Trang trong tổng số 2 trang (13 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Natasha

NHỮNG NGƯỜI TÌNH CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

Bùi Ngọc Long
March 29, 2009


Tình yêu muôn thuở - Bài 1: Ðôi bạn thơ đa tình  


Thời đại internet đã dần thay đổi các phương thức thể hiện tình yêu. Các bạn trẻ của "thế hệ @" có thể không cần đến bức thư tình viết tay diễm lệ, không biết chuyện "trồng cây si" trước cổng trường... Thế nhưng một thời cách đây chưa xa, người ta đã yêu như vậy.
Chiều bên quán vỉa hè trên đường Ðoàn Thị Ðiểm, nhìn ra Thành Nội với cánh cửa Hiển Nhơn rêu phong, mỗi lần về Huế nhà thơ Lê Văn Ngăn lại ngồi lai rai vài chai bia Huda với bạn bè cố cựu. Con đường này, thế hệ thanh niên Huế những năm 60 thế kỷ trước vẫn quen gọi tên theo ca từ của Trịnh Công Sơn là "đường phượng bay". Cũng tại nơi này, có một quán cà phê mà nhạc sĩ và bạn bè thường ngồi để nhâm nhi mỗi khi chiều đến. Trải qua bao nhiêu năm, quán đã thay chủ, đường cũng thay tên, nhưng nỗi miên man của những người nghệ sĩ già vẫn vậy. Cuộc lai rai cứ sau vài chai thăm hỏi, những nghệ sĩ già lại trở về với khung trời xa vắng. Và nhà thơ Lê Văn Ngăn bao giờ cũng hồi tưởng về kỷ niệm khó phai của những mối tình đầu chóng vánh. Chí ít cũng đã hơn 30 năm, những kỷ niệm đó qua lời kể hóm hỉnhduyên dáng của nhà thơ, vẫn nồng nàn cảm xúc.
Nỗi nhớ... cà rem
Câu chuyện thứ nhất kể về một người bạn gái của nhà thơ thời còn là học sinh trường Tiểu học An Cựu. Thời đó, các học sinh con nhà khấm khá lắm mới có tiền ăn quà vặt. Và món "thượng đẳng" cũng không gì sang hơn cây cà rem mát lạnh đầy cám dỗ với âm thanh leng keng ngay trước cổng trường, giờ tan học. Những đứa trẻ thời đó, ăn cà rem đâu dám cắn mà chỉ mút cho vị ngọt mát tan dần trong miệng, để kéo dài niềm khoái cảm.
Người bạn gái của nhà thơ là con nhà khá giả. Cứ nhìn cảm xúc trào dâng qua lời kể, đủ thấy hai người chừng như đã có tình ý với nhau. Mỗi buổi tan trường, cô gái kiêu hãnh với cây cà rem trên tay. Thèm lắm, nhưng nhà thơ vẫn "giữ thể diện" nên đâu dám ngỏ lời xin... ăn ké. Một bữa, gần đến tiết hè, trời Huế oi nồng nóng bức. Vừa bước ra khỏi cổng trường, nhà thơ đã thấy cô bạn gái cầm cây cà rem. Không kiềm chế được nỗi thèm, nhà thơ liều mình xấn tới. "Cho mình mút cái!" - câu nói khó khăn nhất bật ra khỏi miệng. Người bạn gái liếc mắt đầy ẩn ý. Nhà thơ tiến tới sát hơn. Cô gái đưa cây cà rem đến gần miệng nhà thơ thì... rút lại. Nhà thơ năn nỉ: "Cho mút cái nờ!". Cô gái lại đưa que cà rem ra. Khi nhà thơ vừa há miệng đủ để ngậm lấy cây cà rem thì bất ngờ một ngón tay ướt đã chìa vào miệng. Thay vì được hưởng một miếng ngọt ngào mát lạnh, nhà thơ lại đón nhận một hương vị hoàn toàn trái ngược. Ngón tay vừa nóng vừa mặn. Cô gái cười tinh quái rồi bỏ chạy mất hút sau đám học trò nhí nhố. Nhà thơ đứng lại một mình với nỗi thẹn thùng ngơ ngẩn. Chỉ có vậy, mà cái ngón tay người con gái đã bám theo nhà thơ đến tận bây giờ...

(Còn tiếp)
"Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu".
Mời anh uống cạn chén này
Nỗi sầu vạn cổ thả bay cuối trời.
(Thơ Đường)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Natasha

(Tiếp theo)

Rung động trên cầu Tràng Tiền

Câu chuyện thứ hai cũng liên quan đến một người con gái. Thời chàng trai đa tình Lê Văn Ngăn còn học trung học, cứ mỗi chiều lại rong ruổi khắp phố phường của miền núi Ngự sông Hương để tìm ý thơ. Buổi chiều, những chàng trai hay đi bộ trên cầu Tràng Tiền để chờ đợi những tà áo dài tan học. Trong số những nữ sinh mơ mộng ấy, nhà thơ để ý một người. Cô gái dường như đã biết được tình ý nên cũng thường xuyên thả gót tha thướt dạo qua cầu. Không ai nói với ai câu nào, chỉ có ánh mắt vẫn nhìn nhau. Ðã thành một thói quen, hôm nào trên cầu thiếu bóng dáng của người con gái ấy là đêm về nhà thơ khắc khoải chẳng thể ngủ yên.
Một ngày, cô gái không đi bên kia đường như mọi khi. Nàng đột ngột đổi hướng đi qua ngang lối mà nhà thơ vẫn đứng nhìn. Trái tim chàng trai trẻ rung lên. Khoảng cách rút ngắn dần cho đến khi hai người chạm mặt. Cô gái e thẹn bước ngập ngừng, trong khi nhà thơ đứng chết lặng. Khi cô gái sắp bước qua nơi nhà thơ đứng, một làn gió nhẹ thổi tung tà áo dài vương vào bàn tay của chàng thi sĩ. Cái cảm xúc lướt qua nhanh ấy không thôi cũng đủ làm nhà thơ ngất ngây niềm hạnh phúc, để thành thơ:
"Không phải chỉ một mình tôi dưới rặng thông đêm
vì bên tôi còn có tiếng chân em dẫm lên mặt đường mười năm trước
vì bàn tay tôi còn nguyên cảm giác khi chạm vào tà áo em mười năm trước.
Không phải chỉ một mình tôi trở về căn phòng trọ
ngồi lại bên ngọn đèn và trang sách mở
Ngỡ như em sắp thức dậy nhen lửa trong tiếng mưa khuya"
(Không phải như thế)

Trao thơ tình cho tình địch

Một chuyện tình khác khá ngô nghê liên quan đến cả nhà thơ Lê Văn Ngăn và người bạn chí cốt của anh là cố nhà thơ Thái Ngọc San. Hai nhà thơ là bạn thân từ phong trào sinh viên tranh đấu. Nếu như Thái Ngọc San bụi đời và quyết liệt chừng nào thì Lê Văn Ngăn trầm lắng và mơ mộng chừng ấy. Câu chuyện họ cùng nhau trốn lính trên một căn gác nhỏ của Thư viện Ðại học Huế diễn tả tính cách hồn nhiên thi sĩ của Lê Văn Ngăn. Ðó là những năm tháng đấu tranh khốc liệt nhất của phong trào sinh viên miền Nam. Ðể tránh những cuộc bố ráp lùng sục của cảnh sát chế độ cũ, hai chàng trai đã lên trú ẩn trên căn gác nhỏ của một thầy giáo trên tầng hai của thư viện. Nơi đây, họ bàn tính chuyện kết nối đường dây để thoát lên rừng. Một lần đang ngồi chờ liên lạc với một đầu mối trong nội thành Huế, Lê Văn Ngăn chợt suy tư: "Ê, San này, lên rừng mình có được uống cà phê không hè?". Nhà thơ Thái Ngọc San cười: "Người ta đang lo bao thứ lớn lao của cuộc cách mạng, chỉ riêng một mình Lê Văn Ngăn đi lo chuyện lên rừng không có cà phê".
Ðiều thú vị là cả hai nhà thơ đa tình này đều làm thơ tán gái. Nhà thơ Lê Văn Ngăn, vốn cũng là bạn rất thân với N.Y.Th. Ông Th. có một người em gái mà nhà thơ Lê Văn Ngăn rất mê nên đã nhiều lần làm thơ để tặng. Những bài thơ tặng người con gái này thường được tác giả gửi qua một người bạn trai khác trong nhóm để nhờ làm "chim xanh". "Chim xanh" vẫn nhận thơ của chàng thi sĩ mơ mộng đều đặn nhưng thơ đi mãi vẫn không thấy hồi âm. Chiến tranh đến hồi ác liệt và người bạn trai làm "chim xanh" bị địch bắt đưa ra Côn Ðảo. Sau năm 1975, đất nước giải phóng, người tù cách mạng trở về và ngay sau đó anh làm đám cưới với người đẹp. Lúc này, Lê Văn Ngăn mới vỡ lẽ ra rằng anh đã trót trao thơ tình cho chính tình địch !
Trong khi đó, nhà thơ Thái Ngọc San cũng làm thơ tặng một cô gái khác. Cô gái này không ai khác chính là người hiện đang "đầu bạc răng long" với nhà thơ Lê Văn Ngăn. Những lần về Huế giỗ bạn, nhà thơ Lê Văn Ngăn vẫn thường tiết lộ với bạn bè "những bài thơ nớ như răng chừ mình cũng không được biết, vì đó là tài sản riêng của vợ"...

(Còn tiếp)
"Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu".
Mời anh uống cạn chén này
Nỗi sầu vạn cổ thả bay cuối trời.
(Thơ Đường)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Natasha

(Tiếp theo)

Tình yêu muôn thuở - Bài 2: Bốn nàng kiều nữ tên Mi  

Huế, những năm 1950-1960, có bốn chị em xinh đẹp, đài các nghiêng nước nghiêng thành, khiến bao chàng trai mất ăn, mất ngủ. Con đường nơi họ sống đã trở thành điểm đến của bao văn nhân mặc khách và từ đây cũng khai sinh ra thú bát phố lịch lãm một thời.
Người đẹp làm thơm những con đường
Bốn cô gái là con nhà quyền quý sống ở ngôi nhà số 11 đường Giao Thủy xưa (nay là các nhà 15-17-19 đường Phạm Ngũ Lão - TP Huế). Con đường ấy xưa kia có nhiều gốc me già cổ thụ nên được người dân quen gọi đường Hàng Me.
Nhà văn, dịch giả Bửu Ý, cũng là cư dân gắn bó hơn hai phần ba đời mình với con đường này kể: "Bốn chị em sắc nước hương trời này đều có chung một cái tên rất lạ: Mi. Người chị đầu Trà Mi, có cặp mắt đen thăm thẳm, nét mặt thường tự nhiên và ít cười, dáng đi đài các. Cô thứ hai tên Kiều Mi hiền lành thoắt biến thoắt hiện, như không muốn ai chú ý tới mình. Nga Mi có một sắc đẹp khác với hai chị, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống.
Cô em út Diệm Mi có nét đẹp như thể thu góp hết mọi sắc hương của những người chị: trong bóng, hồng mọng, tưởng chừng rất dễ vỡ, tưởng chừng cặp mắt nam nhi nào nhìn vào cũng đều bị biến thành hàng phàm phu tục tử". Gia đình của họ sau này còn có thêm cô cháu Diễm Mi trở thành hoa hậu, diễn viên điện ảnh nổi tiếng.
Thời ấy, con trai Huế hiền lành, ngơ ngác chỉ biết giắt sẵn bên mình thú vui "bát phố" (dạo phố không mục đích gì rõ rệt) hay đi nghễ (hóng hớt người đẹp). Con đường Hàng Me vì có bốn nàng xin đẹp tên Mi nên thường thu hút thanh niên trong thành phố. Ban ngày, mùa hè con đường râm ran hợp tấu ve sầu.
Ban đêm, đặc biệt là những đêm trăng, chẳng rõ từ đâu tụ hội về đây từng đoàn nam thanh nữ tú, lóc cóc, lanh canh guốc mộc nhộn nhịp cả con đường. Hồi ấy, thanh niên bát phố đi bộ là phần lớn. Nhiều nhất vẫn là guốc mộc, rất ít đi dép, chỉ độc một loại sandale nửa giày nửa dép (chủ yếu để đi trong nhà).
Bốn người đẹp tên Mi thời đó thường thả gót tản bộ đến trường Ðồng Khánh từ con đường Hàng Me, khiến bao chàng trai phải ngày nhớ đêm thương. Con phố nơi các nàng đi qua chừng như cũng thơm lên theo từng bước chân đài các.

