Trang trong tổng số 2 trang (12 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Charles.Hieu

.
MỤC ĐÍCH CỦA SỰ SỐNG

Ngày xửa ngày xưa, một con sói sống ở sa mạc, sau những trận chiến sống còn để dành dật sự sống, với thương tích đầy người, sau nhiều ngày lê lết trên đường để tìm nguồn nước đã đến được ven bờ của một con suối. Con sói toan vục mặt xuống để uống nước, bỗng nó nhìn thấy dưới suối có một hình thù kỳ dị, lông lá dựng ngược, xác xơ, mắt trợn lên và răng nhe ra gầm gừ. Nó sợ quá vụt lùi lại bỏ đi. Nhưng vì khát quá, nó quay lại dòng suối mong rằng con vật kinh khủng kia đã đi rồi. Không ngờ, lần này, con vật kia nhìn còn kinh khủng hơn, vẫn lù lù dưới suối. Một lần nữa, nó giật lùi bỏ đi. Lần thứ ba, nó quay lại, đã quá khát, dung sức lực cuối cùng nó lao thẳng xuống dòng suối. Cái bóng kinh khủng tan biến và nó đã thỏa mãn khát vọng!

http://1.bp.blogspot.com/-7LH5Ae_X0SQ/UYOOGLmO6QI/AAAAAAAABNw/Xno_ZeTzxas/s400/doi+mat.jpg

Cũng ở dòng suối đó, một người lái buôn trong chuyến đi dài của mình, vì sợ quãng đường tiếp theo sẽ thiếu nước nên mặc dù ông vừa cho ngựa ăn và uống no nê ở ngôi nhà gần đó, ông vẫn dắt chú ngựa đến dòng suối để nó uống thêm nước dự trữ. Chú ngựa ngoan ngoãn theo ông đến dòng suối, nhưng khi ông dí đầu chú ngựa xuống suối để chú uống nước thì chú hất tay của ông đi và nhất định không uống. Ông càng cố dí đầu chú xuống, chú càng vùng vằng hất tay ông mạnh hơn. Ông chủ đành đầu hàng.

Sao lại thế? Tại sao lại thế? Thật đơn giản, đó là vì “cơn khát” của con sói từ bên trong nó ra còn “cơn khát” của chú ngựa bị áp đặt từ ngoài vào. “Bạn chỉ có thể dắt con ngựa ra bờ suối chứ không thể bắt nó uống nước”. Khi những thèm khát, ham muốn không từ trong ra mà bị áp đặt từ ngoài vào thì rất khó thành công và nếu làm được thì thành quả đạt được cũng không đáng kể. Quan trọng hơn, con người khi đó sẽ làm việc một cách rất khổ sở và không bao giờ có hạnh phúc.

http://3.bp.blogspot.com/-Vpmi8YnBTn0/UYOOG4z3PnI/AAAAAAAABOQ/f8ru0TOZxIE/s320/khat+vong+song+1.jpg

“Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích”. Con người cũng như mọi sinh linh khác, khi sinh ra trên đời đã có một mục đích, một sứ mệnh, một thiên mệnh, một định mệnh. Ta thực sự hạnh phúc và đạt được thành quả tối đa khi và chỉ khi ta thuận theo gen bố mẹ, ông bà và tổ tiên đã gieo trong ta, nghĩa là thuận theo tự nhiên nhiên, thuận theo đất trời. Luật nhân quả dạy ta rằng: Nhân nào quả ấy. Gieo gì gặt nấy. Người là nhân. Cái nhân, cái cốt lõi tinh tú nhất, mầm sống, thiên mệnh đã gieo trong ta là gì thì phải ra hoa kết quả đúng với nó. Lẽ đương nhiên, mầm bưởi phải ra quả bưởi, mầm xoài phải ra quả xoài… Nếu ta chỉ vì cái lợi trước mắt, vì muốn mau chóng có tiền sẵn sàng làm bất cứ cái gì miễn là có tiền. Ta quên mất gốc bẩm sinh, khác gì cuộc sống tầm gửi, lai ghép, ký sinh. Sự sống không theo mục đích từ tự nhiên sẽ không được tiếp tục sinh sôi mãnh liệt, không được truyền kiếp và vô phúc. Nhân văn nhất là sống đúng với nhân bản với cái mục đích cội nguồn của mình. Sống không theo nhân bản, không theo thiên mệnh là bất nhân.

http://2.bp.blogspot.com/-r5Y6N_Hy6i4/UYOOG1R2jeI/AAAAAAAABOU/EnHPXUn4eZs/s400/uoc+mo+1.jpg

Trong mỗi chúng ta đều có hai con người. Cả hai đều sẵn sang làm việc hết mình, quên ngày quên tháng, nhiều khi quên cả bản thân, quên cả những nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Cả hai cùng khiến ta sống mãnh liệt, cháy bỏng. Cả hai cùng giúp ta đạt được những thành tích tuyệt vời, được người đời nhắc đến với những lời cảm thán bất hủ. Nhưng một người tiều tụy còn một người hạnh phúc bình dị. Người tiều tụy: sống bằng “thèm khát từ ngoài vào” đó là tiền tài, danh vọng, bằng mọi giá chiếm đoạt những điều đó cho mình. Người hạnh phúc bình dị: sống bằng “khát vọng từ bên trong”, khát vọng phụng sự, khát vọng dâng hiến tài năng để gia tăng giá trị cho đời. Hai con người này luôn dằng xé nhau. Bạn ủng hộ ai, bạn là chính người đó !
Charles.Hiếu
Làm việc để sống. Sống để làm việc. Vừa sống vừa làm việc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Charles.Hieu

http://2.bp.blogspot.com/-XboVqJB7qxs/UXnoGeaYD1I/AAAAAAAABHg/yjqBuJ91Xg8/s320/tuoixuan.jpg

1.
Đó là một con hẻm khá rộng rãi ở giữa nhưng hai đầu  thì nhỏ xíu, chỉ chạy lọt chiếc xe máy, nối hai trục đường chính ở quận 3. Trong hẻm nhà cửa san sát, nhà mới xây cao 3~4 tầng cũng nhiều mà nhà cũ, mái tole gác gỗ cũng sin sít, nhiều nhà dùng phía trước để buôn bán nhỏ, bán đồ ăn hoặc tạp hóa, nhiều nhà mở tiệm gội đầu hoặc đặt biển công ty mà chẳng có nhân viên. Dân cư trong hẻm hầu hết đều biết nhau, cũng có một vài người mới dọn tới hoặc thuê nhà trong hẻm nhưng họ nhanh chóng làm quen với cư dân hẻm.

Bà chủ nhà trọ của tôi được gọi là cư dân lâu đời nhất của hẻm, hơn 60 năm. Bà là người cất nhà đầu tiên trên đất này. Bà kể, lúc bà vô Sài Gòn năm 16 tuổi, cả nhà bà đi trên một cái ghe. Lúc đó hẻm này, từ đầu đến cuối, là một con rạch rộng và sâu, bơi chừng vài chục sải mới sang bờ, tuy thông với nhiều rạch khác nhưng nước ở rạch này lại trong veo, đáy toàn cát. Bờ bên này, chỗ nhà trọ tôi ở, là một cái bến thuyền tấp nập suốt ngày đêm. Cha của bà đã dựng cái chòi đầu tiên trên bến, đúng chính chỗ căn nhà bây giờ, lúc đó ban đêm gió từ những con rạch thổi lồng lộng đến nỗi muốn cuốn bay mọi thứ.

Có nhiều sông rạch, nhiều đầm lác, nhiều rừng dừa nước đã biến mất, nhường chỗ cho phố xá và những con hẻm đầy nhà, đầy người, ở Sài Gòn.


http://2.bp.blogspot.com/-hFv3eh0O-rc/UXnoDr5sHYI/AAAAAAAABGg/9vL8LHiZFIY/s320/Xichlo.jpg

2.
Ở một showroom sang trọng của một hãng xe hơi nổi tiếng mà giá của một chiếc xe nằm ngoài khả năng đếm của nhiều người, vào một buổi trưa trời nắng gắt bên ngoài nhưng bên trong vách kính thì mát lạnh. Anh nhân viên bán hàng mặc đồ vest với cà vạt và dày da bóng lộn đang ngồi xem tivi.

Có một cụ ông đi bộ ngoài đường mở cửa vào showroom. Trông ông có vẻ không được khá giả lắm, tuy cũng vận áo sơ mi ngắn tay cũ và một chiếc quần khaki ngả màu. Ông cụ bước vào, đảo mắt nhìn một lượt rồi chắp tay sau lưng đi đến những chiếc xe trưng bày và bắt đầu xem xét. Anh nhân viên bán hàng bật dậy đi theo cụ, anh đi nhẹ nhàng và tỏ vẻ lịch sự. Anh gọi cụ là ngoại. Ngoại ơi, ngoại à. Mỗi lần cụ dừng lại ở một chi tiết anh lại đề nghị được cho cụ xem rõ hơn, anh mở cửa trước, cửa sau, mở nắp capo để cho cụ xem. Khi cụ tỏ ý thắc mắc thì anh lại nhẹ nhàng giải thích với cụ, cụ già cứ gật gù lắng nghe nhưng có vẻ không hiểu mấy.

Đi chán cũng mỏi, anh bán hàng mời cụ già lại chỗ  sofa có cái bàn kiếng sạch bóng  và mời cụ dùng café, loại café đá pha sẵn thôi. Mãi sau cụ già nói với anh: qua thấy chỗ bán xe hơi này sang trọng quá, lại có máy lạnh nên qua vô xem chơi, chứ xe này cả dòng họ qua gom tiền lại cũng mua không nổi. Anh nhân viên vẫn rất lịch sự: dạ con biết, sẵn ngoại vô chơi thì con giới thiệu luôn để ngoại coi xe, đâu phải ai vô coi xe cũng mua đâu ngoại. Anh cười, coi bộ hiền khô.


http://3.bp.blogspot.com/-vbP3QTyIOPE/UXnoDtDloZI/AAAAAAAABH0/BGOw-tLuWGM/s320/1359941895-canh-sat-5.jpg

3.
Một góc ngã tư giao lộ giữa hay con đường thuộc loại đông nhất nhì Sài Gòn, nơi thường xuyên bị kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm.  Bên cảnh sát giao thông phân công hai anh sĩ quan đến trực ở ngã tư này để giải quyết nạn ùn tắc và xử phạt mấy phương tiên chạy ẩu, nhất là mấy chiếc xe hơi rẽ trái sai luật.

Hai anh sĩ quan này có lẽ thuộc loại vất vả nhất trong ngành vì thời gian của hai anh hầu hết đều phải đứng ngoài nắng ngoài mưa để phân luồng và điều chỉnh đèn tín hiệu, chỉ cần hai anh vắng bóng một lúc là cái ngã tư lại nùi nùi một mớ xe cộ.

Chỗ hai anh đứng có một cái tủ điện chìm, lúc nào cũng có nước uống. Sáng thì café, nắng lên thì trà đá, chiều thì có nước đá chanh… Mỗi khi uống hết nước thì anh sĩ quan trẻ hơn băng qua đường đem trả những cái ly cho một quán cóc gần đó. Quán cóc vỉa hè nhưng lúc nào cũng có khách ngồi.

Lát sau bà chủ quán lại bưng qua một món thức uống mới, đúng lúc tôi đứng gần đó. Anh sĩ quan lớn tuổi hơn quay qua nói, hình như cốt để cho tôi nghe: bà này bả cho tụi tôi uống nước miễn phí cả tháng nay, nói hoài mà hông chịu cầm tiền, mơi không uống nữa nghen bà. Bà già cười lớn, ha hả, mấy chú làm việc cực khổ, tui đãi miếng nước, chuyện nhỏ xíu mà, mấy chú uống cho tui dzui.


http://1.bp.blogspot.com/--4OTwhwfm4k/UXnoGJLTtuI/AAAAAAAABHs/pXqmlC4IY_A/s320/trada1.jpg

4.
Dạo này Sài Gòn trời nắng gắt, đi ngoài đường hay thấy mấy thùng ghi “trà đá miễn phí”, ai muốn uống thì uống, dân xe ôm, xích lô là khoái dữ lắm, ghé uống ừng ực rồi cứ vậy đi, không cần phải cảm ơn.

Một lần ông xe ôm chở tôi xin phép tấp vô lê uống ly trà đá, tôi mới biết là có trà đá miễn phí. Đó là thùng trà đá miễn phí tôi thấy đầu tiên, nó ở gần bệnh viện 115, mặc dù nó không có bảng ghi “miễn phí”, chỉ thấy một thùng trà đá để ngoài đường, ai qua lại nếu biết cứ tự động rót mà uống. Uống hết có người ra châm trà, châm nước, bỏ đá vô.

Tôi hỏi ông xe ôm, trà đá miễn phí kiểu vầy có nhiều không chú. Ổng nói cũng nhiều, tùy mình biết chỗ mà ghé uống, trời nắng vầy có ly trà đã cũng đã lắm chú. Tui không phải nghèo đến mức cần phải uống trà đá miễn phí, tui uống bị thấy khoái vậy thôi.


http://2.bp.blogspot.com/-0OBaGCfPVSE/UXnoEchqpJI/AAAAAAAABIA/nhiggTLqPeU/s320/cafe.jpg

5.
“Bây giờ cầm tờ báo lên là rầu, hết muốn coi báo” - Câu này của một đại gia Sài Gòn. Đại gia này có lẽ đã về hưu, con cái đã thành đạt lấy vợ lấy chồng ở riêng hết. Đại gia này thường hay ngồi ở quán café cóc của bà già ở mẩu chuyện số 3. Sáng nào cũng có mặt, dù nắng hay mưa.

Sáng nào đại gia cũng mua báo, chắc chắn là có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Công An, Pháp Luật… thỉnh thoảng mua tờ tạp chí hoặc nguyệt san. Đại gia chỉ mua báo của hai người, một con bé và một thằng bé quen, bữa đứa này bữa sau đứa kia. Hai đứa trẻ bán báo không bao giờ cạnh tranh nhau quyết liệt hoặc tỏ ra giành mối, chúng vui vẻ cùng phục vụ một vị khách hàng. Đại gia mua rất nhiều nhật báo nhưng lúc ra về chỉ đi tay không.

Sau này, khi có dịp ngồi ở quán café cóc đó suốt một buổi sáng tôi mới biết. Nếu hôm đó đại gia mua báo của thằng bé, sau khi đọc xong ông sẽ gấp tờ báo lại như cũ và đem cho con bé đi bán tiếp và ngược lại, nếu mua của con bé thì ông sẽ đem cho thằng bé để nó đi bán cho người khác, tiền thì ông vẫn trả đủ.
Charles.Hiếu
Làm việc để sống. Sống để làm việc. Vừa sống vừa làm việc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Charles.Hieu

Sài Gòn thật sự muôn màu, muôn vẻ và dễ sống, dễ kiếm tiền. Dù là thành phố ồn ào náo nhiệt nhưng sức thu hút của thành phố quả thật mạnh mẽ. Dân ở các tỉnh vì sao muốn về Sài Gòn ở?

http://3.bp.blogspot.com/-kpwDSIms2gw/UXnvJogfl2I/AAAAAAAABI4/Om3MHHegUPI/s320/nguoi_sai_gon.jpg

Ngồi ở ngã tư đường phố mà ngắm tất cả các loại xe cộ mới hiểu vì sao mọi người muốn về Sài Gòn sinh sống. Thật dễ sống vì thành phố này tuy rất phồn hoa nhưng cũng thật bình dị. Vì ai cũng có thể sống được. Nếu bạn là người chăm chỉ thì vào thành phố này chắc chắn bạn sẽ tìm được việc cho mình.

Có đủ bậc để cho con người ta nương nhau mà sống. Ngay chuyện nhậu nhẹt đã thấy quá rõ: người giàu vào nơi nhà hàng cao cấp, người bậc trung vào những nhà hàng bình dân và những người  thợ nghèo thì các quán cóc vỉa hè là nơi họ cũng có thể nhậu với những ly bia rẻ tiền.

http://1.bp.blogspot.com/-iA_sbqPFTHA/UXnvJ9rMBXI/AAAAAAAABJE/8FFp0CwbQvQ/s320/nguoi_sai_gon2.jpg

Cà phê thì cũng đủ loại với từng giá tiền, với từng công việc. Nếu bạn tiếp khách sang trọng, làm ăn thì vô cà phê lịch sự với giá của ly cà phê khoảng trên 30 ngàn một ly, ngồi đồng từ sáng tới chiều, ngồi máy lạnh thật mát, đem laptop nữa là vô tư chát chít thoải mái, tránh cái nóng của Sài Gòn mà đỡ tốn điện ở nhà. Và không ai đuổi bạn cả. Còn chỉ là nghỉ chân thì tấp vào bình dân giá chỉ 7 tới 10 ngàn đồng thôi. Còn có cả cà phê bệt nữa. Có nghĩa là không cần quán, chỉ cần tới công viên gần nhà thờ Đức Bà thôi là sẽ có người cho bạn một tờ giấy báo, ngồi bệt xuống lề gạch là có cà phê đem tới tận nơi. Kể ra thì cũng thật thú vị khi được ngồi "bệt" xuống đất mà nhâm nhi ly cà phê toàn bắp rang.

http://3.bp.blogspot.com/-7pHJi7EK7eI/UXnvLXD1I6I/AAAAAAAABKE/N3uZseA0AxY/s320/saigon_hangrong.jpg

Chuyện làm ăn thì thật sự nhiều kiểu để kiếm tiền. Một chị có thể làm nghề ép bọc lynon các loại giấy tờ, rất đơn giản chỉ cần một xe máy đậu ở vỉa hè và một máy nổ bé xíu trên xe là đã có thể ép keo cho các loại giấy tờ với giá rất rẻ.

Vỉa hè là nơi mà ban đêm bạn đi trên đường phố sẽ thấy quá nhiều kiểu kinh doanh tới bất ngờ. Anh chàng trẻ lấy một cô vợ trẻ, chiều xuống đẩy một xe inox trong đó có một dàn đầu máy ti vi ra vỉa hè, sắp bàn ghế ngay ngắn thế là đã trở thành một quán cà phê di động. Với cái giá quá mềm: 5000 đồng/ly cà phê đá là có thể xem một bộ phim tình cảm hay một phim kiếm hiệp. Mát mẻ và thoải mái hơn ở rạp hát nhiều. Bất ngờ là lại thu hút rất nhiều người xem.

http://4.bp.blogspot.com/-4ozreoNBlHY/UXnvJYNbW2I/AAAAAAAABI0/oUdSWx59s5c/s320/kiem_song.jpg

Một cô có cửa hàng di động bán quần áo trên một xe máy ở đường phố. Vậy mà thật sự cũng có rất nhiều khách hàng tới mua. Nói chung họ có thể làm dạo bất cứ dịch vụ gì.

Một đứa trẻ bán vé số dạo, tôi hỏi nó một ngày kiếm được bao nhiêu tiền nó nói: cháu kiếm khoảng 200 ngàn. Không thể tin và hỏi: con đùa hay sao? Nó nói: cháu nói thật đấy. Và hỏi: tại sao con không đi học? Nó trả lời: quê cháu nghèo lắm, cháu bán vé số kiếm tiền cho gia đình. Không hiểu ai dạy nó mà nó nói rằng: học cũng thế thôi, có khi không bằng cháu bán vé số đâu.

http://2.bp.blogspot.com/-zgJSSul-IW8/UXnvKiAW9CI/AAAAAAAABKk/pY4hCWPTwlU/s320/sai_gon_nang_11.jpg

Một anh thợ hồ ở Sài Gòn, lương thợ chính một ngày hơn 200 ngàn đồng đủ để cho vợ ở nhà mà không cần phải đi làm.

Điều mà tôi cứ thắc mắc hoài là tại sao Sài Gòn nhiều quán ăn và nhiều quán nhậu như thế? Vẫn đủ loại người để thích ứng với từng quán xá nên mọi người vẫn bảo nhau mở quán, mà thấy ít người dẹp quán. Có lẽ ai cũng kiếm tiền được cả nên họ mới đua nhau mở như nấm. Dù giá cả tăng vọt thì người Sài Gòn vẫn hình như bình chân như vại, vì có lẽ người Sài Gòn phần lớn sống không phụ thuộc vào đồng lương của nhà nước. Nước nổi lo chi bèo không nổi, cái triết lý sống quả là hiệu nghiệm.

http://3.bp.blogspot.com/-3cY068-Im0Y/UXnvIZZ7HFI/AAAAAAAABIg/sWLsasYuY2M/s320/Dam_cuoi.JPG

Hỏi rằng người Sài Gòn có bon chen hay không? Thì tôi cảm thấy người Sài Gòn không hề bon chen. Bạn giàu thì mặc bạn và tôi nghèo thì cũng không ai chê trách. Giàu thì đi xe hơi, nghèo thì đi xe đạp, xe máy tàng tàng chẳng ai coi thường bạn cả. Đôi lúc thấy cũng hay hay vì bạn cứ việc sống và làm việc mà không phải chịu áp lực của sự soi mói giàu nghèo. Sự phân cách xã hội ở Sài Gòn không có, đó là điều mà thực sự nhiều người muốn về nơi đây để sinh sống.

Cứ từ từ, lo gì... phải không bạn ?!

http://4.bp.blogspot.com/-7ORwzR-8P2s/UXnvL_JAIAI/AAAAAAAABKA/V1XwnF7Rjl0/s640/tinh_thuong.jpg
Charles.Hiếu
Làm việc để sống. Sống để làm việc. Vừa sống vừa làm việc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Charles.Hieu

Từng một thời gian dài bị rẻ rúng, xe đạp đang quay trở lại một cách ngoạn mục, thong dong và kiêu hãnh hoà vào sân khấu giao thông đô thị hỗn loạn.

http://2.bp.blogspot.com/-Hf-jSRl1ifs/UWjNmq7ivpI/AAAAAAAABFk/kLMOkXNzINc/s320/1282972332_xe+dap+oi+ver2.jpg

LỘI NGƯỢC DÒNG

Những người từng bi quan về tương lai của xe đạp như tôi cách đây chưa đến chục năm, giờ hoàn toàn có thể lạc quan khi chứng kiến những chiếc xe không khói này nhẹ nhàng trôi trên các con phố. Có một điều gì đó kỳ diệu đã thay đổi trong suy nghĩ của không ít người phố thị về xe đạp. Nếu những năm 2000, xe đạp bị ép vào lề đường một cách thê thảm, thì giờ đây người ta đi xe đạp mà không còn cái vẻ yếm thế của một loại phương tiện tốc độ chậm chậm và rẻ hều "vứt đi không ai lấy". Dù vẫn chỉ là thiểu số trên đường, nhưng rõ ràng, ngày càng nhiều người đi xe đạp trên các con phố.

Hồi ấy, những người đa cảm dễ tủi thân khi đi xe đạp. Còn nhớ, khi mới quen bạn gái, chở cô ấy đi ăn phở khúc đầu đường Cao Thắng còn bị chủ quán hạch sách để gọn xe đạp vào nhường chỗ cho xe máy, đại loại là "xe đạp thì sợ gì mất, để xa ra đằng kia". Thậm chi gửi xe đạp vào bãi còn không được nhận vì "hết chỗ". Nếu may mắn được "chen vành" vào bãi gửi xe hay tầng hầm khách sạn, siêu thị thì cũng được lùa cả vào một góc kèm theo cái hất hàm "không cần vé". Thân lạch cạch đi như bò ra đường, chẳng thà bỏ ra vài triệu mua con xe tàu rởm còn đỡ ức hơn. Thế là xe đạp cứ dần bị bỏ rơi, chỗ của nó là trong nhà trọ sinh viên nghèo hay dành cho những ông bà lão chậm chạp không bắt kịp tốc độ hiện đại. Đường phố ngập tràn cho ô tô, xe máy, khói bụi, tiếng còi xe.

Bây giờ khác nhé. Đừng có vội coi thường những người đi xe đạp. Không chỉ là phương tiện di chuyển, đi xe đạp giờ là thú chơi, thậm chí là chơi sang. Lái xe ô tô nhìn thấy xe đạp có khi chả dám liếc nếu biết mức giá hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí có thể cao hơn nữa cho chiếc "xế độp". Dân chơi xe không chỉ mua nguyên chiếc mà còn mày mò đặt mua đồ về lắp ráp để thành hàng độc theo đúng ý, khiến giá chiếc xe có thể ngất ngưỡng. Một chiếc khung bằng sợi carbon "hàng thửa" phải đi cùng với bộ vành hay bàn đạp cùng chất liệu. Tất nhiên, một cái ghi-đông vừa tay, một chiếc yên êm ái cùng các trang thiết bị như đèn trước, đèn hậu hay đèn xi-nhan là điều khó có thể thiếu. Sắm xe xong lại phải có trang phục nai nịt và mũ bảo hiểm cho bằng anh bằng em...

Không chỉ "đua" kiểu dáng và chất liệu hiện đại, cộng đồng chơi xe còn có cả nhóm khá đông những người sưu tầm xe cổ. Nếu không tìm được đúng phụ tùng còn thiếu, họ có thể cất công đặt tận bên Pháp để mua những bộ phận cũ của xe nguyên bản. Giá tiền của một chiếc xe nguyên bản hoàn toàn cũng là con số không thể đoán, bởi nó phụ thuộc vào tình yêu của người đang sở hữu và độ đam mê của người mua. Riêng diễn đàn xedap.org đã có trên 43.000 thành viên. Con số ấy phần nào cho thấy sức thu hút mạnh mẽ của xe đạp thô sơ trong kỷ nguyên thẻ nhớ 32GB chỉ nhỏ bằng nửa con tem.

Dân chơi ngoài việc lên diễn đàn chia sẻ, họ còn tụ tập hàng tối, hàng tuần tại những con đường mới kè thơ mộng bên Thủ Thiêm hay thong dong nơi đô thị Phú Mỹ Hưng. Hứng lên thì tụ hội, cùng đạp xe đến những vùng xa tít mù tắp để thoả thú vui ngoạn chả khác gì những tay chơi mô tô phân khối lớn hay những thiếu gia thích chơi siêu xe. Thích thì cắm trại ngủ lại đêm trong vườn trái cây trĩu ngọt Tây Nam bộ, sáng hôm sau lại thong dong trở về thành phố ầm ĩ, hỗn loạn của thường nhật. Đó không chỉ là cách xả căng thẳng của cuộc sống mà đã trở thành một thú chơi tao nhã.

http://3.bp.blogspot.com/-BmJe3mrJzqA/UWjNlvHNXMI/AAAAAAAABFg/fnG8jyynswI/s320/cho-nhau-ve-mien-hanh-phuc.jpg

TUYÊN NGÔN VỀ LỐI SỐNG

Đừng vội nghĩ người ta chỉ đạp xe đạp vào những dịp tụ tập, để tập thể dục hay chỉ để khoe khoang. Rất nhiều người bạn của tôi dùng xe đạp như phương tiện di chuyển chu yếu hàng ngày. Ăn sáng, đi chơi, ăn tối, đi làm, gặp đối tác... tất cả đều bằng xe đạp. Tôi cảm nhận một sự sang trọng nhất định ở những con người này bởi họ biết cách sắp xếp, làm chủ thời gian của bản thân. Có thể gọi điều đó là gì nếu không phải là sự tao nhã ? Góc nhìn chậm rãi, nhàn hạ từ những chiếc xe đạp chắc chắn đáng yêu và gợi mở cảm xúc, sức sáng tạo hơn nhiều lần. Thậm chí, có thể coi là đẳng cấp.

Tôi không bao giờ phân biệt việc đi xe đắt tiền là xấu hay chơi trội. Cứ đi xe đạp thường hay xe đạp điện là tôi đã thấy người ấy rất đáng trân trọng. Khó có thể phủ nhận rằng thú chơi xe đạp cầu kỳ đã góp phần gây dựng nên một phong trào đi xe như ngày nay. Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại một chút là trước đây vài năm, nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo, những người làm nghệ thuật và cả những người bình thường khác đã bắt đầu đi xe đạp, đồng thời kêu gọi cộng đồng đi xe đạp.. Hồi ấy, họ đi trên những chiếc xe bình dị, không quá cầu kỳ hay đắt tiền như bây giờ. Cứ lặng lẽ đi một cách yên bình giữa những đám đông hỗn loạn xả khói và bấm còi inh ỏi một cách vô thức trên đường. Cá nhân tôi nhìn những chiếc xe đạp đi thong dong như những điểm sáng văn minh.

Nhiều lúc bất chợt cũng thấy "tự hào" về sự phát triển của các thành phố lớn ở nước ta.. Đến cả những con phố hẹp nhất ở trung tâm Hà Nội hay Sài Gòn cũng có đến bốn làn xe ô tô và xe máy. Xe đạp và người đi bộ sẽ mạnh ai nấy đi trên vỉa hè hoặc lấp vào những chỗ trống còn sót lại bên đường. Thực tế là xe đạp vẫn phải chen vai thích cánh để cố giành lấy một phần ít ỏi trên đường, đa phần đầy ổ gà và nắp hố ga xóc lộn ruột. Ở nhiều nước, xe đạp được đặc cách đi những con đường riêng, tuy nhỏ nhưng ngắn hơn đường mà xe hơi phải đi. Thậm chí luồng xe đạp luôn được ưu tiên thòi gian chờ đèn đỏ ngắn hơn. Có nước còn lập những bãi xe đạp cho mượn miễn phí để người dân hạn chế đi xe hơi ra đường mà vẫn không mỏi chân vì đi bộ.

Có lần tôi chợt nghĩ, đáng nhẽ những người đi xe hơi nên dành ra một cái quỹ để ủng hộ cho những người đi xe đạp. Quỹ ấy để bù đắp khoảng không trên đường và độ ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn mà cộng đồng đi xe đạp đã dành lại cho những người đi ô tô, mô tô đang sử dụng. Quỹ ấy dùng để khuyến khích người ta mua xe, làm những con đường riêng cho xe đạp hay mở các bãi cho thuê xe giá rẻ phục vụ cộng đồng. Tất nhiên, những người đi xe hơi và xe máy sẽ khó có thể đồng ý bởi họ đang phải gánh quá nhiều loại phí, nhưng nếu nhiều người đi xe đạp hơn thì nghiễm nhiên người đi xe cơ giới sẽ có thêm không gian để đi trên đường.

Tất nhiên, việc đó ngoài tầm quyết định của cộng đồng những người đi xe đạp. Họ vần cứ đi thong thả trên phố bằng sự kiêu hãnh "quay đều, quay đều". Mỗi người đi xe đạp, dù sang trọng đắt tiền hay vừa tiền bình dị, hoàn toàn có thể tự hào mình đang góp phần nhỏ bé cho cuộc đời bớt ồn ào và ô nhiễm hơn.

Đúng thế không, bạn hữu của tôi ?!
Charles.Hiếu
Làm việc để sống. Sống để làm việc. Vừa sống vừa làm việc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Charles.Hieu

.
Với ai đó, Sài Gòn không phải là nơi sinh ra nhưng là nơi cưu mang, chở che và chắp cánh rất nhiều thân phận.

http://1.bp.blogspot.com/-Lhmz_idkWv4/UYR6pu5oKaI/AAAAAAAABPI/R9xxUDXT9dw/s400/S%C3%A0i+Gon+1%5D.jpg

Buổi sang, mở máy tính kiểm tra mail, bỗng nhận được thư của Minh, "Nhỏ ơi khoẻ không? Tối qua nhóm G7 tụi mình tụ tập ở Ốc Đào, Cang tháng sau cưới, Ly thì Noel này về, vợ chồng Khanh chuẩn bị có em bé, toàn tin vui cả Nhỏ ạ, hàn huyên tâm sự đến tận khuya, kêu bốn lượt ốc hương nướng muối ớt, món Nhỏ thích đó. Đứa nào cũng nhắc tới Nhỏ, đứa nào cũng nhớ Nhỏ, ta cũng nhớ, Sài Gòn cũng nhớ Nhỏ... Hà Nội đang có gió mùa đông bắc phải không ? Nhỏ nhớ mặc áo ấm nhé..."

http://4.bp.blogspot.com/-uxlQn3a8TzU/UYR6pvNAtyI/AAAAAAAABO8/gaZVXT4a2AE/s400/cafe+bet+han+thuyen.jpg

Tôi bỗng thừ người thẫn thờ, cảm giác nghèn nghẹn và nhớ thương khôn tả ùa về. Ôi Sài Gòn, nơi ta sinh ra và lớn lên, nơi có gia đình, bạn bè, nơi lưu giữ tất cả kỷ niệm và miền ký ức. Hai mươi sáu năm ta thuộc về Sài Gòn, cả con người và tâm hồn ta đã thuộc về nơi đây như một lẽ tự nhiện để rồi cho dù đã chuẩn bị trước tinh thần thì ta vẫn hụt hẫng và chênh chao khi phải chia xa.

http://3.bp.blogspot.com/-YgyatHsNNTk/UYR6qCz1qpI/AAAAAAAABPA/6ctnqalxukc/s400/cafe-bet-saigon-1.jpg

Đôi lúc đi trên đường phố Hà Nội bất chợt nghe giọng miền Nam, tim bỗng dưng đập mạnh, ta vội dáo dác ngóng tìm giọng nói ấy với một cảm xúc không diễn tả thành lời. Ta bị làm sao vậy ?

Ta nhớ từng món ăn vặt Sài Gòn khi xưa hay tụ tập bạn bè lê le ngõ hẻm, bạn bè bay ra bay vào đều í ới dặn gửi mang ra, cũng món ăn đó do quán đó làm nhưng sao thấy nó vô vị quá, phải chăng cái không khí bạn bè, không khí Sài Gòn làm món ăn ngon hơn ? Ta cũng chẳng biết nữa...

http://2.bp.blogspot.com/-RDXXe1_bHHA/UYR6qsAMwLI/AAAAAAAABPM/6pOTK-lBoIQ/s320/nha+tho+duc+ba.jpg

Gió mùa đông bắc đã tràn về Hà Nội, ngoài đường rực rỡ áo ấm xanh đỏ tím vàng, cái lạnh làm ta khó chịu vì chưa quen, môi bắt đầu bong tróc và da dẻ thì căng rát. Cuối tuần chỉ biết lẩn quẩn ở nhà chẳng biết đi đâu vì sợ lạnh. Ta xuýt xoa thầm nghĩ, giờ này ở Sài Gòn là cả nhóm đã lê la cà phê bệt Hàn Thuyên, từ sáng đến trưa, đứa nào cũng "đồng phục" dép lào, áo thun, quần short, cả bọn sẽ ngắm nhìn đường phố lúc thì được nhuộm màu vàng của nắng và có khi thì được nhuộm màu xanh của cây, sẽ chỉ trỏ các cặp cô dâu chú rể đang chụp hình cưới ở Nhà thờ Đức Bà, sẽ ngắm nghía rờ mó bình luận ỏm tỏi từng chiếc xe cổ được những chủ nhân của chúng "vô tình" dựng ngay góc đường trước con mắt ngưỡng mộ của bao nhiêu người, sẽ chọc ghẹo nhau gán ghép loạn xạ cả lên và cười vang cả góc phố, sẽ kéo nhau đi giải quyết cơn kêu gào của bao tử bằng lẩu dê Trương Định hay lẩu cá kèo Bà Huyện (Thanh Quan). Đứa nào bận thì về trước, những đứa còn lại sẽ rủ nhau đi xem phim miễn phí ở rạp phim tư liệu Phan Kế Bính hoặc lang thang Thư viện tổng hợp trên đường Lý Tự Trọng, hay ghé một ngôi chùa nào đó thắp nhang xì xụp khấn vái. Những lúc chưa nghĩ ra được chỗ nào thì cả đám phải cố mà nghĩ cho ra vì đứa nào cũng muốn lang thang Sài Gòn với nhóm để trốn việc nhà, để buôn chuyện và để cười đùa. Chơi chán chê chuẩn bị đến giờ cơm chiều mới lục đục ra về nhưng vẫn không quên nhắn nhủ: "Tuần sau chỗ cũ nữa nhé !".

http://2.bp.blogspot.com/-j0z8XiC2QWs/UYR6pnkY9DI/AAAAAAAABO0/usYVpbhD2Kw/s320/Th_y_c__9X__cute__h_n-7cd15f833f02906c2a3703cd7ad91c1b.jpeg

Với ai đó, Sài Gòn không phải là nơi sinh ra nhưng là nơi cưu mang, chở che và chắp cánh rất nhiều thân phận. Sài Gòn bao dung, là quê hương thứ hai của những cư dân xa xứ. Có người bảo mùa xuân Sài Gòn thường bị bỏ mặc, nhưng với một kẻ xa xứ thì mùa xuân năm nay Sài Gòn sẽ nồn nàn và thi vị hơn khi cạnh mâm ngũ quả là một cành đào Nhật Tân e ấp khoe nụ bên sắc vàng rực rỡ của hao mai.

Sài Gòn ơi, chờ ta nhé !
Charles.Hiếu
Làm việc để sống. Sống để làm việc. Vừa sống vừa làm việc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Charles.Hieu

.
CÁ TÍNH NỘI THẤT

Một căn phòng khách thú vị là nơi sẽ đem đến cho tôi nhiều diện mạo và cảm xúc nhất có thể. Bản thân đồ vật không thể tự làm mới mình, chúng cần khiếu sắp đặt nhạy bén của chủ nhân và khả năng thiết kế điêu luyện để trở nên cuốn hút và lạ lẫm hơn khi được nhìn từ các góc độ khác nhau.

http://4.bp.blogspot.com/-GitpX7y-eDs/UYOE0Po2LFI/AAAAAAAABMk/VdpkGY1xfDU/s400/ph%C3%B2ng+kh%C3%A1ch+3.jpg

Đối với giới trẻ và tôi, những cuộc phiêu lưu luôn là một đam mê khó cưỡng. Chúng tôi yêu thích đặt chân đến những vùng đất mới, khám phá những bí ẩn của cuộc sống bên ngoài và xem ngôi nhà như một chốn nghỉ ngơi. Nhiều người vẫn cho rằng, tất cả sự quen thuộc thường ngày sẽ là ngôi nhà mất đi sự hấp dẫn và sự mới mẻ cần thiết. Vì vậy, thách thức lớn nhất của các nhà thiết kế nội thất là đem đến cho không gian một chủ đề có chiều sâu để những người trẻ thoả sức tìm hiểu một thế giới kỳ diệu ẩn hiện trong từng sản phẩm và đường nét trang trí.

http://1.bp.blogspot.com/-E-Yin5AMXn0/UYOE04QXrQI/AAAAAAAABNE/A68NCoz2Ikk/s400/ph%25C3%25B2ng+kh%25C3%25A1ch+7.jpg

Các chuyên gia cũng cho rằng ngôi nhà của một người trẻ cần là nơi tiếp thêm năng lượng cho họ chinh phục các thử thách trong cuộc đời. Nơi chốn họ quay về đóng vai trò món quà của niềm hứng khởi và cũng là của những phút chiêm nghiệm riêng tư. Lấy gợi ý từ thế giới tưởng tượng của trẻ thơ, các nhà thiết kế đã gia giảm các yếu tố trang trí để tạo nên cho không gian của những con người đã trưởng thành một hình ảnh mới, có đôi chút mơ hồ nhưng vẫn đứng vững trên thực tế, và chủ đề được khai phá gần đây chính là cuộc sống hiện đại mang màu sắc của thiên nhiên.

http://1.bp.blogspot.com/-ilDFRx8Mb3E/UYOE2NCV4pI/AAAAAAAABNY/SZDT6590tFg/s400/ph%25C3%25B2ng+kh%25C3%25A1ch+8.jpg

Phong cách này tập trung sử dụng chất liệu gỗ tự nhiên một cách mộc mạc với những thớ gỗ thô ráp để khi chạm những đầu ngón tay trên bề mặt, ta có cảm giác như được thâm nhập vào một miền quê hoặc một cánh rừng đã từng đặt chân trong cuộc hành trình. Các loại vải kết hợp thường là vải bố hoặc jean gợi nhớ tấm lều bạt trong một đêm cắm trại xa nhà, tạo cảm giác phiêu lưu hoàn toàn chân thực. Với những vật liệu thuần chất tự nhiên như vậy, những con người của cuộc sống hiện đại hoàn toàn có thể tự tin rằng đẳng cấp của mình được tôn vinh qua những ngẫu hứng bùng nổ đầy tinh tế trong thiết kế nhưng không kém phần trang trọng, mạnh mẽ, cá tính và đậm chất thời trang. Chúng thể hiện ở những khung chân sắt sơn mang phong cách trẻ trung năng động, ở cách kết hợp màu sắc thanh lịch, ở những kiểu khung đầy sáng tạo.

http://1.bp.blogspot.com/-IROtLwMdrWw/UYOE2MIVKbI/AAAAAAAABNc/0LUb013UZqQ/s400/ph%25C3%25B2ng+ng%25E1%25BB%25A7+3.jpg

Một bộ sưu tập nội thất pha trộn giữa tinh thần hiện đại và linh hồn của tự nhiên chính là bạn đồng hành thân thiết sẽ cùng những người trẻ chia sẻ niềm đam mê, chinh phục những đỉnh cao mới, hướng đến tương lai và hoàn thiện cả thế giới.
Charles.Hiếu
Làm việc để sống. Sống để làm việc. Vừa sống vừa làm việc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Charles.Hieu

.
TÂY NAM BỘ

Tôi gắn bó với miền Tây sông nước 18 năm. Đối với nhiều người, 18 năm đó như chỉ thoáng qua, nhưng với tôi, khoảng thời gian ấy đủ dài để tôi thấy yêu và nhớ quê khi lên thành phố học. Sài Gòn xa hoa, tráng lệ quá, và có lẽ vì thế mà nhiều người trẻ như tôi thích nó hơn thích quê. Nhưng sao ở đây, tôi nhớ quê mình quá, chỉ muốn được về, về với vùng đất yên ả thanh bình ấy thôi.

http://2.bp.blogspot.com/-FrYNEBNbv2U/UXnx9kX01UI/AAAAAAAABKw/7H6SIX6aASA/s640/mien+tay+1.JPG

Tôi yêu quê tôi, yêu những ngày thơ ấu chạy theo mấy anh thả diều ngoài đồng; đi câu cá bống ngoài mấy cái ao gần nhà nội, hay những ngày chạy lon ton ôm đống rơm vô nhờ dượng nướng mấy con tôm bắt trong mấy cái ao mà người dân gần sông Cái be bờ nhử tôm vào sống, hay những ngày ngồi hí hửng bên rổ cua mẹ bắt ngoài đồng mang về luộc.

http://3.bp.blogspot.com/-wciZ6Nzy0HM/UXnx9iWSQ-I/AAAAAAAABK8/Zd_-PrKq0pE/s640/mien+tay+10.JPG

Tôi cũng được chứng kiến sự thay đổi của vùng quê, từ căn nhà lá đơn sơ với chuỗi ngày phải xài đèn dầu loe hoe, những con đường đất lầy lội sau mưa, cho đến khi nhà nào cũng xây tường gạch, có đèn điện thắp sáng, và những con đường được tráng nhựa láng o. Nhớ những ngày mùa sau khi thi đại học, tôi chạy vào ruộng phơi lúa cùng cha rồi phụ cha vác mấy bao lúa ngọn thấm nước từ tận mấy công ruộng phía trong cùng. Tôi nhớ những bờ ruộng nho nhỏ, bước trên đó, bao lúa ngọn ở trên vai cứ nghiêng ngửa, nhiều lúc tôi trượt cả chân xuống ruộng. Bây giờ, nhớ lại, tôi càng thêm thấu hiểu nỗi cực nhọc của cha mẹ, của cô bác nông dân, nó lớn hơn rất nhiều lần so với suy nghĩ giản đơn của một đứa chỉ lo ăn lo học tuổi 18 hồi đó.

http://3.bp.blogspot.com/-FCytyjmQjS8/UXnx9rbevXI/AAAAAAAABLE/etPm2zD59W0/s640/mien+tay+11.JPG

Cũng từ khi xa quê tôi mới thấm thía hai chữ “Miền Tây” và thấy yêu nó nhiều thật nhiều. Miền Tây và quê tôi như hòa làm một. Bởi lẽ quê tôi thuộc Miền Tây mà.

http://3.bp.blogspot.com/-V15OXgkt0Tc/UXnx-ai0S5I/AAAAAAAABMI/LelbnDVwYuo/s640/mien+tay+12.JPG

Tôi yêu quê tôi, yêu Miền Tây, yêu sự yên bình, yêu nắng chiều, yêu những hạt mưa rơi bên luỹ tre, yêu cơn gió thổi qua những tàu lá chuối, những ngọn khoai mì, cây nhãn bên hiên nhà, cây vú sữa hay ở những ngọn dừa xa xa; hay đơn giản là tiếng dế kêu trong đêm, tiếng ếch nhái kêu trong những cơn mưa chiều tối. Yêu lắm những cánh đồng, những người dân quê thật thà chất phác, yêu những món ăn quê thân thuộc. Yêu những người nông dân bên những cánh đồng xanh mướt lộng gió, yêu ngày mùa với những cánh đồng vàng ruộm, yêu nụ cười của cha mẹ cùng cô bác khi được mùa.

http://2.bp.blogspot.com/-Iy1dL0ho_Ts/UXnx-9z5HSI/AAAAAAAABLM/QDHIZhJWcNo/s640/mien+tay+3.JPG

Tôi yêu Miền Tây đủ để thấy tức điên mỗi khi nghe người ta nói xấu người Miền Tây. Đủ để nuốt  nước mắt mỗi khi tin lũ về không về nhà kịp cùng cha mẹ.

http://1.bp.blogspot.com/-snr8yCxp7fw/UXnx_PTP50I/AAAAAAAABLY/9eCqwzMUIzI/s640/mien+tay+4.JPG

http://1.bp.blogspot.com/-BJMJzn2GNlU/UXnx_790H3I/AAAAAAAABL4/RhrOINmArnQ/s640/mien+tay+7.JPG

http://3.bp.blogspot.com/-3JS3I3xehEM/UXnyAVtNmmI/AAAAAAAABL8/GO5UFM4L4D8/s640/mien+tay+9.JPG

Tôi nhung nhớ miền Tây bởi nụ cười mộc mạc của em. Và cứ đến mỗi ngày mùa, tôi lại giấu nụ ấy da diết trong tâm bởi mình quá nhút nhát...

http://1.bp.blogspot.com/-T5ET-F757sU/UXnx-kJrbeI/AAAAAAAABME/euRDkGO2KoY/s640/mien+tay+2.JPG
Charles.Hiếu
Làm việc để sống. Sống để làm việc. Vừa sống vừa làm việc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@Charles.Hieu: Xin bạn lưu ý không tạo thêm các chủ đề theo kiểu mỗi chủ đề post 01 bài viết. NT đã gộp 03 chủ đề bạn đã mở lại trong chủ đề "Cuộc sống muôn màu" này. Thi viện cũng có quy định về việc các thành viên không được quảng cáo trên diễn đàn-dù là các website, blog cá nhân. NT đã cắt bỏ link dẫn trong chữ ký của bạn theo quy định chung. Mong bạn lưu ý giúp.
NT
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Charles.Hieu

.
XÓM SƯƠNG SÂM


Trong một thị trường giải khát chen chúc các loại nước ngọt, nước tăng lực... sương sâm vẫn còn một chỗ đứng của mình.

http://2.bp.blogspot.com/-9qUuyk6O1-g/UYcf2PTssiI/AAAAAAAABWM/vxi8CLBMnwI/s320/suong+sam+2-4.jpg

Món giải khát dân dã sương sâm không thể thiếu trên sạp bán đồ mát tại các chợ. Những gánh hàng rong, xe đẩy bán dạo cũng bán sương sâm đựng bịch khá rẻ. Buổi trưa nóng nực, uống một ly sương sâm pha đá đường cảm thấy mát mẻ tận tâm can. Bao lâu nay, lặng lẽ một xóm nhà theo nghề truyền thống chế biến sương sâm, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng giải khát, thanh nhiệt dân dã cho người Sài Gòn.


CẢ XÓM CẬT LỰC KIẾM SỐNG

Đi đến đầu con hẻm số 71 Trần Phú, quận 5 - tôi hỏi xóm sương sâm ở đâu, nhiều người chỉ sâu vào gần cuối con hẻm nhỏ. Xóm nhà chuyên làm nghề sương sâm gần ngõ cùng. Khoảng 10 căn nhà tươm tất cùng hành nghề sương sâm gia truyền từ hai, ba đời. Anh Nguyễn Cao Nhân nhà gần cuối hẻm cho biết, nghe cha mẹ kể cà xóm làm nghề sương sâm từ thời Pháp thuộc. Trong xóm, ông Năm Sương Sâm dáng vẻ phúc hậu chủ vựa chuyên thu mua nguyên liệu lá sương sâm và cỏ dây (lương phấn thảo để chế biến sương sáo). Nguồn hàng được cung ứng đều đặn từ các thương lái thân quen ở Tây Ninh, Long An, Tiền Giang... Ông Năm Sương Sâm bán lại nguyên liệu cho cả xóm theo kiểu ghi nợ "gối đầu" từng lô hàng. Thu nợ cũ rồi giao hàng, ghi nợ mới tiếp tiếp.

http://3.bp.blogspot.com/--7Bjo0sjFnY/UYcf1R1rE3I/AAAAAAAABWA/edHL38nWJlk/s1600/Suong+sam+3.JPG

Chiều chiều, cả xóm sương sâm bắt đầu làm việc cực lực. Trước đây người làm nghề chế biến sương sâm phải để nhiều công sức cực nhọc king nhà, công đoạn vò lá sương sâm giao cho người lớn mạnh tay khoẻ chân. Người đảm trách công việc nặng nhọc phải ngồi cặm cụi, đôi tay bóp mạnh vò cho nát nhũn từng mớ lá sương sâm làm tiết ra chất nhựa màu xanh thẫm - thành phần chính làm đông đặc sương sâm. Vài người không cốn liếng nên vò lá thuê, hưởng chút tiền công. Người chuyên vò lá sương sâm lâu ngày bị nước ăn đôi tay nứt nẻ tới mức rướm máu.

http://1.bp.blogspot.com/-i7QdjrZ7q_8/UYcf2L_BdXI/AAAAAAAABWc/gsOdsd9zOqA/s320/suong+sam+4.jpg

Ngày nay, xu thế hiện đại hoá lan tới xóm sương sâm. Người có công giúp cả xóm đỡ cực khổ là anh Đặng Đức Đạt, con của ông Năm Sương Sâm. Năm 2000, anh Đạt sáng chế ra máy vò lá sương sâm để khỏi phải phụ vợ nữa mà rảnh rỗi đi uống cà phê, tán dóc cùng bạn bè. Cỗ máy được thiết kế đơn giản nhưng giúp cho người lao động chân tay được khoẻ re ! Người đứng máy chỉ việc bỏ mớ lá sương sâm vào lồng nhôm dày hình trụ. Thân lồng khoét lỗ đều dặn ngang, dọc. Mở máy, mô-tơ 2 CV chuyển động làm làm bu-li, kéo ba thanh gờ gạt quay mạnh dưới đáy lồng. Mớ lá sương sâm bị đùn đẩy, xát mạnh vào những lỗ khoan trên thân lồng nhôm. Lá sương sâm nhanh chóng nát tơi, tiết ra nhựa xanh thẫm hoà với nước trong thùng đựng. Người đứng máy mở vòi hứng lấy nước cốt sương sâm, lọc bỏ bã. Nước cốt hoà với liều lượng nước lã nhất định đông đặc thành sương sâm thương phẩm.

http://2.bp.blogspot.com/-Lfkw1If5MlA/UYcf38RP2MI/AAAAAAAABW0/GrMcc1liXeQ/s320/suong+sam+5.jpg

Trời không mưa nhưng khúc hẻm trước xóm nhà chế biến sương sâm lúc nào cũng ướt sũng. Trước mỗi nhà, bày ra ê hề thau nhựa, vòi nước. Trong xóm, toàn những phụ nữ xắn ống quần đứng máy vò lá, lọc nước cốt, hoà nước lã rồi đổ hỗn hợp vào những thau nhựa cỡ lớn. Ngọc nhiên tôi hỏi: "Sao toàn đàn bà, con gái, con nít làm sương sâm không vậy hà ?" Một bà tuổi sồn sồn nói nửa đùa nửa thật: "Từ hồi có máy vò lá tới giờ, đàn ông ỷ lại bỏ bê không giúp vợ con mà kéo nhau đi nhậu !" Nghe nói xấu đàn ông, quý bà quý cô đang lui cui làm việc cười cái rần.

http://4.bp.blogspot.com/--TnI_AVSRlg/UYcf2_ibdsI/AAAAAAAABWk/ELxl6xz8m4I/s320/suong-sam.jpg

LẤY CÔNG LÀM LỜI

Cô Nguyễn Thị Mỹ da dẻ trắng ngần, có lẽ nhờ thường xuyên dùng sương sâm được mát da mát thịt, đứng máy vò lá, cho biết nghề gia truyền đủ kiếm sống đắp đổi. Mùa khô, giá nguyên liệu lá sương sâm loại tốt khoảng 90.000 đồng một kg. Lá xấu giá khoảng 80.000 đồng. Mùa khô, nghề sương sâm làm ăn đỡ khổ hơn nhờ thị trường hút nhiều đồ mát. Mùa mưa, kiếm sống khó khăn vì phải giảm sản lượng trước nhu cầu tiêu thụ giảm sút. Mùa mưa năm nay, giá nguyên liệu lá sương sâm hiện 60.000 đồng một kg. Chế biến ra bốn thau lớn sương sâm thành phẩm, bán được 100.000 đồng. Trừ chi phí điện, lợi nhuận hơn 20.000 đồng. Nghề làm sương sâm chủ yếu lấy công làm lời ! Mỗi ngày, nhà nào chế biến 6, 7 kg lá nguyên liệu kiếm được khoảng 100.000 đồng. Nhà làm ít hơn kiếm chừng 60.000 đến 70.000 đồng. Do vậy, các nhà giữ nghiệp gia truyền phải có những người làm nghề khác mới đủ sống. Trong xóm sương sâm, nhà ông Cẩm cuối hẻm cùng chuyên nấu nguyên liệu cỏ dây. Đổ thành sương sáo đông đặc đen tuyền. Ông Cẩm cho biết bán sỉ cho mối giá 6.000 đồng mỗi cóng lớn sương sáo.

http://3.bp.blogspot.com/-gAvC1YyiEys/UYcf13KbwwI/AAAAAAAABWs/ViHs7WjCC64/s320/suong+sam+1.jpg

Hàng ngày, cả xóm sương sâm lui cui làm việc cho đến chiều tối. Vô số thau, cóng đựng sương sâm, sương sáo được chất nhiều tầng trên mấy chiếc xe ba gác. Khoảng ba giờ sáng, dân xóm sương sâm chở hàng toả tới các chợ giao sỉ cho mối bạn hàng thân quen. Khối lượng lớn sương sâm, sương sáo ra vỉa hè chợ Bình Tây để bán sỉ. Sau đó, sương sâm, sương sáo toả về các chợ nhỏ, chợ lớn khắp thành phố để bán lẻ. Sương sâm còn dược bán dạo trên đường phố.

http://2.bp.blogspot.com/-nMB3jE47nIc/UYcf1ZEutDI/AAAAAAAABV0/3sNOCOyxMaY/s320/Suong+sam+6.jpg

Tội nghiệp sương sâm có vẻ quê mùa giữa một thị trường giải khát chen chúc nước ngọt, nước yến, nước tăng lực... thời thượng ! Dẫu sao, vẫn còn có những người có sở thích bình dị chiếu cố món giải khát dân dã sương sâm, sương sáo đậm chất thiên nhiên trong lành. Những người e ngại sản phẩm giải khát công nghiệp có hoá chất đậc hại cũng dùng sương sâm, sương sáo. Nhờ vậy, xóm sương sâm vẫn còn theo nghề truyền thống.
Charles.Hiếu
Làm việc để sống. Sống để làm việc. Vừa sống vừa làm việc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Charles.Hieu

.
AI PHỞ KHÔNG ?

Mỗi lần nhìn thấy một tấm hình chụp ẩm thực Việt, bao giờ mình cũng quan tâm ngắm nhìn bởi biết ở đó có phở.

http://1.bp.blogspot.com/-ZkcOCJoLgI4/UWYzFaLSyrI/AAAAAAAABEM/F42RD5__5L0/s320/vnm_2011_393074.jpg

Chỉ trên hình ảnh nó cũng đã rất tuyệt vời, màu trắng của sợi phở làm từ bột gạo mới chìm ẩn nuột nà dưới những lát thịt bò ngon hầm nhừ thái mỏng, dưới những khoanh hành hoa mà chỉ có người Bắc mới thái đẹp, rồi thì nước xương hầm trong veo, thơm đậm mùi hồi, quế và gừng. Nó gợi nhớ biết bao những sáng mùa Đông lạnh cắt da của phố Hàng Buồm, Hà Nội, hoặc những buổi chiều Thu lá bàng rơi đỏ con phố nhỏ thành Nam Định.

Phở bây giờ lên báo, lên tivi, vào nhà hàng sang, thành thương hiệu quốc tế mua đi bán lại hàng chục triệu đô la, đã được thăng hạng phở triệu đồng nhờ bò Kobe, ra khắp thế giới như biểu tượng của văn hóa ẩm thực Việt.

http://1.bp.blogspot.com/-zsh1Ur8GgT8/UWYzEw3HEKI/AAAAAAAABEQ/6Z2FHl1QJjw/s400/pho_bat_dan.jpg

Mình nhớ một lần đã lâu sau buổi đoàn Lãnh sự quán Mỹ đến thăm Đại học Đà Nẵng, nhà ngoại giao khi ấy đã yêu cầu chỉ cho ông quán phở ngon nhất thành phố này. Mình nhớ sếp một lần cũng gọi điện bảo tí nữa sẽ ăn sáng bằng phở, muốn tìm một quán ngon trước. Cả hai lần mình đều lúng túng và tự làm mất uy tín bằng cách chỉ cho các “fan của phở” vào quán cà phê vườn sang nhất thành phố.

Dĩ nhiên phở ở quán cà phê hạng sang vẫn là loại phở “không chuyên”, mùi vị của phở không chuyên sẽ rất chung chung giữa phở-miến và hủ tiếu. Vốn mê phở Bắc, mình cũng không thấy “đã” khi ăn phở triệu đô, ấy là các bạn mình gọi mấy thương hiệu phở nhượng quyền bằng cái tên như vậy cho... sang! Vì thế cũng chỉ ăn thử rồi... thôi. Nhưng tại sao mình không dẫn khách đến với phở truyền thống?

http://3.bp.blogspot.com/-1aSlaOxTouw/UWY0-t3yziI/AAAAAAAABEg/ZOAO9n-y0Q4/s320/1344191840.nv.jpg

Mình nhớ một quán phở truyền thống nó thế này (dù nó ở phố Hàng Buồm, hay phở “Quát” gần Nhà thờ Lớn, Hà Nội, hay phở Thìn gần Lò Đúc, hay phở Cồ mở khắp miền Trung và Sài Gòn, hay phở Bắc Hải của người Nam Định): Nó giống nhau ở nồi nước bốc khói thơm ngay cửa ra vào đón khách.

Tiếng thái hành, đập thịt tái trên thớt lẹp bẹp, vui tai. Một tô phở nóng với đầy đủ hương vị và màu sắc không khác chút nào so với ảnh bìa Tạp chí Ẩm Thực. Và chúng ta thưởng thức tất cả hương vị tuyệt vời đó trên cái nền toàn cảnh trắng xóa của giấy lau đũa, chén vương vãi khắp sàn, trong lúc giỏ rác dưới chân bàn trống không. Trên bàn, hoặc là thứ giấy tái chế, hoặc nguyên cuộn giấy vệ sinh. Cũng không hiểu tại sao cái nền gạch quán phở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đều luôn ướt nhớp nháp.

http://2.bp.blogspot.com/-xS4mRvt21N0/UWY0-mkOZWI/AAAAAAAABE4/VosCmqvmLGM/s320/1338893152_IMG_0651.jpg

Ở quán phở nổi tiếng, nhân viên đi lại nườm nượp, nhưng chẳng ai có ý định quét dọn, chắc họ để dấu tích lại cho mọi khách hàng đều biết mình đang thưởng thức văn hóa quán phở do chính thực khách bày ra. Ôi, trách gì được bà hàng phở đang cố lược cho phở nóng trong nồi, thịt thật mềm, thơm, giá chần còn giòn ngọt, hành thật tươi. Bà ấy còn treo một câu slogan trên tường “Chúng tôi nấu phở như cho chính bố mẹ mình ăn”. Hãy tin vào sự tử tế của bà chủ. Từ phở “quát” đến câu slogan này là một chuyển biến lớn của văn hóa phở rồi.

Mình phải tự trách bản thân đã quá khó tính, hãy nhìn sang bàn bên, bốn thực khách vừa gọi phở, tay đã lăm lăm đũa như cầm vũ khí, dù chưa biết là năm phút hay mười lăm phút nữa phở mới được dọn lên, đủ biết họ nóng lòng thưởng thức món ngon thế nào. Hãy nhìn ra cửa đi, thực khách vừa trả tiền, vừa cắm cây tăm xỉa răng vào miệng và bước ra phố, mặt họ thỏa mãn biết bao sau khi thưởng thức tô phở gia truyền tiết đầu Đông.

http://3.bp.blogspot.com/-P8tJjcyu52w/UWYzD3DEqdI/AAAAAAAABEY/w9iySN-hl34/s320/148b978e6be4e8.jpg

Mình chợt hiểu thâm ý của bà phở “quát” nay đã “hoàn lương”. Bà ấy để cho cái văn hóa của người ăn phở hành hạ lẫn nhau chứ bà không tham trận nữa! Mỗi lần từ quán phở về, mình lại tự hứa, thôi không đến quán phở, chỉ ngắm hình bát phở là đủ ngon rồi!

Cùng chia sẻ vị trí các quán phở ngon cho đồng đội, chịu không quý anh quý chị!?
.
Charles.Hiếu
Làm việc để sống. Sống để làm việc. Vừa sống vừa làm việc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (12 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối