LẠM BÀN VIỆC DÙNG THANH
VÀO THƠ TNBC ĐƯỜNG LUẬT BIẾN THỂ

Muốn có thơ hay thì thơ phải giàu nhạc. Muốn có nhạc cho thơ cần điều chỉnh 3 yếu tố: THANH (thuộc về cú pháp), vận (chương pháp), điệu (thuộc về vừa cú pháp vừa chương pháp) bài thơ mới có nhạc. Trong phạm vi bài viết này chúng ta cùng trao đổi về Thanh.

Trước khi đề cập về thanh, một số khái niệm cơ bản về ÂM và THANH dễ gây nhầm lẫn. Xin nói rõ âm cũng là tiếng mà thanh cũng là tiếng, nhưng:

- ÂM là tiếng gốc, giọng bằng phẳng không lên không xuống, không cao không thấp.
- THANH là giọng lên xuống cao thấp của âm, là cung bậc của tiếng gốc.

Nhờ có môi, răng, lưỡi, họng ảnh hưởng mức độ khác nhau lúc phát âm mà âm được phát ra tròn vẹn. Khi thì âm chịu ảnh hưởng chính bởi môi (tiếng môi hay thần âm, như: qua, quan, va van…), khi thì âm chịu ảnh hưởng bởi răng (tiếng răng hay xỉ âm, hầu hết tiếng khởi đầu bởi S và X như: sa, sinh, xa, xinh…), khi thì âm chịu ảnh hưởng bởi lưỡi (tiếng lưỡi hay thiệt âm, hầu hết các tiếng khởi đầu bởi phụ âm như: c, d, đ, g, h…), khi thì chịu ảnh hưởng bởi họng (tiếng họng, hầu âm, hầu hết nguyên âm như: a, e, ê, ư, o, u…).

Nhìn về mặt chữ, âm là những tiếng gốc, chữ không có dấu, không có cung bậc trầm bổng, lên xuống.

Hiểu đúng về âm, làng thơ Đường luật có biến thể BÁT VẬN ĐỒNG ÂM, lấy ví dụ bài…, cả 8 âm cuối mỗi câu đều có âm (tiếng gốc) giống nhau (tại sao lại gọi là bát vận xin chia sẻ vào dịp khác).

Thêm 5 dấu huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã vào âm (tiếng gốc) lúc này âm trở thành THANH có giọng cao, giọng thấp, giọng lên, giọng xuống. Vì có 5 dấu tạo thành 5 THANH cộng với một âm không thêm dấu coi như một thanh không nên mỗi âm có 6 THANH ĐỘ:

- Phù bình thanh: không dấu
- Trầm bình thanh: huyền
- Phù thượng thanh: ngã
- Trầm thượng thanh: hỏi
- Phù khứ thanh: sắc
- Trầm khứ thanh: nặng

Chữ Hán không có dấu, khách làm thơ bên Việt cũng như bên Tàu chia Thanh ra làm 4 độ, gọi là Tứ thanh (Bình, Thượng, Khứ, Nhập). Thuyết Tứ Thanh (Bình, Thượng, Khứ, Nhập) đã có từ thời Lục triều. Đến thời nhà Thanh lại chia thanh Bình ra làm hai là phù bình và trầm bình, hợp với thượng, khứ, nhập thành Ngũ thanh)

Tuy nhiên trong tiếng Việt, những tiếng có hậu phụ âm c, ch, p, t chỉ có thể thêm được dấu sắc và dấu nặng. Làng thơ quốc âm lấy Nhập thanh đem chia làm hai độ Phù – Trầm để nhập vào 6 thanh Bình, Thượng, Khứ để tạo thành tổng cộng 8 THANH ĐỘ:

1. Phù bình thanh: không dấu
2. Trầm bình thanh: huyền
3. Phù thượng thanh: ngã
4. Trầm thượng thanh: hỏi
5. Phù khứ thanh: sắc
6. Trầm khứ thanh: nặng
7. Phù nhập thanh: sắc (hậu phụ âm c, ch, p, t)
8. Trầm nhập thanh: nặng (hậu phụ âm c, ch, p, t)

Khi âm chuyển thành thanh thì tiếng gốc không dấu đã hoà mình với tiếng có dấu để hợp thành TÁM THANH ĐỘ, thì âm trên danh nghĩa tuy vẫn còn nhưng thực tế không còn nữa. Cho nên cổ nhân hợp thanh và âm lại làm một, và gọi là âm hay là thanh là tuỳ nghi chứ không cố chấp. Sách bàn về thơ thường nói về thanh chứ ít nói về âm.

Trong tiếng Việt, có loại tiếng Bằng và loại tiếng Trắc:
- Tiếng Bằng: gồm 2 thanh độ Bình.
- Tiếng Trắc gồm tất cả 6 thanh độ: Thượng, Khứ, Nhập.

Việc chơi TNBC Đường luật liên quan đến thanh dấu đã được người Việt chơi thay vì dùng từ thuần Việt đặt tên lại dùng từ Hán Việt đặt tên. Từ đó đã có tới 6 dạng biến thể về thanh dấu mang tên Hán Việt tương ứng với số dấu trong câu.

Cũng bởi sự lạm dụng từ Hán Việt để ám chỉ cho số thanh dấu trong các biến thể về dấu mà chúng ta quên đi ý nghĩa về thanh điệu cần thiết để thơ có tính nhạc.

Cũng bởi tiếng Việt chỉ có 6 thanh dấu nên các biến thể THUẦN TUÝ VỀ DẤU mang tên Hán Việt mới chỉ có từ nhất nhị… đến lục thanh rồi bị chững lại. Chưa có biến thể THẤT THANH chuyên lối chơi về dấu có lẽ giải thích là như vậy. Gần đây Hương Quê có đề cập tới biến thể THẤT ĐỘ THANH có liên quan đến cả thanh dấu và thanh độ.

Chúng ta cùng thảo luận một số biến thể thơ TNBC ĐL liên quan đến thanh dấu và thanh độ. Vì mỗi câu thơ trong bài thơ liên quan đến thanh nôm na đều như nhau về cấu trúc thanh nên mỗi thể loại chúng ta chỉ dùng một vài câu làm ví dụ:

1. Thể nhất thanh (tiếng Việt gọi là MỘT DẤU):

Vd câu: “Hôm nay chung vui đi bên nhau”.

- Một vài nhận xét chung: Mỗi chữ đều một dấu (phù bình thanh), Tuy nhiên:
Về LUẬT các chữ bắt buộc đúng luật (2-4-6) trở thành thất luật tới 50%,
Về NIÊM do các câu giống nhau nên gọi là đúng niêm không sai,
Về ĐỐI chỉ còn là đối ý và đối từ loại chứ không còn đối thanh,
Về VẬN không thay đổi.
Như vậy, dáng dấp của một bài thơ TNBC ĐL vẫn còn nhưng thay đổi khá nhiều. Bài có thể hiểu là chơi thanh dấu hoặc chơi thanh độ đều đúng. Dùng tiếng Hán Việt đặt tên NHẤT THANH là hợp lý.

- Ưu điểm: Thể này cho ra cách đọc đều đều từ đầu đến cuối bài thơ tạo ra một nét vui riêng.
- Nhược điểm: Nhiều lỗi thất luật.
- Đề nghị: Không nên quá khắt khe coi đây không phải là thơ Đường luật. (ví như con thiên nga có nhổ hết lông đi rồi khoác lông cừu lên mình nó và mổ bụng nó ra rồi nhồi ruột vàng vào trong thì nó vẫn là thiên nga.)

2. Thể nhị thanh (tiếng Việt gọi là THỂ HAI DẤU).

Vd câu thơ:
“Sáng sớm đôi chim luôn háo hức
Bên nhau phấn chấn líu lo ca”.

- Một vài nhận xét chung: Hai câu thơ trên về dấu thì mỗi câu có HAI DẤU đúng như cái tên gọi theo tiếng Việt có HAI THANH DẤU. NHưng xét về thanh độ, câu trên lại có 3 THANH ĐỘ chứ không phải là 2 thanh. Câu trên GỒM phù khứ thanh (sáng, sớm, háo), phù bình thanh (đôi chim luôn) và phù nhập thanh (hức); Câu dưới chỉ 2 THANH ĐỘ.
- Ưu điểm: Có thể viết thơ vui. Không ảnh hưởng tới đặc điểm chung của thơ TNBC ĐL
- Nhược điểm: kém trầm bổng nên nghèo nhạc.
- Đề nghị: Nếu dùng tiếng Việt đặt tên HỢP LÝ là THỂ HAI DẤU thì lối chơi 2 dấu như cũ. Nếu dùng Hán Việt đặt tên NHỊ THANH hoặc Nhị độ thanh thì CẦN XÉT cả về thanh dấu và thanh độ đáp ứng mỗi câu chỉ 2 thanh dấu và hai thanh độ.

3. Thể tam thanh (tiếng Việt gọi là THỂ BA DẤU).

Vd câu thơ:
“Bao ngày bối rối mấy vần thơ
Muốn lắm nhưng vì mắc chứng trơ”.

- Một vài nhận xét chung: Mỗi câu đúng là có BA DẤU phù hợp với tên gọi là THỂ BA DẤU. Tuy nhiên, câu trên BA THANH ĐỘ gồm phù bình thanh (bao, thơ), trầm bình thanh (ngày, vần) và phù khứ thanh (bối rối mấy). Câu dưới BỐN THANH ĐỘ gồm phù bình thanh, trầm bình thanh, phù khứ thanh (muốn, lắm, chứng), phù nhập thanh (mắc).
- Ưu điểm: Là một cách chuyển tải thông điệp cảm xúc.
- Nhược điểm: độ trầm bổng kém nên nghèo nhạc.
- Đề nghị: Nếu dùng tiếng Việt đặt tên HỢP LÝ là THỂ BA DẤU thì lối chơi 3 dấu như cũ. Nếu dùng tiếng Hán Việt đặt tên THỂ TAM THANH hoặc Tam độ thanh thì nên xét cả về thanh dấu và thanh độ đáp ứng mỗi câu ĐỦ 3 thanh dấu và ĐỦ BA THANH ĐỘ mà KHÔNG phải là BỐN thanh độ mà vẫn đặt là tam thanh.

4. Thể tứ thanh (tiếng Việt gọi là THỂ BỐN DẤU).

Vd câu thơ:
“Nghe lòng thấp thỏm nhớ về ai
Để sớm chiều vương tiếng thở dài”.

- Một vài nhận xét chung: Mỗi câu đủ 4 dấu đúng với cái tên THỂ BỐN DẤU theo tiếng Việt mà bạn chơi biến thể này đã áp dụng. Tuy nhiên, câu trên NĂM THANH ĐỘ gồm phù bình thanh (nghe, ai), trầm bình thanh (lòng, về), phù nhập thanh (thấp), trầm thượng thanh (thỏm), phù khứ thanh (nhớ). Câu dưới BỐN THANH ĐỘ phù bình thanh, trầm bình thanh, trầm thượng thanh và phù khứ thanh.
- Ưu điểm: trầm bổng khá, nhạc khá.
- Nhược điểm: (…)
- Đề nghị: Thuyết TỨ THANH (Bình, thượng, khứ, nhập) đã có gần 2 ngàn năm nay từ thời Lục triều (222 – 589) đề cập tới tứ thanh có nghĩa là nói tới thanh độ. Nếu dùng tiếng Việt đặt tên HỢP LÝ là THỂ BỐN DẤU thì lối chơi 4 dấu THUẦN TUÝ như cũ. Nếu dùng tiếng Hán Việt đặt tên THỂ TỨ THANH hoặc Tứ độ thanh thì BẮT BUỘC xét cả về thanh dấu và thanh độ đáp ứng mỗi câu đủ BỐN THANH DẤU và đủ BỐN THANH ĐỘ.

5. Thể ngũ độ thanh (tiếng Việt gọi là THỂ NĂM ĐỘ THANH DẤU).

Vd câu thơ:
“Chân trời ửng nắng gợi niềm thương
Thấu hiểu lòng nhau mỗi chặng đường”.

- Một vài nhận xét chung: Câu trên NĂM DẤU, NĂM ĐỘ. Câu dưới SÁU DẤU, SÁU THANH ĐỘ. Biến thể này rất trọng về cách dùng thanh dấu cũng như thanh độ xen kẽ có qui luật rõ ràng hoặc câu 5 độ 5 dấu hoặc câu 6 độ 6 dấu tương xứng.
- Ưu điểm: Giàu tính nhạc.
- Nhược điểm: Hạn chế áp dụng từ láy cùng thanh độ.
- Đề nghị:
Tên gọi theo TV hoặc theo HV khi dựa vào thanh dấu hoặc thanh độ để đặt tên đều chưa bao hàm hết và có nghĩa là chưa thoả đáng. Tên gọi nếu mà đặt lại (chỉ dựa vào thanh dấu và thanh độ để đặt tên) là LỤC ĐỘ THANH thì có ý nghĩa cũng tương đương với NGŨ ĐỘ THANH (số câu tương đương).

Tại sao lại đặt tên là NGŨ ĐỘ THANH có lẽ tác giả còn dựa vào điểm nào đó nữa mà chúng ta chưa biết nhưng nếu dựa cả vào thanh dấu và thanh độ toàn bài để đặt tên thì cần xem xét lại.

Dĩ nhiên, nếu chỉ dùng 1 bất luận mà bất luận không phải là lỗi áp vào câu 6 thanh dấu 6 thanh độ thì dễ dàng câu đó chuyển thành 5 độ 5 dấu mà tính nhạc không thay đổi bao nhiêu, tên cũ vẫn khớp và bao hàm toàn bài nói về thanh độ và thanh dấu rất đúng.

Mặt khác, cũng có thể không bất luận mà dùng từ láy thanh áp vào đầu câu 6 thanh như lác đác, lất phất, bảng lảng… là có thể khắc phục về 5 độ 5 dấu mà lại còn có cơ hội dùng láy thanh trước đây không dùng được, tính nhạc cũng như độ trầm bổng không thay đổi nhiều.

6. Thể lục thanh (tiếng Việt gọi là THỂ SÁU DẤU).

Vd câu thơ:
“Một chiều đứng dõi cảnh thuyền qua
Hiểu nỗi buồn vương gót ngọc ngà”.

- Một vài nhận xét chung: Mỗi câu tròn trĩnh cả 6 thanh dấu, 6 thanh độ. Đặt tên theo Hán Việt là hoàn toàn HỢP LÝ.
- Ưu điểm: Giàu tính nhạc
- Nhược điểm: (…)
- Đề nghị: (…)

7. Thể THẤT ĐỘ THANH, vì đây là thể mới lần đầu tiên do Hương Quê đề xuất, xin lấy ví dụ 4 bài đủ luật bằng, trắc và vận bằng, vận trắc làm ví dụ:

Bài 1
ĐƯỜNG HAI LỐI RẼ
(Thất độ thanh)

Một bữa chạnh lòng hỏi gió mây
Cớ sao khắp nẻo quạnh quẽ vầy
Phố sầu nhạn tủi dõi phương Bắc
Nghĩa khảm bạn dời lấp núi Tây
Chỉ ngẫm đắp bồi nhung nhớ nọ
Đã cam chịu lấy thấp thỏm nầy
Chắc duyên hữu hạn sớm mà bỏ
Thẳng thắn rẽ rồi nhẹ bước đây.

Hương Quê
---
Bài 2
CHỌN MỘT CON ĐƯỜNG
(Thất độ thanh)

Chắc rằng mãi được sống khoẻ lâu
Vượt quãng gió mưa bớt tủi sầu
Chắp mảnh nghĩa tình thơm vạn lối
Dạo lời nhạc khúc thoả mỗi câu
Áng thơ trộm giữ phút ngoài biển
Dải mộng lãng theo nước dưới cầu
Mặc sức thả lòng cho nhẹ nhõm
Chẳng màng cát trắng vỡ tận đâu.

Hương Quê

---
Bài 3
CHƠI BIẾN THỂ BÁT CÚ
(Thất độ thanh)

Viết sang thể lạ ngẫm rằng thú
Cũng bởi tại thương dòng bát cú
Gió bảo gác mau chuyện nỗi niềm
Bạn mừng nhắc kỹ luật thơ phú
Lấy tâm tập chắp mãi mọi chiều
Nhủ dạ học thêm hoài các chú
Chuốt gọt vạn lần chẳng dám lơi
Thật mơ phác hoạ để đừng khú.

Đăng Lộc

----
Bài 4
TRẢ HẾT
(Thất độ thanh)

Quẳng hết sạch sanh dòng nợ cũ
Mặc đời nhẹ nhõm thấy xong đủ
Ném sầu lẫn tủi khuất chuyện qua
Giũ đợi với chờ ngon giấc ngủ
Nguyệt sáng cỏ hoang kệ đất trời
Dạ ngời lúc rảnh ngẫm thơ phú
Để rồi đỡ chịu khúc luyến thương
Dạo cảnh cõi trần len thích thú./.

Đăng Lộc

- Một vài nhận xét chung:
Mỗi câu đủ BẢY THANH ĐỘ, có câu 6 thanh dấu, có câu 5 thanh dấu. Về tên gọi, không thể dùng tiếng Việt tương đương để đặt là Thể bảy dấu chỉ vì đơn giản tiếng Việt chỉ có 6 thanh dấu.

Coi thất luật là cố tình mà tạo ra nét độc đáo thì không vấn đề gì. Ví như bài Đèo ba dọi của Hồ Xuân Hương có câu “Một đèo, một đèo, lại một đèo” thất luật tới 1 chữ đã tạo ra nét độc đáo lưu truyền.

Hoặc trong kiệt tác Độc tiểu thanh ký của Nguyễn Du thất luật tới 6 chữ (do thất niêm mà ra): “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. CŨng nhờ có 2 câu thất niêm mà bài thơ trở thành kiệt tác bù đắp đi cái sự kể lể thông thường của 6 câu đầu trong bài.

- Ưu điểm: Giàu tính nhạc
- Nhược điểm: Bài còn 1 tới 3 từ thất luật khó tránh.
- Đề nghị: Nên dùng đủ 6 thanh dấu cho mỗi câu để mỗi câu có 7 thanh độ. Người mới tập chơi nên chỉnh về luật và tròn về ý, chưa nên chơi thể loại này. Người chưa hiểu về giá trị của của thanh tới tính nhạc trong thơ, trong khi lại quá chú trọng về luật thơ không nên nhìn nhận và đánh giá biến thể này một cách phiến diện.

Mỗi biến thể thơ TNBC ĐL về thanh dấu và thanh độ đều có nhiều ưu điểm và khuyết điểm. Lựa chọn biến thể nào đó để chuyển tải thông điệp cảm xúc cần lưu ý, nếu chỉ chơi về dấu thì dùng tiếng Việt để chú thích (hoặc không chú thích), nếu chơi cả thanh dấu và thanh độ hoặc thiên về thanh độ thì dùng tiếng Hán Việt để đặt tên và rồi cách trình bày phải tương thích với tên gọi. Dù chơi thể loại nào đi nữa cũng không nên quá lệ thuộc vào hình thức lối chơi mà từ ngữ bị gò ép, cấu tứ bài thơ bị hỏng thì cũng coi như là hỏng.

Chúc các bạn viết ngày càng viết tốt hơn!

Đăng Lộc
(sưu tầm và biên soạn)