Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [48] [49] [50] [51] [52] [53] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

Bà Phủ Ba LƯU THỊ HIÊN


Bà Phủ Ba Lưu Thị Hiên (1860 – ?), người làng Phù Lưu phủ Mỹ Đức tỉnh Hà Đông. Vốn là một đào nương thanh sắc, có theo đòi bút nghiên, lại có tâm hồn khoáng đạt, nên bà hay ngâm vịnh, tài làm thơ rất mẫn tiệp. Sau mấy năm lưu lạc chốn giang hồ, bà làm lẽ thứ ba viên tri phủ Nguyễn Danh Kế nên bà thường được gọi là bà Phủ Ba, sinh được một trai một gái, người con trai chính là nhà thơ Tản Đà ( có sách lại ghi thân mẫu của Tản Đà là bà Nhữ Thị Nghiêm). Sau đó mấy năm, bà ly thân với ông Nguyễn Danh Kế, trở lại đời sống độc lập.

 Trong thời gian làm bà Phủ Ba, bà kết bạn tâm giao với bà Nhàn Khanh, em ruột
của hai ông Dương Khuê và Dương Lâm ở Vân Đình. Hai bà đều là tài nữ, tâm đầu ý hợp nên thường cùng nhau xướng hoạ tâm đắc. Sau khi đã ly thân, bà thường về Vân Đình chơi với bà Nhàn Khanh, nên cũng thường gặp Dương Khuê, lúc đó đã luống tuổi.

 Họ Dương vốn là một tài tử đa tình, không hiểu bỡn cợt gì bà, nên bà đã trách khéo:

Trách ông Nguyệt lão trêu ngươi,
Cho người đầu bạc gặp người tóc xanh!

Và họ Dương đã trả lời rất phong nhã mà cũng rất tự phụ:

Trăm năm ai dễ bạc đầu,
Mười điều ai có được đâu cả mười.
Trách trăng sao khéo nực cười,
Hờn hoa, mà nỡ nặng lời thế ư?

Thế rồi Dương Khuê đêm khuya ngồi buồn, đối ngọn đèn dầu, trước bàn cờ thế cuộc đấu sắp tàn, cao hứng ngâm hai câu thơ thống thiết:

Gặp nhau trót đã muộn rồi,
Cầm quân cờ, gõ cho ... rơi hoa đèn!

 Nhưng hoa đèn có rơi tủa xuống bởi tay cờ run rẩy nỗi hận tình, người đẹp đâu có biết cho, mà dù có biết chăng nữa thì tóc xanh đầu bạc xưa nay vẫn khó dệt nên thơ!

 Sau khi bà Nhàn Khanh kết hôn với tri huyện Trịnh Đình Kỳ, theo chồng lên ngồi huyện Bất Bạt tỉnh Sơn Tây, bà Phủ Ba gửi cho bạn bài thơ:

Mong mỏi tri âm

Đêm qua thơ thẩn chốn thư đường,
Mong mỏi tri âm chẳng thấy sang.
Sáu khắc mơ màng người hảo hữu,
Năm canh tơ tưởng chốn đình giang.
Trông trăng bát ngát thương người ngọc,
Thấy nước bâng khuâng nhớ bạn vàng.
Hai chữ tương tư khôn xiết kể,
Khối tình chi để một ai mang.

Sau đó, lên Bất Bạt ở chơi với bạn ít lâu, khi về gửi lại bài thơ:

Ai lên Bất Bạt nhắn nhe cùng,
Nhắn hỏi rằng ai có nhớ không?
Nửa bước, xa xa bằng mấy dặm,
Một ngày, đằng đẵng ví ba đông.
Giọng thơ tri kỷ say còn mệt,
Chén rượu ân tình nhắp chửa xong!
Khắc khoải năm canh lòng luống những … (1)
Thơ tình mở mở lại phong phong.
(1) Dị bản: Thao thức hôm mai dằng dặc nhớ,

Hai câu thực: Giọng thơ tri kỷ say còn mệt, Chén rượu ân tình nhắp chửa xong! nghe như có hàm cái ý cảm tình với quan huyện Trịnh, vì quan huyện cũng hay thơ thẩn ỡm ờ, nhưng có lẽ bà e thương tổn đến tình chị em nên ở chơi
chưa được bao lâu đã bỏ ra về.

Được thơ, bà Nhàn Khanh chừng cũng thấu tình, nhưng lại vẫn muốn cùng bạn tri kỷ đôi thuyền một bến, nên vội cho người về đón bạn, với bốn câu thơ:

Những đọc thơ mà luống ngẫn ngơ,
Đang em, đang chị, bỗng đôi bờ!
Nhị Hà, hỏi nước bao giờ cạn,
Bến đợi sông chờ đã biết chưa?

Nhưng bà Phủ Ba đã chán cái cảnh kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng, nên nghĩ bụng mặc dầu đối với bà Nhàn Khanh sẽ không đến nỗi như thế, song tình bằng hữu vẫn có thể suy giảm, nên gửi lại bài thơ từ tạ:

Dẫu rằng sông Nhị có dài,
Mà tình dằng dặc bằng hai ba phần!
Kể từ tiếp được thơ thần,
Mười phần sầu não, chín phần nhẹ không!
Quản bao cách núi xa sông,
Lòng riêng riêng những ước mong đợi chờ!
Cò khi buồn vịnh nên thơ,
Lời thơ nghe cũng ngẩn ngơ từng lời.
Có khi mượn bút vẽ vời,
Tương tư lại vẽ ra người tư tương.
Có khi cờ nước chiến trường,
Mã xa lạc lối, biết đường đâu đâu.
Có khi nhắp chén tiêu sầu,
Bầu tiên dốc cạn, ra mầu chửa say!
Tình riêng nào có ai hay,
Muốn đem tâm sự giãi bày cùng trăng.
Trách ai dứt mối xích thằng,
Tràch ai giở rói cát đằng đưa duyên …
Trách ai ngăn cấm hồ sen,
Chẳng cho Tây tử tới miền Bồng lai!
Đêm đông bóng giãi cành mai,
Biết rằng ai có như ai, nhớ mình ...

 Từ đây, thấy rằng đi đến đâu cũng bị cái thanh sắc gây nên sóng gió trên tình trường, bà quyết tâm đóng cửa phòng thu, sống cuộc đời nhàn tản cho đến già, xa hẳn mùi tục luỵ.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

PHAN VĂN TRỊ


    Phan Văn Trị (1830-1910) sinh tại làng Hạnh Thông, tỉnh Gia Định. Hai mươi tuổi đỗ cử nhân (năm Kỷ Dậu,Tự Đức II, 1849) nên thường gọi là Cử Trị. Thang mây sẵn bước, có thể ruổi dong trên hoạn lộ dễ dàng, nhưng vì tính khí ngang tàng, ông không chịu bó buộc thân mình, mặc dầu gia đình thanh bạch. Ông lấy việc dạy học và bốc thuốc làm phương độ nhật. Khi quân Pháp gây hấn ở Gia Định (1862) ông tránh xuống Vĩnh Long, kết bạn với Nguyễn Đình Chiểu và Huỳnh Mẫn Đạt.

  Phẫn uất trước sự bạo tàn của quân giặc, ông làm bài “Gia Định thất thủ phú khá dài (xem trong Thi viện).

 Năm 1867, Vĩnh Long lọt vào tay Pháp, ông cảm khái thốt ra lời thơ đau đớn trước sự bất lực của nhà cầm quyền Việt Nam :

Vĩnh Long thất thủ

Tò te kèn thổi, tiếng năm ba,
Nghe lọt vào tai ruột xót xa.
Uốn khúc sông Rồng mờ mịt khói,
Vắng hoe thành Phụng ủ rầu hoa.
Tan nhà, căm nỗi câu ly hận,
Cắt đất, thương thay cuộc giảng hoà!
Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ,
Ngậm cười, hết nói nỗi quan ta!

  Từ đó, ông thường mượn thi văn để tỏ lòng phẫn uất về cảnh  nước mất nhà tan,chỉ trích những người hợp tác với chính quyền mới,lời lẽ đanh thép và ngạo nghễ.
  Dưới đây là mấy bài thơ tả cái tâm sự kẻ sĩ phu đứng trước quốc nạn:

Cảm hoài

Cõi Nam chung hưởng cuộc thăng bình,
Trời đất gây nên cuộc chiến tranh,
Xe ngựa rộn ràng, xe ngựa khách,
Nước non vun quén, nước non mình.
Những trang dụng thế đành ngơ mặt,
Mấy gã trung quân nỡ phụ tình!
Bao thuở đem về cơ nhất thống?
Ngàn thu bia tạc đứng trung trinh.

Phong trần lắm lúc luống sầu riêng,
Biết mượn tay ai gỡ mối phiền?
Áo mũ ba đời, ơn rất trọng,
Can qua một cuộc, nghĩa chưa tuyền.
Trớ trêu, con tạo lòng đa xảo,
Tráo trở, anh hùng buổi thiếu niên!
Phất phới bụi hồng đà trải dấu,
Tâm tình chiều uốn thú hàn huyên.

Tay nâng, há dám một mình đây?
Kẻ Bắc người Nam bấn dạ nầy.
Thế sự lăng xăng cờ túng nước,
Nhân tình tráo chác gió rung cây.
Giao hoà, bởi sợ mưu mô cạn,
Cắt đất, vì kiêng trí lực dày.
Ướm hỏi những ai trên đất Việt,
Tấm lòng thiết thạch há như vầy?

Tài năng chi đó khéo trêu ngươi!
Cái phận nam nhi luống nực cười:
Ngược đậu, xuôi đi, hiềm thế nước,
Sâu dầm, cạn vén, thuận tình đời,
Quan san dặm thẳng đường liền bước,
Tùng cúc vườn xưa cảnh nhớ người.
Tạo hoá một bầu xoay khí vận,
Đông qua xuân lại trở màu tươi.

 Tổng đốc Trần Bá Lộc nghe danh ông, nên khi qua Vĩnh Long cho lính đòi ông đến, ý muốn trừng trị thái độ ương ngạnh, Lộc bắt ứng khẩu làm một bài thơ. Ông xin cho đầu bài. Lộc vốn thô lỗ, buông lời tục tĩu:
- Cục  c.. !
Ông đứng ngâm ngay bốn câu:

Đương cơn lộn xộn ló đầu ra,
Người thấy, ai mà chẳng sợ va!
Cậy thế, khom lưng ngồi dưới đít
Biết đâu sắp bị chó liền tha!

 Thơ tả đúng đầu đề, nhưng mỉa mai bao nhiêu cho cái uy quyền vay mượn của viên tổng đốc mới! Lộc nghe xong mắc cở, đuổi Cử Trị về.

 Cuộc xướng hoạ làm cho ông nổi tiếng nhất thời ấy, là cuộc bút chiến với Tôn Thọ Tường.

Cử Trị cùng các bạn Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt,… đứng về phe bất hợp tác, còn Tôn ở phe hợp tác.

 Tôn sinh năm 1825, cũng ở Gia Định. Thân phụ là Tôn Thọ Đức, nguyên làm tuần vũ Thuận Khánh (Bình Thuận - Khánh Hoà). Năm 30 tuổi, thi hương hỏng, ra Huế, xin tập ấm làm quan văn, bất đồ triều đình lại bổ sang ngành võ, Tôn bất mãn, bỏ về. Đến 1862,triều đình nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông , muốn lấy lòng dân , kêu gọi sự hợp tác của sĩ phu , Tôn vì sinh kế phải hưởng ứng, được Pháp trọng dụng, cho làm tri phủ Tân Bình, dần dần lên đến chức đốc phủ sứ.

 Tôn ra hợp tác, cho mình là thức thời vụ. Thầm mong lôi cuốn bằng hữu vào một đường với mình , hay đâu các bạn từ đó đều quay mặt đi, ai cũng mỉa mai là tên bán nước.

 Tôn bị cô lập, lại bị mạt sát nặng nề, tự thấy hối hận, và bởi trót mắc vào vòng rồi, đành làm 10 bài thơ nhan đề là “Giang sơn ba tỉnh” , bào chữa cho mình, và thanh minh với dư luận.

 Mười bài này phổ biến ra, Cử Trị liền làm mười bài hoạ lại. Dưới đây xin chép từng bài xướng hoạ, để thấy rõ lập trường của hai phái “hợp tác” và “bất hợp tác”.

 Bài xướng I ( Tôn Thọ Tường )

Giang san ba tỉnh hãy còn đây,
Trời đất xui chi đến nỗi nầy?
Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo,
Mây tuôn đen kịt khói tàu bay.
Xăng văng thầm tính, thương đôi chỗ,
Khấp khởi riêng lo, biết những ngày.
Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc,
Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay!

  Tường khoa trương lực lượng Pháp: dây thép, tầu biển, khuyên chớ làm như con trẻ chọc vào miệng cọp hàm rồng.

 Bài hoạ ( Phan Văn Trị )

Hơn thua chưa quyết đó cùng đây,
Chẳng đã, nên ta mới thế nầy.
Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy,
Cồn Rồng dầu mặc bụi tro bay.
Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở,
Bủa lưới săn nai cũng có ngày.
Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ,
Lòng ta sắt đá há lung lay!

 Cử Trị tả sự tàn bạo của kẻ xâm lăng “lửa thiêu Bến Nghé, tro bay Cồn Rồng”. Nhưng mặc dầu vậy, ta cũng cứ kiên chí nuôi muông bủa lưới , có ngày  giết thỏ săn nai, ngươi đừng mượn hơi hùm , mà rung cây cho khỉ sợ ...

 Bài xướng II ( Tôn Thọ Tường )

Thày lay lại chuốc lấy danh nhơ,
Ai mượn mình lo việc bá vơ?
Trẻ dại, giếng sâu, lòng chẳng nỡ,
Đường xa, ngày tối, tuổi không chờ. (1)
Áo xiêm chán thấy xăng tay thợ,
Xe ngựa nào toan gỡ nước cờ.
Rủi rủi may may đâu đã chắc?
Miệng lằn lưỡi mối hãy tai ngơ!

(1) Ngũ Tử Tư người nước Sở, cha anh bị vua Sở giết, chạy sang nước Ngô mưu việc báo thù, có nói : “ Nhật mộ đồ viễn, đảo hành nghịch thi” nghĩa là ngày sắp tối,đường còn xa, phải nên làm việc mau gấp đảo ngược cho chóng thành công.

  Bày trò ra thì mang xấu, lo chuyện bâng quơ làm gì: ta thấy giếng sâu, không nỡ cho trẻ lao mình xuống, và đương xa ngày tối, đi sao cho kịp? Cứ xem các quan ta cố chống trả mà có gỡ được nước cờ đâu, vậy đừng nên nghe xui dại.

Bài hoạ ( Phan Văn Trị )

Lung lay lòng sắt đã mang nhơ,
Chẳng xét phận mình khéo nói vơ!
Người trí mảng lo danh chẳng chói,
Đứa ngu mới sợ tuổi không chờ.
Bài hoà đã sẵn trong tay thợ,
Việc đánh hơn thua giống cuộc cờ.
Chưa trả thù nhà đền nợ nước,
Dám đâu mắt lấp lại tai ngơ!

 Tôn dụng tâm lung lạc người trí thức, ấy là xấu rồi: kẻ trí phải lo trọn đạo, đứa ngu mới hành động ăn xổi ở thì, bây giờ giảng hoà là ta thua rồi, nhưng đó đã chắc được chưa, chúng ta không thể làm ngơ trước thù nhà nợ nước.

 Bài xướng III ( Tôn Thọ Tường )

Tai ngơ mắt lấp buổi tan tành,
Nghĩ việc đời thêm hổ việc mình.
Nghi ngút tro tàn nhà đạo nghĩa,
Lờ mờ bụi đóng cửa trâm anh.
Hai bên vai gánh ba giềng nặng,
Trăm tạ chuông treo một sợi mành.
Trâu ngựa dầu kêu, kêu cũng chịu,
Thân còn chẳng kể, kể chi danh!

 Cũng vì tan tành nên không ngơ được: nền lễ giáo đã mất, ta vẫn phải cứu vãn lại, nhưng việc thật khó khăn; quả chuông trăm tạ đem treo bằng sợi chỉ. Thôi thì bảo ta là trâu ngựa ta cũng chịu, ta ra cộng tác thế này còn nghĩ gì đến thân danh nữa; cốt cứu được nước mà thôi.

  Bài hoạ ( Phan Văn Trị )

Tai ngơ sao được lúc tan tành,
Luống biết trách người chẳng trách mình.
Đến thế còn khoe danh đạo nghĩa,
Như vầy cũng gọi cửa trâm anh.
Khe sâu vụng tính dung thuyền nhỏ,
Chuông nặng to gan buộc chỉ mành.
Thân có, ắt danh tua phải có,
Khuyên người ái trọng cái thân danh.

   Muốn trách người phải trách mình trước. Đã cộng tác thì đừng nói đến đạo nghĩa, trâm anh, làm gì. Chúng ta đã trót vụng tính để  thuyền nhỏ lọt vào khe sâu, thì phải có gan treo chuông bằng sợi chỉ, ấy là bảo trọng thân đấy.

  Bài xướng IV ( Tôn Thọ Tường )

Kể chi danh phận lúc tan hoang,
Biển rộng trời cao nghĩ lại càng ...
Lên núi bắt hùm chưa dễ láo,
Vào sông đánh cá, há rằng oan.(1)
Người giương mắt ngạo đôi tròng bạc,
Kẻ ứa gan trung bảy lá vàng.
Chiu chít thương bầy gà mất mẹ,
Cũng là gắng gỏi, dám khoe khoang!

(1) Nhập giang nhi viết phi ngư, thuỳ kỳ tín giả: Lội xuống sông mà chối là không phải là đi kiếm cá, ai mà tin được!

 Lúc này kể gì danh phận nữa, nhưng nghĩ vì Pháp bây giờ đương mạnh thế, mà tôi nói rằng lên núi bắt hùm, chưa ắt đã là nói láo, ngặt vì trót lội sông rồi mà bảo là không phải để đi bắt cá, thì chẳng ai tin cho! Các ông
chỉ trích tôi  , thật đau đớn cho tôi: vì tôi thương gà con mất mẹ nên mới
gánh vác việc nước.

  Bài hoạ ( Phan Văn Trị )

Thân danh chẳng kể, thiệt thằng hoang!
Đốt sáp nên tro luỵ chẳng càn ...(1)
Hai cửa trâm anh xô sấp ngửa,
Một nhà danh giáo xáo tan hoang.(2)
Con buôn khấp khởi chưa từng ngọc,
Người khó xăng văng mới gặp vàng.
Thương kẻ đồng văn nên phải nhắc,
Dễ ta đâu dám tiếng khoe khoang.

(1) Càn: khô
(2) Vần oan hoạ vần hoang, theo âm miền Nam.

 Thân danh mà không đếm xỉa đến, thật là vô liêm sỉ. Khá thương cho kẻ đốt sáp thành tro, làm điếm nhục đến gia thanh. Chỉ trông thấy ngọc đã loé mắt, không biết rằng có chịu khổ sở mới thành công . Vì ông cũng là trong mạch thư hương nên mới nói mà thôi.

 Bài xướng V ( Tôn Thọ Tường )

Khoe khoang sức giỏi cậy tài khôn,
Múa mép khua môi cũng một phồn. (1)
Tơ vấn cánh ruồi kinh trí nhện,
Gió đưa hơi cọp khiếp oai chồn.
Siêng lo há đợi cơm kề miệng,
Chậm tính nào ngờ nước đến trôn.
Hay dở chuyện đời còn lắm lối,
Múa men xin hãy chớ bôn chôn.

(1) Phồn: bọn, lũ

 Thôi đừng ba hoa nữa. Sức các ông như cánh ruồi mà định làm cho nhện sợ; như lũ chồn, ngửi thấy hơi cọp là run . Nếu biết lo thì chẳng nên đợi ai đưa cơm kề miệng cho mình; nước đến trôn lúc nào cũng không biết.

 Bài hoạ ( Phan Văn Trị )

Khoe khoang việc phải, mới rằng khôn,
Kẻ vạy người ngay há một phồn!
Hồng dẫu hư lông đâu sợ sẻ,
Hùm như thất thế dễ thua chồn.
Ngươi Nhan xá ngại dao kề lưỡi,
Họ Khuất nào lo nước đến trôn.
Tháy máy gặp thời ta sẽ động,
Muốn nên việc lớn chớ bôn chôn.

 Kẻ trái người phải sao lại vơ đũa cả nắm? Chim hồng tuy mất ít lông đâu có sợ chim sẻ, hùm mà thất thế há thua chồn. Nhan Cửu Khanh đời  Đường bị giặc bắt, chửi giặc,giặc đem cắt lưỡi vẫn không hề sợ. Khuất Nguyên can vua Sở, biết vua sẽ ghét mình sẽ nguy, đã quyết nhảy xuống sông Mịch La còn sợ gì nước đến trôn! Hễ cơ hội đến là ta sẽ hành động.

 Bài xướng VI ( Tôn Thọ Tường )

Hãy chớ bôn chôn việc cửa nhà,
Sau này còn ngại nỗi đàng xa.
Ma duồng cơn ngặt lung hai trẻ, (1)
Trời mỏn lòng thương xót một già.
Lái đã vững vàng cơn sóng lượn,
Thoi toan đan dệt lúc mưa sa.
Ở đời há dễ quên đời được,
Tính thiệt so hơn cũng gọi là ...

(1) Hai trẻ: nhị thụ đồng tử - bệnh nặng lắm đã vào đến mạng mỡ.

  Đường xa , còn nhiều trở ngại lắm. Nước ta ví như  người già trời  còn thương, nhưng mà hai trẻ cứ giục chết cho mau . Cơn sóng lựơn nay ta đã cầm lái vững, ta lại lo dệt áo phòng mưa nữa. Phải suy hơn thiệt,chớ đừng mai mỉa, không công bằng.

 Bài hoạ ( Phan Văn Trị )

Bôn chôn cũng bởi bận vì nhà,
Dám trách người xưa chửa tính xa?
Hăm hở hãy đang hăng sức trẻ,
Chìu lòn e cũng mỏn hơi già.
Mồi thơm cá quý câu không nhạy,
Cung yếu chim cao bắn chẳng sa?
Đáy giếng trông trời giương mắt ếch,
Làm người như vậy cũng rằng là ...

 Đâu dám trách ông nông nổi: ông hăm hở vì tuổi trẻ hăng hái, còn tôi thì không thể nào chịu luồn cúi như ông được. Ông muốn dụ chúng tôi, nhưng mồi thơm không câu được cá quý,cung yếu không bắn được chim cao. Ông không biết ngó xa trông rộng, như thế không xứng đáng là kẻ sĩ.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Bài xướng VII ( Tôn Thọ Tường )

Cũng gọi là người ắt phải lo,
Có hay chịu khó mới nên trò.
Bạc mông mênh biển cầu toan bắc,
Xanh mịt mù trời thước rắp đo.
Nước ngược chống lên thuyền một mái,
Gác cao bó lại sách trăm pho.
Lòng này dầu hỏi mà không hổ,
Lặng xét thầm soi cũng biết cho.

   Người ta phải thực tế, không nên viễn vông, bắc cầu trên biển, lấy thước đo trời. tiếc thay tình thế ngửa nghiêng mà một mái thuyền toan chống, thôi cái lối ngồi cao xem sách, các ông nên xếp đi thì hơn . Tôi tự xét  không hổ với mình, đã có trời xét soi.

 Bài hoạ ( Phan Văn Trị )

Rằng là người trí cũng xa lo,
Nhuần nhã kinh luân mới phải trò.
Ngay vạy nảy ra cho biết mực,
Thấp cao trông thấy há rằng đo.
Xe Châu nào đợi kinh năm bộ,
Níp Tống vừa đầy sách nửa pho.
Chuốc miệng khen người nên cắc cớ :
Đạo trời ghét vạy há soi cho!

 Đã là người trí, thì phải lo xa, phải xử sự cho đúng đạo thánh hiền. Ai cong ai ngay, ai cao ai thấp, cần gì phải nói. Tôi học cũng nông nổi thôi, nhưng khuyên ông nên ở phải, đạo trời đâu có soi cho kẻ ở cong queo!

 Bài xướng VIII ( Tôn Thọ Tường )

Đã biết cho chưa, hỡi những người,
Xin đừng tiếc hận, chớ chê cười!
Ví dầu vật ấy còn roi dấu,
Bao quản thân nầy chịu dễ ngươi.
Trăng giữa ba thu mây cũng tỏ,
Hoa trong chín hạ nắng càng tươi.
Khó lòng mình biết lòng mình khó,
Lòn lỏi công trình kể mấy mươi.

 Xin đừng chê cười: các ông khinh tôi cũng chẳng ngại, miễn là nước vẫn còn. Rồi ra trăng sáng thì mây mờ; hoa tàn gặp nắng lại tươi,chỉ mình tôi
biết cho tôi có công trình luồn lỏi đã nhiều cũng vì thương nước thương dân.

 Bài hoạ ( Phan Văn Trị )

Soi cho cũng biết ấy là người,
Chẳng tiếc thân danh, luống sợ cười;
Ba cõi may dầu in lại cũ,
Đôi tròng trông đã thấy không ngươi.
Ngọc lành nhiều vết coi sao lịch,
Thợ vụng ít màu nhuộm chẳng tươi.
Đứa dại chót đời, già cũng dại,
Lựa là tuổi mới một đôi mươi!

 Ông kể cũng lạ, chẳng tiếc thân danh lại sợ chê cười! Nếu đất nước thu về được, thì chẳng ai thèm nhìn đến ông, vì ngọc lành đã nhiều vết, thợ nhuộm vụng tay. Thật là già đời còn dại.

 Bài xướng IX ( Tôn Thọ Tường )

Kể mấy mươi năm nước lễ văn,
Rắn dài, beo lớn, thế khôn ngăn;
Bốn đời, chung đội ơn nuôi dạy,
Ba tỉnh, riêng lo việc ở ăn.
Hết sức người theo trời chẳng kịp,
Hoài công chim lấp biển không bằng.
Phải sao chịu vậy thôi thì chớ,
Nhắm mắt đưa chân lỗi đạo hằng.

 Tôi cũng bốn đời gia thế, nay một mình phải lo liệu cho đời sống dân ba tỉnh, tiếc rằng việc nước khó gỡ lại. Chim tinh vệ  hoài công tha đá mà lấp biển không bằng, thôi thì tôi nhắm mắt đưa chân, lỗi đạo thì đành chịu.

 Bài hoạ ( Phan Văn Trị )

Một đôi mươi uổng tính xăng văng,
Đất lở ai mà dễ dám ngăn?
Nong nả dốc vun nền đạo nghĩa,
Xốn xang nào tưởng việc làm ăn.
Thương người vì nước ngồi không vững,
Trách kẻ cầm cân kéo chẳng bằng.
Gió mạnh mới hay cây cỏ cứng,
Dõi theo người trước giữ năm hằng.

  Đã đành ngăn sao được đất lở, nhưng mà tính quẩn làm gì, lo gì  việc làm ăn, hãy cốt giữ vững lấy đạo nghĩa. Ta những thương kẻ bôn ba lo việc nước và trách kẻ muốn kéo cân lại cho bằng mà chẳng nên. Cây cỏ tuy yếu nhưng có gió to mới biết là cứng; nên ở đúng đạo làm người thì hơn.

 Bài xướng X ( Tôn Thọ Tường )

Đạo hằng chi trước thảo cùng ngay,
Lỗi đạo sao cho đáng mặt thầy.
Đất quét đã thành bia lỗ miệng,
Chén tràn e nỗi trở bàn tay.
Nghĩa đen dạy trẻ tranh còn lấp,
Mặt trắng xem trời cánh khó bay.
Chí muốn ngày nào cho được toại?
Giang sơn ba tỉnh hãy còn đây!

  Ai chẳng biết đạo thảo ngay , song đi với kẻ thắng đã đành là xấu , nhưng để nước tràn ra ngoài chén thì còn cứu vãn sao kịp; đem lời thực bảo cho mà không nghe thì  các ông khó có cánh bay đâu được . Chí muốn  của các  ông bao giờ thành được? Mà đất có mất đâu: giang sơn hãy còn đây mà.

  Bài hoạ ( Phan Văn Trị )

Năm hằng vốn thiệt thảo cùng ngay,
Cuộc ấy ai xui khéo bận thầy.
Gặp lúc chẳng may nên ngậm miệng,
Chờ khi tháy máy sẽ ra tay.
Nổi chìm mặc thế tình dày mỏng,
Cao thấp dầu ta sức nhảy bay.
Một trận gió đưa xiêu ngã cỏ,
Hơn thua chưa quyết đó cùng đây.

 Thật thế, đạo thảo ngay phần người ta giữ, ai khiến ông lo dùm? Chúng ta gặp bước không may thì ngậm miệng chờ thời cuộc xoay vần . Dân tộc lầm than nhiều ít hãy nán lòng đợi, ta có lúc sẽ đem toàn lực tranh cao thấp . Cỏ bị gió thì ngã xuống, nhưng sự hơn thua đã biết chắc là về ai?

 Bạn của Cử Trị là Thủ khoa Nghĩa (Bùi Hữu Nghĩa), thấy Cử Trị hoạ 10 bài của Tôn Thọ Tường, cũng cao hứng làm bài thơ sau đây:

Anh hùng sàu tỉnh (1) thiếu chi đây,
Đâu để giang sơn đến thế nầy.
Ngọn lửa Tam Tần (2) phừng đất cháy,
Chòm mây Ngũ Quí (3) lấp trời bay.
Hùm nương non rậm toan chờ thưở,
Cáo loạn vườn hoang thác có ngày.
Một góc cảm thương dân nước lửa,
Đền Nam trụ cả dễ lung lay!

(1) Sáu tỉnh: 3 tỉnh miền Đông: Biên Hoà, Gia Định, Định Tường; 3 tỉnh miền Tây: Long Hồ, An Giang, Hà Tiên
(2) Tam Tần: thời kỳ các nước bị áp chế dưới bàn tay sắt Tần Thỉ Hoàng
(3) Ngũ Quí: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu

 Sau cuộc bút chiến hào hứng nói trên , họ Tôn không còn dám khoe  lực  lượng Pháp và coi nhân dân như trẻ nít nữa. Ông dựa vào hoàn cảnh để cãi tội : vì hoàn cảnh mà ông phải quyền biến chứ lúc nào cũng chỉ một lòng cứu nước cứu dân. Ông ngụ tình vào bài thơ sau :

 Tôn phu nhân qui Hán ( Tôn Thọ Tường )

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng,
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông!
Lìa Ngô, bịn rịn chòm mây bạc,
Về Hán, trau tria mảnh má hồng.
Son phấn thà cam rây gió bụi,
Đá vàng chi để thẹn non sông!
Ai về nhắn với Chu Công Cẩn:
Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng.

Tôn phu nhân đi lấy chồng lúc nào cũng nhớ nhà, như mình theo Tây vẫn không quên nước: bịn rịn chòm mây bạc. Tường cũng như phu nhân thà chịu đau khổ, nhưng không thẹn với non sông, vì đã làm theo nghĩa vụ: Son phấn thà cam rây gió bụi, đá vàng chi để thẹn non sông. Tuy có mất lòng anh (phái bất hợp tác) song được bụng chồng (quốc gia) vì có thể đỡ đần được cho dân khỏi khổ.

 Bài thơ này truyền ra, Cử Trị hoạ lại trả lời ngay:

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng,
Một ngả trời chiều biệt cõi Đông.
Khói toả trời Ngô chen thức bạc,
Duyên về đất Thục đượm màu hồng.
Hai vai tơ tóc bền trời đất,
Một cánh cương thường nặng núi sông.
Anh hỡi, Tôn Quyền, anh có biết,
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng!

Đại ý nói ông sắm sửa quần áo theo Tây, mặc kệ cảnh khói lửa lầm than, tìm đến chỗ màu hồng đẹp đẽ, quên rằng cương thường không thể nào bỏ được: trai ngay thờ chúa cũng như gái tiết hạnh phải thờ chồng.

Sau đó Tôn lại làm một bài ngụ ý nữa, tự ví mình như Từ Thứ bất đắc dĩ phải theo Tào , nhưng không theo thật lòng nên phải ngậm miệng , không giúp Tào một mưu chước nào:

 Từ Thứ quy Tào

Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi, (1)
Muối xác lòng ai, nãy mặn mòi.
Ở Hán hãy còn nhiều cột cả,
Về Tào chi sá một cây còi!
Bâng khuâng nhớ mẹ khôn nâng chén,
Bịn rịn trông vua biếng giở roi.
Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Nguỵ,
Thân này xin gác ngoại vòng thoi!

(1) Vua Thuấn đi cày, có con voi cảm lòng hiếu thảo của vua, ra giẫm nát đất để cày giúp

 Tự mình đâu có dám bảo mình cũng yêu nước như ai, song nước nhà còn nhiều người xứng đáng (cột cả) thì một người xoàng như mình (cây còi) có theo Tây cũng chẳng đi đến đâu. Tuy theo, nhưng vẫn nhớ nước nhớ vua. Thôi thì chẳng được đua khôn với các ông thì đành về với Tây,nhưng về thì cũng chi xin làm kẻ dại mà thôi, từ nay xin đứng ra ngoài vòng quốc sự.
  
 Cử Trị đáp lời ngay:

Quá bị trên đầu nhát búa voi,
Kinh luân đâu nữa để khoe mòi!
Xăng văng ruổi Nguỵ mây ùn đám,
Dáo dác xa Lưu, gió thổi còi.
Đất Hứa nhớ thân sa giọt tủi (1)
Thành Tương mến chúa nhẹ tay roi!
Về Tào miệng ngậm như bình kín,
Trân trọng lời vàng đáng mấy thoi?

(1) Đất Hứa: tỉnh Hứa Xương

  Các ông đã theo Pháp ùn ùn như mây kéo, tránh xa cái nước yếu này rồi. Tuy thỉnh thoảng cũng nhớ nước mà sa lệ,nhưng lúc ra đi sao mà tay roi đét ngựa lẹ đến thế? Ông hứa sẽ ngậm miệng không bầy mưu gì cho Pháp, nhưng lời ông liệu đáng tin đến mực nào?

 Sau đó, Tôn lại nói tâm sự mình trong một bài thơ vịnh Thuý Kiều, cho là mình vẫn không quên tổ quốc, phải ra làm việc với Pháp chỉ vì lòng muốn nâng đỡ cho dân khỏi điêu linh và kết luận rằng mọi việc tại trời xui nên cuộc biến mà mình phải khổ lòng.

 Vịnh Thuý Kiều

Mười mấy năm trời nhục rửa xong,
Sông Tiền Đường đục hoá ra trong.
Mảnh duyên bình lãng còn nong nả
Chút phận tang thương lắm ngại ngùng.
Chữ hiếu ít nhiều: trời đất biết,
Gánh tình nặng nhẹ: chị em chung.
Soi gương kim cổ thương mà trách,
Chẳng trách chi Kiều, trách hoá công.

   Cử Trị lại đứng ra mắng Thuý Kiều, sao không học Đề Oanh  dâng thơ cho vua, lại tham vàng họ Mã, mà phụ nghĩa chàng Kim, rồi đem thân cho thiên hạ mua cười:

Tài sắc chi mi, hỡi Thuý Kiều!
Cũng thương mà trách một đôi điều:
Ví dù Viên ngoại oan vu lắm,
Sao chẳng Đề Oanh sớ sách kêu?
Cái nghĩa chàng Kim tình đáng mấy,
Lượng vàng họ Mã đáng bao nhiêu!
Liêu Dương ngàn dặm xa chi đó,
Nỡ để Lâm Tri bướm dập dìu!

 Cuộc bút chiến đến đây chấm dứt , vì từ đây , Tôn “miệng ngậm như bình kín”, mặc cho sự thế xoay vần, miễn sao mình được lên xe xuống ngựa.
Đại để sự xung kích của hai phe, cũng tương tự như cuộc đấu lý của Phan Đình Phùng với Hoàng Cao Khải sau này. Hai thái độ, hai tâm sự, dù kim cổ, lịch sử âu chỉ là một cuộc tái diễn.

 Tôn Thọ Tường mất năm 1876, thọ 52 tuổi.

 Cử Trị sau về ở Cần Thơ, vẫn theo đuổi việc dạy học và bốc thuốc, mất năm 1910, thọ 81 tuổi. Một thân hữu đi điếu bài thơ:

Một đời oan chịu đã mòn hơi,
Hà huống oan oan đến chín đời.
Văn học có thừa thương những kẻ,
Công danh chẳng toại tiếc cho người.
Doanh hư tiêu trướng đều nơi mạng,
Đắc túng cùng thông tượng bỡi trời.
Uổng đấng tài ba dòng thế phiệt,
Ra tuồng lưu lạc khắp nơi nơi.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRẠNG QUỲNH


 Khoảng giữa thế kỷ XVIII, có trạng Quỳnh (1677 – 1748)  là một nhân vật nổi tiếng trong việc dùng thơ văn để đả kích bọn phong kiến thống trị đương thời , đả phá dị đoan và công kích mọi tệ đoan xã hội.

 Trạng Quỳnh tên thật là Nguyễn Quỳnh, quê ở làng Bột Thượng, huyện Hoằng Hoá,trấn Thanh Hoá. Quỳnh là người học giỏi và thông minh,láu lỉnh; còn trẻ tuổi đã đậu hương cống, nên thường gọi là cống Quỳnh.

   Quỳnh không đỗ trạng nguyên bao giờ , nhưng người đời  vẫn gọi  Quỳnh  là trạng, vì ông xuất khẩu thành chương, ứng đối lanh lẹ ít ai bì kịp . Ông nổi tiếng văn chương, nhưng tính hay khinh mạn và ưa nhạo báng quan trường, nên đi thi trượt mấy lần. Gặp lúc chúa Trịnh chuyên quyền , ông không màng công danh,thường đi đây đó,lấy thơ văn chọc ghẹo người đời. Ông cũng từng phụng mạng đi sứ Tàu,tài biện bác làm cho sĩ phu Trung quốc phải kính phục.

  Đến nay, nhiều câu giai thoại về ông đã được phổ biến trong dân gian.
1/
Miệng kẻ sang, đồ nhà khó :

  Thuở Quỳnh còn ít tuổi , có viên quan huyện vừa gian tham, lại vừa hống hách, dân chúng ai ai cũng căm ghét. Một lần Quỳnh trông thấy viên quan huyện đi hành hạt ghé vào quán nọ nghỉ trưa . Hắn ta ngồi bệ vệ, miệng luôn luôn bỏm bẻm nhai trầu. Quỳnh định xỏ hắn một đòn chơi, mới mon men lại ngồi chực ở trước quán, và khi viên quan ăn trầu xong,vứt bã đi, Quỳnh liền nhặt lấy giơ lên ngắm nghía, rồi bỏ vào túi. Quan huyện thấy lạ mắt, cho đòi Quỳnh lại hỏi tên tuổi, nghề nghiệp. Quỳnh xưng là học trò.

 Viên quan bảo: “Học trò gì mà lẩn thẩn thế?”
 Quỳnh thưa: “Bẩm, tôi thấy tục ngữ có câu:   

Miệng kẻ sang có gang có thép ,

nên tôi muốn xem gang thép ra sao?”

 Viên quan thấy Quỳnh có ý mỉa mình liền nạt: “Nếu là học trò thì lập tức phải đối ngay câu tục ngữ ấy, không đối được ta sẽ đánh đòn!”

 Quỳnh giả vờ sợ sệt: “Bẩm thế thì khó quá ạ!”

 Viên quan được thể càng quát già: “Khó cũng phải đối, mau!”

 Quỳnh bấy giờ mới thưa:
“Bẩm có sơ suất gì quan tha tội cho thì mới dám đọc ạ!”

 Được hắn bằng lòng, Quỳnh liền lên giọng đọc to và rành rọt từng tiếng:
- Bẩm xin đối là:

Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm.

Quan huyện thấy câu đối xỏ xiên quá, nhưng tục ngữ lại đối với tục ngữ mà chữ nào chữ ấy chọi nhau chan chát ; thành ra không bẻ vào  đâu được, đành trả tiền hàng rồi thét lính khiêng võng đi thẳng.
2/
Tú cát - Bọ hung :

Khi còn nhỏ,trạng Quỳnh đã nổi tiếng thông minh và tinh nghịch. Một hôm có khách là ông Tú Cát đến chơi nhà,ông bố sợ Quỳnh nghịch mới bắt ra hầu trà. Khách thấy ông bố khoe con thông minh, liền ra một câu đối bắt Quỳnh đối:

Trời sinh ông Tú Cát

Câu này có ý hợm hĩnh, kiêu căng. Quỳnh nghe tức mình bèn đối ngay rằng:

Đất nứt con bọ hung

Vừa hạ khí thế của ông Tú lại vừa chơi chữ rất hay. (Cát là “lành” đối với hung là “dữ” ). Tú Cát thấy Quỳnh quả có tài mẫn tiệp khác thường, nên tuy giận mười mươi mà vẫn yêu,chẳng những không mắng mà còn giúp thêm tiền cho Quỳnh ăn học.
3/
Chó khôn chớ cắn càn :

 Khi còn nhỏ, Quỳnh vì có khiếu thông minh nên ai cũng có bụng yêu mến, lại thường hay chọc ghẹo.

Một hôm nhà có giỗ, đang làm thịt lợn , ông Tú Cát đến chơi thấy Quỳnh đứng xem mổ lợn, liền chạy tới béo tai và ra cho một vế đối, bảo hễ đối được thì mới tha. Quỳnh xuýt xoa kêu đau và giục ra câu đối ngay.
Ông Tú bèn mượn hai quẻ trong bát quái đọc rằng:

Lợn cấn ăn cám tốn
( Lợn chửa ăn tốn nhiều cám;
“cấn” và “tốn” là tên hai quẻ trong bát quái )
Quỳnh không cần suy nghĩ, đối ngay :

Chó khôn chớ cắn càn
( “khôn” và “càn” là tên hai quẻ trong bát quái )

Cũng dùng tên quẻ trong bát quái mà lại có ý xược ngầm:
bảo ông Tú, này có khôn thì đừng ra câu đối càn nữa.

Ông Tú biết vậy nhưng cũng chịu là giỏi, tha ngay không béo tai Quỳnh nữa.
4/
Đề thơ khỏi trả tiền :

Thời còn trẻ,Quỳnh không để ý đến việc học hành, xếp bút nghiên lên đường ngao du sơn thuỷ. Đặc biệt là nơi nào Quỳnh ghé chơi qua, đều lưu lại những giai thoại ngộ nghĩnh.

 Ngày ấy, trên đường phiêu du,Quỳnh ghé lại một quán nước. Thấy khách có
vẻ hào hoa, cô chủ quán nhan sắc mặn mà nhanh nhẩu mời mọc:

- Rước ông vào xơi bánh ạ… Quán này bánh trái đủ thứ, ông cứ tự tiện…

 Quỳnh cảm ơn rối rít, ung dung ngồi xuống thanh toán, hết dĩa này đến dĩa khác. Nào là bánh rán, bánh dày, nào là khoai ngứa, khoai lang. Ăn hết bánh,
Quỳnh lại chiếu cố đến buồng chuối thanh tiêu rồi mấy chiếc nem treo lủng
lẳng. Quỳnh ăn xong, rung đùi, hút thuốc, rồi đứng dậy cảm tạ và đủng đỉnh
ra đi. Cô chủ giận quá, chạy theo níu áo đòi tiền. Quỳnh giả vờ ngạc nhiên:

- Chết chửa, tôi lại tưởng cô chủ có lòng tốt, lâu ngày mời tao nhân mặc khách ít dĩa bánh, nào có thấm tháp gì.

 Cũng may, cô chủ vốn thích thơ văn, cũng gượng làm vui:

- Ông tự nhận là tao nhân mặc khách, thực hay giả đấy? Nếu thực,ông phải làm một bài thơ kể hết thức ăn trong quán,tám câu vần trắc. Làm không xong, tôi la làng đấy…

Quỳnh cười hì hì:
- Được mà, cô chủ yên trí…

Thế là Quỳnh hạ bút làm một bài thơ dán ngay vào vách. Thơ như sau:

 Bán hàng nay cô đà mấy tuổi?
 Nước non còn nóng hay là nguội?
 Lủng lẳng trên treo dăm nắm nem
 Lơ thơ dưới móc một buồng chuối
 Bánh rán bánh dầy có thoa dầu
 Khoai ngứa khoai lang đều chấm muối
 Ăn uống xong rồi chưa trả tiền
 Thương nhau cho chịu một vài buổi.

Cô chủ quán khá thông minh, xem thơ biết khách trêu chọc, song tài thơ sáng chói nên đành ưng thuận… mất tiền.
5/
Thừa giấy vẽ voi :

Một năm, gặp khoa thi hương, sắp tới ngày thi, có người bạn đến chơi,khuyên ông : khoa này nên kiềm thúc tính nết , văn chương phải viết theo khuôn phép, thì mới hòng đỗ.

  Ấy cũng vì khoa trước, ông làm văn đã đắc thế lắm , nhưng bị đánh hỏng vì khi bài viết xong, còn thừa một khoảng giấy lớn,ông cao hứng vẽ hình con voi rồi đề mấy câu thơ :

Văn chương phú lục đã xong rồi,
Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi!
Tớ có điều này xin bảo thật: (1)
Đứa nào cười tớ, nó ăn bòi!

(1) Dị bản: Vẽ xuống vẽ lên nhằng nhịt đấy,

 Bởi vậy nên kỳ này, nghe bạn khuyên can, ông cũng lấy làm phải và xin nhất nhất vâng lời.

 Vào trường, ông giữ gìn rất cẩn thận, quả nhiên khoa ấy đỗ hương cống. Tuy vậy mà trong quyển của ông vẫn còn có những câu trào lộng , truyền tụng  mãi đến ngày nay.

   Đầu bài chiếu là:

   Nghĩ Hán dĩ công chúa, giá Thiền Vu chiếu.
   ( Làm bài chiếu về việc vua Hán gả công chúa cho chúa Hung Nô.)

  Bài ông làm có câu:
武經百戰以開圖
文無一詩而退虜

 Vũ kinh bách chiến, dĩ khai đồ
 Văn vô nhất thi, nhi thối lỗ

  - Về việc võ, trải trăm trận đánh nhau, mới mở mang được cơ nghiệp.
  - Đến lúc thái bình, thì trọng việc văn, nhưng văn không thể ngâm thơ mà đuổi được giặc.
(Vì vậy vua Hán phải đem công chúa gả cho Chúa Thiền Vu, dùng mỹ nhân kế để giảng hoà)

  Đến bài biểu, ông cố nhét cho được hai câu:
 君则古臣则古戴咸観虞舜之功
 上雍哉下雍哉倚頭赖唐尧之治

  Quân tắc cổ, thần tắc cổ, đái hàm quan Ngu Thuấn chi công
  Thượng ung tai, hạ ung tai, ỷ đầu lại Đường Nghiêu chi trị

- Vua theo như vua đời cổ,bầy tôi cũng theo như bầy tôi đời cổ,dân đều được đội ơn, coi như công của vua Thuấn
- Người trên hoà, người dưới hoà, dân đều được nhờ ví như đời thịnh trị của vua Nghiêu
.
  Khi yết bảng tên ông được đỗ rồi, quan trường hội nhau để kiểm điểm lại, thấy những chữ “khai đồ”,“thối lỗ”, “tắc cổ”, “ung tai”, “đái (vào) hàm quan”, “ỷ (lên) đầu lại”, mới biết là ông nhạo báng, dùng những chữ Hán có âm Việt ngữ tục tằn, cốt cho ở Hán văn thì nghĩa đứng đắn, mà đọc ra âm Việt thì lại toàn tiếng thô bỉ. Nhưng đã trót cho đỗ rồi, không thể đánh hỏng được nữa.
 Bao phen lận đận, lần này mới được đắc chí, ông cưỡi ngựa về làng, lòng mừng khấp khởi, ngâm mấy câu thơ:

 Mười năm đèn sách nhọc công nhòm,
 Đỗ suốt ba trường tiếng nổi om!
 Nhờ chút ơn vua về bái tổ,
 Nhảy lên cật ngựa chạy lom xom!
6/
Không biết thì bỏ trống :

 Rồi sau đó ông đi thi hội, mong giật bằng tiến sĩ.Vào thi, bài viết đã trôi chảy lấy làm vừa ý, chỉ còn đoạn kết ông chưa biết làm cách nào cho thật trác lạc, khác hẳn lối kết thúc tầm thường của sĩ tử.

Đang nghĩ ngợi phân vân bỗng thấy một vị giám khảo đi ngang qua, ông liền hỏi:
- Bẩm quan lớn, đoạn kết bài này ngài dạy làm thế nào là phải?

Vị giám khảo trừng mắt:
- Không biết làm thế nào thì bỏ trống!

Đến lúc hội lại chấm bài, ban giám khảo đọc thấy một bài ý tứ hàm súc, ngôn từ hoa mỹ, rất đáng cho ưu, chỉ hiềm nỗi đoạn kết lại lạc lõng vào hai câu nôm:

 Ô hô, da trâu tang mít, tự ký thành bưng bít chi công.
 Y hi, đám giỗ nhà chay, thượng ký đô thì thùng chi hiệu.

 Chẳng ai hiểu ra sao. Bèn hợp phách lại xem tác giả là ai mà kỳ quái vậy. Té ra cống Quỳnh. Vị chủ khảo cho gọi ông cống vào hỏi duyên do. Cống Quỳnh lễ phép thưa:

- Bẩm, đó là tôi theo lời dạy của quan giám khảo. Quan bảo đoạn kết không biết làm thế nào thì cứ bỏ trống, nên tôi viết hai câu về cái trống!

 Mà là trống thật. Trống, mặt bằng da trâu, tang bằng gỗ mít, đã tốn công bưng bít mới thành, để khi đám giỗ đám chay nện thì thùng ra hiệu!

 Lẽ tự nhiên, ông cống chuyến này lại hoàn ông cống!
7/
Thơ cúng thành hoàng :

 Tục truyền trong thời kỳ Quỳnh đã thi đỗ hương cống và tiếng tăm đã lừng lẫy khắp xa gần, có một lần vợ cưng của Quỳnh bị ốm nặng,nhưng không chịu thuốc thang, lại tin tưởng thầy bói. Xem quẻ xong, thầy bói quả quyết bị động thành hoàng, sắm sửa lễ vật cúng vái là khỏi. Quỳnh vốn cũng chẳng tin gì thần thánh nhưng vợ cứ khóc lóc ỉ ôi, nên Quỳnh đành phải mang hai quả trứng gà luộc ra đình làng khấn với thành hoàng để xin chữa cho vợ mình, và hứa rằng hễ vợ mình khỏi bệnh thì sẽ trả lễ thật hậu. Quỳnh đem hai trứng ra đặt lên bệ thờ thành hoàng và chắp tay trịnh trọng đọc to một bài thơ như sau:

Này hỡi thành hoàng
Chú là kẻ cả trong làng,
Tớ là người sang trong nước.
Đôi bên chức tước,
Chẳng kém gì nhau.
Bởi vợ tớ đau,
Phải ra khấn vái.
Phiên chợ thì trái,
Không mua được gì.
Có con gà di,
Nó vừa nhảy ổ.
Đem ra mà mổ,
Thì cũng thương tình.
Chú có anh linh,
Xơi hai trứng vậy!...

Rồi Quỳnh để lại hai quả trứng gà và đủng đỉnh ra về.
8/
Đề tượng bà Banh :

   Ở vùng Sơn Nam hạ có một ngôi chùa thật quái dị . Chùa không thờ  Phật, trên bệ chỉ có pho tượng đá gọi là tượng bà Banh. Tương truyền bà Banh là tà thần rất linh thiêng , ai đi ngang qua chùa mà không ngả nón sẽ bị ốm đau tức khắc. Muốn khỏi bệnh phải đem xôi,gà, rượu, thịt đến lễ tạ. Vốn thường công kích những nơi bành trướng tà đạo,nghe được chuyện ấy, Quỳnh đến chùa, lấy bút mực viết ngay trên bụng pho tượng bài thơ:

 Khen ai đẽo đá tạc nên mày
 Khéo đứng ru mà đứng mãi đây!
 Trên cổ đếm đeo trăm chuỗi hạt
 Phô trang chi hỡi, lũ quân này!

( “Đẻo đá”, “khéo đứng”, “đếm đeo” là những từ thường gặp trong thơ Hồ
 Xuân Hương )

 Đề thơ xong Quỳnh mắng nhiếc một hồi mới bỏ đi. Ít ngày sau, pho tượng
bỗng ngã xuống, nằm úp mặt trên mặt đất. Chả biết có phài là thần xấu hổ vì
lời thơ ngạo mạn của trạng Quỳnh không? Từ đó ngôi chùa hết linh thiêng.
9/
Văn tế hai bố :

  Nhạc phụ ông người dong dỏng cao, làm tổng trấn Bắc Ninh, thân phụ ông là người lùn thấp, làm tri phủ Kiến Xương; hai người tình cờ cùng tạ thế một năm, nhạc phụ mất cuối tháng chín , thân phụ mất đầu tháng mười . Khi hai linh cữu đưa về quê, ông thu xếp cho hai đám cùng đưa một ngày, và bày bàn thờ chung nhà, để tế chung vào một tuần... cho đỡ tốn kém.

Ông làm bài văn tế, xem qua đủ thấy tác giả là người ngang tàng và ngỗ ngược, có một nhân sinh quan phóng khoáng đến quá mức , ngay bậc cha mẹ cũng còn đem ra mà chế giễu không từ.

  Văn tế hai bố :


  Ông trấn Bắc Ninh. – Ông tri phủ Kiến
  Ông thấp lùn chùn. – Ông cao nghễu nghện
  Tưởng ông sống tám mươi, ông sống chín mươi cho đến một trăm. – Nào ngờ ông chết tháng chín, ông chết tháng mười, cũng về một chuyến.

    Than ôi!
  Hạc tếch lên ngàn. – Rùa bò xuống biển!
  Lẽ đâu một đám hai ma. – Song le nhất cử lưỡng tiện!
  May hai nhà cũng có bát ăn : - Chả có phen này thì biến!

  Trạng Quỳnh còn vài bài thơ nữa mà bài nào cũng có ý châm chọc :

 Con chuột

 Ông Cống (1) khoa nào chẳng thấy thi,
 Chuột thì kêu chuột, Tý làm chi?
 Bắt hơi chó sịt cong lưng chạy,
 Nghe tiếng mèo ngao rút cổ đi.
 Chỉnh nếp rá cơm tha thểnh bậy,
 Đống rơm bồ lúa ngách hang kỳ.
 Phô bày chuột lũ bay nên chạ,
 Hoạ có bầu nan hẳn sợ mi. (2)

(1) Cống: Hương cống, tức cử nhân thời Nguyễn
(2) Những người đi ghe bầu rất sợ ghe bầu, nhất là ghe đan bằng nan
   tre, nên họ thường gọi chuột bằng ông Tý


Chợ Gạo đất Kinh kỳ

Tiếng đồn chợ Gạo đất Kinh kỳ,
Quỳnh tới dạo chơi chẳng thấy chi.
Ngô bé (1) ngô to răng trắng nhẻ
Đĩ già đĩ trẻ tóc đen sì.

(1) Ngô: người Tàu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Thiền sư PHÁP THUẬN

Năm Thiên Phúc thứ 7 [986], đời vua Lê Đại Hành, nhà Tống sai Quốc Tử Giám bác sĩ Lý Giác  mang chế sách sang phong cho vua ta làm  An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân Tiết độ sử kinh triệu quận hầu, …


Năm sau , nhà Tống lại sai Lý Giác sang . Khi  Giác đến chùa  Sách Giang, vua sai thiền sư Pháp Thuận (1) giả làm người coi sông  ra đón. Giác rất thích nói chuyện văn thơ . Lúc ấy nhân có hai con  ngỗng  lội
trên mặt nước, Giác vui ngâm rằng:

 Nga nga lưỡng nga nga,
 Ngưỡng diện hướng thiên nha.
(Ngỗng ngỗng hai con ngỗng,
Ngữa mặt nhìn chân trời).

 Thiền sư đương cầm chèo, theo vần làm nối đưa cho Giác xem:

Bạch mao phô lục thuỷ,
Hồng trạo bãi thanh ba.
(Nước lục phô lông trắng,
Chèo hồng sóng xanh bơi).

Giác lấy làm ngạc nhiên, khi về đến sứ quán, làm thơ gửi tặng. Pháp Thuận dâng thơ lên, vua khen ý thơ, tặng cho Giác rất hậu, …

(1) Thiền sư Pháp Thuận họ Đỗ, trụ trì chùa Cổ Sơn, hương Thư ở Ái quận; thuộc thế hệ thứ 11, thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi                                          
                                   -----------------------------------

Trên đây là giai thoại văn chương khá sớm, được ghi trong chính sử.

Thực ra, Lý Giác và Pháp Thuận đều chịu ảnh hưởng bài “Vịnh nga” của Lạc Tân Vương đời Đường, làm năm 10 tuổi :

Nga nga nga
Khúc hạng hướng thiên ca
Bạch mao phù lục thuỷ
Hồng chưỡng bát thanh ba.

Lê Minh Uyên dịch:
Ngỗng ơi, hỡi ngỗng ơi
Ngẫng cổ ca vang trời
Nước lục điểm lông trắng
Chân hồng rẽ sóng bơi.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

HỌC LẠC


 Nguyễn Văn Lạc (Học Lạc) (1842-1915) người làng Mỹ Chánh, tỉnh Mỹ Tho. Thông minh, hiếu học, ông vì nhà nghèo nên thi vào ngạch học sinh, để được cấp lương học tại trường tỉnh. Do đó, học sinh Lạc sau này được gọi là Học Lạc.

 Học Lạc học rất tiến, mà thi mãi không đỗ. Gặp lúc tình thế nhiễu nhương, triều đình phải nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp năm 1862, rồi tân triều khởi xướng lên phong trào “vứt bút lông đi, giắt bút chì”, Học Lạc không chịu theo, đã bỏ làng Mỹ Chánh, về làng Thuộc Nhiêu (cũng ở Mỹ Tho), cất ba căn nhà lá dạy học và hốt thuốc.

 Học Lạc hình dạng thấp nhỏ,nước da trắng xanh,tiếng nói sang sảng như chuông , tính tình khẳng khái, làm thuốc rất hay, bói Dịch cũng giỏi, lại thêm cầm kỳ thi hoạ, đủ mùi. Ông lui về quê, là muốn tránh cảnh rối ren lúc giao thời, lấy nghề bốc thuốc vừa làm kế sinh nhai vừa làm phương độ thế, nhưng ông không thể điềm nhiên toạ thị trước sự đảo lộn của học phong và sĩ khí, nên thường lấy thơ phú ra ngụ lời mai mỉa thói đời.
  Về Hán văn của ông, còn truyền lại vài câu, tỏ ra ông không chịu nô lệ khuôn sáo, cố tìm những ý tứ mới mẻ.

 Tả cảnh chiếc ghe giương buồm chạy lẻ loi trên sông:

绿樹走双岸
紅日炤孤舟

 Lục thụ tẩu song ngạn
 Hồng nhật chiếu cô châu
(Cây xanh vun vút bờ xanh
Vừng hồng rọi xuống chiếc mành cô liêu)

Đề cửa một quán cơm:

莫未舘中無漂母
只嫌路上少王孫

 Mạc vị quán trung vô Phiếu mẫu
 Chỉ hiềm lộ thượng thiểu Vương tôn
(Chớ nói quán này không Phiếu mẫu
Chỉ hiềm khách lại ít Vương tôn)

  Ý nói quán này vốn sẵn lòng làm như bà phiếu mẫu khi xưa đem cơm cho Hàn Tín, nhưng e rằng khách bây giờ ít ai tài giỏi như Hàn Tín, để mà cho cơm không lấy tiền.

  Hai câu này rất được tán thưởng; nhiều nhà hàng cơm ở Mỹ Tho đã nhờ người viết ra để dán hai bên cửa.

  Trong thời kỳ ở Thuộc Nhiêu ông làm bài thơ sau đây :

  Chợ Thuộc Nhiêu

  Đất linh bồi đắp cuộc Ba Giồng
  Cảnh Thuộc Nhiêu nhiều khách ngộp trông
  Lộ thẳng ngựa biêu chơn ngắn bước
  Rạch cùng cá lội mến quen sông
  Trướng văn giỏi kẻ thêu rồng phượng
  Miễu võ thờ tay trí bá tòng
  Cứng cát thú quê vui tục cũ
  Thềm dâu ruộng lúa dễ cho không.

  Bấy giờ vào lúc khẩn trương của cuộc đối lập Pháp Nam.

  Ông diễn tả tâm trạng mình bằng bài thơ “gà chọi”, ngụ ý mong đồng bào nên nghĩ ơn tổ quốc, đừng tham sống mà không dám liều “một nắm xương lông” hãy yên trí rằng nếu có chết sẽ được hương khói phụng thờ:

 Vịnh đôi gà chọi

 Đôi bên chưa chắc đặng cùng không,
 Thiên hạ ngày tròn mỏi mắt trông.
 Một trận quyết đền ơn tấm mẳn (1)
 Hai ngươi chớ ngại nắm xương lông.
 Rủi may đã có người hương khói,
 Khuya sớm cho cam kẻ ẵm bồng.
 Lừng lẫy danh thơm trong mấy nước,
 Làm sao năm đức giữ cho cùng! (2)

(1) Tấm mẳn: tấm cám, thức ăn của gà – ơn tấm mẳn: ơn cơm áo.
(2) Năm đức của gà: uy vũ, can đảm, gáy sáng, thảo ăn, khéo nuôi con.

 Nhìn thấy bọn sĩ phu, cậy có năm ba cuốn sách trong bụng mà lên râu với bà con, đến khi gặp giặc thì chạy tơi bời, chỉ sợ máu huyết phải đem làm lễ bôi chuông, giống như nông nỗi con trâu trong bài:

  Vịnh con trâu

  Mài sừng cho lắm cũng là trâu,
  Ngẫm lại mà xem thật lớn đầu!
  Trong bụng lam nham ba lá sách,
  Ngoài cằm lém đém một chòm râu.
 Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy, (1)
 Làm lễ bôi chuông nhớn nhác sầu. (2)
 Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ,
 Năm dây đàn gảy biết chi đâu! (3)

(1) Điền Đan đốt đít trâu cho trâu chạy xông vào trận địch
(2) Đời xưa, lấy máu trâu bôi vào chuông mới đúc cho khỏi nứt
(3) Đàn gảy tai trâu

 Lại còn cái bọn ra phò tân trào, coi mới đáng ghét làm sao! Tiểu nhân đắc chí, đeo râu mang kiếm, hống hách vô sỉ, có khác gì con tôm kia :

  Vịnh con tôm

  Chẳng phải vương công, chẳng phải hầu,
  Học đòi đeo kiếm lại đeo râu.
  Khoe khoang mắt đỏ trong dòng biếc,
  Chẳng biết mình va: cứt “lộn đầu!”

  Hoặc con chó, lúc sống thì lăng xăng đuổi thỏ để cho thỏ bị bắt làm thịt, mà lúc chết chẳng được ai thương, xác bị quăng ra sông nổi lều bều, chỉ có tôm tép tiễn đưa, quạ diều săn sóc:

 Vịnh chó chết trôi

 Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu!
 Thác thả dòng sông, bụng chướng phều.
 Vằn vện xác còn phơi lững đững,
 Thối tha, danh hãy nổi lều bều!
 Tới lui, bịn rịn: bầy tôm tép,
 Đưa đón, lao xao: lũ quạ diều.
 Một trận gió dồi cùng sóng dập,
 Tan tành xương thịt biết bao nhiêu!

 Có khi ông không ngại kêu hẳn tên mà mai mỉa. Như Nguyễn Kim Chi, có tính keo kiệt và tham lam, đã làm tổng đốc Định Tường (Mỹ Tho) danh phận cao sang là thế mà còn bắt vợ đi bán bánh ở chợ, bắt lính trồng trầu ở dinh, để lấy thêm huê lợi, còn việc nước việc dân không màng gì đến, gặp những án nặng nhưng có hối lộ nhiều là kiếm cớ tha liền.

 Vịnh Nguyễn Kim Chi

  Nghĩ thương quan thượng Nguyễn Kim Chi,
  Khôn khéo không ai dám sánh bì.
  Gói bánh vợ đem bưng dưới chợ,
  Trồng trầu lính mót bán trong ty.
  Bề ngoài đầy đủ cho qua chuyện,
  Việc nước nên hư chẳng kể gì.
  Cái án hạp binh nên xé thịt,
  Đành ăn hối lộ lại tha đi!

  Hoặc như quan võ Nguyễn Công Nhàn, được thiên hạ gọi là “Hùng dũng” chỉ vì có tính nóng, hay đánh đập: lúc gặp Pháp tấn công, ông cho đóng cọc dưới sông để chặn tàu, nhưng giặc biết mưu nhổ lên hết rồi thình lình tiến đến, khiến ông hốt hoảng co chân định chạy, sau nghĩ đến vợ con lại dùng dằng, toan cho đóng cũi tự giam mình mà đầu hàng:

    Vịnh Nguyễn Công Nhàn

  Có quan hùng dũng Nguyễn Công Nhàn,
  Hùng dũng nhưng mà lại nhát gan!
  Giặc tới Bến Tranh, run lập cập,
  Tàu vô Cửa Tiểu, chạy bò càng,
  Mưu thần trước biết ngang sông chắn,
  Kế dữ sau toan ... đóng cũi hàng!
  Thất thủ muốn liều cho vẹn tiết,
  Ngặt vì con, vợ, bận chưa an!

 Học Lạc có tính ngạo đời, nên trong hương lý không mấy người ưa. Có lần,theo lệ làng phải làm một mâm xôi đem ra đình cúng thần, đáng lẽ đề vào vành mâm tên họ chức tước  là “Học sinh Nguyễn Văn Lạc” ông chỉ biên hai chữ “Thằng Lạc”, nên hương chức cho là xấc với thần linh, bắt trói vào cọc ngoài sân.

  Ông ngồi đấy, tình cờ bên cạnh có một người Tàu cũng bị bắt vì tội đánh bông vụ (tiếng Bắc gọi là đánh thò lò) nên ông tức cảnh nên thơ:

    Bị trói

   Hoá An Nam, lứ khách trú, (1)
   Trăng trói lăng nhăng nhau một lũ.
   Ngoài mặt ngỡ ngàng lạ Bắc Nam,
   Trong tai (2) cắc cớ xui đoàn tụ.
   Bợm làng chẳng vị sĩ năm kinh, (3)
   Ông Bổn không thương người bảy phủ. (4)
   Phạt tạ xong rồi, trở lại nhà:
   Hoá thì hốt thuốc, lứ bông vụ.

(1) Hoá, lứ: tôi, anh (tiếng Triều Châu)
(2) Tai nạn
(3) Sĩ năm kinh: chỉ người học trò
(4) Bảy bang Hoa kiều ở miền Nam: Quảng Đông, Triều Châu, Huệ Châu, Hải          Nam, Phúc Kiến, Tuyền Châu, Phúc Châu.

  Sau đó, làng bắt ông phải tạ lỗi với ban hương đảng. Ông liền ngâm bài thơ:

    Tạ hương đảng

  Vành mâm xôi đề “thằng Lạc”!
  Nghĩ mình ti tiện không đài các.
  Văn chương chẳng phải bợm mèo quào,
  Danh lợi không ra cái cóc rác!
  Bởi thế bơ thờ thẹn núi sông,
  Dám đâu xấc láo ngạo cô bác!
  Việc này dẫu có thấu lòng chăng,
  Trong có ông thần, ngoài cặp hạc!

   Khi về già, thấy thời thế đã đổi thay hẳn cục diện, Pháp đã nắm vững được nước ta, ông đành ôm hận, thỉnh thoảng cao hứng đi lên tiệm ăn cơm:

    Ăn cơm nhà hàng

  Dễ muốn ăn chơi thế vậy à?
  Người đời thấm thoắt bóng câu qua.
  Tháng ngày thoi trở năm càng thúc
  Tơ tóc sương bay tuổi đã già.
  Khiển hứng no nê mùi Quảng Tống,
  Tiêu sầu chếnh choáng rượu Lang Sa. (1)
  Trải xem ai nấy đều mê mệt,
  Há dễ mình ta tỉnh đặng mà!

(1) Lang Sa: Pháp

  Học Lạc mất năm 1915, thọ 73 tuổi. Bà Bảy Khánh, vợ ông Học Lạc, cũng là nhà thơ, làm bài thơ sau đây:

   Thuyền lỡ vời

Đùng đùng sóng gió khéo nương hơi,
Chiếc bá linh đinh mới lỡ vời.
Lố xố hoa trôi khoan lại thúc,
Lao xao gấm vẽ nhặt rồi lơi.
Mảnh buồm lững đững trôi trong nước,
Bánh nguyệt chơi vơi đứng giữa trời.
Chèo hạnh so le ngơi mái nhịp,
Thuyền tình thong thả dễ buông khơi.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

PHẠM THÁI


Phạm Thái (1777 – 1813) người xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc; nay là phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Họ Phạm có tài làm thơ nôm và nổi tiếng về thơ tình yêu.

Khi Tây Sơn dấy lên, cha là Thạch Trung hầu, vốn đã làm quan với nhà Lê, có dự vào công cuộc cần vương, nhưng bị thất bại. Phạm Thái sau trưởng thành, quyết nối chí, thường kết bạn với những bậc nghĩa sĩ để mưu đồ khôi phục nhà Lê.

Phạm tài kiêm văn võ, thích uống rượu ngâm thơ, vì là con bậc đại thần nên được gọi là cậu Chiêu, lại hay say sưa tuý luý, mới có sước hiệu là Chiêu Lỳ. Chiêu Lỳ có bài thơ tự trào:

Có ai muốn biết tuổi tên gì,
Vừa chẵn hai mươi, gọi chú Lỳ.
Năm bảy bài thơ ngâm lếu láo,
Một vài câu kệ tụng a-ê!
Tranh vờn sơn thuỷ màu lem luốc,
Bầu giốc kiền khôn giọng bét be.
Miễn được ngày nào ngang dọc đã,
Sống thì nuôi lấy, chết chôn đi!

“Một vài câu kệ tụng a-ê”, là bởi bị truy nã gắt gao, ông phải cạo đầu, vào tu ở chùa Tiên Sơn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) lấy đạo hiệu là Phổ Chiêu thiền sư, để khỏi lộ tung tích.

 Năm canh thân (1800) đến chơi nhà bạn ở kinh đô, nghe đọc bài Tụng Tây Hồ, ông hỏi ra là do Chương Lĩnh hầu Nguyễn Huy Lượng sáng tác. Lượng vốn là tôi nhà Lê, bấy giờ ra làm quan với Tây Sơn, viết bài tụng này cốt để tán dương công nghiệp vua Quang Trung. Phạm Thái nhân đó, cũng bày tỏ sự trung kiên của mình với nhà Lê, bèn hoạ lại một bài, đề là “Chiến Tụng Tây Hồ”, lời văn phẫn nộ, trực tiết.

 Phạm nay đây mai đó, vẫn ngấm ngầm mưu việc cần vương. Một hôm, nhân phò giá hoàng phi Nguyễn Thị Kim lên Lạng Sơn để định sang Tàu theo vua Lê Chiêu Thống, Phạm gặp trấn thủ Trương Đăng Thụ, một đồng chí, cùng bạn tính toan việc giúp Trần Quang Diệu để trừ Võ Văn Dũng hòng gây khó cho Tây Sơn, chẳng may lộ chuyện; Dũng sai thủ hạ là Phan Đình Hồng, bấy giờ làm hiệp trấn Lạng Sơn, tìm cách bỏ thuốc độc vào nước trà, giết Thụ. Phạm Thái thế cô, chỉ còn biết đưa xác bạn về quê, làng Thanh Nê, huyện Yên Tĩnh, tỉnh Nam Định.

 Ở đây, Phạm gặp em gái Trương Đăng Thụ là Trương Quỳnh Như, một trang tài sắc kiêm toàn. Đôi bên dần dà thân nhau vì mối duyên văn tự, cùng nhau xướng hoạ rất là tương đắc.

Phạm đã tả mối tình trong sạch của mình đối với Quỳnh Như bằng mấy bài thơ:
I
Từ chốn thiềm cung trộm giấu hương,
Dễ xui tao khách mối sầu vương.
Gió thông réo rắt rong đàn oán,
Trăng hạnh chênh vênh rạng bóng dương.
Nếu phải tình duyên may chút phận,
Thì xin ân ái vẹn hai đường.
Phong lưu đôi lứa ai đà dễ,
Bụi tục chi cho bợn loá gương!

II
Dẩy hoa, dun lá, bởi tay trời
Nghĩ lại tình duyên luống ngậm ngùi.
Bắc yến, nam hồng, thư mấy bức
Đông đào, tây liễu, khách đôi nơi.
Lửa ân, rập mãi sao không tắt,
Biển ái, khơi hoài vẫn chẳng vơi.
Đèn nguyệt trong xanh, mây chẳng bợn,
Xin soi xét đến tấm lòng ai.

Cha Quỳnh Như là Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quý rất mến Phạm, hai
người thường đàm đạo về thời thế và văn thơ.

 Một hôm, nhân hai người ngồi uống ruợu, hầu trông vào bức tranh tố nữ, bảo Phạm thử uống mười chén rồi vịnh một bài thơ. Phạm vâng mệnh, cất bút thảo luôn một thiên Đường luật theo cách “thuận nghịch độc” (đọc xuôi là thơ chữ Hán, đọc ngược là thơ nôm diễn ý bài thơ chữ Hán). Thơ như sau :

Bài đọc xuôi :
Thanh xuân toả liễu lãnh tiêu phòng,
Cẩm trục đình châm ngại điểm trang.
Thanh lãng độ liên phi phất lục,
Đạm hi tán cúc thái sơ hoàng.
Tình si dị tố liêm biên nguyệt
Mộng xúc tằng liêu trướng đỉnh sương.
Tranh khúc cưỡng khiêu sầu mỗi bạn,
Oanh ca nhất vĩnh các tiêu hương.

Bài đọc ngược :
Hương tiêu gác vắng nhặt ca oanh (1),
Bợn mối sầu khêu gượng khúc tranh (2).
Sương đỉnh trướng gieo từng giục mộng,
Nguyệt bên rèm tỏ dễ si tình.
Vàng thưa thớt cúc tan hơi đạm,
Lục phất phơ sen đọ rạng thanh.
Trang điểm ngại chăm dừng trục gấm (3),
Phòng tiêu lạnh lẽo khoá xuân xanh. (4)

(1) Nhặt ca oanh: Tiếng chim oanh hót luôn luôn
(2) Sầu khêu: Nỗi buồn khêu gợi tấm lòng. Gượng khúc tranh: Gượng đánh khúc đàn tranh
(3) Dừng trục gấm: Dừng việc dệt gấm
(4) Khoá xuân xanh: Nhốt người con gái trẻ

Hầu xem xong thích lắm, khen là “thanh quang thắng tuyệt” (trong sáng tuyệt vời).
Mến tài văn thơ, lại cũng biết chí cần vương và hoạt động bí mật của Phạm, nên hầu mời Phạm ở lại ngay nhà, cho trút lốt nhà sư mà khoác áo nho sinh, để dạy mấy đứa cháu. Ông cụ tình cờ một đọc thấy thơ văn trữ tình của Phạm, có ý muốn gả Quỳnh Như cho, mới lựa lời khuyên Phạm về tìm họ hàng mai mối để xử sự cho phải lễ.

Nhưng mẹ Quỳnh Như lại không ưng cho con lấy một “nhà sư phá giới”, vả lại tham phú quý, nhất định gả con cho một công tử nhà giàu nhưng học dốt.

Quỳnh Như bị ép uổng, bực trí quyên sinh.

Khi ở quê trở lại nhà họ Trương, Phạm hay tin dữ, liền ra mộ Quỳnh Như, thắp hương khóc lóc rồi đọc bài điếu văn như sau:

Nương tử ơi! Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu? Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ, thu lẩn trăng rằm!

Lại có điều đau đớn thế nhỉ! Nhà huyên ví có năm có bảy, mà riêng mình nàng đeo phận bạc, thì lửa nguội nước vơi còn có lẽ. Thương hại thay! Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đoá: thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi năm làm một kiếp, mà nghim nghỉm chốn non Bồng nước Nhược, chút gì không đoái đến cõi phù sinh!

Ví dù mà tiên thù với tục, sao xưa kia vâng mệnh xuống trần chi? Nay đã nguyện một thân cho vẹn kiếp, thì ba vạn sáu ngàn ngày, sống cho đủ lệ: nọ xuân huyên, kia phu tử, góp với trần gian không chút hận, rồi sẽ rong chơi chín suối, cớ sao riêng bỗng vội vàng chi?

Ôi! Chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên suông sẻ, những như thân giá ấy, tình cảnh ấy, ngược xuôi kia cũng ngậm ngùi cho. Huống ta cùng nương tử, tuy chẳng thân kia thích nọ, như tình duyên chừng ấy, cũng là một chút cương thường: dẫu rằng kẻ đấy người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao nhiêu tâm sự!

Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên: mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hoá buông xuôi tính mệnh.

Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm; chua xót cũng vì đâu?

Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sùi sụt hai hàng tình lệ, giải bầy một bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài, tỏ cùng nương tử!

 Đọc xong, Phạm châm lửa đốt bài điếu văn, rồi đứng nghẹn ngào, nỗi lòng dào dạt phả lên một bài thơ nối:

Trời xanh cao thẳm mấy từng khơi,
Nỡ để duyên ai luống thiệt thòi!
Buồn đốt lò vàng hương nhạt khói,
Sầu nâng chén ngọc rượu không hơi.
Lầu tây nguyệt gác mây lồng bóng,
Ải bắc hồng bay biển tuyệt vời.
Một mối chung tình tan mấy mảnh,
Suối vàng, ai nhắn hộ đôi lời!

 Từ đó Phạm sinh chán đời. Vì mải chuyện tình mà mấy năm rồi bỏ lửng cả việc cần vương. Vả lại thời vận nhà Lê đã hết, nhà Tây Sơn, rồi đến nhà Nguyễn kế tiếp nổi lên, việc cần vương không còn mấy ai nghĩ tới nữa. Phạm chỉ còn biết uống rượu ngâm thơ cho qua ngày tháng.


Ông ngậm ngùi mãi về mối tình duyên lỡ dở:

Đưa lời cho tới cung mây,
Sầu này xin cởi cho đây với cùng !
Dây tơ hồng trách ai se mối,
Đến nửa chừng bỗng nới dần ra.
Căm vì một ả trăng già,
Trêu ngươi chỉ mãi chẳng tha, thế này…

Và những khi cảm khái về thời thế, về thân phận, ông thốt ra lời thơ ngán ngẩm, khinh bạc, cáu kỉnh:

Năm bảy năm nay những loạn ly,
Cũng thì duyên phận, cũng thì “thì”!
Ba mươi tuổi lẻ là bao nả,
Năm sáu đời vua thấy chóng ghê!
Một tập thơ đầy ngâm sang sảng,
Vài nai rượu kếch ních tì tì.
Chết về tiên bụt cho xong kiếp,
Đù oả trần gian sống mãi chi!

 Những lúc say sưa, ông lại lên giọng cao ngạo, ngâm một bài yết hậu:

Sống ở nhân gian đánh chén nhè,
Chết về âm phủ cặp kè kè.
Diêm vương phán hỏi rằng chi đó?
               Be!

 Ông mất năm 37 tuổi.


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


LỜI PHẠM THÁI
Tác giả: Hồ Công Tâm

Chiều nay lạnh, ta mơ về Nương Tử
Vội vàng chi rời gót ngọc vân du
Cánh hoa rơi tan tác mảnh trang thu
Kìa gốc liễu bên đường xưa tàn tạ
Chưa hương lửa đã làm ra xa lạ
Để ôm sầu, ta trọn kiếp thương đau
Nương Tử ơi, oan thác bởi vì đâu
Không ngăn được hai hàng châu lã chã
Ôi chí lớn ngang tàng trong thiên hạ
Đựng chưa đầy đôi mắt của Giai Nhân!

Chủ Quán đâu? Ta ghé bước phong trần
Mau đem rượu năm vò thơm hảo hạng
Ha! Ha! Rượu! Rượu cho quên ngày tháng
Quên đau thương, ta nán đợi chữ Thời
Nhắc làm chi chuyện non nước đầy vơi
Kiếm trong vỏ để lâu ngày hoe rỉ
Ta chợt tiếc đường gươm xưa tuyệt kỹ
Ôi Tiêu Sơn Tráng Sĩ buổi chiều nay
Rượu năm vò sao chưa thoả cơn say
Năm vò nữa, rượu đâu, ta uống nữa!
Quỳnh Như hỡi, chưa cùng ta hương lửa
Vội vàng chi cho đắm ngọc chìm châu
Để trọn đời Phạm Thái phải đeo sầu
Ta uống nữa cho đời ta tàn tạ !
Ôi chí lớn ngang tàng trong thiên hạ
Đựng chưa đầy đôi mắt của Giai Nhân!

Nhắc làm chi chuyện nước với chuyện dân
Dân với nước! Mặc! Ta say cái đã !
Thơ với rượu! Gã Chiêu Lỳ xỏ lá
Chí Phục Lê đành bỏ lỡ thời cơ !
Ta thấy ta hèn nhát cứ đợi chờ !
Thời bỏ lỡ, chết già nơi Đất Khách!
Gươm Phục Quốc đêm ngày đeo bên nách
Ta thấy ta đeo nhục ở bên mình!
Ta thấy ta lì lợm thật đáng khinh!
Và, ta thấy ... Chiều nay ta buồn bã
Ôi chí lớn ngang tàng trong thiên hạ
Đựng chưa đầy đôi mắt của Giai Nhân!


HỒ CÔNG TÂM
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐOÀN THỊ ĐIỂM


Bà ĐOÀN THỊ ĐIỂM (1705-1746)  Biệt hiệu Hồng Hà nữ sĩ , người xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên,  sinh dưới triều Lê (1705), cùng thời với cống Quỳnh và Đặng Trần Côn. Tư chất thông minh, học một biết mười, bà nổi tiếng văn chương ngay khi còn nhỏ.
1/
Đoàn Thị Điểm và Đoàn Doãn Luân:

Mới lên năm lên sáu, đã học sách Hán Cao Tổ, anh ruột là Đoàn Doãn Luân ra một câu đối để xem sức học của em :

 Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi.
白蛇當道貴拔剑而斩之
 ( Rắn trắng ngang đường, ông Quý [tên vua Hán Cao Tổ] tuốt gươm mà chém nó.)

 Bà đối ngay :

 Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết.
黃龍拊舟侮仰天而叹曰
 ( Rồng vàng đội thuyền, vua Vũ trông trời mà than rằng …)

  Năm 15 tuổi, học vấn tiến lên đến mực uẩn súc.Một hôm, ông Luân xuống ao rửa chân, thấy em đương soi gương bên cửa sổ, bèn nói đùa :

 Đối kính hoạ my, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.
 對鏡畫盾一点畨成兩点
 ( Soi gương, kẻ lông mày, một nét hoá ra hai nét) .
Điểm là nét vẽ, lại là tên, ý nói soi gương, một nàng Điểm thành hai nàng Điểm.
     Bà ứng khẩu đối ngay:

  Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân.
 臨池玩月只倫轉作双倫對
   ( Tới ao ngắm trăng, một vầng hoá ra hai vầng ) .
Luân là ví mặt trăng tròn như bánh xe, lại là tên. Ý nói nhìn xuống ao, một ông Luân hoá ra hai ông Luân.
2/
Đoàn Thị Điểm và Trường An tứ hổ:

    Bấy giờ, ở kinh đô có bốn danh sĩ thường được tôn là Trường An tứ hổ: Nguyễn Huy Kỳ, người Thuỷ Nguyên, Kiến An; Trần Danh Tân, người Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương; Nguyễn Bá Lân, người Cổ Đô, Vũ Toại,người Thiên Lộc. Bốn người rủ nhau tới nhà bà Điểm để thử tài. Bà tiếp đãi lịch sự, cho người bưng khay trầu ra mời, trên khay có để bức hoa tiên viết một câu đối :

 庭前少女勸檳榔

  Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang
Nghĩa là: Trước sân, thiếu nữ mời ăn trầu.
Tân lang là trầu cau, cùng âm với tân lang ( 新郎 ) là chàng rễ mới, nên vế đối cũng có thể hiểu theo nghĩa: Trước sân, thiếu nữ mời chàng rễ.

Bốn hổ Trường An không đối được, trầu chẳng kịp ăn, tíu nghỉu cúp đuôi về.
3/
Đoàn Thị Điểm và sứ Trung quốc :

 Niên hiệu Long Đức thứ 3, 1734, đời Lê Thuần Tông, vua Tàu sai sứ sang tuyên phong, bà dùng văn chương mà áp đảo được đại diện của thiên triều.

 Tương truyền rằng, khi sứ Tàu đến, bà giả làm cô hàng nước ngồi ở bến đò. Sứ Tàu vừa muốn ghẹo gái vừa  nhiếc khéo người Việt, ra câu đối:

 An Nam nhất thốn thổ,
 Bất tri kỷ nhân canh.
( Một tấc đất An Nam, Không biết mấy người cày ).
Câu đối rất tục mà giảng thanh. Bà đối lại thanh mà ẩn tục:

 Bắc quốc đại trượng phu,
 Giai do thử đồ xuất.
( Đại trượng phu Bắc quốc, Đều do đường ấy mà ra )
4/
Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn :

Thái học sinh Đặng Trần Côn người làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông đưa tặng bà một bài thơ, bà cười nói:

- Trẻ con mới cắp sách đi học, đã biết gì!

    Đặng hậm hực ra về, thề quyết học cho thành tài, sẽ đến rửa hận. Gặp lúc chúa Uy Nam vương Trịnh Giang cấm đốt lửa trong thành ban đêm, Đặng phải đào hầm dưới đất, để thắp đèn xem sách. Công phu dùi mài này đã khiến Đặng mấy năm sau trở nên một tay học vấn uyên bác. Đặng soạn cuốn Chinh phụ ngâm khúc bằng Hán văn, lấy làm đắc ý, tìm đến trao cho bà Điểm xem, tin chắc lần này bà không chê nữa. Quả nhiên bà khen hay, và dụng tâm dịch ra quốc âm thành một áng văn tuyệt diệu.

Dường như bà cũng nhân bản dịch này mà gói ghém đôi lời thầm khen tài Đặng, để chữa lại sự hắt hủi trước, nên hai câu kết của Đặng là :

 将 會 将 期 將 寄 言
 嗟 乎 丈 夫 當 如 是

  Tương hội, tương kỳ, tương ký ngôn
  Ta hồ! Trượng phu đương như thị.

   Dịch nghĩa: Cùng gặp gỡ, hẹn hò, cùng gởi lời thiếp mong mỏi. Than ôi, trượng phu nên như thế.
  
Bà đã dịch thơ là:

  Ngâm nga, mong gửi chữ tình
  Dường này âu hẳn tài lành trượng phu!

 Hai chữ “tài lành” bà thêm vào như để nhắn tin cho ai, thật là ý nhị, chắc họ Đặng xem cũng phải lấy làm hài lòng .
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGUYỄN CÔNG TRỨ


   Ông Nguyễn Công Trứ sinh năm 1778 mất năm 1859, đỗ Giải nguyên, làm quan trải ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông có tài thơ văn, đặc biệt sở trường về lối ca trù. Ông là một trong những thi nhân có nhiều giai thoại văn chương. Dưới đây là một trong những giai thoại rất mực phong lưu.

     Thuở thiếu thời, lúc còn là học trò nghèo, ông đã rất thích nghe hát ả đào. Gần miền có một ả đào tên Hiệu Thư nhan sắc xinh đẹp lại nổi tiếng hát hay, nhưng tính nết kiêu kỳ. Không phải vương tôn công tử, chưa ai thưởng thức được giọng hát lời ca của cô ta. Ông muốn gần mà không thể gần được, bèn nghĩ ra một kế là đến xin theo Hiệu Thư làm kép. Đàn đáy ông rất hay, mỗi khi Hiệu Thư đi hát đình đám, ông thường cùng một tiểu đồng quảy gánh mang đàn theo sau.

Một hôm có đám ở huyện bên mời Hiệu Thư sang hát, ông cố ý để quên dây đàn ở nhà. Đi được vài dặm đến chỗ đồng không quãng vắng,ông giả vờ luống cuống. Hiệu Thư gạn gỏi,ông nói: “Vội vàng bỏ quên dây đàn ở nhà, bây giờ biết làm thế nào? "

Hiệu Thư phàn nàn rồi sai tiểu đồng chạy trở về lấy. Lúc ấy bốn bề vắng vẻ, chỉ còn hai người, ông liền đến ôm lấy, Hiệu Thư chỉ kêu ứ hự… chứ cũng chẳng cự tuyệt nhiếc mắng gì. Sau lần đó, ông bỏ đi không trở lại
nữa.

Hơn mười năm sau, ông làm Tổng Đốc Hải Dương. Gặp ngày sinh nhật, ông mở tiệc ăn mừng, cho tìm ả đào danh ca các nơi về hát. Tình cờ Hiệu Thư lại ở trong đám ca nhi ấy.

 Ngồi vào chiếu hát, nàng liếc nhìn thấy ông quan trang nghiêm đang cầm roi chầu ngồi trên sập kia chính là anh kép đàn năm xưa đã trêu ghẹo mình ở chỗ đồng không quãng vắng, liền bắt đầu bài hát nói bằng hai câu mưỡu rằng :

Giang sơn một gánh giữa đồng,
Thuyền quyên ứ hự… anh hùng nhớ chăng?

  Ông nghe hát sực nhớ chuyện cũ, liền ngừng tay trống hỏi:
- À , té ra cố nhân đó ư?

   Rồi ông đọc luôn một bài thơ rằng:

Liếc trông giá đáng mấy mười mươi,
Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười.
Trăng xế nhưng mà cung chưa khuyết,
Hoa tàn song lại nhuỵ còn tươi.
Chia đời duyên nọ đà hơn một,
Mà nét xuân kia vẹn cả mười.
Vì chút tình duyên nên đằm thắm,
Khéo làm cho bận khách làng chơi.

 Ông hỏi ra mới biết nàng vẫn còn chờ đợi, không chịu lấy ai, liền cưới làm tiểu thiếp. Ông có nhiều vợ, mà đối với vợ nào cũng tỏ ra nặng tình. Tuy nhiên, Hiệu Thư vẫn là người được ông yêu thương thắm thiết hơn cả.


  Sau đó ít lâu, ông phụng chỉ đem quân dẹp giặc ở vùng Tuyên Quang, Cao Bằng, xông pha nơi lâm sơn chướng khí. Những khi việc quân nhàn hạ, chạnh thương ai phòng không chiếc bóng, vò võ năm canh, ông làm
bài thơ “Tương tư” theo lối “thủ vĩ ngâm” như sau rồi cho người mang về :

Tương tư khôn biết cái làm sao?
Muốn vẽ mà chơi, vẽ được nào!
Khi đứng khi ngồi khi nói chuyện
Lúc say lúc tỉnh lúc chiêm bao
Trăng soi trước mặt, ngờ chân bước
Gió thổi bên tai, tưởng miệng chào
Một nước một non, người một ngả
Tương tư khôn biết cái làm sao?

Hiệu Thư cũng là người đa sầu đa cảm, đọc bài thơ lời lẽ thấm thía như vậy thì không đành lòng ở nhà được. Một hôm ông cùng các tướng đang chỉ huy tập trận ngoài bãi, chợt thấy Hiệu Thư tìm đến. Nghĩ thương nàng đi đường xa xôi vất vả, ông ngâm hai câu thơ :

Đành nhẽ bút nghiên mà kiếm mã,
Thương ôi kim chỉ cũng phong trần.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐÀO DUY TỪ


Đào Duy Từ (1572 – 1634) người làng Hoa Trai huyện Ngọc Sơn, nay là huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hoá. Thân phụ là Đào Tá Hán.

Lúc còn là học trò nghèo, gặp lúc Lê Mạc đánh nhau, Tá Hán đầu quân theo giúp vua Lê. Nhân lúc Trịnh Kiểm thống lĩnh quan quân vừa chiếm được Thanh Nghệ làm căn cứ vững chắc cho nhà Lê, Tá Hán cao hứng làm bài ca kể công họ Trịnh, có những câu như sau:

Trang quốc sĩ ai bằng Trịnh Kiểm,
Tỏ thần uy đánh chiếm hai châu.
Thẳng đường dong ruổi vó câu,
Phò Lê diệt Mạc trước sau một lòng…

Viên Xuất đội đem bài ca ấy tố cáo Tá Hán đem tên huý của quận công đại tướng ra hò hát. Tá Hán lo sợ vô cùng. Quan Trung quân nhận được giấy tố cáo, đòi Tá Hán vào hầu, thấy diện mạo khôi ngô, lại còn ít tuổi, nghĩ thương tình mới cho sửa lại hai câu đầu:

Trang quốc sĩ ai bằng họ Trịnh,
Tỏ thần uy bình định  hai châu.

Dù vậy, Tá Hán vẫn bị phạt 20 roi và đuổi không cho làm lính. Không có kế sinh nhai, Tá Hán phải đi theo một gánh hát, sau mấy năm trở thành nghệ nhân hát chèo nổi tiếng.

Đào Duy Từ rất thông minh, học giỏi, lại có tài thao lược, nhưng khi nạp đơn đi thi với nhà Lê, bị phát giác là con nhà hát xướng nên bị đuổi khỏi trường thi, đau buồn thành bệnh nặng, nằm mê mệt ở nhà trọ, không về làng được. Ngay lúc ấy, Đoan quận công Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hoá, phụng mệnh vua Lê Thế Tông và chúa Trịnh Tùng về Thanh Hoá bàn việc nước. Nguyễn Hoàng đến thăm quan Thái phó Nguyễn Hữu Liêu, Hữu Liêu đưa cho xem văn bài của Đào Duy Từ và kể việc bị đuổi (Nguyễn Hữu Liêu là chủ khảo kỳ thi đó). Nguyễn Hoàng xem văn biết Duy Từ có tài kinh bang tế thế. Nguyễn Hoàng vốn có chí hùng cứ một phương, liền đến tận nhà trọ giúp đỡ tiền bạc cho Duy Từ uống thuốc và có ý định mời vào nam giúp mình.

 Một hôm Duy Từ vừa khỏi bệnh, Nguyễn Hoàng đến chơi, nhân thấy trên vách có treo bức tranh ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi dầm mưa dải tuyết vào Long Trung tìm Gia Cát Lượng; Nguyễn Hoàng và Duy Từ vịnh một bài thơ liên ngâm để bày tỏ chí mình.

Nguyễn Hoàng đọc trước:
Vó ngựa sườn non đá chập chùng,
Cầu hiền lặn lội biết bao công.

Duy Từ tiếp:
Đem câu phò Hán ra dò ý,
Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng.

Nguyễn Hoàng tiếp hai câu “thực”:
Lảnh thổ đoán chia ba xứ sở,
Biên thuỳ vạch sẵn một dòng sông.

Duy Từ kết:
Ví chăng không có lời Nguyên Trực, (1)
Thì biết đâu mà đón Ngoạ Long. (2)
(1) Nguyên Trực: tức Từ Thứ
(2) Ngoạ Long: Gia Cát Lượng

Hai người hiểu ý nhau rất tương đắc. Nhưng Nguyễn Hoàng không dám đưa Duy Từ theo vào ngay, e tiết lộ cơ mưu, nên chỉ ân cần dặn:

- Lão phu về trước, xin đắp đài bài tướng chờ đợi tiên sinh. Năm nay lão phu hơn 70 tuổi, nếu có thất lộc, cũng để di ngôn lại cho con cháu sau nầy phải rước tiên sinh vào.

Duy Từ bái tạ nhận lời mà từ biệt.

Nguyễn Hoàng trở về Thuận Hoá và mất năm 1613. Mãi đến khoảng năm 1625, Duy Từ mới tìm cách vào Nam với ý định giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên chống họ Trịnh. Nhưng gặp lúc chúa đi kinh lý nơi xa nên không gặp. Duy Từ hết tiền lưng, phải xin vào chăn trâu cho nhà phú hộ ở làng Tài Lương tỉnh Bình Định để đợi thời. Con trai phú hộ mở Tùng Châu thi xã, lấy Duy Từ làm người hầu hạ các bạn văn chương.

Thỉnh thoảng ông làm gà cho những hội viên trong thi xã những bài thơ rất hay, dần dần đến tai quan Khám lý Trần Đức Hoà. Biết ông là bậc tài cao học rộng, Trần Đức Hoà mời Duy Từ về nhà dạy học và gả con gái cho.

Trong thời kỳ ở Bình Định, Đào Duy Từ có làm bài “Ngoạ Long cương vãn”,
tự ví mình với Gia Cát Lượng, nhưng chưa gặp thời:

Ngoạ Long cương vãn ( trích )

Cửa xe chầu trực sớm trưa
Thấy thiên Võ cử đời xưa luận rằng
An, nguy, trị, loạn, đạo hằng
Biết thời sự ấy ở chưng sĩ hiền
Hán từ tộ rắn vận thuyền
Ba phân chân vạc, bốn bên tranh hùng
Nhân tài tuy khắp đời dùng
Đua chen trường lợi áng công vội giành
Nào ai lấy đạo giữ mình
Kẻ đua với Nguỵ, người dành về Ngô
Nam Dương có kẻ ẩn nho
Khổng Minh là chữ, trượng phu khác loài
……….
Hưng vong bỉ thái có thì
Chớ đem thành bại mà suy anh hùng
Chốn này thiên hạ đời dùng
Ắt là cũng có Ngoạ Long ra đời
Chúa hay dùng đặng tôi tài
Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên.

Sau đó, do Trần Đức Hoà tiến cử Đào Duy Từ và dâng bài “Ngoạ Long cương vãn” lên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Chúa xem khen là có chí lớn, sực nhớ lời thân phụ căn dặn nên trọng dụng Duy Từ, phong cho chức Nha uý nội tán, tước Lộc Khê hầu.

Năm Kỷ tị 1629, sau khi đuổi được nhà Mạc, Trịnh Tráng được vua Lê phong làm Thanh vương. Nhân đó, Trịnh Tráng muốn lấy danh nghĩa nhà Lê bắt chúa Sãi phải hàng phục.Chúa Trịnh sai sứ mang sắc phong Nguyễn Phúc Nguyên chức Thái phó quốc công, dụ chúa Nguyễn cho con ra chầu và nộp 30 thớt voi, 30 chiến thuyền.
 Chúa Sãi tiếp sứ, nhưng không muốn thụ phong, cũng không muốn tuân theo yêu sách của chúa Trịnh. Chúa bèn hỏi Đào Duy Từ cách đối phó.

 Duy Từ khuyên chúa cứ nhận sắc phong rồi sẽ có cách. Ông sai làm một cái mâm đồng có 2 đáy, để đạo sắc phong của vua Lê vào giữa 2 đáy, kèm theo một mảnh giấy viết một bài thơ. Chúa Nguyễn sai xếp lễ vật vào chiếc mâm và sai sứ là Văn Khuông mang ra Thăng Long tạ ơn vua Lê, chúa Trịnh.

Chúa Trịnh chỉ thấy có lễ vật mà không có biểu tạ về việc được vinh phong, lấy làm nghi ngại lắm. Sau có người quan sát thấy cái mâm dày và nặng, mới khám phá ra là mâm có hai đáy. Tờ sắc và mảnh giấy được lấy ra dâng lên chúa. Chúa Trịnh thấy trên mảnh giấy có chép 4 câu thơ như sau:

矛而無腋
覔非見蹐
愛落心腸
力來相敵
Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm tràng
Lực lai tương địch.

 Chúa và quần thần không hiểu nghĩa làm sao, mới triệu quan Thái uý Phùng Khắc Khoan vào hỏi. Khắc Khoan ngẫm nghĩ một lúc rồi bẩm rằng đây là ẩn ngữ cho biết rằng họ Nguyễn ở Nam trấn chẳng chịu nhận sắc phong. Ông tiếp tục giảng giải:

“Câu thứ nhất: Chữ Mâu 矛 mà không có nét phẩy ở bên nách là chữ Dư 予
Câu thứ hai: Chữ Mịch 覔 mà bỏ chữ kiến 見 đi thì còn lại chữ Bất 不
Câu thứ ba: Chữ Ái 愛 mà rơi mất chữ Tâm 心 ở trong ruột là chữ Thụ 受
Câu thứ tư : Chữ Lực 力 đứng ngang với chữ Lai 來 là chữ Sắc 勑

Cả 4 câu thơ ghép lại là 4 chữ 予 不 受 勑 : Dư bất thụ sắc, có nghĩa là ‘Ta không nhận sắc mệnh’. Họ Nguyễn không chịu thần phục triều đình nên làm ra 4 câu thơ đó. Người soạn ra bài thơ phải là bậc hào kiệt của phương nam”

Chúa Trịnh tức lắm, sai quan quân đuổi theo bắt sứ giả lại, nhưng Văn Khuông đã đi xa rồi. Chúa Trịnh muốn cất quân vào đánh, nhưng ở Cao Bằng và Hải Dương đương có quân nhà Mạc lại rục rịch chực đánh phá nên phải hoãn lại.

 Thực ra, giai thoại trên thiếu chính xác về mặt lịch sử,  vì lẽ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan mất năm 1613 và sự kiện chúa Nguyễn trả sắc xảy ra vào năm 1629.
Đó cũng là tình trạng của một số giai thoại văn chương khác.

Sau khi đã biết rõ chính Đào Duy Từ là tác giả 4 câu thơ, Trịnh Tráng bực tức lắm, nhưng cũng rất phục tài Đào Duy Từ, nên đã sai kẻ tâm phúc đem nhiều vàng bạc và một bức mật thư vào thuyết Duy Từ, để hòng thu phục ông về làm quân sư cho mình. Xem xong thư, Duy Từ mỉm cười, trả lại số vàng bạc và lấy giấy bút viết một bài ca, dặn đưa về cho chúa Trịnh. Bài ca như sau:

Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu!
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra? …

 Trịnh Tráng nhận được bài thơ, biết Từ không đổi ý chí, nhưng vẫn kiên trì phái người vào dụ dỗ Từ một lần nữa. Từ thấy vậy, lại nhờ người gửi ra cho Trịnh Tráng hai câu thơ nữa:

Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa kẻo chồng em ghen!

Dụ dỗ, mua chuộc mãi mà không được, Trịnh Tráng tức lắm; từ chỗ mến phục chuyển sang căm ghét Duy Từ. Chúa tôi  họ Trịnh đặt ra những bài hát như sau để đả kích ông:

Có ai về tới Đàng Trong,
Nhắn nhe “bố đỏ” liệu trông đường về. (1)
Mải tham lợi, bỏ quê quán tổ,
Đất nước người dù có cũng không …
(1) Nói “bố đỏ” cũng có ý ám chỉ rằng Duy Từ họ Đào

hoặc:
Rồng khoe vượt gió tung mây, (2)
Biết đâu rồng đất có ngày xác tan …
(2) Duy Từ là tác giả bài văn “Ngoạ Long cương vãn”, tự ví mình với con rồng nằm, có ngày sẽ vượt gió tung mây.

 Duy Từ hay biết các câu hát ấy chỉ cười khảy và càng quyết tâm nghiên cứu kế hoạch phá Trịnh.

 Đào Duy Từ có công mặt ngoài thì chống đánh Trịnh, mặt trong mở đất Chiêm Thành làm cho dân giàu nước mạnh. Về mặt nghệ thuật, ông sửa lại các lối hát và các điệu múa cổ, đặt ra các điệu múa Song quang, Nữ tướng quân, Tam quốc, Tây du,… dùng khi quốc gia đại lễ.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [48] [49] [50] [51] [52] [53] ›Trang sau »Trang cuối