Trang trong tổng số 3 trang (25 bài viết)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

DỊCH SAI ĐANG PHÁ HỎNG TIẾNG VIỆT

Bùi Việt Bắc

Gần đây có nhiều bài phê phán tình hình dịch sai trong sách báo cũng như trên phát thanh truyền hình. Có lần, ông đồng nghiệp từng cùng làm chuyên gia xuất bản với tôi ở Liên Xô thông báo cuốn sách ông ấy vừa in. Trong đó ông dành 85 trang để liệt kê và phân tích các lỗi dịch sai của cuốn sách khác.

Điều đáng nói hơn là người dịch sai hơi bị nhiều kia lại đã từng nhiều chục năm đứng trên bục giảng đại học để dạy chính môn dịch tiếng Anh. Để chia sẻ nỗi niềm, tôi đưa ông xem một trang bản thảo cùng với photo nguyên bản: Cả thảy 15 câu tiếng Anh mà dịch sai 14 lỗi!

Tiếng Việt đang mất dần bản sắc vì ta phải nghe quá nhiều lối hành văn do dịch không thoát. Thí dụ, “thú nhỏ nhất là loài dơi đến từ Thái Lan” (trên một tờ báo to), “Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã bị thua trước đội Mianma 3-0” (trên một tờ báo khác), “Ban văn hóa giáo dục trong thành phần của quốc hội”, “Những chiếc lá trên một cành cây đang tỏ ra rung rinh trước những cơn gió”, “Cụ Nguyễn Trãi được biết đến như một nhà thơ lớn”... Có ông nhà văn, không biết tiếng Tây nhưng lại hành văn với những chữ thừa kiểu như vừa nêu (những chữ in nghiêng).

Dịch sai còn tác hại hơn nhiều. Tôi không nói về lỗi dịch sai của từng cá nhân (việc đó phải nhiều tập sách mới kể hết) mà đi thẳng vào những cái sai đã qua mắt hầu như tất cả chúng ta, nghiễm nhiên đi vào tiếng Việt!

Có một từ mà tần số xuất hiện chắc chắn là hàng đầu trong lời nói, trên truyền thông... Chúng ta hàng ngày đều đụng đến!

Đó là từ vi tính.

Từ này có nguồn gốc dịch sai.

Chúng ta đều biết trong các tổ hợp từ vi trùng, thế giới vi mô... thì vi bổ nghĩa cho từ đứng sau nó để đem lại ý nghĩa cực nhỏ: Trùng cực nhỏ, thế giới cực nhỏ... Vậy vi tính là tính cái cực nhỏ. Nhưng microcomputer là cái máy cực nhỏ chứ đâu phải vi tính nhỏ! Đó là cái sai thứ nhất. Cái sai thứ hai: Tính không phải là âm Hán Việt để mà kết hợp với vi theo kiểu này! Cùng xuất hiện với từ microcomputer trong tiếng Anh còn có từ microplane (máy bay cực nhỏ). Nếu mà cứ dịch theo kiểu máy vi tính thì trong tiếng Việt ta còn có thêm máy vi bay (!)

Bớt chữ vi, đỡ nhiêu khê lại tiết kiệm biết bao giấy mực và thời gian!

Có cụm từ mà tôi thấy phân vân ngay khi nghe lần đầu tiên. Đó là tên bộ phim hoạt hình Nga nhiều tập Hãy đợi đấy. Phải dịch là Liệu hồn chứ. Về lời dịch này tôi đã trao đổi với vài đồng nghiệp người Nga. Họ hoàn toàn nhất trí. Có người nói Hãy đợi đấy cũng ngụ ý lời đe dọa.

Từ đầu những năm 70 trong nhiều bài báo, tên tạp chí Nga Sovremennik được dịch là “Người đương thời”. Khi viết bài báo này tôi có hỏi một loạt các nhà văn, dịch giả, biên tập... Họ đều trả lời rằng người đương thời là người đang sống với chúng ta bây giờ. Những người dịch ra “Người đương thời” đã mắc một lúc hai cái sai.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Trong tiếng Nga danh từ sovremennik chỉ có một nghĩa duy nhất là người cùng thời mà thôi! Có nghĩa là những người sống cùng thời với nhau, không nhất thiết trong quá khứ hay hiện tại. Họ đã nhầm với một trong các nghĩa của tính từ sovremennyi là hiện thời, hiện nay. Đó là cái sai thứ nhất. Còn cái sai thứ hai là diễn đạt tiếng Việt cũng sai nốt! Từ xưa đến nay chúng ta đều hiểu đương thời là thời bấy giờ, thời đó, tức là quá khứ chứ đâu phải là bây giờ! Cho đến nay, tất cả các từ điển tiếng Việt chưa có quyển nào viết đương thời là thời bây giờ cả.

Ba mươi năm trôi qua, từ dịch sai, viết sai, kết cục là biến thành khái niệm. Bây giờ rất nhiều người tưởng người đương thời là người đang sống cùng chúng ta, chỉ vì đọc và nghe cách dịch sai này mãi thành quen! Đài truyền hình cũng có một chương trình mang cái tên sai tiếng Việt này nên số người hiểu sai do đó càng tăng nhanh.

Tương tự, đương đại cũng được hiểu là đang diễn ra. Những người được hỏi còn giải thích: "Là những gì diễn ra trong vòng mươi, mười lăm năm lại đây". Hiểu như thế là chưa được chuẩn. Thứ nhất: Nếu xem đương là đang thì nó là âm Việt, không thể kết hợp với đại vì đại là âm Hán Việt. Thứ hai, đương = đang là một trạng từ, chỉ có thể bổ nghĩa cho động từ hoặc tính từ chứ không thể bổ nghĩa trực tiếp cho danh từ. Thứ ba: Đã là thời đại thì không thể là giai đoạn ngắn trước mắt được!

Trong nền văn hóa phương Đông có con vật linh thiêng tưởng tượng là con rồng. Chúng ta đều hình dung được hình hài và bản chất của nó: Mình dài, có vảy, không cánh, phun ra mưa..., không hề gây ác, là biểu tượng của sự cao sang hùng vĩ, của vua chúa.

Huyền thoại phương Tây có con quái vật hình thù gớm ghiếc: Mình ngắn, bụng to, đuôi dài, có cánh, phun lửa, tác quái hại dân. Tên nó là dragon trong tiếng Anh, tiếng Pháp và drakon trong tiếng Nga. Theo hình hài các họa sĩ mô tả, tính chất kể trong truyện cổ, định nghĩa trong các từ điển của họ thì nó chính xác là con chằn tinh trong tiếng Việt.

Con rồng không hề có trong văn hóa phương Tây. Khi dịch từ con rồng Trung Hoa ra tiếng phương Tây, các dịch giả không thể tìm được từ tương ứng, đành phải chọn con chằn tinh để thay con rồng! Cú dịch này quả nhiên là có khiếm khuyết! Tuy nhiên ở mức độ ta có thể thông cảm. Thứ nhất là vì không có từ thích hợp hơn, thứ hai là vì người đầu tiên dịch từ này có lẽ đã lâu lắm rồi, lúc đó sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn hóa Đông, Tây chắc hẳn rất mù mờ.

Còn các dịch giả và những người làm từ điển của ta khi dịch con chằn tinh của phương Tây ra con rồng của ta thì đáng trách quá vì ta có từ để dịch đúng, và ta đang sống trong thời đại giao lưu!

Bây giờ chắc các bạn đã rõ tại sao mấy thập kỷ qua vườn cổ tích trẻ em Việt Nam lại vắng bóng gã chằn tinh. Chúng ta đều đã gặp con quái vật ăn thịt người này trong truyện Thạch Sanh, rồi biệt tăm. Hóa ra là người ta bắt chước nhau đeo mặt nạ rồng cho gã chằn tinh đáng ghét, nên các em vẫn thường xuyên gặp chúng trong các phim hoạt hình, truyện tranh, cổ tích nước ngoài mà không biết, cứ tưởng đó là rồng. Còn cụ rồng kiêu hãnh vốn chỉ ngự ở các đền chùa và những nơi tôn nghiêm bỗng biến thành con quái vật khát máu. Oan này biết kêu ai?

Người đọc vì thế mà còn có khái niệm sai lệch về con rồng. Từ đó suy ra: Không nên dịch thành con rồng Cômôđô như mọi người đang làm mà phải dịch là con kỳ đà Cômôđô.

Một từ nhiều nghĩa là hiện tượng phổ biến trong mọi ngôn ngữ. Trong tiếng Anh giấc mơ và ước mơ, nữ hoàng và hoàng hậu, công chúa và vương phi, gia đình và dòng họ... là những cặp nghĩa khác nhau của cùng một từ. Những người dịch ẩu cứ nhầm lẫn nghĩa nọ với nghĩa kia, đọc mãi thành quen, bây giờ trên báo chí không những trong bài dịch mà cả bài viết cũng đầy dẫy sự lẫn lộn này.

Một số từ cũng có mặt trong vài thứ tiếng nhưng không hoàn toàn cùng nghĩa... Universitet trong tiếng Nga là trường đại học tổng hợp có nghĩa là chỉ đào tạo cán bộ nghiên cứu mà thôi. Còn university trong tiếng Anh lại là trường đại học nói chung. Thế mà rất nhiều người vẫn cứ dịch university là "đại học tổng hợp".

Tương tự, từ tekhnika trong tiếng Nga và từ technics trong tiếng Anh không hoàn toàn đồng nghĩa. Nghĩa chính của tekhnika trong tiếng Nga lại tương ứng với technology trong tiếng Anh. Cho nên người ta chỉ nói Science and technology chứ không ai nói Science and technics. Vậy mà Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật lại lấy tên tiếng Anh là Science and Technics Publishing House.

Ai cũng biết thành phần là một từ Hán Việt có nghĩa là một phần để hợp thành một cái gì đó, một phần tử để cấu tạo nên một tổng thể. Thí dụ “protein là một thành phần dinh dưỡng của đậu nành”.

Còn từ sostav trong tiếng Nga thì có nghĩa ngược lại là tổng thể của các thành phần. Thế mà không hiểu sao các từ điển Nga-Việt đều in sostav là thành phần. Hậu quả là biết bao người đã viết những câu đại loại “Ucraina là nước cộng hòa nằm trong thành phần của Liên Xô”. Khác nào: “Khi tôi còn nằm trong bụng của đứa con của mẹ tôi”.

Dẫn chứng còn nhiều nhưng để gói gọn vấn đề, tôi xin đưa ra hai câu chuyện do một đồng nghiệp khả kính góp vui.

Trong Từ điển kỹ thuật tổng hợp Anh-Việt và cả Nga-Việt, từ metallography dịch là kim tương học, mà đúng ra phải là kim tướng học. Tướng là cái mặt như trong chữ chân tướng. Đây là khoa học nghiên cứu kim loại thông qua cấu trúc của nó thấy trên kính hiển vi. Hậu quả là tất cả sách vở đều viết kim tương học và Đại học Bách khoa Hà Nội có bộ môn Kim tương học. Biết bao thế hệ kỹ sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy... đều gọi là kim tương học!

Hà Nội ta có phố Lê Đại Hành. Thực ra chẳng có ông vua nào lấy hiệu Đại Hành cả, mà vua nào cũng được gọi là Đại hành tức là đang thực hiện chuyến đi lớn. Sang thế giới bên kia! Một nhà sử học dịch bài văn điếu, gọi Lê Hoàn là Lê Đại Hành, những nhà sử học khác cứ đinh ninh cho rằng đó là đế hiệu của ông ta!

Hai mẩu chuyện cho thấy, nếu đế ý và chịu khó tra cứu, ta còn phát hiện mà loại bỏ được nhiều cái nhiêu khê, làm trong sáng tiếng Việt. Chuyện thứ nhất tôi đã đi xác minh, hoàn toàn có thật. Còn chuyện thứ hai, có lẽ xin nhường cho các nhà sử học.

Biên tập sách dịch trên ba mươi năm, được quan sát sự nảy sinh của nhiều từ ngữ trong khu vườn tiếng mẹ đẻ, tôi đã phát hiện đôi điều thú vị để tâm sự cùng bạn đọc. Đây là những cái sai đã đi vào tiếng Việt, rất nhiều người dùng mà chưa ai có ý kiến. Chúng làm méo mó tư duy, lệch lạc khái niệm, giảm tính lôgic, giảm tính khoa học và tính thẩm mỹ của tiếng Việt.

Bạn thử nghĩ xem, con rồng và chằn tinh cũng như nhau, đợi đấy, cứ hiểu là liệu hồn, thành phần với tổng thể cũng thế thôi, nữ hoàng chính là hoàng hậu, gọi thái phi là công chúa thì đã sao, giấc mơ khác gì ước mơ, tướng biến thành tương... Rõ ràng những từ dùng sai này đã xóa nhòa các khái niệm rành mạch đã định hình từ trước đây. Theo tôi hiểu thì một ngôn ngữ có tính khoa học cao sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng trong mọi lĩnh vực: khoa học, nghệ thuật, pháp luật, giáo dục... cũng như có tác dụng rèn luyện tư duy lôgic thế hệ trẻ. Và điều cuối cùng này rất quan trọng đối với việc hình thành nhân cách, tạo lập dần năng lực sáng tạo trong tương lai của các em.

Tóm lại, bên cạnh những tác hại hiển nhiên ai cũng biết, dịch sai còn là một trong những cách tàn phá tiếng Việt. Với bài viết này chúng tôi mong muốn những người làm công tác dịch thuật và biên tập hãy cẩn trọng hơn, trách nhiệm hơn với bản dịch trước khi đưa đến với công chúng.

(Nguồn: Văn nghệ, số 1 + 2/2005)
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

TÔI YÊU EM - BÀI THƠ KHÔNG HÌNH ẢNH

Ngô Tự Lập

"Tôi yêu Em" của Puskin chắc chắn là một trong những bài thơ dịch nổi tiếng nhất ở nước ta nói chung và của dịch giả Thuý Toàn nói riêng. Bản thân người viết những dòng này cũng thuộc lòng bài thơ từ tuổi học trò.

Tuy nhiên, vì "Tôi yêu Em" không chỉ tồn tại trong sổ tay các bạn trẻ đang tuổi yêu đương mà còn được dạy trong trường phổ thông, tôi muốn góp ý với dịch giả về một vài chỗ chưa chính xác và nhất là một số khía cạnh độc đáo của nó mà có lẽ do thiếu thông tin nên ông đã bỏ qua.

Nguyên bản tiếng Nga của bài thơ như sau:

Я вас любил

Александр Сергеевич Пушкин

Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.
Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам Бог любимой быть другим.

Dịch nghĩa:

Tôi yêu Em: tình yêu, có lẽ,
Trong lòng tôi vẫn chưa tắt hẳn;
Nhưng thôi, chớ để nó quấy rầy Em thêm nữa.
Tôi không muốn làm em buồn vì bất cứ điều gì.
Tôi yêu Em lặng thầm, vô vọng,
Bị giày vò khi vì rụt rè, khi bởi ghen tuông.
Tôi yêu em chân thành đến mức, dịu dàng đến mức,
Lạy Trời mà Em mà được ai khác yêu như vậy.

Còn đây là bản dịch của Thúy Toàn:

TÔI YÊU EM
Alexander Sergeyevich Pushkin

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em

1. Một nhược điểm dễ nhận thấy trong câu đầu tiên của bản tiếng Việt là cụm từ "chừng có thể" không được Việt lắm, vì thế nó không trung thành với ngôn từ trong sáng của nguyên bản. Theo tôi, tốt nhất là ta cứ dịch một cách giản dị, sát nghĩa thành:

Tôi yêu em: tình yêu, có lẽ,

Tuy nhiên, đó chỉ là tiểu tiết. Quan trọng hơn là Thúy Toàn đã thay lối biểu đạt ngập ngừng đầy kịch tính của Puskin bằng một câu văn trôi chảy. Nhưng ngay cả điều này có lẽ cũng có thể chấp nhận được trong chừng mực nào đó nếu như nó không liên quan đến những đặc điểm quan trọng hơn mà tôi sẽ bàn dưới đây.

2. Một nét độc đáo của bài thơ nằm ở chỗ nó hoàn toàn không hề có một hình ảnh nào. "Ngọn lửa tình" là hình ảnh Thúy Toàn thêm vào, có lẽ do gợi ý của động từ "tắt" (угасла). Nhưng từ "tắt" ở đây chỉ đơn thuần có ý nghĩa là chấm dứt hẳn, kết thúc hoàn toàn, như khi ta nói "ngày đã tắt", "chiến tranh đã tắt hẳn" hay "hy vọng cuối cùng đã tắt". Chính nét độc đáo này đã gây nên những cuộc tranh cãi thú vị giữa những người theo quan điểm truyền thống (cho rằng "thơ là tư duy bằng hình tượng", rằng một bài thơ hay phải có hình ảnh độc đáo), với những nhà Hình thức chủ nghĩa (chủ trương "Nghệ thuật như là thủ pháp" - tên tiểu luận có tính cách mạng của Shklovsky đã được dịch ra tiếng Việt).

3. Một nét độc đáo khác của bài thơ là sự "nghèo nàn" về ngôn ngữ. Và điều này cũng lại trái ngược với quan niệm truyền thống cho rằng một bài thơ hay phải có ngôn từ phong phú, trau chuốt, hay độc đáo. Ngoài từ duy nhất ít mang nghĩa ít nhiều bóng bẩy là từ "tắt" chỉ sự kết thúc hoàn toàn đã nói ở trên, tất cả các từ trong bài đều được dùng với nghĩa trực tiếp, giản dị nhất. Roman Jakobson, trong bài Thơ của Ngữ pháp và Ngữ pháp của Thơ [1], chỉ ra rằng bài thơ chỉ có 47 từ nhưng có tới 14 đại từ, 10 động từ, và chỉ có 5 danh từ, đều là danh từ trừu tượng. Cái hay của bài thơ, vì thế, chủ yếu nằm ở các thủ pháp ngữ pháp đặc biệt, trong đó có cách ngắt câu ngập ngừng tôi đã nói ở trên.

4. Nhưng thủ pháp ngữ pháp đặc biệt nhất và hiệu quả nhất là ở hai câu cuối cùng, cũng là hai câu Thúy Toàn đã hiểu sai ý tác giả. Mặc dù "дай вам Бог" ở mệnh lệnh thức, nó thật ra không có ý nghĩa mệnh lệnh thức hay cầu khẩn. Puskin sử dụng nó làm vế thứ hai của một cấu trúc so sánh "так...как..." Nghĩa thực của câu cuối cùng không phải là một thái độ cao thượng: "Cầu em được người tình như tôi đã yêu em" như trong bản dịch của Thúy Toàn, mà là "Có lạy Trời em [mới lại] được ai khác yêu chân thành, nâng niu đến thế". Lối nói này cũng tương tự khi người Việt nói: "Có trời mà biết được!" để nói rằng "Chẳng ai biết được đâu!"[2].

Tóm lại, Puskin muốn nói: "Tôi là người yêu Em nhất", hoặc "Chẳng bao giờ có ai yêu Em được như tôi nữa đâu!"

5. Một khó khăn khi dịch bài thơ là làm thế nào để chuyển tải ý nghĩa của lối dùng kính ngữ (вас) sang tiếng Việt. Tôi cho rằng Thúy Toàn đã đúng khi cho tác giả xưng "Tôi" chứ không phải là "anh". Tuy nhiên, với từ "em", tôi đề nghị dùng cách viết hoa. Đây chính là cách dùng kính ngữ của của người Italia: khi "lei" viết thường, nó được hiểu là ngôi thứ ba giống cái số ít (cô ta, bà ta...), còn khi viết hoa, "Lei", nó được hiểu là ngôi thứ hai, tương tự như "bac" trong tiếng Nga. (Trong bản dịch nghĩa ở trên tôi đã dùng cách viết hoa này).

6. Cuối cùng, viết những dòng này, với tư cách độc giả, tôi muốn tỏ lòng biết ơn đến dịch giả Thuý Toàn, người đã cho tôi biết Puskin trước khi tôi biết tiếng Nga. Bất kỳ bản dịch nào cũng cần phải sửa chữa nhiều lần. Tôi không có ý định đưa ra bản dịch của mình, vì Thúy Toàn xứng đáng là người tự chỉnh trang lại bản dịch. Vả lại, tôi nghĩ, giả sử có định dịch lại, chắc tôi cũng sẽ phải ghi tên Thúy Toàn là đồng dịch giả. Bản dịch của ông từ lâu đã là một phần ký ức trong tôi.

Normal, tháng 2/2006

Ngô Tự Lập

 
[1] Roman Jakobson. "Poetry of Grammar and Grammar of Poetry. in Language in Literature". Cambridge: Harvard UP, 1987. p. 125.
[2] Xem thêm: Roman Jakobson. "Poetry of Grammar and Grammar of Poetry. in Language in Literature". đã dẫn.


http://www.evan.com.vn/Ne...h-thuat/2007/04/3B9AD789/
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Я вас любил так искренно, так нежно,

Как дай вам Бог любимой быть другим.

Золотой фонд лирики. Про прежнюю любовь на остатке чувства. Благородная мудрость любви. Осень чувств. Все умиротворенно, и даже желает новой любви. Но опять крохотный нюанс - а действительно ли желает? Эти скромно стоящие, но повергающие "так искренно, так нежно" предполагают за собой десяток эмоциональных восклицательных знаков и возносят чувство на недосягаемые высоты. Реконструкция. Поразительно, но это формула тройного прочтения. Если обратить внимание на то, как поют, как произносят ее, то очевидным становится ее распадение на две части: "Я вас любил так искренно..." и "Дай вам Бог любимой быть...". Взгляд перескакивает с первой благородной части на вторую даже более благородную, и на это настраивается воспроизводящий строки. Ямб усиливает "дай Бог любимой быть", оставляя в тени сцепляющее и даже будто бы ненужное "как". Обратите внимание - стоит не соединяющее "и"! И в этом все дело. По смыслу первая часть является любовной гиперболой, и "как" требует какого-то сравнения, сопоставления: "Я любил так, как никто другой". Возможно, со временем появилась вторая более высокая мысль: "Дай вам Бог еще любимой быть". Но "Бог", на которого падает и смысловое, и метрическое ударение, остается указанием на неповторяемость прошедшей любви. И все это переплелось в двух строчках: и самовозвеличивание, и пожелание новой любви, и сомнение, что такая любовь еще возможна. Это стихотворение о собственной прошлой ВЕЛИКОЙ любви (и по такому случаю с легким оттенком самолюбования).

Nguồn: http://www.ijc.ru/sredapo...ta/almanah2/PYSHKisb1.htm
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Dịch thơ là một việc rất khó. Một công việc đòi hỏi rất nhiều tâm huyết và cẩn trọng. Không những thế, còn đòi hỏi sự say mê, tình yêu đối với tác giả, sự hiểu biết sâu rộng về tác giả, về cuộc đời, sự nghiệp cũng như về văn hóa của đất nước mà tác giả đã hoặc đang sống. Và lại cần biết sử dụng ngôn từ tiếng mẹ đẻ của mình một cách linh hoạt. Chỉ có thế người dịch mới thật sự "dịch" được Thơ. Hồn thơ - nghĩa từ vựng - thủ pháp nghệ thuật... Tất cả đều cần được xem xét tới. Chính vì thế, có những bài thơ được dịch rất lâu... nhiều năm....
Đọc bài của bác Ngô Tự Lập, tôi cũng giật mình tìm hiểu lại bài thơ này của Pushkin.


Tôi mạn phép có ý kiến thế này ạ:
1. Bác Ngô Tự Lập viết “"Một nhược điểm dễ nhận thấy trong câu đầu tiên của bản tiếng Việt là cụm từ "chừng có thể" không được Việt lắm, vì thế nó không trung thành với ngôn từ trong sáng của nguyên bản. Theo tôi, tốt nhất là ta cứ dịch một cách giản dị, sát nghĩa thành:

Tôi yêu em: tình yêu, có lẽ,

Tuy nhiên, đó chỉ là tiểu tiết. Quan trọng hơn là Thúy Toàn đã thay lối biểu đạt ngập ngừng đầy kịch tính của Puskin bằng một câu văn trôi chảy. "”


Theo tôi cụm từ быть может của Pushkin không có biểu đạt ngập ngừng bằng cách ngắt dấu phẩy. Đây đơn thuần là chính tả tiếng Nga. Khi viết, hai từ trên luôn luôn được đặt giữa hai dấu phẩy hoặc nếu đó là đầu câu và cuối câu thì cần có một  dấu phẩy để ngăn cách với thành phần chính của câu. Thế mới là cách viết đúng.
Ví dụ: “Быть может, он ее еще любит…”
Còn trường hợp mà không có dấu phẩy thì nghĩa lại khác rồi… “Любовь еще быть может…” Có thể có tình yêu, tình yêu vẫn có thể còn, có thể tồn tại…
Ở đây, Thúy Toàn đưa ra một giải pháp, có thể theo bác Ngô Tự Lập, nó không được “Việt” lắm, còn với cảm nhận của tôi, nó lại rất Việt, rất mềm mại và hợp lý.
Tất nhiên ta có thể dịch là “Có lẽ”, nhưng nó mất cái gì rồi...mất “chất Thơ”! Trong nguyên bản, đồng ý là ngôn ngữ rất trong sáng. Nhưng trong sáng, giản dị không có nghĩa là đơn giản đến mức cao nhất..

Và Pushkin chắc hẳn không nghĩ quá nhiều khi viết cụm từ này vào đây như bác phân tích là thể hiện sự ““ngập ngừng đầy kịch tính””!

2. Bác Ngô Tự Lập viết: “" Một nét độc đáo của bài thơ nằm ở chỗ nó hoàn toàn không hề có một hình ảnh nào. "Ngọn lửa tình" là hình ảnh Thúy Toàn thêm vào, có lẽ do gợi ý của động từ "tắt" (угасла). Nhưng từ "tắt" ở đây chỉ đơn thuần có ý nghĩa là chấm dứt hẳn, kết thúc hoàn toàn, như khi ta nói "ngày đã tắt", "chiến tranh đã tắt hẳn" hay "hy vọng cuối cùng đã tắt"."”

Đồng ý rằng bài thơ không có tí hình ản ẩn dụ nào cả, không có cái gọi “Thi trung hữu họa” nào hết, nhưng “Thi trung hữu tình”… Nếu trong câu tiếng Nga “любовь угасла” nghe nó vẫn có sức gợi thì với tiếng Việt, nó lại bình thường: “Tình yêu đã tàn”. Tại sao vậy? Tôi cũng không đủ lý thuyết để bàn luận, nhưng tôi cảm thấy người Việt nam trong cuộc sống bình thường đôi khi dùng từ ngữ bóng gió, xa gần, mềm mại hơn người Nga. Ví như người Nga có thể bảo; ““Ôi, chia tay rồi. Hết yêu””  thì người Việt rất hay nói: ““Tình đã tắt. Chả thấy rung động gì nữa”…” Cái câu “Tình yêu đã tàn, đã tắt..” người Việt có thể dùng trong văn hàng ngày chứ người Nga không mấy ai nói: “"Любовь угасла"” trong câu chuyện thông thường cả. Như vậy , câu ấy người Nga thường dùng trong văn chương, trong khi viết lách, trong thơ ca… Và việc Thúy Toàn dịch cụm từ này bằng câu “Ngọn lửa tình” là điều hoàn toàn hiểu được. Nó thể hiện được cái thần của bài thơ. Tất nhiên tùy thích, bạn có thể dịch:

“Tôi yêu em, tình yêu, có lẽ
Đến giờ chưa tắt hẳn trong lòng tôi”


:-D

… Dịch thơ khó ở chỗ không phải là ““chuyển ngữ”” (một từ bây giờ họ rất hay dùng) mà là đưa thơ của người lạ thành thơ của người thân… Đọc một bài thơ dịch thấy dù lạ, dù khác vẫn gần gũi, vẫn dễ hiểu.. thì mới là một bài thơ dịch đúng nghĩa. Ở đây, theo tôi, chúng ta cần nghĩ đến yếu tố tiếng mẹ đẻ. Đôi khi người dịch có quyền được dịch xa nghĩa đen một chút để giữ được nghĩa sâu xa hơn của nguyên tác.
Rồi còn vần nữa chứ? Bài thơ đúng nghĩa, đúng từ mà không tìm được những từ ngữ hợp trong một khối nhuần nhuyễn của âm điệu, thanh sắc thì chưa gọi là dịch thơ, mới là dịch nghĩa cho bài thơ. Nhưng đương nhiên, cũng đừng vì vần điệu mà nhét vào đó những từ chả có liên quan tí nào đến ý tứ của bài thơ nguyên tác.

3. Bác NTL viết: ““Một nét độc đáo khác của bài thơ là sự "nghèo nàn" về ngôn ngữ.  Cái hay của bài thơ, vì thế, chủ yếu nằm ở các thủ pháp ngữ pháp đặc biệt, trong đó có cách ngắt câu ngập ngừng tôi đã nói ở trên."”

Tôi lại nghĩ khác. Bài thơ này ngôn ngữ chẳng hề nghèo nàn một tí nào. Không dùng từ ẩn dụ, tác giả nói “thẳng toẹt” cái điều cần nói. Nhưng đâu có nói một lần chữ Yêu. Pushkin nói chữ Yêu lặp đi lặp lại rất nhiều lần thông qua các trạng từ “безмолвно, безнадежно, искренно, нежно…” Nói một lần là đủ rồi, đây tác giả lại phân bua nhiều thế, nhấn đi nhấn lại nhiều thế… đủ thấy rằng tuy lí trí bảo là ““không để em bận lòng thêm mãi”” thì tình cảm vẫn cứ xui phải làm em bận lòng. Thủ pháp ““lặp đi lặp lại”” đã khiến tăng thêm cảm giác yêu đương cứ day dứt, cứ muốn kéo dài thêm mãi sự day dứt ấy. Riêng chỗ ““ngập ngừng”” thì tôi vẫn không đồng ý với bác Ngô Tự Lập ạ.

4.Bác NTL viết: “"Tóm lại, Puskin muốn nói: "Tôi là người yêu Em nhất", hoặc "Chẳng bao giờ có ai yêu Em được như tôi nữa đâu!""”

Riêng câu này tôi cũng có cảm giác như bác Ngô Tự Lập. Song, điều này ngay cả ở giới phê bình văn học ở Nga vẫn còn là điều đang bàn cãi. Ngay cả những người Nga khi đọc bài ““Tôi yêu em”” cũng nhiều người nghĩ theo ý mà dịch giả Thúy Toàn đã  dịch. Thậm chí trong sách giáo khoa phổ thông ở Nga cũng hướng dẫn các em học sinh phân tích theo ý như bác Toàn đã hiểu.

Tuy nhiên, hiểu theo ý mới cũng là cái hay, tôi thấy còn hay hơn cả cái ý “Vĩ đại” như ta vẫn thường nghĩ đến khi đọc bài thơ của Pushkin theo bản dịch của bác Thúy Toàn. Tình yêu tự nó vốn rất riêng tư, rất ích kỷ. Tôi thích Pushkin và thấy đúng là ông hơn nhiều nếu ông viết câu cuối với ý mà bác Ngô Tự Lập đã nêu.
Thế nhưng, vẫn xin được bàn thêm với bác Ngô Tự Lập rằng, phần dịch nghĩa của bác chưa hẳn đã chính xác. Điều đó dẫn đến sự hiểu câu cuối có phần cực đoan. Cấu trúc так, как ở đây không thể dịch là "đến mức" như bác nói. Đây là cấu trúc so sánh. Phải dịch là "như" mới đúng. Mà "như" thế nào khi mà hai chủ thể ở hai mệnh đề là khác nhau? Chỗ này đúng là rất khó dịch, khó hiểu. Có thể hiểu là Pushkin vẫn có ý chúc cho người mình yêu có được tình yêu như "Tôi đã từng yêu em", đồng thời ngầm ý nghi ngờ rằng không chắc có được tình như thế...Ở đây có lẽ có một chút hờn ghen, tự ái, giằn dỗi thì phải.

Trên đây là một số ý kiến cá nhân của một người đã từng học và yêu tiếng Nga. Xin mạn đàm cùng bác.

Thụy Anh
Thi Viện 9/3/2007
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Mình thấy cái bài này đọc ngộ quá, post vào đây để mọi người tham khảo nhé:

Góp ý dài: dịch mà không ghi là dịch

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi trả lời một bài phỏng vấn đã viện dẫn hai câu thơ:


Có thời có tự mảy may,
Không thời cả thế gian này cũng không.


Tác giả Tôn Văn cho rằng nhà văn hiểu chữ thời như một danh từ với hàm nghĩa “thời thế, thời cuộc” trong khi thực ra thì chữ thời vốn là kết từ thì nếu căn cứ vào nguyên tác chữ Hán của bài thơ. Nhà văn họ Nguyễn là nạn nhân của hai chủ trương: một chủ trương nhỏ: phép kỵ huý dưới chế độ phong kiến (thời là đọc trại tên Thì của vua Tự Ðức); một chủ trương lớn: giới thiệu thi ca của tiền nhân nguyên vốn là chữ Hán qua những bản dịch sang Quốc ngữ mà không chịu nhấn mạnh rằng tác phẩm vốn được cưu mang bằng Hán văn. Nhưng dầu sao Nguyễn Huy Thiệp cũng chỉ là một nạn nhân... nhỏ. Có một nạn nhân vĩ đại hơn ông nhiều. Ðó là Bác.

Xuân Vũ vốn không ưa Bác. Gặp dịp là xỏ xiên, xài xể, xét xử, xỉa xói. Trong cuốn Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết do Xuân Thu xuất bản ở Hoa Kỳ (California) năm 1998, ít nhất ba lần Xuân Vũ cho rằng Bác làm thơ trật vần (trang 164, trang 242, trang 316). Chỉ có một bài tạm được, giữ đúng vần:


Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.


Tuy thế, đây “chỉ là một bài thơ tầm thường, nó nông phèn phẹt, nó mỏng bèng bèng, tư bản hay cộng sản đều không vin vào đâu mà khen được." Oan Bác quá đi mất. Bác đâu có “mần" bài thơ đó! Tác phẩm của Bác nguyên viết bằng chữ Hán, phần lớn theo thể thơ tứ tuyệt, cơ mà! Xuân Vũ chỉ đọc bản dịch của chư vị ở Viện Văn học hoặc của ai đó rồi đè Bác xuống mà phang túi bụi là làm thơ trật vần!

Ðến lượt mình, ông Vũ Thư Hiên, vốn tự nhận là người làm văn học, từng tự nguyện thuyết trình về văn học cho ông bạn tù Phùng Mỹ, cũng lại trích thơ Bác trong Ðêm giữa ban ngày, Văn Nghệ xuất bản, California, 1957, trang 458; mà những câu thơ trích đều bằng Quốc ngữ! Ngộ nghĩnh hơn nữa, câu thơ bài này ông đem ghép vào tứ thơ bài kia (câu của bài "Ngọ" tháp với câu của bài "Thuỵ bất trước"). Tội cho Bác quá!

Trên Y tế nguyệt san số tháng 06-2000, có tác giả dẫn hai câu thơ:


Tân gia từ vượt con tàu
Mới hay vũ trụ một bầu bao la.


và cho rằng khổ lục bát này là của Cao Bá Quát. Lại thơ dịch mà không biết là dịch. Cao Chu Thần chỉ có những tập thơ chữ Hán Chu Thần thi tập, Cúc Ðường thi loại, Mẫn Hiên thi tập, Mẫn Hiên thi loại. Ông đâu có sáng tác thơ lục bát bằng Quốc ngữ, lại là Quốc ngữ hiện đại! Hai câu thơ trích dẫn thực ra vốn viết bằng Hán văn và thuộc bài “Ðề Sát viện Bùi công Yên đài anh ngữ khúc hậu”.

Ngay những công trình biên khảo công phu, đứng đắn, có tính cách qui phạm, có giá trị tra cứu cũng phạm khuyết điểm này. Ví dụ bộ Nguyễn Trãi toàn tập do Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học xuất bản năm 1976 ở Hà Nội, trình bày nhiều bài thơ nôm Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập với đầu đề Quốc ngữ tuy rằng Ức Trai khi sáng tác chúng đã đặt đầu đề chữ Nho: “Răn sắc” đúng ra là “Giới sắc”, “Dạy con trai” thực ra là “Huấn nam tử”, “Ðầu xuân đắc ý” nguyên là “Tảo xuân đắc ý”, “Về Côn Sơn ngẫu tác ngày trùng cửu” chính là “Qui Côn Sơn trùng cửu ngẫu tác” v.v… Rất nhiều tài liệu viết về các danh nhân văn học đã đan cử thi văn tổ tiên theo cung cách tương tự. Sáng tác bằng chữ Hán, đặt đề bằng chữ Hán (cho các bài thơ Nôm hay cho các bản dịch thơ chữ Hán sang tiếng Việt) là một đặc tính văn học sử. Nó có nguyên do, có lý lẽ, có ý nghĩa, có mục đích của nó; mà tôi không muốn trình bày nơi đây. Chỉ có một vài ngoại lệ, ví dụ trường hợp bài “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến. Khi đưa nó vào sách giáo khoa dành cho các nam nữ học sinh tiểu học Pháp-Việt, các soạn giả đã đặt đầu đề mới là “Mùa thu ngồi câu cá”, có lẽ vì ngại rằng chữ điếu khó quá, cao quá đối với các lắc léo mẹ giồng lô [2] thời bảo hộ.

Trở lại với hai câu thơ được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đan cử. Theo hình thức và nội dung, đó chẳng những là một bài thơ mà có thể đó còn là một bài kệ, vốn là thể loại thi ca rất được các thiền sư thiện dụng. Và không phải ngẫu nhiên mà nguyên tác thi phẩm đã được trình bày theo thể tuyệt cú. Nhà thơ sáng tác theo tuyệt cú, qua thi pháp và thể loại, khiến liên hội đến quyết tâm chống đối thời gian tàn nhẫn qua đi mà không bao giờ trở lại, khi nhất định khắc ghi cho kỳ được một chớp mắt tâm tình, một sát-na tâm cảnh. Tuyệt cú ngắn gọn, súc tích, chặt chẽ, cô đọng, đậm đặc, bão hoà rất phù hợp với chủ đích ghi lại một cách nhanh chóng nhất giây phút đốn ngộ, thời điểm xuất thần của nhà tu hành. Tuyệt cú chứa đựng những năng lượng trí tuệ tích tụ đến độ căng thẳng, có tác dụng to lớn nhằm khai ngộ cho những tâm hồn khao khát chân lý Phật giáo. Tất nhiên ngôn ngữ thi ca nói chung là hình thái ngôn ngữ đậm đặc, ngữ khí thi ca nói chung vốn có thể cách ngữ khí nén ép. Và chẳng phải chỉ riêng tuyệt cú hay kệ mới có lời chật nhưng ý rộng, lời gần mà ý xa, lời cạn tải ý sâu. Tuy nhiên do độ dày của nó, do tỷ trọng của nó, do nồng độ của nó nên tuyệt cú và kệ bắt buộc phải hàm súc mà hiển lộ, phải nói cái tối thiểu để diễn tả cái tối đa. Ðặc quánh về từ vựng, đàn hồi về ngữ nghĩa, đó là kệ. Kệ tiết chế âm tiết đến tối đa; nó kín đáo, thâm trầm, ít nói, kiệm lời. Nó là nghệ thuật lược văn, lược từ tinh luyện nhưng nó cũng là nghệ thuật gợi ý, dẫn khởi siêu đẳng. Kệ, qua hình thức tuyệt cú, là hình thức ngôn ngữ đặc thù để nói lên, trong một tích tắc và vào một đỉnh điểm, tư tưởng Thích giáo hay Thiền học. Chính khả năng hiểu biết sâu sắc về vũ trụ, về nhân sinh của đệ tử nhà Phật là động cơ thúc đẩy sự hình thành của kệ, nó là kết quả của nhận thức duy lý. Kệ là thi ca suy lý. Kệ thông qua cảm thụ trực tiếp của nhà thơ đối với cuộc sống mà bày tỏ tình cảm, rồi từ đó truyền lan sang giới thưởng ngoạn. Cho nên khi chuyển nguyên tác mỗi dòng năm chữ sang văn xuôi hay sang thơ Quốc ngữ thì độ dài câu văn hay câu thơ rất khó giữ nguyên. Từ đó đưa đến hiểu lầm nội dung, hiểu sai ý tứ.

Nguyên văn bài thơ (hay kệ?) chúng ta đang đề cập được ghi trong Thiền uyển tập anh và trong Lĩnh nam chích quái. Tác giả của nó, theo Thơ văn Lý Trần, Tập I, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, trang 345, là Từ Ðạo Hạnh (Ngô Tất Tố trong Văn học đời Lý không ghi):


Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thuỷ nguyệt,
Vật trước hữu không không.


Nhóm biên soạn đặt cho nó đầu đề "Hữu không" và dịch nghĩa là:


Bảo là “có” thì từ hạt cát, mảy bụi đều có,
Cho là “không” thì hết thảy đều không.
“Có” với “không” như ánh trăng dưới nước,
Ðừng có bám hẳn vào cái “có” [và cũng] đừng cho cái “không” là không.


Bản dịch thơ được truyền tụng là do đại sư Huyền Quang chấp bút (!):


Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Vừng trăng vằng vặc in sông,
Chắc chi có có, không không mơ màng.


Như thế, khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, vì sử dụng một tài liệu văn học nào đó mà soạn giả hay các soạn giả không ghi chú minh bạch, nhấn mạnh cẩn thận là nguyên tác bài thơ vốn bằng chữ Hán mà chỉ khơi khơi giới thiệu nó bằng Quốc ngữ, thì ông đã là một nạn nhân rất đáng yêu.

Trần Văn Tích

Westpreussenstr., 24.07.2007

© 2007 talawas

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10513&rb=07
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Mình mới đọc được bài này:

Dịch - không đơn thuần là chuyển ngữ


Đúng như tiêu đề “Văn học dịch - không đơn thuần là chuyển ngữ”, những câu hỏi đáp giữa các dịch giả với những người tham dự thực sự đã xới lên nhiều vấn đề liên quan đến quan niệm và cách thức dịch một tác phẩm văn học.


Dịch giả Hương Lan, vốn là một giáo viên tiếng Anh và chuyên dịch các tác phẩm văn học thiếu nhi, cho rằng dịch thuật là một mảnh đất quyến rũ và nguy hiểm. Càng khám phá nó, chị càng nhận ra một nguyên tắc là “phải nắm bắt được cái thần của câu chuyện và chuyển tải càng chính xác càng tốt”. Trong khi đó, dịch giả Dương Tường với hơn 50 năm trong nghề, lại cho rằng, dịch giả phải là người đồng sáng tạo tác phẩm. Người dịch có rất nhiều lề tự do trong khuôn khổ trung thành với nguyên tác. Nhưng ông cũng cho rằng, người dịch phải dụng công truyền đạt đúng phong cách của nhà văn - tác giả. Chẳng hạn như Nguyễn Tuân là một nhà văn dụng công làm chữ, nếu khi dịch ra một thứ tiếng khác mà bỏ qua điều đó thì sẽ “mất rất nhiều cái chất Nguyễn Tuân”.


Tuy vậy, đối với dịch thơ, thì công việc đó thật sự khó khăn. Nhà thơ Hoàng Hưng nhận định, thơ rất khó dịch, và chỉ nên dịch thơ khi chính người dịch cũng là một nhà thơ. Và phong cách của người dịch thơ tất nhiên có ảnh hưởng rất lớn. Ở Việt Nam thực tế đã có những nhà thơ bản lĩnh cực lớn, nên dịch thơ của ai cũng thành ra... thơ mình!  Vậy nên, đối với thơ hiện đại, người dịch nên cố gắng giữ nhịp điệu, tiết tấu của bài thơ, bởi đó chính là những yếu tố biểu hiện xúc cảm. Về lĩnh vực này, nhà thơ Thái Bá Tân, cũng là một người dịch rất nhiều thơ từng phản đối việc dịch thơ nước ngoài thành thể lục bát. Vậy nên, [dịch giả Trịnh Lữ nói, ông đồng ý với quan niệm, thơ không nên dịch[/b].


Và ông nói mình không chú trọng lắm đến cách dịch semantic (ngữ nghĩa) và quan tâm hơn đến việc chuyển tải văn hóa.


“Dịch ngữ nghĩa dù chính xác đến mấy cũng sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “dịch là phản”. Ông quan tâm đến việc chuyển tải cho người đọc cảm giác về tác phẩm y như cảm giác của người bản ngữ khi đọc nguyên tác, nghĩa là không chỉ toàn bộ thông tin mà còn cả xúc cảm.  


Không đơn thuần là chuyển ngữ, điều đó lý giải vì sao ngày nay người giỏi ngoại ngữ rất nhiều, nhưng số người dịch văn học thực sự giỏi thì lại rất hiếm. Vậy nên, đừng dịch vội, hãy dừng lại một chút, học hỏi và suy ngẫm, đó có lẽ là lời khuyên cần thiết cho những bạn trẻ sắp bước vào lĩnh vực này. Bởi thực sự công việc dịch thuật, đặc biệt là dịch văn học, đòi hỏi rất nhiều đam mê và khổ luyện.


HỒNG MINH

(nguồn: web.hanu.vn/de/file.php/1/moddata/forum/1/13/Cac_ban_tre_dung_voi_dich.htm - 20k )
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

sabina_mller

Chị ơi, "thơ khg nên dịch" tức là sao hả chị? Vậy tức là nếu khg biết ngoại ngữ thì chỉ có thể đọc thơ tiếng Việt thôi? Khi dịch thuật thì dù là truyện hay thơ gì thì cũng có khó khăn cả, khg những chỉ là chuyển ngữ, mà còn truyền tải hồn của tác phẩm, nhưng mà khg dịch thì có mấy người biết đc văn học nước ngoài? Còn "chỉ nên dịch khi mình cũng là nhà thơ" thì em thấy khg thống nhất lắm, như TV mình chẳng hạn, nếu biết ngoại ngữ, đọc bài thơ thấy yêu thích thì dịch thôi, chắc các bác ấy ý bảo là khg nên dịch xuất bản bán đấy chứ nhỉ chị? Chứ còn dịch mà tung lên mạng như chị em mình thì chẳng có gì mà khg đc nhỉ?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Đó chính là vấn đề ở đây.
Mình thấy, những ý kiến ở trên có nhiều chỗ chưa xác đáng, chưa thuyết phục.
Thứ nhất: "chỉ nên dịch thơ khi người dịch là nhà thơ!!!" - Thế nào là một nhà thơ? Là người in thơ nhiều và sinh hoạt trong các Hội, các cơ quan văn hoá chăng? Thực tế cho thấy, nhiều nhà thơ đã từng dịch thơ, không nắm chắc ngôn ngữ, nền văn hoá và lịch sử xã hội của nơi bài thơ ấy ra đời... và cuối cùng là làm thơ trên cơ sở gợi ý của bài thơ gốc, chứ không hề chuyển tải đến người đọc được hồn thơ, ý thơ của tác giả. Mà chính người phát biểu ý kiến này, sau đó đã nói ngay một câu rất mâu thuẫn "Ở Việt Nam thực tế đã có những nhà thơ bản lĩnh cực lớn, nên dịch thơ của ai cũng thành ra... thơ mình!"

Việc dịch thơ nước ngoài qua thể thơ lục bát, ở đây, theo mình, dịch giả Thái Bá Tân nói có phần đúng, nhưng chưa kín kẽ. Không nên lạm dụng thể thơ lục bát để dịch thơ nước ngoài, nhưng phản đối hoàn toàn là điều không hợp lý. Với rất nhiều bài thơ nước ngoài, khi nội dung mang âm hưởng buồn và âm điệu của nó có độ dàn trải, tương đối hợp với sắc thái nhịp nhàng, khoan nhặt của thể thơ lục bát, thì việc dùng thơ lục bát dịch bài thơ ấy lại là một thành công, đưa bài thơ đến gần gũi với tâm hồn người Việt Nam hơn. Ở đây không thể không nói đến những bản dịch lục bát thành công của chú Hoàng Tâm. Đó là chưa nói đến các bài thơ Trung Quốc, ngoài việc dịch theo thể Đường luật, dịch bằng thể lục bát nghe cũng rất vào.

Lẽ đương nhiên, mình cũng phản đối việc lạm dụng dùng thể thơ lục bát để dịch thơ. Cần phải cân nhắc thật kỹ sau khi đã đọc kỹ bài thơ gốc, thậm chí đọc to và diễn cảm lên, bằng trực giác, người dịch sẽ chọn lựa được thể thơ tương ứng.. (trong đó có thể.. dông dài mà em Cammy phát hiện ra!!!)

"Thơ không nên dịch" - cái này quả thực là câu nói mình ghét nhất trong bài này. Vâng, dịch có thể là phản, và đúng, nhiều khi, mình thích đọc các bản nguyên gốc hơn. Nhưng nếu mình không biết thứ tiếng ấy thì chắc là mình sẽ chẳng bao giờ được đọc thơ của tác giả ấy mất nếu mà "không nên dịch"... Cái câu "không chú trọng lắm đến cách dịch semantic (ngữ nghĩa) và quan tâm hơn đến việc chuyển tải văn hóa" - nghe lại càng mù mờ. Dịch ngữ nghĩa là gốc của chuyển tải văn hoá chứ!!! Thật sự không hiểu ông nhà thơ này đang nói gì!

Dịch thơ, theo mình là việc khó, nhưng là việc nên làm, cần làm, và là công việc không phải của riêng ai - không của riêng các nhà thơ! Tuy nhiên, cũng đừng vội lao vào việc này mà quên đi sự trau dồi một cái phông văn hóa, phông tri thức nền, vốn liếng ngôn ngữ vững chắc. Điều đó làm nên cái gọi là "cảm nhận ngôn ngữ" - không chỉ về ngữ pháp, vỏ ngữ nghĩa của từ, nó còn là một sự nhạy cảm về ngôn ngữ rất cần thiết cho một người dịch, kể cả dịch văn xuôi lẫn dịch thơ. Và sau hết, người dịch cần là biết cách sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ thật linh hoạt...

Tất cả những điều này nói ra, không phải là để người bình thường như chúng ta chùn bước, chẳng dám ngó ngàng gì đến dịch thơ nữa cả. Đó chỉ là những tiêu chí để chúng ta hướng tới. Nhưng nếu không tập dượt, không làm, không thử sức mình, thì liệu có bao giờ đạt được mục đích ấy không?

Vì thế, theo mình, những bạn đã và đang thử sức mình trong lĩnh vực này, cứ mạnh dạn lên. Có thể ban đầu những bài thơ dịch của mình rất ngô nghê, nhưng đó là cái bậc thang ở dưới mà, mình sẽ vững bước dần lên... Quan trọng nhất là: luôn luôn học hỏi, trau dồi kiến thức về văn hoá và ngôn ngữ, "bại không nản, thắng không kiêu..." (Hi hi, nghĩa là dịch chưa hay thì không nản, mà dịch được mọi người.. khen thì chớ vội kiêu mà tự hài lòng với bản dịch của mình!!!)...

Và một điều mình rất muốn nói nữa, đó là cảm xúc - là sự rung động! Dịch một bài thơ mà không rung động với bài thơ đó - thì hẳn là bản dịch sẽ không đạt yêu cầu! Thơ là rung động của trái tim cơ mà, đúng không ạ?

Thế, Sabina ạ, cho nên, ai nói gì thì nói, Thi Viện chúng mình dịch thơ thì cứ dịch.. Nhưng phải.. rung động nhá, đừng có bài nào cũng dịch mà chưa kịp cảm nhận gì về bài thơ ấy. Phải bình tĩnh, thật thật bình tĩnh.. Hi hi hi
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

À, nhưng riêng cái đầu bài trên kia, mình lại rất tâm đắc - Dịch không đơn thuần là chuyển ngữ
Sao mình ghét cái từ "chuyển ngữ" thế! Cảm giác như kiểu - thay vì dùng những dấu hiệu ngôn ngữ của tiếng này, mình chuyển sang dùng các dấu hiệu ngôn ngữ của tiếng kia - thế, gọi là chuyển ngữ! Hi hi. Dịch... nó bao hàm ý nghĩa rộng hơn, trong đó có cả các vấn đề về ngôn ngữ và cảm xúc nữa.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 3 trang (25 bài viết)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối