Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [27] [28] [29] [30] [31] [32] [33] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

THƯỢNG ĐỈNH


Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng thượng đỉnh là ‘đỉnh cao nhất’ rồi liền sau đó là thí dụ hội nghị thượng đỉnh với chú thích trong ngoặc đơn là ‘hội nghị cấp cao nhất’.

Lời giảng này không thực sự xác đáng. Trong tiếng Việt hiện đại, dù là ngôn ngữ văn học hay khẩu ngữ, hai tiếng thượng đỉnh cũng rất ít được dùng với cái nghĩa là “đỉnh cao nhất”. Đây chủ yếu là một thuật ngữ chính trị, như trong thí dụ hội nghị thượng đỉnh mà chính quyển từ điển này đã cho. Nhưng lời chú giải trong ngoặc đơn của nó thì cũng chẳng thoả đáng tí nào. “Cấp cao nhất” là một cách diễn đạt rất mơ hồ. Cấp cao nhất của một bộ dĩ nhiên là bộ trưởng, nhưng chẳng có ai gọi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 tại Singapore vừa qua (2018), chẳng hạn, là “hội nghị thượng đỉnh” cả.

Thượng đỉnh chỉ dùng cho các cuộc hội nghị của các nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ mà thôi. Đây là một hình thức sao phỏng (loan translation) dùng để dịch danh từ summit của tiếng Anh, thường được giảng một cách đơn giản là “a meeting between heads of government” (hội nghị giữa những người đứng đầu chính phủ), còn chi tiết hơn thì là “an international meeting of heads of state or government, usually with considerable media exposure, tight security, and a prearranged agenda” (hội nghị quốc tế của những người đứng đầu quốc gia hoặc chính phủ, có truyền thông đưa tin rộng rãi, an ninh thắt chặt và một nghị trình được sắp xếp trước). Summit là dạng tắt của summit meeting, cũng gọi là summit conference (ít dùng hơn), đều có nghĩa là “hội nghị thượng đỉnh”.

Thượng đỉnh là một cách dịch của riêng tiếng Việt, hoàn toàn không dính dáng gì đến tiếng Hán. Vì thế, việc từ điển Hoàng Phê dùng hai chữ Hán [上頂] để chú thích cho mục thượng đỉnh là một việc làm vô lý và hoàn toàn vô ích. Trong tiếng Hán thì “hội nghị thượng đỉnh” là thủ não hội nghị [首腦會議], nói tắt thành thủ não [首腦], hoặc cao phong hội nghị [高峰會議], nói tắt thành phong hội [峰會]. Trung Quốc cấm văn võng [中国禁闻网] có chuyên mục [美朝首腦] “Mỹ Triều thủ não”. Còn BBC News (Trung văn) ngày 28.2.2019 thì chạy tít [金正恩和特朗普越南河內峰會] “Kim Chính Ân hoà Đặc Lãng Phổ Việt Nam Hà Nội phong hội”(Donald Trump được phiên âm thành Đặc Lãng Phổ).

Nhưng có ý kiến cho rằng cách dùng thượng đỉnh cũng không hợp lý vì “thượng đã là đỉnh rồi nên thượng đỉnh là thượng lên đỉnh”. Đây là một cách nói thiếu suy nghĩ vì với cách hiểu này thì thượng đỉnh (chữ [上] lẽ ra phải đọc là thướng thì mới có nghĩa là “lên”) sẽ là một ngữ vị từ, tức là một cấu trúc cú pháp do vị từ động làm trung tâm.

Còn thượng đỉnh ở đây lại là một danh ngữ chính phụ mà thượng là định ngữ còn đỉnh là bị định ngữ, làm trung tâm của danh ngữ. Phải là danh ngữ thì thượng đỉnh mới được dùng để dịch danh từ summit của tiếng Anh chứ. Nó không phải là kết quả của một cách tạo từ sai trái, mà được tạo ra theo cái mẫu của danh ngữ Thượng đế.

Thượng trong thượng đỉnh cũng có vai trò và ý nghĩa y như Thượng trong Thượng đế. Nếu muốn nói thượng đỉnh bị đặt sai thì phải chứng minh rằng Thượng đếcũng là một cách đặt sai.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VỀ CÁI “GIA GIA” TRONG THƠ
BÀ HUYỆN THANH QUAN


Trong số mấy bài thơ chữ Nôm còn lại của Bà Huyện Thanh Quan, bài thơ “Qua Đèo Ngang” là bài thơ gần đây được tranh luận nhiều nhất về chữ nghĩa, đặc biệt là về từ ngữ “cái gia gia”(1).

Sự tranh luận này có chiều hướng phủ nhận quan điểm cũ của các tiền bối cũng như những người tin theo họ để bảo vệ cho cách đọc “cái đa đa”. Thế nhưng, theo chúng tôi, tranh luận đã không đi đến tiến bộ và sự thật với các bằng chứng có giá trị thuyết phục mà ngược lại đã gây ra nhiễu loạn về học thuật, làm mất cảm hứng cho người yêu thơ và gây hoang mang cho sự học tập, giảng dạy của thầy và trò.

Bài viết này là một cố gắng tìm hiểu lại vấn đề một cách khách quan trên tinh thần khoa học với các chứng cứ xác đáng. Hy vọng có thể trả lại giá trị nghệ thuật và ý nghĩa vốn có của những vần thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan.
I.
“Gia gia” và văn bản chữ quốc ngữ

“Cái gia gia” trong câu thơ thứ 6 ở bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan được phiên âm và viết chữ quốc ngữ sớm nhất có lẽ là từ tác giả Phạm Quỳnh, 1917(2) và sau đó đến các nhà nghiên cứu văn học khác như Tuyết Trang Trần Văn Ngoạn, 1918(3); Trần Trung Viên, 1925 - 1930(4); Ôn như Nguyễn Văn Ngọc, 1927(5); Georges Cordier, 1933(6); Ngô Tất Tố, 1941(7); Dương Quảng Hàm, 1941(8); Hạo Nhiên Nghiêm Toản, 1949(9); Trần Trọng Kim, 1946(10); Nguyễn Tường Phượng, 1953(11) và các nhà khác cho đến nay cũng vẫn là “cái gia gia”.

Về ý nghĩa “cái gia gia”, cụ Nguyễn Văn Ngọc, lần đầu tiên đã chú giải tường tận:“Gia gia = đáng lẽ cũng viết da da, hay đa đa; chỉ một giống chim thuộc về loài gà, loài công, lông đỏ, trắng, xám, hay đen, ở những nơi quang đãng, không đậu trên cành cây bao giờ và người ta hay săn bắn, mới đúng, nhưng cũng vì đây tuy mượn đến con da da mà thực ý lại nói đến gia ăn với chữ quốc ở trên và nghĩa là nhà”.

Như vậy, theo đó “gia gia” chính là “da da”, một biến âm dân gian của “đa đa” nhưng trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, “da da” phải đọc là “gia gia” (nhà) để ứng đối với “quốc quốc” ở câu trên vì cụ Ôn Như cũng đã giảng về “quốc quốc” ở câu thơ thứ 5: “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc” như sau: “Đáng lẽ viếtcuốc cuốc, nhưng vì đây tuy mượn đến con cuốc mà thực ý lại nói đến quốc nghĩa là nước. Ngô Tất Tố còn trích thơ của di thần đời Lê là Trần Danh Án: “鷓 鴣 鳴 家 家, 杜 鵑 鳴 國 國, 微 禽 尚 有 國 家 聲, 孤 臣 對 此 情 難 極, Gia cô minh “gia gia”, Đỗ Quyên minh “quốc quốc”, Vi cầm thượng hữu” quốc” “gia”, thanh. Cô thần đối thử tình nan cực” (Gà gô kêu gia gia, con cuốc kêu quốc quốc, loài chim nhỏ còn có tiếng kêu “quốc” “gia”, kẻ bề tôi chơ vơ đối với những tiếng ấy đau lòng khôn xiết” và cho là có thể Bà Huyện Thanh Quan đã chịu ảnh hưởng “minh quốc quốc”, “minh gia gia” để viết thành “con quốc quốc” và “cái gia gia”. Các nhà khác về sau, nói chung đều cũng hiểu ngay “gia gia” là nói đến loài chim đa đa hay gà gô, tên chữ Hán là giá cô 鷓鴣.

Tóm lại, 2 chữ cuối của câu thơ thứ 6 trong bài thơ Qua Đèo Ngang, từ trước đến nay đều được đa số các nhà nghiên cứu đọc hiểu là “gia gia” ám chỉ con chim đa đa và cũng liên tưởng đến ý niệm “nhà” như một thủ pháp “chơi chữ” trong thơ ca. Nhưng một số nghi vấn có thể nảy sinh từ đó: Tại sao chỉ là “gia gia” mà không phải là “da da” hay “đa đa”? Liệu có một dị bản nào khác thay cho “gia gia”?
II.
“Gia gia” và văn bản chữ Nôm

Trong tất cả các sách báo viết về bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan (kể các các bài tranh luận gần đây), điều đáng tiếc là thiếu vắng bản Nôm gốc (dù là truyền bản) để làm bằng chứng khi luận giải, nguyên nhân có thể là do trở ngại về việc in chữ Nôm hay thói quen xem thường bản gốc và cũng vì việc tìm đọc các văn bản Hán Nôm quý hiếm (lại không được sao chụp, in ra để phổ biến) rất khó khăn. Dù vậy, thông qua các tài liệu quốc ngữ xưa nay do các nhà nghiên cứu uy tín về văn học Hán Nôm biên soạn, ta nhận thấy không một tác giả nào đã đưa ra một dị bản nào khác ngoài “gia gia”.

Tuy nhiên Thanh Nghị, 1967(12) có thể là người đầu tiên đọc là “đa đa” thay vì “gia gia”: “Thương nhà mỏi miệng cái đa đa” nhưng lại không cho biết nguồn trích dẫn, có thể là ông tự suy đoán theo tri thức riêng mình. Rồi mới gần đây An Chi cũng tin tưởng và quả quyết cách đọc “đa đa”(13) là đúng nhưng lại cũngkhông đưa ra được bằng chứng về chữ Nôm, một thiếu sót quan trọng khi nghiên cứu, bàn luận. Nhưng cách đọc “đa đa” liệu có đúng theo văn bản chữ Nôm nào đó không?

Theo PGS. TS Đỗ Thị Hảo(14), những bài thơ Nôm của Bà Huyện Thanh Quan có chép rải rác trong 5 văn bản: 1. Liệt truyện thi ngâm, AB.147; 2. Quốc âm thi tập, AB.649; Thi ca quốc âm tạp lục, VHv.266; Quốc văn tùng thư, VHv.2248;Quốc văn tùng ký, AB.383, Đỗ Thị Hảo cho biết trong 5 văn bản này, chỉ có bản AB.383 là đáng tin cậy còn các bản khác đều chép tuỳ tiện, chữ có nhiều dị biệt. Bản Quốc văn tùng ký do Nguyễn Văn San tự là Vân Sơn tên hiệu là Hải Châu Tử biên soạn, ông là người sống cùng thời với Bà Huyện Thanh Quan. Các bài thơ này được Đỗ Thị Hảo khảo cứu với phương pháp: “...mỗi bài thơ chúng tôi sẽ so sánh, đối chiếu những dị biệt ở từng câu chữ với những bài thơ đã từng được công bố trước đây” và bài Qua đèo Ngangđã được Đỗ Thị Hảo phiên âm và chú thích cẩn thận, đáng chú ý là có kèm theo chữ Nôm, tuy nhiên, đây không phải chữ Nôm gốc nhưng lại là font vi tính nên không biết có thật chính xác? Câu thứ 6 như sau:“Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”, hai chữ “gia gia” được ghi là 家家. Chúng tôi đã tìm thấy bản chép tay văn bản Quốc văn tùng ký 國文 叢 記 AB.383 từ thư viện gia đình của Maurice Durand(15), phần Phụ Nhàn Khanh thi tập 附 嫻 卿 詩 集 có chép bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan và 2 chữ cuối câu thứ sáu được chép chữ Nôm là [家鳥], người chép tay đã phiên Nôm là “gia gia”. Chữ Nôm có phần biểu âm là gia 家 và phần biểu ý là điểu 鳥. Chữ Nôm trong sách của Đỗ Thị Hảo và của Maurice Durand tuy khác nhau nhưng dù sao phần thanh phù vẫn chỉ là gia 家 và từ âm gia chỉ có thể đọc là dahay gia mà thôi, không thể đọc ra “đa” được.

Cụ Trần Văn Kiệm(16) cũng đã từng dẫn ra chữ 2 chữ Nôm [家鳥] và [加 鳥] (thanh phù gia) và đọc là “gia” (mỏi miệng cái gia gia). Chúng tôi đã tra cứu trong các bộ tự điển chữ Nôm loại lớn như Đại tự điển chữ Nôm (Vũ Văn Kính)(17), Tự điển chữ Nôm(18) (Nguyễn Quang Hồng), Tự điển chữ Nôm trích dẫn(19) (Viện Việt Học) thì thấy âm “gia” được viết bằng chữ Nôm như 家, 加, 耶, 茄, 嘉, 傢, 痂, 椰, 跏, 葭, 瘕, 爺 (thanh phù gia, già, da)… và âm “đa” được ký âm bằng đa多,爹, 栘, [飠它] (thanh phù đa, đà). Riêng chữ 枷, tự điển Nguyễn Quang Hồng cho là có âm đa (trongcây đa) nhưng theo chúng tôi thanh phù gia phải đọc là “da” mới đúng âm xưa. Thật ra xưa là cây “da” (= cây đa) như tự vị của P. Béhaine (1772 - 73)(20), Huỳnh Tịnh Của(21) (1895 - 96) đã ghi nhận và viết Nôm là 椰 (da), đến tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức(22) (1931) mới ghi nhận cây da = cây đa. Như thế, cách đọc “đa đa” của Thanh Nghị và An Chi không xác đáng vì thiếu chứng cứ văn bản cũng như về phép đọc chữ Nôm, cho đến nay chưa phát hiện ra một dị bản nào chép chữ Nôm là 多 hay [鳥 多] và dĩ nhiên như trên đã nói, [家鳥], 家 trong bản AB.383 (và các bản khác) không thể đọc ra “đa đa”.
III.
“Gia gia” và tiếng kêu của chim giá cô (đa đa)

Tên gọi tiếng Việt của loài chim giá cô 鷓鴣 xuất hiện sớm nhất trong tự điển Việt - Bồ - La (1651)(23) của Đắc Lộ với tên gọi là chim “đa đa” và từ đó về sau hầu hết các tự điển, tự vị quốc ngữ đều chỉ ghi nhận “đa đa”. Về chữ Nôm của tên gọi loài chim “đa đa”, trong các văn bản Nôm như Tam thiên tự(24), Ngũ thiên tự (26), Tự Đức Thánh chế tự học giải nghĩa ca(27), Đại Nam quốc ngữ(28) và các tự vị, tự điển của P. Béhaine, Huỳnh Tịnh Của, J.F.M. Génibrel(29)… đều ký âm là 多多, không có tự dạng nào khác nữa. Hiện vẫn chưa tìm ra tài liệu nào ghi nhận chim đa đa còn gọi là da da hay gia gia nhưng vì các tự vị, tự điển xưa không thể thâu thập hết tiếng Việt nên không biết đến và rất có thể trong dân gian (ở địa phương nào đó) đã từng gọi tên như vậy? Tiếng Việt (hay trong phương ngữ miền Trung) từng có sự biến đổi qua lại giữa D và Đ như đao/dao; đĩa/dĩa; da/đa… vậy khả năng đa đa có thể được nói là da da như cụ Nguyễn Văn Ngọc đã giảng? Nguyễn Ngọc San(30) giải thích về “gia gia”: “Đây là cách chơi chữ của tác giả. GIA GIA là đa đa, giống gà nhỏ sống ở ven rừng (…) Đa đa có thể biến âm thành DA DA, giống như các trường hợp sau:

Đình→Dừng
Đao→Dao
Đốc (tâm)→Dốc (lòng)
Đẩy→Dẩy...

Giữa DA DA và GIA GIA không có gì khác nhau vì lúc này đã có sự xoá nhãn giữa đối lập D > < GI. Phiên là DA DA hay GIA GIA là do người phiên âm, và cũng để phô tài chơi chữ của tác giả”.

Nếu dân gian gọi tên “đa đa” theo tiếng kêu của loài chim giá cô như: “Tiếc rổ tép đa đa! Tiếc rổ tép đa đa!” thì cũng có thể còn các tên gọi khác dựa vào những âm nhại dân gian từ tiếng kêu chim đa đa như“Bát cát quả cà”, “hành bất đắc dã ca ca” để gọi là “gô”, gà gô (nguyên âm a thành ô như nam/nôm, hạt/hột), “gô” gọi tắt từ “giá cô” như chim “quyên” gọi tắt từ “đỗ quyên”. Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San trong Ngữ văn Hán Nôm (tập 2, Nxb. Giáo dục, 1988) lại nhìn nhận, giá - cô (là từ gốc phương Nam) của gà gô; vậy lẽ nào tiếng kêu “gia gia” như trong thơ Trần Danh Án đã từng viết “Giá cô minh gia gia”lại không được dùng để gọi tên: chim gia gia? Cụ Quách Tấn(31) đã cho biết thơ Tàu cũng có “gia gia”: “Đỗ vũ than đầu minh quốc quốc, Giá cô giang thượng khiếu gia gia” (Cuốc cuốc đầu gềnh kêu quốc quốc, Đa đa bờ nước gọi gia gia), “Dạ thính đỗ quyên minh quốc quốc, Nhật văn cô điểu hoán gia gia” (Cuốc kêu quốc quốc canh dài, Gia gia ngày những sụt sùi tiếng đa).

Theo Nguyễn Đổng Chi(32) và Đỗ Đức Hiểu thì “gia gia” là tiếng kêu của chim giá cô như sau: “Bất thực túc Chu gia”, vì dựa theo điển tích Bá Di, Thúc Tề không chịu ăn cơm gạo nhà Chu, rồi bỏ lên núi và hai ông nhịn ăn rồi chết đói, lòng mãi u uất, “Oan hồn hai ông biến thành một con chim kêu ra rả: “Bất thực túc Chu gia... Bất thực túc Chu gia... Chu gia...gia, gia...” có nghĩa là “Không ăn lúa nhà Chu... Không ăn lúa nhà Chu...” và tiếng cuối cùng “gia gia” âm vang trong núi. Mọi người bảo đó là con chim đa đa còn đầy uất hận” (33). Chắc tiếng kêu này chỉ là theo khẩu ngữ tục truyền từ dân gian Trung Quốc thôi chứ trong thành ngữ Hán chỉ có: “Bất thực Chu túc 不食周粟”(34) liên quan đến điển tích này.

Thông thường chim giá cô trong thư tịch Hán tục truyền có tiếng kêu là “hành bất đắc dã ca ca 行不得也哥哥” (xíng bù dé yě gē gē) nhưng ít ai biết rằng vẫn còn có tiếng kêu khác nữa đó là: “Áo não trạch gia 懊惱澤家” (ào nǎo zé jiā), trong bài thơ Giá cô 鷓鴣 của Vi Trang 韋莊 (đời Đường) có câu: “Áo não trạch gia phi hữu hận 懊惱澤家非有恨” và “Áo não trạch gia” theo bộ Từ Nguyên (36) chính là tiếng kêu của chim giá cô. Nguyễn Văn San trong Đại Nam quốc ngữ(37) đã chú giải về chim đa đa (giá cô) như sau: “Chim đa đa, vua Nghệ Tông gọi nó là Hoài Nam, lại có tên Việt trĩ, nó thường kêu “áo não trạch gia,“câu chu cách trách”, hành bất đắc dã ca ca”. Như thế, các âm “jiâ”, “gia” và “gia gia” cũng là một cách tượng thanh của tiếng kêu của chim đa đa chứ không nhất định chỉ là “gē gē”, “ca ca” hay “đa đa”.

Nếu chưa tìm thấy tài liệu chữ quốc ngữ nào ghi nhận chim da da/gia gia cũng không thể khẳng định là không có vì chính tiếng kêu “jiâ”, “gia” và “gia gia” và quan trọng hơn, đó là cách viết 家, [家鳥] trong văn bản chữ Nôm AB.383 đã là những bằng chứng chắc chắn cho tên gọi chim da da/gia gia. Trừ phi tìm ra được một văn bản chữ Nôm có niên đại sớm nhất, trước bản Nôm AB.383 khắc hay viết là 多 hay [鳥 多] mới có thể quả quyết Bà Huyện Thanh Quan dùng “cái đa đa” chứ không phải là da da/gia gia. Đây cũng là sự phủ định đối với ý kiến vô căn cứ của An Chi khi ông viết một cách võ đoán, trịch thượng: “Gia gia” cũng đâu có phải là tiếng kêu của con đa đa! Đúng như thế và đây là một căn cứ tối quan trọng: Con đa đa đâu có kêu “gia gia” (…) Thế mà người ta đã chấp nhận nó một cách thụ động hàng trăm năm nay và còn hân hoan khen lấy khen để, hoàn toàn không biết rằng “cái gia gia” chỉ là một cấu trúc rỗng tuếch về ngữ nghĩa và sai bét về ngữ pháp. Khôi hài nhất là hàng trăm năm nay, từ cái cấu trúc dỏm đó, các “nhà có uy tín” kia đã suy ra được những cái ý dễ làm rung động lòng người về gia đình, đất nước”(36).
IV.
“Gia gia” và nghệ thuật dùng chữ của Bà Huyện Thanh Quan

Với tình hình văn bản hiện nay như chúng tôi đã dẫn ra, cho phép ta tin rằng Bà Huyện Thanh Quan thực sự viết [家鳥], 家 (thanh phù gia) va sẽ có thể đọc là:

1/ DA DA: “Thương nhà mỏi miệng cái da da”. “Da da” có thể hiểu là biến âm của “đa đa” và câu trên “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc” (cuốc chứ không phải là quốc). Nhưng nếu chỉ có thế (da da chẳng qua chỉ là đa đa), 2 câu thơ sẽ trở nên rất bình thường và không có gì đáng tranh luận. Cho nên, ta có thể suy luận hợp lý: nhà thơ cố ý một cách khác thường để nhất định dùng “da da” mà không dùng “đa đa” như muốn người đọc phải liên tưởng đến một âm khác đó là:
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

2/ GIA GIA:


“Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”. Tại sao là “gia gia”? Đây chính là một vấn đề lý thú. Nhưng trước hết cần phải đặt dấu hỏi: Tại sao nhà thơ không dùng ĐA ĐA, một tên gọi quá quen thuộc, phổ biến toàn quốc ít nhất từ thế kỷ 17 cho đến ngày nay mà lại như cố ý dùng GIA GIA? Sao không có một bản Nôm nào truyền lại viết là 多多 hay [鳥多] [鳥多] để đọc thành 2 câu thơ rất bình thường, dễ hiểu như: “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc. Thương nhà mỏi miệng cái đa đa”? và sẽ chẳng có gì đáng phải tranh cãi hay khen chê cho mất thời gian, tốn giấy mực cả. Đây là một phản đề rất quan trọng để đi đến khẳng định về từ ngữ “gia gia” là một cách chọn lọc chữ nghĩa rất tinh tế của nhà thơ. Bà Huyện Thanh Quan nếu viết [家鳥], 家 la có dụng tâm, dụng ý về tu từ, theo chúng tôi cảm nhận, nhà thơ đã chọn âm “gia gia”, vừa giống với “da da” - chim đa đa - (thật ra trong tiếng Việt ngày xưa, các phụ âm D và GI hoà lẫn, không phân biệt rõ như ngày nay) vừa liên tưởng đến tiếng kêu “gia gia” như văn, thơ chữ Hán (Việt - Hoa) đã từng dùng và gợi đến ý niệm gia/nhà theo ý “thương nhà: mỏi miệng”. Không chỉ có thế, GIA GIA sẽ ứng đối với QUỐC QUỐC ở câu trên. “cuốc cuốc” là tên chim cuốc, nhưng ở đây dùng điệp tự cho ứng với con da da/gia gia như một bài thơ trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập từng viết: “Ðậu lá võ vàng con bướm bướm. Ấp cây gầy guộc cái ve ve”(37), con bướm/ bướm bướm, con ve/ve ve là bình thường trong tiếng Việt xưa nay. “Cuốc” đồng âm “quốc” nên sẽ là QUỐC vì QUỐC vừa giống với “cuốc” (chim) vừa liên tưởng đến tiếng kêu “cuốc cuốc/quốc quốc” như thơ chữ Hán (Việt - Hoa)(38) và sẽ gợi ý niệm quốc/nước theo ý “nhớ nước: đau lòng” ở đầu câu.

Đây chính là tài năng làm thơ độc đáo của Bà Huyện Thanh Quan. Khi đọc ngâm 2 câu thơ 5 và 6, tiếng Việt sẽ như sau:

“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái da da”

Nhưng ngẫm ra mới thấy thủ pháp chơi chữ tài tình: cuốc/quốc và da/ gia và như vậy khi viết chữ Việt cần phải viết QUỐC và GIA nhằm thể hiện rõ phép tu từ của tác giả.

“Nhớ nước đau lòng con QUỐC QUỐC.
Thương nhà mỏi miệng cái GIA GIA”

V. Thay lời Kết

Qua những tìm hiểu và luận chứng ở trên, chúng tôi nhận thấy rằng cách đọc “gia gia” từ các bậc tiền bối là hoàn toàn hợp tình hợp lý vì văn bản chữ Hán, Nôm truyền lại cũng như các bằng chứng về ngữ âm lẫn tiếng kêu của chim đa đa đã chứng minh một cách xác đáng. Sự cảm thụ cũng như nhận thức thấu đáo của tiền nhân về nghệ thuật dùng chữ của Bà Huyện Thanh Quan là đáng trân trọng. Chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm một vài ý quan trọng như tái khẳng định quan điểm của các tiền bối: Nhà thơ nhất định không viết chữ Nôm là 多多 hay [鳥 多] [鳥 多] (không hề có dị bản viết 多 hay [鳥 多]) nghĩa là từ chối âm đọc “đa đa” rất phổ biến trong tiếng Việt trước và ngay trong thời đại của mình nhưng đã chọn lựa tinh tế âm đọc “da da/gia gia” và viết chữ Nôm là [家鳥], 家 như muốn gợi ý cho người đọc liên tưởng ngay đến tiếng kêu “gia gia” của chim đa đa, hơn nữa, “gia” còn gợi ý niệm nhà và thể hiện sự ứng đối với “cuốc cuốc/quốc quốc” ở câu trên. Cho nên, cuối cùng, vẫn là CÁI GIA GIA, hiểu như một tên gọi khác của chim da da/ đa đa. Bằng chứng cho cách đọc GIA GIA chính là tiếng kêu “jiā”, “gia” và “gia gia” của chim giá cô trong thư tịch Hoa - Việt và cách viết 家, [家鳥] trong văn bản chữ Nôm AB.383. Vậy thì, 2 câu thơ đặc sắc trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan xưa nay vẫn là:

“Nhớ nước đau lòng con QUỐC QUỐC.
Thương nhà mỏi miệng cái GIA GIA”

Rất mong rằng, bài viết này sẽ đem lại sự yên tâm và vẻ đẹp của thi ca đến với các bạn yêu thích thơ, văn học Việt Nam và các thầy cô cùng các sinh viên, học sinh.

ĐINH VĂN TUẤN
-------------------------
1. An Chi:
Cái “gia gia” chẳng là… cái gì cả! (http://vienngonnguhoc.gov.vn).Vẫn cứ là cái đa đa (Tạp chí Đương Thời số 11/2009)(http://tunguyenhoc.blogspot.com).Không thể không là cái đa đa (http://www.vanhoahoc.vn). Không nên lẫn lộn các giống chim (http://nhavantphcm.com.vn).
2. Nguyễn Quảng Tuân, “Cuốc cuốc - da da” hay “Quốc quốc - gia gia” (http://www.honvietquochoc.com.vn).
3. Vương Trung Hiếu.
Cái gia gia là … cái nhà! (http://www.vanhoahoc.vn).Trao đổi về giống chim (http://www.vanchuongviet.org).
Lại bàn về giống chim (http://www.vanchuongviet.org).
Nam phong Tạp Chí số 5, 1917; số 7, 1918.
4. Trần Trung Viên, Văn đàn bảo giám, Nxb. Văn Học 2004.
5. Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Nam thi hợp tuyển, Vĩnh Hưng Long Thư Quán, 1927, Xuất Bản Bốn Phương (Tái bản), 1952.
6. Georges Cordier, Etude sur la littérature annamite, Saigon 1933.
7. Ngô Tất Tố, Thi văn bình chú, Nxb. Văn Học, Trung tâm Văn hoá Đông tây (tái bản theo bản in lần đầu 1941). 2010.
8. Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử yếu, 1941, Chương thứ IV, Trung tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục (in lần thứ 10), Sàigòn, 1968.
9. Hạo Nhiên Nghiêm Toản, Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu (tập 1). Nhà Sách Vĩnh Bảo Sài Gòn 1949
10. Lệ Thần Trần Trọng Kim, Việt Thi, Nxb. Tân Việt. 1949.
11. Nguyễn Tường Phượng - Phan Văn Sách - Bùi Hữu Sung, Việt văn diễn giảng hậu bán thế kỷ thứ XIX,. Tài Liệu Giáo Khoa, Hà Nội, 1953.
12. Thanh Nghị, Việt Nam tân từ điển minh hoạ, nhà sách Khai Trí. 1967.
13. Xem chú thích 1, An Chi.
14. Đỗ Thị Hảo (chủ biên), Các nữ tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb. KHXH. 2010.
15. Maurice Durand, Quốc văn tùng ký, AB.383 (nguồn http://findit.library.yale.edu).
16. L.m An-tôn Trần Văn Kiệm, Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Nxb Đà Nẵng & Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa Kỳ, Đà Nẵng. 2004.
17. Vũ Văn Kính, Đại tự điển chữ Nôm, NXB Văn Nghệ TPHCM 1999.
18. Nguyễn Quang Hồng (chủ biên), Tự Điển Chữ Nôm, Nxb. Giáo Dục 2006.
19. Nguyễn Hữu Vinh, Đặng Thế Kiệt, Nguyễn Doãn Vượng, Lê Văn Đặng, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Uyên Thi, Tự điển chữ Nôm trích dẫn, Viện Việt Học ấn hành, 2009.
20. P.J. Pigneaux, Dictionarium Anamitico - Latinum, (bản thảo viết tay) (1772 - 1773). Nguồn: bản pdf của NNT trong Diễn đàn VVH (viethoc.com).
21. Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc âm tự vị, Tom I-II Sài Gòn 1895-1896, Nxb. Trẻ, tái bản 1998.
22. Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển, Hà Nội, 1931, Mặc Lâm tái bản, 1968.
23. Alexandro de Rhodes (1651), Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm et Latinvm, bản dịch tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb. Khoa học Xã hội, 1991.
24. Tam thiên tự giải dịch quốc ngữ (ký hiệu R.1667), Liễu Văn Đường Tàng Bản, khắc in năm 1915, (Nomfoundation.org).
25. Nguyễn Bỉnh, Ngũ thiên tự dịch Quốc ngữ, bản khắc in năm 1909, ký hiệu R.1554 (Nomfoundation. org).
26. Phan Đăng (dịch), Thơ văn Tự Đức (tập 3), Nxb. Thuận Hoá, Huế. 1996.
27. Lã Minh Hằng (khảo, phiên, dịch chú), Khảo sát từ điển song ngữ Hán -Việt, Đại Nam quốc ngữ (Nguyên bản Nguyễn Văn san), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. 2013.
28. J.F.M Génibrel, Dictionnaire Annamite - Français, Deuxième édition, Tân Định, Saigon 1898, nguồn sách phổ biến từ books.google.com.
29. Nguyễn Ngọc San, Thử bàn về vấn đề phiên Nôm, Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm.2004, Thư viện Quốc gia Việt Nam - Hà Nội.
30. Quách Tấn, Nét bút giai nhân, Nxb. Phụ Nữ 1998.
31. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Sự tích chim đa đa, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2000.
32. Đỗ Đức Hiểu, Mai Thục, Nguyễn Văn Khoả, Điển tích văn học: 100 truyện hay Đông Tây kim cổ, Nxb. Khoa Học Xã Hội - Mũi Cà Mau, 1990.
33. Hán Điển, (nguồn http://www.zdic.net).
34. Từ nguyên (tu đính bản) Thương Vụ Ấn Thư Quán, Bắc Kinh 1998.
35. Lã Minh Hằng (khảo, phiên, dịch chú), Khảo sát từ điển song ngữ Hán -Việt, Đại Nam quốc ngữ (Nguyên bản Nguyễn Văn san), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. 2013.
36. An Chi, Không thể không là cái đa đa, (nguồn: http://www.vanhoahoc.vn).
37. Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên, Hồng Đức quốc âm thi tập, (in lần thứ hai có sửa chữa) Nxb. Văn học, Hà Nội., 1982.
38. Tiếng chim cuốc kêu “cuốc cuốc” đã xuất hiện trong bài thơ “Lại vịnh nắng mùa hè” trong Hồng Đức quốc âm thi tập(sđd), ở câu: “Cuốc cuốc, cuốc hằng khua mõ cuốc”.
http://tapchisonghuong.co...o-qua-deo-ngang-15156.jpg
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRÁI và QUẢ


Trong tiếng Việt có hai từ “trái” và “quả” đồng nghĩa. Các nhà ngôn ngữ học xác định rằng quả là từ Hán - Việt, còn trái mới là từ bản địa. Tuy nhiên, khi đã vào tiếng Việt, từ quả đã hoạt động tích cực và lấn át trái, đẩy trái vào phạm vi hoạt động hẹp ở tiếng địa phương miền Nam và một vài cách dùng trong ngôn ngữ toàn dân.

Một trong những cách dùng như vậy là trái trong tư cách “loại từ”, dùng để gọi một bộ phận được xem như rất quan trọng, là biểu tượng của tình cảm con người, đó là trái tim. Có thể vì quả khiến người ta hình dung rất rõ nét về dạng của sự vật, nên khi nói quả tim thì người Việt thấy “tim” nặng về hướng vật chất thể xác, còn khi nói trái tim thì người ta lại hình dung thấy đó là một sự vật trừu tượng và thanh tao, nơi ẩn giấu đồng thời là khởi nguồn của những tình cảm chân thành và cao thượng của con người.

Người ta cũng thường thắc mắc vì sao có thể nói được là quả tim, quả thận (và cả quả đấm, hoặc đôi khi cả quả mông nữa), mà lại không nói quả đầu. Chẳng phải “đầu” cũng có hình như một quả cây, và nếu xét về kích thước thì chẳng phải là có biết bao sự vật khác to hơn “đầu” nhiều lần mà vẫn được gọi là quả (quả núi, quả đất...) đó sao?

Câu hỏi này có thể làm lúng túng nhiều nhà ngôn ngữ học, trong số đó có cả người đang kể câu chuyện này. Và, câu trả lời có vẻ vô trách nhiệm nhất là bảo rằng vì người Việt vẫn nói như thế (cũng như bảo rằng Vì ông trời đã sinh ra thế).

Nhưng quả thật người Việt đã trả lời rằng “tim” và “thận” dễ khiến người ta liên tưởng đến “quả” hơn (so với “đầu”). Vâng, từ quả vốn dùng để chỉ sự vật trên cây - do bầu nhuỵ hoa phát triển mà thành, bên trong chứa hạt, và từ ấn tượng về dạng hình cầu thường gặp ở sự vật này mà người Việt đã dùng tên nó (quả) để gọi nhiều sự vật khác được coi là có hình dạng tương tự như nó. Tuy nhiên giữa một số bộ phận cơ thể người và “quả” của cây có sự liên tưởng hơi khác (chứ không hoàn toàn như “núi” và “đất” trong sự liên tưởng tới “quả” của cây). Có thể là khi gọi “tim” và “thận” là quả, người ta còn chú ý rằng các bộ phận cơ thể này và “quả” cây có điểm chung (có thể được xem như quan yếu, và “đầu” thì không có) là treo trên cuống và chúc (hoặc có vẻ như chúc) xuống dưới.

Với “đầu”, có thể mặc dù nó cũng đại khái là hình cầu, nhưng người Việt đã rất bị phân tâm và không dám gọi nó là “quả”. Nói là “không dám” bởi trên thực tế vẫn có những thanh niên nghịch ngợm, ăn nói phá cách kiểu “hôm nay phải đi làm quả đầu cho nó mát” (tức là cắt tóc), v.v.. Chắc vì thấy còn nhiều sự vật khác rất gây chú ý đi kèm ở “cái vỏ” tức là ở bề mặt của nó. Và rất khó đoán xem bên trong nó có “hạt” hay có những cái gì hoặc đang xảy ra những cái gì...

Tạ Văn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VỀ CHỮ “HỒNG” TRONG BÀI THƠ “MỘ”
CỦA HỒ CHÍ MINH


  Trên tạp chí Ngôn ngữ học-Viện ngôn ngữ học Việt Nam, số 6-2007 có bài “Thiết kế thử nghiệm bài học ngữ văn” đối với bài thơ “Mộ (Trích ngục trung nhật ký, Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, tập 1)” của Th.S Vũ Thị Sao Chi (hiện là Tiến sĩ - Phó tổng biên tậpTạp chí ngôn ngữ học-Viện ngôn ngữ học Việt Nam). Bài viết  thể hiện sự đầu tư công phu khi đưa ra cách giảng dạy bài thơ “Mộ” (Chiều tối).

Đặc biệt đã có sự so sánh khá kỹ giữa bản phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ để hướng dẫn giáo viên phân tích, cảm thụ cái hay, cái đẹp của bải thơ. Tuy nhiên, khi phân tích hai câu thơ cuối:

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
Nam Trân dịch:
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết lò than đã rực hồng.

ThS. V.T.S.C chỉ căn cứ vào chữ “hồng” qua bản dịch thơ của Nam Trân mà không tìm hiểu chữ “hồng” trong nguyên tác chữ Hán nên dẫn đến sự nhầm lẫn. Cụ thể V.T.S.C luôn bám vào hai từ “rực hồng” của người dịch để hướng dẫn giáo viên phân tích, cảm thụ bài thơ.

Do hiện tượng “đồng âm, dị nghĩa”, trong Hán tự có rất nhiều chữ “hồng”. Chữ hồngcó bộ mịch nghĩa là mầu đỏ, mầu hồng, chữ hồng có bộ trùng nghĩa là cầu vồng, và chữhồng có bộ hoả có nghĩa là đốt, sưởi ấm, hoặc nướng lên lửa cho chín, v.v... (Xem Tự điển Hán Việt-Thiều Chửu, Hán Việt từ điển-Đào Duy Anh và Từ điển Hán-Việt hiện đại của Vương Trúc Nhân-Lữ Thế Hoàng) Khi đọc nguyên tác chữ Hán của bài thơ “Mộ” chúng ta sẽ thấy rằng, chữ “hồng” (烘) trong câu cuối bài thơ “Mộ” có bộ hoả(1). Chữ “hồng” có bộ hoả,  Bác dùng với nghĩa, đốt, nhóm lửa lên chứ không phải chữ “hồng” có bộ mịch (紅) là mầu hồng- sắc mầu của ngọn lửa “rực hồng”. Có nghĩa, chữ “hồng” (烘)Bác dùng trong câu thơ là một động từ ( đốt lên, nhóm lửa lên, sưởi ấm) chứ không phải chữ “hồng”(紅)tính từ (chỉ màu sắc lửa hồng).

Đây không phải là sự ngẫu nhiên. Ta có thể so sánh cách dùng một số chữ “hồng”khác có trong tập thơ Ngục trung nhật ký. Để chỉ màu hồng của mặt trời, của ánh sáng xua tan bóng đêm trong bài Tảo giải (Giải đi sớm) Bác đã dùng chữ “hồng” có bộ mịch (紅 ). Chữ “hồng” có bộ mịch (紅) với nghĩa mầu sắc xua tan bóng đêm-hoàn toàn khác với chữ“hồng” có bộ hoả (烘) nghĩa là đốt, sưởi ấm trong bài “Mộ”:

“Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng
U ám tàn dư tảo nhất không”
Dịch nghĩa:
Màu trắng ở phương đông đã thành màu hồng
Bóng đêm rơi rớt đã bị quét sạch.(2)

Hoặc chữ “hồng” có bộ mịch (紅), cũng chỉ mầu sắc như vậy trong bài “Triêu cảnh” (Cảnh buổi sớm):

Thái dương mỗi tảo tòng sơn thượng
Chiếu đắc toàn sơn xứ xứ hồng
Dịch nghĩa:
Mỗi buổi sớm, mặt trời từ đỉnh núi mọc lên
Núi non, xứ xứ đều rực ánh hồng (3)

Trở lại bài thơ “Mộ”. Do không hiểu đúng nghĩa nguyên tác chữ “hồng” (烘)  lại bám vào chữ “rực hồng” của Nam Trân dịch nên người thiết kế thử nghiệm bài học ngữ văn cho giáo viên đã sa vào suy diễn, gán ghép,  “tán” ý thơ mà không ít nhà phê bình đã từng lầm tưởng: “Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh “lò than rực hồng”. Đây là tín hiệu đa tầng ý nghĩa”;...  “Hình ảnh lò than rực hồng còn là một nét vẽ tương phản trên nền bóng đêm đen, nó cân lại bức tranh của núi rừng chiều tối, làm sáng lên và ấm lại khung cảnh hoang lạnh tối tăm. Nghệ thuật thơ Đường gọi những hình ảnh như thế là “thi nhãn” (mắt thơ). Ánh sáng lung linh, sức sống ấm áp, niềm tin yêu cuộc đời đã toả ra từ ngọn lửa-con mắt thơ rực rỡ ấy. Từ sức bật của hình tượng thơ (rực hồng) phả ra một nguồn ánh sáng, một nguồn nhiệt lượng mạnh mẽ để tiếp cho con người hơi ấm...”...  “Hình ảnh lò than rực hồngcuối bài thơ chính là một biểu hiện của nhãn quan nghệ thuật ấy.“v.v...

Từ sự nhầm lẫn đó, Vũ Thị Sao Chi đã chê Nam Trân khi dịch câu: “Cô em xóm núi xay ngô tối”: “Bản dịch đã thêm vào chữ tối làm mất đi dấu hiệu nghệ thuật độc đáo (trở nên lộ liễu) vì nguyên bản không nói tối mà vẫn gợi được tối, nhờ ánh sáng của lò than rực hồng-nghệ thuật lấy sáng để gợi tối.” và “Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh lò than rực hồng. Đây là một tín hiệu nghệ thuật đa tầng ý nghĩa. Trước hết hình tượng thơ gợi bước đi của thời gian. Thời gian vận động từ chiều sang tối hẳn. Nguyên bản câu cuối không có chữ tối mà cả bóng tối bịt bùng của núi rừng đã được mở ra khi “lò than rực hồng” của cô gái xóm núi bừng sáng (khi mặt trời tắt, rừng núi mịt mùng thì tự nhiên ta có thể nhìn rõ nơi có ánh sáng) Lấy ánh sáng gợi tối chính là một thủ pháp độc đáo của ý thơ này.”

Tất cả những bóng đêm Vũ Thị Sao Chi tưởng tượng ra như: “nét vẽ tương phản trên nền bóng đêm đen”, “hoang lạnh tối tăm”, “bóng tối bịt bùng của rừng núi đã được mở ra”đều thể hiện sự lạc lối bắt đầu từ chữ “hồng”. Vũ Thị Sao Chi quên rằng, bài thơ tả cảnhchiều tà, chiều muộn, gần tối chứ không phải trời đã tối. Tính thời gian (hay giới hạn thời gian) tác giả bài thơ đã khẳng định ở đầu đề bài thơ là chữ “Mộ” (暮) chứ không phải chữ “Dạ” (夜).

Nên hiểu rằng, với các dân tộc miền núi cao, bắp ngô là lương thực chính hàng ngày. Ngô làm cơm, làm bánh được xay dùng từng bữa. Xay ngô chiều để chuẩn bị cho bữa tối. (Giống như tiếng chày giã gạo vang lên rộn rã rừng chiều của cư dân vùng thung lũng lúa nước chuẩn bị bữa cơm tối). Do đó, hai câu:

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
Dịch nghĩa:
Thiếu nữ xóm núi xay ngô,
Ngô xay xong, lò than đã được nhóm lên.

Công việc , đốt lò, nhóm lò lên ở đây được hiểu là chuẩn bị cho bữa cơm tối (lô = lò than, dĩ = đã, được; hồng = đốt, nhóm lên ). Bởi vậy khi dịch câu “Ngô xay xong, lò than đã được đốt (cháy rực) lên” thành “Xay hết lò than đã rực hồng” Nam Trâm đã có ý thêm chữ“tối” vào câu thơ trước: “Cô em xóm núi xay ngô tối”. Có nghĩa, xay ngô chuẩn bị cho bữa cơm tối, không phải xay ngô khi trời (đã) tối; và hai từ “rực hồng” Nam Trân dịch ở đây, nghĩa đen là bếp lửa nấu cơm chiều, không phải ngọn lửa cháy trong bóng tối, “Thời gian vận động từ chiều sang tối hẳn” như sự suy diễn của V.T.S.C.

Như trên đã nói, chữ “hồng” (烘) trong bài thơ này có nghĩa là đốt, nhóm lửa lên, sưởi ấm, không phải chữ “hồng” (紅) là ánh lửa sáng mầu hồng. Vậy, tại sao Bác lại dùng chữ “hồng” với nghĩa là nhóm lửa lên, mà không dùng chữ “hồng” với nghĩa đơn thuần làánh lửa sáng mầu hồng trong đêm tối ? Chúng ta đều biết, trong khoảng thời gian bị giam cầm, Bác liên tục bị giải đi hết nhà lao này đến nhà lao khác:

Liễu Châu, Quế Lâm, lại Liễu Châu
Đá qua đá lại, bóng chuyền nhau.
Vô đề(4))

Bài thơ “Mộ” là một trong những bài Bác làm khi đang trên đường bị giải. Đó là khung cảnh buổi chiều, thời khắc mọi vật dường như đều mệt mỏi sau một ngày dài. Cánh chim mỏi bay về rừng tìm chốn ngủ, chòm mây đơn chiếc cũng trôi chậm lại. Tất cả dường như đều trở về ngôi nhà của riêng mình để nghỉ ngơi. Trong khi người tù vẫn “cất bước trên đường thẳm”(5) và không biết “Giải tới bao giờ, giải tới đâu”(6). Giữa rừng chiều vắng, đói rét, mỏi mệt, ai chẳng mơ về một mái ấm bình dị, nơi có bếp lửa ấm áp và bữa cơm tối đang chuẩn bị. Buổi chiều chính là thời khắc dễ khiến những bước chân tha hương nhớ, nghĩ, mơ về người thân và mái ấm gia đình. Thơ Hồ Chí Minh, cảnh và tình bao giờ cũng rất cụ thể, giản dị và thắm đượm tình người cùng hơi thở đời sống. Lò than được đốt lên, nhóm lên sưởi ấm không gian khi một ngày sắp tàn như khẳng định ngọn lửa trong lòng người tù không bao giờ tắt. Nó tiếp tục được nhen lên, cháy lên sau một ngày tưởng chừng trí lực đã cùng kiệt. Câu thơ như thắp lên ngọn lửa ý chí - ngọn lửa sẽ cháy lên để tiếp sức cho một cuộc hành trình gian khổ  ngày mai đang đợi phía trước...

Ngoài ra, có nhiều điểm, ThS V.T.S.C cần cẩn trọng hơn khi thiết kế bài giảng cho giáo viên. Ví như câu: “Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ” (Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ). Có lẽ ThS không đọc kỹ nguyên tác nên lầm chữ “túc” (宿) với nghĩa tá túc, ngủ lại trong câu thơ thành “túc” (足) là chân, và dịch nghĩa cho học sinh là: “Chim mỏi bay về rừng tìm chốn dừng chân” (Hoàng Tuấn Công nhấn mạnh). Chim bay bằng cánh nên không thể dùng từ dừng chân. Hơn nữa, chim về rừng tìm chốn (nơi chỗ) ngủ - (“tầm túc thụ”), không phải“dừng chân” (để nghỉ). Nguyên tác cũng không dùng chữ “túc” (宿)với nghĩa này.

Một điều nữa. Hai chữ “cô vân” trong câu “Cô vân mạn mạn độ thiên không” Nam Trân dịch là “chòm mây”. ThS V.T.S.C cho rằng: “Bỏ sót một tín hiệu nghệ thuật quan trọng về hình ảnh đám mây, đó là chữ cô (một mình) gợi sự lẻ loi, đơn chiếc, trống vắng, hoang lạnh”. Sự thực Nam Trân không kém cỏi tới mức vô tình “bỏ sót tín hiệu nghệ thuật quan trọng” như VTSC nói. Phải thấy rằng, khi dịch thơ, khó chọn từ nào hay hơn “chòm mây” để diễn tả hình ảnh “cô vân”. Thực tế đã chứng minh. Dù chê Nam Trân, nhưng chính VTSC cũng không đưa ra được cách dịch nào hay hơn để không “bỏ sót tín hiệu nghệ thuật quan trọng” của hai từ “cô vân” ấy. Ngược lại, khi đưa ra bản dịch nghĩa của câu thơ này, thậm chí là từ dùng trong bài viết (mặc dù không bị câu thúc về số lượng từ hay niêm luật), VTSC vẫn phải dùng lại hai chữ “chòm mây”  của Nam Trân để diễn tả hai từ “cô vân” !(Một chòm mây chầm chậm trôi giữa không trung). Cũng cần nói thêm, hình ảnh “cô vân”(một đám mây, cụm mây, chòm mây), “mạn mạn” (từ láy Hán Việt: bay, trôi chầm chậm) là những hình ảnh chỉ có được trong một ngày đẹp nắng, hoặc buổi chiều tà đẹp trời. Không thể là cảnh ngày đông bầu trời xám xịt u ám, “hoang lạnh” (chữ của Vũ Thị Sao Chi-HTC). Và theo tôi, “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ, Chòm mây chầm chậm bay giữa từng không”là những hình ảnh đẹp, gợi vẻ êm ả, thanh bình, trìu mến của bầu trời cảnh vật vùng sơn cước lúc chiều tà, không hẳn “gợi sự lẻ loi, đơn chiếc, trống vắng, hoang lạnh” như cách hiểu của ThS. Bởi điều này không phù hợp với cái nhìn lạc quan trong mọi hoàn cảnh thường thấy trong thơ Hồ Chí Minh, và cụ thể đối với chính bài “Mộ”.

Tóm lại, chữ “hồng” (烘)  trong bài thơ “Mộ” của Hồ Chí Minh nghĩa là đốt lên, nhóm lên, sưởi ấm, không phải chữ “hồng” (紅) với nghĩa là mầu hồng. Có lẽ, do ngay từ bản dịch nghĩa, Nam Trân đã dịch thoát chữ “hồng” (Ngô xay xong lò than đã đỏ) nên tạo ra sự hiểu nhầm cho không ít người, trong đó có ThS. Vũ Thị Sao Chi. Nhưng khi dịch thơ Nam Trân lại thêm từ “rực” vào : “Xay hết lũ than đó rực hồng” (lò than cháy rừng rực). Cách dịch của Nam Trân là chấp nhận được và phải thừa nhận rằng đây là bản dịch hay nhất từ trước tới nay. Bởi vậy khi bình giảng, phân tích câu chữ của bài thơ cần hiểu đúng nghĩa của chữ “hồng” để cảm nhận sự  tinh tế trong cách dùng từ của nhà thơ Hồ Chí Minh.

Dịch nói chung và dịch thơ nói riêng, có trường hợp làm cho bản gốc trở nên hay hơn. Cũng có khi không thể chuyển tải hết ý của nguyên tác. Đó là chuyện thường thấy và phải biết chấp nhận. Hơn nữa khi đã đi sâu vào phân tích, cảm thụ thơ dịch (đặc biệt là thơ chữ Hán) nên tìm hiểu, so sánh với phần nguyên tác. Không nên tìm hiểu qua phần phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ rồi vội nhận xét, phê bình, đặc biệt đối với những bài truyền đạt cho giáo viên, học sinh./.

Hoàng Tuấn Công
Thanh Hoá 20/08/2007

(Bài này viết này được rút ra từ “Tuyển tập 10 năm 2000-2010 nghiên cứu phê bình văn nghệ Thanh Hoá”-NXB Văn Học-2011)

Chú thích:
(1)-Tất cả các sách xuất bản có in phần nguyên tác chữ Hán bài thơ “Mộ” của Hồ Chí Minh đều thấy chữ  “hồng”( 烘) có bộ hoả này, kể cả bút tích của bài thơ.
(2) (3) (4) (5) (6) –Những câu thơ này đều trích trong “Ngục trung nhật ký-Hồ Chí Minh.                 
http://tuancongthuphong.b...ai-tho-mo-cua-ho-chi.html
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHUYỆN LƯƠNG THỰC


Người lớn sống trải đời nên phần lớn biết điều, ăn uống có chừng mực, ngó trước trông sau, nhưng bọn trẻ con thì thường rắn mặt khó bảo, chúng ăn uống chỉ cốt thoả cái mồm.

Ngẫm lại tiếng Việt ta, trải qua năm qua tháng có những từ, những cách nói gần như mất hẳn trong đời sống, nếu muốn tìm hiểu nó chỉ có thể lục ở từ điển. Ví dụ, cùng nói về ăn, xưa có những từ ghép: ăn dè, ăn mặn, ăn độn, ăn vã… nay chả ai nhắc tới hoặc dùng theo nghĩa từng phổ biến nữa. Cũng phải thôi, ngôn ngữ là hình chiếu của cuộc sống, nó phản ánh, thể hiện những gì có trong đời thực, nay đời thực không còn thứ ấy thì nó cũng lịm nhạt dần đi, sau biến thành tử ngữ. Khi người ta mặc quần jean, quần tây thì không ai nhắc tới quần lá toạ, quần dây rút. Phải chấp nhận thôi.

Đã kể ra thì cũng nên nói cho rõ. Ăn dè bắt nguồn từ chữ dè, dè sẻn. Chữ ấy thể hiện sự tiết kiệm, chi dùng hạn chế, hoàn toàn trái ngược với sự thả cửa, hoang phí. Ăn dè tức là ăn có mức độ vừa phải, thậm chí tằn tiện, thòm thèm. Cũng không hẳn do thiếu thốn thì mới ăn dè, mà có khi ăn hôm nay còn nghĩ tới ngày mai, lo tháng ba ngày tám đói kém, lo hạn hán, lụt lội, chiến tranh, lo cả khi đau yếu bệnh tật có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu hoang phí buông tuồng, khi sự ấy xảy ra lấy gì mà sống. Chi bằng cứ dè sẻn, kể từ miếng ăn. Hồi tôi còn nhỏ, cơm chưa tới mức phải dè nhưng luôn được người nhớn quán triệt rằng thức ăn (con tôm con cá, miếng thịt, quả trứng) phải ăn dè, miếng thịt kho chẳng hạn chỉ đáng cắn làm hai thì ráng chia làm ba làm bốn, có thế mới đủ “phương tiện” tải cơm vào bụng. Có lần tôi thử ăn vã (chỉ ăn thức ăn, không kèm cơm) hẳn một con tôm giảo rang để tận hưởng miếng ngon xem nó quắt tai ra sao nhưng sau đó phải trả giá bởi và (lùa) miếng cơm không vào mồm nó cứ nhạt nhẽo thế nào ấy. Người nhớn nhắc nhở ta điều nọ điều kia bằng kinh nghiệm đã trải qua, không phải không có lý của họ.

Ngược với ăn dè là ăn mặn. Nghĩa đen của ăn mặn là ăn nhiều muối, nhiều mắm. Mắm muối chứa vị mặn, anh nào ăn thứ đó nhiều hơn người khác thì bị chê ăn mặn. Dân vùng biển thường ăn mặn hơn người những vùng khác, có nhẽ ở biển sẵn muối. Hồi những năm 1960 trở về trước, người vùng núi cao thường ăn rất nhạt bởi muối hiếm, vận chuyển đường sá xa xôi, khó khăn. Ăn nhạt quá thì dễ bị phù, phù thũng, mặt cứ bệu ra, da dẻ xanh bợt lá cây. Dạo tôi học cấp 2, còn nhớ trong sách trích giảng văn học in bài Bữa cơm thường trong bản nhỏcủa nhà thơ Chế Lan Viên, có câu “Muối lên rừng tay bưng tay đặt/Bộ đội Bác lên rừng công tác em thương”, muối quý lắm, từng hạt muối chẳng khác hạt vàng. Truyện Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc viết về anh hùng Núp và dân làng Kông Hoa ở Tây Nguyên trốn lên rừng để đánh Pháp, không có muối phải đốt cả cỏ tranh khô lấy tro ăn thay muối. Giờ thì khác, người ta sợ ăn mặn, dễ bị huyết áp cao, nên đài báo, tivi nhan nhản lời khuyên cần ăn nhạt để bảo vệ sức khoẻ. Tất nhiên kèm theo lời khuyên ấy thường là một vài thứ thực phẩm chức năng giá cực đắt rất cần cho người bị cao huyết áp hoặc bị bướu cổ, với lời đọc liến thoắng, hay in chữ bé tí ti như con kiến “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Cạnh cái nghĩa đen ấy thì “ăn mặn” có nghĩa là ăn rất tốn thức ăn. Người lớn sống trải đời nên phần lớn biết điều, ăn uống có chừng mực, ngó trước trông sau, nhưng bọn trẻ con thì thường rắn mặt khó bảo, chúng ăn uống chỉ cốt thoả cái mồm. Đứa nào bị chê, bị đánh giá ăn mặn, không khác gì được gắn cho danh hiệu ăn tham. Người nhớn luôn phải nhắc nhở chúng “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là vậy, để kiềm chế cái tính tham ăn hồn nhiên của chúng lại. Kể cũng tội, đang tuổi ăn tuổi nhớn, miếng ăn cũng bị siết vào quy trình ứng phó sự thiếu thốn, mất cả tuổi thơ.

Dạo xưa thiên hạ vẫn kể cho nhau chuyện nhà kia nghèo túng, bữa ăn chỉ cơm suông. Chẳng có gì làm thức ăn, ông bố bèn đẽo con cá bằng gỗ rồi nướng sém vàng để giữa mâm, bảo các con, chúng bay cứ và một miếng cơm thì lại đụng đũa vào con cá một nhát, giống như ăn cơm cá, con ạ. Thằng anh thương bố vừa ăn khen cá béo, tuy hơi lắm xương. Nó để ý thấy thằng em đụng đũa 2 lần rồi mới và cơm vào mồm liền mách bố, bố ơi thằng cu nó “ăn mặn” lắm, con thấy nó xắn cá 2 lần cho mỗi miếng cơm. Một thời thật buồn.

Còn ăn độn, tôi từng biên hẳn thành bài về chuyện ăn độn, không ít người đã đọc. Bây giờ lương thực ê hề, nước ta xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chả mấy ai phải ăn độn. Sơn hào hải vị thì có thể thèm chứ cơm không thiếu. Không phải ăn độn nên không nghĩ tới từ “ăn độn” nữa. Ngày xưa người xứ ta lấy ăn cơm là chính, nhưng khi hạt gạo hiếm hoi, chẳng đủ no bụng nên phải thêm thứ này thứ nọ độn vào nồi cơm. Nhiều khi một phần gạo kèm hai, ba phần độn. Ăn thứ cơm ấy gọi là ăn độn. Cốt no cái bụng đã, còn ngon để tính sau.

Trong vốn từ cũ có từ “ngũ cốc”. Đây là từ gốc Hán Việt. Cốc, theo từ điển của cụ học giả Đào Duy Anh, là hạt cây lương thực như lúa, kê, mạch, đậu… Càng về sau, nghĩa của từ này càng mở rộng, để chỉ chung lương thực, không hẳn cứ phải hạt. Những cây nào cho ra sản phẩm nuôi được con người đều được xếp vào hạng ngũ cốc. Mà có thể không dừng ở 5 (ngũ) loại, có khi tới thất cốc, cửu cốc. Thành ngữ “tích cốc phòng cơ” có nghĩa là trữ lương thực để phòng khi xảy ra cơ sự thiếu thốn đói kém.

Miền Bắc những năm 50 - 70 thế kỷ trước, tôi vẫn được nghe tuyên truyền về sản xuất lương thực, về ngũ cốc, lấy 5 loại cây chính làm lương thực nền tảng: lúa, ngô, khoai, sắn, đỗ. Trong 5 thứ ấy, đương nhiên lúa đứng hàng đầu bởi nó sinh ra hạt gạo. Hạt lúa được gọi là hạt vàng mười, còn gạo thì vinh hiển hơn nữa, có tên “ngọc thực”, tức là thứ lương thực quý như ngọc, quý hơn ngọc. Gạo quan trọng tới mức do nhà nước độc quyền quản lý. Nông dân thu hoạch lúa, sau khi đập thóc, phơi khô, sàng sảy sạch sẽ thì chỉ được chia phần thóc nhất định cho số nhân khẩu trong gia đình, thường bình quân gần 15 ký/tháng/khẩu (xay giã xong còn độ chục ký gạo), còn lại phải nộp tất cho nhà nước. Gạo để ăn mà lấy sức làm việc, tái sản xuất, ai muốn làm bún làm bánh đều phải xin phép, anh nào mà dấm dúi đem gạo nấu rượu chui (hồi đó có tên cuốc lủi, để phân biệt với rượu quốc doanh do nhà nước nấu hợp pháp), nếu bị bắt sẽ bị tịch thu hết dụng cụ phạm pháp, có khi phải đi tù.

Sau gạo ở ngôi vị chúa tể, là những khoai, ngô, sắn, đỗ (đậu) và những thứ khác. Tất cả đều được xếp chung vào hạng mục lương thực.

Nguyễn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MÈO và MỈU


Trong tiếng Việt, con mèo không chỉ được gọi là mèo, mà còn có những tên gọi khác. Thoảng đâu đó trong truyện hoặc phim về đề tài lịch sử, ta còn gặp một từ là miêu. Đây là một từ Hán – Việt có từ rất lâu, là kết quả của sự tiếp biến văn hoá lâu đời giữa Việt Nam và Trung Hoa trong lịch sử.

Về mặt ngữ âm, hai từ miêu và mèo rất gần nhau, chứng tỏ sự cảm nhận về âm thanh và lấy đó làm tên gọi cho mèo trong quá khứ của hai dân tộc đã không quá cách xa nhau. Tuy rằng so với mèo, từ miêu rất ít được dùng trong lời nói thông thường của người Việt, nhưng những biến thể của nó lại đáng được chú ý.

Ở một số gia đình thị thành, mèo nuôi trong nhà không cốt để bắt chuột mà là để làm vui cho chủ nhà. Với dáng vẻ xinh xắn dễ thương (thường là tam thể hoặc trắng đen, đôi mắt chăm chú lóng lánh, bộ ria ngộ nghĩnh và cái mũi hếch thơ ngây), mèo được ăn bằng đĩa, được vuốt ve trau chuốt bộ lông, được ngồi vào lòng để nghe những lời thủ thỉ tâm tình, và có khi còn “mạnh dạn” chui vào chăn cùng chủ nhà nữa. Thật đáng được gọi là miu. So với tên gọi mèo và miêu, quả thực miu gợi lên hình ảnh con vật nhỏ bé đáng yêu hơn.

Thế rồi có thành ngữ “Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”. Chẳng lẽ trên đời còn có con vật tên là mỉu nữa ư? Trong tiếng Việt có hàng loạt cặp từ tương tự nhau với một vế mang thanh “hỏi”, ví dụ: xinh và xỉnh, con và cỏn, toi và tỏi, tẹo và tẻo…, trong đó từ thuộc vế thứ hai (mang thanh “hỏi”) mang thêm sắc thái nghĩa là nói hơi quá một chút với hàm ý hài hước, âu yếm hay mỉa mai… Như vậy, mỉu có thể cũng là biến thể của miu. Cũng là chỉ “mèo” cả thôi, nhưng so với miu thì dường như cái con vật được gọi là “mỉu” ấy lại trở lên dữ tợn ghê gớm đến mức trở thành kỳ phùng địch thủ của con vật được gọi là mèo.

Cách đâu không lâu, có một trào lưu săn lùng mèo để… ăn thịt, vì có tin đồn là món “đặc sản” này rất “bổ dương tráng khí”. Xuất hiện ở đâu đó những quán ăn như thế, và dân nhậu trong lúc lơ mơ đã gọi mèo là tiểu hổ (tức là hổ bé). Quả thực mèo và loài thú dữ lớn lông màu vàng có vằn đen (hổ) này không những có tình họ hàng, mà theo truyền thuyết thì còn có nghĩa thầy trò: Mèo đã dạy hổ rình mồi, tập nhảy và tập vồ, chỉ không dạy một miếng võ trèo để đề phòng phản trắc… Tuy nhiên, gọi mèo là tiểu hổ còn vì một nguyên nhân tâm lý khác nữa: Ăn thịt chúa sơn lâm (dù đó chỉ là “chúa sơn lâm” trên tên gọi) hẳn là thoả chí và khoái khẩu hơn là ăn thịt cái loài hiền lành chỉ doạ được chuột nhắt kia. Gọi tên món ăn một cách sang trọng chẳng khác gì thêm gia vị cho nó!

Tạ Văn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRÀNG AN


Từ câu ca dao quen thuộc Chẳng thơm cũng thể hoa nhài / Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An, có nhiều người ngộ nhận vùng Hà Nội đã từng có thời mang tên là Tràng An (hoặc Trường An). Ngay trên tạp chí Người Hà Nội xuân Ất Hợi 1995 cũng có một mục đề mang tên Ống kính người Tràng An. Và dọc đường phố Hà Nội ngày nay đã nhan nhản những hiện tượng tương tự: Tràng An Hotel (58 Hàng Gai), Hiệu may Tràng An (168 Nguyễn Thái Học), Xí nghiệp Kẹo Tràng An (1 Phùng Chí Kiên), v.v. Vậy trong lịch sử, có bao giờ Hà Nội mang tên là Tràng An?

Từ huyền thoại và cũng có thể do người đời sau mệnh danh thì Hà Nội xưa có tên là Long Đỗ. Nghĩa đen là "rốn rồng" - vùng trung tâm đất nước của một dân tộc nòi giống tiên rồng. Đến "giữa thế kỉ V, từ địa vị một làng, Hà Nội cổ trở thành một huyện. Huyện mới, thành lập vào đời Hiếu Vũ Đế (454-456) mang cái tên chẳng đẹp là Tống Bình"(1) - vùng đất bị nhà Tống (thuộc thời Nam - Bắc triều, Trung Quốc) "bình định". Năm 607, sau khi tiêu diệt Lý Phật Tử, chính quyền đô hộ của nhà Tuỳ đã chuyển nhiệm sở từ Long Biên (Yên Phong, Bắc Ninh) về Tống Bình. Từ đấy, Tống Bình đã trở thành trung tâm đất nước, nhất là sau năm 679, khi toàn bộ đất Giao Châu bị nhà Đường đổi thành An Nam đô hộ phủ. Để củng cố và mở rộng Tống Bình thành dinh luỹ chủ yếu, bọn thống trị phương Bắc đã xây dựng trên vùng đất này một hệ thống thành luỹ ngày càng kiên cố, đồ sộ. Năm 757, Kinh lược sứ Trương Bá Nghi bắt đầu xây dựng La Thành (2) - tường bao quanh trung tâm hành chính. Năm 866, Cao Biền, một viên Tiết độ sứ kiêm thầy phù thuỷ, đắp lại và mở rộng La thành. Từ đó, thành có tên là Đại La (3). Từ tên chung, Đại La trở thành tên riêng của một dãy thành mang tính quân sự, một tên gọi mới của Hà Nội ở thế kỉ IX. Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên vùng đất này thành Thăng Long. Sau khi nhà Trần lên cầm quyền, đến đời vua thứ ba, vua Trần Nhân Tông, Thăng Long được đổi thành Trung Kinh - kinh thành trung tâm - vào đầu những năm 80 của thế kỉ XIII(4). Năm 1400, nhà Hồ chiếm ngôi nhà Trần, dời kinh đô vào Thanh Hoá - gọi vùng đất này là Tây Đô - và đổi Trung Kinh thành Đông Đô (5). Năm 1407, nhà Minh tiêu diệt nhà Hồ, chiếm lấy đất nước ta, không cho đất "nội thuộc" có kinh đô nên đổi Đông Đô thành Đông Quan (6) - quan ải phía Đông. Sau thắng lợi của mười năm chiến tranh giải phóng dân tộc, Lê Lợi lên làm vua và đến năm thứ ba, năm 1430, cho đổi Đông Quan thành Đông Kinh (7) - kinh đô phía Đông - và cũng gọi là Trung Đô - đô thành trung tâm. Tên Đông Kinh tồn tại hơn ba trăm năm. Có lẽ Tonkin - chỉ vùng Bắc bộ Việt Nam - của người Pháp bắt nguồn từ Đông Kinh. Đến đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) - có niên hiệu Cảnh Hưng quen thuộc - Đông Kinh lại trở lại tên Đông Đô (8), để phân biệt với Tây Đô, chỉ vùng Thanh Hoá, quê hương của hoàng tộc nhà Lê. Nhà Tây Sơn lên nắm chính quyền ở miền Nam Trung Bộ, gọi vùng đế đô cũ là Bắc Thành (9). Sau khi nhà Nguyễn lên cầm quyền, đến năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831) Bắc Thành được đổi tên là Hà Nội (10). Địa danh này đã tồn tại đến tận ngày nay.

Điểm qua mấy ngàn năm, chúng ta thấy rõ Tràng An chưa bao giờ được đặt tên cho Hà Nội. Thế tại sao nhiều người nhầm lẫn cái tên đó? Số là lịch sử Trung Quốc ghi rõ Tràng An là địa danh của một huyện ở tỉnh Thiểm Tây, vùng Tây Bắc nước này, nay thuộc thành phố Tây An. Năm 202 TCN, sau khi lên làm vua, lập nhà Tây Hán, Hán Cao Tổ Lưu Bang định đô ở vùng đất ấy(11). Sau đó, Tràng An còn là kinh đô của nhà Tuỳ rồi nhà Đường cho đến tận năm 907(12). Không những thế, trước đó, vua Vũ Vương nhà Tây Chu đã định đô ở Hạo Kinh, Tần Thuỷ Hoàng định đô ở Hàm Dương thì những vùng đất ấy cũng nằm trong tỉnh Thiểm Tây mà ngày nay thuộc thành phố Tây An. Có thể nói là ở Trung Quốc, Tràng An là vùng đất định đô khá lâu đời nên địa danh đó đã đồng nghĩa với kinh đô. Từ một danh từ riêng, Tràng An đã trở thành một danh từ chung. Các nho sĩ chúng ta lại vốn xem "Trung Hoa là trung tâm" cho nên cũng coi Tràng An là tên kinh đô của nước mình và đã sáng tác ra câu ca dao trên mà ngay cả Lý Công Uẩn, khi đã đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long vẫn còn đổi tên kinh đô Hoa Lư cũ là Trường An phủ (13). Vì vậy, có ý kiến cho rằng câu ca dao trên nói về kinh đô cũ thuộc địa phận Ninh Bình hiện nay thì đúng hơn.

Qua những phần vừa trình bày, có thể nói: Tràng An chỉ là một vùng đất làm kinh đô của Trung Quốc và chưa bao giờ là tên gọi của Hà Nội. Nó chỉ được mượn để gọi Hà Nội với nghĩa là đất kinh đô theo phép tu từ trong văn chương mà thôi.

DƯƠNG XUÂN ĐỐNG
Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 5 (7)/2010
Chú thích:
(1), (2) Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán, Hà Nội nghìn xưa, Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội, 1975, tr.108, 117. (3) Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tập 1, tr.140-141. (4), (6), (8), (9), (10) Đại Nam nhất thống chí, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tập 3, tr.151-152. (5), (7) Nguyễn Trãi, Toàn tập, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969, tr.192. (11), (12) Đổng Tập Minh, Sơ lược lịch sử Trung Quốc, NXB Ngoại văn, Bắc Kinh, 1963, tr. 37, 107. (13) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB Tổng hợp, TP Hồ Chí Minh, 2004, tr.38.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THƯỢNG ĐIỀN” và “HẠ ĐIỀN


Thi cấy lúa tại Lễ hội Xuống đồng ở Hà Nam (Quàng Yên- Quảng Ninh) năm 2007 -Ảnh: báo Quảng Ninh
“Thượng điền” là nghi lễ nông nghiệp của những cư dân trồng lúa nước. “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh giải thích rõ ràng như sau: “thượng điền上田 Đám ruộng tốt nhất, khác với trung-điền, hạ-điền; Tục lệ nhà nông khi bắt đầu ra làm ruộng, mỗi năm có lệ tế Thần-nông, tế xong mới rủ nhau ra cày ruộng, gọi là lễ Thượng-điền”.

Về nghĩa thứ nhất của “thượng điền”, không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, cách  giải thích nghĩa thứ hai, theo chúng tôi là ngược với thực tế. Vì “thượng điền” là lễ cúng khi vụ cày cấy đã xong, chứ không phải “bắt đầu ra làm ruộng”. Chúng ta có thể tham khảo cách giảng đúng của các cuốn từ điển sau đây:

- “Từ điển Hán-Việt” (Nguyễn Văn Khôn): “thượng điền 上田 Ruộng tốt nhứt. Lễ cúng thần nông khi đã cấy xong”.
- “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “thượng điền dt. Hạng ruộng tốt nhứt (theo bản sắp của nhà-nước để đánh thuế) • Tên cuộc lễ tế Thần-nông sau khi cấy xong: Lễ thượng-điền.”.
- “Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập): “thượng-điền (tl. Thượng-đẳng điền) Ruộng tốt nhất. • Lễ cúng Thần-nông khi đã cấy xong (đối với Hạ-điền)”.
- “Việt Nam tự điển” (Hội khai trí Tiến đức): “thượng-điền Lễ tế Thần-nông khi đã cấy xong <> Làm lễ thượng-điền”.
- “Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm từ điển học Vietlex): “thượng điền d. lễ cúng thần nông sau khi cấy xong, theo phong tục thời trước: “(...) nhân ngày ‘thượng điền’ làng có sửa một con lợn, trước là tạ ơn thần thánh, sau nữa cả làng ăn uống cho vui.” (Ngô Tất Tố)”.

Trái với “thượng điền” là “hạ điền”, tức lễ xuống đồng bắt đầu một vụ cày cấy. “Hán Việt từ điển” (Nguyễn Văn Khôn) giảng: “Hạ điền 下田 Lễ bắt đầu làm ruộng. Ruộng xấu”. Các cuốn từ điển mà chúng tôi dẫn trên đây cũng có cách giải nghĩa tương tự.

Thông thường, lễ “hạ điền” làm long trọng hơn “thượng điền”. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có khi người ta chỉ tổ chức “hạ điền” mà không làm “thượng điền”, hoặc thu hoạch xong mới “thượng điền”, cảm tạ Thần Nông, trời đất (cần phân biệt với lễ “thường tân”, cúng cơm mới, tạ ơn thần thánh, tổ tiên).

Trong “Việc làng”, Ngô Tất Tố phân biệt rõ ràng giữa “thượng điền” và “hạ điền”:
“Thì ra trưa hôm kia, làng ấy làm lễ “thượng điền”.

Đó là cái lễ để trình với vua Thần Nông và các cụ tiên nông trong làng đời xưa biết rằng: làng mình cày cấy đã xong. Cũng như lễ “hạ điền” cử hành khi bắt đầu cắm cây lúa xuống ruộng, lễ này tại các thôn quê làng nào cũng có. Bởi vì làng B.X năm nay trời cho mưa nắng thuận hoà, suốt một vụ cấy, không nhà nào phải tát một khau nước nào, hơn nữa, hễ cấy đến đâu lúa cứ xanh tốt ngùn ngụt đến đấy, không cần phân tro gì hết. Người ta tin rằng, nhờ có quỷ thần ủng hộ mới được như thế. Cho nên, nhân ngày “thượng điền” làng có sửa một con lợn, trước là tạ ơn thần thánh, sau nữa cả làng ăn uống cho vui”.


Cúng lễ “hạ điền” của dân gian -Ảnh: FB Kiều Mai Sơn
Bài “Nghi thức rước sắc và hồi sắc trong lễ Kỳ yên ở Cần Thơ” của Trần Phỏng Diều (báo Cần Thơ - 29/5/2010) cho chúng ta biết thêm: “Lễ Hạ điền tổ chức vào đầu mùa mưa, có ý nghĩa như là lễ xuống đồng, khai trương việc cày cấy. Lễ Thượng điền cử hành vào cuối mùa mưa, lúc đã thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp. Do lễ Kỳ yên và lễ Thượng điền, Hạ điền có nghi thức cúng tế gần giống nhau nên các ngôi đình ở Cần Thơ đã nhập hai kỳ lễ này thành một, gộp lại để cúng chung. Trong các dịp cúng đình, ban tế tự thường ghi trên thiệp mời là lễ Kỳ yên Thượng điền hoặc lễ Kỳ yên Hạ điền”.

Ở Thanh Hoá, “thượng điền” (còn gọi “lên đồng” theo cách nói dân gian), có khi được dùng với nghĩa “cấy xong”, chứ không gắn gì với lễ nghi. Ví dụ, nông dân hỏi thăm nhau: “Nhà bà đến hôm nào thì thượng điền?”.


Trong lễ “hạ điền” (xuống đồng) thường có thi cấy -Ảnh: FB Kiều Mai Sơn
Có lẽ, đây chỉ là một trong những “sự cố”, nhầm lẫn của Học giả Đào Duy Anh trong “Hán Việt từ điển”, bởi ở mục “hạ điền下田”, chính sách này lại đưa ra lời giảng “Cái lễ cúng Thần-nông ngày đầu năm để bắt đầu làm công việc nhà nông”.

Vấn đề sẽ không có gì đáng nói lắm, nếu như sau “Từ điển Hán Việt” của Đào Duy Anh (1931), ít nhất có thêm 3 cuốn từ điển nữa lặp lại nhầm lẫn này.

Thứ nhất “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên-NXB Khoa học xã hội, 1991) giảng: “thượng điền Lễ hằng năm tế Thần nông để bắt đầu làm ruộng (cũ)”. Đây là cuốn từ điển mà GS Nguyễn Lân cùng Nguyễn Văn Đạm, Lê Khả Kế, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Ngô Thúc Lanh, Nguỵ Như Kon Tum, Trần Văn Giáp, Nguyễn Thạc Cát, Đoàn Hựu, Trần Văn Khang, Long Điền, Hoa Bằng tham gia biên soạn, xuất bản lần đầu năm 1967.

Hơn 20 năm sau (năm 1989), nhầm lẫn của “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên), lại được GS Nguyễn Lân chép gần như nguyên xi vào sách “Từ điển từ và ngữ Hán Việt”: “thượng điền (thượng: trên; lên cao; tiến lên; điền: ruộng) Nói buổi lễ cúng Thần nông đầu năm trước khi làm ruộng (cũ): Theo truyền thuyết, ngày xưa, trong ngày lễ thượng điền, vua ra ruộng cày tượng trưng, sau đó nhân dân mới làm ruộng”.

Hơn 10 năm sau (2000), cũng chính GS Nguyễn Lân lại chép tiếp cái sai này vào “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”: “thượng điền dt (H. điền: ruộng) Nói buổi lễ cúng Thần-nông đầu năm trước khi bắt đầu làm ruộng: Ngày xưa, trong ngày lễ thượng điền, vua ra ruộng cày tượng trưng, sau đó nhân dân mới làm ruộng”.


Mô phỏng lễ “tịch điền” 籍田; theo phong tục thời phong kiến, hàng năm, nhà vua tự mình cày cấy trên ruộng tịch điền biểu thị sự quan tâm đối với nghề nông (khác với lễ “hạ điền” của nhà nông). -Ảnh:ST
Cũng cần nói thêm, ở đây GS Nguyễn Lân đã giảng sai chữ “thượng”, bởi “thượng” trong “thượng điền” là bước lên, chứ không phải “dâng lên, ngồi lên”. Mặt khác, lễ “hạ điền” (tức “thượng điền” theo sự nhầm lẫn của GS Nguyễn Lân) và lễ “tịch điền” (“vua ra ruộng cày tượng trưng” như cách giảng của GS Nguyễn Lân) là hai nghi lễ khác nhau, chứ không phải là một.

Hoàng Tuấn Công
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THẤU CẢM -[1]


Tuần qua, báo chí và mạng xã hội bình luận sôi nổi về đề thi ngữ văn THPT năm 2017, với đoạn văn đọc hiểu, trích dẫn từ sách “Thiện, Ác và Smartphone” của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017). Xin trích:

“Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ.

Giống như cái lạnh thấu vào tuỷ hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét.

Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm”.

Rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, nhưng có thể tổng hợp thành mấy quan điểm chủ yếu như sau:

-Thứ nhất: “Thấu cảm” là một “từ lạ”, không có trong tiếng Việt, cũng không có trong tiếng Hán, và không được bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào ghi nhận. (“Một thạc sỹ công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thú nhận: “Chưa từng nghe từ này bao giờ”- báo “Tiền phong”). Vì tiếng Việt không có cái gọi là “thấu cảm”, nên cách hiểu, cách giảng về “thấu cảm” của TS Đặng Hoàng Giang là vô nghĩa.

-Thứ hai: Từ “thấu cảm” tuy không thông dụng, nhưng đã được dùng trong thực tế và được từ điển tiếng Việt ghi nhận. Tuy nhiên, cách giải thích của tác giả Đặng Hoàng Giang mang nặng tính suy diễn, chủ quan, phi lý.

- Thứ ba: Không có vấn đề gì đáng phải bàn cãi trong đoạn văn đọc hiểu và đề thi môn ngữ văn.

Trước tiên, xin nói về từ “thấu cảm”.

Có thể nói, “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm từ điển học Vietlex (Vietlex) là cuốn từ điển duy nhất (đến thời điểm này mà chúng tôi biết) có ghi nhận từ “thấu cảm”. Sách này đưa ra hai cách giải thích như sau: “thấu cảm • 透感 đg. thấu hiểu và cảm thông một cách sâu sắc” (theo bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt, NXB Đà Nẵng, 2015); “thấu cảm • đg. cảm nhận và thấu hiểu một cách sâu sắc : thấu cảm lòng nhau” (bản không chú chữ Hán, NXB Đà Nẵng, 2007).

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc Vietlex thu thập và chú chữ Hán cho từ “thấu cảm” là thiếu thận trọng, thậm chí không đúng, vì đây không phải là từ có trong tiếng Hán. Mặt khác, cách giải nghĩa của Vietlex theo kiểu lắp ghép máy móc, tuỳ tiện của “từ điển Vũ Chất” (kiểu như “giao hợp” = giao lưu và hợp tác!). Nghĩa là theo quan điểm này, thì ngay cả khi “thấu cảm” đã được từ điển tiếng Việt ghi nhận, cũng không có nghĩa là đúng.

Vậy, nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Theo chúng tôi, cần thấy rằng, từ Việt gốc Hán không dứt khoát phải là một từ có trong tiếng Hán, được dùng với nghĩa của tiếng Hán. Từ gốc Hán còn là những từ “có sự vay mượn hoàn toàn hay một phần ý nghĩa từ tiếng Hán. Khi vay mượn và biến đổi theo những nghĩa không có trong tiếng Hán thì ngữ tố đó được gọi là Hán Việt Việt dụng” (ví dụ các từ: lịch sự, tử tế, thông cảm-HTC chú); “Những từ được người Việt tạo thành từ việc kết hợp các từ tố gốc Hán (với ba mặt hình-âm-nghĩa) theo kiểu của người Việt và chỉ có người Việt sử dụng. Những đơn vị này không xuất hiện trong từ vựng của tiếng Hán, tiếng Hàn, tiếng Nhật cũng như khối từ vựng văn ngôn của các nước này thì được gọi là từ Hán Việt Việt tạo.” (“Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển”-Trần Trọng Dương, NXB Từ điển bách khoa-2014).

Như vậy, căn cứ tiêu chí mà các nhà ngôn ngữ nói chung, tác giả Trần Trọng Dương nói riêng đưa ra để phân loại, thì “thấu cảm” thuộc nhóm từ “Hán Việt Việt tạo”. Quá trình sản sinh từ “Hán Việt Việt tạo” diễn ra cách nay ít nhất cũng đã hơn nửa thiên niên kỷ. Cụ thể, theo tác giả “Nguyễn Trãi quốc âm từ điển”, thì (cho đến thời điểm này) từ “Hán Việt Việt tạo” xuất hiện trong thơ quốc âm của Nguyễn Trãi được coi là sớm nhất.

Về từ “thấu cảm”, Nhà nghiên cứu ngôn ngữ, Ts Hán Nôm Trần Trọng Dương cũng chia sẻ ý kiến với chúng tôi như sau: “Xét về mặt lý thuyết, “thấu cảm” không có gì sai về từ pháp (cấu trúc từ) của Hán văn, và không có gì sai về cơ chế sản sinh từ vựng của tiếng Việt. Nguyên lý này dựa trên cảm thức ngôn ngữ, và tri thức Hán văn của người bản ngữ, để có thể tiếp tục làm giàu thêm kho từ vựng phong phú của tiếng Việt. Ví dụ: về cấu trúc tương đương, thấu hiểu >>> thấu cảm >>> thấu thị >>> thấu đáo. Giống như, lâm tặc> hải tặc> tin tặc> cát tặc”.

Quả vậy, về từ “thấu hiểu”, “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) giảng như sau: “thấu hiểu • 透曉 đg. hiểu một cách sâu sắc, tường tận: thấu hiểu lòng nhau”; “Hán ngữ đại từ điển” giảng: “thấu hiểu: hiểu một cách triệt để, tường tận” (nguyên văn: “triệt để hiểu ngộ 徹 底 曉 悟”). Theo đó, với từ “thấu cảm”, thì “thấu” ở đây là “thông thấu” 通透 (Hán điển giảng: “thông thấu = thấu hết; hiểu rõ” [nguyên văn “通透 (penetrating): 通徹, 明白”]; “cảm” 感  nghĩa là sự rung động, nhận biết bằng giác quan, hoặc bằng cảm tính về sự vật, hiện tượng nào đó. Bởi vậy, “thấu cảm” có thể được hiểu là sự cảm nhận, hiểu biết một cách sâu sắc, tường tận về trạng thái tâm lý, hoặc cảnh ngộ… của ai đó. Tuy nhiên, “cảm” trong “thấu cảm” là cảm nhận mang tính chất cảm thông, chia sẻ, chứ không phải là cảm nhận nói chung. Theo đó, phương pháp định nghĩa phổ biến trong từ điển giải thích là dùng “từ bao”. Nghĩa là phải thể hiện được mối quan hệ trực tiếp của nội dung định nghĩa với yếu tố thể hiện ở đầu mục từ. Bởi vậy, từ cách tạo từ đến lời giảng của Vietlex: “thấu cảm: cảm nhận và thấu hiểu một cách sâu sắc”; hoặc “thấu hiểu và cảm thông một cách sâu sắc”, hoàn toàn không có gì là bất thường, ngô nghê. Ví dụ thêm, từ “cân xứng” 斤稱 (Hán ngữ = tương xứng相稱) là một từ “Hán Việt Việt tạo” (đã có trong thơ quốc âm của Nguyễn Trãi). Từ điển của Vietlex giảng: “cân xứng • 斤稱 cân đối và phù hợp với nhau. Đn: tương xứng”. Tuy nhiên, “cân xứng” cũng có thể được giảng là “cân đối và tương xứng”, mà không bị xem là cách ghép từ và giải thích theo kiểu máy móc của “từ điển Vũ Chất”. Hoặc “cách điệu” 格調, được “Hán Việt từ  điển” của Đạo Duy Anh giảng là: “cách-thức và thanh-điệu của văn-chương”…

Theo ngữ liệu của Vietlex, thì “thấu cảm” đã xuất hiện trong văn học xuất bản từ năm 1941. Đó là truyện ngắn “Những nỗi lòng” (nằm trong tập truyện ngắn “Nằm vạ” của Bùi Hiển):

“Anh viên chức đạc điền trước nhà, bác thợ may hàng xóm, chị bán cháo bánh canh thường ngày cung cấp cho tôi món quà sáng thơm ngon ngầy ngậy, họ sống ra sao, lo nghĩ những gì, họ yêu ai và ghét những ai? Tại sao cô em gái tôi thương yêu nhất đời lặng lẽ khóc hai lần giữa ngày mồng một Tết? Tôi không hề biết, không hề biết!
Tâm hồn tôi trở nên lo lắng. Tôi sống chăm chú, vểnh tai và giương mắt như con nai rừng rậm, tôi muốn cho linh giác thẳng căng, để mà THẤU CẢM, một cách lẹ làng tế nhị, sự thầm kín ủ trong những nỗi lòng”.

Ngoài ra, cũng theo ngữ liệu (do Trung tâm từ điển học Vietlex cung cấp cho chúng tôi), “thấu cảm” còn xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm khác, như:

-“Tối đen, yên ắng. Bóng tối trở nên lạnh. Đã đến lúc phải về rồi, Kiên thầm nghĩ và phóng tay ngồi dậy. Chẳng hiểu sao cậu cảm thấy một nỗi tiếc nuối cay đắng, cảm thấy cái việc phải rời đây ra về là nặng nề quá sức mình. Như THẤU CẢM được lòng Kiên, Phương khẽ nói:

- Chẳng sợ đâu. Đằng nào cổng trường cũng đóng rồi. Đợi tối khuya cụ lao công gà gật, ta trèo tường biến”. [Bảo Ninh. Nỗi buồn chiến tranh”. 1990].

-“Thuật lắng nghe một vấn đề, không phải chỉ bằng tai mà còn cả bằng mắt, để ý những cử chỉ nhỏ của người nói, để dễ tạo cho mình một THẤU CẢM về sự kiện, tâm trạng và âm vang trong cơ thể người kể”. [Thế Bảo Tịnh. Hà Nội mới cuối tuần. 1996]

-“Không nhận thức rõ ràng nguồn gốc tư tưởng nhân đạo đậm đà bản sắc dân tộc này thì sẽ dẫn tới sự đối lập cực đoan giữa cá nhân và xã hội, giữa cái tôi và cái ta, giữa chủ thể đạo đức và chủ thể trí tuệ, không dễ gì THẤU CẢM được “sự thật bên trong” của những câu thơ “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng.” [Nguyễn Thanh Hùng. Văn nghệ. 1996]

-“Cha mẹ lại cũng cần THẤU CẢM với trẻ, nhớ lại cái thuở tuổi mới lớn của mình để hiểu những phản ứng của trẻ bây giờ, nhưng vẫn phải có trách nhiệm giám sát, cố vấn”. [Đỗ Hồng Ngọc. Kiến thức ngày nay. 1997]

-“Thiên nhiên thật thiên vị, dường như đã dồn hết cả tinh tuý của đất trời về phía Tây Hồ. Đã có biết bao mùa thu đến rồi đi qua, vậy mà cứ mỗi một mùa thu về lại dậy trong tôi những cảm giác mới lạ, THẤU CẢM bằng cả tâm hồn”. [Báo Doanh nghiệp chủ nhật. 1997]

-“Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về giao tiếp quản lý. Đó là sự giao tiếp luôn hướng vào quần chúng, đồng cảm ở mức độ THẤU CẢM với họ, để ứng xử phù hợp - sáng tạo và cách mạng, như đồng chí Phạm Văn Đồng nhận xét: “Hồ Chí Minh rất giản dị trong lời nói và bài viết vì muốn cho quần chúng hiểu được, nhớ được, làm được”. [Nguyễn Liên Châu. Giáo dục & Thời đại chủ nhật. 1999].
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [27] [28] [29] [30] [31] [32] [33] ... ›Trang sau »Trang cuối