Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [20] [21] [22] [23] [24] [25] [26] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

MẸO VIẾT ĐÚNG
DẤU HỎI - NGÃ


Ðể viết đúng chính tả nói chung và viết đúng dấu hỏi, dấu ngã nói riêng, bên cạnh biện pháp rèn luyện âm chuẩn và nhớ mặt chữ của từ dựa vào nghĩa của chúng, chúng ta còn có thể vận dụng một số mẹo luật, tức là các quy tắc mà dựa vào đó, có thể suy ra dấu hỏi, dấu ngã một cách chính xác.

Dưới đây là một số mẹo cụ thể.

1- Mẹo viết đúng dấu hỏi, dấu ngã đối với từ láy.

1.1- Khái niệm về từ láy và các kiểu từ láy.

Từ láy là từ có hai hay trên hai âm tiết (tiếng), có cấu tạo ngữ âm lặp lại nguyên âm tiết hay một bộ phận của âm tiết, trong đó ít nhất một âm tiết không có nghĩa chân thực xác định.

Dựa vào mối quan hệ qua lại về mặt ngữ âm giữa các âm tiết, từ láy được chia thành hai kiểu: từ láy nguyên và từ láy bộ phận.

Từ láy nguyên là kiểu từ láy có các âm tiết giống nhau hoàn toàn hay có biến đổi chút ít về mặt thanh điệu theo quy luật hài thanh, tức quy luật hài hoà về thanh điệu.

Ví dụ:

Ba ba, chuồn chuồn, nao nao, nhao nhao, ngà ngà, đo đỏ, tim tím, bươm bướm, châu chấu, ngay ngáy, phinh phính v.v...

Từ láy bộ phận là kiểu từ láy có các âm tiết hoặc là lặp lại phụ âm đầu, hoặc là lặp lại vần.

Ví dụ:

Dễ dãi, dễ dàng, đẹp đẽ, khoẻ khoắn, lạnh lẽo, nhỏ nhắn, vui vẻ, bủn rủn, lảm nhảm, lẩm cẩm, lủng củng v.v...

Về mặt thanh điệu, các âm tiết trong từ láy chịu sự chi phối của luật hài thanh như bảng tóm tắt dưới đây:

Bậc cao ngang - sắc - hỏi

Bậc thấp huyền - nặng - ngã

Nói cụ thể hơn, các âm tiết trong từ láy hoặc là cùng có một thanh điệu, hoặc là cùng thuộc một bậc thanh, trừ một ít ngoại lệ.

1.2- Mẹo viết đúng dấu hỏi, dấu ngã đối với từ láy.

Từ luật hài thanh nêu trên, chúng ta rút ra được các mẹo luật cụ thể như sau:

1.2.1- Mẹo 1: ở bậc cao.

a- Âm tiết có thanh ngang đi với âm tiết có thanh hỏi.

Ví dụ:

Bảnh bao, bỏ bê, da dẻ, dai dẳng, dư dả, đon đả, gây gổ, hả hê, hở hang, lẻ loi, leo lẻo, mỏng manh, mở mang, nể nang, nham nhở, nhỏ nhoi, thong thả, thơ thẩn, rủ rê, sa sả, vui vẻ, xây xẩm v.v...

Ngoại lệ:

Âm tiết có thanh ngang đi với âm tiết có thanh ngã: Khe khẽ, lam lũ, ngoan ngoãn, nông nỗi (danh từ), se sẽ (âm thanh), trơ trẽn, ve vãn.

b- Âm tiết có thanh sắc đi với âm tiết có thanh hỏi.

Ví dụ:

Bé bỏng, bóng bẩy, bướng bỉnh, cáu kỉnh, cứng cỏi, gởi gắm, gắng gỏi, gắt gỏng, khấp khởi, kháu khỉnh, hắt hủi, hóm hỉnh, hiểm hóc, hớn hở, lắt lẻo, lấp lửng, láu lỉnh, lém lỉnh, mát mẻ, mới mẻ, nhắc nhở, nức nở, nhảm nhí, phấp phỏng, rải rác, rẻ rúng, rác rưởi, tấp tểnh, tỉnh táo, thẳng thắn, thẳng thớm, thảm thiết, trắng trẻo, trống trải, vất vưởng, vớ vẩn, vắng vẻ, xấp xỉ, xó xỉnh, xối xả, v.v...

1.2.2- Mẹo 2: ở bạc thấp.

a- Âm tiết có thanh huyền đi với âm tiết có thanh ngã

Ví dụ:

Bão bùng, bẽ bàng, buồn bã, còm cõi, chồm chỗm, dễ dàng, đẫy đà, hãi hùng, hỗn hào, hững hờ, kĩ càng, lỡ làng, lững lờ, mùi mẽ, mỡ màng, não nề, não nùng, ngỡ ngàng, phè phỡn, phũ phàng, rành rẽ, rõ ràng, rầu rĩ, rền rĩ, rũ rượi, sàm sỡ, sỗ sàng, sững sờ, sừng sững, tầm tã, tẽn tò, trễ tràng, tròn trĩnh, vững vàng, vỗ về, vờ vĩnh, vòi vĩnh, vẽ vời, xoàng xĩnh v.v...

Ngoại lệ:

Âm tiết có thanh huyền đi với âm tiết có thanh hỏi: Bền bỉ, chàng hảng, chồm hổm, chèo bẻo, mình mẩy, niềm nở, phỉnh phờ, sừng sỏ.

b- Âm tiết có thanh nặng đi với âm tiết có thanh ngã.

Ví dụ:

Bụ bẫm, chễm chệ, chững chạc, chặt chẽ, chập chững, dạn dĩ, doạ dẫm, dựa dẫm, đẹp đẽ, đĩnh đạc, gạ gẫm, gãy gọn, gỡ gạc, gặp gỡ, gần gũi, giãy giụa, giặc giã, gọn ghẽ, hợm hĩnh, khập khiễng, lạnh lẽo, lặng lẽ, lạc lõng, lọc lõi, não nuột, nhạt nhẽo, nhễ nhại, nhẵn nhụi, ngặt nghẽo, nghễu nghện, ngỗ ngược, õng ẹo, quạnh quẽ, rộn rã, rộng rãi, rũ rượi, sạch sẽ, thưỡn thẹo, vạm vỡ, vặt vãnh, vội vã v.v...

Ngoại lệ:

Âm tiết có thanh nặng đi với thanh hỏi: gọn lỏn, nhỏ nhặt, trọi lỏi, vỏn (vẻn) vẹn, xảnh xẹ.

1.2.3- Mẹo 3: ở cả hai bậc thanh.

Khi hai âm tiết của từ láy bộ phận lặp lại vần hay lặp lại phụ âm đầu kết hợp với sự hài âm giữa các âm chính trong vần thì cả hai âm tiết cùng có thanh hỏi hay thanh ngã.

Ví dụ:

Lã chã, lả tả, lải nhải, lảng vảng, lẩm bẩm, lẩn thẩn, lẩy bẩy, lẽo đẽo, lõm bõm, lõng bõng, lỗ chỗ, lổm ngổm, lởm chởm, lởn vởn, lủng củng, lững thững, lảo đảo, tẩn mẩn, tủn mủn, xởi lởi, cũ kĩ, đủng đỉnh, hể hả, hổn hển, khủng khỉnh, lỏng lẻo, mủm mỉm, nhõng nhẽo, nhỏ nhẻ, tủm tỉm, thủng thỉnh, v.v...

1.3- Phân biệt từ láy với từ ghép có sự lặp lại về mặt ngữ âm giữa các âm tiết một cách ngẫu nhiên.

Về mặt ngữ nghĩa, từ láy chính danh bao giờ cũng có ít nhất một âm tiết không có nghĩa rõ ràng, xác định.

Ví dụ:

Bé bỏng, bóng bẩy, gắt gỏng, mát mẻ, trắng trẻo, đủng đỉnh, lẩm cẩm, vớ vẩn, vu vơ, bẽn lẽn v.v...

Ðó chính là cơ sở quan trọng giúp ta phân biệt từ láy với từ ghép có sự lặp lại về mặt ngữ âm giữa các âm tiết một cách ngẫu nhiên.

Ví dụ:

Lí lẽ, lú lẫn, mồ mả, mỏi mệt, hỏi han, giữ gìn, nghỉ ngơi, sửa chữa, dở lỡ, nhỏ nhẹ, sửa soạn, giãy nảy, nhểu nhão, kiêng cữ, ủ rũ v.v...

Ðối với những trường hợp vừa nêu, chúng ta không được vận dụng các mẹo để suy ra dấu hỏi, dấu ngã.

2- Mẹo viết đúng dấu hỏi, dấu ngã đối với từ đơn.

Ðối với một số từ đơn âm, chúng ta cũng có thể dựa trên luật hài thanh đã trình bày để rút ra mẹo viết đúng dấu hỏi, dấu ngã.

2.1- Mẹo 1: ngang, sắc - hỏi.

Giữa các từ đơn âm đồng nghĩa hay gần nghĩa, nếu một từ có thanh sắc hay thanh ngang (không dấu) thì từ còn lại có thanh hỏi.

Ví dụ:

Can - cản (ngăn); chăng - chẳng, chả (ý phủ định); chưa - chửa (phủ định); khan - khản (giọng nói); quăng - quẳng; tan - tản; tua - tủa; vênh - vểnh; há - hả, hở, hẻ; lén - lẻn; rắc - rải; tốn - tổn; thoáng - thoảng v.v...

2.2- Mẹo 2: huyền, nặng - ngã.
Giữa các từ đơn âm đồng nghĩa hay gần nghĩa, nếu một từ có thanh huyền hay thanh nặng thì từ còn lại có thanh ngã.

Ví dụ:

Chìa (ra) - chĩa; dầu - dẫu (cho); đầm - đẫm; đầy - đẫy; lời - lãi; mồm - mõm; ngờ - ngỡ; thòng - thõng; rồi - rỗi; cội - cỗi; đậu - đỗ; (chống) chọi - chõi v.v...

3- Mẹo viết đúng dấu hỏi dấu ngã đối với từ Hán - Việt.
3.1- Khái niệm về từ Hán - Việt.

Từ Hán - Việt là từ vay mượn của tiếng Hán, nhưng được đọc theo cách phát âm của tiếng Việt.

Ðất nước ta đã bị các thế lực phong kiến Trung Quốc xâm chiếm, đô hộ hàng mấy trăm năm; sự giao lưu kinh tế, văn hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra trong một thời gian dài. Ðặc biệt là chữ Hán đã được dùng làm chữ viết chính thức của ta trong hàng thế kỉ. Vì thế cho nên tiếng Việt đã vay mượn từ tiếng Hán với số lượng rất cao. Hiện nay, số lượng từ Hán - Việt chiếm hơn 60% trong vốn từ vựng tiếng Việt. Ða số từ Hán - Việt là từ đa âm tiết: từ hai âm tiết trở lên.

Ví dụ:

An ninh, ẩn sĩ, bảo vệ, bản lĩnh, chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, dân chủ, độc lập, chiến tranh, hoà bình, hạnh phúc v.v...

3.2- Cách nhận diện từ Hán - Việt:
Nhìn chung, nếu không có vốn hiểu biết sâu rộng về Hán học thì rất khó nhận diện chính xác từ Hán - Việt trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, có thể dựa vào các cách sau đây để nhận biết chúng.

3.2.1- Dựa vào đặc điểm về ý nghĩa.

Từ Hán - Việt thường có ý nghĩa mang tính trừu tượng, khái quát cao. Vì thế, khi tiếp nhận từ Hán - Việt, chúng ta thường cảm thấy nghĩa của nó mơ hồ, khó giải thích. Chẳng hạn như nghe các từ: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, độc lập, tự do, hoà bình, chiến tranh, du kích, hàm số, hằng số v.v... Hay là chúng ta phải tìm yếu tố tương đương trong từ thuần Việt rồi mới suy ra được ý nghĩa. Chẳng hạn khi nghe các từ: ảo ảnh, ẩn sĩ, thực đơn, danh nhân, cường quốc v.v... chúng ta thường liên hệ đến các yếu tố tương đương rồi suy ra nghĩa của chúng.

3.2.2- Dựa vào trật tự phân bố của các yếu tố trong từ.

