Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

THỬ TÌM HIỂU
THẤ NÀO LÀ 1 BÀI THƠ HAY-[2]


Vì đặt mình vào hoàn cảnh các cung phi bị thất sủng, thi nhân đã cực tả được những đau xót của các cung phi:

Trải vách quế gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
Oán chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má đào...

Trở lại ý hướng mượn cảnh tả tình của thi nhân, chúng ta hãy đọc lại hai bài thơ (Đường luật) sau đây, của Bà huyện Thanh Quan và Cụ Nguyễn Khuyến:

CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ
Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn chương đài, người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn !


THU ÐIẾU
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Hai bài thơ này cùng làm theo thể Ðường luật, thơ bảy chữ tám câu, rất phổ thông từ đầu thế kỷ thứ XIX. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng là một trong những nhà thơ sử dụng thể thơ này nhiều nhất.

Bài “Chiều hôm nhớ nhà” có dăm tiếng Hán -Việt như: hoàng hôn, ngư ông, viễn phố, mục tử, chương đài, lữ thứ nhưng không phải là những chữ quá khó. Sáu câu đầu tả cảnh để làm nền cho hai câu cuối tả tình. Bạn để ý cặp câu:”Gác mái... và Gõ sừng...”; cặp “Ngàn mai... và Dặm liễu...”, (động tự đối với động tự, danh tự đối với danh tự) làm theo thể biền ngẫu nghĩa là mỗi chữ đối nhau, nét đặc thù của thơ Ðường luật. Ðọc xong bài thơ ta thấy tâm hồn ta cũng chìm lắng vào nỗi buồn của “kẻ chốn chương đài, người lữ thứ” một nỗi buồn nhẹ nhàng nhưng thấm thía của hai tâm hồn xa nhau.

Như bài Thu Ðiếu, hay Mùa Thu câu cá, cặp câu “thực” và “luận”: “Sóng biếc...” đối với “Lá vàng...” và “Từng mây...” đối với “Ngõ trúc...”.Toàn bài không có một chữ Hán, một điển cố, vẽ ra bức tranh thu êm đềm, tịch mịch trong đó chỉ có một động vật duy nhất là nhà thơ đang thả hồn vào thiên nhiên với lá vàng rơi rụng, với từng mây xanh ngắt, với ngõ trúc quanh co. Tất cả đã toát ra mùi vị Thiền và bức tranh:” Vạn vật đồng nhất thể” vô cùng sâu sắc.

Hai bài thơ trên, cùng một số bài thơ khác của hai tác giả này và nhiều tác giả khác như Nguyễn công Trứ, Cao bá Quát, Hồ xuân Hương v.v…đã được đa số chúng ta học thuộc lòng từ hồi còn ngồi lớp 8, lớp 9 trong phần Cổ văn.

Tuy nhiên, vì thơ Đường luật phải tuân theo niêm, luật, vần và biền ngẫu như thế nên từ thế hệ 1932, các nhà thơ đã than là thể thơ này quá khó so với những thể thơ lục bát, song thất lục bát, nhất là thơ mới và thơ tự do ra đời trong khoảng thời gian đó. Các cụ nói: “Khó cho thiên hạ đến bao giờ...” để nói về thể thơ Đường luật này. Hơn nữa, khi phải diễn tả một tình cảm phức tạp, dài dòng thơ Đường không đáp ứng nổi như song thất lục bát và lục bát.Và cũng kể từ đó, các thể thơ tự do, thơ mới 8, 9 chữ hay thơ 7 chữ, mỗi đoạn bốn câu, gồm nhiều đoạn, vần cuối ở các câu 1, 2, và 4 rất được thịnh hành. Thể thơ Đường chỉ còn thấy thưa thớt nơi các cụ đồ nặng lòng với thơ cổ khi xưa và những tác giả không thích thơ mới. Cũng nên lưu ý, thơ mới có âm điệu, tiết tấu và cách diễn tả hùng mạnh mà thơ Đường không thể. Thơ tự do cho người làm thơ diễn đạt ý tưởng không giới hạn nhưng cũng không phải dễ để sáng tác một bài thơ tự do hay.

Để có một cái nhìn xuyên suốt về Thơ, nguyên tắc chung cho hầu hết các môn khoa học là: hợp lý = dễ hiểu = dễ nhớ, dù là toán học hay nhân văn. Từ những bài thơ cổ này, chúng ta cũng suy ra, để hiểu thơ cũng như để sáng tác thơ, chúng ta cần một ít chữ Hán-Việt, hiểu nghĩa và cách sử dụng chúng mới dễ quay trở khi làm thơ.

A-THƠ HAY RẤT DỄ THUỘC DỄ NHỚ

Từ đó ta thấy, thơ hay là thơ có thể học thuộc lòng một cách dễ dàng. Một học sinh có trí nhớ trung bình chỉ cần ngâm nga hai bài thơ của cụ Nguyễn Khuyến và bà huyện Thanh Quan nói ở trên vài lần là thuộc lòng. Thơ đọc trúc trắc, khó hiểu, vô nghĩa, không dễ dàng học thuộc, chắc chắn không phải thơ hay. Cũng nên lưu ý, thơ đọc trúc trắc chính vì tác giả của nó không am tường luật bằng trắc hoặc không sử dụng đúng qui luật bằng, trắc và vần.

Ðể kiểm chứng điều này, quí bạn đọc thử nhớ tên một nhà thơ, ông A, bà B v.v…cố nhớ lấy một bài thơ hay vài câu thơ của họ mà quí vị đã đọc, xem có thuộc được bài nào không, câu nào không. Không có, ấy là thơ ra sao quí vị đã biết. Nhưng có nhiều tác giả thời nay lại nghĩ cứ làm thơ khó hiểu, tối nghĩa hay vô nghĩa, cao kỳ, dùng những từ cho kêu là được quần chúng ái mộ. Sự thực không phải thế. Thơ kêu nhưng rỗng thì không khác một cái thùng phuy, càng rỗng càng kêu to.

Trước đây, rất nhiều người, ngay cả ở nông thôn Việt nam, đã học thuộc lòng Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên, Nhị Ðộ Mai, Cung oán ngâm khúc, Tì bà hành, Trinh thử, Trê cóc, Ngư tiều vấn đáp, Lục súc tranh công, Bích câu kỳ ngô v.v…lúc rảnh rang, đọc vanh vách cho nhau nghe dù có nhiều người không có sách hoặc không biết chữ, chỉ học lóm bạn bè. Sở dĩ họ thích, họ say mê vì lời Thơ gần gũi với họ, tả cái tâm lý chung của họ hay người xung quanh họ như Jacques Prévert, một Thi sĩ Pháp có viết:” Ðọc Thơ lại thấy có mình ở trong” cũng là ý nghĩa đó. Người nông dân học thuộc lòng dễ dàng như vậy vì những câu Thơ này giản dị, dễ hiểu, hợp lý, vần vò. Chính bởi thế, nguời ta còn gọi Thơ là văn vần để phân biệt với văn xuôi.

Trước 4-1975, ở miền Nam Việt Nam, có một số tác giả làm Thơ đăng trên các báo, tạp chí, nguyệt san, cả những nguyệt san được coi là thời thượng, nổi tiếng lúc đó mà nguời viết không tiện hài tên, bạn bè những tác giả này cũng ca tụng họ hết mình như hàng thi bá (một nhược điểm của giới làm Văn học Nghệ thuật cận và hiện đại, hay dở gì khen bừa); nhưng bây giờ hỏi còn ai nhớ được một bài Thơ của họ hoặc ít nhất là tinh thần những bài thơ đó không ? Chúng nói lên cái gì? Chúng ca tụng hay đả phá cái gì? Ðủ biết Thơ phải gần gũi với dân gian mới có thể tồn tại với thời gian. Thơ xa rời thực tế là chỉ để trang điểm nhất thời, dù Thơ bác học (Hán văn), cao xa đi nữa.

B-PHẢI GÂY ÐƯỢC SỰ XÚC ÐỘNG

Thơ là văn xuôi đã gạn lọc, cô đọng lấy phần tinh tuý sâu sắc của văn chương nên Thơ phải súc tích và truyền cảm nghĩa là gây được sự xúc động, xao xuyến từ tác giả sang người đọc.

Người đọc phải có được sự rung động của tác giả , dù cường độ kém hơn, mới được gọi là thơ hay. Thơ đọc lên trơ trơ trích trích, không chuyển động được một “thớ thịt đường gân” nào của người đọc, đó là Thơ kém giá trị. Ngưòi ta đọc Chinh phụ ngâm mà tưởng rằng mình là người chinh phụ, có chồng sắp ra ngoài quan ải đánh giặc, giữ nước. Người ta đọc Cung Oán mà cứ ngỡ mình là người cung phi bị thất sủng, nhà vua không đoái hoài tới.

Ðó là sự thành công của tác giả.

C-THƠ PHẢI NÓI LÊN MỌI KHÍA CẠNH CỦA ÐỜI SỐNG

Ðành rằng Thơ tình ái là loại Thơ nhiều người làm, nhiều người đọc nhất và cũng dễ làm hơn nhiều loại khác, nhưng một tác giả cả đời chỉ viết được những bài thơ tình ái hoặc ca tụng đàn bà như nhà thơ Ðinh Hùng là một (Ðường vào Tình sử, chính ông thú nhận), thì chưa thể gọi được là đã quán xuyến về Thơ.

Hầu hết những bài Thơ hay của những tác giả như Nguyễn bỉnh Khiêm, Nguyễn công Trứ, Trần tế Xương, Cao bá Quát, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du, Tản Ðà, Nguyễn Trãi v.v…đều là Thơ về Thiền, Thơ yếm thế, luận bàn thế sự, nhân tình thế thái, Thơ đạo lý, triết lý cuộc đời, thơ nhàn v.v… mà rất ít hoặc không có Thơ tình.

Nguyễn Du tả Kiều trong thanh lâu, Kiều tiếp khách, Kiều tắm… vì Kim Vân Kiều là một cuốn tiểu thuyết Nguyễn Du phỏng theo cốt truyện của một tác giả Trung hoa (Thanh Tâm tài nhân) trước tác ra và đặt tên là Ðoạn trường Tân Thanh. Là tiểu thuyết, vả lại trung thành với nguyên tác, Ðoạn trường Tân Thanh cần phải có đủ tình tiết, hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục, người đọc mới thấy hết được những khiá cạnh của nhân vật chính trong truyện. Chứ không phải ông có ý tả chân để khiêu dâm như một số người đã gán cho ông (Huỳnh thúc Kháng, Ngô đức Kế: ai, dâm, sầu oán, đạo, dục, tăng, bi) hay như Nguyễn công Trứ: “Bán mình trong mấy mươi năm, Ðố đem chữ hiếu mà lầm được ai.”)

Quan niệm coi Kim Vân Kiều là một cuốn tiểu thuyết dâm ô đã quá lỗi thời. Trái lại người ta có thể tìm trong đó những vần thơ bất hủ được lưu truyền mãi mãi. Chúng ta chỉ nên coi Kiều là một tác phẩm văn chương mà thôi. Càng không nên đưa Kiều ra làm mẫu mực về đạo đức, luân lý (như có tác giả đã làm) mặc dù nhân vật Kiều rất nhân bản, chứa đựng đầy đủ tâm lý của con người bình thường.

Theo thiển ý, chỉ có một điều tiếc: Nguyễn Du không sáng tác mà nhờ vào một cốt truyện Tàu, dĩ nhiên thuộc thời đại vua Tàu, nhân vật Tàu, phong tục, văn hoá Tàu..., tuy cũng tương cận với chúng ta nhưng không thể bằng tất cả đều là Việt Nam.

D-CUỘC ÐỜI: ÐỀ TÀI VÔ TẬN CHO THI NHÂN

Cõi nhân sinh này còn rất nhiều điều cần đến nhà thơ, nhà văn ghé mắt đến. Nào là tôn giáo, gia đình, xã hội, đất nước, quê hương, dân tộc, tự do, dân chủ, bình đẳng, nào là công bằng, bác ái, vị tha, hi sinh cứu giúp kẻ khốn cùng… Ngay như thiên nhiên, cây cỏ, thú vật, chim muông, gia cầm, gia súc cũng là những đề tài vô tận.

Học giả Phạm Quỳnh trong báo Nam Phong xuất bản năm 1921 có viết:”...Làm một bộ tiểu thuyết, cốt là đặt cho hay, viết cho khéo, cho người đọc có hứng thú, ...có lẽ ở những nước văn minh có thể nghĩ như thế được; nhưng ở những dân còn bán khai như dân ta thời văn chương rất là quan hệ cho đời lắm, nhà làm văn có cái trách nhiệm duy trì cho xã hội, dìu dắt cho quốc dân, nếu làm sai trách nhiệm ấy thời dẫu văn chương hay đến đâu cũng có tội với quốc gia, với danh giáo vậy. Các nhà tiểu thuyết ta há không nên cẩn thận lắm ru?” (Hết trích)

Tác giả Tô Hoài thời tiền chiến chỉ tả mấy con dế mèn phiêu lưu mà cũng được học sinh đua nhau đọc, nổi tiếng một thời. Vậy không phải chỉ Thơ tình ái mới ăn khách. Yêu đương, nhớ nhung, dang dở, chia phôi …chỉ bấy nhiêu, không phải lúc nào độc giả cũng “tiêu hoá “được. Viết lắm sẽ nhàm. Cứ một loại Thơ đó chỉ chứng tỏ tác giả không thể viết và nghĩ đa dạng mà thôi. Có nghĩa là tác giả không đủ tài. Mà cuộc đời hiện đại lại quá đa dạng, đa phương. Sự biến hoá của cuộc đời làm ta chóng mặt. Một vị Tổng Thống Mỹ, ông Franklin Roosevelt bảo với mọi người, trước khi ông đọc diễn văn trước quốc dân:” Vỗ tay nhiều không có nghĩa là diễn văn hay” Ta cũng có thể lấy câu đó áp dụng cho một số tác giả trước đây ở miền Nam và ngày nay ở hải ngoại, thơ, văn rất nghèo nàn nhưng bè bạn, theo cái mốt, dùng ống đu đủ thổi phồng và vỗ tay quá lố. Và đó cũng là lý do làm mất niềm tin của đa số độc giả có trình độ.

Đ-LÀM THƠ PHẢI TUÂN THEO NIÊM LUẬT, BẰNG TRẮC

Ngoại trừ Thơ tự do, không cần vần, không niêm luật bằng trắc, không giới hạn số câu, số chữ trong câu (Xin đọc bài Thương tiếc Columbia của người viết bài này), còn các thể thơ khác như lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn (Ðường luật), Thơ Mới … đều phải theo luật Thơ (vần, bằng trắc) Thơ mới hay. Vần dùng gượng ép, mất hay một phần. Chữ đúng ra phải vần mà không vần, không hay.

Ngoài ra, cũng để nhắc lại, cách dùng chữ, gieo vần thật quan trọng. Có nhiều từ kép, cụm từ có thể dùng xuôi ngược sao cũng cùng nghĩa. TD: đớn đau hay đau đớn, trôi nổi hay nổi trôi, phiền muộn hay muộn phiền, nghĩa đều như nhau. Nhưng không thể viết xa xót thay vì xót xa, loài lạc thay vì lạc loài, nhiên tự thay vì tự nhiên v.v... Những chữ bị đảo ngược như vậy hoặc có nghĩa khác hoặc vô nghĩa. Cần nhất là tránh làm Thơ vô nghĩa hoặc tối nghĩa dù đọc lên đầy hán tự có vẻ bác học.

E-Ý QUAN TRỌNG HƠN LỜI

Ðiều chót, dù còn nhiều điều chưa nói do giới hạn của bài này. Nếu ta không thể thoả mãn được cả hai phương diện hiệp vận (vần) và ý thì nên dùng chữ nào cho rõ ý còn hơn là dùng chữ hiệp được vần mà ý sai lạc hoặc vô nghĩa. TD: Bốn câu của cụ Yên Ðổ.

Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo
Có khi từng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang

Tất cả đều hiệp vận ngoại trừ “leo” và “chiều”. Tuy nhiên, “chiều” mới đúng nghĩa. Nếu dùng “chèo” thì hiệp vận nhưng sai nghĩa.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THỬ TÌM HIỂU
THẾ NÀO LÀ 1 BÀI THƠ HAY-3]


Thí dụ khác: Bốn câu Thơ dịch của người viết bài này:

Xuân sang ngoạn cảnh xem hoa
Hè về hóng mát tà tà ao sen
Vào Thu rượu cúc êm êm
Ðông coi tuyết phủ, nối vần Nàng Thơ
(TÐN)

Tất cả đều hiệp vận, ngoại trừ “êm” và “vần” , nhưng đúng ý nghĩa. Giả sử thay hai chữ “nối vần” bằng hai chữ “êm đềm” cho vần với câu trên thì trước nhất bị điệp ngữ êm, thứ hai “êm đềm Nàng Thơ” lại có nghĩa khác, không nói được cái thú ngâm Thơ, sáng tác Thơ của tác giả. (Ðông ngâm bạch tuyết thi). Bài thơ trên dịch từ bài thơ chữ Hán:

Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Ðông ngâm bạch tuyết thi

Ý nghĩa của một câu Thơ, một bài Thơ là quan trọng như vậy.

Một bài Thơ hay, một câu Thơ hay rất dễ nhìn ra y như một bông hoa đẹp. Ðâu cần phải phân tích cánh hoa làm sao, đài hoa, sắc hoa thế nào, ta mới biết là bông hoa đẹp.

Tiền nhân xưa sáng tác Thơ, vào hội Thơ, ngâm Thơ như một cái thú của đời người, nhất là khi về già. Không gì bằng có bạn Thơ, có giấy bút, có rượu, dù chỉ thanh đạm, cùng làm Thơ, cùng bàn luận về văn chương, về những hào khí của người xưa. Tổ tiên ta dùng Thơ để nói về mình, về người, dạy đời, mỉa mai những thói rởm của đời, tôn vinh những thú vui thanh quí, cao nhã “an bần lạc đạo” mà Thơ chính là một dụng cụ sắc bén và đắc dụng nhất cho các mục tiêu đó. Ta thử đọc lại một bài thơ của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:

THƠ NHÀN
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao!

Bài sau đây của thi hào Tản Ðà Nguyễn khắc Hiếu, làm cho vở chèo Thiên thai. Ðây là cảnh hai tiên nữ tiễn Lưu Thần, Nguyễn Triệu về trần:

TỐNG BIỆT
Lá đào rơi rằc lối Thiên thai
Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi!
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi!
Ðá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ đây xa cách mãi
Cửa động,
Ðầu non,
Ðường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!

Dù là một huyền thoại, người đọc Thơ không khỏi bùi ngùi cho cuộc chia tay giữa người tiên, kẻ tục sau một thời gian ngắn chung sống. Chữ dùng rất thanh thoát thích hợp với cảnh tiên: lá đào, Thiên thai, đá mòn, rêu nhạt... cái hạc, cửa động, đầu non ... và kết thúc bằng ánh trăng mơ hồ huyền ảo muôn đời soi bóng. Một bài Thơ tuyệt đẹp. Từ đó chúng ta suy ra Thơ là thơ thẩn, là mơ hồ, đôi khi xa rời thực tế. Như nhà thơ Xuân Diệu đã viết:

Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây...

Thơ là kết tụ của tình yêu, tình yêu nam nữ, vợ chồng, tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người. Thơ là tự do, phóng khoáng, là sắc sắc không không của nhà Phật, là Vô vi, Thiền quán như Lão tử thực hành và đôi khi cũng cần phải yếm thế, chán cái đời sống đầy tục luỵ này như Cao bá Quát, hay châm biếm những thói rởm, tật xấu của người đời như Trần tế Xương... Thơ thực quá, thô sơ quá, thơ không hay, không thoát. Nhiều bài không thể gọi được là Thơ mà chỉ là những bài vè dân quê truyền tụng ở nông thôn. Thơ lục bát tuy vậy rất khó làm, dễ trở thành bài vè ít giá trị. Làm được Thơ lục bát như truyện Kiều là một tuyệt tác.

Có nhiều bạn đọc viết thư cho người viết hỏi họ có thể sáng tác Thơ, có thể thành nhà thơ được không? Tiện đây, xin trả lời chung như thế này:

Ai cũng có thể sáng tác và trở thành thi sĩ, nếu:

Yêu thơ, đọc nhiều thơ, học thuộc thơ kiểu mẫu, thơ hay, chất Thơ ngấm vào trí óc giống như chất bổ ngấm vào thân thể, chúng giúp cho nhà thơ rất nhiều. Tuy vậy xưa kia đã có những người thuộc lòng cả cuốn truyện Kiều, cả cuốn Nhị độ Mai hay Bích câu kỳ ngộ nhưng vẫn không thể sáng tác Thơ.

Có thiên khiếu về Thơ. Có sự rung cảm, xúc động sâu xa như sợi dây đàn hoặc cái sáo trong không gian như đã nói ở trên.

Có vốn liếng nhiều về từ ngữ để sử dụng khi cần diễn dịch một ý tưởng thành lời nói, chữ viết, nhất là thành Thơ. Thơ tiếng Việt rất cần danh từ Hán - Việt.

Nắm vững các niêm, luật (bằng, trắc, vần) và các thể Thơ. Dùng chúng như những cái chìa khoá dẫn đường vào việc sáng tác Thơ.

Tuân theo các niêm, luật đó ngoại trừ Thơ tự do. Tuy nhiên, dù là Thơ tự do, nó vẫn không phải văn xuôi, vẫn cần một sự sắp xếp ý, lời và vẫn cần vần khi có thể cho câu thơ nhịp nhàng, cân đối.

Ðể bạn đọc hiểu thêm, xin nói như thế này. Có những nhà văn viết văn khá hay, nổi tiếng nhưng chính những nhà văn đó nói họ không thể sáng tác Thơ mặc dù chữ nghĩa đầy đầu.

Ngược lại, có những thi sĩ không thể viết truyện, viết bình luận, nghĩa là văn xuôi.

Bởi như đã nói, tuy cùng là văn chương nhưng chúng hoàn toàn khác biệt về phương diện sáng tác. Lại cũng khác biệt về phương diện thưởng thức. Cũng cần nói thêm, khi đã không có trình độ thưởng thức thì bài nào cũng như bài nào, vàng thau lẫn lộn, bị đánh giá như nhau. Trình độ thưởng thức chính là những kiến thức thu thập được trong lãnh vực Thơ, nó chính là những bước căn bản đầu tiên đưa đến sự sáng tác Thơ nếu có hứng sáng tác.

Luận bàn về Thơ, chục pho sách cũng không đủ nói hết. Ðể kết thúc bài mạn đàm thiếu sót về Thơ này, xin mời quí bạn đọc một bài Thơ lục bát của tác giả bài này, bài “Chiều Ba Mươi”, thơ vui Tết và bài “Nói với Bút” cả hai đã đăng trên nhiều báo từ năm 1978 và 1992. Bài sau tác giả mượn cây bút để nói lên nỗi lòng của mình.

CHIỀU BA MƯƠI
Vòng tay nhật nguyệt luân hồi
Đem Xuân trở lại nét môi diễm kiều
Lược gương từ giã cô liêu
Nâng niu mái tóc đây chiều ba mươi

Trẻ thơ tươi tắn nụ cười
Ðầu xanh, đầu bạc người người vui lây
Gió ngoài song, lạnh hiên tây
Chiều Xuân thi hứng lúc đầy, lúc vơi

Trong bình đào thắm, mai tươi
Nhìn em muốn hỏi Xuân cười lúc nao?
Giang tay bồng nhẹ Xuân vào
Môi son má phấn: Mai, Ðào hay em?


NÓI VỚI BÚT
Bút ơi ! Yêu bút thiết tha
Bút theo ta chạy ta bà khắp nơi
Mùa Xuân rừng núi rong chơi
Miền quê, thành thị khắp nơi ra vào

Hạ về bút lắm xôn xao
Biển giông bão nổi ào ào chớm Thu
Mùa Ðông bút có sương mù
Có đôi chim gáy gật gù sớm mai

Ðường đời lắm nẻo chông gai
Bút cùng ta luận một vài điều hay
Cường quyền bút chẳng run tay
Bút mong Dân tộc những ngày sáng tươi

Chán đời vẫn hé môi cười
Ta cùng với bút một đời bên nhau
Vì ta bút trải tình sâu
Vì ta nên bút giãi dầu nắng mưa

Lòng ta bút hiểu hay chưa ?

Thơ là tuyệt đỉnh, tuyệt đích của văn chương. Sáng tác Thơ khó khăn hơn chơi Lan, chơi Bonsai, đánh cờ tướng, uống trà v.v... vì nghề Thơ cũng lắm công phu, không phải chỉ thích Thơ rồi nhảy vào làm Thơ mà Thơ hay được. Tuy nhiên, nếu đã có hồn Thơ tức dễ xúc động trước những biến đổi, nghịch cảnh của cuộc đời, rồi trau dồi kĩ năng về Thơ, làm nhiều bài Thơ, nghe ý kiến trung thực của bạn đọc và thân hữu, nhất là những người sành Thơ thì việc sáng tác Thơ cũng tiến bộ vậy.

Xuân Vũ Trần Ðình Ngọc
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kinh nghiệm viết văn:
TÌM SỞ TRƯỜNG


Mới cầm bút, nhiều người dễ có ảo tưởng là mình có thể múa may trong mọi thể loại. Làm thơ hay. Viết truyện ngắn hay. Viết truyện dài hay. Viết bút ký hay. Viết phê bình, lý luận cũng hay nữa. Trên thực tế, hiếm người đa năng được như vậy lắm. Có. Nhưng hiếm. Cực hiếm. Còn lại, tuyệt đại đa số chỉ phát huy sở trường trong một sân chơi nhất định. Có người làm thơ hay nhưng viết văn xuôi lại kém. Làm thơ hay, nhưng chưa chắc làm theo thể loại nào cũng hay. Nhiều người chỉ thích hợp với một thể thơ nhất định: Họ tung hoành thoải mái trong một thể thơ cách luật nào đó nhưng lại lúng túng khi thử bút trong thơ tự do hay thơ văn xuôi. Hay ngược lại.

Sân chơi văn xuôi lại càng rộng rãi, thường vượt quá sức của một người. Không hiếm người sáng tác hay, tuyệt hay, nhưng lại vụng về khi viết loại văn phi hư cấu. Trong loại văn xuôi sáng tạo, người này thì viết truyện ngắn hay, người nọ lại viết truyện dài giỏi. Người viết truyện dài giỏi không phải viết cái gì cũng xuất sắc. Mỗi người dường như được an bài ở một loại đề tài và một phong cách nhất định. Đi lạc đề tài và phong cách, người ta dễ đâm ra lớ ngớ.

Trong các thể văn phi hư cấu cũng vậy. Có người viết lý thuyết hay nhưng phê bình lại yếu. Có người viết phê bình một tác phẩm thì tài hoa nhưng viết phê bình về một tác giả hay một trào lưu, một thời đại văn học thì lại hay hớ hênh, không hụt chỗ này thì lại hẫng chỗ khác.

Mà thật ra, không phải chỉ trong văn chương. Hình như ở đâu cũng vậy. Như trong thể thao, chẳng hạn. Mức chuyên nghiệp hoá càng cao, mảnh đất để người ta có thể trổ tài càng hẹp. Cũng chạy nhanh, nhưng hầu như mọi người chỉ chạy nhanh nhất trong một cuộc chơi nhất định nào đó. Người thì chạy xa, người thì chạy gần. Chạy cự ly gần, có người chỉ vô địch ở hạng 100 mét nhưng lại thất bại ở hạng 200 mét hay 400 mét. Hay ngược lại. Trong các lãnh vực khác cũng vậy. Cũng chơi với quả bóng, nhưng mỗi người dường như chỉ hợp với một loại bóng: với người này, bóng rổ; với người kia, bóng chuyền; với người nọ, bóng đá. Trong bóng đá, ngay cả các cầu thủ thượng thặng cũng chỉ phát huy hết tài năng của mình ở một vị trí nhất định nào đó. Ra khỏi vị trí ấy, họ bị mờ nhạt ngay tức khắc.

Trong thể thao, các huấn luyện viên đóng vai trò quyết định trong việc phát hiện sở trường của từng người và sắp xếp họ vào vị trí tối ưu trong đội hình, nếu đó là trò chơi tập thể. Trong sân chơi văn học, không có những huấn luyện viên như thế. Việc phát hiện ấy là nhiệm vụ của chính người cầm bút. Chứ không có ai giúp được ai cả.

Nhưng phát hiện ra sở trường của mình không phải là điều dễ.

Có nhiều cái khó. Thứ nhất, những cái gọi là mặt mạnh hay mặt yếu khi cầm bút chỉ hiện hình rõ nét qua tác phẩm, nghĩa là sau khi các thử nghiệm đã hoàn tất. Thứ hai, trong việc đánh giá tác phẩm của mình, người ta rất dễ chủ quan, và thường không tránh khỏi ảo tưởng. Chuyện đó, ngày xưa, cha ông chúng ta đã biết rõ: “Thế gian có thói đa tình / Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay”.

Nhưng khó nhất là, nỗ lực phát hiện sở trường trong văn chương, ở một phương diện nào đó, cũng là nỗ lực phát hiện chính con người của mình. Trong cái gọi là con người ấy, có những yếu tố chính như sở thích, tính cách và nhất là, năng lực.

Trong văn học, người ta hay khen người này, người nọ thông minh. Nhưng cái gọi là thông minh ấy cũng có năm bảy loại. Có người giỏi về nhớ, có người giỏi về lý luận. Nhớ, có người chỉ nhớ giỏi các sự kiện; có người lại nhớ giỏi các ý niệm. Nhớ các ý niệm, có người có khuynh hướng nhớ các chi tiết, các ý lẻ; có người có khuynh hướng nhớ cả hệ thống với các mạch lý luận đan xen chằng chịt với nhau. Trong cái gọi là khả năng lý luận cũng vậy. Có người thiên về phân tích, có người thiên về tổng hợp, lại có người thiên về khái quát hoá.

Mỗi năng lực phù hợp với một kiểu viết nhất định. Nhớ giỏi nhưng thiếu khả năng tổng hợp, người ta chỉ viết được các giai thoại hay từng ý nghĩ rời. Nhớ giỏi và tổng hợp giỏi, người ta dễ phát huy các mặt mạnh khi đi vào lãnh vực nghiên cứu. Nhớ giỏi và và khái quát hoá giỏi, người ta dễ thành công khi đi vào các lãnh vực ít nhiều mang hơi hướm lý thuyết.

Trong văn học Việt Nam cũng như thế giới, không hiếm người có trí nhớ trở thành giai thoại. Họ đọc và nhớ đủ thứ chuyện. Họ kể chuyện hay vô cùng. Có cảm tưởng cái gì họ cũng biết. Nhưng họ chỉ giỏi xuất bản miệng. Khi viết, họ chỉ biết đánh du kích. Có cả hàng chục ngàn quân mà cũng vẫn chỉ chơi trò bắn tỉa. Chứ không bao giờ bày ra được một thế trận địa chiến cho đàng hoàng, đừng nói gì là lẫm liệt. Đọc họ, không thể không thấy tiếc: hoặc họ thiếu một cái gì đó hoặc họ chưa tìm ra một cái gì đó vốn có ở họ.

Nhưng trong văn chương, nhớ và lý luận chưa đủ. Cần có một thứ năng lực khác nữa: có trực giác mạnh, nghĩa là, thực sự nhạy bén.

Nhạy bén có nhiều mức độ. Và cũng có nhiều loại. Có người nhạy bén về tâm lý. Có người nhạy bén về các vấn đề chính trị xã hội. Nhưng cần nhất, trong lãnh vực văn học nghệ thuật, là sự nhạy bén về thẩm mỹ: Biết phân biệt được cái đẹp và cái đèm đẹp; cái đẹp vừa mới chớm và cái đẹp đã bắt đầu già cỗi; cái đẹp của hoa và cái đẹp còn trong nụ.

Phát hiện những vẻ đẹp còn trong nụ bao giờ cũng ít nhiều có tính phiêu lưu. Ở đây người ta cần không phải chỉ sự nhạy bén mà còn cả sự dũng cảm nữa. Để dám thách thức lại tập quán và đám đông. Xin lưu ý: Cả tập quán lẫn đám đông đều là những thứ quyền lực: Chúng thường được/bị chính trị hoá, do đó, chúng trở thành những thứ quyền lực chính trị, nghĩa là có khả năng vùi dập con người.

Việc tìm kiếm sở trường trong viết lách, do đó, ngoài việc tự phân tích và tự đánh giá năng lực của chính mình, còn có nghĩa là việc xác định bản lĩnh khi cầm bút: Rất nhiều người đầu hàng trước khi khởi sự tìm kiếm hay thử nghiệm.

Bài này, tôi chỉ viết chay mà không nêu một ví dụ nào cả. Lý do: Dễ quá. Bạn đọc có thể tìm thấy dễ dàng.

Nguyễn Hưng Quốc
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kinh nghiệm viết Văn:
CẦN CÓ HÌNH TƯỢNG MẠNH


Lúc mới bắt đầu viết văn, tôi thích sử dụng thật nhiều hình tượng nhẹ nhàng và đầy thơ mộng. Ví dụ một đoạn trong cuốn Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam(Quê Mẹ xuất bản tại Paris năm 1988):

“Lê Hữu Trác viết: ‘Thơ cốt ở ý, ý có sâu xa, thơ mới hay’. Có điều, trong thơ, ý không thể là trần trụi ý, là nguyên chất ý. Ý phải nhập thân vào cảm xúc. Nhà thơ có một ý tưởng. Chưa đủ. Hắn phải đợi ý tưởng ấy làm bồng lên trong lòng những luồng sóng vỗ. Cái nếp nhăn trên trán phải biến thành nếp nhăn trong tâm hồn. Cảm xúc phải dào lên song song với ý. Ý và cảm xúc. Vẫn chưa đủ. Ý và cảm xúc như là gió. Gió vốn vô thanh. Gió phải tìm đến lá cây để động tiếng rì rào. Ý và cảm xúc như là biển. Biển vốn vô ngôn. Biển phải tìm đến đá dựng để cất tiếng thì thầm. Để thành thơ, cần thêm điều kiện nữa: hình tượng. Ý, qua hình tượng, thành rõ ràng hơn. Cảm xúc, qua hình tượng, thành sâu sắc hơn. Ngược lại, nhờ ý và cảm xúc, hình tượng mới bay bổng vào cõi thơ, tạo nên khoảng cách xa lăng lắc giữa thơ và vè.”

Đây là một đoạn khác, cũng trích từ cuốn sách đầu tay ấy:

“Một hiện tượng rất phổ biến trong thơ: hoa giả. Có hằng hà những bài thơ cứ ngồn ngộn chữ, cứ lấp lánh màu sắc và trầm trầm bổng bổng hơi nhạc nhưng lại rỗng tuếch, không nói lên được điều gì cả. Nó ném xuống ào ạt lá vàng nhưng không làm cho người ta thấy được mùa thu. Nó khua động ầm ĩ nhưng không làm thành âm vang của tiếng hát. Nó dựng lên ùn ùn những khói nhưng không tượng hình nổi một làn mây. Nó có dáng dấp của hoa nhưng lại thiếu hẳn một làn hương. Nó có tất cả, trừ một điều: cảm xúc. Làm thơ là một cách thổi một luồng gió. Gió đo mình ở ngoài gió: ở mức độ lá reo. Làm thơ là một cách tỏ tình. Nói lớn hay nhỏ, dài hay ngắn, bổng hay trầm, nào có quan trọng gì. Quan trọng là ở chỗ người mình yêu có chớp mắt xúc động hay không. Nhà thơ lớn nào cũng đều là những tâm hồn lớn có khả năng thu nhận và rung cảm trước những làn sóng vỗ từ xa, rất xa, ngoài bản thân họ. Nhà thơ lớn là những hạt muối. Hạt muối nhỏ nhưng chất chứa dồn nén trong mình tất cả những vị mặn chát của đại dương. Nhà thơ lớn là những chiếc lá ngô đồng. Chiếc lá nhỏ hanh hao, bay bay trong gió thoi thóp biết mấy nhưng lại mang trong mình tất cả tín hiệu của một mùa trời đất đang đi.”

Từ đầu đến cuối, cuốn Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam được viết bằng một giọng văn đầy hình tượng như thế. Rất nhiều người khen, cho là giống thơ. Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, dưới bút hiệu Hoàng Hà Tĩnh, trên báoDiễn Đàn Tự Do số 100 ra ngày 1.4.1989, trầm trồ: “Chưa bao giờ tôi được đọc một cuốn sách viết về thi ca hay đến như vậy.” Báo Saigon Times của nhà thơ Thái Tú Hạp, số xuân Kỷ Tỵ (1989, tr. 29), khen: “Tuyệt hảo”. Tạp chí Ý Thức của nhà thơ Viên Linh, số 1 ra vào tháng 3, 1989, cũng dùng lại chữ ấy: “Tuyệt hảo” (tr. 59). Tôi sung sướng, nhủ thầm: cứ vậy mà viết đến…già!

Nhưng chỉ mấy năm sau, sang Úc, tôi bắt đầu đọc nhiều sách phê bình và lý thuyết văn học của các tác giả người Anh và Mỹ. Điều tôi ngạc nhiên nhất là giọng văn của họ. Hoàn toàn không có chút gì là đẩy đưa, bay bướm hay thơ mộng cả. Tất cả đều viết chính xác, gọn gàng và rất chặt chẽ. Chặt chẽ trong các chương. Chặt chẽ trong từng đoạn. Và chặt chẽ cả trong từng câu.

Tôi phân vân: Đó là do dân tộc tính chăng?

Nếu vậy, cũng chẳng có vấn đề gì: Người Anglo Saxon thích vậy; người Việt Nam mình thì khác. Khác, nên mình có thể tha hồ uốn éo.

Nhưng, không phải. Sau đó, đọc ngược lại các nhà lãng mạn chủ nghĩa ở Anh hồi đầu thế kỷ 19, tôi thấy họ cũng viết lách thật điệu đàng, với thật nhiều hình ảnh. Đọc lên, cũng nghe như thơ.

Với phát hiện ấy, tôi nhận ra một điều: Sự khác biệt trong cách viết của tôi và cách viết trong các cuốn sách lý thuyết và phê bình tôi đang đọc không phải là khác biệt giữa hai dân tộc hay hai nền văn hoá.

Đó chỉ là sự khác biệt giữa hai thời đại. Trong sự khác biệt ấy, tôi gần với phong cách viết văn trong quá khứ hơn là trong hiện tại. Gần với quá khứ có nghĩa là gần với sự đào thải. Tôi tưởng tượng: sau này, nhịp sống càng ngày càng hối hả; đọc, người ta sẽ đọc thật nhanh, một lối viết văn nhẩn nha bay lượn như vậy hẳn sẽ rất dễ làm mệt mỏi và nản chí. Không thay đổi sớm, mình chỉ thiệt.

Chính vì thế, tôi quyết định thay đổi. Giảm bớt tính chất bay bướm để tăng cường tính chất chặt chẽ. Giảm bớt cái gọi là chất thơ để tăng cường chất khoa học. Giảm bớt hình tượng để tăng cường mật độ các khái niệm. Giảm bớt độ uốn éo và mềm mại để câu văn được cứng cáp. Càng ngày tôi càng tránh xa những chữ thừa và lỏng, chỉ cốt đẩy đưa. Và cố viết những câu văn thật giản dị mà cũng thật cô đọng. Tôi hình dung mỗi câu văn như một cú đấm. Cú đấm nào cũng là đấm thật. Nhanh, gọn, dứt khoát. Và mạnh. Nếu câu văn tạo ra tiếng kêu thì đó phải là những tiếng kêu chan chát chứ không phải là tiếng ầu ơ ví dầu quen thuộc và xưa cũ.

Tuy vậy, tôi vẫn không bỏ hẳn được đam mê đối với hình tượng. Theo tôi, ngay trong văn xuôi nghị luận, hình tượng, nếu đắc dụng, vẫn vô cùng cần thiết. Chúng không phải chỉ làm cho bài văn đẹp hơn mà còn mở rộng tầm liên tưởng của người đọc, qua đó, làm cho bài viết trở thành đa nghĩa và đa tầng hơn. Vấn đề chỉ là ở mức độ. Mỗi bài chỉ cần vài ba hình tượng chính. Ít. Nhưng cần sắc. Và thật ấn tượng.

Một số lần hình như tôi đạt được điều đó. Tôi hài lòng nhất là hình ảnh cuộc hành lạc đau đớn của những người bị bất lực ở cuối bài viết “Sống và viết như những người lưu vong”, thoạt đầu đăng trên tạp chí Việt số 2 (1998), sau, in lại trong cuốn Văn học Việt Nam từ điểm nhìn hậu hiện đại do Văn Nghệ xuất bản năm 2000:

“Viết văn, ngày xưa, là một danh phận; sau này, vừa là một danh phận vừa là một nghề nghiệp. Ở hải ngoại, viết văn không thể là một nghề nghiệp mà trên thực tế, cũng không còn là một danh phận. Viết văn trở thành một cách hành lạc đau đớn của những người bị bất lực.”

Nhớ, khi bài viết ấy xuất hiện, nhiều người đã bàn tán khá sôi nổi, đây đó, trên nhiều diễn đàn khác nhau.

Nhà văn Võ Đình, trong bài “Khiêm tốn hay buồn thảm”, khi nhắc đến hình ảnh ấy, chỉ buông một tiếng: “Khiếp”.

Tôi rất thích cái tiếng “Khiếp” ấy.

Nguyễn Hưng Quốc
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÀI THƠ CON CÓC
HAY Ở CHỖ NÀO?


Bài thơ “Con cóc” hay ở chỗ nào?

Trước hết và có lẽ cũng hiển nhiên hơn hết, đó là bài thơ hay nhất trong tất cả những bài thơ miêu tả cái dở, cái kém nghệ thuật và kém thẩm mỹ. Ở mức độ nào đó, có thể coi thơ “Con cóc” cũng tương tự bức chân dung Thị Nở của Nam Cao. Nếu Thị Nở là điển hình của cái Xấu, thơ “Con cóc” sẽ là điển hình của cái Dở. Chỉ riêng ở khía cạnh này, thơ “Con cóc” đã là một cái gì khá mới mẻ và đầy táo bạo, khác hẳn mỹ học truyền thống vốn đồng nhất cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật với cái đẹp của đối tượng được tác phẩm nghệ thuật miêu tả, từ đó, hình thành một lối đi độc đạo trong sáng tác: mọi người đều chăm chăm chọn những nhân vật đẹp, những khung cảnh đẹp. Văn học dân gian và tiểu thuyết thoát ly ra khỏi quan điểm hẹp hòi này khá sớm có lẽ do bản chất dân chủ của chúng. Thơ cứ đắm đuối mãi trong cõi mộng mơ. Cái xấu, cái tầm thường bị gạt qua một bên, trở thành lãnh địa dành riêng cho thơ trào phúng.

Ngay trong giới hạn của thơ trào phúng, cho đến nay, người ta cũng chỉ thành công trong việc khắc hoạ những cái xấu theo nghĩa đạo đức học hoặc xã hội học, tức những nhân vật, những sự kiện lố bịch, nhố nhăng, chướng tai gai mắt, nhưng lại không thành công trong việc miêu tả cái xấu theo nghĩa thẩm mỹ học. Tất cả những bài thơ phê phán cái dở đều... khá dở. Còn lại, chỉ còn lại trong suốt lịch sử văn học Việt Nam, hai câu thơ này của Hồ Xuân Hương:

Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
Chúng bảo nhau rằng: ấy ái uông.

Nhưng Hồ Xuân Hương, trong hai câu thơ này, không có chủ tâm nói về cái dở. Bà chỉ nhằm chế diễu sự bất tài mà thôi.

Như thế, có thể coi bài thơ “Con cóc” là bài thơ duy nhất thành công trong việc nêu bật đặc điểm của những bài-thơ-thị-nở vốn ê hề, xưa cũng như nay, trong cũng như ngoài nước.

Tuy nhiên, giá trị bài thơ “Con cóc” không phải chỉ có như vậy. Đọc bài thơ một cách nghiêm chỉnh như đọc một bài thơ trữ tình và quên đi câu chuyện tiếu lâm ngớ ngẩn chung quanh nó, chúng ta sẽ phát hiện ra một số điều rất lạ.

Trước hết, về phương diện kết cấu, bài thơ rất ngắn, chỉ có sáu câu, lại được cắt ra làm ba đoạn. Câu đầu của đoạn sau lặp lại nguyên vẹn câu cuối của đoạn trước. Thành ra, trừ câu đầu và câu cuối, tất cả các câu thơ còn lại đều xuất hiện hai lần, cách nhau một quãng ngắt hơi, một quãng im lặng dài vì là thuộc hai đoạn thơ khác nhau. Cái quãng ngắt hơi ấy tạo ra cảm giác nghiêm trang, trịnh trọng cho cái động tác được miêu tả. Đây chỉ là một kỹ thuật thông thường khi kể chuyện, đặc biệt những chuyện có vẻ ly kỳ, rùng rợn. Thế nhưng, khác với các câu chuyện ma, chẳng hạn, sau mỗi lần người kể lặng im để tạo tâm thế căng thẳng, hồi hộp cho người nghe hoặc người đọc là một chi tiết bất ngờ, hoàn toàn bất ngờ, bài thơ “Con cóc”, ngược lại, sau mỗi lần ngắt hơi, lại lặp lại nguyên văn những điều đã nói. Điều này tạo nên một cảm giác nghịch lý: nó vừa nghiêm trang, trịnh trọng lại vừa rất nhàm, rất nhảm.

Tính chất nghịch lý ấy lại được nhìn thấy ở một phương diện khác: hình tượng “con cóc”, lặp đi lặp lại sáu lần, chiếm nửa số lượng từ vựng trong bài, luôn luôn đứng làm chủ ngữ trong mọi câu thơ, nổi bật, uy nghi, vừa như một tượng đài lại vừa như một quyền lực. Nửa số từ vựng còn lại chỉ vừa đủ để diễn tả bốn động tác căn bản của con cóc: ở trong hang, nhảy ra, ngồi lại và cuối cùng, nhảy đi. Những động tác này không những nhàm, nhảm mà còn vô nghĩa nữa. Sự vô nghĩa này lại được cố tình trình bày một cách trịnh trọng: yếu tố hài hước của bài thơ được khơi dậy từ đây; lý do chính khiến thơ “Con cóc” bị coi là điển hình của cái dở nằm ở đây. Và cũng từ đây, chúng ta thấy được chủ đề của bài thơ: nó không phải là bài thơ tả con cóc mà, qua con cóc, bài thơ nói về những sự trịnh-trọng-vô-nghĩa.

Sự kết hợp giữa hai yếu tố trịnh trọng và vô nghĩa góp phần mở rộng trường liên tưởng của bài thơ: với loài cóc, chỉ có thể có sự vô nghĩa chứ không có sự trịnh trọng. Trịnh trọng là khái niệm dùng cho con người, một loài vật có trí tuệ và khả năng tự giác để gán cho hành động của mình một giá trị nào đó có khi chính nó không có.

Bài thơ “Con cóc”, như thế, đang nói về con người. Về tôi. Về chị. Về anh. Về tất cả chúng ta. Trong cuộc đời, chúng ta làm bao nhiêu công việc, đôi khi, một cách cực kỳ nghiêm cẩn. Chúng ta đắn đo trước khi khởi sự. Đã đành. Chúng ta còn có thói quen tự chiêm ngưỡng mình lúc đang hành động. Chúng ta tự khoác lên chúng ta cơ man những hào quang lấp lánh. Chúng ta lạm dụng tính từ để miêu tả, để tô vẽ việc làm của chúng ta. Cuối cùng, chúng ta chỉ sống với sự diễn dịch về cuộc đời chứ không phải với chính cuộc đời. Huyền thoại lên ngôi. Ảo ảnh che khuất hiện thực.

Và cả chúng ta nữa, liệu chúng ta có thoát khỏi sự diễn dịch về hành động bỏ nước ra đi của chúng ta để nhìn thẳng vào thực tế của cuộc đời? Bài thơ “Con cóc” nhắc nhở chúng ta một sự thật: cuộc đời là cái nó là chứ không phải cái nó được nghĩ là. Bỏ hết những tính từ lộng lẫy, những sự diễn dịch đầy chủ quan, và do đó, đầy ảo tưởng, cuộc đời nào cũng chỉ còn lại vài động tác căn bản, đại khái nhảy vào, nhảy ra, thế thôi. Ừ, thì cuối cùng cũng chẳng ra làm sao cả. Ở trong nước nhảy vọt qua Indonesia; từ Indonesia nhảy vọt qua Pháp, rồi từ Pháp lại nhảy vọt qua Úc, tưởng làm được điều gì ghê gớm lắm; té ra, không, chỉ ngồi ỳ một chỗ với áo cơm, với nợ nần, với mộng tưởng, với nhớ nhung lan man, chờ một ngày lại nhảy đi nữa.

Mà đi đâu? Bài thơ mở ra bằng một không gian hẹp, xác định và không chừng ấm áp lắm: cái hang. Các động từ kế tiếp đều là những động từ chỉ phương hướng, rõ ràng: nhảy ra, ngồi đó. Ở câu cuối cùng, bài thơ đóng lại bằng một động từ không phương hướng để mở ra một không gian vô định: nhảy đi. Đi đâu? Ai mà biết. Chỉ nhảy đi. Vậy thôi. Bể vô tận sá gì phương hướng nữa (Vũ Hoàng Chương). Trời đất bao la, ai hơi đâu theo dõi cóc làm gì. Khác với tất cả những từ ở trên kết thúc bằng những nguyên âm mở (a/o), động từ “nhảy đi” kết thúc bằng một nguyên âm hẹp, hẹp nhất trong các nguyên âm: i. Nó gợi nhớ cái âm hao áo não ê chề trong thơ của Tú Xương ngày nào:

Tấp tểnh người đi, tớ cũng đi
Cũng lều cũng chõng cũng vô thi
(Đi thi)

Bụng buồn còn biết nói năng chi
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi
(Thi hỏng)

Con đường đi vào cõi Hư không mênh mông và tịch lặng, như thế, lại là một con đường hẹp. Và ngậm ngùi. Vô cùng ngậm ngùi.

Nguyễn Hưng Quốc
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THƠ CON CÓC
VÀ CÁI ĐẸP THÔ THÁP


Trong văn học dân gian, rất gần với bài thơ “Con cóc” – đã được phân tích trong hai bài trước - là bài ca dao:

Cái kiến mày đậu cành đào
Leo phải cành cọc leo vào leo ra
Cái kiến mày đậu cành đa
Leo phải cành cọc leo ra leo vào.

hoặc bài đồng dao:

Ông Nỉnh ông Ninh
Ông ra đầu đình
Ông gặp ông Nảng ông Nang
Ông Nảng ông Nang
Ông ra đầu làng
Ông gặp ông Nỉnh ông Ninh.

Bài đồng dao này được nhà văn Bình Nguyên Lộc khen hay, hơn nữa, còn có ngầm ý cho Tản Đà cũng không thể làm nổi (1). Tôi đồng ý. Có điều, chủ đề của bài đồng dao chỉ là sự chật chội, tù túng, quẩn quanh trong đời sống cộng đồng thôn xã Việt Nam ngày xưa cũng như chủ đề bài ca dao trên chỉ là sự bế tắc, cùng quẫn, khốn khó của những thân phận con ong cái kiến trôi giạt giữa đời. Nó không có cái “bận tâm lớn”, cái “băn khoăn siêu hình” - chữ của nhà văn Võ Phiến (2) - như bài thơ “Con cóc”. Ở phương diện này, có lẽ gần hơn với bài thơ “Con cóc” là bài “Một mình đi luồn vô luồn ra trong núi chơi” của Nguyễn Đức Sơn:

Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô.

Nguyễn Đức Sơn loăng quăng líu quíu đi luồn vô luồn ra trong núi cũng giống như con cóc cứ nhảy, rồi ngồi, rồi lại nhảy đi. Thế thôi. Hai bài thơ đều có cùng một chủ đề: sự vô nghĩa của kiếp người. Đi đâu cũng thấy hư vô. Chất ngất trước mắt. Rợn ngợp trong lòng.

Cùng một chủ đề, nhưng rõ ràng bài thơ “Con cóc” mạnh và sắc hơn bài thơ của Nguyễn Đức Sơn nhiều. Họ Nguyễn, tuy mỏi mệt và tuyệt vọng đến não nề, nhưng tâm hồn ít ra cũng còn chút thanh thản đủ để nhìn ngắm ngoại cảnh chung quanh mình, từ bãi cỏ, cành cây đến nắng tàn; hơn nữa, còn chú ý đến thời gian, thoạt đầu, chỉ là chiều tà, sau, dần dần, biến thành hoàng hôn đang thoi thóp. Chút điểm trang trong hình thức câu thơ, dù rất nhạt, cũng đủ làm cho cảm xúc của Nguyễn Đức Sơn nhẹ đi, lênh ra. Như một niềm hiu hắt. Chỉ là một niềm hiu hắt. Mà như thế bài thơ lại có cái gì chênh vênh: hình tượng đi “luồn vô, luồn ra” trong núi như muốn nói điều gì dữ dội hơn nhiều.

Bài thơ “Con cóc”, ngược lại, trần trụi tuyệt đối. Như một cành gai. Không có đến lá, đừng nói gì là hoa. Nó thô tháp. Nó mạnh bạo. Nó sần sùi. Và cũng có thể nói, nó tàn nhẫn nữa. Nó xoá bỏ hết mọi son phấn và loại trừ hết tất cả cảm xúc thừa thãi để bắt người đọc một mình sững sờ đối diện với sự vô nghĩa của cuộc đời. Không thể có thứ ngôn ngữ nào giản dị hơn thế nữa. Nó có phần giống thứ ngôn ngữ Albert Camus dùng khi viết Người xa lạ: rời, tẻ, lạnh, không chỉ những từ thêu thùa, đẩy đưa mà cả những từ nối, những từ có chức năng diễn giải, phân tích cũng bị tước hết.

Không phải tôi chủ trương văn chương, muốn hay, phải cực kỳ giản dị. Có cái đẹp giản dị và có cái đẹp đài các, đầy son phấn. Ở đây, vấn đề không phải là từ ngữ mà là thái độ: đặc điểm nổi bật nhất của thơ “Con cóc” là sự tự kiềm chế khi nói đến một chuyện cực cùng bi thảm.

Các nhà phê bình văn học hay đả kích trường-phái-thơ-thị-nở vụng về, ngọng nghịu hoặc trường-phái-thơ-đồ-chiểu khệnh khạng, lúc nào cũng lên gân, làm thơ cứ như giảng bài hoặc như bắn súng mà thường quên đi hoặc có khi đồng tình với trường-phái-thơ-thuý-kiều đến nay vẫn là dòng chủ đạo trong nền thơ Việt Nam, đẹp thì cũng có thể gọi là đẹp, nhưng là một cái đẹp rất sáo, rất cũ, đặc biệt, rất ru em và rất dầm dề. Ru em ở nhạc điệu: lúc nào cũng du dương, cũng nhè nhẹ, cũng à ơi. Dầm dề ở cảm xúc: động một chút là thở than, là rơi nước mắt, là Ôi Kim lang, hỡi Kim lang.

Việt Nam không phải là dân tộc duy nhất theo “đạo”- thuý-kiều. Đó là hiện tượng khá phổ biến trên thế giới ở thế kỷ trước, gắn liền với chủ nghĩa lãng mạn, xuất phát từ cái nhìn duy cảm, thói quen thi vị hoá và niềm say mê gãi những vết mụn âu sầu trong hồn mình. Thoạt đầu, nó là một cuộc cách mạng, chống lại tính chất duy lý, tính chất quy phạm, sự sùng bái cái đẹp vĩnh cửu và bất biến của chủ nghĩa cổ điển, mở ra con đường mới cho văn học bằng cách đưa ra một cái nhìn mới đối với vai trò của trí tưởng tượng, một thái độ mới đối với thiên nhiên, nhưng càng về sau tính chất sáng tạo càng phôi pha dần, các nhà thơ biến thành những chuyên viên đi sụt sùi trước những nấm mồ vô chủ, khóc lặng lẽ dưới mưa, ngẩn ngơ khi hoàng hôn xuống, lâu lâu lại gào lên não nuột: Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm / Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em...

Ở Tây phương, người ta từ bỏ thói quen sướt mướt này khá sớm. Ngay từ cuối thế kỷ 19, các nhà thơ trong nhóm Thi Sơn (Parnassians) của Pháp đã chủ trương đè nén cảm xúc và đề cao cái nhìn khách quan trong thơ; từ đầu thế kỷ 20, các nhà thơ thuộc phái Duy hình tượng (Imagism) của Anh và Mỹ đề ra một số nguyên tắc làm thơ, trong đó, về phương diện ngôn ngữ, nguyên tắc đầu tiên là không dùng tính từ, những từ, theo họ, chỉ làm nhão cảm xúc chứ không gợi ra điều gì cả; T.S. Eliot đưa ra quan niệm phi ngã trong thơ: nhà thơ không phải là người có một cá tính để thể hiện mà là người có một phương tiện đặc biệt để dùng: ngôn ngữ. Riêng ở Việt Nam, chủ nghĩa lãng mạn được du nhập khá muộn màng, từ đầu thập niên 1930, từ đó, nó cứ mãi mãi giữ địa vị thống trị trong thơ. Những thành tựu huy hoàng của Thơ Mới đã điều kiện hoá cách cảm thụ văn học của chúng ta. Ý thức thẩm mỹ của chúng ta trở thành hẹp hòi, phiến diện và cứng nhắc. Trong khi nhiều nhà thơ vẫn còn loay hoay dưới bóng của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử... phần đông độc giả của thơ vẫn mang nguyên tâm trạng và tâm thế của thời 1932-45.

Thay đổi một cách cảm bao giờ cũng khó khăn hơn là thay đổi một cách nghĩ, do đó, nói chung, những sự thay đổi trong thơ bao giờ cũng chậm chạp và nhiều trăn trở hơn các lãnh vực nghệ thuật hoặc các thể tài văn học khác. Nói theo ngôn ngữ chính trị, không ở đâu có nhiều thành phần lạc hậu, bảo thủ và phản động như là thế giới thơ. Từ thập niên 1920, văn xuôi đã chuyển mình trong khi thơ cứ ì ạch mãi trong lối mòn. Đầu thập niên 1930, tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn ra đời được hoan nghênh tức khắc, nhưng cùng lúc, phong trào Thơ Mới xuất hiện kéo theo bao nhiêu là tiếng la ó, phản đối, phần lớn từ những người làm thơ hoặc tự nhận là yêu thơ. Cuối thập niên 1950, ở miền Nam, chúng ta làm thân dễ dàng với câu văn xuôi của Mai Thảo song đến tận cuối thập niên 1970 và không chừng đến cả hiện nay nữa, rất nhiều người trong chúng ta vẫn ngỡ ngàng trước những câu thơ của Thanh Tâm Tuyền. Sau năm 1975, ở hải ngoại, chúng ta đón nhận sự táo bạo trong truyện ngắn của Trần Vũ một cách đầy thiện cảm nhưng lại ngờ vực những cố gắng làm mới thơ của Chân Phương, Đỗ Kh… Sau năm 1986, ở trong nước, truyện dài và truyện ngắn, đặc biệt là truyện ngắn, thay đổi khá nhiều với những thể nghiệm thông minh và tài hoa của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, riêng thơ, trừ một số ngoại lệ cực kỳ hiếm hoi, vẫn tiếp tục ầu ơ như cũ. Dường như, trong thơ, sau khi lột bỏ chiếc áo tứ thân, cho đến tận bây giờ, đa số trong chúng ta vẫn mặc hoài chiếc áo dài Le Mur, cái mốt của thời Thơ Mới. Thơ, do đó, thay vì là sứ giả của tương lai, lại biến thành một thứ viện bảo tàng chất chứa các di chỉ một thời xưa cũ, cái thời, nói như Thường Quán, trong bài “Xưa thơ”:

Xưa thơ niềm bình dị nắng trời cổ lục
Màu gió xanh câu hát níu câu hò
Chảy mãi suối nguồn núi sông uốn khúc
Nước đưa người qua bến nắng thơm tho...

...Chỗ trú của thơ là nơi nào trong
Tóc bỏ đuôi gà kia thầm lặng
Nắng thả rơi lên một lá trúc đào.

Buồn.

Nguyễn Hưng Quốc

Chú thích:
1.  Nhà văn Bình Nguyên Lộc trả lời phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh, Vănsố 199 ra ngày 1.4.1972, tr. 12.
2. Võ Phiến (1989), Tạp bút, Văn Nghệ, California, tr. 51-59.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CON CÓC
LÀ MỘT BÀI THƠ HAY?


Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi

Yêu thơ, thuộc khá nhiều thơ, tôi có thói quen hay đọc thơ, khe khẽ, một mình, nhất là vào những buổi chiều, đi làm về, nhìn nắng ngẩn ngơ vàng, lòng bỗng dưng, nói như Xuân Diệu, hiu hiu khẽ buồn. Những lúc ấy, dù không mong, thơ vẫn hiện về, thầm thì, như một lời đồng điệu. Thường là thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử và nhiều nhà thơ khác, trước năm 1945; những bài thơ ngọt ngào vô hạn, đọc lên, ngỡ có hương thơm thoang thoảng quanh mình và ngỡ lòng mình, giống như Hồ Dzếnh ngày nào, hoá thành rừng, thành mây, đầy một niềm chiều.

Thế nhưng, lạ, dễ đã mấy năm rồi, không hiểu tại sao, càng ngày tôi càng mất dần cái thói quen thơ mộng ấy. Tôi vẫn đọc thơ nhưng hầu như bài thơ nào đang đọc dở dang cũng đều bị cắt ngang bởi một bài thơ rất vô duyên: thơ “Con cóc”. Từ đâu đó, tận trong tiềm thức, bài thơ “Con cóc” nhảy chồm ra, giành giật, chen lấn, xô đẩy, cuối cùng, thật oái oăm, bao giờ nó cũng thắng thế.

Một buổi trưa không biết ở thời nào
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao...
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra...

Cứ thế. Có thể nói, suốt mấy năm nay, cơ hồ tôi không đọc trọn vẹn một bài thơ nào ngoài bài thơ “Con cóc”. Bận bịu quá, quên đi thì thôi, còn hễ nhớ đến thơ thì bao giờ cũng thế, bài thơ “Con cóc” lại hiện ra, sừng sững, án ngữ hết mọi nẻo đường, không cho bài thơ nào khác có được cái quyền được ngâm nga nữa. Quái.

Mà quái thật. Đâu phải tôi không biết đó là một bài thơ dở, cực kỳ dở, hơn nữa, với người Việt Nam, còn là điển hình của cái dở nói chung. Mỗi lần bắt gặp bài thơ nào kém cỏi, chỉ có vần điệu ê a mà tình ý hoặc rỗng tuếch hoặc nhạt nhẽo, người Việt chúng ta - trong đó có tôi, dĩ nhiên - thường có thói quen phán: “Thơ con cóc!” “Thơ Con cóc”, do đó, được coi là lời chê bai nặng nề nhất, một sự phủ định hoàn toàn. Tôi biết. Biết vậy mà vẫn bị nó ám ảnh mãi. Xua, nó không đi. Nó cứ phục kích đâu đó, trong một ngóc ngách nào của tâm hồn, chực có cơ hội, những lúc tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn, lại hiện ra, thoạt đầu, như một sự nghịch ngợm, sau, dần dần, thật lạ lùng, cứ như một lời đồng điệu.

Vâng, như một lời đồng điệu. Tôi mơ hồ cảm thấy bài thơ “Con cóc” đã nói hộ giùm tôi bao nhiêu niềm u uẩn, cứ day dứt trong lòng. Những nỗi niềm ấy nhoi nhói đòi phát ngôn, đòi tìm tri âm mới sau khi đã giã từ những người bạn cũ, rất mực hiền lành, chỉ quen một điệu ví dầu cầu ván đóng đinh... hay ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung...

Từ sự cảm nhận mơ hồ này, dần dần, tôi khám phá ra một điều, là, trái hẳn những định kiến quen thuộc của chúng ta lâu nay, bài thơ “Con cóc” không chừng là một bài thơ hay. Mà đâu chỉ có một mình tôi nhận ra điều đó. Dường như, tự thâm tâm và một cách thiếu tự giác, rất nhiều, nếu không nói là hầu hết người Việt Nam đều công nhận như thế. Có hai chứng cứ:

Một là, mọi người đều ghi khắc mãi bài thơ ấy vào trí nhớ.
Hai là, mọi người đều coi nó là điển hình của cái dở nói chung.

Trong số những bài thơ khuyết danh tại Việt Nam, dễ không có bài thơ nào được nhiều người nhớ như bài thơ “Con cóc”. Ngay cả những người hoàn toàn hờ hững với thơ ca cũng thuộc lòng bài thơ ấy. Trong ngôn ngữ của chúng ta, chữ thơ “Con cóc” được dùng để chỉ sự nôm na, cọc cạch cũng như chữ Hoạn Thư chỉ sự ghen tuông, chữ Thúc Sinh chỉ sự sợ vợ, chữ Tào Tháo chỉ sự gian hùng.

Hai sự kiện này hoàn toàn mâu thuẫn với những lời lẽ bỉ thử chúng ta dành cho bài thơ “Con cóc” vì lý do giản dị: một tác phẩm văn học đã trở thành điển hình và được mọi người, từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ thời đại này qua thời đại khác, ghi nhớ thì không thể nào dở được. Trong khi cái dở, nói như Hoài Thanh, “không tiêu biểu gì hết” (1), điển hình, một thuật ngữ quen thuộc trong trào lưu Tân cổ điển, được Engels và sau đó, giới nghiên cứu văn học Mác-xít mượn lại, là cái gì có tính khái quát cao, thể hiện bản chất sự vật, là đại diện cho số đông và do đó, chỉ có thể là kết quả của tài hoa và trí tuệ. Hạng người đểu giả và đồi bại trong tình yêu bao giờ cũng nhan nhản trong cả cuộc đời lẫn văn chương ở mọi thời nhưng phải đợi đến ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du, trong vài câu, với vài nét chấm phá, mới thành một điển hình: Sở Khanh. Hạng người hợm mình và láu cá hẳn không hiếm trong xã hội Việt Nam, đặc biệt trong những buổi giao thời, được nhiều nhà văn quan tâm phản ánh, nhưng phải đợi đến ngòi bút sắc sảo của Vũ Trọng Phụng nó mới thành một điển hình: Xuân tóc đỏ. Khuôn mặt “hao hao như mặt lợn”, trên đó gắn cái mũi “vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành”, một đôi môi như “miếng thịt trâu xám ngoách” phải nhờ Nam Cao mới trở thành một điển hình cho cái xấu nói chung, cái Xấu viết hoa: Thị Nở.

Về phương diện giá trị điển hình, hình tượng con cóc không hề thua kém hình tượng Sở Khanh, Xuân tóc đỏ hay Thị Nở. Về phương diện sức sống, nó cũng đã vượt qua bao nhiêu thử thách, từ đời này qua đời khác, cứ tồn tại hoài. Không ngoa chút nào nếu gọi thơ “Con cóc” theo cách nói quen thuộc đã thành sáo ngữ của chúng ta là bài thơ “vượt thời gian”. Nhà văn Nhất Linh, trong quyển Viết và đọc tiểu thuyết, đã coi tính chất “vượt thời gian” là cơ sở chắc chắn nhất để xác định một tác phẩm lớn. Nhà thơ Xuân Diệu có cách ví von khá thú vị:

Chiếc thuyền thơ thả trong biển thời gian, lúc đầu mới hạ thuỷ còn chao lên chao xuống, gió bão từng kỳ làm chòng đi chành lại, cứ cho thăng trầm mỗi đợt là mất hai mươi năm đi, thì trải qua năm đợt hai mươi năm, mà vẫn cứ giong lèo giương buồm phơi phới, như vậy có thể nói được rằng: từ đây vào bất hủ được rồi. (2)

Bài thơ “Con cóc” ra đời đã lâu, lâu lắm, được Trương Vĩnh Ký sưu tập, in trong quyển Chuyện đời xưa xuất bản lần đầu tiên năm 1866, cho đến bây giờ, vượt xa thời hạn Xuân Diệu đã nêu, vẫn còn âm vang trong lòng mọi người, còn gì mà ngờ nữa?

Tôi đoán, sẽ có người biện bạch, cho hiện tượng “vượt thời gian” của bài thơ “Con cóc” xuất phát từ những nguyên nhân khác, không phải là giá trị nghệ thuật của nó, chẳng hạn, vì nó ngắn nên dễ nhớ, vì nó dở đến cực độ của cái dở hoặc vì nó gắn liền với một câu chuyện tiếu lâm nổi tiếng (3). Theo tôi, những luận cứ này đều không vững. Đồng ý ngắn thì dễ nhớ nhưng không phải cứ hễ ngắn là được người ta nhớ. Có khối bài thơ ngắn hơn hoặc bằng bài thơ “Con cóc”. Thơ 14 chữ của Thi Vũ hoặc thơ mini của Trần Dần, chẳng hạn. Còn cái dở thì hiếm gì, đầy dẫy, có bài nào được nhớ đâu? Trong ngôn ngữ xưa nay, chúng ta thường nói: làm thơ hay như Đỗ Phủ, phóng túng như Lý Bạch, giản dị như Bạch Cư Dị, đẽo gọt kỳ khu như Giả Đảo, nhưng không hề có cách nói nào đại loại như làm thơ dở như ông A bà B. Tuyệt đối không. Đã dở thì bị diệt vong, bị tiêu tán tức khắc, không còn lại gì cả, kể cả một cái tên, đừng nói gì là nguyên vẹn một tác phẩm. Bài thơ “Con cóc” được tồn tại cũng không phải nhờ câu chuyện tiếu lâm gắn liền với nó nếu không muốn nói, ngược lại, câu chuyện tiếu lâm ấy sở dĩ còn được lưu truyền là nhờ bài thơ “Con cóc”. Có ba lý do để khẳng định điều này: một là, nếu bỏ bài thơ đi, câu chuyện sẽ trở thành hoàn toàn nhảm nhí và vô nghĩa; hai là, đã nhiều người dùng lại câu chuyện ấy, chỉ thay đổi những lời thơ xướng hoạ, có những lời thơ tục, vui và ngộ nghĩnh hơn bài thơ “Con cóc” nhiều (4), song tất cả đều rơi hút vào quên lãng; ba là, rất nhiều người chỉ nhớ bài thơ “Con cóc” nhưng lại không nhớ được câu chuyện tiếu lâm kia, nghĩa là, nói cách khác, với họ, bài thơ “Con cóc” được ghi nhận như một tác phẩm độc lập.

Như vậy, có thể nói, qua việc nhớ bài thơ “Con cóc”, việc coi thơ “Con cóc” như là một điển hình của cái dở, từ trong vô thức, chúng ta đã thừa nhận giá trị của nó, đã linh cảm được đó là một bài thơ hay. Song có lẽ vì cái hay của nó quá lạ, khác hẳn những cái hay chúng ta quen thưởng thức, cho nên lý trí chúng ta tự nhiên đâm ngờ vực, cuối cùng, lý trí thắng thế: bài thơ bị liệt vào loại dở. Sự hàm oan của bài thơ “Con cóc”, do đó, gắn liền với sự hàm oan của một quan điểm thẩm mỹ. Khôi phục giá trị của bài thơ “Con cóc” cũng có nghĩa là đặt thành nghi vấn đối với những quan điểm thẩm mỹ quen thuộc, đang giữ vai trò thống trị trong sinh hoạt văn học nghệ thuật lâu nay.

Nguyễn Hưng Quốc

Chú thích:
1.       Hoài Thanh & Hoài Chân (1967), Thi nhân Việt Nam, Thiều Quang (tái bản), Saigon, tr. 329.
2.       Xuân Diệu (1982), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập 2, nxb Văn học, Hà Nội, tr. 227.
3.       Câu chuyện có thể tóm tắt đại khái như sau:
Có ba anh học trò dốt, một hôm, nhìn một con cóc, nổi hứng rủ nhau làm thơ vịnh. Anh thứ nhất đọc:
Con cóc trong hang / Con cóc nhảy ra.
Anh thứ hai tiếp:
Con cóc nhảy ra / Con cóc ngồi đó.
Anh thứ ba nối lời:
Con cóc ngồi đó / Con cóc nhảy đi.
Làm xong bài thơ, tự trầm trồ khen mình giỏi, rồi sực nhớ lời người xưa nói kẻ tài hoa thường mệnh yểu, ba anh rất lo, sai tiểu đồng ra phố mua sẵn ba cái quan tài. Ngoài phố, nghe lời tiểu đồng kể lại, một khách qua đường dặn:
- Mày mua luôn giùm tao một cái nữa, để lỡ cười quá, tao chết mất.
4. Ví dụ lời thơ trong truyện “Thơ cái chuông”:

Chùa này có cái chuông
Đánh tiếng kêu boong boong
Treo lên như cái vại
Ấy nó vốn bằng đồng.

hoặc trong truyện “Thơ con ngựa”:

- Chậu nước thả cây kim
Cha tôi cưỡi ngựa chạy như chim
Chạy đi chạy lại cây kim chưa chìm.

- Lò than để cái lông
Cha tôi cưỡi ngựa chạy như giông
Chạy đi chạy lại, cái lông chưa hồng.

- Mẹ tôi xáng cái địt
Cha tôi phi ngựa chạy như hít
Chạy đi chạy lại cái đít mẹ tôi chưa khít.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐỌC… CHƠI
VÀI BÀI CA DAO-[1]


Ca dao, ai cũng biết là hay. Tuy nhiên, có nhiều bài ca dao chúng ta đọc đi đọc lại cả trăm lần, mơ hồ cảm nhận là chúng hay, mà chả hiểu chúng hay ở chỗ nào cả. Chỉ đến một lúc nào đó...
Ví dụ bài ca dao rất quen thuộc này:

Mình nói dối ta mình hãy còn son,
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò.
Con mình những trấu cùng tro,
Ta đi xách nước tắm cho con mình.

Tôi thuộc bài ca dao này từ nhỏ. Nhưng chỉ gần đây, tôi mới bắt đầu loé thấy một ít cái hay của nó. Trước hết, chúng ta biết ngay bài ca dao này được làm theo thể lục bát. Bình thường, trong thơ lục bát, câu sáu chữ nằm trên câu tám chữ, lục rồi mới đến bát. Tuy nhiên, trong bài này có điểm lạ: là thơ lục bát, nhưng thay vì mở đầu bằng một câu lục thì nó lại mở đầu bằng một câu bát phá thể. Hệ quả là gì? Hệ quả là hơi thơ của câu thứ nhất dài hẳn ra. Dài và thiết tha vô hạn: tấm lòng của anh thanh niên mở ra bao la với những nguyên âm “o” và nguyên âm “a” rộng rãi và khép lại ở nguyên âm “i” thầm thì trong chữ “mình” lặp lại đến hai lần ở câu thứ nhất. Thành ra ở đây, ngay câu thứ nhất, đã có một nghịch lý: ý câu thơ là tố cáo một sự dối trá (“Mình nói dối ta...”) mà giọng thơ thì lại rất mực ngọt ngào và ấm áp: anh thanh niên biết mình bị lừa mà lại sẵn sàng chấp nhận bị lừa, sung sướng để chịu bị lừa.

Hay nhất trong bài ca dao trên là chữ “mình”. “Mình” là cách xưng hô đầy âu yếm để gọi người mình yêu. Chữ “mình” ấy lặp lại đến năm lần, mang hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau: bốn lần đầu, “mình” là em, chỉ người con gái, ngôi thứ hai số ít: “con mình” là con của em, là “your child”. Đến lần thứ năm, cũng là “mình”, nhưng “mình” ở đây lại là ta, là chúng ta, ngôi thứ nhất số nhiều, bao gồm cả người con trai lẫn người con gái: “con mình” ở câu cuối là “our child”. Người thanh niên chấp nhận đứa con riêng của người yêu làm con của mình.(1)

Bài ca dao mở đầu bằng chữ “mình”, kết thúc cũng bằng chữ “mình”. Từ chữ “mình” đầu bài đến chữ “mình” cuối bài, cách nhau chỉ có 28 từ mà thực ra là cả một quá trình chuyển hoá của mối quan hệ giữa người con trai và người con gái, là lịch sử của một mối tình vừa ngang trái lại vừa cảm động. Trước là hai, sau chỉ là một: người thanh niên chấp nhận người tình ngay cả khi bị chị đánh lừa.

Cuối cùng, vì lặp đi lặp lại nhiều lần từ “mình”, chứa đựng nhiều âm “m” vốn là một phụ âm môi, nhẹ nhàng và ngọt ngào, bài ca dao mang đầy giọng tâm tình. Như một lời thủ thỉ, thầm thì. Hiếm có bài ca dao nào của Việt Nam mà có cái giọng ngọt và ấm đến như vậy.
Hay bài ca dao này, còn nổi tiếng và quen thuộc hơn nữa:

Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc;
Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay...
- Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ;
Chim vào lồng, biết thuở nào ra.

Bài ca dao này đã được khá nhiều người phân tích. Phần lớn đều tập trung ở khía cạnh hình tượng và ngữ nghĩa. Những sự phân tích ấy ít khi khác nhau cho nên tôi không muốn nhắc lại làm gì. Tôi chỉ xin lưu ý đến khía cạnh ngữ âm, một khía cạnh ngờ như có khả năng tiết lộ khá nhiều điều thú vị, đặc biệt là cảm xúc của người con gái.

Bài ca dao được cấu trúc bằng hai ngôn ngữ: ngôn ngữ của người con trai và ngôn ngữ của người con gái. Bài ca dao giống như một vở kịch với hai lời đối thoại. Nhưng lời nói của người con trai không hẳn là một lời nói, có vẻ như là lời kể của ai đó, một nhân vật thứ ba, ở ngoài. Tại sao? Không có gì khó hiểu cả: người con trai đang ở trong một trạng thái bất ổn, phân thân, hồn một nơi mà thân xác một nơi. Nhiều người ngạc nhiên tự hỏi: không hiểu anh loăng quăng, líu quýu trèo lên, trèo xuống để làm gì vậy? Thật ra, có gì lạ đâu. Nhớ, trong một bài ca dao khác, một người con gái cũng có cái dáng điệu loăng quăng líu quýu như thế: “Khăn thương nhớ ai / Khăn rơi xuống đất / Khăn thương nhớ ai / Khăn vắt lên vai...” Sự loăng quăng líu quýu ấy chỉ là một cách để làm nguôi ngoai một tâm trạng bời bời, đồng thời cũng là một dấu hiệu cho thấy anh không còn tự chủ được mình nữa, anh bị thất lạc tâm hồn. Anh bàng hoàng. Anh thảng thốt. Anh chấn động trước sự việc người anh yêu thầm đi lấy chồng.

Ngắm nụ hoa tầm xuân xanh biếc, người con trai ngẩn ngơ: “Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay.” Câu này còn có dị bản là “Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay”. Ca dao là một thứ văn chương truyền khẩu, từ đời này sang đời khác, do đó, khó mà nói được bản nào là đúng, bản nào là sai. Nhưng tôi vẫn có thích câu “Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay” hơn. Lý do thứ nhất là vì cách dùng chữ “đã” trong câu sau khiến cho tôi nghĩ đó là một cách nói khá mới. Lý do thứ hai là vì nhạc điệu: khi chữ “rồi” thay thế chữ “đã”, câu thơ thêm một thanh bằng, hơi thơ thành ra nhẹ hơn, ngậm ngùi hơn; hơn nữa, khi chữ “rồi” đi liền theo sau chữ “chồng”, âm “ông” trong chữ “chồng” cũng bớt mạnh và vang hơn là lúc nó đứng một mình.

Một câu hỏi quan trọng mà người đọc thơ không thể không đặt ra: có quan hệ gì giữa nụ tầm xuân và việc người con gái lấy chồng, từ đó, dẫn đến niềm tiếc nuối, xót xa kia? Ngỡ như không có. Mà lại có. Ở cái vần “iếc” trong chữ “biếc” cuối một câu thơ vốn có thật nhiều nguyên âm mở. Nó như một sự khép lại. Nó mảnh. Nó sắc. Như một sợi khói bay lên, bay lên, xa hút: nó hình tượng hoá một sự mất mát, một cái gì vuột khỏi tầm tay.

Người con gái chắc cũng yêu bạn mình. Chị đã từng chờ đợi. Hoài công vì sự nhút nhát của anh. Chị vừa thông cảm lại vừa giận. Chị đay nghiến: “ba đồng... một mớ....”. Sở dĩ đay nghiến là vì còn yêu, còn thương. Nhưng dẫu sao thì cũng đã lỡ: chị đã có chồng. Người con gái ý thức rất rõ điều đó, cho nên, giọng chị cứng lại:

Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng...

Vần hai câu thơ rơi vào âm “ông” sang sảng, ngân vang. Mạnh, rất mạnh. Dứt khoát, rất dứt khoát. Nhưng tôi ngờ là chị chỉ cao giọng để lừa dối chính chị. Bởi, nói chưa hết câu ấy, giọng chị đã trầm xuống, thổn thức:

... Như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ;
Chim vào lồng biết thuở nào ra.

“Câu”, “đâu”, “gỡ”, “thuở”: những chữ kết thúc bằng nguyên âm “u” và “ơ”, nửa khép nửa nhẹ, bềnh bồng, rưng rưng, không chừng là một tiếng khóc.

Câu ca dao dưới đây khác hẳn:

Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó chạy rông trên bờ.

Từ trước đến nay, bài ca dao này thường chỉ được đọc trong những lúc nói chuyện phiếm, như một bài ca dao trào lộng. Đọc cho vui, đọc để cười chơi, vậy thôi. Trong ý nghĩa ấy, bài ca dao được nhìn nhận như một cái gì khá tục và khá nhảm.

Tuy nhiên, theo tôi, không chừng đó là một bài ca dao hay.
Vấn đề là: nó hay ở chỗ nào?

Trước hết là nó bạo và nó mới. Nó không có một chút sáo ngữ nào cả. Dĩ nhiên, nói thế, chúng ta cần thận trọng. Không phải cứ hễ viết tục là thoát sáo. Từ trước đến nay, ở đâu cũng có những người khoái viết tục và viết bạo. Hiện nay, người ta lại càng viết tục và viết bạo. Nhưng chưa chắc đã hay. Dù sao, theo tôi, cái tục của câu ca dao này quả là hay thực. Nó không phải chỉ bạo để bạo, chỉ mới vì mới mà còn là một sự sáng tạo hầu vẽ nên một thế giới gần hiện thực hơn. Chúng ta hãy nhớ lại xã hội Việt Nam ngày xưa. Đâu phải ai cũng như là Thuý Kiều và Kim Trọng, cũng là “người quốc sắc, kẻ thiên tài”, là “trai anh hùng, gái thuyền quyên” cả. Trong xã hội thời xưa, đặc biệt là ở nông thôn, đại đa số các cặp tình nhân là những anh thợ cày và những chị đầy tớ. Anh đi làm mướn, chị đi ở đợ. Anh giống như Chí Phèo, chị giống như Thị Nở. Đời sống của họ cơ cực, tối tăm. Cho nên, không có gì lạ khi họ tự ví

Em như cục cứt ...
Anh như con chó ...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐỌC… CHƠI
VÀI BÀI CA DAO-[2]


Cái tục của ngôn ngữ, cái thô của hình tượng ở đây lại là những cái thực và là một sự sáng tạo. Nó phá đổ những khuôn sáo cũ kỹ và giả tạo trong văn chương bác học. Nó vứt bỏ những son phấn những mũ mão đai hia để làm hiện hình những con người gần gũi với cuộc đời hằng ngày.

Hơn nữa, điều đáng cảm động ở đây là cặp tình nhân tự biết thân phận của người họ yêu và của chính họ chẳng ra gì. Em không ra gì. Mà anh thì cũng chẳng ra gì. Thế nhưng họ vẫn cứ yêu nhau, thương nhau. Chúng ta nhớ trong truyện “Chí Phèo”, Chí Phèo và Thị Nở cũng từng có lúc yêu nhau như tất cả mọi cặp tình nhân khác trên đời này. Và trên đời này, tất cả những con người bất hạnh khác, khi yêu nhau, thì cũng yêu nhau như tất cả những con người bình thường hay may mắn khác yêu nhau. Cách biểu hiện tình yêu có thể khác nhau nhưng những rung cảm những xao xuyến những quyến luyến những ngây ngất trong lòng thì chắc chắn là không có gì khác nhau cả.

Ở giữa câu lục là hai từ bắt đầu bằng phụ âm [k] (“cục cứt”) mạnh, gắt, như một nỗi đau uất. Ở giữa câu bát là hai từ bắt đầu bằng phụ âm [ch] (“chó chạy”) mềm mại, ngân vang, như một nỗi buồn tênh. Câu ca dao, như thế, không phải chỉ tả mối tình giữa hai người khốn khó bất hạnh tự ví mình với những gì hèn mọn, thậm chí hèn hạ nhất trên mặt đất. Điều đáng đau xót, toát lên từ câu ca dao này là ở chỗ, mặc dù họ tự biết thân phận của mình, mặc dù họ hoàn toàn an phận, chấp nhận cái số kiếp làm phân, làm chó, họ vẫn không được gần nhau. Em vẫn lênh đênh giữa sông và anh vẫn chạy rông trên bờ. Anh vẫn không bắt được em, vẫn ở từ xa mà nhìn em một cách thèm thuồng. Giữa hai người vẫn có một khoảng cách vời vợi. Không cùng.

Bài ca dao, do đó, mặc dù có một số chữ có vẻ tục, có vẻ sỗ sàng lại chứa đựng một ý nghĩa hết sức thâm trầm, thể hiện được đúng số phận của hàng triệu triệu cặp thanh niên nam nữ nghèo khó, lam lũ và bất hạnh trong cuộc đời, nhất là cuộc đời ngày xưa.

Còn một câu ca dao khác cũng rất đáng bàn. Đó là câu

Vân Tiên ngồi dưới bụi môn
Chờ cho trăng lặn bóp l. Nguyệt Nga

Xin nói ngay: tôi không có ý định khen đây là bài ca dao hay.
Không hay, nhưng nó không hẳn chỉ là một cách nói tục tĩu, nhảm nhí, và chắc chắn không phải là những câu vần vè vô nghĩa như lâu nay chúng ta vẫn thường tưởng.

Chỉ cần đặt câu hỏi: tại sao người ta lại không nói Kim Trọng hay Từ Hải hay Sở Khanh hay Mã Giám Sinh “ngồi dưới bụi môn”? Trả lời câu hỏi ấy, chúng ta sẽ thấy ngay tác giả của câu ca dao này chính là những độc giả của Nguyễn Đình Chiểu. Thế nhưng, ở đây lại nảy ra một câu hỏi khác: tại sao, trong truyện Lục Vân Tiên, người ta không chọn nhân vật nào khác, như Bùi Kiệm, một nhân vật được Nguyễn Đình Chiểu mô tả bằng những lời lẽ rất nặng nề, rất thích hợp với vai trò của kẻ “ngồi dưới bụi môn”: “Còn thằng Bùi Kiệm máu dê / Ngồi chề bê mặt như sề thịt trâu”? Tại sao?

Tại sao người ta lại chọn ngay chính Lục Vân Tiên, một nhân vật được xem là nghiêm trang, nghiêm túc, thậm chí nghiêm khắc, có thể xem như một khuôn mẫu về đạo đức, để bắt làm cái chuyện phàm phu tục tử ấy? Tại sao người ta lại chọn cái nhân vật không dám nhìn cả phụ nữ “Khoan khoan ngồi đó chớ ra / Nàng là phận gái, ta là phận trai”, không dám lần khân lâu bên phụ nữ “Vân Tiên ngó lại rằng: Ừ / Làm thơ cho kịp chừ chừ chớ lâu” lại làm cái việc “công xúc tu sỉ” ấy?

Tại sao? Chắc chắn là có lý do. Và lý do cũng không có gì khó hiểu: Chúng ta dễ dàng thấy được câu ca dao trên là một cách phản ứng chống lại thái độ đạo đức khắt khe, có phần giả tạo của Lục Vân Tiên, và phần nào cũng là của Nguyễn Đình Chiểu. Chế diễu thái độ đạo đức cứng nhắc ấy, dân chúng đã cho Lục Vân Tiên làm cái việc nhảm nhí là “ngồi dưới bụi môn, chờ cho trăng lặn...” Trong cách nhìn này, câu ca dao trên có cùng trường nghĩa với một câu ca dao khác, từ lâu vẫn được xem là có “lập trường tiến bộ” và “đứng đắn” hơn:

Ban ngày quan lớn như thần,
Ban đêm quan lớn tần mần như ma.

Nói cách khác, tôi nghĩ, chúng ta hoàn toàn có lý để xem câu “Vân Tiên ngồi dưới bụi môn...” như một cách đọc truyện Lục Vân Tiên. Đó là một lời phê bình cuốn Lục Vân Tiên. Trong vô số những lời phê bình truyện Lục Vân Tiên, không chừng cách phê bình này của dân gian là một cách phê bình hay. Hay và sắc sảo. Nó nhắm vào một trong những vấn đề trung tâm của tác phẩm là quan niệm đạo đức cũng như cách thức xây dựng nhân vật của cụ Đồ Chiểu nói chung.

Cũng vậy, chúng ta có thể đọc những câu:

Vân Tiên cõng mẹ chạy ra,
Đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy vô.
Vân Tiên cõng mẹ chạy vô,
Đụng phải cái bồ, cõng mẹ chạy ra.
Vân Tiên cõng mẹ chạy ra...

hay một dị bản của nó:

Vân Tiên cõng mẹ trở ra
Đụng phải Chà Và, cõng mẹ trở vô.
Vân Tiên cõng mẹ trở vô,
Đụng phải ông Tây cồ, cõng mẹ trở ra.
Vân Tiên cõng mẹ trở ra...

như một sự phê phán quan điểm đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu: ông một mực đề cao những chuẩn mực đạo đức cổ điển và cổ kính như trung, hiếu, tiết, nghĩa với hy vọng là chúng sẽ giúp duy trì sự ổn định trong xã hội, tuy nhiên, một là, xã hội Việt Nam vào nửa sau thế kỷ 19, trong sự cọ xát dữ dội với văn minh Tây phương và thế lực thực dân, cứ ngày một rạn nứt, vô phương hàn gắn; hai là, bản thân những chuẩn mực đạo đức tưởng đâu là chân lý vĩnh cửu ấy thật ra rất đáng ngờ, và với sự lung lay của Nho học, càng ngày càng đáng ngờ thêm. Con thuyền “chở đạo” của Nguyễn Đình Chiểu, do đó, không phải chỉ trôi trên một dòng nước ngược mà còn, hơn nữa, trên thực tế, chỉ loay hoay mãi trong một vũng nước tù, không có lối thoát, hết “đụng” cái này thì “đụng” cái kia, cứ quanh quanh quẩn quẩn mãi trong sự tuyệt vọng và bế tắc. Nói cách khác, đó là những lý tưởng ở đường cùng. Biện pháp dựa trên nguyên tắc đạo đức mà Nguyễn Đình Chiểu đề xuất, hay đúng hơn, cổ vũ, đã không giải được bài toán của thời đại.

Theo tôi, chỉ với cách hiểu như thế, chúng ta mới giải thích được tại sao một nhân vật chính diện trong một tác phẩm nặng dụng tâm giáo huấn của một tác giả được xem là tiêu biểu nhất của dòng văn học giáo huấn lại biến thành - không phải một lần mà là nhiều lần, ít nhất là hai lần như vừa nêu - một nhân vật hài trong nền văn học dân gian.

Một ngày nào đó, nếu tôi đủ hứng thú và can đảm làm một tuyển tập phê bình về Nguyễn Đình Chiểu, có khi tôi sẽ chọn in những câu ca dao trên ngay ở trang đầu. Ở đâu đó, bên kia thế giới, đã xa lắm lắm những lời dạy lẩm cẩm kiểu “trai thời trung hiếu làm đầu / gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”, đọc những lời phê bình thông minh và hóm hỉnh ấy, không chừng cụ Đồ sẽ cả cười.

Nguyễn Hưng Quốc

Chú thích:
1. Nói chung, chữ “mình” trong tiếng Việt có khá nhiều nghĩa và đặc biệt, quá trình chuyển nghĩa của nó rất thú vị. Ý nghĩa đầu tiên của chữ “mình” là bộ phận chính của cơ thể (đầu/mình/tứ chi); từ đó, nảy sinh ra ý nghĩa thứ hai là toàn bộ cơ thể (mình mẩy). Cũng từ đó, “mình” sẽ nảy ra ý nghĩa thứ ba là bản thân người nói, tương đương với chữ “I” trong tiếng Anh. Rồi cũng từ đó, “mình” chuyển sang nghĩa thứ tư là chỉ người mình yêu (tương đương với chữ “you”). Lý do là, với người Việt, yêu ai là xem người đó là một với chính mình, như trong câu thơ:
Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai.
Gọi người mình yêu là “mình” tức là xem người đó chính là cơ thể của mình, là chính bản thân mình. Hai người nhập làm một. Từ đó, lại nảy ra ý nghĩa thứ năm của chữ “mình”, đó là ý nghĩa chỉ chúng ta (tương đương với “we”). Bởi vì “mình” là mình, mà người yêu cũng là “mình”, thì như vậy, “mình” đã là số nhiều, là một không gian chung dành cho nhiều người.
Sự chuyển nghĩa của chữ “mình” cho thấy, với người Việt Nam, tình yêu không phải chỉ là một sự hoà nhập làm một; hai người yêu nhau không những chỉ thuộc về nhau. Đó là những quan niệm bình thường và quen thuộc ở khắp nơi. Với người Việt Nam, yêu nhau là cho cái mình của mình cho nhau, là đem cái chữ “mình” vốn chỉ cơ thể của bản thân mình để tặng cho người mình yêu, là nhường cả chủ quyền trên cơ thể của mình cho người mình yêu. Nếu chúng ta kết hợp chữ “mình” này và chữ “nhà” dùng để chỉ vợ hay chồng lại với nhau, chúng ta sẽ thấy một quan niệm khá hoàn chỉnh về tình yêu và hôn nhân của người Việt Nam: Yêu nhau và lấy nhau là đem chính bản thân mình tặng cho nhau, là biến người mình yêu thành chính mình, hơn nữa, thành nơi cư ngụ của mình. Người này là “mình” của người kia, là “nhà” của người kia. Nói cách khác, yêu nhau và lấy nhau là ở trong nhau, là che chở cho nhau, là tự biến thành tổ ấm cho nhau.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

QUY ĐỊNH VIẾT HOA
2020


Ngày 5/3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 30/2020 về công tác văn thư. Ban hành kèm với Nghị định 30 là các phụ lục hướng dẫn cụ thể về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản hành chính... Trong đó, vấn đề viết hoa được quy định tại phụ lục II, bao gồm 5 trường hợp viết hoa kèm hướng dẫn chi tiết trong từng trường hợp.
1
Viết hoa vì phép đặt câu
Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh, tức sau dấu chấm câu (.), dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!) và khi xuống dòng.
2
Viết hoa danh từ riêng chỉ tên người
2.a
Tên người Việt Nam
Tên thông thường: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết của danh từ riêng chỉ tên người, ví dụ Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú...
Tên hiệu, tên gọi nhân vật lịch sử: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết. Ví dụ: Vua Hùng, Bà Triệu, Ông Gióng, Bác Hồ, Cụ Hồ...
2.b
Tên người nước ngoài được phiên âm chuyển sang tiếng Việt
- Trường hợp phiên âm sang âm Hán - Việt: Viết theo quy tắc viết tên người Việt Nam. Ví dụ: Kim Nhật Thành, Mao Trạch Đông, Thành Cát Tư Hãn...
- Trường hợp phiên âm không sang âm Hán - Việt (phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất trong mỗi thành phần. Ví dụ: Vla-đi-mia I-lích Lê-nin, Phri-đrích Ăng-ghen...
3
Viết hoa tên địa lý
3.a
Tên địa lý Việt Nam
- Tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn) với tên riêng của đơn vị hành chính đó: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng và không dùng gạch nối. Ví dụ: thành phố Thái Nguyên, tỉnh Nam Định...
- Trường hợp tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với chữ số, tên người, tên sự kiện lịch sử: Viết hoa cả danh từ chung chỉ đơn vị hành chính đó. Ví dụ: Quận 1, Phường Điện Biên Phủ...
- Trường hợp viết hoa đặc biệt: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tên địa lý được cấu tạo giữa danh từ chung chỉ địa hình (sông, núi, hồ, biển, cửa, bến, cầu, vũng, lạch, vàm,...) với danh từ riêng (có một âm tiết) trở thành tên riêng của địa danh đó: Viết hoa tất cả các chữ cái tạo nên địa danh. Ví dụ: Cửa Lò, Vũng Tàu, Lạch Trường, Vàm Cỏ, Cầu Giấy...
Trường hợp danh từ chung chỉ địa hình đi liền với danh từ riêng: Không viết hoa danh từ chung mà chỉ viết hoa danh từ riêng. Ví dụ: biển Cửa Lò, chợ Bến Thành, sông Vàm Cỏ, vịnh Hạ Long...
Tên địa lý chỉ một vùng, miền, khu vực nhất định được cấu tạo bằng từ chỉ phương hướng kết hợp với từ chỉ phương hướng khác: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi. Đối với tên địa lý chỉ vùng, miền riêng được cấu tạo bằng từ chỉ phương hướng kết hợp với danh từ chỉ địa hình thì viết hoa các chữ cái đầu mỗi âm tiết. Ví dụ: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ...
3.b
Tên địa lý nước ngoài được phiên âm chuyển sang tiếng Việt
- Tên địa lý đã được phiên âm sang âm Hán - Việt: Viết theo quy tắc viết hoa tên địa lý Việt Nam. Ví dụ: Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Pháp, Anh...
- Tên địa lý phiên âm không sang âm Hán - Việt (phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa theo quy tắc viết hoa tên người nước ngoài. Ví dụ: Mát-xcơ-va, Men-bơn...
Viết hoa tên cơ quan, tổ chức
4
4.a
Tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam
- Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức. Ví dụ: Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, Sở Tài chính...
- Trường hợp viết hoa đặc biệt: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng...
4.b
Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài
- Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài đã dịch nghĩa: Viết hoa theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam. Ví dụ: Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...
- Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài được sử dụng trong văn bản ở dạng viết tắt: Viết bằng chữ in hoa như nguyên ngữ hoặc chuyển tự La-tinh nếu nguyên ngữ không thuộc hệ La-tinh. Ví dụ: WTO, UNDP, UNESCO, ASEAN...
5
Viết hoa các trường hợp khác
Danh từ thuộc trường hợp đặc biệt: Nhân dân, Nhà nước.
5.a
Tên các huân chương, huy chương, các danh hiệu vinh dự: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết của các thành phần tạo thành tên riêng và các từ chỉ thứ, hạng. Ví dụ: Huân chương Sao vàng, Nghệ sĩ Nhân dân, Anh hùng Lao động...
5,b
Tên chức vụ, học vị, danh hiệu: Viết hoa tên chức vụ, học vị nếu đi liền với tên người cụ thể. Ví dụ: Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Giáo sư Tôn Thất Tùng...
5.c
Danh từ chung đã riêng hoá:
Viết hoa chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên gọi đó trong trường hợp dùng trong một nhân xưng, đứng độc lập và thể hiện sự trân trọng. Ví dụ: Bác, Người (chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đảng (chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam)...
5.d
Tên các ngày lễ, ngày kỉ niệm:
Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi ngày lễ, ngày kỷ niệm. Ví dụ: ngày Quốc khánh 2-9, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày Quốc tế Lao động 1-5, ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10...
5.e
Tên các loại văn bản:
Viết hoa chữ cái đầu của tên loại văn bản và chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi của văn bản trong trường hợp nói đến một văn bản cụ thể. Ví dụ: Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức Quốc hội...
Trường hợp viện dẫn phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của phần, chương, mục, tiểu mục, điều.
Ví dụ:
- Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 103 Mục 5 Chương XII Phần I của Bộ luật Hình sự.
- Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Tiểu mục 1 Mục 1 Chương III của Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14.
5.g
Tên các năm âm lịch, ngày tết, ngày và tháng trong năm
- Tên các năm âm lịch: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi. Ví dụ: Kỷ Tỵ, Tân Hợi, Mậu Tuất, Mậu Thân...
- Tên các ngày tết: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi. Ví dụ: tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ, tết Trung thu. Viết hoa chữ Tết trong trường hợp thay cho tết Nguyên đán.
- Tên các ngày trong tuần và tháng trong năm: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ ngày và tháng trong trường hợp không dùng chữ số. Ví dụ: thứ Hai, thứ Tư, tháng Năm, tháng Tám...
5.h
Tên các sự kiện lịch sử và các triều đại:
Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành sự kiện và tên sự kiện, trong trường hợp có các con số chỉ mốc thời gian thì ghi bằng chữ và viết hoa chữ đó. Ví dụ: Triều Lý, Triều Trần, Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng tháng Tám...
5.i
Tên các tác phẩm, sách báo, tạp chí:
Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên tác phẩm, sách báo. Ví dụ: từ điển Bách khoa toàn thư, tạp chí Cộng sản...


Bên cạnh những thay đổi đã được thể hiện phần trên, quy định mới tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP cũng đã bỏ quy tắc bắt buộc viết hoa trong tên gọi các tôn giáo, giáo phái, ngày lễ tôn giáo trong các văn bản hành chính.
--------------------
Tài liệu tham khảo:
-Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ
-Thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ
https://giaoduc.net.vn/va...co-hieu-luc-post207736.gd

https://1.bp.blogspot.com/-7BMQwyudl_s/Xmof0173XfI/AAAAAAACN0s/RfNJZd9uOfg6AnML8XYgiVEi6Jk5Qht4wCLcBGAsYHQ/s320/1.PNG

15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20] ... ›Trang sau »Trang cuối