Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [85] [86] [87] [88] [89] [90] [91] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Rào-Nam

Nếu có thể
Hãy làm em đau đớn
Để trái tim em đau đáu về đêm
Nhịp chậm lại cho máu tìm kẽ ngách
Biết đâu anh đang đợi lả bên thềm

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Trở về trường cũ
Ta thấy ta đã già
Trở về trường rất cũ
Ta thấy ta rất già
Ta già theo tuổi tác
Ta già theo trò chơi
Bây giờ ta muốn khác
Muốn về nơi thiếu thời.

Lang thang dọc Cây Thị
Lội bắt cá, bắt còng
Giữa trưa hè rát bỏng
Trãi tuổi thơ mênh mông.

Nhớ thời vui tắm lụt
Chợ Sãi nước lút đầu
Biểu Lệ ngâm trắng xoá
Hồ Sen tìm nơi đâu.

Nhớ mùa đông rét mướt
Manh áo mỏng đến trường
Mái tranh và vách đất
Sưởi bạn bè thân thương.

Nhớ mùa thu đẫm sương
Vạt chiều tàn se sẽ
Cao Thôn đến Hạ Thôn
Đón đêm về rất khẽ

Nhớ thời cô giáo trẻ
Cầm roi lùa học sinh
Từ ngoài đồng, ngoài bãi
Về với lớp, với trình.

Ta lớn, đi mọi miền
Cùng trưởng thành mọi ngã
Một ngày về lại xưa
Chợt quen mà chợt lạ.

Trường tường cao, ngói đỏ
Bờ sông kè mênh mông
Tội nghiệp con còng gió
Cõng tuổi thơ giữa dòng
Thương một thời, cô giáo
Giờ thành nấm cỏ xanh
Nhớ cô khóc năm ấy
Khi ta rời trường thân.

Ta thấy mình già quá
Khi mọi thứ đi xa
Tuổi thơ đã cháy hết
Vé về thời đã qua.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

TRƯỜNG CŨ

Cũng tình cờ mà tôi có dịp quay lại ngôi trường cũ của một thời cấp Một ngắn ngủi 2 năm của tôi: trường PTCS Quảng Trung của huyện Quảng Trạch. Đi qua những cánh đồng vừa xong mùa lụt hơn tháng, bây giờ nước vẫn còn khá nhiều để cho lũ cò kiếm ăn, bay loạn xạ lên xuống, vén những cái nách trắng phau ra khoe mẽ. Cánh đồng quê ngoại kéo dài từ Quảng Hoà lên cho đến Quảng Tiên, các vạt ruộng nối đuôi nhau như đoàn tàu hoả, chở trên đó là lúa, khoai, ngô và những cánh cò chao vạc lối đi từ xưa để lại.
Đã gần mười lăm năm tôi mới trở lại nơi này, dù nó cách làng tôi non chục cây số, nhưng thời gian về không nhiều nên cũng không có dịp ghé thăm trường cũ, thăm cô giáo, bạn bè xưa. Thuở nhỏ tôi chuyển trường theo ba mẹ liên tục, tính ra nếu họp lớp như bạn bè lớn lên một chỗ thì tôi phải gấp mấy lần: Ba Đồn, Minh Lệ, Quảng Trung, Trung Trạch, Hoàn Lão, Đồng Hới, đại học. Nội chừng đó là đã ghê gớm rồi. Nên vợ tôi cứ la làng là anh suốt ngày đi họp lớp, lớp đâu ra mà lắm thế!
Tôi đi dọc ra bờ sông Rào Nậy, là một nhánh phía bắc của sông Gianh, con sông huyền thoại qua bao thế kỷ, thăng trầm cùng nắng mưa, lịch sử của đất nước. COn sông này ngày xưa tôi còn nhỏ, hai bên bờ sông là bùn và cát bồi, những con còng sông với hai càng to nhỏ sinh sống trong những cái hang tối như hũ nút. Bọn trẻ chúng tôi thường lấy sợi dây chuối xé nhỏ, buộc một đầu như cái thòng lọng cỡ ngón chân cái, đặt lên miệng hang, còn đâu dây kia kéo dài ra hơn chục mét. Để cho thòng lọng không bị gió thổi mất, chúng tôi lấy đất bùn đắp lên, sau đó chổng mông ngồi chờ còng bò ra khỏi hang. Vừa thấy con còng lấp ló là chúng tôi giật phăng sợi dây, chú còng bị bị văng ra xa về phía chúng tôi, thế là hấp, tóm ngay cho vào hộp làm đồ chơi. Cứ như vậy ngày này qua ngày khác.
Ngay cả khi đi học, chúng tôi cũng đi thật sớm để tranh thủ đi bắt còng. Đến giờ vào lớp, không thấy học sinh nam đâu là cô Bích chủ nhiệm biết ngay chúng tôi ở đâu. Cô bẻ một cành nè làm roi, vừa đi vừa vung vẩy gọi hết đứa này đến đứa khác về lớp. cả lũ sợ cô nên nghe tiếng cô là ba chân bốn cẳng đua nhau chạy cả đàn như đàn vịt. Chừng nửa tiết học thì cô lùa xong “lũ vịt” về lớp và bắt đầu bài học. Cứ như vậy suốt mùa nắng đi qua tuổi thơ của chúng tôi.
Hôm nay trở về thăm cô thì nghe nói cô đã mất hơn mười năm rồi. Tôi thấy mình chủ quan và có lỗi với cô vô cùng. Ngày xa cô để chuyển trường vô Trung Trạch, cô đã khóc với mẹ con tôi vì tiếc đứa học trò nghịch nhưng ngoan và học giỏi. Thế mà sau bốn mươi hai năm xa cô, tôi về thăm cô được dăm lần. Lần gần đây gặp cô đã hơn mười năm, cô mời tôi ăn ngô luộc, nói chuyện cũ, nhắc tới các bạn. Thấm thoắt vậy mà tôi cứ đinh ninh cô còn khoẻ mạnh nên không thường xuyên về thăm, cứ nghĩ là cô về hưu thì làm vườn tược loanh quanh chi đó, mình về khio nào chẳng được.
Rời khỏi nhà cô, những kỷ niệm lại lướt qua như một cuộn phim quay chậm. Bờ sông, chợ Sãi, Bàu Sen, Cao Thôn, Trung Thôn, Hạ Thôn và những con đường đất ngày xưa giờ đã thành đường nhựa. Con mương nước Rào Nan giwof đã lấp để làm nhà, họ dẫn nước bằng kênh xi măng ngoài đồng. Bạn bè thì lâu quá cũng quên hết. Tuổi thơ thật dại dột, chẳng có cái gì lưu lại bằng giấy bút để lỡ quên thì giở ra mà gọi tên nhau. Tất cả chỉ còn là hoài niệm trong đầu.
Hoài niệm ngôi trường chẳng bao giờ thay đổi.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Ta để lại gian nan miền giông bão
Một năm trôi trong khó nhọc dữ dằn
Chỉ tiếc nỗi em còn khờ dại lắm
Để ta đêm ngày suy ngẫm bâng khuâng.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Máy rửa có sẵn trong nhà
Áo quần, chén bát, gọi là có ngay
Bắt chồng cặm cụi hàng ngày
Có chi mà phải loay hoay nhọc nhằn

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

CHO CON
Ba không muốn con thiên tài đâu
Thiên tài lận đận với khổ đau
Lại thêm đầu óc luôn mộng mị
Tâm hồn, trái tim mãi dãi dầu.

Ba muốn con sống bình thường thôi
Mạnh khoẻ, hạnh phúc là nhất rồi
Học cao làm thuê cho người khác
Học dốt, một đời bọt nước trôi.

Nếu được, con cứ bơi bốn phương
Ước mơ, khát vọng mọi nẻo đường
Để cho tâm hồn và trí tuệ
Suốt đời thơm ngát trái và hương.

Thiên hạ cứ lo bon chen chúc
Ra đời tay trắng, chết trắng tay
Con làm gì tốt cho nhân loại
Là đủ nhân sinh trọn tháng ngày.

Ngày cuối năm 2020

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Thức khuya chỉ thấy đêm dài
Để bình minh đến, thái lai ngủ vùi
Tháng ngày lo lại đến vui
Phận người đã sẵn mệnh bùi nhân duyên

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Bát cơm cho bạn giữa rừng
Nhớ ngày bom đạn, rưng rưng ngậm ngùi
Bạn đâu đầu suối, cuối đồi
Trở về đây kể lại thời có nhau.

Bạn ơi, đói, khát ở đâu
Bạn ơi máu chảy chỗ nào, bạn xem
Bạn đi còn nặng nỗi niềm
Hoá thân cát bụi, ngày đêm gọi về.

Bát cơm nhắc lại rừng khuya
Đói ăn, giữ chốt, nguyện thề sắt son
Bây giờ cơm cháo vẹn tròn
Lòng quê gửi gắm người con chốn này.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Anh nhớ ngày xưa em lấy nắng
Buộc tóc đuôi gà đến lâng lâng
Nhớ cả bồng bềnh đôi mây trắng
Dạt xuống mắt em hoá bềnh bồng.

Bây giờ thuyền dạt bến lông bông
Một nửa ở nhà, một nửa không
Muối thì con gái lâu, chua chát
Nước mắt sao tưới nổi cánh hồng.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

MẸ VÀ CON

Mẹ sinh con
Không quyết định đời con
Nhưng mẹ biết điểm đi và điểm đến
Chín tháng, mười ngày, nặng non, nặng biển
Để cuối ngày mềm sống chợt sinh sôi.

Tiếng đầu đời con gọi mẹ ơi
Là khi đói, khi vui, buồn, vắng vẻ
Con gọi mẹ như bao đời vẫn thế
Dẫu bầu trời sụp xuống chẳng lối đi.

Ngày con xa
Mẹ biết nói điều gì
Cũng chẳng biết viết gì trên đôi cánh
Con bay mãi vào cuộc đời góc cạnh
Chút nhớ về
Lúc buồn gọi mẹ ơi!

Mẹ biết con dọc ngang cả bầu trời
Mẹ thu về trọn một đời tâm tưởng
Nhắc con hiểu
Nhiều phương nhưng một hướng
Cái cuối cùng
Điểm đến chỉ con hay.

Mẹ chỉ dặn thôi
Nào biết xưa, nay
Hay ngày mai
Đời đảo chao ráo lệ
Con chưa biết ghét thì đừng yêu nhiều thế
Chưa thác ghềnh
Sông đau đớn ở đâu?.

Dẫu biết rằng mẹ con vẫn có nhau
Nhưng đâu đó chuông thời gian đã gõ
Mẹ đã già
Cau chưa về chạm ngõ
Trầu tươi xanh cũng rũ xuống băn khoăn
Rót ngày mai lên quá khứ nhọc nhằn
Tưới hy vọng đẫm vào nơi con đến
Đời rất vui
Chỉ một người đưa tiễn
Và một lời
Đằm thắm gửi con yêu.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [85] [86] [87] [88] [89] [90] [91] ... ›Trang sau »Trang cuối