Trong lớp từ Hán - Việt, có một số lượng khá lớn từ ghép được cấu tạo theo quan hệ chính - phụ, gọi là từ ghép chính - phụ, trong đó, phụ tố thường đứng trước, chính tố thường đứng sau: P + C.

Ví dụ:

Ẩn ý, ẩn sĩ, cường quốc, dịch giả, tác giả, khán giả, văn sĩ, thi sĩ, viễn cảnh, cận cảnh, giáo viên, học viên, hội viên v.v...

Trong khi đó, từ thuần Việt thuộc loại này được cấu tạo theo trật tự ngược lại: C + P.

Ví dụ:

Người viết, người xem, người nghe, người đọc, nhà văn, nhà thơ v.v...

Dựa vào đặc điểm đã nêu, khi gặp một từ ghép chính phụ được cấu tạo theo trật tự P + C, thì ta có thể xác định đó là từ Hán - Việt.

3.3- Mẹo viết đúng dấu hỏi, dấu ngã đối với từ Hán - Việt.
Khi có thể nhận diện, xác định được từ Hán - Việt, chúng ta có thể vận dụng các mẹo sau đây để viết đúng hỏi, ngã.

3.3.1- Mẹo 1: thanh ngã.

Các từ Hán - Việt bắt đầu bằng các phụ âm được ghi bằng các chữ cái/tổ hợp chữ cái D, L, M, N, NG, NH, NGH, V có thanh ngã. Có thể dựa vào câu sau đây để nhớ các chữ cái/tổ hợp chữ cái vừa nêu:

Mình nên nhớ viết là dấu ngã *

Ví dụ:

D: Dã man, hướng dẫn, dĩ vãng, dĩ nhiên, diễn viên, diễm lệ v.v...

L: Lão hoá, lãnh đạo, lãnh tụ, lãng phí, lễ nghĩa, lũng đoạn, tích luỹ, v.v...

M: Mãnh liệu, mãn khoá, minh mẫn, mẫu hệ, mẫu giáo, mĩ thuật, mĩ lệ v.v...

N: Não bộ, truy nã, nỗ lực, phụ nữ v.v...

NG/NGH: Bản ngã, ngôn ngữ, ngưỡng mộ, đội ngũ, nghĩa vụ, nghĩa trang v.v...

NH: Hoà nhã, nhãn hiệu, nhẫn nại, truyền nhiễm, thổ nhưỡng, nhũ mẫu, v.v...

V: Vãn hồi, vãng lai, vĩ đại, vĩ tuyến, viễn xứ, vĩnh viễn v.v...

3.3.2- Mẹo 2: thanh hỏi.

Các từ Hán - Việt bắt đầu bằng các nguyên âm và âm đệm /-u-/, được ghi bằng các chữ cái A, Ô, Â, Y, U và các từ Hán - Việt mở đầu bằng các phụ âm còn lại, được ghi bằng các chữ cái/ tổ hợp chữ cái B, C, Ð, H, K, KH, PH, Q, S, T, TH, X có thanh hỏi. Trừ một số ngoại lệ.

A: Aío ảnh, ảm đạm, quan ải v.v...

Ô: Ổn định, ổn áp, ổn thoả v.v...

Â: Ẩn sĩ, ẩn số, ẩn dật, ẩm thực v.v...

Y: Ỷ lại, ỷ thế, yểm hộ, yểm trợ, yểu mệnh, yểu tử, yểu tử v.v...

U: Ủng hộ, uổng mạng, uổng phí, uổng tử, uẩn khúc, uỷ nhiệm, uỷ viên, uỷ thác, uyển chuyển v.v...

B: Bảo vệ, bản lĩnh, dân biểu, bảng nhãn v.v...

Ngoại lệ: Bãi (nghĩa là bỏ) trong hàng loạt từ: bãi công, bãi chức, bãi khoá ...; hoài bão, bão hoà, bĩ thái.

C: Cảm tình, cảnh cáo, cẩn thận, cổ tích, củng cố, cử hành, nghĩa cử v.v...

Ngoại lệ: cưỡng bức, linh cữu.

Ð: Ðảm nhiệm, can đảm, đảo quốc, đảng phái, điển hình, đả kích v.v...

Ngoại lệ: Ðãi ngộ, đãng tử, phóng đãng, hiếu đễ, đỗ trọng, đỗ quyên, Ðỗ (họ).

H: Hải cảng, hải quân, hảo hạng, hoan hỉ, hiển vinh, hủ tục, hoả pháo, hoả tiễn, hoảng hốt v.v...

Ngoại lệ: Hãi (nghĩa là sợ) trong các từ: sợ hãi, kinh hãi, ...; hãm hại, hung hãn, kiêu hãnh, hoãn binh, trì hoãn, hỗ trợ, hỗn hợp, huyễn hoặc, hữu nghị, hữu hạn, hãng (buôn).

K: Kỉ cương, kỉ luật, kỉ niệm, kiểm điểm v.v...

Ngoại lệ: Kĩ nữ, kĩ nghê, kĩ thuật, kĩ năng, kĩ xảo, kĩ sư, kĩ lưỡng.

KH: Khả ái, khả năng, khảo hoàn, khảo cổ, khẩn cấp, khoả thân, khẩu khí, khiển trách, khủng bố, khuyển nho v.v...

PH: Gia phả, phản chiếu, phản ánh, phẩm chất, phủ định v.v...

Ngoại lệ: Phẫn nộ, phẫn uất, phẫn chí, phẫu thuật.

Q: Quả cảm, quả ohụ, quản lí, quản giáo, quảng cáo, quảng đại, quảng trường, quỷ kế, quỷ quyệt v.v...

Ngoại lệ: Quẫn bách, quẫn trí, cùng quẫn, quỹ đạo (đường đi của hành tinh).

S: Sản sinh, sản vật, sở hữu, sủng ái, lịch sử v.v...

Ngoại lệ: Sĩ, suyễn (bệnh hen), sãi (người đàn ông giữ chùa).

T: Miêu tả, vận tải, tản cư, tẩu thoát, tử trận, phụ tử, tiểu tiết v.v...

Ngoại lệ: Tiễn biệt, hoả tiễn, tiễu trừ, tĩnh mịch, tuẫn tiết.

TH: Sa thải, thảm kịch, thảm hoạ, thản nhiên, thảng thốt, thảo mộc, thiểu số, thiển cận v.v...

Ngoại lệ: Mâu thuẫn, hậu thuẫn, phù thũng.

TR: Triển khai, trở lực, trưởng giả, trưởng nam v.v...

Ngoại lệ: Trữ lượng, tích trữ, trẫm, trĩ (bệnh), ấu trĩ, trĩ (chim).

X: Xả thân, xảo trá, ngu xuẩn, xử lí, công xưởng.

Ngoại lệ: Xã trong các từ: xã hội, xã tắc, xã giao.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐỂ VIẾT ĐÚNG CHÍNH TẢ
HỎI - NGÃ

Nhiều người nhận xét thấy người Bắc viết đúng chính tả hỏi/ngã hơn người Nam và người Trung. Họ viết đúng dễ dàng, gần như không cần học qui tắc nầy, qui tắc nọ tùm lum, phải nhớ cái nầy, phải nhớ cái khác.

Chuyện dễ hiểu, Người Bắc nói và đọc có giọng hỏi/ngã. Nói cách khác, người Bắc nói, đọc chữ dấu hỏi khác với chữ dấu ngã. Vậy nghe tiếng có giọng dấu nào thì viết chữ với dấu đó. Chuyện dễ như viết dấu sắc và dấu huyền. Đâu có ai viết trật dấu sắc thành dấu huyền.

Người Nam và người Trung nói và đọc chữ dấu ngã không được. Thổ ngơi 2 miền nầy sanh ra con người chỉ có giọng dấu hỏi. Cái đó làm họ khổ sở về việc dễ viết sai chính tả hỏi/ngã. Họ phải khổ công tìm mọi cách sửa chữa nhược điểm của mình.
Người Nam nhận xét thấy tiếng Việt có rất nhiều lời song âm, 2 tiếng ghép liền nhau để thành lời nói có nghĩa. Và chữ viết tương ứng phải có 2 chữ ghép liền nhau.

Nhận xét tiếp theo là thường thường các chữ không có dấu thanh, có dấu sắc, có dấu hỏi ở chung nhóm với nhau.
Còn các chữ có dấu huyền, dấu nặng, dấu ngã thì cùng nhóm với nhau. Vậy từ kép song âm (có 2 chữ) có một chữ hỏi/ngã, mình chưa biết viết thế nào cho đúng, thì nhìn sang chữ ghép kề cận, nếu chữ đó có dấu huyền hay dấu nặng, thì chữ hỏi/ngã phải là chữ dấu ngã.

Trái lại, nếu chữ ghép kề cận mà không dấu, hoặc dấu sắc, thì chữ hỏi/ngã phải là chữ dấu hỏi.
Thí dụ:

- Nghỉ ngơi, chữ nghỉ viết dấu hỏi, vì chữ ngơi kề cận không dấu.

- Nghĩ ngợi, chữ nghĩ viết dấu ngã, vì chữ ngợi kề cận có dấu nặng.

Nói đúng cách “ngôn ngữ học” thì gọi đó là viết hỏi/ngã theo qui tắc hài thanh.
Khi tôi dạy học trò tiểu học, tôi phân định dễ hiểu như vầy:
Những chữ không dấu, dấu sắc và dấu hỏi là thuộc nhóm chữ thanh đứng (gọi là thanh đứng, ý tôi muốn tượng trưng cho âm bổng, tượng trưng cho dấu hỏi đứng thẳng)

Những chữ có dấu huyền, dấu nặng và dấu ngã là thuộc nhóm chữ thanh ngang (gọi là thanh ngang, ý tôi muốn tượng trưng cho âm trầm, tượng trưng cho dấu ngã nằm ngang)

Ấn định thanh đứng, thanh ngang như vậy rồi, tôi đặt ra qui tắc cho học trò học, như sau:
Qui tắc: “Trong từ kép 2 chữ, cả hai chữ thường cùng nhóm với nhau, thanh đứng thì đứng hết, thanh ngang thì ngang hết. Có một chữ chưa biết phải viết hỏi hay ngã thì nhìn sang chữ kia xem nó thuộc thanh nào.

Thuộc thanh đứng thì viết dấu hỏi, thuộc thanh ngang thì viết dấu ngã”

Tôi đưa ra một loạt nhiều từ kép làm thí dụ để củng cố qui tắc nêu trên, như: củng cố, lắc lẻo, lỡ làng, lở loét, lở lói, loã lồ, giữ gìn, dữ dằn, dữ dội, ngỡ ngàng, rực rỡ, bảo ban, bão bùng, vất vả, đả đớt, đỡ đần, mở mang, lưỡng lự, ngất ngưởng,…
Tôi còn làm thơ (thơ con cóc) bắt học trò học thuộc lòng để chúng học chính tả hỏi/ngã, như sau:

Không-sắc-hỏi, gọi là thanh đứng,
Huyền-nặng-ngã, quả thực thanh ngang.
Hai bên đối chọi rất rõ ràng:

Ngang vốn nằm dài viết dấu ngã;
Đứng thẳng, dấu hỏi dễ gì quên.

Thí dụ có nhiều lắm ai ơi:

Ngả-nghiêng như té nằm tới nơi,
Vậy mà viết hỏi, vì thanh đứng;
Dửng-dưng đâu phải chữ lạ lùng,
Viết hỏi dửng, cũng tại dưng sau.
Em viết ỡm-ờ cùng màu-mỡ,
Viết ngã, bởi dấu huyền sau trước.

Tuần sau, học trò khép nép trình với thầy là chữ vỏn vẹn không theo “luật” thanh đứng thanh ngang, vẹn dấu nặng, mà vỏn lại viết dấu hỏi.

Đứa khác lại trình chữ trơ trẽn cũng vậy, trơ không dấu, thanh đứng, mà trẽn lại dấu ngã, thanh ngang. Tôi mĩm cười, cho đám trẻ biết đó là những cập chữ ngoại lệ. Rồi tôi cho bài tập về nhà làm: “Tìm những cặp chữ ngoại lệ về thanh đứng/thanh ngang”

Tôi “dễ dãi” cho chúng hỏi cha mẹ, và lật tìm trong từ điển. Chúng lần lượt đem vào lớp những chữ ngoại lệ, và tiếp tục bổ sung danh sách nầy cho đến cuối niên học.

Học trò và luôn cả thầy giáo cùng nhau lo học nhớ những chữ ngoại lệ: vỏn vẹn, trơ trẽn, ễnh ương, đối đãi, nài nỉ, ve vãn, riêng rẽ, sành sỏi, minh mẫn, mềm mỏng, ngoan ngoãn, niềm nở…

Tôi còn chỉ cách cho học trò ứng dụng qui tắc thanh đứng/thanh ngang đối với một số chữ lẻ, tức chữ đơn, chưa có gì hỗ trợ để viết đúng hỏi/ngã.
Gặp những chữ chưa có cặp có đôi, thì cố tìm chữ láy, chữ đệm ghép vào cho có cặp rồi áp dụng qui tắc hài thanh.

Thí dụ gặp chữ kỹ/kỷ, nếu nghĩa trong câu cho phép ghép được với càng thành kỹ càng thì kỹ dấu ngã; chữ rảnh ghép được với rang thành rảnh rang, thì rảnh dấu hỏi.
Còn có cách tìm xem chữ cùng nghĩa với chữ chưa biết viết hỏi hay ngã thuộc thanh nào, để quyết định theo qui tắc hài thanh.

Thí dụ gặp chữ mảnh vải, chữ cùng nghĩa với mảnh là miếng, thanh đứng, vậy mảnh dấu hỏi. Còn mãnh hổ, mãnh nầy có nghĩa là mạnh, thanh ngang, vậy mãnh dấu ngã.

Sau một vài tuần, có một trò hỏi tôi
“Thưa thầy, gặp một chữ hỏi/ngã đứng một mình, em tìm không ra chữ ghép được với nó, thì làm sao viết đúng hỏi/ngã?”
Tôi trả lời tỉnh bơ làm cả lớp cười ồ: “Gặp trường hợp như vậy thì chỉ còn cách tra từ điển, để viết đúng hỏi/ngã!”

Học trò cười ồ, vì nghĩ thầy nói giỡn. Tôi phải nghiêm chỉnh cho chúng biết đó là sự thật. Nhiều nhà văn coi trọng trách nhiệm khi gặp những chữ lạ làm mình mờ ớ về chính tả đều phải tra từ điển, kể cả chính tả hỏi/ngã.

Trước hành lang lớp tôi có tấm bảng “công cộng” để dạy chính tả cho toàn trường.

Ông Hiệu Trưởng cắt tôi lo viết hai câu văn vần hoặc văn xuôi có chứa 2 chữ gần đồng âm mà khác chính tả, trong đó có những chữ hỏi/ngã, cứ đầu tuần là thay câu mới, đại khái như sau đây:

Lỡ làng duyên kiếp, ngỡ ngàng hồng nhan.
Bông hoa rực rỡ, nhờ đất màu mỡ.
Ôm ấp nỗi niềm khổ đau trong cuộc sống nổi trôi.
Cứ vui vẻ lên, vẽ vời chi chuyện muộn phiền…

Tôi có đọc đâu đó biết được, người ta quan sát thấy những từ Hán Việt hỏi/ngã khởi đầu bằng các phụ âm sau đây: D, L, M, N, Ng, Nh, V thì viết dấu ngã, như diễm (lệ), lưỡng (lự), mỹ (mãn), (nam) nữ, (ngôn) ngữ, (thạch) nhũ, vĩnh viễn, …

Còn lại là viết dấu hỏi, trừ một số ngoại lệ như sau: hiện hữu, bằng hữu…, tuẫn tiết, bĩ cực, bãi nại, bãi chức,…

Mới đây, tôi đọc thấy trên diễn đàn Viện Việt Học cho biết Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đặt ra một câu thiệu để giúp mình nhớ như một qui tắc hỏi/ngã: “Mình Nên Nhớ Viết Là Dấu Ngã” Nhớ câu thiệu nầy là nhớ các phụ âm đầu M, N, Nh, V, L, D, Ng.

G/s Nguyễn tài Cẩn có nêu ra 24 chữ ngoại lệ viết dấu ngã: Kỹ (kỹ thuật, kỹ nữ), Bãi (bãi chức, bãi khoá), Bĩ (bĩ cực, vận bĩ), Hữu (bằng hữu, hữu ích, hữu khuynh), Phẫu (giải phẫu), Cữu (linh cữu), Tiễn (tiễn biệt, tống tiễn, hoả tiễn), Tiễu (tiễu trừ, tiễu phỉ), Trẫm, Trĩ (ấu trĩ, chim trĩ)

Trữ (tích trữ), Huyễn (huyễn hoặc), Hỗ (hỗ trợ), Hãm (giam hãm), Đãng (phóng đãng, quang đãng), Quẫn (khốn quẫn, quẫn bách), Xã (xã hội), Hoãn (trì hoãn), Quĩ (quĩ tích, thủ quĩ), Suyễn (bệnh suyền), Cưỡng (cưỡng ép), Tuẫn (tuẫn nạn), Đễ (hiếu đễ), Sĩ (kẻ sĩ, văn sĩ)

Tôi có dạy học sinh cách viết chữ hỏi/ngã Hán Việt nầy, nhưng lúc đó tôi không biết câu thiệu của G/s. NTC. Vả lại, học sinh tiểu học không phân biệt được từ Hán Việt và từ thuần Việt. (Ngay bây giờ, nhiều người trẻ Việt ở ngoại quốc cũng không phân biệt nổi tiếng Hán Việt và tiếng thuần Việt.).

Kết luận:

Đối với người Bắc có học, thì chữ hỏi/ngã cũng đơn giản như chữ sắc/huyền, không cần học gì hết cũng viết đúng, nếu có người nói và đọc đúng giọng Bắc.
Còn người Nam thì thật vất vả trong việc viết đúng chính tả hỏi/ngã. Họ phải tìm cách phân loại chữ hỏi/ngã để đưa vào qui tắc nầy, qui tắc kia để học.

Họ không cho chữ hỏi/ngã mọc ra như rừng rậm, mà sắp xếp chữ hỏi/ngã thành như vườn cao su, có hàng ngũ dọc ngang, gom những chữ hỏi/ngã ngoại lệ vào một khu vực để “điểm danh” mà nhớ mặt, không cho vào khu vườn đã có trật tự.

Nhờ những công trình như vậy, nên những ai chịu khó quan tâm thì cũng viết trúng chính tả hỏi/ngã, không trúng 100%, thì cũng sai ở mức độ chấp nhận được.


NGUYỄN PHƯỚC ĐÁNG

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LUẬT HỎI NGÃ
TRONG TIẾNG HÁN VIỆT-[1]


Tiếng Việt gồm hai loại, tuy liên hệ nhau nhưng vẫn giữ đặc tính riêng rẽ:
- Tiếng HÁN VIỆT là chữ Hán đọc theo giọng Việt.
- Tiếng NÔM là tiếng do người Việt-nam tạo nên với những tiếng mượn của nước ngoài nhưng đã Việt-hoá.
1
TIẾNG HÁN-VIỆT

Tiếng Hán-Việt là tiếng mượn của tiếng Hán nhưng đọc theo giọng của người Việt. Phần lớn tiếng Hán-Việt là những tiếng gồm hai tiếng trở lên. Ví dụ: quốc gia, kinh tế, quân sự, chánh trị, xã hội, ngoại giao, văn hoá, dân chủ, công ty, v.v. Trong tiếng Việt hiện nay, khoảng 60% là tiếng Hán-Việt. Chúng ta xử dụng khá nhiều tiếng Hán-Việt trong mọi giao tiếp và nói năng hằng ngày.

Ví dụ: “Hôm qua nghiệp đoàn công nhân tổ chức hội nghị thảo luận vấn đề gia tăng niên liễm”. Chỉ có hai chữ thuần Việt là “hôm qua”, còn các chữ khác đều là tiếng Hán-Việt.

Tiếng Hán-Việt có quy luật riêng về dấu Hỏi Ngã. Vì vậy, nếu xử dụng được Luật Hỏi Ngã trong tiếng Hán-Việt thì chúng ta đã giải quyết được hơn 60% công việc về dấu Hỏi Ngã.

Tiếng Hán-Việt có hai đặc tính:

1. Về Chánh tả: giữa âm và giọng có sự liên quan chặt chẽ.
- Các tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng một Nguyên-âm, chỉ có thể có dấu Sắc, dấu Hỏi, hoặc Không dấu.
- Các tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng các Phụ-âm: M-N-NH-V-L-D-NG [Mình Nên NHớ Viết Là Dấu NGã] chỉ có thể có dấu Ngã hay Nặng.

2. Về vị trí của các tiếng dùng chung:
Tiếng Chỉ-định luôn luôn đứng trước tiếng được chỉ-định, gọi là Ngữ-pháp đặt ngược
Ví dụ:
Bạch tượng. Bạch chỉ định, làm cho rõ nghĩa tiếng tượng.
Ký sinh trùng. Ký chỉ định sinh, ký sinh chỉ định trùng.

CÁCH NHẬN BIẾT TIẾNG HÁN-VIỆT

1. Các tiếng Hán-Việt thường không tách ra dùng riêng một mình, mà phải dùng trọn từ.

Chẳng hạn chỉ có thể nói làm thương mãi chớ không thể nói làm thương, làm mãi, hoặc nói làm chánh trị chớ không thể nói làm chánh, làm trị v. v...

Vậy mỗi khi gặp một từ ghép, ta thử tách các tiếng cấu tạo từ ấy ra riêng rẽ, nếu chúng không dùng độc lập được, thì đó là một tiếng Hán-Việt.

2. Về nghĩa của một tiếng Hán-Việt.

Các tiếng hợp lại để làm thành một từ Hán-Việt đều có nghĩa, nhưng nghĩa của chúng rất mơ hồ đối với những người không có một trình độ Hán học nhất định. Ví dụ như nếu đem xét riêng biệt các chữ: dĩ, nhiên, hành, chánh, lãnh, tụ, thì chúng đều có nghĩa cả, nhưng hỏi nghĩa thế nào thì không dễ trả lời.

Cho nên khi gặp một từ ghép, nếu cả hai tiếng đều mơ hồ về nghĩa ví dụ như: cảnh giác, mãnh liệt, dũng cảm, thì đó là từ Hán-Việt.

Còn các Tiếng-Nôm-đôi và Tiếng-Nôm-Lấp-láy thì đều có khả năng dùng riêng ra từng chữ và nghĩa của chữ dùng riêng đều rõ và dễ nhận biết. Ví dụ: xe lửa, máy bay, tàu ngầm, xe đạp.

Do đó, dựa vào cách phân biệt như trên, chúng ta dễ dàng biết được tiếng nào là tiếng Hán-Việt và tiếng nào là Tiếng Nôm.

a) Tóm lại:
Tất cả tiếng HÁN-VIỆT khởi đầu bằng các nguyên-âm: A, Â, Y, O, Ô, U, Ư, đều viết DẤU HỎI vì các nguyên-âm của Tiếng Hán-Việt thuộc Thanh-âm (Bổng).

Ví dụ: Ải quan, Ảnh hưởng, Ẩm thực, Ẩn dật, Ỷ lại, Oải nhân, Ổn thoả, Uỷ hội, Ưởng.
Phụ chú: Sách của G.s. Lê-ngọc-Trụ có ghi Ê và I vào nhóm nguyên âm nầy. Nhưng vì chữ HÁN-VIỆT không có chữ nào khởi đầu bằng Ể, Ễ hoặc Ỉ, Ĩ nên tôi không ghi hai nguyên âm nầy vào, cho người học đỡ mệt trí [Đ-s-T].

b) Tất cả tiếng HÁN VIỆT khởi đầu bằng phụ âm CH, GI, KH, PH, TH, S, X, đều viết DẤU HỎI vì các phụ-âm nầy cũng thuộc Thanh-âm (Bổng).

Ví dụ:
- CHẩn đoán, CHỉ huy, CHỉnh tề, CHiểu chi, CHủ toạ, CHưởng quản.
- GIải phẫu, GIảm thiểu, GIản tiện, GIảng đường, GIảo quyệt, học GIả.
- KHả dĩ, KHải hoàn, KHảo thí, KHẩu hiệu, KHổng giáo, KHủng hoảng
- PHản bội, PHẩm cách, PHỉ báng, PHổ thông, PHủ nhận. (trừ PHẫn nộ)
- THải hồi, THảm thương, THản nhiên, THảo mộc, (trừ Mâu THuẫn, Phù THũng)
- Sản khoa, Sảnh đường, Sỉ nhục, Siểm nịnh, Sở dĩ, Sủng hạnh, (trừ Sĩ = học trò)
- Xả thân, Xảo trá, công Xưởng, (trừ Xã hội, Xã trưởng, Hợp tác Xã)

Để khỏi bỏ sai dấu, xin độc giả đừng lẫn lộn tiếng Hán Việt với những tiếng Nôm sau đây:
CHĨNH=hủ bằng đất; GIÃ (giã gạo, từ giã); GIÃI (giãi bày); GIÃN (co giãn, giãn ra= tăng độ dài: dây cao su bị giãn); PHŨ (phũ phàng); THÃI (thừa thãi); SŨNG (ướt sũng)

c) Tất cả tiếng HÁN VIỆT khởi đầu bằng Bảy phụ âm M-N-NH-V-L-D-NG đều thuộc Trọc-âm, cho nên viết DẤU NGÃ (trừ một ngoại lệ duy nhất là Ngải cứu).

Ví dụ:
- Lãng mạn, Lãnh đạm, Lão ấu, Lẫm liệt, Lễ nghĩa, Lũng đoạn, thành Luỹ, Lãng phí.
- Mã não, Mãi mại, Mãn nguyện, Mỹ Mãn, Mãnh hổ, Mẫn tiệp, Mẫu nghi, Mỹ nữ.
- Não tuỷ, Noãn sào, Nỗ lực, phụ Nữ.
- NGẫu nhiên, NGũ cốc, đội NGũ, ngôn NGữ.
- NGHĩa khí, NGHiễm nhiên, NGHĩa trang.
- NHã ý, NHãn khoa, NHẫn nại, NHĩ mục, NHiễm bệnh, NHũ mẫu, NHãn hiệu.
- Dẫn lực, Dĩ nhiên, Diễm lệ, Diễn đàn, Dũng cảm, Dưỡng dục, Dĩ vãng, Dã man.
- Vãn bối, Vãng lai, Vĩ đại, Viễn thị, Vĩnh viễn, Võ trang, Vũ trụ, Vĩ tuyến.

Xin đừng lộn tiếng Hán-Việt với những tiếng Nôm sau đây:
- LẢ (lả lơi, ẻo lả); LẢNG (lảng vảng); LẢNH (lảnh lót); LẢO (lảo đảo) LẨM (lẩm rẩm); LỂ (lể ốc, lể gai); LIỂM (cờ bạc đặt tiền ở giữa hai ô, ra ô nào mình cũng trúng); LƯỞNG (lưởng thưởng);
- MẢ (mồ mả); MẢI (mải miết); MẢNH (mảnh mai); MẨN (mê mẩn); MẨU (mẩu chuyện);
- NẢO (viết thử trước); NỔ (nổ bùng);
- NGẢ (ngả quỵ); NGỦ (đi ngủ);
- NHẢ (nhả mồi, nhả tơ) NHẢN (nhan nhản); NHỈ (vui nhỉ!); NHỦ (khuyên nhủ);
- DẨN (dớ dẩn) DỈ (dỉ hơi);
- VẢNG (lảng vảng); VỈ (vỉ lò, vỉ bánh); VIỂN (viển vông) VỎ (vỏ ốc, vỏ sò).

d) Mấy phụ-âm khởi-đầu khác, gồm có B, C, Đ, H, K, QU, và T, vì đều có ở cả hai bậc Thanh và Trọc, khó phân biệt, nên phải tra tự điển; nhưng cũng theo luật “Thanh viết dấu HỎI, Trọc viết dấu NGÔ.

Vì tiếng giọng Ngã ít hơn tiếng giọng Hỏi nên chúng tôi biên ra dưới đây các tiếng Hán-Việt giọng Ngã của mấy phụ-âm khởi đầu vừa nói trên, để giúp bạn đọc:

Bãi
:
thôi, nghỉ (bãi công, bãi khoá, bãi thị)
Bão
:
ẵm bồng (hoài bão, bão hoà, bão mãn)

:
xấu (bĩ cực thái lai, bĩ vận)
Cưỡng
:
gắng ép (cưỡng bách, cưỡng chế)
Cữu
:
cậu vua (quốc cữu), hòm (linh cữu)
Đãi
:
thết, xử với (đãi bôi, bạc đãi, biệt đãi, khoản đãi, trọng đãi, ưu đãi, đãi lịnh)
Đãng
:
rộng, phóng túng (đãng tử, du đãng)
Đễ
:
kính nhường (hiếu đễ)
Điễn
:
điện (điễn khí, điễn học, điễn lực)
Đỗ
:
họ Đỗ, chim đỗ quyên, cây đỗ trọng
Hãi
:
kinh sợ (kinh hãi, hãi hùng, sợ hãi)
Hãm
:
xông phá (hãm địch, hãm trận)
Hãn
:
mồ hôi (xuất hãn, phát hãn, liễm hãn)
Hãnh
:
may mắn (hãnh diện, kiêu hãnh)
Hoãn
:
chậm (trì hoãn, hoãn đãi, hoãn binh)
Hỗ
:
lẫn nhau (hỗ trợ, hỗ tương)
Hỗn
:
lộn xộn (hỗn chiến, hỗn loạn, hỗn hợp)
Huyễn
:
hoa mắt (huyễn hoặc, huyễn mục)
Hữu
:
có (hữu cơ, hữu hạn, hữu dụng, hữu lý)
Kỹ
:
tài năng (kỹ sư, kỹ thuật, kỹ nghệ, kỹ xảo)
Quẫn
:
khốn đốn (quẫn bách, cùng quẫn)
Quỹ
:
tủ cất tiền (thủ quỹ, công quỹ, ký quỹ)
Tễ
:
thuốc huờn (dược tễ, điều tễ, thuốc tễ)
Tiễn
:
đưa (tiễn biệt, tiễn hành, tiễn khách)
Tiễu
:
dẹp trừ (tiễu trừ, tuần tiễu, tiễu phỉ)
Tĩnh
:
im lặng (tĩnh dưỡng, tĩnh mịch)
Tuẫn
:
liều chết (tuẫn tiết, tuẫn nạn)
Trãi
:
Nguyễn-Trãi
Trẫm
:
tiếng vua tự xưng
Trĩ
:
trẻ (ấu trĩ), bịnh trĩ (trĩ nội, trĩ ngoại)
Trữ
:
chứa (lưu trữ, oa trữ, tàng trữ, tích trữ)
CÁCH NHỚ LUẬT HỎI NGÃ CHO TIẾNG HÁN-VIỆT

Xem vậy Luật viết dấu Hỏi Ngã cho tiếng Hán-Việt khá phức tạp. Tuy nhiên ta có thể dùng mẹo để nhớ một cách dễ dàng.

a) Chỉ cần nhớ những trường hợp viết dấu Ngã trong tiếng Hán-Việt, tức là nhớ BẢY phụ âm đầu viết dấu Ngã và khoảng 30 trường hợp ngoại lệ phải viết dấu Ngã.
Các trường hợp viết dấu hỏi không cần nhớ vì các tiếng Hán-Việt có âm đầu khác hơn Bảy phụ âm nói trên đều viết dấu hỏi.

b) Để nhớ Bảy Phụ-âm-đầu viết dấu Ngã, các bạn học thuộc lòng câu sau đây:
Mình Nên NHớ Viết Là Dấu NGã

M-N-Nh-V-L-D-Ng

Như vậy là bạn đã nắm được luật viết dấu Hỏi Ngã của tiếng Hán-Việt. Còn các ngoại lệ thì xin chịu khó học thuộc lòng.

2 TIẾNG NÔM

Tất cả những tiếng không phải là tiếng Hán-Việt, được gọi chung là Tiếng Nôm.

PHÂN BIỆT TIẾNG NÔM VÀ TIẾNG HÁN-VIỆT

1. Về ý nghĩa. Tiếng Nôm là những tiếng nói sao hiểu vậy. Trái lại tiếng Hán-Việt thường có thể dịch ra bằng một tiếng thông thường hơn (tiếng thông thường đó gọi là tiếng Nôm).

Ví dụ:
- tiếng Nôm: tập vở, tờ giấy (nói sao hiểu vậy)
- tiếng Hán-Việt: bệnh viện (nhà thương), phi cơ (máy bay)

Tuy nhiên cũng có một số tiếng Hán-Việt không thể dịch ra bằng một tiếng thông thường hơn. Ví dụ: kết quả, hạnh phúc, thành công v.v...
Ngoài ra, nhiều tiếng Hán-Việt, nhất là những tiếng đơn được dùng làm tiếng Nôm (gọi là Tiếng Nôm gốc Hán Việt) vẫn giữ nguyên giọng đọc cũ. Ví dụ: danh, pháp, hải, lao, lãnh v. v...

2. Nhờ quan sát Ngữ Pháp ta sẽ phân biệt tiếng Hán-Việt và tiếng Nôm rất dễ dàng.

Ví dụ:
- LẠC CẢNH: lạc (hình dung từ) làm rõ nghĩa tiếng cảnh (danh từ). Hình dung từ đứng trước danh từ, tức là thuộc Ngữ-pháp đặt ngược. Vậy LẠC là tiếng Hán-Việt.
- TIỂU QUỐC: tiểu (hình dung từ) làm rõ nghĩa tiếng quốc (danh từ). Hình dung từ đứng trước danh từ, thuộc Ngữ-pháp đặt ngược. Vậy TIỂU là tiếng Hán-Việt.
- GẠCH TIỂU: tiểu làm rõ nghĩa tiếng gạch. Hình dung từ tiểu đứng sau danh từ gạch, tức thuộc Ngữ-pháp đặt xuôi.
Vậy tiểu nầy là TIẾNG NÔM GỐC HÁN VIỆT.

3. Trong TIẾNG ĐÔI thì:
- tiếng Nôm liên kết với tiếng Nôm.
- tiếng Hán-Việt liên kết với tiếng Hán-Việt.

Ví dụ:
- LỖI LẦM: khi ta biết lỗi là tiếng Nôm, thì ta có thể quả quyết lầm cũng là tiếng Nôm.
- TƯƠI TỐT: biết chắc tốt là tiếng Nôm, ta có thể quả quyết rằng tươi cũng là tiếng Nôm.
- HOẠ SĨ: biết chắc sĩ là tiếng Hán-Việt, ta có thể quả quyết rằng hoạ là tiếng Hán-Việt.
- LUẬT SƯ: khi biết sư là tiếng Hán-Việt thì ta có thể quả quyết luật cũng là tiếng Hán-Việt.
Cũng có một số tiếng-đôi hợp thành bởi một tiếng Nôm và một tiếng Hán-Việt. Tuy nhiên đó là trường hợp đặc biệt của những tiếng Hán-Việt đã được dùng đơn độc làm tiếng Nôm. Chỉ có những tiếng Hán-Việt ấy mới có thể liên kết với tiếng Nôm để tạo thành tiếng-ghép. Ví dụ:
- máu huyết: huyết là tiếng Hán-Việt có nghĩa “máu”. Tiếng huyết cũng được dùng đơn độc làm tiếng Nôm, như: cháo huyết, huyết heo.
- lý lẽ: lý là tiếng Hán-Việt có nghĩa “lẽ”, nhưng cũng được dùng đơn độc làm tiếng Nôm, như: lời nói có lý, không có lý nào.
- ưa thích: thích là tiếng Hán-Việt được dùng đơn độc làm tiếng Nôm.

TIẾNG NÔM GỐC HÁN-VIỆT

Dấu giọng của những Tiếng-Nôm Chuyển gốc từ tiếng Hán-Việt, phải theo dấu giọng của tiếng gốc, nghĩa là:

a) khi tiếng HÁN GỐC là một tiếng Không dấu hoặc dấu Sắc hoặc dấu Hỏi, thì Tiếng Nôm có Gốc Hán-Việt viết dấu Hỏi. (KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI)
hô > thở; tu > sửa; giá > gả (con); giả > kẻ

b) khi tiếng HÁN GỐC là tiếng dấu Huyền hoặc dấu Nặng hoặc dấu Ngã thì Tiếng-Nôm có Gốc Hán-Việt viết dấu Ngã. (HUYỀN, NẶNG, NGÃ = NGÃ)
hàng > hãng (buôn); kỵ > cỡi; dĩ > đã

TRỪ ngoại lệ:
lý > lẽ; miếu > miễu; nỗ > (cung) nỏ; ngưỡng > ngẩng (ngửng, ngửa), nhĩ > nhử (mồi); dụ > rủ(rê)...

TIẾNG NÔM KHÔNG GỐC HÁN VIỆT

Những Tiếng-nôm không chuyển gốc từ tiếng Hán-Việt thì gọi là TIẾNG-NÔM-LÕI. Có hai loại Nôm-Lõi: Tiếng-Đơn và Tiếng-Đôi.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LUẬT HỎI NGÃ
TRONG TIẾNG HÁN VIỆT-[2]


A. TIẾNG NÔM ĐƠN

Những Tiếng Nôm Đơn, trại ra từ một tiếng khác (không phải là tiếng HÁN), đều tuỳ tiếng chánh mà viết Hỏi hay Ngã theo luật:

KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI
HUYỀN, NẶNG, NGÃ = NGÃ

Không dấu chuyển ra Hỏi và ngược lại như:
cản/can; chăng/chẳng; chửa/chưa; không/khổng quẳng/quăng; nhủi/chui;

Sắc chuyển ra Hỏi và ngược lại
búa/bửa; thế/thể; hả/há; lén/lẻn; rải/rưới;

Hỏi chuyển ra Hỏi
bảo/biểu; cổi/cởi; toả/tủa; xẻ/chẻ; nhỉ/rỉ;
tủi lòng/mủi lòng; rủ/xủ; quên lảng/quên lửng;

Huyền chuyển ra Ngã và ngược lại như:
cùng/cũng; dầu/dẫu; đã/đà; cỗi/còi; lãi/lời; bõ/bù; giũa/giồi; mõm/mồm; ngỡ/ngờ;

Nặng chuyển ra Ngã và ngược lại như:
cội/cỗi; đậu/đỗ; chõi/chọi; giẵm/giậm; trĩu/trịu; chậm/chẫm (chẫm rãi);

Ngã chuyển ra Ngã:
đĩa/dĩa; hẵng/hãy; khẽ/sẽ; nỗi/đỗi; ngẫm/gẫm; dõi/rõi; giễu/riễu; ruỗng/rỗng

TRỪ ngoại lệ:
gõ/khỏ; hõm/(sâu) hóm; kẻ/gã; rải/vãi; mặn/mẳn; (thuộc) lảu/làu; (mệt) lử/(đói) luỗi; phồng/phổng; ngõ/ngả; quãng/khoảng; rõ/tỏ; trội/trổi; lõm/lóm.

B. TIẾNG NÔM ĐÔI

Bởi tánh cách ĐỘC VẬN (mono-syllabic) ngắn ngủn, nên tiếng Việt thường hợp thành Tiếng-Đôi để cho dịu giọng.

TIẾNG NÔM ĐÔI khác hơn TIẾNG GHÉP (là tiếng HÁN-VIỆT do hai hoặc ba tiếng có nghĩa riêng ghép lại để chỉ một ý niệm mới).

TIẾNG NÔM ĐÔI là Tiếng-nôm do hai hoặc nhiều tiếng hiệp lại để cho rõ ý, hoặc dịu giọng.
* Có loại Tiếng Nôm Đôi do Hai tiếng đều có nghĩa hợp lại mà thành.
* Có loại Tiếng Nôm Đôi khác, gọi là Tiếng Đôi LẤP-LÁY, do một tiếng có nghĩa hợp với một tiếng không nghĩa; hoặc do hai tiếng không nghĩa hợp lại nhưng giọng nghe hài hoà, thuận tai, dễ đọc.

Tiếng Nôm Đôi mà CẢ HAI TIẾNG ĐỀU CÓ NGHĨA THÌ KHÔNG THEO LUẬT TRẦM BỔNG mà mỗi tiếng giữ chánh tả riêng của nó về Âm về Vần (Vận) cũng như về Giọng (Thinh).

Ví dụ: mồ mả; cú rũ; rỗi rảnh; bàn ghế; bồng ẵm; cổi gỡ; chống chõi; đầy đủ; lỡ dở; mỏi mệt; ủ rũ; sàng sảy; sâu xa; trồng tỉa; siêng năng; tìm kiếm; kiêng cữ; tỏ rõ; lú lẫn...

Tiếng Nôm Đôi còn chia thành hai loại: Tiếng Nôm Đôi Liên Hiệp và Tiếng Nôm Đôi Độc lập.

Tiếng Nôm Đôi Độc Lập là tiếng đôi mà hai tiếng đều có nghĩa và bình đẳng: thôn xóm, tốt tươi.

Tiếng Nôm Đôi Liên Hiệp là tiếng đôi mà nghĩa của hai tiếng phụ thuộc lẫn nhau để làm cho rõ thêm nghĩa: cà chua, máy cày, xe đạp.

C. TIẾNG NÔM ĐÔI LẤP LÁY

Tiếng Nôm Đôi Lấp Láy là những Tiếng-đôi gồm hai tiếng có liên hệ với nhau về âm thanh mà trong đó phải có ít nhất là một tiếng không có nghĩa.

Ví dụ: đẹp đẽ, mới mẻ, lạnh lùng, vội vàng, v. v... những tiếng đẽ, mẻ, lùng, vàng, đều không có nghĩa. Sự phân biệt tiếng có nghĩa và tiếng không có nghĩa giúp ta nhận ra Tiếng-đôi Lấp-láy dễ dàng.

1. Các mối liên hệ về âm trong Tiếng Đôi Lấp Láy:
a) Liên hệ ở phụ âm đầu. Có những Tiếng Đôi chỉ láy lại phụ-âm đầu: (m-m) mát mẻ, (đ-đ) đồn đãi, (l-l) lểnh lảng, (n-n) nói năng.

b) Liên hệ về vần. Có những Tiếng Đôi chỉ có phần vần được láy lại: lai rai, lải nhải, lạng chạng, lằm bằm, lẫm đẫm, lễ mễ, lơ thơ.

c) Liên hệ cả phụ-âm đầu lẫn vần. Có những Tiếng Đôi láy lại cả phụ-âm đầu lẫn vần như: cào cào, ba ba, bươm bướm, rầm rầm, châu chấu, khinh khỉnh.

Do đó, khi nói về Tiếng Đôi Lấp Láy ta cần chú ý đến sự liên hệ của phụ-âm đầu và vần.

2. Liên hệ về giọng điệu.

a) Cùng một giọng điệu với nhau.
lui cui, lung tung (không dấu)
chí choé, chíu chít (dấu sắc)
lỏng chỏng, thỉnh thoảng (dấu hỏi)
lễ mễ, dễ dãi (dấu ngã)

b) Cùng một nhóm giọng với nhau.
Tiếng Việt được chia thành hai nhóm giọng:
Nhóm giọng cao gọi là giọng Bổng
Nhóm giọng thấp gọi là giọng Trầm.
Nhóm cao (Bổng), gồm có các giọng: Ngang (còn gọi là Không), Sắc, và Hỏi.
Nhóm thấp (Trầm), gồm có các giọng: Huyền, Nặng, và Ngã.

Trong Tiếng Đôi Lấp Láy, giọng của hai tiếng bao giờ cũng thuộc cùng một nhóm. Nếu một tiếng của Tiếng Đôi Lấp Láy có giọng cao thì giọng của tiếng kia cũng thuộc nhóm giọng cao.

Ví dụ: vui vẻ, mới mẻ, lửng lơ, nho nhỏ...

Ngược lại nếu một tiếng của Tiếng Đôi Lấp Láy có giọng thấp thì tiếng kia cũng có giọng thấp, ví dụ: mạnh mẽ, đẹp đẽ, ngại ngùng, lạnh lùng...

Qui luật về giọng-điệu giữa các tiếng trong Tiếng Đôi Lấp Láy gọi là Qui luật Thuận-thinh-âm (cũng còn gọi là Luật Trầm Bổng).

Tóm lại, TIẾNG ĐÔI LẤP LÁY bỏ dấu theo luật Trầm Bổng:
KHÔNG, SẮC, HỎI đi với HỎI
HUYỀN, NẶNG, NGÃ đi với NGÃ
Tiếng đầu Không dấu hoặc dấu Sắc hoặc dấu Hỏi thì tiếng sau phải bỏ dấu HỎI.
Tiếng đầu dấu Huyền hoặc dấu Nặng hoặc dấu Ngã thì tiếng sau phải bỏ dấu NGÃ.

Thí dụ:
BỔNG
Không dấu đi chung với HỎI và ngược lại: nghỉ ngơi, bảnh bao, lẻ loi, hăm hở, thong thả, sởn sơ, viển vông, run rẩy, vẻ vang, vui vẻ.
Sắc đi chung với HỎI và ngược lại: mải miết, nhắc nhở, thẳng thớm, dí dỏm, bóng bảy, chải chuốt, khoẻ khoắn, nhảm nhí, mắt mỏ.
Hỏi đi chung với HỎI: hể hả, lỏng lẻo, nhỏng nhẻo, thỏ thẻ, bải hoải, mỏng mảnh, thỉnh thoảng, tỉ mỉ, xửng vửng.

TRẦM:
Huyền đi chung với NGÃ và ngược lại: vỗ về, rầu rĩ, tầm tã, não nề, đãi đằng, nòng nã, sẵn sàng, kỹ càng, chẵn chòi, lời lãi...
Nặng đi chung với NGÃ và ngược lại: gỡ gạc, vội vã, dữ dội, cặn kẽ, não nuột, lạt lẽo, cãi cọ, lũ lượt, đẹp đẽ, chập chững, gãy gọn...
Ngã đi chung với NGÃ: dễ dãi, lỗ lã, cãi lẫy, mãi mãi, kỹ lưỡng,...

Như vậy, theo luật nầy thì khi gặp Tiếng Đôi Lấp Láy như: bẽ bàng, rõ ràng, vững vàng, chúng ta yên tâm viết bẽ, rõ, vững với dấu ngã vì các chữ bàng, ràng, vàng, đã có dấu huyền.

Đối với Tiếng Đôi Lấp Láy như cãi cọ, chập chững, dọ dẫm, đẹp đẽ, chúng ta viết cãi, chững, dẫm, đẽ, với dấu ngã vì các chữ cọ, chập, dọ, đẹp, là những chữ đã viết dấu nặng.

Đối với Tiếng Đôi Lấp Láy như lỗ lã, dễ dãi vì ta đã biết dễ và lỗ viết dấu ngã (do suy biết từ lỗ lời, dễ dàng) thì theo luật nầy ta biết chắc lã và dễ phải viết dấu ngã.

Khi một chữ của Tiếng Đôi Lấp Láy viết dấu sắc, không dấu, hoặc dấu hỏi, thì chữ kia phải viết dấu hỏi chớ không thể viết dấu ngã.

Ví dụ:
- cứng cỏi, trống trải, trắng trẻo vì đã có các chữ cứng, trống, trắng viết dấu sắc nên các chữ cỏi, trải, trẻo phải viết dấu hỏi.

- trong trẻo, bươn chải, trả treo vì các chữ trong, bươn, treo viết không dấu nên các chữ trẻo,chải, trả phải viết dấu hỏi.
- các Tiếng Đôi Lấp Láy như lẩm bẩm, lủng củng, bỏm bẻm cũng vậy, vì các chữ lẩm, lủng, bỏm, mang dấu hỏi, thì chữ đứng sau phải viết dấu hỏi.

CÁCH NHẬN RA TIẾNG ĐÔI LẤP LÁY

Khi hai tiếng của một từ mà hai phụ âm đầu của hai tiếng ấy giống nhau, hoặc cả âm đầu lẫn vầnđều giống nhau (cùng giọng Bổng cả, hoặc cùng giọng Trầm cả), thì đó là Tiếng Đôi Lấp Láy.

DỰA VÀO NGHĨA: Một Tiếng Đôi mà cả hai tiếng đều có nghĩa, thì Tiếng Đôi đó KHÔNG PHẢI là Tiếng Đôi Lấp Láy.

ĐẢO NGƯỢC TRẬT TỰ: Khi đảo ngược trật tự của một tiếng-đôi mà tiếng-đôi đó vẫn còn y nghĩa như khi chưa bị đảo trật tự, thì tiếng đó là tiếng ghép chớ KHÔNG PHẢI là Tiếng Đôi Lấp Láy.

Ví dụ: giữ gìn, lả lơi, lơ lửng, hờ hững, là tiếng ghép chớ không phải là Tiếng Đôi Lấp Láy, vì khi đảo ngược, nó vẫn giữ nghĩa như trước. (gìn giữ, lơi lả, lửng lơ, hững hờ).
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LUẬT HỎI NGÃ
TRONG TIẾNG HÁN VIỆT-[3]


TIẾNG ĐÔI BỎ BỚT MỘT DẤU GIỌNG: Có nhiều Tiếng-Đôi vì muốn cho êm tai nên

1) phải bỏ bớt một dấu giọng. Mấy tiếng mất dấu giọng đó là tiếng chánh lập lại, chớ không phải tiếng đệm, nên những tiếng đôi đó không bỏ dấu theo luật Trầm Bổng. Thí dụ: khe khẽ, là khẽ khẽ; dê dễ là dễ dễ; đăng đẵng là đằng đẵng.

2) Có nhiều Tiếng-Đôi bị đổi giọng, như hẳn hoi trở thành hẳn hòi; kỹ càng trở thành kỹ cang.

Ngoài ra, NHỮNG TIẾNG NÓI TẮT do ghép với tiếng ẤY, đều viết dấu Hỏi. (Nói Tắt là nói thúc hai chữ thành một, theo lối giản ước). Ví dụ như:

anh + ấy = ảnh; bà + ấy = bả; cậu + ấy = cẩu; chị + ấy = chỉ; hôm + ấy = hổm; mợ + ấy = mở; năm + ấy = nẳm; thằng cha + ấy = thằng chả; con mẹ ấy = con mẻ

NHỮNG NGOẠI LỆ CỦA TIẾNG-ĐÔI (Không còn theo luật Trầm Bổng)

bền bỉ, chàng hảng, chèo bẻo, dòm dỏ, ẻo ẹo, giãy nảy, hoài huỷ, hẳn hòi, ĩnh ương, khe khẽ, lảng xẹt, lý lẽ, luồn lỏi, lẳng lặng, mình mẩy, se sẽ, mủ mĩ, niềm nở, ngoan ngoãn, nhểu nhão, phỉnh phờ, rẻ rề, rỗng tuếch, sành sỏi, sừng sỏ, sửng sờ, thỏng thừa, thung lũng, trễ nải, trọi lỏi, trơ trẽn, ve vãn, vỏn vẹn, xảnh xẹ.

MUỐN BIẾT PHẢI BỎ DẤU GÌ?

1) Cách lẹ nhất là thử tìm một Tiếng Đôi khác, có cái chữ mình đang phân vân về dấu hỏi hay ngã.

Ví dụ chữ dễ dãi: Chỉ cần biết được một trong hai chữ dễ hoặc dãi mang dấu gì thì biết được luôn cả dấu của chữ kia. Thử chọn chữ dễ trước. Với chữ dễ ta có Tiếng đôi Lấp-láy dễ dàng. Với dễ dàng ta biết chữ dễ phải viết dấu ngã vì chữ dàng có dấu huyền. Khi đã biết chữ dễ viết dấu ngã thì ta xác định được là chữ dãi phải viết dấu ngã do luật “HUYỀN, NẶNG, NGà = NGÔ

Đối với các chữ mang dấu Hỏi cũng làm như vậy.

2) Khi không tìm ra một Tiếng-đôi Lấp-láy trong đó có chữ mà ta cần biết là mang dấu gì thì ta nên thử đưa nó vào loại chữ-láy bốn tiếng.

Ví dụ chữ đủng đỉnh: Ta có đủng đa đủng đỉnh, về lủng lẳng ta có lủng la lủng lẳng. Khi ta thấy đủng đa, lủng la, thì ta có thể khẳng định đủng và lủng phải viết dấu hỏi theo luật “KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI”. Khi đã biết đủng và lủng phải viết dấu hỏi rồi thì ta biết được đỉnh và lẳng củng phải viết dấu hỏi theo luật Trầm Bổng “KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI”.

3) Đối với Tiếng-Nôm-đơn, và Chữ-ghép.

Khi gặp tiếng Nôm-đơn hoặc một tiếng trong các Chữ-ghép mà ta phân vân về dấu hỏi ngã, thì ta tìm một Tiếng-đôi Lấp-láy có tiếng đó, rồi áp dụng luật đễ tìm dấu hỏi hay ngã.

Ví dụ 1: ta gặp các chữ: nghỉ, nghĩ, dở, dễ, khoẻ... Ta tìm xem các chữ nầy viết hỏi hay ngã. Ta xem tiếng Lấp-láy phải viết dấu gì?

nghỉ: nghỉ ngơi --> dấu hỏi
nghĩ: nghĩ ngợi --> dấu ngã
dở: dở dang --> dấu hỏi
dễ: dễ dàng --> dấu ngã
khoẻ: khoẻ khoắn --> dấu hỏi

Ví dụ 2: như gặp chữ sửa chữa, không biết chữ nào viết hỏi, chữ nào viết ngã, thì ta tách chữ đó ra để mà tìm.

Ta sẽ có Tiếng-đôi sửa sang. Khi đã có sửa sang thì ta yên tâm viết sửa với dấu hỏi vì “KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI”.

Đến chữ chữa thì ta biết chữa là Tiếng-nôm có Gốc-Hán-việt là chữ Trị, vậy phải viết dấu ngã, vì “HUYỀN, NẶNG, NGà = NGÔ.

Ví dụ 3: gặp chữ ủ rũ, không biết chữ nào viết hỏi, chữ nào viết ngã, thì ta cũng tách chữ đó ra, rồi tìm cách đưa thành một Tiếng-đôi Lấp-láy.

Ta sẽ có ủ ê. Khi đã có ủ ê thì ta yên tâm viết ủ với dấu hỏi, vì ê là chữ không dấu, theo luật “KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI”

Đến chữ rũ thì ta có Tiếng-đôi Lấp-láy rũ rượi nên ta biết là rũ phải viết dấu ngã vì rượi là chữ có dấu nặng, theo luật “HUYỀN, NẶNG, NGà = NGÔ

CHÚ Ý: Khi tạo Tiếng-đôi Lấp-láy để dựa vào đó mà xác định dấu hỏi ngã, ta cần chọn Tiếng-đôi Lấp-láy sao cho nghĩa của Tiếng-đôi đó, khi tách ra một mình, phải cùng nghĩa với chữ mình đang muốn tìm dấu.

Thí dụ: dễ (dễ làm) và dễ trong Tiếng-đôi Lấp-láy dễ dàng, dễ ợt, cùng có nghĩa giống nhau.

Nếu tìm được một Tiếng-đôi Lấp-láy hay không Lấp-láy nhưng chữ trong tiếng đó lại khác nghĩa với nghĩa của chữ mình đang tìm dấu thì không thể dùng được. Chẳng hạn như rũ trong ủ rũ mà ta lại dùng chữ rủ của rủ rê, rủ ren thì không cùng nghĩa cho nên ta sẽ viết sai dấu ngay.


CÓ NÊN ĐƯA “CHẢNH”, “NỔ”
VÀO TỪ VỰNG TIẾNG VIỆT

Giới trẻ với đặc trưng cố hữu là năng động, nhanh nhạy, ham thích cái mới cũng đang góp phần làm phong phú thêm tiếng Việt qua cách sử dụng từ ngữ một cách sáng tạo, linh hoạt trong những ngữ cảnh cụ thể.

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn truyền thông và các hội thảo khoa học có nhiều ý kiến cho rằng tiếng Việt ngày càng mất chuẩn, sai chuẩn, đang bị “vẩn đục” và kêu gọi mọi người tìm cách, hiến kế để “cứu” tiếng Việt.

Nhiều nhà chuyên môn cũng lên tiếng cảnh báo hiện tượng dùng từ tiếng Việt tuỳ tiện, làm méo mó, lệch chuẩn tiếng Việt với những từ ngữ như: máu, sung, vãi, lộ hàng, tự sướng...

Thậm chí có nhà chuyên môn còn cho rằng tiếng Việt đang trong tình trạng “đáng báo động về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, và quy kết một trong những nguyên nhân là do “giới trẻ”, “ngôn ngữ tuổi teen”...

Hàng loạt từ mới đã xuất hiện

Quả nhiên, hiện nay tình trạng sử dụng tiếng Việt một cách tuỳ tiện - đặc biệt là trong một bộ phận giới trẻ - là không thể chối cãi, phủ nhận.

Tuy nhiên, theo tôi, giới trẻ với đặc trưng cố hữu là năng động, nhanh nhạy, ham thích cái mới cũng đang góp phần làm phong phú thêm tiếng Việt qua cách sử dụng từ ngữ một cách sáng tạo, linh hoạt trong những ngữ cảnh cụ thể.

Và sẽ thật là bất công nếu chúng ta cứ khăng khăng phiến diện, khe khắt nhìn nhận giới trẻ chỉ ở góc độ là “thủ phạm” làm “vẩn đục” tiếng mẹ đẻ, mà không hề nhìn thấy những đóng góp của họ trong việc đang từng ngày làm giàu đẹp thêm tiếng Việt.
Nhiều từ ngữ được giới trẻ dùng với nét nghĩa mới hết sức thú vị, độc đáo, nên chăng cần phải ghi nhận, xem xét bổ sung vào từ vựng tiếng Việt?

Một số từ ngữ tuy mới xuất hiện trong thời gian ngắn, nhưng tần số sử dụng tăng vọt đến kinh ngạc, không chỉ hạn hẹp trong phạm vi giới trẻ, mà lan toả đến mọi giới trong xã hội, hầu như không mấy ai là không hiểu theo nét nghĩa chuyển mới định hình ấy.

Chẳng hạn như từ “teens” khi gia nhập vào vốn từ tiếng Việt thì đều được hiểu nghĩa rộng hơn, chỉ chung cho cả giới trẻ chứ không hạn định như nghĩa nguyên gốc trong tiếng Anh là tuổi thanh thiếu niên, tuổi thanh xuân (từ 13 - 19) tuổi.

“Nổ”, “bệnh nổ” với nghĩa là nói khoác, khoe khoang dối trá, ba xạo, khoe mẽ, thậm xưng về những cái mình không có.

Hay từ “chảnh” - tự phụ, kênh kiệu, kiêu căng, cho mình là hơn người, coi thường người khác. Đi kèm theo từ “chảnh” còn có “chảnh chó” (nghĩa phê phán, tiêu cực), “sang chảnh” (nghĩa khen ngợi, tích cực).

Ngoài ra còn nhiều từ ngữ khác được dùng với nghĩa mới, có liên quan hoặc hoàn toàn thoát ly với nghĩa gốc của từ/ yếu tố tạo từ như: “sống ảo” - khoe khoang (đồ vật, nhan sắc, cuộc sống...) thái quá trên mạng internet, trong khi thực tế hoàn toàn không phải như vậy, thậm chí còn ngược lại.

“Sửu nhi” (trẻ trâu) là một từ Hán – Việt, chỉ người có tính cách trẻ con, thiếu chín chắn, thích thể hiện ra vẻ người lớn, hành động thái quá, đôi khi là lố bịch… trước một hoàn cảnh, sự vật – hiện tượng nào đó.

“Bá đạo” là một từ Hán – Việt mang ý nghĩa: không có đối thủ, không ai sánh bằng (bá chủ một vùng).

“Ném đá” là hành động gay gắt, kịch liệt phản đối một người, một vấn đề hay một hành động nào đó với thái độ bất bình, bức xúc cao độ, hoặc chỉ sự đả kích tập thể vào một đối tượng cụ thể, có những hành động làm trái ý, chướng mắt (thông thường là ở trên mạng) bằng cách nói móc mỉa, miệt thị, chửi bới.

“Chém gió” chỉ cách nói chuyện huyên thuyên, phét lác, nói không có cơ sở, mục đích mua vui cho mọi người hoặc nhằm cường điệu một sự việc nào đó (Có ý kiến cho rằng xuất phát từ hình ảnh người nói thường kèm hành động tay vung lên, chém xuống theo nhịp điệu lời nói, như là chém trong không khí.).

Từ “tám” hay tổ hợp “bà tám” để chỉ việc tán gẫu kéo dài, chỉ người nhiều chuyện, lắm lời.

“Gấu” (người yêu), “diễn/ diễn sâu” (đóng kịch một cách giả tạo, làm ra vẻ tựa như người thật, việc thật), “của chùa” (đồ vật, của cải không phải của mình, nên dùng tự nhiên, thoải mái, không biết tiếc, không có trách nhiệm), “chặt chém/ chặt đẹp/ chém đẹp” (bán giá quá đắt, bán với giá cắt cổ), “bèo” (giá cả quá rẻ, quá thấp, ví như bèo, hàm ý coi thường), “cháy  chợ” (chợ hết sạch loại hàng nào đó, không còn để bán ra trong khi còn nhiều người muốn mua)…

Nên công bằng với giới trẻ

Những từ ngữ với cách hiểu sáng tạo, cách chuyển nghĩa phong phú dựa vào nhiều biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, thậm xưng... mà giới trẻ đang sử dụng nêu trên, hiện có thể đang là từ tiếng lóng được sử dụng phổ biến chỉ trong phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (khẩu ngữ).

Nhưng tôi tin chắc rằng - theo quy luật tiếp biến và đào thải tất yếu của mọi ngôn ngữ - qua quá trình sàng lọc của thời gian, chắc chắn sẽ có nhiều từ đang dần từng bước gia nhập một cách tự nhiên vào vốn từ của chúng ta, tham gia vào các phong cách chức năng ngôn ngữ khác (đặc biệt là phong cách ngôn ngữ nghệ thuật), góp phần phát triển từ vựng tiếng Việt.

Cho nên, để cho thoả đáng, xã hội và giới chuyên môn bên cạnh việc phê phán, cảnh báo những từ ngữ/ cách dùng từ theo nghĩa chuyển có tính dung tục, phản cảm, làm méo mó tiếng Việt…, cũng nên nhìn nhận giới trẻ nước nhà ngày nay dưới góc độ là một trong những nhân tố đang ngày ngày góp phần làm đẹp giàu thêm tiếng Việt.
Họ đang trên hành trình tiếp cận với lời nhắn nhủ, kỳ vọng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - trong một Hội thảo khoa học Quốc gia về tiếng Việt trong thời gian gần đây: “Giữ gìn sự trong sáng đi đôi với phát triển, làm mới tiếng Việt. Tuy nhiên, sự tiếp thu phải có chọn lọc và không đánh mất bản sắc”.

ThS. Đỗ Thành Dương
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

QUY ĐỊNH VIẾT HOA
2020


Ngày 5/3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 30/2020 về công tác văn thư. Ban hành kèm với Nghị định 30 là các phụ lục hướng dẫn cụ thể về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản hành chính... Trong đó, vấn đề viết hoa được quy định tại phụ lục II, bao gồm 5 trường hợp viết hoa kèm hướng dẫn chi tiết trong từng trường hợp.
1
Viết hoa vì phép đặt câu
Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh, tức sau dấu chấm câu (.), dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!) và khi xuống dòng.
2
Viết hoa danh từ riêng chỉ tên người
2.a
Tên người Việt Nam
Tên thông thường: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết của danh từ riêng chỉ tên người, ví dụ Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú...
Tên hiệu, tên gọi nhân vật lịch sử: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết. Ví dụ: Vua Hùng, Bà Triệu, Ông Gióng, Bác Hồ, Cụ Hồ...
2.b
Tên người nước ngoài được phiên âm chuyển sang tiếng Việt
- Trường hợp phiên âm sang âm Hán - Việt: Viết theo quy tắc viết tên người Việt Nam. Ví dụ: Kim Nhật Thành, Mao Trạch Đông, Thành Cát Tư Hãn...
- Trường hợp phiên âm không sang âm Hán - Việt (phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất trong mỗi thành phần. Ví dụ: Vla-đi-mia I-lích Lê-nin, Phri-đrích Ăng-ghen...
3
Viết hoa tên địa lý
3.a
Tên địa lý Việt Nam
- Tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn) với tên riêng của đơn vị hành chính đó: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng và không dùng gạch nối. Ví dụ: thành phố Thái Nguyên, tỉnh Nam Định...
- Trường hợp tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với chữ số, tên người, tên sự kiện lịch sử: Viết hoa cả danh từ chung chỉ đơn vị hành chính đó. Ví dụ: Quận 1, Phường Điện Biên Phủ...
- Trường hợp viết hoa đặc biệt: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tên địa lý được cấu tạo giữa danh từ chung chỉ địa hình (sông, núi, hồ, biển, cửa, bến, cầu, vũng, lạch, vàm,...) với danh từ riêng (có một âm tiết) trở thành tên riêng của địa danh đó: Viết hoa tất cả các chữ cái tạo nên địa danh. Ví dụ: Cửa Lò, Vũng Tàu, Lạch Trường, Vàm Cỏ, Cầu Giấy...
Trường hợp danh từ chung chỉ địa hình đi liền với danh từ riêng: Không viết hoa danh từ chung mà chỉ viết hoa danh từ riêng. Ví dụ: biển Cửa Lò, chợ Bến Thành, sông Vàm Cỏ, vịnh Hạ Long...
Tên địa lý chỉ một vùng, miền, khu vực nhất định được cấu tạo bằng từ chỉ phương hướng kết hợp với từ chỉ phương hướng khác: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi. Đối với tên địa lý chỉ vùng, miền riêng được cấu tạo bằng từ chỉ phương hướng kết hợp với danh từ chỉ địa hình thì viết hoa các chữ cái đầu mỗi âm tiết. Ví dụ: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ...
3.b
Tên địa lý nước ngoài được phiên âm chuyển sang tiếng Việt
- Tên địa lý đã được phiên âm sang âm Hán - Việt: Viết theo quy tắc viết hoa tên địa lý Việt Nam. Ví dụ: Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Pháp, Anh...
- Tên địa lý phiên âm không sang âm Hán - Việt (phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa theo quy tắc viết hoa tên người nước ngoài. Ví dụ: Mát-xcơ-va, Men-bơn...
Viết hoa tên cơ quan, tổ chức
4
4.a
Tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam
- Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức. Ví dụ: Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, Sở Tài chính...
- Trường hợp viết hoa đặc biệt: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng...
4.b
Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài
- Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài đã dịch nghĩa: Viết hoa theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam. Ví dụ: Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...
- Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài được sử dụng trong văn bản ở dạng viết tắt: Viết bằng chữ in hoa như nguyên ngữ hoặc chuyển tự La-tinh nếu nguyên ngữ không thuộc hệ La-tinh. Ví dụ: WTO, UNDP, UNESCO, ASEAN...
5
Viết hoa các trường hợp khác
Danh từ thuộc trường hợp đặc biệt: Nhân dân, Nhà nước.
5.a
Tên các huân chương, huy chương, các danh hiệu vinh dự: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết của các thành phần tạo thành tên riêng và các từ chỉ thứ, hạng. Ví dụ: Huân chương Sao vàng, Nghệ sĩ Nhân dân, Anh hùng Lao động...
5,b
Tên chức vụ, học vị, danh hiệu: Viết hoa tên chức vụ, học vị nếu đi liền với tên người cụ thể. Ví dụ: Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Giáo sư Tôn Thất Tùng...
5.c
Danh từ chung đã riêng hoá:
Viết hoa chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên gọi đó trong trường hợp dùng trong một nhân xưng, đứng độc lập và thể hiện sự trân trọng. Ví dụ: Bác, Người (chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đảng (chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam)...
5.d
Tên các ngày lễ, ngày kỉ niệm:
Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi ngày lễ, ngày kỷ niệm. Ví dụ: ngày Quốc khánh 2-9, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày Quốc tế Lao động 1-5, ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10...
5.e
Tên các loại văn bản:
Viết hoa chữ cái đầu của tên loại văn bản và chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi của văn bản trong trường hợp nói đến một văn bản cụ thể. Ví dụ: Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức Quốc hội...
Trường hợp viện dẫn phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của phần, chương, mục, tiểu mục, điều.
Ví dụ:
- Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 103 Mục 5 Chương XII Phần I của Bộ luật Hình sự.
- Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Tiểu mục 1 Mục 1 Chương III của Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14.
5.g
Tên các năm âm lịch, ngày tết, ngày và tháng trong năm
- Tên các năm âm lịch: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi. Ví dụ: Kỷ Tỵ, Tân Hợi, Mậu Tuất, Mậu Thân...
- Tên các ngày tết: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi. Ví dụ: tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ, tết Trung thu. Viết hoa chữ Tết trong trường hợp thay cho tết Nguyên đán.
- Tên các ngày trong tuần và tháng trong năm: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ ngày và tháng trong trường hợp không dùng chữ số. Ví dụ: thứ Hai, thứ Tư, tháng Năm, tháng Tám...
5.h
Tên các sự kiện lịch sử và các triều đại:
Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành sự kiện và tên sự kiện, trong trường hợp có các con số chỉ mốc thời gian thì ghi bằng chữ và viết hoa chữ đó. Ví dụ: Triều Lý, Triều Trần, Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng tháng Tám...
5.i
Tên các tác phẩm, sách báo, tạp chí:
Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên tác phẩm, sách báo. Ví dụ: từ điển Bách khoa toàn thư, tạp chí Cộng sản...


Bên cạnh những thay đổi đã được thể hiện phần trên, quy định mới tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP cũng đã bỏ quy tắc bắt buộc viết hoa trong tên gọi các tôn giáo, giáo phái, ngày lễ tôn giáo trong các văn bản hành chính.
--------------------
Tài liệu tham khảo:
-Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ
-Thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ
https://giaoduc.net.vn/va...co-hieu-luc-post207736.gd
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

https://4.bp.blogspot.com/-ZVprVO6mXMI/W1lFe_BzmBI/AAAAAAABwAg/XIYnjiRnd-0U5Am9sB3MWL-LLat7aPnwwCLcBGAs/s1600/0.1.PNG


CHỮ & NGHĨA


https://1.bp.blogspot.com/-CcZNzeS92U0/YLYa62RjxUI/AAAAAAACQYA/fYZBtgzQtyAIGU6ZEOJXdM5FopbRqCXPQCLcBGAsYHQ/w640-h452/%2540.1.PNG

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THƯ KÝ – BÍ THƯ


Nhiều người cho rằng: “Trong tiếng Anh thư ký là secretary, tiếng Nga là cекретарь, tiếng Pháp là secrétaire đều cùng một nghĩa là người nắm giữ bí mật giúp cho sếp”. Nhận định trên đúng nhưng chưa đầy đủ.
Vì theo người viết, khái niệm thư ký hay bí thư chỉ tương đương với một vài nghĩa của từ nào đó trong ngôn ngữ khác chứ không phải giống hoàn toàn. Tương tự, ta có thể thấy hai khái niệm thư ký hay bí thư tương ứng với từ secretario trong tiếng Tây Ban Nha, sekretär (Đức), segretario (Ý) hay sekretaris (Indonesia)… Song có lẽ không cần phải so sánh nhiều ngôn ngữ vì quá rườm rà, ở đây chúng tôi xin phép đối chiếu từ bí thư, thư ký với secretary trong tiếng Anh - một từ bao gồm những nghĩa sau:
Secretary có nghĩa gốc là “người được uỷ thác những bí mật”. Đây là từ xuất hiện trong tiếng Anh vào khoảng thế kỷ 14 - 15, xuất phát từ chữ secrētārius trong tiếng Latinh trung cổ. Ban đầu secretary tương ứng với từ bí thư trong tiếng Việt - một từ có nguồn gốc từ chữ 祕書 (mìshū) trong Hán ngữ.
Ở Trung Quốc, bí thư (祕書) dùng để chỉ người giữ các giấy tờ bí mật. Đây là tên chức quan ngày xưa, còn gọi là quan chưởng quản đồ thư. Ngày nay, theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (2003) thì bí thư là “1. Người được bầu ra để thay mặt ban chấp hành, lãnh đạo công việc hằng ngày trong một số chính đảng hay đoàn thể; 2. Cán bộ ngoại giao cấp bậc dưới tham tán, phụ trách từng phần việc của sứ quán (như lễ tân, báo chí...) và thường xuyên giao thiệp với các cơ quan hữu quan của nước sở tại; 3. (cũ) Thư ký riêng”.
Secretary là người lưu giữ hồ sơ, ghi chép và xử lý công việc văn thư nói chung, thường là nữ. Với nghĩa này, secretary tương ứng từ thư ký trong tiếng Việt – một từ có nguồn gốc từ chữ 書記 (shūjì) trong Hán ngữ. Riêng về chữ Nôm thì từ ký (記) cũng có nghĩa tương tự như thư ký (書記) trong Hán ngữ.
Ngày nay, đối với thư ký riêng cho một sếp trong công ty thì sử dụng từ Secretary hoặc Private and Confidential Secretary; nếu là thư ký riêng kiêm trợ lý tổng giám đốc hay giám đốc thì gọi là Secretary cum Personal Assistant (for Managing Director); thư ký phụ tá là Assistant Secretary…
Secretary còn là người quản lý hoặc lãnh đạo trong tổ chức (các đảng chính trị, công đoàn, tổ chức quốc tế...). Ở Anh - Mỹ, Secretary General được hiểu là Tổng thư ký. Ví dụ: Ban Ki-moon was a Secretary-General of the United Nations (Ban Ki-moon là Tổng thư ký Liên Hiệp quốc).
Ở Mỹ, người đứng đầu một bộ của chính phủ được gọi là Secretary, hiểu theo nghĩa tiếng Việt là bộ trưởng chứ không phải thư ký hay bí thư.
Ví dụ: Secretary of State (Bộ trưởng Ngoại giao), Secretary of the Treasury (Bộ trưởng Ngân khố). Hiện nay ông Ryan McCarthy là đương kiêm Bộ trưởng Lục quân Mỹ (United States Secretary of the Army), thường được người Mỹ gọi là Mr. Secretary (Bộ trưởng).
Riêng về từ shadow secretary thì không có nghĩa tương đương trong tiếng Việt. Đây là từ mà đảng đối lập dùng để chỉ “gà nhà” của đảng mình, nếu đảng này cầm quyền thì shadow secretary có khả năng trở thành bộ trưởng.
Ở Mỹ, ngoài những nghĩa trên, secretary còn dùng để chỉ một loại bàn viết (secretary desk) có phần trên chứa sách, hồ sơ hay giấy tờ. Nếu từ này được dùng trong cụm từ secretary bird thì có nghĩa là chim thư ký hay chim diều (Sagittarius serpentarius) - một loài chim săn mồi, phân bố ở châu Phi. Chúng có chân dài với chỏm lông trên đầu giống như những cây bút lông hay giắt trên đầu của những người thư ký ở châu Âu thời Trung cổ.
VƯƠNG TRUNG HIẾU
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHUỘT RÚT – VỌP BẺ


Trong Nam kêu vọp bẻ; ngoài Bắc gọi chuột rút. Vậy chuột rút là gì?
Trang Khoahoc.tv giải thích: “Chuột rút là tình trạng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở một bắp thịt thường là co cơ do lạnh hay hoạt động quá sức, làm cho bệnh nhân không tiếp tục cử động được nữa”.
Cứ như trên thì ta thoáng thấy có mối liên quan giữa chuột và bắp thịt. Quả nhiên trong khẩu ngữ của phương ngữ Nam bộ thì con chuột có nghĩa là “bắp thịt” (chủ yếu là ở cánh tay). Thuở thiếu niên, tuy thể hình không bằng ai nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gồng con chuột, chỉ để chơi... cho vui. Lời bình của Nguyễn Tấn Thành trên Facebook của Hoang Giang ngày 26.7.2020 đã cho ta thấy đúng cái nghĩa của từ chuột: “Có chuột đâu mà cố gắng gồng lên vậy hè”.
Đây là lời bình nhằm trêu chọc người bạn, có vẻ như đang muốn khoe cơ bắp. Trong câu này chuột chính là “bắp thịt”.
Tiếc rằng không có bất cứ một quyển từ điển nào ghi nhận nghĩa này cho từ chuột, kể cả những quyển từ điển về phương ngữ Nam bộ hoặc lấy phương ngữ Nam bộ làm nền tảng. Nhưng ngành giết mổ súc vật thì có đấy. Đây:
- “Thịt bắp tay, hay còn gọi là bắp chuột (Chúng tôi nhấn mạnh - AC) là phần thịt bắp được cắt ra từ phía chân giò của con trâu. Phần thịt này khá dai, có nhiều gân và mô nối với nhau, ăn ngọt và thơm […] Thịt bắp tay, bắp chuột (Cũng chúng tôi nhấn mạnh - AC) thường được dùng để chế biến các món lẩu, xào, nấu phở, và đặc biệt làm món bắp trâu, bắp bò muối” (“Thịt bắp tay - bắp chuột M60”, thucphamvietnam.com.vn).
- “Thăn chuột heo (Chúng tôi nhấn mạnh - AC) còn được gọi là thăn nội, là miếng thịt cắt từ bắp thịt, nằm ở phía trước và chạy dọc cột xương sống của con heo gần dưới phía chân sau. Thăn chuột heo (Cũng chúng tôi nhấn mạnh - AC) là phần có thịt mềm nhất trên con heo, là phần thịt nạc và không dính chút mỡ nào” (“Thăn chuột heo là gì?”, ngocfoody.blogspot.com).
- “Thịt bắp chuột bò (Chúng tôi nhấn mạnh - AC) là phần thịt ngon nhất và cũng đắt tiền nhất của thịt bò nói chung và thịt bò Mỹ hoặc bò Úc và Ấn Độ nói riêng” (“Thịt bắp chuột - bắp tay”, anbinhgroup.com.vn).
Thực ra thì chuột với nghĩa “bắp thịt” không phải là đặc sản của phương ngữ Nam bộ. Đây là một từ mà lưu dân đã đem từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong. Bằng chứng là trong khi người Nam kêu vọp bẻ thì người Bắc lại gọi là chuột rút. Không riêng gì tiếng Việt mới dùng chung một từ cho “chuột” (động vật) và “bắp thịt”. Trong tiếng Hy Lạp, mus (μῠσ) vừa có nghĩa là “chuột” (rat, souris), vừa có nghĩa là “bắp thịt” (muscle), như có thể thấy trong Dictionnaire grec-français của M.A.Bailly (Librairie Hachette, Paris, sans date, p.1308, col.1). Trong tiếng La tinh, musculus vừa có nghĩa là “chuột” (rat, souris) vừa có nghĩa là “bắp thịt” (muscle), như có thể thấy trong Dictionnaire latin-français của Ch. Lebaigue (Paris, 1960). Musculus phái sinh từ danh từ mus, có nghĩa là “chuột”. Trong tiếng Pháp và trong nghề giết mổ súc vật, bắp thịt của đùi dê, cừu, hươu, nai (Muscle charnu à l’extrémité du gigot, contre l’os) gọi là souris (chuột), như có
thể thấy trong Dictionnaire alphabétique et analogique de la langue française par Paul Robert (Tome sixième, Paris, 1971). Trong tiếng Nga мышца (bắp thịt) phái sinh từ мышь (chuột).
Chuột thì như thế. Còn vọp thì thế nào? Xin thú thật rằng chúng tôi đã nhiều phen lao tâm khổ tứ mà chưa tìm ra… Nhưng, có một điều chắc chắn là trong một vài ngôn ngữ châu Âu thì từ chỉ “chuột”, “bắp thịt” và “đồng loại của vọp” có cùng một gốc.
Origins của Eric Partridge (Third Edition, London, 1961) cho biết: “L musculus has a further transferred sense “mussel”: whence OE musle, ME musselle, E mussel”
(Tiếng La tinh musculus có một cái nghĩa chuyển biến xa hơn là “sò, hến”: do đó [mà có] tiếng Anh cổ musle, tiếng Anh trung đại musselle, tiếng Anh [hiện đại] mussel).
Tiếng Hy Lạp mus (μῠσ) chẳng những có nghĩa là “chuột” (rat, souris), và “bắp thịt” (muscle), mà còn có nghĩa là “vẹm; sò, ốc” (moule, coquillage), như đã cho trong Dictionnaire grec-français của M.A.Bailly.
Còn vọp của tiếng Việt thì sao? Xin trân trọng trả sân cho các nhà từ nguyên học chính danh.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MANG – MỂN


Trước nhất, cần phân biệt mang trong mang thai (ghi là mang 1) với mang trong có mang (ghi là mang 2).
Trong mang thai thì mang 1 là một động từ mà Từ điển tiếng Việt 2008 do Hoàng Phê chủ biên giảng là “có ở trên người, trên mình, ở một vị trí nhất định nào đó”, với mấy ví dụ, trong đó có mang thai. Còn có mang thì được chuyển giảng về có thai mà có thai thì được giảng là “[người phụ nữ] đang mang thai trong bụng”. Chúng tôi chỉ muốn dựa vào lời giảng trên đây để khẳng định rằng trong có mang thì mang 2 là một danh từ đồng nghĩa với thai, dùng làm bổ ngữ cho động từ có. Cả hai chữ mang đều là những từ Việt gốc Hán.
Mang 1 bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [蒙] mà âm Hán Việt hiện hành là mông trong mông ân [蒙恩], có nghĩa là “mang ơn, đội ơn”. Tương quan ÔNG ↔ ANG giữa mông và mang là một mối quan hệ rất xưa, còn có thể thấy được qua việc chữ công [工] vần ÔNG hài thanh cho các chữ giang [江,杠,扛,肛] vần ANG.
Mang 2 bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [萌], mà âm Hán Việt là manh, có nghĩa là “cái mầm cây” và nghĩa rộng là “cái mầm của sự sống đang nằm trong bụng của người mẹ tương lai”. Trong Đồng nguyên tự điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997), Vương Lực đã chứng minh rằng manh [萌] là đồng nguyên tự của hai chữ mang [芒 và 鋩] (tr.372 - 373). Với quan hệ đồng nguyên như trên giữa manh
[萌] và mang [芒, 鋩] thì không có gì lạ nếu mang 2 là điệp thức của manh [萌].
Mang 2 thì như thế; còn
mển thì sao? Dictionarium Anamitico Latinum (viết tay, 1772 - 1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine và từ điển cùng tên của J.L.Taberd ấn hành tại Serampore năm 1838 đều có ghi nhận mang mển và đối dịch là “in utero gestare” (mang thai trong tử cung). Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng mang mển là “có nghén” và có mang có mển là “có thai, có nghén”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng mang - mển là “có chửa nặng - nhọc”. Vậy mển có nghĩa là “thai” hoặc “có thai”. Đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [娩], mà âm Hán Việt hiện hành là miễn, có nghĩa là “đẻ con, sinh con”.
Về tương quan IÊN ↔ ÊN giữa miễn và mển, ta còn có: biên [邊] ↔ bên trong kế bên; điện [殿] trong cung điện ↔ đền trong đền đài; kiển [繭] ↔ kén trong kén tằm; phiên [藩] ↔ phên trong phên giậu; tiễn [箭] ↔ tên trong mũi tên... Về tương quan thanh điệu (ngã ↔ hỏi) thì thực ra không có quy tắc chặt chẽ cho mọi trường hợp. Vả lại, “ngã ↔ hỏi” ở đây đều xuất phát từ thượng thanh của âm vận học truyền thống.
Vậy mang mển là một cấu trúc đẳng lập gồm có hai hình vị đồng nghĩa liên quan đến khái niệm “thai nghén”.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [20] [21] [22] [23] [24] [25] [26] ... ›Trang sau »Trang cuối