Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [39] [40] [41] [42] [43] [44] [45] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

THƯƠNG VỢ KIỂU BÙI GIÁNG


Trong rất nhiều bài thơ của Bùi Giáng có bóng hình “con mọi nhỏ”, cách ông gọi người vợ vắn số mà ông luôn yêu quý và cảm phục.

Trong một lần nói chuyện với tôi, Bùi Giáng bảo rằng hai năm ông chăn thả dê trên rừng núi là hai năm tuyệt vời, sống say mê như chưa bao giờ được sống như vậy. Ông nói: “Đó là hai năm gợi lên biết bao nhiêu cảm hứng cho lòng tôi, cho thơ tôi. Cái phố thị này thì có chi mà sống, có chi mà vui? Mà tại sao tôi chăn dê? Tôi muốn được quên hình ảnh con mọi nhỏ”.

Tôi lấy làm tiếc khi có một vài người nghiên cứu văn học hiểu nhầm chữ “mọi” trong thơ Bùi Giáng, cho rằng gọi ai là “con mọi” là có ý khinh khi người đó, là kỳ thị dân tộc. Hiểu như vậy thì thật chẳng biết gì về văn hoá Quảng Nam cả.

Trong ngôn ngữ nói thông dụng, người Duy Xuyên, Quảng Nam thương yêu người nào nho nhỏ, xinh xinh thì gọi kẻ ấy là con mọi, thằng mọi. Chữ mọi không hề hàm ý khinh bỉ, không nói gì đến bà con dân tộc khác. Mẹ tôi vẫn thường mắng yêu tôi là “Thằng mọi ăn trộm bánh”. Ấy là vì hồi nhỏ, tôi rất thèm ăn bánh quy. Thơ Bùi Giáng gọi vợ mình “con mọi nhỏ” là thể hiện tình yêu thương đậm đà, thân mật đối với vợ vậy.

Bùi Giáng giải thích khái niệm “mọi” trong thơ mình. Bà là con người trong sáng, tinh khiết như giọt sương mùa xuân, giọt sương ban đầu khai sáng tình yêu lứa đôi trong lòng ông:

Mọi em là mọi sương xuân,
Ban sơ núi đỏ chào mừng non xanh.

Thế nhưng cuộc sống giản dị bên người vợ trẻ hiền hoà đôn hậu không níu được chân ông. Tuy nhiên động cơ nào khiến ông để người vợ trẻ ở lại quê nhà một mình để ngao du thì không ai rõ. Lúc bà trút hơi thở sau cùng khi tuổi mới ngoài 20 do bị bệnh thì ông cũng đang vân du đâu đó. Ông Bùi Luân, em ruột nhà thơ, nói rằng lúc ấy nghe đâu ông Bùi Giáng đang đi học. Điều may mắn là Bùi Giáng cũng kịp trở về quê nhà vĩnh biệt vợ. Thơ ông viết cho bà trang trọng và đầy nước mắt:

Đất hoa khóc vĩnh biệt người.
Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu.
Em thành mẹ của giang san

Sau khi an táng vợ xong, Bùi Giáng bỏ cố quận ra đi. Ra đi nhưng ông vẫn nhớ cố quận, nhớ đến thê thiết não nùng. Nhớ nhưng ông không dám trở về bởi nơi nào ở cố quận cũng nhắc ông nghĩ đến tình yêu của người vợ. Có thể nói toàn bộ tâm trạng của Bùi Giáng trong Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột là nỗi đau tình dành cho người vợ thân yêu.

Năm 1958, 10 năm sau cái chết của người vợ trẻ, ông phục hiện những hình ảnh yêu dấu xưa. Đó là những dấu tích của người vợ để lại - những dấu tích đáng yêu, khiến bài thơ nhớ vợ có một không khí rất đỗi bi ai, tràn đầy hoài cảm:

Em chết bên bờ lúa.
Để lại trên lối mòn.
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con!

Ông phong tặng người vợ của mình lên thành mẹ của giang san:

Em thành Mẹ của giang san,
Em là thần nữ đoạn trường chở che.

Ở lại giữa quê nhà, có được những tháng ngày lang thang giữ dê đọc sách là một hạnh phúc. Thế nhưng trong khung cảnh ấy, ông nhìn nơi đâu cũng có bóng dáng, hình ảnh của “con mọi nhỏ”, khiến trái tim Bùi Giáng hứng chịu nỗi đau tình khôn tả. Chính vì vậy, ông chọn sự ra đi:

Sẽ đi cùng bước chân mùa.
Bóng vang sầu cũ tháp chùa rộng thênh.
Hào hoa bỏ lại bên mình.
Lá thiên thu đẹp làm thinh bên đường.

Thế nhưng, ra đi không phải là quên được. Cái vang bóng về cố quận, về hình tượng người vợ cứ còn mãi đó trong lòng ông. Tập Mưa nguồn có thể xem là tập thơ viết về cố quận, viết cho vợ. Tập thơ thể hiện gần như trọn vẹn tài hoa thi ca của Bùi Giáng, lúc này mới ngoài ba mươi tuổi.

Lắm khi ở phương xa, ông nhớ cố quận. Trí tưởng tượng phong phú đưa ông trở về với cố quận, đối thoại với bà về cuộc sống đoàn viên, ước mơ hạnh phúc. Thế nhưng, còn gì nữa đâu giữa nguồn xưa hư vô? Thơ Bùi Giáng đau cái nỗi đau nát ngọc tan vàng:

Anh cứ ngỡ đùa vui trong tí chút,
Đâu có ngờ đùa mãi đến điêu linh.

Mà đời ông, sau cái chết của bà, trở thành điêu linh thật. Tôi đọc và dịch bộ Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung, thấy ông tả tướng mạo của chưởng môn phái Hành Sơn Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh “Tướng mạo vô cùng điêu linh cổ quái”.

Ngày sau, gặp Bùi Giáng lần đầu, tôi cứ nghĩ ông là hiện thân của chưởng môn Mạc Đại tiên sinh; cũng “Cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm âm” - trong cây đàn giấu thanh kiếm, kiếm múa lên lại phát ra tiếng đàn.

Một nửa cuộc đời Bùi Giáng, một nửa trái tim ông đã dành để nhớ bà, người phụ nữ Quảng Nam đã có một chỗ đứng riêng trong thơ của mình.

Vũ Đức Sao Biển
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

SỰ THẬT VỀ NHỮNG BỨC TRANH
CỦA BÙI GIÁNG


Một bức tranh vẽ Từ Hải của Bùi Giáng
Những nghệ sĩ lớn thường phát tiết “tinh anh”, cảm xúc của mình qua hình thể tác phẩm nhiều loại hình nghệ thuật. Bùi Giáng là một nhà thơ tài năng như vậy. Sau ngày Trung niên thi sĩ mất (7.10.1998), nhiều tác phẩm hội hoạ của ông tiếp tục được tìm thấy.

Mới đây, một bức tranh của Bùi Giáng vừa được đưa ra gây chú ý trong giới thưởng ngoạn mỹ thuật. Bức chân dung Trung niên Thi sĩ vẽ từ năm 1988. Cái lạ của ký hoạ này tuy là một gương mặt nhưng được ông chú thích hai người đó là vẽ Nguyễn Du và Phạm Thái.


“Nguyễn Du - Phạm Thái”, bức chân dung vừa được tìm thấy của Trung niên Thi sĩ
Có nhiều lý giải về chú thích bức tranh. Một phía nghiêng về trạng thái mê mê tỉnh tỉnh lên đồng của “Thi sĩ điên”. Khi sướng lên là ông vẽ thôi. Bất cần biết ai. Nhưng một phía khác lý giải Bùi Giáng hoàn toàn không điên mà ông vẽ rất có ý thức.

Ai cũng biết sinh thời ngoài thơ ông còn viết rất nhiều khảo luận, nghiên cứu về một số tác phẩm kiệt tác cổ điển Việt Nam mà ông đặc biệt yêu thích trong đó có tác phẩm Kiều của Nguyễn Du và Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái. Tuy nhiên cả Nguyễn Du (1766 - 1820) và Phạm Thái (1777 - 1813) đều không để lại cho hậu thế một di ảnh nào.

Bức tranh có thể đã đi ra từ những nhân vật của các tác phẩm đó là hai ông Từ Hải, Trương Đăng Thụ với những câu thơ tài hoa mô tả, oanh liệt, uy dũng, đại trượng phu như “Râu hùm hàm én mày ngài/Vai năm tấc rộng thân mười thước cao” chăng? Như vậy Bùi Giáng không vẽ người mà là... vẽ thơ!

Bùi Giáng là một hiện tượng độc đáo của thơ Việt. Cuộc đời ông để lại gia tài thơ đồ sộ có lẽ phải lên tới hàng ngàn bài và không hiếm những giai thoại thơ. Tuy nhiên, ngoài thơ, thời gian gần đây tranh của ông cũng có rất nhiều giai thoại thú vị như trên.

Trong một bài viết trước đây, chúng tôi có kể câu chuyện khi đến tư gia của nhà thơ Ngô Văn Tao trên đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1, TP. HCM tìm tư liệu cho bài viết tranh ký hoạ Trịnh Công Sơn thì bất ngờ phát hiện ra ông Tao còn sưu tập, lưu trữ được một số tranh “hiếm quý” của Bùi Giáng.


Bức tranh “Quê chàng là Ithaque” ông Ngô Văn Tao sở hữu của thi sĩ Bùi Giáng
Bức tranh ông Tao sở hữu có khổ 1m x 1,5m, vẽ sơn dầu, có tên Quê chàng là Ithaque, chữ ký của Bùi Giáng và bút tích của ông ghi năm thực hiện là 63 (có lẽ viết tắt năm 1963) tại Sài Gòn. Bức tranh vẽ chủ đạo 3 gam màu vàng, đỏ và đen. Bố cục nổi rõ lên một chàng thi sĩ tóc bềnh bồng đang ngồi trên một cỗ xe có hai con ngựa kéo.

Theo ghi nhận riêng của chúng tôi thì bức sơn dầu này “ý tại ngôn ngoại”, có kỹ thuật và rất độc đáo. Tuy là thể hiện bằng màu sắc nhưng có lẽ nội dung gửi gắm hướng đến một đề tài trừu tượng hơn là thuần tuý phản ánh hiện thực. Đó có thể là trạng thái thoát tục của người làm nghệ thuật, đặc biệt là một tâm hồn thi ca thường xuyên thăng hoa như Bùi Giáng. Nhìn bức tranh như hiểu thêm ý một câu thơ ông viết mà nhiều người cho là bí hiểm: “Lạc loài đã rớt đi đâu/Chiếc chìa khoá mộng rực màu so le”. Tranh ông như giải thêm nghĩa cho thơ.


Bìa tập thơ in chung của thi sĩ Bùi Giáng và Ngô Văn Tao với chủ đạo bức tranh “Quê chàng là Ithaque”. Bên trái là chân dung Bùi Giáng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Ông Tao cho biết đã mua bức tranh này một cách khá tình cờ của một độc giả yêu tác phẩm thơ Bùi Giáng bán lại: “Tôi cũng không rõ làm sao anh ta có bức tranh này”, ông Tao hồi tưởng. Khi chúng tôi đặt câu hỏi nghi hoặc liệu có phải đúng là tranh Bùi Giáng hay không thì ông Tao quả quyết ngày còn sống, giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng và ông Tao là thân hữu. Rất nhiều lần ông Tao hỏi Bùi Giáng về tác giả bức tranh. Bùi tiên sinh đã xác nhận chính là tranh ông vẽ.


Tự hoạ Bùi Giáng thưở Bài ca quần đảo - 1972
Khi làm bìa cho tập thơ chung in song ngữ Việt Pháp của hai ông Vào chung cục thơ - La commune poétique aventure (NXB Hội nhà văn 2004), ông Tao đã chụp hình bức tranh này làm bìa. Kết thúc câu chuyện, ông Tao nói: “Còn bao nhiêu tranh của Bùi Giáng quả là câu hỏi kỳ thú. Từ bấy đến nay, tôi cố ý tìm thêm nhưng chưa thấy”.


Thi sĩ tự hoạ trên tờ lịch
Nhà thơ trẻ Vương Huy ở Cai Lậy, Tiền Giang - một người mê thơ Bùi Giáng đã sưu tầm gần đầy đủ các tác phẩm thơ, dịch, khảo luận của ông từ trước đến nay vừa thông tin cho chúng tôi biết, anh từng tìm thấy một phiên bản chụp bức tranh Quê chàng là Ithaque với chỉ hai màu đen trắng in trong tác phẩm Heidegger và tư tưởng hiện đại do Bùi Giáng viết và dịch in ở Sài Gòn năm 1963. Tấm hình này minh hoạ cho mục Heidegger và hình bóng của Nietzsche là một phần quan trọng trong cuốn sách đã kể trên của ông. Như vậy có thể thấy Bùi Giáng là tác giả bức tranh trên là có cơ sở.


Bức tranh “Gửi đêm” của Bùi Giáng từng được đấu giá 27 ngàn đô
Chúng tôi cũng đã tìm được nhiều tư liệu khẳng định Bùi Giáng từng vẽ rất nhiều tranh. Ví dụ cuốn Bùi Giáng trong tôi (NXB Văn nghệ 2005), một cuốn sưu tầm khá công phu của nhà thư pháp Hồ Công Khanh. Theo lời kể của tộc Bùi ở Vĩnh Trinh, Duy Xuyên - Quảng Nam, cụ thể là ông Bùi Vịnh, một bào đệ thì:

“Năm 1950, Bùi Giáng đỗ tú tài II ban văn chương. Năm 1952 vào Sài Gòn dạy học, viết sách và vẽ tranh”. Và một người thầy của Bùi Giáng là giáo sư Vũ Ký khi gặp lại ở Sài Gòn thời gian trên thì: “Bùi Giáng đã nghỉ dạy học tư để cầm cọ bôi mực loay hoay vẽ tranh trong căn nhà lụp xụp ở hẻm Trương Minh Giảng”. Đặc biệt, tập sách trên còn tìm được rất nhiều tranh vẽ bằng mực tàu, bút bi khá độc của Bùi Giáng.


Hoạ sĩ Đinh Cường và thi sĩ Bùi Giáng
Đáng chú ý và thuyết phục nhất, gần đây, hoạ sĩ Đinh Cường trong bài viết có nhan đề “Bùi Giáng - Đi về với gió du côn” ông xác tín: “Anh (Bùi Giáng) đã ở qua rất nhiều nơi, những năm 1960, đường Phan Thanh Giản, nhà cháy, về đường Trương Tấn Bửu, có lúc ở trong Đại học Vạn Hạnh. Thời kỳ này anh vẽ nhiều tranh bột màu trên giấy, có khi là bút chì sáp, nhiều nhất là bút bi. Đã triển lãm tranh bột màu lần duy nhất tại nhà sách Albert Portail (về sau là nhà sách Xuân Thu, đường Đồng Khởi, TP.HCM)”.

Theo nguồn tin đáng tin cậy từ một Nhà sưu tập, bức tranh Gửi đêm của Bùi Giáng đã từng đấu giá thành công 27 ngàn đô trong một triển lãm.

Như vậy xem ra khó có thể xem tranh Thi sĩ là “nghiệp dư” bởi chính giá tranh của ông cũng đang là ước mơ của nhiều hoạ sĩ chuyên nghiệp. Nhưng xem ra vẫn khó đủ khi ngày còn sống, thi sĩ đã từng thao thiết tự hỏi “Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu?”

Nguyễn Hữu Hồng Minh
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THI NHÂN BÙI GIÁNG:
MỘT TIẾNG LÁ RƠI DỘI TRONG SƯƠNG MÙ


Phải nhiều năm sau khi đất nước thống nhất, tôi mới biết đến một con người kỳ dị trong làng văn: Bùi Giáng. Nói đúng hơn là tôi chỉ biết đến những tác phẩm của ông mà chưa bao giờ có dịp được diện kiến ông lần nào. Càng đọc những tác phẩm của ông, cái phần không hiểu lại càng lớn hơn cái phần hiểu được!

Nhưng rồi dần dần, tôi mới ngẫm thấy rằng điều đó chẳng quan trọng mấy. Nếu cứ đâm đầu vào đi tìm hiểu xem Bùi Giáng viết gì thì có ngày cũng dễ điên giống ông! Cái đọng lại trong tôi mỗi khi đọc Bùi Giáng, ấy là một cảm giác hân hoan không cưỡng lại nổi, cứ như thể được nhận quà từ tay một chú bé hồn nhiên, vui vẻ.
Cả thơ, cả văn hay khảo cứu của ông đều gây cho tôi cái cảm giác ấy. Với tôi, có lẽ thế là đủ.

Trong 73 năm sống trên cõi đời này, Bùi Giáng là người phiêu hốt qua hàng hàng chữ nghĩa. ông lãng đãng ngay từ bản khai lý lịch không “đụng hàng” với bất cứ ai:

Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa
Gọi tên là một, hai, ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.

Có vẻ như với Bùi Giáng, đời là một cuộc vui bất tận và ông tận hưởng nó, diễn giải nó, yêu thương nó, như cái cách mà ông đã từng viết: “Thơ vô tận vui”.

Mở đầu cho Mưa nguồn, thi phẩm đầu tiên của Bùi Giáng được xuất bản năm 1962, ngoài lời đề từ giỡn cợt “rất Bùi Giáng” là “tặng ba người con gái - chiêm bao ở bờ cỏ Phi Châu”, Bùi Giáng còn rút ra hai câu trong bài Chào Nguyên Xuân có trong tập này, như một lời thề về cuộc đời (và có lẽ toàn bộ chữ nghĩa) của ông:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau

Đấy là cái tâm thế của một người tung tăng trên đường đời, chào gặp và giã biệt bất cứ ai dù lạ hay quen; và đời sống ông chảy trôi giữa hai cảnh giới: luôn có một mùa xuân vẫy gọi tíu tít ở phía trước, trong khi phía sau là những giấc ngủ dài.
Đời sống phiêu bồng của Bùi Giáng vang vọng trong thơ ông. ông như một người lữ thứ đi trong cuộc đời, không biết từ đâu đến và cũng không biết đi về đâu:

Ngày sẽ hết và tôi không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu.
(Phụng hiến).

Trong cõi trần gian ấy, Bùi Giáng sống tận hiến cho từng satna một, với một niềm vui sống bất tuyệt, như ông đã viết, vẫn trong bài Phụng hiến:

Tôi đã gửi hồn tôi biết mấy bận
Cho mây xa cho tơ liễu ở gần
Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật
Quả tim mình nóng hổi những chờ mong
Một tình yêu mãnh liệt đời sống với những sắc thái tế vi của nó:
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn.

Có lẽ, cái tình yêu đời sống mãnh liệt ấy đã là đôi cánh bướm mỏng nhẹ nhàng mang thơ ông len lỏi vào trái tim những người yêu thơ.  

Trong nền thơ Việt Nam, có một thế giới thơ tình Nguyễn Bính. Có một thế giới thơ tình Xuân Diệu. Vậy liệu có một thế giới thơ tình Bùi Giáng hay không?

Theo tôi là có.

Trong thơ Bùi Giáng, hình ảnh người con gái lớn mênh mông mà cũng thật nhỏ nhoi. Tựu trung lại, nàng bao giờ cũng đẹp:

Ôi một người con gái
Là đúng một bầu trời
Là sinh con đẻ cái
Đẹp bằng hột mưa rơi
ôi một người con gái
Dù là gái đốt than
Cũng đẹp như suối ngàn
Chảy từ trên núi xuống.
(Ôi một người con gái).

Trong tình yêu của thơ Bùi Giáng, nỗi nhớ luôn hiển hiện như một thành tố không thể thiếu. Có một thời, có lẽ do bị ảnh hưởng bởi những tiểu thuyết cổ trang, Bùi Giáng thường xưng “Trẫm”, như một vị vua trước các thần dân trong vương quốc tưởng tượng của riêng Bùi Giáng. Vị vua này cũng không được miễn nhiễm khỏi cái sắc thái thông thường của người đang yêu:

Trẫm ở bên trời
Trẫm nhớ em
Trên trời trẫm nhớ
Trẫm thương thêm
Trẫm buồn như thể
Trời buồn thảm
Trẫm khóc vô ngần
Trẫm nhớ em.
(Trẫm một mình nhớ nhung hoàng hậu của trẫm).

Và hiển nhiên là vị vua Bùi Giáng, khi xa cách em, cũng rối ren, cũng dằn vặt với câu hỏi thường xuyên đặt ra: “Em đâu?”. Hồi đó chưa có điện thoại di động, những người yêu nhau bình thường giải toả nỗi nhớ bằng cách viết thư cho nhau, còn Bùi Giáng thì…làm thơ:

Em ở đâu rồi Trẫm nhớ em
Trẫm buồn chẳng biết viết gì thêm
(Em có nhớ Trẫm chăng em nhỉ
Trẫm viết dòng nào
Cũng rối ren).
(Em ở bên trời).

Bùi Giáng là một trong số hiếm hoi những nghệ sỹ mà ngay khi ông còn sống đã có vô vàn những giai thoại vây quanh. Trong số đó, có một giai thoại về việc Bùi Giáng tự viết “tiểu sử” trong một bản thảo chép tay ghi trong cuốn sổ gửi vào chùa Pháp Vân, Gia Định, Sài Gòn ngày 10-11-1993. Trong cái “tiểu sử” giai thoại này, có những dòng liên quan đến đối tượng luyến ái của ông:

“1942: trở ra Huế vì nhớ nhung gái Huế…
1970: Lang thang du hành lục tỉnh, gái Châu Đốc thương yêu và gái Long Xuyên yêu dấu
Gái Chợ Lớn khiến bị bịnh lậu (bịnh hoa liễu)”.

Không rõ sự chân thực của những dòng “tiểu sử” giai thoại này đến đâu, nhưng trong suốt cuộc đời mình, ngoài người vợ chính thức Bùi Thị Ninh đã không may mất sớm, Bùi Giáng có vô số những người yêu trong mộng. Danh sách “người yêu” của Bùi Giáng, cũng là những nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ông, trải dài từ Nam Phương hoàng hậu, Phùng Khánh (Thích Nữ Trí Hải), ca sỹ Hà Thanh, kỳ nữ Kim Cương cho đến những minh tinh màn bạc ngoại quốc tài danh đương thời Bùi Giáng như Marilyn Monro và Brigitte Bardot! Đấy là còn chưa kể đến những người tình không tên như “em Mọi nhỏ” mà Bùi Giáng luôn nhắc đến với niềm trân trọng.

Có lẽ bởi đó là những người yêu trong mộng tưởng nên tình yêu của Bùi Giáng đối với họ thấm đẫm những ẩn ức tình dục libido. Có thể thấy cái chất libido này lại thấm đẫm trong nhiều câu thơ của Bùi Giáng. Khả năng tận dụng từ ngữ tiếng Việt phi phàm cho phép Bùi Giáng tung hứng với những cách nói lái dân gian điển hình. Trong thơ ông xuất hiện với tần suất cao những “tồn lưu”, “liên tồn”, “lưu tồn”, “cồn hoa lá”, “lộn đàng”; thậm chí Bùi Giáng còn lấy bút danh của mình là “Vân Mồng” cho bản dịch tiểu thuyết Khung cửa hẹp của André Gide, lấy tên nhà xuất bản cho tập tiểu luận Đường đi trong rừng là Lá hoa cồn, hay đưa hẳn cái từ Lá hoa cồn này vào tên một tập thơ: Mưa nguồn và Lá hoa cồn, nhà An Tiêm xuất bản năm 1973!

Đây:
Mép bờ nước mọc nguyên tiêu
Tờ điên hoa dậy trăng Chiều Dã Man
Đất về lịch sử thênh thang
Cồn Hoa Lá trút cho hàng ngửa nghiêng.
(Cồn hoa lá).

Đây:
Trăm năm trong cõi sinh tồn
Cá bờ mương nhảy sô hồn xuống hang
Biết bao là gái lộn đàng
Nhớ nhung như nhớ lang thang mây chiều

Một ngàn cỏ lá cồn trơ
Đẩy ngang ngửa nhịp nước cờ chiêm bao
Dấn thân thể dấn bước vào
Xịch mành sực tỉnh hàng rào chắn ngang.
(Bờ tồn sinh).

Đây nữa:
Mở hai hàng cỏ long đong
Úp môi vào thút thít trong một vùng.
(Mở cỏ vào môi).

Đọc những câu thơ này của Bùi Giáng, thoảng như thấy Hồ Xuân Hương đâu đây.
Nhiều người biết Bùi Giáng là một dịch giả siêu phàm với hàng ngàn trang dịch các tác phẩm triết học khó nhằn của các triết gia, các tiểu thuyết, kịch hiện sinh của André Gide, Gérard de Nerval, Albert Camus, W.Shakespeare…ông cũng có những trang dịch với ngôn ngữ tuyệt đẹp các tác phẩm đầy thơ mộng của Saint Exupéry như Hoàng tử bé, Cõi người ta…

Nhưng ít ai biết được là Bùi Giáng đã từng dịch truyện chưởng!

Trong số các “đại gia võ hiệp” của tiểu thuyết chưởng Tàu thập niên 60 của thế kỷ trước, Ngoạ Long Sinh là một tên tuổi nổi bật, sánh ngang với những Cổ Long, Lương Vũ Sinh, Gia Cát Thanh Vân…, có lẽ chỉ kém Kim Dung tí chút. Tiểu thuyết của các tác giả này được độc giả đô thị miền Nam nồng nhiệt đón nhận hồi thập niên 60-70, được dịch và in với số lượng lớn.

Một trong những tác phẩm của Ngoạ Long Sinh mà Bùi Giáng chọn dịch là Kim kiếm điêu linh, sau này được những người dịch khác lấy cái tựa đề dễ hiểu hơn là Xác chết loạn giang hồ!

Cách đây nhiều năm, Bùi Giáng từng viết, trong bài thơ cuối của tập Mưa nguồn, bài Mai sau em về:

Ta đi còn gửi đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù?

Cuộc đời cũng như sự nghiệp chữ của Bùi Giáng cũng giống như một tiếng lá rơi dội trong sương mù của đời sống. Tiếng dội ấy sẽ còn vang rất xa, rất sâu…

Yên Ba
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CÁCH HỌC NGOẠI NGỮ
CỦA THI SỸ BÙI GIÁNG


Ngày xưa, khi còn trẻ, tôi sống gần anh Bùi Giáng của tôi, sau này trở thành nhà thơ, trong Nam nhiều người biết. Anh tính nết thất thường, tư tưởng lắm lúc kỳ dị, nên có người gọi anh là nhà thơ điên...

Anh giỏi nhiều thứ, văn học, triết học, ngoại ngữ, tất cả đều ở mức uyên thâm. Từ ngày còn đi học, anh đã giỏi tiếng Pháp. Nguyên nhân là do năng khiếu một phần, nhưng một phần có lẽ nhờ anh đã dùng một biện pháp đặc biệt: Anh thường xuyên viết thư tình bằng tiếng Pháp (tôi có đọc trộm được một số), để gửi cho một cô rất giỏi tiếng Pháp mà anh theo đuổi.

Về sau, qua nhiều sách vở anh viết và dịch, tôi biết anh còn giỏi cả tiếng Anh, tiếng Đức, chữ Hán; và nghe đâu, cứ mỗi lần học một thứ tiếng nào, anh lại tìm một người đẹp giỏi tiếng ấy để theo đuổi và viết những lá thư tình bằng thứ tiếng đương học.
Sau này, gặp lại, có lần anh hỏi tôi (khi ấy chúng tôi còn đương trẻ):

- Ngoại ngữ của mày đến đâu rồi?
- Chỉ làng nhàng thôi.
- Thế mày có theo cách của tao không?
- Chịu, không theo được.
- Đã biết mà! Những đứa dại gái như mày, định theo đuổi ai là ngay lập tức chết mê chết mệt vì người đó. Như vậy còn đầu óc đâu mà suy ngẫm về chữ nghĩa văn chương!

Tôi im lặng. Được thể, anh tiếp tục:
- Chúng nó bảo tao điên. Nhưng tao hỏi: Giữa mày và tao, một thằng đứng trước gái đẹp là hồn xiêu phách lạc, mất hết trí khôn, ấp a ấp úng không nói được nên lời, còn một thằng thì tỉnh táo, sáng suốt, đường hoàng, nhờ vậy mà tìm được ở người đẹp một nguồn cảm hứng dồi dào, một sức cổ vũ lớn lao trên con đường học hỏi và phụng sự nhân quần. Như vậy là tao điên hay mày điên?

Tôi chịu không trả lời được đành đấu dịu:
- Nếu tôi điên, thì mọi người đều điên như tôi, còn nếu anh điên thì có ai điên được như anh đâu?
Anh suy nghĩ một lúc, rồi khe khẽ gật đầu.
- Ừ, mày nói phải.

Những cuộc nói chuyện giữa chúng tôi thường diễn ra theo kiểu đó: Sau khi đánh một đòn “phủ đầu”, anh rút lui để “bảo toàn danh dự” cho đối phương. Không ai giận anh bao giờ. Sống giữa thị thành, anh như đi trong giấc mơ. Anh thích trẻ con, kể cả loại “bụi đời”, và ra đường thường bị chúng nó “trấn lột” không còn mảnh giáp. Vì vậy, đói khát là chuyện hằng ngày. Anh sống được là nhờ bạn bè ở gần và những độc giả mến mộ thơ anh. Giữa đời, anh yêu một người đẹp như yêu một nhân vật tiểu thuyết, như những nàng tiên trên trời, thậm chí như yêu một bóng ma. Anh đặc biệt gắn bó với những bóng ma, thêm một bằng chứng để nói rằng anh điên thật, chứ không phải giả vờ như có người đã nghĩ. Có điều, như nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã viết: “Bệnh điên của anh là bệnh điên thi ca, nó không gây ra những hành động phá phách hung dữ khiến chúng ta sợ, mà rót vào hồn ta những vần thơ nhân ái ngọt ngào”. Hay như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Anh là một người biết yêu thương thành khẩn mặt đất này. Yêu và nhớ nó tha thiết đến độ điên đảo. Điên đảo để càng yêu càng nhớ nó thiết tha” (theo Văn nghệ đặc san, số 2/1992)

Bùi Tường
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GIẢI MÃ BÙI GIÁNG KHÔNG XONG
LÀM GÌ CŨNG BIẾN THÀNH GIAI THOẠI


Nhà thơ Lê Minh Quốc đã nói tại hội thảo: “Bùi Giáng làm cái chi, đụng đến cái gì, như chuyện ông làm thơ, yêu ai, đến nhà ai… thì cũng biến thành giai thoại hay huyền thoại cả”.

GS Huỳnh Như Phương kể rằng có lần ông nhìn thấy Bùi Giáng nằm ngủ trên đống cát gần nhà, cạnh nhiều tờ bản thảo rơi vương vãi. Giáo sư muốn đánh thức ông dậy mời vào nhà hay nhặt giúp bản thảo thì ông như nhận biết xua tay bảo đi đi, đừng quấy rầy ông trong cái cõi của mình. Giáo sư nói: “Thử tưởng tượng, bữa nay Bùi Giáng nghe có toạ đàm về ông ở trường ĐH. Chắc ông sẽ lò dò đến đây, leo cầu thang đứng ngoài cửa ngó vào, nghe lấy một đôi câu, rồi hấp háy cặp mắt dưới cặp kính dày cộm mà lẩm bẩm: “Các cháu cứ ở đó mà toạ đàm đi, ông Bùi rong chơi tiếp đây”.

Còn bác Bùi Hồng Quế, một độc giả ở tuổi 70, vốn là học trò của Bùi Giáng vào năm 1958 tại Sài Gòn, đã tìm đến toạ đàm để chia sẻ những câu chuyện về người thầy kỳ lạ của mình: “Thầy vô lớp không dạy gì mà nói đủ thứ chuyện lung tung như cánh chuồn chuồn, rồi gọi Thuý Kiều là em. Học thầy thì chắc thi không đậu nổi. Sau 1975 tôi gặp thầy tại chùa Già Lam như bộ dạng một cái bang. Lần khác tôi gặp thầy ở đường Nguyễn Văn Trỗi, đứng giữa làn xe cộ đang vung tay chỉ tùm lum. Tôi tính dắt thầy vô thì thầy bảo: “Để cho tao ổn định trật tự”. Lần khác nữa tôi bắt gặp thầy ngủ giữa đường trên đường Trần Huy Liệu. Và lần cuối cùng, tôi gặp thầy đang chầu chực trước cổng nhà nghệ sĩ Kim Cương ở đường Hoàng Diệu”.

Với kỳ nữ Kim Cương, Bùi Giáng say mê bà một cách kỳ dị từ lúc bà mới 19 tuổi và ông trở nên nửa điên nửa tỉnh. Ông viết bài Cô Kim Cương ơi in trong tập Sa mạc phát tiết: “Nếu ngày sau tôi chết đi mà cô không thể giỏ cho một giọt nước mắt. Thì cô có thể giỏ cho một giọt nước tiểu cũng được”. Có lúc ông lại viết: “Hỡi mẫu thân Kim Cương! Mẫu thân hãy dừng cuộc đi tiểu trong một thời gian để suy ngẫm trở lại xem có thể tạo ra một vũ trụ khác để đi tiểu”.

Một thiên tài khó hiểu

Nhiều nhà nghiên cứu đã gọi Bùi Giáng là thiên tài. Song cũng có nhiều bản tham luận tại buổi toạ đàm bảo rằng văn thơ, tác phẩm, tư tưởng, triết lý của Bùi Giáng vô cùng khó hiểu, là một bí mật không thể giải mã trong thời đại hôm nay. Với nhiều người nghiên cứu về ông, ông vẫn là một người xa lạ. Mà nghiên cứu về Bùi Giáng thì theo TS Trần Hoài Anh, từ trước và sau năm 1975, từ lúc ông còn sống đến khi ông qua đời đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước được thực hiện. Ngay tại buổi toà đàm này, ý kiến nghiên cứu về Bùi Giáng cũng phong phú và trái ngược. Có người bảo ông sống giữa thực và mộng, giữa tỉnh và điên. Nhưng có người lại bảo ông vô cùng tỉnh táo, vô cùng đốn ngộ, luôn đi trước mọi người, nhìn ra sự minh triết, chân lý và bản chất cuộc sống nên ông sống rất hồn nhiên vô tư lự, chẳng mưu cầu bất cứ điều chi.

Phó GS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân đã lý giải về cuộc đời của thi sĩ Bùi Giáng ở góc độ ông hoà mình vào thiên nhiên, sống như thiên nhiên, quyết liệt chống lại những gì trái với tự nhiên. Theo TS Thanh Xuân, Bùi Giáng chống lý tính, chống sách vở, chống khái niệm, chống trường quy… nên cuộc sống và tác phẩm của ông tràn đầy cảm tính tự nhiên căn cốt. Tiến sĩ nói: “Ngày hôm nay tôi như thấy ông đứng cười, nháy mắt, tay nắm cánh cửa càn khôn khép, mở không ngừng. Ông là Bùi Giáng, người bản nhiên, người lay ta tỉnh thức”.

Có ai viết hoa Đi Tiểu và Vén Xiêm?

Thú vị và gây chú ý nhất tại toạ đàm là bài tham luận “Bùi Giáng chơi” của nhà văn, nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu. Ông chỉ ra nhiều điều thú vị trong văn chương của Bùi Giáng như cách đảo chữ, cách nói lái; những cuộc rong chơi lu bù, điên đảo của ông trong đời thực như một gã du mục, một kẻ hành khất hay rong chơi trong chữ nghĩa vừa thanh tao thoát tục vừa nhục thế trần tục. Nhật Chiêu viết: “Trước cõi đời và mặt đất, thơ ông dâng lễ mừng, dâng lời tạ ơn. Ông gọi trần gian là lễ hội, thi sĩ xưa nay là những người trẩy hội trần gian… Giả như ta hỏi: Tại sao thế, thì có lẽ ông sẽ đáp rằng: Vì đời là rất mực thiêng liêng”. Nhưng thiêng liêng ở Bùi Giáng không là cái gì cách biệt với phàm tục. Do vậy ông thản nhiên viết: “Mở hai hàng cỏ tháng ba. Lễ là Đi Tiểu hội là Vén Xiêm”. Có ai viết hoa Đi Tiểu và Vén Xiêm như Bùi Giáng không, xin chỉ cho tôi!”

HOÀ BÌNH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÙI GIÁNG ĐẤU THƠ VỚI THU BỒN
TẠI QUÁN CÀ PHÊ HUY TƯỜNG


Trong “cõi điên” của Bùi Giáng, ông tự đặt cho mình những cái tên như: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ đười ươi, Brigite Giáng, Giáng Monroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ… ai cũng biết đây là những cái tên bông đùa, bỡn cợt nhưng lại rất “đặc sản” giống như những cơn điên “không giống ai” của Bùi Giáng. Đó là một người điên văn nghệ, một thi sĩ điên dễ thương nhất trần gian.


Từ khi nhà bị cháy, tất cả tác phẩm, sách vở bị thiêu rụi Bùi Giáng hầu như sống lang thang ngoài đường hoặc tá túc ở chùa. Ông thường trú ngụ tại chùa Long Vân ở Gò Vấp và có thời gian gần như sống hẳn ở nhà của Nguyễn Thuỳ một nhà giáo đồng hương Quảng Nam, anh Nguyễn Thuỳ cũng là một nhà văn, nhà thơ yêu mến tài của Bùi Giáng.

Trong số những bạn bè, thân thích của Bùi Giáng, có lẽ Nguyễn Thuỳ là người gần gũi với ông nhất, chịu đựng những cơn điên của Bùi Giáng nhiều nhất và anh lấy đó làm niềm vui, hạnh phúc chứ không một tiếng phàn nàn.

Và cũng chính từ Nguyễn Thuỳ, mọi người yêu mến ông mới biết thêm được những mẫu chuyện thật về Bùi Giáng bên cạnh những giai thoại ly kỳ về ông. Anh Nguyễn Thuỳ là một nhà giáo mẫu mực, một người cầm bút nghiêm túc và là một người yêu quý Bùi Giáng thật sự nên những gì anh tiết lộ về Bùi Giáng có thể tin tưởng được, còn nhiều giai thoại khác về Bùi Giáng có lẽ chỉ nên tham khảo hoặc xem như những phần ”minh hoạ” thú vị cho cuộc đời ly kỳ của Bùi Giáng mà thôi. Và giai thoại sau đây là một ví dụ:

Có giai thoại kể rằng có lần ở quán cà phê của nhà thơ Huy Tưởng nằm trên đường Bà Lê Chân gần chợ Tân Định kế bên một cái đình. Cái quán nhỏ tí, bày vài ba cái bàn, có bàn kê luôn ngoài lề đường nhưng “tao nhân, mặc khách”, “nam thanh nữ tú” nói chung là giới văn nghệ thường tới “ngồi đồng” vừa uống cà phê vùa nhìn thiên hạ qua lại, tán dóc. Nơi ấy Bùi Giáng cũng thường tới ngồi đồng.

Một hôm Bùi Giáng ngồi một mình ở bàn phía ngoài, nhà thơ Thu Bồn và một cô gái tên Thu Ba ngồi phía trong, quán cà phê Huy Tưởng nằm trên đường Lê Chân gần chợ Tân Định, quán nhỏ bằng bụm tay nên cô Thu Ba “tán” Thu Bồn ra sao, Bùi Giáng ngồi ngoài nghe tất.

Thu Ba tán Thu Bồn rằng:
-Anh là nhà thơ lớn, tất cả mọi người đều hâm mộ. Anh vào Nam tôi nghĩ nghĩ anh có thể dạy cho người miền Nam biết làm thơ, chứ lâu nay thơ ca miền Nam chẳng ra gì. Có ông Bùi Giáng làm thơ điên điên, thơ ông này khả dĩ được chút xíu, nhưng xem ra cũng chẳng đáng giá gì mấy.

Bùi Giáng ngồi bàn ngoài nghe tức khí, liền làm mấy câu thơ cấp tốc rồi khúm núm đi vào gặp Thu Bồn nhỏ nhẹ nói:

-Thưa anh, thưa cô, tôi là Bùi Giáng. Xin lỗi lúc nãy tôi có nghe cô nói anh
là nhà thơ lớn miền Bắc, không ai sánh kịp. cô có bảo là miền Nam, thơ ca chẳng ra gì. Đúng vậy, tôi cũng thấy như thế. Nếu anh dạy cho người miền Nam làm thơ thì quý hoá quá. Lúc nãy cô có nhã ý nhắc đến tôi, thú thật thơ tôi cũng chẳng đáng gọi là thơ. Nhưng thói quen cứ muốn học đòi làm thơ nên lúc nãy, ngồi nhâm nhi chút cà phê có làm được hai câu mà không rõ có phải là thơ không vì đọc lại chẳng có vần điệu gì cả. Xin anh và cô cho phép tôi đọc hai câu thơ đó và xin anh là nhà thơ lớn sửa hộ. Hai câu thơ thế này:

“Thu Ba ca ngợi Thu Bồn
Thu Bồn khoái chí sờ…tay Thu Ba”.

Đúng là hai câu thơ nghe chẳng ra làm sao cả, lại mất chữ mất nghĩa, mất vần mất điệu. Xin anh và cô vui lòng sửa hộ cho ăn vần, Giáng tôi xin muôn vàn cảm tạ, cảm tạ..”!

Nói xong, Bùi Giáng trở bước, đi mất. Chẳng hiểu câu chuyện Bùi Giáng “đấu thơ” với Thu Bồn có thật hay chỉ là chuyện bịa, nếu thật, thì thật bao nhiêu phần trăm. Tuy nhiên, chuyện này đã lan toả rất nhanh trong giới văn nghệ và trở thành một trong những “huyền thoại” về nhà thơ Bùi Giáng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GIAI THOẠI VỀ BÙI GIÁNG


Có một hôm nhà thơ Bùi Giáng ghé thăm trụ sở Hội Nhà văn ở Sài Thành. Lúc bấy giờ, nhà thơ Thu Bồn đang đứng trò chuyện với nữ sĩ Thu Ba, trông thấy ông bèn gọi lại nói :

      - Nghe đồn ông có tài xuất khẩu thành thơ, hãy làm một bài cho anh em nghe chơi.....

     Bùi Giáng gãi tai trả lời  :
   - Lâu quá, không làm thơ nên quên tuốt hết rồi.

      Thu Ba năn nỉ :
      - Làm đại một câu lưu niệm đi mà. Từ lâu chỉ được :
            * Kiến văn kỳ thanh,
    Hôm nay mới được :
            * Kiến diện kỳ hình của ngài đó.

      Bùi Giáng cười móm mém :
        Nhưng tui làm dzở đừng có cười tui nghe !

        Thu Bồn giục :
        - Thội đừng khiêm tộn chi mô.....không cọ ai cười răng.

        Bùi Giáng tằng hắng một tiếng ....rồi phọt ra...hai câu thơ
         * Thu Ba khen ngợi Thu Bồn
         * Thu Bồn cảm động sờ vai Thu Ba.

       Thu Ba nhăn mặt :
       - Cha mạ ơi !.. Ông mần thơ lục bát... răng mà không cọ vần điệu chi tề !

       Bùi giáng trả lời :
       - Thì sức của tôi chỉ có vậy, cô muốn cho có vần thì tìm chữ khác thế vô đi.

       Thu Ba bỗng đỏ mặt hứ ....lên một tiếng....Bùi Giáng lại móm mém cười một cách hóm hỉnh rồi quay đi.

                                                                            Theo Thằng Mõ Magazine
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BỨC THƯ TÌNH ĐẸP NHƯ THƠ
CỦA TRỊNH CÔNG SƠN
GỬI NGƯỜI YÊU 16 TUỔI


25 tuổi, Trịnh Công Sơn dạy học ở Lâm Đồng, cô đơn, lạnh lẽo, chông chênh, chỉ có những bức thư của cô gái Huế sưởi ấm trái tim người nghệ sĩ tài hoa.

300 bức thư tình mà Trịnh Công Sơn viết gửi Ngô Vũ Dao Ánh được in trong cuốn Thư tình gửi một người cho thấy tình yêu thanh xuân của cố nhạc sĩ, những suy tư của một chàng trai mang tâm hồn nghệ sĩ.

Chúng tôi xin giới thiệu một trong những bức thư đẹp như thơ chứa bao tình cảm, suy tư của nghệ sĩ.

Dao Ánh - cô nữ sinh nhận 300 bức thư của Trịnh Công Sơn thời trẻ.
Ngày 18/2/1965

Buổi sáng đầu tiên anh dậy trên miền cao này.

Vẫn còn thấy mình bị đày ải vì không khí đầm ấm vừa qua.

Buổi sáng có sương rất mỏng. Anh ngồi hong mình trước thềm nhà rồi đi qua những con đường đất đỏ như vẫn hằng đi.

Nắng cũng lên rồi đó.

Anh phải nói là đời sống mình bị xé rách mới phải. Trở lại nơi đây những ngày đầu thường bị mất thăng bằng. Mong cho nó chóng qua. Mỗi lần đi xa là mỗi lần đánh mất. Cho nên không thể nào khỏi lo lắng. Trừ những tâm hồn kiêu hãnh tuyệt đối mà thôi. Ánh có thể là một kiêu - hãnh - tuyệt - đối. Bạn bè thì ngàn năm vẫn thế. Nhất là nhóm chúng anh.

Những gì xem như tuyệt đối thì không thể biện bạch. Tình yêu cũng là một tuyệt đối.

Anh đang mong tin Ánh. Dĩ nhiên là mong tin vui.

Ánh ở đó dù buồn vẫn còn bạn bè. Anh ở đây thì tuyệt nhiên không có ai.

Càng sống nhiều thì càng độ lượng, càng độ lượng thì càng thấy mình già nua, càng già nua lại càng đánh mất. Bởi vì mỗi ngày mình đã di mình ra xa những nề nếp sống tầm thường. Đó cũng là một loại chu - kỳ - định - mệnh.

Anh nhớ buổi chiều Ánh viết những chữ Destin Destin trong tập Paroles và thấy se thắt.

Mỗi người đã đi từ một đời sống hư vô và sẽ trở về một cái chết hư vô. Ai sẽ đi từ một tình - yêu - hư - vô và trở về cô - đơn - hư - vô.

Ôi Ánh - hư - vô, Ánh - không - hư - vô những ngón tay anh giữ rồi có là mây khói. Thật tội nghiệp cho mỗi người. Rồi một ngày nào đó làm những kẻ lạ với nhau. Buổi sáng trước khi lên đây anh đi bỏ thư cho Ánh và ra ngồi một mình ở Pagode.

Bức thư ngày 18/2/1965 Trịnh Công Sơn viết gửi Dao Ánh.
Thành phố như chìm chết. Hay anh chìm chết. Nhạc lên từ một góc nhỏ mais la vie sépare ceux qui s’ aiment tout doucement sans faire de bruit (lời một ca khúc). Có những lá me rất nhỏ lăn tăn như từng tích buồn bên kia công viên. Tất cả như muốn âm mưu, toa rập trên vẻ hư vô mênh mang anh đang chịu đựng. Anh bỏ đi và về nhà nằm úp mặt không còn lời nói. Chiều nay rồi Ánh ngồi một mình đốt nến với ai. Tóc đã cài hoa hồng chưa sao anh không nhìn thấy. Một ngày một tháng một năm buồn đi cho hết tuổi nhỏ.

Ánh ơi,

Buổi chiều. Anh vừa thức dậy nghe tiếng gió hú ngoài kia như một bầy sói rừng đến đánh thức. Buổi chiều vắng ngắt không còn nghe gì ngoài tiếng gió cũng không còn thấy gì ngoài bãi cỏ lao xao. Gió thổi những đám bụi đỏ đuổi nhau ngoài con đường dốc.

Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn (lời thơ của Thế Lữ - pv). Vẻ vắng lặng làm anh thấy bàng hoàng khó tin được mình vừa ở một vùng xanh non trôi nổi về một nơi cằn cỗi như thế này. Ám ảnh của những ngày tương đối êm đềm ở đó vẫn còn chan chứa trong anh. Anh như còn thấy Ánh bước đi, ngồi hát, như còn thấy những ngón tay với hình dáng quen thuộc mà anh hằng nhìn để nhớ trên mỗi buổi chiều. Bóng Ánh như xao động trước mắt anh. Tất - cả - Ánh còn đó còn đó. Anh đã bị đày ải thật rồi đây.

Ánh đã mất đã xa đi ngoài vạn dặm. Phải gọi là niềm chua xót chứ không phải là nhớ đơn thuần.

Nắng vàng đổ xuống và gió cuốn từng bóng nắng đi. Cho anh gọi thêm bao nhiêu lần tên Ánh nữa cho gió mang về.

Gió cũng buồn như mắt người yêu. Buổi chiều thứ năm. Ánh hình như không đến trường. Ánh ở nhà có thắp nến mà nghe gió xa về không.

Những ngày vui qua mau quá. Làm sao giữ nổi một ngày vui cho mình.

Dao Ánh Dao Ánh Dao Ánh.

Ở đây anh còn có đâu hy vọng mỗi chiều Ánh sang. Mỗi lần đến là mỗi lần xa lạ hẳn lên. Bỗng nhiên anh lại có cảm tưởng lạ lùng thế.

Đã có bao nhiêu lần anh kể cho Ánh nghe về vẻ hoang vu của những buổi chiều ở đây. Mỗi lần trở dậy là mỗi lần thấy mình bị tước đoạt tất cả. Từ một tình cảm nhỏ đến một tình cảm lớn. Thấy không còn gì không còn gì, như đã bị hắt hủi và mình không còn là mình nữa.

Dao Ánh qua nét vẽ của Trịnh Công Sơn.
Này Ánh của anh,

Hãy hát lại lời ca của những bài hát quen thuộc đó cho anh nghe.

Buổi chiều nay anh đã chẳng còn ai nữa. Một épave (xác tàu chìm) trôi giạt về đây nghe tiếng nói của mình, bước chân của mình, hơi thở của mình là anh đó.

Anh đã có tất cả để rồi không còn gì. Hư vô đã choán chật khoảng sống nhỏ. Từng espace vitale. Ôi buồn, đó là từng sợi thạch nhũ rơi xuống âm thầm quanh đời sống anh có Ánh đứng nhìn như một vì sao buổi chiều, anh làm người chăn cừu trở về trong những tiếng chuông lục lạc. Anh chờ mong thư Ánh và những lời - nói - cho - ngày - tháng ở đây.

Nhớ Ánh - thần - thoại như bao giờ bao giờ.

Cho anh được ru những ngón tay mùa xuân vào thiên thu.

Ánh ơi Ánh ơi

Những ngày tháng còn nghĩa lý gì khi một người đã mất tài sản quý báu nhất của đời mình.

Anh nhớ!

Anh nhớ Ánh nhớ nghìn năm yêu dấu vô cùng.

Bao giờ hư vô biến mất trên cuộc đời này trên đời anh hở Ánh.

Ánh ơi gió đã đầy cả căn phòng anh trọ. Nhớ Ánh rất thê thiết.

Theo sách “Thư tình gửi một người”
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGƯỜI YÊU 16 TUỔI CỦA TRỊNH CÔNG SƠN
VÀ NHỮNG BỨC THƯ TÌNH TUYỆT TÁC


Sách Trịnh Công Sơn - Thư tình gửi một người tập hợp 300 bức thư mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết gửi Dao Ánh từ năm 1964 tới năm 1967. Tình cảm giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Dao Ánh nảy nở theo một cách đặc biệt. Khi ở Huế, Trịnh Công Sơn thường tới nhà Ngô Vũ Bích Diễm - người ông viết tặng ca khúc Diễm xưa. Lúc ấy, Dao Ánh là em gái Diễm vẫn là cô gái bé nhỏ chạy quanh chị.

Khi biết Trịnh Công Sơn và Diễm không thể vượt qua được những cách ngăn để đến với nhau, Dao Ánh đã viết thư an ủi Trịnh Công Sơn. Bức thư đầu tiên họ gửi cho nhau vào năm 1964, khi ấy, Trịnh Công Sơn 25 tuổi, vừa tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn, lên dạy học ở Blao (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Còn Ngô Vũ Dao Ánh khi ấy 16 tuổi, nữ sinh trường Đồng Khánh.

300 lá thư tình gửi người con gái Huế

Trong những bức thư, Dao Ánh giãi bày tình cảm, an ủi nhạc sĩ sau khi ông chia tay Diễm. Thư qua lại, họ nảy sinh tình cảm, và dường như những gì mà Trịnh Công Sơn dành cho Dao Ánh sâu đậm hơn mối tình với chị gái của bà.

Những năm tháng ấy, Trịnh Công Sơn sống đơn độc trên một triền đồi mây mù bao phủ. Niềm vui của ông là đón nhận những bức thư từ cô gái Huế gửi tới. Có những bức thư Trịnh Công Sơn đọc đi đọc lại tới thuộc lòng từng dấu chấm, dấu phẩy, được ông gấp cẩn thận để dưới gối.

Nhiều đêm ngủ, Trịnh Công Sơn thường mơ thấy cô gái Huế. Trong bức thư ngày 2/9/1964, ông viết: “Anh hơi lạ lùng là suốt những ngày lên đây anh thường nằm mơ có Ánh. Có Ánh rất yên lành qua những con đường xa lạ của một mùa hè đã qua mà phượng vẫn còn đỏ ngời. Hình như trời vừa qua một cơn bão lụt nên con đường có vẻ xơ xác. Ánh mặc áo nâu, tóc mềm như mây có cả chiếc nơ màu nâu nhạt cài lên rất huyền hoặc. Anh còn nhớ là suốt con đường đi đó không khí bỗng ấm áp vô cùng. Anh đã trở dậy trong sự trống vắng dai dẳng ở đây”.

Những bức thư của Dao Ánh là niềm mong mỏi, là bầu bạn, nguồn động viên quan trọng với Trịnh Công Sơn trong mấy năm ông dạy học ở Lâm Đồng.
Trong một bức thư hôm 26/2/1965, Trịnh Công Sơn viết: “Anh đọc thư Ánh từ chiều hôm qua. Cũng như tháng 8 năm ngoái, thư Ánh vẫn là thư đầu tiên trong những ngày mòn mỏi của anh ở đây. Anh đã đọc thư bao nhiêu lần. Và để mừng những tờ thư đó, anh đã mặc áo ấm vào đêm, uống thật say một mình rồi trở về cầm những tờ thư còn thơm mùi thơm quen thuộc đó mà ngủ. Bạch lạp thì cháy âm thầm trên giấc ngủ đó của anh”.

Trịnh Công Sơn cũng thường chia sẻ với Dao Ánh về một cuốn sách ông mới đọc, một bài hát mới sáng tác, những cảm xúc trong buổi sớm, chiều tà hay đêm khuya, khi thời tiết, thiên nhiên có sự thay đổi.

Dao Ánh là nguồn cảm hứng cho Trịnh Công Sơn viết nhiều ca khúc như Tuổi đá buồn, Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em, Như cánh vạc bay, Lời buồn thánh, Chiều một mình qua phố, Ru em từng ngón xuân nồng.... Những dòng thư năm 1965 thể hiện điều đó: “Những ngày này anh vẫn chưa làm được gì ngoài phí bỏ những giờ dài dẳng để ngồi đốt thuốc và nhìn hoài khoảng đất trời trước mặt. Anh đã viết xong một bản nhạc cho Ánh. Ru mãi ngàn năm hay Ru em từng ngón xuân hồng”.

Chân dung chàng trai phiền muộn trên cao nguyên

Những bức thư mà Trịnh Công Sơn viết không chỉ thể hiện tình cảm nhớ nhung của một người con trai gửi người con gái. Ở đó, ông giãi bày nhiều suy nghĩ, tâm trạng, quan điểm của mình, qua đó, có thể cho thấy chân dung tuổi trẻ của vị nhạc sĩ tài hoa.

Sách Thư tình gửi một người tập hợp 300 bức thư Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh.
Trịnh Công Sơn thường xuyên nhắc tới sự cô đơn của mình. Khi mới tới Blao, Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh: “Vùng đất này như một miền bỏ hoang mà anh đã hiện diện ở đây làm loài củi mục. Suốt ngày im câm như một số phận không tên, không tuổi, không còn dĩ vãng - tương lai”.

Một dòng thư viết năm 1964 cho thấy Trịnh Công Sơn giai đoạn đó luôn luôn dằn vặt, trăn trở, cố định nghĩa bản thân mình: “Anh có cảm giác mình là một hoá - thân - phiền - muộn treo lửng lơ trong một khoảng không nào đó. Không là đỉnh cao. Không là vực sâu. Một cái gì mang mang không rõ ràng”.

Giữa căn nhà chênh vênh ở triền dốc, buổi chiều chỉ có tiếng gió hú não nuột về “ru anh ngủ”, Trịnh Công Sơn tâm sự với người yêu: “Anh cảm thấy như mình càng ngày càng đi vào những bất lực và vô vọng to tát hơn. Càng cố vùng vẫy thì càng bị siết lại hay càng bị ngợp chới với hơn”.

Những dòng thư như những vần thơ, đẹp đẽ, lãng mạn, nhưng cũng chất chứa bao suy tưởng. Bức thư viết tại Blao ngày 17/2/1965 với những con chữ đẹp và buồn nao lòng: Đêm đã dày. Trăng sáng mênh mông trên vùng đồi đã ngủ mê. Anh mong vào giấc ngủ này có năm ngón tay dài giá rét. Ánh cũng đã ngủ rồi có lẽ thế. Bây giờ anh còn ai còn ai. Ánh đã xa rồi làm sao nghe được những lời kêu rên âm thầm này, như ngôn ngữ của một loài kiến nhỏ. Anh gọi Ánh bằng niềm hư - vô - thần - thoại yêu dấu. Anh sẽ nằm nhắm mắt và ngủ, giấc ngủ có những chồi -non - ngón - tay - mùa - xuân - thần - thoại. Ôi hư vô đã đầy một đời người”.

Trịnh Công Sơn và Dao Ánh gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách.
Trong những bức thư gửi Dao Ánh, Trịnh Công Sơn cũng thường xuyên bày tỏ những nghi ngại về cái kết hạnh phúc cho cả hai. Ông luôn tin sự tan vỡ, đau khổ là điều khó tránh khỏi. Năm 1967, nhạc sĩ chủ động chia tay Dao Ánh vì nghĩ không thể mang lại hạnh phúc như người yêu mong muốn. Dao Ánh sang Mỹ học tập, lập gia đình. Giữa hai người vẫn giữ mối quan hệ thân thiết, trân trọng nhau.

Năm 1993, sau gần 20 năm xa cách, khi Dao Ánh và Trịnh Công Sơn gặp lại, ông viết ca khúc Xin trả nợ người tặng riêng người tình Dao Ánh. Bức thư cuối cùng Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh vào ngày 17/1/2001 qua email. Gần ba tháng trước khi qua đời, khi nằm trên giường bệnh, Trịnh Công Sơn không thể cầm bút viết, nhưng ông vẫn nhớ tới Dao Ánh và nhờ người đánh máy gửi thư.

TẦN TẦN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐOẢN VĂN CỦA BÙI GIÁNG


Mới đây, chúng tôi được tiếp cận một số bản thảo viết tay của thi sĩ Bùi Giáng chưa xuất bản, trong đó có hai đoản văn ngồ ngộ. Xin giới thiệu với độc giả nhân dịp kỷ niệm 14 năm ngày thi sĩ mất.

Bài Ông Trời chất vấn ông điên - rằng: “Tại sao chú mày đánh đấm con vợ của chú mày như thế?”. “Tại vì nó có lỗi”. “Có lỗi như thế nào?”. “Tôi thì hằng năm tôi tắm rửa một lần để ăn tết. Còn nó thì mỗi ngày nó mỗi tắm… tức không chịu nổi!”. “Ủa, nó tắm rửa cho sạch sẽ thơm tho có gì đâu mà gọi là tội lỗi?”. “Nhưng mà nó càng sạch sẽ thơm tho bao nhiêu, thì thiên hạ càng thấy rõ cái dơ dáy thối tha của tôi bấy nhiêu. Có phải rằng nó có ý muốn vạch rõ cái thối tha bẩn thỉu của tôi? Tôi mang mặc cảm bấy lâu nay. Còn đâu hài hoà vợ chồng tâm đầu ý hiệp chứ”. Rồi “ông điên” muốn bỏ vợ để lấy “gái sa mạc” vì “sa mạc khô khan quanh năm, đâu có nước giếng nước biển nước sông để tắm cho nhiều”. Ông Trời gật gù: “À ra thế ấy, lọ là thế kia!”…

Bài thứ hai Mẹ ôi!, kể về cô gái 16 tuổi chửa hoang, bà mẹ thay vì phiền trách đã hân hoan reo lên: “Ồ, thế thì vạn phước đấy con ạ. Kiếp xưa có lẽ con khéo léo tu hành lắm đó, nên kiếp này mới gặp gỡ được thằng Mít (…) đến như con là đứa nghiêm trang nghiêm túc như thế mà nó chỉ la cà cày bừa trên bụng con đôi lần mà kết quả huy hoàng rực rỡ chói loà thì đủ biết tài năng cày sâu cuốc bẫm của nó… Ha ha ha! Mẹ giao luôn cho nó cái khu vườn tược ba mẫu này để nó chăm sóc trồng dâu, trồng dừa: Ùn lên ngọn nước bốn mùa. Núi phơ phất tuyết, cổng chùa tịch liêu. Hai hàng phượng đỏ giấn liều. Đứa con gay cấn một chiều chửa hoang. Ha ha ha!!! Mẹ sắp có cháu ngoại để o bế o bồng rất mực bồng bế o o !!!”.

Đọc hai đoản văn trên hẳn có người sẽ nghĩ Bùi Giáng viết chỉ để “cà rỡn” chơi. Thật ra trong cái “cà rỡn” ấy vẫn ẩn chứa một điều gì khang khác là lạ so với những chuyện cười suông. Riêng chúng tôi, đọc hai bài trên, nghĩ mấy chữ “cổng chùa tịch liêu”, “đứa con gay cấn” và “sa mạc” là cái “chĩa ba” của một cây cổ thụ trong rừng ngôn ngữ mà Bùi Giáng trên đường ngao du đã đặt lên đó “một cách nhìn” để kể về: 1. Những “ông điên” quay cuồng theo các cặp đối trị: tốt - xấu, sạch - nhớp, khen - chê, vinh - nhục… 2. Những “đứa con gay cấn” đã rời “cổng chùa tịch liêu” để kết hôn với bọt nước, với nắng tàn, với sương mai và ánh chớp vội vàng vào mỗi chiều giông. Và thê thảm nhất là đã tự nhốt mình trong sách vở tư biện như ông từng viết: “tự nghìn năm triết học luận lý trường trại đã bóp ngột tư tưởng con người (…) nó khiến tư tưởng không thể nào bước đi thong dong trên ngã ba (…) không còn nghe ra ngôn ngữ Nguyễn Du, Shakespeare…”. (Đường đi trong rừng).

Ông ca ngợi “sa mạc” - muốn tìm về “sự tĩnh lặng mênh mông, trong đó mọi năng lực, hùng tâm, dũng khí, thảy thảy tương hệ tương giao cùng rì rào hoạt động” và “im lặng vì xao xuyến dị thường” (Lời cố quận). Đó là “niềm im lặng” lên đường, tìm về nguồn cội sẵn có trong chính mình. Khi lạc lối, ông lại phải “chăn  trâu” hoặc “lùa dê” để lần về lối cũ: “Trăm năm trong cõi người ta - Chăn dê bò tại ngã ba đường rừng”. Và đây nữa: “Anh lùa dê vào núi rừng mây tím. Cho dê nhảy cỡn giữa mây ngàn (…) Dê lùa anh vào đồi sim trái chín. Anh lạc đường nghe dê gọi kêu vang”.

Lúc đầu ông “nghe dê gọi”. Đến sau ông quên cả dê, quên cả trâu, quên cả bò đang gặm cỏ, mà “chỉ nghe tiếng cọ rì rào”, rồi tự hỏi: “Có hay không bò đương gặm đó? Hay là đây tiếng gió thì thào? Hay là đây tiếng suối lao xao? Không biết nữa mà cần chi biết nữa”. Ông chả cần “biết” âm thanh tiếng động xung quanh mà đã quay “cái nghe” vào sâu nơi mình. Để từ trong cái “nghe tự tánh” ấy, đã tuôn chảy ra ngoài dòng sữa của thi ca…  

Giao Hưởng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [39] [40] [41] [42] [43] [44] [45] ... ›Trang sau »Trang cuối