Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [42] [43] [44] [45] [46] [47] [48] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐÊM LÍNH CŨ


Một người cầm bút khác ngoài Bắc vô Nam tìm gặp tôi là nhà văn Bảo Ninh thành danh với cuốn NỖI BUỒN CHIẾN TRANH. Hôm đó cách đây hơn 15 năm, chiều mưa rả rích ở một quán nhậu trên đường Mạc Đỉnh Chi có tôi, Bảo Ninh, Nguyễn Trọng Tín, Vũ Ngọc Giao, Trần Hữu Dũng… Trong cơn say, hai kẻ hành khất chống nạng bán vé số rong ôm đàn guitar phím lõm hát bài nhạc SƯƠNG TRẮNG MIỀN QUÊ NGOẠI não nùng đến bàn chúng tôi chào mời khách. Tôi bàng hoàng bởi anh chàng cụt giò nghêu ngao vọng cổ có khuôn mặt bầu bĩnh chính là một người lính Sài Gòn cũ trong Xóm Lách mà tôi cư ngụ. Tôi kể chuyện đó cho Bảo Ninh, một người cầm súng ở chiến tuyến ngược lại. Cảm giác rờn rợn và liêu trai ấy đã giúp tôi hoàn thành bài thơ ĐÊM LÍNH CŨ đọc cho bạn bè, và sau đó chép vào sổ tay theo yêu cầu của Bảo Ninh. Không biết người bạn giang hồ phương Bắc giờ này còn lưu những bút tích đó hay không?

ĐÊM LÍNH CŨ

“Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm”
Bài nhạc đầy cải lương nói về người lính
Nam Bắc phân tranh, chiến hào Nguyễn Trịnh
Điệu Habanara nón sắt úp trên đầu

“Sương trắng rơi vai tôi ướt rồi sao?”
Vai ai ướt, Bắc Kỳ hay Nam Bộ?
Đời lính thú lưu đồn quên cố thổ
Một chữ lính viết hoa, bao ngôn ngữ đều thừa

Gặp lại bạn bè cũ vẫn như xưa
Thằng nào cũng hát những bài ca tang chế
Điệu Bolero như một lời trách khẽ
Tiếng đàn đêm bỗng hoá tiếng than dài

Phải rồi tiếng đàn quen thuộc ở Chu Lai
Nắp hầm đầy rêu ta ngồi bưng mặt khóc
Nghe gõ nhịp điệu sênh tiền lóc cóc
Nhạc ngựa reo thấp thỏm giọng nam trầm

Phải rồi tiếng đàn quen thuộc ở Chư Pông
Dân “sinh Bắc tử Nam” không cần Trương Lương thổi sáo
Thằng ca sĩ lính Cộng Hoà cụt đầu, cây guitar chảy máu
Khán giả hét “xung phong” qua tiếng pháo ngậm ngùi

Phải rồi phải rồi, tiếng đàn quen thuộc ở đây thôi
Thằng đang là đồng chí, thằng từng là chiến hữu
Cũng tiếng đàn ấy tưởng xưa mà chẳng cũ
Dù đứt một dây, gân cổ vẫn nghẹn ngào

Mười năm mới gặp nhau, mỗi đứa một cơn đau
Cởi áo binh chủng sao hồn còn vằn vện
Nói gì đây khi rửa tay gác kiếm
Chỉ biết lặng im chờ thái độ tiếng đàn

Nhưng tiếng đàn của binh nhì thì không chọn lọc giống sĩ quan
Lại Habanara, lại Bolero, lại những bài hát ấy
Không phải Tango, không phải Valse quý phái
Mà rất rưng rưng con mắt kẻ giang hồ

Giải phóng về ta bỏ súng làm thơ
Bạn bè tàn phế phải ăn mày hát dạo
Tiếng đàn từ đó trở thành ra giọt máu
Máu đã ứa ra không thể ứa hai lần

Không thể quay đầu trước xương máu nhân dân
Và đóng ngược vào đời mình đinh nhọn
Cám ơn lời ca và tiếng đàn chưa muộn
Đã đánh thức ta sau mười tuổi công hầu

Theo tôi, sự tiên tri và cảnh báo những bi kịch của thời đại không chỉ dành độc quyền cho cá nhân tôi mà là tài sản tinh thần chung của các thi sĩ có tài năng bẩm sinh, từng trãi vốn sống và chịu sự vùi dập sóng gió của định mệnh. Vấn đề là kẻ nào “dám ăn dám nói dám viết đầu tiên”. Những kẻ đi tiền phong trong lãnh vực thơ tiên tri đều có sứ mạng thiêng liêng như các thánh tông đồ trong Thiên Chúa Giáo hoặc các hành giả trong Phật Giáo. Họ có thể tử đạo vì thơ của mình nhưng tên tuổi họ mãi mãi bất tử trong lòng quần chúng.

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CON ĐỈA


Nhiều người cho rằng tôi có tài tiên tri. Họ nói rằng tôi có khả năng đoán việc sắp xảy ra cho vận mệnh đất nước từ những bài thơ thời sự mang tính dụ ngôn. Chẳng hạn các bài thơ như CON ĐĨA, TÂM SỰ CỦA NGƯỜI MÁY… Bài thơ CON ĐĨA tôi đã chớm thai nghén ý tưởng từ những chuyến viễn du ra Bắc, tiếp xúc với các giới thân hào nhân sĩ trí thức ngoài đó, để rồi thấy rằng dòng sông Bến Hải oan nghiệt hơn cả một cuộc chiến tranh 30 năm. Sự đứt khúc tạo nên hai chủ nghĩa xuất phát ngược chiều nhau không dễ gì hàn gắn chỉ trong vài thế hệ.Tôi xin chép bài thơ ra đây:

CON ĐỈA

Đất nước đứt làm đôi
Như đứt đôi con đỉa
Mỗi con lớn lên không hề ngắm nghía
Phía phần đuôi đau nhức của mình

Lịch sử dùng phẫu thuật văn minh
Nối hai chú ký sinh làm một
Rồi thả lại vào ao nhưng đỉa không bơi được
Bởi hai cái đầu quay hai hướng khác nhau

Đất nước tôi như hai phần con đỉa
Dính liền bằng…lưỡi dao!

Năm 1994 ra Bắc tôi không còn cơ hội gặp Lưu Quang Vũ, người anh em giang hồ tài hoa quen biết sau giải phóng qua sự giới thiệu của Lưu Trọng Văn. Đơn giản là vì anh đã chết một cách bất đắc kỳ tử. Bất đắc kỳ tử đến độ cái chết của anh đến bây giờ vẫn còn là một dấu hỏi với quá nhiều lời giải đáp. Khi anh mất , tôi có làm vài câu thơ tưởng niệm về hai vở kịch nổi tiếng của anh là NHÂN DANH CÔNG LÝ và TÔI VÀ CHÚNG TA như sau:

CÔNG LÝ là một KÝ LÔNG
Lúc cân, chẳng biết phải NHÂN DANH gì?

Mới đầu TÔI VÀ CHÚNG TA
Đến khi màn khép TAO VÀ CHÚNG BÂY!

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TUYÊN NGÔN THI


Bằng sáng tác của mình – Tôi đánh tan những điều nghi hoặc – Tôi trồng cỏ khắp nơi trên mặt đất – Chuẩn bị cho cổ tích loài bò – Tôi nắm tay Whitman, tôi quàng cỏ Rousseau – Đem cỏ bao vây triều đình và nhà ngục – Đem cỏ tấn công bọn vua quan phàm tục – Làm rêu mọc đầy râu, làm hoang phế mọi lâu đài – Tôi sẽ dùng cỏ trong thơ đeo lủng lẳng ở vành tai – Thay các trang sức, các huân chương hèn mọn – Tôi sẽ tròng vào khuôn mặt háo danh một sợi dây thòng lọng – Được tết bằng cỏ mọc ở nơi mất vệ sinh duy nhất trên đời – Còn loài cỏ đẹp mà tôi hằng chúc tụng – Chính là vòng nguyệt quế thơ tôi.

Bằng sáng tác của mình – Tôi thực sự ăn mày phép lạ – Tôi thương Rimbaud, tôi mê Remarque quá – Các bạn đi bộ khắp Châu Âu không có một mái nhà – Tôi cũng đã mỏi giò trên lộ Nguyễn Du – Gối quỵ xuống lề đường Cao Bá Quát – Tôi đạp lên xương sườn hai nhà thơ Việt Nam có cuộc đời đầy bất trắc – Nghe nhói đau ở phía dạ dày – Thế kỷ trước tôi, ở Tiên Điền ở Quốc Oai, hai người đồng nghiệp – Tôi chắc đã từng tê buốt chỗ này đây.

Bằng sáng tác của mình – Tôi tăng tuổi thọ cho người sắp chết – Tôi giúp đỡ những ai thất nghiệp – Phát chẩn thi ca để kiếm việc làm – Với trẻ nhi đồng, tôi cẩn thận hỏi han – Xin được tháp tùng lên bầu trời mà Giê Su, Thích Ca dành cho con nít – Với đàn bà, tôi tỏ ra ưa thích – Xin được phiêu lưu xuống hoả ngục nàng dành – Tôi đã cạo đầu và dài tóc rất nhanh – Đã khiếm nhã và cực kỳ lễ phép – Tôi đỏ tôi đen vô cùng khắc nghiệt – Cách ăn mặc trong thơ như y phục tắc kẻ – Nếu có lần nào áo quần đứt cúc – Đó cũng là lần tôi tập si mê.

Bằng sáng tác của mình – Tôi xuất bản không cần trang bị – Sách vở cung đình đang chờ cân kí – Tôi cân kí lô cái lưỡi của mình – Dù vua chúa triều thần tiểu tiện lên các phát minh – Dặn tôi uốn lưỡi bảy lần thì cho nói – Uốn một lần coi như tốt nghiệp nghề múa rối – Lần thứ hai đạt danh hiệu hát tuồng – Lần thứ ba chuẩn bị phong quan – Lần bốn lần năm thì tha hồ chức tước – Uốn đến lần cuối cùng hẳn quyền to cả nước – Vì cái lưỡi bẩm sinh đã bị bảy luỹ thừa – Cũng may là tôi không biết dạ biết thưa – Nên cái lưỡi vần còn nguyên mùi vị – Mỗi lần lưỡi cong là nhảy ra thằng thi sĩ.

Bằng sáng tác của mình – Tôi nhổ nước bọt vào những điều lừa mị – Tôi hôn thiết tha người con gái nghèo làm đĩ – Và bạt tai đứa công chúa hợm mình – Tôi cho Lệnh Hồ Xung nói tục với Doanh Doanh – Và Trương Vô Kỵ gọi Triệu Minh bằng ả – Tôi theo phò người giang hồ quân tử – Và tẩy chay đám quyền quý nịnh thần – Tôi sẵn sàng đạp xích lô đến chỗ hẹn với tình nhân – Và mặc quần rách dìu nàng đi ăn phở – Tôi sẽ trò chuyện với nàng bằng ngôn ngữ dân đen mạt lộ – Và đối thoại với vua quan bằng ngôn ngữ thiên tài – Tôi sẽ làm cho các nhà bác học – Thấy mình còn cận thị trước tương lai.

Bằng sáng tác của mình – Tôi bắt tay bè bạn anh em – Bắt tay các tiệc tùng giai cấp – Cám ơn chút rượu về khuya cho tôi cảm giác – Cám ơn bữa ăn mẹ cha dưa mắm rau cà – Cám ơn những bài thơ sinh đôi sinh ba – Đẻ khó nhọc như từng lon gạo chợ – Cám ơn những người tôi yêu không thành chồng thành vợ – Và hỡi kẻ thù tôi nữa, cám ơn!

Cũng bài thơ TUYÊN NGÔN THI năm 1995 kỷ niệm 20 năm giải phóng một lần nữa tôi có dịp đọc tại Nhà Văn Hoá Thanh Niên thành phố khi cùng với 19 đồng nghiệp khác được biểu dương về sự nghiệp sáng tác văn học. Hôm đó có mặt các vị chức sắc, đầu ngành thành phố ngồi dưới, người bạn Đỗ Trung Quân trong vai trò MC đã cao hứng giới thiệu tôi lên đọc bài thơ mà anh gọi là “danh bất hư truyền” này. Một lần nữa bài TUYÊN NGÔN THI gây hiệu ứng dây chuyền mạnh mẽ với khán giả đến nỗi Đỗ Trung Quân bị “văng miểng”. Tôi nghe anh em văn nghệ đồn là họ Đỗ bị rờ gáy khuyến cáo còn tôi có quan chức đề nghị là “Nếu chịu chơi dám ăn dám nói như vậy thì trả lại ba triệu đồng giải thưởng cho nhà nước”. Trời đất, giải thưởng là do nhân dân đóng thuế mà ra (trong đó có cả tôi) ấy là chưa kể ba triệu bạc lì xì cho 20 năm lao động đổ mồ hôi chất xám của một thi sĩ thua xa số tiền hối lộ của một cán bộ bất lương mỗi ngày, thì xin lỗi… còn lâu tôi mới ngu ngốc nhả lại những đồng tiền xương máu của chính tôi từng đóng thuế.

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

YỂU ĐIỆU THỤC NỮ


Sau màn bóng đá là tiếng đồn về khả năng chuyển hệ từ thơ sang văn xuôi của tôi. Phải công nhận rằng khi dựa lưng vào chân tường tôi chuyển hệ thật nhanh, phản xạ nghề nghiệp để mưu sinh và để tự tồn tại. Lúc sinh con trai đầu lòng năm 1990, NXB Long An qua trung gian Mặc Tuyền đặt hàng tôi viết tiểu thuyết YỂU ĐIỆU THỤC NỮ. Đây là tiểu thuyết đầu tay của tôi được hoàn thành trong vòng đúng 15 ngày. YỂU ĐIỆU THỤC NỮ hao hao như một kiểu tự truyện, vừa ra đời lập tức được bán hết, được một NXB khác tái bản, và được Hãng Phim Giải Phóng kết hợp với Đài Truyền Hình Cần Thơ thực hiện thành phim nhựa màu 35 ly Agfa đầu tiên trong thời điểm đó. Phim do ông Huy Thành đạo diễn với dàn diễn viên trẻ tuổi ăn khách Lê Công Tuấn Anh, Thành Lộc, ca sĩ Ngọc Sơn, Diễm Hương, Kim Khánh, Thế Anh… chiếu rộng rãi khắp các rạp trên toàn quốc. Phim YỂU ĐIỆU THỤC NỮ sau đó được một Việt Kiều mua đứt bản quyền đem sang Mỹ kinh doanh và coi như tuyệt bản ở Việt Nam. Sẵn đà thắng lợi, hàng loạt tiểu thuyết của tôi với đề tài tương tự về giới trẻ tiếp tục xuất hiện trên diễn đàn các báo cho tuổi mới lớn qua hình thức đăng Feuilleton, xuất bản thành sách và sau đó làm phim như TÓC TIÊN, CỎ VEN ĐƯỜNG, MÊNH MÔNG TÌNH BUỒN…

Năm 1994, ông Nguyễn Thắng Vu giám đốc NXB Kim Đồng lúc đó có vào Sài Gòn gặp tôi và đưa nguyên tác tiếng Đức cuốn TKKG của nhà văn Stefan Wolf lẫn bản dịch tiếng Việt của dịch giả Vũ Hương Giang, đề nghị tôi phóng tác thành bộ truyện trường thiên thiếu niên giang hồ võ hiệp mang hơi hướm ngôn ngữ và cuộc sống thời kỳ hiện đại. Không hiểu ai giới thiệu tôi cho ông, nhưng qua sự tín nhiệm của ông Nguyễn Thắng Vu, tôi thấy có bổn phận phải đưa đến cho độc giả trẻ tuổi Việt Nam đang thiếu thốn thức ăn tinh thần một bộ truyện bổ ích nói lên được ước mơ, khát vọng hành hiệp của các em. Tôi liên tưởng đến phong cách dịch tài hoa của Ngọc Thứ Lang qua cuốn BỐ GIÀ của Maria Puzzo mà tôi từng mê đắm. Thế là 70 cuốn TỨ QUÁI TKKG ra đời gây sóng gió dư luận trong suốt 2 năm với số bản in trung bình mỗi cuốn là 60 ngàn bản hằng tuần, phá mọi kỷ lục về số lượng phát hành lúc đó (và tới tận bây giờ). Sau thành công bất ngờ của TKKG, ông Nguyễn Thắng Vu tiếp tục đặt hàng tôi bộ truyện đặc sản Việt Nam mang tựa NĂM SÀI GÒN và bộ truyện này trong năm 1997 cũng tiếp tục gây chấn động dư luận với 40 cuốn, mỗi cuốn ra hằng tuần có số lượng in trung bình 20 ngàn bản, cũng là con số kỷ lục của một bộ sách Việt Nam cùng với KÍNH VẠN HOA của Nguyễn Nhật Ánh. Bộ truyện NĂM SÀI GÒN đã thực hiện thành phim truyền hình năm 2006 – 2007 với bước đầu 15 tập mang tên NGŨ QUÁI SÀI GÒN chiếu trên màn ảnh nhỏ khắp cả nước. Bí quyết duy nhất của tôi khi viết những bộ truyện bán chạy có lẽ không khác gì người tù vượt ngục Henry Charriere phát biểu với báo chí khi viết cuốn PAPILLON. Đó là “Nếu viết hồi ức về cuộc đời kiểu đó có nhiều người mua thì tôi dư sức viết được”. Nghe thì đơn giản nhưng để đạt khái niệm “dư sức viết được” có khi phải đổi bằng máu và nước mắt suốt cả cuộc đời.

Cũng trong thời gian này tôi còn mở màn cho đầu sách truyện tranh màu của NXB Kim Đồng bằng 15 cuốn HẢI ĐẠI BÀNG nói về tuổi thơ của những đứa trẻ giống tôi ở những khu xóm bùn lầy nước đọng. Tôi chỉ đáng tiếc bộ truyện NĂM SÀI GÒN vì những lý do khác nhau phải “chết non” ở tập 40, trong khi tôi chuẩn bị cho năm nhân vật của mình đi chu du vòng quanh thế giới cho đến cuốn 70. Bộ truyện kết thúc đột ngột kéo theo bao nhiêu là thư từ và nước mắt của những độc giả trẻ tuổi khắp ba miền đất nước đổ về tôi như một lời trách móc.

Năm 1994 với tôi có khá nhiều biến cố. Ngoài chuyện “ăn nên làm ra” trong lãnh vực văn xuôi, tôi còn tham dự Hội Nghị Nhà Văn Trẻ toàn quốc tổ chức tại Hà Nội. Theo lịch trình của Ban Tổ Chức đại hội thì tôi và Phan Thị Vàng Anh sẽ phát biểu về thơ và về văn. Trên diễn đàn, thay vì đọc diễn văn tôi lại hùng hồn bày tỏ nguyện vọng khí phách của một người cầm bút cô độc qua bài thơ TUYÊN NGÔN THI. Bài thơ làm choáng váng hai hàng ghế đầu của giới lãnh đạo chính trị, văn hoá ngồi phía dưới. Nhưng ngược lại tạo nên sự phấn khích tột độ chưa từng có của đa số những người cầm bút trẻ hôm đó. Tôi đã nhận được những tràng pháo tay vang dội, những cuộc đề nghị phỏng vấn riêng của báo chí, truyền hình, tuy nhiên điều quan trọng nhất là bài TUYÊN NGÔN THI không bao giờ được xuất hiện nguyên văn trên mặt báo. Nó mãi mãi tồn tại như một giai thoại độc nhất vô nhị tại thủ đô Văn Miếu cho đến lúc mạng Internet xuất hiện trên toàn cầu:

BÙI CHÍ VINH
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ANH VÀ QUẢ BÓNG


Thời điểm sau khi bị buộc cởi áo lính cũng là thời tôi thê thảm nhất. Đi đâu tôi cũng nghe đồn rằng cấp trên “cấm đăng bài Bùi Chí Vinh trên báo bằng… miệng” nếu kẹt quá vì phải phục vụ yêu cầu của quần chúng thì “chỉ đăng Thơ Tình và duy nhất Thơ Tình”. Tôi phải tồn tại mưu sinh bằng một nghề mới là… làm thơ bóng đá. Thuở ấy Hồ Nguyễn phụ trách tờ Long An Bóng Đá và tờ Long An Cuối Tuần rất ưu ái tài nghệ làm thơ đa hệ và hoàn cảnh bi đát của tôi bèn đề nghị cứ mỗi số báo ra tôi phải có một bài thơ về thể thao hoặc trào phúng hài hước. Nhờ vậy tôi đã chế tạo thêm một trường phái mới về thơ là THƠ BÓNG ĐÁ với hơn 300 bài thơ đã đăng báo kể từ 1978 đến nay. Hơn 300 bài thơ trên đã được nhà báo Huy Vĩnh công nhận như một thứ kỷ lục Việt Nam trong cuốn GUINESS THỂ THAO do anh là tác giả. Những bài thơ thành một loại biên niên sử ghi chép các giải World Cup, Euro lẫn các giải vô địch Việt Nam mà sau này nếu có dịp tôi sẽ in ra. Bây giờ tạm giới thiệu cùng các bạn hai bài thơ về bóng đá tiêu biểu:

ANH VÀ QUẢ BÓNG

Đời sống có gì hơn quả bóng
Tay trơn không níu được bao giờ
Hạnh phúc có hơn gì quả bóng
Lủng mấy lần xì hết ước mơ

Vậy mà anh vẫn rất trẻ thơ
Thấy bóng lăn là chân động đậy
Bóng lăn đến một nơi nào vậy
Sao bàn chân mãi ở bậc thềm?

Bàn chân có lúc cạnh chân em
Khi hai đứa dìu nhau trên sỏi
Bàn chân có lúc lạ chân em
Khi trên cỏ: banh và đồng đội

Biết nói thế nào về cái lưới
Về xà ngang, cột dọc, khung thành
Hay chỗ đó lọt vào nông nỗi
Quả bóng tình em buốt ngực anh

Quả bóng tròn như thể công danh
Anh chụp suốt một đời không dính
Chỉ thương thầm những cọng cỏ xanh
Không lớn nổi trên sân mùa lạnh

Sau trận đấu khán đài hiu quạnh
Như Charlot, anh hát một mình
Có ngọn cỏ biết yêu buồn quá
Níu giày anh để đến thăm em

*
HOAN HÔ BRAZIL

Không riêng mình anh, tất cả đã sẵn sàng
Mọi nhà thơ bắt đầu cầm lấy viết
Các nhạc sĩ đều chuẩn bị dây đàn
Những phòng tranh sửa soạn trưng bày không kiểm duyệt

Bảy ngành nghệ thuật đã họp nhau ra nghị quyết
Phiên họp cuối cùng là hai chữ: Brazil
“Nghệ thuật thứ tám” khiến hành tinh khủng khiếp
Brazil Brazil như máu thịt của mình

Brazil Brazil trống ngực đập bình bình
Khi quả bóng lăn, cầu thủ đều chơi nhạc
Quả bóng rơi đều lên mỗi trái tim
Rap Rock, Disco phải chuồn đi chỗ khác

Quả bóng Brazil làm loài người biết hát
Anh biết làm thơ và em biết nhảy đầm
Quả bóng Brazil cho địa cầu bóng mát
Mọi thứ đầu hàng kể cả chiến tranh

Quả bóng Brazil lặn trong ngực anh
Lúc nổi lên thành bài thơ em đang đọc
Em đã biết gì về sông Amazon
Nơi mặt trời Brazil sừng sững mọc

Ở đó có đứa bé da đen ôm mặt khóc
Đập bể máy thu thanh vì quả bóng bị “xì”
Để mười năm sau thành ông vua thứ nhất
Mở đầu thời kỳ vương quốc Pêlê

Ở đó sân gôn trên đường phố vĩa hè
Những “Pêlê nhỏ” mê banh hơn vào lớp
Học kiểu nhà trường, tiền đạo dễ bị “me”
Không thể sút những đường banh khó nhất

Sút Parabol, sút Hypebol, sút nổ tung hình học
Pythagore sống lại cũng hoảng hồn
Đội đầu căng, đội đầu thẳng, đội đầu chìm, đội đầu khép góc
Socrate có đội mồ cũng chẳng thể đội đầu hơn

Ở đó em ơi không có hoàng hôn
Tên họ Vava, Didi, Garincha… có nghĩa là buổi sáng
Cúp “Nữ Thần Vàng” trở thành của hồi môn
Cho kẻ cầu hôn ba lần chiến thắng

Ở đó người ta quyên sinh sau mỗi lần bại trận
Các cô gái gọi Pêlê và nguyền rủa căm thù
Quốc Hội ngưng họp chuyển sang phần “quốc táng”
Cờ rũ treo ba ngày, toàn Nam Mỹ âm u

Anh sẽ kể với em về trận thua Uruguay
Bảy người chết vì đứt tung mạch máu
Hàng ngàn người phát điên, hàng triệu người mếu máo
Bệnh viện thiếu lương y vì bác sĩ cũng… từ trần

Quả bóng chính là tôn giáo của Brazil
Đó cũng là đạo mà anh đang theo đuổi
Em đừng ngạc nhiên trên chiếc giường đám cưới
Sẽ có quả banh da làm biên giới giữa hai người

Chỉ trừ khi em biết đặt bóng vào môi
Bằng không chắc anh sẽ suốt đời ở goá
Cám ơn Pêlê và “một ngàn một trăm trái phá”
Dạy anh biết yêu em và phát triển tín đồ

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LỘ BẢN CHẤT


Sự khủng hoảng lý tưởng của tôi trong giai đoạn đó được thể hiện qua bài thơ LỘ BẢN CHẤT thường được mọi người yêu cầu đọc lên mỗi lần đối ẩm:

LỘ BẢN CHẤT

Tất nhiên đây không phải là lần đầu
Anh đã cư xử với em như một người phàm tục
Dù thân thể anh không có gì xuất sắc
Trán không triết học giống Ăng Ghen,đầu không được hói giống Lênin
Sự dũng cảm của anh có khi trở thành phản động với Paven
Và thần kinh anh “mát” làm buồn lòng Các Mác
Nói chung anh là thằng cha có tử vi không đạt
Thầy tướng ở Lăng Ong mới liếc đã thở dài
Cha mẹ sinh con không ai muốn con gầy
Nhưng anh ốm nhách đến nỗi thành bất hiếu
Ai cũng muốn người yêu mình có nụ cười hàm tiếu
Nhưng anh đã cười méo mó rất khó coi
Chưa kể những đêm say xỉn đã đời
Anh rất giống kẻ tình nghi hình sự
Anh cũng hay “kên xì po “ với đám du côn ngoài chợ
Và thích so găng với những kẻ cầm còi
Em chỉ cần sáng trí một chút thôi
Sẽ thấy anh xa huy chương mà rất gần tù tội

Nhưng đây không phải lần đầu anh lại nói
Mỗi chúng ta đều có cuộc sống của mình
Đừng đem nỗi buồn tham nhũng cùng anh
Rồi hà tiện sự hồn nhiên cần thiết
Anh không phải là cái phao “Acsimét”
Để em bám vào lơ lửng đời nhau
Anh càng không phải là một con sâu
Lợi dụng tình yêu để thành chú bướm
Trời sinh hai tay anh dài như vượn
Vừa để quàng vai vừa để thượng đài
Trời sinh hai chân anh lắm vết chai
Đủ đi bộ và đủ tìm nhà trọ
Buồng phổi anh cháy dần vì thuốc lá
Trái tim anh hằng khốn nạn vì yêu
Anh có cái đầu thì thơ chiếm mất tiêu
Khiến bao tử cứ loét ra vì rượu
Đó là những điều mà nếu em tham dự
Đừng bao giờ xâm lược đến đời nhau
Không ai ưa bọn Hồng Vệ Binh mới lớn chút nào:
“Em ơi dang ra cho anh làm cách mạng
Nhích lại gần anh là mất Đoàn mất Đảng”
Nhưng cũng không ai ưa thứ ái tình ăn trộm
An cướp ăn xin ăn giựt ăn mày
Bởi vì ái tình đâu phải dĩa trái cây
Mà lúc tim đói há mồm ra cắn

Erich Segan nói “Yêu là đừng hối hận”
Anh cũng tiếp lời: Yêu là phải chịu chơi
Lúc yêu nhau mình đã rất lắm lời
Nên lúc đối thoại em làm ơn tiết kiệm
Ở đời sống anh là thằng gác kiếm
Thì với ái tình anh không muốn rửa tay
Đời sống gờm nhau ngôn ngữ “tao mày”
Trong tình ái gọi tiếng “em” mát ruột
Ở đời sống người ta cần phong tước
Trong ái tình anh chỉ thích làm dân
Em là Thảo Bích Dung Phương Nhạn Thu Vân
Kim Đào Liễu Phụng Giang… gì cũng mặc
Miễn là chúng ta tôn trọng ngầm nguyên tắc
Anh là đàn ông, em là đàn bà
Chúng ta khác nhau từ lúc lọt lòng ra

Nên đây không phải lần đầu anh phẫn nộ
Nhưng trong tình yêu nếu em làm toán đố
Thì xin mời em mai cắp sách đến trường
Anh vốn sợ giáo điều như sợ bảng cửu chương
Đừng xoa đầu anh như xoa đầu đứa trẻ
Đừng bắt chước nữ hoàng đi săn nô lệ

Đừng để anh phải chửi tục thật kỳ
Thà mang tiếng Mã Giám Sinh còn hơn là ôm hận Trương Chi!

Cũng cần mở ngoặc đơn chỗ này, giữa một xã hội mà tuổi trẻ không dám yêu nhau, sẵn sàng vì địa vị mà sống giả dối với nhau theo kiểu “em ơi dang ra cho anh làm cách mạng, nhích lại gần anh là mất Đảng mất Đoàn” như thế, tôi đã sống trong cảnh hiểm nguy rình rập thường xuyên. Tại nhiều quán nhậu khác nhau tôi đã từng bị đám xã hội đen lẫn xã hội đỏ bao vây đe doạ bằng bạo lực “hội đồng”, từng bị vài tên “tiểu sát tử” xông qua bàn khiêu khích với ý đồ buộc tôi phải tử chiến để gài vào hành vi phạm pháp dân sự, nhưng tôi đều vượt qua những “lỗ chân trâu” đó. Tôi không dại gì “thí mạng” mình trong những trò hề chính trị rẻ tiền. Có lẽ các anh Cung Tích Biền, Hồ Thành Đức hiểu sự liều lĩnh của con người tôi hơn ai hết, khi tôi đi bộ đội về phép dám mang lựu đạn của đơn vị để đi cầm cố cho các anh lấy tiền đãi nhậu bạn bè. Dù sao ba cái chuyện “anh hùng rơm” ấy giờ đã xưa như trái đất.

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GIAI THOẠI CỦA THI SĨ-[Phần 2]


Khi đặt bút viết GIAI THOẠI CỦA THI SĨ tôi không hề nghĩ rằng đây là bài đầu tiên vén màn cuộc đời hoặc hồi ký cá nhân của người viết. Chỉ đơn giản cảm thấy ngứa ngáy tứ chi cảm thấy miệng cần nói ra những điều mình biết được cho nhẹ lòng để đánh tan một số nghi hoặc từ phía người đời. Đơn giản chỉ là như thế. Tôi luôn luôn chủ trương viết về cái đẹp của các nhân vật mình đề cập v cố gắng không đá động đến phần u tối, phần “sống để bụng chết mang theo” của họ. Tôi quan niệm đã coi một người nào đó là bạn, là huynh đệ thì tôi sẽ chỉ chơi với phần ưu điểm mà họ có. Còn chính quyền và ai đó chụp mũ, kết án hành vi của những người tôi đề cập thì là chuyện thiên hạ. Tôi không quan tâm. Tự truyện của tôi chẳng những không đẩy bất kỳ ai đến chân tường mà ngược lại thanh lọc chất người và chất thú dưới ánh mặt trời. Thanh lọc và chiến đấu với bọn bất lương quen thói dìm kẻ sĩ lẫn tráng sĩ xuống tận đáy xã hội .Trên cơ sở đó tôi bắt đầu cuộc ghi chép văn minh và vệ sinh cho phần hai của bài viết này. Đó là khoảng thời gian đẹp đẽ tôi có cơ hội giao du với các chính khách, thân hào nhân sĩ, các kỳ nhân quái khách trong những lãnh vực khác nhau.

Những năm đầu sau giải phóng khi còn phụ trách biên tập trang văn nghệ cho báo Tuổi Trẻ, tôi có chơi với một người bạn công tác tại Thành Đoàn xuất thân từ phong trào công giáo Thanh Lao Công tên là Nguyễn Trì tự Trương Hùng Thái. Nguyễn Trì tuy làm cách mạng nhưng có máu giang hồ hảo hớn mê truyện Bình Xuyên, truyện 108 anh hùng Lương Sơn Bạc hơn là mê “Thép Đã Tôi Thế Đấy” của Paven. Tôi thường xuống khu Bà Quẹo, Bình Hưng Hoà ngao du sơn thuỷ cùng Nguyễn Trì và đọc thơ uống rượu cho bá tánh hâm mộ nghe. Trong một lần say khướt, hai đứa tôi kéo ra quán ngã tư miệt Tân Kỳ Tân Quý uống nước chanh “giải cảm”. Không ngờ ở bàn kế bên một đám anh chị sống ngoài vòng pháp luật đang cụng ly bàn chuyện làm ăn, tất cả đều cởi trần xâm mình vằn vện và chửi thề ỏm tỏi. Sau đợt chửi, do chia chác không đều hay sao đó, một vỏ chai bia bị đập bể toang và hai cây mã tấu được thẩy lên bàn cái rầm. Không khí căng thẳng như sắp xảy ra một trận huyết chiến. Tôi và Nguyễn Trì đều hồi hộp thì … một kẻ đẹp trai lầm lì nhất trong bàn gầm lên như sư tử hống để tạo sự chú ý rồi lẳng lặng cầm ly rượu xây chừng vừa uống cạn đưa lên miệng nhai rôm rốp như nhai bánh tráng. Anh chàng nhai hết nửa ly thì lè lưỡi ra cho đồng bọn thấy mớ mảnh thuỷ tinh vụn nhọn lễu, xong xuôi tiếp tục chiêu một ngụm rượu ực gọn xuống bao tử và nhai tiếp nửa ly còn lại với hai tròng mắt đỏ ngầu. Khỏi phải nói, đám anh chị há hốc mồm kinh hãi mạnh ai nấy thu “đồ nghề” rút lui có lễ độ chứ sao. Bởi đối với một kẻ dám nhai ly khinh thường tính mạng mình thì chuyện nhai xương đối thủ chỉ là đồ bỏ.

Lúc ra về Nguyễn Trì thều thào với tôi “Thằng đó có võ gồng hoặc võ bùa làm bọn kia sợ chết khiếp”. Tôi bóp mạnh vào tay Trì lầm bẩm “Tao sẽ nhai được như thằng đó. Chỉ có cách đó thì đụng độ mới bớt đổ máu”. Đã nói là làm. Trở về trụ sở cơ quan ở số 12 Duy Tân (bây giờ đổi thành đường Phạm Ngọc Thạch) đêm nào tôi cũng tập nhai ly. Tôi nhai hết những chiếc ly xây chừng nhỏ xíu mà chị hậu cần không hề hay biết. Tôi nhai rồi phun ra chứ không nuốt những mảnh thuỷ tinh vào bụng. Mới đầu tôi có bị đứt lưỡi, rách môi, trầy nướu toé máu nhưng dần dà rút được kinh nghiệm, mỗi lần cắn ly tôi cho vành ly chỉ chạm vào phần cứng áp lực giữa hai hàm răng. Khi ly bể toang, tránh phần môi dưới và phần tay cầm bị chỗ nứt xé toạc. Tôi đã nhai từ những chiếc ly nhỏ, ly mỏng dính cho đến những cái ly cối dành uống bia dày cộm. Tôi còn thí nghiệm qua nhai chén sành, chén kiểu, tròng mắt kính… và đều thành công. Có nghĩa là “trăm hay không bằng tay quen” chẳng có bùa ngải, võ gồng, thần quyền nào cả. Nói là nói vậy nhưng để có hứng thú nhai ly, trong bàn nhậu bắt buộc phải xảy ra biến cố. Khi đó tôi tu rượu ừng ực, cơn hứng nổi lên, men nồng bốc hoả…tôi gần như bị “nhập” trước mắt bè bạn hoặc kẻ thù. Lúc đó thay vì thượng cẳng chân hạ cẳng tay dễ bị tổn thương, tôi đã làm cho chiến hữu khâm phục hoặc kẻ thù im phăng phắc. Chẳng những nhai mà tôi còn nghiền vụn những mảnh thuỷ tinh nhọn lễu thành cám và nuốt gọn với ý niệm trong đầu “bản thân thuỷ tinh vốn dĩ là cát mà ra, cát cát cát…”. Tôi đã sống và nhai ly một cách “cõi trên” như thế khi gặp lại Nguyễn Trì khiến hắn hoảng hồn. Những người khác trong giới văn nghệ chứng kiến năng khiếu quái đản đó của tôi cũng không ít, kể cả dân anh chị giang hồ…

Hơn 15 năm trước tôi và Nguyễn Quốc Chánh đã từng “cứu bồ” nhà thơ Hội Văn Nghệ Cần Thơ Võ Minh Đường, phóng viên báo Tuổi Trẻ Nguyễn Ngọc Vinh trong một chầu nhậu tại quán số 43 đường Đồng Khởi với nội dung “Đường và Vinh bị đám thuỷ thủ viễn dương và lũ con ông cháu cha đời mới ăn hiếp”. Thế mà Nguyễn Ngọc Vinh sau này cao hứng bày đặt “test” tôi nhai ly tại quán Trống Đồng thuộc khuôn viên Tao Đàn. Bạn bè đã thích thì chìu ngay. Trước sự chứng kiến của khá đông anh em văn nghệ chiều hôm đó tôi đã xỉn quắc cần câu để “nhai” và “nuốt” phân nửa ly bia cối dày cộm chỉ chừa phần đáy và phần tay quai ly. Sẵn đà phấn khích cao độ tôi đã nhai tiếp cặp kính mát của Ngọc Vinh rồi nhả gọng ra, và đến giờ này tôi vẫn còn ân hận…Tôi ân hận bởi những chuyện tầm ruồng trẻ con bồng bột không cân xứng với chí hướng của một kẻ làm thơ dám lập ngôn và đương đầu với những cái lớn hơn trong cuộc đời. Đến giờ này trong bụng tôi đã nuốt tương đương “4 ly lớn thuỷ tinh” cộng thêm một trận xuất huyết dạ dày suýt qua đời tại bệnh viện Saint Paul chỉ vì đống mảnh chai vớ vẩn. Tôi đã nằm hôn mê 2 ngày 2 đêm tại Saint Paul, được linh mục làm phép Xức Dầu Thánh dành cho người hấp hối, với sự túc trực của bà mẹ nghèo “có công với cách mạng” rưng rưng nước mắt. Có lẽ khi viết những dòng này tôi sẽ từ bỏ luôn ý niệm “biến thuỷ tinh thành cát” như lời tụng thầm trong mỗi lần nhai.

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VỚI NGUYỄN LƯƠNG VỴ


Trước khi tạm ngưng phần đầu bài viết GIAI THOẠI CỦA THI SĨ này, tôi thiết tưởng không có gì ý vị hơn khi nhắc đến một ông bạn phương xa là Nguyễn Lương Vỵ. Hồi còn ở trong nước chưa định cư ở Mỹ, Nguyễn Lương Vỵ sống cùng địa phương với tôi và những lúc buồn bã cô độc, anh thường ghé nhà rủ tôi nhâm nhi chén rượu quên sầu. Anh buồn vì một lý do cực kỳ giản dị: anh là một con người chứ không phải một con thú hoặc một cỗ máy. Thậm chí anh còn rung động nhanh hơn con người bình thường một bậc, bởi anh là… thi sĩ.

Nguyễn Lương Vỵ thường ngồi bứt tóc trong lúc đánh cờ tướng. Đánh xong bàn cờ là tóc anh rụng như mưa. Anh sống nửa dại nửa khôn nửa tỉnh nửa điên như thế nên phải tự giải thoát mình trong triết lý Phật Giáo. Mỗi lần say xỉn anh thường thuyết giảng cho tôi nghe về tiểu thừa đại thừa, về sắc sắc không không, về cõi luân hồi sát na sát khí… để cho tôi “choáng” mà bớt quậy. Nào dè tôi quậy còn tưng bừng hơn. Tôi có tặng anh bài thơ sau đây trươc khi anh sum họp gia đình bên Mỹ:

PHẬT SỐNG

Chư huynh bàn về tu luyện
Đứa đại thừa, đứa tiểu thừa
Đứa nào cũng sắp thành Phật
Chỉ mình ta còn gươm khua

Đời này nói đến hơn thua
Biết bao giờ cho hết chuyện
Ta thấy chư huynh yêu chùa
Cũng là tự thân bảo hiểm

Nhưng tu như vậy còn kém
Biết khôn lựa gốc bồ đề
Có người tu hang Pắc Bó
Sau này thành Phật sướng ghê!

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CÙNG TÚ RUA và CỬ TẠ


Cũng trong giai thoại về câu đối, nhân đây tôi nhắc chuyện này như một nén nhang thắp tặng linh hồn hai vị thuộc giới văn nghệ đã khuất. Đó là hai nhà thơ trào phúng Tú Rua và bác Cử Tạ vốn là hai nhân vật nằm trong hai câu đối của tôi. Chuyện xảy ra vào cuối thập niên 80 khi tôi và Lê Dụng (con trai cố nhạc sĩ Hoàng Việt) đến nhà Tú Rua chơi. Nhà thơ trào phúng Tú Rua vừa là chủ tiệm may đắt khách vừa là một cộng tác viên đắc lực của báo Văn Nghệ TP nơi Lê Dụng công tác.

Trong lúc trà dư tửu hậu chén tạc chén thù ông chủ tiệm may Tú Rua cao hứng phán một câu “Nghe đồn Bùi Chí Vinh có khả năng ứng tác về ca từ thi phú cổ điển. Vậy ông có ngon làm hai câu đối nói về chí khí của Tú Rua tôi trong sáng như sao Tua Rua trên bầu trời đêm thì tôi sẵn sàng đãi ông và Lê Dụng suốt một ngày khắp các quán Sài Gòn”.

Lời phán của Tú Rua như một tiếng sét đánh ngang mày. Mà đã là sét đánh thì nháng lửa và tung toé như sao. Bất giác tôi liên tưởng đến bác Cử Tạ phụ trách mục “Ôn Cố Tri Tân” trên báo Long An cuối tuần thường hay bốc thuốc Đông Y ở khu Ông Tạ. Tôi nháy mắt với Lê Dụng như một nhân chứng và xuất khẩu thành…hai câu đối như sau:

TÚ RUA “rua” SAO RUA
CỬ TẠ tạ ÔNG TẠ

Tôi thấy Lê Dụng khoái trá còn Tú Rua lặng người. Trong ba từ “rua” của vế trên thì chữ “rua” thứ nhì là tiếng Pháp có nghĩa là “bắt tay”. Tương tự trong ba từ “tạ” của vế đáp thì chữ “tạ” thứ nhì thuộc tiếng Hán có nghĩa là “vái chào”. Và kết quả là chúng tôi say xỉn quắc cần câu như thế nào có lẽ các bạn cũng hình dung ra được.

Cũng trong thập niên 80 tôi thường xuống khu Ông Tạ giao du với gia đình nhà văn Lưu Ngũ và các hảo hớn anh chị sống ngoài vòng pháp luật ở khu vực đó. Lưu Ngũ xuất thân là cựu trung uý Biệt Động Quân của quân đội Sài Gòn sau giải phóng đi học tập cải tạo và trở thành nhà văn bất đắc dĩ nhờ đoạt giải văn học thành phố năm 1976 – 1977 với truyện dài VŨNG LẦY. Anh chán ghét chiến tranh đến mức độ chỉ muốn làm con người, nhưng làm con người giữa thời đại “bo bo” và “xuyên tâm liên” thì quả khó làm sao. Trong một đêm nhậu đã đời với những kẻ “Đảng nghi ngờ, nhân dân chú ý” chúng tôi đã đi lang thang trên đường phố chỉ toàn xe đò chạy bằng than, nhìn thấy những chiếc xích lô kiếp ngựa thồ mà phu xe toàn là cựu chiến binh bộ đội lẫn quân đội chế độ cũ, chúng tôi tiếp tục nhìn thấy những giọt lệ ứa ra từ các mệnh phụ phu nhân, các tiểu thư nghèo khổ phải “đứng đường” đón khách kiếm tiền độ nhật. Bài thơ SINH NGHI HÀNH mở đầu một giai thoại truyền khẩu sau này ra đời từ đó:

SINH NGHI HÀNH

Sinh nghi ta viết một bài hành
Vợ nghi chồng, em út nghi anh
Cha nghi con cái, bè nghi bạn
Thủ trưởng thì nghi hết ban ngành
Láng giềng dòm ngó nghi hàng xóm
Ngoài đường nghi phố chứa lưu manh
Ngay ta khi viết bài in báo
Cũng nghi mình kiếm chác công danh
Trời ơi, mọi chuyện sinh nghi thật
Chén kiểu thường nghi kỵ chén sành

Thời buổi công hầu như chén cứt
Thiếu chó, mèo ăn cũng rất nhanh
Mèo ăn cho chó leo bàn độc
Vừa sủa vừa nhai riết cũng rành
Trẻ con khát sữa, ai cho bú
Vú mẹ gầy, sâu rúc nồi canh
Quang Trung bỏ núi Tây Sơn xuống
Hoảng hốt vì gương vỡ chẳng lành
Nguyễn Du chỉ một đêm dạo phố
Đoạn Trường ngồi viết lại Tân Thanh
Thuý Kiều phát triển nhiều như thế
Thảo nào đất nước hoá lầu xanh
Nhà tù phát triển nhiều như thế
Kẻ sĩ làm sao dám học hành

Ta làm thơ mà lòng đứt ruột
Suốt đời bao tử chạy loanh quanh
Lãnh tụ nói “đói quên nghi kỵ”
Ơn ấy ngàn năm sáng sử xanh

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGUYỄN DU


 Khoảng cuối đời Gia Long (1802-1819) Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành, một hôm hội yến, mời đông đủ liêu thuộc và cố thần nhà Lê tới dự, trong đó có Nguyễn Du.

Quan khách vào tiệc, đàn sáo vang lừng rồi ả đào ra múa hát. Nguyễn Du thấy bọn này tuy xinh đẹp, trẻ trung, nhưng giọng hát quê mùa, cung bực lộn xộn, lên xuống thiếu phép tắc nên không lưu ý đến. Ông thả hồn nghĩ những truyện xa xôi, chẳng biết bên tai họ đã hát những bài gì và múa những điệu gì.

Gần mãn tiệc, có một ả gầy nhom, hình dung tiều tuỵ, tuổi trạc ngoài bốn mươi, đứng gõ phách hát. Ông lắng nghe, thấy giọng hát thanh tao, êm ái dịu dàng, rõ ra lối hát Cửa quyền ngày trước. Đã hơn 20 năm tai chưa từng nghe tiếng hát ấy, nay bỗng dưng lại đựơc nghe lấy làm thoả thích. Ông nghĩ lấy làm lạ, tự hỏi tại sao chốn hồng trần đô hội này lại có tiếng hát phong lưu tao nhã như thế.

Hát xong nàng buông phách, một mình thơ thẩn dạo ra ngoài hành lang. Ông lén đến bên hỏi:
“Cô quê quán ở đâu và học hát từ bao giờ? Tôi nghe giọng hát quen thuộc lắm”.

Nàng ngước nhìn ông hồi lâu rồi lễ phép thưa:
“Thiếp xin phép hỏi đại nhân có phải là cậu Bảy, con quan cố Tham tụng không?”
Ông nhìn nàng:
“Phải. Nàng là cô Cầm chăng?”
Nàng nức nở đáp:
“Vâng, thiếp chính là cô Cầm ngày trước”.

 Nguyên Cầm nương là danh ca trong đội nữ nhạc nhà Lê, cuối đời vua Hiển Tông (1740-1786), Nguyễn Du từng theo cha là Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm vào cung chiêm bái các lễ khánh tiết và cùng với anh là Kiều Nhạc hầu Nguyễn Khản vào trong phủ chúa Trịnh Sâm dự yến nên thường được nghe nàng hát. Dần dần hai người yêu nhau vì sắc, trọng nhau vì tài, đã cùng nhau đi chơi thuyền trên Giám hồ ca hát ngâm vịnh, mượn trăng thanh gió mát để giãi bày tâm sự.

Sau gặp lúc loạn ông về núi Hồng Sơn ẩn lánh, còn nàng lưu lạc đi đâu không ai biết. Nay tự nhiên gặp nhau ở đây, nỗi mừng rỡ kể sao cho xiết.

 Nàng níu áo ông kể lể:

“Khi Vũ Văn Nhậm thống trị Bắc hà, thiếp vẫn giữ nghề cũ, thường đựơc gọi vào trong dinh Đốc tướng hát. Các tướng Tây Sơn rất thích hát múa những điệu ở trong cung, có tối thiếp được thưởng mấy trăm quan tiền, mượn thanh sắc thiếp nhiều phen làm cho những danh tướng Tây Sơn thất điên bát đảo. Nào ngờ việc thay đổi, bãi bể hoá nương dâu, vua Quang Trung ra Bắc lần thứ hai giết Vũ Văn Nhậm, rồi quân Tàu ùn ùn kéo sang. Thiếp phải tránh về Kinh Bắc, vốn liếng mất hết, chỉ còn hai bàn tay trắng, lưu lạc hơn 10 năm, nếm trải đủ mùi cay đắng. Khi trở về cố đô thì cung phủ chúa Trịnh là đống tro tàn, dinh thự vương hầu thành đường quan lộ, mắt trông cảnh cũ, bao xiết thương tâm. Nơi múa hát xưa không biết vùi lấp đâu, thiếp bao phen tốn công tìm tòi mà không thấy.

Nay tuổi đã già, nhan sắc ngày càng phai lạt, thiếp thuê tạm mấy gian nhà lá ở ngoài thành, thỉnh thoảng trong dinh các quan yến tiệc hay dân gian tế lễ lại tìm thiếp đến hát.    

Than ôi! Giang hà nhật hạ, món tiền thù tặng ít ỏi chẳng được như xưa, nhưng cũng nhờ đó làm kế sinh nhai cho qua ngày tháng. Thiếp nghĩ tủi phận mình kém người ca nữ trên bến Tầm Dương, vô duyên không kiếm đâu ra anh lái buôn chè tham lợi, nhưng rất tự hào là trong các đình đám, mỗi khi thiếp cất tiếng hát lên, bọn vương tôn công tử lại thì thầm: “Đấy là tiếng hát Cửa quyền ngày trước”.

Nghe nàng kể lể, ông ngậm ngùi than thở:

“Công đức nhà Lê hơn 300 năm và sự nghiệp anh hùng vua Quang Trung đã theo dòng nước trôi, duy chỉ còn tiếng hát Cửa quyền của nàng ca nữ”.
Sau khi từ biệt, trên đường đi, cảm thương khôn nén, ông soạn bài ca để gửi hứng :

Long thành cầm giả ca

Long thành giai nhân
Bất ký danh tự
Ðộc thiện huyền cầm
Cử thành chi nhân dĩ Cầm danh
Học đắc tiên triều cung trung Cung Phụng khúc
Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh
Dư tại thiếu niên tằng nhất kiến
Giám Hồ hồ biên dạ khai yến
Thử thời tam thất chánh phương niên
Xuân phong yểm ánh đào hoa diện
Ðà nhan hám thái tối nghi nhân
Lịch loạn ngũ thanh tuỳ thủ biến
Hoãn như luơng phong độ tùng lâm
Thanh như chích hạc minh tại âm
Liệt như Tiến Phúc bi đầu toái phích lịch
Ai như Trang Tích bịnh trung vi Việt ngâm
Thính giả mỹ mỹ bất tri quyện
Tận thị Trung Hoà Ðại Nội âm
Tây Sơn chư thần mãn toạ tận khuynh đảo
Triệt dạ truy hoan bất tri hiểu
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu
Nê thổ kim tiền thù thảo thảo
Hào hoa ý khí lăng công hầu
Ngũ Lăng niên thiếu bất túc đạo
Tính tương tam thập lục cung xuân
Hoán thủ Trường An vô giá bảo
Thử tịch hồi đầu nhị thập niên
Tây Sơn bại hậu dư Nam thiên
Chỉ xích Long thành bất phục kiên (kiến)
Hà huống thành trung ca vũ diên
Tuyên phủ sứ quân vị dư trùng mãi tiếu
Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu
Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa
Nhan xú thần khô hình lược tiểu
Lang tạ tàn my bất sức trang
Thuỳ tri tiện thị đương niên thành trung đệ nhất điệu
Cựu khúc tân thanh ám lệ thuỳ
Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi
Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự
Giám Hồ hồ biên tằng kiến chi
Thành quách suy di nhân sự cải
Kỷ độ tang điền biến thương hải
Tây Sơn cơ nghiệp nhất đán tận tiêu vong
Ca vũ không lưu nhất nhân tại
Thuấn tức bách niên tằng kỷ thì
Thương tâm vãng sự lệ triêm y
Nam Hà quy lai đầu tận bạch
Quái để giai nhân nhan sắc suy
Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng
Khả liên đối diện bất tương tri.

 Trên Thi viện đã có nhiều bản dịch thơ. Ở đây, xin giới thiệu thêm hai bản dịch:
1/
Bản dịch của Bùi Khánh Đản:

Người đẹp Long thành,
Tính danh chẳng nhớ,
Đàn cầm nổi tiếng tài hoa,
Khắp thành đều gọi tên là Cầm nương,
Học được khúc Cung phụng trong cung triều trước,
Tự cho trên trời dưới đất ai cũng nhường,
Nhớ thuở thanh niên từng gặp gỡ,
Bên bờ hồ Giám tiệc đêm mở,
Nàng vừa hai mốt tuổi đương xuân,
Xuân phong ánh mặt hoa đào nở,
Má ửng như ngây đẹp tuyệt trần,
Năm cung thánh thót tay ngà lựa.
Êm như gió mát thoảng rừng thông,
Trong như tiếng hạc giữa thanh không,
Buồn như Trang Tích ngoạ bệnh ngâm khúc Việt,
Mạnh như Tiến Phúc đầu bia sét đánh tung,
Người nghe khoan khoái đều không chán,
Chính khúc ngày xưa ở nội cung.
Tây Sơn văn võ hết thảy say mê mệt,
Lăn lóc đêm ngày hay chẳng biết,
Tả hữu đua nhau thưởng gấm là,
Tiền coi như rác quăng nào tiếc.
Vương hầu còn kém vẻ hào khí,
Bọn trẻ Ngũ lăng không đáng kể,
Đưa nhẹ ba mươi sáu tiếng tơ,
Đã thành bảo vật Trường an quý.
Tiệc ấy trải qua hai chục thu,
Về Nam sau buổi Tây Sơn thua,
Thăng Long gang tấc còn không thấy,
Huống cảnh trong thành múa hát xưa.
Tuyên phủ Sứ quân vì khách họp vui vẻ,
Trong tiệc ca nhi đều tuổi trẻ,
Cuối tiệc một người tóc đốm hoa,
Mình gầy mặt võ trông buồn tẻ,
Nét my tàn tạ, mặc sơ sài,
Ai biết là nàng thuở trước tiếng ca hay tuyệt thế.
Giọng mới cung xưa giọt lệ rơi,
Lặng nghe tiếng hát não lòng người,
Chợt khi nhớ đến truyện hai mươi năm trước,
Hồ Giám từng phen đã gặp ai,
Việc thế biến thiên thành quách đổ,
Biển dâu thay đổi bao nhiêu độ,
Tây Sơn sự nghiệp nhất đán đã tiêu tan.
Ca vũ một người còn mãi đó,
Trăm năm chớp mắt có gì đâu.
Truyện cũ thương tâm rỏ lệ sầu,
Từ lánh về Nam đầu đã bạc,
Giai nhân nhan sắc cũng phai màu,
Rõ ràng mở mắt ngờ trong mộng,
Gặp gỡ buồn thay chẳng biết nhau.

2/ Bản dịch của Trần Nhất Lang:

Gái Long thành không hay tên họ
Giỏi Nguyễn cầm lấy đó đặt tên
Tiếng đàn như nhạc cõi tiên
Khúc Cung phụng ấy của tiền triều xưa.
Nhớ thuở trước Giám Hồ yến tiệc
Tóc ta xanh đã biết tiếng nàng
Ngây thơ đôi tám mơ màng
Áo hồng, má đỏ lại càng dễ thương!
Tay nhẹ lướt năm cung trầm bổng
Tiếng khoan như gió thoảng ngàn thông
Trong như tiếng hạc trên không
Mạnh như tiếng sét đánh tung bia chùa;
Buồn như thể Trang xưa ngâm Việt
Khiến người nghe mải miết say sưa
Vốn là khúc nhạc ngày xưa
Trung Hoà Đại Nội để vua thưởng nhàn.
Khi quân lính Tây Sơn tiệc mở
Đã say như điếu đổ thâu canh
Thưởng tiền, tả hữu đua tranh
Bạc vung như nước cốt giành cuộc vui;
Nét hào hoa vương hầu nào sánh
Trẻ Ngũ Lăng có thấm vào đâu
Vẻ xuân hun đúc hạt châu
Cầm ca chi bảo đứng đầu Trường An.
Từ năm ấy đã tròn hai chục
Tây Sơn tàn, ta được vào Nam
Long thành lâu chửa ghé thăm
Người xưa múa hát thấy thầm trong mơ.
Quan Tuyên Phủ vì ta khoản đãi
Trong tiệc này có giải ca vui
Đào nương xuân nữ đương thời
Duy nơi cuối chiếu một người hoa râm,
Mặt vàng võ, tấm thân bé nhỏ
Môi không son, mày bỏ không tô
Ai hay người ấy bây giờ
Tài hoa đệ nhất ngày xưa một thời!
Khúc cũ dạo, lệ rơi từng giọt
Tai lắng nghe mà xót lòng ta
Bỗng dưng nhớ chuyện đã qua
Hai mươi năm trước Giám Hồ gặp nhau.
Cuộc hưng phế, bể dâu mấy độ
Thành đổi dời, người có khác chi
Tây Sơn triều cũ còn gì?
Còn chăng là một ca nhi tên Cầm!
Cõi nhân thế trăm năm là mấy
Cảm chuyện xưa áo tẩy dòng châu
Từ Nam trở lại, bạc đầu
Trách sao nhan sắc người đâu chẳng tàn.
Gặp nhau không dám hỏi han
Rưng rưng đôi mắt bàng hoàng xót xa.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [42] [43] [44] [45] [46] [47] [48] ... ›Trang sau »Trang cuối