Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [73] [74] [75] [76] [77] [78] [79] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

23.
DIỆT TUYỆT SƯ THÁI
Tàn bạo vô lý


Chưởng môn phái Nga My Diệt Tuyệt sư thái là một người có tính nguyên tắc cứng rắn, như là sự hoá thân của nguyên tắc. Bà không chỉ là sự hoá thân của nguyên tắc mà còn luôn luôn cho rằng mình hoàn toàn đúng; vì cho rằng mình hoàn toàn đúng, cho nên lại càng kiên trì nguyên tắc, vì thế mà hành động tàn bạo, không chút nể nang lưu tình; cuối cùng, tình người của bà hiển nhiên lạnh nhạt, nên tính cách và tâm lý của bà bị niềm tin nguyên tắc ức chế và trói buộc nghiêm trọng. Người sáng lập phái Nga My là Quách Tương, một cô nương hết sức đáng yêu, không ngờ người kế nhiệm nàng là Diệt Tuyệt sư thái lại bất cận nhân tình, tàn bạo vô lý như thế. Đủ thấy, truyền thống môn phái dù tốt đẹp, lập trường hiệp nghĩa dẫu đúng đắn, song sự di truyền lịch sử thường thường lại sinh ra những biến dị bất ngờ, trong một quần thể nào cũng có những cá thể khác nhau. Bởi vậy, không ai dám khẳng định rằng đứng dưới ngọn cờ chính nghĩa toàn những con người chính phái hiệp nghĩa chân chính.

1.

Diệt Tuyệt sư thái là một ví dụ điển hình. Diệt Tuyệt sư thái tuy là nữ nhân, nhưng võ công cao cường chẳng thua gì đấng mày râu, tính cách quật cường còn hơn cả nam giới, nổi tiếng là người chiến đấu không khoan nhượng với tà phái ma giáo. Làm chưởng môn một đại danh môn chính phái trong võ lâm, Diệt Tuyệt sư thái kiên trì chính nghĩa, lập trường kiên định, điều đó không ai nghi ngờ. Bà xuất hiện lần đầu tiên trong sách đã đầy hào khí, làm cho người ta kinh sợ; ngay cả Kim Hoa bà bà trứ danh một thời cũng biết khó tự lui. Sau, đệ tử ruột của Diệt Tuyệt sư thái, người sắp được bà truyền cho y bát, là Kỷ Hiểu Phù bị Quang Minh tả sứ của Minh giáo là Dương Tiêu bức gian, bà đã một chưởng đánh vỡ sọ nàng ! Nàng không chịu lập công chuộc tội, thì bà đánh chết luôn, trắng đen rõ ràng, không chút thoả hiệp, tác phong và tư cách bà là như thế. Diệt Tuyệt sư thái xuất hiện lần thứ hai, khi sáu đại môn phái liên hợp vây đánh sào huyệt đỉnh Quang Minh của ma giáo (mà Minh giáo làm đại diện) bắt đầu chiến dịch của họ.

Đại đệ từ của bà là Tĩnh Hư bị Thanh dực bức vương Vi Nhất Tiếu của ma giáo hút máu mà chết thảm. Các đệ tử đau đớn khóc thương, Diệt Tuyệt sư thái quát bảo họ im, rồi nói : “Chúng ta lâu nay học võ để làm gì? Chẳng phải là để chống kẻ mạnh, giúp kẻ yếu, trừ diệt yêu tà hay sao? ... Cát hung hoạ phúc thế nào, phái Nga My ta sớm đã gạt qua một bên ...”, “Một trăm năm trước, đâu đã có phái Nga My. Chỉ cần chúng ta tử chiến một phen cho thật oanh liệt, dẫu phái Nga My có bị tiêu diệt sạch một lần, thì cũng đã sao?” (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Những lời anh phong hào khí, khảng khái quyết tử như thế, ai nghe cũng phải thán phục, chẳng trách lúc ấy Trương Vô Kỵ có mặt ở đó đã liên tưởng đến cái không khí Kinh Kha đi hành thích Tần Thuỷ Hoàng. Chính vì thế, khi gặp giáo chúng Nhuệ kim kỳ của Minh giáo, Diệt Tuyệt sư thái liền ra tay sát hại thẳng thừng. Có điều là Trương Vô Kỵ nghĩ khác, không nhịn nổi, bèn đứng ra cứu tử phù thương các giáo chúng, thỉnh cầu Diệt Tuyệt sư thái thủ hạ lưu tình.

Diệt Tuyệt sư thái tuy phát hiện võ công của Trương Vô Kỵ không thuộc phe yêu tà, hơi thương tiếc cho tài năng của chàng, nhưng bà không thể dễ gì từ bỏ lập trường nguyên tắc, bèn hỏi Trương Vô Kỵ có biết pháp danh của bà là gì hay không, rồi nói : “Ngươi biết thế là tốt. Yêu ma tà đồ, ta quyết giết cho hết sạch, không còn một mống, chẳng lẽ hai chữ ‘Diệt Tuyệt’ chỉ để gọi suông thôi? (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Trương Vô Kỵ mà không có Cửu dương thần công hộ thể, thì đã chết tươi dưới ba chưởng của bà. Nếu trong một bộ tiểu thuyết võ hiệp tầm thường, hành động này, cá tính này của Diệt Tuyệt sư thái sẽ được coi là lẽ đương nhiên, nhất định cũng sẽ được tán thưởng; thì trong Ỷ thiên Đồ long ký, hành động ấy lại bị gã thiếu niên Trương Vô Kỵ chất vấn sắc bén : Vi Nhất Tiếu chỉ giết có hai người, nay phái Nga My giết mười lần nhiều hơn; Vi Nhất Tiếu dùng răng giết người, Diệt Tuyệt sư thái dùng kiếm giết người, cùng là giết người cả, đâu có phân biệt thiện ác? Ngoài lập trường chính tà, ít ra cũng còn lập trường nhân đạo. Như vậy, hành vi tư tưởng của Diệt Tuyệt sư thái chẳng những không đúng, mà còn có vấn đề.

Diệt Tuyệt sư thái tuy luôn mồm tuyên dương chính phái hiệp nghĩa, yêu cầu đệ tử tuyệt đối không dung tha kẻ địch, tựa hồ bà xuất phát từ lập trường nguyên tắc chính tà không cùng tồn tại. Song thực ra, lần nay Diệt Tuyệt sư thái đến đây còn có một ẩn tình. Thứ nhất, một đại cao thủ của phái Nga My là sư huynh của Diệt Tuyệt sư thái, tên Cô Hồng Tử, bị chết bởi tay Quang Minh tả sứ Dương Tiêu của Minh giáo; thứ hai, Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn của Minh giáo từng giết cao thủ võ lâm Phương Bình ở phủ Khai Phong tỉnh Hà Nam, mà Phương Bình chính là anh ruột của Diệt Tuyệt sư thái. (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Như vậy, đàng sau ngọn cờ đường hoàng của Diệt Tuyệt sư thái còn có nhiều tạp niệm tư tâm không thể coi thường. Cô Hồng Tử là đệ tử phái Nga My, tuy không hi sinh vì môn phái, song Diệt Tuyệt sư thái làm chưởng môn lại muốn “chủ trì công đạo” cho đệ tử bản môn, thì kể cũng tạm được.

Nhưng để báo thù cho anh mình, Diệt Tuyệt sư thái ngày trước từng sai đệ tử xuống núi đi khắp nơi săn lùng Kim Mao Sư Vương, thậm chí mạo hiểm chặn đánh vợ chồng Trương Thuý Sơn, sau đó chuyển mối thù đối với cá nhân Kim Mao Sư Vương sang cả Minh giáo, lần này dốc toàn bộ lực lượng môn phái vào chiến dịch mạo hiểm, thì bất kể thế nào cũng là quá đáng. Sự thực vừa nói chứng minh, mọi sự yêu ghét trên thế gian đều có duyên cớ cả. Phía sau bất cứ ngọn cờ đường hoàng thuần khiết nào cũng có nhiều tạp niệm tư tâm ít ai biết. Hơn nữa, đáng sợ không phải là tạp niệm tư tâm của cá nhân, mà là lợi dụng chức quyền, biến tạp niệm tư tâm ấy thành mục đích của đại chúng, để mọi người xông vào chỗ chết vì mục đích đó.

2.

Cái đáng sợ thật sự của Diệt Tuyệt sư thái không phải là sự tàn bạo quá mức đối với kẻ địch, mà là sự vô tình tàn nhẫn đối với chính đệ tử của mình. Giết chết đệ tử đắc ý Kỷ Hiểu Phù là một ví dụ điển hình. Diệt Tuyệt sư thái từng biện hộ cho việc giết Kỷ Hiểu Phù như sau : “Hạng nghiệt đồ vô liêm sỉ như nó, để cho sống có ích gì (Xem Ỷ thiên Đồ long ký ). Lời biện hộ này nghe có vẻ đường hoàng, Diệt Tuyệt sư thái có vẻ là người giữ vững lập trường nguyên tắc, ghét ác như ghét kẻ thù. Có điều là trước khi giết Kỷ Hiểu Phù, lại có một đoạn khiến bạn đọc rất bất ngờ, ấy là Diệt Tuyệt sư thái nói với Kỷ Hiểu Phù : “Được, chuyện ngươi thất thân với Dương Tiêu, bênh vực Bành hoà thượng, đắc tội với Đinh sư tỷ, nói dối sư phụ, lén lút nuôi hài nhi ... tất cả những việc đó ta không nhắc đến nữa.

Giờ ta sai ngươi đi làm một việc, xong việc đó, ngươi trở về núi Nga My, ta sẽ đem y bát và kiếm Ỷ Thiên truyền cho ngươi, lập ngươi làm người thừa kế chức chưởng môn bổn phái.” (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Câu nói ấy khiến Đinh Mẫn Quân vừa ghen tức vừa căm hận, ngầm oán trách sư phụ hồ đồ, làm điều nghịch lý. Cũng là nói Kỷ Hiểu Phù chẳng những có thể không chết, mà còn được kế tục y bát của sư phụ, trở thành chưởng môn phái Nga My. Đương nhiên với một điều kiện, ấy là Kỷ Hiểu Phù phải đi làm một việc, ai cũng đoán là đi giết Dương Tiêu. Kỷ Hiểu Phù không nhẫn tâm làm việc đó, song cũng không muốn nói dối sư phụ, nàng chỉ còn biết lắc đầu, Diệt Tuyệt sư thái bèn đánh chết nàng bằng một chưởng. Chuyện này có mấy điều đáng chú ý. Thứ nhất, tính nguyên tắc của Diệt Tuyệt sư thái không phải là không thể thương lượng, không thể trao đổi, nói theo bà ta, tức là có thể lập công chuộc tội. Như thế Diệt Tuyệt sư thái cũng có tính linh hoạt, có cách giải quyết khác nhau đối với cùng một sự việc. Nếu Kỷ Hiểu Phù đáp ứng yêu cầu của sư phụ, nàng không chỉ lập công chuộc tội, mà còn được thăng quan tiến chức. Độc giả tinh ý sẽ phát hiện, chiêu hứa hẹn thăng quan được Diệt Tuyệt sư thái sử dụng tối thiểu ba lần, trừ lần này ra, sau này, trước khi bước vào chiến dịch tấn công đỉnh Quang Minh, Diệt Tuyệt sư thái công khai biểu thị, chỉ cần trong chiến dịch này, người nào lập công, bất kể nam nữ, tăng tục, đều có thể thay bà giữ chức chưởng môn.

Lần thứ ba là khi Diệt Tuyệt sư thái trao chiếc nhẫn chưởng môn cho tiểu đệ tử Chu Chỉ Nhược. Cái lần Diệt Tuyệt sư thái hứa hẹn với Kỷ Hiểu Phủ là thật, hay là lừa dối nàng, chúng ta chưa biết, nhưng người tiếp nhiệm chức đó phải tuyệt đối tuân lệnh sư phụ, thì là điều kiện rõ ràng. Diệt Tuyệt sư thái muốn Kỷ Hiểu Phù phải làm gì để lập công chuộc tội, bây giờ không có ai đối chứng. Nhưng yêu cầu của Diệt Tuyệt sư thái khi truyền chức vị cho Chu Chỉ Nhược, thì rất rõ ràng, khiến người ta rùng mình. Diệt Tuyệt sư thái yêu cầu : Chu Chỉ Nhược phải dùng sắc đẹp của mình dẫn dụ Trương Vô Kỵ, lấy thanh đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên; cái đó gọi là người lo việc lớn không câu nệ tiểu tiết; nhưng sau khi lấy được đao, kiếm rồi, Chu Chỉ Nhược không được chân tình với Trương Vô Kỵ, cho nên trước đó Diệt Tuyệt sư thái đã chuẩn bị sẵn cho Chu Chỉ Nhược lời thề như sau: “Con là Chu Chỉ Nhược, thề có trời đất chứng giám, nếu sau này con đem lòng ái mộ tên dâm đồ Trương Vô Kỵ, giáo chủ của Ma giáo, kết thành vợ chồng với hắn, thì cha mẹ con chết nằm dưới mồ xương cốt không yên, sư phụ con là Diệt Tuyệt sư thái sẽ thành ma quỉ ngày đêm quấy nhiễu con suốt đời; nếu con sinh con đẻ cái với hắn, thì con trai đời đời làm nô bộc, con gái kiếp kiếp làm kỹ nữ”. (Xem Ỷ thiên Đồ long ký).

Về yêu cầu và lời thề nói trên, thiết tưởng mỗi độc giả sẽ có cách đánh giá của mình. Đem chức vụ làm mồi nhử, rồi yêu cầu đệ tử thề nguyền, đi lừa kẻ địch, nếu cần thì hi sinh sắc đẹp, hi sinh tình cảm riêng để hoàn thành sự nghiệp thần thánh vinh quang của sư môn, việc ấy đối với Diệt Tuyệt sư thái không chỉ hợp tình hợp lý, mà còn như là chuyện tất nhiên vậy.


CUỐI.

Ta thấy sau khi bàn giao chuyện đại sự, Diệt Tuyệt sư thái quả nhiên lấy mình làm gương, từ trên tháp cao chùa Vạn An thành Đại Đô nhảy xuống, không chấp nhận sự cứu giúp của Trương Vô Kỵ, tự diệt mình. Đến đây chúng ta mới thấy một Diệt Tuyệt sư thái có tạp niệm tư tâm, tính cách quái gở, thủ đoạn tàn bạo cả với đệ tử, đều chưa phải là hoàn toàn đáng sợ. Thực sự đáng sợ chính là cái sự cố chấp và cuồng nhiệt bất chấp thủ đoạn, không cần suy nghĩ, đối với mục đích và niềm tin của bà. Diệt Tuyệt sư thái chết như thế, Chu Chỉ Nhược quyết không dám làm trái mệnh lệnh của sư phụ, bởi vì điều đó đã trở thành di nguyện lúc lâm chung của sư phụ, không thể giải thích, thay đổi gì được nữa. Người ngoài cũng không thể không tin rằng Diệt Tuyệt sư thái đúng là một người kiên định lập trường.

Nếu không, bà đã chẳng tự sát để làm gương. Nhưng vì sao Diệt Tuyệt sư thái lại hận thù Trương Vô Kỵ như vậy? Trương Vô Kỵ võ công chính phái, là người chính phái, trên đỉnh Quang Minh hoá giải kiếp nạn, ở chùa Vạn An thành Đại Đô giải cứu cao thủ sáu đại môn phái, ai ai cũng thấy rõ, tại sao Diệt Tuyệt sư thái khăng khăng không thấy? Chỉ vì Trương Vô Kỵ đã lên làm giáo chủ Minh giáo, mà bà giận lây ư? Nhưng Minh giáo đang đứng đầu cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ, mà chính Diệt Tuyệt sư thái chẳng đã nói, “Cuộc đời ta, bình sinh có hai tâm nguyện lớn, một là làm sao đuổi bọn Thát tử, lấy lại giang sơn cho người Hán, hai là làm sao cho võ công phái Nga My đứng đầu thiên hạ, vượt cả Thiếu Lâm, Võ Đang, trở thành môn phái số một ở Trung Nguyên”, đó sao? (Xem Ỷ thiên Đồ long ký).

Để thực hiện tâm nguyện thứ nhất, vì sao Diệt Tuyệt sư thái không chịu liên kết với Minh giáo thành một mặt trận thống nhất, cùng tác chiến? Có người sẽ bảo, cái gọi là tâm nguyện thứ nhất của Diệt Tuyệt sư thái chỉ là nói suông thế thôi, điều bà thật sự quan tâm, ấy là làm sao cho phái Nga My đứng đầu thiên hạ! Yêu cầu của bà đối với Chu Chỉ Nhược dường như cũng chứng minh điểm này. Nhưng như thế vẫn chưa thể giải thích vì sao Diệt Tuyệt sư thái lại căm hận Trương Vô Kỵ đến thế. Thực ra, ngoài nguyên nhân chính trị, còn có một nửa là nguyên nhân đạo đức, tức là bà ta cho rằng Trương Vô Kỵ là một “tên dâm tặc” Ma giáo, sợ chàng làm ô uế “sựtrong trắng” của Chu Chỉ Nhược, như Dương Tiêu từng làm với Kỷ Hiểu Phù. Mà đàng sau nguyên nhân đạo đức này còn có một nguyên nhân không thể nói rõ, ấy là Diệt Tuyệt sư thái không biết gì, hoặc căm hận đối với tình cảm nam nữ, đối với tình người nói chung.

Như vậy chúng ta mới có thể lý giải, vì sao DiệtTuyệt sư thái căm hận Dương Tiêu, vì sao bà ta đánh chết Kỷ Hiểu Phù, thậm chí đối với “nghiệt chủng” Dương Bất Hối của Kỷ Hiểu Phù và Dương Tiêu, bà ta cũng muốn đập chết luôn. Chúng ta mới có thể lý giải, vì sao Diệt Tuyệt sư thái đòi Chu Chỉ Nhược thề độc, rồi bà sẽ còn hoá thành ma quỉ để hù doạ nàng. Do tình cảm bị ức chế, tâm lý và nhân tính biến dạng, Diệt Tuyệt sư thái mới dành toàn bộ nhiệt tình của mình cho hoạt động chính trị. Mà hoạt động chính trị thì càng làm cho tình cảm bị ức chế, tâm lý và nhân tính bị biến dạng thêm. Cá nhân Diệt Tuyệt sư thái hoàn toàn không đáng sợ, đáng sợ là cái tư tưởng chính trị, đạo đức chính trị và nhiệt tình chính trị của bà. Cuối cùng, ngay cả bản thân mình, bà cũng còn cương quyết “diệt tuyệt”.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

24.
THẠCH PHÁ THIÊN
Kinh động lòng người.


Thạch Phá Thiên không giống một Chân Nhân, mà giống như một tấm gương tác giả dụng công lau chùi để chiếu rọi vô vàn tội ác và sự ngu muội của con người trong giới giang hồ Hiệp khách hành. Có thể nói hình tượng nhân vật này giống như phù hiệu tinh thần của tư tưởng Phật gia, một là vô danh, ba chữ Thạch Phá Thiên chỉ là cái tên đi mượn, nguyên danh của người này chẳng hiểu sao lại là “Cẩu Tạp Chủng”; hai là vô tướng, trong sách này từ đầu chí cuối đều được coi là một người nào đó mượn tên “Thạch Phá Thiên”; chàng là ai, ngay bản thân chàng cũng không thể nói rõ; ba là vô dục, bốn là vô cầu, năm là vô tri, sáu là vô ngã. Ngoài việc muốn tìm ra mẹ mình, người này tựa hồ không có bất cứ ham muốn gì của thường nhân, hết thảy đều thuận theo tự nhiên, như nước chảy mây trôi vậy.

1.

Thân phận đích thực của Thạch Phá Thiên có thể là người em trai ruột của Thạch Trung Ngọc, bang chủ bang Trường Lạc, là con thứ hai Thạch Trung Kiên của vợ chồng trang chủ Huyền Tố trang Thạch Thanh và Mẫn Nhu. Rất có thể Mai Phương Cô ngày trước vì yêu Thạch Thanh không thành, nên để báo thù sự “vô tình” của Thạch Thanh, đã bắt cóc đứa con trai của vợ chồng Thạch Thanh và Mẫn Nhu, rồi trả thế vào đó một xác hài nhi, làm cho vợ chồng Thạch Thanh và Mẫn Nhu suốt đời đau đớn khôn nguôi; trong khi đứa con trai của vợ chồng Thạch Thanh và Mẫn Nhu được Mai Phương Cô nuôi dưỡng, đặt tên là “Cẩu Tạp Chủng”, người mẹ nuôi không dạy võ hoặc dạy chữ, lại thường xuyên tự dưng vô cớ nổi giận ra oai, kết quả biến đứa bé thành một người không giống ai trên thế gian.

Huyền Tố trang đúng là một trang viện đen trắng, không chỉ vì vợ chồng trang chủ một người mặc đồ màu đen (Huyền), một người mặc đồ màu trắng (Tố), mà còn vì ngoài cổng trang viện có treo một tấm biển lớn đề bốn chữ “Hắc bạch phân minh”, nói rõ quan niệm đạo đức và trình độ trí tuệ của vợ chồng trang chủ. Điều châm biếm là tấm biển lớn “Hắc bạch phân minh” cũng như toàn bộ Huyền Tố trang về sau đều bị phái Tuyết Sơn đốt trụi, bởi đứa con trai của họ là Thạch Trung Ngọc phạm tội lớn đối với phái Tuyết Sơn. Càng châm biếm hơn, đôi vợ chồng tự xưng “Hắc bạch phân minh” ấy ngay đến hai đứa con của mình cũng không phân biệt được, cứ nhầm “Cẩu Tạp Chủng” hiền lành nhút nhát với Thạch Trung Ngọc thông minh lanh lợi. Nhưng châm biếm nhất là việc gã Thạch Trung Ngọc luôn ở bên cha mẹ, được cha mẹ nâng niu chiều chuộng, cuối cùng biến thành một gã thiếu niên phạm tội khôn khéo giảo hoạt, vô cùng tệ hại; còn “Cẩu Tạp Chủng”, tức Thạch Phá Thiên, bị bắt cóc từ bé, không được hưởng sự yêu thương bình thường của cha mẹ, thì rất khôn ngoan tử tế, thành một bậc đại anh hùng.

Hình tượng nhân vật Thạch Phá Thiên có hiệu quả làm xúc động lòng người: trái với quan điểm giáo dục thông thường và giá trị văn minh, Thạch Trung Ngọc luôn ở bên cha mẹ, được cha mẹ giáo dục đâu ra đó, cuối cùng vẫn chỉ là cục đá thô, còn Thạch Phá Thiên không hề được hưởng bất kỳ sự giáo dục nào thì lại thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Sở dĩ như vậy, là vì Thạch Trung Ngọc rõ ràng được nuông chiều quá mức, đâm ra hư hỏng, hòn đá chứa ngọc vẫn chỉ là hòn đá cứng; còn Thạch Phá Thiên vô tình được mài giũa, trời đất run rủi, từ cục đá thô lộ ra hòn ngọc lung linh. So sánh hai anh em họ với nhau ở cấp độ sâu xa hơn, thì Thạch Trung Ngọc đại diện cho “người văn minh”, còn Thạch Phá Thiên là tượng trưng cho “người tự nhiên”; sự khác nhau giữa hai anh em về phẩm chất đạo đức, trí tuệ và đường đời thể hiện sự nghi ngờ và thất vọng của tác giả đối với nền văn minh và “người văn minh” sự kỳ vọng và tin tưởng đối với tự nhiên và “người tự nhiên”.

Cái khuynh hướng so sánh giá trị giữa văn minh và tự nhiên, giữa “người văn minh” với “người tự nhiên” ấy thực tế không chỉ giới hạn giữa hai anh em, mà còn mở rộng ra cả diện mạo xã hội. Trên ý nghĩa đó, có thể nói tiểu thuyết Hiệp khách hành là “cuộc đi thăm thế giới văn minh” của “người tự nhiên”. Nhân vật chính xuất hiện với hình ảnh một cậu bé ăn xin, tên là “Cẩu Tạp Chủng” hầu như không biết chút gì về cái thế giới văn minh, nên gây ra nhiều chuyện tức cười, nhưng mỗi câu chuyện tức cười ấy cuối cùng đều khiến người ta không thể cười nổi nữa, mà phải tự nhìn lại mình một cách sâu sắc. Rốt cuộc cậu bé ngớ ngẩn chẳng biết gì kia là kém cỏi, xấu xa, hay cái thế giới này cùng những con người đang sống trong đó là kém cỏi, xấu xa, chúng ta càng lúc càng thấy rõ.

Tôi nói Thạch Phá Thiên giống như một tấm gương soi, những gì chàng thấy chàng nghe, cũng là chân tướng của cái thế giới văn minh mà tấm gương kia soi tới. Ở đây ta không thể thuật lại mọi tình tiết trong sách, thực ra cũng không cần làm như vậy Chỉ cần nhìn các nhân sĩ giang hồ bất kể chính phái tà phái, ra sức đánh giết nhau, lừa dối nhau, phản bội nhau, tranh nhau cướp Huyền thiết lệnh của Tạ Ân Khách; chỉ cần nhìn các nhân sĩ võ lâm hoảng sợ, né tránh sứ giả của đảo Hiệp Khách, còn sứ giả của đảo Hiệp Khách thì bóc trần vô số tội ác nhân gian, lại “chế tạo” bao nhiêu tội ác mới, thì sẽ thấy rõ cái thế giới này là như thế nào. Quân sư Bối Hải Thạch của bang Trường Lạc tạo ra vở náo kịch “Thạch Phá Thiên thật giả” –

Thạch Phá Thiên thật kỳ thực là bang chủ giả, Thạch Phá Thiên giả đương nhiên là người chịu tội thay, - là ví dụ điển hình nhất. Hơn nữa, chẳng nói gì bang Trường Lạc, ngay cả phái Tuyết Sơn tự cho mình là thanh cao, thậm chí cả vợ chồng trang chủ Huyền Tố trang Thạch Thanh “phân rõ trắng đen”, rốt cuộc đều là vì mình hơn là vì người, đều không phân rõ trắng đen. Chỉ có gã tiểu tử “Cẩu Tạp Chủng” Thạch Phá Thiên vô tri là đối với thế giới này cảm thấy đầy sự tân kỳ đáng lo ngại, cũng đầy sự thông cảm và thương hại thật sự vô tư. Có lẽ do vô tri nên không sợ, có thể do hồn nhiên vô tư, chỉ có Thạch Phá Thiên mới không nhớ hiềm khích cũ, không những chủ động thay bang chủ bang Trường Lạc nhận thiếp mời đến đảo Hiệp Khách, giúp bang này thoát một trường kiếp nạn, mà còn chủ động mạo nhận Thạch Trung Ngọc, thay anh ta đến phái Tuyết Sơn chịu tội, cuối cùng còn mở miệng cầu xin Tạ Yên Khách dạy dỗ cho Thạch Trung Ngọc.


CUỐI.

Đặc điểm thứ hai của hình tượng Thạch Phá Thiên khiến người ta xúc động, là phương diện trí tuệ và triết lý, biểu hiện chân tướng của tri thức loài người: ấy là người có “tri” chưa chắc có “thức”, người có “thức” chưa chắc có “tri”. Nói cụ thể, Thạch Phá Thiên vô tri cuối cùng lại chứng tỏ là một người thật sự có “thức”, còn trong cái thế giới văn minh vô cùng giàu tri thức này lại đầy rẫy người kẻ “vô thức”. Người văn minh có tri vô thức, ví dụ tiêu biểu nhất, ấy là mọi người trước sau vẫn không phân biệt được Thạch Phá Thiên thật giả. Tức cười nhất là hai chữ “mọi người” không phải chỉ chỉ những kẻ xa lạ, hoàn toàn không liên quan đến Thạch Trung Ngọc đổi tên thành Thạch Phá Thiên từ sớm, mà lại là chính những người thân thiết, gần gũi nhất với Thạch Trung Ngọc, như đệ tử phái Tuyết Sơn thù địch với y, cha mẹ đẻ của y là Thạch Thanh và nhân tình của y là Đinh Đương.

Chỉ vì nhân vật chính Thạch Phá Thiên và Thạch rung Ngọc quá giống nhau, một số người lại chỉ để ý đến vết sẹo giống nhau trên thân thể hai anh em họ Thạch, nên họ không chút do dự cho rằng Thạch Phá Thiên mà họ nhìn thấy chính là Thạch Trung Ngọc mà họ cần tìm. Điều này không chỉ chứng tỏ sự khiếm khuyết tri thức của họ, mà còn cái “tri thức” của họ về vết sẹo trên người Thạch Trung Ngọc lại chính là trở ngại lớn nhất trong việc phân biệt Thạch Phá Thiên thật giả. Họ chỉ nhận biết vết sẹo mà họ nhìn thấy rành rành, họ hoàn toàn bỏ qua sự khác biệt về khí chất, tính cách và nhân phẩm giữa Thạch Trung Ngọc với Thạch Phá Thiên.

Ví dụ thứ hai, hầu như mọi người trong võ lâm đều không biết đảo Hiệp Khách và sứ giả đảo Hiệp Khách là đúng sai thiện ác, không biết việc được mời tới đảo Hiệp Khách là lành dữ thật giả, chỉ căn cứ hai sự thực là: mỗi lần phàm bang phái nào không tiếp nhận thiếp mời đến đảo Hiệp Khách, đều bị hai sứ giả của đảo Hiệp Khách sát hại, và mấy chục năm nay, phàm các cao thủ võ lâm đến đảo Hiệp Khách, đều chỉ có đi không về, nên cho rằng mười năm một lần đảo Hiệp Khách gửi thiếp mời, đều đoán là một “kiếp nạn võ lâm , đẫm máu.

Mấy chục năm, cả giới võ lâm đều kinh sợ, nghe nhắc đến là giật mình, nhưng hầu như không một ai thử đi nghiên cứu, điều tra, tìm hiểu xem một số người bị sứ giả đảo Hiệp Khách giết có đáng tội chết hay không, cũng không một ai đi tìm xem cái đảo Hiệp Khách đáng sợ ấy ở phương nào. Đó là cái hạn chế của tri thức người văn minh, trong đó không chỉ có cái hạn chế của tầm nhìn tri thức và cái hạn chế của phương pháp học hỏi, mà còn bao gồm cả cái hạn chế của quyết tâm và niềm tin học hỏi tri thức. Ví dụ thứ ba, các cao thủ võ lâm có mặt trên đảo Hiệp Khách mấy chục năm nay vẫn chưa người nào giải được câu đố về võ công của “Hiệp Khách hành”; họ đều dựa vào ý thơ, ý hoạ, nghĩa câu, nghĩa chữ để tìm lời giải, đưa ra đủ lời giải mà chẳng cái nào đúng với chân tướng hoặc chân nghĩa. Văn tự, hội hoạ của thế giới văn minh đã dẫn con người đi vào con đường sai lầm, tri thức vốn có hoá thành trở ngại trên con đường đi tìm chân lý, phương pháp học hỏi tri thức đã có lại cản trở việc nhận thức chân lý.

Người văn minh có tri vô thức, ví dụ này là tiêu biểu. Ngược lại, nhân vật chính Thạch Phá Thiên tuy là một tiểu tử vô tri điển hình, trên đường ra đảo đã gây ra không biết bao nhiêu chuyện tức cười, song chàng hoàn toàn không phải là vô tri, cũng chẳng vô thức, trái lại, lại có kiến thức siêu phàm. Cuối cùng chỉ mình chàng có thể giải được sự huyền diệu của võ công “Hiệp Khách hành”, trong khi chàng không biết chữ (vô tri), chàng lại đạt tới chân tướng (vô thức). Ngoài ra, trong sách còn một ví dụ rất có ý nghĩa. Đó là Thạch Phá Thiên coi Tạ Yên Khách là một người tốt, bề ngoài tưởng chừng là một điển hình về sự vô thức, không chỉ làm cho mọi người chốn giang hồ cười chảy nước mắt, mà bản thân Tạ Yên Khách cũng dở khóc dở cười. Nhưng sự thực chứng tỏ Tạ Yên Khách không phải hạng người hoàn toàn xấu, hơn nữa sau khi sống một thời gian dài với Thạch Phá Thiên, đúng là gần đèn thì sáng, y đã biểu hiện khá tử tế.

Rồi Thạch Phá Thiên kết nghĩa huynh đệ với sứ giả đảo Hiệp Khách, ai ai trong võ lâm cũng cảm thấy việc đó là nguy hiểm và hoang đường, nhưng cuối cùng sự kết nghĩa ấy lại làm giả thành thật, đem đến kết quả diệu kỳ. Rồi chuyện Thạch Phá Thiên nhận Mai Phương Cô là mẹ đẻ, tuy cuối cùng chứng minh là không phải vậy, nhưng Mai Phương Cô tuy không sinh ra chàng, vẫn có công nuôi dưỡng chàng, chàng gọi Mai Phương Cô là mẹ cũng không sai. Càng có ý nghĩa là vợ chồng Thạch Thanh nhận nhầm con, tưởng chàng là Thạch Trung Ngọc; chứ Thạch Phá Thiên thì không hề nhận lầm cha mẹ, cái mà chàng căn cứ là tình yêu thật sự của cha mẹ, xác thiết hơn hẳn cái việc cha mẹ chàng chỉ căn cứ vào vết sẹo làm bằng chứng. Ý nghĩa và nguyên nhân cơ bản của sự vô tri có thức của Thạch Phá Thiên là ở chỗ chàng là con người thuần tuý tự nhiên, không bị “ô nhiễm tinh thần” theo quan niệm tri thức của xã hội văn minh, trước sau giữ được cái trí khôn tự nhiên và sự hồn nhiên đáng quí nhất.

Trong quá trình tiếp xúc qua lại với “người văn minh”, nói rằng Thạch Phá Thiên biểu hiện cái trí khôn siêu phàm cũng đúng, nhưng đúng hơn là tấm lòng chân thành và sự hồn nhiên. Cái trí khôn của Thạch Phá Thiên chưa bị ô nhiễm và giáo hoá rõ ràng là đáng quí, nhưng đáng quí hơn chính là tấm lòng chân thành và sự hồn nhiên chưa bị thế tục giảo hoạt làm cho ô nhiễm và biến dạng méo mó.


Cần thấy rõ, hình tượng Thạch Phá Thiên tuy giống như tấm gương sáng chiếu rọi bao nhiêu khiếm khuyết của thế giới văn minh, bản thân chàng như một con người thuần tuý tự nhiên, làm tấm gương sáng cho người văn minh noi theo, nhưng chàng không phải là điển hình phủ định sạch trơn nền văn minh hoặc không hề “phản văn minh”. Thạch Phá Thiên tuy vô danh vô tướng, vô cầu vô ngã, song tác giả không định tả chàng thành hoá thân của Phật, mà chỉ muốn tả thành một “Chân Nhân” truyền kỳ. Bằng chứng là cuối cùng Thạch phá Thiên có tình, mở miệng cầu người, lại còn muốn tìm ra cha mẹ đẻ của mình, muốn xác nhận “ta là ai”
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

25.
BẠCH TỰ TẠI
Tự đại thành cuồng


Trong tiểu thuyết Hiệp khách hành, chưởng môn nhân phái Tuyết Sơn Uy Đức tiên sinh Bạch Tự Tại đúng là mắc bệnh tâm thần : y không chỉ coi mình là người võ công cao cường nhất đương thời, mà còn bắt các đệ tử bản môn hễ gặp y đều phải tung hô : “Chưởngmôn nhân phái Tuyết Sơn, Uy Đức tiên sinh Bạch Tự Tại là đại anh hùng, đại hào kiệt, đại hiệp sĩ, đại tông sư đệ nhất kiếm pháp, đệ nhất quyền cước, đệ nhất nội công, đệ nhất ám khí xưa nay?” Ai không tung hô, y giết luôn; ai tung hô không đúng thế, y giết luôn; ai có ánh mắt không bình thường, y sẽ trừng phạt, nhẹ nhất là đánh cho gãy tay, què chân! Đối phó với lão già nổi điên này, các đệ tử môn hạ không còn cách nào khác, đành bàn nhau bỏ thuốc mê vào đồ ăn thức uống của lão, sau đó dùng xích sắt cột hai chân lại, nhốt vào trong một thạch thất. Bạch Tự Tại phát điên, đương nhiên không phải là tự dưng vô cớ. Nguyên nhân trực tiếp: đồ tôn môn hạ của lão là Thạch Trung Ngọc đã cưỡng gian cháu gái Bạch A Tú của lão, khiến Bạch A Tú nhảy xuống vực, mẹ cô bé phát điên, Bạch Tự Tại trong lúc nóng nảy đã tát vợ là Sử Tiểu Thuý một cái, khiến Sử Tiểu Thuý bỏ nhà đi. Đúng khi ấy, Đinh Bất Tứ, kẻ suốt đời cứ theo đuổi Sử Tiểu Thuý, và anh của y là Đinh Bất Tam, đến thành Lăng Tiêu của phái Tuyết Sơn, tuyên bố với Bạch Tự Tại rằng Sử Tiểu Thuý đã theo anh em họ đến núi Bích Luỹ trên đảo Tử Yên. Bạch Tự Tại tuy đánh cho Đinh Bất Tứ hộc máu, rồi đuổi ra khỏi thành, nhưng chính lão từ đó tâm thần không yên, chẳng bao lâu sau tâm tính đột biến, động một tí là nổi điên giết người bừa bãi, cuối cùng phát điên thật sự.

I

Nguyên nhân Bạch Tự Tại phát điên, cần được truy tìm đến cùng. Phía trên vừa nói là nguyên nhân cụ thể : lão bị kích động mà phát điên. Còn tại sao chỉ bị kích động mà đã phát điên, thì nói ra khá dài. Đại thể Bạch Tự Tại phát điên do ba nguyên nhân: một là tự ngã bành trướng, hai là thiếu hụt tình cảm, ba là tâm lý kinh sợ. Tự ngã bành trướng là nguyên nhân chủ yếu khiến Bạch Tự Tại phát điên. Bạch Tự Tại tự ngã bành trướng, đến mức tự đại thành cuồng, dĩ nhiên có nguyên nhân nhất định. Mà nguyên nhân chính, theo như trong sách viết, ấy là do lão tình cờ ăn một loại trái cây nào đó, làm cho nội lực tăng mạnh, vượt xa các sư huynh đệ đồng môn của mình. Từ đó, cùng một môn võ công của phái Tuyết Sơn, nhưng Bạch Tự Tại sử dụng thì có hiệu quả phi phàm, khác hẳn mọi người. Do đó, không lâu sau nhờ võ công đột xuất, Bạch Tự Tại trở thành vị chưởng môn trẻ tuổi của phái Tuyết Sơn. Đây là cách viết nói chung trong tiểu thuyết võ hiệp, thứ trái cây thần kỳ kia đương nhiên chỉ có thể xuất hiện trong truyện truyền kỳ. Thực ra, chúng ta có thể lý giải, rằng đấy là nhờ Bạch Tự Tại có năng lực thiên phú về luyện võ nên có thể phát huy trình độ võ công tới mức đặc biệt. Năng lực thiên phú cộng với vận may giúp Bạch Tự Tại luyện võ giỏi hơn mọi người, nhưng đó cũng chính là lý do khiến lão tự tin quá mức. Một lý do nữa, là từ ngày bước chân vào giang hồ, lão hiếm khi gặp đối thủ, tự nhiên càng thêm đắc ý tự tin, tưởng rằng mình là vô địch trong thiên hạ. Cứ thế lâu dần, dẫn tới tự ngã bành trướng. Đương nhiên, tự cao tự đại, dần dần sẽ đi đến phát điên phát cuồng. Nguyên nhân thứ hai là thiếu hụt tình cảm. Sự thiếu hụt tình cảm của Bạch Tự Tại lại liên quan tới thói tự cao tự đại của y. Hồi trẻ, Bạch Tự Tại và Đinh Bất Tứ cùng thích mỹ nhân Sử Tiểu Thuý nổi tiếng chốn giang hồ, cuối cùng Bạch Tự Tại đắc thắng, lấy được Sử Tiểu Thuý như mong muốn. Có điều không phải do nàng Sử Tiểu Thuý quá yêu gì Bạch Tự Tại, mà là do cha mẹ nàng ham gả con cho vị chưởng môn trẻ tuổi của phái Tuyết Sơn để cầu lợi. Thực tế khi hứa hôn, Sử Tiểu Thuý không mặn mà gì .Giá như sau khi thành hôn, Bạch Tự Tại quan tâm ái hộ Sử TiểuThấy, thì thái độ khó chịu không đáng kể kia sẽ nhanh chóng tiêu tan. Nhưng Bạch Tự Tại lại đắc ý, chỉ nghĩ đến thành tựu võ công và tiền trình tương lai ngon lành của mình, thậm chí coi cả việc lấy được mỹ nhân cũng là cái vốn để y kiêu ngạo, căn bản không coi trọng Sứ Tiểu Thuý. Đôi khi chỉ dẫn võ công cho vợ Bạch Tự Tại đắc ý, nói năng xúc phạm đến lòng tự tôn của Sử Tiểu Thuý, mà nàng thì lại là người hết sức tự tôn, vô cùng mẫn cảm, chẳng những không chấp nhận thói kiêu căng tự đại của chồng, mà lắm lúc còn cố ý nhắc đến các ưu điểm của Đinh Bất Tứ, khiến cho Bạch Tự Tại mất cả an nhiên tự tại. Mấy chục năm sau khi cưới, Bạch Tự Tại vẫn không thật sự giành được trái tim của vợ, thành thử lão bị một sự thiếu hụt tình cảm nghiêm trọng. Vốn kiêu căng tự đại, Bạch Tự Tại quyết không thừa nhận sự thiếu hụt tình cảm đó có ảnh hưởng thế nào tới lão, nhưng những người ở gần thì hiển nhiên biết đó là đòn đánh mạnh vào lòng tự tin, tự ái của lão. Sự thiếu hụt tình cảm gây nỗi đau trong lòng, tích tụ mãi thành bệnh tâm thần. Sử Tiểu Thuý sau khi lấy chồng, không rời thành Lăng Tiêu của phái Tuyết Sơn một bước, chuyện đó không sao, vừa rồi việc Thạch Trung Ngọc cưỡng gian Bạch A Tú dẫn tới lục đục trong quan hệ giữa hai vợ chồng Bạch Tự Tại, lão lại tát tai Sử Tiểu Thuý khiến bà bỏ nhà đi, sự thiếu hụt tình cảm trở thành công khai, thế nên Bạch Tự Tại phát bệnh. Lại nói đến tâm lý kinh sợ. Có người sẽ hỏi, một kẻ tự ngã bành trướng như Bạch Tự Tại, sao lại có tâm lý kinh sợ? Vậy mà có đấy. Thực ra, loại người bành trướng này càng hay có tâm lý kinh sợ nghiêm trọng hơn thường nhân. Nguyên nhân rất đơn giản, quả bóng cao su sau khi bơm vào, nở to ra (bành trướng), sẽ mỏng đi; càng nở to, càng yếu, đến mức dễ nổ tung. Thực tế đáng sợ nhất đối với Bạch Tự Tại, là vợ lão, nàng Sử Tiểu Thuý ra đảo Tử Yên với Đinh Bất Tứ, điều đó không chỉ có nghĩa công khai hoá sự thiếu hụt tình cảm, mà còn làm cho Bạch Tự Tại mất hết thể diện, để mọi người chê cười. Thử hỏi một kẻ kiêu căng tự đại như Bạch Tự Tại, làm sao chịu nổi cái đòn nặng nề đó? Ngoài ra, Bạch Tự Tại tuy đánh hộc máu Đinh Bất Tứ, tỏ ra võ công cao hơn Đinh Bất Tứ một bậc, song Đinh Bất Tam từ đầu chí cuối chỉ đứng bên cạnh, chưa động thủ; mà ai cũng biết Đinh Bất Tam võ công cao hơn em mình. Nếu cả hai anh em Đinh Bất Tứ liên thủ đấu với Bạch Tự Tại thì sao? Bạch Tự Tại nghĩ đến đó đã toát mồ hôi lạnh. Cuối cùng, tuy trong sách không nói rõ, nhưng tình hình lúc ấy là hầu như mọi người chốn giang hồ đều đang thấp thỏm lo sợ “kiếp nạn” mười năm một lần liên quan đến đảo Hiệp Khách. Bạch Tự Tại là chưởng môn phái Tuyết Sơn, tuy huyênh hoang mình là vô địch trong thiên hạ, nhưng nghe đồn sứ giả đảo Hiệp Khách giết người như ngoé, bao nhiêu cao thủ một đi không trở về, thì Bạch Tự Tại cũng kinh sợ. Sau sự việc Thạch Trung Ngọc cưỡng gian Bạch A Tú, uy tín của phái Tuyết Sơn và của người chưởng môn Bạch Tự Tại trên giang hồ sa sút hẳn. Cái danh “Uy Đức tiên sinh” lừng lẫy bao năm, nay làm sao tiếp nhận nổi cái hiện thực vô uy vô đức kia chứ? Thế là tâm lý kinh sợ biến thành một sức mạnh phi lý tính, phá tan sự đề phòng lý tính cuối cùng của Bạch Tự Tại. Nói cách khác, Bạch Tự Tại kiêu căng tự đại phải vất bỏ chút thần chí tỉnh táo cuối cùng, để trốn vào bức thành vọng tưởng, hoang đường. Thế là cái chuyện thần thoại, hoang đường “Chưởng môn nhân phái Tuyết Sơn, Uy Đức tiên sinh Bạch Tự Tại là đại anh hùng, đại hào kiệt, đại hiệp sĩ, đại tông sư đệ nhất kiếm pháp, đệ nhất quyền cước, đệ nhất nội công, đệ nhất ám khí xưa nay” ra đời. Ai trong đám đệ tử không tung hô, Bạch Tự Tại đều chém giết bừa bãi, tức là lão đã điên thật.


II

Điều lý thú là sách này không chỉ thuật lại quá trình Bạch Tự Tại phát điên, mà còn triển hiện quá trình lành bệnh kiêu căng tự đại của Bạch Tự Tại, tạo nên một bệnh sử hoàn chỉnh và hoàn mỹ. Phương pháp trị liệu cụ thể, đương nhiên là đối với tâm bệnh phải dùng tâm dược, gọi là bệnh nào thuốc ấy, lấy độc trị độc, kỳ thực vô cùng giản đơn, tức là làm xẹp dần quả bóng bơm căng Bạch Tự Tại. Bước thứ nhất trị liệu cho Bạch Tự Tại là Sử Tiểu Thuý và Bạch A Tú an toàn trở về , Bạch A Tú làm chứng cho việc Sử Tiểu Thuý thà chết không đi theo Đinh Bất Tứ ra đảo Tử Yên, việc này trước hết loại trừ nguyên nhân trực tiếp khiến cho Bạch Tự Tại phát điên - mất thân nhân, mất thể diện và tâm lý kinh sợ; đồng thời bù đắp và che giấu bớt sự thiếu hụt tình cảm cho Bạch Tự Tại; chí ít thì người vợ cũng còn có tình với lão. Niềm an ủi này có thể trị “biểu”, giúp Bạch Tự Tại phần nào phục hồi thần chí, giao tiếp bình thường với mọi người. Bước thứ hai, sau khi trị “biểu”, thì tiến hành trị “lý”. Sử Tiểu Thuý chữa bệnh kiêu căng tự đại cho Bạch Tự Tại bằng cách thông báo cho lão biết, chàng thiếu niên Thạch Phá Thiên sử dụng võ công phái Kim Ô do bà tạo nên đã đánh bại cao thủ võ công phái Tuyết Sơn, việc này được con trai của hai ông bà là Bạch Vạn Kiếm, cao thủ số một của phái Tuyết Sơn hiện giờ, làm chứng. Tin này rõ ràng làm cho Bạch Tự Tại chấn động mạnh. Tiếp đó, lại để cho Thạch Phá Thiên có nội công đặc biệt tỷ đấu nội lực với Bạch Tự Tại. Bạch Tự Tại bị nội lực của Thạch Phá Thiên làm cho tức thở ngất đi, khi tỉnh lại, thần chí được phục hồi mấy phần. Điều này đủ để Bạch Tự Tại nghĩ đến sai lầm và trách nhiệm của mình, cuối cùng tiếp nhận thiếp mời của đảo Hiệp Khách, tự nguyện hiến thân để đệ tử của phái Tuyết Sơn thoát khỏi bị sát hại. Bước thứ ba, sau khi trị “lý”, thì phải trị căn. Không ai ngờ, kể cả bản thân Bạch Tự Tại, chuyến đi ra đảo Hiệp Khách mới nghe đã sởn tóc gáy, lại là cơ hội tốt để lão chữa bệnh tận gốc. Nói ra rất đơn giản, Bạch Tự Tại nhìn thấy tuyệt kỹ của hai vị Long, Mộc đảo chủ đảo Hiệp Khách và đệ tử của họ, thấy các vị anh hùng hiệp sĩ tài ba trong giang hồ, thì quả bóng bơm căng Bạch Tự Tại cứ xẹp dần. Bạch Tự Tại tự vứt bỏ cái mũ lão đội lên đầu mình “Chưởng môn nhân phái Tuyết Sơn, Uy Đức tiên sinh Bạch Tự Tại là đại anh hùng, đại hào kiệt, đại hiệp sĩ, đại tông sư đệ nhất kiếm pháp, đệ nhất quyền cước, đệ nhất nội công, đệ nhất ám khí xưa nay!” Quả bóng bơm căng Bạch Tự Tại xẹp dần, cái mũ huyênh hoang ném đi, sau khi căn bệnh được chữa trị tận gốc, chúng ta thấy ông lão Bạch Tự Tại thực ra cũng còn có điểm đáng yêu đáng kính.

III

Thấy Bạch Tự Tại trở lại bình thường, đương nhiên ta cảm thấy đáng mừng, nhưng liên tưởng một chút, lại thấy có rất nhiều cái đáng lo. Tiểu thuyết Hiệp khách hành không chỉ là chuyện truyền kỳ võ hiệp, mà còn là chuyện ngụ ngôn về thế giới nhân sinh. Chứng bệnh như của Bạch Tự Tại, chúng ta thấy nhan nhản trong lịch sử và cuộc sống hàng ngày của chúng ta. “Nước đom đóm” trong chuyện ngụ ngôn tuy không còn, nhưng ai dám bảo đảm rằng gien bệnh kiêu ngạo “đom đóm” đã theo đó mà bị diệt vong? Bên trên tôi đã phân tích mấy nguyên nhân chủ yếu làm cho Bạch Tự Tại kiêu ngạo hoá điên; song còn vài nguyên nhân thứ yếu cũng cần được nói tới. Tôi muốn nói tới yếu tố hoàn cảnh. Trước tiên là hoàn cảnh địa lý tự nhiên. Phái Tuyết Sơn đóng ở trong thành Lăng Tiêu trên một vùng cao tách biệt. Hoàn cảnh địa lý tự nhiên ấy có ảnh hưởng vi diệu đến tâm lý con người. Nói nôm na là thế này : ở một vùng cao, ở chỗ cao, nó dễ làm cho người ta tưởng mình là trung tâm của thế giới, tất nhiên sẽ cho là mình đúng, kiêu ngạo hoá điên. Chuyện đom đóm kiêu ngạo ra đời trong hoàn cảnh đó. Không phải một mình Bạch Tự Tại kiêu ngạo hoá điên, mà các đệ tử phái Tuyết Sơn trước khi xuống núi cũng đều tưởng mình là tài giỏi trên đời, không biết trời cao bao nhiêu, đất dày ngần nào. Tầm mắt hạn chế và tâm lý kiêu ngạo làm cho vi khuẩn bệnh tâm thần phát triển. Mà tầm mắt hạn chế suy cho cùng cũng là một thứ hạn chế về tri thức. Đệ tử phái Tuyết Sơn hiển nhiên không biết điển tích rừng không có hổ thì khỉ làm vua (Thằng chột làm vua xứ mù). Bản thân Bạch Tự Tại chẳng phải thế đó sao? Trước hết, lão không biết công lực siêu nhân của mình từ đâu ra, quên biến đi, hoặc cố ý quên rằng mình đứng trên vai tiền nhân, cứ tưởng võ công của mình là do trời phú. Thứ nữa, phái Tuyết Sơn bế quan toả quốc, không biết thế giới rộng lớn, nhân tài rất đông, ảo tưởng mình vô địch thiên hạ, trong khi thực ra Bạch Tự Tại còn chưa được người ta xếp vào hàng cao thủ đáng mời tới đảo Hiệp Khách, thế mà lại tự cho mình là “đệ nhất xưa nay”, chẳng tức cười và đáng buồn lắm ru? Thứ nữa, Bạch Tự Tại kiêu ngạo phát điên còn do môi trường nhân văn ở chỗ lão ta. Phái Tuyết Sơn bế quan toả quốc, ít giao tiếp với thế giới bên ngoài, Bạch Tự Tại làm chưởng môn phái, vị cao quyền trọng, như ông vua cả vùng, mỗi lời nói ra là một chỉ thị, không ai được nghi ngờ, tranh luận, cái đó đẻ ra tệ sùng bái cá nhân và mê tín cá nhân. Mấy sư đệ bên cạnh Bạch Tự Tại tuy ngang vai, nhưng võ công kém hơn, địa vị thấp hơn, căn bản không dám tranh cãi với sư huynh. Phái Tuyết Sơn không hề có cơ chế dân chủ, do đó cũng không có chút gì không khí dân chủ. Trong cái thế giới bị khép kín ấy, mọi người chỉ còn biết vâng theo Bạch Tự Tại, vái lão sát đất, vô hình trung tôn lão lên vị trí tối cao. Quả bóng Bạch Tự Tại do chính các đệ tử Phái Tuyết Sơn bơm căng lên, ban đầu là do họ tự nguyện, về sau là họ bị buộc phải làm như vậy. Kết quả là Bạch Tự Tại vốn chỉ là cao thủ một môn phái, hoá thành vô địch đương thời, từ vô địch đương thời hoá thành vô địch mọi thời, là “đệ nhất xưa nay”.. Quả bóng bơm căng Bạch Tự Tại cứ bơm mãi, khiến lão phát điên, thành hung thủ giết người, sát hại bao nhiêu người rồi mới tỉnh ngộ dần. Vấn đề là bài học lịch sử đẫm máu ấy, sự thôi miên tập thể ấy sau đó có bao nhiêu người trăn trở nghĩ đến hay không?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

26.
SỬ TIỂU THUÝ
Không thua đấng mày râu


Trong tiểu thuyết của Kim Dung có nhiều nữ anh hùng không thua kém các đấng mày râu. Sử Tiểu Thuý trong tiểu thuyết Hiệp khách hành là một ví dụ điển hình. Tự cổ hồng nhan đã bạc mệnh rồi, nếu hồng nhan lại còn thêm khoản tâm cao khí ngạo, thì càng khổ sở lắm lắm. Rất nhiều người, kể cả gia nhân, đều không biết phu nhân của chưởng môn phái Tuyết Sơn Bạch Tự Tại là Sử Tiểu Thuý xưa kia từng có thời là nhân vật phong vân lừng lẫy chốn giang hồ, bấy giờ bao nhiêu là thanh niên anh tuấn xúm quanh, tranh thủ tình cảm của nàng.

Vì cuối cùng nàng lấy Bạch Tự Tại, sinh đứa con trai Bạch Vạn Kiếm, nên mấy chục năm liền không ra khỏi thành Lăng Tiêu, biệt tích giang hồ, mới không nghe ai nhắc đến. Nếu Thạch Trung Ngọc không làm bậy, khiến cháu gái bà là Bạch A Tú nhảy xuống vực, con dâu bà phát điên, rồi Bạch Tự Tại không trách mắng bà một cách vô lý, thậm chí còn tát tai bà, thì bà đã chẳng bỏ nhà mà đi, trở lại giang hồ, hẳn sẽ chẳng ai biết Sử Tiểu Thuý là ai cả.

I

Chuyện cuộc đời Sử Tiểu Thuý tựa hồ rất bình thường, hồi trẻ, có bao nhiêu chàng trai nhòm ngó, nổi bật hai chàng Bạch Tự Tại và Đinh Bất Tứ, cha mẹ Sử Tiểu Thuý đã quyết định gả nàng cho Bạch Tự Tại, chưởng môn phái Tuyết Sơn, võ công cao cường, địa vị hiển vinh, tiền trình sáng sủa. Nhưng Bạch Tự Tại tính cách thô bạo, kiêu căng tự đại, thiếu sự thương hoa tiếc ngọc, càng thiếu ý thức tôn trọng nhân cách và sự bình đẳng vợ chồng. Bạch Tự Tại là điển hình chủ nghĩa nam tử và chủ nghĩa cá nhân trung tâm, cuối cùng lão tự đại phát cuồng. Do đó quan hệ vợ chồng giữa Sử Tiểu Thuý và Bạch Tự Tại không thể nói đến sự thuận hoà hạnh phúc.

Điều này dễ khiến ta liên tưởng đến lối cha mẹ dựng vợ gả chồng ngày xưa. Sử Tiểu Thuý cả đời không hạnh phúc là do cha mẹ nàng ép gã cho Bạch Tự Tại. Thực ra, chuyện tình yêu và cuộc đời của Sử Tiểu Thuý rắc rối hơn ta tưởng rất nhiều. Không chỉ bao hàm bi kịch tập tục văn hoá truyền thống, mà còn bao hàm xung đột của đời sống tình cảm thời nay. Sử Tiểu Thuý quyết không chịu thua kém đấng mày râu. Ví dụ thứ nhất, thời gian đầu sau khi kết hôn, Sử Tiểu Thuý luôn đối đầu với chồng, Bạch Tự Tại nổi nóng, nàng cũng nổi nóng, Sử Tiểu Thuý không chấp nhận quyền uy tuyệt đối của Bạch Tự Tại, càng không thần phục thái độ kiêu căng tự đại của Bạch Tự Tại. Tuy nói chung Sử Tiểu Thuý ở thế yếu, nhưng nàng không những không cam chịu, mà còn cố ý tìm cách chống đối và trả miếng chồng, chẳng hạn cố ý ca ngợi các ưu điểm của Đinh Bất Tứ, bày tỏ cảm tình của mình với chàng trai cũ.

Điều đó làm cho Bạch Tự Tại mất cả an nhiên tự tại song lại không tìm được lý do để phát tiết, đành nuốt giận vào lòng, tích mãi thành vết thương trầm trọng. Ở phần nói về Bạch Tự Tại, ta đã thấy sự thiếu hụt tình cảm ấy đã trở thành một trong ba nguyên nhân chủ yếu khiến Bạch Tự Tại phát điên. Cần nói rõ, Đinh Bất Tứ là người trước đây theo đuổi Sử Tiểu Thuý, xét về võ công, nhân phẩm, địa vị, đều thua kém Bạch Tự Tại. Do đó, có thể dễ nghĩ rằng, nếu để Sử Tiểu Thuý được chủ động lựa chọn một trong hai người, thì nàng sẽ chọn Bạch Tự Tại, chứ không lấy Đinh Bất Tứ. Nhưng vì cha mẹ Sử Tiểu Thuý chọn thay cho nàng, Bạch Tự Tại lại không tôn trọng nàng thích đáng, thành thử Sử Tiểu Thuý sau đó cứ hối hận, rằng giá như nàng lấy Đinh Bất Tứ thì sẽ sung sướng hơn!

Cái tâm lý nghĩ trái đi ấy dần dần phát triển thành thứ tâm lý gọi là “xem cảnh bờ sông bên kia”, theo đó thì “cảnh bờ sông bên kia bao giờ cũng đẹp hơn cảnh trước mắt”. (Xem Hiệp khách hành). Cái thứ không lấy được, trong trí tưởng tượng bao giờ cũng quí hơn : Đinh Bất Tứ trong trí tưởng tượng hơn hẳn Bạch Tự Tại ở trước mắt. Cuối cùng, đừng nói là trong trí tưởng tượng khó thấy rõ, mà dù có biết rõ, rằng tình cảm của mình đối với Đinh Bất Tứ không thể bằng đối với Bạch Tự Tại, song chỉ cần có thể chọc tức “oan gia” Bạch Tự Tại, thì Sử Tiểu Thuý cho là được. Cứ lấy việc luôn nhắc đến Đinh Bất Tứ làm thứ vũ khí đánh vào lòng tự ái, tự trọng của Bạch Tự Tại, kết quả là cả nàng và Bạch Tự Tại đều bị “sát thương”.

Ví dụ thứ hai chứng tỏ Sử Tiểu Thuý quyết không chịu thua kém đấng mày râu. Võ công của Sử Tiểu Thuý không bằng Bạch Tự Tại, nhưng nàng không chịu, cứ ngấm ngầm tìm kiếm môn võ công nào có thể khắc chế võ công của Bạch Tự Tại. Do đó, sau khi rời bỏ phái Tuyết Sơn, Sử Tiểu Thuý khai sáng võ công phái Kim Ô, tự lập môn phái, nhận Thạch Phá Thiên làm đệ tử, đặt tên cho đại đệ tử này là Sử Ức Đao. Khỏi cần nói, hành động này của Sử Tiểu Thuý là nhằm đối lập với Bạch Tự Tại, để cho lão thấy việc gì lão làm được, thì Sử Tiểu Thuý này cũng làm được, mà còn làm tốt hơn! Phái Kim Ô của bà rõ ràng đối chọi với phái Tuyết Sơn - Kim Ô là vầng dương, mặt trời, mặt trời mọc lên, thì núi tuyết (Tuyết Sơn) tan chảy! Ba chữ “Sử Ức Đao” cũng đối chọi với “Bạch Vạn Kiếm” - là tên gã đệ từ võ công cao nhất của phái Tuyết Sơn, cũng là con trai của bà với Bạch TựTại. Lão là vạn kiếm, thì ta là ức đao, mạnh hơn lão gấp vạn lần ! (một ức là trăm triệu). Quan trọng hơn, chiêu thức của phái Kim Ô cũng hoàn toàn đối chọi với chiêu thức của phái Tuyết Sơn : chiêu thứ nhất của võ công phái Tuyết Sơn là “Thương tùng nghênh khách”, thì chiêu thứ nhất của võ công phái Kim Ô là” Khai môn ấp đạo”, chiêu thứ hai của ngươi là “Mai tuyết tranh xuân”, thì chiêu thứ hai của ta là “Mai tuyết phùng hạ”... v.v... chiêu nào chiêu nấy đối chọi nhau chan chát.

Sau đó đệ tử Sử Ức Đao (Thạch Phá Thiên) của bà sử dụng Kim Ô đao pháp đánh bại hoàn toàn Bạch Vạn Kiếm, làm cho lòng tự ái bị đè nén mấy chục năm được triệt tiêu hết mức. Sự việc kể trên chứng minh võ công và tính sáng tạo thiên phú, cũng như cá tính hiếu thắng của Sử Tiểu Thuý là chẳng thua kém giới mày râu. Các chiêu thức của Kim Ô đao pháp khắc chế chiêu thức của phái Tuyết Sơn không chỉ là trò chơi võ công và chữ nghĩa, mà còn miêu tả sinh động hàng loạt mâu thuẫn tâm lý và xung đột tính cách trong quan hệ hôn nhân nam nữ.

Như vậy, ta cần đặc biệt thận trọng khi đánh giá tình cảm và hôn nhân của hai vợ chồng Bạch Tự Tại -Sử Tiểu Thuý. Một bên là tính cách kiêu căng tự đại của Bạch Tự Tại đè nén nghiêm trọng nhân cách, lòng tự trọng và tài trí của Sử Tiểu Thuý, làm cho Sử Tiểu Thuý quyết tâm sáng lập môn hộ, chứng minh mình đủ khả năng đánh bại đối phương. Một bên là Sử Tiểu Thuý trước sau sử dụng phương pháp đối chọi, “trả thù”, tranh giành “hơn thua” với “oan gia”. Bên nam thì trọng nam khinh nữ, bên nữ thì quyết đòi nữ quyền. Cặp vợ chồng nhà này tượng trưng cho “cuộc chiến giới tính” vậy.

CUỐI.
Như vậy, chuyện tình yêu và cuộc đời của Sử Tiểu Thuý vượt ra khỏi chủ đề phê phán kiểu hôn nhân do cha mẹ sắp đặt. Bi kịch tình yêu và cuộc đời của Sử Tiểu Thuý chủ yếu không phải do cha mẹ nàng ép buộc hôn nhân, mà là do mâu thuẫn tính cách, xung đột tâm lý và đối lập giới tính giữa hai vợ chồng họ. Như trên đã nói, nếu để Sử Tiểu Thuý được chủ động lựa chọn một trong hai người, thì nàng sẽ chọn Bạch Tự Tại, chứ không lấy Đinh Bất Tứ. Trong sách có đưa ra một minh chứng hùng hồn, ấy là khi tức giận rời bỏ phái Tuyết Sơn, bất ngờ gặp lại Đinh Bất Tứ chốn giang hồ, Đinh Bất Tứ nhớ mối tình cũ, hết sức ân cần mời mọc, Sử Tiểu Thuý cương quyết từ chối. Đinh Bất Tứ cuối cùng tức quá, cứ bám riết gây sự, làm cho Sử Tiểu Thuý và A Tú bị tẩu hoả nhập ma, song Sử Tiểu Thuý vẫn thà chết không khuất phục.

Trước kia, do nhiều nguyên nhân, như cách sông ngắm cảnh, tâm lý chống đối, nói năng thiếu suy nghĩ, Sử Tiểu Thuý từng tạo ra chuyện thần thoại “yêu Đinh Bất Tứ”, nay thì không có chuyện đó. Cũng có nghĩa là, người mà Sử Tiểu Thuý yêu thương sâu sắc quyết không phải là Đinh Bất Tứ cứ lằng nhằng bám theo kia, mà thật ra là gã Bạch Tự Tại kiêu căng tự đại. Bằng chứng về tình yêu sâu sắc của Bạch Tự Tại đối với Sử Tiểu Thuý là lão phát điên khi nghe tin vợ mình bỏ nhà đi và “phản bội” lão. Bằng chứng về tình yêu sâu sắc của Sử Tiểu Thuý đối với Bạch Tự Tại là Sử Tiểu Thuý, thứ nhất, cự tuyệt Đinh Bất Tứ, thứ hai, sáng tạo ra Kim Ô đao pháp, không chỉ có thể khắc chế kiếm pháp phái Tuyết Sơn, mà thực ra còn có ý đồ sâu xa hơn, là phối hợp với kiếm pháp phái Tuyết Sơn, kề vai tác chiến.

Chứng cứ là Sử Tiểu Thuý từng nói với Thạch Phá Thiên, khi bà sử Kim Ô đao pháp, còn cháu bà là A Tú sử “Ngọc thố kiếm pháp”, thì giống như “nhật nguyệt luân chuyển, đừng nói lão yêu quái Đinh Bất Tứ bàng môn tả đạo, mà ngay cả sứ giả “thưởng thiện trừng ác” gây hoạ cho võ lâm, cũng chạy trốn không kịp”. (Xem Hiệp khách hành). Cái gọi là “Ngọc thố kiếm pháp” đương nhiên là tên gọi khác của kiếm pháp phái Tuyết Sơn. Ý tưởng này giống như nhân vật Lâm Triêu Anh trong bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, sáng tạo “Ngọc nữ kiếm pháp” là môn võ công vừa có thể khắc chế kiếm pháp phái Toàn Chân, cũng có thể kề vai với kiếm pháp phái Toàn Chân mà đánh kẻ thù chung. Về sau Thạch Phá Thiên sử dụng Kim Ô đao pháp liên thủ với kiếm pháp phái Tuyết Sơn của Bạch Vạn Kiếm mà đấu với hai anh em Đinh Bất Tam, Đinh Bất Tứ, vô cùng uy lực làm cho anh em Đinh Bất Tứ chạy bán sống bán chết, chứng tỏ những gì Sử Tiểu Thuý nghĩ và nói đều là thật.

Chẳng qua bạn đọc nào không để ý thường không nhận biết tâm ý bí mật đó của Sử Tiểu Thuý. Đương nhiên, chúng ta cũng nên lưu ý, rằng thứ đao pháp do Sử Tiểu Thuý sáng tạo ra được gọi là “Kim Ô (mặt trời), còn kiếm pháp của phái Tuyết Sơn thì Sử Tiểu Thuý gọi là “Ngọc thố” (mặt trăng), còn hàm ý Sử Tiểu Thuý thắng Bạch Tự Tại. Cái ý này giống như nhân vật Lý Mạc Sầu trong bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, ví mình là bông hoa hồng, còn Lục Triển Nguyên chỉ là cái lá làm nền thôi vậy. Bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy Sử Tiểu Thuý yêu thương Bạch Tự Tại là Sử Tiểu Thuý và A Tú cuối cùng trở về thành Lăng Tiêu phái Tuyết Sơn với Bạch Tự Tại, dùng chân tình của mình giúp Bạch Tự Tại phục hồi lý trí. Đoạn tả Sử Tiểu Thuý cứu giúp Bạch Tự Tại cho thấy, tuy ngoài mặt Sử Tiểu Thuý vẫn giữ thái độ cau có như cũ, tuy luôn miệng gọi Bạch Tự Tại là “lão chết tiệt”, nhưng mọi hành vi đều toát ra tình yêu thương sâu sắc đối với chồng.

Lúc đó, Sử Tiểu Thuý nghĩ : “Hai ta đã là vợ chồng suốt một đời, lẽ nào về già lại chia lìa? Tướng công muốn giam mình trong thạch lao để tự trừng phạt về lỗi lầm đã qua, thì ta sẽ cùng ở thạch lao với tướng công đến chết...” (Xem Hiệp khách hành). Khi Bạch Tự Tại đi ra đảo Hiệp Khách, Sử Tiểu Thuý có hẹn với chồng, nếu ông gặp nạn không trở về, bà sẽ nhảy xuống biển tự tận cùng ông! Nếu Sử Tiểu Thuý không yêu Bạch Tự Tại, mà chỉ có căm ghét, thì làm sao với năng lực và cá tính như thế, Sử Tiểu Thuý lại có thể duy trì hôn nhân đến tận lúc bạc đầu? Tại sao Sử Tiểu Thuý không sớm bỏ xuống núi, trở lại giang hồ, đi tìm người yêu của mình, nếu quả thật có người yêu?

Về chuyện này, có người sẽ nói, Sử Tiểu Thuý sống bên bạo quân mấy chục năm, khổ hết chịu nổi, mới quyết tâm bỏ nhà mà đi, nhưng khi được tự do thì tóc đã bạc, nhân sự trong giang hồ đã hoàn toàn thay đổi. Vì chẳng còn chỗ nào khác để đi, nên đành trở về với phái Tuyết Sơn vậy. Nhưng cũng có thể lý giải rằng chỉ sau khi rời bỏ Bạch Tự Tại, Sử Tiểu Thuý mới thấy hết tình yêu của mình với chồng, chỉ khi gặp lại Đinh Bất Tứ, mới phát hiện giả tưởng “cách sông ngắm cảnh” trước đây của mình là hoang đường; chỉ sau một phen tự phản tỉnh, mới hiểu ra sự thật cuộc đời và tình yêu của mình. Có phải vậy chăng? Thật khó kết luận. Có điều thấy rõ là Sử Tiểu Thuý má đào ngày nào nay đã bạc trắng mái đầu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

27.
ĐINH BẤT TỨ
Du hồn vô chủ


Đã nói đến Đinh Bất Tứ, không thể không nhắc tới Đinh Bất Tam. Anh em nhà này tuy anh không ra anh, em chẳng ra em, mỗi người tự cho mình là đúng, giễu cợt nhau, coi nhau như kẻ thù; nhưng thực ra người em Đinh Bất Tứ thường thường bắt chước người anh Đinh Bất Tam. Ví dụ rõ nhất, người anh Đinh Bất Tam tự đề cho mình một giới luật là “một ngày không giết quá ba người”, thì Đinh Bất Tứ cũng lập tức nói là mình sẽ “một ngày không giết quá bốn người”.

Rõ ràng bắt chước người anh, nhưng luôn luôn muốn tỏ ra hơn anh, tức là anh giết ba người, thì em phải giết bốn người, nên mới gọi là Đinh Bất Tứ. Tác giả phân biệt tên hai anh em là Bất Tứ, Bất Tam, rõ ràng có ý trào phúng, cũng thể hiện phương pháp cơ bản và cách đánh giá cơ bản đối với hai nhân vật này. Nói chung hai nhân vật này chỉ làm trò cười cho giới giang hồ, nhưng vì võ công tổ truyền của họ hết sức gớm ghiếc, họ thường tự cho là mình phi phàm, kiệt xuất trong võ lâm, khiến người ta khóc dở mếu dở. Cái trò ỷ mạnh hiếp yếu, giết người như ngoé, là mối hoạ trong võ lâm của họ không thể không làm cho người ta tức giận. Đương nhiên, câu chuyện tức cười và đáng giận của họ còn có nhiều điều khiến người ta phải suy nghĩ.

I

Tôi sở dĩ bàn về Đinh Bất Tứ mà không bàn về Đinh Bất Tam, trước hết vì Đinh Bất Tứ xuất hiện nhiều lần hơn Đinh Bất Tam, chuyện về y hiển nhiên phong phú hơn. Quan trọng hơn, là tính cách của Đinh Bất Tứ so với Đinh Bất Tam có điều nổi bật hơn, đáng nói hơn. Ví dụ tiêu biểu: Đinh Bất Tam phát hiện Thạch Phá Thiên là một gã khờ có nội công thâm hậu, liền bảo Thạch phá Thiên không xứng đáng làm cháu rể của lão ta, để Thạch Phá Thiên sống chỉ tổ làm mất mặt lão ta, nên nhất định phải giết chàng đi. Còn Đinh Bất Tứ gặp Thạch Phá Thiên thì nói: “Ngươi cho rằng ta sẽ giết ngươi, song ta không giết ngươi đâu”. Đinh Bất Tứ không giết Thạch Phá Thiên chẳng phải vì y có lòng hiệp nghĩa hay vì qui tắc võ lâm nào cả, mà chỉ vì y cố tỏ ra khác với Đinh Bất Tam, người mà Đinh Bất Tam nhất định muốn giết, thì Đinh Bất Tứ sẽ không giết; hai là cố thể hiện tâm ý của y khiến cho thiên hạ không thể đoán biết.

Mà thiên hạ không thể đoán biết, là vì ngươi nghĩ thế này, Đinh Bất Tứ ta nghĩ thế khác, nghĩa là Đinh Bất Tứ có giết người hay không, còn tuỳ vào hoàn cảnh, tuỳ vào tâm trạng của Đinh Bất Tứ mà định. Điều lý thú là Đinh Bất Tứ có duyên với độc giả thiếu nhi. Con gái rượu của tôi nói cháu thích nhất Lão Ngoan đồng, người thứ hai được cháu thích là Đinh Bất Tứ, sở dĩ thế, tôi đoán chắc là vì Đinh Bất Tứ biết chơi đùa, hay đùa giỡn, chứ không nghiêm trang như những người lớn khác. Đinh Bất Tứ vừa xuất hiện lần đầu trong sách đã khiến người ta thích thú.

Võ công của Đinh Bất Tứ rõ ràng cao hơn Sử Tiểu Thuý, Sử Tiểu Thuý lại đang bị tẩu hoả nhập ma, vậy mà Đinh Bất Tứ hoàn toàn không gây khó dễ, lại bỏ sở trường của y, chỉ dùng sở đoản, đấu võ miệng với Sử Tiểu Thuý, về phương diện này, Đinh Bất Tứ làm sao địch nổi Sử Tiểu Thuý kia chứ ? Do đó y nhanh chóng thua trận. Sau đó Đinh Bất Tứ tỷ võ với Thạch Phá Thiên, càng tức cười hơn: Sử Tiểu Thuý không chỉ buộc Đinh Bất Tứ phải dạy trước đánh sau, mà còn để cho Thạch Phá Thiên “dùng gậy ông đập lưng ông’, khiến Đinh Bất Tứ tay chân luống cuống. Nếu không nhanh trí đối phó, thì Đinh Bất Tứ đã phải ôm đầu bỏ chạy rồi.

Mặc dù vậy, vô Số biểu hiện của Đinh Bất Tứ cứ làm cho người ta cười đau cả bụng, chỉ là vì Đinh Bất Tứ tự cho mình là anh hùng cái thế, không muốn mất phong độ trước mặt Sử Tiểu Thuý, chứ gặp người khác, đời nào y chịu bị lừa như thế? Vì muốn giữ thể diện và phong độ anh hùng cái thế, Đinh Bất Tứ từng chịu không ít khốn khổ. Nào đấu võ với Thạch Phá Thiên chút nữa không có chỗ mà độn thổ, nào tỷ võ với cao thủ số một, nhưng rất trẻ tuổi, của phái Tuyết Sơn là Bạch Vạn Kiếm, con trai của Bạch Tự Tại, Đinh Bất Tứ cậy mình là trưởng bối, khăng khăng không chịu sử dụng binh khí, kết quả là y hết sức bị động, liên tiếp bị nhiều vết thương. Kỳ thực nếu Đinh Bất Tứ sử dụng binh khí quen thuộc của y là cây roi Cửu tiết tiên, thì y đã nhanh chóng đánh bại Bạch Vạn Kiếm. Chỉ vì y một hiếu thắng, hai muốn giữ thể diện, ba ham đấu, bốn ham giỡn, nên mới làm trò cười cho thiên hạ.

2.

Chuyện cuộc đời Đinh Bất Tứ dĩ nhiên không chỉ có hiếu thắng, ham đùa giỡn. Điều quan trọng nhất là quan hệ giữa Đinh Bất Tứ với hai người phụ nữ Sử Tiểu Thuý và Mai Văn Hinh. Trong quan hệ với Sử Tiểu Thuý, Đinh Bất Tứ tựa hồ là một kẻ đa tình, suốt đời nhớ mãi, nhớ khổ nhớ sở, từ lúc trẻ đến khi bạc đầu vẫn một lòng si mê Sử Tiểu Thuý. Trong quan hệ đối với Mai Văn Hinh, Đinh Bất Tứ lại giống như một tên đại bịp vô tình vô nghĩa, đùa giỡn với Mai Văn Hinh, sinh ra đứa con gái Mai Phương Cô, rồi bạc tình phụ nghĩa vứt bỏ hai mẹ con họ, không chỉ huỷ hoại cuộc đời của Mai Văn Hinh, mà thực ra còn huỷ hoại cuộc đời của Mai Phương Cô. Có điều đối với nhân vật Đinh Bất Tứ thì phê phán y về mặt đạo đức, không bằng hãy phân tích tâm lý của y. Nếu phân tích kỹ hành vi, tâm lý của Đinh Bất Tứ, chúng ta sẽ phát hiện tình cảm của y đối với Sử Tiểu Thuý hoàn toàn không phải nhất mực yêu thương theo nghĩa thông thường, mà quan hệ giữa y với Mai Văn Hinh cũng không đơn giản là sự lừa bịp.

Năm xưa quan hệ giao tình giữa Đinh Bất Tứ với Sử Tiểu Thuý ra sao, có chuyện gì, sách không viết rõ. Chỉ biết xung quanh Sử Tiểu Thuý có không ít chàng trai anh tuấn theo đuổi, trong đó Bạch Tự Tại và Đinh Bất Tứ nổi bật hơn cả. Cuối cùng, do sự can thiệp của cha mẹ Sứ Tiểu Thuý, Đinh Bất Tứ thất bại. Chúng ta giả định ngay từ đầu Đinh Bất Tứ đã si mê Sử Tiểu Thuý thật sự, đối với những người trẻ tuổi, mối tình đầu say đắm có thể mãi mãi không quên. Tuy vậy, cũng rất có thể, tương tự như Sử Tiểu Thuý, cái tâm lý cách sông ngắm cảnh, cái gì không đạt tới bao giờ cũng đẹp hơn, quí hơn, cứ được tưởng tượng thêm ra, là tâm lý phổ biến của con người. Đối với Đinh Bất Tứ, điều đó càng rõ. Đinh Bất Tứ từng tương thân tương ái với Mai Văn Hình, nhưng trong lòng vẫn không quên được Sử Tiểu Thuý. Khi không hài lòng về thực tế trước mắt, người ta thường mơ tưởng, càng mơ tưởng thì lại càng bất mãn với hiện thực.

Trong tam giác tình yêu kia, Đinh Bất Tứ là kẻ thất bại, nhưng cá tính của y là quyết không chịu nhận là mình thua, thế là để cho cái tơ lòng cứ vương vấn mãi. Cũng có thể Đinh Bất Tứ căn bản cũng không biết y yêu Sử Tiểu Thuý đến mức nào, có yêu thật hay không. Y đau khổ chẳng qua vì y thua Bạch Tự Tại, y mất thể diện, nghĩa là thực ra sự việc không liên quan đến Sử Tiểu Thuý, mà chỉ là sự tranh giành giữa Đỉnh Bất Tứ với Bạch Tự Tại. Đối với Đinh Bất Tứ mà nói, Sử Tiểu Thuý chỉ là chiến lợi phẩm của cuộc tranh giành kia mà thôi. Tôi nói thế là có căn cứ. Ấy là mấy chục năm về sau, khi Sử Tiểu Thuý tái xuất giang hồ, Đinh Bất Tứ lại bám riết Sứ Tiểu Thuý, nói là lửa tình bùng cháy thì không phải, y không tìm Sử Tiểu Thuý để nói chuyện yêu đương, mà chỉ tìm mọi cách lừa cho Sử Tiểu Thuý theo y ra đảo Tử Yên, lên núi Bích Luỵ, để chứng minhlà y chiến thắng.

Ban đầu y tưởng sẽ dễ dàng, không ngờ Sứ Tiểu Thuý quyết không đi theo y, y đành hẹn tỷ thí để quyết định. Cuối cùng, Sứ Tiểu Thuý bị tẩu hoả nhập ma, tỷ võ không thành, Đinh Bất Tứ bèn dùng vũ lực bắt Sử Tiểu Thuý đi theo. Trên thế gian này lại có phương pháp giành lấy tình yêu như thế sao? Sử Tiểu Thuý nhảy xuống sông được cứu thoát, thì Đinh Bất Tứ lại còn rủ anh mình là Đinh Bất Tam cùng đến thành Lăng Tiêu phái Tuyết Sơn để bắt cóc Sử Tiểu Thuý, quyết đưa Sử Tiểu Thuý về núi Bích Luỵ cho thoả chí bình sinh. Khi đó Sử Tiểu Thuý còn chưa về đến thành Lăng Tiêu, Đinh Bất Tứ lại bịa ra chuyện Sử Tiểu Thuý đã đi theo tiếng gọi tình yêu của y. Tuy y bị Bạch Tự Tại đánh cho hộc máu, song Bạch Tự Tại vì nghe lời bịa đặt của y mà đau khổ phát điên.

Như trên ta thấy Đinh Bất Tứ làm gì có tình yêu chân chính đối với Sử Tiểu Thuý? Hắn chỉ muốn hơn thua với Bạch Tự Tại, vì vậy sẵn sàng bịa đặt để đánh lừa đối phương. Giả sử Đinh Bất Tứ thật lòng yêu Sử Tiểu Thuý, y sẽ không cưỡng ép Sử Tiểu Thuý phải theo y ra đảo Tử Yên, cũng sẽ không đến thành Lăng Tiêu phái Tuyết Sơn, nơi Sử Tiểu Thuý sống yên ổn mấy chục năm, để gây chuyện như thế. Hành động kiểu đó chỉl à trò tranh cường hiếu thắng mà thôi. Lại nói về quan hệ giữa Đinh Bất Tứ với Mai Văn Hinh. Hai người quen biết nhau, ăn ở với nhau, tại sao chia lìa, trong sách không nói rõ. Chỉ ở phần kết có vài câu về chuyện này: “Đinh Bất Tứ khổ luyến Sử Tiểu Thuý, nửa chừng bỏ Mai Văn Hinh, sự việc cách đây đã mấy chục năm, giờ mới gặp lại”. (Xem Hiệp khách hành).

Như vậy việc Đinh Bất Tứ ruồng bỏ Mai Văn Hinh là chuyện hiển nhiên không chút nghi ngờ. Nếu không, Mai Văn Hinh đã chẳng mấy chục năm trời không thèm liên lạc gì với Đinh Bất Tứ, mà chuyên tâm sáng lập mấy pho võ công tuyệt học để đối phó với võ công của họ Đinh, báo thù rửa hận. Điều khiến Mai Văn Hinh không thể tha thứ, cố nhiên là đứa con gái Mai Phương Cô của vợ chồng họ hai mươi năm liền bặt vô âm tín, mà Đinh Bất Tứ cứ thản nhiên tiêu dao giang hồ, không lý gì đến hai mẹ con Mai Văn Hinh. Nhưng Mai Văn Hinh căm hận nhất là việc Đinh Bất Tứ thuỷ chung không quên Sử Tiểu Thuý. Như đã nói, Đinh Bất Tứ không quên Sử Tiểu Thuý, thực ra chỉ là cách sông ngắm cảnh, không sang được tới bờ bên kia, thì chán cảnh sinh hoạt bên này.

Cuối sách tả lúc Đinh, Mai hai người gặp lại, trước mặt quần hùng thiên hạ, ta thấy Mại Văn Hinh véo tai Đinh Bất Tứ, đủ biết mấy chục năm trước, Mai Văn Hinh cũng chả hiền lành gì. Cái đó không bào chữa cho tội Đinh Bất Tứ ruồng bỏ Mai Văn Hinh, mà chỉ chứng tỏ Đinh Bất Tứ là người không hiểu tình yêu và hôn nhân, càng không hiểu trách nhiệm và nghĩa vụ. Trong tình cảm, Đinh Bất Tứ thiếu lý trí nghiêm trọng, mà lý do căn bản là nhân cách của y chưa độc lập, chưa trưởng thành. Nói nôm na, Đinh Bất Tứ thực ra còn là một vị thành niên về mặt tâm lý.


CUỐI.

Hoàn toàn không phải hễ ai bạc đầu, thì người ấy đã trưởng thành về mặt tinh thần, tâm lý hoặc nhân cách. Lão Ngoan đồng trong bộ tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu là một ví dụ điển hình. Đinh Bất Tứ là một điển hình nữa. Như đã nói ở đầu mục, Đinh Bất chẳng qua chỉ là cái bóng của Đinh Bất Tam. Đinh Bất Tam đã chưa ra hồn, thì Đinh Bất Tứ càng tệ hơn. Cuộc sống của Đinh Bất Tứ chẳng qua là theo ham muốn bản năng xốc nổi mà đùa giỡn, chơi bời; nhưng luật chơi thường thường lại để người khác qui định hoặc chi phối. Trước mặt Sử Tiểu Thuý, tỷ võ với Thạch Phá Thiên, hoặc trước mặt Đinh Bất Tam tỷ võ với đệ tử phái Tuyết Sơn, Đinh Bất Tứ cứ như làm duyên cho người khác xem vậy.

Rõ ràng y thua kém người khác, không bằng người khác, song lại cứ tưởng là mình thắng, mình hơn. Càng như thế, chỉ càng chứng tỏ về mặt tâm lý y chưa chín muồi, về mặt nhân cách y chưa độc lập, trong cuộc chơi, y nhanh chóng quên mục đích, mà chỉ chú tâm vào bản thân quá trình chơi đùa, không khác gì trẻ con. Đinh Bất Tứ sở dĩ không bị người ta căm ghét mười phần như Đinh Bất Tam, cũng là do vậy. Thể hiện rõ nhất tính cách của Đinh Bất Tứ là chương thứ mười bốn “Bốn đại môn phái Quan Đông”. Đinh Bất Tứ ngẫu nhiên gặp và vô cớ sinh sự với chưởng môn bốn đại môn phái Quan Đông. Nói là vô cớ sinh sự thì chưa chính xác.

Đinh Bất Tứ sinh sự là có cớ, nhưng cái cớ ấy làm cho người ta tức cười. Chỉ vì chưởng môn Thanh Long môn là Phong Lương, người Cẩm Châu, Liêu Đông, sử dụng binh khí là cây roi mềm chín nấc, chẳng may giốngnhư binh khí của Đinh Bất Tứ, nên y nổi giận kêu lớn : “Tức quá! Tức chết được! Tức chết được!” (Xem Hiệp khách hành). Đinh Bất Tứ đã sử dụng cửu tiết tiên, thì người trong võ lâm thiên hạ không ai được sử dụng nữa; nếu không, kẻ khác sử dụng mà bị đánh bại, thì sẽ làm mất cả thể diện của Đinh Bất Tứ ? Cho nên Đinh Bất Tứ thấy ai sử dụng cửu tiết tiên, là nổi cơn lôi đình. Theo y nói, y từng giết huynh đệ họ Bành ở Trường Sa, võ quan họ Chương ở Tứ Xuyên và từng chặt hai tay một nữ nhân ở huyện Phụng Dương tỉnh An Huy vì mấy người ấy có “tội” sử dụng cửu tiết tiên.

Nay gặp Phong Lương sử dụng cửu tiết tiên, đươngnhiên Đinh Bất Tứ phát tác. Bốn vị chưởng môn bốn đại môn phái Quan Đông cùng đi với nhau, thật vừa hay, trùng với ngoại hiệu “Nhất nhật bất quá tứ” (Một ngày giết không quá bốn người). Thứ lôgich của Đinh Bất Tứ đúng là lôgich của con nít vậy. May mà khi bốn vị chưởng môn các môn phái Quan Đông đang bị Đinh Bất Tứ dồn vào tình thế nguy cấp, thì Thạch Phá Thiên xuất hiện, cứu họ. Đinh Bất Tứ thấy võ công của Thạch Phá Thiên cực kỳ lợi hại, y không địch nổi, đành nén giận bỏ đi. Không biết phát tiết vào đâu, Đinh Bất Tứ bèn đánh chết một đệ tử của phái Quan Đông và ba người đứng xem, vừa vặn đúng với ngoại hiệu “Nhất nhật bất quá tứ” để tự an ủi.

Cái thói vô cớ sinh sự, mềm nắn rắn buông ấy là thói hoành hành bá đạo của kẻ ác chốn giang hồ, cũng là thói xấu của trẻ con, ngoài Đinh Bất Tứ ra, có người lớn nào giở cái trò đó? Cho nên gọi Đinh Bất Tứ là Lão Ngoan đồng thứ hai cũng chưa thích hợp, mà nên gọi y là thứ du hồn vô chủ chốn giang hồ.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

28
MAI PHUƠNG CÔ
Cô đơn thê thảm


Mãi đến cuối bộ tiểu thuyết Hiệp khách hành, người thường xuyên được nhắc đến là Mai Phương Cô mới xuất hiện, nhưng xuất hiện lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, vì liền đó người phụ nữ tính nóng như lửa này tự sát. Với việc tự sát của nàng, thân thế của nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết không còn có lời giải đáp chính xác nữa, câu hỏi “Ta là ai” sẽ tiếp tục khiến Thạch Phá Thiên trăn trở mãi mãi. Đồng thời, động cơ của hàng loạt hành động khó hiểu của Mai Phương Cô, nguồn gốc tính cách cổ quái, tâm linh bí ẩn của nàng cũng như toàn bộ đời sống tình cảm thê lương đơn độc của nàng cũng sẽ trở thành câu đố lớn. Chúng ta chỉ biết mỗi một điều, bộ mặt xấu xí đầy sẹo của nàng vốn không phải ngay từ đầu đã như vậy.

I

Hình tượng văn học đặc biệt này tuy chính thức xuất hiện muộn nhất, nhưng ngay từ đầu sách đã là đối tượng tìm kiếm của rất nhiều người; tuy Mai Phương Cô xuất hiện ngắn nhất, nhưng là người có ảnh hưởng mạnh nhất và lâu dài nhất tới nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết; tuy nàng là người cô độc, nhưng lại có mối liên quan rộng nhất. Nhân vật này hoàn toàn không có gì bí hiểm, là mẹ nuôi của nhân vật chính Thạch Phá Thiên, là kẻ thù của vợ chồng Huyền Tố trang chủ Thạch Thanh, Mẫn Nhu, là con gái của nhân vật lừng lẫy giang hồ Đinh Bất Tứ và Mai Văn Hinh, thân phận nàng có hồ sơ tra cứu, có người làm chứng. Thực tế, Mai Phương Cô là mẹ nuôi của Thạch Phá Thiên, không thể gọi là mẹ ruột của chàng; là tình địch của Mẫn Nhu, song lại không thể gọi là nhân tình của Thạch Thanh, chỉ là con gái của Mai Văn Hinh, mà không hề được hưởng tình yêu và sự dạy bảo của người cha là Đinh Bất Tứ. Có thể nói thân thế của Mai Phương Cô cứ dở dở dang dang như vậy, mới khiến cho hành động, tính nết, tâm lý của nàng hết sức khó hiểu. Cậu bé Thạch Phá Thiên có tên là “Cẩu tạp chủng” ,nếu cái tên “Cẩu tạp chủng” là do mẹ cậu đặt ra và xưng hô hàng ngày như thế, chắc độc giả đều há miệng kinh ngạc. Trên thế gian sao lại có người mẹ đặt cho con cái tên “Cẩu tạp chủng”? Ai cũng sẽ nghĩ rằng người mẹ đó hoặc giả bộ xấu xa, hoặc điên điên khùng khùng. Cuối cùng đã chứng minh rằng thân phận, tính cách của người mẹ nhân vật chính đúng là kiêm cả hai thứ đó. Cho nên cuộc sống của hai mẹ con nhân vật chính phải nói là chỉ có một không hai trên đời: người mẹ không hề dạy con học văn luyện võ, thậm chí không dạy con những điều thường thức nhất, mà cứ động một tí lại đánh đập chửi bới con, hoặc người mẹ tự khóc oà lên tức tưởi. Quái lạ nhất là khi đứa con mở miệng xin mẹ cái gì, người mẹ đều nổi điên, nói : “Cẩu tạp chủng, ngươi xin gì ta, ngươi đi mà xin cái tên tiểu tặc ấy!” (Xem Hiệp khách hành). Khiến đứa con cũng như độc giả chả hiểu mô tê gì cả. Những hành động của Mai Phương Cô không hợp với lẽ thường trong cuộc sống, nhưng lại hoàn toàn phù hợp lôgich tâm trạng, tính cách của nàng. Đứa bé trai này không phải là con ruột của nàng, thậm chí cũng không phải là con nuôi của nàng, mà là con của Thạch Thanh với Mẫn Nhu, kẻ thù của nàng. Nó là công cụ để nàng báo thù rửa hận, là đối tượng để nàng trút giận. Điều rất không hợp lôgich là tại sao mối tương tư sâu sắc của Mai Phương Cô đối với Thạch Thanh lại biến thành mối thù tận xương tuỷ đối với vợ chồng Thạch Thanh. Về chuyện này, trong sách không nói rõ, chỉ có một điểm chắc chắn là ngày trước Thạch Thanh không hề có gì gắn bó với Mai Phương Cô. Ở cuối cuốn tiểu thuyết, Thạch Thanh có nói với Mai Phương Cô như sau : “Ta nói rõ một lần nữa cho nàng nghe, trên thế gian này, trong lòng Thạch Thanh ta chỉ có một người là Mẫn Nhu. Suốt đời Thạch Thanh ta trước giờ chưa hề có người phụ nữ thứ hai. Nếu nàng thích ta, thì chỉ có hại cho ta mà thôi. Điều này ta đã nói với nàng hai mươi hai năm trước, hôm nay ta nhắc lại như vậy”. (Xem Hiệp khách hành). Thạch Thanh nói câu này khi có mặt Mai Phương Cô, Mẫn Nhu, Bạch Tự Tại, Thạch Phá Thiên, Đinh Bất Tứ và Mai Văn Hinh, vậy không thể là giả. Rõ ràng hai mươi hai năm trước, Thạch Thanh từng từ chối Mai Phương Cô, hai mươi hai năm nay không hề thay đổi, vẫn một thái độ như cũ. Nghĩa là Thạch Thanh không hề ruồng rẫy gì Mai Phương Cô, cũng không hề đùa giỡn với tình cảm của nàng, không có cam kết hứa hẹn gì cả. Cũng tức thị yêu Thạch Thanh, thù Thạch Thanh là chuyện đơn phương của Mai Phương Cô, không hề do lỗi của Thạch Thanh. Thạch Thanh không tiếp nhận tình yêu của Mai Phương Cô, đương nhiên có làm cho Mai Phương Cô đau khổ, lòng tự trọng và tình cảm bị tổn thương. Nhưng bất cứ ai có lý trí cũng phải hiểu rằng cái đó hoàn toàn không do Thạch Thanh cố ý gây ra, thậm chí căn bản không dính dáng đến Thạch Thanh. Mai Phương Cô chỉ nên tự trách mình say mê người khác mà chọn lầm đối tượng. Người ta yêu chưa chắc yêu ta, cũng như người yêu ta, chưa chắc ta đã yêu họ. Đấy là chuyện thường tình trên thế gian. Quả tình không chín, thì dù cố nuốt, cũng vẫn đắng chát nghẹn họng. Không thể và cũng không có cái lý nào ép người ta phải yêu ta. Mai Phương Cô xem ra không hiểu điều này, lại vì chuyện ThạchThanh từ chối tình yêu của mình mà huỷ hoại khuôn mặt xinh xắn của mình đi, coi đối phương như kẻ thù, bắt cóc con nhỏ của đối phương mang về làm đối tượng trút giận của mình.

II

Những gì Mai Phương Cô làm, nói là do tính cách cũng được, song nói là do một thứ bệnh tâm thần thì đúng hơn. Nó cũng giống như Hà Hồng Dược trong Bích huyết kiếm, Lý Mạc Sầu trong Thần điêu hiệp lữ, căn bệnh này thể hiện ở Mai Phương Cô càng rõ hơn. Những người như Mai Phương Cô sở dĩ như thế, đều do cùng một nguyên nhân, là ngay từ đầu đã ảo tưởng cõi nhân gian là thiên đường, trong thiên đường ấy ai ai cũng tâm mãn ý túc, ai ai cũng muốn gì được nấy. Sau đó họ phát hiện cõi nhân gian không phải là thiên đường, thì họ căn bản không thể tiếp thụ, cũng từ chối tiếp thụ, do đó họ bị rơi xuống cái địa ngục do tâm trí họ tạo ra. Như vậy, họ không chỉ đày đoạ mình trong địa ngục, mà còn biến mình thành cái địa ngục đối với người khác. Họ căn bản không hiểu rằng cõi nhân gian không phải là thiên đường, mọi người hoặc ít hoặc nhiều đều sẽ có đau khổ và thất vọng, song nếu vì muốn gì không được, cứ khăng khăng cưỡng cầu, đi tới cực đoan, thì sẽ biến tâm linh mình, cuộc sống của mình và cả thế giới này thành địa ngục chốn trần gian. Mà để bảo đảm cõi nhân gian tuy không phải là thiên đường, song cũng không biến thành địa ngục, thì trước hết phải biết qui tắc ở cõi nhân gian. Muốn bảo đảm người tuy không phải là thần thánh, song cũng không biến thành ma quỉ, đương nhiên phải giáo dục cho nên người. Nguyên nhân đầu tiên khiến Mai Phương Cô mắc bệnh tâm thần là nàng không hiểu cuộc sống con người, sự không hiểu này rõ ràng là do thiếu sự giáo dục. Căn nguyên là không có sự giáo dục và yêu thương của cha mẹ. Cha nàng, Đinh Bất Tứ đã ruồng bỏ mẹ con nàng, Mai Phương Cô từ thơ ấu đã thành đứa trẻ không cha. Sự “mồ côi cha” để lại vết thương âm ỉ trong tâm trí Mai Phương Cô, chỉ gặp dịp là phát tác ác tính. Tiếp đó, Mai Phương Cô thuở nhỏ tuy sống với mẹ, nhưng mẹ nàng là Mai Văn Hinh đã dạy nàng những gì? Dạy nàng luyện võ, làm cho nàng thành cao thủ Mai Hoa quyền; dạy nàng học chữ, nữ công, kỹ thuật nấu ăn. Nhưng mẹ nàng không hề dạy nàng nên yêu một con người cụ thể, yêu đồng loại như thế nào. Bởi vì, trong tâm trí Mai Văn Hinh, Đinh Bất Tứ là một tên đại bịp, một kẻ khốn kiếp, không khéo còn cho rằng mọi nam tử đều xấu xa tệ bạc - đại đa số nữ nhân bị hại đều có kết luận như vậy do bản năng. Còn nữ nhân thì sao? Nghĩ đến Sử Tiểu Thuý, thì Mai Văn Hinh không thể nào tâm bình khí hoà, ắt sẽ cho rằng nữ nhân cũng xấu xa nốt. Như thế là Mai Phương Cô từ nhỏ tuy được dạy dỗ đâu ra đó về kỹ thuật, nhưng lại không được giáo dục cái cơ bản nhất là những kiến thức xã hội và nhân văn tương ứng. Mục kích thực tế sinh hoạt của Mai Văn Hinh, cảm nhận nỗi thống khổ tinh thần của mẹ, tiếp thụ cái gương đầy oán độc của người mẹ, Mai Phương Cô nếu có được, chắc cũng chỉ là tâm lý phản tính người, phản xã hội, phản nhân loại, hoặc căn bản không biết gì, hoặc bị cấm kỵ, kinh sợ mỗi khi nhắc đến tính người, xã hội, nhân loại. Cho nên, khi Mai Phương Cô một mình bước vào giới giang hồ, đối diện với đường đời độc lập của mình, tính cách và tâm lý của nàng tất nhiên dễ ngả sang phía cực đoan. Giá như bấy giờ Thạch Thanh tiếp nhận tình yêu của Mai Phương Cô, đáp lại bằng một tình yêu nồng nàn, sưởi ấm dần toàn bộ tâm trạng của nàng, làm lành dần vết thương, tiêu trừ căn bệnh, thì số phận của Mai Phương Cô đã hoàn toàn thay đổi. Nhưng Thạch Thanh lại không tiếp nhận tình yêu say đắm của Mai Phương Cô, khiến cho vết thương lòng của nàng bị khoét sâu thêm, trăm thứ bệnh liền bộc phát. Mai Phương Cô bị cự tuyệt, cảm thấy toàn bộ các giá trị cuộc sống của mình, như tình ý, sắc đẹp, trí tuệ, năng lực, lòng tự trọng, lòng tự tin, mơ ước, đều bị phủ định. Như một con bạc khát nước, ném toàn bộ tài sản vào một canh bạc, thua thì khuynh gia bại sản. Lúc ấy, một thiếu nữ xinh đẹp, trong trắng đa tình sẽ biến thành một kẻ liều mạng mất trí. Lúc ấy, vào giờ phút quyết định đó, giá như cha mẹ Mai Phương Cô kịp thời quan tâm, yêu thương, hướng dẫn và cứu chữa cho con, thì cuộc khủng hoảng tinh thần của nàng sẽ không tiến triển, càng không bộc phát thành cuồng, hết thuốc chữa. Nhưng bấy giờ Đinh Bất Tứ cha nàng không biết đang lang thang nơi đâu, Mai Văn Hinh mẹ nàng vì người chồng bạc tình mà giả chết ẩn cư, tự giam mình trong địa ngục tinh thần; trong thực tế cha mẹ Mai Phương Cô đã biến nàng thành cô nhi, thế là nàng tự huỷ hoại dung mạo, chỉ có thể báo thù bằng cách bắt đứa con của kẻ thù làm con tin, đem nó vào rừng sâu sống với mình, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Lối sống cách biệt với thế giới của Mai Phương Cô gần giống như sự giả chết ẩn cư của Mai Văn Hinh. Hai mẹ con một căn bệnh và số phận giống nhau.

III

Điều đáng chú ý là Mai Phương Cô tuy tâm thần thất thường, song không phải là không có khả năng phục hồi. Thực ra, trong quá trình sống với “Cẩu tạp chủng” - Thạch Phá Thiên, tuy hay phát tác, nhưng cũng có đôi lúc tỉnh táo, dịu dàng. Tuy hay đánh chửi Thạch Phá Thiên, nhưng Mai Phương Cô cũng có lúc dạy cậu bé cách nấu ăn - kỹ năng sinh tồn. Có lần”Cẩu tạp chủng” còn được Mai Phương Cô dạy cho bài học nhân sinh sâu sắc thế này : “Cẩu tạp chủng, kiếp này ngươi đừng bao giờ cầu xin kẻ khác cái gì cả. Nếu người ta có ý cho ngươi, thì ngươi không cầu xin, người ta cũng sẽ tự cho; người ta đã không chịu, dù ngươi có van xin lạy lục, cũng chỉ uổng công vô ích, lại còn bị người ta ghét bỏ”. (Xem Hiệp khách hành). Đấy là kinh nghiệm sống đau khổ nhất của Mai Phương Cô, cũng là bài học duy nhất mà nàng đem dạy cho cho “Cẩu tạp chủng”, bài học ngắn gọn, song đã có giá trị hơn mọi kỹ năng mà mẹ nàng từng dạy cho nàng. Mai Phương Cô đối với “Cẩu tạp chủng” Thạch Phá Thiên có chút tình mẫu tử mà chính nàng không rõ hay chăng? Hai người sống với nhau mười mấy năm, lẽ nào không có tình cảm gì? Nếu không, tại sao cậu thiếu niên “Cẩu tạp chủng” thuỷ chung cứ cảm thấy thân thiết với người mẹ “Mai Phương Cô? Có thể chỉ “Cẩu tạp chủng” Thạch Phá Thiên trực giác nhạy bén mới cảm nhận được sự đánh chửi của Mai Phương Cô vẫn có chứa đựng chút tình yêu không dễ thấy của người mẹ đối với con. Tôi thậm chí đoán rằng, giả sử Mai Phương Cô không thất tán với “Cẩu tạp chủng”, mà cứ sống với cậu, thì sẽ .có ngày nàng phục hồi được lý trí. Cũng tức là nói rằng chính sự thất tán mới làm cho Mai Phương Cô mất nốt chỗ dựa cuối cùng trong cuộc sống, nên lại phát điên chăng? Cuối cùng, tất cả những người liên quan với Mai Phương Cô trên đời đều đến trước mặt nàng. Cùng lúc nàng nhìn thấy cha mẹ, người yêu, kẻ thù, đứa con nuôi “Cẩu tạp chủng” của mình, biết bao cảm xúc lẫn lộn. Nàng hiểu ra, cả cuộc đời nàng cứ dở dở dang dang, nửa thực nửa hư, trừ cách tự sát, đâu còn sự lựa chọn nào khác? Lúc ấy Mai Phương Cô tỉnh táo và bình tĩnh hơn bao giờ hết, nàng lưu lại trên thế gian, ngoài lời nguyền rủa và sự tuyệt vọng, có sự lưu luyến, chúc phúc, nhiều điều mê hoặc và suy nghĩ... ...
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

29
ĐINH ĐINH ĐANG ĐANG
Mấy tiếng êm tai


Đinh Bất Tam có đứa cháu gái gọi bằng ông, tên là Đinh Đang, gã Thạch Trung Ngọc hiếu sắc tiện miệng gọi nàng bằng ngoại hiệu Đinh Đinh Đang Đang. Ngoại hiệu ấy được coi là vui tai nhất chốn giang hồ. Điều lý thú là ngoại hiệu ấy cũng nói lên đặc trưng tính cách của Đinh Đang. Cô nương này quả thật thích nghe những tiếng êm tai, dĩ nhiên càng thích nghe những lời ngọt ngào đường mật của người yêu.

I

Cô nương Đinh Đang tâm tư đơn giản, chuyện của nàng cũng rất giản đơn, ấy là khi vừa biết yêu, thì tình cờ gặp ngay gã lãng tử Thạch Trung Ngọc - bấy giờ gã đổi tên là Thạch Phá Thiên - và nàng yêu luôn gã. Khác với nhiều cô nương, Đinh Đang yêu Thạch Trung Ngọc hoàn toàn không phải vì mù quáng, càng không phải bị lừa dối, mà nàng biết rõ gã tình lang kia là một kẻ tham hoa hiếu sắc, nay cô này mai cô nọ, song nàng vẫn cứ thích phong độ hào hoa, lời lẽ ngon ngọt của gã. Chỉ cần Thạch Trung Ngọc dịu dàng bày tỏ tình cảm, là nàng sung sướng mê mẩn, cứ như thể đang ở cõi tiên không bằng. Sau này, khi Thạch Trung Ngọc lâm trận bỏ chạy, quân sư Bối Hải Thạch của bang Trường Lạc bày đại kế để Thạch Phá Thiên đóng giả vai bang chủ bang Trường Lạc, chuyện của Đinh Đang mới bắt đầu rắc rối. Sự rắc rối không phải ở chỗ khó phân thật giả. Tuy Thạch Phá Thiên nhất mực nói mình là Thạch Phá Thiên, hoàn toàn không phải là Thạch Trung Ngọc của nàng ta, nhưng Đinh Đang nhìn đúng là khuôn mặt của tình lang, cái sẹo cũnghệt như thế, nên nàng không hề nghi ngờ đây chính là người yêu của mình. Chỉ có điều, giống đa số nhân vật trong sách, cho rằng Thạch Phá Thiên vì bệnh nặng nên thần trí mơ hồ, tính tình biến đổi, Đinh Đang bèn lấy trộm rượu quí “Huyền băng bích hoả” cất giữ lâu năm của cha nàng mang đến trị thương cho chàng. Ban đầu còn cho rằng Thạch Phá Thiên giả vờ ngốc nghếch, đùa bỡn với nàng; về sau phát hiện chàng quả nhiên không hiểu chuyện yêu đương, ở bên nàng cứ ngượng ngập luống cuống, mới ngầm thở dài. Tuy vậy, vẫn cứ mong ngày mai chàng sẽ thay đổi; mặc dù cuối cùng hầu như đã tuyệt vọng, vẫn cứu mạng chàng. Đây là một câu chuyện ngụ ngôn nho nhỏ, rằng tình yêu là mù quáng, nếu không, Thạch Phá Thiên và Thạch Trung Ngọc khác hẳn nhau về tính cách, tinh thần, mà nàng Đinh Đang thông minh lanh lợi lại chỉ nhìn bề ngoài giống nhau, không chút nghi ngờ? Sau đó sự việc trở lại giản đơn, hai sứ giả Trương Tam, Lý Tứ của đảo Hiệp Khách bắt Thạch Trung Ngọc mang về bang Trường Lạc, đối diện với Thạch Phá Thiên thật, mọi người mới vỡ lẽ. Mặc dù một số người vẫn chưa nhận ra thật giả, nhưng Đinh Đang thì vừa “nghe” đã nhận ra liền. Thạch Trung Ngọc nói với nàng thế này : “Đinh Đinh Đang Đang, những ngày qua không gặp nàng, ta nhớ nàng quá chừng, mà nàng đã quên biến ta đi rồi. Nàng không nhận ra ta, chứ ta thì dẫu xa nàng một ngàn năm, một vạn năm, cũng vẫn cứ nhận ra nàng như thường”. Đinh Đang tức thì nhận ra ai chính là tình lang, hơn nữa còn cho rằng “Một kẻ lừa bịp đáng ghét không đời nào có thể nói được những lời chân tình đến thế ". (Xem Hiệp khách hành). Cái đó gọi là so sánh nhận ngay ra tốt xấu. So sánh hai người, Thạch Phá Thiên rõ ràng thành kẻ giả mạo xấu xa. Thế nên lúc Thạch Phá Thiên tới giải thích với nàng rằng chàng không hề nói dối, thì Đinh Đang cứ nhiếc chàng là tên lừa đảo và còn cho một cái tát tai! Vẫn là chuyện ngụ ngôn về tình yêu mù quáng. Nếu không thì tại sao Thạch Trung Ngọc luôn luôn nói những lời giả dối, lại được coi là “chân tâm tình ý”, còn Thạch Phá Thiên nói thật, thì lại bị coi là “tên lừa bịp đáng ghét”? Trong quá trình Đinh Đang thân mật với Thạch Phá Thiên, tôi từng nghĩ rằng Đinh Đang sẽ dần dần yêu Thạch Phá Thiên, và Thạch Phá Thiên cũng sẽ dần dần thích Đinh Đang. Tôi từng nghĩ rằng Đinh Đang thực ra chưa chắc đã biết mình thật sự yêu ai, nói cách khác, nàng căn bản chưa hiểu thế nào là ái tình. Nhưng tình hình trong sách lại trái ngược với suy nghĩ của tôi. Đinh Đang quả mê muội, đã quen nghe gã Thạch Trung Ngọc khéo mồm khéo miệng, cuối cùng vẫn không thích chàng Thạch Phá Thiên thật thà, vụng về trong tình yêu. Cho nên, ngay buổi tối Thạch Phá Thiên thật giả gặp nhau, Đinh Đang lại đến tìm Thạch Phá Thiên, lần này nhằm mục đích muốn chàng mạo nhận Thạch Trung Ngọc, đến thành Lăng Tiêu phái Tuyết Sơn để chịu tội thay cho gã Thạch Trung Ngọc. Đinh Đang yêu ai, không yêu ai, đến đây chân tướng đã lộ rõ hoàn toàn. Kỳ thực, chân tướng vẫn là chân tướng, từ đầu chí cuối không chút mơ hồ, chỉ có tôi ở bên ngoài mới mơ hồ mà thôi. Thạch Trung Ngọc vẫn là ThạchTrung Ngọc. Thạch Phá Thiên vẫn là Thạch Phá Thiên, nàng Đinh Đang trước sau vẫn lựa chọn chính xác. Những ngày không có Thạch Trung Ngọc, nàng Đinh Đang coi Thạch Phá Thiên chỉ như vật thay thế, giống như bang Trường Lạc dùng Thạch Phá Thiên đóng thay vai bang chủ vậy. Chuyện Đinh Đang, như tôi đã phân tích trong cuốn sách “Luận về tình yêu trong tiểu thuyết của Kim Dung” , đúng là ví dụ điển hình chứng minh trên thế gian đúng là nữ đa tình thường yêu nam bạc tình.

II

Tôi biết nhiều độc giả không thích Đinh Đang, nguyên nhân đương nhiên là do nàng cứ mù quáng đi yêu cái gã Thạch Trung Ngọc tệ hại mà ghét bỏ chàng Thạch Phá Thiên nhân hậu hiệp nghĩa. Hơn thế, Đinh Đang còn giúp cho Thạch Trung Ngọc thoát sự trừng phạt, để Thạch Phá Thiên phải chịu tội thay. Nhưng chúng ta cần phân tích cụ thể, chứ không nên phê phán đạo đức giản đơn như vậy, cũng không nên thấy tính nết, quan điểm và sự lựa chọn khác người của Đinh Đang mà nặng lời chê trách nàng. Chẳng hạn tình yêu của nàng đối với Thạch Trung Ngọc tuy có xốc nổi, nhưng không hề ti tiện; việc nàng bố trí đưaThạch Phá Thiên lên núi Tuyết Sơn kể cũng tệ hại, nhưng không phải là độc ác. Tôi nghĩ cá tính hoặc đặc điểm tâm lý của Đinh Đang trước hết liên quan đến thân phận và hoàn cảnh gia đình nàng. Nàng là cháu gọi Đinh Bất Tam bằng ông, thường xuyên sống với Đinh Bất Tam, không thể không chịu ảnh hưởng nặng nề của lão ta. Ảnh hưởng thứ nhất là cách nhìn nhận đối với mọi người, không phân biệt chính tà, không coi trọng nhân phẩm. Hễ ta thích ai, thì người ấy là người yêu, là bạn; hễ ta ghét ai, thì kẻ đó là người qua đường, là kẻ thù. Ảnh hưởng thứ hai là họ Đinh chỉ thích nghe những lời tâng bốc, ca ngợi; Đinh Bất Tam luôn cho mình là kiệt xuất; Đinh Bất Tứ tự nhận là anh hùng; Đinh Đang không coi mình là anh hùng, song cũng có thể tự cho mình là mỹ nữ. Vậy phải chọn một tình lang như ý. Tiêu chuẩn chọn tình lang như ý là xem người ấy có biết ăn nói hay không. Biết ăn nói sẽ là tình lang như ý, không biết ăn nói thì không phải là tình lang như ý. Ảnh hưởng thứ ba, Đinh Đang là cháu của Đinh Bất Tam, tuy nhìn bề ngoài tưởng là đắc ý, nhưng thực ra là một thứ bất đắc dĩ. Đinh Bất Tam kiêu ngạo tự mãn, không coi ai ra gì, đứa cháu gái của lão ta cũng nằm trong số đó. Đinh Đang muốn có một cuộc sống riêng, muốn xây dựng một niềm tin giá trị riêng của mình, thì phải thông qua một con đường khác, thế nên sự tán thưởng của người yêu trở nên vô cùng quan trọng đối với nàng. Ảnh hưởng thứ tư, Đinh Đang tuy là cháu của Đinh Bất Tam, nhưng biết trong giang hồ tiếng tăm của Đinh Bất Tam chẳng hay hớm gì, nên suốt thời gian quan hệ với Thạch Trung Ngọc, nàng không dám tiết lộ thân phận của mình. Càng như vậy, càng muốn nhanh chóng tìm ra cuộc sống riêng cho mình, lối sống và thể hiện giá trị của mình. Chỉ có một tình lang khéo ăn khéo nói như Thạch Trung Ngọc mới có thể đáp ứng nhu cầu tâm lý đó của nàng. Hơn nữa, chúng ta cần thấy trạng thái tâm lý của Đinh Đang còn liên quan đến lứa tuổi và kinh nghiệm sống của nàng. Điều quan trọng nhất, Đinh Đang vẫn còn là một thiếu nữ mới lớn, tình yêu của nàng là tình yêu điển hình của thiếu nữ tuổi mới lớn. Tình yêu của thiếu nữ có bốn đặc điểm chính. Thứ nhất, tình yêu ấy mang tính chất tinh thần, tâm hồn, hầu như không liên quan đến ham muốn thể xác. Cái mà Đinh Đang tìm kiếm là cốt thoả mãn nhu cầu tinh thần của nàng, trước hết đó là những lời lẽ ngọt ngào. Thứ hai, tình yêu ấy mang tính lý tưởng, không để ý tới thực tế, không muốn gắn với hiện thực; những khái niệm như hôn nhân, gia đình còn hết sức mơ hồ, chỉ mơ mộng lãng mạn, siêu thực. Thứ ba, tình yêu ấy hết sức mang tính chủ quan. Thiếu nữ vừa biết yêu, trí tưởng tượng phong phú, thế giới bên ngoài đối với nàng hầu như không tồn tại, chỉ có những gì nàng thừa nhận hoặc tưởng tượng ra mà thôi. Hoàn toàn không có tiêu chuẩn khách quan trong việc nhận thức tình cảm và nhân phẩm của đối phương, tình cảm, ý thích chủ quan là yếu tố quyết định. Thứ tư, tình yêu ấy đương nhiên không thể tránh khỏi tính mù quáng. Nó cũng là hậu quả của đặc điểm thứ ba, của sự tướng tượng quá nhiều cộng với sự tình nguyện, thường thường nhìn cả thế giới lung linh màu sắc. Tục ngữ có câu “Thứ gì cũng nhìn thấy, trừ thói nịnh bợ”. Những lời ca ngợi, nịnh bợ sẽ càng phát huy công hiệu mạnh mẽ đối với thiếu nữ mới lớn. Đinh Đang mê đắm Thạch Trung Ngọc thì cũng không có gì lạ. Cuối cùng, cũng là điểm quan trọng nhất, khi chúng ta muốn phán xét hình tượng và chuyện cuộc đời Đinh Đang, nhất định phải dựa trên một tiền đề ấy là phải tôn trọng cá tính và quyền tự do lựa chọn của người khác. Trong con mắt của những độc giả theo quan niệm đạo đức và tiêu chuẩn giá trị truyền thống, thì việc Đinh Đang yêu và kiên trì tình yêu đối với Thạch Trung Ngọc rõ ràng là một sai lầm rất lớn. Thạch Trung Ngọc thua kém Thạch Phá Thiên về mọi phương diện. Nhưng như đã nói, tình yêu của thiếu nữ mang nặng tính chủ quan, tính mù quáng, theo con mắt của Đinh Đang thì khác, Thạch Trung Ngọc có thể mang lại sung sướng cho nàng; còn Thạch Phá Thiên có vẻ vô vị, thậm chí làm cho nàng phải lo ngại; do đó đương nhiên nàng sẽ chọn Thạch Trung Ngọc. Thứ hai, Thạch Trung Ngọc tính nết vui vẻ, Thạch Phá Thiên thì không vui vẻ; Đinh Đang tất nhiên thích Thạch Trung Ngọc hơn. Thứ ba, Thạch Trung Ngọc hiếu sắc, nay cô này mai cô khác, dưới con mắt của Đinh Đang dĩ nhiên không phải là ưu điểm, nhưng lại có “ma lực” của một “nam tử hán”, vô luận thế nào cũng khả ái hơn cái gã Thạch Phá Thiên ngu đần. Thứ tư, như đã nói, Đinh Đang lựa chọn một tình yêu lung linh màu sắc, chứ không chọn một cuộc hôn nhân vô vị, thông thường; nàng muốn tìm một quan hệ vui vẻ, chứ không quan tâm đến nhân tình thế thái. Cho nên tương lai thế nào là chuyện sau này, bây giờ chưa cần nghĩ đến làm gì. Nàng muốn được hưởng sung sướng ngay bây giờ, chứ không lov ội cho tương lai. Suy cho cùng, Đinh Đang lựa chọn cuộc sống cho mình, chọn một lối sống đem lại sung sướng cho nàng, còn chuyện tình yêu ấy, sự sung sương ấy kéo dài được bao lâu, đâu có liên quan đến người khác, là chuyện riêng của nàng. Cuộc sống là thế, thế giới cũng là thế. Cũng chỉ có như vậy, thì cuộc sống và thế giới này mới phong phú đa dạng, đầy nhựa sống, khiến người ta lưu luyến mà thôi.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

30.
HỒ PHỈ
Không hiểu chuyện thế gian


Kim Dung tiên sinh nói rằng trong tiểu thuyết Tuyết sơn phi hồ, ông tả nhân vật Hồ Phỉ không hay, nên phải viết thêm quyển Phi hồ ngoại truyện. Nhưng theo tôi, trong quyển sau, hình tượng Hồ Phỉ tả vẫn chưa hay. Mà nguyên nhân tả chưa hay, chính là ở chỗ tả Hồ Phỉ thành một người “nghĩa hiệp chân chính” sẵn sàng cứu nạn chốn giang hồ. Nói cụ thể, trừ cái việc, nói như Mạnh Tử, đại trượng phu phải “phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, còn để cho Hồ Phỉ “không vì mỹ sắc mà động lòng, không vì van xin mà động lòng, không vì thể diện mà động lòng”.(Xem Phi hồ ngoại truyện).

Đem một nhân vật trong bộ tiểu thuyết diễn dịch thành quan niệm đạo đức, thì dù thiết kế khéo đến mấy, cũng khó làm cho hình tượng nhân vật ấy thật sự có nội hàm tính cách phong phú. Dầu vậy, tôi vẫn rất thích con người Hồ Phỉ. Nguyên nhân tôi thích có thể không giống như nguyên nhân mà Kim Dung tiên sinh thích. Tôi dĩ nhiên cũng thích Hồ Phỉ trượng nghĩa hành hiệp, chính khí hào hùng, kiên định quả cảm; nhưng nguyên nhân thực sự khiến tôi thích Hồ Phỉ là vì chàng biết phạm sai lầm. Vì biết phạm sai lầm, nhân vật này sẽ đáng tin hơn, càng đáng yêu hơn. Cho nên hay nhất là hãy nhìn Hồ Phỉ bằng con mắt khác.

I

Hồ Phỉ xuất hiện lần đầu vào thời điểm trời đang mưa to, sấm sét đùng đùng, trước mặt bao người dám chỉ trích Miêu Nhân Phụng phu nhân Nam Lan là không có mẫu ái, lương tâm. Thời điểm ấy, tất cả mọi người có mặt tại chỗ, nào các tiêu khách giang hồ, nào võ quan triều đình, nào thủ lĩnh trộm cướp, nào nhân sĩ võ lâm, đều khinh bỉ hành vi của Nam Lan, song không một ai dám công khai bày tỏ quan điểm của mình. Lý do rất đơn giản, gã trai mà Nam Lan trốn đi cùng không phải ai khác, mà chính là đệ nhất cao thủ võ công Điền Qui Nông. Ai dám nói một câu làm cho Điền Qui Nông nổi giận, có khác gì vuốt râu hùm, muốn chết hay sao?

Chỉ có một chàng thiếu niên vô danh gầy gò, vàng võ, bộ dạng như kẻ ăn mày, không nhịn được nói ra điều mình nghĩ, đương nhiên làm chấn động nhân tâm. Đây tất nhiên không phải là một sai lầm, mà là hành vi hiệp nghĩa đầu tiên, dám làm cái việc người khác không dám làm, dám nói những lời người khác không dám nói. Hành vi của Hồ Phỉ cũng chứng minh tính trượng nghĩa bẩm sinh của chàng. Ấy thế mà nhiều vị lớn tuổi, am hiểu thế sự, có mặt tại chỗ, như Mã Hành Không lão luyện giang hồ, lại cho rằng Hồ Phỉ làm như thế chẳng qua là vì trẻ người non dạ, hành động sai trái. Sai lầm của Hồ Phỉ là đem xoá ba chữ “Hồ Nhất Đao” trên tấm bia phóng tiêu trong phòng luyện công của Thương Gia Bảo, thay bằng ba chữ “Thương Kiếm Minh”, khiến cho Thương lão thái vừa kinh ngạc vừa tức giận, nghiêm khắc truy hỏi. Khi Thương lão thái nghi ngờ Mã Hành Không, thì Hồ Phỉ lại bước ra, nói Thương lão thái không dám động thủ với người ta, lại đi viết tên người ta lên bia để phóng tiêu cho đỡ tức, “như thế là hèn, là giở trò ma”. (Xem Phi hồ ngoại truyện.).

Cuối cùng thấy Thương lão thái không có vẻ giận dữ, Hồ Phỉ lại tới gần bà ta, không một chút đề phòng, bị bà ta tóm được, treo lên mà đánh một trận khổ sở. Đấy là một ví dụ điển hình. Nếu Hồ Phỉ có kinh nghiệm giang hồ, thì chàng không nên xoá tên Hồ Nhất Đao, vì làm thế là rút dây động rừng. Quân tử báo thù, mười năm chưa muộn. Hơn nữa, nếu có kinh nghiệm, dù đã xoá đi rồi, cũng chưa ai nghi ngờ chàng, chàng không nên đứng ra nhận, cứ để choThương lão thái nghi nghi ngờ ngờ có hay hơn không? Nhưng Hồ Phỉ hành động như thế, là biểu hiện tất nhiên của tính cách chàng. Là con của đại hiệp Hồ Nhất Đao, chàng há có thể để tên tuổi của người cha anh hùng bị kẻ khác viết lên bia mà bắn phá hay sao? Hơn nữa, việc ấy chàng đã làm, Thương lão thái lại nghi ngờ cho người khác; hảo hán làm hảo hán chịu, sao lại để người khác chịu trách nhiệm? Nếu thế, không còn là hành động anh hùng, Hồ Phỉ không còn là Hồ Phỉ. Thế nên chàng mới nhận, rồi mất “cảnh giác”, bị Thương lão thái tóm cổ đánh cho một trận, được một bài học nhớ đời.

Dựa vào võ công của Hồ Phỉ khi đó, nếu là đối địch chính diện, hoặc có đề phòng một chút, làm sao Thương lão thái tóm được chàng. Nhưng kể ra việc đó cũng là điều tất nhiên, chàng còn quá trẻ, hầu như chưa có kinh nghiệm giang hồ . Tuy nói là Hồ Phỉ khi bị treo lên đánh đòn, “mỗi một roi quất vào người, Hồ Phỉ lại hận là mình ngu xuẩn, không chút đề phòng, để rơi vào tay địch”, (XemPhi hồ ngoại truyện) song chúng ta thấy Hồ Phỉ vẫn chưa biết rút ra bài học xương máu. Sau khi tự thoát thân, cứu Bình Tứ thúc ra rồi, lại nện cho Thương Bảo Chấn một trận cho bõ tức, chàng lại tới, tự chui đầu vào lưới, suýt nữa bị tóm lại và bỏ mạng dưới đao của Thương lão thái. Hành động này của Hồ Phỉ không phải là khí khái anh hùng, mà là liều mạng, hữu dũng vô mưu.

Đương nhiên, tất cả đều là biểu hiện tính cách của Hồ Phỉ. Một mặt, Hồ Phỉ là con trai của vị đại hiệp Liêu Đông, lời nói việc làm đều cho ta thấy dòng máu anh hùng chảy trong người chàng. Mặt khác, chúng ta cũng nên thấy, chính vì cha mẹ mất sớm, Hồ Phỉ theo Bình Tứ thúc không chút kinh nghiệm võ lâm đi lưu lạc giang hồ, thiếu sự giáo dưỡng trí tuệ chỉ bảo cần thiết, nên mới cả tin, khinh địch, tự tin, hành động thô thiển như vậy. Có điều là tính cách như thế của Hồ Phỉ quá xa với hình tượng “phi hồ” (con cáo bay) mà tác giả thiết kế, ám chỉ trong sách. Bởi vì Hồ Phỉ không giống con cáo mưu trí khôn ngoan biết bay, mà chỉ giống một con báo hung hăng thô lỗ.


2.

Hồ Phỉ thời thơ ấu như thế, còn Hồ Phỉ lúc trưởng thành thì sao? Chúng ta thấy Hồ Phỉ đã thành người lớn mà vẫn giống như lúc thiếu niên, vẫn chỉ là con báo ấu trĩ, hoàn toàn chưa biến thành con cáo khôn ngoan. Hồ Phỉ vẫn hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ như hồi nhỏ. Tại trấn Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, rõ ràng trong túi không có tiền, người ta không cho chàng lên “Anh hùng lâu” sang trọng, chàng lại hùng hổ gây sự, thật là giống côn đồ hơn giống anh hùng. Cho nên mới xảy ra rắc rối với lão chủ “Anh hùng lâu Phụng Thiên Nam.

Độc giả tiểu thuyết võ hiệp dĩ nhiên sẽ coi Hồ Phỉ như một hiệp sĩ anh hùng, còn coi Phụng Thiên Nam là thân hào ác bá. Nhưng, dù là thế đi nữa, thì Hồ Phỉ lỗ mãng thành tính, vẫn tiếp tục cái kiểu có hảo tâm nhưng toàn gây chuyện tệ hại, vô tình làm chết cả nhà Chung A Tứ, một gia đình nghèo ở trấn Phật Sơn. Đương nhiên không phải là bảo Hồ Phỉ đừng chủ trì lẽ công bằng cho gia đình Chung A Tứ, cũng không bảo chàng để yên cho cha con tên ác bá địa phương Phụng Thiên Nam, cũng không bảo chàng đừng đến miếu Bắc Đế xem xét hiện trường, công khai phán xử; mà là bảo chàng không nên giữa chừng lại dễ dàng mắc mưu điệu hổ ly sơn, bỏ mặc nguyên cáo và bị cáo ở trong miếu, đuổi theo kẻ khác. Đến lúc phát hiện mình bị lừa, trở lại miếu, thì hai vợ chồng Chung A Tứ và cậu con trai đã bị giết hại ! Giá như Hồ Phỉ không can thiệp vào vụ này, gia đình Chung A Tứ tuy bị hàm oan, nhưng cũng không đến nỗi bị chết thảm cả nhà.

Chỉ vì Hồ Phỉ muốn làm cứu tinh, nhưng giữa chừng phạm sai lầm, đầu voi đuôi chuột, mới dẫn họ đến đại hoạ. Về điểm này, Hồ Phỉ cũng đành phải thừa nhận, vừa khóc vừa nói : “Chung Tứ ca, Chung Tứ tẩu, Chung gia huynh đệ, là Hồ Phỉ ta bất tài, đã làm các vị phải bỏ mạng”. Rồi nhìn ba cái thi thể chết không nhắm mắt kia, chàng thề trước tượng thần Bắc Đế :“Bắc Đế gia gia, hôm nay con xin Người chứng giám cho con, Hồ Phỉ con nếu không giết cha con Phụng Thiên Nam để báo thù cho cả nhà Chung A Tứ, thì con sẽ về đây tự vẫn trước Người”. (Xem Phi hồ ngoại truyện) Như thế, việc Hồ Phỉ truy sát Phụng Thiên Nam khác xa với thiết kế ban đầu của tác giả. Tác giả muốn Hồ Phỉ là người thật sự hiệp nghĩa, không bị thứ này thứ kia kích động, nay lại làm thế, một phần là để chuộc tội cho mình, một phần cho bõ tức, vì cha con Phụng Thiên Nam mà chàng bị lừa. Đáng chú ý là cuối cùng Hồ Phỉ cũng không giết cha con Phụng Thiên Nam (Phụng Thiên Nam bị người khác giết), căn bản cũng không tra cứu Phụng Nhất Minh ở đâu, song Hồ Phỉ không trở về miếu Bắc Đế Ở trấn Phật Sơn tỉnh Quảng Đông để tự vẫn. Đủ thấy hành động “thật sự hiệp nghĩa” chưa hẳn đã có thực, lời thề của người anh hùng cũng như gió thoảng bên tai.

Chúng ta không cần dùng tiêu chuẩn hiệp nghĩa lý tưởng để đòi hỏi Hồ Phỉ, mà chỉ dùng tiêu chuẩn người bình thường, cũng đã thấy tính cách của Hồ Phỉ có khuyết điểm rõ ràng. Mặc dù mỗi lần hành động, chàng ta cơ hồ đều có động cơ hiệp nghĩa, nhưng lần nào kết quả cũng trái với ý muốn. Ngoài việc làm chết cả nhà Chung A Tứ, trên đường đuổi theo Phụng Thiên Nam, Hồ Phỉ lại từ động cơ hiệp nghĩa, ngăn cản Chung Tam Hùng (lại họ Chung !), hộ vệ vợ chồng Lưu Hạc Thiên đem tin cho đại hiệp Miêu Nhân Phụng, kết quả không ngờ làm cho Miêu Nhân Phụng trúng độc mù mắt ! Rồi lại xuất phát từ hảo tâm, muốn giúp vợ chồng Mã Xuân Hoa, kết quả đã không cứu sống được Từ Tranh, còn làm hỏng “hảo sụ” của Mã Xuân Hoa. Hồ Phỉ đi cùng Viên Tử Y, mà trước sau vẫn không phát hiện đối phương là ni cô. Cuối cùng, lại tưởng lầm đại đầu lĩnh Trần Gia Lạc của Hoa Hồng Hội là kẻ tâm phúc của Phúc Khang An ở triều đình mà chửi bới và đánh nhau một trận tơi bời. Đối với Hồ Phỉ, những chuyện như thế không có gì lạ. Nếu chúng ta đòi hỏi Hồ Phỉ phải biết thân phận của Viên Tử Y, sự thật giả của Phúc Khang An, chỉ e quá khe khắt. Từ đầu chí cuối, Hồ Phỉ đều không phải là mộtngười có kinh nghiệm, đều không biết suy xét gì cả.

May mà Hồ Phỉ tuy trẻ người nông nổi, liên tiếp phạm sai lầm, nhưng được cái biết sai thì sửa. Đã làm mù mắt Miêu Nhân Phụng, thì chàng đi mời đệ tử của “Độc thủ dược vương” đến cứu chữa cho Miêu Nhân Phụng. Đối với Mã Xuân Hoa, chàng càng giúp đến cùng. Về mặt tâm địa, Hồ Phỉ đương nhiên là một người tốt, thậm chí có thể gọi là một hiệp sĩ chân chính; nhưng về tính cách, vị hiệp sĩ này quá thô lỗ. Như chuyện viết trong sách, bảo Hồ Phỉ luôn luôn trượng nghĩa giang hồ, thì không đúng, mà nên nói Hồ Phỉ là một kẻ thô lỗ, luôn luôn phải lập công chuộc tội.


CUỐI

Bây giờ vấn đề đã tương đối rõ, động cơ hành hiệp của Hồ Phỉ tuy tốt, nhưng kết quả cuối cùng thường là nguy hại. Dẫu có thể bổ cứu, nhưng đã không còn là thuần tuý hành hiệp. Nếu tác giả tỉnh táo nhận thức điều này, chứ không nhắm mắt miêu tả nhân vật Hồ Phỉ thành một “hiệp sĩ chân chính”, thì hình tượng Hồ Phỉ chắc sẽ chân thực, đáng yêu hơn nhiều. Tuy tác giả có vô tình tả đến khuyết điểm của Hồ Phỉ, nhưng vì đã quá đề cao cảnh giới tư tưởng của nhân vật này, nên hình tượng nhân vật không đạt được chiều sâu cần phải có.

Thứ nhất, e rằng tác giả không ý thức được đặc trưng tính cách của Hồ Phỉ trên giang hồ là càng làm càng sai, đã sai còn hay làm. Hồ Phỉ thiếu kinh nghiệm giang hồ, tính cách xốc nổi, thô lỗ. Nếu tác giả tả Hồ Phỉ biết nhận ra khuyết điểm của mình, trong quá trình hành hiệp giang hồ, luôn luôn tự kiểm thảo, đấu tranh với khuyết điểm đó, thì hình tượng nhân vật Hồ Phỉ tất nhiên sẽ đạt hơn. Thứ hai, tác giả tả Hồ Phỉ phạm sai lầm cũng được, nhưng sai lầm của Hồ Phỉ đối với Miêu Nhân Phụng lại chỉ tả là do bị lừa, tuy xem ra có vẻ phù hợp với đặc trưng tính cách thiếu kinh nghiệm giang hồ , song không hề tả mâu thuẫn tâm lý cần có, xung đột phức tạp và sự lựa chọn đầy khó khăn của Hồ Phỉ. Bởi vì Miêu Nhân Phụng không phải ai khác, mà chính là cao thủ vô địch thiên hạ, là kẻ thù đã giết cha chàng. Dẫu rằng Hồ Phỉ biết về điều này không nhiều, và Miêu Nhân Phụng cũng thành tâm ân hận, song Hồ Phỉ cũng phải lâm vào tâm trạng phức tạp và khủng hoảng tâm lý.

Không nói đâu xa, chuyện của Dương Quá là ví dụ so sánh rất rõ: Trong lòng Dương Quá, mối thù giết cha trước sau cứ gặm nhấm tâm trí chàng, hình ảnh người cha chỉ là tưởng tượng. Còn Hồ Nhất Đao thì hiển nhiên là anh hùng hơn hẳn Dương Khang, song bị chết bởi tay Miêu Nhân Phụng, thì sự việc ắt phải rắc rối, khó phân biệt hơn rất nhiều. Trong khi đó tính cách của Hồ Phỉ thô thiển hơn hẳn so với Dương Quá, kết quả ra sao, làm gì chẳng đoán được? Thực ra, sai lầm lớn nhất của tác giả là không nên chỉ coi đó như một tình tiết nhỏ trong quá trình truy sát Phụng Thiên Nam; lẽ ra phải lấy đó là hạt nhân, hoặc là tình tiết trọng yếu để cấu tứ thêm thắt. Bởi vì dẫu xét về võ công hoặc tính cách của Hồ Phỉ,thì sau khi luyện thành võ công, việc hệ trọng số một trong đời phải là làm rõ chân tướng cái chết của cha mẹ mình, quyết ý đi tìm kẻ thù giết cha mình, chứ sao lại đi lang thang vô mục đích trên giang hồ, đến trấn Phật Sơn sắm vai cảnh sát và quan toà như vậy.

Tiếp đó, đối với cái ơn của Mã Xuân Hoa, Hồ Phỉ cả đời ghi nhớ và tìm cách báo đáp, dĩ nhiên đấy là một phẩm chất đạo đức cao quí. Nhưng việc Hồ Phỉ bênh vực Mã Xuân Hoa, lẽ ra còn phải có động cơ tâm lý phức tạp ẩn giấu và mâu thuẫn tâm lý sâu sắc của nó. Hồ Phỉ lần đầu gặp Mã Xuân Hoa, nàng đang như bông hoa chớm nở, chàng trai Hồ Phỉ mới lớn lập tức phải lòng, thầm yêu trộm nhớ, như thế thì việc Hồ Phỉ ghi nhớ sâu sắc ân tình của Mã Xuân Hoa mới có chỗ dựa tâm lý. Sau này Hồ Phỉ trưởng thành, Mã Xuân Hoa vẫn xinh tươi như ngày nào, trong việc báo ân, bênh vực Mã Xuân Hoa của Hồ Phỉ nếu có dư âm ký ức tuổi trẻ, thì nội hàm nhân văn của nó sẽ cao hơn nhiều. Dĩ nhiên, nếu viết như thế, Hồ Phỉ sẽ không còn là “hiệp sĩ chân chính” dưới con mắt của tác giả nữa.

Cũng có nghĩa là, chính vì muốn tả một “hiệp sĩ chân chính”, tác giả mới hi sinh cái “con người chân thực” của Hồ Phỉ. Điều này thường gặp trong các tiểu thuyết võ hiệp, nhưng phải coi đó là một sai lầm không nhỏ trong tiểu thuyết của Kim Dung.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

31.
THƯƠNG LÃO THÁI
Hoả thiêu thiết sảnh


Thương lão thái là phu nhân của cao thủ võ lâm Bát quái đao Thương Kiếm Minh, người bị Hồ Nhất Đao giết từ sớm. Thương lão thái là nữ chủ nhân của Thương gia bảo. Giống như vô số phụ nữ Trung Quốc thời cổ, đã không còn biết họ tên là gì nữa. Trong đời thường, Thương lão thái khác với những người phụ nữ ở chỗ bà lão tóc bạc này không chỉ võ công đầy mình, mà còn nung nấu hận thù. Từ ngày chồng bị giết, cuộc đời còn lại của bà chỉ nhắm một mục đích là trả thù cho chồng. Bởi vậy, bà chỉ có một công việc là dạy cho con trai Thương Bảo Chấn trở thành một sát thủ võ công cao cường, đặng hoàn thành mục đích báo thù. Thế nên vừa mở đầu sách Phi hồ ngoại truyện, chúng ta đã nghe thấy “một tiếng kêu trầm khàn, đầy oán độc và phẫn nộ, như rít qua kẽ răng, tưởng như tiếng nguyền rủa muôn đời, mỗi chữ đều hoà với máu và thù hận”. (Xem Phi hồ ngoại truyện).

Phần đầu sách, chúng ta chưa nhìn thấy mặt Thương lão thái, chỉ biết kẻ thù của bà là hai cao thủ tuyệt thế Hồ Nhất Đao và Miêu Nhân Phụng. Xem ra Thương lão thái là một nhân vật võ hiệp điển hình, chỉ có điều, “trong tiểu thuyết võ hiệp, nhân vật phản diện bị nhân vật chính diện sát hại, thông thường phương pháp xử lý được coi là đáng chết , không cần lý giải nữa. Trong sách này, tôi tả Thương lão thái với ý đồ biểu thị : nhân vật phản diện bị giết, nhưng thân nhân của nhân vật đó cho rằng y không đáng chết, vẫn cứ sùng bái, yêu quí y, đến già vẫn không giảm, không thay đổi, cứ mãi mãi đau buồn về cái chết của y, mãi mãi căm thù kẻ đã giết y”. (Xem Phi hồ ngoại truyện). Tức là nói rằng khi tả nhân vật này, tác giả Kim Dung đã hoán chuyển một góc độ, cũng hoán chuyển một cách nhìn. Cho nên đáng bàn về Thương lão thái.

I

Chuyện về Thương lão thái bắt đầu từ tiểu thuyết Tuyết sơn phi hồ, ở đó hai vị cao thủ đương thời Hồ Nhất Đao và Miêu Nhân Phụng tỷ võ với nhau tại Thương Châu tỉnh Hà Bắc, trước lúc bước vào quyết đấu sinh tử, đôi bên trao đổi chuyện hậu sự với nhau. Miêu Nhân Phụng nói mình có một việc chưa làm xong, ấy là Thương Kiếm Minh, người huyện Vũ Định tỉnh Sơn Đông có đến nhà Miêu khiêu chiến, giết hai người em trai, một em gái của Miêu, lại giết luôn cả cô em dâu không biết võ công của Miêu; cho nên trong lúc tỷ võ với Hồ Nhất Đao, Miêu Nhân Phụng không dám mạo hiểm tính mạng, rằng Miêu chưa hề tìm đến Thương Kiếm Minh báo thù. Vợ chồng Hồ Nhất Đao đáp ứng, nếu trong cuộc tỷ võ này Miêu Nhân Phụng thất thủ bỏ mạng, họ sẽ hoàn tất tâm nguyện cho Miêu. Sau đó Hồ Nhất Đao không đợi kết thúc cuộc tỷ võ, phi ngựa gấp suất đêm tới huyện Vũ Định tỉnh Sơn Đông, giết Thương Kiếm Minh, rồi mới trở lại tiếp tục tỷ thí. (Xem Tuyết sơn phi hồ).

Khi đó,độc giả đều tán thưởng khí phách anh hùng và lòng dạ hiệp nghĩa của Hồ Nhất Đao, đồng thời đương nhiên cũng cho rằng cái tên Thương Kiếm Minh kia đáng bị giết, bởi hắn đã tới thách thức “khắp thiên hạ không có địch thử” Miêu Nhân Phụng, không gặp Miêu, lại đánh chết em trai em gái của Miêu, nhất là phạm vào điều đại ký của võ lâm - đánh chết người không biết võ công. Một kẻ như thế, đương nhiên chết chưa hết tội, sẽ chẳng có ai thương tiếc hắn. Bấy giờ, tôi tin rằng chẳng mấy ai nhớ đến cái tên Thương Kiếm Minh; Hồ Nhất Đao đã giết hắn, thì cũng giống như giết một con rệp mà thôi. Thế nhưng, đến khi đọc Phi hồ ngoại truyện, lại thấy tình huống khác hẳn đi : Thương lão thái là vợ, Thương Bảo Chấn là con của Thương Kiếm Minh, hoá ra Thương Kiếm Minh còn có một gia đình, có thân nhân của hắn; mà gia đình và thân nhân của hắn vô cùng đau khổ, phẫn nộ vì cái chết của chồng và cha, căm thù kẻ giết người; sự đau khổ và thù hận ấy đã thay đổi triệt để số phận của gia đình đó.

Nhìn từ góc độ mới này, tuy chưa thay đổi hoàn toàn ấn tượng về Thương Kiếm Minh, song ít nhất chúng ta cũng thấy Hồ Nhất Đao đã giết không phải một con rệp vô danh, mà là một con người sống động. Tiếp đó, chúng ta thậm chí sẽ hoài nghi, việc Hồ Nhất Đao nhảy vào làm hộ công việc của Miêu Nhân Phụng có hợp tình hợp lý hay không? Dưới con mắt người giang hồ, thậm chí dưới con mắt độc giả tiểu thuyết võ hiệp, tự nhiên có một quan điểm giá trị trắng đen rõ ràng. Phàm đối đầu với người tốt, ắt là kẻ xấu; giết kẻ xấu đương nhiên là hành động hiệp nghĩa. Chúng ta biết Liêu Đông đại hiệp Hồ Nhất Đao và Kim Phật diện Miêu Nhân Phụng là hai vị hiệp sĩ danh tiếng lẫy lừng. Thương Kiếm Minh chủ động tìm đến khiêu chiến với Miêu Nhân Phụng, giết mấy gia nhân vô tội của Miêu, sau bị đại hiệp Hồ Nhất Đao chém chết, vậy thì Thương Kiếm Minh đương nhiên là kẻ xấu xa.

Nhưng đối mặt với Thương lão thái và con trai Thương Bảo Chấn của bà, chúng ta làm sao có thể tưởng tượng mẹ con họ chấp nhận quan điểm giá trị của người ngoài, để không thương nhớ và kính trọng thân nhân của họ? Thực tế là, trong lòng Thương lão thái thì Thương Kiếm Minh không chỉ là một vị anh hùng cái thế mà còn là một người tốt không ai thay thế nổi, và theo lôgich tương tự đó, hễ ai đối đầu với người tốt Thương Kiếm Minh, sẽ đều là kẻ xấu. Bởi vậy, hai mẹ con Thương lão thái căm hận Hồ Nhất Đao và Miêu Nhân Phụng đến tận xương tuỷ, quyết chí báo thù, thì chẳng những hợp tình, mà còn hợp lý. Như vậy, chúng ta thấy, nếu đứng trên góc độ và lập trường khác nhau, sẽ có quan điểm hoàn toàn khác nhau về cùng một vấn đề, sẽ có cách đánh giá hoàn toàn khác nhau về cùng một sự việc.

Đáng chú ý là, cái lối tư duy trắng đen rõ ràng; cũng như cái qui tắc giá trị, theo đó hễ kẻ địch phản đối thì ta ủng hộ, hễ kẻ địch ủng hộ, thì ta phản đối, sẽ bị người ta giải thích và lợi dụng theo góc độ và lập trường của họ. Mà Thương lão thái chính là một ví dụ điển hình về việc vận dụng lối tư duy và quan điểm địch ta ấy. Chúng ta sẽ thấy cái lối tư duy ấy, cái lập trường địch ta ấy, tưởng là giúp ta phân rõ trắng đen, phải trái, thiện ác, thực tế là ngược lại.


2.

Vấn đề của Thương lão thái chính là ở đây. Việc chồng bà bị giết đáng được thông cảm, tình yêu sâu sắc của bà đối với chồng đáng được tôn trọng, lòng căm thù của bà đối với Hồ Nhất Đao có thể lý giải được, lời nguyền trả thù của bà thậm chí cũng không thể trách cứ. Vấn đề là suy nghĩ của Thương lão thái quá giản đơn, cách nhìn của bà quá hẹp hòi, tính cách của bà quá cố chấp, mà hành động thì quá thiên kiến. Càng quan trọng hơn, ấy là niềm tin của bà quá mù quáng. Thương lão thái căm hận Hồ Nhất Đao, điều đó dễ hiểu, bởi vì chính Hồ Nhất Đao đã giết Thương Kiếm Minh chồng bà. Nhưng tại sao Thương lão thái cũng lại nuôi mối hận thù đúng như thế với Miêu Nhân Phụng ?

Điều này thật khó hiểu. Bởi vì Miêu Nhân Phụng khônghề giết Thương Kiếm Minh, mà ngược lại, chính Thương Kiếm Minh đã đến giết hại mấy người nhà của Miêu Nhân Phụng. Thực tế chính Miêu Nhân Phụng là bên bị hại. Miêu Nhân Phụng chưa hề tìm Thương Kiếm Minh để trả thù, việc Hồ Nhất Đao đi giết Thương Kiếm Minh, trước đó không hề bàn bạc gì với Miêu Nhân Phụng, vì cớ gì Thương lão thái lại xếp cả Miêu Nhân Phụng vào danh sách những kẻ cần phải trả thù? Về chuyện này, trong sách không nói gì, cho nên có nhiều khả năng. Khả năng lớn nhất, là bà cho rằng Hồ Nhất Đao với Miêu Nhân Phụng cùng một giuộc với nhau, nghĩa là bà chẳng hề phân biệt người bị hại với kẻ sát nhân, tưởng rằng Hồ Nhất Đao hành động theo sự chỉ dẫn của Miêu Nhân Phụng. Khả năng thứ hai, Thương Kiếm Minh năm đó sau khi đi khiêu chiến Miêu Nhân Phụng trở về, không kể cho vợ biết y đã gây nên những chuyện gì ở nhà Miêu, khiến Thương lão thái nhất mực cho rằng Thương Kiếm Minh bị giết là hoàn toàn oan uổng.

Khả năng cuối cùng là Thương lão thái biết Thương Kiếm Minh đã làm gì ở Miêu Nhân Phụng, cho rằng cả nhà Miêu Nhân Phụng đáng bị giết chết, phàm những kẻ đối đầu với chồng bà thì đều là địch cả. Tôi cảm thấy, đối với Thương lão thái mà nói, khả năng sau cùng lớn hơn cả. Cũng có nghĩa bà cho rằng những người bị chồng bà giết đều là đáng chết, chẳng có gì là vô tội hay có tội ở đây, bởi vì qui tắc chốn giang hồ là mạnh nuốt yếu, ngươi chết thì ta sống; ngược lại, kẻ giết chồng bà là đại ác, không thể dung tha. Cho nên, bà phải huấn luyện võ công cho con, hi vọng nó mau chóng trở thành kẻ mạnh trên thế gian, để báo thù rửa hận cho cha nó.

Bởi thế tất cả mọi việc xảy ra từ đó trở đi đều xuất phát từ niềm tin kiên định của Thương lão thái, rằng Thương Kiếm Minh chồng bà là một vị anh hùng cái thế, bà coi chồng như một thiên thần. Bà cũng tin chắc rằng mọi việc làm của chồng bà đều là hành động anh hùng; đồng thời còn cho rằng võ công của chồng bà là cử thế vô song. Về việc Hồ Nhất Đao dễ dàng giết chết Thương Kiếm Minh, bà nói với con là Thương Bảo Chấn như sau : “nếu trước đó cha ngươi không đấu với gã họ Mã, thì Hồ Nhất Đao đâu dễ gì hại nổi “Bát quái đao” uy chấn giang hồ là cha ngươi kia chứ”. (Xem Phi hồ ngoại truyện). Dưới con mắt của Thương lão thái, chồng mình nếu không bị nội thương trước đó do đánh nhau với Mã Hành Không, thì dẫu là Liêu Đông đại hiệp Hồ Nhất Đao hay “khắp thiên hạ không có địch thử” Miêu Nhân Phụng, cũng chẳng ai làm gì nổi chồng bà.

Nếu không, tại sao hồi trước Thương Kiếm Minh dám đến khiêu chiến Miêu Nhân Phụng ? Về điểm này, người ngoài thấy rất rõ, Thương lão thái hiển nhiên ít khi đặt chân vào giang hồ, ếch ngồi đáy giếng, không biết thiên hạ rộng lớn, bao nhiêu người tài, không biết trình độ võ công cao siêu của Hồ Nhất Đao và Miêu Nhân Phụng. Còn một nhược điểm nữa của những con ếch ngồi đáy giếng kiểu như Thương lão thái, ấy là cứ tưởng nhà mình là trung tâm của thế giới. Thực tế chính do niềm tin phần lớn mang tính tưởng tượng đó, mà Thương lão thái quyết chí báo thù. Cũng có khi cái sức mạnh tinh thần bắt nguồn từ hy vọng ấy đủ sức cổ vũ dũng khí coi khinh cái chết, lập nên kỳ tích trong đấu tranh. Việc đối phó với tên cường đạo nửa mùa Diêm Cơ là một ví dụ điển hình.

Thương lão thái sở dĩ muốn đứng ra một mình quyết đấu với Diêm Cơ, dĩ nhiên không phải vì bà trượng nghĩa bảo vệ tiêu ngân cho Mã Hành Không, - kẻ thù của gia đình bà, mà là vì căn cứ Thương gia bảo này do chính tay chồng bà dựng nên, “làm sao có thể để cho lũ chuột ngang nhiên cướp tiêu?” (Xem Phi hồ ngoại truyện). Thương lão thái vốn chưa chắc đã địch nổi Diêm Cơ, nhưng chỉ vì nghe hắn dương dương tự đắc nói “Thương Kiếm Minh đâu có gì là anh hùng, Bát quái đao pháp cũng chỉ đến thế này là cùng”, một câu nói đại kỵ đối với Thương lão thái, khiến bà điên cuồng lao tới, chiêu nào cũng liều chết với đối phương, Diêm Cơ đâm hoảng, mất ý chí chiến đấu, mới bại trận một cách khó hiểu.


CUỐI

Đánh bại được Diêm Cơ, Thương lão thái càng thêm tự tin. Nếu nói báo thù rửa hận là mục đích sống còn của bà, thì niềm tin đối với Thương Kiếm Minh và Bát quái đao pháp của chồng là chỗ dựa của sinh mạng. Mà niềm tin mù quáng càng mạnh, thì chỗ dựa của sinh mạng là “Ngọc nữ tâm kinh” trong thực tế lại càng yếu. Đúng lúc ấy xuất hiện một gã thiếu niên, gã ta đem xoá ba chữ “Hồ Nhất Đao” trên cái bia phóng tiêu, thay bằng ba chữ “Thương Kiếm Minh”, rồi trước mặt mọi người còn nhiếc Thương lão thái “không dám động thủ với người ta, lại đi viết tên người ta lên bia để phóng tiêu cho đỡ tức, như thế là hèn, là giở trò ma!”. (Xem Phi hồ ngoại truyện).

Gã thiếu niên kia chẳng phải ai khác, mà chính là Hồ Phỉ, con trai của Hồ Nhất Đao, kẻ thù của bà. Càng đáng sợ, là Thương lão thái cuối cùng phát hiện tên nhãi nhép Hồ Phỉ không chỉ có khí phách anh hùng thật sự, mà võ công cũng rất cao cường, chính bà cũng không địch nổi; lối đánh liều chết và quả cảm của bà đã không những mất tác dụng, mà trước mặt mọi người bà còn bị Hồ Phỉ giáng cho hai cái tát rát mặt ! Sau đó còn phát hiện, chẳng riêng bà không địch nổi Hồ Phỉ, ngay đến cao thủ hạng nhất của Bát quái môn là huynh đệ họ Vương cũng không thể dễ dàng bắt giữ Hồ Phỉ. Khi đó tâm trạng của Thương lão thái ra sao? Kinh hãi, chấn động, tức giận, xấu hổ, đau đớn, căm hận, tuyệt vọng cùng ập đến. Võ công của Hồ Phỉ như thế, không chỉ chứng tỏ việc bà hi vọng dùng võ công trả thù cho chồng là hoàn toàn vô vọng, mà thực chất còn chứng minh rằng võ công của Thương Kiếm Minh hoá ra không phải là đối thủ của Hồ Nhất Đao.

Bát quái đao uy chấn giang hồ, Thương Kiếm Minh cái thế vô song chẳng qua là ảo tưởng của bà mà thôi. Lúc này, mục đích sống còn của Thương lão thái và chỗ dựa niềm tin của bà đã bị Hồ Phỉ xoá bỏ hoàn toàn. Lúc ấy, tâm lý của Thương lão thái phát sinh đột biến, toàn thế giới trở thành kẻ thù của bà. Vô luận là Hồ Phỉ, Mã Hành Không, hai kẻ vốn có thù với bà, hay là hai kẻ khác không hề có thù với bà, như Vương Kiếm Anh, Vương Kiếm Kiệt, đều trở thành đối tượng căm hận của bà. Lúc này đúng là Thương lão thái trở nên không thể hiểu nổi, bà đóng sập cửa thiết sảnh lại, phóng hoả đốt cháy mấy người kia. Không ngờ chiêu cuối cùng mà Thương Kiếm Minh để lại, cũng bị gã thiếu niên Hồ Phỉ hoá giải được. Thế là Thương lão thái đành sử dụng “tuyệt chiêu” cuối cùng của mình, xuất kỳ bất ý đẩy Mã Hành Không vào biển lửa, rồi tự ôm thanh Tử kim Bát quái đao chồng bà để lại mà ngồi trong thiết sảnh rực lửa, để cho lửa thiêu cháy bà, để sang thế giới bên kia với người chồng Thương Kiếm Minh vô vàn yêu quí của mình.

Trên thế gian này, mục đích sống của Thương lão thái đã không còn, con đường duy nhất là chọn thế giới bên kia. Thực ra, trước khi phóng hoả thiết sảnh, Thương lão thái đã đóng cửa từ sớm cái thiết sảnh bà tự tạo trong lòng mình, để cho lửa thù hận nung nấu trong đó. Thương lão thái dùng ngọn lửa thù hận làm nguồn năng lượng sống của bà, lấy việc báo thù rửa hận làm mục đích sống còn của bà, thì việc tự thiêu mình, thiêu huỷ Thương gia bảo, thiêu huỷ cuộc sống của đứa con trai Thương Bảo Chấn, âu cũng là kết cục tất yếu. Việc báo thù của Thương lão thái hiển nhiên là một bi kịch, căn nguyên của bi kịch đó là sự biến dạng đột nhiên trong tâm lý của bà, cũng là bản thân sự thù hận, hơn nữa, là qui tắc một mất một còn chốn giang hồ.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

32.
MÃ XUÂN HOA
Mê muội đường tình


Thương lão thái chết rồi, Mã Xuân Hoa cuối cùng cũng chết. Thương lão thái chết bởi thù hận, Mã Xuân Hoa chết vì ái tình, cơ duyên vận số của đời người thường khiến cho người ta khó lòng tưởng tượng. Có lúc cứ nghĩ giả dụ Thương lão thái nghe theo nguyện vọng của con trai là Thương Bảo Chấn mà cầu hôn với phụ thân của Mã Xuân Hoa, có phải hai nhà đã hoá thù thành thân, mọi người cùng sống đầm ấm bên nhau, thì Mã Hành Không chẳng bị tai hoạ, Mã Xuân Hoa không đến nỗi tình mê tử lộ, Thương lão thái cũng sẽ không phải tự thiêu. Có điều nếu thế, trong sách đã chẳng có chuyện để viết. Hơn nữa, tính cách quyết định số phận, cuộc sống làm gì có chuyện giả dụ? Thực ra, chính vì Thương lão thái phát hiện con trai mình là Thương Bảo Chấn say mê Mã Xuân Hoa, mới bày ra một diệu kế để hành hạ con gái của kẻ thù, vừa hay bị Mã Hành Không nghe lén được, Mã Hành Không bèn đột nhiên quyết định để Mã Xuân Hoa đính hôn với đồ đệ là Từ Tranh, hơn nữa, còn cố tình mời Thương lão thái làm bà mối. Mã Hành Không cho rằng đấy là thượng sách, căn bản không buồn bàn với con gái, nên mới dẫn đến hậu quả bất hạnh cho Từ Tranh và Thương Bảo Chấn.

I

Mã Xuân Hoa đính hôn với Từ Tranh hôm trước, thì hôm sau nàng lại ngả vào lòng một kẻ không quen biết, mê mẩn kẻ đó không còn biết trời đất gì nữa. Đây rõ ràng là cảnh ngoài sức tưởng tượng, đáng kinh ngạc nhất trong sách. Đừng nói người ngoài, e rằng ngay cả Mã Xuân Hoa cũng không ngờ tới. Nếu là trường hợp của người khác, Mã Xuân Hoa cũng quyết không thể tin có chuyện như vậy. Xong việc rồi, có bảo nàng lý giải, nàng cũng chịu, quá nữa, chỉ có thể nói đây là oan nghiệt trong định mệnh của nàng : nếu không thì tại sao một cô nương hai mươi tuổi lại hồ đồ cả gan, giữa ban ngày ban mặt, làm một việc mà chỉ mới nghĩ thôi cũng đã đỏ mặt? Thực ra, cái gọi là oan nghiệt trong định mệnhcó nguyên do của nó. Trước hết nói về Phúc Khang An, đó là một vị quan trong triều, không chỉ có thân phận quí hiển, mà còn anh tuấn phóng khoáng, thủ đoạn cao minh, tài trăng gió quyến rũ thì khỏi cần nói. Ở vùng quê hẻo lánh này, đột nhiên gặp “một thiếu nữ mười tám, mười chín tuổi, mặt trái soạn, mắt đen láy, má ửng hồng, toàn thân rạo rực tuổi xuân”, (Xem Phi hồ ngoại truyện ) cô gái vừa trẻ trung khoẻ mạnh, vừa là bông hoa lạ, Phúc Khang An tội gì không “hái”? Lại nói về Mã Xuân Hoa, ta biết là một cô gái đang rạo rực tuổi xuân, đầu óc đơn giản, ngây thơ đáng yêu. Nàng rõ ràng không biết Phúc Khang An tới Thương gia bảo là nhắm nàng mà đến, nàng thậm chí còn không để ý tới vị quí công tử đó nữa. Điều này không phải vì nam nữ hữu biệt, mà là vì nàng đang rất vội, hơn nữa đang ngổn ngang tâm sự. Tâm sự ấy là nàng bất mãn với Từ Tranh, vị hôn phu mới đính hôn hôm qua, nàng chẳng qua chỉ đến xin Thương Bảo Chấn thả cậu bé Hồ Phỉ đáng thương, sau đó chẳng qua cũng chỉ muốn cứu Thương Bảo Chấn khỏi tay Hồ Phỉ, đâu có làm việc gì xấu xa, mà Từ Tranh lại hầm hầm ghen tuông tức giận? Như thế là cố ý làm cho nàng bị oan ức chứ gì? Mà Mã Xuân Hoa thì ghét nhất là bị oan ức; bị oan ức tất nhiên sẽ đau khổ, càng đau khổ, lại càng tủi thân: “Chẳng lẽ suốt đời ta sẽ phải sống với vị sư huynh ngang ngược vô lý này ư” Có cha ta ở bên cạnh, y còn hung dữ như thế, sau này không biết y sẽ đối xử với ta thế nào không biết?” (Xem Phi hồ ngoại truyện). Sau khi bị oan ức, tủi thân, Mã Xuân Hoa bất tri bất giác chui vào cái lưới đã chăng sẵn đón nàng ở vườn hoa sau nhà. Khung cảnh thiên nhiên, chàng công tử Phúc Khang An đa tình, đã khiến Mã Xuân Hoa không cầm lòng được nữa. Có lẽ chính Mã Xuân Hoa cũng không biết, đây thực ra là một xung động chống đối từ trong tiềm thức. Không chỉ chống đối vị hôn phu sư huynh Từ Tranh vô lý, mà còn chống đối người cha đột nhiên hứa hôn, không thèm hỏi nàng một câu. Nếu trong tình huống bình thường, Mã Xuân Hoa tuy ngây thơ, thậm chí tuỳ hứng, nhưng chắc chắn cũng không đám chống đối.Trong tình huống bình thường, cha nàng có hứa gả nàng cho sư huynh Từ Tranh, nàng cũng sẽ cảm thấy hợp lý mà vâng theo. Đằng này trong tình huống bất thường, nàng cũng đã vâng theo ý muốn của cha, đồng ý làm vị hôn thê của sư huynh; nhưng trong thâm tâm, thật ra Mã Xuân Hoa vốn không ưa vị sư huynh tướng mạo tầm thường, tính cách thô lỗ, đầu óc quá giản đơn. Chẳng nói đâu xa, Thiếu bảo chủ Thương Bảo Chấn còn hơn Từ Tranh rất nhiều, lại nhất mực si mê nàng. Nàng cảm thấy tủi thân oan ức, vì Từ Tranh mọi khi không hề to tiếng với nàng, thế mà vừa mới trở thành vị hôn phu được một ngày, đã hoá thành người khác hẳn, khiến nàng càng bất mãn về việc đính hôn. Giả sử Từ Tranh không đột nhiên thay đổi như thế, thì nàng cũng sẽ không đau lòng, tủi thân mà đi tới chống đối. Từ sự chống đối trong tiềm thức, hành động của Mã Xuân Hoa đương nhiên còn bị sự chi phối của tình dục. Trước hết, Mã Xuân Hoa đang rạo rực tuổi xuân, ở thời kỳ tình dục hoạt động mạnh mẽ. Thứ nữa, sau cơn bị oan ức tủi thân, tâm trạng hoang mang, không làm chủ được lý trí, cảnh vật ở vườn hoa sau nhà lại thơm ngát hương hoa, tiếng tiêu dìu dặt uyển chuyển, công tử Phúc Khang An có thủ đoạn quyến rũ cực kỳ khôn khéo, làm cho Mã Xuân Hoa tình dục manh động, mới khiến hai người lạ, gặp nhau lần đầu mà đã ăn nằm với nhau.

II

Nếu nói sự thất thân đột ngột của Mã Xuân Hoa khiến người ta không thể lý giải, hoặc rất khó tha thứ, thì việc Mã Xuân Hoa đối với Phúc Khang An nhất mực yêu thương tha thiết, đến chết vẫn không thay đổi, thật làm cho ai nấy vô cùng kinh ngạc. Thế nhưng Mã Xuân Hoa si mê như vậy không chỉ hoàn toàn phù hợp với tính cách của nàng, mà còn hoàn toàn phù hợp lẽ thường tình. Trước hết, Phúc Khang An là mối tình đầu thật sự của Mã Xuân Hoa, mà mối tình đầu thì bao giờ cũng đẹp, làm cho người ta ghi nhớ suốt đời. Hơn thế, Phúc Khang An còn là người đàn ông đầu tiên đem lại ham mê nhục dục cho nàng. Bất kể nam hay nữ, đối tượng quan hệ tình dục đầu tiên cũng sẽ được ghi nhớ suốt đời, vĩnh viễn không phai nhoà. Như vậy là cả về phương diện tình cảm hay thể xác, Phúc Khang An đều là người số một, Mã Xuân Hoa không thể nào quên. Điều quan trọng là khi đó, Mã Xuân Hoa không hề thất thân do bị lừa, mà là nàng hoàn toàn tự nguyện, sau đó không bao giờ hối hận. Thứ hai, mối tình đầu của Mã Xuân Hoa khác người ở chỗ, nó không chỉ là nam nữ yêu thích nhau, mà là tình yêu của con gái một tiêu sư, hiệp sĩ với một đối tượng hoàn toàn khác nàng về giai tầng văn hoá, xã hội! Cái tiếng tiêu dìu dặt uyển chuyển, cái cử chỉ dịu dàng mê li thật là ngoài sức tưởng tượng của Mã Xuân Hoa. Sự khác biệt về giai tầng xã hội và lối sống đối với một thiếu nữ sinh trưởng trong gia đình một tiêu sư như Mã Xuân Hoa, hiển nhiên là một cảnh sắc đầy sức hấp dẫn nên thơ. Rồi sự xa cách lâu dài sau vài buổi gặp gỡ ngắn ngủi, sự cách trở không gian lại chính là động lực khêu gợi óc thẩm mỹ và tưởng tượng. Không một ai cho nàng biết Phúc Khang An là người như thế nào, Mã Xuân Hoa chưa kịp hiểu về y, thì hai người đã biệt ly, nàng liền dùng hồi ức, nỗi thương nhớ vào ảo tưởng để bổ sung, vẽ ra trong óc bức tranh tươi đẹp nhất trên đời về người đàn ông ấy và tình yêu giữa hai người. Thứ ba, cái giây phút sung sướng nhất đời kia đã đem lại cho Mã Xuân Hoa hai đứa con sinh đôi hết sức đáng yêu. Nói theo cách bây giờ, đó là kết tinh của tình yêu. Đối với Mã Xuân Hoa, đó không chỉ là giọt máu của Phúc Khang An, mà quá nửa còn là sứ giả của số phận. Ngày ngày nhìn hai đứa con đáng yêu làm sao nàng có thể không nhớ đến cha đẻ của chúng, mối tình đầu của nàng, kia chứ? Nàng bị gả cho Từ Tranh, rõ ràng là vạn bất đắc dĩ, không chỉ là vì người cha quá cố đã hứa hôn, mà còn vì hai đứa bé kia không thể không có người cha danh nghĩa. Từ Tranh biết hai đứa bé kia không phải là con đẻ của mình, với tính cách như y, dĩ nhiên không nhịn được, thế là hai vợ chồng luôn xảy ra cãi cọ, ngăn cách. Mà hai vợ chồng càng hay cãi cọ, ngăn cách, thì Mã Xuân Hoa càng nhớ đến cha đẻ của hai đứa bé kia. Thứ tư, nếu Phúc Khang An mãi mãi biệt vô âm tín, mỗi người một phương trời, thì đành một nhẽ. Mã Xuân Hoa dẫu có bất mãn đến mấy về hôn nhân của mình, dẫu có nhớ nhung người tình đến mấy, cũng đành phải chịu. Đằng này, Phúc Khang An nhiều năm sau lại cho người đến hỏi thăm nàng, điều đó không chỉ có nghĩa muốn biết tin về đối phương, mà còn có nghĩa đối phương thuỷ chung vẫn chưa quên mình, như thế bảo Mã Xuân Hoa làm sao không xúc động? Thứ năm, giả sử anh chồng Từ Tranh của Mã Xuân Hoa đối xử tử tế một chút, thì Mã Xuân Hoa dẫu có xúc động, cuối cùng cũng chẳng đến mức bỏ hẳn chồng, lao đến với Phúc Khang An, báo thù Thương Bảo Chấn và giết Từ Tranh. Mã Xuân Hoa tuy không yêu chồng, song vẫn vì chồng mà giết Thương Bảo Chấn, triệt để chấm dứt một phen ân oán tình cừu. Bây giờ nàng được tự do một mình, không vướng víu, nếu không chạy đến với người tình của mình, thì mới là lạ, là trái thường tình. Mã Xuân Hoa làm như thế không phải vì nàng bạc tình vô nghĩa, mà chỉ vì trước sau nàng không hề yêu sư huynh Từ Tranh; tình cảm của con người thật không thể miễn cưỡng ép buộc. Cuối cùng, khi đến ở nhà Phúc Khang An, cuộc sống khác hẳn trí tưởng tượng và hi vọng của Mã Xuân Hoa, bấy giờ Mã Xuân Hoa đã không còn chỗ để lùi. Tuy bà mẹ chồng mới của nàng không chỉ coi nàng như kẻ xa lạ, thậm chí còn buộc Phúc Khang An đuổi nàng đi, thậm chí hạ độc, nhưng chỉ cần Phúc Khang An vẫn còn quan tâm đến nàng, thì nàng đều chịu đựng được hết. Song cuối cùng Phúc Khang An thấy nguy không cứu, lại còn nghi ngờ nàng; vậy mà đến chết nàng vẫn không tin Phúc Khang An lại có thể vô tình, tàn nhẫn đến thế với nàng. Lý do chỉ là vì nàng quá yêu Phúc Khang An, tưởng rằng hắn cũng yêu nàng như vậy. Giả dụ nàng có biết hắn không yêu nàng, chỉ cần hắn không chính miệng nói rằng hắn không cần nàng, hoặc hắn không đích thân giết nàng, thì tình yêu của nàng dành cho hắn vẫn không thay đổi Cho nên, khi sinh mệnh nàng cực kỳ nguy cấp, khát vọng cuối cùng của nàng vẫn là được gặp mặt Phúc Khang An lần cuối.

III

Hồ Phỉ không tìm được Phúc Khang An đến vĩnh biệt Mã Xuân Hoa, mà dù có tìm được hắn, Phúc Khang An cũng chưa chắc đã chịu theo Hồ Phỉ đi gặp. Thế là Hồ Phỉ thông minh nghĩ ra một cách để cho Trần Gia Lạc đóng giả Phúc Khang An, đến cho Mã Xuân Hoa gặp “chàng” lần cuối. Cuộc gặp ấy như thế nào, trong sách không nói rõ, chỉ tả Hồ Phỉ ở bên ngoài “bỗng nghe Mã Xuân Hoa kêu “a” một tiếng đầy sung sướng, tràn ngập tình yêu”. (Xem Phi hồ ngoại truyện). Đối với Mã Xuân Hoa, đó là kết cục trọn vẹn của cuộc đời. Kết cục này do lòng hiệp nghĩa và nhân từ của Hồ Phỉ và Trần Gia Lạc đem lại. Tác giả tả đoạn này, ngoài việc nói về thiện ý, rõ ràng còn có thâm ý khác, ấy là ngụ ý về tình yêu hư vọng của Mã Xuân Hoa. Người được nàng yêu không đến thăm nàng, đến thăm nàng hoàn toàn không phải là người nàng yêu, vậy mà nàng không phát hiện được, cứ ngỡ nàng đã được gặp người nàng yêu, như thế chẳng phải là hư vọng hay sao? Từ điểm này nhìn lại, tình yêu tha thiết thuỷ chung của Mã Xuân Hoa đối với Phúc Khang An không chỉ dẫn đến kết cục hư vọng, mà ngay từ đầu đã là hư vọng. Nói thẳng ra, Mã Xuân Hoa từ đầu đến cuối không biết bộ mặt thật của Phúc Khang An , không hề biết hắn là người như thế nào. Nàng chỉ là yêu cái cử chỉ biểu diễn yêu đương của hắn. Nàng yêu chân tình, sâu xa, nhưng tình yêu ấy lại dành cho hư không, chứ đối tượng yêu của nàng thực ra chỉ là ảo ảnh mà nàng tạo ra trong tâm trí. Ảo ảnh ấy chẳng qua do sự cách biệt về địa vị xã hội và không gian xa cách tạo nên. Chính vì cứ nghĩ đến cảnh sắc xa xôi ấy, nên càng ngày nàng càng không thể chấp nhận Từ Tranh ở bên cạnh, thậm chí sinh hoạt vợ chồng hàng ngày trở thành khổ sở, ngăn cách, lạnh nhạt, đầy mâu thuẫn. Giá như Mã Xuân Hoa cũng có thể như Tuyết điêu Quan Minh Mai trong Thư kiếm ân cừu lục, cuối cùng nhận ra người chồng đang sống bên mình quí giá hơn nhiều cái cầu vồng trên trời, thì tình yêu và cuộcsống của Mã Xuân Hoa nhất định đã khá hơn nhiều. Nhưng người trong cuộc thì mê muội, người ngoài cuộc mới sáng suốt, Mã Xuân Hoa từng được yêu say đắm một lần, sau đó thấy còn lại đều nhạt nhẽo. Cuối cùng, lúc nhắm mắt, người tình lại còn đến tiễn, đối với Mã Xuân Hoa, thế là đủ. Đời người như một giấc mộng, Mã Xuân Hoa không phân biệt được thật giả, điều đó chẳng quan trọng. Đối với nàng, “kiếp này sống cũng đáng rồi. Viết lan man đến đây, không chừng Mã Xuân Hoa sẽ trách tôi đa sự. Nghĩ thế, bất giác trong lòng tôi thấy trống trải vô cùng.
15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [73] [74] [75] [76] [77] [78] [79] ... ›Trang sau »Trang cuối