Hé lộ chuyện tình Mi nữ

Bây giờ khi yêu kiều nữ người ta thường tặng cho nhau điện thoại di động đắt tiền, xe tay ga, xế hộp và thậm chí còn hơn thế nữa. Thế nhưng cách đây hơn ba chục năm, những kỷ vật yêu vô cùng lãng mạn. Nhà văn Bửu Ý hồi tưởng: "Hồi nớ có mấy món để con trai và con gái thể hiện tình cảm với nhau. Món phổ biến cho mọi giới là thư tình. Sau đó là những bài thơ tình chép tay ép cùng hoa khô trong trang sách. Tiếp nữa là món tóc thề, rồi đến chiếc khăn thêu".
Thư tình là thứ mà cả người con trai và con gái đều mong đợi. Cứ mỗi sáng, mỗi chiều hai bận người đưa thư đi qua mỗi con phố đều có những chàng trai cô gái hóng hớt chờ trước cửa. Người đưa thư vì thế trở thành hình tượng mang thông điệp tình yêu thân thiết với mọi gia đình. Có một bài hát mà hồi ấy chàng trai cô gái nào cũng thuộc và mỗi sáng mỗi chiều đều ngâm nga khi bóng dáng người đưa thư đi qua không ghé lại: "Người đưa thư đã đi qua/Mà cớ sao không dừng, mà cứ đi, cứ lạnh lùng đi/Ðừng quên nhé, có chăng cho ta một lá thư hồng, đỡ tủi lòng ta sớm hôm mong chờ" (Người đưa thư đã đi qua, nhạc Trần Trịnh).
Nếu như thư tình là nơi người ta bày tỏ tình cảm trực tiếp thì những bài thơ tình chép tay ép trong trang sách lại mang thông điệp yêu ý nhị và xa xôi. Cách bày tỏ tình cảm này thường tránh cách nói trực tiếp mà mượn lời qua những bài thơ tình nồng nàn. Lớp thanh niên cách đây hơn ba chục năm có thói quen mong chờ và chuyền tay nhau những cuốn sách của hai dòng văn học siêu thực và hiện sinh của phương Tây. Cứ mỗi chiều, các hiệu sách nổi tiếng ở Huế như: Ưng Hạ, Văn Minh... lại nườm nượp nam thanh nữ tú.  
Ở đó họ kiếm tìm những cuốn sách mới của Saint Exupery, Jean Paul Sartre, Albert Camus, thơ tình J.Prevert, Apollinaire... và những cuốn sách bỏ túi in thơ tình của Xuân Diệu, Huy Cận... và cả những nhà thơ miền Bắc như Quang Dũng, Hữu Loan... Sách được chuyền tay nhau đọc và đi kèm theo cuốn sách bao giờ người nhận cũng mong chờ bên trong đó có những bài thơ chép tay, hay những chiếc khăn thêu còn vương hương nồng tình tứ.
Ðộc đáo nhất vẫn là "món tóc". Nhà văn Bửu Ý nói: "Hồi ấy tóc là thứ thiêng liêng lắm. Người con gái thường vẫn giữ mái tóc thề óng ả của hương nồng bồ kết. Cắt tóc là một điều vô cùng tối kỵ, người ta chỉ cắt tóc khi có biến cố lớn trong đời hoặc cắt một dúm tóc thề ép vào trang sách tặng người yêu. Khác với bài thơ chép tay, chiếc khăn thêu hay cánh hoa hồng là biểu trưng của tình yêu bắt đầu đầy hy vọng, "món tóc thề" lại chuyển tải thông điệp một tình yêu day dứt bất thành vì ngang trái. Tất cả những kỷ vậy ấy đều mang giá trị tinh thần, được nó người ta hạnh phúc đến ngây ngất".
Bốn người đẹp tên Mi trên đường hàng me có lẽ là đối tượng đón nhận nhiều nhất những kỷ vật yêu kiểu này. Nhà văn Bửu Ý "bật mí": "Hồi ấy ít nhất có tới hai vị giáo sư đại học theo đuổi các nàng, nhưng đều không được đáp lại".
Thế nhưng, trong số bốn nàng tên Mi, thì Nga Mi, cô em thứ ba đã từng phải lòng Trịnh Công Sơn. Khác với vẻ đẹp đài các và mảnh mai của hai chị đầu, Nga Mi có vẻ đẹp như nàng Vệ nữ (Venus), khỏe khoắn, tràn đầy sức sống. Giữa Nga Mi và Trịnh Công Sơn, theo Bửu Ý là "không chỉ dừng lại ở hai chữ tình ý mà tình cảm còn đi xa hơn chút đỉnh".
Nghĩa là họ đã có những cuộc gặp gỡ, hẹn hò. Nhưng: "Cụ Sơn không phải tuýp người yêu bằng nỗi khát khao sở hữu. Sơn chỉ say đắm với những giao cảm tâm hồn, nên với Nga Mi, Trịnh Công Sơn cũng có e dè, không dám tiến tới" - nhà văn Bửu Ý nói.
Cô em út Diệm Mi, có vẻ đẹp thánh thiện và đầy đặn xem chừng lại "có cảm tình" với thầy giáo của mình là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thời ấy Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa là thầy giáo dạy ở trường Quốc Học và Ðồng Khánh. Chàng trai tài hoa, dạy giỏi này vì thế đã chiếm được cảm tình của Diệm Mi. Tình yêu thời ấy thiên về mộng tưởng, nên rất đẹp và lãng mạn. Nhà văn Bửu Ý cho rằng, chính những tình yêu như thế này đã có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn con người rất mãnh liệt. Thứ tình yêu vừa xa vừa gần, vừa thực vừa mơ như thế đủ sức dung dưỡng để các nghệ sĩ thai nghén những áng văn hay, những vần thơ đẹp.
Thế rồi, không một ai trong giới văn nhân mặc khách có diễm phúc "kết tóc xe duyên" cùng các nhan sắc. Trong ánh mắt xa xăm chợt buồn, nhà văn Bửu Ý buông lời: "Hồng nhan đa truân". Trong số bốn người đẹp tên Mi, chỉ có người chị đầu có cuộc sống khá bằng phẳng, vì cô đã kết duyên cùng với một bác sĩ và sống một cuộc sống hạnh phúc. Còn lại cả ba cô đều phải tình duyên đứt đoạn. Riêng cô út Diệm Mi, bây giờ đang sống một mình tại Pháp và nghe đâu cũng tuổi già đơn độc.

