Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [41] [42] [43] [44] [45] [46] [47] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

MẠC ĐỈNH CHI


“Há rằng trống rỗng bất tài
Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay.
Nếu ta giữ mực thẳng ngay.
Mưa sa gió táp xem nay cũng thường”.

Những câu văn trong bài phú Ngọc tỉnh liên (Bông sen trong giếng ngọc) gắn liền vị trạng nguyên nổi tiếng tài năng nhưng xấu xí trong lịch sử khoa cử nước ta – Mạc Đĩnh Chi.

Theo cuốn Danh nhân Hà Nội do giáo sư Vũ Khiêu biên soạn, vị “Lưỡng quốc trạng nguyên” này sinh năm 1280 ở làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông tên tự là Tiết Phu. Từ nhỏ, ông đã thông minh hơn người, có tinh thần tự học cao và từng theo học Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc.

Trong Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên viết: “Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng, thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu... gồm 20 người, đều được dùng cho đời”.

Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông, triều đình mở khoa thi, Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng nguyên. Ban đầu, nhà vua chê ông thấp bé, xấu xí. Vị trạng nguyên 24 tuổi bèn làm bài phú Ngọc tĩnh liên, tự ví mình như sen.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí do Phan Huy Chú biên soạn, vua Anh Tông xem xong, thán phục trước tài văn thơ của Mạc Đĩnh Chi, thăng ông làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia.

4 năm sau, Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên mừng vua Nguyên Vũ Tông lên ngôi. Tại thời điểm đó, quan hệ giữa hai triều đình không mấy ôn hoà nên sứ thần thường bị làm khó.

Tuy nhiên, trong hoạt động bang giao, vị trạng nguyên trẻ tuổi của nước ta đã chứng tỏ được tài năng, khí phách.

Chuyện kể rằng, trong buổi tiếp kiến đầu tiên, thấy sứ thần Đại Việt nhỏ bé, người Nguyên tỏ ý khinh thường bèn ra câu đối: “Nhật hoả vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố” (Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy vầng trăng – hàm ý nước lớn đủ sức thâu tóm nước nhỏ).

Mạc Đĩnh Chi bình tĩnh đối đáp: “Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô” (Trăng là cung, sao là đạn, chiều tới bắn rơi Mặt trời).

Dù tức giận, vua Nguyên vẫn phải thừa nhận câu đối của ông rất hay.

Cũng trong lần đi sứ này, nhờ tài ứng đối nhanh nhạy, Mạc Đĩnh Chi được vua Nguyên thán phục, tự tay hạ bút phong “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Trong lịch sử bang giao hai nước, ông là người duy nhất nhận danh hiệu này.

Những chuyến đi sứ của vị trạng nguyên lỗi lạc cũng để lại nhiều giai thoại đặc sắc.
Tương truyền, khi sứ bộ Đại Việt cáo biệt triều đình nhà Nguyên để về nước, Mạc Đĩnh Chi nhận một câu đố hiểm hóc mà chỉ cần trả lời sai, ông chắc chắn mất mạng.
Họ đố: “Có một chiếc thuyền, trong đó có vua, thầy học, và cha mình (quân, sư, phụ) bơi đến giữa sông chẳng may gặp sóng lớn đắm thuyền. Khi ấy, ngươi ở trên bờ ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi, thế thì ngươi cứu ai?”.

Rõ ràng, đây là một trường hợp khó chu toàn trung, hiếu, nghĩa. Trước nguy cơ bị xử tử, tác giả Ngọc tỉnh liên không chút nao núng đưa ra đáp án thích hợp nhất.

“Thần đứng trên bờ, thấy thuyền bị đắm, tất phải vội vã nhảy xuống sông bơi ra cứu, hễ thần gặp ai trước thì thần cứu người ấy trước, bất kể người ấy là vua, thầy học hay cha mình”, ông nói.

Câu trả lời rất chuẩn này không chỉ thể hiện sự nhanh trí mà còn cho thấy thái độ bình tĩnh, gặp nguy không loạn của trạng nguyên nước ta.

Ngoài ra, liên quan câu chuyện đi sứ, chuyện kể rằng, sứ thần Cao Ly mến mộ tài năng, đức độ của sứ thần Đại Việt trẻ tuổi nên mời Mạc Đĩnh Chi qua Cao Ly chơi và gả cháu gái cho ông. Vị thiếp này sinh một nam, một nữ.

Sau này, ông Mạc Văn Kết, hậu duệ Lưỡng quốc trạng nguyên xác minh câu chuyện.
Mạc Đĩnh Chi làm quan dưới 3 triều vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiển Tông. Nhờ tài năng, tính ngay thẳng, liêm khiết, ông được vua nhà Trần trọng dụng, hậu đãi.

Theo các nhà sử học, trong số 46 vị trạng nguyên thời phong kiến nước ta, Mạc Đĩnh Chi là một trong số những người được dân chúng khâm phục và ca tụng đồng thời sáng tạo nhiều giai thoại giàu trí tuệ nhất.

Nguyễn Sương tổng hợp
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Nữ Trạng nguyên
VŨ THỊ DUỆ


Giáo dục Việt Nam thời phong kiến coi trọng Nho học, phụ nữ không có quyền tham gia thi cử. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Duệ là ngoại lệ. Bà không chỉ là nữ tiến sĩ đầu tiên ở nước ta, mà còn là nữ trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa bảng.
Nguyễn Thị Duệ (hay Nguyễn Thị Du) sinh năm 1574 trong một gia đình nhà nho nghèo ở Chí Linh, Hải Dương. Theo Hải Dương phong vật chí, tên chính xác của bà là Nguyễn Thị Ngọc Toàn.

Thuở nhỏ, bà nổi tiếng xinh đẹp, tài hoa. Tương truyền, bà biết viết văn, làm thơ khi mới 4 tuổi. Danh tiếng lan xa khiến nhiều người người ngưỡng mộ tài sắc, đến xin hỏi cưới nhưng bà không đồng ý.

Dù hiếu học nhưng sống dưới thời phong kiến trọng nam khinh nữ, bà phải giả nam để có thể theo nghiệp đèn sách.

Theo ghi chép của sử sách, cuộc đời bà trải qua nhiều thăng trầm. Khi chúa Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm Thăng Long, nhà Mạc thất thế, chạy lên Cao Bằng. Nguyễn Duệ cùng cha theo lên đây.

Nhà Mạc mở khoa thi, bà giả nam tham dự và đỗ đầu. Khi vào cung dự yến tiệc, vua Mạc Kính Cung rất bất ngờ khi biết tân khoa trạng nguyên là nữ. Vua quý mến hiền tài, không trách tội nhưng theo phép tắc, bà không thể tiếp tục mang danh trạng nguyên. Tiếc nuối cho tài năng của người con gái trẻ, vua cho phép bà ở lại triều, theo Chuyện kể về các nhà khoa bảng.

Nguyễn Thị Duệ được vời vào cung, phụ trách việc dạy học cho các phi tần. Một thời gian sau, Mạc Kính Cung lập bà làm phi, ban hiệu Tinh Phi. Vì thế, dân gian còn gọi bà là bà chúa Sao.

Năm 1625, quân Trịnh tiến lên Cao Bằng đánh nhà Mạc. Khi bị bắt, nữ trạng nguyên vẫn rất trấn định. Bà dùng gươm kề cổ, uy hiếp quân lính phải giải bà đến trước chúa Trịnh. Nhờ tài đối đáp xuất sắc, Nguyễn Thị Duệ thoát tử tội.

Mến mộ tài năng, khí độ hiếm có của bà, chúa Trịnh giao trọng trách trông coi việc học của phủ chúa và rất trọng dụng. Sau này, bà được phong là Nghi ái quan.
Thời làm quan, Nguyễn Thị Duệ rất coi trọng việc học và bồi dưỡng nhân tài. Bà còn xin triều đình cấp nhiều mẫu ruộng cho canh tác lấy huê lợi, giúp đỡ học trò nghèo biết chăm chỉ.

Tương truyền, để thúc đẩy phong trào học tập địa phương, cách một khoảng thời gian, bà cùng các bậc túc nho đến giảng dạy tại các khu vực ấn định rồi soạn đề, tổ chức thi. Bài thi được gửi lên cho bà chấm, kết quả được gửi trở lại các địa phương.
Cách làm này đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao giáo dục tại các vùng xa kinh kỳ.

Nguyễn Thị Duệ sống dưới tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng tài năng của bà khiến người khác không thể không nể phục. Vì thế, trong phần lớn các kỳ thi Đình, thi Hội thời đó, bài thi đều qua tay bà chấm.

Không chỉ tài năng, nữ trạng nguyên còn là người đức độ. Theo dân gian truyền lại, trước đây, khi còn nghèo khó, anh trai bà bị người trong làng hãm hại. Nhưng khi vinh hiển, bà không hề nghĩ đến thù riêng.

Khi cao tuổi, bà cáo quan về quê, mở am Đào Hoa, tiếp tục đọc sách và chỉ bảo các sĩ tử trong làng. Nhờ những đóng góp quan trọng cho giáo dục, thi cử, bà được triều đình hậu đãi. Tuy nhiên, nữ tiến sĩ vẫn sống cần kiệm, dành phần lớn bổng lộc để giúp đỡ người dân, đặc biệt các nho sĩ nghèo.

Trong Công dư tiệp ký, danh sĩ Vũ Phương Đề ghi: “Văn thơ của bà rất nhiều, nhưng nay không còn bài nào. Bà có làm bài Gia ký bằng Quốc âm thuật lại các việc riêng và tự ví mình như Bạc Thị” (phi tần của Hán Cao Tổ, mẹ vua Văn Đế, một phụ nữ nổi tiếng hiền đức trong lịch sử Trung Quốc).

Kém gì một chút đảo điên
So le Bạc Thị vốn duyên Hán hoàng.
Nữ nhi dù đặng có lề
Ắt là tay thiếp kém gì trạng nguyên.

Vũ Phương Đề cũng khen ngợi bà: “Lễ sư thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương”.
Sau khi Nguyễn Thị Duệ mất, người dân làng Kiệt Đặc lập đền thờ bà chúa Sao. Bà còn được thờ tại Văn miếu Mao Điền cùng nhiều danh nhân, học sĩ danh tiếng khác.

Nguyễn Sương tổng hợp
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LƯƠNG THẾ VINH


Trạng Lường Lương Thế Vinh nổi tiếng với nhiều giai thoại cho thấy ông tài trí hơn người như câu đố cân voi, đo độ dày của một tờ giấy.

Trạng Lường Lương Thế Vinh là một trong những vị trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa cử nước ta.

Theo Danh nhân Hà Nội, Lương Thế Vinh sinh năm 1441 tại làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, Trấn Sơn Nam (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

Thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng học nhanh, sáng trí, sáng tạo trong việc học và chơi. Lần nọ, Vinh cùng bạn bè ngồi chơi dưới gốc cổ thụ. Cả bọn thách đố nhau đo chiều cao của cây.

Thay vì trèo lên cây như lời đề nghị của một người, Lương Thế Vinh lấy một cây gậy, đo chiều dài của nó rồi dựng gậy trên mặt đất, đo chiều dài bóng gậy. Sau đó, ông tiếp tục đo bóng cây. Tính nhẩm một lát, Vinh đưa ra kết quả.

Đám bạn không tin bèn dùng dây thừng đo lại, được kết quả đúng như của Vinh. Họ không khỏi thán phục.

Một lần khác, Khi Lương Thế Vinh cùng bạn chơi bóng, quả bưởi làm bóng rơi xuống hố. Cả bọn loay hoay, không làm thế nào lấy lên được. Ông nghĩ ra cách đổ nước vào hố để quả bưởi nổi lên.

Nhờ tài toán học, Lương Thế Vinh không ít lần giúp những người xung quanh giải quyết các vấn đề khó khăn. Có lần, ông đến một khúc sông, thấy mấy người đang tìm cách đo chiều rộng của con sông để bắc cầu. Hôm đó, nước sông rất to và chảy xiết, họ không thể bơi qua.

Ông bèn đề nghị mọi người không bơi qua sông mà tìm cho ông mấy cái cọc. Ban đầu, mấy người này không tin nhưng khi thấy Vinh đóng cọc, ước lượng khoảng cách rồi tính nhẩm và công bố chiều rộng con sông, họ hoàn toàn thán phục tài năng của chàng trai trẻ.

Trên thực tế, Lương Thế Vinh sử dụng kiến thức về tam giác đồng dạng để tính khoảng cách giữa hai bờ sông.

Với tài trí hơn người, Lương Thế Vinh nhanh chóng nổi tiếng học giỏi khắp vùng Sơn Nam. Vì thế, người ta thường so sánh ông với Quách Đình Bảo, cũng là một người thông minh, đĩnh đạc trong vùng.

Cùng dùi mài kinh sử nhưng hai ông có phương pháp học hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi Bảo ngày đêm vùi đầu khổ luyện, Vinh lại chơi nhiều hơn học,
Tương truyền, trước kỳ thi Đình, Lương Thế Vinh sang làng của Quách Đình Bảo, định bàn chuyện cùng về kinh ứng thí. Khi nghỉ ngơi tại quán nước đầu làng, nghe người dân kể chuyện Bảo học quên ăn quên ngủ, ông quyết định quay về, thầm không tán thành cách học của Bảo.

Quả nhiên, năm 1463, dưới thời vua Lê Thánh Tông, Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên trong khi Quách Đình Bảo đỗ thám hoa. Khi đó, chàng trai làng Cao Hương mới 22 tuổi.

Là người quang minh, lỗi lạc lại tài trí, Vinh được triều đình trọng dụng. Ông giữ nhiều chức quan quan trọng trong Hàn lâm viện, đồng thời là một trong số 28 thành viên của hội thơ Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông thành lập.

Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của ông cho nước nhà lại thuộc về lĩnh vực Toán học.
Theo Danh nhân đất Việt, khi sứ thần nhà Minh sang thăm nước ta, vua cử Lương Thế Vinh ra tiếp đón. Dù đã biết tiếng vị trạng nguyên, sứ thần vẫn tìm cách làm khó.
Trong một buổi đi chơi thuyền, ông ta thách đố quan trạng cân thử con voi nặng bao nhiêu. Vinh thản nhiên nhận lời rồi sai người dắt voi xuống thuyền, đánh dấu mức thuyền chìm trong nước. Xong xuôi, ông bảo dắt voi lên, chất đá xuống, nước ngập đến chỗ đánh dấu thì dừng.

Sau đó, ông cho người chia nhỏ số đá, cân lên và tính tổng. Kết quả khiến sứ thần phục lăn nhưng vẫn không bỏ ý định thử tài trạng. Ông ta xé một tờ giấy, yêu cầu Lương Thế Vinh đo độ dày của nó.

Trước tình huống khó xử này, ông vẫn ung dung nghĩ ra cách. Ông mượn viên sứ quyển sách, dùng thước đo độ dày cả quyển rồi chia với số trang để tính độ dày tờ giấy. Sứ thần nhà Minh hết sức bội phục trí tuệ linh hoạt của vị quan đất Việt.
Với tài năng toán học xuất sắc, Lương Thế Vinh được dân gian gọi là Trạng Lường. Ông cũng tổng kết kiến thức, viết nên cuốn Đại thành Toán pháp. Cuốn sách này được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử giáo dục Việt Nam.
Ông cũng nổi tiếng với tài văn thơ, đối đáp và rất vừa ý nhà vua. Năm 1496, Lương Thế Vinh qua đời. Vua Lê Thánh Tông rất thương tiếc bèn viết bài thơ khóc Trạng:

Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua
Gióng khách chương đài kiếp tại nhà
Cẩm tú mấy hàng về động ngọc
Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa
Khí thiên đã lại thu sơn nhạc
Danh lạ còn truyền để quốc gia
Khuất ngón tay than tài cái thế
Lấy ai làm Trạng nước Nam ta.

Nguyễn Sương tổng hợp
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LƯƠNG SƠN BẠC


Nhân nhắc đến ông Dương Đình Thảo, một chính khách của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam từng xuất hiện ở Hội Đàm Paris Bốn Bên, không riêng gì Nguyễn Chánh Tín, bản thân tôi cũng là người chịu ơn ông. Chính ông Sáu Thảo tức Dương Đình Thảo đã cùng anh Huỳnh Bá Thành, Vũ Quang Hùng lo hộ khẩu cho tôi khi tôi nằm quân lao H39 vì dám chống lại cấp chỉ huy độc đoán trong quân đội.

Kỷ niệm về tôi với ông Sáu Thảo thật thơ mộng và mang mùi vị Lương Sơn Bạc. Khoảng đầu thập niên 80 phái đoàn Văn Nghệ Sĩ và Báo Chí Thành Phố do ông Dương Đình Thảo dẫn đầu có rủ tôi theo xuống đất Duyên Hải tức Cần Giờ. Đêm đó trước công chúng đông đảo bao gồm công nhân lâm trường và học viên các trường Thanh Niên Xây Dựng Cuộc Sống Mới, ông Sáu Thảo có đọc diễn văn khích lệ tinh thần và các nghệ sĩ sân khấu khác có biễu diễn vài tiết mục phục vụ họ. Chỉ có điều tiếng vỗ tay và sự hưởng ứng quá rời rạc. Ông Sáu Thảo liền quay sang tôi “Lần này phải nhờ đến tài xuất khẩu thành thơ của Bùi Chí Vinh đó”.

Dĩ nhiên là tôi nhận lời “chữa cháy” ngay lập tức. Tôi liên tưởng đến cảnh ngộ những người vượt biên và những người săn đuổi kẻ vượt biên ngay trên đất Cần Giờ, nơi được mệnh danh là “Siberia” của Sài Gòn này. Tôi liên tưởng đến những lần cụng ly với những người bí ẩn hâm mộ thơ tôi tại quán rượu nhà sàn “ÔNG THẦY” nằm chơi vơi mé biển. Tôi liên tưởng đến chính đời mình đời Nguyễn Chánh Tín đời của nhiều anh em giang hồ hảo hán ôm mộng làm cách mạng như Thuỷ Hử ngày xưa nhưng suốt đời bất thành phải mài kiếm dưới trăng giống tráng sĩ Đặng Dung. Thế là bài thơ LƯƠNG SƠN BẠC ra đời. Bài thơ kéo theo tiếng vỗ tay rầm rộ phấn khích của công chúng phía dưới. Tôi xin chép bài thơ ra đây như một cách tạm thời kết thúc phần hai GIAI THOẠI CỦA THI SĨ:

LƯƠNG SƠN BẠC

Lên Duyên Hải gặp Lương Sơn Bạc
Đứa vác cần câu đứa kéo chài
Cùng săn cá sấu quanh rừng Sác
Thả xuồng ghé quán nhậu lai rai

Người trung niên ta gọi: anh Hai
Xâm con ó bảy màu trên ngực
Gió biển nhiều sao ó chưa bay
Còn đậu chiều nay trong quán cóc
Hay con ó còn sợ bầy chim cắt
Mài cựa quanh năm móng vuốt dài
Hay rượu làm anh Hai xếp cánh
Công hầu thua một chén đưa cay
Thảo nào hồi đó huynh Tiều Cái
Tống tửu vài chung đã rớt đài

Anh Hai giới thiệu bạn vãng lai
Đầu trọc như nhà sư họ Lỗ
Xưa Trí Thâm không chơi rắn hổ
Tu mười năm chỉ nhớ thịt cầy
Nay anh Ba tu chùa mãi lộ
Rắn mãng xà quàng vắt trên vai

Hà tất phải khà như phun nọc
Để chạnh lòng đám rắn hổ mây
Đệ dù sao cũng dòng phàm tục
Mời chư huynh một chén rượu đầy

Rượu đầy nào phải là sóng dữ
Mà biển gầm lên tưởng nứt quầy
Anh Bốn đi quyền quên luật rượu
Chém ba dao thua một dao gài
Lý Quỳ còn cả thời ngang dọc
Lẽ nào anh Bốn sớm chồn tay
Đệ dân thành phố chưa quen sóng
Cũng tiếp tứ ca một chén đầy

Mà rượu đầy huynh uống chưa say
Quyền Mai Hoa thiếu gái cũng hoài
Coi kìa tì nữ cười khiêu khích
An ái cần chi phải mập gầy

Nữ tì thừa biết khi lên ngựa
Anh hùng lỏng gối chẳng hơn ai
Võ Tòng bất lực nên sát tẩu
Tội Kim Liên chết uổng tuyền đài
Phải giống Yến Thanh vào hắc điếm
Thường động phòng nương tử mới hay
Nếu cha mẹ không ghiền tửu sắc
Làm gì có đệ có huynh đây

Mà đệ gặp huynh mới chục chai
Chưa đáng mặt mà xưng hảo hán
Con voi khi sa xuống đầm lầy
Giọt lệ ngàn năm còn nuốt hận
Chúng ta những ông thần nước mặn
Vốn khinh thường áo mão cân đai
Vốn ghét công hầu như ghét cứt
Muốn trèo mây như Lý Thiết Quài
Muốn đạp gió như Tôn Hành Giả
Lương Sơn trăm lẻ tám thiên tài
Hôm nay gặp gỡ làm giông bão
Thêu cờ “trăm lẻ tám thiên tai”…

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VỚI ĐIỆN ẢNH


Chẳng hạn bên điện ảnh, tôi từng hạnh ngộ và la cà với rất nhiều người, những người có bụng “lân tài” giúp đỡ tôi về mặt tinh thần lẫn cơm áo cũng không ít. Tôi có thể kể tên đến cố đạo diễn Hồng Sến, cố diễn viên Lê Chánh, đạo diễn Hồ Ngọc Xum, tài tử đẹp trai Nguyễn Chánh Tín… Các huynh đệ khác như Lê Cung Bắc, Châu Đen, Phạm Thuỳ Nhân…

Với đạo diễn Hồng Sến thuở còn sinh tiền mỗi lần có cha ông lên thăm là ông luôn nhớ đến tôi. Ông đãi tiệc bắt tôi đọc hai bài thơ ÔNG GIÀ RỪNG SÁT và ÔNG GIÀ BẮT RẮN cho phụ thân ông thưởng lãm. Các bạn thử tưởng tượng Hồng Sến hơn tôi gần 20 tuổi thì “ông cụ” của ông phải bô lão đến chừng nào. Thế mà khi đọc xong hai bài thơ trên, đôi mắt “bô lão” của ông ướt như trẻ con. Đến giờ này tôi vẫn hãnh diện về những buổi đọc thơ cho gia đình đạo diễn Hồng Sến lúc ông còn sống.

Với Nguyễn Chánh Tín thì lại hoàn toàn bất ngờ. Chúng tôi làm quen nhau ở nhà hoạ sĩ kiêm diễn viên Lê Chánh trên đường Vườn Chuối đầu thập niên 80. Thuở ấy tất cả đều nghèo, trên mâm rượu chỉ có “xị sô” Gò Đen, Cây Lý và me xoài cóc ổi. Thuở ấy Nguyễn Chánh Tín đã là một ca sĩ phòng trà thành danh và là diễn viên điện ảnh có khuôn mặt “mỹ nam tử” hút hồn phụ nữ, còn tôi là một thi sĩ giang hồ bụi bặm. Thuở ấy chỉ cần “ngửi” nhau qua một bài nhạc có đẳng cấp hay qua một bài thơ khẩu khí độc đáo là mọi người đã thương nhau như ruột thịt. Thuở ấy đẹp đến nỗi mãi hơn 20 năm sau này tôi mới tái ngộ Nguyễn Chánh Tín mà hai người vẫn nhớ như in những bài thơ đã đọc, những bài nhạc đã hát ngày xưa lúc anh Lê Chánh còn sống. Chính kỷ niệm gắn bó hơn 20 năm trước đã kết dính tôi và Nguyễn Chánh Tín thành “cặp bài trùng” hiện nay trong điện ảnh. Hiện nay chúng tôi đang hợp tác làm việc cùng nhau qua thương hiệu một hãng phim tư nhân được thành lập vào năm 2007 mang tên là CHÁNH TÍN FILM. Tôi đảm nhận việc viết kịch bản phim còn Nguyễn Chánh Tín làm đạo diễn. Chúng tôi chủ trương khôi phục dòng phim kinh dị đã mất tích từ sau giải phóng bằng hàng loạt phim nhựa ngắn 45 phút chiếu các rạp lớn trên toàn quốc và phát hành đĩa DVD tại Bắc Mỹ và Châu Au. Chúng tôi đã thực hiện liên tiếp 4 phim mang tựa NGÔI NHÀ BÍ ẨN, SUỐI OAN HỒN, CHẾT LÚC NỬA ĐÊM, BỐN THÍ NGHIỆM TRONG ĐÊM TÂN HÔN và hiện lên kế hoạch làm 2 phim kinh dị, hành động mang tựa NỢ MÁU, SÁT THỦ ra mắt công chúng trong và ngoài nước vào dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.

Cuộc đời Nguyễn Chánh Tín cũng thăng trầm không kém gì tôi. Anh từng vượt biên nhiều lần và bị bắt một lần để đời. Nếu không nhờ ông Dương Đình Thảo, giám đốc Sở Văn Hoá Thông Tin Thành Phố lúc đó bảo lãnh đóng phim VÁN BÀI LẬT NGỬA của Trần Bạch Đằng thì chắc bây giờ còn lâu anh mới tái xuất giang hồ cùng tôi lần nữa. Lần được ông Dương Đình Thảo “cứu bồ” đó, Nguyễn Chánh Tín đã gây dấu ấn xuất sắc trong làng điện ảnh nước nhà với vai diễn trung tá tình báo Nguyễn Thành Luân, một nhân vật ảo từ nhân vật có thật là trung tá Phạm Ngọc Thảo. Nếu ai đó “chụp mũ” anh vì anh tham gia một cuốn phim “Việt Cộng” thì họ đã quá lầm. Thật ra Nguyễn Chánh Tín chỉ là một thanh niên Việt Nam yêu nước đến tận cùng không hề phân biệt chủ nghĩa quốc gia hay cộng sản.

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GUITAR


Chẳng hạn trong âm nhạc, môn phái gần gũi với thi ca nhất, tôi tha hồ “đi bụi” với nhạc sĩ Trần Quang Lộc, Lã Văn Cường, Vũ Ngọc Giao, Nguyễn Hải… Cách đi bụi với mỗi người cũng khác nhau. Năm 1975, lúc còn làm biên tập viên trang văn nghệ báo Tuổi Trẻ tôi gần như là cặp bài trùng với hoạ sĩ “đa hệ” Nguyễn Trọng Khôi, bởi Khôi là hoạ sĩ trình bày đầu tiên của tờ báo vừa có thể sáng tác nhạc. Anh có đặc điểm là hát rất hay bằng giọng “têno” bài MỘT CÕI ĐI VỀ của Trịnh Công Sơn lúc bài nhạc này bị cấm. Trong bàn nhậu bạn bè, tôi phun thơ giang hồ liên tục còn anh kết thúc bằng bài hát BÀI CHÒI về người chồng nhà quê bị vợ phụ rẫy khiến ai nấy bật cười ha hả. Năm 1977 tôi bắt đầu quen với Lã Văn Cường như một cặp bài trùng thứ hai. Cuộc hội ngộ của chúng tôi ly kỳ như… phim. Lã Văn Cường thách tôi cứ sau một bài thơ là Cường sẽ hát đáp lễ bài nhạc do Cường sáng tác. Và trên thực tế Cường đã thực hiện đúng như vậy. Tôi đọc 50 bài thơ và Cường hát đủ 50 bài nhạc cho đến lúc cả đám trong bàn đều quắc cần câu. Với Vũ Ngọc Giao thì đượm mùi tráng sĩ hơn. Năm 1978 khi nằm ở Ban Tổ Chức Thành Đoàn chuẩn bị lên đường nhập ngũ, tôi đã cùng Vũ Ngọc Giao nhạc sĩ guitar cổ điển một thơ một nhạc ngả nghiêng phục vụ công chúng xó chợ lề đường dọc khu Bà Lê Chân, Trần Quang Khải… trong những quán nghệ sĩ thời đó của Huy Tưởng và cà phê Hạ Trắng. Sau này đi bộ đội về tôi lại tiếp tục “bài trùng” với nhạc sĩ kiêm ngâm sĩ Nguyễn Hải của xứ Ngũ Hành Sơn và với Trần Quang Lộc, người sáng tác bài VỀ ĐÂY NGHE EM với những giai điệu và ca từ rất đỗi tình tự dân tộc ngọt ngào. Đây là thời gian tôi làm thơ về đề tài âm nhạc nhiều nhất. Bài guitar sau đây là một ví dụ tiêu biểu:

GUITAR

Một bài thơ cho cây đàn
Như bài hát cuộc đời ban cho mình
Như là lúc mới làm quen
Anh không dại dột yêu em bằng lời
Anh ôm guitar lả lơi
“Tout L’amour” dạo hết thời con trai
Trong vườn hoa giấy vừa bay
Khi rơi xuống ở trong tay hồi nào

Trong tay hoa ở rất lâu
Trong anh, em ở bạc đầu chưa xa
Cám ơn nhạc cám ơn hoa
Cám ơn phụ nữ sinh ra loài người
Cám ơn tất cả lứa đôi
Biết nghe âm nhạc nói lời mối mai
Biết anh mỗi bận so dây
Là em đang dạo gót hài trong anh
“Love is blue” tình yêu xanh
Thiếu guitar sẽ trở thành đen thui…

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

HOẠ HÀNH


Nói là nói vậy chứ trong cửa tử luôn luôn có cửa sinh. Đã là một nhà văn nhà thơ đứng về phía nhân dân thì buổi giao thời chủ nghĩa với những cảnh “bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” như thế bao giờ cũng là môi trường thuận lợi nhất để ra đời những tác phẩm lớn. Chỉ trừ khi bản thân người cầm bút bất tài và thích đổ thừa. Cũng may trong cuộc đời lang bạt giang hồ tôi luôn được tiếp xúc với nhiều kỳ nhân dị sĩ trên các lãnh vực nghệ thuật khác nhau để “hâm nóng” sáng tác.

Chẳng hạn trong hội hoạ tôi có dịp giao du với những hoạ sĩ, điêu khắc gia vừa có tài năng vừa hào khí ngất trời trong… bàn rượu, đủ để làm được bài thơ HOẠ HÀNH. Đó là các hoạ sĩ từng vẽ chân dung tôi mà tôi còn lưu giữ như Nguyễn Trung, Nguyễn Trọng Khôi, Khánh Trường, Vi Vi Võ Hùng Kiệt. Đó còn là các bậc đàn anh tên tuổi khác như Hiếu Đệ, Rừng, Nguyên Khai, Hồ Thành Đức, Hồ Hữu Thủ, Trịnh Thanh Tùng…

HOẠ HÀNH

Làm thơ mà quậy toàn hoạ sĩ
Là “thi hữu hoạ, hoạ hữu thi”
Ai dám bảo đó điều cấm kỵ
Ngày xưa Lý Bạch quậy Vương Duy

Lý Bạch quậy Vương Duy còn đỡ
Ta nâng ly toàn đụng dân gầm
Mỗi tên cầm cọ chừng dăm vợ
Nói gì tiểu thiếp đến chào sân

Mỗi tên cầm cọ dăm người mẫu
Chữ mẫu nghe đâu giống mẹ hiền
Các em làm mẫu, ta làm phụ
Phụ mẫu kề nhau dễ đảo điên

Mà cật vấn chi nhau chữ sex
Picasso biết được mất lòng
Chagal biết được đâm xích mích
Hoạ pháp làm sao cọ khỏi run

Cọ run thì cũng như ngòi viết
Người mẫu, nàng thơ có khác gì
Có em trường phái đều thua hết
Tranh cởi trần, chữ cởi dâm thi

Đọc dâm thi chỉ cần manh giấy
Xem tranh phải ngó lại túi tiền
Tội nghiệp bạn chọn nghề quý phái
Gỗ, lụa, màu… giá rẻ vài “thiên”

Ơi, Khôi, Trung, Đệ, Trường, Khai, Đức…
Hội hoạ ngày nay xuống chợ trời
Tranh ảnh quốc doanh bày như rác
Gác cọ, mình đi uống rượu chơi…

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

XÍCH LÔ HÀNH


Còn với sư huynh Huỳnh Bá Thành, tôi lại có nhiều kỷ niệm khác. Cuối thập niên 80 anh Huỳnh Bá Thành lúc đó là Tổng Biên Tập báo Công An TP lôi tôi về viết mảng văn hoá văn nghệ của tờ báo khi tôi đang thất nghiệp. Trong cương vị mới tôi đã làm được “rất nhiều chuyện” với anh, trừ chuyện thơ. Anh nói “Chú mày lo viết truyện dài Feuilleton và làm phim cho hãng Người Bảo Vệ mới thành lập của báo. Riêng THƠ ĐỜI thì cứ ghi chép theo kiểu thời sự hàng ngày để thế hệ sau này đọc và biết những gì xảy ra của nước ta thời điểm đó. Có điều chừng nào anh chết thì chú mày mới in THƠ ĐỜI nhé.”

Thưa hương hồn anh Huỳnh Bá Thành, tôi đã làm những gì anh khuyến cáo và dặn dò. Có lẽ dưới suối vàng anh hẳn còn nhớ những đêm anh em tâm sự cụng ly nhau, tôi đã làm anh khinh khoái và nhẹ lòng biết bao nhiêu trước những bài thơ theo thể Hành về nỗi đau cơm áo gạo tiền của nhân dân thống khổ. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin chép lại bài thơ phổ biến nhất anh đã từng nghe và được các nhạc sĩ giang hồ chuyển thành ca khúc với ca từ tam sao thất bổn. Đó là bài XÍCH LÔ HÀNH.

XÍCH LÔ HÀNH

Tưởng mình ta đạp xích lô
Nào hay phố xá ngựa thồ như nêm
Buộc cho ta miếng băng đen
Để cho cặp mắt làm quen mù loà
Xỏ giàm vào mõm nữa cha
Để cho số tuổi ta già theo răng
Giật cương đi, hõi mấy thằng
Ê sao nước mắt chợt lăn xuống cằm

Ta đi dụ khị người phàm
Thấy huynh hiền sĩ từ quan lên rừng
Dạ dày ta nhảy lung tung
Nhảy dăm phút nữa dám khùng nghe cha
Cũng may vừa tới ngã ba
Cô em yểu điệu tà tà leo lên
Lưng ta khòm giống cái yên
Chổng mông em cỡi, mùi thiền nhấp nhô

“Ba đồng một cuốc, mại dzô”
Có con ngựa đực vừa ho vừa gào
Ta thồ ngang động hoa đào
Thấy dăm kỹ nữ chém nhau giành bề
Thồ ngang đống rác thúi ghê
Thấy bầy tiểu tử chửi thề giành moi
Thồ ngang khách sạn em ơi
Chó ngồi ăn nhậu, còn người ăn xin

Nhưng mà chớ có rùng mình
Tại ta kéo thắng chưa linh em à
Gân chân lõm tựa ổ gà
Mặt xương bụng lép đếch ma nào ngồi
Mới ra nghề tưởng khơi khơi
“Bác Hồ ngó thẳng” đâu chơi gà mờ
Dạ dày lại đánh lô tô
Mồm ta méo xệch bên bờ tử sinh

Như là thiếu phụ tắt kinh
Ruột xe có chữa thình lình, chết cha
Té ra trong cõi người ta
Ruột lô ruột xịn khéo là ghét nhau
Đếm tiền còn thiếu xu hào
Đếm ta thấy chớm bệnh lao mất rồi
Vá giùm chút bạn hiền ơi
Chiếc xe cà chớn của thời cà chua!

Cũng bài thơ này và bài VE CHAI HÀNH được tôi đọc cho ông Võ Văn Kiệt thời ông làm Bí Thư Thành Uỷ Sài Gòn khi ông mời nhóm sáng tác của báo Tuổi Trẻ trong đó có tôi đến nhà dùng bữa cơm thân mật. Trong lúc trà dư tửu hậu, ông nghe báo cáo rằng có một nhà thơ nổi loạn chuyên làm “Thơ Đen” truyền khẩu trong nhân dân. Các đồng nghiệp khác có vẻ lo âu nhưng tôi thản nhiên công khai hoá nỗi niềm mình trước vị lãnh đạo cao nhất của thành phố. Nghe xong ông Kiệt vỗ tay gật gù khoái trá khiến bầu không khí bớt căng thẳng. Tôi không biết ông nghĩ về tôi ra sao chứ những chính sách của ông ban hành sau này với giới trí thức và văn nghệ sĩ “dám ăn dám nói” rõ ràng bị… siết chặt hơn.

Một kỷ niệm có dính dáng tới ông là tôi vài lần chở nhà văn Sơn Nam đậu trước biệt thự nhà ông để lão tiền bối Sơn Nam gõ cửa xin “viện trợ” của đồng chí cũ thời cùng chung tỉnh uỷ Long Châu Hà. Những lúc đó tôi thấy thương kiếp nhà văn của ông Sơn Nam vô cùng. Ngày xưa vua chúa phải hạ mình đi cầu hiền sĩ còn thời nay hiền sĩ phải đi cầu cạnh ngược lại. Đúng là kiếp cầm bút bọt bèo giữa bể dâu chính trị.

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

SỰ NHẸ DẠ CỦA NGUYỄN TRÃI


Như đã đề cập về mối quan hệ của tôi với các chính khách như Trần Bạch Đằng, Huỳnh Bá Thành… Kỷ niệm tiếp theo xem như một nén nhang thắp viếng linh hồn hai người đã khuất. Năm 1988 tôi lập gia đình tổ chức đám cưới ở Hội Liên Hiệp Thanh Niên do Huỳnh Tấn Mẫm chủ tịch Hội làm “chủ xị”. Quan khách có cấp bậc cao nhất tham dự lúc đó là Trần Bạch Đằng đương nhiên ở cương vị “chủ hôn”. Bàn của ông Trần Bạch Đằng tức ông Tư Ánh có mặt nhiều vị lãnh đạo cấp Thành Phố. Lúc lên phát biểu, chú Trần Bạch Đằng có nhắc nhở vợ tôi rằng “Lấy thằng Vinh là con phải trang bị một khẩu súng để bóp cò lúc cần thiết”. Câu nói vừa hài hước vừa mang tính ẩn dụ đã thắt chặt tình chú cháu hơn bao giờ hết, thậm chí pha chút tình phụ tử bởi tôi là một đứa trẻ mồ côi cha từ năm 17 tuổi (cha tôi chết năm 1971 vì những vết thương do bị tra tấn trong nhà tù khi hoạt động cách mạng). Những lần đến nhà ông, lúc đi với Nguyễn Quốc Chánh lúc đi với vợ con, hai chú cháu đều tranh luận nhiều chuyện nảy lửa. Nguyễn Quốc Chánh khoái đấu khẩu với “chú Tư Ánh” về chính trị, còn tôi chỉ thích lạm bàn quanh vấn đề văn nghệ chuyên môn và nhân cách kẻ sĩ. Vài lần thấy chú Tư đăm chiêu trước sự phát biểu cực đoan của Chánh, tôi có quay qua hội ý với thím Tư (là cô Chơn, cựu Thứ trưởng Bộ Tư Pháp, vợ ông Trần Bạch Đằng) thì thím Tư Ánh cười hiền hậu “Không sao đâu con à. Thím rất thích được nghe tuổi trẻ phản biện về chính trị”. Khi tôi ví von Trần Bạch Đằng là một Nguyễn Trãi thời nay nhưng thiếu minh chúa Lê Lợi thì ông có vẻ chột dạ. Ông hỏi tôi “Mày nghĩ về Nguyễn Trãi ra sao?” thì tôi đọc bài thơ này cho ông nghe khiến ông rất hể hả:

SỰ NHẸ DẠ CỦA NGUYỄN TRÃI

Sử cho hay Nguyễn Trãi bị tru di
Cốt đạo Nho mà không rành Khổng Tử
Thân chưa tu đã muốn bình thiên hạ
Trị quốc thua cái váy của đàn bà

Ta cũng muốn làm ông tướng bình Ngô
Tưởng thời này khác thời xưa chúa đất
Ngờ đâu minh quân chỉ yêu mến công thần
Lúc hạt gạo vẫn còn nguyên hạt thóc

Gạo thành cơm để dành cho hoàng tộc
Lúa nổi thóc trôi đám tiện dân nghèo
Nghĩ mà thương những anh chàng đánh giặc
Tuổi về hưu còn mài kiếm trăng treo

Ta đốt binh thư ra ngủ ở chuồng heo
Sợ sự thông thái làm mình mê nghiệp bá
Rồi lỡ tay đi cướp ấn công hầu
Mùi cứt lợn lại chồng lên lịch sử

Chẳng thà một lòng quăng con truỷ thủ
Ngồi khạc thơ coi lũ cá hoá rồng
Kìa Nguyễn Công Trứ xưa còn rành tục ngữ:
“Cùng thì tắc biến, biến thì thông”.

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CUỘI


Trong những người khuyến khích tôi làm thơ “thời sự” để lưu lại cho đời sau ngoài các bậc tiền bối như Trang Thế Hy, Sơn Nam, Kiên Giang, Phạm Thiên Thư, Cung Tích Biền… còn có những chính khách “VIP” như Trần Bạch Đằng, Huỳnh Bá Thành…

Năm 1981 khi rời khỏi bộ đội, tôi bắt đầu phát hiện những thằng “Cuội” trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá… Chúng tồn tại và phát triển bằng hệ thống vây cánh mới, vừa liên minh vừa sẵn sàng tiêu diệt lẫn nhau nhằm bảo vệ quyền lợi riêng. Chỉ tội nghiệp chú Cuội của Hằng Nga quá trong sáng trước bài thơ này:

CUỘI

Sáu năm ta mới rành chú Cuội
Chê gốc đa, Cuội ở văn phòng
Chê cuốc bộ, Cuội trèo xế hộp
Ở rừng về Cuội sợ đau chân

Cuội quên hết muối mè, cơm nắm
Thực đơn bảy món Cuội cười khà
Căng bụng Cuội hô hào nghị quyết
Kế hoạch nào cũng xạo bỏ cha

Ai cũng biết mặt trăng có Cuội
Nhưng Cuội mặt trăng khác địa cầu
Đứa nào Cuội “dạ dày dân tộc”
Đẻ con không lỗ đít về sau!

Một bài thơ khác cũng mang tựa đề một chữ, được tôi đọc trong bàn nhậu của một Mạnh Thường Quân bất đắc chí thách thức tôi làm bài thơ về đề tài CỨT. Với vị đại gia bất đắc dĩ đó, bàn tiệc ê hề sơn hào hải vị chỉ tương đương một đống phân. Tôi đã khạc như sau:

CỨT

Con gì ăn không ỉa
Cứt voi toàn bã mía
Cứt chim lắm cào cào
Cứt loài người ra sao?

Lấy giùm ta kính lúp
Phân tích văn minh cứt
Cứt nhiều nhờ ăn no
Cứt ít nhờ bo bo

Đói thì đầu gối bò
Bò mỗi thời mỗi khác
Bò làm sao ra cứt
Có cứt là có cơm

Thường ta rặn thấy rơm
Trong rơm thấy thóc sạn
Giận dạ dày khốn nạn
Không ị ra bánh mì

Cục cứt nhiều trọng lượng
Để dành cho vua quan
Riêng cứt ta lõng bõng
Phải thuộc về nhân dân!

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [41] [42] [43] [44] [45] [46] [47] ... ›Trang sau »Trang cuối