Trang trong tổng số 1 trang (5 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Vanachi

(Viết trong blog, copy vào đây cho bõ công :p)

Ngô đồng xuất hiện trong thơ văn Trung Quốc từ rất sớm. Kinh thi:
鳳凰鳴矣,于彼高岡。
梧桐生矣,于彼朝陽。
菶菶萋萋,雝雝喈喈。
Phượng hoàng minh hĩ, Vu bỉ cao cương.
Ngô đồng sinh hĩ, Vu bỉ triêu dương.
Bổng bổng thê thê, Ung ung dê dê.
(Chim phượng hoàng hót, Tiếng trên ngọn núi cao.
Cây ngô đồng mọc, Trong ánh nắng sớm.
Tươi tốt xanh xanh, Hài hoà vui vẻ.)

Trong sách Trang Tử, thiên Thu thuỷ, đoạn nói với Huệ Tử cũng có:
南方有鳥,其名為鵷鶵,子知之乎?夫鵷鶵,發於南海而飛於北海,非梧桐不止,非練實不食,非醴泉不飲。於是鴟得腐鼠,鵷鶵過之,仰而視之曰「嚇」!今子欲以子之梁國而嚇我邪?
Nam phương hữu điểu, kỳ danh vi uyên sồ, tử tri chi hồ? Phù uyên sồ, phát ư nam hải nhi phi ư bắc hải, phi ngô đồng bất chỉ, phi luyện thực bất thực, phi lễ tuyền bất ẩm. Ư thị si đắc hủ thử, uyên sồ quá chi, ngưỡng nhi thị chi viết "hách"! Kim tử dục dĩ tử chi Lương quốc nhi hách ngã tà?
(Phương nam có loài chim, tên gọi phượng hoàng (uyên sồ là một tên gọi của phượng hoàng), ông (tức Huệ Tử) có biết không? Loài chim này, phát từ Nam Hải, bay lên Bắc Hải, không phải ngô đồng không đậu, không phải hột luyện không ăn, không phải suối nguồn không uống. Vậy mà có loài quạ bắt được con chuột thối, gặp khi phượng hoàng bay qua, ngửa cổ lên kêu để doạ (vì sợ tranh ăn)! Nay ông vì sợ tôi lấy mất nước Lương mà kêu lên để doạ tôi sao?)

Mang ngô đồng sánh với phượng hoàng, có thể thấy người xưa coi trọng nó thế nào! Trong tích Bá Nha-Tử Kỳ có nói, Bá Nha hỏi Tử Kỳ về xuất xứ của cây dao cầm, Tử Kỳ đáp: "Vua Phục Hy thấy 5 ngôi sao rơi xuống cây ngô đồng, rồi có chim phượng hoàng tới đậu, biết là cây quý, nên lấy gỗ làm thành loại nhạc cụ, bắt chước nhạc khí cung Dao Trì, gọi là dao cầm. Thân cây được chặt làm 3 đoạn, đoạn ngọn tiếng trong và nhẹ, đoạn gốc tiếng đục và nặng, chỉ có đoạn giữa là dùng được, đem ngâm giữa dòng nước chảy 72 ngày rồi phơi trong bóng mát đến khô mới có thể làm được..." Từ đó hai người kết làm tri kỷ.

"Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ tận tri thu" (Một chiếc lá ngô đồng rụng, Cả thiên hạ đều biết là mùa thu). Ngô đồng như là một thứ "thuốc thử", trong cổ thi đa phần đều gắn với mùa thu, xuất hiện nhiều vô kể. Lý Bạch có: "Nhân yên hàn quất tụ, Thu sắc lão ngô đồng" (Khói nhà ai làm lạnh quất và bưởi, Màu thu làm già cây ngô đồng - Thu đăng Tuyên Thành Tạ Diễu bắc lâu). Bạch Cư Dị: "Xuân phong đào lý hoa khai nhật, Thu vũ ngô đồng diệp lạc thì" (Ngày gió xuân đào mận nở, lúc mưa thu lá ngô đồng rụng - Trường hận ca). Án Thù: "Kim phong tế tế, Diệp diệp ngô đồng truỵ" (Gió vàng vi vu, Từng chiếc lá ngô đồng rụng - Thanh bình lạc).

Ngô đồng trong Tống từ còn hay được dùng để chỉ sự tịch mịch, cô quạnh. Lý hậu chủ: "Tịch mịch ngô đồng thâm viện toả thanh thâu" (Ngô đồng tịch mịch, viện sâu khoá xuân xanh - Tương kiến hoan). Lý Thanh Chiếu: "Hàn nhật tiêu tiêu thượng toả song, Ngô đồng ưng hận dạ lai sương" (Ngày lạnh tiêu điều toả xuống song, Ngô đồng sao hận những đêm sương - Giá cô thiên), "Ngô đồng lạc, hựu hoàn thu sắc, hựu hoàn tịch mịch" (Lá ngô đồng rụng, lại sắc thu, lại cô quạnh - Ức Tần Nga).

梧桐樹,
三更雨,
不道離情正苦。
一葉葉,
一聲聲,
空階滴到明。

Ngô đồng thụ,
Tam canh vũ,
Bất đạo ly tình chính khổ.
Nhất diệp diệp,
Nhất thanh thanh,
Không giai chích đáo minh.

Cây ngô đồng,
Mưa lúc canh ba,
Đâu biết chính lúc đau khổ vì ly biệt.
Từng chiếc lá rụng,
Từng giọt mưa rơi,
Bền thềm không cho tới sáng.
(Canh lậu tử - Ôn Đình Quân)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

"Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ tận tri thu", câu này đã được người đời nhắc đi nhắc lại không biết đến nay là bao nhiêu lần. Một câu kinh điển như vậy tiếc là đến nay không ai có thể truy ra nguồn gốc của nó nữa. Để nó thành một câu khuyết danh, âu cũng là vì sự đời không có gì là hoàn hảo vậy.

Hôm nay search lung tung một lúc thì tìm được một số thông tin như thế này...

1. "Hoài Nam tử", quyển 76, Thuyết sơn huấn:
見一葉落,而知歲之將暮;睹瓶中之冰,而知天下之寒;以近論遠。
Kiến nhất diệp lạc, nhi tri tuế chi tương mộ; đổ bình trung chi băng, nhi tri thiên hạ chi hàn; dĩ cận luận viễn.
(Nhìn một chiếc lá rụng, có thể biết năm sắp hết; nhìn thấy băng trong bình, có thể biết trời đã lạnh; lấy cái gần để hay cái xa)

Hoài Nam tử là sách do Hoài Nam vương Lưu An viết vào đầu đời Hán, cùng với Đạo đức kinh (của Lão Tử) và Nam Hoa kinh (của Trang Tử) là ba bộ kinh gốc của Đạo giáo.

2. "Văn lục" 文録 của Đường Canh 唐庚, và "Tuế thời quảng ký" 歲時廣記 của Trần Nguyên Tịnh 陳元靚 đời Tống có viết hai câu sau nhưng không ghi tác giả, chỉ biết tác giả đời Đường:
山僧不解數甲子,一葉落知天下秋。
Sơn tăng bất giải sổ giáp tử, Nhất diệp lạc tri thiên hạ thu.
(Sư trên núi không cần cởi mấy lớp áo, Một chiếc lá rụng cũng hay trời sang thu)

3. "Ngô đồng", Tư Mã Quang 司馬光 đời Tống:
初聞一葉落,知是九秋來。
Sơ văn nhất diệp lạc, Tri thị cửu thu lai.
(Vừa nghe một chiếc lá rụng, Biết là chín thu đã đến rồi)
Không rõ sao lại gọi là chín thu, có thể là chín phần thu.

4. "Mộng Lương lục" 夢梁録 của Ngô Tự Mục 呉自牧 đời Nguyên, quyển 4, Thất nguyệt lập thu:
梧桐一葉落,天下盡知秋。
Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ tận tri thu.

5. "Quần phương phổ" 群芳譜 của Vương Tượng Tấn 王象晋 đời Minh, viết năm 1621:
梧桐一葉落,天下盡知秋。
梧桐一葉生,天下新春再。
Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ tận tri thu.
Ngô đồng nhất diệp sinh, Thiên hạ tân xuân tái.

Tóm lại một câu nguyên văn như thế kia xuất hiện ít nhất từ đời Nguyên, còn ý của nó thì xuất hiện ít nhất từ đầu đời Hán, một khoảng thời gian rất rộng, 1500 năm. Cũng có thể coi như nó là kết tinh của nhiều tác giả trong khoảng thời 1500 năm đó đi.


Thơ Lý Bạch có "Ninh tri loan phụng ý, viễn thác y đồng tiền" 寧知鸞鳳意,遠托椅桐前 (Muốn hay ý của loan phượng, cứ xem cây ngô đồng thì rõ - 贈饒陽張司戶燧). Có thể người xưa có thói quen trồng cây ngô đồng để đón loan phượng, tức đón may mắn tới.

Trong "Hoa cảnh" 花鏡 còn chép như sau:
每枝十二葉,一邊六葉,從下數一葉為一月,有閏月則十三葉。視葉小處,即知閏何月也。
Mỗi cành 12 lá, mỗi bên 6 lá, mỗi tháng rụng đi một lá, nếu năm nhuận thì có 13 lá. Nếu nhìn kỹ vào lá, có thể biết được tháng nhuận.

PS: Câu này còn có một version khác là "Thiên hạ cộng tri thu". Một câu trải qua thời gian lâu như vậy và được sao đi chép lại nhiều như vậy, thì dị bản cũng không tránh khỏi. Nhưng "cộng tri thu" có vẻ như chỉ lưu truyền ở VN, vì google hầu như không có bản tiếng Trung nào!
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
54.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

PandaKid

Cho Pandakid hỏi là "cộng tri thu" khác với "tận tri thu" thế nào ạ? PandaKid thích "tận" hơn vì rõ sức nặng của câu thơ cũng như cảm quan thâm thuý của tác giả, nhưng vẫn muốn biết "cộng" mang nghĩa gì? Mong bạn giúp đỡ...
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu...
              ***
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Tận và cộng ở đây đều có nghĩa như nhau: tất cả.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyên Thánh

Xin hỏi thời gian qua bác @Vanachi có tìm thêm được thông tin nào liên quan đến hai câu thơ  "Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ tận tri thu" không vậy?
Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí,
Nhân bất phong sương vị lão tài.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (5 bài viết)
[1]