng điển hình nhân vật Tnú là hình ảnh tiếp nối hình tượng người anh hùng Núp trong tác phẩm “Đất nước đứng lên”; bé Heng sẽ là sự tiếp tục của Tnú; như bên cạnh “những cây xà nu ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Sự đấu tranh kiên cường và bền bỉ ấy sẽ quyết định sự thắng lợi của dân tộc ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
2. Bên cạnh đó là cặp chức năng  giao tiếp và giáo dục. Thực tế có thể bóc tách 2 chức năng này thành 2 chức năng riêng biệt. Tuy nhiên chức năng giao tiếp của văn học có chứa đựng và liên quan đến chức năng giáo dục.
Nói đến giao tiếp là nói đến sự giao lưu trao đổi, thông báo. Trong nghệ thuật cũng bộc lộ tất cả các yếu tố: người nói, người nghe; người viết, người tiếp nhận và các phương tiện biểu hiện nó. Sáng tác nghệ thuật khởi đầu có lẽ cũng chỉ là một kiểu chia sẻ, giãi bày. Khi Nguyên Ngọc gắn bó với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nhận ra bản chất chân thành, trung thủy với cách mạng của dân làng, anh muốn chia sẻ với bạn đọc cách nhìn nhận của anh về những con người ấy như thế nào, bởi thế anh đã sáng tác tác phẩm “Rừng xà nu” chăng? Từ chỗ giải thoát, cởi bỏ những ấn tượng và trăn trở đầy ắp, người nghệ sĩ đi đến tác động vào tâm hồn của người đọc. Ở một mức độ, nó là sự đồng cảm, chia sẻ, là tiếng nói “đồng ý, đồng tình”. Thông qua trung gian là tác phẩm, tác giả truyền đạt  những kinh nghiệm sống về những điều mà họ đã trải qua, đã nghiền ngẫm; độc giả hiểu, tiếp nhận, thậm chí “đồng sáng tạo”. Qua đó con người xích lại gần nhau hơn. Ở một mức độ cao hơn, sự giao tiếp tác động ấy giúp người đọc nhìn nhận lại mình và tự hoàn thiện nhân cách. Khi ấy đồng thời tác phẩm văn học thực hiện chức năng giáo dục.
Giáo dục trong nghệ thuật được hiểu là hoạt động rèn luyện , học tập, trau dồi những quan điểm thẩm mỹ và năng lực sáng tạo của con người. Quá trình thâm nhập đời sống các vùng dân tộc Tây Nguyên sẽ giúp cho Nguyễn Trung Thành có một vốn sống khá phong phú và đa dạng về phong tục tập quán, sinh hoạt của dân làng. Qua đó anh có thể dựng lên hình ảnh của một đêm kể chuyện của Giàng bản trong đêm Tnú về rất tuyệt vời và sống động, mang không khí đậm đà chất sử thi. Hoặc phản ánh rất sâu sắc tâm tư, tình cảm cũng như hành động của từng nhân vật như Tnú, cụ Mết, rất điển hình cho những con người vùng rừng núi. Quan trọng hơn là thông qua hình tượng nghệ thuật, nó tác động cả trí tuệ lẫn tâm hồn, thâm nhập vào cả tư tưởng lẫn tình cảm, ý thức và vô thức của người đọc và chính tác giả trên phương diện giáo dục thế giới quan và các quan điểm chính trị - xã hội. Hình tượng Tnú là con đẻ của dân làng Xôman và cũng là sản phẩm của tinh thần yêu nước bất khuất, cho nên những gì mà anh đã làm, đã chiến đấu và bảo vệ chính là vì lý tưởng cách mạng. Đến đây, Tnú cũng mang vai trò như một tấm gương nhằm giác ngộ và động viên quần chúng nhân dân.
Rất đặc biệt ở các tác phẩm nghệ thuật là sự tác động của nó vào tình cảm của con người. Thông thường bao giờ tình yêu, niềm tin và sự say mê cũng đến trước sự giác ngộ. Nghệ thuật dù phản ánh có sâu sắc đến đâu trước hết cũng đòi hỏi sự xúc động. Hình ảnh của Mai hết ôm con sau lưng lại lật con ra trước ngực tránh roi quật của kẻ thù đã gây cho ta biết bao xúc động. Hình ảnh của Tnú bị đốt 10 đầu ngón tay mà quyết không kêu van đã biết bao lần làm ta vừa sợ hãi, vừa tự hào. Những hình ảnh ấy đã có chút khuyếch đại để nó trở nên lỗng lẫy hơn cao đẹp hơn nhằm đối lập với hình ảnh của những tên giặc bạo tàn “đứa nào ra khỏi làng, bắt được bắn chết ngay tại chỗ” được miêu tả hết sức chân thực, cụ thể nhằm giúp cho người đọc nhận mặt được cái xấu, khinh ghét nó, phủ định nó, trước hết trong tác phẩm và sau đó là ở ngoài đời.
Tiếp xúc với tác phẩm, có khi trong ta cũng diễn ra cuộc đấu tranh, vật lộn gay gắt giữa phần thiện và phần tội lỗi, giữa lý trí cao cả và thấp hèn.Hình tượng Tnú, Mai, Dít, cụ Mết, bé Heng là những tấm gương để người đọc tự mình soi chiếu, hoàn thiện chính bản thân để xứng đáng với những gì mà mình đã được hưởng bằng xương máu, nước mắt của bao lớp người đi trước. Qua đó hình thành quá trình tự giáo dục trong hoạt động thực tiễn. Có lẽ không có cách giáo dục nào tích cực bằng việc tác động đến tâm tư tình cảm của con người và điều này thì văn học nghệ thuật lại làm rất xuất sắc.
3. Tác phẩm văn học thì bao giờ cũng có chức năng thẩm mỹ, kéo theo đó là chức năng giải trí. Cơ bản mà nói, chức năng thẩm mỹ của văn học bộc lộ ở chỗ nó thoả mãn nhu cầu cái đẹp, phát triển năng lực và thị hiếu thẩm mỹ cho con người. Nhu cầu về cái đẹp là nhu cầu về sự lý tưởng và hoàn thiện. Nhu cầu này có ở tất cả các lĩnh vực và hoạt động của con người. Tuy nhiên, gắn với chức năng quan trọng và trọng tâm là giáo dục và nhận thức thì nghệ thuật có trách nhiệm nặng nề hơn cả. Biêlinxki đã nói: “Cái đẹp là điều kiện không thể thiếu được của nghệ thuật, nếu thiếu cái đẹp thì không có hoặc không thể có nghệ thuật. Đó là một định lý”. Trong tác phẩm, cái đẹp bao chứa cả ở nội dung và hình thức. “Rừng xà nu” đã thực sự tái hiện một không khí núi rừng rộng lớn, khoáng đạt theo chiều dài của rừng xà nu “đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”, những con người khoẻ mạnh, tráng kiện “ngực căng như một cây xà nu lớn”, “giọng nói ồ ồ, vang trong lồng ngực”. Cách miêu tả này vừa chân thực, vừa kì ảo như khắc sâu vẻ đẹp tâm hồn cũng mạnh mẽ và dũng cảm không kém bề ngoài. Để miêu tả được bức tranh về con người và khung cảnh anh hùng này, Nguyễn Trung Thành đã sử dụng khá nhiều biện pháp biểu hiện và miêu tả, đặc biệt là lồng ghép không khí sử thi – anh hùng trong tác phẩm. Tnú hiện ra qua tác phẩm vừa thực, vừa không thực như chàng Đam San bước ra từ những câu hát xưa.
Tác phẩm cũng gây trong lòng người đọc những cung bậc cảm xúc của riêng mình. Văn học là nơi nuôi dưỡng tình cảm nhân ái, cho ta biết vui buồn trước niềm vui , nỗi buồn của cuộc đời, của con người. Người đọc không thể thờ ơ trước cảnh tưởng của Mai, của Tnú; lại càng không thể dửng dưng trước sự tàn bạo của những thằng như tên Dục. Nguyễn Trung Thành đã khơi gợi những cảm động chân thành, niềm tự hào về một thời đại dân tộc hào hùng, một buôn làng trong số rất nhiều buôn làng kiên cường khác. Anh giúp người đọc biết ghét, khinh bỉ những giá trị xấu xa. Và người đọc có quyền nuôi dưỡng vào niềm tin tất thắng vào cái chân – thiện – mỹ, vào cuộc sống và tương lai, dạy ta cách xả thân vì nghĩa lớn, khát khao đóng góp cho cuộc sống xã hội, làm nó ngày càng đẹp hơn.
Tác phẩm văn học có chức năng giáo dục, khơi gợi cái đẹp một cách nhẹ nhàng, như mạch nước ngọt rỉ thấm mảnh đất khô cằn, vì thế cũng có thể hiểu văn học còn có chức năng giải trí ở khía cạnh này. Tức là một tác phẩm có khả năng thoả mãn nhu cầu về cái đẹp, thanh lọc tâm hồn và đưa người đọc đến sự thư thái, hướng người ta có niềm tin hơn vào cuộc sống. Không nên hiểu tác phẩm văn học là việc làm giết thời gian, không mục đích của nhà văn.
Sự phân tích trên chỉ là sự định hình rõ hơn về các chức năng của văn học chứ không phải là sự phân biệt riêng rẽ mỗi loại chức năng. Quan hệ giữa chúng là sự cộng hưởng được hoà âm trong một bản đàn hay được tác giả dày công sáng tạo và độc giả đón nhận một cách say sưa, thích thú.
Mọi nơi sẽ trở nên hoang vắng, tịch liêu cho dù nơi đó là thiên đường nếu không có chỗ cho trái tim trú ngụ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@tu thu tuyet18: Là bài phân tích của chính bạn đấy à? Bạn cũng kỳ công thật đó. :) Theo mình, bạn nên trình bày bài giãn ra, thoáng hơn, mọi người có ghé vào đọc cũng sẽ không thấy ngán vì chữ quá dày đặc, bạn ạ!
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

tu thu tuyet18

Uh! rất cảm ơn lời góp ý của bạn.D
Thực ra bài nay mình viết cho vui thôi,mình viết hộ một người học tại chức thấy hay hay tiện thể post luôn lên thi viên ấy mà.Rất cảm động vì đc Nguyệt Thu ghé thăm hi.D
Nhưng thực sự mình vẫn chua biết căn trỉnh phông chữ, cở chữ khi post bài lên diễn đàn,tiện thể hỏi bạn luôn nha,hi
Cảm ơn nhiều lắm.D
Mọi nơi sẽ trở nên hoang vắng, tịch liêu cho dù nơi đó là thiên đường nếu không có chỗ cho trái tim trú ngụ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Có hướng dẫn ở đây nè bạn: http://www.thivien.net/forum_viewtopic.php?UID=hfAZsyqts7EN7K45L3HOuQ

*Với cỡ chữ, bạn dùng thẻ
size (...) /size

Ví dụ: size=2( hoặc 3,4...)

* Với font chữ, bạn dùng thẻ
font (...) /font

Ví dụ:

font=Arial ( hoặc các font khác)
Lưu ý: thẻ size và font phải được đặt trong dấu ngoặc vuông [...]

Bạn hãy theo link dẫn để đọc, bạn sẽ tìm thấy nhiều thẻ sử dụng khác để trang điểm thêm cho bài viết của bạn đấy.
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

tu thu tuyet18

U rất cảm ơn NT.D
Mọi nơi sẽ trở nên hoang vắng, tịch liêu cho dù nơi đó là thiên đường nếu không có chỗ cho trái tim trú ngụ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

thanhipay

Hay quá
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

khong_co_gi

đúng là hay và rất kỳ công nhưng mà giá như nó dễ nhìn hơn một chút.....tôi đọc xong hình như cận lên thêm 1 độ
không có ai - biển vẫn mãi biếc xanh
không có ai - đêm vẫn sầu u tịch
không có ai - xung quanh ta là tượng đá
không thiếu ai - không còn ai - không có ai
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài viết)
[1]