(Còn tiếp)
"Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu".
Mời anh uống cạn chén này
Nỗi sầu vạn cổ thả bay cuối trời.
(Thơ Đường)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Natasha

(Tiếp theo)

Tình yêu muôn thuở - Bài 3: Những "hot girl" thời tao loạn




Cùng với vẻ đẹp đài các kiêu sa của 4 chị em tên Mi, những năm của thập niên 60, có những bóng hồng khác đã trở thành "hot girl" làm "xớn rớn" các đấng tu mi.

Nàng "Nậm Hương"

Từ sau phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963, ở trường nữ sinh Ðồng Khánh - Huế bỗng nổi lên một "hot girl". Cô gái là con một gia đình quý phái ở Huế.
Cuốn bút ký tả thực về những thất bại bi thương của binh lính chế độ cũ trên chiến trường những năm tháng chiến tranh ác liệt. Khác với anh mình là một sĩ quan của chế độ cũ, ở Huế "Nậm Hương" hăng hái lao vào các cuộc xuống đường. Cô học trò cắt tóc đờ-mi có tính cách mạnh mẽ như con trai và sexy như phương Tây, đã trở thành "hot girl" của lớp thanh niên thời tao loạn.
Theo lời kể của anh Cao Hữu Ðiền và Thái Nguyên Hạnh, "Nậm Hương" là mẫu con gái phá cách và có lối sống rất "hiện sinh". Thời buổi ấy, con gái nhà lành ở Huế, tối đến là tắt đèn đi ngủ. Thế nhưng, "Nậm Hương" lại có mặt ở những tụ điểm dancing, chiều chiều lại dạo phố bằng xe mobilet trong trang phục hai mảnh và thỉnh thoảng xuôi về biển Thuận An phơi mình trên cát trắng.
Anh Cao Hữu Ðiền kể, "Chính vì bóng hồng "Nậm Hương" mà nhóm của anh thường rủ nhau về biển Thuận An để "ngắm" nàng. Có lần nhóm anh, có cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đang ngồi ca hát trên bãi biển. Ánh trăng non bàng bạc. Xa xa "Nậm Hương" xuất hiện. Nàng từ phía biển đi vào làm cả nhóm nhao lên. Biết có người ngắm mình, nhưng nàng vẫn tự nhiên rảo bước phơi bày cả "tòa thiên nhiên" trước mắt các nghệ sĩ. Trịnh Công Sơn liền trườn người tới. Chi tiết này hé lộ một điều Trịnh Công Sơn không phải như những gì mà lâu nay mọi người hay tiên đoán, giả thiết.
 
Vũ nữ sexy duy nhất

Cùng với nàng "Nậm Hương", giảng đường trường sư phạm đã dậy sóng với một người con gái khác. Ðó là nàng Kim Thành, quê ở Quảng Nam, ra Huế trọ học ở nhà ông Tôn Thất Cổ, trên đường Hàng Me (cùng đường với 4 người đẹp tên Mi mà bài trước đã nói).
Nhà văn Bửu Ý hồi tưởng: "Thời ấy tôi mới học đại học năm thứ 3 nhưng cũng đã đi dạy học ở trường Quốc học và Ðồng Khánh. Kim Thành là nữ sinh ban Sinh ngữ (tức ngoại ngữ bây giờ). Kim Thành học năm thứ hai". Khác với bốn nàng tên Mi đẹp dịu dàng và e thẹn, Kim Thành thường ngày vẫn ngây thơ, hiền lành và duyên dáng. Cô có thân hình đẹp rất venus, khỏe khoắn và gợi cảm.
Hằng ngày Kim Thành đi học vẫn giữ vẻ kín đáo của con gái nhà lành. Một lần, trường có văn nghệ, một kiểu sinh hoạt ngoại khóa như hội trại của học sinh, sinh viên thời nay, người ta bỗng thấy Kim Thành xuất hiện trên sân khấu với màn múa sexy trong trang phục hai mảnh. Nhà văn Bửu Ý nói: "Vũ điệu sexy của nàng đã làm cả trường sư phạm "xớn rớn". Trên sân khấu Kim Thành đã tự tin phô diễn gần như trọn vẹn cơ thể tròn đầy và gợi cảm của mình trước hàng trăm con mắt nam sinh viên.
Sau khi xuất hiện gây xôn xao cả giảng đường và thành phố Huế lần ấy, Kim Thành còn nhiều lần trình diễn vũ điệu sexy trên sân khấu. Hình ảnh tươi mát của cô lập tức trở thành đề tài "hot" trong các quán cà phê, các tụ điểm của thanh niên Huế. Nàng chính thức trở thành "hot girl" đóng đinh một thời gian dài trong tâm thức của một lớp thanh niên trí thức thời bấy giờ.
Nhà văn Bửu Ý đúc kết: "Mà không phải ngày xưa đâu, cho đến nay, ở Huế, tôi vẫn chưa thấy nữ sinh nào "bạo" như vậy".

(Còn tiếp)
"Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu".
Mời anh uống cạn chén này
Nỗi sầu vạn cổ thả bay cuối trời.
(Thơ Đường)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Natasha

(Tiếp theo và hết)

Bài cuối: Những người tình của Trịnh Công Sơn


Người đẹp Lưu Thị Kim Ðính thời xuân xanh, một trong những nhan sắc Huế được Trịnh Công Sơn chú ý
(Do chưa kịp gửi ảnh, mong các bạn tha lỗi, sẽ post len khi có thời gian rỗi hơn-NTS)

Những ai từng yêu nhạc Trịnh Công Sơn chắc chắn không khỏi tò mò về những "nhan sắc" trong ca khúc của ông. Ngoài nàng Diễm đã được nhiều người biết tới, vẫn còn rất nhiều mỹ nữ khác chưa được nêu tên.

Nàng Dao A.

Nếu như nhân vật Diễm trong Diễm xưa đã từng được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tự bạch: "Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường Ðại học Văn khoa ở Huế... Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận... Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là "Diễm của những ngày xưa".
Khác với cách nói mơ hồ của Trịnh Công Sơn, nhà nghiên cứu Nguyễn Ðắc Xuân, cho rằng: "Diễm xưa của Trịnh Công Sơn chính là cô Bích Diễm, con gái thầy Kh. - người Hà Nội, dạy Pháp văn tại trường Ðồng Khánh và trường Quốc Học Huế. Bích Diễm giống bố, người dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng... Trịnh Công Sơn trút hết nỗi lòng yêu Diễm vào bài Diễm xưa như sau này Sơn đã kể lại nhiều lần".
Nhưng theo Nguyễn Ðắc Xuân, bên cạnh nhan sắc Diễm xưa còn có một thiếu nữ khác gắn bó với nhạc Trịnh mà ít ai biết, đó là nàng Dao A. "Những lúc Trịnh Công Sơn đến nhà Diễm, thì Dao A. - em gái của Diễm còn là một cô bé, nhỏ hơn Diễm đến bốn năm tuổi, chạy loăng quăng theo chị. Không ngờ chỉ mấy năm sau Dao A. trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương khác thường. Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, nói như Ðinh Cường "Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao A. để rồi thất vọng, để rồi...".


Nga Mi - người đẹp trong gia đình bốn chị em tên Mi, cũng từng "gắn bó" với Trịnh Công Sơn (Ảnh do nhà văn Bửu Ý cung cấp)
(Do chưa kịp gửi ảnh, mong các bạn tha lỗi, sẽ post len khi có thời gian rỗi hơn-NTS)

Khác với những lần yêu trước, thất vọng về Dao A., Trịnh Công Sơn không bắt nhạc của anh phải mang cái gánh thất tình của anh. Không ngờ hai mươi năm sau, trải qua bao nhiêu dâu bể, từ bên Mỹ, Dao A. trở về VN tìm Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao A. nói gì với Sơn, và còn gì nữa không, mà anh đã rất hài lòng với thực tại. Chính Dao A. là cảm hứng cho Trịnh Công Sơn viết: "Hai mươi năm xin trả nợ dài/Trả nợ một đời em đã phụ tôi" (Xin trả nợ người). Trong hai mươi năm ấy, Dao A. đã có gia đình, đã hiểu rõ cuộc đời, nên "hết phụ" tình Trịnh Công Sơn. Như Ðinh Cường đã viết: "Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao A. về thăm, suốt tuần sáng nào A. cũng đến ngồi trên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà."

Nguyệt trong Nguyệt ca

Những năm tháng ở Huế, ngoài Bích Diễm, Dao A., Nga Mi như đã nói,  Trịnh Công Sơn còn "gắn bó" với một nữ sinh Ðồng Khánh đẹp thâm nghiêm, quý phái của nét gia phong nơi phủ đệ ngày trước. Cô gái con nhà khuê các tên Minh Nguyệt ở bên kia thôn Vỹ. Lật cuốn album cũ, nhà văn Bửu Ý đã chỉ cho tôi tấm hình đen trắng của người đẹp quý phái này. Tấm hình được lưu giữ cẩn thận hơn ba chục năm qua nhưng vẫn còn giữ được một nét đẹp Huế nền nã. Người nữ sinh Ðồng Khánh trong khuôn hình chụp bán thân với vành nón lá rộng. Nét mắt tròn đầy một nét đẹp thanh tú. Bửu Ý kể, trong số những người đã từng "phải lòng" Trịnh Công Sơn, nàng là người mà Sơn yêu sâu sắc nhất. Ðó là một tình yêu kín đáo, không mang bóng dáng của nỗi khát khao chiếm đoạt. Chính người con gái này mà Trịnh Công Sơn đã có những ca khúc yêu đương rạo rực:
"Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi
Từ khi trăng là nguyệt em mang tim bối rối
Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui
Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời
.....
Từ trăng thôi là nguyệt tôi như đường phố nhiều tên
Từ em thôi là nguyệt tôi xin đứng đó một mình"
(Nguyệt ca)

Nhà văn Bửu Ý cho biết, ngoài những người đẹp để lại dấu ấn trong đời và nhạc Trịnh Công Sơn như trên còn có những người đẹp thoáng qua như Cao Thị Phố Châu, Lưu Thị Kim Ðính, Hà Thị Như Nguyện... Những người đẹp này không chỉ được Trịnh Công Sơn chú ý mà hầu như thanh niên trí thức cả thành phố Huế hồi đó cũng đều để lòng theo đuổi.

Bùi Ngọc Long
(NTS sưu tầm từ Tuổi trẻ Việt Hải ngoại 15/5/2009.
"http://www.thanhnien.com.vn/News/Pictures/Tieukhuong/2603200914.jpg" \*)
"Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu".
Mời anh uống cạn chén này
Nỗi sầu vạn cổ thả bay cuối trời.
(Thơ Đường)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa bim bim

Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn ngày đầu quen nhau


(Hồng Nhung)

"Tôi 20 tuổi, nhỏ bé với đôi vai gầy guộc, còn anh, người đàn ông không tuổi, đôi mắt sáng, dáng xiêu xiêu. Tôi chào và nhận lấy sự trìu mến từ hơi ấm nơi bàn tay anh và chẳng còn để ý đến xung quanh mình đang có rất nhiều người nổi tiếng. Nhạc nổi lên, ai đó đang hát: Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi".

Đó là những hồi ức về Trịnh Công Sơn của một người con gái mà ông "không biết gọi là ai".

Đấy là khoảng thời gian mà tôi thấy không hề bận rộn và hối thúc, lúc thì quây quần bên những người bạn, đàn hát say sưa, khi thì đi xem tranh ở triển lãm, hay chỉ có hai anh em ngồi ở nhà anh, nơi nhìn ra khu vườn trải sỏi, mà trò chuyện bâng khuâng… Tôi bắt đầu tập những bản tình ca của anh, mở đầu bằng "Em hãy ngủ đi". Anh hay nhìn tôi cười: "Sao người nhỏ mà hát mạnh quá vậy". Những tối cuối tuần, chúng tôi đến hát ở quán nhạc sĩ. Với tôi, nơi ấy là cả một vườn âm nhạc, của sự đồng cảm và vui thích:

"…Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…".

"Anh Sơn ơi, có người phụ nữ nào đẹp đến thế này?". Anh nhìn tôi, đôi mắt sáng vốn lúc nào cũng như đang cười, bỗng ánh lên. Kỷ niệm đang trở về. Anh bỏ sang phòng ngủ một chốc rồi quay lại với cuốn album dày. Từng trang ảnh cũ lật qua, người phụ nữ trẻ trong ảnh đang mỉm cười. Cô đẹp thật, kiểu đẹp e ấp ngày xưa. Lần đầu tiên, tôi ý niệm "Như cánh vạc bay" là có trong đời thật. Rồi anh chỉ cho tôi người đẹp "Diễm xưa", nói chuyện với tôi về cô gái trong "Tôi ơi đừng tuyệt vọng"… Hàng giờ trôi qua, tôi như bị hút vào trong một cuốn phim đầy hình ảnh sống động của quá khứ. Trưa hôm ấy, trời không nắng, gió chẳng lay động cây cối ngoài khu vườn nhỏ. Chỉ nghe thấy giọng anh ấm và nhẹ, cứ từ từ kể lại cho tôi hay, cho chính mình nghe kỷ niệm về tình yêu của anh.

Anh Sơn luôn dành tình cảm ưu ái cho phái đẹp. Những người bạn là phụ nữ đến nhà bao giờ cũng được anh đãi khi thì trái cây, khi thì kẹo chocolate… Có ai đó than phiền là thời gian đi nhanh quá, để tuổi trẻ sắp trôi qua rồi, anh đùa: "Phụ nữ ai cũng chỉ đến 25 tuổi thôi, còn những năm sau đó là những năm kinh nghiệm!".

Con người thì biết được thời gian, còn những bản tình ca của anh sẽ ở lại mãi với những người đàn bà không có tuổi. Trong bài hát của anh, với tình yêu hồn nhiên tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa lời và nhạc, tôi đã gặp một phụ nữ đẹp:

"Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi…".

Anh đã chỉ cho tôi rằng hạnh phúc là khi sống thật với cảm xúc của mình, yêu thương và nâng niu những điều đẹp đẽ. Và điều đẹp nhất trên đời chính là con người và sự cần có nhau trong đời sống.

nguồn: Theo Người Đẹp Việt Nam
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa bim bim

Hoa bim bim đã xoá.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

anson


CỎ XÓT XA ĐƯA-ÂN HỒNG SƠN
Nhạc và lời: TRỊNH CÔNG SƠN

Sơn xin góp chút lời nhạc của Trịnh Công Sơn mà Sơn thể hiện không hay lắm mong bạn đừng cười! xin cảm ơn những người đồng cảm với nhạc Trịnh ở thế giới bên kia chắc nhạc sĩ cũng an lòng!
Nói bằng trái tim mình
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Trịnh Công Sơn thương một người để nhớ một người


