Trang trong tổng số 41 trang (410 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

buithison

Gửi Phượng Hoàng Lửa một bài viết cũ của S nhé!
 
                 GIỞ TRANG DANH BẠ CŨ

                                   Tản văn

 Người bạn  gái của tôi vừa đi  ăn tết ở Điện Biên về, tặng tôi quyển danh bạ đã sờn quăn mép bìa:
- Này, “bà” cầm lấy mà xài, kẻo lúc nào cũng đến hỏi tôi số điện thoại của những người bạn cũ…
 Tôi nâng niu  trên tay quyển “DANH Bạ LAI CHÂU - 2002” mà lòng rưng rưng thương nhớ. Do một sơ xuất nhỏ, gần 5 năm rồi tôi không liên lạc được với những người bạn thân thiết, có người  quen từ thuở thiếu thời, cùngtung tăng vùng vẫy trên dòng sông Nậm Rốm hiền hoà, thơ mộng; có người quen từ ngày màu gấc chín nhuộm đỏ hai má thiếu nữ tuổi dậy thì, nhìn thấy bạn trai tay chân như thừa thãi, chẳng biết giấu ở đâu; rồi những người bạn quen trên từng chặng đường công tác… Thấm thoắt đã mấy chục năm trời…
 A! Đây rồi: Hoài Anh - Cô bạn gầy đét, cứng quèo như một cây sậy thời con gái thế mà lấy chồng rồi  ngày một mỡ màng  ra. Hai vợ chồng cùng công tác bên ngành văn hoá, cuộc sống không lấy gì làm dư dả nhưng họ rất hạnh phúc bên hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi…
Còn đây: Thanh Bình - cậu  bạn trai thân thiết, hiền lành, có đôi mắt trong veo  của tôi vẫn thuỷ chung với nghề dạy học. Chàng và nàng cùng dạy môn văn, cùng là hội viên hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh. Họ đã có chung nhau một “công chúa”, một “hoàng tử” và mấy tập thơ tình…
Và đây nữa: Kiên Cường - Cậu học sinh “cá biệt” hay gây gổ đánh nhau với bạn  giờ đã trở thành một sĩ quan quân đội. Cho đến giờ chàng vẫn chưa “cùng ai”, khiến bao cô nàng khắc khoải,đỏ mắt chờ mong vì thương thầm nhớ trộm…
Lật giở từng trang, từng trang danh bạ, tôi xiết bao vui sướng, tự hào vì nhiều  người bạn tôi giờ đã thành đạt. Họ đã trở thành cán bộ chủ chốt từ huyện đến tỉnh. Họ đã cống hiến tài năng. tâm huyết cho sự nghiệp phát triển  hai tỉnh “phên dậu” của Tổ quốc… Họ không bao giờ gọi điện thoại cho tôi, nhưng tôi không trách họ bởi tôi luôn nghĩ  dù bận rộn đến đâu trong tim mỗi người vẫn còn nguyên vẹn  một khoảng trời Mường Thanh huyền thoại…
 Có lúc những ngón tay  tôi run lên bần bật khi giở  đến những cái tên thân thiết một thời mà chủ nhân của nó- những người bạn  thơ ấu của tôi giờ đã ra người thiên cổ. Người bạn kiểm lâm của tôi đã ngã xuống dưới nhát rìu oan nghiệt của bọn lâm tặc để bảo vệ cánh rừng nguyên sinh nơi anh cất tiếng khóc chào đời…Người bạn gái có khuôn mặt đẹp như Đức Mẹ Đồng Trinh của tôi đã ra đi vì một tai nạn giao thông bất ngờ ập đến, để lại người chồng thương binh cụt cả hai chân cùng ba đứa con đang học hành dang dở…
  Có lúc tôi rơi vào trạng thái chơi vơi, hụt hẫng khi đọc đến những cái tên rất đỗi thân quen  một thời giờ đã trở nên ô danh “tiếng xấu để đời”. Một người con trai hào hoa phong nhã, hát hay, học giỏi, từng là thần tượng của biết bao cô gái, từng thăng tiến nhanh chóng trên con đường công danh sự nghiệp bằng chính tài năng  của mình, giờ đang ngồi “bóc lịch”trong nhà giam vì tham ô hàng tỷ đồng của Nhà  nước trong một công trình xây dựng lịch sử…Một cô bạn hoa khôi nức tiếng thuở xa xưa đã phải “dựa cột” vì buôn bán hêrôin qua biên giới khi sắc đẹp tuổi hồi xuân vẫn tràn trề quyến rũ, nhà cao cửa rộng, chồng con đề huề chẳng kém ai…Một cậu bạn thông minh, hóm hỉnh với chiếc răng khểnh duyên dáng kênh kiệu thuở nào giờ thân tàn ma dại, người quắt lại như cái xác không hồn bởi căn bệnh thế kỷ do ăn chơi đua đòi trác táng…Nghĩ đến họ, tôi thấy lòng quặn thắt, đau xót, giận thương lẫn lộn. Không giận sao được khi họ làm những điều xấu xa, tồi tệ, phụ ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy, tình bạn, làm hại dân hại nước? Nhưng tôi đã từng có một thời sống chung bên họ với biết bao kỷ niệm êm đềm trong sáng của tuổi thơ ấu thời bao cấp nghèo khó mà chan chứa tình người; tôi đã cùng họ lăn lê bò toài chơi đánh trận  giả trên đồi A1, làm sao tôi không khỏi ngậm ngùi thương xót cái quá khứ tốt đẹp họ đã sống?
  Cứ thế… cứ thế, trong đêm khuya tôi một mình lật giở từng trang, từng trang danh bạ cũ, lòng thao thức xốn xang. 5 năm – thời gian chưa phải là dài mà có biết bao thay đổi. Tôi lại nghĩ đến những người bạn đã cùng tôi chuyển sang xây dựng tỉnh Lai Châu mới. Tôi mừng cho một số  bạn đã có những bước tiến vượt bậc trên con đường công danh sự nghiệp bởi họ rất xứng đáng đứng ở vị trí tiên phong đó.Với tài năng sẵn có cộng với ý chí, nghị lực vươn lên không ngừng, họ biết hy sinh cái nhỏ cho cái lớn, cái riêng cho cái chung…Phần lớn những người bạn cũ cũng như tôi, sống cuộc sống bình thường và chân chính. Chúng tôi ít có thời gian  tụ tập chơi bời với nhau vô tư như thuở còn son rỗi. Nhưng mỗi khi ai đó có chuyện vui hay chuyện buồn, chẳng ai bảo ai chúng tôi cùng có mặt san sẻ, động viên nhau (nhất là khi ai đó có biểu hiện sa đà). Những người bạn cũ hiểu nhau từ chân tơ kẽ tóc dễ góp ý cho nhau hơn ,thậm chí có thể mắng nhau té tát vì mục đích tốt mà không sợ bạn giận, không cần vòng vo tam quốc, không cần rào đón sợ mếch lòng nhau…
Tôi còn rất, rất nhiều người bạn cũ ở hai tỉnh Điện Biên –Lai Châu. Vì điều kiện gia đình, mặc dù rất thông minh, họ không được học hành đến nơi đến chốn mà vẫn sống một cuộc đời bình dị trong những bản quê xa xôi, heo hút; họ vẫn hay lam hay làm, giàu tình yêu gia đình, quê hương, làng xóm…Họ là những người không có tên trong danh bạ song đã lưu lại trong tôi những ấn tượng đẹp đẽ không bao giờ phai mờ…           
                                   Lai Châu, ngày 15/2/2009.
                                                B.T.S
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trương sỏi

Gửi bà chủ

Rét quá vào đây sưởi chút nha
Lửa hồng rừng rực cháy quanh nhà
Có thương thì đốt cho vừa chín
Đừng để thành than công cốc a ./.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Nhân ngày Thương binh-Liệt sĩ, Sơn gửi vào trang của Phượng một truyện ngắn nhé!  

                   KỶ NIỆM VỀ MỘT NGƯỜI LÍNH
                                              Truyện ngắn
         
         Con gái yêu của mẹ!
         Tháng bảy lại đến. Cái thắng nắng nóng, mưa nhiều.Cái tháng khắc khoải trong mẹ một nỗi niềm nhớ thương da diết.
        Có một đêm tháng tư , mẹ ngồi thẫn thờ bên ô cửa sổ, mắt dõi nhìn về phương nam xa xôi trong hoài niệm, miệng khe khẽ hát một bài ca về người lính:
          “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ đó không về
           Dòng tên anh khắc vào đá núi…”
        Hát đến đó, nước mắt mẹ lã chã tuôn rơi. Mẹ không biết con đã đứng sau lưng mẹ tự lúc nào. Bàn tay con nhẹ nhàng đặt lên vai mẹ mà không nói lời nào. Cử chỉ ấy đem đến cho mẹ niềm tin cậy: con gái mẹ đã 18 tuổi rồi! Tuổi của con là tuổi của hoa, của mộng. Mẹ cũng có một thời hoa mộng như thế,nhưng đó là những năm tháng cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
          Con yêu!
   Đêm nay, mẹ lại một mình lặng lẽ dưới ánh trăng, lặng lẽ hát bài hát cho người lính của riêng mình mãi mãi dừng ở tuổi 19.
   Khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, suốt ngày các loa đài công cộng ca vang khúc khải hoàn chiến thắng: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Việt Nam! Ôi Tổ quốc vinh quang!” Tất cả mọi người như bay lên trong mơ, nghẹn ngào sung sướng. Trong niềm vui lớn lao của toàn dân tộc,  mẹ nhìn đất nhìn trời đâu đâu cũng thấy mến yêu, nhìn trẻ già trai gái ai ai cũng thấy đẹp. Và thiêng liêng thay là tình yêu Tổ quốc! Nó làm cho mọi người xích lại gần nhau, thân ái như con trong một nhà. Không hề có bóng dáng của những kẻ nhỏ nhen, toan tính vị kỷ. Không có những lọc lừa, dối trá xấu xa..
***
Ba tháng sau, mẹ nhận được tin người ấy đã hy sinh anh dũng ngay từ chiều 29/4, một ngày trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mẹ bàng hoàng như không còn tin vào tai, vào mắt mình nữa, dù vẫn biết rằng chiến thắng nào mà chẳng có hy sinh,vinh quang nào chẳng đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. Nhưng người ấy còn quá trẻ, chú ra đi mà chưa hề biết rằng: đã có một người con gái lặng thầm yêu  chú từ lâu, người con gái hằng đêm vẫn trông ngóng  chú trở về.
Ông ngoại con kể lại: ông và ông Phương (bố của  chú Phi Sơn) là đôi bạn thân cùng chung chiến hào trên Đồi Độc Lập. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hai anh chiến sĩ trẻ tình nguyện ở lại xây dựng nông trường và kết hôn cùng hai cô “sơn nữ” quê ở Mường So - quen nhau trong dịp hai cô đi dân quân hoả tuyến, tiếp tế lương thực cho bộ đội Điện Biên Phủ. Điều trùng hợp ngẫu nhiên, hai đứa trẻ sinh ra cùng ngày, cùng tháng, cùng năm và cùngđược hai ông bố hay chữ đặt cho một cái tên đầy ý nghĩa: Sơn - Hoài Sơn và Phi Sơn. Hai gia đình mổ gà, làm chung một bữa tiệc nhỏ mời mấy người hàng xóm chung vui.
Ông Phương (hồi ấy gọi là anh Phương) sau khi nhấp vài hụm rượu, mặt đỏ  như cua rang, giả vờ khề khà nói với ông ngoại:
Này Tâm! Con trai tớ đặt tên là Sơn là đúng quá rồi! Nó  gợi lên khí phách mạnh mẽ, hiên ngang của người quân  tử. Con gái thì nên tìm một cái tên dịu dàng, nữ tính.
  Ông ngoại con ngắt lời ngay:
Cái tên tớ lựa chọn là tớ đã ngẫm nghĩ từ lâu, dù là con gái hay con trai tớ cũng đặt tên ấy.
      Sau một hồi tranh luận, ông ngoại con kiên quyết bảo lưu ý kiến của mình, vì thế mẹ mang tên là Hoài Sơn. Từ bé mẹ đã là một con bé hay nghịch ngầm,  chú Phi Sơn thì  hiền lành và gan lỳ như một con dúi.
      Bà ngoại kể: “Hai đứa ngồi chung một cái cũi trong nhà trẻ. Con Hoài Sơn sắp mọc răng, ngứa lợi, nó giằng tay thằng Phi Sơn đưa lên miệng, cắn nghiến ngấu. Thằng bé chắc đau lắm, nó mím chặt môi, không khóc một tiếng, cũng không tìm cách đánh lại con bé. Được cái, bà ấy là người hiểu biết, nhân hậu nếu không thì. trẻ con lại làm mất lòng người lớn.”
     Năm 1964, khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc cũng là lúc mẹ và  chú Phi Sơn cùng  vào học lớp 1. Một lần, Mỹ ném bom xuống đúng khu nhà trẻ của nông trường. Biết vợ và một cô giữ trẻ khác không kịp đưa 35 cháu xuống hầm trú ẩn, ông Phương đang nhổ lạc vội chạy về hỗ trợ. Khi hai vợ chồng đang ôm hai đứa trẻ cuối cùng chạy ra hầm thì một loạt bom bi trên trực thăng Mỹ ập xuống. Ông bà Phương chỉ kịp đẩy hai đứa bé vào cửa hầm thì lăn ra bất tỉnh.
       Buổi chiều hôm ấy là một buổi chiều vô cùng ảm đạm. Mây vần vũ dày đặc bầu trời, không khí oi nóng hầm hập. Giađình 35 cháu và bà con hàng xóm quây quần khu tập thể nông trường tiếc thương vĩnh biệt đôi vợ chồng trẻ đã hy sinh cả tính mạng mình cứu lũ trẻ.  Chú Phi Sơn  đứng chết lặng nhìn trân trối vào hai chiếc quan tài đỏ thẫm  đặt giữa nhà.
        Từ đó,chú  Phi Sơn về ở cùng một nhà với  mẹ, được ông bà ngoại yêu quý, coi như con đẻ. Ông bà ngoại luôn căn dặn mẹ phải coi  chú như một người anh ruột, không được làm anh buồn. Năm tháng dần trôi, nỗi đau thương mất mát nguôi ngoai dần, song trong đôi mắt thông minh, cương nghị của chú vẫn phảng phất nỗi buồn sâu lắng. Mùa hè năm 1974,chú Phi Sơn và mẹ cùng tốt nghiệp cấp3 với tấm bằng loại giỏi. Ông bà  ngoại bàn với nhau, sẽ cho cả hai đứa cùng thi vào trường Đại học sư phạm.
***
     Một điều bất ngờ xảy ra ngoài sự tưởng tưọng của ông bà ngoại và mẹ. Suốt 11 năm chung sống cùng gia đình, chưa bao giờchú Phi Sơn giấu giếm hoặc làm một điều gì khuất tất. Thế mà suốt mấy hôm liền, chú ấy xin phép ông bà ngoại lên thị trấn ôn thi cùng cậu Tiền Hải - một người bạn học cùng lớp với hai anh em. Bà ngoại bảo: “Thế thì con lấy xe đạp đèo Hoài Sơn cùng đi. Chú Phi Sơn vò đầu gãi tai, nói lí nhí: “Con sợ đi đường xa, Hoài Sơn mệt.Thôi mẹ để tối về, con và em cùng ôn lại bài.”. Mặc dù chú ấy giữ lời hứa nhưng cử chỉ điệu bộ rất ngượng ngùng, không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ. Đúng là điệu bộ cử chỉ của người không quen nói dối.
Bữa cơm chiều hôm ấy thật im ắng khác thường. Chú Phi Sơn cứ nâng bát cơm lên tay lại đặt bát xuống mâm. Bà ngoại kín đáo đưa  mắt nhìn ông ngoại rồi lại quay sang  nhìn mẹ. Ai cũng ngầm hiểu sắp có chuyện hệ trọng gì xảy ra nhưng đều  không ai nói. Im lặng một hồi,chú ấy ấp úng:
Con xin lỗi bố mẹ! Đáng lẽ, con phải hỏi ý kiến của bố mẹ, nhưng con lo bố mẹ sẽ ngăn cản con nên đã giấu bố mẹ đăng ký đi bộ đội. Mọi thủ tục khám tuyển đã xong, hôm nay con đã nhận được giấy báo của Ban chỉ huy quân sự huyện. Ngày kia, con lên đường nhập ngũ, con xin bố mẹ tha lỗi cho con.
  Ông ngoại ôn tồn nói:
Trai thời chiến, lên đường giết giặc bảo vệ Tổ Quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của tuổi trẻ, như bố con và bố khi xưa, nhưng bố mẹ con giờ đã mất, lẽ ra con nên hỏi ý kiến bố mẹ để cùng bàn bạc.
  Bà ngoại giãy  nảy lên:
Không bàn bạc gì nữa! Sáng mai tôi sẽ lên  huyện đề nghị cho Phi Sơn đi học đại học. Mẹ đã hứa với vong linh bố mẹ con là sẽ nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
  Phi Sơn nói nhỏ nhẹ:
Con nghĩ kỹ rồi bố mẹ ạ. Năm nay con 18 tuổi là vừa đủ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự. Sự học là lâu dài. Khi nào chiến thắng, con lại về học tiếp.
 Mẹ không nói được lời nào. Sự việc diễn ra bất ngờ quá! Mẹ đã quen có  chú Phi Sơn bên cạnh như một người anh trai thực sự để mè nheo,để dỗi hờn vô cớ. Mẹ vẫn ngỡ sẽ tiếp tục cùng chú học lên Đại học.
Đêm ấy, mẹ buồn rầu bỏ đi ngủ sớm. Ông bà ngoại và chú Phi Sơn vẫn ngồi bên bếp lửa nói chuyện rì rầm suốt tận đêm khuya. Không biết chú đã nói gì để thuyết  phục ông bà ngoại. Chỉ biết rằng sáng hôm sau, bà vẫn ra huyện nhưng không phải xin cho chú không đi bộ đội mà là đi mua xà phòng thơm,khăn mặt, thuốc thang chuẩn bị  cho chú lên  đường.
       Sáng hôm sau, ông bà  vừa đi làm, chú rủ mẹ vào rừng chặt nứa rồi cặm cụi đan phên, rào lại mảnh vườn nhỏ trước nhà. Mẹ làm mặt giận, làm hùng hục và không thèm nói một lời nào dù chú ấy cố pha trò hài hước.
Hôm sau,chú Phi Sơn lên đường. Hàng xóm, bạn bè, các cơ quan,đoàn thể đưa tiễn rất đông. Lúc các tân binh xúng xính trong bộ quân phục mới chuẩn bị lên xe, mọi người thân xúm đến trao quà thì mẹ nhìn thấy cô Huyền và cô Na _ bạn cùng học của mẹ và chú_ mỗi người đều có một gói quà nhỏ tặng chú, mẹ mới thấy ân hận vì sự giận dỗi vô lý và thái độ cố chấp của mình, nước mắt mẹ lã chã tuôn rơi.Chú Phi Sơn nhoài từ trên xe giơ tay bắt tay mẹ.bàn tay chú ấm mềm như có một dòng điện  chạy dọc sống lưng mẹ.
***
Chú Phi Sơn đi rồi, mẹ mới cảm thấy trống vắng vô cùng. Mẹ mong chờ tin chú từng giờ từng phút để rồi 10 tháng sau mới nhận được tin chú đã hy sinh cùng một cuốn nhật ký chú viết trên đường hành quân gói trọn những tình cảm yêu thương nồng nàn  chú giành cho bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi và “út Hoài Sơn - con chim sơn ca bé nhỏ của anh”. Trang cuối cùng của cuốn nhật ký viết dở,chú chép một bài thơ như là một linh cảm :
“Em ơi! Rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn.
Nhưng dù chết, em ơi!
Yêu em, anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ”.
  Cuộc đời quân ngũ cho đến lúc chú Phi Sơn hy sinh thật là ngắn ngủi,chỉ vỏn vẹn7 tháng 10 ngày. Chú là một trong những người lính cuối cùng hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc.Tiền Hải - cậu bạn thân cùng trốn gia đình đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự và cùng vào Nam chiến đấu với chú Hoài Sơn - sau này trở về Lai Châu,đã kể chomẹ nghe tường tận vềcái chết oanh liệt của chú Phi Sơn: Chú bị một loạt đạn thù bắn thủng ruột khi đang bảo vệ một đIểm chốt trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn.Chú Tiền Hải lao đến,cuống cuồng nhét vội  mớ ruột bùng nhùng be bét máu vào bụng chú Phi Sơn rồi quay sang Phú - bạn cùng chiến đấu:
Mình đưa  Phi Sơn về tuyến sau giải phẫu, cậu ở lại canh chừng mục tiêu.Sẽ có người yểm trợ.
Chú Phi Sơn thều thào đứt quãng:
Không. kịp... nữa rồi, Phú... Hải ơi! Các... cậu... gắng... giữ chốt... Quyển... nhật..... ký... mình... để trong... ba. ..lô.
***
 Con gái yêu quý!
  Bây giờ thì chắc con đã hiểu: Vì sao mãi đến năm 30 tuổi mẹ mới lấy chồng, vì sao mẹ đặt cho con cái tên là Hoài Nam . Mẹ luôn nhớ về phương Nam xa xôi – nơi chú Phi Sơn đã ngã xuống.
Mẹ! Mẹ ơi! Thế. ..bố con có biết chuyện này không?
Có chứ!Vì bố con chính là chú Tiền Hải - Bạn thân của chú Phi Sơn ngày ấy.
Ảnh bác Phi Sơn trên bàn thờ.ông bà ngoại và bố vẫn bảo bác là anh trai của mẹ.Con vẫn cứ ngỡ bác và mẹ là hai anh em sinh đôi.Mà sao bố con lại tên là Tiền Hải.
À, hồi ấy bố con sinh ra ở Tam Đường nên ông bà nội đặt tên trong khai sinh bố tên là Đường. Bà nội nhớ quê gốc ở Tiền Hải (Thái Bình) nên cứ gọi tên bố là Tiền Hải. Thôi, khuya rồi, mẹ con mình xuống nhà cùng xem chương trình “Chúng tôi là chiến sỹ” với bố!
***
Tôi nhìn mẹ.ánh mắt xa xăm, buồn mênh mang như vụt trở về với thực tại,với tình yêu chồng con và trách nhiệm đời thường. Bố tôi đứng ở gian phòng thờ, kính cẩn thắp hương cho ông bà ngoại tôi và bác Phi Sơn.

                                             Lai Châu, ngày 27/7/2009

                                                           B.T.S
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Minh Bình

@buithison: Cảm ơn Son có bài viết thật xúc động...Ngày mai, không tối nay... mình nhớ thắp hương cho người trong câu chuyện và những người đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến thánh thần của dân tộc nhé...
"Không thầy đố mày làm nên"
"Làm thầy mày không nên đố!"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trương sỏi

Tôi với nàng
Hai đứa chẳng cao sang
Tay trắng
Cùng nhau dệt mộng vàng.

Tôi với nàng cùng sinh ra nơi miền quê hai mùa lúa vàng,tuy bằng hai con dường khác nhau nhưng lại gặp nhau một điểm : Thuỷ điện Sông Đà.

- Tôi đang học lớp sỹ quan dự bị để ra trường thì có lệnh của Ông Đỗ Mười lúc đó là phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng (chính phủ bây giờ) điều gấp 500 SV năm cuối các trường đại học ở Hà nội lên công trường để đạt mục tiêu phát diện tổ máy 1 vào năm 1987. ai chưa làm luận án tốt nghiệp thì lên làm việc sau 2 năm về nhận bằng tốt nghiệp đặc cách.
- Nàng học xong lớp 10 và không thi đỗ đại học và vì nghèo không có tiền chạy đi học trung cấp nên theo cuộc tuyển người ở địa phương lên công trình làm công nhân.
- Một hôm tôi đến nhà chị Hạnh chơi thì gặp nàng ở đấy. Chị Hạnh là đồng hương xã với nàng , tôi cũng vô tình chơi như mọi lần, chỉ có mỗi chi tiết là nàng được chị Hạnh giao cho dóc mía tím rồi tiện bưng lên mời khách.
- Hôm sau chị Hạnh đi làm gặp tôi chị nháy mắt rồi nói nhỏ: - chú thấy thế nào? tôi ngơ ngác không hiểu chị hỏi gì, chị nhoẻn cười ý nhị rồi vụt đi nhanh như làn gió. Chiều chị về ngang qua phòng tôi và bào tối lại đến chơi,hôm ấy chị nói: chị thấy chú và cô ấy hợp nhau đấy rồi chị kể đôi điều về nàng . Còn anh Thuần chồng chị hạnh thì đế vào: Chú mà lấy cô ấy khác gì cái sào . Vào những năm thập kỷ 1980 con gái mà cao trên 1mét70 như nàng bị coi là quá khổ,là không hợp mốt.
- Lúc ấy tôi mới chợt nhớ ra hình ảnh của nàng cao to lững lững gọt mía rồi bưng đĩa mía tiện từ dưới bếp đi lên.Khi ấy tôi tin chị Hạnh lắm còn trong suy nghĩ riêng của tôi thì tôi cho rằng nếu tôi cùng góp một gen với nàng thì con cái sau này sẽ cải thiện vóc dáng. Nhưng điều khiến tôi thấy quan trọng nhất là cha nàng đã hy sinh sau lần thứ hai tái ngũ và mãi mãi nằm lại nơi nào đó trong cánh rừng biên giới Tây Nam sau trận càn Đông Dương. Tôi thương nàng lắm và nghĩ đơn giản hạnh phúc có lẽ là mình mang lại cho người con gái đôi bờ vai dựa, chứ chưa nghĩ được là khi dựa vào vai mình thi vai nàng còn êm ái hơn vai mình.
- Chính vì nghĩ thương nàng vì thiếu vắng người cha thân yêu mà tôi nhận lời với chị Hạnh tổ chức ngày chủ nhật tại nhà chị để tôi và nàng cùng làm đầu bếp.
- Chả biết Ông Tơ Bà Nguyệt ở đâu nhưng tôi và nàng gắn bó vào nhau từ căn nguyên như thế đó.Từ bấy trở đi những lúc nàng giận dỗi đuổi tôi đi tôi chỉ biết chịu đựng vì đã từ buổi đầu gặp mặt đã nguyện bù đắp cho nàng những thiếu thốn tình cảm của người cha đã hy sinh vì nước, vì độc lập tự do của Tổ Quốc.
Và giờ đây khi tôi đang viết những dòng tâm sự này nàng đang cùng các con về quê cùng cả nhà làm giỗ để tưởng nhớ người cha thân yêu nhân ngày 27/7.
- Và nhân đây tôi cũng xin được thắp một nén nhang tưởng nhớ và biết ơn tất cả nhưng anh hùng đã hy sinh vì nghĩa cả cho cuộc sống hoà bình hôm nay./.

Xn cảm ơn gia chủ và bạn đọc đã bớt chút thời gian quý báu đọc những dòng tâm sự này.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.
Cảm ơn Minh Bình, Hoa (chưa)Tàn, son và các bạn đã ghé thăm và để lại những bài viết với lòng tưởng nhớ và biết ơn đối với các thương binh, liệt sỹ.  hôm nay mình đi ct ở Thọ xuân Thanh Hoá, đến chiều tối mới về,giờ mới vào tv. Bọn mình đi theo đường mòn Hồ Chí Minh mới mở , cảnh đẹp hùng vĩ nhưng vì trời mưa nên mình mang máy ảnh nhưng không chụp được kiểu nào( bọn mình đi trên đường HCM khoảng 100km thôi)Dọc đường các đia phương đều có những hành động thiết thực kỷ niệm ngày Thương binh,Liệt sỹ...nghĩ lại một thời gian khổ hy sinh, của các bác,các anh chị mình thấy mình thật là nhỏ bé.Một nén nhang và một tấm lòng biết ơn gửi tới tất cả các liệt sỹ.
Mình mong mọi người ghé thăm thường xuyên nhé!
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Minh Bình

TRÒ CHƠI NGUY HIỂM...

 -"Phải nói lớp tớ có nhiều hoa khôi nhất của trường ĐHSP- Huế, mổi nàng mổi vẽ đẹp riêng...vì vậy trở thành trung điểm của trường..." Tôi thừa nhận với nhận xét của cậu bạn thân. Khu nội trú nử của lớp văn hai đêm đêm đông nghịt... nhiều câu chuyện cười ra nước mắt và củng không biết có bao nhiêu "Tâm hồn đau khổ", bao người mãn nguyện, bao hy vọng loé lên hoặc vụt tắt...
  Trong số đó - bạn tôi kể: " Chỉ có Vân Anh  là người chăm học nhất...còn các nàng chơi nhiều hơn học"
  - Thế Vân anh là người như thế nào? - Tôi hỏi. Bạn tôi cười khó hiểu:
  - Đố cậu đấy, thôi được thứ bảy tuần này tớ dẫn cậu sang, không khéo cậu mê mệt củng nên. Nghe cái tên củng đẹp đấy chứ! Ôi dào! Mình còn lo học nửa chứ , bận tâm làm gì...Ai ngờ tối thứ bẩy nó dẫn tôi sang phòng tập thể nội trú của lớp nó: " Ừ thì đi ngán gì - nói vậy nhưng tôi củng ngại lắm"...Chẳng biết nó có lọt vào mắt xanh của một nàng nào không, chỉ thấy nó huyên thuyên... múa tay múa chân ba hoa chích choè...rồi ghé vào tai tôi nói nhỏ: " Cậu thử đoán ai là Vân Anh?" Tôi lấy bình tỉnh rồi chào thật to cả phòng mặt đỏ gay vì những lời châm chọc, cười cợt các của nàng:
 - Được đấy! Làm mối cho mình Khánh (Tên của bạn tôi) nhé!
 - Không để cho tớ: To cao, mới hợp với tớ...Tớ cứ to là mê! Thế rồi các nàng chào tôi rồi lần lượt bước ra cửa...hình như họ đã quá quen tiếng còi xe đang chờ trước cổng. có nàng cò bạo dạn hôn vào má tôi một cái "Chụt" rồi chạy ra ngoài, thậm chí còn quay lại nhấp nháy con mắt tinh nghịch:
 - Tối nay em "Đá" cái thằng này... rồi yêu anh anh nhé...Sao anh xuất hiện muộn thế ?...táo tợn thật, tôi nói với Khánh: " Thôi mình về đi". Khánh chào cô gái còn lại duy nhất trong góc phòng đang loáy hoáy đọc...viết gì đấy...
 - Mình về Vân Anh nhé! Tôi ngoái lại chỉ thấy một tấm lưng nho nhỏ và nghe tiếng trả lời:
 - Ừ! cậu về nhé, tối nay cậu không đi chơi à! Tôi củng chào theo rồi ra về...Thế rồi, thỉnh thoảng tôi lại thấy nó lên bưu điện bỏ thư, tôi hỏi nó chỉ nói... gửi thư về cho gia đình...
  Ra trường tôi và nó dạy khác tỉnh nên chỉ gặp nhau một hai lần nghĩ hè ở quê, Một lần nó rủ tôi đi nhậu lai ra... Nó hỏi, cậu có nhớ Vân Anh lớp tớ không? tôi thú thật tôi chẳng nhớ gì cả...bởi tôi có thấy mặt mủi gì đâu. Nó lại bảo: " Cậu còn nhớ tớ hay đi gửi thư vào chiều thứ bảy không?" Tôi chưa biết nó nói có ý gì thì nó nói luôn: "Tớ gửi thư toạ độ cho vân Anh!" Trời đất cái thằng! tôi bắt đầu thấy tò mò...bởi câu chuyện trở nên hấp dẫn...Uống cạn cốc bia nó kể với giọng buồn rầu:
  - Đúng tớ đã yêu Vân Anh...nhưng là những ngày gần ra trường chứ không phải lúc đó...
  - Thế lúc đó cậu chỉ yêu đơn phương thôi à! Hay nàng đã có người yêu, hay là bị từ chối...mà cái tính ba hoa của cậu ai mà yêu...
  - Không! Ngày đó tớ đâu có yêu, cậu có nhớ cái đêm tớ và cậu sang chơi ký túc xá lớp văn 2 không?...Đêm đó tớ phát hiện một trò chơi quái ác..tàn nhẩn mà lương tâm không thể tha thứ được. Ừ, đầu tiên chỉ là thấy nàng tội tội thế nào ấy ...Ai củng có "bồ bịch" dắc nhau đi chơi đêm thứ bảy, chủ nhật...Còn nàng chỉ vì hình thức có phần kém nên cứ nấp trong cái" Vỏ ốc " thui thủi một mình, hết thư viện trường lại thư viện thành phố...Học như vậy, giỏi là đúng thôi...Tôi căt ngang :
  - Thế rồi như thế nào? Cậu nói nhanh lên...Nó lại uống một hơi hết sạch cốc bia..mắt nhìn vào một điểm nào đó xa xôi lắm...
  - Sáng thứ hai hàng tuần, con gái lớp tớ nhao nhao lên vì thư của người yêu...có nàng cầm cả xấp thư, Còn Vân Anh thỉnh thoảng mới có một lá thư gia đình...Cậu bảo như vậy có bất công không! Củng từ cái đêm đó..sáng thứ hai hàng tuần nàng bắt đầu đều đặn nhận được một lá thư với lời lẽ si mê đến điên cuồng- Tài văn chương của tớ, nhất là khoản thư tình thì cậu biết rồi đấy, khỏi phải chê...Nhìn nét mặt vui vui và đăm chiêu của nàng tớ vui vì trò chơi đang hấp dẫn của mình...Năm thứ ba và thứ tư... mặc dầu có thưa hơn vì bận ôn thi nhưng tớ vẫn duy trì một tháng một lá thư cho nàng...Chuyện Vân Anh có người si tình chẳng khác gì chuyện cô Tấm trong quả thị chui ra với bọn con gái lớp tớ, thôi thì... bàn tán xôn xao...Tớ bổng chạnh lòng, và nhiều khi nổi giận với các nàng .( Nhưng không dám phản ứng ra mặt). Còn Vân Anh thì dồn thời gian vào việc học, nàng không hề đoái hoài đến những lá thư không có địa chỉ... mặc cho nó nằm lăn lóc trong hộp thư, hoặc cho bạn bè đọc mua vui...Cậu bảo tớ có đau lòng không? Thôi chết tớ đã yêu Vân Anh lúc nào rồi không hay! Tớ đau đớn khi nhận ra điều đó...Nhưng biết làm sao nhỉ...Có thể cơ hội vẫn chưa muộn... nhưng lương tâm mình cắn rứt vì cái trò chơi tàn nhẩn đó...Mình có nên giãi bày với nàng không nhỉ? Liệu nàng có tha thứ không? Sự hèn nhát đã dày vò trái tim mình...mình trở thành kẻ đơn phương đau khổ nhất ...
 Nó lại tu hết một cốc bia to tướng rồi,nghẹn ngào:
 - Tốt nghiệp loại ưu, nàng được giữ lại thành phố...Hai năm sau nàng lấy chồng...Còn tớ như cậu biết đấy...Vẫn còn yêu trong nổi dằn vặt...Cậu bảo tớ phải làm gì đây!
 Quả thật tôi không biết phải an ủi nó như thế nào! Chỉ thốt lên:
- Mày là thằng tồi tệ nhất trên cõi đời này mà tao được gặp...Sao mày không đâm đầu vào xe mà chết đi cho rồi...Nói dại trong lúc say khéo nó làm thật chứ chẳng chơi...Tôi vội thúc dục nó lên xe và chở về nhà...Cả đêm tôi thao thức vì câu chuyện của thằng bạn thân...

                                                                                                     ( Minh Bình)
"Không thầy đố mày làm nên"
"Làm thầy mày không nên đố!"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

Cái cậu tên Khánh Hình như còn một cái tên khác...:P:P:P
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Minh Bình

@ Phượng Hoàng: Mổi một chế độ dều có một quan niệm cuộc sống, nhưng mình nhất trí với bạn dù là phương Đông hay phương Tây, dù là xưa hay nay NGHỆ THUẬT SỐNG vẫn là những gì mà con người khát khao tìm đến, đó là phép "Đối nhân xử thê"... dạy cho ta biết cách làm một con người. Dù là chuyện tưởng chừng như nhỏ nhất... hay những chuyện "Kinh thiên động địa" ta vẫn tìm được một lối ứng xử thông minh, giàu lòng nhân hậu... để cuộc đời mãi mãi đẹp như những vần thơ. Thế nhưng liệu 20..30...100 năm sau có gì thay đổi trong quan niệm cuộc sống không nhỉ...Liệu ta có thể viết về nghệ thuật cuộc sống một trăm năm sau không? MInh Bình định viết về chủ đề đó không biết có phù hợp với Trang "NTS" không?
"Không thầy đố mày làm nên"
"Làm thầy mày không nên đố!"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.
bạn cứ viết thoải mái nhé. Cuộc sống muôn hình muôn vẻ nhưng bao giờ cũng hướng tới "chân, thiện, mỹ",nếu là việc tốt thì nhỏ hay to đều rất cần cho đời mà bạn!.Mình thì lười viết lắm chỉ sưu tầm thôi...để san sẻ với những ai chưa có điều kiện đọc.Chúc bạn viết nhiều bài hay nhé!
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 41 trang (410 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối