Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [17] [18] [19] [20] [21] [22] [23] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

VÌ SAO GẦN MỘT NỬA NGƯỜI VIỆT
CÙNG MANG HỌ NGUYỄN


Chắc hẳn ai cũng từng nghe hoặc từng quen biết một người họ Nguyễn. Trên trường quốc tế, đó là một dấu hiệu nhận diện người gốc Việt. Nhưng tại sao gần 40% người Việt lại có chung một họ Nguyễn này?

Nếu căn cứ theo tỉ lệ này, cứ ba người dân Việt Nam có ít nhất một người mang họ Nguyễn. Những người mang họ Nguyễn trên toàn thế giới có khoảng 90 triệu người, tức là nhiều thứ ba sau họ Lý và họ Trương của Trung Quốc.

Cấu tạo tên họ của người Việt khác với người Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tên họ người Việt Nam phân thành 3 phần: Họ – tên đệm – tên. Ở những trường hợp chính thức, thông thường người ta chỉ gọi tên. Tên người thường là ba chữ hoặc bốn chữ, cũng có khi là 2 chữ (ví dụ Nguyễn Trãi).

Vậy thì tại sao họ Nguyễn lại trở thành dòng họ lớn nhất và đông nhất ở Việt Nam? Có rất nhiều nguyên nhân lịch sử cho hiện tượng này.

Thời cổ đại

Vào thời Nam Bắc triều (420 – 589) Trung Hoa thiên hạ đại loạn. Vì để lánh nạn mưu sinh, một bộ phận gia tộc họ Nguyễn sống tại An Huy, Chiết Giang, Hồ Bắc… di cư sang Việt Nam.

Bộ phận người này sinh sống ở Việt Nam, qua thời gian đã đồng hoá cùng dân bản địa để tạo nên thêm một bộ phận đáng kể người Việt có họ Nguyễn. Sau đó vào thời Ngũ Đại (5 triều đại nối nhau cai trị Trung Nguyên: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu 907-960), dần dần lại có nhiều người họ Nguyễn di chuyển về phía Nam, bổ sung thêm vào số lượng người họ Nguyễn bản địa ở Việt Nam.

Sự phát triển của dòng họ lớn nhất Việt Nam cũng gắn liền quan hệ với triều đại nhà Trần. Trước triều Trần là giai đoạn trị vì của nhà Lý (1009 – 1225). Từ khi Lý Công Uẩn lên ngôi năm 1009 sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Tiền Lê đến khi Lý Chiêu Hoàng bị ép thoái vị để nhường ngôi cho Trần Cảnh, tổng cộng là 216 năm.

Những năm đầu tiên, Trần Cảnh còn nhỏ tuổi, toàn bộ quyền hành của nhà Trần đều do một tôn thất vai chú của Trần Cảnh là Trần Thủ Độ nắm quyền. Trong thời gian này, Trần Thủ Độ đã làm một việc trực tiếp ảnh hưởng tới tên họ của người Việt.

Đó là việc gì? Ðời Trần Thái Tông (1232), sau khi đã đoạt ngôi nhà Lý, Trần Thủ Ðộ lấy lý do tổ nhà Trần tên Lý, đã bắt tất cả những người họ Lý là họ dòng vua vừa bị hoán vị còn trốn lẩn trong dân gian phải đổi thành họ Nguyễn.

Tuy nhiên ý đồ thật sự của Trần Thủ Độ là khai tử dòng vua Lý để không còn ai nhớ đến họ Lý nữa. Còn lý do vì sao khi đó ông lại lựa chọn họ Nguyễn để thay họ Lý, cho tới nay vẫn chưa được lý giải rõ, cũng có thể đó là lựa chọn một cách ngẫu nhiên.

Tuy nhiên trong sử sách chỉ ghi chép lại đơn giản như sau: “Sau khi nhà Trần nắm giữ quyền lực, tất cả những người mang họ Lý trong đất nước đều phải đổi sang họ Nguyễn”.

Có một điều càng không thể tưởng tượng được, đó là đổi họ đã trở thành một tục lệ của người Việt Nam thời cổ đại. Cứ mỗi khi một triều đại mới được thay thế thì tất cả những người mang họ của triều đại trước sẽ phải sửa thành họ Nguyễn. Trong lịch sử Việt Nam, đã từng có nhiều sự kiện như vậy khiến số người mang họ Nguyễn đã nhiều lại càng nhiều hơn.

Năm 1232, nhà Lý suy vong, Trần Thủ Độ đã bắt con cháu của dòng họ Lý chuyển sang họ Nguyễn. Khi Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần, ông ấy đã giết hại rất nhiều con cháu họ Trần. Vì thế, sau khi nhà Hồ sụp đổ, con cháu của họ Hồ vì sợ trả thù nên tất cả đã đổi sang họ Nguyễn.

Năm 1592, nhà Mạc suy tàn, con cháu của dòng họ Mạc cũng lại đổi họ sang Nguyễn. Khi triều đại nhà Nguyễn nắm quyền năm 1802, một số con cháu họ Trịnh cũng vì sợ trả thù nên lần lượt đổi hết họ sang Nguyễn, số còn lại trốn lên Bắc sang Trung Quốc.

Trong luật pháp của nhà Nguyễn, những người mang họ Nguyễn được hưởng nhiều đặc lợi, được triều đình ban thưởng. Vì thế các tội nhân cũng theo đó đổi họ sang Nguyễn nhằm tránh bị bắt tội, hưởng thêm ân sủng.

Cùng theo sự thay đổi của các triều đại những người mang họ Nguyễn càng ngày càng đông lên, cuối cùng lập ra triều Nguyễn. Triều Nguyễn cũng là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Thời cận đại  

Trước khi đề cập tới quãng thời gian này, cần nhấn mạnh một đặc điểm của các dòng họ Việt Nam thời cổ đại. Vào thời cổ đại, dân chúng ở tầng lớp thấp bình dân thường không mang họ, chỉ có các  vương tôn quý tộc mới có họ.

Vào thế kỷ 19, khi Việt Nam trở thành thuộc địa của người Pháp, lần đầu tiên người Pháp có cuộc điều tra về dân số với quy mô lớn nhất trên khắp Việt Nam.

Trong quá trình điều tra họ gặp phải một vấn đề phiền phức lớn, đó là: Đại bộ phận người dân ở tầng lớp thấp bình dân đều không có họ, nên không có cách nào để thống kê tổng kết.

Vào lúc này phải làm như thế nào? Người Pháp liền nghĩ ra một cách, trước đây triều Nguyễn chẳng phải là triều đại cuối cùng của người Việt sao, vậy những người không mang họ đó để họ đều mang họ Nguyễn. Dòng họ này, bởi thế lại được mở rộng với quy mô lớn chưa từng có thêm một lần nữa.

Kỳ thực cho dù không có người Pháp, họ Nguyễn vẫn là một dòng họ lớn nhất Việt Nam, tuy nhiên để chiếm một tỉ lệ lớn 40% như vậy, không thể không kể tới tác động của người Pháp.

Bây giờ, khi ra đường, bất kể gặp một người họ Nguyễn nào, bạn hãy nói rằng họ đang có một tên họ đặc biệt nhất Việt Nam. Còn nếu đang mang họ Nguyễn, có lẽ bạn nên đọc bài viết này.

KIÊN ĐỊNH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHÀ TRẦN ÉP
NGƯỜI HỌ LÝ ĐỔI SANG HỌ NGUYỄN
CÓ THOẢ ĐÁNG KHÔNG?


Nhà Lý là triều đại có 200 năm trong lịch sử dân tộc với nhiều danh nhân kiệt xuất mà nay còn lưu trên tên đường phố. Thế nhưng, hậu nhân nhà Lý hiện nay khá ít. Nguyên nhân là khi nhà Trần mới lên thay đã dùng luật để ép người họ Lý phải đổi sang họ khác. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Tháng 4, mùa hạ (1232). Ban chữ huý về tiên tổ nhà vua thờ ở các miếu cho trong kinh đô và ngoài các lộ đều biết”, đồng thời bình luận: “Ông tổ nhà vua tên huý là Lý, vì thế đổi họ Lý làm họ Nguyễn, lại có ý dập tắt hẳn lòng dân còn tưởng nhớ đến họ Lý”.

Vậy nhà Trần ép người họ Lý đổi sang họ Nguyễn thì có thoả đáng hay không?
Trước hết nói về cái lý của việc cải họ do kỵ huý. Đây không phải phát minh của nhà Trần mà do ảnh hưởng từ văn hoá thời phong kiến bên Trung Quốc.
Kỵ huý tên người thân vốn bắt đầu hình thành từ nhà Chu (Tả truyện thời Tề Hoàn công chép: Người đời Chu thờ người quá cố bằng tên huý, còn gọi lúc sinh thời, lúc chết giấu đi). Sau được Khổng Tử nâng cao quan điểm trong kinh Xuân Thu khi “không chép tên bậc tôn trưởng, không chép tên cha mẹ, không chép tên người thường”.

Đến thời Tần (306-255TCN) thì Tần Thuỷ Hoàng bắt đầu quan tâm việc kiêng huý tên vua. Tần Thuỷ Hoàng vốn họ Doanh tên huý là Chính nên cấm dùng chữ Chính mà đổi mọi chữ Chính thành từ đồng nghĩa là Đoan. Và sợ người đời đề cập đến người cha Tử Sở của mình nên Tần Thuỷ Hoàng cũng cấm luôn từ Sở mà đổi thành từ Kinh. Các đời sau tiếp nối nhà Tần nên theo sẵn truyền thống quản chặt việc cấm tên huý của vua rồi nâng tầm phát triển mở rộng. Sau khi Lưu Bang lập nhà Hán (206TCN - 220) thì kiêng dùng chữ Bang mà đổi thành Quốc, Lữ hậu kiêng chữ Trĩ, Hán Văn Đế Lưu Hằng kiêng dùng chữ Hằng nên đổi thành chữ Thường... Tuy nhiên, thời Tần hay Hán thì việc kiêng huý cũng chỉ dùng cho các vua đương triều hay cùng lắm là truy về một đời như Tần Thuỷ Hoàng. Đến thời Tấn (265-420) thì lệ kỵ huý nghiêm ngặt hơn với các định lệ phức tạp hơn khi kỵ huý đến 7 đời. Các triều đại sau có quy định khác nhau về kỵ huý nhưng theo xu hướng thêm nhiều hơn bớt.

Khoảng thời gian nhà Trần thay ngôi nhà Lý thì bên Trung Quốc khi đó đang là nhà Tống vốn rất nghiêm ngặt việc kị huý. Sách Dung trai tam bút viết: “Phong tục bản triều sùng chuộng văn học, cho nên lễ quan mỗi khi bàn luận về chữ huý lại muốn tăng thêm, các miếu huý bèn lên đến hơn 50 chữ. Sĩ tử làm bài thi gặp chữ còn ngờ thì không dám dùng. Quyển thi nào phạm huý thì đều bị ngầm đánh hỏng”.

Việc nhà Trần áp dụng việc kỵ huý có vẻ bị ảnh hưởng từ nhà Tống? Thực tế thì không chỉ nhà Trần mà cả các triều Liêu, Kim rồi Mông Cổ sau khi thôn tính nhà Tống cũng lại đi theo trào lưu kỵ huý cho dù người Liêu, Kim hay Mông trước đó đều chưa có chữ viết trong khi ngôn ngữ là đa âm tiết chứ không phải đơn tiết như người Hán.

Tại sao họ lại chạy theo phong trào kỵ huý thế? Các nhà Liêu, Kim, Mông đều thích lễ nghi, tiết chế mà người Hán tạo sẵn vốn đặc biệt coi trọng người lãnh đạo, tức là vua. Họ rập khuôn theo nhiều điều trong tiết chế của người Hán khi đặt nền cai trị lên người Hán và áp dụng luôn kỵ huý với tên nhà vua. Đặt trong bối cảnh lịch sử của nhà Trần khi đó thì việc học theo các triều đại phương Bắc các nghi lễ đã được nhào nặn nhiều đời, trong đó có việc kị huý tên vua nhà Trần có vẻ rất hợp lý.

Tuy nhiên, điều không thoả đáng ở đây nằm ở chỗ trước nhà Trần, các triều đại trước ở nước ta không nhắc gì đến việc kỵ huý cả. Trong cuốn “Nghiên cứu chữ huý Việt Nam qua các triều đại” của nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ có ghi lại việc khảo cứu về kị huý nước ta thời xưa. Theo đó, đời Đinh - Tiền Lê thì trên các cột kinh đã được phát hiện tại vùng cố đô Hoa Lư, không thấy các chữ viết kiêng huý. Còn đời Lý, trong số 9 đơn vị kim thạch văn (8 văn bia hiện có bản dập lưu ở viện Hán Nôm và 1 chuông ở Bảo tàng lịch sử VN) có 5 đơn vị ghi tên 3 chữ huý của 3 vua đời Lý là: 1 chữ Uẩn (Thái Tổ Lý Công Uẩn), 2 chữ Tôn (Thánh Tông Lý Nhật Tôn), 5 chữ Đức (Nhân Tông Lý Càn Đức). Các chữ đó đều được viết bình thường tức là đủ nét, không cần viết nhô lên cao hay theo kiểu đặc biệt gì cả. Từ kết quả đó, nhóm khảo sát khẳng định: từ đời Lý trở về trước, nước ta chưa có định lệ kiêng huý về chữ viết.

Nhà Trần là triều đại đầu tiên bắt đầu tham gia cuộc chơi ‘kỵ huý’ nhưng có lẽ không phải vì muốn học theo nhà Tống mà coi đó như thủ thuật chính trị để cho họ Lý rơi vào quên lãng. Điểm trùng hợp then chốt là việc ông nội của Trần Thái Tông lại có tên là Lý nên có cớ quá tiện để ép người họ Lý chuyển sang họ Nguyễn. Không chỉ người họ Lý khi đó phải đổi họ mà truy ngược lên cả các vua Lý trước đây hay thậm chí danh tướng Thường Kiệt cũng phải đổi họ. Trong Đại Việt sử lược viết vào thời Trần thì triều Lý viết là triều Nguyễn, vua Lý là vua Nguyễn. Ví dụ: “Vua Thái Tổ tên huý là Uẩn, họ Nguyễn người ở Cổ Pháp thuộc Bắc Giang” hay “Mùa hạ, tháng 4, Nguyên soái Nguyễn Thường Kiệt bắt được Đệ Củ ở biên giới Chân Lạp” (Lý Thường Kiệt vốn họ Ngô được vua Lý ban cho quốc tính rồi sang thời Trần thì “được” đổi thành họ Nguyễn).

Vậy tại sao nhà Trần đã kị huý họ Lý chặt như vậy mà về sau vẫn có tướng mang họ Lý phục vụ cho nhà Trần (theo lời của sử gia Ngô Sĩ Liên) hay việc có trạng nguyên Lý Đạo Tái thời Trần Thánh Tông? Có thể tin rằng việc kỵ huý chữ Lý chỉ được làm chặt trong thời gian đầu khi nhà Trần chưa có chỗ đứng vững chắc trong lúc vẫn sợ nhân tâm hướng về họ Lý, sợ rằng trong dân có ai mang họ Lý nổi lên thì nhiều phiền toái.

Nhưng về sau thì nhà Trần đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân, nhất là sau 3 đời Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông lãnh đạo quân dân cả nước 3 lần đánh tan quân xâm lược nhà Nguyên. Khi đó thì việc kỵ huý chữ Lý không còn bị quản chặt nữa. Thậm chí, Trần Anh Tông còn dùng việc kỵ huý để tôn vinh họ Lý cũng là họ ngoại của vua Trần vì Trần Thánh Tông là con của Thuận Thiên công chúa hay chính xác thì Trần Thánh Tông chính là cháu ngoại của Lý Huệ Tông. Tháng 9.1304, Trần Anh Tông ra chiếu cấm viết 8 chữ miếu huý nhà Lý: Uẩn (Lý Công Uẩn), Mã (Lý Phật Mã), Tôn (Lý Nhật Tôn), Đức (Lý Càn Đức), Hoán (Thần Tông Lý Dương Hoán), Tộ (Anh Tông Lý Thiên Tộ), Cán (Cao Tông Lý Long Cán), Sảm (Huệ Tông Lý Hạo Sảm).
______________________________

Trong các đời vua Trần thì Trần Anh Tông là người tích cực nhất trong việc ban chữ kỵ huý. Trong 8 điều lệnh kiêng huý nhà Trần còn được chép lại thì có đến 5 lệnh kiêng huý do Trần Anh Tông ban. Vua Trần Anh Tông cũng là người dùng việc kị huý để tôn vinh một nhân vật gây tranh cãi trong họ Trần là Trần Liễu. Tuy Trần Liễu từng bị thất thế sau vụ nổi loạn ở sông Cái nhưng Trần Anh Tông cũng là hậu duệ trực tiếp của ông (bà nội của Trần Anh Tông hay mẹ của Trần Nhân Tông chính là con gái của Trần Liễu). Vua Trần Anh Tông còn ban lệnh cấm tên huý của cả các thái hậu đời trước rồi cha vợ (Trần Quốc Tảng).

Sử chép: Giáp Ngọ, Hưng Long năm thứ 2 [1294], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 31). Mùa xuân tháng 2, ngày mồng 7 ban bố các chữ quốc huý: chữ huý của vua là Thuyên, của Nhân Tông là Khâm, của Thánh Tông là Hoảng; của Thái Tông là Cảnh, của Thái Tổ là Thừa, của Nguyên Tổ là Lý; các chữ nội huý: Thánh Từ hoàng hậu là Phong, Thuận Từ hoàng hậu là Diệu, Hiển Từ hoàng hậu là Oanh, Nguyên Thánh hoàng hậu là Hâm.

Kỷ Hợi, [Hưng Long] năm thứ 7 [1299], (Nguyên Đại Đức năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 4, ngày 12, xuống chiếu cấm chữ huý của Khâm Minh Đại Vương và Thiện Đạo quốc mẫu (Khâm Minh tên huý là Liễu, Thiện Đạo tên huý là Nguyệt; Thiện Đạo là phu nhân của Liễu) khi làm văn không được dùng. Các các chữ Nguỵ, Thấp, Nam, Càn, Tô, Tuấn, Anh, Tảng khi làm văn phải viết bớt nét.

ANH TÚ
https://motthegioi.vn/gia...hoa-dang-khong-96793.html
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHÀ LÊ BUỘC
HỌ TRẤN ĐỔI QUA HỌ TRÌNH
KHÔI PHỤC HỌ LÝ


Trong phần trước, chúng tôi có phân tích việc nhà Trần sau khi lên ngôi đã ép người họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn với lý do kiêng huý vì ông nội của Thái Tông Trần Cảnh là Trần Lý. Theo Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vì nguyên tổ huý Lý, cho nên đổi họ Lý làm họ Nguyễn, vả lại để tuyệt lòng mong mỏi của người dân đối với nhà Lý”.

Chữ Lý phải mãi đến khi nhà Trần mất, nhà Lê lên thì mới được khôi phục lại cho dùng. Cụ thể là “Mùa đông (1428), tháng 10, ngày 11, có lệnh thôi kiêng huý chữ “Nguyễn”. Theo giải thích là quy định dùng chữ Nguyễn dùng thay thế chữ Lý theo lệnh kiêng huý của Trần Thái Tông năm 1226 đến 1428 thì chính thức bị bãi bỏ. Chỉ có điều sau 200 năm là quá dài, nhiều người họ Lý chuyển sang họ Nguyễn cũng không cải về họ cũ.

Chữ Lý được khôi phục, không phải kiêng kỵ nữa nhưng đến lượt chữ Trần phải chịu trả giá. Nếu 1226, Trần Thái Tông ban lệnh kiêng huý chữ Lý để nhân tâm quên họ Lý thì 2 thế kỷ sau, nhà Lê lại làm theo y chang cách của nhà Trần để nhân tâm khỏi nhớ họ Trần.

Sau khi giải quyết xong Trần Cảo hồi đầu năm 1428, Lê Lợi lên ngôi ở Đông Kinh vào ngày 15.4, đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Thuận Thiên (tức là theo ý trời) và đến ngày 20 thì đã công bố chữ huý. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Ngày 20, ban các chữ huý tông miếu và chữ huý tên vua. Tất cả các chữ huý chính khi viết đều không được dùng, nếu đồng âm mà khác chữ thì không phải huý. Huý Tông miếu có 5 chữ: Hiển Tổ Chiêu Đức Hoàng Đế huý là Đinh, Hiển Tổ Tỷ Gia Thục Hoàng Thái Hậu huý là Quách, Tuyên Tổ Hiến Văn Hoàng Đế huý là Khoáng, Trinh Từ Ý Văn Hoàng Thái Hậu huý là Thương, huý của vua là Lợi, của hoàng hậu là Trần, của anh vua là Học.

Trong số 5 chữ huý này thì thật “trùng hợp” là có chữ Trần vì cớ là huý của hoàng hậu. Nhưng nếu xét kỹ lại thì Lê Lợi vốn không lập chính thất mà chỉ lập mấy người làm phi như Trịnh thần phi, Phạm huệ phi và Phạm hiền phi (tức Phạm thị Ngọc Trần). Bà Ngọc Trần vốn qua đời khi Lê Lợi còn chưa lên ngôi và trong bố cáo thiên hạ truy tôn tổ tiên trước khi lên ngôi cũng không thấy truy tôn bà Ngọc Trần. Cụ thể: cuối tháng 3 (1428), Truy tôn thuỵ hiệu từ khảo tỷ trở lên. Tổ khảo Đinh làm Chiêu Đức Hoàng Đế, bà là Nguyễn Thị Quách làm Gia Thục hoàng hậu, cha là Khoáng làm Tuyên Tổ Hoàng Đế, mẹ là Trịnh Thị Thương làm Ý Văn hoàng hậu.

Phải mãi sau này khi con của bà Ngọc Trần là Lê Nguyên Long (tức Lê Thái Tông) lên ngôi thì bà mới được truy phong là Cung Từ hoàng thái hậu. Vấn đề tại sao khi Lê Lợi vừa lên ngôi đã vội cho một người vợ qua đời là Phạm hiền phi được kiêng huý trong khi không làm vậy với Trịnh thần phi, Phạm huệ phi khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Phải chăng Lê Lợi học lại chiêu của nhà Trần 200 năm trước khi kiêng huý chữ Lý?

Đến thời Lê Thánh Tông, tức là vua thứ 4 nhà Lê (sau Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông) thì tiếp tục ban thêm một chiếu chỉ cụ thể hơn có ý buộc người nhà Trần phải đổi họ. Năm 1465, Thánh Tông Lê Tư Thành lên ngôi và tháng 8 năm đó, vua hạ chiếu: Đổi tên những họ nào đã phạm vào chữ huý của Cung từ hoàng thái hậu. Sử quan nhà Nguyễn giải thích trong Khâm định việt sử thông giám cương mục: “Nhà vua lấy cớ rằng: Cung từ hoàng thái hậu họ Phạm, tên huý là Ngọc Trần, nên yết thị cho trong kinh thành, ngoài các đạo, phàm nơi nào có họ “Trần” đổi chép làm chữ “Trình”.

Tuy nhiên, việc đổi họ này có vẻ không làm mạnh tay. Chính vì vậy, trong năm đó có một người họ Trần ra đời là Trần Sùng Dĩnh. 22 năm sau, Trần Sùng Dĩnh là người đỗ trạng nguyên cũng dưới thời Lê Thánh Tông. Nếu bảo người họ Trần đều phải đổi sang họ Trình dưới thời Lê Thánh Tông thì sao lại còn Trần Sùng Dĩnh đỗ Trạng nguyên. Rồi sau đó, năm 1526, dưới thời Lê Cung Hoàng lại có thêm Trạng nguyên Trần Tất Văn.

Chưa hết, cuối thời Hậu Lê còn có Trần Chân là trụ cột triều đình. Năm 1516, sau khi dẹp yên Trần Cảo thì binh quyền trong tay Trần Chân rất lớn đến mức dân gian còn lưu truyền câu sấm rằng: “Trần hữu nhất nhân, vì thiên hạ quân, thỏ đầu hổ vĩ, tế thế an dân”, nghĩa là: “Họ Trần có một người, làm vua thiên hạ, đầu thỏ đuôi hùm, giúp đời yên dân”. Cứ thế mà suy ra thì ngay thời Hậu Lê dù có lệnh kiêng huý của Thái Tổ rồi Thánh Tông nhưng người họ Trần vẫn rất đông và thành đạt.

Hơn nữa, chúng ta cũng không thấy dấu hiệu nào cho thấy người họ Trần đổi sang họ Trình ồ ạt vì tỷ lệ người họ Trình (không phải họ Trịnh) trong mặt bằng các dòng họ hiện giờ khá hiếm. Những người Trình nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta thời xưa là Trình An Tể, Trình Minh lại thuộc thời nhà Đinh, khá xa so với thời Lê.

Có thể tin rằng việc kỵ huý chữ Trần của Lê Thái Tổ hay buộc đổi họ Trần sang Trình của Lê Thánh Tông chỉ là động tác chính trị nhằm để “nhắc nhở” những người có ý khôi phục triều cũ rằng giờ đã là triều đại mới. Vì là “nhắc nhở” nên không cần làm quá quyết liệt như cách nhà Trần trong việc cải họ Lý trước đây.
____________________________________

Chuyện về Cung từ hoàng thái hậu Phạm thị Ngọc Trần

Phạm Thị Ngọc Trần người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương (huyện Thọ Xuân ngày nay), Thanh Hoá. Bà là em gái tướng quân Phạm Vận, người sau này trở thành đại thần nhà Hậu Lê.

Ngày 20.11 năm Quý Mão (1423), năm thứ sáu của cuộc khởi nghĩa, bà sinh ra Lê Nguyên Long. Lúc này, Lê Lợi chống chọi với quân Minh rất kịch liệt, phải di chuyển luôn, bà theo hầu rất gian khổ.

Năm Ất Tỵ (1425), Lê Lợi vây thành Nghệ An, khi đến thành Triều Khẩu ở Hưng Nguyên, có đền thờ thần Phổ Hộ, ông nằm mộng thấy một vị thần đến xin một người thiếp và hứa sẽ phù hộ cho Lê Lợi đập tan quân nhà Minh. Lê Lợi bèn đem chuyện này ra nói với các bà phi của mình, nói rằng: “Có ai chịu làm vợ thần không ? Sau này khi ta lấy được nước sẽ lập con người ấy làm thiên tử”. Ai cũng đắn đo, duy chỉ có bà khẳng khái quỳ xuống nói rằng: “Nếu minh công giữ lời hứa, thì thiếp nguyện xả thân. Ngày sau làm nên nghiệp lớn chớ phụ con của thiếp”.

Lê Lợi khen ngợi và thương xót, nói với bề tôi, hẹn ngày dâng tế lễ. Lúc đó, Nguyên Long chỉ vừa 3 tuổi, bà đưa cho người hầu cận nuôi nấng và đi theo dàn tế lễ, bà gieo mình chết, đó là ngày 24.3.

Khi Lê Lợi bình định được quân Minh, ông nói với quần thần: “Bà ấy đáng làm chúa cả trăm vị thần của nước ta, không ai dám trái”. bèn sau đó sai người ở động Nhân Trầm là Lê Cối rước quan tài về táng ở Thanh Hoá. Đi đến xã Thịnh Mỹ thì trời tối, chưa kịp qua sông bèn ngủ trọ ở chợ. Đến đêm mối đùn lên quanh quan tài một đống rất cao, biến thành nấm mồ. Sứ giả thấy lạ, trở về tâu Lê Lợi, ông bèn nói: “Đó là vị thần đã làm theo lời hẹn”, nói rồi sai bảo cứ để quan tài ở đó, xây dựng điện Hiến Nhân để thờ, đồng thời lập miếu, đặt thần chủ ở Lam Kinh để cúng tế

Bấy giờ, Thái Tổ Lê Lợi lại lập con trưởng là Quận vương Lê Tư Tề làm giám quốc, lo triều chính mà quên mất Lê Nguyên Long. Một hôm giữa trưa, Cao Hoàng nằm ngủ chợt mộng thấy Hoàng hậu oán trách rằng: “Đức hoàng phụ công của thiếp; từ hồi mới khởi binh dẹp loạn, đã đem thiếp cho vị thần. Nay được thiên hạ rồi mà ơn thánh chẳng được hưởng”, rồi tan biến.

Thái Tổ hoảng hồn tỉnh dậy, lòng bồi hồi xúc cảm, bèn lập Nguyên Long làm con đích trưởng, cho nối ngôi. Bấy giờ, Quận vương tuy làm giám quốc nhưng bị người chống đối hãm hại, nói rằng quận vương mắc bệnh điên, lại dựng nhiều chuyện làm trái ý hoàng đế. Thái Tổ buồn bực không thôi, nên có ý phế truất mà còn do dự, nay Hoàng hậu về báo mộng, nên mới có lệnh ấy
Năm 1433, Thái Tổ băng hà, Lê Nguyên Long lên ngôi, tức Thái Tông hoàng đế. Lòng bồi hồi nhớ về người mẹ quá cố, nên Thái Tông truy phong làm Cung Từ Quốc thái mẫu.

ANH TÚ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐỔI TIỀN Ở VIỆT NAM:
TRUYỀN THÔNG VÀ ĐỜI THỰC


Ngày này 32 năm trước, 14/9/1985, nhà nước Việt Nam đã tiến hành đổi tiền trên cả nước.

Đây là lần đổi tiền thứ hai kể từ sau ngày thống nhất đất nước 1975, nhằm thực hiện một trong ba nhiệm vụ quan trọng của cải cách giá - lương - tiền, chuyển nền kinh tế từ tập trung, quan liêu, bao cấp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa mà thực chất là vận hành theo qui chế thị trường.

Nhưng quan trọng hơn là để cứu nền kinh tế kế hoạch hoá bị kiệt quệ vì sản xuất đình trệ và phải duy trì hai cuộc chiến tranh với Campuchia và Trung Quốc.

Đây cũng là lần thứ hai trong đời, tôi biết đến đổi tiền.




Lần đổi tiền đầu tiên là ngày 3/5/1978 với mục đích thống nhất tiền tệ lưu hành tại hai miền Bắc, Nam.

Khi ấy, đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi được trường phân công trợ giúp một bàn đổi tiền tại Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Là sinh viên hưởng trợ cấp 18 đồng một tháng, tôi không có nổi đến 100 đồng là lượng tiền tối đa để đổi cho mỗi người độc thân theo quy định. Tuy thế, tôi nhất định không “tiếp tay” đổi hộ các gia đình bạn bè tiểu thương để kiếm chút tiền tiêu.
Hồi đó hầu hết sinh viên đều có ý nghĩ trong sáng thế.

Sau cuộc đổi tiền này, từ năm 1979 đến 1985 đời sống khó khăn cùng với lạm phát tăng cao khiến đổi tiền trở thành thông tin nhạy cảm đối với cả xã hội. Toàn dân luôn trong tư thế thấp thỏm nghe ngóng mỗi khi có tin đồn thổi “đổi tiền”.




Bí mật và tin đồn

Đổi tiền là chủ trương có tác động rất lớn lên đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, cuộc đổi tiền lần thứ hai vào ngày 14/9/1985 được giữ bí mật đến phút chót với mục đích “cho bọn nhà giàu không kịp trở tay”.

Ngày 12/9/1985, báo Tuổi Trẻ vẫn đăng trên trang nhất bài viết “Bẻ gãy thủ đoạn tung tin đổi tiền của gian thương”, trong đó có nội dung “Với sự tăng cường hiệu lực của bộ máy chuyên chính vô sản, mọi hậu quả tin đồn phải được thanh toán triệt để”.

Thế nhưng chỉ hai ngày sau, sáng sớm 14/09/1985, hệ thống phát thanh, truyền hình và báo chí trong cả nước bất ngờ đưa tin thời sự nóng hổi “Đổi Tiền”.

Lần đổi tiền này, tuy chỉ là công chức nghèo nhưng tôi cũng trở thành nạn nhân cùng với “đối tượng bị tước đoạt” là giới giàu có tiểu thương và tư sản.

Càng gần đến ngày N, tin đồn đổi tiền càng lan rộng, thậm chí công khai khiến nhiều người hoang mang lo lắng. Nhưng những bài viết, bài phát biểu phủ nhận trên báo chí, truyền hình đã củng cố lòng tin cho tôi.

Ngày 13/9/1985, tôi bay vào thành phố Hồ Chí Minh trong một chuyến công tác định trước với số tiền mang theo tương đương một tháng lương. Tôi ở nhà khách của Văn phòng 2 Tổng cục Thống kê tại 40E Ngô Đức Kế, cửa sổ phòng ngủ quay ra đường Nguyễn Huệ.

Sáng sớm hôm sau, đang ngủ sâu, bỗng nhiên tôi nghe ngoài cửa sổ vang lên tiếng loa truyền thanh loan báo thông tin đổi tiền. Tôi bừng tỉnh, lo lắng. Ơ! Sao mới bảo “Đập tan thủ đoạn tung tin đồn thất thiệt” cơ mà.

Cả thành phố như thức dậy theo, ngơ ngác, hoảng loạn.



“Nạn nhân”

Lắng nghe thông báo hướng dẫn qua loa truyền thanh, không kịp ăn sáng, tôi vội lao ra bàn đổi tiền xế bên cổng chợ Bến Thành. Ở đó đã có đám đông hàng trăm người xếp không ra hàng ra lối, ồn ào nhốn nháo đang chầu chực sẵn.

Vừa đến giờ mở cửa, ai cũng cố ào ạt xông lên để chen bằng được vào bên trong hàng rào sắt. Dưới ánh nắng, trong cái nóng nhễ nhại mồ hôi, người đổ đến bàn đổi tiền càng ngày càng đông.

Chen chúc một lúc, tôi bị bật ra vòng ngoài.

Quay sang, tôi thấy vợ chồng nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng Tr. G. đang đứng bên cạnh. Nhìn đám đông một lúc lâu, họ ngao ngán lắc đầu rồi lững thững bỏ đi.
Chờ đến giữa trưa, thấy đám đông không hề thuyên giảm, với cái bụng đói meo tôi đành bỏ về nhà khách. Trong túi tôi lúc đó chỉ có cuộn tiền cũ không còn giá trị lưu hành.

Chưa tìm ra cách đổi được tiền cũ sang tiền mới, tôi đành ngồi nghĩ kế cứu đói cho mình trước tiên.

Chợt nhớ ra loa truyền thanh buổi sáng hướng dẫn, tiền lẻ mệnh giá thấp vẫn có giá trị trao đổi, tôi tìm trong ví được số tiền lẻ đủ mua một bữa ăn đạm bạc.

Hôm sau, vẫn chưa đổi được tiền, tôi tìm đến nhà người bạn để ăn chạc bữa trưa. Bạn tôi dân thành phố, tuy thổ công nhưng cũng không đổi được tiền. May là khi mở các ngăn kéo trong phòng riêng, bạn tôi tìm được khá nhiều tiền lẻ, đủ nuôi hai người đến khi đổi được tiền mới.



Đổi tiền hay tước đoạt tiền có tổ chức?

Như đã nói, Nhà nước Việt Nam tổ chức đổi tiền lần 2 mục đích là chuyển nền kinh tế sang hạch toán kinh doanh “vận hành theo quy chế thị trường” và để trang trải cho những khó khăn của nền kinh tế.

Với qui định tiền đang lưu hành phải nộp lại trong vòng 3-5 ngày với tỷ lệ 1 đồng mới ăn 10 đồng cũ và số lượng bị hạn chế như sau: Mỗi gia đình chỉ được đổi 20.000 đồng cũ lấy 2.000 đồng mới; mỗi người độc thân chỉ được đổi 15.000 đồng cũ lấy 1.500 đồng mới; mỗi hộ kinh doanh công thương nghiệp chỉ được đổi 50.000 đồng cũ lấy 5.000 đồng mới, thì bản chất cuộc đổi tiền năm 1985 không khác gì nhà nước thi hành chính sách cướp tiền dân.

Thế nhưng, y như không khí ngày đổi tiền, đời sống kinh tế xã hội Việt Nam những năm sau đổi tiền rơi vào hỗn loạn với mức lạm phát cao tới ba con số: năm 1986 là 774% năm 1987 là 323% năm 1988 là 393%.

Với mức gia tăng lạm phát như trên, chỉ trong ba năm từ 1986 đến 1988, trước khi tôi đi du học Ba Lan, giá cả hàng hoá và dịch vụ ở Việt Nam đã tăng gần 100 lần.

Tôi còn nhớ rõ, cái xe máy Simson S50 anh tôi dành dụm tiền mua được trong thời gian du học Đông Đức, đem về bán trước đổi tiền năm 1985, má tôi gửi vào tiết kiệm, đến năm 1990 rút ra số tiền không mua nổi một chiếc lốp xe đạp.

Đổi tiền rồi phát hành tiền vô tội vạ khiến lạm phát gia tăng ở mức cao là đỉnh cao nghệ thuật nhà nước tước đoạt tiền của nhân dân.

TRẦN QUỐC QUÂN
[Warsaw, Ba Lan]
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHÓM BIÊN SOẠN
GẠC MA – VÒNG TRÒN BẤT TỬ
PHẢN ĐỐI SỰ QUY CHỤP CHÍNH TRỊ


- Thưa ông Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn,
- Ông Nguyễn Chí Hiếu, Tổng Biên Tập Tuần báo Văn Nghệ.
V/v: Về bài báo Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn vu khống tác phẩm “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” đăng trên báo Văn Nghệ 16/8/2018.

Chúng tôi đại diện tập thể ban biên soạn cuốn sách “Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử” thuộc Công ty Văn hoá Sáng tạo Trí Việt - First News, gồm: Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, Thiếu tướng Lê Mã Lương, nhà sử học Dương Trung Quốc, nguyên Vụ trưởng Ban Tuyên giáo TW phía Nam - Đào Văn Lừng cùng 68 nhà báo và các Cựu chiến binh Gạc Ma đã tham gia thực hiện cuốn sách.

Sau khi đọc bài báo “Hãy thu hồi và tiêu huỷ cuốn sách” của tác giả: Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, đăng trên Tuần báo Văn nghệ TP.HCM ngày 16-8-2018, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng, bất bình và bức xúc trước những lời lẽ vu khống, cáo buộc nặng nề thiếu căn cứ và những yêu cầu cực kỳ vô lý, trái sự thật và pháp luật của tác giả, kéo theo hàng loạt tranh luận nhiều chiều trên các diễn đàn và mạng xã hội, vì vậy chúng tôi chính thức yêu cầu Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và ông Tổng Biên tập phải cải chính, xin lỗi bằng văn bản và đăng trên Tuần báo Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh trong số báo kế tiếp.

VỀ NHỮNG CÁO BUỘC TRONG BÀI BÁO:

Chúng tôi trước hết là những người Việt Nam yêu quê hương đất nước, đã tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, những trí thức, nhà báo quan tâm đến lịch sử dân tộc, đau đáu số phận những người lính hy sinh vì biển đảo quê hương, là những người làm sách tận sức tìm kiếm bản thảo, đã xuất bản trên 2.800 cuốn sách có giá trị nhân văn trong suốt 24 năm, mang đến những tri thức của nhân loại, sự thật và cảm hứng yêu nước – yêu đời – yêu đồng bào, cho người đọc Việt Nam.“Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử” là một cuốn sách mang ý nghĩa thiêng liêng, hoàn toàn bất vụ lợi, đã được đầu tư nhiều nhất về thời gian – tâm lực – nhân lực – vật lực của First News - Trí Việt, với mong muốn đưa đến bạn đọc một sự thật lịch sử đã nhiều năm ít được nhắc đến, qua đó khơi dậy lòng yêu nước và quyết tâm giữ nước.

Hơn bốn năm, hàng chục lần chỉnh lý - bổ sung bản thảo, hàng chục chuyến đi khắp đất nước để tìm kiếm, gặp gỡ các nhân chứng, sưu tầm tư liệu… tất nhiên vẫn chưa đủ. Khi quyết định xuất bản sách vì không thể chờ đợi lâu hơn, chúng tôi ghi ở lời nói đầu và ở trang đầu: “First News - Trí Việt rất mong nhận được sự góp ý của quý bạn đọc để chúng tôi tiếp tục bổ sung, chỉnh lý trong những lần tái bản sau…”.

Sách ra mắt, phản hồi của người đọc đổ về lập tức theo nhiều chiều. Chúng tôi trân trọng và tiếp thu tất cả. Một số sai sót mang tính kỹ thuật đã được khắc phục ngay bằng cách in bản đính chính, kèm lời xin lỗi bạn đọc. Bản thảo hiện cũng đang được chúng tôi tiếp tục chỉnh lý kỹ và bổ sung thêm đầy đủ trước khi tái bản.

Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy thực sự bị tổn thương và xúc phạm nghiêm trọng bởi những lời lẽ vu khống, qui kết nặng nề, vô căn cứ trong bài báo: “... những kẻ đang thực hiện âm mưu xét lại lịch sử, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ quân đội và xúc phạm vai trò lãnh đạo của Đảng…”; “...những ai xúc phạm anh hùng liệt sĩ, xúc phạm sự hy sinh cống hiến của cán bộ chiến sĩ quân đội, xúc phạm Quân đội, Đảng đều phải được xử lý…”; “...sai sót này là cực kỳ nghiêm trọng, có hệ thống, nằm trong âm mưu xét lại lịch sử, nhằm làm suy yếu chế độ, phân hoá nội bộ Đảng, tiếp tay cho âm mưu “bài Trung, phò Mỹ, lật sử, dựng cờ vàng, thay chế độ” của các thế lực thù địch, tiến hành “diễn biến hoà bình” chống phá chế độ ta”... Vì vậy, chúng tôi buộc phải lên tiếng chính thức yêu cầu tác giả Nguyễn Thanh Tuấn cùng báo Văn Nghệ phải cải chính, xin lỗi trên báo Văn Nghệ.



NHỮNG DẪN CHỨNG CỤ THỂ:

- Bài báo viết: “Với tư cách là người theo dõi, chỉ đạo cơ quan thẩm định bản thảo cuốn sách này khi còn trên cương vị Cục trưởng Cục Tuyên huấn/ Tổng cục Chính trị/ QĐND VN, tôi đã yêu cầu NXB Quân đội nhân dân buộc tác giả phải biên tập lại, sửa đổi và cắt bỏ những nội dung chưa đủ cơ sở và sai sự thật mà nếu để nó thì hậu quả hết sức to lớn, ảnh hưởng xấu đến Quân đội, Đảng và Nhà nước ta, là cơ sở để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội. Thế nhưng, tác giả đã không biên tập lại, không sửa chữa những tư liệu không có cơ sở kết luận, đặc biệt không cắt bỏ những nội dung sai sự thật…”.

- First News - Trí Việt xin khẳng định: Sau khi gửi bản thảo ban đầu đến một số NXB mà không nhận được phản hồi cũng như góp ý, chúng tôi đã gửi bản thảo đến NXB QĐND vào tháng 8-2015. (Cục trưởng Cục xuất bản Chu Hoà đã chỉ đạo bằng văn bản: “Đây là NXB đúng chức năng nhất đối với bản thảo”). Đích thân Thiếu tướng Lê Mã Lương đã mang bản thảo đến NXB QĐND. Hơn nửa năm chờ đợi, chúng tôi không nhận được bất cứ một phản hồi nào về chất lượng bản thảo hay nội dung như bài báo viết. Thiếu tướng Lê Mã Lương đã liên lạc tới cả Đại tướng Phùng Quang Thanh về cuốn sách, nhưng sau đó vẫn là im lặng.

Sau hơn nửa năm, NXB QĐND trả lại bản thảo mà không có bất cứ nhận xét, bút tích, văn bản gì về nội dung hay lý do không xuất bản được. Chúng tôi chỉ mới được biết đến Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn qua bài báo này.

- Bài báo nhận xét: “Về thể loại: có thể khẳng định đây là một cuốn sách tạp nham không thuộc bất cứ thể loại nào...”.

Về điều này, First News - Trí Việt xin trả lời: Khi làm sách, ban biên soạn không đặt nặng về thể loại, và cũng không có ý định áp đặt khuôn mẫu nào cho các tác phẩm. Chúng tôi ghi lại hồi ức của các cựu chiến binh, các nhân chứng lịch sử, thân nhân các liệt sĩ, phỏng vấn những người liên quan, lược ghi lại những bài báo về sự kiện, đặt hàng các bài nghiên cứu lịch sử… Tất cả nhằm phản ánh sự kiện Gạc Ma 14-3-1988 với nhiều góc chiếu, lát cắt khác nhau, soi rõ sự thật với những chiều kích lịch sử, hoàn cảnh chính trị - quân sự, con người… Trên thế giới cũng có nhiều tác phẩm nổi tiếng được viết với phong cách này.

- Bài báo cho là sai phạm, sai sự thật liên quan đến lời kể của nhân chứng Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh (nay là Trung tá - Anh hùng LLVT). Chúng tôi xin nói rõ: khi làm sách, chúng tôi ghi chép và phản ánh trung thực lời nhân chứng. Tất cả những đoạn ghi âm, ghi hình, đều có lưu giữ đầy đủ (các buổi phỏng vấn thực hiện khi chúng tôi mời tất cả các anh em CCB Gạc Ma vào TP. HCM trao đổi và làm việc tập thể (các buổi phỏng vấn không có Thiếu tướng Lê Mã Lương).

- Ngoài ra gần đây trên MXH có một clip quay cảnh một vị đeo hàm tướng phỏng vấn anh Nguyễn Văn Lanh nói chúng tôi cắt bỏ chữ “Trước”. Chúng tôi khẳng định là không bao giờ chúng tôi cắt bỏ mà ghi trung thực lời anh Lanh kể. Còn về cách hỏi Lanh trong clip đó, chúng tôi để mọi người nhận xét và bình luận.

Ngoài ra, trong cuốn lịch sử HQNDVN 1955-2015 do BTL HQ biên soạn (NXB QĐND 2015) có dành nhiều trang để phản ánh chiến dịch CQ-88. Trang 495 đã ghi rất rõ: “Ban chỉ huy tàu 604 họp nhận định tàu Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp, quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử lý, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến không nổ súng nhưng phải quyết tâm bảo vệ Gạc Ma…”.

(Theo thông tin mới nhất, NXB Văn Học đã tham khảo các cấp cùng các tài liệu lưu hành nội bộ và quyết định không thêm chữ ‘Trước’ trong bản đính chính. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần tôn trọng sự thật của NXB Văn Học).

Liên quan đến chi tiết: “ông Lê Mã Lương nhất quán từ đầu đến nay đã khẳng định: chỉ huy cao nhất của Bộ Quốc phòng ra lệnh không được nổ súng và ông còn bịa ra câu chuyện họp Bộ Chính trị, ông Nguyễn Cơ Thạch đập bàn…”, những chi tiết này đều do Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn qui kết trong bài báo - chúng tôi xác định hoàn toàn không hề có các chi tiết này xuất hiện trong cuốn sách.

Thiếu tướng Lê Mã Lương là người nhiệt tình nhận lời giúp đỡ ngay khi Trí Việt ngỏ ý thực hiện sách về Gạc Ma, không e ngại “nhạy cảm” như nhiều người có vai trò, chức vụ khác. Tuy nhiên, vì không trực tiếp ở Hải quân, ông không tham gia viết bài nào, trừ lời giới thiệu. Vai trò của ông là cấu trúc cuốn sách, giúp chúng tôi kết nối, liên hệ sưu tầm tài liệu và hỗ trợ xin GPXB cũng như động viên chúng tôi vượt khó.

- Về tên chương 4: “Sự thật không thể lãng quên” mà bài báo suy diễn rằng: “tên chương đã gợi lên một điều là từ trước đến nay những gì chúng ta tuyên truyền là chưa đúng sự thật, còn bây giờ cuốn sách này cho mình quyền bịa đặt để rồi nói rằng: lần đầu tiên chúng tôi nói ra sự thật…”.

Xin khẳng định rằng dù rất tự hào về tâm huyết của cả tập thể làm sách, chúng tôi không hề tuyên bố là người đầu tiên nói về Gạc Ma. Chúng tôi đã được đọc về Gạc Ma rải rác trên báo chí qua những bài viết mỗi dịp kỷ niệm trong vài năm gần đây. Và nỗi bức xúc thôi thúc lớn nhất để nảy ra ý tưởng làm sách là đoạn clip quay cảnh quân Trung Quốc xả súng vào vòng tròn bộ đội Việt Nam dầm mình giữa biển bảo vệ Gạc Ma do phía Trung Quốc công bố trước đó, và rầm rộ nhất vào năm 2014 khi kéo dàn khoan HD981 qua hải phận Việt Nam. Tuy nhiên cuốn sách này đúng là cuốn sách đầu tiên trình bày sự kiện Gạc Ma tập trung nhất. Ngoài Gạc Ma, sách còn phản ánh chiến công quả cảm của Hải quân VN trong việc giữ vững đảo Cô Lin, Len Đao.

Và đây là cuốn sách đầu tập trung vào sự kiện Trung Quốc thảm sát 64 người lính Việt Nam vào ngày 14/3/1988 - không phải là cuốn sách kể về các chiến công của Hải Quân cũng như công binh Việt Nam, nên chúng tôi không đưa những thông tin đó vào như Thiếu tướng Hoàng Kiền lên án.

Dẫu thế thì việc sự kiện Gạc Ma đã không được nhắc đến một cách công khai trong nhiều năm vẫn là một sự thật, mà không ai có thể thấu hiểu sâu sắc và minh chứng điều này một cách thuyết phục bằng thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma. Chúng tôi cũng có các nhân chứng, câu chuyện, sự kiện minh chứng cho điều này. Nhiều năm sau đó và kể cả bây giờ, gần đến 14-3, đăng gì, viết gì về Gạc Ma vẫn là chuyện phải cân nhắc rất nhiều trong truyền thông, báo chí. Sự kiện lịch sử tại Gạc Ma vẫn chưa được đưa vào SGK để các thế hệ sau biết cha anh đã phải đổ máu giữ đảo, và một phần của Tổ quốc đã bị cưỡng chiếm giữa thời bình như thế nào… Chúng tôi làm sách với lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ và hy vọng góp phần minh định lịch sử, giúp bạn đọc biết rõ hơn, hiểu rõ hơn đất nước, dân tộc mình.

Với chi tiết sai sót nhầm lẫn khách quan về anh Mai Xuân Hải, chúng tôi đã nhanh chóng nhìn nhận và xin lỗi anh cùng gia đình và bạn đọc.

Trên đây là những điều chúng tôi muốn khẳng định chắc chắn lại với Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và TBT báo Văn Nghệ, là cuốn sách không hề “chứa đựng nhiều sai phạm chính trị nghiêm trọng, hoà cùng bản hoà tấu xét lại, xuyên tạc, phủ định lịch sử…”. Hơn nữa, đây là ý kiến của riêng Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và một vài người cố tình qui chụp tác phẩm này, chứ ông ta không thể tự cho mình được phép “đại diện tuyệt đại CCB VN, cán bộ chiến sĩ và đồng bào yêu nước”. Ngay từ khi ra mắt sách đến nay, bên cạnh những ý kiến góp ý chân thành, chúng tôi đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ tác phẩm này từ hàng trăm ngàn độc giả qua thư từ và mạng xã hội. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục chỉnh lý và bổ sung để “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” được hoàn thiện hơn khi tái bản.


Đôi lời với Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn:

- Thưa ông: Khi cuốn sách tâm huyết “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” của chúng tôi được xuất bản, cũng như Bộ sách 15 tập về Lịch Sử Việt Nam (của Viện Sử Học thực hiện), thì dù chưa hề đọc kỹ sách mà ông mới chỉ nghe nói về một vài chi tiết mà đã vội vã đăng đàn tấn công, thoá mạ những người làm sách, đòi thu hồi và tiêu huỷ sách, vi phạm Luật Xuất bản và luật pháp Việt Nam và gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội – nhất là giới trẻ và những người lính vốn thường tôn trọng và nghe theo những người có quân hàm cấp tướng. Chúng tôi hết sức bất bình với cách phát ngôn, vu khống, qui chụp của một vị tướng quân đội như vậy, xúc phạm nghiêm trọng danh dự và uy tín của First News – Trí Việt, tập thể những người tâm huyết đã không ngại gian truân thực hiện cuốn sách này, xem thường và không tôn trọng Nhà xuất bản cũng như Hội đồng thẩm định nhà nước, Ban Tuyên giáo TW và các cấp đã cân nhắc rất kỹ trước khi cấp giấy phép xuất bản.

- Khi NXB Fortis của Mỹ do ông James G. Zumwalt, con trai Đô Đốc Hải Quân Mỹ mua bản quyền cuốn sách này để xuất bản ở Mỹ, công bố vụ sự kiện thảm sát Gạc Ma ra thế giới để dư luận quốc tế hiểu rõ hơn chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Gạc Ma nói riêng và một số đảo ở quần đảo Trường Sa nói chung mà Trung Quốc đang chiếm đóng, bồi đắp, xây dựng căn cứ quân sự trái phép, cũng như mưu đồ độc chiếm biển Đông. (Chúng tôi chỉ giao bản thảo sau khi cùng NXB Văn Học chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện các chứng cứ, dữ liệu, và toàn bộ số tiền bán bản quyền sẽ ủng hộ cho các CCB và gia đình liệt sĩ Gạc Ma). Theo chúng tôi và đông đảo người dân Việt Nam xem đây là một việc làm rất cần thiết và có lợi cho đất nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẽn lãnh thổ thì ông lại cho rằng chúng tôi đang bài Trung phò Mỹ?

- Gần đây, ngoài ra còn có hai Nhà xuất bản của Nhật Bản và Hàn Quốc liên hệ, xem xét muốn mua bản quyền cuốn sách này xuất bản bằng tiếng Nhật và tiếng Hàn để các nước trong khu vực hiểu rõ hơn về mưu đồ của Trung Quốc. Chúng tôi xem đây là những kênh chuyển thông tin hiệu quả nhất và là tín hiệu rất đáng mừng để dư luận thế giới biết và hỗ trợ Việt Nam trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

- Theo chúng tôi được biết, ông từng giữ chức vụ nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn – TCCT/QĐNDVN tại sao ông lại phản đối một cách dữ dội và cực đoan quyển sách tố cáo tội ác quân Trung Quốc đã giết hại những người lính Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như ca ngợi tinh thần xả thân vì Tổ quốc của những anh hùng liệt sĩ (ngay cả sau khi đã in đính chính) ?

- Trên tinh thần sống và làm việc theo pháp luật, Công ty Văn Hoá Sáng Tạo Trí Việt và tập thể những người thực hiện cuốn sách mong rằng Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM sẽ có hành xử đúng đắn và trách nhiệm để vụ việc này được kết thúc một cách công bằng: Chính thức công khai xin lỗi bằng văn bản và trên tờ báo Văn Nghệ đúng khổ như bài báo đã đăng - theo luật báo chí. Chúng tôi sẽ tiến hành khởi kiện Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM về tội vu khống để bảo vệ danh dự của mình nếu yêu cầu tối thiểu này không được tôn trọng và thực hiện.
Trân trọng.

CEO & Sáng lập Công ty Văn Hoá Sáng Tạo Trí Việt - First News
Thay mặt tập thể những người thực hiện
NGUYỄN VĂN PHƯỚC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHỮNG CHIẾN CÔNG HIỂN HÁCH
NĂM HỢI
TRONG SỬ VIỆT


Vào năm Kỷ Hợi cách đây tròn 18 vòng hoa giáp, tức năm 939, đánh dấu mốc đầu tiên của quá trình tự chủ của nước ta, đó là việc Ngô Quyền xưng vương.

Bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển V, chép: “Kỷ Hợi, (939), mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục”.

Toàn thư cũng viết về tiểu sử vua Ngô Quyền: “Vua họ Ngô, tên huý là Quyền, người Đường Lâm (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội), đời đời là nhà quý tộc. Cha là Mân làm chức châu mục ở bản châu. Khi vua mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, trạng mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền. Đến khi lớn lên, khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc; làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ gả con gái và cho quyền quản Ái Châu. Đến đây giết Kiều Công Tiễn, tự lập làm vương, đóng đô ở Loa Thành”.

Sang thời Tiền Lê, vào năm Kỷ Hợi – 999, vua Lê Hoàn cũng lập nên chiến công khi đánh dẹp 49 động ở vùng núi giáp Lào. Toàn thư viết: “Vua thân đi đánh Hà Động (tức động Hà Man, thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá), tất cả 49 động và phá được động Nhật Tắc, châu Định Biên. Từ đó các châu động điều quy phục”.

Theo sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, có ghi mỏ vàng ở Định Biên, tỉnh Cao Bằng, nên đời sau suy luận châu Định Biên mà Toàn thư chép là ở vùng này. Bản dịch cũ sách Toàn thư thì cho rằng châu Định Biên cũng ở vùng thượng du Thanh Hoá.

Sang thời Lý, vào đời Lý Thánh Tông, năm Kỷ Hợi - 1059, quân nhà Lý đã có trận đánh sang châu Khâm (Quảng Tây, Trung Quốc) của nhà Tống. Toàn thư viết: “Mùa xuân, tháng 3, đánh Khâm Châu nước Tống, khoe binh uy rồi về, vì ghét nhà Tống phản phúc”.

Dù Toàn thư ghi chép sơ lược, thì sử sách sau này có giải thích, nguyên nhân của chiến dịch này là do sự thù địch của viên quan Tri châu tên là Tiêu Chú đối với Đại Việt. Tiêu Chú thường xuyên cho người chiêu dụ những tù trưởng biên giới nước ta bỏ Việt theo Tống, ngầm ngầm nuôi bọn du đãng để chống phá Đại Việt và thường dâng thư về triều Tống khuyên gây chiến.

Đến đời Trần, sau hai lần đem quân sang đánh Đại Việt thất bại vào các năm 1258 và 1285, đến mùa Xuân năm Đinh Hợi – 1287, nhà Nguyên đã kén lấy 7 vạn quân, 500 chiếc thuyền, 6 nghìn quân Vân Nam, và 1,5 vạn quân ở 4 châu khác sang xâm lược Đại Việt.

Tuy nhiên, ngay từ trước khi quân Nguyên mới vào xâm lấn, Hưng Đạo vương đã nói một câu tiên tri “Năm nay đánh giặc nhàn”. Và dưới tài điều binh khiển tướng của Vương và hai vua Trần, quân và dân Đại Việt đã khéo léo vận dụng chiến thuật tránh mạnh đánh yếu để giáng cho quân Nguyên những đòn đau tan tác.

Chiến thắng Vân Đồn cuối năm 1287 của Trần Khánh Dư đã tạo tiền đề cho chiến thắng Bạch Đằng diễn ra vào mùa xuân năm sau, đuổi quân Nguyên về nước.

Tháng 12 năm Đinh Hợi – 1287, đã diễn ra trận Vân Đồn nổi tiếng, tướng Trần Khánh Dư đã tiêu diệt gọn đoàn thuyền lương của quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy, bắt được quân lương khí giới, binh lính của giặc nhiều không kể xiết. Trận thắng này đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến, khiến quân Nguyên thiếu lương thực đã phải tìm cách rút lui rồi bị Hưng Đạo vương đánh gục hoàn toàn trong trận Bạch Đằng tháng 3 năm sau, năm 1288.

Năm Tân Hợi – 1311, vào cuối năm, đời vua Trần Anh Tông, nhà vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Toàn thư chỉ ghi nguyên nhân “vì chúa nước ấy là Chế Chí phản trắc”. Bộ sử triều Nguyễn Khâm Định việt sử thông giám cương mục viết chi tiết hơn: “Huệ Võ vương Trần Quốc Trấn dẫn quân đi đường núi, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đi đường biển, còn nhà vua tiến quân theo đường bộ, ba đạo quân cùng tiến, cử Đoàn Nhữ Hài làm chức Chiêu dụ sứ đi trước”.

Trong chiến dịch đó, vào tháng 5 năm sau, quân Trần đã bắt được Chế Chí đem về An Nam, phong cho em là Chế Đà A Bà làm vua Chiêm Thành.

Qua thời Lê, một sự kiện quan trọng diễn ra trong năm 1419, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mới bước sang năm thứ hai. Tháng 4 năm đó, quân khởi nghĩa của Bình Định vương Lê Lợi thắng trận đánh đồn Nga Lạc ở huyện Nga Sơn, Thanh Hoá hiện nay, bắt được chỉ huy quân Minh là Nguyễn Sao đem chém.

Tuy nhiên sau đó, quân Minh phản công, nghĩa quân Lam Sơn quân ít không địch lại phải rút về ẩn náu ở núi Chí Linh tại vùng Lang Chánh, Thanh Hoá. Bị giặc vây kín, Bình Định vương hỏi các bầy tôi: “Bây giờ ai có thể làm như Kỷ Tín xưa, để ta ẩn náu trong rừng núi, mưu tính cử sự về sau?”. Trong các tướng chẳng ai dám đáp ứng cả, riêng có Lê Lai khảng khái xin vâng, tình nguyện khoác áo của Bình Định vương để dẫn quân ra khiêu chiến.

Quân Minh bao vây, bắt được Lê Lai, giết chết ông rồi rút về thành Tây Đô. Nhờ đó, Bình Định vương dẫn quân thoát được vòng vây và có thời gian tuyển mộ, huấn luyện quân sỹ, để sau đó đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi. Sau khi lên ngôi, xét công lao của Lê Lai, Lê Thái Tổ truy phong ông là Công thần hạng nhất, trọng dụng con cháu, lại lệnh cho hậu duệ muôn đời thờ cúng Lê Lai.

Đến đời Lê Thánh Tông, năm Kỷ Hợi - 1479, có tù trưởng xứ Bồn Man làm phản, xui người Lão Qua đem quân quấy nhiễu miền Tây nước ta. Vua Thánh Tông sai quan Thái uý Lê Thọ Vực, cùng với các tướng Công Lộ, Lê Đình Ngạn, Lê Lộng và Lê Nhân Hiếu đem 5 đạo quân từ Nghệ An, Thanh Hoá sang đánh đuổi quân Lão Qua đến biên giới Miến Điện, quân ta toàn thắng.

LÊ TIÊN LONG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHỮNG NGHI VẤN VỀ
TRIỀU ĐẠI QUANG TRUNG -[1]


Ðầu thế kỷ thứ XX, lịch sử Việt Nam có một bước ngoặt lớn. Lần đầu tiên, một bộ quốc sử với tên là Việt Nam Sử lược [VNSL] của nhà giáo Trần Trọng Kim, được biên soạn tương đối khoa học, tuy ngắn gọn nhưng đến nay nhiều nhà nghiên cứu vẫn đánh giá là một bộ sách có giá trị “qua thử thách của thời gian và sự mến mộ của độc giả” (1). Ngoài nội dung tuy giản lược nhưng khá đầy đủ, Lệ Thần Trần Trọng Kim lại có thêm những phần nghị luận khúc chiết, đưa ra được những lập trường minh bạch đi ngược hẳn với chủ trương của triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ, có thể nói là một cuộc cách mạng trong tư tưởng học thuật.

Mở đầu chương XI viết về “Nhà Nguyễn Tây-Sơn”, tác giả đã dành ra hai trang phân tích về lẽ “chính thống” và “nguỵ triều” để bác bỏ quan niệm trong hơn 100 năm qua lúc nào cũng coi Tây Sơn là một bọn giặc, chỉ vì cái tội đã chống lại chúa Nguyễn. Ðoạn mở đầu đó vẫn được coi như lời biện hộ đanh thép mà hầu hết những người đọc sử đều chấp nhận.

Thế nhưng tổng kết lại trong gần 40 trang viết về triều đại Tây Sơn không phải không có những khuyết điểm. Tác giả VNSL đã sử dụng lẫn lộn chính sử và dã sử, kể cả tiểu thuyết với nhiều chi tiết không được kiểm chứng tạo thành một nếp suy nghĩ rất khó gột rửa cho người đi sau. Theo chân Lệ Thần Trần Trọng Kim, những tác giả nghiên cứu về thời đại Tây Sơn cho tới nay vẫn không tách rời văn bản ngoại sử ra khỏi tài liệu nghiên cứu.

Với kinh nghiệm tự thân về những nguỵ tạo và bóp méo lịch sử rất tinh vi đã chứng kiến trong vài chục năm qua, nhiều chi tiết trong tài liệu của triều Nguyễn viết về đối phương cần đặt vào khu vực “tồn nghi” phải đối chiếu kỹ lưỡng trước khi sử dụng. Ðó là lý do chủ yếu đưa tới những suy nghĩ trong bài viết này.

Tên vua Quang Trung là gì?

Theo sử, tên ông là Nguyễn Huệ hay Nguyễn Văn Huệ [Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện (LT) XXX, tr. 17a], khi xin phong vương thì đổi tên là Nguyễn Quang Bình {LT XXX, 37b]. Ðến gần đây, nhiều người lại cho rằng ông còn có những tên tục khác như Hồ Thơm, chú Ba Thơm … Những chi tiết đó không có chứng cớ gì chắc chắn.
Người Việt Nam thường không chỉ có một tên nhất định mà có tên gọi hàng ngày nôm na và tên chữ để ghi trên giấy tờ. Nhiều người vì lý do thi cử hay chính trị cũng đổi tên, đổi họ khiến người không quen chẳng còn biết đâu là tên thật, đâu là bí danh. Việc Nguyễn Huệ đổi tên thành Nguyễn Quang Bình khi giao thiệp với nhà Thanh được sao chép theo sử triều Nguyễn một cách máy móc. Có người còn cho rằng đây chỉ là tên giả theo thông lệ của các đời vua trước khi liên lạc với Trung Hoa.
Thực ra tên Nguyễn Quang Bình hay Nguyễn Văn Bình đã xuất hiện ở những tài liệu có cơ sở trước khi Nguyễn Huệ xin phong vương:

1-
Theo Phủ Biên Tạp Lục do Lê Quí Ðôn (1726-1784) soạn năm Cảnh Hưng 37 (1776) thì “Việp Quận công còn cho em Nguyễn Văn Nhạc là Nguyễn Văn Bình (về sau là vua Quang Trung) làm chức Tướng quân Tiền phong” (2). (năm Ất Vị 1775) [Nguyên văn: 曄公復許…授其弟文平(後爲光中)爲先鋒將軍) (PBTL quyển I, tr. 49) (3). 2- Theo một tờ biểu của Nguyễn Huệ gửi lên vua Càn Long giữa năm Mậu Thân [1788] khi ông sai quan trấn thủ Văn Uyên (文淵) là Hoàng Ðình Cầu (黃廷球) và Nguyễn Ðình Liễn (阮廷璉) đem lễ vật lên tiến cống cũng đã ký tên là Nguyễn Quang Bình (阮光平) (4).

Hai tài liệu này đều được viết trước khi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, do đó chắc chắn không phải để đến khi xin cầu phong ông mới đổi tên thành Nguyễn Quang Bình.

Một chứng cớ khác cũng cần xem xét. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc, ông được vua Thái Ðức phong là Bình Vương. Trước đây các tài liệu gọi ông là Bắc Bình Vương nhưng trong các thư từ gửi Nguyễn Thiếp thì ông tự xưng là Ðại Nguyên Soái Tổng Quốc Chính Bình Vương [đại nguyên soái kiêm nhiệm quốc chính Bình Vương]. Chữ Bắc trong danh hiệu này chắc là do người ngoài thêm vào chứ không phải nguyên thuỷ trong tước vị. Cũng vì thế mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng đã nhầm, tưởng ông được phong làm Chính Bình Vương [thực ra chữ Chính là nhiệm vụ Tổng Quốc Chính – lo hết mọi việc hành chánh]. Các chúa Trịnh, chúa Nguyễn cũng dùng tước Vương một chữ là vương vị cao quí nhất. Một thông lệ đời Lê và cả đời Nguyễn sau này là các tước hiệu thường dùng tên của chính người đó chẳng hạn như Minh Vũ Hầu Vũ Ðình Minh, Hiệp Ðức Hầu Nguyễn Phúc Hiệp, Kỷ Thiện Hầu Trần Văn Kỷ… (5). Việc Nguyễn Quang Bình được phong là Bình Vương có thể cũng theo tập tục đó.

Vậy tên Huệ do đâu mà có?

Theo chúng tôi, Huệ là tên thông tục gọi hàng ngày, thuộc loại tiểu danh hay nhũ danh [tên gọi lúc còn bé] có thể thân mật nhưng không được dùng với ý nghĩa kính trọng (6). Sử nhà Nguyễn khi chép về vua Quang Trung có chủ tâm hạ thấp, từ cách gọi xách mé đến chỗ xuyên tạc (7) nên thường gọi trổng là “Huệ”. Ngược lại, nhà Tây Sơn khi gọi chúa Nguyễn không dùng Nguyễn Phúc Ánh mà là “Chủng” cũng với mục đích tương tự. Trong các văn thư của nhà Thanh khi còn đối đầu với triều đình An Nam cũng gọi là Nguyễn Huệ nhưng trong những văn thư chính thức gửi sang nhà Thanh, dù cho cấp địa phương hay triều đình thì ông đều xưng tên mình là Nguyễn Quang Bình.

Một trong những cách để kiểm chứng là xem những chữ kỵ huý. Theo Ngô Ðức Thọ, sách vở tài liệu đời Tây Sơn thường thấy kiêng các chữ Bình, chữ Phúc nhưng không kiêng chữ Huệ nên tác giả suy đoán rằng “dưới triều Tây Sơn, trong phạm vi văn thư giấy tờ dâng vua ngự lãm vẫn có quy định kiêng huý, ít nhất là đối với một số trường hợp như chữ Bình đã thấy trong sắc phong ở đền Hai Bà Trưng” (8). Ngô tiên sinh cũng phân tích rõ ràng về ba chữ Huệ, Bình và Phúc và cho rằng việc kiêng chữ Phúc là vì khi ra Thăng Long ông đã dùng con dấu “Phụng Thiên Phạt Bạo Nguyễn Phúc” (Vâng mệnh trời trừng phạt bạo chúa [họ] Nguyễn Phúc) nhằm “thể hiện ý căm ghét” mà chữ gọi là “ố ý tị huý” (9). Lý giải này cũng khiến cho chúng ta không dám tin rằng tên cha của anh em Nguyễn Nhạc là Phúc như ghi trong Liệt Truyện.

Vua Quang Trung có mấy anh em?

Theo LT, quyển XXX [tr. 1a, b] phần Nguyễn Văn Nhạc có chép:

Nguyễn Văn Nhạc là người huyện Phù Ly [nay là Phù Cát], tỉnh Qui Nhơn [nay là Bình Ðịnh]. Tổ tiên vốn là người ở Hưng Nguyên, Nghệ An. Ðời Lê Thịnh Ðức (10), ông tổ bốn đời bị quan quân bắt đưa vào Qui Ninh [nay là Hoài Nhơn], ấp Nhất [Tây Sơn có hai ấp Nhất và Nhị, nay là An Khê, Cửu An hai phủ].

Cha y là Phúc, dọn sang ở ấp Kiên Thành [nay là thôn Phú Lạc, huyện Tuy Viễn], sinh được ba con trai, con trưởng là Nhạc, con thứ là Lữ, dưới nữa là Huệ làm nghề buôn trầu thường mua bán với người mọi …

Những chi tiết về thân thế, danh tính và thứ tự anh em Tây Sơn chép trong sử triều Nguyễn thường không ăn khớp với những tài liệu khác, kể cả của một số người ngoại quốc có mặt ở nước ta thời gian đó. Nói chung, những chi tiết về thân thế của Nhạc, Huệ, Lữ rất mơ hồ, khó kiểm chứng.

Trong Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược (ANKL) [tập hợp văn thư của nhà Thanh trong giao thiệp qua lại với Tây Sơn] quyển XIX, ở một tấu thư của Phúc Khang An, Tôn Sĩ Nghị, Tôn Vĩnh Thanh và Hải Lộc tâu lên vua Càn Long ngày mồng 3 tháng 5 năm Kỷ Dậu [1789] sứ thần nước ta là Nguyễn Quang Hiển khai về thân thế của mình như sau:

… Nguyễn Quang Hiển nói rằng tôi là đích trưởng điệt [cháu lớn nhất thuộc dòng chính], Nguyễn Huệ nuôi dạy như con. Cha tôi là Nguyễn Quang Hoa [阮光華] mất sớm, chú thứ hai là Quang Nhạc [光岳], hiện ở Quảng Nam, chú thứ ba là Quang Bình [光平] tức Nguyễn Huệ, chú thứ tư là Quang Thái [光泰] cũng sống ở Quảng Nam, trên núi Tây Sơn (11).

Xét theo văn bản, đây là chi tiết đầu tay quan trọng nhất do một người trong gia đình khai ra mà chúng ta có thể kiếm được, cũng phù hợp với những chi tiết khác trong ngoại sử. Tác giả Tạ Chí Ðại Trường trong một biên khảo tương đối đầy đủ về gia đình Nguyễn Nhạc cũng nêu lên những bất nhất trong sách vở về thứ bậc và nguồn gốc anh em Tây Sơn (12).

Về thân thế của mình, trong nhiều biểu văn trần tình Nguyễn Huệ khẳng định rằng không có liên hệ quân thần với nhà Lê mà chỉ có ràng buộc hôn nhân. Vua Quang Trung cũng nhắc đi nhắc lại gia đình ông đã “chín đời” vào ở đất Tây Sơn và đôi khi còn tiết lộ mình thuộc hoàng tộc Chiêm Thành, trong nhà còn giữ được quốc ấn các đời trước được phong (13).

Trong khi sử triều Nguyễn miêu tả gia đình Nguyễn Nhạc thuộc hạng bần dân, vốn là tù binh bị đi đày, còn theo những văn bản của Tây Sơn thì họ đã vào định cư ở Qui Nhơn khá lâu [chín đời tính ra cũng khoảng 200 năm] và nếu đúng thì chưa hẳn họ đã hoàn toàn thuần chủng Việt.

Một điểm đáng chú ý khác là Nguyễn Huệ luôn luôn xưng rằng mình là kẻ bạch đinh [nguyên bản bố y mà chúng ta thường dịch là áo vải, nghĩa là người dân không có quan tước, quần áo không có phẩm phục] như để phủ nhận mọi liên hệ với triều đình An Nam, dù trong nam hay ngoài bắc, xác định rằng họ đứng ngoài mọi tranh chấp quyền lực của các triều đại.

Với lời khai của Nguyễn Quang Hiển, chúng ta thấy rằng Nguyễn [Quang] Nhạc không phải là con trưởng mà còn đứng sau Nguyễn Quang Hoa. Nguyễn Quang Bình là anh của Nguyễn Quang Thái [tức Nguyễn Lữ] chứ không phải là em như ghi chép trong Liệt Truyện. Cho đến năm 1789, Nguyễn Quang Thái [Lữ] còn sống, ẩn cư trên núi Tây Sơn đúng như những gì được ghi nhận trong sách vở, nhưng ông ta chết năm nào thì không rõ.

Việc cha ông có tên là Phúc mà sau này nhiều người cho rằng gốc họ Hồ, anh em Nguyễn Nhạc đổi sang họ Nguyễn để thu phục nhân tâm, cũng không đáng tin cậy. Việc tị huý chữ Phúc đời Tây Sơn không phải vì đó là tên cha của vua mà vì lý do căm ghét.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHỮNG NGHI VẤN
VỀ TRIỀU ĐẠI QUANG TRUNG-[2]




Vua Quang Trung lên ngôi lúc nào?

Từ trước đến nay, sử nước ta vẫn cho rằng Nguyễn Huệ lên ngôi để cho “chính vị”. Lý do đó hàm ý bản tâm ông không (hay chưa) muốn lên ngôi nhưng đành phải miễn cưỡng vì nhu cầu quân sự và chính trị. Việc vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế để danh chính ngôn thuận ra đánh quân Thanh được chấp nhận như một “lý sở đương nhiên”, không ai dị nghị mặc dù một số tác giả có đặt câu hỏi về ngày giờ chính xác ông đăng quang ở núi Bân.

Thực ra, Nguyễn Huệ không phải không muốn lên ngôi mà ông đã có ý tự lập ngay từ khi đem quân ra Bắc Hà lần thứ hai vào tháng 5 năm 1788. Cũng vào thời gian này, ông gặp Ngô Thì Nhậm và người bầy tôi mới lập tức khuyên ông lên ngôi hoàng đế đồng thời chủ trì việc đi “xin chữ ký” để suy tôn ông cho hợp cách.

Sau ba bức thư “suy tôn” [do Ngô Thì Nhậm soạn] (chưa kể một chiếu trưng cầu dân ý do chính Nguyễn Huệ hỏi dân Bắc Hà) nhưng tình hình chưa thuận lợi khiến Nguyễn Huệ hậm hực bỏ về Phú Xuân. Ở đây, Bình Vương đã chủ động việc lên ngôi, bỏ qua những hình thức bề ngoài mà ông thấy rằng không còn cần thiết nữa.

Hiện tại có ba tài liệu với ba nhật kỳ đăng quang khác nhau: chính sử triều Nguyễn (LT), Hoàng Lê Nhất Thống Chí (HLNTC), và chi tiết trong thư của Hội Truyền Giáo Bắc Hà. Ngoài ra còn một nhật kỳ có hơi chênh lệch một chút với chính sử là bài Chiếu Lên Ngôi (Tức Vị Chiếu) (14) chép trong Hàn Các Anh Hoa.

Liệt Truyện, quyển XXX chép:

Huệ được tin quát lớn: “Sao bọn chó Ngô dám càn rỡ làm vậy?”. Lập tức ra lệnh xuất quân. Các tướng đều khuyên nên lấy ngôi vị cho chính để nối kết lòng người. Huệ mới xây đàn ở phía nam Bình Sơn, lấy ngày 25 tháng 11 tự lập làm hoàng đế, đổi niên hiệu thành Quang Trung, ngay hôm đó đem hết tướng sĩ thuỷ lục cùng tiến … (15).
Hoàng Lê Nhất Thống Chí (Ngô Gia Văn Phái) thì viết như sau:

… Ngày 20 tháng ấy, Sở lui về Tam Ðiệp thì ngày 24 (tháng 11), Tuyết đã vào đến thành Phú Xuân, Bắc Bình Vương được tin báo, giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay. Nhưng các người đến họp đều nói:

– Chúa công với vua Tây Sơn có sự hiềm khích, đối với ngôi chí tôn, lòng tôn phò của mọi người chưa thực vững bền, nay nghe quân Thanh sang đánh càng dễ sinh ra ngờ vực, hai lòng. Vậy xin trước hết hãy chính vị hiệu, ban lệnh ân xá khắp trong ngoài, để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người, rồi sau sẽ cất quân ra đánh dẹp cõi Bắc cũng chưa là muộn.

Bắc Bình Vương lấy làm phải, bèn cho đắp đàn ở trên núi Bân (ở địa phận xã An Cựu, huyện Hương Trà, Thừa Thiên-Huế), tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi; chế ra áo cổn, mũ miện, lên ngôi Hoàng đế, đổi năm thứ 11 niên hiệu Thái Ðức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung. Lễ xong hạ lệnh xuất quân. Hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân (1788) (16).

Theo thư của các giáo sĩ có mặt tại Việt Nam còn lưu lại trong Nhật Ký Về Những Sự Kiện Ðáng Ghi Nhớ, Nha Văn Khố Quốc Gia Paris (Paris, Archives Nationales số F5; A 22) thì :

… Bắc vương đã ấn định ngày 11 tháng Mười [âm lịch] tức ngày mồng 8 tháng Mười Một là ngày ông tự phong mình làm Hoàng đế dưới danh hiệu “Quang Trung” (có nghĩa là ánh sáng trung ương tức là theo sự giải thích có lẽ đúng nhất, mặt trời của vũ trụ) đồng thời ông đang bận tính một kế hoạch vĩ đại theo như sắc lệnh ban bố ngày 6 tháng Mười [âm lịch] hay ngày 3 tháng Mười Một gởi cho Ðại thần Ðại tư Mã và tất cả các quan hay sĩ quan Tây Sơn làm việc tại Bắc Kỳ … (17).

Những tài liệu trên, tài liệu nào gần với sự thực nhất vẫn còn là một câu hỏi chưa có trả lời đích xác mặc dù nếu theo văn bản thì thư của các thừa sai của Hội Truyền Giáo là tài liệu của chính thời đó còn để lại trong khi DNCBLT và Hoàng Lê Nhất Thống Chí chỉ được biên soạn và ấn hành vài chục năm sau khi sự việc xảy ra.

Hiện nay trong Hàn Các Anh Hoa còn chép một bài Chiếu Lên Ngôi của vua Quang Trung do Ngô Thì Nhậm soạn, trong đó có một câu như sau:

天位惟艱,朕誠慮不克堪,而四海億兆環歸于朕一人。玆乃天意夫豈人事,朕應天順人,不可牢執遜讓以今年十一月二十二日即天子位,紀年為光中元年。咨爾百姓萬民惟皇極之敷言,是訓是行仁義中正。

Thiên vị duy gian, trẫm thành lự bất khắc kham, nhi tứ hải ức triệu hoàn qui ư trẫm nhất nhân. Tư nãi thiên ý, phù khởi nhân sự, trẫm ứng thiên thuận nhân, bất khả lao chấp, tốn nhượng dĩ kim niên thập nhất nguyệt nhị thập nhị nhật tức thiên tử vị kỷ nguyên vi Quang Trung nguyên niên.

Trẫm nghĩ: nghiệp lớn rất trọng, ngôi trời khó khăn, trẫm thật lòng lo không đương nổi. Nhưng ức triệu người trong bốn bể trông cậy vào một mình trẫm. Ðó là ý trời, há phải việc người? Trẫm ứng mệnh trời, thuận lòng người, không thể cố chấp nhún nhường mãi, lấy ngày 22 tháng 11 năm nay lên ngôi thiên tử, đặt niên hiệu là Quang Trung nguyên niên (18).

Phân tích một số chi tiết trong bài Chiếu Lên Ngôi chúng ta ngờ rằng bài này được soạn trước khi nghe tin quân Thanh sang chiếm nước ta, nếu không đồng thời với tờ biểu “suy tôn” lần thứ ba thì cũng chỉ sau đó một thời gian ngắn [mặc dù ngày đăng quang có thể được điền vào sau].

Văn trong bài chiếu tức vị này hoàn toàn là văn chương thời bình, không phải thời chiến, không nhắc đến xa gần gì về việc quân Thanh xâm chiếm nước ta và lên ngôi để thu phục nhân tâm như sử đã chép. Chính vì thế, một số câu văn sáo mòn đầy giả tạo, chẳng hạn: “Bản ý chỉ muốn quét trừ loạn lạc, cứu dân trong chốn nước lửa, rồi trả nước cho họ Lê, trả đất cho Ðại huynh, ung dung áo gấm hài thêu, ngắm cảnh yên vui ở hai cõi đất mà thôi. Nhưng việc đời dời đổi, rốt cuộc trẫm không được như chí nguyện.” hay “Người làm quan hãy giữ phong độ hoà mục, người làm dân yên trong lệ tục vui hoà, trị giáo mở mang hưng khởi đến chỗ rất thuận, để vãn hồi thời thịnh trị của Ngũ đế, Tam vương, khiến cho tông miếu xã tắc được phúc không cùng, há chẳng đẹp đẽ sao?” (19) vẫn còn hiện diện trong bài chiếu.

Qua những sự kiện nêu trên, việc Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ít nhất cũng đã được dự tính từ tháng 8 năm Mậu Thân khi ông phong vương cho Nguyễn Quang Toản (20), nghĩa là tách riêng ra thành một vương triều mới không còn lệ thuộc vào vua Thái Ðức ở Qui Nhơn. Việc phong cho con lên tước vương đồng nghĩa với việc xác định người cha lên ngôi hoàng đế nên lễ đăng quang của vua Quang Trung chỉ là hợp thức hoá một sự việc đã công khai.

Theo nhật ký của các giáo sĩ trong Hội Truyền Giáo Bắc Hà thì Nguyễn Huệ lên ngôi là ngày 11 tháng 10 năm Mậu Thân (8-11-1788), tính ra trước cả khi Tôn Sĩ Nghị ra khỏi Nam Quan (28-10 Mậu Thân) (21). Cho nên, khi quân Thanh vào Thăng Long (cuối tháng 11 năm Mậu Thân), Nguyễn Huệ đã là hoàng đế Quang Trung rồi, không còn phải bận bịu gì về việc đăng quang hay sắp đặt triều chính trong ngoài nữa.

Chúng ta cũng có thể tin rằng trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 năm Mậu Thân, tin tức về việc quân Thanh sang đánh nước ta được loan truyền rộng rãi tại Bắc Hà và Nguyễn Huệ muốn sớm lên ngôi để ông còn có thì giờ chuẩn bị chiến tranh, đúng như bản hịch văn kêu gọi tướng sĩ mà các nhà truyền giáo đã dịch sang tiếng Pháp [đề ngày 3 tháng 10 âm lịch, Thái Ðức 11 (1788)] năm ngày trước khi lên ngôi theo tin tức của các nhà truyền giáo (22).

Trong ba nhật kỳ, của các giáo sĩ, trong tờ chiếu lên ngôi và trong HLNTC thì nhật kỳ 25 tháng 12 Â.L. trong HLNTC phải loại ra vì xem ra quá sít sao, không thể thực hiện được [25-12 lên ngôi ở Phú Xuân, 30-12 đã kéo quân ra đến Nghệ An]. Nhật kỳ trong chiếu lên ngôi và trong Liệt Truyện khá gần [25-11 Â.L. và 22-11 Â.L.], tuy khác nhau nhưng cũng có cơ sở. Có thể ông đã đăng quang ngày 11 tháng 10 Â.L. [theo báo cáo của các giáo sĩ] nhưng khi nghe tin quân Thanh sang đánh, vua Quang Trung đã tổ chức một đại lễ ở núi Bân mà sách vở gọi là đại sư (大師) hay thân chinh để đích thân nhà vua đem quân đi vào ngày 22-11 Â.L. như Liệt Truyện ghi nhận.

Với những mốc nhật kỳ tương đối chính xác theo ghi nhận của những nhà truyền giáo thì sau khi lên ngôi, vua Quang Trung còn mất một thời gian tuyển mộ binh lính, thu góp lương thực để chuẩn bị cho một đại chiến dịch đối phó với quân Thanh. Khi đến Thanh Hoá, vua Quang Trung lại tổ chức một đại lễ xuất quân [hay đại duyệt] ở Thanh Hoá cuối tháng 12 để cho quân ăn Tết trước mà tin loan truyền qua lại khiến dân chúng Bắc Hà nhầm rằng đây là lễ đăng quang. Ðại lễ xuất quân này còn được ghi chép trong nhiều sách vở điển hình là Lịch Triều Tạp Kỷ của Ngô Cao Lãng:
… Huệ không nghe, liền chỉnh đốn binh tượng, làm lễ ra quân ở Thọ Hạc. Huệ ngồi trên đầu voi, ra lệnh rằng:

“Trong các quân của ta, ai muốn đánh thì phải vì ta mà giết cho hết lũ chó Ngô. Nếu không muốn đánh, hãy xem ta chỉ trong một trận giết hàng mấy vạn mạng người cho coi, không phải là nói khoác đâu”.

Nói xong các quân đều dạ ran như sấm, núi rừng rung động, chiêng trống vang rền, hành quân tiến gấp (23).

Xét như thế, chúng ta thấy rằng trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 (Â.L.) năm Mậu Thân, không phải chỉ có một lễ đăng quang của vua Quang Trung mà có tới ba lễ khác nhau, lễ đăng quang tháng 10 ở trong cung (theo đúng thủ tục mà bên ngoài ghi nhận), lễ thân chinh tháng 11 ở núi Bân để cho quân sĩ biết rằng ông sẽ đích thân cầm quân ra Bắc (như sử triều Nguyễn ghi nhận), và sau cùng là lễ đại duyệt ở Thanh Hoá (như dân Bắc Hà ghi nhận) để khẳng định rằng ông sẽ đánh cho địch “chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn”. Ðối với một nhà quân sự tài ba như Nguyễn Huệ, chúng ta khó có thể tin rằng ông làm việc tuỳ tiện mà luôn luôn dự liệu để đối phó với những biến cố bất thường. Ông cũng đã thu xếp ổn thoả mọi vấn đề kể cả việc bố trí những cánh quân dàn trải đều trên khắp vương quốc để phòng ngự tấn công.

Nguyễn Duy Chính
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay
http://nghiencuuquocte.or...i-quang-trung/#more-24150

Chú thích:
Trần Anh Tuấn, “Niềm Vui và Nỗi Buồn Trong Một Cuộc Ra Mắt Sách”
http://www.diendantheky.n...on-trong-mot-cuoc-ra.html
Lê Quý Ðôn, Phủ Biên Tạp Lục (tập I: quyển 1, 2 & 3) bản dịch Lê Xuân Giáo (Sai Gòn: Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá, 1972) tr. 132
Phủ Biên Tạp Lục (phần chữ Hán) tr. XCIX
Bản sao tấu thư của Tôn Sĩ Nghị đề ngày mồng 8 tháng 7 năm Càn Long 53 (1788). Trang Cát Phát (莊吉發), Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武 功研究) tr. 353
Lê Nguyễn Lưu, “Văn Khắc Thời Tây Sơn ở Huế” Phú Xuân Thuận Hoá thời Tây Sơn [Kỷ Yếu Hội Thảo Khoa Học – lưu hành nội bộ] (Huế:2001) tr. 177
Nguyễn Ngọc Huy [di cảo 7], Tên Họ Người Việt Nam (San Jose: Mekong-Tynan, 1998) tr. 47-9
Chẳng hạn dùng chữ cô [姑] thay vì chữ [孤] khi tự xưng
Ngô, Ðức Thọ, Nghiên Cứu Chữ Huý Việt Nam Qua Các Triều Ðại (Hà Nội: Văn Hoá, 1997) tr. 111.
Ngô Ðức Thọ, sđd. tr. 108-9
Tức đời Lê Thần Tông [1653-1658]
Bản dịch Nguyễn Duy Chính (chưa xuất bản)
Tạ Chí Ðại Trường, “Góp thêm về phổ hệ Tây Sơn và chân dung anh em họ”. Tập San Sử-Ðịa [9-10/1968]: Ðặc Khảo Về Quang-Trung tr. 112-133
Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (bản dịch Hoa Bằng, Hoàng Văn Lâu) [q. VI] (Hà Nội: KHXH, 1995) tr. 586
Ngô Thì Nhậm tác phẩm (quyển I) Mai Quốc Liên [chủ biên] (Hà Nội: nxb Văn Học, 2001) tr. 172
15.惠得報大罵何物吳狗敢爾猖狂。即下令舉兵。諸將咸勸請先正位號以繫人心。惠乃築壇于屏山之南,以十一月二十五日自立為帝,改元光中即日大率將士水陸齊進 …
Huệ đắc báo đại mạ: “Hà vật Ngô cẩu cảm nhĩ xương cuồng?”. Tức hạ lịnh cử binh. Chư tướng hàm khuyến thỉnh tiên chính vị hiệu dĩ hệ nhân tâm. Huệ nãi trúc đàn vu Bình sơn chi nam dĩ thập nhất nguyệt nhị thập ngũ nhật tự lập vi đế, cải nguyên Quang Trung tức nhật đại suất tướng sĩ thuỷ lục tề tiến …
Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê Nhất Thống Chí (bản dịch Nguyễn Ðức Vân – Kiều Thu Hoạch) (Hà Nội: nxb Văn Học, 2002) tr. 371-2
Ðặng Phương Nghi, “Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc-tiến của Nguyễn Huệ” (Tập san Sử-Ðịa 9-10, 1968) tr. 214
Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2001) sđd. bản chữ Hán trang 513-517, bản dịch Mai Quốc Liên trang 173.
Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2001), sđd. tr. 172, 173.
Ngày 18 tháng Mười Một tôi đọc một lá thư đề ngày 20 tháng Chín của đức ông La Bartette gữi cho ông Le Breton trong đó Ðức ông cho biết rằng: Tiếm vương Phú Xuân hay Bắc vương vừa mới phong cho con trai ông làm Nam vương lúc đó mới có bảy tuổi, nhưng hoàng tử được coi như được mười hai tuổi vì theo như lời đồn, các quan muốn nịnh người cha nên tăng cho người con nhiều tuổi hơn. Ðặng Phương Nghi, tlđd. tr. 213-4
Theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị (Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược, quyển VI)
Ðặng Phương Nghi, tlđd. tr. 214-6
Ngô Cao Lãng,  sđd tr. 586
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

KỶ NIỆM 230 NĂM
CHIẾN THẮNG  NGỌC HỒI – ĐỐNG ĐA
[2019 – 1789]-[1]

Quang Trung quyết định cuộc tiến công đồn Ngọc Hồi sẽ bắt đầu vào mờ sáng ngày mồng 5 tháng Giêng (ngày 30/1/1789) cùng một lúc với cuộc tiến công của đạo quân đô đốc Long vào đồn Đống Đa.

Cả ngày mồng 4, Quang Trung tiếp tục công việc chuẩn bị chu đáo cho trận quyết chiến và tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với đạo quân của đại đô đốc Bảo.

Cũng trong ngày hôm đó, Quang Trung chỉ dùng những toán nhỏ đánh khiêu khích vùng ngoại vi Ngọc Hồi, gây tâm lý căng thẳng cho quân Thanh và tạo yếu tố bất ngờ cho cánh quân Đô đốc Long trên hướng thứ yếu đánh đồn Đống Đa.

Ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (ngày 30/1/1789), lúc trời còn chưa sáng, bất thình lình quân Tây Sơn tiến công mãnh liệt vào mặt nam đồn Ngọc Hồi.

Quân Tây Sơn tràn qua đồn Bình Vọng, một đồn tiền tiêu của địch, xông thẳng đến đồn Ngọc Hồi.

Vua Quang Trung cưỡi voi chỉ huy chủ lực quân tiến vào đồn Ngọc Hồi. Để biểu lộ sự quyết tâm đánh tan kẻ thù trước toàn quân, Quang Trung đã chít khăn vàng lên đầu. Quân sĩ cũng chít khăn đỏ lên đầu để hưởng ứng.

Cuộc tiến công bắt đầu. Quang Trung tung đội tượng binh gồm hơn 100 voi chiến tiến lên trước. Đây là một binh chủng xung phong, đột phá rất lợi hại. Một con voi chiến lúc đó có thể chở được 13 - 14 người kể cả quản tượng.

Ngoài cung nỏ, giáo, lao, tượng binh Tây Sơn còn được trang bị thêm nhiều thứ hoả khí như súng tay, hoả hổ và đặc biệt đặt cả đại bác trên mình voi.

Trước khi sang xâm lược nước ta, Tôn Sĩ Nghị đã nghe nói về binh chủng này và đã nghiên cứu cách đề phòng, chống đỡ.

Phía ngoài đồn Ngọc Hồi, quân địch bố trí một bãi chướng ngại dày đặc, trong đó có chông sắt và địa lôi, nhằm ngăn cản tượng binh của ta từ xa, không cho tiến sát vào chiến luỹ.

Nhưng trước cả một đội tượng binh lớn mạnh với hơn 100 voi chiến đang hùng hổ xông đến, trông từ xa như “quả núi di động”, quân Thanh vẫn không khỏi hoảng sợ.

Đề đốc Hứa Thế Hanh phải vội vàng trấn an tinh thần quân lính và lập tức ra lệnh cho đội kỵ binh thiện chiến - binh chủng tinh nhuệ nhất của quân Thanh lao ra khỏi cửa luỹ nghênh chiến.

Nhưng vừa trông thấy đoàn voi chiến của quân Tây Sơn, ngựa quân Thanh đã “sợ hãi, hí lên, tế chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau”. Chưa đánh, đội kỵ binh thiện chiến của địch đã rối loạn cả đội hình.

Quân Tây Sơn thừa thắng thúc voi đuổi theo. Quân địch càng hoảng sợ, tất cả rút lui vào trong luỹ cố thủ. Chúng dựa vào hệ thống chiến luỹ, từ trên cao bắn đại bác và cung nỏ ra rất dữ dội để cản đường tiến của đoàn quân voi Tây Sơn.

Nhưng, trước hoả lực của địch, “súng và tên bắn ra như mưa”, thế trận và đội ngũ quân Tây Sơn vẫn vững vàng.

Theo lệnh của Quang Trung, đội voi chiến lập tức chia ra làm hai cánh đánh vòng về hai phía tả và hữu để mở đường cho đội xung kích lao lên. Đây là một đội quân cảm tử gồm 600 người, chia làm 20 toán.

Mỗi toán gồm 10 chiến sĩ giắt dao ngắn bên hông, khiêng một tấm mộc lớn bằng gỗ phía ngoài quấn rơm ướt và 20 chiến sĩ cầm vũ khí tiến theo sau.

Hai mươi toán quân cảm tử dàn ngang thành thế trận chữ “nhất”, phía trước là 20 tấm mộc kết liền với nhau như một bức tường thành di động, xông thẳng vào trận địa của địch.

Những tấm mộc bọc rơm ướt có tác dụng chống đỡ đại bác và cung tên của địch từ trong chiến luỹ bắn ra, che chở cho đội quân xung kích tiến lên.

Quân chủ lực Tây Sơn dưới sự đốc chiến trực tiếp của Quang Trung, lập tức xung phong vào đồn luỹ của địch. Bộ binh, kỵ binh, tượng binh của ta ào ạt xông vào cửa luỹ đã mở. Thế xung trận của quân Tây Sơn mạnh như triều dâng bão cuốn.

Từ hai bên sườn đồn Ngọc Hồi, đội tượng binh cũng đồng thời đánh ập vào. Quân ta lùa voi, xông pha tên đạn, nhổ rào luỹ tiến vào. Từ trên mình voi, quân ta dùng đại bác và hoả hổ đốt phá đồn luỹ, doanh trại địch và thiêu cháy quân địch.

Quân Thanh vốn đã khiếp sợ những con voi chiến hùng hổ của Tây Sơn, nay lại càng khiếp sợ hoả lực lợi hại của binh chủng này. Đó là hoả hổ, một thứ vũ khí nổi tiếng của quân Tây Sơn.

Đồn Ngọc Hồi, cứ điểm phòng ngự kiên cố nhất của quân Thanh bị phá vỡ. Một bộ phận quan trọng quân địch bị giết chết tại trận.


Trong bộ chỉ huy của địch, đề đốc Hứa Thế Hanh, phó tướng của Tôn Sĩ Nghị và là tướng chỉ huy toàn bộ mặt trận phía nam Thăng Long và tổng binh Thượng Duy Thăng là tướng chỉ huy quân tả dực của Tôn Sĩ Nghị bị bỏ mạng tại đây.

Tuy nhiên, số quân Thanh thoát chết ở đồn Ngọc Hồi vẫn còn khá nhiều, khoảng vài vạn tên. Bọn tàn quân này theo tổng binh Trương Triều Long tìm đường tháo chạy về Thăng Long.

Đạo quân của đại đô đốc Bảo đã chăng sẵn một mẻ lưới bủa vây và tiêu diệt toàn bộ tàn quân địch ở đầm Mực.

Quân địch bị dồn vào bước đường cùng. Chúng còn khoảng vài vạn quân nhưng chỉ là một khối người rã rời, kiệt sức về thể xác và kinh hoảng đến tuyệt vọng về tinh thần.

Từ ba mặt, quân Tây Sơn khép chặt vòng vây, dồn ép chúng vào khu đầm Mực lầy lội, um tùm mà tiêu diệt. Quân Thanh “hết hồn hết vía, vội trốn xuống đầm Mực làng Quỳnh Đô” và “quân Tây Sơn lùa voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người”  (Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí).

Toàn bộ bọn tàn quân địch ở đồn Ngọc Hồi đều bị tiêu diệt, trong đó có cả tổng binh Trương Triều Long. Một số tên lẩn trốn vào các làng xóm chung quanh cũng bị nhân dân giết chết hoặc bắt nộp cho quân Tây Sơn.

Chỉ trong sáng ngày mồng 5 tháng Giêng Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn đã phá tan đồn Ngọc Hồi tiêu diệt toàn bộ quân địch khảng 3 vạn tên ở Ngọc Hồi và đầm Mực.

Đây là một cứ điểm then chốt nhất của quân địch đã bị tiêu diệt, đập nát hệ thống phòng thủ của chúng ở phía nam Thăng Long, mở toang cửa ngõ tiến vào giải phóng kinh thành, uy hiếp đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long.

Đạo quân chủ lực của Quang Trung và đạo quân của Đô đốc Bảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề trên hướng tiến công chủ yếu này.

Đây là trận quyết chiến chiến lược thể hiện quyết tâm đánh tiêu diệt và nghệ thuật tổ chức lực lượng, nhất là dùng voi chiến công đồn của Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Trận Ngọc Hồi xứng đáng giữ vị trí quyết định trong toàn bộ cuộc tổng tiến công chống quân xâm lược Mãn Thanh cuối thế kỷ XVIII ở nước ta.

Cũng vào rạng sáng ngày mồng 5 tháng Giêng (30/1/1789), khi đạo quân chủ lực tiến đánh đồn Ngọc Hồi thì trên hướng tiến công phối hợp, đạo quân của đô đốc Long (có tài liệu nói là Đặng Tiến Đông) cũng đồng thời mở cuộc tiến công hết sức bất ngờ vào đồn Đống Đa (về danh tướng chỉ huy trực tiếp trận Đống Đa, hiện nay có những chủ kiến khác nhau: Hoàng Lê nhất thống chí ghi là Đô đốc Long. Đại Nam chính biên liệt truyện lại ghi là Đô đốc Mưu).

Đồn Đống Đa tuy không kiên cố như đồn Ngọc Hồi, nhưng cũng giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ Thăng Long của Tôn Sĩ Nghị.

Quân Thanh lập đồn trại ở Đống Đa là để khống chế con đường cái từ Tam Điệp ra phía tây - nam Thăng Long, đề phòng cuộc tiến công của quân Tây Sơn theo hướng này và bảo vệ trực tiếp cửa ô Thịnh Quang, một cửa ngõ phía tây - nam thành Thăng Long.

Đóng giữ đồn Đống Đa là đạo quân Điền Châu, Triều Châu do Sầm Nghi Đống chỉ huy. Đặc điểm của đạo quân này là số lượng khá đông - ước đoán khoảng vài vạn quân - nhưng chất lượng không đều và khá ô hợp.

Đồn Đống Đa là hướng tiến công mà Tôn Sỹ Nghị chủ quan cho là khó có thể xảy ra vì con đường “thượng đạo” hiểm trở khó cơ động và triển khai lực lượng lớn các binh chủng.

Để đánh đồn Đống Đa, đạo quân Tây Sơn của đô đốc Long phải hành quân bí mật, đi theo một con đường núi đã bế tắc, phải mở lấy đường mà đi và khắc phục nhiều trở ngại của núi rừng.

Nhiệm vụ đó đòi hỏi tướng chỉ huy không những phải giàu nghị lực, có tài tổ chức, mà còn phải am hiểu cặn kẽ địa hình và đường đi lối lại trong vùng.

Đạo quân của đô đốc Long không nhiều lắm - chỉ khoảng một vạn quân - nhưng theo kế hoạch phối hợp của Quang Trung, phải bất ngờ đánh úp, tiêu diệt đồn Đống Đa thật nhanh, gọn.

Muốn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó, quân đội Tây Sơn cần được sự tham gia, hỗ trợ trực tiếp của nhân dân xung quanh đồn địch.

Đạo quân của đô đốc Long gồm kỵ binh và tượng binh, tuy không nhiều nhưng có sức cơ động nhanh và đột phá mạnh. Quân đội cũng được trang bị nhiều hoả hổ và đại bác đặt trên mình voi chiến. Cuộc tiến công bắt đầu vào khoảng cuối canh tư (khoảng 3 giờ sáng).

Bằng khí thế áp đảo quân thù, quân Tây Sơn với đội hình đã bày sẵn, xông thẳng vào đồn trại của địch. Quân ta đốt phá các doanh trại phía ngoài rồi nhanh chóng đánh thọc vào sở chỉ huy của địch.

Sầm Nghi Đống cố đốc thúc quân lính chống cự nhưng không sao đương nổi sức tiến công mãnh liệt của quân Tây Sơn. Chỉ trong chốc lát, số quân Thanh bị chết và bị thương đã lên đến 5.000 người.

Sầm Nghi Đống phải bỏ các doanh trại bên ngoài, rút về bảo vệ sở chỉ huy trên Loa Sơn để chờ quân cứu viện.

Cùng lúc đó, xung quanh đồn trại của địch đột nhiên xuất hiện một hàng rào lửa dày đặc. Đó là “trận rồng lửa” (hoả long trận) của nhân dân địa phương góp sức cùng với quân đội Tây Sơn diệt giặc.

Nhân dân 9 xã ở ngoại thành Thăng Long đã hăng hái dùng rơm rạ, cỏ khô bện thành những con cúi, tẩm dầu, nhựa trám và nhựa thông, nối lại thành những “con rồng”.

Khi nghĩa quân nổ súng, nhân dân đốt cháy những con rồng rơm tạo thành bức tường lửa vây kín đồn trại giặc.

Quân địch đang choáng váng vì đòn tiến công bất ngờ của quân Tây Sơn lại càng khiếp đảm trước lưới lửa bao vây trùng điệp của nhân dân. Trong đêm tối, chúng chỉ còn trông thấy bốn bề lửa cháy rực trời, tiếng reo hò dậy đất. Đồn trại của địch tan vỡ nhanh chóng.

Quân địch đang lúc đêm tối, tự xéo lên nhau mà chạy. Các mũi tiến công của quân Tây Sơn lao vào chém giết như vào chỗ không người.

Từ trên sở chỉ huy, Sầm Nghi Đống thấy rõ đã lâm vào cảnh thế cùng lực kiệt: chống đỡ không nổi, quân cứu viện không có, phá vây không được. Hắn tuyệt vọng, thắt cổ tự vẫn ngay tại sở chỉ huy. Đội thân binh trung thành của hắn cũng tự sát theo chủ tướng đến vài trăm tên.

Đồn Đống Đa bị tiêu diệt chỉ sau mấy giờ chiến đấu. Đại bộ phận quân địch bị tiêu diệt tại trận. Một số tên chạy thoát ra ngoài cũng bị quân ta đuổi theo chém và bắt được đến quá nửa. Quân Tây Sơn thừa thắng tiêu diệt luôn các đồn Yên Quyết, Nam Đồng rồi nhanh chóng tràn vào cửa ô tây - nam thành Thăng Long.

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

KỶ NIỆM 230 NĂM
CHIẾN THẮNG  NGỌC HỒI – ĐỐNG ĐA
[2019 – 1789] -[2]


Quân ta đánh đồn Ngọc Hồi, súng bắn ra như mưa. Vua Quang Trung cho quân khoẻ mạnh khiêng ván đi trước, bộ binh theo sau (Ảnh minh hoạ: Internet).
Sau trận đánh, hàng vạn xác giặc nằm ngổn ngang khắp chiến trường từ trại Khương Thượng, Thịnh Quang đến trại Nam Đồng.

Khi thu dọn chiến trường, quân dân ta đã nhặt xác giặc, xếp thành từng đống rồi đắp đất lên thành những gò đống lớn. Đó là lối chôn cất cổ truyền của nhiều nước phương Đông vừa có ý nghĩa biểu dương chiến công, để lại một di tích chiến thắng cho muôn đời con cháu, vừa nhằm cảnh cáo kẻ thù.

Những đống xác giặc đó gọi là Kình nghê kinh quán, có nghĩa là gò đống lớn vùi xác quân giặc hung dữ ví như loài cá kình, cá nghê ngoài biển cả (là loại cá to hay đuổi bắt loại cá nhỏ mà ăn). Mười hai gò đống như vậy đã xuất hiện trên trận địa như những chiến tích bất diệt của dân tộc.

Tuy vậy, mười hai gò lớn vẫn chưa vùi hết xác quân xâm lược, rải rác trên các cánh đồng vẫn còn có nhiều xác giặc chôn ở đó. Rất nhiều năm sau này (năm 1851), người dân khi đào đất để đắp đường, lập chợ đã tìm thấy nhiều xương cốt bèn thu nhặt đem chôn thành một hố, đắp thành gò thứ 13.

Trải qua năm tháng, trên các gò đống đó, cây cối mọc um tùm, nhiều nhất là cây đa. Với tên đất sẵn có, nhân dân thường gọi những gò đống đó là “gò Đống Đa” và cùng có những gò đống đó là “xứ Đống Đa”.

Như trên đã nói, theo kế hoạch của Quang Trung, trong khi đạo quân chủ lực công phá đồn Ngọc Hồi, thì đạo quân của Đô đốc Long bất ngờ tập kích tiêu diệt đồn Đống Đa, rồi nhanh chóng thọc sâu vào thành Thăng Long, uy hiếp đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị.

Do đó, mờ sáng ngày mồng 5, lúc đồn Đống Đa sắp bị tiêu diệt, đô đốc Long đã hết sức khẩn trương, mau lẹ, đem đội kỵ binh tiên phong của mình đánh thọc vào Thăng Long.

Như một mũi dao nhọn, đội kỵ binh Tây Sơn lao thẳng về phía cung Tây Long. Đấy là hành động bất ngờ, táo bạo mà Tôn Sĩ Nghị không thể nào lường trước được.

Những tin tức khủng khiếp của mặt trận phía nam và phía tây - nam đồng thời đến với Tôn Sĩ Nghị như những đòn trời giáng.

Cả một đạo quân chủ lực còn nguyên vẹn trong tay, nhưng viên chủ soái của quân Thanh hoảng hốt, không còn biết xoay xở, đối phó thế nào.

Như trong bản tâu gửi về triều đình nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị cảm thấy “quân giặc nhiều quá” và quân Thanh đã bị “vây kín bốn mặt”. Hắn “sợ mất mật” và “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng Bắc mà chạy”.

Viên thiên tổng Tiết Trung phải dắt cương ngựa cho Tôn Sĩ Nghị chạy trốn và phó tướng Khánh Thành đi theo hộ tống.

Chủ tướng bỏ chạy, “quân sĩ các doanh nghe tin đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều” (Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí).

Tình hình hỗn loạn đến mức độ, tổng binh Lý Hoá Long chạy đến giữa cầu phao cũng bị quân lính đẩy ngã nhào xuống sông.

Qua khỏi cầu phao sang bờ bắc sông Nhị, Tôn Sĩ Nghị lại sợ quân Tây Sơn lợi dụng cầu phao đuổi theo. Chỉ lo bảo toàn tính mạng của bản thân, viên bại tướng đó không ngần ngại ra lệnh cắt đứt cầu phao để chẹn phía sau.


Tôn Sĩ Nghị nửa đêm nghe báo tin không kịp thắng yên ngựa, không mặc áo giáp bỏ đồn chạy. Quân Thanh thấy chủ tướng bỏ chạy, tranh nhau qua cầu Nhị Hà. Cầu đổ, quân Tàu té xuống sông chết đuối, thây nổi như rạ (Ảnh minh hoạ: Internet).
Hành động ích kỷ và tàn nhẫn của Tôn Sĩ Nghị đã làm cho hàng vạn quân Thanh bị dòng nước sông Nhị cuốn trôi. “Cầu gãy, người bị chết vô kể” và “nước sông Nhị vì thế mà tắc nghẽn không chảy được”.

Số quân Thanh không kịp qua cầu phao cũng tìm mọi cách liều lĩnh vượt sông. Có bọn cướp được một số thuyền buôn và thuyền đánh cá đang đỗ bên bờ sông nhưng rồi chúng tranh nhau xuống thuyền đông quá nên hầu hết cũng bị đắm. Có bọn thì buộc giáo, mác, khiên, mộc lại thành từng bó để làm bè vượt sông.

Vừa lúc đó, quân Tây Sơn ập tới. Số phận quân Thanh chưa kịp qua sông đã được định đoạt: nếu không vùi xác theo dòng sông Nhị thì cũng bị chém giết hoặc bắt làm tù binh. Một số tàn quân trốn tránh vào các xóm làng thì sau đó, trong vòng 10 ngày, đều phải ra đầu thú.

Số phận đám quân Thanh đóng ở bờ bắc sông Nhị cùng với số tàn quân vượt qua cầu phao chạy trốn theo Tôn Sĩ Nghị cũng không may mắn hơn bao nhiêu.

Bọn chúng bị quân Tây Sơn truy kích phía sau và đến Phượng Nhãn lại bất ngờ bị đạo quân của đô đốc Lộc chặn đánh.

Tôn Sĩ Nghị và bọn tàn quân không dám chạy theo đường cái. Chúng phải luồn rừng, lội suối, leo núi, đường đi quanh co rẽ ngang rẽ dọc... luôn luôn lạc lối, không tìm được nẻo đi và đêm ngày đi gấp, không dám nghỉ ngơi.
Tôn Sĩ Nghị phải vất bỏ tất cả mọi thứ mang theo kể cả sắc thư, kỳ bài, quân ấn chủ soái do vua Thanh ban cho, để lo chạy thoát thân.

Đạo quân Thanh đóng ở Hải Dương cũng bị đánh tan. Riêng đạo quân Vân Nam do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy, ngày 21 tháng Chạp năm Mậu Thân (ngày 16/1/1789) đến Tuyên Quang và những ngày cuối năm đó mới đến Sơn Tây.

Vừa đóng quân được mấy ngày thì được tin Tôn Sĩ Nghị bại trận, cả đạo quân này hốt hoảng tháo chạy về nước. Không bị tiến công nhưng đạo quân Ô Đại Kinh cũng bị tan vỡ và rút chạy trong cảnh hỗn loạn.

Qua vùng Tuyên Quang, chúng lại bị một đội dân binh dân tộc Tày do Ma Doãn Dảo chỉ huy chặn đánh. Chúng càng hoảng sợ, chen lấn, xô đẩy nhau giành đường về nước và một bộ phận khá đông tán loạn vào núi rừng. Một toán quân do Phùng Chấn Tiên cầm đầu, bị lạc đường chạy sang Quảng Tây.

Theo lời tâu của tổng đốc Vân Quý là Phú Cương thì trong đạo quân Ô Đại Kinh có một số không thấy trở về, trong đó có một viên vũ cử (cử nhân võ), một viên ngoại uỷ (võ quan cấp dưới) và mấy chục tên lính.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến thật là rực rỡ, chói lọi. Toàn bộ quân xâm lược Mãn Thanh khoảng 29 vạn quân cùng với vài vạn quân của bù nhìn Lê Chiêu Thống đã bị đánh tan tành, bị tiêu diệt đại bộ phận và bị quét sạch ra khỏi bờ cõi.

Sáng mồng 5, đang ở trong cung điện, được tin quân Thanh bại trận, Tôn Sĩ Nghị rút chạy, Lê Chiêu Thống vội vàng bám gót chạy theo.

Nhưng ra đến bờ sông thì cầu phao đã bị cắt, hắn hoảng sợ theo bờ sông chạy lên Nghi Tàm, cướp được chiếc thuyền đánh cá chèo qua sông.

Hắn tìm đường chạy lên ải Nam Quan mới gặp Tôn Sĩ Nghị để bắt đầu cuộc sống lưu vong nhục nhã nơi đất khách quê người.

Trưa ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789), vua Quang Trung ngồi trên lưng voi, chiến bào màu đỏ của nhà vua xạm đen khói súng, đi đầu đại quân tiến vào Thăng Long giữa cảnh mừng vui khôn xiết của nhân dân.

Cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Toàn bộ 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh cùng với vài vạn quân của bọn bù nhìn Lê Chiêu Thống đã bị đánh tan tành, bị tiêu diệt đại bộ phận và bị quét sạch ra khỏi bờ cõi.

Trong bốn đạo quân Thanh thì ba đạo, trong đó có đạo quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị bị tiêu diệt gần hết và một đạo quân không đánh mà cũng tan tác. Hàng loạt tướng lĩnh cao cấp của địch bị bỏ mạng.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã tiến hành nhiều cuộc kháng chiến, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, nhưng đến cuối thế kỷ XVIII, chưa có lần nào khi phải đương đầu với hàng chục vạn quân xâm lược mà đánh thắng oanh liệt, vang dội trong một thời gian ngắn như thế.

Điều đó càng có ý nghĩa lớn lao khi cuộc kháng chiến chống quân Thanh diễn ra vào lúc chế độ phong kiến suy tàn, kẻ thù có sẵn chỗ dựa bên trong là bọn phong kiến phản động, và quân xâm lược đã chiếm kinh thành cùng nhiều vùng rộng lớn xung quanh.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa giữ vai trò là những trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược.

Nhìn riêng về từng hướng tiến công thì trận Ngọc Hồi là trận quyết chiến trên hướng tiến công chủ yếu và trận Đống Đa là trận quyết chiến trên hướng tiến công thứ yếu.

Trận Ngọc Hồi là trận tiến công chính diện nhằm tiêu diệt cứ điểm kiên cố nhất của địch, đập nát vị trí then chốt trong hệ thống phòng thủ cứng rắn phía trước, đồng thời thu hút chủ lực địch.

Còn trận Đống Đa là trận vu hồi, thọc sâu hết sức bất ngờ, đánh thẳng vào một cửa ngõ thành Thăng Long và cũng là chỗ sơ hở, chỗ yếu của địch để trực tiếp uy hiếp bộ chỉ huy đầu não của địch.

Sự phối hợp chặt chẽ của hai trận này làm cho quân Thanh bị chia cắt, cô lập không thể ứng cứu được cho nhau và đặc biệt làm cho Tôn Sĩ Nghị cùng với đạo quân chủ lực, cơ động to lớn của địch lâm vào tình thế bất ngờ, bị động, không kịp trở tay đối phó và cuối cùng bị tê liệt, tan rã và tháo chạy tán loạn.

Thật hiếm có một chiến công chống ngoại xâm, trong hoàn cảnh phức tạp của đất nước, trong so sánh lực lượng rất chênh lệch về quân số giữa ta và địch, mà lại giành được thắng lợi oanh liệt, thần tốc như cuộc đại phá quân Thanh.

Với cách đánh táo bạo, mãnh liệt, đánh nhanh, đánh hiểm, đánh thẳng vào sào huyệt trung tâm, chọc những mũi dao nhọn vào tim địch, diệt ngay được bộ chỉ huy cùng tập đoàn chiến lược chủ yếu của địch.

Nguyễn Huệ thường chỉ bằng một trận quyết chiến đã giải quyết xong một cuộc chiến tranh. Đây là tài năng hiếm có của ông và cũng là điều ít thấy trong lịch sử chiến tranh của dân tộc ta.

Những trận quyết chiến diệt quân Xiêm - Nguyễn, đánh tan quân Trịnh và đại phá quân Thanh là những trận nổi tiếng trong lịch sử, đã đưa Nguyễn Huệ trở thành người anh hùng, nhà quân sự kiệt xuất của dân tộc ta.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã biểu hiện một cách rất rõ tài năng quân sự kiệt xuất của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, ý chí quyết chiến quyết thắng và bản lĩnh chiến đấu kiên cường của quân đội Tây Sơn.

Chiến thắng này là chiến thắng của lòng quyết tâm và ý chí “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” được nhân dân hết lòng ủng hộ và giúp đỡ mạnh mẽ.

Trên đường hành quân chiến đấu của quân Tây Sơn, nhân dân đã hăng hái cho con em mình gia nhập nghĩa quân, tiếp tế lương thực, thực phẩm, giúp đỡ các phương tiện vượt sông...

Nhân dân các làng xã quanh kinh thành Thăng Long đã giúp quân Tây Sơn bí mật giấu quân ém sát đồn giặc, góp ván gỗ làm mộc công phá đồn Ngọc Hồi, đã phối hợp làm “trận rồng lửa” trong trận diệt đồn Đống Đa...

Ngọc Hồi - Đống Đa là một thiên anh hùng ca, một chiến công lừng lẫy, một sự nghiệp vĩ đại của Quang Trung - Nguyễn Huệ và của dân tộc ta, là một cống hiến lớn lao cho nền khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

ĐẶNG VIẾT THUỶ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [17] [18] [19] [20] [21] [22] [23] ... ›Trang sau »Trang cuối