Trang trong tổng số 4 trang (32 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đan Hạ

Cho tôi một vé đi tuổi thơ
Để lao vào lòng mẹ thảo nguyên mênh mang sinh ra tôi, nơi đoạn sông gầy nhom cong ngoằn như dấu ngã (~) quanh năm phủ sóng bờ tre. Chiều thả trâu về, những sợi khói bếp mỏng manh vươn lên, loãng ra, rách nát theo gió, làng xóm thanh thản trong nghèo khó. Tuổi thơ đã qua rồi hệt như nước dòng sông lặng lờ trôi không một lần quay trở lại.
Đêm thảo nguyên đẹp và biến ảo lạ thường như lửa cháy trong bếp củi của mẹ, lửa gợi người ta suy tư, cũng có thể chính củi cháy thành tro gợi người ta suy tư, chả biết...
Lần đầu ra biển tôi choáng ngộp giữa mênh mông. Lớn lên tôi so sánh mênh mông này với mông mênh khác, đối diện biển, trời rộng hơn nhiều. Cuộc đời lăn qua nhiều con dốc, gom mênh mông trời biển mới thấy biển trời còn bé hơn mênh mông lòng mẹ.
Ở thảo nguyên, bà mẹ nào cũng dặn dò con gái lên tám: cấm không được rửa bát đĩa lúc trời xẩm tối, khi oan hồn đói khát đi nhiều, nghe tiếng bát đĩa va chạm, ngỡ có ăn uống họ đổ xô đến chờ chực thì tội nghiệp. Lời dặn mẹ đau đáu kiếp người...

Cho tôi một vé đi tuổi thơ
Để nhìn trăng xuyên từ đám mây này sang đám mây khác. Không gian mênh mông, im lặng bát ngát. Ngắm trăng. Mình nhớ mình. Ngắm trăng. Mình quên mình. Nghe buồn hai con mắt, tôi ôm thảo nguyên quê hương cả trong những giấc mơ.
Giấc mơ. Chuyện kể rằng:
Hai vợ chồng nghèo xơ xác có đứa con trai lên tám kháu khỉnh. Đêm. Cả ba say ngủ trên chiếc giường ọp ẹp, chợt có tiếng chân người chạy giỡn trên mái nhà xiêu vẹo, chị vợ rón rén ra sân xem, thấy ông tiên sáng rực đang chơi trò thả diều trên nóc nhà. Thấy bị lộ, ông bay mất và nguyền rằng nếu tay chị vợ chạm vật gì đầu tiên vật ấy sẽ biến thành vàng. Chị ta hoảng hồn không tin vào mắt mình, chạy vào giường vồ lấy đứa con trai. Qua cơn hoảng loạn, chị nghe tay mình có cảm giác cứng ngắc, lạnh lẽo của kim loại. Căn nhà tối tăm lấp lánh ánh vàng từ người cậu bé. Từ đó họ hết nghèo vì ngày ngày hai vợ chồng tìm xẻo những chỗ không làm chết được con mình: xẻo tai, nhổ móng tay, chân, vặt tóc, lạn môi, xắt lưỡi. Than ôi, lòng tham con người là vô đáy, họ muốn tuyệt đỉnh giàu sang nên bán xác thằng bé. Nhưng thằng bé không chết, cuối cùng nó còn lại một trái tim người, khi họ tách cái xác vàng ra, trái tim nằm đó nhầy nhụa máu me, tươi rói, đập thoi thóp
họ không biết phải làm sao với trái tim ấy?
phải làm sao?
làm sao?
sao?
trên thế gian xuất hiện hai kẻ tâm thần cứ mang một trái tim máu me đi khắp nơi và hỏi phải làm sao?
Không gian im lặng. Xung quanh im lặng như những người nghe câu chuyện này bị buộc phải im lặng.
Những câu chuyện thảo nguyên kể thâu đêm suốt sáng, dưới ánh lửa bập bùng, trong tấm chăn da cừu ấm sực, trên cánh đồng mùa vụ... tiếp nối ngày đêm không hết. Chuyện không viết bằng chữ mà kể bằng miệng, in vào tim óc, người thảo nguyên dặn mình sống cho hợp lẽ đời, làm điều thiện, gặt điều hay, tốt, tránh điều dữ, xấu

Cho tôi một vé đi tuổi thơ
Chợt nhận ra giấc mơ nào cũng phù phiếm. Mơ mãi đâu khi hộ chiếu xin một vé đi thăm giấc mơ của mình cũng hết thời hạn rồi. Lòng muốn ngụp lặn trong những chuyện kể thâu đêm, nướng xiên thịt lợn rừng mềm sượt giữa bao la đồng cỏ. Lại nhắn nhau: nếu số phận chỉ cho ta một quả chanh, hãy lấy tấm lòng thành mà làm đường, gắng pha cho đời cốc nước chanh tuyệt diệu.
Thế đấy, niềm vui đời nào có gì lớn, giản dị như một chum nắng, chói gắt nhưng dễ nhìn, hãy lội ngược dòng tìm vé đi tuổi thơ, tận hưởng nỗi khỏe khoắn của lạc thú điền viên. Huýt sáo một bài nhạc có nhịp điệu Fox nhanh, hay lắng tai nghe tiếng sáo chật ắp không gian...

Cho tôi một vé đi tuổi thơ


Đan Hạ
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

Cho tôi một vé đi tuổi thơ.
Để tôi nhớ nơi sinh ra mình, thảo nguyên oằn vệt cỏ. Để tôi không quên ánh mắt đau đáu của mẹ mỗi chuyến tôi rời xa thảo nguyên. Phi ngựa vượt qua những sườn đồi, những lưng núi. Để tôi quên nơi này cỏ đã lại xanh rờn, đã lại nâu xám. Bốn mùa nơi tôi đến không có gì khác nhau. Bốn mùa thảo nguyên tôi, cây bao mùa thay lá. Giấc mơ nào của tôi cũng ám ảnh những cuộn sương mù trắng, dâng cao, dâng cao, phút chốc dày đặc cả khoảng không, rồi chẳng còn nhìn thấy bất kỳ đường nét và màu sắc cỏ cây, hoa lá. Sương trắng cao ngất giữa thinh không, những đám mây trắng thanh sạch đứng im, những bông lau trắng ngả rũ rượi. Tôi ngoảnh lại, nhoài tay với. Vé tuổi thơ trôi lửng lơ giữa trời, đẹp xa vời như một ngày bình minh lạnh.

Cho tôi một vé đi tuổi thơ.
Tôi thấy cả một bầu trời rất rộng, rất trong. Đáy mắt tôi in long lanh hình tương lai vẽ vội. Để tôi thấy tuổi hồng hoa là đáng trọng, những trang lưu bút bè bạn là đáng nhớ và đáng lưu. Mai này, tôi nhìn lại, dòng nhật ký của riêng tôi chỉ toàn là những ích kỷ xúc cảm riêng mình, đâu có vòng tay xưa ấp ôm bè bạn. Để tôi nhớ mong toàn những thứ không thuộc về mình, đâu nhìn thấy những gì đã luôn là của mình mà mình đâu có nhìn đến. Thảo nguyên - nhà tôi đấy! Chon von non cao. Tôi khơi khơi ngọn lá, nhành cỏ cũng được một vác thơ mang về nhà. Tôi còn rong ruổi, phiêu linh trên ngựa đến khi nào?

Cho tôi một vé đi tuổi thơ.
Để đếm những vạch khắc trên thân gỗ lâu năm. Để hoài mong những kỷ niệm mẹ cha chất chồng. Để đếm tuổi thảo nguyên nuôi nấng tôi từ khi mới là hình hài đến khi đã tung cánh bay xa. Để chất ngất nhớ mong dốc thành suối nguồn ạt ào kéo đến với tôi trong suốt ngày cuối tuần. Tôi đã biết, tên nơi ấy, nơi vẫy gọi tôi, có tên là "tôi yêu nó đến thế!". Chỉ nơi ấy mới đọc được những khát khao, những hồi ức, những giản dị tâm hồn tôi. Bình yên mà tôi biết.

Cho tôi một vé đi tuổi thơ.
Tôi không đòi chiếc vé đó nữa. Vì tôi biết tuổi thơ cũng như năm tháng. Đã đi hà tất phải trở lại? Đến thì đến, đi thì đi. Chỉ biết, phút chốc tôi có thể có vé về thảo nguyên, nếu thực sự tôi muốn thế. Đời tôi gắn chặt với thảo nguyên, nếu nguyện ước của tôi là như thế. Ngựa ơi, dừng bước chân nhè nhẹ, đế đi về nơi có lá vẫy, để hướng tới mặt trời, dù hoàng hôn khuất bóng, tôi vẫn mong, mai này, mọi người nhắc đến tôi "người của thảo nguyên".


/Mẹ ơi! con đã về/
Đan Đan
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

Xưa xửa xừa xưa, người Thảo Nguyên nhắc nhở nhau qua nhiều thế hệ:

đừng khom lưng khi đi bên cạnh người gù

Trong đời, ai cũng mong hoàn hảo. Đời không như mơ. Lòng người mang nặng nhiều mơ ước.

Nên có người tàn tật, có trẻ em chất độc màu da cam, có người xấu xí, đần độn. Các bậc sinh thành không muốn, bản thân người đó cũng không muốn, cao xanh ác nghiệt
Hãy nhìn họ cảm thông thay vì giễu cợt và có hành vi, lời nói độc địa
Đan Đan đã cãi lộn
đã điên tiết
thậm chí đập bàn

Đan có một người bạn kém cỏi về nhan sắc. Một cô gái xấu xí, với bản thân họ đã là một nỗi đau, gì mà phải xì xào như mấy mẹ hàng chợ. Cô ấy đã vươn mình mà sống chẳng xấu hổ vì môi, răng, mắt, tóc, da mình không chút đẹp, cô ấy cũng không rảnh để chú tâm đi thẩm mỹ này nọ mà trau dồi cho vốn kiến thức, hành xử của mình đẹp lên

Cho đến khi những người xung quanh đồn khắp nơi rằng cô bạn Đan là một tuyệt thế giai nhân trong công ty, một chàng giàu có lãng tử gia đình một tay che cả bầu trời thành phố quỳ sụp dưới chân cô xin tổ chức lễ thành hôn đáng giá bạc tỷ.
Đan biết đó là lời đồn đại qua miệng thiên hạ, không đáng tin cậy.

Nhưng
khi cô ấy nói anh là người mồ côi
không có khoản thừa kế nào
là người bị bệnh trầm cảm
có phần (hâm đơ) như người đời thường nói


Đan thấy lạnh sống lưng,
cái lạnh rợn người
Con người ác miệng vậy sao
Có thể bày đặt thành chuyện vui đùa từ nỗi đau người khác
Có thể cười khi nước mắt rơi
(Nếu là chính mình thì sao)

Xin hãy nắm tay để dịu lại nỗi đau
Nhìn nhau bằng ánh trìu mến, cảm thông
Ai cũng muốn hoàn hảo
Đương nhiên không ai muốn tật nguyền, bất hạnh bao giờ
Ngẫm suy: kẻ bất hạnh nhất trên đời là kẻ có trái tim bất hạnh, tâm hồn khuyết tật, không có lòng yêu đồng loại.

Đừng khom lưng khi đi bên cạnh người gù
Ở thảo nguyên quê Đan, mẹ dạy con như thế!



4/7/2010
Đan Đan
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

Tôi muốn viết...

Tôi muốn viết... viết một bản tình ca, bài ca cất lên từ tiếng lòng sâu thẳm, khúc rạo rực cất lên từ tình yêu đối với thiên nhiên, với trần thế du dương trong điệu ly tao huyền diệu nơi thiên giới, mê say  như tiếng sáo thiên thai vang từ những cánh đồng quê đến nơi Cung Quảng...
Tôi muốn viết. Dù không phải là một nhạc sỹ.

Tôi muốn viết...viết một câu thơ! Câu thơ ngợi ca về cảnh vật, con người quê hương tôi. Bờ đê, mái rạ, đình làng, luỹ tre... thắm tươi hồn Việt. Này là những trang sử hào hùng âm vang sông núi; này là những chiến công hiển hách tạc lên dáng hình xứ sở- đất nước tôi. Đâu đây à ơi tiếng ru lòng mẹ...Mỗi câu thơ khắc chạm vào tâm trí, trái tim người đọc. Sống mãi với thời gian...
Tôi muốn viết. Dù không phải là một thi nhân.

Tôi muốn viết...viết bằng cây bút: một bức tranh có cánh cò lặn lội trên đồng ruộng mênh mông; dáng mẹ gầy trĩu nặng bờ vai sờn đi vì mưa nắng. Mây trên trời vẫn trắng, nước dưới sông vẫn trong, nụ hoa dại tim tím. Bức tranh vẽ lên vẻ đẹp chân thực nhất từ cuộc sống, từ lao đọng sản xuất của nhân dân tôi, dân tộc tôi; tôi gửi gắm trong từng đường nét, mầu sắc là trái tim, là tâm hồn tôi đã được chiếu rọi qua lăng kính ánh mắt đến với bao người. Từ việc chiêm ngưỡng, thấu hiểu những điều kỳ diệu ấy xuyên qua thời đại bức tranh trở nên vĩnh hằng như tác phẩm tuyệt vời nhất.
Tôi muốn viết. Viết bằng ngòi bút hội hoạ dù không phải là một hoạ sĩ.

Tôi muốn viết. Viết bằng ca từ thể hiện qua chuỗi âm thanh trong trẻo buổi sớm mai, khúc hát sẽ ngân lên những giai điệu ngọt ngào nhất. Qua những thăng âm, nốt nhạc trầm bổng, tôi truyền cho bạn phút giây nhẹ nhàng êm ái nghe như vị ngọt ngào của hương hoa. Âm nhạc kéo những tâm hồn đồng điệu sát lại gần nhau, vòng tay thân ái tình thương người gần gũi. Giọng ca ngân thánh thót- tiếng diệu kỳ chắt lọc từ sắc màu lung linh của cuộc sống.
Tôi muốn viết. Bằng chính tiếng hát của mình dù không phải là một ca sỹ.

Tôi muốn viết thật nhiều, thật nhiều những xốn xang, say mê nồng nhiệt...nhưng trang văn chở nắng cho cuộc đời, tiếng ca và cả câu thơ thầm lặng. Không còn nữa những sáo rỗng, nhạt nhẽo, vô vị. Thay vào đó là bút pháp mới mẻ, độc đáo, đầy chất sáng tạo, sức sống của thế hệ tương lai. Từ những trang giấy mở ra trái tim tôi, tâm hồn tôi, luôn khát khao giao cảm với mọi người.

Bạn hỡi! Tôi đâu phải là một văn nhân, song tại sao lại không nhỉ?
Những ước mơ có thể bay trên bầu trời nghệ thuật khi ta bạo dạn chắp
đôi cánh thiên thần, tung mình vào cao xanh vô tận để tìm thấy ánh sáng... thứ ánh sáng của bầu nhiệt huyết chảy tràn trong trái tim nóng bỏng.

Tôi muốn viết không chỉ trong phút giây ngắn ngủi, không dễ lụi tàn như ngọn nến lay lắt trong gió đông, không phải một nhã thú nhất thời thoảng qua như mây...
Và tôi sẽ viết...viết từ trong ngày hôm qua, buổi hôm nay và cả những sớm mai...Từ khi ánh dương lấp ló rạng đông đến lúc hoàng hôn khuất bóng...

Ước mơ của tôi đây bạn hỡi!
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

Măng núi

Măng củ ngon phải là loại dày cùi, nhỏ mà săn chắc, cầm lên thấy nặng trịch. Búp măng tròn trĩnh như 2 bàn tay mũm mĩm chụm vào nhau.

Sau những cơn mưa hè, các mẹ, các chị thường đeo lu cở vào rừng đào măng. Lẩn khuất dưới thân tre, trúc thẳng đứng là những mầm tre mập mạp mới bật nhú khỏi mặt đất. Từ những đọt măng non ấy với sự khéo léo có thể chế biến thành nhiều món ăn đậm đà hương vị vùng cao.

Măng củ non được bóc bớt lớp vỏ ngoài, lộ ra lớp măng trắng ngần bên trong. Sau đó phần giữa củ măng được cắt thành từng miếng vuông vức luộc trên bếp củi. Khi ăn, miếng măng có vị rôn rốt, ngòn ngọt và đậm đà hương vị núi rừng. Phần ngọn măng được xắt miếng dài, mỏng để ngâm trong vại, sành, sứ (muốn măng có vị chua thì ngâm muối, măng có vị ngọt thì lọc nước tro để ngâm cùng). Các loại măng này có thể để được vài tháng, khi ăn mang ra nấu canh cá, canh gà rất ngon. Phần gốc củ măng sần sật cũng được tận dụng thái miếng, ngâm nước ấm cho khỏi he rồi gạn sạch nước, bỏ muối, ớt, cà dại vào ủ chung sẽ được lọ măng chua thơm ngon. Mỗi bữa ăn chủ nhà mang ra ít măng ớt chấm thịt ba chỉ, rau luộc. Ai ăn thử cũng phải xuýt xoa vì vị hăng hăng, cay nồng hấp dẫn thật khó chối từ...

Măng củ ngọt có thể chế biến ra nhiều món ăn vùng cao.
Ngoài ra không thể không kể đến món măng xào với rau mùi tàu. Không chỉ sử dụng măng tươi, các gia đình còn bảo quản măng bằng cách bào mỏng măng củ rồi phơi khô cất đi để ăn dần.

Vừa chế biến măng, bà Đèo Thị Sớp  vừa tâm sự: “Món đặc sản ngon nhất từ măng ngọt mà tôi thường đãi khách là món nộm măng gà. Làm món ăn này khá cầu kỳ: gà, măng luộc chín, xắt thớ nhỏ rồi vắt thêm chanh, đường, lá húng, cà trộn đều, trước khi ăn trộn thêm lạc rang. Mỗi mùa măng, tôi thường thu mua khá nhiều và chế biến để cả gia đình cùng thưởng thức bởi đây là món ăn mang nét đặc trưng của dân tộc Thái quê mình”.

Bên cạnh măng ngọt, măng đắng là món ăn thường ngày của người miền núi, cũng là món đặc sản du khách hay hỏi các nhà hàng khi đến với Tây Bắc. Cách làm măng đắng khá đơn giản: bóc bớt lớp vỏ ngoài của măng sau đó đổ nước sâm sấp các cây măng và luộc chín tới, chấm với chẩm chéo. Món ăn từ măng đắng chỉ giản đơn vậy, nhưng thực khách sẽ nhớ mãi hương vị là lạ - quà của núi.

Nếu có dịp đến Tây Bắc, khi dừng chân nơi bản nhỏ, ngồi quây quần quanh bếp lửa nướng măng trên than hồng, du khách mới cảm nhận rõ vị đắng, ngọt từ măng.

Hiểu rằng măng tre, nứa, sậy… gắn bó với người vùng cao không chỉ vì chúng là vật liệu làm nhà cửa, chuồng trại sản xuất, mà còn chắt chiu hương đất tạo nên vị núi rừng...
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

QUÊ TÔI VÙNG TÂY BẮC
       Quê tôi vùng Tây Bắc. Nơi núi đèo tiếp giáp bầu trời bằng những cụm hoa mây trắng muốt. Vùng quê tôi đẹp không chỉ ở cảnh sắc thiên nhiên mà còn vì ấm áp hồn người, hồn núi. Quê tôi – thung lũng rộng dài, vòng tay thân ái, đoàn kết của anh em các dân tộc kết thành cái nôi lưu giữ bản sắc văn hóa đa dạng và phong phú. Cứ sau mỗi dịp tết là nô nức những ngày hội của bản mường: những ngày hội với dập dờn váy xòe từ những đường chỉ thêu tinh tế của những cô gái khéo léo miền rừng; với ngân xa tiếng hát đối, réo rắt khèn môi…
Ở nơi đó, trong từng hành động, từng lời người già nói, từng câu truyện cổ tích, từng chi tiết trong ngày đám ma, đám hỏi… của người vùng cao đều có ý nghĩa và chứa đựng nét đẹp văn hóa dân tộc. Thời hội nhập, chúng ta không khỏi lo lắng về việc phai nhạt vốn văn hóa và cần thiết phải bảo lưu, khuyến khích nhân dân gìn giữ, phát triển nét đẹp vốn có trong đời sống của mình. Tôi từng đọc ở đâu đó câu nói “một người già chết đi, chúng ta như đã chôn một thư viện quốc gia”. Quả thế! Ở quê tôi, những cụ ông, cụ bà móm mém, mắt hằn vệt chân chim tuy không biết tiếng phổ thông nhưng có thể kể chuyện cổ tích ròng rã qua một tuần không hết chuyện, có thể hát những làn điệu cũ của dân tộc mình bằng tất cả lòng mê say xuất phát từ tâm thức qua từng đêm dài bên bập bùng bếp lửa. Tiếc rằng, lớp trẻ như chúng tôi không còn mấy người học và biết tiếng dân tộc mình, để đi đến, để ghi chép lại, để lưu giữ những hạt ngọc từng lung linh trong đời sống tinh thần cha ông mình. Tìm về với bản sắc văn hóa dân gian, ấy là một hành trình dài, cần đến ý thức và sự góp công của những người thực sự yêu cội nguồn, gắn bó với vùng đất, con người xứ núi. Không đơn thuần chỉ là dựng lại những ngày hội, biểu diễn vài điệu múa, khua trống, thổi khèn đã là bảo lưu nền văn hóa.
        Nói đến văn hóa các dân tộc là nói đến những gì tinh túy nhất, nhân văn nhất, chất phác nhất trong tâm hồn người miền núi. Tôi cảm nhận được nét độc đáo ấy qua “then”: hiểu được quan niệm về thế giới khác, về hồn phách của đời sống tâm linh dân tộc Thái; về tục ăn cơm mới mà rất nhiều dân tộc đều có; hay đơn giản chỉ là bộ xà tích, chiếc khăn piêu trên đầu người thiếu nữ… Một tín hiệu đáng mừng là ngay trong thời kỳ hiện đại, vẫn còn những người hết lòng tìm về với bản sắc, dành phần lớn thời gian đời mình đến với dân chúng, tìm hiểu và ghi chép lại những nét độc đáo ấy, để chúng ta có thể biết được qua các trang sách báo, để những ngày hội văn hóa, những cuộc thi đàn tính tiếp tục nối dài. Thế hệ sau vẫn háo hức học câu hát đối, háo hức so dây đàn nhờ ông bà dạy, nghe truyện cổ nhớ đến nguồn cội của mình. Và như thế, nét đẹp văn hóa dân gian sẽ còn được bảo lưu, được trân trọng.
      Quê tôi vùng Tây Bắc, đến đầu dốc, thấy những hẻm núi uốn lượn như vệt đuôi rồng, xa xa vang tới lời hát giao duyên. Chợt thêm yêu quê mình, nơi màu xanh đại ngàn rải hút tầm mắt; nơi ngựa ô vẫn lục lạc khua vó gõ vào chiều; nơi thắng cố vẫn nghi ngút khói buổi chợ phiên; và là nơi bất cứ lần nào về, tôi cũng khẽ khàng gọi: quê hương ơi!
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

NHỚ VỊ BÁNH BÒ XƯA
Miếng bánh bò trong tâm thức tôi chứa cả một bầu trời tuổi thơ, một miền ký ức mãi mãi không mờ phai trong tâm trí.
Đã thành thói quen, mỗi khi đến bất cứ chợ phiên nào: dù là chợ phiên San Thàng, Sìn Hồ hay Dào San, sau khi ngắm nghía chán chê các sản vật núi rừng, tôi thường ghé vào góc chợ, mua miếng bánh bò bằng vài nghìn bạc lẻ. Chiếc bánh xốp xốp, vuông vắn được chị bán hàng dân tộc Dao hoặc dân tộc Hoa cắt gọn ghẽ đưa cho tôi. Cầm chiếc bánh trên tay, tôi chợt rưng rưng lệ, ngậm ngùi nhớ đến tuổi thơ nơi vùng quê nghèo khó ngày nào...
Ngày ấy, trong tâm thức tôi cũng như trong tất cả những đứa trẻ thường bíu lu cở mẹ xuống chợ, bánh bò là món quà quê giản dị, ngọt ngào nhất. Những chiếc bánh có màu trắng của gạo mới, sắc ngả nâu của đường phên, vị bánh không ngầy ngậy, chỉ hơi ngòn ngọt đầu lưỡi. Chiếc bánh tơi xốp tan nhẹ khi đưa vào miệng, gợi cả mùa lúa vàng óng ả ruộng đồng.
Nhớ cái háo hức trẻ con hồi ấy, tôi đứng ở cổng nhà bà Dính bán bánh, xoe tròn mắt nhìn bà gồng lưng đẩy cái cối xay gạo rồi dùng vải sạch lọc bột. Bột ấy lại được bà trộn đường phên, ủ, ngâm qua đêm. Sáng ra mới bỏ vào nồi hấp. Mẻ bánh được buộc kín trong vải, đến phiên chợ, mở ra vẫn nóng hổi, thơm lừng, hấp dẫn. Để có được những mẻ bánh ấy, người làm bánh đã bỏ bao công sức, tỉ mẩn, cẩn thận trong từng công đoạn nhỏ: Đường phên phải được rây thật mịn, bột ủ không nhão, cũng không đặc quá, thời gian ngâm bột vừa độ để bột nở...
Bánh bò chỉ có mặt trong những buổi chợ phiên đông người. Ngày thường, chợ lèo tèo chẳng mấy khi có ai nên chỉ cuối tuần các gia đình mới làm bánh đem bán. Vị bánh bò thanh tao đặt cạnh các hàng bánh rán, bánh mật ngọt lừ, phở, tào phớ mỡ màng bỗng trở thành hương vị không thể thiếu ở góc ẩm thực cuối mỗi chợ phiên. Lũ trẻ con lẽo đẽo theo chân mẹ như chúng tôi, mỗi khi đi qua góc ấy, cũng chỉ trỏ món này, món kia cho mẹ thấy. Bánh bò là thứ quà quê dân dã, bình dị như chính những nguyên liệu tạo nên miếng bánh. Thế mà vẫn hút hồn bao ánh mắt đến chợ phiên... Bố mẹ tôi khi đi chợ thì bán rau, quả nhà trồng được, lúc về chợ lại tranh thủ mua hàng sinh hoạt hàng ngày. Hình như ai đến chợ cũng thế: vừa là kẻ bán, lại là người mua. Bán những thứ nhà mình tự trồng, tự làm được và mua thêm những thứ cần thiết về.
Những hôm mẹ không đưa tôi đi chợ được, thế nào lúc về, tôi lục lu cở mẹ cũng thấy món quà quê dân dã ấy. Có lúc, tôi để túi bánh trên chiếc bàn tròn trong bếp và ngắm nghía mãi chẳng nỡ ăn. Lớn lên rồi, xa quê, nhớ đến bánh bò, tôi nghĩ người làm bánh không hẳn chỉ là tạo ra một món ăn để bán. Miếng bánh bò trong tâm thức tôi chứa cả một bầu trời tuổi thơ, một miền ký ức mãi mãi không mờ phai trong tâm trí.
Giờ đây tôi đã trưởng thành, đến các chợ vẫn có thói quen mua bánh bò, nhưng cái háo hức ăn miếng bánh bò xốp dẻo, thơm mùi đường phên không còn nữa. Mặc dù cách làm bánh bò vẫn thế, người làm bánh bò cũng là người đó. Mới thấy thời gian phút chốc đã xa lắm rồi thời trẻ con mỗi ngày cùng bạn bè cắt cỏ chăn trâu trên đồi, thời lẽo đẽo theo mẹ đi hái chè và nũng nịu đòi quà khi mẹ đi bán hàng ở chợ về... Thời ấy, từ nhà tôi đến chợ là khoảng cách rất xa khi đếm nhịp bước chân. Còn bây giờ, chỉ phóng xe máy cái vèo, loáng cái tôi đã có mặt ở chợ.
Mải ưu tư, ngắm nhìn chiếc bánh trên bàn, tôi không để ý con trai tôi đã đứng cạnh từ khi nào. Mãi cho đến lúc con choàng tay qua vai tôi, nũng nịu: “Bố mới đi chợ về à, cho con ăn bánh”. Tôi gật đầu, quay lại. Thấy một trời ngắt xanh tuổi thơ tôi hiện về trong ánh mắt thơ ngây của con trai yêu dấu...
Bánh bò ơi!
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

BẾP CỦA MẸ
Nhớ tới gia đình, hình ảnh đầu tiên hiện về trong tâm trí tôi là dáng mẹ ngồi bên chiếc bếp lửa từ lúc tù mù sáng. Ngoài sân, từng đụn sương mù sà xuống mặt đất càng làm cho trời tối hơn. Trong nhà yên ắng vì mọi người đang chìm trong những giấc ngủ ngon lành thì mẹ đã lụi hụi chất bếp, nấu cơm để sáng ra có cơm nắm cho cả nhà mang theo đi làm nương.
Mãi cho đến lúc mùi cơm gạo đỏ theo gió lan đến cửa buồng tôi, tôi mới trở mình, hít hà mùi lúa mới rồi ngồi dậy. Ngoài trời đã hửng sáng, sương mù chỉ còn giăng nhè nhẹ, tản mát trong không gian. Nhìn sang gian bếp, thấy mẹ đang cặm cụi gọt khoai tây. Công việc này chiếm khá nhiều thời gian vì hôm trước, tôi nghe mẹ than: “Khoai tây năm nay cho củ nhỏ quá”. Nhìn mẹ tỉ mẩn gọt từng củ khoai tây mất mùa chỉ nhỏ bằng ngón tay út, tôi sà xuống nũng nịu: “Con làm cùng mẹ cho nhanh”. Mẹ cười hiền: “Thôi, ra sau nhà rửa mặt đánh răng rồi vào ăn sáng còn đi, con”.
Tôi thường nghĩ: trong gia đình, mẹ là người tất bật nhất. Ngoài những buổi làm việc vất vả trên nương, rẫy, lúc nào tôi cũng thấy mẹ không ngơi tay làm việc nhà. Hình như mẹ luôn nghĩ rằng hôm nay nên nấu những món ăn gì cho bố con tôi. Nhiều việc là vậy, nhưng chẳng khi nào trên nét mặt mẹ vương vẻ buồn bã, mệt mỏi. Gương mặt lấm tấm mồ hôi ấy luôn sáng bừng niềm vui mỗi khi thấy bố con tôi ăn ngon miệng. Thì ra, đó là hạnh phúc lớn lao của đời mẹ...
Tôi nghe bố kể rằng chiếc bếp của mẹ chính là do bàn tay của bố làm nên. Bố thưng gỗ 3 phía rồi dùng đất sét nện chặt, sau đó khoét 2 lỗ ở bên trên vừa đủ đặt nồi cơm và ấm đun nước. Ở bếp đặt ấm đun nước, bố cũng chỉ khoét 2 lỗ bên cạnh để bỏ củi nhóm lò, nhằm tận dụng ngọn lửa. Bố giải thích: “Như thế, mẹ chất 1 bếp có thể nấu được cả 2 bên: bếp phía trong ít lửa hơn thì để ủ cơm nóng hoặc hầm thức ăn. Mẹ sẽ bớt mệt hơn khi ngồi nấu ăn trong bếp”... Lớn lên rồi tôi mới hiểu, ở thời đại bây giờ, chúng tôi có thể sắm cho vợ chiếc bếp ga thuận tiện. Ngày xưa, người đàn ông nghèo khó như bố tôi, bằng tình yêu thương cũng có thể san sẻ nhọc nhằn với vợ bằng chiếc bếp tự tạo...
Hai mươi năm trôi qua, bố tôi đã khuất núi, trở về nằm cạnh ông bà, tổ tiên. Tôi thu xếp công việc cơ quan rồi cùng vợ, con về làm giỗ bốn chín ngày cho bố. Chiếc xe con sang trọng dừng lại ở ngôi làng nghèo khó. Tôi bước qua bậc cửa gỗ cao vào trong bếp. Nhìn từ đằng sau mới thấy mẹ tôi đã già, cái lưng khom bốn mùa vì leo núi, giờ còng xuống chất bếp nấu cơm chờ đứa con xa lâu ngày trở lại quê hương... Tiếng mẹ trầm đục vang lên: “Thằng Mìn sắp bát đũa ăn cơm”. Tôi – quên mất mình nay đã là cán bộ tỉnh, lại chạy loăng quăng giúp mẹ như thuở trước...
Bữa cơm gia đình vẫn giản đơn như ngày tôi còn thơ bé. Bên cạnh những đĩa thịt, rau, mẹ đặt thêm một đĩa khoai tây trước mặt tôi. Rồi mẹ xúc thêm một bát, đặt đôi đũa và lấy thêm ghế mây đặt vào góc bố thường ngồi. Thấy mẹ đờ đẫn nhìn khoảng không gian ấy. Vợ tôi bảo: “Năm nay chúng con xin phép được đón mẹ ra nhà con ở cùng cho có mẹ, có con. Cháu Tuấn có bà trông dạy”. Mẹ lắc đầu: “Cảm ơn các con... nhưng gian bếp của mẹ chất đầy kỷ niệm về bố... mẹ không xa được”. Tôi gượng cười: “Thế con mua tặng mẹ một chiếc điện thoại để thỉnh thoảng lại được nghe giọng mẹ nói”. Mẹ xoa tay: “Không cần, mẹ chỉ mong cuối tháng, vợ chồng con cái về ăn bữa cơm mẹ nấu...”.
Tôi lặng đắng người khi nhìn chiếc bếp kỷ niệm bố làm tặng mẹ ngày về nhà mới. Bố ơi, biết mùa này ai cùng mẹ lên nương trỉa ngô, phát cỏ để trồng vụ sau?
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

PHỞ CHỢ PHIÊN
       Mỗi tháng gió mùa đông bắc hiu hiu thổi, lòng tôi chộn rộn nhớ những buổi chợ phiên quê mình. Ăm ắp đầy kỷ niệm sau cái bậc cửa gỗ cao trong ngôi nhà trình tường dựa lưng vào núi. Tuổi thơ tôi không nhớ nổi mình đã bao lần bước chân qua bậc cửa ấy để đòi mế đi theo mỗi cuối tuần.
       Chợ phiên San Thàng ở thị xã Lai Châu xúng xính áo hoa, mùi chàm quấn quýt trong làn gió. Mế gùi rau cải đắng, susu, bắp chuối bằng lu cở, bố dắt ngựa thồ củi, tôi ôm con gà mái mơ lăng xăng chạy theo sau. Dòng người ngày càng đông đúc, nhộn nhịp, màu thổ cẩm cứ lan dần, lan dần trên con đường đến chợ. Người ta nói chợ phiên vui như ngày hội thật chẳng sai. Bố mế và tôi lẫn vào hội mua bán ấy, cho đến khi cùng bán xong những thứ mang theo. Mế đứng ở hàng tạp hóa, tần ngần đếm những đồng tiền lẻ nhàu nát và nở một nụ cười vui mừng vì tiền bán được vẫn dư ra một chút để bỏ vào cạp váy xòe. Sau đó mế mua dầu thắp, muối bỏ vào lu cở. Khi mế ra, thằng con trai mế là tôi cười ngoác miệng, nỗi mừng vui không giấu diếm trên nét mặt vì biết mế sắp “đãi” tôi và bố một trận ra trò.
        Chúng tôi bước vào hàng phở, gọi là hàng cho oai chứ quán phở chỉ là vài chiếc ghế xô lệch và chiếc bàn gỗ tạm bợ, xoàng xĩnh liền kề hàng thắng cố. Thắng cố đối với dân tộc Mông chỉ là món ăn thường ngày, không còn lạ miệng và ham thích nữa. Bát phở quán bà Mây dân tộc Nhắng luôn là món quà chợ mà đứa trẻ nào đi theo bố mế cũng đòi. Bát phở đã được đặt sẵn bánh phở đầy ú hụ, bỏ thêm vài lát thịt ba chỉ, hành lá, chan nước béo ngậy là bữa trưa ngon lành của chúng tôi sau mỗi buổi chợ phiên. Mế lục lu cở tìm gói mèn mén* đã mang theo từ nhà bỏ thêm vào bát nước dùng đã vơi quá nửa của tôi và bố. Ăn xong, tôi quệt gấu tay áo lau miệng, bố đã say lúy túy vì uống mấy chén trong quán rượu, mế phải vắt bố lên lưng ngựa để dắt, sau đó tôi và mế thong thả qua suối trở về bản. Đó là tập hồi ức hình ảnh tôi còn nhớ mãi đến bây giờ.
        Trưởng thành, tôi xa quê và đến nhiều vùng, miền khác. Tôi được ăn nhiều món ăn nổi tiếng: phở bò Nam Định, phở gà Hà Nội, bún bò giò heo Huế, bún chả Đà Nẵng… song mỗi khi bưng bát phở nghi ngút khói, lòng tôi lại rộn lên cảm giác về bát phở chợ phiên xưa. Phở quê tôi không có vẻ sang trọng, lịch thiệp như ở những vùng quê khác, bát phở chỉ bình dị, dân dã như chính tấm tình của người dân miền núi.
       Tôi trở lại quê mình cũng vào dịp gió mùa đông bắc thổi. Gió năm nay se sắt và lạnh hơn dù tôi đã mặc comple ấm áp. Tôi ghé vào chợ phiên cuối tuần. Phiên chợ vẫn đông vui như thủa ấy nhưng bố mế tôi đã xa khuất chân mây. Tôi tìm hình bóng tiếng cười của bố, dáng dịu dàng của mế, song chỉ còn cái lạnh hun hút xoáy vào lòng người con xa quê. Tôi bước vào quán phở của bà Mây, quán nay đã đổi chủ song bát phở thì vẫn như trong hoài niệm của thằng bé lên mười ngày nào. Vẫn một hàng những bát phở đầy ú hụ được xếp cạnh một đĩa các lát thịt nhiều mỡ ít nạc bên màu xanh ngon mắt của hành lá. Một người đàn ông vận áo chàm đang húp sùm sụp nước phở và khề khà chén rượu ngô ủ men lá. Ông tâm sự với người bán hàng: “Hôm nay bán được bó củi mười bốn nghìn, hai bố con ăn phở hết mười nghìn, còn bốn nghìn mang về cho vợ thôi, cô Dính à!”
      Tôi bâng khuâng nhìn ông và nhìn ánh mắt xoe tròn của bé gái bên cạnh. Cô bé đã ăn xong, khẽ nở nụ cười tươi trên miệng rồi kéo kéo tay người đàn ông: “Bố à, về thôi! Sắp tan chợ rồi, mế chờ bố ở quán hàng tạp hóa đấy!”.
      Tôi cúi xuống hớp ngụm nước phở ngọt ngào, nhấm nháp từng sợi phở chợ phiên lẫn với mèn mén mà bé gái vừa bỏ vào bát của tôi, cảm giác về những lần ăn phở ngày bé bỗng ùa về, ào ạt lăn thành dòng trên gò má răn reo…

* Mèn mén: Ngô xay nhuyễn, được người Mông dùng để ăn thay cơm.
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

MƯA NON NGÀN
"Mưa nguồn chớp bể". Thứ "nước trời" tích tụ từ những đám mây đen nặng trĩu, những áng mây được hình thành từ hơi nước bốc lên phía bên kia dãy Trường Sơn, nơi nguồn cội của chúng.
Từ trước đến nay, dải đất hình chữ S gắn với nghiệp nhà nông. Thế nên mưa không chỉ là một hiện tượng tự nhiên bình thường, còn là bạn đồng hành thân thiết của những mùa vàng no ấm.
Phía bên kia dãy Trường Sơn, nơi nắng nóng gió lào, hơi thở biển khô hanh làm mặt đất se lại, vết nứt lỗ chỗ như người bị nẻ mùa đông. Những vạch ô như bàn cờ, như trận đồ bát quái của trời đất, những cánh đồng hạn oằn mình mong hạt nước. Cảm giác nơi này khát mưa vì nắng. Nhiệt độ như cái lò nung lớn, và mọi người phải trốn trong hộp diêm - mái nhà bé tẹo, nhờ làn gió tự tạo xua đi nóng nực kéo về.
Đối ngược với bên ấy, bên này dãy Trường Sơn họ hàng nhà mưa bắt đầu mở vũ hội của mình.
Ban đầu là những cơn mưa chớp nhoáng, đến rồi đi chỉ trong tích tắc. " Có cơn mưa nào lạ thế? Thoáng mưa rồi lại tạnh ngay, em chạy về em hỏi mẹ, mẹ bảo: mưa bóng mây".
Những cơn mưa tháng bảy ào qua, nhẹ và mát trong như bàn tay thiếu nữ độ xuân thì. Chúng chỉ đùa chơi trong không gian phút chốc. Chỉ đủ làm xanh nõn búp chồi, tô màu tươi mới lên cây trái. Cảnh vật sau mưa bừng lên màu sự sống. Còn chúng thì vội vã rủ nhau chạy nhảy trên tàng lá, mơn man hát lời tình ca tí tách.
Giọt mưa nô giỡn tạt qua má hồng cô gái mộng mơ vừa tan lớp về, nhẹ hôn lên tóc em bé đáng yêu chạy nhảy ngoài sân. Mưa rủ nắng cùng chơi, tạo ra chiếc cầu vồng bảy sắc. Chao ơi là đẹp! Mưa dễ thương quá!
Tháng 7 về... Mưa Tây Bắc như được mùa trẩy hội, nô nức, rộn ràng, nghe chừng vui vẻ lắm! Chả thế mà cô ca sĩ nào từng hát một giai điệu rất nhộn :" Giọt mưa mưa ngâu mưa ngâu, lá xanh trên cành thành lá biếc, giọt mưa mưa ngâu mưa ngâu, tròn xoe chiếc ô trên đầu".
Mưa ngâu- "nhà độc tài" chiếm hữu mùa tháng 7. Mưa kiêu hãnh vì mình có xuất xứ từ câu chuyện tình đẹp tuyện giữa nàng Ả Chức và chàng Ngưu xa cách một dải sông Ngân...
Giọt mưa tự mãn quá! Nó lớn dần lên, và sinh ra độc ác. Mưa cười khanh khách, nhảy nhót trên các mái nhà, lấy đi những khoảng trống khô thoáng. Mưa cười ngặt nghẽo, dùng mũi châm buốt lạnh xuyên thấu vào da người tím tái. Mưa rủ rê nhau họp thành bè lũ kéo xuống đường phá phách. Những con đường trong ngày đổi mới đẹp đẽ, sáng sủa là thế, vậy mà nó làm ngập trong màn nước đục ngầu; mưa nhấn chìm những vật cản trở lối đi, mưa chạy băng băng cùng với gió tạo cảnh khiếp hãi. Mưa vào hùa cùng mạch nước ngầm, các sông, hồ, ao, suối để gây nên bao thảm họa kinh hoàng.
Mùa nắng chạy trốn đâu mất. Chẳng kịp thương những cánh áo mỏng manh gặp mưa lạnh giữa đường, chẳng kịp thương lá hoa tơi tả trong mùa lũ, chẳng kịp thương những chiếc xe nửa chừng tắt máy, chẳng kịp thương những con đường bị đất đá theo mưa cuốn xuống, hòa vào sông... Cảnh vật như một gương mặt đẹp bị lĩnh nhát sẹo làm biến dạng, mất đi vẻ tươi tắn vốn có. Và làm tôi không quên màn mưa trút xuống phố hôm đó, hình như có một bản nhỏ - xứ quê xa của tôi - bị lũ ống tràn đến gây thảm họa xóa sạch vết dấu sự sống…
Chạnh lòng!
Mưa xứ Huế "xối xả", "trắng trời", còn mưa Tây Bắc "ảm đạm màu bùn non". Biết bao giờ mưa ngoan ngoãn nghe theo bàn tay cải tạo của con người? Và trở thành những giọt mưa có ích, chứ đừng "để trên mi ai bây giờ ướt đẫm mưa ngâu".
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (32 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối