Trang trong tổng số 1 trang (7 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

13ternal

Em đọc trên một diễn đàn, thấy có câu hỏi rất hay nhưng em chịu, không biết câu trả lời là gì. Bạn đó hỏi thông tin về tên của nhà thơ Chế Lan Viên. Em xin được post lên để mọi người cùng thảo luận.
«Может, впервые за тысячу лет
дайте до детства плацкартный билет!..»
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

bao anh

Ông CHÊ LAN VIÊN ttên thật là Phan ngọc Hoan

 Em nhớ bác xưa thường trèo lên tháp cổ
 Chuyên suy tư những chuyện cuả ma Hời
 Khi tiếp đất bác neo vào thế sự
 Bằng giọng thơ trăn trở nhất trên đời


 Thế mới hay rằng thơ là khó viết
 Bác đi rồi em chẳng biết tìm ai
 Trời Quảng trị xanh một màu tha thiết
 Em như người lạc lối giữa ban mai !
Quê người lần lữa nắng mưa
Nỗi vui nay với duyên xưa ngậm ngùi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Cào cào đại ca

Mình cũng quan tâm tới nhà thơ Chế Lan Viên, các bạn không thấy chia sẻ trên mục này ta!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.1.

Chế Lan Viên - người làm vườn vĩnh cửu



Trần Mạnh Hảo

Ông đang ngồi nấu cám heo trong bếp, thấy khách tới, vội chạy ra mở cổng. Ông xin lỗi khách, chờ tí, vì nhà đi vắng hết, vả nồi cám heo đang sôi ở mức cao trào. Với gương mặt mồ hôi nhễ nhại, ông gân sức lực của người gần bảy mươi tuổi, ngoáy tít nồi cám heo bằng chiếc đũa cả sừng sỏ dáng vẻ rất chuyên nghiệp, như thể ông khiêu vũ cái vũ điệu của bếp núc.
Mới ngày hôm qua, từ cuộc hội thảo văn học tại Bồ Đào Nha về, với bao nhiêu chuyện trên trời, dưới đất, nào mây bay đi, nào hồn ở lại, nào các thiên hà có biết suy tưởng hay không đến sự ô nhiễm môi trường ăn mòn nhân tính...
Vâng, từ chân trời của thơ ca thế giới, với những hội nghị quốc tế, gặp gỡ đàm đạo với những nghệ sĩ lừng danh, những khách sạn sang trọng, những bữa ăn đắt tiền... Chế Lan Viên trở về với chân trời của riêng ông với gà heo, vườn tược và những bản thảo dập xóa như vườn cây bị nghìn bão đi qua. Từ năm 1937, năm tập thơ “Điêu tàn” ra đời cho đến ngày ông mất, Chế Lan Viên đã bày, đã soạn cho người Việt Nam, cho văn hoá Việt Nam những bữa ăn thơ thịnh soạn, ngon lành, trìu mến và sang trọng; chúng ta nào đã một lần biết được bếp núc thi ca ông vất vả, tần tảo và cực nhọc biết bao. Vâng, đôi khi văn học cũng cần phải có những nồi cám heo của mình, với những tro cùng trấu, những củi cùng lửa, những muỗi cùng ruồi, những mồ hôi cùng nước mắt...
Đúng như nhà phê bình Hoài Thanh nhận xét từ năm 1941: "Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở giữa thế kỷ hai mươi, Chế Lan Viên đứng sừng sững như một Tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật... đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị...". Từ độ 16 tuổi đến lúc viên tịch, quả thực, Chế Lan Viên vẫn chắc chắn và lẻ loi, bí mật, thậm chí sau khi hai tập thơ di cảo đồ sộ của ông ra mắt, ông vẫn tiếp tục để lại sau mình vô vàn niềm kinh dị cho người đọc như lời tiên tri của Hoài Thanh.
Như một lữ hành đơn độc, Chế Lan Viên đã lầm lũi vượt qua sa mạc siêu hình, đi từ "thung lũng đau thương đến cánh đồng vui" (đầu đề một bài viết của C.L.V.). Ra đến cánh đồng vui rồi, sao đôi lúc gương mặt ông vẫn đầm đìa giọt khóc? Và thơ ông, kỳ lạ thay, vẫn bàng bạc một nỗi đau như mưa phùn, như đom đóm, như thể những vết thương xưa của ông chưa chịu khép miệng mà chúng đang ca hát. Có lẽ, chính vì nỗi đau ma ám ấy, cái nỗi buồn thương định mệnh ấy đã làm nên cái bất tử của tập thơ “Ánh sáng và phù sa” do Nxb. Văn học ấn hành năm 1960, với số lượng phát hành kỷ lục: 6.070 cuốn. Tập thơ đã gây một tiếng vang cực lớn thời đó, chỉ trong vài ba tháng đầu đã bán hết. Có thể nói không ngoa rằng, “Ánh sáng và phù sa” đã thành cái mốc chuyển biến quan trọng của thơ Chế Lan Viên nói riêng, của thơ Việt Nam nói chung. Sau hai mươi lăm năm, kể từ Thơ Mới ra đời, đến lúc “Ánh sáng và phù sa”, thơ Việt Nam đã xuất hiện một thi pháp mới, một giọng điệu mới, một cách cảm nghĩ mới. Rất tiếc, một tập thơ quan trọng như thế của thi ca hiện đại, ba mươi tư năm rồi chưa được tái bản. Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, hầu hết các nhà thơ trên dưới năm mươi tuổi sống trên đất Bắc, những bước đầu chập chững làm thơ, đều có chịu ảnh hưởng của “Ánh sáng và phù sa”.
Cái chết, niềm hư vô và niềm cô đơn là nỗi ám ảnh khôn cùng của thơ ông ngay từ thời niên thiếu. Tâm hồn ông hầu như đã biến thành vỏ ốc của sự chết, để ngọn gió hư vô thổi vào và ngân lên bài ca bi ai, hoan lạc của bản hòa tấu cô đơn. Mới mười lăm, mười sáu tuổi, ông đã đi lại trên mặt đất như một cái Tháp Chàm. Ông mơ trong cả khi tỉnh thức. Đôi mắt của hồn ông chỉ nhìn thấy thế giới siêu hình, toàn là những bóng ma, những âm hồn phiêu dạt, những óc phọt, những xương trào, máu cuộn. Ông coi cái thế giới bên kia mới là đích thực hơn cái thế giới bên này, tin vào hư mà ngờ thực. Rất may là trời chưa kịp ban cho ông đôi cánh. Nếu không, ông đã bay lên tít mù xanh thẳm, biến thành tinh cầu vô định, nơi con người cũng như thơ ca không còn một chút trọng lượng. Và vì chưa có đôi cánh, ông đã coi vòm trời kia bất quá cũng chỉ là một bóng cây, các vì tinh tú cũng chẳng khác gì một trái ổi:

“Kìa em trông một vì sao đang rụng
Hãy nghiêng mình mà tránh đi nghe em...”


(Đêm tàn)

Ông hợp nhất mình với vũ trụ như làn hương hợp nhất với vòm trời. Tuy nhiên, ông thừa biết trò chơi của tạo hoá: vũ trụ vô tận kia cũng mong manh như một cánh phù dung, nên khuyên người yêu cũng chính là để khuyên mình. Những vì sao chói ngời và run rẩy kia, mi có thể rụng như sung vào tình yêu của ta bất cứ lúc nào. Quả thực, mỗi ban mai, những vì sao kia rụng đâu hết cả. Và vì vậy, chừng như những người đang yêu vì phải né tránh cái rơi rụng của các tinh cầu, nên dáng đi của họ có vẻ nghiêng nghiêng, nếu không muốn nói rằng như vệt nắng xiên khoai... Tuồng như Chế Lan Viên suốt đời phải đi kiểu nắng xiên khoai như vậy, để né tránh các tinh cầu hư vô rớt xuống từ bầu trời cô đơn, cắt rừng siêu hình ra mà tìm đến con người. Và khi ông tìm thấy con người, ông đã gặp được nỗi đau. Nỗi đau ấy ông gọi là hạnh phúc.
Những ngày hoàn tất tập thơ “Ánh sáng và phù sa”, Chế Lan Viên vừa trải qua bệnh phổi nặng. Đến nỗi ông tin rằng mình sắp chết. Chừng như niềm hư vô như một con mọt đang ăn rỗng ngực ông như nó từng ăn rỗng cả vũ trụ. Bên cạnh đó, số phận đã bắt ông phải uống chén đắng của cuộc tình tan vỡ, khiến ông gần như không còn nơi bám víu nữa. Nhưng, ở bên bờ tuyệt vọng, ông đã may mắn gặp được nàng thơ của mình. Nàng thơ đó có tên là cuộc sống.
Chừng như mỗi lần cái chết tính gõ cửa hồn ông, ông lại có thơ hay. Có thể nói, trong phản ứng hoá học của tư tưởng và cảm xúc để tạo ra một chất thứ ba là thi ca, cái chết hầu như là một chất xúc tác kỳ diệu của Chế Lan Viên. Và những cơn đau chính là nhiệt độ, là lửa để tạo ra phản ứng thi ca của ông. Ông đã có những câu thơ rất hay về đất nước, về con người, những câu thơ ám ảnh suốt một thời trai trẻ của tôi và nhiều bạn bè khác:

“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét”
...
“Con nhớ em con thằng em liên lạc
Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ...”
...
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn”


(Tiếng hát con tàu)

Đây là cái nhìn của ông, một người miền Trung về đất Bắc :

“Chỉ còn máu sông Hồng trong quả ngọt
Con chim ăn thấy vị phù sa trong tiếng hót”


(Giữa tết trồng cây)

Ông nhìn chân trời trong bài “Đọc Kiều”:

“Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên”

Ông nhìn thấy được tiếng chim và nghe được mùi hương quả chín từ thẳm xa đưa tới, trong một tình thương bình dị mà thẳm sâu đến sững sờ:

“Tiếng cu xa gáy đến phòng em
Bóng nhãn theo vào với tiếng chim
Bệnh yếu, em chưa về hái quả
Thương em, mùa lại đến đây tìm”


(Tiếng chim)

Quả thực, Chế Lan Viên có rất nhiều thơ hay, tứ thơ hay, nhiều bài thơ tứ tuyệt tuyệt vời, vừa rưng rưng sương khói cảm xúc, lại vừa chói lòa ánh sáng của trí tuệ. Ông tìm thấy ánh trăng sao trong bùn đất, thấy cái tơ non ngay trong linh hồn đá sỏi; thấy cái nước, cái lạnh trong lửa và ngược lại. Tôi đồ rằng ông đã suy tưởng bằng trái tim và xúc cảm bằng bộ óc? Và vì vậy, Thượng Đế chừng như đã cấu tạo nên cơ thể ông trong lúc Ngài mải làm thơ trong trạng thái hưng phấn không bình thường, nên đã bỏ lộn trái tim ông vào hộp sọ và đem bỏ hai bán cầu não ông xuống phía ngực trái?
Có người hận ông vì điều gì đó đã cho rằng, tâm hồn của ông “Điêu tàn” thuở nào như vầng trăng non đã bị gấu ăn hết. Rằng, Chế Lan Viên chỉ còn thuần có bộ óc. Rằng, ông chỉ làm thơ bằng trí thông minh, bằng trò chơi ma giáo của chữ nghĩa...Do đó, thơ ông trong suốt như nước phèn, không sinh vật cá tôm nào, thậm chí đến cả phù sa cũng không sống nổi trong cái dung dịch thơ lý trí kia (!) Không, vầng sáng của trí tuệ Chế Lan Viên đầy năng lượng sương khói, cái lý trí đầy ắp bản năng của ông bao giờ cũng là mảnh vườn màu mỡ cho thi ca sinh trưởng. Chúng ta thử đọc qua một bài thơ tứ tuyệt: "Tháp Bay-on bốn mặt", ông đề dưới là viết trong mùa bệnh 1988, xem ông viết bằng trí thông minh hay viết bằng tình cảm :

"Anh là tháp Bay-on bốn mặt
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình"


Vâng, có thể ông đã viết bài thơ này bằng trí thông minh, nhưng là trí thông minh của nỗi đau, của niềm nhức nhối. Hồn ông hình như vẫn lảng vảng, lẩn khuất đâu đây như ánh trăng, như hơi thở của ngôi nhà lý trí. Khi bài thơ đã đạt được sự hay, nó không còn phân biệt đâu là tư tưởng, đâu là cảm xúc, đâu là xác, đâu là hồn nữa.

(còn tiếp)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.2.

Chế Lan Viên - người làm vườn vĩnh cửu



Có người bảo Chế Lan Viên là người hai mặt trong đời và hai mặt trong thơ. Người ta đã cố ý biến ông thành con thò lò, thành con rối của thời thế, để đổ hết lỗi của những người khác vào ông. Làm như chính ông đã gây ra những thảm hoạ, những bi kịch của đời sống, những tráo trở bất nhẫn của kiếp người. Họ vẽ chân dung ông ra thành con ngáo ộp của văn nghệ, chuyên bắt nạt và sát phạt anh em (!) Như bài thơ vừa trích dẫn, Chế Lan Viên tuyên bố rằng ông như tháp Bay-on có đến bốn mặt cơ, phải giấu đi ba mà chỉ bày ra một mặt. Đừng hiểu cái mặt này theo ý nghĩa chính trị. Xét về ý nghĩa triết học, mỗi con người quả tình có đến nghìn muôn bộ mặt giấu bên trong. Cái con người bên trong của chúng ta đã được tôn giáo diễn đạt bằng tượng Phật nghìn mắt, nghìn tay và dĩ nhiên phải hiểu là có cả nghìn gương mặt. Vậy cái chuyện bảo Chế Lan Viên có hai bộ mặt âu là chuyện thừa. Mỗi bộ mặt của hồn thơ ông hầu như quay về những hướng khác nhau, kéo bản thể của ông đi về muôn phía, toàn là những phía trái ngược nhau. Do đó, cái con người tinh thần của ông từng phút giây đều phải đau cái nỗi đau đoạn trường của Vệ Ưởng bị bảy con trâu kéo nát thịt da về bảy hướng. Nỗi đau chính là tình nhân đầu tiên và cuối cùng của thơ ông :

“Dẫu là Chúa cũng sinh từ ruột máu
Ta đẻ ra đời sao khỏi những cơn đau”


(Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?)

Từ “Điêu tàn” đến “Ánh sáng và phù sa”, Chế Lan Viên phải mất gần hai mươi năm trăn trở, quằn quại, vật vã trên con đường đau khổ như chữ dùng của nhà văn Nga A-lếch-xây Tôn-xtôi. Ông đã phải bỏ đi, phải vượt qua cả một tập thơ của mình: "Gửi các anh". Tập thơ này hầu như không phải do chính tay ông viết, nhợt nhạt và ấm ớ, giản đơn và tầm thường. Nó chính là một tập thơ đệm, một trạm trung chuyển, một gã ăn theo. Cũng giống như trong các tập thơ hùng vĩ của mình, đâu đây vẫn thấy thơ ông còn những bài đệm, những bài thơ trung tính, trung bình, những bài thơ cảm xúc bò như sên và lý lẽ thì phóng nhanh như tên lửa. Nhưng đó là chuyện bình thường, đừng vì một hạt sạn bé con mà bỏ đi cả nồi cơm gạo tám thơm ngon.
Chế Lan Viên là một thiên tài. Mà tất cả các thiên tài đều tự mâu thuẫn, nhiều giằng xé không sao giải quyết. Trong ông, con sư tử và con nai ở chung với nhau, mèo phải hội họp với chuột, cái ác và cái thiện là một cặp bài trùng chuyên môn cãi lộn nhau, sự thuỷ chung và sự phản bội phải làm phép hôn phối trước vị linh mục có tên là nhân tính. Ông phức tạp hơn cái người ta hiểu bội phần. Thậm chí, cái sự phức tạp, nhiêu khê, rối rắm, thậm chí hỏa mù của thế giới nội tâm mình, ông cũng không tự nhận thức nổi.
Trong cuộc chiến tranh thành Troie của tư tưởng nhập cuộc, của hành động dấn thân chống lại cái tình cảm hồng hoang mù sương của tầng tháp cổ, của bóng ma trơi siêu hình, siêu tưởng, tâm hồn ông bao giờ cũng là một bãi chiến trường đầy ắp thương vong và chiến tích. Nói cho cùng, cuộc đời của một thi sĩ kể ra cũng chẳng lấy gì làm sung sướng, toàn là đau dùm và khổ mượn, lấy nỗi buồn của chim sa cá nhảy làm nỗi buồn của chính mình, dại dột cõng vòm trời trên lưng như cõng một em bé, để rồi ấm ớ luôn hồ nghi, luôn tự hỏi mình đang đi, đang sống đây hay là một đám mây, một quầng lau trắng?
Từ “Ánh sáng và phù sa” rồi qua các tập thơ lừng danh: “Hoa ngày thường - chim bào bão”, “ Đối thoại mới”, “Hái theo mùa”, “ Hoa trên đá”... và hai tập thơ di cảo, Chế Lan Viên luôn luôn phải đơn độc chống trả với thế giới siêu hình. Ghét của nào trời trao của đó, cố gắng đến cạn sức lực để chống lại cuộc chiến tranh không giới tuyến, mà đám giặc-siêu-hình kia luôn luôn “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”, nên Chế Lan Viên đến phút lìa đời vẫn không thoát khỏi ám ảnh siêu hình. Bởi vì, cái siêu hình kia nó không nằm ở ngoài ông, mà nó tồn tại, nó đóng tổng hành dinh trong chính tâm hồn ông, trong tốc độ vũ trụ của tư duy ông, nó bày binh bố trận trong hơi thở, trong cái nhìn bản năng ông. Cái mà trong đoạn thơ dưới đây trích trong bài thơ “Gió lật lá sen hồ” ông viết năm 1988, tức là trước khi mất một năm, ông gọi là “ai đó”. Bởi, “ai đó” cứ ném thia lia trong hồn ông:

“Gió thổi lá sen hồ lật lại phía bên kia
Phía ấy gọi anh về
Về đâu chưa biết nữa
Chỉ biết hồn anh lật lại cùng với gió
Ở trong hồn ai đó ném thia lia”


Ôi cái phía bên kia, cái phía gọi anh về, chắc là ông đã linh cảm được phía ấy, nhưng vì sợ nên chưa gọi thẳng tên nó ra mà thôi. Cái phía bên kia của mặt trăng, cái bên kia của thế giới có tên là cái chết. Mà cái chết với Chế Lan Viên chính là tên gọi thứ hai của cõi siêu hình. Từ bỏ cõi siêu hình trở về cõi thực, Chế Lan Viên hầu như đã phải chết đi một con người, cứ tưởng ông đã hồi sinh thành một con người khác. Ai dè, sau những cơn vui chiến thắng, sau những hò reo, những hoan hô, ca tụng, những hạnh phúc đầm đìa khóe mắt, ông lại trơ ra chỉ còn lại một mình với con mọt hư vô đang từng ngày gậm nhấm cuống phổi mình như chuột gặm. Mà suốt mấy chục năm reo cười, hò hát bản anh hùng ca thời đại hết sức tuyệt vời, hết sức chân thành và cảm động, riết rồi cũng mệt, riết rồi cũng khản tiếng, tàn hơi. Nói cho cùng, niềm vui hầu như không có khả năng tạo ra thế giới; chỉ có tiếng cười như pháo tết đâu có thể tạo ra nghệ thuật. Vâng, cuộc đời thực kia, ông đã yêu đến cạn cùng hai lá phổi, yêu như “đêm xuân người vợ trẻ yêu chồng”, yêu đến nghẹn thở, đến cuống quýt, ồn ào. Tuy nhiên, chạy một mạch mấy chục năm như con trẻ chạy theo con diều giấy, Chế Lan Viên đột ngột dừng lại suy nghĩ về cái thế giới “danh vọng ầm ào, vinh quang xí xố”! Và, nói đi rồi cũng phải nói lại mới toại lòng nhau, chẳng ai nỡ bắt bẻ một thi sĩ suốt đời cúc cung tận tụy cho lý tưởng, khi chợt một ngày nào đó trước nỗi chết, ông theo phép biện chứng mà lộn trái các sự vật:

“Xưa nghiêm túc, nghiêm trang
Giờ nửa khôn, nửa dại
Lộn lèo trong gió trái”
...“Chơi trò hề lăng nhăng
Bớt cái điều trọng đại”
...“Bắt chước đào lộn hột
Vỏ tâm hồn lộn tuốt
Bớt bớt điều kiêng khem”


(Lộn trái - 1988, ba hôm trước ngày lật trái phổi ra cắt)

Cuộc đời thì vui vẻ thế, cớ sao thời thế lại hắt hiu như một người ngồi đánh cờ với chính bản thân mình: "Để anh chơi chỉ có một mình". Nhà thơ chợt buồn đến lặng cả người khi: "Chả hiệp sĩ nào buồn xách gươm lên ngựa / Gươm muốn làm lành cùng cối xay". (Don Quichotte). Chế Lan Viên đã đi, đã chạy, đã bay mà không đuổi kịp chân trời: "Vọng phu tình ái, vọng phu thơ, vọng phu lý tưởng". Bởi ông hiểu thấu cái nỗi đời trớ trêu, tưởng được đó mà mất đó, vừa thấy TẠO xong, đã HOÁ liền:

“Ai có một chân trời
Và mất gì sau đó phía chân mây?”


(Vọng phu)

Ngỡ đã tới đích của đời, ai dè đấy lại là khoảng trống vô cùng của hư vô, cái lỗ kim siêu hình mà cả đời ông chạy theo xâu chỉ hiện thực:

“Tôi như người xâu sợi chỉ vào cây kim ngay trước mặt
Chỉ đã lọt rồi, kim bỗng lùi xa
Tôi đã bước lên một bước, Kim lùi thêm một bước”


(Hồi ký bên bàn viết)

"Có lúc chỉ lọt vào rồi lại sẩy
Xâu vừa xong gió tuột nửa chừng
Lỗ kim...lỗ kim trước mắt"


(Xâu kim)

(còn tiếp)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.3.

Chế Lan Viên - người làm vườn vĩnh cửu



Giờ đây, ở thế giới bên kia, bằng sợi chỉ duy vật, hẳn là Chế Lan Viên đã xâu được cái lỗ kim tôn giáo, cái lỗ kim vô hình mà con lạc đà trong Kinh Thánh không thể nào chui lọt. Cái lỗ kim ấy cũng có tên là chân trời, là xa vời lý tưởng, là cõi đích thực của cái đẹp vĩnh hằng; nơi sinh thời, suốt bảy mươi năm, ông đã kéo bản thân mình ra thành sợi chỉ, lầm lũi và đăm đăm hướng tới như con chiên hướng về tín ngưỡng của mình. Nhưng chừng như tất cả đều vô vọng, tất cả còn vẫn ở đâu đâu. Phép lạ, có lẽ chỉ có khả năng xảy ra sau khi ta ngừng thở. Rốt ráo, tính nhân văn cao cả của thơ Chế Lan Viên chừng như đọng lại thành phù sa, thành ánh sáng ở chỗ này đây. Ông ví mình như con ong của thời thế, đến đây yêu xong là chết, vất vả cực nhọc, cúc cung tận tụy, tận hiến, tận trung, tận tình mà chẳng hề mang về cho mình một chút gì ngoài niềm đau, thi ca và cái chết : "Làm nên mật đạo đức / Chả hút gì ở môi". Sinh thời, ông không hề ta thán oán trách gì, đòi hỏi mè nheo gì. Nhưng, đối với thời đại này, ông quả là một đại công thần về văn hóa. Ông đã đi hầu khắp thế giới, trừ có Mỹ châu, để làm người thuyết khách, người rao giảng của cách mạng, của cuộc kháng chiến cứu nước. Trong thời chống Mỹ, tùy bút “Những ngày nổi giận” có sức mạnh tinh thần của cả mười đạo binh. “Những bài thơ đánh giặc”... của ông có sức mạnh ngang hàng với sức mạnh của những dàn tên lửa Sam một, Sam hai. Sự đóng góp của ông thật vô cùng to lớn. Thế nhưng, ông được đãi ngộ cái gì? Ông chưa hề được cấp nhà một lần trong đời, không bao giờ có được cái điện thoại. Cho đến khi mất, ông chưa hề được những nhà xuất bản nhà nước tái bản một cuốn sách nào. Ông sống đạm bạc mà thanh cao, tự tại nơi khuất nẻo xa xôi trong góc ngoại ô phía Tân Bình. Đến nhà ông mùa mưa thì lầy lội, mùa khô thì bụi mù. Ngôi nhà của ông quá đỗi đơn sơ, chẳng có gì quý giá ngoài trang bản thảo.
Nhưng con người ông với tất cả nội lực phi thường, vẫn thung thăng đi tiếp về phía chân trời của triệu người, từ chân trời tháp cổ cô đơn của mình như lời khuyên của P. Eluard. Ông là người “ăn cây nào rào cây nấy”, chẳng như ai kia “được ăn, được nói, được gói mang đi, được hòn chì ném lại “. Thế mà có lắm người cuống cả lên, làm như Chế Lan Viên đã ăn hết lộc của thiên hạ. Ông ăn gạo nhà Chu và ông có bổn phận rào cây lúa nhà Chu. Bá Di, Thúc Tề lên rừng ăn lá ư? Nhưng rừng kia cũng vẫn của nhà Chu cơ mà? Điều đó giải thích thái độ quyết liệt, thậm chí riết róng, dữ dằn đằng đằng sát khí của ông trong hàng loạt bài tiểu luận về quan điểm nghệ thuật khi phải tranh biện, cãi vã. Và vì vậy, có khá nhiều người không ưa ông, rồi không ưa luôn cả thơ ông nữa. Nhưng ở đời, cái gì ra cái ấy, sự nghiệp thi ca đồ sộ của ông đã thành tài sản chung của dân tộc. Ông có thể vay trả, ân oán với người đời ở chỗ khác; nhưng với thơ, ông mãi mãi là cây đại thụ của thế kỷ hai mươi trong lịch sử văn học nước nhà. Có thể ông đúng. Cũng có thể ông sai. Nhưng ông có quyền bảo vệ những quan điểm chính trị của mình. Chỉ có điều thuộc về tính khí, trong tranh biện, ông là người đôi khi truy đối phương tới cùng, quyết không cho đối phương đứng lại thở. Vâng, mỗi con người đều có những khiếm khuyết để tồn tại, huống hồ ông lại là một tài năng lớn, một người tầm cỡ mang trong mình tất cả thiện ác của thời đại, tất cả nghịch lý của kiếp người, cái mâu thuẫn không sao giải quyết của số phận. Trong bài thơ “Từ thế chi ca”, ngay cả khi trăn trối mà ông còn đáo để:

"Những kẻ nguyền rủa anh sẽ buồn
Chả còn anh cho họ giết
Dao sẵn rồi họ không dễ để yên"


Chế Lan Viên, xin ông hãy yên trí làm vườn lan nhà họ Chế ở bên kia biển, bên kia trời siêu hình; bởi trên đời này, người yêu ông, kính trọng và khâm phục ông nhiều vô kể. Những người không ưa ông còn ở trong quá khứ. Nhưng ông và thơ ông đã bay về phía tương lai của con người!
Chế Lan Viên là người Mác-xít. Vâng, cả Picasso, Romain Rolland, Eluard, Aragon, Néruda...cũng đã từng là người Mác-xít. Điều kiện tiên quyết để trở thành người Mác-xít là phải theo chủ nghĩa vô thần. Nhưng Chế Lan Viên lại cho rằng con người có linh hồn và khi chết rồi, linh hồn con người bất tử. Ông trăn trối lại cho vợ con sau khi ông chết, hãy đốt xác ông, lấy tro đem gởi vô chùa. Và như vậy, chết rồi ông mới đi tu, mới trở về với Phật mà khi sống ông không ngớt hồ nghi. Tôn giáo là nỗi ám ảnh khôn nguôi suốt một đời ông sống. Nhà Mác-xít Chế Lan Viên tự mâu thuẫn với nhà Phật học Chế Lan Viên. Như trên đã nói, ông tập trung mọi nghịch lý, mọi mâu thuẫn của thời đại quá nhiều tôn giáo mà thiếu đức tin này. Đúng như lời của Jiri Wolker: "Qua nhà thơ, người ta thấy tầm cỡ thời đại mà ông ta sống". Chế Lan Viên chính là một thời đại của thi ca của lịch sử xã hội Việt Nam trong thế kỷ đầy đau thương mà đầy hùng khí. Tráng ca, anh hùng ca cũng là ông, mà bi ca, khốc ca cũng lại chính là ông. Điều đó làm ta dễ hiểu khi đọc những bài thơ làm giật thót mình các phía như bài “Trừ đi” và “Bánh vẽ”. Phàm con người muốn biện chứng phải biết phản biện, muốn tin tưởng, cần phải học được cách nghi ngờ. Mác cũng từng khuyên người trí thức luôn phải biết nghi ngờ. Bởi vì khoa học chỉ có thể là chính nó, khi nó tồn tại trong niềm nghi hoặc của con người. Suốt một đời đi xuôi, trước lúc lìa đời, con người cần phải đi vài bước ngược lại, quay lại một chút mà ngẫm nghĩ, mà suy tưởng về thân phận mình. Vì vậy, chúng ta càng yêu ông hơn vì cái nỗi đau đời, cái nỗi buồn tủi, cái niềm biết thân, biết phận của mình rất chi là người, là trần gian, rơm rác, bụi bặm, đời thường :

"Anh đẽo tâm hồn thành con rối để yêu em
Anh hoá gỗ, hoá dây, hoá dại khờ, ngũ sắc
Tuồng tích ấy chú rối mình đủ khóc
Cần chi bàn tay nào đến giật giật dây thêm
Anh rối nước muốn lên bờ cùng rối cạn
Em đi xa, ao thương nhớ hoá đầy

... Anh đứng giữa lệ mình trơ trơ không dám khóc
Vui nỗi gì khán giả vỗ ran tay?"


(Rối cạn và rối nước)

Bài thơ làm nhức nhối người đọc, huống hồ là người viết ra nó phải đau, phải nhân tình thế thái biết là chừng nào. Nói về mình khi chưa gặp cách mạng, Chế Lan Viên viết: "Lòng ta thành con rối / Cho cuộc đời giật dây". Ngày đó ông mới vừa hai mươi lăm tuổi, sân khấu đời ông đã kịp diễn gì đâu? Con rối ấy hoạ có chăng là rối siêu hình? Còn giờ đây, con rối nước xưa đã bò lồm ngồm lên cạn như ếch nhái, để lại diễn đủ trò cho thiên hạ vỗ tay. Còn mình thì vẫn rối như sợi chỉ hiện thực trước lỗ kim vô cùng?
Càng gần tới cái chết, thơ ông viết càng hay, càng bớt chất luận đề, chính luận, càng thêm cảm xúc và sâu đọng. Hầu hết các nhà thơ mới, kể cả Xuân Diệu, Huy Cận, cái phần thơ hay nhất, đóng góp lớn nhất cho thi đàn lại là những thi phẩm ra đời trước năm 1945. Chỉ có Chế Lan Viên và phần nào Tế Hanh, mà những trước tác sau này thậm chí còn đồ sộ, còn hay hơn nhiều thời tiền chiến. Sau Thơ Mới, ông đã làm cho Thơ Mới được mới thêm một lần nữa. Đấy chính là sự đóng góp có tính tiền phong, tính mở đường của thơ Chế Lan Viên cho thời đại thi ca mới. Chính ông mới là nhà thơ hiện đại đúng nghĩa nhất của nó.
“Lòng ta mục đồng / Cũng đi chăn đấy”... ... “Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu”. Do đó, đôi khi thi ca cũng cần được tung tăng hồn nhiên như con nghé ọ. Nhà thơ không cưa sừng làm nghé, vì tâm hồn ông đã được thả rông trên đời này để có lúc vừa ăn cỏ của đời sống, vừa uống nước sông Ngưu siêu hình của trời xanh:

"Con trâu nghé ọ
Có cặp sừng bỡ ngỡ
Chiều buồn không biết cọ vào đâu"


(Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh -1988)

Câu thơ viết như chơi, viết như đùa, như không mà hay đến nghi hoặc. Yêu biết bao nhiêu cái cặp sừng non bỡ ngỡ của thi ca. Này con nghé ọ, mi đang cọ sừng vào cõi hư vô mà chẳng biết. Nhà thơ bảy mươi tuổi nhưng thi ca của ông sinh ra muôn đời phải là con trẻ, phải là con nghé ọ của đời. Con nghé thơ sẽ lớn thành con trâu kéo cày trên cánh đồng văn học. Và, trâu thơ ơi, sau khi người chết đi, người đời sẽ mượn da người làm trống, để đánh lên nhịp nhảy, nhịp sống của con người. Và trâu thơ ơi, xin mi để lại cặp sừng làm chiếc tù và báo động. Đi từ cặp sừng non của con nghé đến chiếc tù và của con trâu, Chế Lan Viên vẫn tiếp tục cất lên tiếng trống, tiếng tù và, báo hiệu một ngày mới trên cánh đồng vĩnh cửu của thi ca...

Thành phố Hồ Chí Minh 3 giờ sáng 22/5/1994
(Nhân ngày giỗ thứ 5 nhà thơ Chế Lan Viên 19/6/1994)
(Bài đã in báo VĂN, TP HCM, số 32, 6/1994 và trên Văn nghệ Quân đội số tháng 12/1994)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

thuý xinh

Nỗi đau của Chế Lan Viên
Khổng Ðức  

 

  
Bao nhiêu người đã viết về Anh Chế , có lẽ cũng đủ lắm rồi , giờ tôi chỉ xin ghi lại một đôi điều hiểu biết của mình hay qua sự kể lể của những người thân về anh ấy .
            Không dám dài dòng , tôi chỉ xin xác minh về một bài thơ Anh Chế đã viết tại bệnh viện Chợ Rẫy ngày 9-9-1988 trước khi mổ phổi , đó là bài Hội An , nay đã đưa vào trang đầu của quyển Di Cảo Thơ Chế Lan Viên tập III . Nếu đó là bài thơ bình thường như bao bài thơ khác của Anh ấy thì tôi cũng nên im hơi lặng tiếng cho nó trôi qua với thời gian , tha hồ ai muốn hiểu sao cũng được . Đằng nầy trên bài thơ ấy Anh Chế lại viết mấy dòng như lời thanh minh :
                        “ Tôi chẳng yêu ai ở Hội An cả , nhưng tôi yêu đô thị ấy. Tuổi thơ tôi đã ở đấy ( sáu bảy tuổi ) . Nhân xem các tranh Lưu Công Nhân vẽ về cao lâu Hội An , tôi tặng riêng anh bài này.Cũng là tấm lòng tôi mến anh và tài năng anh”.
                                                                                C.L.V
             Chính tôi là người mang bài thơ này đem đến trao tận tay cho Mai Quốc Liên để đăng lên báo Quảng Nam – Đà Nẵng . Khi cầm trên tay bài thơ Hội An vừa ráo mực tôi đã bồi hồi , nhưng trước mặt Anh Chế không dám mở một lời vì anh đã viết trước một cái “ chapeau “như vậy , nói gì bây giờ , anh ấy lại đang bệnh , ngoài mặt chúng tôi – nói chung những bạn bè – trước mặt anh đều nói nói cười cười ,nhưng sau lưng anh ai cũng thầm lo cho cơn bệnh ngặt nghèo của anh . Vậy có bao giờ dám mở một lời gì làm cho anh buồn giận , nên đã im rồi thì im luôn mãi đến giờ . Nhưng nay mười năm đã trôi qua , chúng tôi cũng đã qua tuổi thất thập từ lâu , nếu lại im luôn thì sau này sẽ có bao sự hiểu lầm , tưởng lời Anh Chế nói “ Tôi chẳng yêu ai ở Hội An “là thật … Vì chính nhà thơ đã viết ra giấy trắng mực đen . Đời biết đâu có lúc nhà thơ cũng phải dối mình dối người … Giờ xin các bạn yêu thơ hãy bình tĩnh đọc lại bài HỘI AN :
Hội An chẳng là quê
Mà là hương, khổ thế
Quên quê , ai có thể
Hương ư ? Ôi dể gì
Fhephô , ta phe nào ?
Ôi , A Di Đà Phật !
Cái phe toàn nước mắt ,
Chỉ phô toàn khổ đau !
Yêu ở đâu thì yêu
Về Hội An xin chớ
Hôn một lần ở đó
Một đời vang thủy triều
Xin chớ hôn gần bể
Từng đêm sóng đuổi người
Hồn ta hóa tượng Hời
Nữa khôn rồi nửa dại
“ Anh là khỉ chùa  Cầu “
Mắng xong anh , em khóc
Hương chùa hay hương tóc
Mắng khỉ mà người đau
Thế rồi ta xa nhau
Anh lên đài Vọng Hải
Tìm em mùa hoa dại
Hoa đây còn em đâu ?
Không cần gặp Thiên Tào
Đòi một đời hạnh phúc
Chỉ cần cùng nhau khóc
Một giờ trong cao lầu .
            Người ta có thể quên quê mà không thể quên hương , vậy là hương gì vậy , hương đô thị ư ? làm gì có chuyện đó , chỉ là hương tình yêu mới khắn khít đến khó quên thôi , dù là hương đắng cay đời độc bạc … Giữa hai phe ta chọn phe toàn nước mắt , toàn khổ đau.Không yêu mà sao đau nhiều quá vậy ? Hay đã yêu , được yêu , đã nắm trong tay bao ngọc ngà châu báu của đời , rồi trong một trường hợp nào ngang trái đẩy đưa đã buông tay đổ vở , cắt chia đôi đường . Còn rõ ràng hơn “yêu ở đâu thì yêu về Hội An xin chớ “ là sao ? Gái Hội An không đáng yêu ư ? Nói như thế này thì Hội Liên Hiệp phụ nữ Quảng Nam chắc phải đưa đơn kiện nhà thơ chúng ta mất . Đã hết đâu nhà thơ còn giáng cho một đòn chí tử “ Hôn một lần ở đó , một đời vang thủy triều “. Đã cấm yêu còn cấm hôn nửa sao , nụ hôn gì mà ác nghiệt sẽ kéo dài triền miên đến cả một đời , nhất là nếu hôn gần bể ,còn tai họa hơn là từng đợt sóng sẽ liên tiếp đuổi theo người gây rắc rối đến nỗi hồn người sẽ hóa thành tượng Hời … Nhưng không phải tượng để người người chiêm ngưỡng , rồi mua lậu bán chuôi cho khách nước ngoài kiếm đô la …; mà tượng sẽ trở thành người thật “nửa khôn rồi nửa dại “ . Cái hôn gì mà ghê thế , phải chăng đó cũng là nụ hôn Anh Chế từng viết :”Cái dấu môi son nhà thơ để lại … không ai chùi nổi đâu ,nhất là các triết gai hay trổ tài khôn dạy người … Chỉ có thể ,rửa nó bằng nước của song Mê , bến Lú .
             Tưởng không cần phải dài lời minh chứng hẳn ai cũng biết phố Hội An đã để lại trong tâm hồn , không cả cuộc đời anh Chế một dấu ấn đau buồn khôn nguôi . So với Lầu Ông Hoàng – Phan Thiết của Hàn Mặc Tử chả thấm vào đâu , vì nổi đau của Tử chỉ là số tạo ra một sự thăng bằng giữa thể xác và tâm hồn nên phải có một Mộng Cầm ruồng bỏ , một Thương Thương si mê giả vờ … Trái lại nỗi đau của anh Chế là nỗi đau thật sự , nó xuất phát từ một thiên tình sử đầy lâm ly , tuy nhiên vãn đến được kết quả vẹn toàn hôn nhân , có con cái ( hai trai một gái ). Nhưng đến nữa đường thì đứt gánh “anh đường anh , tôi đường tôi “. Cuộc tình duyên này bắt đầu vào khoảng năm 1942 – 43 Anh Chế về dạy Việt Văn ( lúc bấy giờ gọi là Langue Indigène ) tại trường Trung học tư thục Chấn Thanh ở Đà Nẵng , thì nhà thơ kiêm nhà giáo nầy đã lọt vào mắt xanh cô nữ sinh đang học lớp Đệ Tam ( 3è annéc- tức là lớp 8 bây giờ ). Kể tuổi thầy mới 22,23 , và trò thì đang độ 17 xuân xanh – dáng người thùy mị xinh xinh , vào thời đó mà con gái được học đến bậc trung học – chỉ còn một năm nữa lên đệ tứ là cao quý lắm đấy . Đến được bậc học nầy thì chồng của họ phải là kỷ sư, bác sĩ hay trạng sư …, cho dù anh Chế cũng đã là thi sĩ nổi danh . Đời vẫn quan niệm đúng như thi sĩ Nguyễn Bính đã căn dặn con gái tương lai của mình :”con ơi chớ lấy chồng thi sĩ , nghèo lắm con ơi , khổ lắm con .” Nên dù tình yêu của đôi bạn trẻ rất khắng khít , gia đình bên gái không bao giờ muốn gả con cho nhà thơ trẻ này , tuy nhiên thầy trò họ đã được cái may là đang ở vào thập niên 40 -50 , tuổi trẻ phần đông đã chiếm được lợi thế , không còn là thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy . Thiên tình sử này khá dài dòng và đã được nhà thơ tiền bối Quách Tấn , cũng là người đóng vai trò quan trọng trong cuộc hôn nhân đầu đời của Chế Lan Viên , thuật lại đầy đủ trong tập Quách Tấn :Bạn và thơ  sẽ xuất bản nay mai ,nên ở đây chúng tôi chỉ lướt qua.Và mùa hè năm 1943 thì anh Chế thành hôn với người yêu của mình , mối tình đầu đời này kéo dài đến ngày anh Chế bị lao phổi phải qua Bắc Kinh để điều trị ( khoảng năm 1958 – 59 ). Lúc bấy giờ họ đã có  ba con .Thế mà phải ly dị vì chị đã buớc sang thuyền khác . Lỗi này ở ai để người sau phẩm bình , 18 năm sau – 1987-anh Chế cỏn ghi lại nỗi khổ đau này trong sổ tay :
Anh như con hươu soi vào đâu cũng thấy cặp sừng mình không chỗ giấu
Mà chỉ có cặp sừng này là bảo vật , giấu sao hươu ( Cẩn thận - cầm tay 2)
    Có hiểu được cảnh ngộ ngang trái này mới hiểu được đời thơ của anh Chế , một nỗi đau không nói được , hay không dám nói dù nói bằng thơ , cho nên :
…Tả một môi son , có khi anh chỉ nói sắc sen hồ .
Phải dấu tình cảm đi như ém quân trong rừng vắng
… Đời anh chỉ là một tiếng khóc òa
Khóc nghẹn ngào trong thơ
Hạnh phúc với anh chỉ có hồi kết thúc ,nhắm  mắt lìa đời …
         Thật là định mệnh .Vì từ năm 1937 – 40 Anh đã viết :
Khi cây chết ta là chim bơ vơ
Khi không gian đã hết những đợi chờ
Khi trưa xuống khóc trên lòng song bể
Ta muốn ta mai sau là hạt lệ
Khóc trên lòng hậu thế những đau thương .( Khi cây chết – Di cảo II )
             Những câu thơ này chúng ta chỉ được đọc trong DI CẢO THƠ của Anh , và hình như cũng chỉ đựoc viết ra trong những năm cuối đời trong sổ cầm tay giấu kỷ .Còn nhớ trong những ngày anh lâm bệnh nặng , trong dịp tổ chức đêm thơ , chúng tôi đến nhà anh kiếm ít bài thơ mới nhất chưa hề đăng báo hay xuất bản thành sách , chi Vũ Thị Thường có đưa một quyển sổ tay khá dày để tìm ít bài hay in vào cái “dépliant “ làm thiệp mời cho trang trọng . Lúc bấy giờ anh đã khi tĩnh khi mê , nhưng khi nhìn chúng tôi dở sổ tay anh ra xem và ghi chép , anh tỏ ý – xuyên qua tiếng nói thì thào là chớ nên đưa ra … Bây giờ thi di cảo đã ra đến ba tập mà nào có mấy ai chú ý hay biết đến những hòn máu , những nỗi đau , những tiếng hkóc nghẹn ngào , những vết thương lòng …
Những vết thương gây bởi mùi hương lâu lành hơn cả
Chửa lành ư? Lại phải có mùi hương
May quá ! đấy là vết thương không chảy máu , không có hình , không có sẹo và anh có thể đi lại , tươi cười , dầu bị tử thương ( chữa lành – cầm tay I )
          Anh còn gọi đó là vết thương dại dột , ngu đần chờ gì được ở cái khôn rành , khôn sỏi của châm ngôn . Khi đau , ta tránh hết các thánh thần , danh nhân , vĩ nhân đi nhé !
Để vết thương tự uống hết máu mình …
           Nhưng khi vết thương tự uống hết máu mình , thì cũng là nhắm mắt lìa đời …
Vậy ngày nào còn sống thì “ hãy đẻo tâm hồn mình cho thanh con rối
Anh hóa gỗ hóa dây hóa dại khờ ngủ sắc
Tuồng tích ấy chú rối mình đủ khóc
Cần chi bàn tay nào đến giật  dây thêm …


Làm thơ ư ? Anh chơi cái trò bi kịch không ra bi
Hài kịch chả ra hài
Nhưng đã là số phận rồi , cứ phải chơi thôi …


Anh đóng kịch để nói điều rất thật
Đập đầu để nói chuyện nội tâm …
         Để cuối cùng là :Người diễn viên đóng nổi trăm vai , vai nào cũng giỏi
Chỉ một vai không đóng nổi : vai mình !
         Tóm lại đời của Anh Chế là một nỗi đau khổ triền miên , mà  Hội An hay Đà Nẵng là dấu ấn muôn thuở , hay như anh nói :
Từ đáy biển chiếc nhẫn vàng chói lọi ( Hồi nào ném đi lại lặn xuống đi tìm )
Bảo sóng cồn cào là sóng nhớ chớ đâu quên
         Nỗi đau trong thơ anh Chế mênh mông như một đại dương , bài viết ngắn gọn này chỉ là một gợi ý nhắc nhở cho người sau biết mổi lần mò và cũng gọi là một đáp đền nhỏ nhoi kẻ đã thụ hưởng của anh ít nhiều ân huệ .
                                                                 
Chú thích : phephô là tên xưa của Hội An
sau cơn mưa trời lại nắng...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài viết)
[1]