Trang trong tổng số 2 trang (17 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Bài ca dao này hẳn là ai trong chúng ta cũng từng đọc đến, thậm chí từng được phân tích trên giờ Giảng Văn thời cắp sách.

Ấy thế mà hôm qua, chú Điệp luyến hoa đã có một phát hiện mà rất có thể, vì phát hiện ấy mà bài ca dao này sẽ trở thành bản dịch thơ của dịch giả dân gian khuyết danh Việt Vam cho một bài thơ Đường.

Chuyện là thế này ạ.

Sớm ấy, không hiểu sao mất ngủ, chú Điệp nhà ta cầm quyển "Thi pháp thơ Đường" đọc linh tinh đến 6h sáng, tình cờ đọc trong đó có 2 câu "Sừ hoà đương nhật ngọ, Hãn trích hoà hạ thổ" (tr.179) bỗng nhiên chột dạ, thấy quen quen. Bèn lên mạng tra ra mới biết thì ra  bài thơ Đường: Mẫn nông (kỳ 2) của Lý Thân (bài 11, quyển 483 trong Toàn Đường thi, còn có tên là Cổ phong):

憫農其二
鋤禾日當午,
汗滴禾下土。
誰知盤中飧,
粒粒皆辛苦。

Mẫn nông kỳ 2
Sừ hoà nhật đương ngọ,
Hãn trích hoà hạ thổ.
Thuỳ tri bàn trung xan,
Lạp lạp giai tân khổ.

Nhớ cảnh làm nông kỳ 2
Cày lúa ngày đang lúc trưa,
Mồ hôi giọt xuống chân cây lúa.
Có ai biết rằng bát cơm trong mâm,
Mỗi hạt đều là đắng cay cực khổ ?


... lại có một bản dịch tuyệt vời được truyền tụng trong dân gian như đã nói trên... Và người đời sau rất có thể đã tưởng nhầm là sáng tác dân gian và liệt nó vào danh sách ca dao Việt Nam. Chú Điệp cho rằng không thể có giả thiết ngược lại là Lý Thân (772-846) ..dịch từ ca dao VN vì thể lục bát của VN chỉ xuất hiện từ khoảng đời Trần, tức là rất lâu sau đời Đường của Trung Quốc.

Mình liền trộm bài viết này từ bolg của Điệp luyến hoa, gửi vào đây cho mọi người cùng đọc và góp lời.

Nếu đúng như Điệp nói, thì.. trời ơi, chúng mình sắp không được hát ru con bài này rồi, vì thường người ta chỉ hát ru bằng ca dao, ai hát ru bằng bản dịch thơ bao giờ!
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thichanlac

Tìm đúng xuất xứ của một tác phẩm là điều nên làm. Tuy nhiên giá trị của một tác phẩm (và nói chung là giá trị của mọi sự vật hiện tượng) đâu cứ lệ thuộc vào xuất xứ. Thuở nuôi con, mình toàn ru bằng thơ Tố Hữu (có lần ru hết cả bài Việt bắc mà con vẫn chưa ngủ). TA không ru con bằng thơ dịch có kén chọn quá không ?
TAL
http://i209.photobucket.com/albums/bb156/thichanlac/thuyen2.gif
Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
Thuyền cũng muốn dừng, mà sóng chẳng yên..
Đời là biển động triền miên
Mỗi thân phận - một con thuyền lênh đênh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Tác giả quyển "Thi pháp thơ Đường" là Nguyễn Thị Bích Hải, một người cũng có công khá lớn trong việc nghiên cứu và tuyển dịch thơ Đường. Hai câu đầu của bài thơ được chép trong đó, em nghĩ NTBH không thể không "chột dạ" với 2 câu đó, không phải đợi đến em "phát hiện" ra đâu. :-)

Em chỉ nghĩ là có thể vì lý do tế nhị nào đó, hoặc chưa tiện lúc mà người ta không muốn đề cập đến vấn đề này chăng.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

@ĐLH: Chị không biết, chị chả thấy cô Nguyễn Thị Bích Hải nói gì đến chuyện này mà chú Điệp nhà ta nói ra nên chị cho rằng chú ấy phát hiện ra đầu tiên :-P... Có khi say mê với thơ Đường, cô ấy không liên tưởng tới bài ca dao xưa chăng?
@Bác Thíchanlạc: Tại bác ru cháu (hí hí, có khi cháu chỉ bé hơn em vài tuổi :-P) bằng thơ Tố Hữu, cháu nó thấy hay quá nó không ngủ được đấy ạ.
Em thì em không kén chọn đâu mà em thấy ru con bằng thơ dịch quá ...sang trọng đấy ạ nên chưa dám thử :-D
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Xin lỗi vì bài viết này em viết vào blog rồi post lại vào đây và ngại sửa lại cách xưng hô.

Cây chuối (Nguyễn Trãi)
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
Ðầy buồng lạ màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu, gượng mở xem.

Rất tiếc hôm nay mình lại thấy thêm 1 bài nữa mà mình nghĩ là dịch ý từ thơ Đường. Bài thơ này của Nguyễn Trãi mình nhớ không nhầm ngày xưa học trong môn văn lớp 8-9 gì đó (cùng với bài "Thuật hứng" nữa), nó được coi là có nhiều điểm tiến bộ về hình thức và tư tưởng so với văn học thời bấy giờ. Về hình thức, cũng giống như rất nhiều bài khác trong "Quốc âm thi tập", sự đổi mới cách tân nằm ở chỗ các câu lục và thất ngôn xen kẽ nhau. Điểm đổi mới thứ hai là dùng hình ảnh cây chuối, thứ cây rất hiếm khi xuất hiện trong thơ ca và không mang tính ước lệ. Về nội dung, điểm mới mẻ là việc Nguyễn Trãi ám chỉ gió xuân và cây chuối đang "make love", một điều rất hiếm gặp trong dòng thơ văn chính thống của Nho học.

未展芭蕉(錢珝)
冷燭無煙綠蠟乾,
芳心猶卷怯春寒。
一緘書箚藏何事,
會被東風暗拆看。

Vị triển ba tiêu (Tiền Hử)
Lãnh chúc vô yên lục lạp can,
Phương tâm do quyển khiếp xuân hàn.
Nhất giam thư tráp tàng hà sự,
Hội bị đông phong ám sách khan.

Cây chuối còn non
Đuốc lạnh không có khói, ngọn nến xanh cạn kiệt,
Tấm lòng thơm vẫn cuộn, sợ gió xuân lạnh.
Một phong thư tráp giấu điều chi,
Bị gió xuân lén mở ra xem.

Đọc bài thơ này chắc chắn không thể lại không chột dạ tiếp vì hai câu cuối giống với bài "Ba tiêu" của Nguyễn Trãi. Tiền Hử sống vào khoảng năm 900, Nguyễn Trãi khoảng 1400. Bài này được chép trong "Toàn Đường thi" quyển 712, bài 6. Mình chẳng nghĩ gì về việc cụ Nguyễn đạo thơ gì cả, các cụ ngày xưa vẫn mượn thơ nhau là chuyện thường, chẳng có gì mập mờ ở đây. Điều muốn nói ở đây là, có nên xem lại những nhận xét trên về bài thơ này của Nguyễn Trãi, rõ ràng 2 câu thơ 2 câu cuối lấy từ thơ Tiền Hử ra. Những điều "mới mẻ" trên đã có từ 500 năm trước Nguyễn Trãi.

Mình nghĩ có 3 khả năng, một là các bác nhà mình biết nhưng làm ngơ, để tự tôn thêm thơ ca VN (giống chuyện các bác nhà mình tán câu "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" hay hơn thơ của Thôi Hiệu ấy). Khả năng này là rất lớn vì khi bài thơ này mình đọc được thì đã có Nguyễn Thị Bích Hải đã dịch rồi, mà mình không nghĩ NTBH lại không liên tưởng ngay được sang bài thơ của Nguyễn Trãi.

Khả năng thứ 2 là các bác nhà mình chưa biết, thế thì còn gì để mà bàn nữa :p

Khả năng cuối cùng là các bác nhà mình biết và viết ở đâu đó và bàn dân thiên hạ (bao gồm của mình) chẳng ai hay, hoặc cố tình không muốn hay.

Mình cũng không rõ giờ trong sách văn cấp II còn bài này không nữa!


Bài "Cây chuối" của Nguyễn Trãi: http://www.thivien.net/vi...ID=geNjG6kbAxWPLaqdF181sQ
Bài "Vị triển ba tiêu" của Tiền Hử: http://www.thivien.net/vi...ID=yrKqD8ksPEKKZKsAvPCx6w
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Mình nghĩ, vấn đề ở chỗ là các bác nhà mình tán tụng hơi nhiều, đôi khi cách bình thơ vượt qua những chi tiết khách quan, áp đặt ý kiến chủ quan hoặc là tán thêm cho nó hay vào. Vì thế cũng phải lờ đi chứ còn sao. Đã trót nói là Nguyễn Trãi táo bạo và mới mẻ, làm sao rút lại lời được? Chứ còn việc mượn ý thơ như thế trong lịch sử VH có nhiều rồi, phải không?
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Nhân tiện nói chuyện "mượn ý thơ" với một người bạn, anh ấy đã gửi mình lời bài hát của Trần Tiến, bài "Trái tim nhiều ngăn" - trong đó có ý cũng rất gần gũi với bài thơ của Gamzatov mà trên Thi Viện cũng đã đăng. Mình cứ gửi lên đây để mọi người đọc nhé, có được không Đlh?

GỬI NGƯỜI PHỤ NỮ
Rasul Gamzatovich Gamzatov
Đoàn Minh Tuấn dịch

Hỡi người phụ nữ,
nếu có nghìn đàn ông yêu em
em có biết trong nghìn người ấy,
có Rasun Gamzatốp nữa mà.

Còn nếu như chỉ có,
trăm đàn ông yêu em,
em hãy nhớ trong số
trăm người đó,
nhất định Rasun Gamzatốp có tên.

Còn nếu như yêu em,
đàn ông chỉ còn một chục
thì Rasun Gamzatốp,
đứng thứ bảy hay tám trong hàng.

Nếu đàn ông chỉ còn lại một người yêu em,
tôi xin thề - người đó không ai khác,
ngoài Rasun Gamzatốp, em ơi.

Còn nếu em đi cô đơn buồn tủi trên đời,
không ai yêu em nữa,
thì có nghĩa ở một nơi nào đó.
trên núi cao, Gamzatốp chết rồi...

TRÁI TIM NHIỀU NGĂN
Nhạc và lời: Trần Tiến

Hãy cho tôi một ngăn, một ngăn nhỏ
trong muôn ngàn triệu ngăn trái tim em
Hãy cho tôi tình yêu, tình yêu nhỏ,
tôi xin làm lá cỏ cánh rừng em

(nhạc...)

Một ngàn người yêu em trong đó có tôi
Còn mười người yêu em trong đó còn tôi
Còn hai người yêu em...
Người kia rồi sẽ ra đi. Tôi thì ở lại !....

(nhạc...)
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

haspv52

Nhân đây, e lại xin góp một vài lời! Bài ca dao: " Cày dồng..." đúng là có nhiều nguồn thông tin cho rằng có nguyên tác từ bài thơ Đường của Tác giả Lí Thân. Tuy nhiên, cho dù đó là sự thật hay không, thì vấn đề đáng nói ở đây, là giá trị rất riêng của Bài ca dao trong kho tàng văn học Việt Nam! Ấy là nó tồn tại trong chiếc áo rất đẹp của thể thơ lục bát thuần tuý, đậm chất dân tộc! Và từ xưa tới nay đã gắn bó sâu sắc với cuộc sống nhân dân lao động Việt Nam! văn học là một phạm trù rất cần cái nhìn toàn diện! Thiết nghĩ, không nên vì xuất xứ của nó mà quên đi toàn bộ giá trị đích thực! Có lẽ hơi khập khiễng, song xin phép được đưa ra đây so sánh, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du vốn có xuất xứ từ "Kim Vân Kiều truyện", nhưng với tâm huyết và tài năng, Nguyễn Du đã phát huy tối đa giá trị của Thể thơ lục bát, tạo nên mọt truyện thơ bất hủ, làm cho thế giới biết đến nền Văn học Vn và cái tên Nguyễn Du!...^-^
Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng
Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongha83

Thực ra, bài ca dao

Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

vốn là của Lý Thân, điều này không gây bất ngờ mấy với riêng mình, nó chỉ chứng tỏ một điều: Văn hoá của ta đã chịu ảnh hưởng sâu sắc đến thế nào văn hoá của Trung Quốc có hàng ngàn năm lịch sử. Đó chính là sự giao thoa văn hoá. Cho đến bây giờ vẫn chưa có một cứ liệu đầy đủ nào để chứng minh cho bài ca dao là của Việt Nam và ai đã đưa nó vào, trong các sách văn học sử( phần văn học dân gian )không thấy đề cập đến
Đây là dạng truyền khẩu mà đã là truyền khẩu thì rất khó biết ai là người Việt Nam đầu tiên đã đưa nó vào và trở thành bài ca dao như ngày nay ta vẫn ru vẫn hát.
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

dhhuu

Trong trường hợp này hay nhất là đọc câu thành ngữ Việt " MẺO LẠI HOÀN MÈO". Cần có một đời sống văn hoá trung thực, đau thì đau nhưng cắt chúng ra khỏi văn học thuần Việt và rút lại tất cả những tán hươu tán vượn quanh bài ca dao, giảm cái cách đồng thanh đồng vọng nhiều nhiều quá !
con chim cất tiếng hót
chỉ khi đậu trên cành
và tiếng hót chỉ cất
cho bầu trời luôn xanh
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (17 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối