Trang trong tổng số 8 trang (76 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Đọc "Chuyện phiếm bên các bàn trà", đôi khi thấp thoáng thấy hình ảnh các món ăn... các món ăn của nhiều vùng miền khác nhau mà thành viên trong Thi Viện chúng ta từng nếm, từng yêu, đôi khi chúng từng là nỗi nhớ da diết nữa trong lòng ta. Mình lập topic này để cùng viết vào đây, tả vào đây... những món ăn ấy. Những tinh túy - "hồn văn hóa" của những miền đất chúng ta đi qua... để bạn bè cùng biết, cùng ... thèm, cùng bồi hồi thương nhớ. Nhớ một miền quê, những con người...

Có thể, có cả những bài thơ về những món ăn ấy nữa cơ...

Nào, mọi người ơi, bắt đầu nhé!
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Tiền Giang, nơi ấy mình cũng đến vài lần, con người thật thân thiện cởi mở và dễ gần. Đi trên sông Tiền thăm thú các miệt vườn, những cù lao Phụng, Long, Lân, Qui, cù lao Thới sơn… Xuôi dòng Cái bè thăm thú chợ nổi  Cù lao An Bình, Vườn sầu riêng Ngũ Hiệp… trong bạt ngàn cây trái hương hoa, nghỉ chân thưởng thức một chén trà sữa ong chúa, một chiếc kẹo dừa vừa mới ra lò, một dĩa hoa quả, các nghệ sĩ miệt vườn đờn ca tài tử thật tuyệt vời, rồi trên những chiếc xuồng len lách các kênh rạch rợp bóng dừa nước, thuỷ liễu, hương bần… rồi cái cảm giác mênh mang sóng nước với những con người hồn hậu dễ mến nhiệt tình chu đáo.
Mà món ăn thì cá nhiều loại và nhiều món vô kể cố nhớ mà không sao nhớ hết được, mỗi khúc sông, mỗi vùng nước lại có loại cá đặc thù riêng vùng ấy mới có, tô chanh chua bông lục bình, bông so đũa chấm mắm nêm…

Cái này là Viễn Khách nói với quynhmn bên Chuyện Phiếm. Mình đọc thấy thích quá nên xin đưa vào đây.. Nếu có thể, hãy tả kỹ thêm đi, được không bạn?

Nhất là canh chua bông lục bình.. Là thế nào vậy? Bông lục bình mà cũng nấu canh chua được ư?
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Viễn khách

Ôi cô Hoa lại khai trương món ẩm thực. VK chỉ có biết ăn thôi mà.
Mà thơ về các món ăn có chứ, mình nhớ ở Huế có thơ về cách chế biến các món mà...
"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Thế thì các món ăn ở Huế.. em đợi chị Nguyệt Thu đấy nhé.


Đợi mãi chẳng ai hưởng ứng topic này, mình gửi một bài viết của mình vậy. Bài này nói về một món ăn ở Nga - giống như xủi cảo của Tàu ấy, nhưng có chất liệu và hương vị đã khác đi rất nhiều. Nó có thể không ngon bằng của Tàu, nhưng với mình, nó ngon lắm, vì nó là một món ăn của nỗi nhớ... nhớ thời sinh viên sôi nổi đã qua...


PELMENHI

Trong rất nhiều điều gợi nhớ cho những người từng sống ở Nga đến năm tháng đã trôi qua trong đời mình tại đất nước này, có một món ăn dân dã và vô cùng quen thuộc là pelmenhi.



Tôi muốn bắt đầu kể về pelmenhi bằng ký ức xa xưa của mình, khi còn là cô bé con cầm cuốn sách “Chó hoang Dingo” (Phraerman) ngồi đọc trong vườn nhà với biết bao mơ mộng. Sách kể về câu chuyện tình yêu non nớt đầu đời giữa hai người bạn trẻ. Cho đến giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác nghẹn ngào dễ chịu dâng lên khi đọc câu chuyện này. Và giữa những trang sách đó, tôi nhớ có những dòng tả về “viên bánh thịt bọc bột bỏng rẫy, khi ăn rưới dấm lên và nuốt như nuốt những ngọn lửa nhỏ”. Thật khó lý giải tại sao tôi lại nhớ câu văn này đến thế, chỉ biết rằng, năm tháng qua đi, đến khi lớn lên, được đặt chân đến nước Nga, mỗi lần có dịp thưởng thức món này, tôi đều chạnh nghĩ về “những ngọn lửa nhỏ” trong cuốn truyện năm nào.

Tác giả đã có lý khi viết về pelmenhi như vậy. Vâng, đó chính là những chiếc bánh bột mì nhỏ xíu xiu nhân thịt, thơm phức những mùi vị kỳ bí đầy lôi cuốn, đẫm trong váng sữa và lấp lánh ánh mỡ béo ngậy. Rưới ít dấm lên, hơi còn bốc nghi ngút, chiếc bánh đã tan trong miệng, để lại dư vị nóng bỏng vui sướng trong một ngày mùa Đông lạnh giá.

Nguồn gốc xa xưa của chiếc bánh bé xinh ấm áp này được người ta kể lại với rất nhiều khảo dị. Tôi chỉ nhớ đọc được ở đâu đó rằng, hình như món ăn ấy được du nhập vào Nga từ thế kỷ XIII, cùng với tiếng gươm đao của quân Mông Cổ trên miền đất Đông Sibiria thuở nào. Sâu xa hơn nữa, pelmenhi bắt nguồn từ Trung Hoa. Phải rồi, người Việt ai mà không biết món “xủi cảo” của Tàu, ăn riêng hoặc ăn cùng với mì vằn thắn. Trong cái khắc nghiệt của mùa Đông Sibiria, món ăn này quả thực là đặc sản ở chỗ có thể đông lạnh nó để được rất lâu và khi dùng thì không mất đi mùi vị ban đầu thơm ngậy. Hơn nữa, lại không sợ thú rừng chén mất vì những thơm ngon đã được bọc trong lớp bột bảo vệ rồi!



Đương nhiên, dù có nguồn gốc từ đâu, xứ Tàu hay xứ Đại Mông, thì đến Nga, “xủi cảo” đã mang một phong vị khác, chất liệu khác và thậm chí cả cái tên cũng khác. Trong cuốn từ điển giải nghĩa “kinh điển” của Preobrajenski, cái tên “pelmenhi” bắt nguồn từ tiếng địa phương cổ vùng Ural: “pelnhian” - có nghĩa là bánh tai (pel là tai, còn nhian là bột). Có lẽ vì hình dáng chiếc bánh khi đã luộc hoặc hấp lên giống như nếp nhăn của tai vậy.

Nói đến pelmenhi, đầu tiên, người ta thường nhắc đến thứ bánh pelmenhi truyền thống của người dân vùng Ural cổ. Nhân bánh rất đặc biệt là có đủ ba loại thịt xay, lại phải đúng tỉ lệ - thịt bò: 45%, thịt cừu: 35%, thịt lợn: 20%. Ấy là bởi chiếc bánh nhỏ bé này không đơn thuần là một món ăn đối với người vùng ấy, nó còn là biểu tượng cho sự trù phú và thịnh vượng của cuộc sống.

Pelmenhi của Nga bây giờ thường có nhân thịt lợn và thịt bò trộn lẫn, đôi khi có nơi làm bằng thịt cừu. Thịt lợn, thịt bò thì cho thêm hạt tiêu và tỏi. Nhân thịt cừu có đậm mùi hành. Món này để được lâu trong ngăn đá, có dễ đến hàng tháng, khi nào đến bữa mới lấy ra dùng.
 
Cách làm pelmenhi bây giờ đã thay đổi thiên hình vạn trạng, không theo một khuôn mẫu cứng nhắc nào nữa, tùy ở sự sáng tạo của người nội trợ. Nhân cũng không nhất thiết là thịt, mà có thể là cá nạc hoặc các loại rau quả. Rồi lại có đủ các kiểu pelmenhi của từng địa phương, mỗi nơi biến tấu theo cách của mình để có được cái đặc trưng của vùng miền riêng biệt. Mỗi chiếc bánh bé xíu chỉ nặng độ mười mấy gam được nhồi nhân, bọc bột rồi đem luộc nhanh trong nước sôi có rắc chút muối độ 5 đến 7 phút hoặc có thể cho vào vỉ hấp. Lấy vỉ bánh ra, hơi thơm nghi ngút, miếng bánh đã đổi màu trong trong, nếp bột uốn gợi cảm, nhìn lờ mờ thấy màu xanh của hành, màu hồng tái của thịt… Thế là lòng đã ấm lên rồi, mặc ngoài trời tuyết đang rơi! Nếu là ở quán ăn Nga, hẳn người ta sẽ dọn cho bạn món pelmenhi trong một chiếc âu đất nung đo đỏ nhỏ xíu có nắp đậy. Mở nắp ra là thấy cả một thế giới thơm ngon, no đủ. Một chút rau thơm rắc lên trên óng ánh mỡ, một chút váng sữa hoặc mai-ô-nê trắng sữa, đôi khi còn loáng thoáng sợi pho-mát bào nhỏ nữa… Và thế là, những ngọn lửa nhỏ đang sắp sưởi ấm bạn, khiến đôi tay đang cóng trở lại mềm mại, khiến môi tím vì rét trở lại hồng hào, khiến người đang biếng lười uể oải trở nên linh hoạt và, khiến lòng ai nếu đang nặng trĩu lo buồn thì cũng tạm dẹp suy tư sang một bên để trở nên thanh thản hơn…

Chỉ là một món ăn, một món ăn rất đơn giản, dân dã, nhưng gợi nhớ cho ta được nhiều điều. Những ai từng có dịp học tập ở Nga, nhìn thấy món pelmenhi là nhớ da diết… nhà ăn tập thể của trường đại học. Thế cũng có nghĩa là nhớ những tháng ngày tươi đẹp của tuổi sinh viên, khi bạn còn trẻ - dễ yêu, dễ tin, dễ nhớ…

Và món bánh bột pelmenhi nóng ấm như những ngọn lửa nhỏ là một nỗi nhớ như thế của tôi.

TB. Biển nhớ từng đi Nga rồi, hẳn đã chén món này?
Còn salad Nga, tớ hứa sẽ viết.. và sẽ chiêu đãi cậu khi nào cả hội gặp nhau ở.. nhà chị NT nhé ;-))
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Món ăn Huế thì sách, báo nói nhiều quá rồi, HXT à! Chị mà có post lên đây e là lại " vải thưa qua mắt thánh " mất!:). Đọc mấy bài trên đây, thấy các món ăn mà HXT giới thiệu có vẻ vừa lạ, vừa ngon. Cũng nghe mọi người hay khen món salad Nga, HXT " cố gắng" giới thiệu thật tỉ mỉ nhé? Hì, trước khi có cuộc " hội tụ" đó, thì mình cũng thích được học hỏi để " thử nghiệm" xem sao đó mà!:D
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Viễn khách

Tớ cũng chẳng biết gì thôi thì làm một nồi "Thắng cố" vậy.
Thắng cố không chỉ là món ăn ngon, thể hiện sự khéo léo và sành ăn mà còn là nét đẹp văn hóa của đồng bào. Là món ăn truyền thống và không đắt tiền cho lắm, nhưng thắng cố không hề là thứ bình dân. Nếu không phải là hội hè hay phiên chợ, hoặc ngày lễ tết, sẽ không có cơ hội được ăn thắng cố. Thắng cố là món ăn dân dã, đại chúng, mang tính cố kết cộng đồng, làm cho người ta nhanh gần nhau hơn và dễ hiểu nhau hơn. Cao hơn một món ăn, đó còn là nét văn hoá mà qua đấy, ta thấy rõ những chuẩn mực ứng xử, tập tục và truyền thống văn hoá của một dân tộc giữa nhiều dân tộc, trong một phạm vi không gian giao tiếp rộng rãi và khoáng đạt...
Thắng cố (Thảng cố: Theo tiếng H’Mông, nghĩa là nồi nước), một trong những đặc trưng, là một sản phẩm độc đáo của nền văn hoá ẩm thực của văn hoá H’Mông, Dao - những dân tộc sống ở vùng núi cao Tây Bắc. Nói đến thắng cố - dù người dân tộc này hay dân tộc kia, hiểu nghĩa hay không hiểu nghĩa - ai cũng biết đó là một món ăn chế biến từ thịt gia súc. Theo các cụ già người H’Mông truyền lại: Trước kia người ta chỉ chế biến thắng cố từ thịt ngựa và chỉ bằng thịt ngựa mới ngon. Nhưng nay, vì nhiều lý do nên thắng cố còn được chế biến bằng thịt trâu, thịt dê, thịt lợn. Do vậy, tên gọi thắng cố cũng đi kèm với tên các con vật dùng làm nguyên liệu, như: Thắng cố trâu, thắng cố dê, thắng cố lợn...

Kỹ thuật chế biến thắng cố tương đối đơn giản: Sau khi con vật được làm thịt sạch sẽ xong, tất cả "lục phủ ngũ tạng" của nó được chặt ra thành từng miếng. Một cái chảo cỡ lớn đặt được đặt trên ba hòn đá làm chân kiềng, củi được đốt lên đượm than hồng. Tất cả các thứ: Thịt thủ, thịt mông, xương đầu, xương chân, tim, gan, lòng, phổi... của con vật (đã được tẩm ướp gia vị như thảo quả, địa điền, mắc khén nướng thơm, tán nhỏ, muối mì chính) được đổ vào chảo cùng lúc với một chút lá thắng cố, xào lăn, theo cách "mỡ nó rán nó". Đợi ít phút miếng thịt se se cạnh, người ta đổ nước vào chảo và cứ thế ninh sôi sùng sục hàng tiếng đồng hồ. Khi thắng cố chín kỹ, các thứ gia vị bổ trợ cho nhau tạo nên một thứ hương vị đặc trưng và quyến rũ. Theo làn gió núi, mùi thắng cố lan toả từ đầu đến cuối chợ như mời gọi, như chèo kéo mọi người. Không một lời rao bán và không một hình thức quảng cáo nào hiệu quả hơn, chinh phục thẳng vào "cái bụng" khách hàng hơn thế.
Gia vị ăn kèm gồm các thứ ớt, tỏi, rau thơm, nõn chuối, búp cây chua. Rượu được rót vào bát ăn cơm, Thắng cố được ăn bằng bát tô (Thắng cố ngày xưa được múc bằng muôi gỗ, đựng trong bát gỗ hoặc chiếc máng bằng tre trông giản dị hơn), chọn lấy một miếng hợp khẩu vị của mình rồi bảo người bán hàng thái miếng và chan nước dùng (đã nêm lá thắng cố - giống như lá hẹ dưới xuôi).
Phụ nữ và trẻ em ăn thắng cố với mèn mén (bột ngô đồ 2 lượt), Xúc một thìa đưa lên miệng, uống một chút nước dùng mà cảm được cái ngọt đậm đà của ngô núi tan trên đầu lưỡi. Vị bánh phở tráng dày, làm bằng gạo lốc đỏ ăn với nước thắng cố sao đậm đà, vị ngọt của bánh, của nước dùng nồng nàn cùng rượu cứ đọng lại đầu lưỡi người ăn. Hương vị ấy quấn lấy hồn người ta, lăng líu không thể nào phai nhạt. Bên chảo thắng cố nghi ngút khói thơm lừng, một ngàn lẻ một thứ chuyện được đề cập; nhiều nhất và rôm rả nhất là chuyện về nương rẫy, về săn bắn, về làng bản, về dâu con. Với các nam thanh nữ tú thì đây là cơ hội tuyệt vời để làm quen, kết bạn và mong đến ngày nên vợ nên chồng.
Đã là đàn ông nếu ăn thắng cố nhất thiết phải uống rượu, rượu ngô trong vắt như nước mưa dù tửu lượng không kham nổi dăm, bảy bát sành cũng cố cạn đôi, ba chén sứ kẻo phí phạm cả cuộc vui. Thắng cố được múc ra, rượu tràn bát cứ bưng cả hai tay mà uống, mà ăn, thế là lặng lẽ uống, lặng lẽ ăn và say không biết lúc nào. Họ say la đà, gật gù bên nồi thắng cố mà vẫn rủ rì trò chuyện. Các bà vợ, chắc công việc mua bán đã xong nhẫn nại ngồi cạnh, nhưng đôi tay không nghỉ, cứ mải miết xe lanh, mặc cho các ông chồng thả hồn vào rượu. Lặng lẽ, lầm lũi như bóng núi đá xám bao đời tồn tại, không ngăn, không cản, không nói, thản nhiên không một lời ca thán. Người đàn bà ấy thấy lòng mình hạnh phúc vì có chồng giỏi giang. Chồng giỏi mới có nhiều bạn, nhiều bạn mới say chứ, nếu chồng mình được nhiều bạn mời rượu có nghĩa chồng mình là người có … uy tín.  "Tà tà bóng ngả về tây"  rượu say nghiêng ngả núi thực khách không "dang tay về" mà run chân ra về. Những đức lang quân quá chén được người vợ dìu vực lên lưng ngựa, nằm úp sấp vắt trên lưng ngựa từ bên này sang bên kia như... một cái bao. Chị vợ không giận mà còn thoáng chút hãnh diện vì như vậy là chồng mình nhiều bạn, bạn chúc cho say đến nỗi không còn biết lối và không thể tự về nhà. Trời đã ngả chiều, dốc núi cao vời vợi, sương toả bâng khuâng, cái rét dịu ngọt lan trong vách đá. Đâu đó, trên khắp nẻo đường về bản, dọc con đường mòn chênh vênh trên sườn núi, người vợ lặng lẽ túm lấy đuôi ngựa leo dốc. Thỉnh thoảng dừng cương đỡ chồng xuống đất nằm nghỉ dưới gốc cây, còn mình ngồi bên cạnh đôi tay mải miết xe lanh, nếu nắng rọi chói chang lại âu yếm cầm ô che để đức lang quân say trong giấc nồng, say đắm ngắm nhìn "người quân tử" đang dần dần nhận ra vợ mình sau cuộc chơi thắng cố hết tầm lòng dâng lên nỗi bồi hồi khao khát khi nhìn thấy bếp lửa hồng nơi đầu bản...

Có cơ hội lên vùng cao Tây Bắc, bạn hãy cố một lần để nếm thử món ăn đặc biệt này, cho dù mùi vị của nó không dễ quen đối với người dưới xuôi!
"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Trùi ui, tuyệt vời! cảm ơn bạn nhé! Tớ đọc rất rất rất thú vị!
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Viễn khách

Chị Nguyệt Thu ơi, em mạn phép xin Chị viết về một món ăn ở Huế nha Chị.

   Bữa tiệc Sanh Cầm…

   Cái tên đã kích thích trí tò mò tưởng tượng của thực khách. Gọi là bữa tiệc cho sang chứ thực ra chỉ có duy nhất một món, đó là gỏi cá. Sanh Cầm là một món ăn dân dã chốn thôn quê có từ xưa, ở Huế hiện nay món ăn này đã và đang được phục hồi. Bữa tiệc Sanh Cầm ngày nay cũng ít nhiều cũng đã được cách tân, nhưng vẫn phảng phất nét độc đáo phong trần và tao nhã . Sanh Cầm giản dị nhưng thật sang trọng và quí phái, là một thú ẩm thực độc đáo chốn quê mùa mà thử hỏi mấy khi các đại gia sành ăn đã được thưởng thức.
  
   Thời gian chuẩn bị cho bữa tiệc có khi kéo dài cả tháng (thú chơi cũng lắm công phu mà)
Về nguyên liệu và cách chế biến, rất đơn giản không cầu kỳ phức tạp, trình bày hoa mỹ… Nhưng nói đúng ra thì chuẩn bị bữa tiệc rất công phu và cầu kỳ, bữa tiệc được trình bày cực kỳ tinh tế.
   Nguyên liệu chính là cá diếc con (là chuẩn nhất) hoặc cá mài mại (ở nhà hàng giờ là cá hồi, cá hanh…). Tưởng đơn giản vậy thôi chứ kiếm được một ổ cá diếc con cỡ ngón út vừa ý cũng gian truân lắm lắm. Khi kiếm được rồi thì mang về thả vào lu nước khoảng một tuần cho ăn thính ngô thay nước hàng ngày, trước bữa tiệc 2 ngày để đói không cho cá ăn.
   Về gia vị gia giảm thì đều là những thứ rau quả quanh vườn nhà như khóm đinh lăng, khóm hành, răm, tía tô, cây sung nếp và cây lộc vừng trong chậu cảnh, vài quả chuối xanh, mấy trái khế cơm, dăm trái ớt, củ gừng…
Chuối xanh, khế, ớt và gừng thái chỉ, hành chẻ tư, rau thơm được rửa sạch… vài tập bánh tráng (bánh đa nem tráng dày dặn đã được ủ mềm) bày biện lên những chiếc đĩa. Một thố thích ngô thơm nức, một đĩa muối tiêu tỏi ớt, bát tương, bát sung muối, chai quốc lủi, vài chiếc vó tôm nhỏ xinh (cỡ 25x25cm)
Khóm đinh lăng, mấy chậu sung, lộc vừng cảnh (đã được rửa kỹ cẩn thận từng chiếc lá, sung và lộc vừng được tuốt lá cách non một tháng giờ đã ra những chiếc lá mới bánh tẻ)
Bể cảnh non bộ được rửa dọn cò kỵ cẩn thận thay nước thật sạch. Lũ diếc con được thả vào (giờ thì cá được thả trong những chậu men sứ, đặt trên bàn trải khăn, bày biện bắt mắt trong những nhà hàng máy lạnh). Bộ bàn ghế được kê ngay bên cạnh. Mấy chậu sung, lộc vừng, đinh lăng xếp quanh.

   Bạn tâm giao đã đến, bàn tiệc có chi đâu chỉ toàn rau với rau nhưng mọi người đều vui vẻ chuyện trò thân tình trao đổi bình luận đối đáp thơ văn thưởng ngoạn cảnh vườn, cây thế, dáng núi… Lấy một lá bánh tráng thư thái hái một chiếc lá xung hoặc lá lộc vừng, thêm một lá đinh lăng, vài sợi chuối xanh, ớt  gừng răm, thong thả nhúm một chút thính cho vào vó rồi thả xuống nước, lũ cá đói đang tung tăng bơi lội quen hơi thính ào đến, vó được nhấc lên, nhón tay bắt chú cá diếc óng ánh vảy bạ đang lặch đạch dãy dụa dúi vào thố thính ngô rồi đặt vào miếng báng tráng (đã được nêm tuỳ ỳ theo khẩu vị) nhẹ nhàng cuốn lại, chấm vào đĩa muối, từ tốn chiêu một hớp rượu rồi đưa miếng gỏi vào miệng trong khi chiếc đuôi thò ra ngoài vẫn còn đang ngoe ngẩy, từ tốn nhai miếng gỏi thưởng thức mùi vị thơm ngậy, vị ngọt mát, vị đăng đắng, vị hăng hăng cay cay chan chát… thấm dần trên đầu lưỡi rồi lan toả lên khối óc… uống một hớp rượu rồi khà…à…à một cách sảng khoái… Số cá người dùng phải luôn là số chẵn không được lẻ đôi.

   Tiệc sanh cầm, một món bổ dưỡng mộc mạc giản dị song cũng thật đế vương, một thú ẩm thực độc đáo và tao nhã đầy chất nghệ sĩ phải không bạn. Nếu đã một lần được thưởng thức bữa tiệc Sanh Cầm theo đúng chất của các Cụ ta xưa chắc hẳn bạn sẽ thấy cực kỳ thú vị với ấn tượng khó tả và khó mà quên được.
"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Hì! Cái chuyện gỏi cá diếc này chị cũng đã nghe , đã thấy từ xưa nhưng ăn thì chị chẳng dám ăn bao giờ! Sợ nhắm! Thêm nữa, cái món này thì những " con nhà Phật" ở Huế rất kỵ!:D. Hic! Nhất là các bà, các mệ, các o ăn chay trường, ăn chay một tháng 4 ngày, hay mua hến, mua ốc, mua cá về để phóng sanh làm phước làm đức...dễ gì chịu cho con cháu trong nhà chuẩn bị mấy món sanh cầm này em!:). Ở nhà chị, mấy bà cô chồng mà thấy mua cua về luộc còn la lối " tổ cha bây, hết thức để ăn răng cứ bẻ càng bẻ cọng người ta mãi rứa!". Canh cá lóc ( người Huế gọi là cá tràu) ngon rứa mà cấm có được mua về, vì đó là giống cá sống dai, muốn làm phải gõ đầu có khi cả chục phát mới chịu lăn quay ra chết...Mà cái cảnh đó thì, hì hì, mấy mệ chịu chi thấu! Thành ra, muốn yên cửa yên nhà thì chỉ nên ăn mấy món đó ở chỗ khác thôi!:P. Cái món sanh cầm của VK , nếu mà được chứng kiến, chắc các mệ lại bảo: " ăn cái kiểu chi mà ác ôn, quỷ sứ rứa!!!":))
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Viễn khách

Em thì có mỗi cái con đi 2 chân đầu chổng lên giời là chưa dám ăn thôi. Nói vậy chứ, ăn uống cũng tuỳ người mà, người thì sợ thú bốn chân, người thì không ăn con hai chân, người thì không ăn cá không vảy... Mà Huế rất nhiều người theo đạo Phật, mà những người theo đạo thì tránh sát sinh nên chuyện ăn uống kiêng khem kỹ lắm. Cỗ chùa cũng ngon lắm mà, cũng đủ các món luôn nhưng đều được chế biến từ thực vật. Em nhìn lắm lúc cũng thương cũng tội cũng thấy dã man lắm, nhưng vẫn cứ khoái được chén các món lạ, tệ thế đấy chị à. Mỗi lần cắt tiết gà lại lẩm bẩm cái câu học được từ hồi bé từ Cha mỗi khi giúp cha giữ chân gà "Gái cắt tai, trai cắt cổ, hoá kiếp cho mày đầu thai kiếp khác xung sướng hơn".
Em mà kể đến món nậm phịa chắc khối người chết khiếp. Rồi cái món khỉ nữa chứ, dã man lắm lắm...
Cái món Sanh cầm ấy thực mà em được nghe thì có xuất sứ từ một nông dân nghèo bị bắt vạ phải khao các chức sắc trong thôn một bữa tiệc, nhà nghèo, lợn gà trâu bò đâu có, nghĩ mãi mới ra được cái món độc đáo ấy. Giờ ở Huế em thấy một vài nơi có mà.
"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 8 trang (76 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối