Trang trong tổng số 4 trang (32 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đan Hạ

HƯƠNG NÚI



      Ai một lần đặt bước chân đến quê tôi, hẳn sẽ rất khó quên những loại hoa miền rừng. Đối với tôi, những người phụ nữ quê mình cũng lặng lẽ tỏa hương như loài hoa vươn thẳng mình trên đá, thanh khiết và giản dị. Nếu tôi được tham dự một cuộc thi cắm hoa, tôi biết chắc mình sẽ chọn chủ đề “tôn vinh người phụ nữ miền núi”. Phía trên của lẵng hoa là cành địa lan khỏe khoắn với chùm hoa màu vàng nâu của đất tượng trưng cho những người mẹ núi. Quê tôi - xứ sương mù trắng xóa. Sương giăng giăng phủ che những vách đá tai mèo, sương lạnh rợn từng hạt đất, từng lá cỏ. Xứ ấy, những người đàn bà dân tộc Hmông như mẹ tôi bấm mười đầu ngón chân xuống đá sỏi, gieo cho cây ngô lớn, gieo cho hạt lúa nảy mầm xanh. Quanh năm người phụ nữ quê tôi tần tảo, lam lũ, thương chồng, nuôi con, chẳng nghĩ đến thân mình, chẳng quản gì mưa nắng. Quê tôi, hoa không trồng theo hàng, theo lối, hoa chỉ dung dị mọc trên đá như hoa ban, hoa cải. Nhớ đến mẹ, bỗng chạnh lòng, ngậm ngùi, tôi muốn chạy bổ về, ra ngoài rẫy, hái một mớ rau dền, nấu nồi cơm gạo đỏ, chờ mẹ đi nương về ăn. Hoặc hái một bông hoa chuối đỏ tươi tặng mẹ - vẻ đẹp, niềm vui nơi núi rừng chỉ có vậy, giản đơn, chất phác biết bao.

       
              Ai đó từng nói: cánh tay đưa nôi của mẹ là cánh tay thống trị toàn thế giới. Không chỉ là một nửa của toàn cầu, người phụ nữ còn luôn quan trọng trong cuộc sống mỗi chúng ta. Cho nên cạnh những cành địa lan chân chất, tôi muốn uốn một vòng dương xỉ xanh ngời gợi nhớ về hình ảnh đôi tay mẹ. Đôi tay xoa đầu tôi, bú mớm. Đôi tay chốc chốc ngừng cuốc nương để chạy ra xoa xoa hai má bầu bĩnh của đứa con thơ ngủ bên góc ruộng. Đôi tay gạt nước mắt để tôi đi xa, đôi tay chắn cho tôi khỏi ngã. Đôi tay ấy giờ chai sần lắm, in rõ những mệt mỏi tháng ngày, những cực nhọc hôm sớm. Phần gốc của lẵng hoa là những bông hoa ban trắng phớt hồng nổi bật giữa màu xanh cây lá. Vòm hoa này tượng trưng cho những người phụ nữ miền rừng núi, luôn ngát hương và khoe sắc dù cuộc sống còn nhiều gian khó. Cũng như người phụ nữ, ngắm hoa ban mang đến cho người ta cảm giác thư thái, an bình và yêu người, yêu cuộc đời hơn. Từ thời kỳ kháng chiến gian khổ đến thời kỳ xây dựng tỉnh mới, những người phụ nữ vùng cao luôn âm thầm lặng lẽ cống hiến. Như mẹ đất thầm lặng chắt chiu cho những mùa quả ngọt, người phụ nữ luôn đứng đằng sau tạo dựng cuộc sống bằng tất cả tâm sức của mình. Trong thời kỳ hiện đại, khi bình đẳng được đề cao, người phụ nữ miền rừng không ngừng học hỏi để vươn lên, năng nổ trong công tác và chung tay xây dựng tỉnh mới ngày càng giàu đẹp. Nhiều vị trí đầu ngành do phụ nữ nắm giữ đều thể hiện sự cố gắng hết mình của họ và giành được nhiều thành tích đáng nể. Lẵng hoa tôi cắm trong tâm tưởng mình chính là lời tri ân sâu sắc đến các bà, các mẹ, những bông hoa miền núi âm thầm ngát hương giữa lồng lộng núi rừng Tây Bắc…
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

Đan Hạ xin lỗi BĐH và bạn đọc vì sơ xuất pot nhầm 2 lần bài HƯƠNG NÚI.
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

NGÀY XUÂN UỐNG RƯỢU TÁO MÈO





              Ngày xuân trên rẻo cao, bà con trong các bản Mông thường mời khách quý chén rượu kỳ công cất, ủ từ lâu. Chén rượu thơm men nồng của ngô, lịm mùi lá rừng, lại ngòn ngọt, chan chát, tê tê nơi đầu lưỡi. Chén rượu uống đến đâu tỉnh cả người đến đó. Chén rượu lúc uống thì dễ, mà say thì lịm đi vì ngây ngất. Trong cơn chếnh choáng, ta chỉ thấp thoáng thấy tà váy xúng xính, rực rỡ của các cô gái đi lại giữa nhà.

               Hỏi ra thì biết đó là rượu táo mèo được làm từ chính bàn tay khéo léo của bà chủ nhà. Cây táo mèo dù được trồng trong vườn nhà hay mọc hoang trên các sườn đồi, dốc núi cũng đều tự hút chất từ đá sỏi, hấp thụ nắng gió, mưa ngàn mà vươn thẳng, xung quanh tua tủa gai nhọn, ngạo nghễ nở hoa, kết trái. Quả táo mèo mới ăn thì chua chát đấy, nhưng ngậm lâu lại có vị ngọt đọng mãi nên người vùng cao thường đùa trêu “quả chua chát là quả khổ trước sướng sau”. Người Mông truyền miệng câu chuyện về quả táo mèo, rằng: “Đi chợ phiên con trai thổi khèn đi theo váy mông con gái, cô gái ngúng nguẩy bỏ đi. Họ cùng vào hàng thắng cố, hớp chén rượu táo mèo, má cô gái ửng đỏ, đến lúc táo mèo ngấm, cô đắm đuối nhìn chàng trai, tình yêu đến từ cái say rượu táo mèo, say ánh mắt si tình của chàng trai Mông. Rượu táo mèo là mối giao hẹn, để đôi lứa suốt đời say nhau, để vợ chồng cùng nhau chia sẻ những đắng cay, ngọt ngào trong cuộc sống như vị rượu ấy…”.


              Khoảng tháng chín, tháng mười, từ chợ phiên Sìn Hồ đến chợ Dào San, San Thàng đã thấy cơ man là táo mèo. Quả táo mèo còn màu xanh nhàn nhạt, quả táo mèo có pha vị vàng hườm của nắng, quả chớm màu đỏ ánh hoàng hôn rớt sau dãy núi Phăng Xô Lin. Táo mèo đựng trong lu cở, táo mèo chất đầy bao tải hoặc đổ đống; táo mèo lúc lỉu đầy cành; táo mèo nặng trĩu cả cây… mời mọc người đến hái.

              Cả cân táo mèo ấy, đem về rửa sạch, bổ khía rồi bỏ cả vào chum, vại sạch. Muốn ngon, rượu để ngâm táo mèo phải là rượu ngô chính hãng. Rượu ngô Lai Châu ngon phải kể đến những vùng: Sùng Phài, Xà Dề Phìn. Ngô hạt vàng, chắc mẩy được ươm từ cái nắng, cái gió, và chất đất vùng cao. Ngô phơi nắng, nấu rượu, người Mông mời bạn bè đến uống quanh năm. Men lá được làm rất kỳ công, có khi phải mất đến một tuần với cách làm gia truyền chỉ chủ nhà mới biết. Rượu men lá ấy uống tuy say nhưng không hại dạ dày bởi hương vị thiên nhiên đã ngấm đều trong từng giọt rượu nguyên chất. Ông chủ nhà dân tộc Mông mang chum rượu quý đã chôn từ mấy năm trước ra sân, xòe bật lửa đánh tách, thấy trên bề mặt chén rượu nhảy nhót màu lửa xanh chứng tỏ rượu đã nồng, đã ngon lắm! Rượu này đổ vào chum táo mèo rồi bịt miệng chum lại. Dù là tết năm nay hay tết năm sau mang ra mời khách thì riêng rượu cũng đã là món “đặc sản” quý trong mâm cỗ rồi! Rượu táo mèo không chỉ là loại rượu dành cho các chú, các anh, kết hợp rượu với quả táo mèo, phụ nữ Mông uống thường xuyên với liều lượng nhất định sẽ có làn da mịn màng, hồng hào, rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, quả táo mèo (còn gọi là quả sơn tra) là một vị thuốc trong đông y, tốt cho đường tiêu hóa, giúp hạ huyết áp, giảm cholesterol, bảo vệ gan, chống ung thư…


               Ngày tết, người Mông thuờng treo thịt ba chỉ lên gác, mùi oi khói, vị ngầy ngậy của thịt mà xào với gừng, bên cạnh là bát canh rau cải hơi đắng và chén rượu táo mèo đã vàng lựng, thơm lừng, cay cay nồng nồng thì… trong cái lạnh se sắt của vùng sương mù, du khách không thể quên nổi mâm cơm mùa xuân mới lạ nơi rẻo cao này.
Rượu táo mèo được người dân dùng đón khách quý, là món quà gửi gắm tình thân để trao nhau ngày tết. Không chỉ mang trong mình dấu ấn văn hóa, đặc sắc vùng cao, rượu táo mèo còn là hương rừng, vị núi quấn quýt, vấn vương lòng người mỗi khi thưởng rượu hay lúc hoài nhớ về vùng quê Lai Châu yêu dấu.
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

NÚI RỪNG




             Ai đến Lai Châu quê tôi cũng đều ngỡ ngàng trước trùng trùng đồi núi. Núi tiếp đèo, đèo tiếp mây. Có cảm giác nơi này là “mường trời”. Những hôm trời lạnh sương mù bay là là mặt đất, hơi thở buốt giá.

              Quê tôi – xứ vùng cao. Những con đường rừng sỏi đá gồ ghề với dây rừng chằng chịt, những cây cổ thụ ngàn năm vững chãi toả bóng râm cho rừng. Sự gắn bó ấy cũng như lòng người xứ núi: bền bỉ, thuỷ chung, yờu mến nguồn cội như rễ cây bám chặt vào vách đá. Những giò lan đung đưa khoe sắc, những chú khỉ, sóc, chim tinh nghịch chuyền cành. Lòng rừng bao la chở che, ôm ấp, nuôi nấng vạn vật, muôn loài. Thoảng trong gió có tiếng nhạc êm đềm như lời ru, róc rách vui tai làm tôn thêm vẻ đẹp hoang sơ nơi rừng thẳm. Ấy là suối! Những dòng nước chảy theo ngách đá, luồn đường rừng thấm mệt, chỉ cần dừng lại, vốc nước vào đầy lòng bàn tay, mát ngọt vị rừng. Ai bảo bạn rừng núi không có vị? Ấy là cái vị thanh nhẹ, trong trẻo của những giọt sương sớm mai còn đọng trên lá, là hương của cây, của đất mà thiên nhiên ban tặng riêng nơi này.
        
               Người dân quê tôi thông thuộc đường rừng như lòng bàn tay với những đường chỉ tay rõ nét. Nhìn hướng mặt trời có thể biết được thời khắc nào của ngày; nhìn vết chân đi có thể biết con thú; nhìn cây có thể biết đường nào là đường mòn, đường nào cần mang con dao chặt phát ra để dọn đường đi về hướng bản làng; nhìn dây leo cuốn có thể biết dây nào chứa nước uống được khi thấm mệt, thấy khát, cây nào mang về nấu nồi canh ấm áp hương vị rừng; cây nào đun lên để tắm lỏ thuốc… Trong lòng rừng là muôn vàn bí mật chỉ những người gắn bó lâu năm mới biết rõ. Rừng là bạn, rừng ngân nga bài ca cuộc sống từ cấu trúc sinh hoạt của những đõ ong, từ tiếng hát ngọng nghịu của những chú chim non trong tổ. Con người đã có công khai phá thiên nhiên, để những nương sắn, đồi chè luôn ngắt xanh, những thửa ruộng bậc thang vàng óng uốn lượn tạc vào thiên nhiên bức tranh tuyệt đẹp; tiếng trẻ đọc bảng chữ cái trong ngôi trường mái đỏ gợi bao niềm tin tương lai... Tuy quê hương đã phát triển đến vậy, song tôi vẫn bồi hồi nỗi nhớ rừng khi nhìn ra ngoài hàng hiên nhà, những giỏ lan thầm lặng khoe sắc chứ không rờ rỡ sức sống như loài lan bám chặt trên cành cổ thụ cao vút; nhịp chân tôi vẫn như chộn rộn mỗi khi nhìn thấy con đường uốn lượn quanh sườn núi, cuồn cuộn chân mây trên truyền hình; trái tim tôi vẫn nhói xót mỗi khi nghe tin ở xã này, xã kia có những rừng cây bị cháy đen, bị lũ cuốn đến trốc gốc, bật cành… Lại thèm được quay trở về, được thấy lại những khu rừng nguyên sinh còn giữ được nét đẹp như từ thủa hồng hoang, nét hoang dã đặc trưng nơi miền cao nguyên gió núi. Để đắm say lòng du khách, mỗi khi họ có dịp đến nơi này buộc phải trầm trồ: “Ồ! Đẹp quá! Cảnh núi rừng Lai Châu”.
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

QUẢ TÁO MÈO  
 

(Truyện ngắn)


 


     Năm tuổi. Tôi mất đi tình thương yêu, vòng tay ấm của mẹ. Năm tuổi: Ngôn ngữ chưa bật lên ngôn từ tả về nỗi đau, tôi mới vẽ nỗi niềm bằng hình tiếng khóc ở mùa khát ấy.
- Oa, oa! Chẹp, chẹp! Oa, oa!

Âm thanh xoáy vào tôi, đôi mắt 5 tuổi ngơ ngác. Thằng cu Phù hai tuổi - em tôi cố bò, lao vào mẹ "ôi mẹ ôi!" Tiếng khóc đói sữa chưa dứt cơn, vì tiếng "Chẹp chẹp" phát từ miệng em tôi là tiếng bú mút trên một cái xác. Hai bầu vú mẹ tôi tím tái, linh hồn bà đã bay xa cách đây vài giờ đồng hồ. Một bàn chân thằng bé co lên, bàn chân kia vẫn gác lên bụng mẹ, cái chiếu rách dưới mẹ và thằng Phù như muốn rơi ra từng mảnh. Rách quá! Khát quá! Tôi sợ và tôi không dám khóc.

Đoàn người đưa mẹ tôi ra đồng, mộ đắp bằng từng viên đá. Cái thằng tôi năm tuổi chân đất không biết rằng từ đó cuộc sống của mình sẽ sa xuống địa ngục.

Năm tuổi rưỡi, bố tôi mang tôi đi ở đợ. Vùng quê ngút ngát màu hoa thuốc phiện và những gié lúa cằn cỗi lúc nào cũng cần có người cấy lật lên. Năm tuổi rưỡi, bàn tay cuốc đất, cái lưng địu trẻ, công xá mỗi ngày của tôi là vài chỉ thuốc phiện về để bố hút cắt cơn.

Tôi năm tuổi rưỡi, không biết nói câu cảm ơn ngọng nghịu. Chỉ nhớ nhà chị Mẩy, nhà cô Lưu không đánh mình, lại cho ăn mỗi bữa một phần cơm to bằng quả trứng vịt. Nhà bà Sếnh cuối bản làm tôi sợ và ghét (đó là những cảm xúc mà mãi đến sau này tôi mới diễn tả được thành lời).

Mùa thu - quê tôi lạnh, không man mác gió mà buốt giá đến từng lỗ chân lông. Mùa đông thì khỏi nói, đó là mùa nước đóng băng dày trên các thửa ruộng và sương muối trải thảm lên cây lá. Cũng một buổi chiều thu gió táp rụt cả những mảnh vá trên vai, tôi - lúc ấy đã sỏu tuổi địu thằng em nhỏ con bà chủ mới lờn hai mà béo như con lợn. Tôi xốc nó, chạy liêu xiêu lên đồi hoang. Lưng tôi oằn vì mỏi nhưng hai hạt sao ở tròng mắt lại nhấp nháy sáng. Lũ trẻ con trong bản đang túm tụm chơi đánh cù. Con cù xoay tít, cái dây trên tay thằng chủ trò bỗng như có phép lạ "Vù, vù! Bốp". Con cù quay chính bị đánh bật ra, còn con cù vừa buông sợi dây thì xoay tròn như thằng trai Mông say gái múa khèn tít mù, ngả nghiêng bên chảo thắng cố. Tôi thú quá! Nhẩy cẫng lên, quên mất trên lưng còn ục ịch lợn con! "Bụp" - tôi vấp ngã trên tảng đá to gần đó, thằng bé đang ngủ ngon giật mình khóc ré lên làm tôi phát hoảng. Bàn tay tôi vội xoa lên mặt - vấy máu, chưa kịp hoảng hồn thì con lợn mẹ đã sồ sề chạy tới, chửi bới lu loa "Bốp"! Bàn tay to đùng còn in thêm vết trên gương mặt nhớp nháp máu của tôi. Cái đau thân xác làm tôi xót, nghĩ mình bị ngã không ai thương, còn xót hơn. Tôi còn bé quá, chưa đủ thông minh để hiểu và chưa cú nhiều suy nghĩ nhiều, nhưng bị đau nhiều, tôi đâm ra chai lì vì những mùa đắng đót lặng lẽ đi qua mà không ai nhìn đến mình. Con thú trong tôi tự liếm láp vết thương, tự đau, tự mưng mủ, vỡ nát và chai sần lại.

Bảy tuổi và lì lợm, tôi là đá trên cao nguyên, là cây trên đại ngàn. Tôi không yêu em Phù không phải vì nó được cưng chiều trong căn nhà trình trường ấm áp. Tôi không yêu nó vì sau ngày mẹ mất, tôi không còn được chơi, được gần nó nữa. Mẹ kế ôm nó tối ngày, bố tôi ôm bàn đèn, còn cái thân tôi - tôi ôm con trâu của gia đình mình đi làm công ở đợ, ngủ cùng chuồng với nó. Cái thằng tôi là con trâu lạc loài mất mẹ. Tôi là con trâu mất đi tiếng khóc quen thuộc của con người. Sẽ không có gì để nhớ, đáng nhớ ở mùa đông thứ tám tôi được sinh ra nếu không có buổi hôm đó…

Mảnh nương tôi được nhà chủ giao phải lật lên để trồng đỗ răng ngựa vụ mới đã cuốc xong. Hai bàn tay bé nhỏ mỏi nhừ, vết chai phỏng rộp, đỏ ửng chứ không còn tướp máu như ngày đầu mới tập làm. Tôi thở dốc. Đầu núi có tiếng gọi, thằng Sơn - bạn chăn trâu ở bản hốt hoảng:
- Pao ơi, Pao, về thôi! Bố mày chết rồi!

Ô! Bố tôi chết ư? Bố tôi chết - tôi chẳng biết mình nên vui hay buồn? Ông bố bốn mùa nằm trong vách gỗ rít tẩu thuốc phiện bên mớ chăn rách rưới, nhàu nát đã không còn? Hay kẻ mang cái xác tôi, vắt kiệt sức lao động của một đứa trẻ từ lúc năm tuổi rưỡi đến đổi lấy vài chỉ thuốc phiện đã chết?

"Ông ta chết rồi!".
Tôi lầm bầm nhắc lại, lòng chẳng nghĩ gì cả. Đúng thế! Không thể vui vì tôi mang họ của ông, cũng không thể buồn vì ông ta chết đi, nghĩa là tôi không phải làm trâu nữa.

Bước chân tôi về đến đầu sàn, mẹ kế mải sụt sịt than khóc nên quên chú ý đến tôi. Cô Hoa kéo tôi ra, cái kéo tay quá đà làm ống tay áo của tôi rách xoạc. "Mặc kệ" - bụng tôi réo lên "ọc, ọc" vì từ hôm qua đến hôm nay làm quần quật mà mới ăn một nắm cơm độn ngô bé bằng quả trứng gà. Thoáng chau mày khi nghe âm thanh ấy, chừng hiểu ra, cô xót xa:
- Sao khổ thế hả con? Vào đây, cô xới cơm cho mà ăn.

Run run nhận bát cơm có miếng thịt lợn ở trên, các giác quan trong tôi chợt thức. Không phải vì đã quá lâu không được nhìn thấy cơm trắng và ngửi thấy mùi thịt, mà vì bàn tay ân cần của người đàn bà hàng xóm gợi nhớ lại bàn tay của mẹ xưa thường vỗ về tôi.

- Đấy! Các ông, bà, chú, bác nhìn đi. Bố nó chết mà nó có biết thương, biết xót gì đâu, chỉ cắm mặt cắm đầu ăn như con chó, con lợn.
Mọi cảm xúc trong tôi tê điếng, chết lặng trong tiếng chửi chát chúa, cay nghiệt vút lên từ đôi môi thâm sì của dì ghẻ. Lẽ ra tôi phải đặt bát xuống và bỏ đi, nhưng bản tính ngỗ ngược trỗi đậy trong thằng tôi ương bướng, giục tôi cầm bát lên, và lấy và để trong ánh mắt hung hãn của bà ta. Tôi cười thầm vì nghĩ mình dã làm cho bà ta tức điên. Giá tôi được nghe mẹ kể về mụ phù thủy ác độc trong cổ tích, để tôi có thể ví với bà ta. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ bà ta giống con ma cà rồng xuất hiện trong những câu chuyện kể mà lũ bạn chăn trâu thường dọa nạt nhau.

ố chết. Chiều. Tôi lang thang trên quả đồi sau nhà. Không còn đi làm thuê cho nhà nào nữa, giờ tôi mới tin là bố đã chết. Rồi tôi thấy lố nhố những người mặc áo đen dưới con đường dốc, tiếng thằng Sơn đã sát bên tai.
- Pao, Pao, mày không biết gì à? Dì ghẻ mày đang đưa người Thái ở vùng thấp về, bà ấy định bán mày làm con trâu, con ngựa cho họ đấy! Trốn đi.

Tôi trợn mắt nhìn nó, không hiểu. Rồi tôi chợt hiểu ra. Quá sợ rồi những ngày bố mang tôi đổi lấy thuốc phiện. Tôi cắm mặt chạy. Không ngẩng lên. Không dám suy nghĩ. Một, rồi hai ngọn đồi. Tôi phải chạy thật xa bản thôi! Trí óc non nớt bảo vậy, đôi chân cuống cuồng. Tôi cứ chạy, chạy mãi.

Tôi choàng tỉnh dưới một gốc táo mèo quả còn xanh lét. Tôi đói, mắt hoa lên, chân mỏi rã rời. Tôi trèo thoăn thoắt mặc cho gai táo mèo cào thịt da xước xác - với tôi thế đã thấm gì?  Quả táo mèo chua chát đượm vị nơi đầu lưỡi, nuốt xong rồi để lại dư vị ngòn ngọt khó quên.
Đằng xa, một người đàn ông và hai cậu bé đi tới bác trai hỏi thăm tôi, cũn lũ trẻ thỡ nhìn tôi ngơ ngác. Tôi không biết tiếng phổ thụng nên chỉ ú ớ ra hiệu kể với bác vì sao tôi ở đây và nghe được bập bõm những điều bác nói. Bác rủ tôi cùng về huyện vì xưởng mộc bác đang làm cần một đứa trẻ phụ việc, hai đứa trẻ đi theo bác là em Hùng và Mạnh ở nhà không có bàn tay chăm sóc của bác gái. Tôi chậc lưỡi, giờ tôi còn biết nơi nào để đi? Tôi không có nhà và trực giác của tôi thằng nhóc vô học tám tuổi thúc giục, mách bảo tôi nên đi theo bác. "Bố Minh" đó là tiếng Việt đầu tiên bác dạy tôi. Bác lắc đầu nhìn bộ quần áo nhuộm chàm vá đụp đầy rận với ghẻ và đôi chân bốn mùa cắm xuống đồng ruộng của tôi. Hôm sau, bác ra hàng bách hóa mua về một cái áo trắng, quần đen và một đôi dép cao su rồi bắt tôi cắt tóc, tắm rửa, gội đầu. Tôi thay đồ mới xong đã thấy tiếng cuốc vang lên ở sau vườn. Bác đang đào một cái hố chôn bộ đồ rách rưới của tôi xuống đó. Tôi òa khóc khi bác lấp đất. Hình ảnh trở lại với tôi lúc đó là tiếng khóc của em tôi khi mẹ bị cuốn vào manh chiếu, thằng bé cố sức lăn vào đòi bú. Tôi khóc - vừa mừng, vừa tủi.  Cuộc - đời - không - tuổi - thơ của tôi đã chết rồi! Tôi hôm nay là Pao, con trai của bố Minh, anh trai của hai em Hùng và Mạnh, không cần đến cả lễ đổi tên bắt buộc của con trai dân tộc Dao khi tròn mười ba tuổi. Tôi tưởng mình mơ - tôi cười, tôi khóc. Nửa đêm, tôi không dám ngủ. Tôi giật mình thon thót, sợ rằng nếu thiếp đi, sáng dậy tất cả chỉ là mơ. Tôi gối đầu lên đôi dép cao su, rồi lại ôm lòng vì sợ nửa đêm có kẻ lẻn vào lấy đi mất…

*    *    *
     
           Cô gái mặc áo đỏ đi giữa mùa đông cao nguyên lách qua đám người chen lấn vào chợ phiên. Ngoài cổng chợ, chiếc xe láng cóng mở sẵn cửa chờ cô. Người đàn ông tóc muối tiêu khi nhìn thấy những quả táo mèo trong túi bóng trên tay cô gái, đôi mắt ẩn sau cặp kính râm phút chốc cay xè.
     
            Chiếc xe dừng bánh ở khu đồi đá. Ba ngôi mộ nằm chính giữa lô xô đồi to đồi nhỏ đá bạc màu với thời gian. Những ngôi mộ tạo hình bằng chi chít đá. Tuyệt nhiên không có tên tuổi, quê quán hoặc khung ảnh thờ. Bằng thái độ trang nghiêm như khi đến dự những Hội nghị lớn, người đàn ông sang trọng cúi đầu vái lạy và cắm những thẻ hương cô gái mới đốt vào từng kẽ đá. Cô gái không nhìn cha, trước mắt cô những vòng hương cong queo đang vẽ hình vu vơ trong không gian, uốn cong vút dấu hỏi lên nền trời mà cha gọi là Quê Hương.
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

THƯ GỬI THEO CÁNH ÉN
 


 


Mẹ kính yêu!

             Con viết bức thư này cho mẹ vào tháng mười hai… heo may tràn về trên những công trường tấp nập, cảnh vật ngả sang mùa. Bất chợt con nhận ra mùa xuân đã chạm khẽ trên lá non, bật lên những nụ chồi xanh biếc. Thấp thoáng cánh én đưa mùa về trên nền trời gió lộng. Thị xã chỗ con ở cũng đang cựa mình đổi mới, hừng hực sức xuân.


              Mùa về! Cũng vào thời gian này, khi trước mẹ thường ngồi bên cửa, soạn giáo án chuẩn bị cho tiết dạy văn hôm sau. Từng đàn chim én liệng chao trước cửa, mẹ lại hát bài hát có câu: “Con biết xuân này mẹ chờ tin con, khi thấy hoa đào nở đầy trên nương. Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ, mà tin con vẫn xa ngàn xa…”. Trí óc non nớt của cô bé mới mười ba tuổi khiến con không thể biết được trong mẹ lúc đó là trăm mối ưu tư. Hẳn mẹ đã nhớ bà, nhớ quên ngoại lắm! Cho đến bây giờ đây, khi chính con ở trong cảnh xa nhà mới biết những tâm tình ấy da diết đến thế nào…

              Mẹ kính yêu!

            Thời gian trôi nhanh quá, mẹ nhỉ? Thấm thoắt con đã xa mẹ được hai năm rồi! Nhớ lại ngày đầu khi nhận quyết định lên miền đất núi công tác, mọi người đều hết sức khuyên can. Chỉ có mẹ với ánh mắt tin tưởng đã hiểu được những suy nghĩ trong con. “Hãy đi đi con, đến nơi mọi người cần con nhất”. Câu nói nhẹ nhàng theo con vượt núi băng đèo đến với thị xã mới này. Tấm lòng chân chất của những con người miền núi, sự nhiệt tình của các bác, các chú thế hệ đi trước… đã níu chân con ở lại. Như chú ong miệt mài với những chuyến đi mong làm mật dâng đời, con đã cùng sống và làm việc trong không khí khẩn trương của ngày đầu xây dựng thị xã. Con biết mẹ đã cho con một lựa chọn đúng. Nơi đây chẳng khác nào quê hương thứ hai của con. Lai Châu có những đêm mưa lạnh, con nhớ nhà mình, nhớ mẹ “kinh khủng” (câu nói mà con thường nhắc trong điện thoại, mẹ lại trêu con rằng sao con gái mẹ lớn rồi còn ăn nói kỳ cục đến vậy!). Có những lần tỉnh dậy giữa đêm, thấy nước mắt ướt mặn một bên gối, con lại thấy mình ích kỷ quá! Bao nhiêu đồng nghiệp của con cũng theo tiếng gọi lên đường, dẹp đi những nỗi niềm riêng tư vì một khát vọng chính đáng của tuổi trẻ: khát vọng được hết lòng cống hiến vì lý tưởng. Bà con dân tộc nơi đây còn nghèo đói, có những cảnh đời khi con được biết đã không cầm nổi xúc động. Vậy mà không nề hà gian khó, họ vẫn vươn lên như những búp măng rừng sau cơn mưa lại nhú. Thị xã mới bụi bặm với những công trình đêm ngày tấp nập. Dường như ai cũng đang cố gắng hòa chung vào guồng máy dựng xây. Con tự hào biết mấy vì đứa con gái được yêu chiều trong lòng mẹ đã có thể góp mình trong nhịp điệu khẩn trương ấy. Tiếng khèn, tiếng sáo âm vang khắp đồi chè, núi rừng bừng nở hoa ban trong mùa xuân mới – loài hoa mà trước đây con chỉ được biết qua sách vở, đài báo, tivi… ngày 20/11, chàng trai người Mông cùng cơ quan mang những đóa ban rừng đến tận khu chung cư tặng. Con xúc động bởi cảm giác tấm lòng chàng trai người miền núi ấy cũng thật như nhịp đập trái tim con. Càng thêm yêu đất, yêu người nơi đây.

Mẹ kính yêu!

              Làng hoa Ngọc Hà mùa này chắc rực rỡ lắm, năm nay mẹ có đi chợ tết như năm nào con và mẹ bên nhau? Nhà mình nấu nồi bánh chưng to, hai má con ửng đỏ, cười khúc khích nghe mẹ kể chuyện ngày xưa của cha và mẹ. Câu chuyện đã bao lần con ví như “chuyện cổ tích”. Mẹ có còn ngồi trầm ngâm bên khung cửa nhớ đến bà ngoại ở xa lắc miền Trung? Đất nước mình mang hình chữ S. Con người Việt Nam mình dù ở nơi nào cũng xem như quê hương vì nơi đâu cũng cần có những bàn tay chung sức xây dựng, mẹ nhỉ? Nói đến câu này con lại muốn sà vào lòng mẹ như hồi còn học ở gần nhà, để được nghe giọng trách yêu của mẹ: “Cha bố cô, chỉ được cái giỏi nịnh mẹ là không ai bằng”. Ôi chao, con nhớ… Mỗi mùa xuân qua đi mẹ lại thêm một tuổi, mái tóc điểm bạc. Con như cánh én liệng chao đến tận phương xa song trong tim luôn ghi khắc hình bóng mẹ. “Con biết xuân này mẹ chờ tin con, nhưng nếu con về bạn bè trông mong. Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ, mẹ ơi con xuân này vắng nhà”. Câu hát theo chân con qua các đồi chè bát ngát, các công trình tấp nập... Năm nay con không về… song con biết mẹ sẽ ủng hộ những việc con làm, một cánh én không đủ làm nên mùa xuân, song nếu én về nhiều sẽ góp thêm xuân trên miền quê đổi mới.

Mẹ kính yêu!

               Khi con viết đến những dòng này thì ánh điện đã chan hòa khắp thị xã. Sự chuyển mình huyền diệu khiến mọi người đều tin tưởng rằng ngày mai vùng đất núi sẽ bừng sáng, sánh ngang tầm với những nơi khác, nhân dân vùng cao sớm an cư, lạc nghiệp. Một mùa chim én liệng nào đó… mẹ sẽ cùng con đón xuân nơi dải đất biên cương của Tổ quốc này, mẹ nhé!

Con của mẹ!
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@Gửi Đan Hạ: Những mẩu truyện ngắn của bạn về miền núi Lai Châu thật thuần phát, dễ thương. =D>

Theo NT, để người đọc tăng thêm hứng thú đọc, theo dõi các truyện bạn viết, bạn nên tạo khoảng trống giữa các đoạn văn bằng cách đặt trỏ chuột ở mỗi chỗ sang hàng và bấm enter. Bạn cũng có thể dùng taskbar để đẩy chữ đứng đầu ở mỗi đoạn thụt vào trong. Như thế bài post chắc sẽ đỡ dày đặc hơn, thoáng hơn và tất nhiên dễ bắt mắt hơn.

Bạn cũng có thể tô đậm chữ bằng thẻ b - /b đứng ở đầu và cuối bài post, hoặc thẻ color=green - /color hay color=blue - /color ở đầu và cuối bài post (nhớ đóng tất cả các thẻ vào trong dấu ngoặc ([) nhé. Bài của bạn chắc chắn sẽ sinh động hơn đấy! NT sẽ thử sửa giúp một số bài trên đây của bạn, muốn lấy thẻ tương tự như vậy để dùng, bạn chỉ cần bấm vào chữ trích dẫn, xem và làm theo như thế thôi là ok. Chúc vui! NT
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Nguyệt Thu đã viết:
Bạn cũng có thể dùng taskbar để đẩy chữ đứng đầu ở mỗi đoạn thụt vào trong.

NT
TK cũng rất muốn làm đầu dòng thụt vào nhưng chưa biết taskbar là cái gì và làm cụ thể ra sao.

Xin NT chỉ giùm! Thanks!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Hihi... NT cũng không chắc cái chỗ để gõ dấu cách của máy tính có phải là thanh taskbar không nữa... Nhớ mại mại vậy, hy vọng là không trật!:D

           Bạn chỉ việc đặt trỏ chuột vào cái dòng muốn nó thụt vào, gõ vào thanh tạo dấu cách mấy cái là xong ngay ấy mà! Trừ dòng đầu tiên của bài chẳng thể thụt vào, tất cả các đoạn còn lại đều có thể. Bạn thử đi sẽ thấy! :)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Cảm ơn NT, đã được rồi. TK cũng dùng thanh dấu cách nhưng lại thử với... mỗi dòng đầu tiên nên chẳng được. Hic, sao dòng đầu tiên lại khác thế chứ?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (32 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối