Trang trong tổng số 5 trang (48 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5]

Ảnh đại diện

Hoài Thy

...Mười tuổi, An Ngải đươc gửi vào trường Ký túc xá để học lớp vỡ lòng. Cậu được thầy giáo chỉ định làm lớp trưởng vì lớn nhất lớp chứ không phải vì học giỏi. Cậu còn biết rất ít tiếng phổ thông. Mỗi dịp xuân sang, hè về; lũ trẻ náo nức mong được về với gia đình thì cậu chỉ lẳng lặng ra sân đứng khóc một mình. Các thầy  cô giáo và các bác cán bộ thương, chia nhau đón cậu về nhà ở với họ trong những dịp hè, tết; lên rừng lấy củi, bổ củi, gánh nước cho nhà nào, họ cho cậu ăn cơm bữa ấy...
Bây giờ cậu về cùng học với Hoài Thy là đã qua một lớp đào tạo khẩn cấp mấy tháng hè và dạy lớp 1 được một năm, lương 37 ngàn đồng một tháng. Ngoài giờ học, cậu thường xuống nhà thầy Thơ- một giáo viên người Thái, băm bèo thái chuối giúp thầy chăm 3 con lợn, một vườn rau và trồng thêm bí đỏ bán cho bếp ăn tập thể. Những chuyện ấy mãi sau này Hoài Thy mới biết. Nó chỉ viết nhật ký khóc vì thương cậu. Vậy mà cô Ngoan đã rình lúc nó đi vắng, đọc trộm nhật ký của nó rồi gặp riêng An Ngải để tâm sự. Tối đó, trước khi đi ngủ, cô Ngoan cho nó xem bức thư An Ngải viết cho cô- một bức thư thấm đẫm nước mắt:
"...Chị Ngoan! Em xin chị đừng bao giờ trêu đùa em với bé Thy nữa mà lòng em thêm tủi. Thy còn trẻ quá, lại con ông to, em nào dám mơ. Em chỉ là thằng bé dân tộc mồ côi nghèo khổ, lại già. Các chị đùa thế nó khinh em ra..."
Đọc xong lá thư, chân tay nó run lên lẩy bẩy... Lần này không cần giấu giếm, nó khóc lên từng hồi nức nở: "Cháu đâu có tồi tàn như chú ấy nghĩ. Cháu chưa bao giờ nghĩ coi khinh ai trong đời, cũng chưa bao giờ nghĩ mình là con ông nọ bà kia. Chú ấy hiểu sai về cháu rồi..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy

Ha ha, cháu Thy động lòng rồi.
Khuyên các bạn trẻ hãy biết lợi dụng tình thương, lòng nhân ái của phái nữ khi muốn chinh phục một ai đó, nói nôm na là cần biết dùng "khổ nhục kế" :))
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoài Thy

@Anh Tường Thuỵ và các bạn!
Bây giờ thì em không giấu con gái em mọi chuyện nữa. Nó cũng viết văn nên rất hiểu mẹ. Nó bảo:
-Con hiểu vì sao mẹ viết thơ tình cho bố và những người tình trong tưởng tượng rất sâu lắng. Đó có phải là những khát vọng mẹ không có trong đời? Mà mẹ sống trên mây trên gió nên tự làm khổ mình. Bố tốt và yêu mẹ thế cơ mà...
Em không trả lời con gái nhưng đã từ lâu em ngộ ra một điều: Tốt và yêu là hai khái niệm khác nhau. Được giáo dục trong một gia đình gia giaó, tất nhiên em nghĩ rằng mình phải sống với người có cái đức làm đầu. Và người bạn đời của em là một người tốt...
Mà anh TT khuyên các chàng trai như thế có phù hợp với thời buổi hiện đại này không nhỉ? Bây giờ con gái mới lớn đã khôn ngoan tỉnh táo lắm! Chúng không sống bằng cảm tính, khờ khạo và lãng mạn ngốc nghếch như em của ba mươi mấy năm trước đâu!
Em đang viết truyện dài " Không có bờ vai" và bị con gái phản đối quyết liệt. Nó bảo :"Mẹ đừng đi theo vết xe đổ của Lê Vân mà "Vạch áo cho người xem lưng"...Đừng làm tổn thương đến người khác!"Em chỉ viết rất trung thực mọi chuyện xảy ra trong đời, viết để giải toả và may ra  tránh được ngộ nhận cho những cô gái sống viển vông, mơ mộng như em. Mấy đoạn văn trên trả lời anh TT là phần giữa của câu chuyện. Thực ra, viết truyện trên mạng cũng có cái hay của nó. Mình được giao lưu hai chiều cùng độc giả, có được những ý kiến phản hồi khách quan sáng suốt của người ngoài cuộc để mình có thời gian suy ngẫm, chỉnh sửa lại; nhưng đôi khi cũng có mặt trái của nó. Có thời gian, em bị vài kẻ ghét ghen, ác ý cứ đi theo từng trang viết của mình để chêm vào những lời giáo huấn về đạo đức rằng thì là không nên viết thế nọ thế kia...Viết văn - theo em phải trung thực, không bị áp lực chi phối từ bên ngoài , phải sống bằng tâm trạng thực của mình, câu văn mới có hồn
Còn muốn tỏ vẻ ta đây cao ngạo đạo đức thì đi mà làm chính trị, hoặc viết văn minh hoạ chủ trương đường lối, nhưng đừng bắt người khác phải theo cái khuôn của mình. Em không phục những người duy lí trí và có đầu óc hẹp hòi như thế!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy

Có thời gian, em bị vài kẻ ghét ghen, ác ý cứ đi theo từng trang viết của mình để chêm vào những lời giáo huấn về đạo đức rằng thì là không nên viết thế nọ thế kia...Viết văn - theo em phải trung thực, không bị áp lực chi phối từ bên ngoài , phải sống bằng tâm trạng thực của mình, câu văn mới có hồn
Còn muốn tỏ vẻ ta đây cao ngạo đạo đức thì đi mà làm chính trị, hoặc viết văn minh hoạ chủ trương đường lối, nhưng đừng bắt người khác phải theo cái khuôn của mình. Em không phục những người duy lí trí và có đầu óc hẹp hòi như thế!
=============

Cái này thì em giống anh rồi á.
Anh cũng hay bị nhắc nhở bởi những bài viết mà họ cho là "phản động", "nói xâu" chế độ mặc dù khi anh đi bộ đội "chống Mỹ cứu nước" thì người ta chưa sinh ra hoặc đang lẫm chẫm biết đi.
Anh rất ghét ai cứ muốn anh phải suy nghĩ và hành động giống họ mặc dù anh không làm thế với ai bao giờ.
Anh gọi đó là sự vô duyên và chẳng biết mình là ai.
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoài Thy

Hôm qua(24/10),NL- con trai cả tôi vừa tròn 34 tuổi.
Cả ngày không liên lạc được với con vì con lại tiếp tục về Điện Biên theo học lớp ĐH thuỷ lợi.
Tôi sinh NL năm 1976, khi tôi 19 tuổi.
Kết hôn 2 ngày, An Ngải phải trở về Lai Châu dạy học. Bố tôi mới mất được 2 năm, lúc đó mẹ tôi 44 tuổi, cậu em út mới lên 2 tuổi. Tôi dạy học bổ túc văn hoá ở trường Đảng Khu Tây Bắc. Lúc mới mang thai NL, tôi bị phù toàn thân vì căn bệnh viêm bàng quang đường tiết niệu, phải chuyển về bệnh viện Bạch Mai điều trị. Tôi ở với người bác ruột(anh trai của mẹ , đang phụ trách lăng Ct HCM) nhà gần dốc Tân Ấp, sau đó điều trị tại Bạch Mai hơn 1 tháng trời. Khi ra viện, bác sĩ khuyên tôi không nên giữ cái thai làm gì , vì tôi tiêm kháng sinh quá nhiều sợ ngộ độc thai nhi. Giấy ra viện họ cho nghỉ thêm nửa tháng. Lẽ ra tôi phải mua vé xe theo đường Hoà Bình để lên Sơn La nghỉ ngơi cùng mẹ. Nhưng nghĩ thuơng An Ngải buồn, lá thư nào gửi về cũng thấm đẫm nước mắt rằng thương rằng nhớ; tôi quyết định ra Ga Mới lên tận Lao Cai, rồi ngược Điện Biên thăm chồng...
...Sau chuyến ấy về, cả mẹ và mọi người đều khuyên tôi không giữ thai nữa. Tôi vào bệnh viện nằm chờ và chứng kiến một cô gái chửa hoang phá thai cô- vắc. Đứa bé lôi ra vẫn sống thoi thóp mãi mới chịu lìa đời. Tôi kinh hoàng quá! Và quyết định ...trốn viện. Dù sống hay chết, tôi quyết tâm giữ lấy giọt máu của mình. Sau đó là chuỗi ngày khắc khoải lo âu ,bi quan, tuyệt vọng... Rồi, sau 9 tháng 10 ngày, con tôi cất tiếng khóc chào đời phải can thiệp ... vì tôi yếu quá, không đủ sức tự sinh được. May mà cháu khoẻ mạnh,thông minh ,khôi ngô tuấn tú và  nhanh nhẹn chứ không bị dị dạng hay thiểu năng trí tuệ như cảnh báo của bác sĩ. Mẹ tôi thường bảo: "Xởi lởi thì trời cởi cho, so đo thì trời co lại. Con bé này đoảng vị và khờ khạo nhất nhà nhưng sống có  nghĩa, có tình nên được trời thương..."    
Tôi khai sinh cho con trai mang tên một dòng sông , không phải theo ý nghĩa thơ mộng- mà là một dòng sông ngập tràn nước mắt trong suốt 9 tháng 10 ngày tôi mang thai cháu. Mẹ tôi phản đối kịch liệt : "Tại sao lại có thể đặt cho con trai một cái tên yếu mềm như vậy?". Và cháu đã được chuyển sang một cái tên khác. Tất cả chuyện này, An Ngải không biết, NL không biết...  Tôi luôn giành cho con trai cả một tình cảm  ưu ái đặc biệt. Ngoài tình mẫu tử thiêng liêng còn có nỗi ân hận ám ảnh day dứt khôn nguôi: Dù có vì lý do dù đi chăng nữa...suýt nữa mình đã phạm tội ác mà lương tâm không bao giờ tự tha thứ được...Giờ cháu đã có tổ ấm riêng và khá thành đạt. Cháu sống  rất tình cảm với mọi người trong gia đình và ngoài xã hội. Đặc biệt NL rất có hiếu và  tâm lý đối với mẹ, tuy rằng chỉ biểu hiện bằng hành động chứ vụng về chẳng bao giờ thể hiện qua lời nói. Em gái út nhận xét pha chút ganh tỵ: "Anh NL có vẻ mặt giống hệt bố mà tính tình giống hệt mẹ. Con cưng mà...".
NL ơi! Mẹ luôn nhớ thương con vô hạn.
Chỉ tiếc mẹ không còn khoẻ để đỡ đần con trông nom hai cháu.
Mà nếu còn khoẻ cũng không thể bỏ bố mà lên ở cùng con được. Con quá hiểu về bố rồi đấy thôi!
Ở đâu, lúc nào mẹ cũng cầu mong những điều tốt đẹp nhất luôn hiện hữu bên con...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoài Thy

Sắp đến Hội diễn Văn nghệ của các cơ quan ban ngành tỉnh.
TV- con gái yêu ngoài các tiết mục tham gia biểu diễn tập thể, còn có tiết mục song ca và đơn ca nữa.
Buổi chiều qua, 4 cô bé trẻ xinh về tập múa phụ hoạ để TV đơn ca bài"Mái đình làng cổ". Nghe chúng hồn nhiên ríu rít mà bồi hồi luyến nhớ thời con gái ngắn ngủi...cũng vui tươi, yêu đời...cũng thích nhảy múa hát ca. Học cấp 1 thì chuyên trị "giữ chức" quản ca của lớp. Hoc cấp 2 và 3 lần theo học  chuyên nghiệp thì giữ chức "cán sự văn" của lớp...
Năm thứ  2 học Sp, mình và chú An Ngải cùng tham gia đội văn nghệ của trường TCSp khu Tây Bắc. Chú có chất giọng trầm ấm và truyền cảm. Mình hát không hay bằng chú nhưng điểm ký âm, xướng âm bao giờ cũng cao hơn chú. Thầy Thuỵ-giáo viên dạy nhạc khen:"Con bé này có tai âm nhạc, hát đúng cao độ, trường độ "...
Năm  21 tuổi, có 2 con rồi mà vẫn yêu văn nghệ lắm. Đêm đêm, lưng địucon nhỏ, tay trái dắt con lớn, tay phải xách đèn bão lên lớp dạy học sinh nội trú múa hát đến khuya , khi cả hai đứa con đã ngủ tít thò lò một giấc mới đánh thức chúng dậy để về nhà ngủ tiếp...An Ngải rất thích hát song ca cùng vợ  trong những đợt Hội diễn Văn nghệ của trường...Hồi ấy còn khó khăn, vất vả mà ngập tràn niềm vui...GPM, cô học trò cưng- con "sơn ca" của trường ngày xưa (giờ đã làm chủ tịch HDND tỉnh) cứ nhắc mãi cái chuyện  bế con cho 2 thầy cô lên song ca....
Chuyện xa lắc xa lư gói trong miền nhớ.
Chuyện hiện tại thì tìm chốn lãng quên.
Kỳ quặc thật. Sau trận ốm "thập tử nhất sinh" mình đâm ra lú lẫn. Khách dến chơi nhà hỏi chuyện nọ kia đều không nhớ, thậm chí tên của họ cũng không sao nhớ nổi. An Ngải nhắc: "Bận sau không nhớ họ , em cũng đừng nói ra miệng, anh xấu hổ lắm!"
-Không nhớ thì bảo rằng không nhớ, em không giả vờ để giữ sĩ diện cho anh được. Bận sau khách đến anh đi mà tiếp, em trốn vào buồng cho anh khỏi xấu hổ...
Ra chợ, trả tiền thịt , cá xong nhiều khi đi thẳng sang hàng rau quả...về đến nhà mới biết rằng để quên thịt, cá ngoài chợ...Có lần, họ còn gửi người đem về tận nhà cho.
Mẹ chép miệng xót xa cho con rể: Rõ khổ thân cái thằng An Ngải...
Thế mà cái chuyện từ ngày xửa ngày xưa thì cứ nhớ vanh vách, bám dai như đỉa đói mới kỳ lạ chứ!
Hay trong não mình có phần hưng phấn, có phần ức chế?
Tự dưng nhớ đến lời Đỗ Doãn Hoàng "Viết ra kẻo nữa lại quên"
Ừ, "viết ra kẻo nữa lại quên'. Chả để làm gì cả. Chỉ để tự biết là mình vẫn nhớ. Mình vẫn còn chút minh mẫn chứ không phải như mẹ, anh trai, các em, chồng con mình thường nói nói vụng sau lưng mình: "Không bình thường rồi..."
Những người thân yêu nhất còn cho rằng thần kinh mình có vấn đềthìngười ngoài họ nghĩ như thế nào?
Thầy- nhà văn ấy an ủi: "Em chẳng làm sao sất. Chẳng qua mọi người chưa hiểu em. Em cứ sống và viết những gì mình ấp ủ. Viết cũng là một cách giải toả".
Vâng ! Em cám ơn thầy. Giá mọi người bên em cũng hiểu em như thầy?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoài Thy

Mấy hôm nay buồn, thấy phân tâm...
Cũng định không viết nữa. Mà không sao dứt nổi.
An Ngải bận rộn,tận tình,chăm sóc vợ chu đáo. Tuy vụng về nhưng rất thật.
Có những điều rất đơn giản cả đời An Ngải không cho nổi vợ. Nhưng tấm tình chân thực không phải ai cũng được như anh.
Mình cũng không mong tìm thiếu hụt nơi khác.
Lòng tự trọng của một người đàn bà có giáo dục khiến mình ngẩng cao đầu, không hổ thẹn với đời.
Nhớ ca từ của cố nhạc sĩ Trần Hoàn: "Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu hết lòng nhau" mà cảm động ...
Có lẽ phải thay lại tên truyện dài dang dở?
Có lẽ phải thay đổi lại cách viết?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoài Thy

An Ngải ngồi cặm cụi cả trưa, tự đơm từng chiếc cúc áo. Cái lưng gù xuống nom khắc khổ, tội nghiệp.
Những năm gà trống nuôi con cho em đi học Đại học, anh thường rải chiếu ra sân, khâu vá quần áo cho các con như thế !
Tay Hoài Thy không đơm được cúc áo cho anh nữa rồi...
Hoài Thy cũng ân hận và tự trách mình nhiều lắm: Hoài Thy đã đủ dũng cảm lấy anh, vượt qua mọi gièm pha, ngăn cản, vượt bao khó khăn gian khổ để có cuộc sống như ngày hôm nay. Vậy mà cuối đời , HT lại tự thương mình quá!
Anh rất tốt. Cơ bản là như vậy. Điều em buồn nhất là anh sống quá thực tế, không có chút lãng mạn nào. Thưở nhỏ, hoàn cảnh sống 2 người quá khác xa nhau nên tính cách cũng khó hoà hợp...Anh yêu vợ bằng một tình yêu bản năng nên em sợ, chán. Mà điều này có người vợ nào dám nói với chồng? Văn hoá yêu nào có ai dạy cho ai đâu! Em muốn được nâng niu, trân trọng ...
Anh bảo:
-Nếu có kiếp sau, anh sẽ tìm lại em để lấy em làm vợ...
Em cười đuà mà nước mắt tuôn:
-Kiếp này đã quá đủ rồi anh ạ! Kiếp sau, em sẽ lấy chồng người Kinh

Đoạn đối thoại trên xảy ra cách đây 5 năm rồi nhưng anh vẫn buồn và nhắc lại mãi. Em cũng buồn vì lời nói đó không phải vô cớ thoát ra miệng. Nó âm ỉ,day dứt trong em lâu lắm rồi...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 5 trang (48 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5]