Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [44] [45] [46] [47] [48] [49] [50] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGUYỄN KHOA VỸ


Nguyễn Khoa Vi (1881 - 1968) biệt hiệu Thảo Am, quê quán ở làng An Cựu, sinh ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám 1945, ông tham gia khởi nghĩa ở Huế và đã sáng tác nhiều thơ ca động viên, cổ động đồng bào tích cực hưởng ứng phong trào Việt Minh chống Pháp đuổi Nhật. Đầu năm 1947 quân Pháp chiếm lại Huế, ngôi nhà của Thảo Am bị quân Pháp chiếm làm đồn. Ông cùng với nhà thơ Thúc Giạ và bạn bè lập ra Hương Bình thi xã, Ưng Bình Thúc Giạ là chủ soái, còn ông là phó soái.

Trong một cuộc thi hò giã gạo do thi xã tổ chức có nhiều vị tai to mặt lớn hay sính thơ đến dự, Nguyễn Khoa Vi đã gà cho phe nữ: Tiếng đồn anh hay chữ, Xin hỏi thử cho thông, Thánh hiền xưa đặt chữ công, Tại sao lại có cái quéo trong lòng làm chi?
Và khi bên nam không đối được, Nguyễn Khoa Vi lại gà cho họ: Người xưa đặt chữ công, Trong lòng có cái quéo, Đó là nơi lắt léo khôn khéo của thánh hiền. Em ơi em hãy chịu phiền, Phải cho có nhiều kinh nghiệm em hiểu liền chữ công.

Sinh thời, Thảo Am Nguyễn Khoa Vi rất ghét bọn làm mật thám cho Tây. Ở gần nhà, ông có một tên tay sai đắc lực của Xô-nhi (Sogny), chánh mật thám Trung Kỳ, cũng làm một cái am trong vườn để thờ Phật. Ông liền ra một câu, thách các nhà thơ trong thi xã đối lại, tuy nhiên không ai đối lại được vì nó quá khó:

Vế ra: Thâm trần tục thục trần tâm, kinh thỉ sám nguyện từ thán sĩ (Kinh thỉ sám là kinh từ bi thuỷ sám của đạo Phật)

Vế đối: Phạm cõi tiền, phiền cõi tạm bài nhân duyên cầu tụng nhuyên dân (Hoài Anh Võ Quang Thạch)(Bài nhân duyên là kinh thập nhị nhân duyên trong đạo Phật)
Bây giờ có ai lên núi Ngự Bình đi sâu thêm vài trăm thước vào khu Nội táng, nghĩa địa của gia đình Nguyễn Khoa, sẽ thấy một ngôi mộ bình thường như hàng trăm ngôi mộ khác nhưng có một chút khác thường đó là hai câu đối:

Chẳng có danh thơm mà để lại.
Làm chi xác thối phải chôn đi.

Đó chính là mộ của cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi

Năm 1946, sau khi nghe tin quân viễn chinh Pháp đã đánh chiếm đồn Mang Cá, Thảo Am Nguyễn Khoa Vi có làm đôi câu đối sau:

Lũ Quỷ nay lại về Luỹ Cũ
Thầy Tu mô Phật cũng Thù Tây

Thảo Am có một bài thơ nói lái phản ánh chuyện quan hệ mờ ám giữa sư và vãi như sau:
vế ra: Cầu Đạo cần chi phải Cạo Đầu, Dầu Lai dưa muối cũng Dài Lâu, Na Bường bát tới Nương Bà vãi, Dầu Sãi không tu cũng Giải Sầu

vế đối: Dân Chài sao cứ mộng Dài Chân, Ân Thiên sóng gió được Yên Thân, Làng Vua bão nổi Lùa Quan quỷ, Thần Tiên ban phúc gái Thiền Tân (Trường Văn Nguyễn Phước Thắng)

Một lần, ban đêm đi qua đò Đập Đá, Thảo Am Nguyễn Khoa Vi tức cảnh viết ra bài thơ nói lái sau:

vế ra:
Đập Cũ đò đưa Đủ Cặp đời,
Trời Cho sức khoẻ lắm Trò Chơi,
Có Đôi khi rảnh lên Côi Đó,
Cười Ngả nghiêng cho mệt Cả Người

vế đối:
Đường Xưa nắng đổ Đưa Sườn xơi,
Người Ban tình nghĩa chớ Bàn Ngơi,
Sai Lẹm có buồn đừng Xem Lại,
Đời Lả lơi say thế Đã Lời
(Trường Văn Nguyễn Phước Thắng)

Thảo Am Nguyễn Khoa Vi còn có 4 bài thơ nói lái nữa như sau:
1 - Bài thứ nhất:
vế ra:
Làng Vọng còn hơn cái Lọng Vàng,
Mang Sơ tấm áo chớ Mơ Sang,
Nhắn Bạn lên non đừng Bắn Nhạn,
Hang Lỗ tìm vào bắt Hổ Lang
(Thảo Am)

vế đối:
Xóm Kề sao thua chiếc Xế Còm,
Dòm Chi tiền gạo mấy Dì Chôm,
Bán Kẹo đổi đời nên Kéo Bạn,
Bợm Bãi làm chi hoá Bãi Bờm
(Trường Văn Nguyễn Phước Thắng)

2 - Bài thứ hai:
vế ra:
Đời Chua bậu cứ thử Đùa Chơi,
Chơi Ngổ xong rồi kiếm Chỗ Ngơi,
Bến Đậu thênh thang mời Bậu Đến,
Ngồi Đây say tít, ngất Ngây Đời
(Thảo Am)

vế đối:
Phàm Lu ta phải gắng Phu Làm,
Lãm Đao sao bằng học Lão Đam,
Tổ Ca bát ngát thiền Ta Cổ,
Làm Pho sống khoẻ lắng Lo Phàm
(Trường Văn Nguyễn Phước Thắng)
(Lão Đam = Lão Tử)

3 - Bài thứ ba:
vế ra:
Dòng Châu lai láng đĩa Dầu Chong,
Công Khó đợi chờ biết Có Không,
Nhắc Bạn thêm thương người Nhạn Bắc,
Trông Đời ngao ngán giữ Trời Đông
(Thảo Am)

vế đối:
Rày Bông rạng rỡ hội Rồng Bay,
Giấy Mo đền đáp thấu Gió Mây,
Thương Vợ càng mong đời Thơ Vượng,
Vầy Tương ngan ngát cà Vườn Tây (
Trường Văn Nguyễn Phước Thắng)
(Lấy ý ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương)

4 - Bài thứ tư:
vế ra:
Phấn Lau chưa dứt nghe Pháo Lân,
Tân Niên rót rượu mời Tiên Nâng,
cô Dâu Hứa đãi ăn Dưa Hấu,
chú rể Tinh Thần tựa Tình Thân,
có ông Phó Đảo châm Pháo Đỏ,
chú lính Xuân Qua muốn Xa Quân,
Mang Vài chậu kiểng Mai Vàng rộ,
Xin Tuần nghỉ phép thoả Tình Xuân

vế đối:
Dưa Thào rượu mứt đón Giao Thừa,
Đưa Chả nhấm mồi Tết Đã Chưa,
đường Phố Có đông ông Phó Cố,
ngõ quê Chưa Thẳng bà Chẳng Thưa,
hoa mai Nở Đẹp đem Nẹp Để,
thược dược Mướt Ưa chớm Ướt Mưa,
Liếm Tý rượu ngàn Lý Tím đẹp,
Xưa Truân chuyên lắm nhớ Xuân Trưa
(Hoài Anh Võ Quang Thạch)

Thảo Am còn có bài thơ thất ngôn tứ tuyệt chơi chữ toàn phụ âm CH mang tên: “Trách người đa tình” như sau:
Chạy chửa chay chân chẳng chịu chừa,
chín chiều chua chát chán chê chưa,
cha chài chú chóp chơi chung chạ,
chẳng chính chuyên chi chớ chực chờ

vế đối:
Mênh mông muôn mẫu một màu mưa,
mỏi mắt miên man mãi mịt mờ,
mộng mị mỏi mòn mai một một,
mỹ miều may mắn mấy mà mơ
(Tú Mỡ)

Thảo Am còn có 1 vế xuất khá độc đáo được viết vào dịp tết Đinh Hợi (1947) như sau:
vế ra:
Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế

vế đối:
Mùa mới mạnh mã mề, mon men muốn mời mặt mạo muội (Thiền Long)

Sự hiểm hóc của câu đối nằm ở từ hai nghĩa “tay tử tế” {người con rể (“con” (danh từ) và “rể” (danh từ) xét nghĩa từng từ đơn Hán Việt) ; người tốt bụng (từ ghép Hán Việt)}. Ở đây cháu dùng từ “mặt mạo muội” vì chữ “mặt” gần giống nghĩa chữ “tay” trong trường hợp dùng để chỉ người nào đó (vd: “cái mặt đó lì lợm lắm” nghĩa là chỉ người đó ít nghe theo lời ai). Từ “mạo muội” cũng có hai nghĩa: Xét từ đơn nghĩa là “dung mạo (danh từ) của người em (bạn) gái (danh từ)”, xét từ ghép nghĩa là “dại dột” (cách nói khiêm nhường). Ý vế đối là: 1/ Vào mùa mới, sửa soạn vẻ bề ngoài (mã mề) cho đẹp, mạnh mẽ, đi tán tỉnh người con gái trẻ hơn. 2/ Vào mùa mới, sửa soạn vẻ bề ngoài cho đẹp, mạnh mẽ, đi tìm những người khờ khạo để chọc ghẹo vui vẻ, ngoài ra chữ “muội” đối chữ “tế”.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

KHI TRUYỆN KIỀU
BIẾN HOÁ KHÔN LƯỜNG


1.
Truyện Kiều của Nguyễn Du (1766-1820) nổi tiếng không chỉ vì giá trị nghệ thuật mà còn vì bức tranh xã hội đa dạng trong tác phẩm.

Gần như tình huống nào trong cuộc sống cũng có thể mô tả bằng những câu Kiều thích hợp.

Nói về tương lai quan hệ Việt - Mỹ trong chuyến thăm nước ta vào tháng 11-2010, tổng thống Clinton trích dẫn Truyện Kiều:

Sen tàn, cúc lại nở hoa
Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân
(câu 1795-1796).

Tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Mỹ vào tháng 7-2015, Phó tổng thống Biden cũng mượn Truyện Kiều:

Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời
(3121-3122).

Thăm Việt Nam vào tháng 5-2016, tổng thống Obama tiếp tục gửi thông điệp qua Truyện Kiều:

Rằng: Trăm năm cũng từ đây
Của tin, gọi một chút này làm ghi
(355-356).
2.
Nếu hai câu Kiều liên tiếp chưa đủ mô tả sự việc cần nói, người ta ghép một câu ở đoạn này với một câu ở đoạn khác.

Hình thức này gọi là tập Kiều (nếu giữ nguyên các câu gốc) hoặc lẩy Kiều (nếu bỏ hoặc thay đổi vài chữ trong câu gốc).

Đây là bài thơ tập Kiều tả ngọn nến:

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà (1311)
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài (104)
Một mình âm ỷ đêm chầy (1883)
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi (2676).

Chiếc xe hơi - một vật chưa xuất hiện vào thời Nguyễn Du - được lẩy Kiều như sau:

Thênh thênh đường cái thanh vân (2478)
Một xe trong cõi hồng trần như bay (198)
Ào ào đổ lộc, rung cây (121)
Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài (1554).

Bài lẩy Kiều này bỏ đi hai chữ “hẹp gì” trong câu 2478, giữ nguyên ba câu còn lại.
3.
Một hình thức lẩy Kiều công phu hơn là tạo câu đối bằng cách ghép hai câu tám sau khi bỏ đi chữ sau cùng của mỗi câu.
Chẳng hạn câu đối dùng để dán ở cửa vườn:

Dường gần rừng tía, dường xa bụi (1926)
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng (3224).

Hai chữ bị bỏ bớt theo thứ tự là “hồng” và “lên”.
4.
Đôi khi, câu đối lẩy Kiều huy động nhiều câu gốc hơn và linh hoạt về vị trí chữ cần bỏ.

Cảnh hai cha con bất ngờ chạm mặt nhau tại “phố đèn đỏ” được mô tả bằng câu đối lẩy Kiều:

Chẳng hổ mình sao, dám đem trần cấu dự vào bố
Tuồng gì hoa thải, mượn màu son phấn đánh lừa con.

Vế xuất được lấy từ hai câu 3103, 3104 sau khi bỏ đi hai chữ đầu câu sáu và chữ cuối câu tám: Nghĩ mình chẳng hổ mình sao?/ Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!

Vế đối huy động hai câu 1413, 1414 nhưng bỏ đi hai chữ cuối câu sáu và chữ cuối câu tám: Tuồng gì hoa thải, hương thừa/ Mượn màu son phấn đánh lừa con đen.
5.
Truyện Kiều còn dùng để... chửi nhau một cách tinh tế.

Chẳng hạn, một cô chủ quán chửi xéo khách bằng cách nhấn mạnh ba chữ “khen cho con” trong hai câu tập Kiều:

Khen cho con mắt tinh đời
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già
(2201-2202).

Khách phản ứng ngay bằng cách nhấn mạnh “vả bây giờ” trong hai câu lẩy Kiều:

Vả bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai
(2281-2282).

Từ “vả” đã thay thế từ “đến” trong câu 2281.

TRƯỜNG LÂN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LÊ THỊ MIÊN


Lê Thị Miên (1836 - 1908), còn được gọi là Yến Phi, biệt biệu Hồng Y liệt nữ; là vợ ba của Cai Vàng. Quê bà ở thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Đối đáp với Tổng Thịnh:
Nguyễn Văn Thịnh tức Cai Tổng Vàng (còn gọi là Cai Vàng), người xã Vân Sơn, huyện Phượng Nhỡn, Kinh Bắc (nay thuộc xóm Kẻn, thôn Vân Sơn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang). Năm 1862 Cai Vàng khởi binh chống lại vua Tự Đức, thời đó trong nước lan truyền câu ca: “Trên trời có ông sao dài, ở vùng Kinh Bắc có Cai Tổng Vàng”. Một lần, Cai Vàng mở hội vật để tuyển người khoẻ mạnh xung vào nghĩa quân của mình. Có một đô vật nhỏ nhắn, khôi ngô tuấn tú, đã vật ngã nhiều đô vật sĩ nổi tiếng, sắp chiếm giải nhất, thì keo vật cuối cùng mái tóc của “đô” này bị xổ tung, hiện nguyên hình là một giai nhân. Cai Vàng đích thân ông thẩm vấn. Cô gái “đô vật” khai tên Lê Thị Miên, tự Yến Phi, con một ông đồ ở thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cai Vàng nói cô là con thầy đồ ắt phải biết chữ bèn ra câu đối: Cô Miên ngủ một mình

Vì đêm qua cô bị nhốt một mình ở trong rừng sâu, nên Cai Vàng mới nghĩ ra vế đối này. Nhưng vấn đề ở chỗ chữ “cô” là gái chưa chồng, đổi ra “cô” là cô đơn, một mình; chữ “Miên” là “dài” lại viết chữ “miên” là “ngủ” thành ra từ Hán Việt “cô miên” nghĩa nôm là “ngủ một mình”, mà tai quái ở chỗ Miên lại chính là tên của cô gái này. Tổng Thịnh nghĩ chắc chắn cô gái không thể đối nổi.

Không ngờ cô gái đối ngay: Tổng Thịnh tóm nhiều đứa

Ông Cai Vàng tên “Thịnh” làm “cai tổng”, thì “tổng” là “tóm”, “Thịnh” là “nhiều”, còn chữ “mình” thì cô đối bằng “đứa” mà lại rất phù hợp với tình thế lúc ấy. Cai Tổng Vàng cảm phục tài trí cô Miên, đã thu nạp làm… “vợ ba”, phong cho làm phó tướng.

Người ta kể rằng, vì cô Miên không chịu lấy chồng,, nên có lần cô bị các nho sĩ làm thơ trêu ghẹo rằng: Lạnh lùng thay, giấc cô Miên/Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u. Không chịu kém, cô Miên xướng trước một câu, thách ai đối được sẽ nhận người ấy làm chồng, nhưng rồi không một ai lên tiếng.

vế ra: Chưa chồng chơi chốn chùa chiền, chanh chua chuối chát chính chuyên chờ chồng

Câu đối này phải chờ mãi đến cuối năm 2013 mới có ông Trường Văn Nguyễn Phước Thắng đối lại được như sau: Thủ thân thăm thất thiên thần, thi thông thư thạo thảo thuần thành thân

Câu đối đề tại miếu thờ:
Sau khi Tổng Thịnh chết, mùa xuân năm 1864, Bà Ba Cai Vàng trực tiếp cầm quân đánh vào Nải Sơn (Kiến Thuỵ, Hải Phòng). Sau 22 ngày chiến đấu liên tục, hao quân hao tướng mà không thắng được. Xét thấy, không còn đủ sức để tiến hành cuộc chiến đấu lâu dài được nữa, bà giải tán lực lượng...Theo truyền thuyết, Bà Ba Cai Vàng mai danh ẩn tích ở chùa Dặn (Đình Bảng, Bắc Ninh). Cũng có người cho rằng, bà đã vào tu tại chùa Hương nơi thôn Tứ Kỳ (nay là thôn Đại Trạch, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), với pháp danh là Đàm Giác Linh. Tại chùa này, bà đã cho dựng miếu Âm Hồn để thờ chồng (Cai Vàng). Sau khi bà mất, nhân dân lập miếu thờ, hai bên cửa miếu có đề đôi câu đối sau:

Tiểu cát phục nhung y, kỵ mã huy kỳ, danh trấn anh hùng nhân Kinh Bắc (Thời trẻ mang giáp trụ, cỡi ngựa phất cờ, nức tiếng anh hùng miền Kinh Bắc)

Xuất gia quy thiền phái, chiêu kinh tịch kệ, giác chân đức độ Phật Như Lai (Xuất gia vào chùa thiền, tụng kinh đọc kệ, hiểu tường đức độ Phật Như Lai)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

PHAN THÚC TRỰC


Phan Thúc Trực (1808 - 1852) còn có tên là Phan Dưỡng Hạo, Phan Sư Mạnh, hiệu là Hành Quí, Cẩm Đình, Dưỡng Hạo Hiên, quê ở làng Vân Tụ, huyện Đông Thành, nay thuộc xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Phan Thúc Trực đọc nhiều sách và làu thông kinh sử, nức tiếng hay chữ, từng thi đậu Đầu xứ (năm 16 tuổi) và nhiều khoa Tú tài, nên được Hội Văn của huyện Đông Thành tôn tặng đôi câu đối:

Nhất cử thành danh thiên hạ hữu
Thập khoa liên trúng thế gian vô
Nghĩa là:
Một lần thi đậu Cử nhân thiên hạ đã có người như vậy
Mười khoa thi đều trúng thế gian chưa từng có ai

Tương truyền, thời ông dạy học ở làng Nguyệt Viên, tổng Từ Minh, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Làng này có tục các cô gái vừa kéo vải vừa hát đối đáp với các chàng trai trong đêm. Đôi khi có cả những nhà nho gà cho các bên hát. Một hôm gặp ông đồ xứ Nghệ, các cô bèn ra một vế đối để thử tài:

vế xuất: Gái Nguyệt Viên vừa độ trăng tròn, ai muốn lấy mười lăm quan chẵn
Đây là một vế đối rất hóc hiểm. Nguyệt Viên là tên làng nhưng cũng có nghĩa là trăng tròn, trăng lại tròn vào hôm rằm tức mười lăm.

Ông liền đối: Trai Vân Tụ đông như mây nhóm…
Về đầu đồi rất chỉnh, vì Vân Tụ là quê ông sánh với Nguyệt Viên, và còn có nghĩa là mây nhóm. Nhưng đến vế sau “Ai muốn lấy mười lăm quan chẵn” thì ông bế tắc, đành chữa thẹn: “Mười lăm quan đắt quá, không lấy nữa”. Từ ấy, ông tự thấy sở học mình còn kém, nên lại về quê tiếp tục học nữa. Nhờ đó về sau lừng danh Đình nguyên Thám hoa Phan Thúc Trực

Vế ra thoạt đầu thấy có vẻ đơn giản, nhưng khi phân tích rõ mới thấy tính hóc búa tiềm ẩn. Ở chỗ điểm chung của một địa danh, một lứa tuổi và một con số. Mà địa danh thì có là có hoặc không có là thua, con người cũng chỉ có vài lứa tuổi nhất định. Phải đến gần 200 năm sau, có người là Thiền Long Nguyễn Phước Thạnh mới tìm ra đáp án cho vế xuất của các cô gái. Khi đọc đến giai thoại trên, Thiền Long Nguyễn Phước Thạnh rất thích. Dù công việc mùa vụ cực kỳ bận rộn gần giống như đang lo hậu cần cho một trận đánh giặc, nhưng nhân vật này vẫn bị vế ra làm phân tâm. Một vế ra tuyệt hay, trong tình thế đối đáp trực tiếp thì quả thật là khó cho cụ Phan tìm ra vế đối ngay lúc ấy được. Nhưng rồi khi có thời gian gián tiếp hơn, Thiền Long Nguyễn Phước Thạnh đã tìm được đáp án trong lúc chợt nhớ về xã Nhơn Thọ là quê hương của mình.

vế đối: Lão Nhơn Thọ đến tuổi người già, khách được đãi sáu mươi mâm lẻ
Phân tích: theo từ điển Hán Việt Trần Văn Chánh, chữ “thọ” còn có nghĩa là “già, tuổi già”. Vậy “Nguyệt Viên” được dịch là “trăng tròn” thì “Nhơn Thọ” cũng được dịch là “người già”. Xã Nhơn Thọ thuộc huyện An Nhơn tỉnh Bình Định. Theo wikipedia, “người già” hay người “cao tuổi” hay người “cao niên” là những người từ 60 tuổi trở lên. Do đó 60 tuổi là một con số có tính cột mốc. Nói tới tuổi già là biết tuổi từ 60 trở lên. Trăng ngày 15 cũng tròn, trăng ngày 16 còn tròn hơn. Như vậy, điểm chung về địa danh, lứa tuổi gắn liền con số đã được giải quýêt trong vế đối trên

Nghe tin ông mất, vua Tự Ðức phái Tổng đốc Nghệ An mang phẩm vật tới tang quyến truy điệu với bốn chữ “Học cao hạnh thuần” (nghĩa là “Học vấn đã cao thâm mà đức hạnh lại thuần hậu”) và truy phong cho ông hàm Chánh ngũ phẩm. Một vị túc nho ở trong huyện Yên Thành đã khóc ông với một đôi câu đối rất ai oán:
Bảng vàng bia đã ngàn thu, thương tiếc thay, người ấy!
Ðầu bạc răng long trăm nỗi, đau xót lắm, trời ơi”!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

QUANG TRUNG và NGỌC HÂN


Vua Quang Trung tên thật là Nguyễn Huệ, khi còn nhỏ, Nguyễn Huệ thường được gọi là chú Thơm. Dưới quyền của Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc, ông được phong làm Long Nhương tướng quân. Khi đem quân ra Thăng Long lật nhào họ Trịnh, Nguyễn Huệ tỏ ý tôn phò nhà Lê. Cùng với thuộc tướng là Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ vào điện Vạn Thọ tiếp kiến vua Lê. Lê Hiển Tông mời Nguyễn Huệ ngồi ở sập bên giường ngự mà hỏi thăm yên ủi, Nguyễn Hữu Chỉnh mối lái nên nhà vua ưng lời gả Ngọc Hân công chúa và nhờ ông này dò ý Nguyên soái Nguyễn Huệ, Chỉnh bèn thay mặt nhà vua mời Nguyễn Huệ vào triều kiến diện.

Lê Ngọc Hân còn gọi bà là Bà Chúa Tiên khi bà ở Phú Xuân vì dinh phủ lập ở chùa Kim Tiên. Lúc vua cha và Nguyễn Huệ nói truyện, bà đứng sau bức bình phong, nghe tiếng Nguyễn Huệ ngân như chuông, lời lẽ quang minh chính đại. Đến khi thấy Nguyễn Huệ mắt phượng mày tằm, ánh nhìn như chớp, tướng mạo phi phàm thì trong lòng sinh ra cảm phục. Bà bước ra thi lễ và xin ra một vế đối và nói: “Nếu Chúa công đối được ấy là Chúa công đã trao lễ vật vậy”. Nguyễn Huệ nhận lời, Ngọc Hân công chúa đã chuyển nguy thành an, chuyển thế bị động thành chủ động. Đang là kẻ bị ép duyên, Ngọc Hân công chúa trở thành chủ động tuyển phò mã.

vế ra là: Chúa công Công chúa hội ngộ

Ngọc Hân công chúa tuyển phò mã bằng phương pháp thanh tao nhất, một vế đối thích hợp cho cả hai. Chàng là chúa công, nàng là công chúa cành vàng. Vừa hợp tình hợp cảnh, vừa nhắc khéo đến địa vị của nàng.

Nguyễn Huệ đối: Một mai mai một anh hùng

Nguyễn Huệ tự cho mình là anh hùng mà không đối được với giai nhân hay sao, thành anh hùng mai một hay sao? Do nghĩ như vậy nên câu đối Nguyễn Huệ có chữ ‘anh hùng’, ‘mai một’ , và chỉ gồm hai chữ này thôi. Đây là cái mà người xưa gọi là khẩu khí, khi đối, khi làm thơ

Vế ra của công chúa Lê Ngọc Hân rất khó và sẽ khó hơn nếu khoảng thời gian đối đáp là rất ngắn ngủi trong một buổi gặp gỡ cho Vua Quang Trung, có lẽ do tình thế bắt buộc lúc đó nên tuy vế đối của vua Quang Trung chưa chuẩn nhưng công chúa Lê Ngọc Hân cũng buộc phải chấp nhận.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LÊ QUÝ ĐÔN


Lê Quý Đôn thuở nhỏ tên là Lê Danh Phương, quê ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ (nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Một lần, Lê Danh Phương cùng các bạn thiếu niên thường ra cái ao rộng trước cổng làng để tắm. Bỗng có một vị quan lớn đi qua; có ý hỏi đường đến thăm nhà quan Thượng Thư Lê Phú Thứ. Cậu bé Lê Danh Phương thản nhiên đứng dạng hai chân, dang hai tay ra để cản đường. Rồi cậu nói: “Đố ông biết chữ gì đây? Nếu biết, cháu sẽ đưa ông về nhà, còn nếu không thì đợi đấy!” Vị quan lớn rất khó chịu và không muốn trả lời… Lê Danh Phương liền giải thích: “Chữ Thái (太), thế mà cũng không biết!”… Cuối cùng, vị quan lớn cũng tìm đến được nhà bạn. Ông rất ngạc nhiên khi thấy cậu bé trần truồng hồi nãy, bây giờ lại đang ngồi im trên cái ghế đẩu ở trong vườn nhà quan Thượng. Khi nghe vị quan bạn thuật lại chuyện với một thái độ bực dọc, quan Thượng thư Lê Phú Thứ cảm thấy rất ngượng ngùng, xấu hổ với bạn; lập tức gọi Lê Danh Phương vào nhà để mắng, rồi ra điều kiện: cậu phải làm ngay một bài thơ với đầu đề “Rắn đầu biếng học” để xin lỗi cha và bác; nếu không làm được thì sẽ bị đánh đòn. Chỉ một lát sau, Lê Danh Phương đã viết xong bài thơ và thoát được đòn roi của cha.

Nội dung bài thơ như sau:
Chẳng phải Liu Điu vẫn giống nhà,
Rắn đầu biếng học lẽ không tha,
thẹn đèn Hổ Lửa đau lòng mẹ,
nay thét Mai Gầm rát cổ cha,
Ráo mép chỉ quen lời lếu láo,
Lằn lưng chẳng khỏi vết roi da,
từ nay Trâu Lỗ xin siêng học,
kẻo Hổ Mang danh tiếng thế gia (

Để thể hiện lời tự thú, tự trách, tự hứa của bản thân trước người cha và người bạn của cha mình, ngoài việc sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật nghiêm trang, ngắn gọn, chặt chẽ; ngoài việc sử dụng những yếu tố ngôn từ trong một số câu tục ngữ và đơn vị thành ngữ tiếng Việt rất tế nhị; ngoài việc sử dụng kết hợp từ thuần Nôm với một vài từ Hán - Việt và điển cố văn học khá hợp lý, Lê Danh Phương còn chú ý sử dụng nhiều danh từ tiếng Việt chỉ một số loài bò sát, nhất là một số loài rắn độc. Từ rắn là một danh từ chỉ động vật thuộc loài bò sát, thân dài có vảy, không chân, di chuyển bằng cách uốn thân. Trong bài thơ Rắn đầu biếng học của Lê Danh Phương, từ rắn đầu là danh từ đã được chuyển hoá thành tính từ để chỉ từ rắn trong rắn mặt - một khẩu ngữ; nói về hạng trẻ con không chịu nghe theo những lời dạy dỗ của cha mẹ, bất chấp cả sự răn đe của người trên và trở nên rất bướng bỉnh, khó bảo.

Tương tự, từ liu điu là một danh từ chỉ loài rắn nhỏ, có nọc độc ở hàm trên, đẻ con, sống ở ao hồ, ăn ếch nhái đã được tác giả sử dụng trong câu phá đề theo biện pháp tu từ ẩn dụ để chỉ hạng người không được học hành, bình thường.

Từ hổ lửa là một danh từ chỉ loài rắn độc có khoang, màu đỏ như màu lửa được tác giả dùng trong câu thực thứ nhất theo phép chuyển nghĩa thành tính từ thể hiện một phản ứng tâm lý hổ thẹn của con người; ở đây là người mẹ.

Từ mai gầm là danh từ chỉ chung loài rắn độc còn có tên là cạp nong, cạp nia. Rắn cạp nong thân có nhiều khoang đen - vàng xen kẽ. Rắn cạp nia thân có nhiều khoang đen - trắng xen kẽ, cỡ nhỏ hơn cạp nong.

Từ mai gầm là danh từ được tác giả sử dụng trong câu thực thứ hai theo phép chuyển nghĩa thành động từ thể hiện thái độ giận dữ, bực tức của con người; ở đây là người cha.

Từ ráo trong rắn ráo là danh từ chỉ loài rắn lành, cỡ trung bình, lưng màu nâu, bụng màu vàng, ăn ếch nhái được tác giả sử dụng trong câu luận thứ nhất theo phép chuyển nghĩa thành động từ ráo mép chỉ thói quen nói dối rất xấu của người con trước cha mẹ.

Từ lằn trong thằn lằn là danh từ chỉ loài động vật thuộc nhóm bò sát, thân và đuôi dài phủ vảy, bốn chi khoẻ, sống ở bờ bụi, ăn sâu bọ được tác giả dùng trong câu luận thứ hai theo phép chuyển nghĩa thành tính từ để chỉ hậu quả ở việc xử phạt của người cha đối với con mình về chuyện biếng học.

Từ trâu là danh từ chỉ rắn hổ trâu - một loài rắn hổ mang rất lớn, rất khoẻ, rất độc, da màu đen được tác giả dùng trong câu kết thứ nhất theo phép chuyển nghĩa thành địa danh chỉ ấp Trâu; quê hương Mạnh Tử (Trung Quốc).

Tương tự, từ lỗ là danh từ liên quan đến nơi ở của rắn, được tác giả dùng trong câu kết thứ nhất cũng theo phép chuyển nghĩa thành địa danh chỉ nước Lỗ; quê hương Khổng Tử (Trung Quốc).

Từ hổ mang là danh từ chỉ loài rắn độc có tập tính ngẩng đầu, bạnh mang để đe doạ kẻ địch được tác giả dùng trong câu kết thứ hai theo phép chuyển nghĩa thành tính từ chỉ một trạng thái tâm lý của con người (xấu hổ mang danh).

Bên cạnh việc dùng hai từ địa danh (Trâu, Lỗ) chỉ quê hương của Mạnh Tử, Khổng Tử; tượng trưng cho Nho học, khi viết bài thơ Rắn đầu biếng học, Lê Danh Phương còn lựa chọn những từ trong một số câu tục ngữ Việt và trong một số đơn vị thành ngữ tiếng Việt để đặt vào những vị trí cần thiết ở đầu đề và cả trong tám câu thơ của bài thơ: từ Rắn đầu trong đầu đề và trong câu thừa đề có trong thành ngữ “Rắn đầu rắn mặt”; từ liu điu trong câu phá đề có ở tục ngữ: “Trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu”; từ giống trong câu phá đề có trong thành ngữ “Giống nào ra giống ấy”; từ đau lòng trong câu thực thứ nhất có trong thành ngữ “Đau lòng xót ruột”; cụm từ nay thét mai gầm trong câu thực thứ hai xuất phát từ thành ngữ “Nay thét mai gào”; từ ráo mép trong câu luận thứ nhất có trong thành ngữ “Ráo mồm ráo mép”; cụm từ năm ba trong câu luận thứ hai bắt nguồn từ câu tục ngữ “Năm bà ba chuyện”; cụm từ siêng học trong câu kết thứ nhất bắt nguồn từ câu tục ngữ “Siêng làm thì có, siêng học thì hay”; cụm từ hổ mang danh trong câu kết thứ hai có trong thành ngữ “Xấu hổ mang danh”; và từ thế gia trong câu kết thứ hai có trong thành ngữ “Thế gia vọng tộc”.

Nhờ phối hợp sử dụng ngôn từ và thể loại hết sức nhuần nhuyễn, tinh tế, Lê Danh Phương qua bài thơ Rắn đầu biếng học đã nói lên đầy đủ những khía cạnh trong nội dung lời tự thú, tự trách, tự hứa của mình: tuy bản thân vốn sinh ra từ một gia đình có học, nhưng cậu lại ương bướng, ngang ngạnh, khó dạy bảo, không chăm lo học hành; và tự nhận thấy với những lỗi ấy chắc chắn cậu sẽ bị cha xử phạt nặng. Những lỗi của cậu đã làm cho mẹ rất đau lòng, xót ruột mỗi khi thắp đèn cho cậu học, mỗi lần nhóm lửa nấu cơm cho cậu ăn. Những lỗi của cậu không chỉ gợi niềm đau xót, hổ thẹn âm thầm, thường xuyên ở mẹ, mà còn dẫn đến thái độ bực tức, lo lắng, giận dữ ở cha. Dù mẹ có buồn, dù cha có giận và thậm chí nhiều lần đã bị cha xử phạt nghiêm khắc, nhưng cậu vẫn “lếu láo”; nghĩa là vẫn học bài một cách qua loa, đại khái, cốt cho có, cho xong. Mãi đến lúc này, trước một lỗi rất nặng (vừa biếng học, vừa vô lễ), cậu mới thực sự biết nhận lỗi và biết hứa từ nay chăm chỉ học hành để xứng đáng con nhà quyền thế, để xứng danh với truyền thống học phong của gia đình. Cả quan Thượng và vị khách chẳng những hết giận, mà còn tỏ ra rất thán phục về tài làm thơ của cậu bé)

vế đối: Những muốn Tự Do cho mới nhà, Thơ câu dại ý cóc mò tha, sách lề Đường Luật còng lưng mẹ, thầy thưởng Trường Ca mát bụng cha, Song Thất sao quên câu tuấn kiệt, Tứ Ngôn chăng nhớ bậc tài ba, vững lòng Lục Bát mà vui đạo, kim Cổ Phong lưu thi Việt gia (Trường Văn Nguyễn Phước Thắng) (Tự Do, Đường Luật, Trường Ca, Song Thất, Tứ Ngôn, Lục Bát, Cổ Phong là các thể loại thơ. Trong bài thơ này,Cóc dùng với nghĩa là con cóc, ý nói thơ dở, thơ con cóc; Song Thất cũng có thể hiểu là cửa sổ (song) trong nhà (thất); Tứ Ngôn có thể hiểu là ý tứ (tứ) cao lớn (ngôn, vì theo từ điển Hán Việt Đào Duy Anh, “ngôn” còn có nghĩa là cao lớn); Lục Bát cũng có thể hiểu là sông Lục, núi Bát thuộc tỉnh Bắc Ninh (bao gồm Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay) quê hương những làn Quan họ, một cái nôi của thơ ca Việt Nam. Ngoài ra, Lục Bát cũng có nghĩa là “lục tìm chén bát” để ăn cơm, “có thực mới vực được đạo”)
Một hôm, một vị quan bên Liêu Xá đến thăm ông Lê Trọng Thứ. Vị quan có nghe tiếng cậu bé con quan Thượng Lê rất hay chữ, muốn trực tiếp thử tài. Nể tình, ông Lê Trọng Thứ cho gọi Lê Quý Đôn tới.

Ông khách nói: “Ta nghe cháu còn bé mà đã hay chữ, nhà cháu gần ngã ba sông, vậy ta ra vế đối là: Tam xuyên (三川)!”
Vế đối giản dị mà hóc búa, chữ tam (三) có ba nét sổ ngang nhưng dựng lên, thành ba nét sổ đứng và là chữ xuyên(川). “Tam xuyên” (三川) lại có nghĩa “ba con sông”. Lê Quý Đôn chưa đáp ngay mà cứ trân trân nhìn ông khách có mang cặp kính. Ông khách rất vui vì tìm được vế đối rất hiểm, liền hỏi: “Sao, có đối được không, cháu bé?”

Lê Quý Đôn lễ phép thưa: “Dạ, cháu xin đối là: Tứ mục (四目)!”.
“Tứ mục” (四目) có nghĩa “bốn con mắt”. Chữ đối lại thật chuẩn, chữ “tứ” (四) viết quay dọc lại, cũng là chữ “mục” (目).
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Sinh thời Lê Quý Đôn nổi tiếng là người thông thái, đọc và hiểu không biết bao nhiêu sách vở thời bấy giờ. Ông thi đỗ Khôi nguyên. Lẽ thường, tuổi trẻ thông minh đĩnh ngộ, đỗ đạt sớm thường hay mắc tính kiêu ngạo. Thời trẻ, Lê Quý Đôn cũng không tránh khỏi điều ấy. Chuyện kể, sau khi thi đỗ, ông liền cho treo ngay trước ngõ tấm biển với hàng chữ: “Thiên hạ nghi nhất tự lai vấn” (Nghĩa là: Ai không hiểu chữ gì thì hãy đến mà hỏi). Lần thân phụ ông qua đời, người đến viếng rất đông. Trong số đó có một cụ già mà Lê Quý Đôn không quen. Cụ tự giới thiệu lai lịch: Cháu còn nhỏ, chứ lão là bạn thân với cha cháu từ xưa. Nhưng vì nhà nghèo, đường xa, lại tuổi già sức yếu nên ít đi lại thăm hỏi nhau. Nay nghe tin cha cháu mất, lão đến để có câu đối viếng. Lão run tay, cháu hãy lấy giấy bút, lão đọc, nhờ cháu viết hộ. Lê Quý Đôn lấy giấy bút. Cụ bèn đọc: “chi”. Ông Đôn không biết nên viết chữ “chi” nào bởi trong tiếng Hán có nhiều chữ “chi” viết khác nhau. Ông đành cầm bút chờ cụ già đọc tiếp xem sao, cụ lại đọc “chi”. Lê Quý Đôn thấy lạ, liền hỏi: “Bẩm, “chi” nào ạ?” Cụ thở than rằng: “Đến chữ “chi” cũng không biết viết, thế mà treo bảng ngoài ngõ để cho người đến hỏi, thì sao trả lời được kia chứ?” Lê Quý Đôn ngượng chín cả người. Bây giờ cụ già mới đọc luôn hai vế đối:

Chi chi tam thập niên dư, xích huyện hồng châu kiên thượng tại Cách hơn ba chục năm, xích huyện hồng châu nay vẫn đó)

Tại tại số thiên lý ngoại, đào hoa lưu thuỷ tử hà chỉ (Xa ngoài mấy ngàn dặm, đào hoa lưu thuỷ bác về đâu)

Thấy câu đối hay và lạ, Lê Quý Đôn và cả các nho sĩ đến viếng đều kinh ngạc. Còn ông già thì phủ phục trước linh cữu mà khóc rằng: “Ới anh ơi, anh bỏ đi đâu để con anh đỗ đến Bảng Nhãn mà chưa biết chữ “chi” anh ơi”. Lạy xong, cụ già chống gậy ra về. Lê Quý Đôn mời mãi nhưng cụ không chịu nán lại, bởi thế nên sau này không ai biết ông cụ hay chữ đó tên là gì. Có thuyết khác nói giai thoại này là do cụ già viết cho Cao Bá Quát.

Tuy bị cụ già làm cho bẽ mặt nhưng Lê Quý Đôn vẫn chưa bỏ được tính kiêu ngạo, sau đó ông đến cầu siêu cho cha ở ngôi chùa làng. Nhà sư trụ trì thấy ông thì mừng rỡ mà rằng: “Quan Bảng vừa tới, may mắn sao. Bần tăng có điều muốn nhờ quan chỉ giáo, chả là đứa tiểu đồng của bần tăng nghe người nào đó đó, về hỏi, nhưng bần tăng nghĩ không ra, nên đành theo lời quan bảng dạy “Nghi nhất tự lai vấn”. Câu đối thế này, xin quan chỉ cho:

Hạ bất khả hạ, thượng bất khả thượng (dưới không thể dưới, trên không thể trên)
Chỉ nghi tại hạ, bất khả tại thượng (đúng nên ở dưới, không thể ở trên)

Lê Quý Đôn nghĩ mãi không ra, đúng lúc ấy chú tiểu chạy từ ngoài vào thưa với sư phụ là cậu đã giải được. Lê Quý Đôn giục chú tiểu nói thử xem, thì mới hay đó là chữ “nhất” (một). Đúng là trong chữ “hạ” (dưới), thì chữ “nhất” ở trên chứ không thể viết dưới. Trong chữ “thượng” thì chữ “nhất” nằm dưới và chữ “bất”, chữ “khả” thì chữ “nhất” lại ngồi trên. Lê Quý Đôn biết nhà sư đã lấy ngay chữ “Nhất tự lai vấn” ông treo trước ngõ để nhạo.

Qua hai lần gặp cao nhân, Lê Quý Đôn đã bớt kiêu ngạo hơn nhưng cái tính tự mãn chưa thể sửa ngay được trong một sớm một chiều, ông hạ chữ “nghi nhất tự lai vấn” xuống nhưng lại viết mấy chữ: “Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn” vào cái bảng, hễ đi đâu thì cho thằng đầy tớ đi trước cầm. Một hôm qua đò, ông lái đò nhìn thấy dòng chữ trên rất khó chịu liền nói: “Tôi ra câu đối ông đối được thì để bảng này cầm đi, nếu không đối được thì đập cái bảng đi!” Lê Quý Đôn đồng ý, thời gian đối là thời gian đò qua sông. Lê Quý Đôn bảo: “Ông xuất đối đi”. Ông lái đò nhìn vào khoang thuyền, trên bếp đang nấu thịt con hôn trong nồi ba ông đọc luôn:

Con Ba Ba nấu nồi ba, tam tam chi cửu thật là chín chưng

Lê Quý Đôn nghĩ nát óc cho đến khi đò sang sông mà vẫn không đối được, ông lái đò đập cái bảng ấy đi, từ đó cái tật coi thường người khác của ông mất hẳn vì ông hiểu rằng “mình hay nhưng có người hay nữa”. Câu một có lẽ chúng ta đã rõ ông lái đò chơi chữ “Ba ba” với hai nghĩa (số 3 và con Ba Ba) Câu hai chia thành hai phần: “Tam tam chi cửu (chơi tiếng Hán hoàn toàn có nghĩa là : ba lần ba là chín, và cửu vừa là số 9 vừa là tính từ “chín”); “thật là chín chưng” nghĩa tiếng Việt hoàn toàn như “chín ngấu, chín mùi, chín rục...

Gần đây có người là Diên Minh đối như sau: Chim Đa Đa đậu nhánh đa, vô vàn trú thất khéo mà lạc nhau (Vế một dùng “Đa đa” với hai nghĩa (chim Đa Đa và nhiều), đạt tiêu chuẩn của vế xướng. Vế hai với phần một: “Vô vàn/trú thất”với từ Việt là “vô vàn”, từ Hán là “trú thất” (Thất : động, lều, chỗ trú đơn giản - còn có nghĩa là mất, thất lạc); phần hai thuần Việt “khéo mà lạc nhau”. Vô vàn:(无穷多: nhiều nhiều, đọc trại ra cho dễ nghe của nguyên từ “vô vạn” là từ Hán. Do đó, câu đối của Diên Minh có thể nói là đạt yêu cầu được 90% (vế một 50% + vế hai 40%)

vế đối khác 1: Chim cô cô đáp nhà cô, đơn đơn như nhất líu lô một mình (Trường Văn Nguyễn Phước Thắng) (Theo Wikipedia, chim cô cô có 2 loại: Cô cô đầu xám (Cochoa Purpurea ) và Cô cô xanh (Cochoa viridis). Cô cô đầu xám được tìm thấy ở Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Myanmar, Nepal, Thái Lan, và Việt Nam. Chim Cô cô đầu xám là một loài chim màu sắc rực rỡ, thích sống yên tĩnh, nó thường hay đứng bất động một mình trong các tán cây. Chữ cô được dùng trong từ “nhà cô” có thể hiểu theo nghĩa danh từ (như cô giáo, cô gái, cô cậu...) hoặc theo nghĩa tính từ (cô thân độc mã, cô quạnh...). Theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, chữ “cô” còn có nghĩa là một mình, chữ đơn cũng còn có nghĩa là một mình. Đơn đơn như nhất dùng ý nghĩa 1x1=1 để đối với 3x3=9 của vế ra. Có thể thay cụm từ “Đơn đơn như nhất” bỡi “Nhất nhất như nhất” mà vế đối không thay đổi ý nghĩa. Vế đối tả một con chim cô cô đậu một mình trên một ngôi nhà cô độc (hoặc ngôi nhà của cô giáo “hay cô gái, bà cô” chỉ ở một mình)

vế đối khác 2: Biển mười mười cấp anh mười, thập thập đẳng bách sướng cười trăm vui (Thiền Long) (“Con ba ba” là danh từ chung chỉ con vật thuộc loài ba ba. “Nồi ba” cũng là danh từ chung; Phần đầu vế đối: “Biển mười mười” là danh từ chung chỉ biển số đăng ký cho các xe có số thứ tự 1010. Trên thực tế Biển số 1010 được gọi theo các cách: “một không một không” hoặc “mười mười” hoặc “một nghìn không trăm mười”; “Anh mười” chỉ chung người anh thứ 10; Phần hai vế đối (số hán việt) : thập = 10; bách = 100; thập thập đẳng bách: 10X10=100, phần thuần việt “sướng cười trăm vui” : diễn tả trạng thái đạt niềm vui lớn “trăm vui” vì biển số đẹp, chữ “trăm” lặp lại nghĩa chữ “bách” đối chữ “chín” lặp lại nghĩa chữ “cửu”)

vế đối khác 3: Đường hai hai qua nước hai, nhị nhị thành tứ đúng bài tư duy (Hoài Anh Võ Quang Thạch) (Đường 22 là quốc lộ Xuyên Á từ Tây Ninh qua Cam pu chia là nước thứ hai sau Việt Nam)

vế đối khác 4: Mười mười đúng cả vừa mười. Thập thập như bách đúng rồi trăm nguyên. (Nguyễn Sư Giao)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐÀM THẬN HUY


Đàm Thận Huy hiệu là Mặc Trai, tự là Mặc Hiên Tứ, thuỵ là Trung Hiến, người làng Hương Mạc (còn gọi là làng Me), huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông làm quan đến chức Tán trị công thần Lễ bộ Thượng thư, Tú Lâm Cục kiêm Hàn Lâm Viện Thị Độc trưởng Hàn Lâm Viện Sư, Thiếu bảo Nhập Thị Kinh Diên tước Lâm Xuyên Bá. Năm 1525, vua Chiêu Tông bị Đăng Dung bắt. Đàm Thận Huy đã tuẫn tiết ở vùng Yên Thế, Thương Hạ (Bắc Giang).
Một hôm, trời mưa to nên đã đến giờ tan học mà các học trò vẫn phải nán lại chưa thể về được, nhân đó Đàm Thận Huy ra vế đối cho các học trò.

Vế ra: 雨無鈐鎖能留客 Vũ vô kiềm toả, năng lưu khách
(Mưa, dù không xích không khoá, cũng có thể giữ chân khách ở lại)

Nguyễn Giản Thanh đối: 色不波濤易溺人 Sắc bất ba đào, dị nịch nhân
(Sắc đẹp, dù chẳng phải sóng gió, cũng dễ làm cho người ta chìm đắm.

Câu đối lấy ý từ điển cố Trung Hoa: đời vua Minh Huệ Đế, Trần Hoá Chiêu ở huyện Tế Hàng, tỉnh Sơn Đông có người vợ là Lương Tiểu Nga rất xinh đẹp. Ở cùng huyện có nhà phú hộ tên là Trát Hiếu Sắc. Hiếu Sắc thấy Tiểu Nga đẹp, tìm cách kết bạn với Hoá Chiêu. Lập tâm chiếm cho được vợ bạn, Hiếu Sắc bỏ ra rất nhiều tiền để giúp bạn trong việc làm ăn hoặc lúc nguy khốn. Qua hai năm, sau khi chiếm được cảm tình của nhà bạn, Háo Sắc rủ Hoá Chiêu ngồi thuyền đi buôn, mọi vốn liếng đều do mình chịu cả. Thuyền đi một tháng đến Hàng Châu, Hiếu Sắc phục rượu cho Hoá Chiêu say rồi xô xuống biển. Mấy lần Hoá Chiêu trồi lên đều bị tên phản bạn nhấn xuống cho chìm, cuối cùng chàng phải vùi thây dưới đáy biển. Chừng ấy, Hiếu Sắc mới tri hô lên cho bè bạn hay và mượn thuyền đến vớt bạn nhưng không được. Hiếu Sắc cho thuyền trở về, khóc lóc báo tin dữ cho mẹ và vợ Hoá Chiêu, bỏ tiền cúng bái và cùng Tiểu Nga để tang. Từ đó, Hiếu Sắc càng tỏ ra hết lòng lo lắng mọi việc nhà cho vợ bạn khiến mẹ Hoá Chiêu cảm động và ép dâu là Tiểu Nga ưng Háo Sắc làm chồng đền công ơn giúp đỡ. Hai người ăn ở với nhau ít lâu, nhân vô ý, Hiêú Sắc để lộ việc mình âm mưu hại bạn. Tiểu Nga đến huyện đường đầu cáo và trả được thù cho chồng cũ. Nhưng nàng nhận thấy vì nhan sắc của mình mà cả hai người chồng đều bị chết, Tiểu Nga thắt cổ tự tử)

Đàm Thận Huy nhận xét: “Câu đối này thật hay và thật chỉnh, văn khí này có thể đậu Trạng nguyên, nhưng về sau coi chừng việc sắc dục làm hại sự nghiệp”. Quả nhiên, Nguyễn Giản Thanh làm quan đến Lễ Bộ Thượng Thư kiêm Hàn lâm viện Thị độc, Chưởng viện sự, tước Trung Phụ bá, nhưng vì say đắm cô gái đẹp ở kinh thành mà đến ô danh bại giá.

Nguyễn Chiêu Huấn đối: 月有彎弓不射人 Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân
(Trăng có cung loan mà không bắn người)

Đàm Thận Huy đánh giá: “Câu này kém sắc sảo, không hay bằng câu kia, nhưng tỏ ra khí chất hiền hoà, sau này sẽ làm nên, cuộc sống sẽ chu toàn! Người này làm quan thanh liêm, bản chất lương thiện rất được lòng dân”. Đàm Thận Huy thích câu của Nguyễn Chiêu Huấn có ý trung hậu, ông bèn gả con gái lớn là Thuý cho ông học trò hiền lành này. Đến khoa thi, nghe tin Nguyễn Giản Thanh đỗ trạng nguyên, ăn khao hơn một tháng trời. Thấy vợ hối tiếc mãi, Đàm Thận Huy bảo rằng “Anh này đỗ trạng nguyên thì anh kia rồi cũng phải đỗ bảng nhãn. Tuy kém hơn, nhưng bụng nó trung hậu, con cháu chắc sẽ khá hơn nhiều.” Sau khoa thi kế tiếp, lúc Đàm Thận Huy đang tắm ngoài ao thì nghe tin con rể Huấn vừa đỗ tiến sĩ. Ông không kịp mặc quần áo, cứ thế chạy về nhà hô to với cụ bà rằng “Huấn cũng đỗ ông nghè rồi đấy!” Đến khi xướng danh, quả nhiên ông Huấn đỗ bảng nhãn.

Lại một trò nữa (khuyết danh) lên tiếng:
Phân bất uy quyền dị khủng nhân
(Cục cứt chẳng có uy quyền gì mà khiến người ta phải sợ)

Đàm Thận Huy cho rằng người đối câu này về sau tuy rất giàu có nhưng lại keo kiệt bủn xỉn, kết quả người học trò kia sau cũng vào bậc hào phú trong vùng, nhưng ai cũng chê là hạng thô lỗ, bỉ ổi.

vế đối khác: Phước hữu diên trường tự thiện căn (Nguyễn Sư Giao).
Vế đối khác: Phong bất cử sừ nại khiết sơn (Hoài Anh Võ Quang Thạch)
(Ý vế đối là gió không phải cuốc bừa mà làm mòn cả núi.
Vế đối lấy ý từ bài hát “Biển nỗi nhớ và em” lời thơ Hữu Thỉnh nhạc Phú Quang.

Lần khác, Đàm Thận Huy lại ra vế đối với một lớp học trò khác:
Vế ra:
Thư là sách, sách để trên án thư

Một học sinh đối: Kiếm là gươm, gươm treo vào giá kiếm
Người nữa đối: Phạn là cơm, cơm đựng trong bình phạn

Đàm Thận Huy phân tích: “Một người sẽ làm tướng quân lập nhiều chiến tích lớn nơi sa trường, còn gã kia có của nhưng chỉ là hạng tham ăn tục uống mà thôi”.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÙI CHÍ VINH


Vừa rồi sau khi ra mắt hai tập Thơ tình Bùi Chí Vinh và Thơ đời Bùi Chí Vinh trong nước lẫn trên mạng tình cờ tôi được nghe một số giai thoại hay hoặc không hay của thiên hạ bàn tán về mình. Ðối với tôi hay hoặc không hay đều vẫn là giai thoại. Nhưng giai thoại phải có cơ sở xác đáng có thực tế chứng minh có những người trong cuộc chứng kiến thì giai thoại đó mới trường tồn truyền khẩu hợp lý và khoa học được. Những giai thoại đồn đại chung quanh hình tích sự đi đứng năng khiếu làm thơ ứng khẩu của tôi xuất hiện ngay từ sau giải phóng lúc tôi còn rất trẻ đang làm việc tại một tờ báo và chỉ mới 21 tuổi đầu. Giai thoại mỗi ngày mỗi phát triển thêm lúc tôi đi bộ đội rồi đi giang hồ rồi làm đủ mọi thứ nghề để sống thậm chí cả giai thoại lúc tôi bày tỏ chính kiến của mình...

Trong phạm vi bài viết này tôi xin mở đầu bằng một giai thoại quái đản nhất vừa nghe được. Sự quái đản ở đây tuỳ nghi ai muốn hiểu sao thì hiểu trong khi câu thơ đồn đại về tôi lại khởi nguồn từ một tình bạn rất đẹp. Cụ thể từ hai câu thơ tam sao thất bổn sau đây:

Trọc đầu BÙI làm sao CHÍ ở
Nhục còn chưa có lấy gì VINH

Và họ nói rằng hai câu thơ trên là do Bùi Giáng ứng khẩu tặng tôi trong bàn nhậu lúc tôi đang múa may chữ nghĩa khiến tôi hoàn toàn tâm phục khẩu phục. Suy nghĩ như thế không riêng gì tôi mà những người quen biết tôi đều phải phì cười. Bởi một lẽ đơn giản tác giả hai câu thơ trên không phải là Bùi Giáng tiên sinh mà là ông anh Mặc Tuyền một nhà thơ kiêm kịch tác gia bụi đời làm “chọc quê” tôi khi tôi mạt lộ đang ngồi ở vỉa hè phụ sửa xe cùng anh Phan Văn Bồng tự Bế Văn Bồng mưu sinh kiếm sống vào thời điểm cuối thập niên 80 đói rách. Thời điểm ấy nạn dịch bo bo khoai mì hoành hành mâm cơm không có gạo trắng mà ăn Mặc Tuyền cố kiềm chế sự ngông cuồng của tôi nên làm hai câu khá cảm động. Vừa chơi chữ vừa nói về chữ “nhục” nhục ở đây có nghĩa là “thịt” thi sĩ lớn cỡ nào mà đầu cạo trọc và thiếu thịt ăn thì bao tử cũng đói meo và chí khí lẫn chí mén cũng đi chơi chỗ khác.

Còn Bùi Giáng tiên sinh đương nhiên thuộc về đẳng cấp khác. Ông và tôi không phải huynh đệ hoặc thân thiết tri kỷ nhưng khi gặp nhau chưa bao giờ ông dèm pha biếm nhẽ thế hệ sau mình. Giai thoại giữa tôi và ông độc đáo hơn nhiều. Cách đây hơn 20 năm tôi và Hồ Lê Thuần (con trai cố bí thư Thành Ðoàn trước 1975 là Hồ Hảo Hớn) vi hành xuống miệt Gò Vấp chợ Long Hoa lúc nửa đêm. Nhằm vào lúc Bùi Giáng rời chùa Long Huê gần đó ra chợ quậy tưng bừng khói lửa với một cây chổi rách tượng trưng cho ấn kiếm. Gọi là ấn kiếm vì Bùi Giáng luôn vỗ ngực xưng vương bất cứ lúc nào cao hứng. Ðêm đó chúng tôi ngồi uống rượu vỉa hè chứng kiến “vua cỏ” Bùi Giáng làm bà con chạy tán loạn và nhìn ông múa chổi tiến về phía chúng tôi. Ông vừa đi vừa khạc thơ rồi dòm trừng trừng vào mặt tôi. Trong cơn say xỉn ngất trời Hồ Lê Thuần xúi tôi đọc thơ đáp lễ. Thế là người ngồi người đứng xuất khẩu thành thi qua lại liên tục. Không biết Bùi tiên sinh “phê” thơ tôi ra sao chỉ biết Người tự động quỳ xuống bàn chúng tôi dâng cây chổi rách lên và tuyên bố “Ðêm nay Trẫm thay mặt cựu hoàng Bảo Ðại giao ấn kiếm cho thế hệ Hồ Chí Minh”. Câu nói đầy tính “chính trị” và đối phó của Bùi Giáng bắt buộc tôi phải nhận cây chổi và làm một bài thơ tặng ông tại chỗ có chép lại nhét túi ông đàng hoàng xin mạn phép ghi ra đây để khép lại lời đồn về sự “tâm phục khẩu phục” của tôi trước Bùi Giáng:

Cách lạy của Bùi Giáng

Liên tồn l... tiên liền tôn
Bác Bùi chưa gặp đồng môn đây mà
Ta hăm bảy tuổi đăng khoa
Bác hơn sáu chục mới là Trạng Nguyên
“Bác đi bi đát” cơn điên
Ðể mua trí tuệ “l... tiên liên tồn”
“Riêng ta” thành “ra tiên” con
Lúc say xỉn vỗ hậu môn cười khà
“Bán dùi Bùi Giáng” xót xa
“Bình Chí Vui” ta vốn là “Bùi Vinh”
Bác không màng nhắc triều đình
Có đâu ta nỡ cố tình làm vua
Chi bằng giữa chợ say sưa
Bùi to Bùi nhỏ đi lùa các em
Kìa sao bác lạy như điên
Ðợi ta đỡ dậy chiêu hiền nữa sao?!?

Ngoài ra tôi còn chép cho Bùi tiên sinh bài thơ BÌNH CHÍ VUI khi ông muốn tôi bình tĩnh chí nam nhi trở lại để có thể tồn tại trước bọn sâu bọ làm người. Tôi đã làm bài thơ này theo “môđen” tiếng lái và chơi chữ của ông:

Bình Chí Vui

“Bùi Chí Vinh Bình Chí Vui”
Không bình chí chắc tiếng cười mất tiêu
Chí trong bình chí mốc meo
Chui ra bình chí mới nhiều nhục vinh
Bùi làm thiên hạ giật mình
Sờ ngay “cái đó” kẻo em mếch lòng
“Bùi như lạc” nhậu sướng không?
“Trần như nhộng” Bùi tồng ngồng đái chơi
Bất bình nên chí chưa vui
Các em nên gọi ông Bùi Chí Vinh

Chuyện gặp Nguyễn Ðức Sơn giang hồ hơn. Trước đó khi mạn đàm về thi ca cùng đồng nghiệp tôi luôn luôn khẳng định miền Nam trước đây có 4 chưởng môn nhân đại diện cho 4 trường phái thi ca tiêu biểu. Ðó là Bùi Giáng thơ trên trời Nguyễn Ðức Sơn thơ dưới đất Thanh Tâm Tuyền thơ tự do kiểu Tây phương Tô Thuỳ Yên thơ hành cổ điển kiểu Ðông phương. Vì thế lần hạnh ngộ Nguyễn Ðức Sơn trên cao nguyên Ðại Lào sơn lam chướng khí tôi đã ăn những gì ông tự trồng tự hái và đã đấu khẩu những gì ông muốn.

Nguyễn Ðức Sơn vốn sở trường thơ lục bát và nổi tiếng trước những bài thơ tinh gọn đến mức độ tối thiểu về chữ mà vẫn dào dạt ý tứ. Có bài thơ chỉ hai câu mỗi câu hai chữ như “Cái lỗ - Tối cổ” đủ nói hết về chế độ mẫu hệ về nơi khai sinh ra loài người. Có bài thơ chỉ ba câu mỗi câu một chữ như “Hột - Thì - Le” đủ nói hết về bản chất sinh tồn thiện ác của nhân loại. Và tôi đã mượn những ý thơ độc đáo đó để đưa vô bài thơ làm tặng ông như một thứ giai thoại truyền khẩu:

Ðụng độ Nguyễn Ðức Sơn

“Hột thì le” thật đó sao?
Ta dân “thảy lỗ” đến chào đồng môn
Xưa nay hai kẻ du côn
Ít khi đời sống cô hồn như nhau
Như miếng trầu khác miếng cau
Nhưng có cau chẳng có trầu như không
Như không sinh chuyện động phòng
Hột sao le được “nụ hồng thi ca”
Như không sinh nở đàn bà
“Cái lỗ tối cổ” thành ra tầm thường

Ta thừa văn bác dư chương
Hôm nay một chén Hồ Trường chao nghiêng
“Thiên tài” nhờ lỗ “tai thiền”
Buồn lên núi hú chẳng phiền Tarzan
Buồn hái nấm luyện thành sâm
Buồn quay vào vách thương thầm Ðạt Ma
Buồn hơn xuống động bẻ hoa
Buồn hơn chút nữa kiếm ta đỡ buồn

Kiếm ta ta cứ ngông cuồng
Sánh vai với Nguyễn Ðức Sơn cũng kỳ
“Kỳ”thì theo “Thiệu” mà đi
Ta theo bác đã chắc gì tịnh tâm
Chẳng thà bút vẩy thơ đâm
Rong chơi đợi trận cát lầm đi qua
Ðừng khen chê trước mặt ta
Sợ e tiếng gáy làm gà ghét nhau
Chẳng thà trong cuộc bể dâu
Cưa nhau chén rượu cho sầu chia hai...

Riêng đối với Phạm Thiên Thư thì tôi “quậy” theo kiểu bụi đời hơn. Năm 1980 tôi được nghỉ phép mặc đồ bộ đội rách xác xơ đi lang thang cùng Hoàng Linh qua đường Lý Chính Thắng (tức Yên Ðỗ cũ). Hoàng Linh là bạn giang hồ của tôi anh là con trai nhà văn Hoàng Ly và là em vợ Phạm Thiên Thư lúc đó. Anh giới thiệu tôi với Phạm tiên sinh đang mở tiệm hớt tóc và bỏ mối rượu ngay trên đường này.

Cuộc hội ngộ diễn ra y chang truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Ngoài trời mưa tầm tã bên trong tiệm Phạm tiên sinh ngừng hớt tóc cho vị thân chủ mặt mũi kỳ dị và kéo vị ấy ngồi xuống rót chai rượu màu xanh tiếp tôi và Hoàng Linh. Sau tuần rượu đầu đàm đạo về thơ vị khách lạ đứng dậy chỉ vào mặt tôi và phán “tuổi Giáp ngọ phải không sanh vào cuối tháng 9 âm lịch phải không chào đời nửa đêm phải không?” Rồi ông ta đứng dậy bỏ đi một mạch. Lời phán của kẻ dị nhân khiến tôi hoang mang nhưng hai anh em Phạm Thiên Thư Hoàng Linh chỉ khẽ gật gù khoái trá. Ðến giờ này tôi vẫn chưa hiểu dị nhân đó là ai và tại sao chỉ sau một quẻ Dịch ông ta lại biết ngày giờ năm sinh tháng đẻ của tôi trong khi cả bàn không ai biết. Hôm đó trong lúc cụng ly nghe Phạm tiên sinh thố lộ về cuộc đời trôi nổi lên voi xuống chó của ông làm tôi ngậm ngùi vô tận. Tôi thừa biết họ Phạm sở trường về thơ bốn chữ nên ứng khẩu tặng ông bài thơ cùng thể loại mà ông ưa thích. Bài thơ như sau:

Ghẹo Phạm Thiên Thư

Rượu Phạm Thiên Thư
Thơ Bùi hiền sĩ
Một chén càn khôn
Ðất trời tuý luý

Tưởng huynh tên “Thị”
Nên mới vào chùa
Dè đâu tửu sắc
Cũng ghiền nam mô

Huynh giữ một bồ
Chứa toàn thịt chó
Ta giữ bồ kia
Chứa toàn tín nữ

Vì huynh quân tử
Như Nhạc Bất Quần
Ta đành tiểu tử
Như Ðiền Bá Quang

Tiếu Ngạo cung đàn
Một gian lều cỏ
Huynh mới bẻ gươm
Ta còn mãi võ

“Ðoạn Trường” hai chữ
Huynh ngâm nát lòng
“Vô Thanh” đâu chứ
Cửa thiền huynh trông

Ta con nhà tông
Giống lông giống cánh
Quen ngủ chiếu rơm
Dùng cơm khổ hạnh

Gặp chiều mưa lạnh
Chén tạc chén thù
Ðem thơ tặng Phạm
Ðếch cần Thiên Thư!

Cũng trong thời gian đó tôi lang bạt rất nhiều nơi làm quen với nhiều người trong đó có thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn từ Phan Thiết vô là tác giả tập thơ Chiến tranh Việt Nam và tôi nổi tiếng.

Nguyễn Bắc Sơn có hẹn hò đâu với Trần Mạnh Hảo nên rủ tôi lên chung cư Hội Văn Nghệ số 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa lai rai ba sợi chơi. Khi đi tôi có rủ thêm Trần Hữu Dũng Vũ Ngọc Giao là hai chiến hữu giang hồ cùng cạn chén tang bồng hồ thỉ.

Rượu vào lời ra. Tôi và Nguyễn Bắc Sơn thay phiên nhau khạc thơ chan chát. Có lẽ Nguyễn Bắc Sơn không ngờ tôi là một kẻ hậu sinh chưa hề có tên tuổi trước giải phóng mà khạc thơ quá đã nên anh “bốc” liền một câu: “Thằng cha Bùi Chí Vinh này làm bài thơ nào cũng hay hết nhưng thơ họ Bùi là Ðồ Long Ðao còn thơ Nguyễn Bắc Sơn ta mới là Ỷ Thiên Kiếm”. Nguyễn Bắc Sơn đâu biết câu phát biểu đó vô tình làm “mồi” cho một bài thơ giai thoại về anh và tôi sau này. Bài thơ được tôi ứng khẩu tại chỗ như sau:

Cách nhậu với Nguyễn Bắc Sơn

“Ta làm thơ bài nào cũng hay”
Nghe gã Nguyễn Bắc Sơn nói thế
Té ra gừng già ngươi chưa cay
Ta chỉ hạt tiêu mà rơi lệ
Làm thơ ta làm từ bụng mẹ
Ðợi ngươi nổi tiếng là ta sinh
Sinh sau đẻ muộn giống Hạng Thác
Cho người Khổng Tử đỡ hợm mình
Sinh sau đẻ muộn giống chim hạc
Cho đàn cò đói đỡ ăn đêm

Nhà ngươi bốc ta cứ như chưởng:
Rằng thơ ta ngông như Tạ Tốn
Câu trước câu sau Ðồ Long Ðao
Vần dưới vần trên Ỷ Thiên Kiếm
Ðao kiếm dành cho bọn cường hào
Có đâu đưa vào thơ bố trận
Tại đời lắm muối nên thơ mặn
Chứ thiết gì ta nghiệp võ công
Kìa coi hoàng đế Quang Trung đó
Ðến chết còn ghê chữ má hồng

Tiếc rằng ngươi không là thiếu nữ
Thiếu nữ bốc ta thành vua Trụ
Nhà ngươi bốc ta thành bia hơi
Uống say bọt bay hết lên trời...

Ðối ẩm với Nguyễn Bắc Sơn tại nhà Trần Mạnh Hảo mà quên nhắc đến họ Trần thì quả là điều không phải phép. Khi tôi 15 tuổi tham gia phong trào sinh viên học sinh đấu tranh đô thị ở Sài Gòn thì bộ đội Trần Mạnh Hảo đã siết cò AK ở trong rừng. Ngay giải văn học Thành phố Hồ Chí Minh đầu tiên sau giải phóng 1976 - 1977 tôi và Trần Mạnh Hảo đã biết nhau khi anh đoạt giải thơ với tập Tiếng chim gõ cửa còn tôi đoạt giải thơ với tập Hạnh phúc có thật. Tôi với anh còn thân nhau bởi cùng đi lưu diễn đọc thơ các trường đại học cùng với Nguyễn Duy Văn Lê Nguyễn Nhật Ánh. Phải nói thật tôi thân với Trần Mạnh Hảo hơn những nhà thơ ngoài Bắc khác một phần vì quê quán cha tôi thuộc tỉnh Nam Ðịnh đồng hương với anh.

Trần Mạnh Hảo và tôi mỗi người đều tạo ra những sóng gió và dư luận riêng bởi cá tính và thơ của mình. Trong bàn nhậu đám đông tôi và anh luôn luôn giữ vai trò chủ lực trong việc đọc thơ phục vụ bè bạn bằng thơ trí nhớ hoặc thơ ứng khẩu. Ai cũng khẳng định rằng tôi và anh đều có trí nhớ đặc biệt thuộc lòng bất kỳ bài nào của mình viết ra cho dù là viết giỡn chơi. Thậm chí giới giang hồ mỗi lần nghe tôi và anh đấu khẩu bằng thơ đều gọi là “Nam Chinh Bắc Chiến”. Một lần ngồi dưới chân cầu Công Lý trước nhà chị Phương Huệ có mặt khá đông bá tánh tín đồ Phật Giáo Trần Mạnh Hảo đã cao hứng đọc oang oang bài thơ chinh phục thiên hạ. Bằng trí nhớ tôi chép ra đây sau một thời gian quá lâu hơn 20 năm nếu có sơ xuất hoặc thiếu câu nào đoạn nào mong Trần Mạnh Hảo thông cảm:
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

KHUYẾT DANH


Giai thoại truyền tụng rằng có anh thư sinh nọ quanh năm học ở tỉnh thành, nhân dịp năm cũ sắp hết được nghỉ học nên về quê ăn Tết. Đi qua một cánh đồng thấy mấy cô thôn nữ đang cho trâu ăn vừa cười đùa vui vẻ, chàng thư sinh liền tẻ vào đến làm quen. Thấy anh chàng thư sinh lững thững tiến đến, một cô trong bọn liền ngâm một câu Kiều:

“Trông chừng thấy một văn nhân...”

Rồi cô bỏ lửng, chàng thư sinh hí hửng, vuốt vạt áo the đứng ngóng nghe câu tiếp theo. Chợt một cô khác cất giọng:

“Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”

Tưởng mình được mấy cô ví là Kim Trọng không dè các cô cắc cớ lại ví mình với Mã Giám Sinh nên anh ta vừa thẹn vừa tức. Tuy nhiên thấy các cô xinh xinh lại ngâm Kiều mà Kiều là sở trường của mình, anh chàng liền lên mặt thách thức:
- Chà, các cô thuộc truyện Kiều lắm đấy nhỉ?

Một cô nhanh nhẩu đáp:
- Chúng em quê mùa, ít học đâu dám khoe tài. Còn anh chắc giỏi Kiều lắm nên mới hỏi thế chứ gì? Vậy nhờ anh đọc một câu Kiều bảo con trâu đang đi ở chỗ kia đứng lại dùm tụi em xem nào.

Chàng thư sinh hơi chột dạ, tự nhủ: “Chết chửa, xưa nay mình có dùng Kiều để điều khiển trâu bao giờ đâu?” Tuy thế anh ta cũng tìm được hai câu Kiều và tin chắc rằng sẽ điều khiển con trâu đứng lại nên anh chàng mạnh dạn đọc:

“Tần ngần “đứng” suốt giờ lâu,
Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà.”

Anh ta cố ý đọc to chữ “đứng” để con trâu đứng lại nhưng con trâu vẫn lững thững bước đi khiến các cô cười ầm. Tưởng con trâu chưa nghe, anh lại đọc hai câu khác:

“Trong vòng tên đá bời bời,
Thấy Từ còn “đứng” giữa trời trơ trơ”

Lần này anh thư sinh hét to chữ “đứng” nhưng con trâu vẫn tiếp tục đi.

Một cô liền nói:
- Thôi, anh chả bảo nó được đâu, để em bảo dùm cho. Đoạn cô ngâm:

“Họ”Chung có kẻ lại già,
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm.”

Cô đọc to và kéo dái chữ “Họ”,quả nhiên con trâu đứng lại ngay. Kế đó, một cô khác lại thách:
Bây giờ đố anh bảo con trâu đi rẽ sang phải đấy?

Bị “xệ” quá, muốn gỡ thẹn, anh thư sinh liền đọc luôn:
“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng,
Chàng “đi” thiếp cũng một lòng xin “đi”.

Chàng thư sinh nhấn mạnh hai tiếng “đi”, con trâu đi thật nhưng lại đủng đỉnh đi thẳng chứ không rẽ bên phải. Anh ta bèn chạy theo con trâu đọc lại lần nữa như nó cũng cứ đi thẳng.

Chợt nhớ ra một câu khác, tin chắc lần này thế nào cũng có kết quả, anh chàng dõng dạc ngâm:
“Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.

Chàng ta cố ý kéo dài chữ “rẽ”, nhưng con trâu vẫn chậm rãi đi thẳng khiến các cô lại ôm bụng cười một lần nữa. Anh chàng tiu nghỉu, thẹn tím cả mặt. Bấy giờ một cô trong bọn mới cất giọng ngâm:

“Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong “vắt” thấy gì nữa đâu.”

Cô nhấn mạnh chữ “vắt”, quả nhiên con trâu ngoan ngoản rẽ sang bên phải. Tiếng “họ” và tiếng “vắt” là những tiếng mà người miền quê dùng để điều khiển trâu bò, “họ” là đứng lại, còn “vắt” là rẽ sang phải.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [44] [45] [46] [47] [48] [49] [50] ... ›Trang sau »Trang cuối