Tôi có chút duyên để biết, ít nhất, “Một mình qua phố”, “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Hai mươi năm xin trả nợ người, 1995” dành cho chỉ một người.
Trong cái tinh sương với tiếng nhạc phảng phất “ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại”, tôi ngẫm nghĩ anh Sơn sao hiểu mình thật sâu, thật lắng đọng để làm cho mình và để lại cho người những câu thơ nhạc vĩnh cửu, vĩnh hằng: “Đôi khi ta lắng nghe ta, nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá. Hồn ta gió cát phù du bay về”.
Anh Sơn viết cho bao người yêu dấu mà cũng chính cho Anh. Mà chính viết cho Anh nên ai cũng cảm nhận được là của mình đấy. Gần đây, trước ngày kỷ niệm ngày Anh mất, có cuộc giao lưu về “Diễm xưa” với sự xuất hiện của “Diễm nay”. Có lẽ vì thế, có một người bạn, gọi là rất thân của anh Sơn, tuyên bố một cách không Trịnh Công Sơn tí nào, là “Trịnh Công Sơn “Thương và Yêu” những kiều nữ khác là để đi tìm hình ảnh DIỄM XƯA”.
Tôi tin là nếu Trịnh Công Sơn có mặt trong cuộc trò chuyện hàn huyên đó, anh ấy sẽ nói rằng, mỗi người, một lúc nào đó THẬT SỰ là PHẦN ĐỜI của tôi. Không có sự mượn hình bóng này để bắt lại hình bóng khác đâu. Vâng, tính nhân ái của Trịnh Công Sơn phải chăng là sự trân trọng, kín đáo nhẹ nhàng với “một quá khứ khép lại qua một bài ca thơ”.
Nhưng riêng “Hai mươi năm xin trả nợ người” vừa nói lên sự thống thiết của niềm đau “Tình xa” (1965-1975). Không chỉ hai mươi năm mà lại ba mươi năm! Mười năm tình xa để hai mươi năm xin trả nợ người. Và những câu kết của sự “trả nợ” này lại rất dịu dàng, kín đáo là “thương hoài” đã nối lại, như “hai mươi năm vẫn là thuở nào” để “nợ lại lần này trong cõi đời nhau”. Như Nguyễn Công Phú, một người bạn mà có thể xem như là “Tôi” đã viết gần đây, THƯƠNG hình như là phạm trù cuối đời mà TCS gần gũi nhất.
Để nói được, nợ trả hai mươi năm chưa đủ đâu. Mà thương quý đôi bên còn có ngày mai dài lâu, bây giờ thì lại muôn thuở rồi. Ít nhất là người của MỘT CÕI ĐI VỀ.
Ai, Trịnh Công Sơn vẫn quý vẫn thương. Mỗi “vẫn quý vẫn thương” không là một hằng số mà là biến số của từ THƯƠNG, một từ có rất nhiều cung bậc tùy theo tâm trạng, hoàn cảnh, thời gian, … Một điều chắc chắn, một hay hai, ba bài tình ca của Trịnh Công Sơn là liên quan đến một người! Và rất thật.
Sáng sớm nay, tôi hơi Đông - Ky - Sốt để “thay” Anh Sơn từ xa nói vọng về (xin người đọc hiểu cho chữ thay trong ngoặc kép, vì tôi là gì đâu mà dám thay Trịnh Công Sơn! Có chăng là cũng THƯƠNG tất cả người mà Trịnh Công Sơn thương, người trong chừng mực nào đó có thể là chị của mình!) là “những dòng sông nhỏ” rồi cũng ra đến biển khơi.
Khác chi, có một con sông nhỏ nào đó “bỏ đi” từ thượng nguồn, nhưng rồi vẫn mơ màng, quyến luyến để trước khi đổ ra biển lại không xa lắm phần còn lại của con sông lớn, Trịnh Công Sơn.
Tôi có chút duyên để biết, ít nhất, “Một mình qua phố”, “Cuộc tình nào đã ra khơi” (Tình xa, 1969), “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Hai mươi năm xin trả nợ người, 1995” dành cho một mà chỉ một người mà không phải là DIỄM XƯA. Mà là … Theo tôi không nên gọi rõ tên ra. Như thế thật đẹp. Man mác, bàng bạc mà sâu lắng. Thương một người để nhớ một người.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/ThngmtnginhmingiTCS1.jpg
Ảnh do nhân vật cung cấp.


XIN TRẢ NỢ NGƯỜI
Hai mươi năm xin trả nợ người
Trả nợ một thời em đã bỏ ai
Hai mươi năm xin trả nợ dài
Trả nợ một đời em đã phụ tôi

Em phụ tôi một đời bé dại
Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
Thơ dại ra đi quên hết tình tôi

Hai mươi năm em trả lại rồi
Trả nợ một đời xa vắng vòng tay
Hai mươi năm vơi cạn lại đầy
Trả nợ một thời môi vắng vòng môi.  
Bao nhiêu năm em nợ ngọt ngào
Trả nợ một đời chưa hết tình sâu
Bao nhiêu năm em nợ bạc đầu
Trả nợ một đời không hết tình đâu

Em phụ tôi một đời bé dại
Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
Thơ dại ra đi quên hết tình tôi

Bao nhiêu năm bỗng lại nhiệm mầu
Trả nợ một lần quên hết tình đau
Hai mươi năm vẫn là thuở nào
Nợ lại lần này trong cõi đời nhau.

Trịnh Công Sơn


Còn đây là bản nhạc “Tình xa” chưa được đặt tên và làm cho....X.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/Thng1nginhmingiTCS2.jpg




Bài viết của Tâm Quý
Nguồn: VNExpress.

.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Trịnh Công Sơn và chân dung của Diễm xưa


"Tôi uống tách cà phê sáng, ngắm nhìn bức tranh Trịnh Công Sơn tự họa năm 20 tuổi. Bỗng nhiên một khuôn mặt thiếu nữ chợt hiện, chợt mất sau chân dung anh", Tiến sĩ Nguyễn Công Phú kể về những kỷ niệm với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Trong một chừng mực nào đó, tôi có thể được xem là một nhà kỹ thuật, một nhà khoa học, một nhà quản trị thành đạt trong con mắt của một số đồng nghiệp quốc tế. Sự thành công này có được cũng nhờ một phần nào đó ảnh hưởng của lời thơ, điệu nhạc, nét họa chấm phá của Trịnh Công Sơn, một người anh, một người bạn.
Điều này, khi anh nghe tôi kể, lúc tôi ngồi cạnh anh trong một buổi ăn trưa trầm lặng tại nhà anh, đem đến cho anh một chút gì vui lóe qua trong ánh mắt, qua nét mặt với nụ cười hiền hậu.
Tôi kể rằng hơn 30 năm nay tôi ròng rã nghe nhạc của anh. Lần đầu tiên tại Huế, một đêm mưa rét lạnh mùa đông, lúc tôi lên 17 tuổi. Tôi yêu thích liền lời thơ, điệu nhạc dung dị và bức tranh "nhạc", mặc dù phải thú thật là không hiểu gì cả. Thật ra tôi cảm nhận mơ hồ nhưng không biết diễn đạt là hiểu cái gì và như thế nào. Chỉ thấy là rất thích. À, vết lăn, vết lăn trầm..., đàn bò vào thành phố...
Và cứ như thế, tôi "nghe" nhạc anh, "gặm nhấm" lời thơ nhạc anh và "ngắm" những bức nhạc họa của anh những lúc uống cà phê buổi sáng, những ngày xuống đường, những đêm không ngủ và sau này, những lúc một mình lái xe cả 1.000 cây số trong đêm khuya ở những nơi rất xa quê nhà...
Nói là nghe mà rất nhiều lúc có âm có tiếng nhưng không để ý là mình có nghe hay không. Đôi lúc, bất chợt nghe lại một câu mà mình đã nghe biết bao nhiêu lần, lại tự nói: thế là mình "tưởng" nhầm rồi.
Đôi khi có dịp, tôi hỏi anh ý nghĩa các câu này là thế nào. Anh nhìn tôi với đôi mắt độ lượng nhưng hóm hỉnh trả lời: Thì là như ri... Tôi lại đáp lời: Vậy mà Phú tưởng như rứa... Anh lại cười và nói: Chắc là Phú có lý! Ừ cũng có thể là thế!
Anh cũng như các nghệ sĩ thiên tài để lại những tác phẩm của mình cho công chúng và công chúng với một sáng tạo riêng lại trở thành "tác giả" của một tác phẩm rất mới cho riêng mình - như câu "Hoa đào năm trước còn cười gió đông" là một bức tranh sống mãi với thời gian và tùy theo cảm nhận của từng người.
Hơn 30 năm, tôi chỉ có duyên gặp anh không đến 10 lần. Phần lớn là các buổi ăn trưa không quá một tiếng đồng hồ và không có rượu.
Thế nhưng anh rất đôn hậu đã cho tôi bức tranh Người con gái và ly rượu đỏ mà tôi hay ngắm lúc đến thăm anh. Và nhất là một đêm anh nhắn tôi đến chọn một bức tranh trong hơn mười bức tranh anh mới vẽ để cho bạn bè, phải thú thực là tôi muốn lấy hết! Nhưng có phải là một linh cảm chăng, tôi chọn một bức tranh tự họa không lớn không nhỏ, vóc dáng của Trịnh Công Sơn của thời 20 tuổi.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/lyruou1.jpg
Bức tranh “Người con gái và ly rượu đỏ” do Trịnh Công Sơn vẽ


Sau đó không lâu anh đã ra đi. Và điều gì đã đến với tôi qua bức tranh tự họa ấy?
Có một buổi sáng, nắng mai xuyên qua hiên cửa chiếu vào bức tranh. Tôi uống tách cà phê sáng, nhìn Trịnh Công Sơn 20 tuổi. Bỗng nhiên một khuôn mặt thiếu nữ chợt hiện, chợt mất sau chân dung anh. Tôi khám phá, anh đã vẽ một chân dung của "Diễm xưa" chăng, rồi phết lên một lớp màu, sau đó vẽ chân dung thời xa xưa của mình. Bố cục "2 bức tranh" thật nhẹ như những bài tình ca của anh: hai đôi mắt nhìn nhau xa vời vợi.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/TCS-TH1.jpg
Bức Chân dung tự họa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn


Cảm ơn anh đã cho tôi những điều mà tôi cũng không biết, chỉ có cái duyên mới khám phá được một tấm lòng. Anh lại cho tôi một bài thiền - ly cà phê, ngắm tranh, nắng qua khung cửa, ô hay tưởng một mà hai! Nhưng không, tuy hai mà là một! Cũng như Diễm xưa và Trịnh Công Sơn - Diễm xưa Trịnh Công Sơn.
Tôi xin mạo muội trích ngang một bài thơ của một người bạn rất thân mà tôi có thể xem là tôi để kết bài tản mạn này. Mong là rất Trịnh Công Sơn và rất thiền!

"Trong nỗi nhớ mênh mang tôi mới hiểu
Tình và yêu chưa hẳn là tình yêu".

Tiến sĩ Nguyễn Công Phú
Giám đốc Á châu Tập đoàn APAVE Cộng hòa Pháp


Nguồn: http://w12.vnexpress.net/...Van-hoa/2010/03/3BA19B05/
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (13 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối