Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [23] [24] [25] [26] [27] [28] [29] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

“VIỄN VÔNG” hay “VIỂN VÔNG”?


Sáng nay 23/5/2014 mình cùng nông dân ra đồng thu hoạch vụ xuân dưới cái nắng hầm hập, bỏng rát như đổ lửa. Lúc nghỉ, mượn được cái máy tính bảng, vào trang nhà Tuấn Công Thư Phòng xem khách khứa sáng nay thế nào thì nhận được câu hỏi của Bọ Lập: “Báo chí viết loạn cả lên: Hữu nghị viển vông. Mình cũng lúng túng. Theo Công thì viễn vông hay viển vông ?”.

Mình nghĩ: đúng là Bọ Lập ! Cái gì cũng quan sát cặn kẽ, cụ thể, chính xác, ra vấn đề mới nghe. Có những cái xung quanh chẳng ai nhìn thấy hay nghĩ ra được cái gì đáng kể thì Bọ lại nhìn ra khối thứ hay. Thế nên những “Ký ức vụn”, những “Chuyện đời vớ vẩn”, rồi “Chuyện nhà quê”, chuyện quán xá nhậu nhẹt với “Bạn văn”... tưởng vụn vặt, vớ vẩn lại có sức hấp dẫn, lôi cuốn lạ thường.

Mình chấm chấm quẹt quẹt trên màn hình cái máy đi mượn không quen. Mấy con chữ cứ nhảy nhót tung tăng, loạn xị ngậu lên. Cuối cùng cũng trả lời vắn tắt gửi Bọ Lập. Đại khái: viết đúng phải là “viễn vông” chứ không phải “viển vông”, vì thế này...vì thế kia...Về nhà có thời gian xem lại, thấy “báo chí viết loạn cả lên” và Bọ Lập “cũng lúng túng” là đúng thôi. Bởi vấn đề khá phức tạp. Nhân đó xin phép Bọ Lập để ngỏ câu chuyện chữ nghĩa thú vị này, những mong giúp ích gì đó cho bạn đọc của Tuấn Công Thư Phòng.

Vậy “viễn vông” hay “viển vông” ?

-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) viết: “Viển vông: tính từ, không thiết thực, hết sức xa rời thực tế. mơ ước viển vông; toàn nói những chuyện viển vông. đồng nghĩa: hão huyền”.

-Từ điển chính tả (dành cho học sinh)-NXB Từ điển bách khoa-Trung tâm từ điển học: “Viển: viển vông: diễn giả nói những điều viển vông”.

-Từ điển chính tả tiếng Việt-Nguyễn Trọng Báu-NXB Giáo dục-2013: “Viển:viển vông (Xa rời thực tế, chẳng thiết thực gì cả: suy nghĩ viển vông)

-Từ điển từ láy tiếng Việt-Viện Khoa học xã hội Việt Nam-Viện ngôn ngữ học-NXB Khoa học xã hội: “Viển vông tính từ. Không thiết thực và rất xa thực tế. Chuyện viển vông. Mơ ước viển vông”.

-Từ điển Việt Hán-GS Đinh Gia Khánh hiệu đính-NXB Giáo dục-2003: “Viển vông: 虚幻的(hư ảo đích).

Như thế, rất nhiều sách từ điển tiếng Việt viết là “viển vông” (viển dấu hỏi) chứ không phải “viễn vông” (viễn dấu ngã). Hoá ra mình tư vấn sai cho Bọ Lập hay sao ? Nghĩ vậy đúng mà không đúng. Bởi vì từ “viển vông” (như mình đã giải thích với Bọ Lập) vốn là biến âm của “viễn vọng” nghĩa là trông xa:

-Chữ “vọng” 望 nghĩa gốc là nhìn ra nơi xa. Giáp cốt văn: chữ “vọng” giống như một người đang đứng, mắt mở to nhìn ra xa. Kim văn: thêm hình mặt trăng, thể hiện rõ một người đang “viễn vọng”- nhìn xa.

-Ngoài nghĩa đen là nhìn xa, trong Hán văn, từ “viễn vọng” có nghĩa bóng là “ảo tưởng”, trông chờ vào cái gì đó quá xa vời, không thực tế. Từ điển Việt-Hán (sách đã dẫn) cho ta biết: “Viễn vọng: nghĩa 1. 遠望 viễn vọng-nhìn xa; kính viễn vọng 遠望鏡(viễn vọng kính) Nghĩa 2. 幻想 -ảo tưởng”.

-Từ “ảo tưởng” được Từ điển tiếng Việt giải thích: “có ý nghĩ viển vông, mơ hồ, thoát li hiện thực: ảo tưởng về một thế giới hoàn mĩ”.

-Việt Nam tự điển (Hội khai trí tiến đức-1932):
+Viển-vông: Vu vơ, không có bằng cứ gì cả. Câu chuyện viển vông.
+“Viễn-vọng: trông xa. Đứng trên lầu viễn-vọng. Nghĩa bóng: mong mỏi chuyện xa xôi: Hay viễn-vọng những chuyện viển-vông”.

Như thế, ta có mối liện hệ: Viễn vọng = Ảo tưởng = viển vông. Đặc biệt, Việt Nam tự điển-cuốn sách xuất bản đầu thế kỷ XX cho ta biết thêm: thời bấy giờ đã có sự biến âm “viễn vọng” thành “viển vông”. Tuy nhiên, người ta chưa quên hẳn từ “viễn vọng” nên còn được Việt Nam tự điển ghi nhận: “Viễn vọng: Nghĩa bóng: mong mỏi chuyện xa xôi”. Đáng chú ý, cái ví dụ có vẻ “trái khoáy” “Hay viễn-vọng những chuyện viển-vông” của Việt Nam tự điển cho ta thấy “viển vông” bắt đầu Việt hoá: viễn biến âm thành viển; vọng biến âm thành vông, dần dần thay thế hoàn toàn cho từ Hán Việt “viễn vọng” (Đây là hiện tượng dùng một từ Hán Việt cũ để giải thích cho một từ Việt hoá hoặc từ thuần Việt mới, theo kiểu như “ngày sinh nhật”) Để rồi thay vì nói: “Hay viễn-vọng những chuyện viển-vông” người ta sẽ nói: “Chỉ nói toàn những chuyện viển vông”.Và hơn nửa thế kỷ sau, người ta đã quên hẳn từ “viễn vọng” với nghĩa bóng “mong mỏi chuyện xa xôi” của nó và mặc nhiên công nhận duy nhất từ “viển vông”. Đến mức Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học) xếp “viển vông” vào diện “từ láy tiếng Việt”. Qua đó cho rằng trong từ ghép “viển vông” có một yếu tố  không có nghĩa.

Vậy, bây giờ ta phải theo cách viết nào? “Viển vông” hay “viễn vông”. Theo tôi, đã đến “nước này”, có lẽ cũng đành phải theo số đông vậy. Bởi làm sao có thể thay đổi được chừng ấy sách từ điển? Có người sẽ lý lẽ rằng, một khi chữ “vọng” đã biến âm thành chữ “vông”, thì có lý gì với chữ “viễn” lại không cho nó cái “quyền” biến thành chữ “viển”?  Tuy nhiên, theo tôi, chữ “viễn” mà biến thành chữ “viển” sẽ tạo thành một cấu tạo từ mà cả hai yếu tố đều rất vô nghĩa. Vì trong tiếng Việt ngoài yếu tố “viển” trong “viển vông”, không có từ nào là “viển” cả. Nếu Từ điển từ láy tiếng Việt xếp “viển vông” vào từ loại láy, thì yếu tố nào có nghĩa, và yếu tố nào láy lại âm của yếu tố kia ?  “Vông” là gì và “viển” là gì ?

Có lẽ với các nhà biên soạn từ điển, theo chúng tôi nếu không sửa được “viển” thành “viễn”, thì khi giải thích nghĩa từ “viển vông” nên chú thích nguồn gốc của từ và đưa ra lời khuyên dùng thống nhất là “viển vông” hay “viễn vông”, tránh băn khoăn, thắc mắc cho mọi người mỗi khi nói và viết.

Nhân đây xin cảm ơn Bọ Lập đã nêu vấn đề để HTC và độc giả có thêm một dịp tìm hiểu về ngôn từ tiếng Việt.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VỊ & TUÝP


Một số từ được dùng thường xuyên trên báo chí gần đây nhưng dùng không đúng nghĩa, đúng chỗ... khiến người đọc nhiều lúc không khỏi giật mình, ngán ngẩm.


“Vị”
Trong một bài viết kêu gọi “đừng bài xích hay tẩy chay người ngoại quốc, bất kể là người nước nào trong thời điểm nhạy cảm này”, tác giả đã liên tục đệm chữ “vị” cho mọi hành khách trên xe. Ai cũng là “vị khách” thay vì viết một cách trung tính là “hành khách”, “người khách”.

Nếu không lầm, chỉ dăm ba năm gần đây mới thấy chữ “vị” được dùng “lạm phát” như thế.

Thật khó hiểu khi chúng tôi được dạy rằng chữ “vị” được dùng để bày tỏ sự tôn kính, trân trọng. Hai chữ “quý vị” trong lời mở đầu “Kính thưa quý vị” chỉ sự trân trọng đó.

Thế nhưng, không phải hễ nói tới bất cứ người nào, cho dù là bác sĩ, giáo sư, quan chức... cũng đều có thể thêm chữ “vị”, mà chỉ khi nào người đó là một nhân vật đáng kính trọng hoặc xuất hiện trong một tình huống đáng nể phục.

Bởi thế, thật ngán ngẩm khi chữ “vị” được gán thêm trong trường hợp những người được nhắc đến không hề là hiện thân của sự đáng kính mà lại là “kẻ dữ”: “Vị cán bộ này còn đập tay nhiều lần lên bàn, chỉ vào mặt, chửi bới, văng tục với các cán bộ làm việc...”; “Trưởng phòng LĐ-TB&XH nhận “chạy án” giá 1,5 tỉ đồng...

Thậm chí vị trưởng phòng này còn hào phóng “ủng hộ” gia đình nạn nhân 100 triệu”; “Vị khách 17 tuổi hiếp dâm con gái chủ nhà ở Sơn La”. Càng ngán ngẩm hơn khi cái tựa “Vị khách 17 tuổi...” được rất nhiều báo mạng lớn nhỏ chép lại nguyên văn!

“Chăn ga”
Có một vùng miền phát âm “r” thành “g”: cá rô => cá gô! Song, chưa hẳn chỉ vùng đó mới phát âm “r” thành “g”. Có một vùng đọc là “ga” trong khi có vùng khác vẫn đọc là “ra” để chỉ tấm “drap” trải giường, một từ tiếng Pháp.

Cách phát âm “r” thành “g” này trở nên phổ biến trên rất nhiều bảng hiệu “bán chăn ga”, có lẽ do không biết hay không nhớ từ nguyên của chữ này là “drap”.

Không muốn nói cách phát âm nào là đúng hay sai, song nếu gọi là “ga”, e rằng sẽ không có cơ hội hiểu ra rằng vật dụng đó cũng như từ đó có nguồn gốc từ đâu, là gì.

“Tiểu đường tuýp 2”
Trên rất nhiều bài viết, kể cả tờ chỉ dẫn sử dụng thuốc, các chữ tiểu đường “tuýp 2”, “tuýp 1” thường được dùng bên cạnh tiểu đường “típ 1”, “típ 2”. Dường như cách gọi “tuýp 1, tuýp 2” đang trở nên phổ biến hơn, có thể thấy qua cách dùng từ của truyền thông và những bệnh viện.

Ngoài ra còn có cách viết theo nguyên văn tiếng nước ngoài như “đái tháo đường type 2 là gì?”.

Thiết tưởng, đang có sự lúng túng về cách phát âm: nếu muốn đọc theo tiếng Anh, từ “type” sẽ phiên âm là “tai-p”; còn nếu muốn đọc theo tiếng Pháp, sẽ phiên âm là “típ”.

Trong khi viết “tuýp” sẽ lại là phiên âm từ “tube” (ống tuýp). Thành ra, có lẽ nên dùng hẳn tiếng Việt là “tiểu đường loại 1, 2” cho chính xác hơn.
___________________________________________
Nên dùng từ đúng nghĩa, đúng âm

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, lâu nay đôi lúc còn xảy ra kiểu lỗi dùng từ Hán Việt mà ít người quan tâm, lưu ý là: dùng từ chưa phù hợp với phong cách ngôn ngữ, ngữ cảnh.

Ví dụ nhóm từ “bà xã - phu nhân - vợ” có thể xem đồng nghĩa với nhau nhưng chúng không thể thay thế nhau trong mọi trường hợp. Không thể nói “phu nhân tên cướp”, “bà xã tổng thống”; duy có từ “vợ” mang tính chất trung tính về sắc thái có thể dùng trong cả hai trường hợp nêu trên.

Tương tự, nhóm từ “vị - tên - người” cũng cần phải được sử dụng đúng trong các ngữ cảnh cụ thể, tránh trường hợp dùng tràn lan, tuỳ tiện mà không quan tâm đến sắc thái ngữ nghĩa của nó.

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MIỄN NHIỆM
& BÃI NHIỆM


Các từ “miễn nhiệm”, “bãi nhiệm” gần đây bị sử dụng khá tuỳ tiện, nhầm lẫn lung tung dù là hai khái niệm khác nhau.
1.
Theo dõi tin tức quốc tế, gần đây người đọc báo, xem (nghe) đài thường bắt gặp từ “đổ lỗi”. ĐỔ LỖI tuy ý tứ nhẹ hơn “đổ vấy” nhưng cũng biểu thị “đổ cho người khác làm để tránh trách nhiệm về việc làm xấu của mình”.

Rất tiếc, đã có không ít trường hợp dùng từ ĐỔ LỖI không đúng chỗ, không hợp hoàn cảnh dẫn đến sai lệch vấn đề. Một ví dụ là gần đây Việt Nam và thế giới lên án hành động đòi hỏi chủ quyền vô lý Biển Đông của phía Trung Quốc.

Trong khi hầu hết bình luận chính xác là Trung Quốc “đổ lỗi” cho Việt Nam, cho Mỹ gây phức tạp tình hình Biển Đông thì cũng có tin bài viết “Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc” là không thích hợp.

Tương tự, có tác giả nêu tổng thống Mỹ “đổ lỗi” cho Trung Quốc làm phát sinh virus corona cũng không phù hợp, bởi từ “đổ lỗi” ở đây vô tình khẳng định hậu quả Covid-19 do chính Mỹ gây ra lại không nhận trách nhiệm mà đổ lỗi cho Trung Quốc.

Mặt khác, trong điều kiện chưa có kết luận quốc tế quy kết Trung Quốc gây ra đại dịch Covid-19 thì truyền thông cần đưa tin trung tính, thích hợp nhất là “Tổng thống Mỹ Donald Trump CÁO BUỘC Trung Quốc” thay vì “Tổng thống Mỹ Donald Trump ĐỔ LỖI cho Trung Quốc”?
2.
Liên quan đến từ MANG, có không ít báo chí đã viết “tàu khu trục/tuần dương hạm DO tên lửa dẫn đường” thay vì đúng phải là “tàu khu trục/tuần dương hạm MANG (hoặc CÓ) tên lửa dẫn đường”.

Cái sai không thể chấp nhận là, thay vì nêu tàu chiến được trang bị vũ khí tấn công là tên lửa dẫn đường lại bị giải nghĩa thành tàu chiến có lộ trình DO tên lửa dẫn lối!
3.
Các từ “miễn nhiệm”, “bãi nhiệm” gần đây bị sử dụng khá tuỳ tiện, nhầm lẫn lung tung dù là hai khái niệm khác nhau.

“Miễn nhiệm” đồng nghĩa “cho thôi không tiếp tục giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ”. Lý do cho thôi chức vụ có thể vì nguyện vọng cá nhân, được tổ chức phân công nhiệm vụ mới hay do nghỉ hưu trí.

Còn “bãi nhiệm”, theo Từ điển tiếng Việt thông dụng (NXB Giáo Dục) là “buộc thôi giữ chức vụ được bầu ra”, tức bị sa thải, buộc phải rời bỏ chức vụ vì lý do vi phạm pháp luật Nhà nước, bị kỷ luật (Đảng, chính quyền, đoàn thể)...

Đáng tiếc, vì không phân biệt rõ hai khái niệm trên, vừa qua có tình trạng một số cán bộ cấp cao được Quốc hội miễn nhiệm để nhận công tác khác lại bị đưa tin rằng “bãi nhiệm”?
4.
Kho tàng từ ngữ tiếng Việt rất phong phú, nhưng nếu sử dụng không phù hợp có thể “phản chủ”.

Như khi đưa tin khu di tích nhà tù Hoả Lò (nơi thực dân, đế quốc Pháp giam cầm tra tấn các chiến sĩ cách mạng ngày trước) tổ chức tham quan đêm và sử dụng công nghệ tái hiện mới, nam biên tập viên truyền hình dùng từ “hấp dẫn, thú vị” làm nhiều khán giả “giật mình”.

NGUYỄN VĂN HÙNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

10 CẶP TỪ RẤT DỄ “LẪN LỘN”
TRONG TIẾNG VIỆT


Dám cá rằng, bạn đã từng dùng sai rất nhiều lần những từ này mà không hề hay biết!

Đi khắp Đông Tây, thật hiếm có ngôn ngữ nào chứa từ tượng hình và tượng thanh nhiều như Tiếng Việt.

Tuy nhiên, dù Tiếng Việt đẹp bao nhiêu, dễ học, dễ nhớ bao nhiêu thì vẫn có không ít người Việt hay bị nhầm lẫn trong cách sử dụng từ.

Dám cá rằng, không ít bạn trong chúng ta sử dụng những cặp từ này hàng ngày nhưng vẫn khó tránh khỏi sai sót. Hãy cùng xem đó là cặp từ gì và chia sẻ xem bạn có hay dùng nhầm không nhé!

1.    Chia sẻ hay chia xẻ

Hẳn nói đến cặp từ này, không ít bạn quả quyết “chia sẻ” mới là từ đúng bởi ít khi nhìn thấy ai dùng từ “chia xẻ” cả. Nhưng bạn có hay, hai từ này đều được sử dụng, mặc dù nghĩa của chúng có hơi khác nhau.

Từ “chia sẻ”, “chia” có nghĩa là làm ra thành từng phần, từ một chỉnh thể; “sẻ” là chia bớt ra, lấy ra một phần. Do đó, “chia sẻ” có nghĩa là cùng chia với nhau để cùng hưởng, hoặc cùng chịu đựng. (ví dụ: Chia cơm sẻ áo, chia sẻ nỗi buồn).

“Chia xẻ” – “chia” vẫn có nghĩa là làm nhỏ ra thành từng phần từ một chỉnh thể, trong khi đó “xẻ” nghĩa là chia, bổ, cắt cho rời ra theo chiều dọc, không để dính liền nhau nữa, hay có nghĩa là đào cái gì cho thông, thoát (VD: xẻ rãnh thoát nước).

Bởi vậy, có thể nói, hai từ “chia sẻ” và “chia xẻ” này cùng là động từ, có nghĩa gần giống nhau nhưng cách dùng từ khác nhau. Bạn nên chọn từ đúng trong mỗi trường hợp, chứ đừng cãi cố là không có từ “chia xẻ” nhé!

Giả thuyết hay giả thiết

Trời, từ này là cực hay nhầm lẫn luôn đó! Có người thì khăng khăng nói rằng, chỉ có “giả thuyết” mới đúng và dùng trong tất cả các trường hợp, người khác thì lại quả quyết - “giả thiết” mới thật chính xác. Và sự thật là... cả hai từ đều dùng được nhưng ở trong các trường hợp khác nhau.

Cụ thể, “giả thuyết” được sử dụng trong trường hợp muốn nêu luận điểm mới trong khoa học để giải thích một hiện tượng tự nhiên nào đó và tạm được chấp nhận, chưa được kiểm nghiệm, kiểm chứng.

Trong khi đó, “giả thiết” được dùng để chỉ điều cho trước trong một định lý hay một bài toán để căn cứ vào đó mà suy ra kết luận của định lý hay để giải bài toán.

Một định nghĩa khác được đề cập trong Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê như sau: “giả thiết” - điều coi như là có thật, nêu ra làm căn cứ để phân tích, suy luận, giả định. Bởi vậy, hai từ “giả thiết” và “giả thuyết” đều đúng, chỉ là bạn nên chọn từ thật đúng trong mỗi trường hợp mà thôi.  

Độc giả hay đọc giả

Cần chỉ rõ rằng, “độc giả” là từ Hán Việt gồm hai chữ gốc Hán: “độc” mang ý nghĩa “đọc” hay “học” và “giả” mang ý nghĩa “người”. Khi hai chữ đó được kết hợp với nhau, từ “độc giả” có nghĩa là “người đọc”.

Trong từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê xuất bản năm 2000, trang 336 cũng có định nghĩa từ “độc giả” – đó là người đọc sách báo, trong quan hệ với tác giả, nhà xuất bản, cơ quan báo chí, thư viện.

Trong khi đó, từ “đọc giả” được một số người sử dụng với nghĩa “người đọc” hay “bạn đọc” – bao gồm “đọc” là một từ thuần Việt và “giả” là một chữ Hán Việt. Khi ghép hai từ này vào, ta sẽ nhận thấy một sự kết hợp không hợp lý.
Bởi vậy có thể khẳng định rằng, “độc giả” mới là từ đúng.

Chín mùi hay chín muồi

Theo định nghĩa của Hoàng Phê – trong Từ điển Tiếng Việt 2000 (trang 161) có đề cập “chín muồi” là (quả cây) rất chín, đạt đến độ ngon nhất. Đạt đến độ phát triển đầy đủ nhất, để có thể chuyển giai đoạn hoặc trạng thái. (VD: Điều kiện để chín muồi).

Nhưng lại có rất ít từ điển đề cập đến từ “chín mùi”. Ngay cả từ điển của Nguyễn Kim Thản (2005) cũng chỉ nêu “chín muồi” là…. chín mùi như một cách nói tắt.

Bởi vậy, có thể khẳng định, từ đúng ở đây phải là “chín muồi”.

Tựu chung hay tựu trung

Trường hợp đúng ở đây phải là “tựu trung”. Tuy nhiên, không ít người dùng “tựu chung” hàng ngày bởi họ cho rằng, nghĩa của “chung” trong “tựu chung” giống trong từ “chung quy”.

Thật ra, từ “tựu trung” - “tựu” có nghĩa là tới (tề tựu); trung: là ở giữa, trong, bên trong. “Tựu trung” có nghĩa là tóm lại, biểu thị điều sắp nêu ra là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến. Ví dụ: Mỗi người nói một kiểu nhưng tựu trung đều tán thành cả.

Vô hình chung hay vô hình trung

Không ít người thường dùng từ “vô hình chung” thay cho từ “vô hình trung” bởi nghĩ từ “chung” có nghĩa là chung quy. Tuy nhiên, cách hiểu này không đúng.

Theo nghĩa Hán Việt, “vô hình trung” có nghĩa là “trong cái vô hình”. Còn trong Từ điển Tiếng Việt có định nghĩa: “vô hình trung”: tuy không có chủ định, không cố ý nhưng tự nhiên lại là (tạo ra, gây ra việc nói đến). Ví dụ: “Anh không nói gì, vô hình trung đã làm hại nó”.

Trong khi đó, không có từ điển nào đề cập đến định nghĩa của từ “vô hình chung” cả. Vì thế, “vô hình trung” là từ đúng; còn “vô hình chung” là sai.

Nhậm chức hay nhận chức

Theo nghĩa Hán Việt, “nhậm” trong từ “nhậm chức” là gánh vác công vụ, nhiệm vụ; “chức” là chức trách, việc quan, bổn phận. “Nhậm chức” là giữ chức vụ, gánh vác, đảm đương chức vụ do cấp trên giao cho, hiểu đơn giản, cấp trên bổ nhiệm, cấp dưới nhậm chức.

Trong khi đó, từ “nhận chức” trong nghĩa Hán Nôm thì “nhận” là tiếp đón, chịu lấy, lĩnh lấy; nên”nhận chức” là nhận chức vụ, nhưng không diễn tả được trách nhiệm với chức vụ đó. Theo nghĩa Hán, “nhận” là nhìn, biết, chịu, bằng lòng nên “nhận chức” không có nghĩa.

Do đó, dù theo từ điển Hán Nôm, hay Hán Việt thì từ “nhận chức” đều không có nghĩa diễn tả được trách nhiệm đối với chức vụ. Do đó, từ đúng phải là “nhậm chức”.

Chẩn đoán hay chuẩn đoán

Bạn cho rằng, chẩn đoán và chuẩn đoán là giống nhau ư? Nhưng sự thật là, trong này chỉ có một từ đúng mà thôi.

“Chẩn đoán” - “chẩn” có nghĩa là xác định, phân biệt dựa theo những triệu chứng, dấu hiệu có sẵn; “đoán” có nghĩa là dựa vào cái có sẵn, đã thấy, đã biết để tìm cách suy ra điều chủ yếu còn chưa rõ hoặc chưa xảy ra.
Như vậy, “chẩn đoán” có nghĩa là xác định bệnh, dựa theo triệu chứng và kết quả xét nghiệm (theo Từ điển Tiếng Việt). VD: Chẩn đoán bệnh có đúng thì điều trị mới có hiệu quả.

Trong khi đó, “chuẩn” trong từ “chuẩn đoán” lại không hề mang nghĩa như vậy. Từ “chuẩn” chỉ có nghĩa là cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu, hướng theo đó mà làm đúng; hay là cái được công nhận là đúng theo quy định hoặc theo thói quen trong xã hội mà thôi.

Vì vậy, “chẩn đoán” mới là từ đúng.

Tham quan hay thăm quan

Nhiều người cho rằng, “tham quan” hay “thăm quan” giống nhau về nghĩa nên có thể sử dụng xen lẫn được. Nhưng sự thật là chỉ có 1 từ đúng thôi – và đó là “tham quan”. Thử phân tách nghĩa các từ ra nhé!

Từ “thăm quan” được gắn nghĩa từ “thăm” - đến nơi nào đó bày tỏ sự quan tâm, hỏi han (đi thăm người ốm) hay xem xét để biết tình hình (thăm trường, lớp)… với từ “quan” – quan sát.

Trong khi từ “tham quan” (động từ) - theo gốc Hán thì “tham” có nghĩa là thêm vào; “quan” là quan sát, nhìn nhận. Do đó, “tham quan” nghĩa là đi tận nơi để quan sát, mở rộng hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm.

Tuy nhiên, từ này đồng âm khác nghĩa với từ “tham quan” (danh từ) chỉ viên quan có tính tham lam.Bởi vậy, từ “tham quan” mới là từ chính xác.

Sát nhập hay sáp nhập

Nếu ai đó hỏi bạn từ “sát nhập” hay “sáp nhập” mới đúng. Bạn sẽ trả lời sao? Sự thật là gốc của 2 từ “sát nhập” và “sáp nhập” này bắt nguồn từ “sáp nhập” – một từ ngoại lai. Trong đó, “Sáp” có nghĩa là cắm vào, cài vào; còn “Nhập” nghĩa là vào, tham gia vào, đưa vào.

Do vậy, “sáp nhập” là nhập chung lại, gộp chung lại làm một. (Ví dụ: Sáp nhập ba xã làm một/ Công ty A sáp nhập vào công ty B). Với từ “sát nhập”, từ “sát” là từ biến âm, biến thể dân gian của từ “sáp” mà ra. Từ “sát” trong tiếng Việt có nghĩa phái sinh từ từ “sáp”.

Ngoài nghĩa gốc là cắm vào, cài vào thì còn có nghĩa là liền ngay bên cạnh, xích gần lại đến mức không còn khoảng cách. Đứng trên quan điểm đồng đại, nhiều người sử dụng hai từ “sáp nhập” và “sát nhập” y như nhau. Một vài cuốn từ điển tiếng Việt đề cập đồng thời hai từ “sáp nhập” và “sát nhập” với nghĩa tương tự nhau.

Tuy nhiên, theo ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận – Trưởng Bộ môn Hán Nôm Khoa Văn học và khoa Ngôn ngữ - trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thì không nên sử dụng hai từ này giống nhau bởi nó không thật hợp lý.
Từ “sát” – tức là cạnh đến mức không còn khoảng cách, còn “sáp” nghĩa là cắm vào, cài vào; nếu sử dụng chung, nghĩa gốc của từ “sáp” không còn, từ đó, nghĩa của từ đã bị thay đổi.

Hãy chia sẻ thêm về những cặp từ mà bạn hay nhầm lẫn qua bình luận ở dưới nhé!

* Bài viết có sử dụng một số tài liệu tham khảo:
1.Đào Duy Anh (2005), Hán Việt từ điển, Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội.
2.Hoàng Phê (chủ biên) (2000), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRIẾT LÝ TIẾNG VIỆT TRONG
VÀO NAM RA BẮC


Tại sao nói “vào Nam ra Bắc” nhưng không thể nói “vào Bắc ra Nam”? Tại sao một em bé mới sinh được gọi là “mới ra đời”, còn những sinh viên tốt nghiệp và rời trường thì được gọi là “bước vào đời”?

Những câu hỏi này liên quan tới hiện tượng chuyển nghĩa rất thú vị của các từ ra, vào.

“Người xấu duyên lặn vào trong...”

Ra, vào là những vận động định hướng trong không gian. Về ý nghĩa, chúng có liên hệ chặt chẽ với hai từ trỏ vị trí trong, ngoài: “Người xấu duyên lặn vào trong/Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài”. (ca dao)

Từ thời xa xưa tổ tiên chúng ta nhận ra trong hang thì hẹp và ngoài hang thì rộng. Nói “đi ra ngoài hang, đi vào trong hang” rồi khái quát thành: đi ra là đi từ một không gian hẹp tới một không gian rộng hơn, như em bé từ bụng mẹ ra đời; còn đi vào là đi từ một không gian rộng tới một không gian hẹp hơn. Từ trong ứng với không gian hẹp, từ ngoài ứng với không gian rộng. Nhưng không gian nào rộng, không gian nào hẹp? Quan hệ trong - ngoài, hẹp - rộng chỉ là tương đối có trong tâm thức người Việt và được sắp xếp theo quy ước. Chẳng hạn: buồng hẹp hơn nhà, nhà hẹp hơn sân, sân hẹp hơn vườn, vườn hẹp hơn ngõ...

Vậy nên chỉ cần nghe “đi ra sân” là chúng ta biết ai đó từ buồng, từ bếp, từ nhà đi ra sân. Còn khi nghe “đi vào sân” là hiểu ngay ai đó từ vườn, từ ngõ... đi vào sân.

“Vào” nơi chưa biết - “ra” chỗ biết rồi

Hàng loạt nghĩa mới của hai từ ra, vào được hình thành liên quan đến nhận thức:

a) Trong - ngoài là quan hệ hẹp - rộng, khép - mở, chúng tạo ra những quan hệ về thuộc tính, và

b) Hướng chuyển động chuyển thành thuộc tính. Đi vào là đi tới nơi hẹp, nơi bị khép lại, còn đi ra là đi tới nơi rộng mở.

Quan hệ hẹp - rộng chuyển thành quan hệ kín - rõ. Mà kín là bí mật, là không thấy được. Ấy vậy nên, từ vào để chỉ những sự việc hoặc hành động bí mật, không thấy được: Đảng rút vào hoạt động bí mật, tên gian đã lẩn vào đám đông, vấn đề đi vào ngõ cụt. Từ ra để chỉ những sự việc hoặc hành động thấy được, công khai: tiến ra sân khấu, cầu thủ A đã được đưa ra sân thay thế cho cầu thủ B.

Chuyển động “ra” là chuyển động từ không gian khép sang không gian mở, là chuyển động theo hướng ly tâm như: dang tay ra, duỗi chân ra, mở gói ra, cởi áo ra, bàn ra, tháo ra, thuyền ra khơi xa... Khái quát lên là từ thu hẹp sang phát triển. Khái quát nữa là sự vật chuyển thuộc tính từ tiêu cực (âm) sang tích cực (dương). Điều này được thấy trong các lối nói trắng ra, béo ra, trẻ ra, khoẻ ra, đẹp ra, tươi ra, đỏ đắn ra, xinh ra, tỉnh ra, ăn nên làm ra...

Ngược lại, từ vào dùng cho những hoạt động hướng tâm: co tay vào, nhìn thẳng vào sự thật, nhảy vào cuộc, nói vun vào, lãnh đạo cần gương mẫu để cho quần chúng còn nhìn vào...

Quan hệ không thấy được - thấy được chuyển thành quan hệ chưa biết - biết, phát hiện; giữ kín - bộc lộ. Từ ra để chỉ những gì ta biết, ta phát hiện: tìm ra đáp số; tìm ra thủ phạm; chỉ ra những chỗ sai; nhận ra người quen; nổ ra cuộc tranh luận. Từ ra còn trỏ những gì được bộc lộ: hiện ra, bày ra, làm rõ ra...

Trong cờ tướng, “ra xe” là quân xe chuyển tới một vị trí mở (bộc lộ) rất rộng đường đi. Ý nghĩa “bộc lộ, phát hiện” của từ ra được xuất hiện trong hầu hết các quán ngữ, thành ngữ có từ ra: té ra, hoá ra, thì ra là, thế ra, ra bộ, ra mặt, ra tay, ra cái điều, ra đầu ra đũa, ra môn ra khoai... Từ vào để chỉ những gì chưa biết. Nói tên lửa bay lên vũ trụ vì vũ trụ là không gian cao trên đầu chúng ta; nhưng cũng nói tên lửa bay vào vũ trụ vì trước đây chúng ta hầu như chưa biết gì về vũ trụ. Chúng ta nói những sinh viên tốt nghiệp đại học và đi làm, nhưng chưa biết gì về cuộc sống, là những sinh viên mới vào đời.

Tới đây, chúng ta giải thích được lối nói ra Bắc vào Nam: Trong quá trình phát triển, dân tộc VN đi từ phía Bắc xuống phía Nam. Chúng ta sinh sống ở phía Bắc. Nơi ta sống là nơi ta biết. Đi tới phía Bắc trên đất nước ta là đi tới nơi ta biết nên mới nói ra Bắc. Ông cha ta đi khai khẩn, khám phá phía Nam là nơi chưa từng sinh sống nên chưa biết. Đi tới phía Nam là đi tới nơi ta chưa biết nên mới nói vào Nam. Mặt khác, tiến về phương Nam chủ yếu là tiến về nơi rừng núi rậm rạp cũng là chưa biết. Thế là hình thành lối nói “vào Nam ra Bắc”.

NGUYỄN ĐỨC DÂN

Cách nói theo “điểm nhìn”
Có một ông ngồi trong phòng khách. Tiếng Việt và tiếng Anh có cách nói giống nhau về vị trí của người này so với phòng khách: “Ông ấy đang đợi ở phòng khách” và “He is waiting in the living room”.

Người Việt còn có cách nói theo điểm nhìn rất đặc sắc. Đó là lấy vị trí của mình so với vị trí của người đàn ông để nói. Đang ở trên lầu cao thì nói: “Ông ấy đang đợi dưới phòng khách”. Nếu ở dưới bếp thì nói: “Ông ấy đang đợi trên phòng khách”. Còn như đang ở trong buồng thì phải nói: “Ông ấy đang đợi ngoài phòng khách”. Và: “Ông ấy đang đợi trong phòng khách” là cách nói của những ai đang ở ngoài sân, ngoài vườn.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHUYỆN “SANG TÊN SỔ HỒNG”
TRONG NGÔN NGỮ


“Sang tên sổ hồng” là cách nói bình dân về việc thay đổi người sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Râu Xanh giao chìa khoá lâu đài cho vợ thứ tư - Minh hoạ năm 1862 của Gustave Doré

Hiện tượng danh từ riêng trở thành danh từ chung sau một thời gian dài sử dụng có thể ví von như “sang tên sổ hồng” trong ngôn ngữ.
1.
Vũ môn là tên một con kênh do Đại Vũ (2298 - 2198 TCN) chỉ huy xây dựng vào thời Trung Quốc cổ đại. Vũ môn còn là tên một ghềnh sông trên dòng Trường Giang, đoạn chảy qua tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Tương truyền vào mùa lũ, nhiều loài cá tụ tập về ghềnh này và con nào vượt được sẽ hoá rồng.

Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi nhận suối Vũ Môn ở núi Vũ Môn, dãy Giăng Màn, huyện Hương Khê. Trên núi có thác ba bậc, mỗi bậc đến vài ba trượng.

Tương truyền đến ngày 8-4 hằng năm, cá chép vượt được suối này thì hoá rồng. Ca dao Việt Nam cũng có câu: Mồng bốn cá đi ăn thề/ Mồng tám cá về cá vượt Vũ Môn (Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam).

Theo thời gian, danh từ riêng Vũ môn (hoặc Vũ Môn) trở thành danh từ chung “vũ môn” để chỉ một kỳ thi và “vượt vũ môn” mang nghĩa thi đỗ. Truyện Phan Trần có câu “Vũ môn mừng đã đến tuần”, ý nói ngày thi sắp đến.
2.
Công ty Honda (Nhật Bản) thành lập năm 1948. Vào thập niên 1960, xe gắn máy Honda chính thức nhập khẩu vào miền Nam nước ta, mở đầu cho thời kỳ thống trị của các loại xe gắn máy thương hiệu Nhật.

Dần dần, “xe honda” trở thành danh từ chỉ chung các loại xe hai bánh gắn máy. Cách gọi này đi vào ngôn ngữ quần chúng những năm 1980 thông qua “lời nhắn nhủ” dí dỏm cho những ai đang đi tìm người yêu: “Một ngàn lời nói không bằng cái ống khói xe honda!”. Trên đường phố ngày nay, ta vẫn nhìn thấy các bảng hiệu ghi “sửa xe honda” mặc dù ở đó có sửa các xe gắn máy hiệu khác.
3.
Mạnh Thường Quân là hiệu của Điền Văn (? - 279 TCN) - một nhân vật lịch sử và văn học thời Chiến quốc. Về con người Mạnh Thường Quân, các tài liệu lịch sử và tác phẩm văn học viết không hoàn toàn giống nhau.

Tuy nhiên, hai nguồn này đều cho thấy Mạnh Thường Quân là một chính khách giàu có, nuôi hàng nghìn thực khách trong nhà.

Bắt nguồn từ danh từ riêng Mạnh Thường Quân, danh từ chung “mạnh thường quân” được dùng trong tiếng Việt để chỉ người hay giúp đỡ người khác. Có thể thấy, tính cách hào phóng của Mạnh Thường Quân đã được giữ lại và dần dần tạo nên nghĩa hiện tại của danh từ chung tương ứng.
4.
La Barbe-Bleue (Râu Xanh) là tên nhân vật trung tâm của truyện cổ tích cùng tên mà phiên bản nổi tiếng nhất được Charles Perrault (1628 - 1703) biên soạn và xuất bản tại Pháp năm 1697 trong tuyển tập Les contes de ma mère l’Oye (Truyện cổ tích của mẹ Oye).

Râu Xanh là một người đàn ông giàu có nhưng xấu xí với bộ râu màu xanh. Y đã ba lần kết hôn nhưng không ai biết những người vợ này hiện ra sao. Một cô gái trẻ đẹp sống cạnh lâu đài của Râu Xanh trở thành vợ thứ tư của y.

Trong một lần Râu Xanh đi vắng, cô vợ thứ tư phát hiện căn phòng bí mật - nơi chồng cô giấu xác ba người vợ trước. Biết tội ác bị lộ, Râu Xanh chuẩn bị giết người vợ thứ tư nhưng hai người anh vợ đã đến kịp và kết liễu y.

Les contes de ma mère l’Oye được Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) dịch sang tiếng Việt và xuất bản lần đầu năm 1916 với tên Truyện trẻ con, được Đắc Lộ thư xã tái bản có chỉnh sửa năm 1943 và được Đông A tái bản năm 2016. Tập truyện cũng được NXB Kim Đồng ra mắt năm 1974 và 1993 với bản dịch Chiếc hài cườm pha lê của Vũ Ngọc Bình (1925 - 2016).

Ngày nay, danh từ chung “yêu râu xanh” thường được dùng để chỉ người đàn ông có ý định hoặc có hành vi cưỡng hiếp phái nữ. Râu Xanh từ một nhân vật giàu có, xấu xí và hung ác dần dần trở thành danh từ chung “yêu râu xanh” với nghĩa thay đổi so với nhân vật văn học gốc.

TRƯỜNG LÂN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

AI ĐỜI CÁI LỐP XE ĐẠP
MÀ NÓI CÁI LÁP XÊ ĐỘP


Lâu lâu có một quan chức hay một em hoa hậu á hậu nào đó xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia mà nói ngọng (ngọng thiệt chứ chẳng phải lỡ nha) là thiên hạ bò ra cười.

Kể cũng đáng suy nghĩ thật, nặng nhất là mấy quả “l”, “n”, cứ “noạn” (loạn) hết cả lên.

Kể ra cũng oan thật, vì nói ngọng cũng như đặc sản vùng miền, nó thấm vào tận gan ruột, ăn vào tận cơ lưỡi rồi, uốn lắm rồi mà bản năng nó trỗi dậy là thua, đâu phải muốn mà thoát... ngọng.

Kể cũng oan thiệt vì biết đâu chính mình cũng ngọng. Cả xứ mình, thử hỏi đố tìm ra vùng nào không ngọng xem nào?

Vùng đồng bằng chiêm trũng Bắc bộ có vẻ ngọng nhiều nhất. Hải Phòng Nam Định hẹn nhau lên thủ đô nói thế này: “Mai đi Hà Lội mua cái lồi về lấu cơm lếp” (Mai đi Hà Nội mua cái nồi về nấu cơm nếp).

Cách nhau có vài chục cây số thôi mà sang Hải Dương, Bắc Ninh hình như lại ngọng ngược lại. Hồi tôi lên rừng Trường Sơn chơi với ông cậu đang phụ trách tuyến đường này, ổng kể có ông thủ trưởng đơn vị người Hải Dương chửi anh lính lái xe ẩu một trận tối mặt tối mày thế này: “Nàm thì nười. Nói thì náo. Đi xe thì nạng nách. Nao nên nề. Ngã nuôn” (Làm thì lười. Nói thì láo. Đi xe thì lạng lách. Lao lên lề. Ngã luôn”).

Ngọng mà chửi duyên thế thì kém gì hề Xuân Hinh.

Dân Hà Nội cứ bảo giọng mình là chuẩn, là tiếng quốc gia, chính ra cũng ngọng “níu nưỡi” (líu lưỡi). Cứ nghe các cô phát thanh viên phát âm tròn vành rõ chữ “chong chẻo” với cả “dun dẩy” (run rẩy), rồi thì “xung xướng” (sung sướng) mới cả “dưng dưng heo may” (rưng rưng heo may) nghe sao mà... “dụng dời” (rụng rời).

Đọc nghe âm nhẹ đi thật, nhưng điệu quá có ngày gậy ông đập lưng ông, nghe nói có lần chị L. K. làm MC chương trình âm nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn. Chị K. thì nổi tiếng thanh lịch rồi, nhưng giới thiệu say sưa xong, đúng lúc cần giới thiệu nhan đề bài hát thì buột miệng: “Sau đây mời quý vị cùng thưởng thức ca khúc nặng nẽ lơi lày (lặng lẽ nơi này)”.

Cô Nguyen Le thì ám ảnh dấu sắc, ba dấu sắc mà đứng gần nhau là thảm hoạ. Hồi đi phỏng vấn các ông nhà văn, sau khi hỏi chuyện đời chuyện nghề xong thì chị cập nhật thông tin, bèn hỏi “Dạo này chú có sạng tạc mợi (sáng tác mới) nào không?”.

Nhà văn nghe không thủng tai, hỏi lại “có cái gì?”. Chị càng quýnh, càng líu lưỡi: “Dạ, sạng tạc mợi”. Nhà văn càng nghe càng hoảng, gì mà mợi mợi?
Tôi dân khu Bốn cũ, cả một vệt Bình Trị Thiên ấy toàn ngọng hỏi ngã, sợ nhất là ba dấu hỏi đứng liền nhau. Ra Hà Nội học, cố uốn lưỡi cho giọng nhẹ đi, mềm lại, nhưng lâu lâu vẫn bị phản chủ. Có lần qua sạp báo Hàng Trống, lười gửi xe nên đậu bên ngoài, gọi với vô: “Lấy cho em tờ Tuỗi Trẻ chũ nhật (Tuổi Trẻ chủ nhật)”.

Chị bán hàng đoán mồm một hồi không ra, hỏi lại, “Lấy tờ gì?” - Tuỗi Trẻ chũ nhật. Ối giời ơi là những ba dấu hỏi. Chị bán hàng vẫn không hiểu tờ gì, mắt trợn tròn làm tôi càng ngượng, xuống xe, cầm tờ báo lên: “Đây, làm gì còn có tờ báo nào có ba dấu hỏi mà cũng không biết”.

Cả một vệt Nam Trung Bộ từ Quảng Nam Đà Nẵng vô tới Phú Yên Bình Định thì ngọng kiểu gì mà toàn tưởng... nói lái. Ai đời cái lốp xe đạp mà không ít người nói là cái... láp xe độp.

Ngọng kiểu nói lái thế mà thích đùa, thích nói chữ lắm nha. “Thôi rồi Lượm ơi” mà thế nào lại thành “thau rầu Lượm âu”.

Nghe lăn ra cười, thế là bị chửi... thiệt: “Chưởi chơ không bằng phơ tiếng” (chửi cha không bằng pha tiếng).

Phải bóp mồm xin lỗi rối rít, xong tối lại rủ, “Đi hát kơ rơ ơ kơ giải sầu không”, chịu không nổi lại lăn ra cười, thế là bị giận đến không thèm ngó mặt.

Rồi một vệt miền Nam Tây Nguyên ngọng kiểu miền Nam Tây Nguyên, không nói được chữ Q. Xuống Bến Tre, Đồng Tháp thì cứ kéo nhau “bắt con cá gô bỏ gổ” (bắt con cá rô bỏ rổ).

Ngọng đủ kiểu Bắc Trung Nam, vậy mà cơ bản ai cũng hiểu thế mới lạ! Ai dũng cảm kêu mình không nói ngọng giơ tay lên nào, kể cả... tôi?

LÊ HỒNG LÂM
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VÂN VÂN và MÂY MÂY…


Nếu có ai cắc cớ hỏi: “Này, tớ thấy trong câu văn có lúc xuất hiện “v.v…”, vậy “lai lịch” của nó thế nào nhỉ?”.

Theo Đại từ điển tiếng Việt (1999): “v.v.: vân vân, viết tắt; dùng sau một sự liệt kê, có nghĩa là “và còn nữa, không thể kể ra hết”. Truyện thơ Nôm khuyết danh Nhị độ mai ghi rành rành: “Hạnh Nguyên ra yết cửa ngoài/ Ngứa gan tấm tức mấy lời vân vân”. Và, Truyện Kiều có câu: “Nén hương đến trước Thiên đài/ Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân”.

Có phải trong những câu thơ trên, “vân vân” này được hiểu theo nghĩa “còn nữa, không thể kể ra hết”?

Theo Việt Nam từ điển (1931): “còn thế nữa” là cách hiểu như hiện nay ta đã hiểu. Với câu Kiều vừa dẫn chứng, Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị (1965) cũng có đưa vào mục từ “vân vân” (viết tắt v.v.).

Cụ Đào Duy Anh cho biết thêm: “Cùng nghĩa như vân vi, chỉ lời này lời khác” (Từ điển Truyện Kiều). “Vân vi” là đầu đuôi câu chuyện”, Đại từ điển tiếng Việt giải thích: “Đầu đuôi sự tình” và xếp chung “vân vân/vân vi”.

Từ các giải thích trên, ta có thể hiểu nôm na, từ dùng chỉ việc/chuyện nọ, này, kia, còn nữa, còn chưa kể lể/liệt kê ra hết, đầu đuôi gốc ngọn thì sử dụng “vân vân/vân vi”; về sau, “vân vân” lấn lướt, chiếm ưu thế loại bỏ “vân vi”. Rồi tự bao giờ “vân vân”, chỉ viết gọn lại “v.v…”, và ai là người tiên phong khởi xướng để nay đã trở thành thói quen phổ biến?

Với câu hỏi cố tình bắt bí này, thú thật, tôi đây bí rị bà rì, xin nhường câu trả lời cho các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học.

Vẫn biết “v.v…” xuất hiện sau khi dứt sự liệt kê, nhưng vẫn có người viết/đọc cực kỳ ngộ nghĩnh: “Vân vân và mây mây”. Cách diễn đạt ấy, chỉ có thể xuất hiện trên… báo Tuổi Trẻ Cười (số 1.10.2017), không ai khác chính là người phụ trách chuyên mục “Jesse Cười”.

Âu cũng là một cách nghịch ngợm nhằm tạo ấn tượng cho người đọc/nghe. Sở sĩ như vậy, ai cũng thừa biết “vân” là Hán Việt có nghĩa là mây.

Mây thì bay trên trời, tất nhiên, nhưng “Đi mây về gió” không chỉ hiểu theo nghĩa có phép mầu nhiệm, biến hoá thần kỳ; thường xuyên đi lại, ít ở một nơi cố định.

Nay đã mở rộng nghĩa, chẳng hạn, chàng kia tâm tình: “Chẳng thèm nói phét làm gì, tớ đây thường xuyên đi mây về gió”. Tức chàng ta là phi công - hành nghề bằng phương tiện hiện đại mà đầu thế kỷ XX, người dân nước Nam lần đầu tiên kinh ngạc trước sự việc lạ lùng - như Quận môn Nguyễn Hữu Bài đã cảm nhận: “Mới đó nhập nhờn vừa khỏi đất/ Bỗng đâu phất phới đã ngang trời”.

Đây cũng là lần đầu tiên trong thi ca Việt Nam xuất hiện bài thơ vịnh… chiếc máy bay.
Không chỉ có thế, “đi mây về gió” còn nhằm nói lên cảm giác của những ai nhiễm thói xấu lúc sử dụng chất kích thích để tìm cảm giác “phê như con tê tê”.

Còn “Buôn mây bán gió”? Câu thành ngữ này nhằm chỉ kẻ khoe khoang buôn bán nọ kia nhưng thực ra chẳng nghề ngỗng gì ráo.

Ca dao có câu so sánh rất hàm súc: “Đôi ta như nút với khuy/ Như mây với núi biệt ly không đành”. Nếu dại dột thay thế “mây” bằng “vân” (dù không trái nghĩa) nhưng nghe khó lọt lỗ tai.

Ngược lại, “Quả cau nho nhỏ/ Cái vỏ vân vân”, nếu thay đổi “vân vân” bằng “mây mây” thì sao? Thì… tha hồ hứng lấy “gạch đá”, vì rằng “vân vân” trong ngữ cảnh này lại hàm nghĩa có nhiều đường cong nhỏ lượn song song tự nhiên trên bề mặt của sự vật nào đó, chẳng dính dáng gì đến mây.

Vâng, dù nghe rõ mồn một từ mây nhưng chẳng dính líu gì đến “vân”, cũng chẳng liên quan gì đến “mây”. Chẳng hạn, “Mây tắt chẻ ngược, mây nước chẻ xuôi, mây đắng chẻ đầu đuôi chẻ lại”, thì chẳng phải mây bay trên trời mà ở đây lại hướng dẫn cách chẻ cây mây.

Nó cũng đã từng xuất hiện trong thành ngữ “Bứt mây động rừng”, tương tự “Đánh trống động chuông”, tức nhân việc này mà động đến việc khác. Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (1897) của Paulus Của Huỳnh Tịnh cho biết, làm mất lòng nhau, thời đó cũng là gọi là “động”.

“Giác Duyên từ biệt giã nàng/ Đeo bầu quẩy níp rộng đường vân du” (Truyện Kiều), thì “vân du” là từ nhằm chỉ đạo sĩ, người tu hành đi đó đi đây giống như mây trôi trên trời, mây bay đi.

Thế nhưng, một người ân cần hỏi: “Tía má bạn đã trăm tuổi rồi sao?”. Người này đáp: “Vâng ạ, song thân của tôi đã vân du tiên cảnh”. Ta ngầm hiểu là người đó đã mất.
Ca dao Nam bộ có câu: “Đố ai lên võng đừng đưa/ Lên đu đừng nhún thì chừa lang vân”. Dù chưa hiểu rõ nghĩa nhưng do có từ “chừa”, lập tức ta biết đó là tính xấu; và sực nhớ đến câu “Lang vân trắc nết”, tức thì “lang vân” là chỉ người phụ nữ hư thân mất nết, bỏ chồng đi theo trai.

Không những thế, ta cũng còn biết “vân vũ” là từ Hán Việt có nghĩa “mây mưa” nhằm chỉ thiên nhiên thời tiết, trời cao, thiên giới.

Tuy nhiên, “mây mưa” còn hàm nghĩa chỉ việc trai gái ăn nằm với nhau!

LÊ MINH QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHỮ MỤ TRONG TIẾNG VIỆT
VÀ VĂN HOÁ VIỆT


Rốt cuộc, người ta kỷ luật và phạt “em” bác sĩ Hoàng Công Truyện chỉ vì cái tội gọi Bộ Trưởng Y tế là Mụ. Bởi những nội dung khác: không xuống cơ sở nên chưa hiểu hết nỗi khổ cuả bác sĩ tuyến dưới, chưa tham mưu tốt về vấn đề an ninh của bệnh viện là những nội dung chân thực và mang tính góp ý xây dựng.

Một số báo nhấn mạnh chữ “Mụ” và chính chữ này bị xem như một sự xúc phạm Bộ trưởng. Một giáo viên ở Đăk Lăk có tên Lê Văn Đức vừa bình luận (trên trang bọ Nguyễn Quang Vinh​) như đinh đóng cột rằng, dùng chữ Mụ để xưng hô là xúc phạm quá đáng. Anh ta dẫn chứng cổ tích: “mụ dì ghẻ độc ác”, “mụ hàng cá”… được dùng với hàm nghĩa chỉ người đàn bà tham lam, độc ác!

Nếu quả thật Bộ Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và Công an Thừa Thiên Huế phạt tội “em” Truyện chỉ vì dùng từ Mụ để xưng hô với Bộ trưởng thì tôi khẳng định chắc chắn luôn, rằng bốn cái cơ quan ấy có trình độ quan trí đến mức báo động đỏ. Vô văn hoá và vô đạo đức có thể gây nguy hiểm cho xã hội và ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.

Mụ là từ gốc Hán (妈), còn có âm đọc là Ma, (Ma Ma, đồng nghĩa, đúng ra là lớn nghĩa hơn Mẫu 母), nghĩa gốc là mẹ ruột, kể cả gọi cho người vú nuôi, sau đó gọi chung cho người phụ nữ đã có con hoặc đứng tuổi. Nói chung Mụ là từ xưng hô thể hiện sự kính trọng đối với các bà mẹ.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu (hay Mụ), có huyền thoại về 12 bà Mụ giúp Trời nặn nên con người; sau trở thành các bà Tiên phù trợ sự sinh nở, còn gọi là Mụ Nặn. Ngày xưa, trong dân gian, những người đỡ đẻ đều gọi là Mụ bằng tất cả sự tôn kính.

Mụ là một biểu tượng về quyền lực sinh nở trong văn hoá dân gian. Chùa Thiên Mụ tại Huế còn gọi là chùa Thiên Mẫu, gốc Chăm, cũng mang ý nghĩa như vậy.

“Em” bác sĩ gọi Mụ Bộ trưởng là quá mức tôn kính trong nghĩa văn hoá tín ngưỡng ấy.

Xem sự xưng hô bằng Mụ là xúc phạm, bôi nhọ Bộ trưởng chỉ khi bà Bộ trưởng đang là gái tơ và mãi mãi không muốn làm mẹ (!?)

Anh chàng giáo viên Lê Văn Đức trên kia cũng hàm hồ khi dẫn chứng “mụ dì ghẻ”, “mụ hàng cá” để gán cho nghĩa “tham lam, độc ác”. Anh dẫn chứng như vậy thì chữ Vua, chữ Tướng cũng thành xúc phạm: “Vua ăn mày”, “Tướng cướp”… Thậm chí Đảng với nghĩa là một tổ chức cũng thành xấu: “Đảng tặc”, “Đảng cướp”… Tôi đồ rằng anh ta là giáo viên mà không biết cấu trúc một cụm từ có danh từ và định ngữ nên cứ phán bừa. Dốt mà tỏ ra nguy hiểm là ở chỗ đó! Khổ thân học trò nào đang học anh giáo này.

Đó là tôi nói về văn hoá. Vô văn hoá thì kéo theo vô đạo đức, dẫn đến hiếp người quá đáng. Mà có đến bốn cơ quan quyền lực cùng hiếp một bác sĩ như hiếp một em học sinh tiểu học làm cho em học sinh ấy khóc lóc van xin đến tội nghiệp. Làm cho trí thức trở nên hèn mạt, ti tiện, huỷ hoại nguyên khí của quốc gia là tội không thể dung tha!

Cuối cùng thì tôi nói về văn hoá – đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh dạy: Cán bộ là đầy tớ (công bộc) trung thành của nhân dân. Câu này chắc chắn cán bộ thuộc làu làu vì năm nào cũng tổ chức học tập và làm theo gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Với đạo đức – văn hoá ấy, “em” bác sĩ Truyện có gọi bà Bộ trưởng Y tế là “con ở”, “con sen” cũng không thể gọi là xúc phạm, bôi nhọ vì gọi đúng tư cách cán bộ cách mạng, trừ phi các đảng viên cộng sản chỉ thuộc lời dạy của lãnh tụ ở đầu môi chót lưỡi, còn thực tâm thì luôn nghĩ mình là ông cố nội của nhân dân!

Nói thẳng với bà Bộ trưởng Y tế, và không chỉ với bà, rằng cán bộ nào không chịu làm công bộc của nhân dân thì hãy từ chức về làm nhân dân, tức làm chủ, để không bị ám thị bị “xúc phạm” hay “bôi nhọ” nữa!

Tôi hoan hô Bộ trưởng Trương Minh Tuấn sáng suốt. Huế buộc phải rút quyết định xử phạt và phải xin lỗi “em bác sĩ”, kể cả xin lỗi toàn dân vì đã xúc phạm nhân dân!
“Thêm bằng chứng” về tội của “em” bác sĩ Truyện thì chưa thấy, nhưng bằng chứng bức hiếp, xúc phạm nhân dân, coi nhân dân như thù địch của 4 cơ quan trên thì rành rành, Bộ trưởng Tuấn ạ. Đề nghị xử phạt 4 cơ quan này mới đảm bảo sự công bằng.

Đến đây thì tôi hoàn toàn đồng ý thành lập Viện Văn hoá – Đạo đức để huấn luyện, tức thuần hoá cán bộ đảng viên, giúp họ đảm bảo tư cách văn hoá – đạo đức mà làm đầy tớ tốt của nhân dân!

Bởi sự ứng xử tuỳ tiện vô văn hoá, vô đạo đức của cán bộ đã làm thay đổi chế độ, tức cái nhà nước do dân làm chủ mà hàng triệu người đã ngã xuống để dựng nên đang có nguy cơ bị tiêu vong với mấy ông bà này!

CHU MỘNG LONG
————
(*) Chữ “huấn luyện”, tôi dùng lại của ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khi đề xuất lập Viện Đạo đức học để huấn luyện đạo đức cán bộ.

https://chumonglong.wordp...eng-viet-va-van-hoa-viet/
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ẢO THUẬT
VỚI TỪ HAI TIẾNG


Trong Tiếng Việt lý thú - cái hay, cái đẹp của từ ngữ tiếng Việt (tập 1, NXB Giáo Dục, 2001), tác giả - nhà giáo, nhà nghiên cứu Trịnh Mạnh có dẫn ra mấy con số: từ hai tiếng chiếm 75% tổng số từ, từ đơn tiết chiếm 24%, còn những từ có từ ba âm trở lên chỉ khoảng 1%...

Tiếng Việt có một thứ đặc sản đồng bào ta vẫn ưa dùng nhưng không phải ai cũng nhận ra đầy đủ sức mạnh của nó: khả năng ảo thuật với từ hai tiếng!

Có thể ai đó tranh cãi về số liệu cụ thể nhưng có một điều chắc chắn: từ hai tiếng trong tiếng ta (gồm từ ghép và từ láy) chiếm đại đa số, trở thành một “thói quen tiêu dùng hằng ngày” của dân ta. Bằng chứng là dù Bác Hồ viết tác phẩm mang tên Sửa đổi lối làm việc, nhưng đến nay vẫn có rất nhiều người tự động biên tập thành Sửa đổi lề lối làm việc. Còn những nhà giữ trẻ, hợp tác xã, sư đoàn trưởng, vô tuyến truyền hình... sau thời gian lưu hành thường bị rút gọn thành nhà trẻ, hợp tác, sư trưởng, truyền hình...

Xa nhưng không rời

Với một kho từ hai tiếng khổng lồ, từ AB, ông bà ta chỉ cần đảo vị thành BA là có thể tạo ra một kiểu nói thú vị, ấn tượng ngay: Càng đo đắn lắm càng già mất duyên (ca dao), Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hoá lâu đời(Thép Mới), Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc/Nợ tang bồng vay trả, trả vay(Nguyễn Công Trứ), Nguyệt hoa, hoa nguyệt não nùng/Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng (Nguyễn Du)...

Câu đối ở đền thờ vua Hùng chính là theo phương thức đảo chữ này: Có tổ có tông, có tông có tổ, tổ tổ tông tông, tông tổ cũ/Còn non còn nước, còn nước còn non, non non nước nước, nước non nhà (Tản Đà)...

Hơn thế nữa, với một X/một Y/một XY và một AB, chúng ta sẽ tạo ra những “cặp đôi” mới như kiểu XAXB: Sợi nhớ sợi thương (Phan Huỳnh Điểu), Dù ai nói ngả nói nghiêng/Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân (ca dao), Lúc nghỉ ngơi ngồi dưới bóng cây/Rít mồi thuốc say ngây say ngất (Tú Mỡ)...

Và kiểu XAYB, XBYA: Buôn tảo bán tần (thành ngữ), Thân anh đi lẻ về loi (ca dao), Tình riêng trăm ngẩn mười ngơ (Tản Đà), Những là đắp nhớ đổi sầu/Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm (Nguyễn Du)...

Từ hai lát sandwich đến ổ bánh da lợn

Không rõ ai là người đầu tiên bày ra cách nói đến nay đã thành... kinh điển: “thủ tục hành chính - hành dân là chính”. Xem ra, người đời nay đã học tập cha ông và thêm một bước cách tân: tách rời hai tiếng ra xa như hai lát bánh mì sandwich rồi cho vào giữa, vào hai bên nào rau, nào thịt, thành một công thức “khoái khẩu”.

Chuyên gia phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh khi bàn về thói quen bố thí, xét về mặt cá nhân là việc tốt nhưng nhìn về phía xã hội có thể tạo ta một lực lượng ăn bám, trục lợi vào trẻ con, người già, người khuyết tật đã nói một câu rất đáng suy ngẫm: lối thương hại ấy, tuy thương mà có hại! Cây bút Nguyễn Ngọc Hùng khi bàn về xu hướng đời mới trong cưới hỏi ở Hà Nội hiện nay đã có bài viết mang tựa đề “Tân, nhưng mà... kỳ!” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 8-4-2012). Giám đốc Công ty Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ có bài giới thiệu trên tuần san Thanh Niên “Một vùng đất Phú trời Yên” (8-8-2012)...

Một giảng viên về nghệ thuật nói thuyết phục đã nói: Ông bà ta có một chữ rất hay, một từ mà nói được chính xác và khái quát phương pháp thuyết phục bằng lời ăn tiếng nói, đó là “lý sự” - nói lý phải kèm theo sự, tức lập luận phải đi cùng dẫn chứng! Có em học sinh cấp III trong một cuộc toạ đàm về dạy và học đã nêu lên nỗi lòng với các đại biểu và thầy cô: “Chúng cháu nghe rất nhiều về việc giảm tải, nhưng giảm tải chính là giảm của người lớn để tải hết xuống cho học trò!”. Còn đây là chuyện nghe được ở quán cà phê:

- Sao! Chuyện giấy tờ sổ hồng sổ đỏ cậu lo xong chưa? - Khổ lắm, vẫn chưa đâu ra đâu, nhà mình giấy thì đủ mà tờ thì vẫn còn thiếu, bạn hiền ơi!...

Nhưng có khi hai miếng sandwich vẫn chưa thấy đã, dân ta tiếp tục tách rời, lật qua, đảo lại, ghép thêm, pha chút sắc màu đồng âm, tạo thành ổ bánh da lợn nhiều lớp vừa ngon vừa lạ miệng:

Mẹ dặn con: Con ơi nhớ lấy câu này/Có vàng là vững, muốn vững cần vàng! Vợ dặn chồng: Làm ăn, nếu muốn hùn thì phải hạp, nếu không hạp thì đừng hùn! Tâm sự của người vừa về hưu: Lúc có chức có quyền thì đi xe hơi uống bia ôm, lúc nghỉ việc về vườn thì chỉ còn một nước... đi xe ôm uống bia hơi!

Nhưng độc đáo nhất có lẽ là lời của ông Ya Duck, người dân tộc K’Ho - phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng, được dẫn ra trong bài “Từ Phó thủ tướng Fulro đến phó chủ tịch Mặt trận” của nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải (đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Xuân Nhâm Thìn 2012): “Mặt trận, nghĩa là trận nào cũng có mặt, mà mặt nào cũng chịu trận!”.
Bộ sưu tập vài kiểu nói vui lạ với từ 2 tiếng
Lời người cha: Cha nói vui nhưng không có nói chơi
Lời cô giáo: Dạy nhưng cũng phải biết dỗ
Lời nhà báo: Viết thì phải lách
Lời bác sĩ: Đừng cố quá mà thành quá cố
Lời đạo diễn: Thà thô mà mộc còn hơn tinh nhưng lại xảo
Lời thực khách: Nhà hàng này có tiếng mà... không có tăm
Lời người ăn kiêng: Ăn uống đạm bạc, ít đạm nên đỡ tốn bạc
Lời người buôn bán: Khổ cho thân tôi! Khách đến thì ít mà khứa đến thì nhiều
Lời tên xã hội đen: Khám trước rồi phá sau
Lời một phụ nữ đang mắng chồng: “Ông chả bao giờ cương quyết, lúc cương thì không quyết, đến lúc quyết thì... hết cương!
DUYÊN TRƯỜNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [23] [24] [25] [26] [27] [28] [29] ... ›Trang sau »Trang cuối