Trang trong tổng số 88 trang (872 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [85] [86] [87] [88]

Ảnh đại diện

Poet Hansy

Khổng Minh nhìn xem ai thì là Trình Đức Khu ở Nhữ Nam liền nói:
- Nho cũng có Nho quân tử, cũng có Nho tiểu nhân. Nho Quân tử thì trung vua yêu nước, giữ chính, ghét tà, chuyên làm những điều lợi ích chung, tiếng để đời sau. Còn như loại Nho tiểu nhân thì chỉ cặm cụi văn chương miệt mài nghiên bút; còn trẻ thì làm phú, đầu bạc thì đọc kinh, dưới bút dầu có nghìn lời, trong bụng không được một mẹo. Xem như Dương Hàng, văn chương có tiếng một đời mà khuất mình đi theo Vương Mãng rồi cũng đến đâm đầu xuống lầu mà chết. Thế gọi là Nho tiểu nhân, dẫu ngày làm nghìn câu thơ cũng có ích gì đâu.
Trình Đức Khu cũng ứ cổ nốt.
Chúng thấy Khổng Minh ứng đối như nước chẩy, cũng sợ mất vía. Lúc đó còn có hai người là Trương Ôn, Lạc Thống sắp vào muốn hỏi. Bỗng bên ngoài có một người chạy vào quát to lên rằng:
- Khổng Minh là bậc anh tài đời nay, các người lấy môi mép vặn người ta, đó không phải là kính khách. Đại quân của Tào Tháo đã đến bờ cõi, tìm kế chống giặc chẳng tìm, cứ ngồi đấu khẩu như thế ích gì?

Các tướng nhìn xem ai, thì là Hoàng Cái biểu tự Công Phúc.
Sau khi Gia Cát đè bẹp phe chủ hàng, Tôn Quyền lòng đã muốn đánh nhưng vẫn chưa quyết. Quyền cho người mời Chu Du lại thương nghị. Chu Du quyết định nghênh chiến. Du đề ra 3 điểm chiến mà Đông Ngô có khả năng thắng lợi.
1- Tào Tháo cần phải thực hiện một cuộc chiến tranh tốc quyết vì Mã Siêu, Hàn Toại vẫn là mối lo sau lưng của Tào Tháo.
2- Nhân dân Kinh Châu chưa hoàn toàn qui phục họ Tào.
3- Giữa mùa đông lương thảo khan hiếm, khí hậu cũng không hợp với quân Bắc phương.
Quyền thấy Chu Du cương quyết như thế mới cầm kiếm chém xuống đất ra lệnh cấm bàn chuyện đầu hàng.

Binh lực đương thời của hai bên rất so le. Bắc quân riêng lực lượng Tào Tháo đã có ngót hai mươi vạn, cộng thêm bẩy tám vạn quân Kinh Châu.
Bên Đông Ngô, quân Lưu Bị có một vạn, quân Lưu Kỳ một vạn, quân Chu Du, Trình Phổ chừng hai vạn, Lỗ Túc thâu thập được thêm một vạn. Như vậy là một chọi sáu!
Trận đánh lớn nhất xẩy ra ở huyện Gia Ngư, khu vực Xích Bích. Kết quả Tào Tháo đại bại phải rút lui và lưu Tào Nhân chống giữ ở Giang Lăng. Chu Du thừa thắng đánh tràn. Tào Nhân phải bỏ Giang Lăng mà chay. Cả một giải lưu vực trường giang mất hẳn tung tích Bắc quân. Hình thế Nam Bắc phân lập bắt đầu từ đó.
Trận Xích Bích phá vỡ tan tành kế hoạch thống nhất toàn quốc của Tào Tháo, ổn định địa vị Tôn Quyền ở Giang Nam, đồng thời cũng tạo cho Lưu Bị cơ hội lấy bàn đạp Kinh Châu tiến vào Ích Châu, từ chỗ vẫn đi nương nhờ người khác, đến chỗ có một thế lực riêng biệt lớn mạnh. Trận Xích Bích thực là then chốt cho sự hình thành của cái thế chia ba chân vạc.

Chu Du
Độc giả Tam quốc thường nhìn Chu Du là một nhân vật tuổi trẻ tài cao, nhưng tính khí bồng bột, hẹp hòi ghen ghét.
Lối nhìn đó là bởi ảnh hưởng của Tam Quốc Chí diễn nghĩa qua câu chuyện đấu khí giữa Chu Du và Gia Cát Lượng. Du thua, tức đến nỗi thổ máu mà chết, lúc sắp chết Du có than rằng: “Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng?”.
Thật ra Chu Du là con người rất có tu dưỡng, nhiều mưu trí và tính tình khiêm cung hoà nhã.
Tôn Quyền đặt ngôi vị Chu Du ở trên lão tướng Trình Phổ, Phổ không bằng lòng, thế mà Chu Du đã đem độ lượng và tài cán của mình khuất phục được Trình Phổ. Phê bình về Chu Du, Trình Phổ đã phải nói: Giao du với Chu Công Cẩn như uống rượu ngọt, say lúc nào không biết.
Nhưng chỉ có hai người thời đó đánh giá nổi Chu Công Cẩn là Tào Tháo và Khổng Minh. Cho nên ở trận Xích Bích cả Gia Cát Lượng và Tào Tháo đều ra sức tranh thủ Chu Du. Gia Cát thì vận dụng Lỗ Túc, Tào Tháo thì vận dụng Tưởng Cán.
Chu Du chết sớm, ảnh hưởng tai hại cho cục diện ba nước không nhỏ. Thiết tưởng Tôn Quyền có tiếc Chu Du mà nói: “Ta mất Chu Du thì nghiệp đế của ta cũng hỏng” thì cũng không lấy gì làm quá đáng.

Lỗ Túc
Lỗ Túc đáng kể như một nhân vật khả ái nhất Tam quốc.
Tử Kính tuy không có những biệt tài nổi bật như Cố Ung, Tưởng Uyển, Tuân Úc, nhưng ông cũng rất thông hiểu chính trị, ngoại giao, quân sự và rất cẩn trọng mỗi khi áp dụng định kiến của mình. Thêm nữa Lỗ Túc là người có phong độ, trung, dũng, trí, kiệm, có tu dưỡng nhân nghĩa lễ tín.
Căn cứ vào tình thế đương thời mà bàn thì chủ trương Ngô Thục liên minh của Lỗ Túc thật chính xác. Thâm ý trong đường lối liên minh với Thục của Lỗ Túc là: “Gây cho Tháo nhiều kẻ địch, để xây dựng thêm vây cánh cho Đông Ngô”. Bởi vì so sánh với lực lượng Nguỵ và lực lượng Đông Ngô thì Nguỵ thừa sức nuốt sống Đông Ngô, nếu không có những lực lượng khác khiên chế Nguỵ.
Thế chia ba chân vạc do Lỗ Túc đóng góp một phần cực to tát. Ông dám khuyên Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn Kinh Châu để làm tư bản chính trị. Giả thử Tôn Quyền không nghe Lỗ Túc, đương nhiên không có nước Thục. Giả thử Lưu Bị không kiến tạo nổi Thục thì liệu Đông Ngô có đứng vững nổi với Nguỵ chăng?
Tôn Quyền phê bình Lỗ Túc nói:

- “Khuyên ta cho Huyền Đức mượn Kinh Châu là chỗ kém nhất của Tử Kính”. Nói như vậy, Quyền chỉ nghĩ đến cừu địch là Thục mà không kể chi đến Nguỵ, chỉ nghĩ đến bực bội trước mắt mà không tưởng đến hiểm hoạ xa.
Trí lực ngắn ngủi của Tôn Quyền cũng như mấy võ tướng Quan Vũ và Lã Mông đã gây thành đường lối ngoại giao đổ máu, trái ngược với lòng mong mỏi của Tử Kính, không ngừng dàn xếp để các cuộc quyết đấu giữa Ngô – Thục không xẩy ra.
Tại Đông Ngô, duy Chu Công Cẩn mới nhận nổi giá trị của Lỗ Túc, cho nên lúc Du sắp mất, Tôn Quyền hỏi Du, ai khả dĩ thay thế. Chu Du nói: “Lỗ Túc là người trung liệt, lâm sự không cẩu thả”. Đề nghị cho Lỗ Túc thay mình, chứng tỏ Chu Du cũng là người rất nhiệt thành với đường lối ngoại giao liên kết với Thục lắm. Riêng lời ấy đủ lột hết sắc thái con người Lỗ Tử Kính.
Cố Ung Bất cứ đường lối chính trị nào, hình thế chính trị nào đều liên hệ với một quyền lực thống trị thì mới mong lâu dài, bền vững.
Thời Tam quốc, Nguỵ, Ngô, Thục do đường lối chính trị khác nhau, hình thể chính trị khác nhau, nên quyền lực thống trị cũng sai biệt.
Nước Nguỵ quyền lực thống trị để bình định một tình trạng đã hỗn loạn đến cực độ nên phải áp dụng đạo hình danh của pháp gia, phải có những biện pháp mạnh, thủ đoạn nhiều trí thuật hơn từ ái nhân nghĩa.
Nước Thục vì dân tình hiểm ác, nên quyền lực thống trị tuy chủ trương nhân nghĩa nhưng cũng không thể không dùng đến đường lối mãnh liệt của pháp gia. Ở đây quyền lực thống trị mang tính chất “pháp đa nho thiểu”, “pháp nho kiêm dụng”. Nước Ngô nhờ địa lý phì nhiêu, dân tình khoan hậu, nhờ tâm lý nhất trí để chống đối với dị tộc của dân chúng, nên quyền lực thống trị ở đây chỉ cần một chính sách thi hành nhân ái, khoan hình giảm chính, tóm lại Đông Ngô thuần dụng đạo trị của nho gia để ổn định xã hội. Xã hội Đông Ngô bấy giờ so với các khu vực khác đáng gọi là thiên đường.

Công lệnh áp dụng trị đạo của nho gia ở Đông Ngô của ai?
Của Tôn Quyền?
Không đúng.
Của thừa tướng Cố Ung đó.
Lịch sử tuy không chú ý mấy đến ông, thậm chí còn xếp Cố Ung đừng hàng dưới Trương Chiêu một bậc. Chuyển sang diễn nghĩa thì những người như ông không có chuyện lạ gì để nhà văn miêu tả hấp dẫn thì lại càng bị lu mờ hơn.
Thực ra đối với Đông Ngô, Cố Ung là người có công lao lớn nhất. Sở dĩ ông gần như bị quên lãng là vì chức vị của ông là chức vị thủ tướng hành chính, trong khi đương thời Tam quốc chỉ trọng những tranh phong chính trị, quân sự.
Tôn Quyền tuy không có đại bản lĩnh, nhưng ở địa vị lãnh tụ. Sở trường của Quyền ở chỗ: Biết dụng người, biết tin và biết phân phối. Quyền rất nể Cố Ung, nhận thấy ở Ung một tài năng xuất chúng về nội chính nên giao phó trách nhiệm này cho Ung tới 19 năm trường.

Hoàng Vũ tứ niên, Cố Ung từ giã mẹ già đi nhận lãnh chức vụ, Quyền ra tận ngoài tiếp đón, rồi lại gọi Thái tử tới lậy chào, trong khi Trương Chiêu tuổi lớn, tiếng xa mà Chiêu không được Quyền dùng ở ngôi vị này. Tại sao?
Tại Quyền nhận thấy Chiêu khí lượng hẹp hòi hay câu nệ câu chấp, một lần Quyền và Chiêu xích mích. Trương Chiêu cáo ốm không đến chầu. Tôn Quyền hối hận đến tạ lỗi, Chiêu cũng không ra, đến nỗi Quyền phải sai người đốt nhà Chiêu mới chịu ra. Do đó nhiều lần, mọi người khuyên Quyền đặt Chiêu vào ngôi vị Thừa tướng Quyền đều lờ đi. Khi thừa tướng Tôn Thiệu chết, mọi người lại đề cập đến Trương Chiêu thì Quyền từ chối khéo: “Bây giờ đương lúc gay go, chức cao thì trách nhiệm thêm nặng, lão thần đã già không nên phiền nhiễu ông ta làm gì”.

Cố Ung đủ sở trường của Trương Chiêu, nhưng Ung hơn Chiêu ở điểm không có những sở đoản như Chiêu. Ung cương trực mà ý khí không loạn, nói thẳng, ưa điều hợp lý, mà vẫn giữ được thái độ khiêm nhượng, hoà nhã, luận đoán, kiến giải nhất nhất đều chính xác, đối xử với người rất chân thành.
Ở chức Thừa tướng, tất phải có phong độ đại thần, công bình, dung hợp, tầng trên điều chỉnh trăm quan, tầng dưới yêu mến bảo vệ trăm họ.
Những điều Trần Bình nói về trách nhiệm tể tướng, đại thần:
- “Trên thì phò thiên tử, điều hoà âm dương, thuận tứ thời, dưới thì nuôi vạn vật cho no đủ, sử dụng cho đúng mức, ngoài thì chấn áp tứ di, trong thì vỗ về trăm họ”. Cố Ung đều có cả.
Cố Ung bao giờ cũng dùng nhân chính. Lần Tôn Quyền đi khảo sát dân tình, Cố Ung đã thảo cho Quyền một tờ lệnh như sau:
- “Nạn binh đao đã lâu ngày, khiến cho dân gian bê trễ việc ruộng nương cày cấy, chồng con bố mẹ không đủ nuôi thương nhau, ta rất lấy làm buồn. Nay giặc đã tạm yên, bên ngoài không có gì lo ngại, vậy truyền cho dân chúng ai về nhà nấy mà nghỉ ngơi, tiếp tục canh nông, phụng dưỡng tôn tộc”.
Năm Xích Ô thứ ba, Cố Ung lại thay Tôn Quyền thảo chiếu lệnh:
- “Vua không có dân không lập, Dân không thóc gạo không sống. Gần đây dân bị phiền nhiễu vì binh dịch nên thóc không sinh sản nhiều. Thêm nạn quan tham lại nhũng chiếm đoạt của dân, khiến dân càng cùng khổ. Nay ra lệnh: bất cứ kẻ nào làm việc phi pháp đều gia tội nặng”.
Nhờ Cố Ung, Tôn Quyền chẳng còn phải lo gì đến hậu phương nữa.
Luận về Tôn Ngô

Cục thế Tam quốc, Tôn Ngô chiếm toàn bộ Giang đông. Địa bàn Giang đông hẹp hơn Nguỵ, tốt hơn Thục. Nhân tài Giang đông không thiếu. Thế mà thanh thế Giang đông không lúc nào vượt nổi khu vực mình, suốt bao nhiêu năm chỉ đứng địa vị cố thủ là cớ sao?
Trước hết, Giang đông ngoài đường lối chính trị thu hẹp trong khu vực, không có hiệu triệu chính trị đại thể. Khác với Thục, mỗi lần xuất sư phạt Nguỵ đều dùng danh nghĩa “Hán tặc bất lưỡng lập, vương nghiệp bất thiên an”.
Một lần Tôn Sách tính chuyện xuất binh phát triển thế lực quá giang lên miền Bắc, chẳng may việc chưa thu xếp xong Sách đã bị bộ hạ của Hứa Cống giết chết.
Lỡ cơ hội, từ đó về sau, chính trị Đông ngô rơi hẳn vào thế thủ. Thêm nữa thế thủ Đông Ngô phần lớn cũng tại người lãnh đạo, nó đã rõ ràng ngay lúc Tôn Sách giao phó quyền bính cho Tôn Quyền, Sách nói:

- “Vận dụng dân chúng Giang đông để quyết cơ chốn trận địa thì Quyền không bằng ta. Nhưng cử người hiền, dùng người tài khiến ai cũng tận tâm tận sức bảo vệ Giang đông thì ta không bằng Quyền”
Xét về nhà họ Tôn, riêng Tôn Sách rộng tầm mắt hơn cả. Tôn Quyền kém Tôn Sách rất xa, bản chất chính trị của con người Tôn Quyền là: “khuất thân nhẫn nhục, nhiệm tài đương kế”. Quyền chỉ biết thu vén tính toán hẹp hòi, không có cái phóng dật thiên tài của Khổng Minh và cái say sưa tàn bạo già dặn của Tào Mạnh Đức.
Đối ngoại, Tôn Quyền biết khuất thân nhẫn nhục nhưng đối với chính sự nội bộ, tâm tính Tôn Quyền lại khác hẳn, nó chỉ mang khí chất một thanh niên con nhà nuông, với tác phong bồng bột, khinh thị, kiêu căng thừa tự của Tôn Kiên, Tôn Sách. Cho nên Tôn Quyền chỉ vì nóng nẩy hờn dỗi mà bốn phen lập tự, tạo thành những rối ren phiền nhiễu không đâu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Nguyên nhân thứ ba hãm Đông Ngô vào thế thủ là: Đông Ngô luôn luôn phải đối phó với các dân tộc biên cảnh, chiến tranh thường xuyên với các dân tộc này đã làm trở ngại cho sức phát triển của Đông Ngô ghê gớm vì biết bao nhiêu vật lực đã tiêu hao đi. Chỉ một khu vực Đan Dương thôi, Đông Ngô từng chống chọi hàng mấy trăm lần với dân tộc Sơn Việt. Sử chép rằng: dân tộc Sơn Việt rất hay việc võ, thiện chiến, sùng thượng khí lực, ở vùng hiểm trở, họ đi trong rừng như cá dưới nước, lúc đánh họ đến đông như kiến, lúc rút thì trận địa vắng teo, thật khó lòng mà chế ngự”. Xem nhận xét của Ngô Sử đủ biết dân tộc Sơn Việt là mối đại hoạ cho Đông Ngô. Trong Lục Tốn truyện còn cho biết: “Dân tộc Sơn Việt mỗi lần gây can qua đều mang tác dụng chính trị do âm mưu của Tào Tháo”.

Muốn bảo vệ ta thì phải tấn công địch. Đó là một quy luật chiến tranh. Tôn Quyền giỏi thế thủ, nhưng không giỏi thế công, thường thường thế thủ tuyệt đối cũng là khó khăn tuyệt đối. Trận Xích Bích chứng minh sự khó khăn tuyệt đối đó.
Tào Tháo xâm nhập Kinh Châu, Lưu Tông sợ hãi đem thuyền bè, bộ binh dâng cho Tháo. Binh Tào thừa thế uy hiếp Giang Đông, quân số ước chừng hơn ba mươi vạn. Dưới áp lực to lớn ấy, Giang Đông chỉ có hai con đường phải chọn, “đánh hay hàng”. Hàng lúc này không thể là hoà mà là tiêu diệt. Đánh thì sức lực Giang Đông so với Nguỵ quân quá kém sút. Trong triều đình phái chủ hoà chiếm đại đa số. Thế thủ Tôn Quyền chủ trương bị đe doạ lung lay đến tận cội rễ.
Nhưng kết quả của chiến tranh Ngô Nguỵ lại hết sức đột ngột. Tào quân thua lớn. Tại sao? Tam quốc chí và Tam quốc chí diễn nghĩa nêu ra mấy nguyên cớ chính:
Ngô Thục liên kết chặt chẽ.
Tào Tháo thất bại trên mặt trận gián điệp (các việc Hoàng Cái chịu khổ nhục kế, Phượng Sồ, Tưởng Cán).

Binh sĩ Trung nguyên không giỏi thuỷ chiến.
Tào Tháo chưa khắc phục trọn vẹn tâm lý của mười vạn hàng quân của Lưu Biểu.
Tào Tháo còn bị hạn chế bởi lực lượng Hàn Toại, Mã Đằng phía Bắc.
Thua ở Xích Bích, nước Nguỵ tìm ra một đại thắng về sau là: nhận được rõ tính cách lợi hại của liên kết Ngô Thục. Tháo liền quay về sửa sang xây dựng địa bàn rộng lớn của mình, đợi Ngô Thục mâu thuẫn sẽ ra tay.
Thắng ở Xích Bích, Tôn Ngô đi đến thất bại tương lai vì lòng kiêu hãnh nóng nẩy của những người lãnh đạo say sưa với thắng lợi nhất thời. Tôn Ngô phạm vào lỗi lầm tai hại trên chính lược đúng như Tào Tháo dự đoán là phá bỏ chính sách liên minh Ngô Thục. Mặc dầu Lã Mông đã giết được Quan Vũ, chiếm cứ toàn cõi Giang Lăng, nhưng cũng bởi thế mà Đông Ngô bị lôi cuốn vào một cuộc chiến tranh tai hại. Mặc dầu Lục Tốn đập tan vỡ lực lượng Lưu Bị, nhưng Đông Ngô vẫn còn bị hãm vào một cuộc chiến tranh du kích tiêu hao khiến Đông Ngô vướng vít. Trong khi ấy, kẻ đại địch của Giang Đông là Tào Tháo thừa thế phát triển.

Tôn Quyền bồn chồn vì thế lực Quan Vũ, uất ức vì vài lời khinh bạc và hấp tấp với mấy mối lợi do Tào Tháo nhử; nhãn quan chính trị của Tôn Quyền quả thật là quá ngắn. Tôn Quyền chỉ đụng độ với Tào Tháo một lần tại Xích Bích, trận này Tôn Quyền đại thắng. Thế mà đời sau vẫn bảo Tôn không bằng Tào. Ấy là vì cái khả năng chiến lược, khả năng nhìn thế lớn của Tôn không đáng học trò Tào vậy.
Mưu sĩ Tuân Úc
Nhân tài thời đại Tam quốc rất nhiều. Đem so sánh số nhân tài qui tụ tại ba nước Nguỵ Ngô Thục thì số trí thức dưới trướng Tào Tháo cao nhất, thứ nhì Ngô, thứ ba Thục.
Trong đám mưu sĩ nước Nguỵ, có Tuân Úc được Tào Tháo thưởng thức hơn cả.
Tào Tháo vốn đã là người túc trí, đa mưu, kẻ làm mưu sĩ cho Tào Tháo không phải dễ dàng gì.

Tuân Úc xuất thân từ gia đình môn phiệt. Tổ phụ Tuân Úc là Tuân Châu nổi tiếng học rộng, thày dạy các danh sĩ Lý Ưng, Vương Xướng. Tuân Châu có tám người con được đời xưng tụng làm “tám con rồng nhà họ Tuân”. Chú của Úc là Tuân Sảng làm quan đến chức Tam Công. Tuân Úc ngay từ lúc còn trẻ đã nhận thức những cái thối nát của bọn danh sĩ Thái học sinh, tự mình từ bỏ con đường từ chương hoa mỹ để đi tìm thực học.
Tuân Úc có 5 sở trường:
- Thứ nhất: giàu mưu trí, kế hoạch của ông có một tính chất đặc biệt là ẩn trọng tính xa. Lúc Đổng Trác nắm quyền, Tuân Úc đang làm một chức huyện quan, từ dịch trở về quê quán. Úc nhận thấy sắp loạn to đến nơi mới hội họp các bô lão trong làng nói rằng: “đất Dĩnh Xuyên chúng ta chẳng chóng thì chầy cũng thành chiến địa vì nó ở chính giữa chỗ binh xung, vậy phải tính chuyện rời đi không thể chậm trễ nữa. Các bô lão dùng dằng chưa quyết, Tuân Úc gặp dịp Hàn Phức mời ra giúp việc liền thu xếp cho gia tộc thân thích bỏ đất Dĩnh Xuyên ngay. Quả nhiên không bao lâu, quân Đổng Trác tới cướp bóc vùng Quang Đông, đất Dĩnh Xuyên bị tàn hại hơn cả.

- Tào Tháo khởi binh đánh Đào Khiêm, giao phó Tuân Úc cai quản hậu phương, quân còn lại rất ít. Trương Mạo, Trần Cung, Lã Bố thừa cơ tấn công, tình thế mười phần nguy cấp. Tuân Úc cùng Hạ Hầu Đôn bình tĩnh ứng phó. Giữa lúc nguy nan này, có quan Thứ sử Dự châu là Quách Cống đem mấy vạn quân đến dưới thành đòi tiếp kiến Tuân Úc. Ai cũng cho rằng Quách Cống đồng mưu với Lã Bố nên muốn giữ không để Úc ra nói chuyện. Úc nghĩ, từ chối Cống tức là đẩy Cống hùa theo Lã Bố, bất nhược nếu không thu dụng được Cống thì ít nhất cũng làm cho lực lượng Cống trung lập. Nghĩ vậy rồi Tuân Úc thản nhiên ra hội đàm với Quách Cống. Cống thấy Úc không hề có sắc mặt hoảng hốt lo âu nên bụng bảo dạ, chắc Úc đã bố trí chu đáo rồi nên kéo quân đi thẳng. Cái kế thành bỏ ngỏ chứng tỏ thủ đoạn quyền biến của Úc rất cao vậy.
Ở với Tào Tháo, Tuân Úc đã giúp cho họ Tào những kế sách lớn như:
a- Khi Tháo đánh nhau với Viên Thiệu, quân Viên Thiệu cực thịnh, quân Tào Tháo thì ít, lương lại thiếu. Hai bên cầm cự dằng dai, Tháo muốn rút quân bèn biên thư hỏi ý kiến Úc, Úc trả lời:

- Hiện tại lương tuy thiếu, nhưng kẻ thoái trước tất là gẫy nát hết, xưa kia Lưu Bang cầm cự Hạng Võ ở Hàm Dương, cả hai bên đều nhất quyết không chịu thoái quân trước. Bây giờ ta chống giữ Viên Thiệu, chẹn họng Thiệu tính ra đã quá nửa năm, tình hình sắp chín sắp biến, chính là lúc ta nên dùng kỳ binh đó.
b- Tào Tháo muốn chiếm Từ Châu của Đào Khiêm trước, trừ Lã Bố sau, Tuân Úc chủ trương ngược lại, Úc nói: “lấy lớn đổi nhỏ, lấy an đổi nguy, chỉ biết cái kế nhất thời mà quên rằng căn cứ mình còn chưa vững là không phải”. Tháo chịu.
Tào Tháo chiếm Nghiệp thành, lĩnh chức Ký Châu Mục, nhiều người khuyên nên trở lại chính chế cũ, phân định cửu châu. Tháo bằng lòng, đem ý kiến ấy hỏi Tuân Úc, Tuân Úc bàn rằng:

- “Ký Châu đất rộng người đông, ta mới chiếm đoạt, hết thẩy đều lo sợ, nếu dân chúng sinh biến mà ta chống giữ tất nhiên phải đàn áp. Đàn áp là ta mất chính nghĩa. Đã mất chính nghĩa rồi thì càng khó giữ. Chẳng bằng ngài hãy đem binh đánh dấn lên Hà Bắc, tiến xuống Kinh Châu để làm sáng tỏ chính sách to tát quang minh của ta cho thiên hạ rõ đại thể, mà biết tự an, đấy mới là kế lâu dài vậy”.
Tào Tháo tỉnh ngộ bãi bỏ việc tái lập cựu chế tại Ký Châu. Việc Tô Châu, Duyện Châu, Tuân Úc chủ trương củng cố trước, phát triển sau. Việc Ký Châu Tuân Úc lại chủ trương phát triển trước, củng cố sau. Trông bề ngoài thì trước và sau có vẻ phân cách riêng biệt, sự thật Tuân Úc chỉ là: trong phát triển đi tìm cái củng cố, trong củng cố mở đường tái phát triển. Chỗ khó là vấn đề thích đáng “sự thích thời giả kỳ công đại!” (làm việc đúng thời mới nên đúng). Đáng tiếc Tam Quốc chí diễn nghĩa không cho người đời sau đủ tư liệu cần thiết để phân tích, chứng minh rõ ràng khúc triết hai đường kế sách của mưu sĩ họ Tuân.

Thứ hai: Tuân Úc sáng suốt và rộng lượng đề cử người tài giỏi. Thông thường các mưu thần sách sĩ vẫn có lối trông người thiên hạ bằng nửa con mắt. Tuân Úc trái lại, lúc nào ông cũng tha thiết quý trọng nhân tài, tìm cách tiến cử. Tuân Du, Vương Lãng, Quách Gia, Tư Mã Ý, Hoa Hâm, Trần Quân (Quần?) hết thảy đều do một tay Tuân Úc đề bạt.
Thứ ba: Nhân phẩm thuần hậu, làm việc thẳng thắn. Sách “Điển lược” nói Tuân Úc là người khiêm nhượng, không đài các, không để cho tư dục loạn tâm ý. Úc có một tên tuỳ tùng tận tuỵ hầu hạ. Lúc ông nắm quyền lớn, có người nói: “bây giờ ông ở ngôi cao, tại sao không nhân tiện xin phong chức cho hắn? Tuân Úc cười nói: Quan chức dùng để tỏ tài hành sự của người ta, hắn tuy tận tuỵ với tôi nhưng không phải vì thế mà tôi dùng bậy”.

Sau khi địa vị Tào Tháo củng cố, các bạn của Tuân Úc sốt sắng, nhất là Đổng Chiêu đều chạy đua vận động tước vị. Chiêu đem ý kiến bàn với Tuân Úc. Họ Tuân trả lời: Thái Tổ vì đại nghĩa hưng binh để lập kỷ cương triều đình, ổn định nhà nước, riêng tôi, tôi muốn giữ lòng thành thực trung trinh mà yêu mến Người qua đức độ, chẳng ham như thế”.
Thứ bốn: Mỹ đức giản dị tiết kiệm. Thường thường Tuân Úc vẫn đem bổng lộc của mình phân phát cấp đỡ cho tôn tộc, họ hàng, bạn bè thân mật cũ, cho nên nhà không có của thừa. Tào Tháo đem con gái mình gả cho (con?) Tuân Úc và cấp ruộng nương tiền bạc vô kể, nhưng cha con Tuân Úc đều khiêm nhượng từ chối.
Thứ năm: dáng dấp đường bệ, dung mạo chín chắn, Tuân Úc có một nghi biểu ít thấy. Chẳng thế mà khi Nễ Hành chửi Úc cũng phải công nhận rằng: “Tuân Văn Nhược chỉ đáng đi viếng đám tang”. (Tuân Văn Nhược khả tá diện điếu tang).
Về cái chết của Tuân Văn Nhược
Tuân Úc thọ đúng 50 tuổi. Cái chết của ông, dư luận chia làm hai thuyết. Tam Quốc chí viết: “Tuân Úc không tán thành việc Tào Tháo tấn phong Quốc công, Tào Tháo e dè để bụng, Tuân Úc buồn phiền lâm bệnh nặng”. Sách Nguỵ thị Xuân thu viết: “Tào Tháo sai người biếu Tuân Úc một mâm gỏi, Úc mở ra, ở trong không có gì, biết Tào Tháo muốn mình tự xử bèn uống thuốc độc chết”. Tâm sự người xưa ra sao? Thuyết nào cũng đúng, ngày nay ta chẳng có tài liệu xác thực nào để mà chứng minh cả.
Tuân Úc, Nễ Hành, Trần Cung
Phần tử trí thức bình dân thời đại Xuân Thu đặt chủ trương cho mọi hoạt động chính trị phải:

- Lấy Trung, Thứ làm lập trường.
- Lấy Nhân, Nghĩa làm nguyên tắc.
Cả ba Tuân Úc, Nễ Hành, Trần Cung đều chịu ảnh hưởng tư tưởng mà phần tử trí thức Xuân Thu đã nêu lên.
Khi thể hiện trên hành động, ba người lại khác hẳn nhau. Tuy vậy kết quả cùng quy vào một mục tiêu là đề cao Trung Thứ Nhân Nghĩa.

Mặc dầu cả ba cùng cống hiến cho mục tiêu giống nhau, nhưng nếu đem so sánh, phán đoán thì việc làm và thái độ Tuân Úc tỏ ra đáng kính trọng, đáng khâm phục hơn cả, cho nên công lao cống hiến của Tuân Úc cho thời đại cũng lớn nhất. Vì Tuân Văn Nhược là người sáng suốt, biết thoả hiệp lý tưởng chính trị với hiện thực, tuy phải ứng phó với hiện thực mà vẫn không hề quên công tác chỉnh đốn thể hệ nhân văn.
Trần Cung thì ý thức đấu tranh quá ngắn hơi. Còn Nễ Hành chỉ là một loại trí thức không tưởng, điên cuồng. Một tâm trạng yếu ớt và nông nổi. Tâm trạng nổi loạn bằng những cơn giận cơn điên, nhắm mắt lao đầu vào chướng ngại để hòng phá nó. Tâm trạng chống đối vô ích, chỉ bàn chỉ nói, chỉ chửi mà không làm gì cho đúng mức cả.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 88 trang (872 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [85] [86] [87] [88]