Trang trong tổng số 1 trang (3 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Nhân Tâm

"Trong đầm gì đẹp bằng sen?
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".


Đây là bài ca dao nổi tiếng nhất nói về hoa sen trong kho tàng dân gian, cũng là một trong số những bài ca dao được nhiều người Việt biết đến nhất.

Mở đầu bài ca dao là một câu hỏi tu từ, khẳng định trong đầm không gì có thể đẹp hơn hoa sen. Câu thứ 2 và 3 lại là một vế đối, nhắc lại đến 2 lần về màu sắc của cây sen:
"Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh"

Nếu như câu thứ 2 là nhìn từ ngoài vào: lá xanh, bông trắng, ở giữa có nhị vàng; thì câu thứ 3 là nhìn từ trong ra: ở giữa có nhị vàng, bao quanh là bông trắng, ngoài cùng có lá xanh.

Người ngắm sen, đã ngắm tất cả các góc độ của cây hoa, từ ngoài vào, từ trong ra... đều thấy màu sắc hài hoà, đẹp đẽ. Một bài ca dao 4 câu, mà có đến 2 câu mô tả về màu sắc với ý tứ lặp lại, liệu có phải là thừa? Liệu có phải đã quá tập trung vào màu sắc, hình thức mà quên mất hương thơm của hoa? Câu hỏi này ta sẽ trả lời sau.

Đến câu cuối, hương sen mới được nhắc đến một cách gián tiếp: "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Người ngắm sen không mô tả sen có mùi gì, là thơm ngào ngạt, thơm dịu nhẹ hay thế nào? Người ngắm sen chỉ khẳng định: gần bùn nhưng sen không hề có mùi hôi tanh của bùn.

Theo cảm nhận của tôi, chỉ cần một câu tả mùi hương của sen, không trực tiếp mà gián tiếp như trên mới thực là tuyệt diệu! Màu sắc của sen, chúng ta đều có thể nhìn thấy như nhau, nhưng mùi của sen, mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau, cùng một người cũng sẽ tuỳ tâm trạng, nhận thức mà mỗi lúc cảm thấy một khác... nhìn chung, mùi của sen là thiên biến vạn hoá cũng như kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, dù con người cảm nhận theo bất cứ cách nào, tâm trạng vui hay buồn, nói cách khác, đang ở trong bất kì hoàn cảnh nào của cuộc đời thì vẫn sẽ nhận thấy mùi của sen là độc đáo, là duy nhất, là tinh khiết, chưa từng bị ô uế bởi mùi bùn.

Chỉ một câu "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", tác giả đã dùng 8 chữ để mô tả cái không thể mô tả bằng lời, không những thế, còn nâng mùi của sen vượt lên trên chức năng của một mùi hương, nó không còn là mùi hương nữa, mà đến đây, ta đã cảm nhận được thứ gì đó rất khác.

Trở lại 2 câu mô tả màu sắc của cây sen. G.S Trần Đình Sử đã chê tác giả "mù điếc về mùi thơm" vì cho rằng, như thế không khác gì thấy cô gái đẹp thì khen là đẹp, và khẳng định "không khen sắc đẹp là cái hiếm có nhất". Không rõ phát biểu ấy nằm trong bối cảnh nào, nhưng nếu giáo sư thực sự cho là như vậy, tôi cảm thấy ngạc nhiên bởi không biết ai mới là "mù điếc" ở đây?

Lĩnh vực nào cũng có lý luận, nhưng nếu chỉ dựa vào câu chữ và lý luận, bắt bẻ dựa trên câu chữ... thì riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, cách tiếp cận ấy đã sai hoàn toàn. Khi một thứ vượt trên chức năng ban đầu của nó, thì đó là nghệ thuật, vậy thì tại sao khi từ ngữ đã vượt trên chức năng ban đầu của nó, thì từ ngữ ấy lại bị coi là mù điếc mà không phải nghệ thuật?

Thứ nhất, hai câu mô tả màu sắc của sen có thực sự chỉ là mô tả màu sắc?

Thứ hai, câu cuối mô tả mùi hương của sen đã vượt lên chức năng mô tả mùi hương và cũng đưa mùi hương ấy vượt lên chức năng của một mùi hương, đây là thủ pháp nghệ thuật tuyệt diệu. Nếu tác giả có thủ pháp cao như thế, liệu có gặp lỗi luẩn quẩn trong câu 2 và 3 hay không? Nếu hai câu mô tả màu sắc là để bổ sung ý cho câu cuối thì sao?

Thứ ba, "không khen sắc đẹp là cái hiếm có nhất", vậy tại sao G.S còn muốn tác giả phải khen mùi hương? Liệu không khen mùi hương có phải là cái còn hiếm có hơn không? Cũng cần lưu ý, hai câu tả màu sắc của sen, tác giả không hề có lời khen! Lời khen duy nhất nằm ở câu đầu tiên, nhưng ta cũng không biết tác giả khen màu sắc hay phẩm chất của cây sen, hay cả hai? Mặc dù theo tôi, hiển nhiên là tác giả khen cả hai, bởi đối với người xưa và trong quan niệm phương Đông, một loài cây được coi là đẹp khi nó có hình thức và phẩm chất đẹp, trong hình thức có phẩm chất, trong phẩm chất có hình thức, hai yếu tố này không tách rời.

Thứ tư, ta không biết bối cảnh ra đời của bài ca dao, do ai sáng tác, nhằm mục đích gì? Ta không thể đứng ở góc nhìn "tìm cách mô tả về sen tốt nhất" để đánh giá một người không có ý định giống ta, mà biết đâu, mượn mô tả về hoa sen để nói đến chuyện khác chẳng hạn? Cũng như tôi, không biết bối cảnh phát ngôn của giáo sư, nên cũng thận trọng khi đưa đánh giá.

Nếu tác giả là một nhà sư, mượn mô tả về sen để nói đến đạo tu hành thì sao? Ta có trách nhà sư "mù điếc" vì không chịu mô tả mùi sen nhiều hơn hay không? Ta không thể biết được bối cảnh của bài ca dao ấy, mà khi không biết, ta có thể lựa chọn không bình luận, hoặc nếu có (bình luận) thì không nên chê trách.

Người làm nghệ thuật, bình luận về nghệ thuật mà chỉ xét theo quan điểm của mình, lấy quan điểm của mình áp đặt cho người khác thì đã là "mù điếc" rồi, không thể nào thấy được cái hay, cái đẹp trong ý tứ của tác giả nữa, và như thế, sẽ chỉ nhìn thấy những câu chữ khô khan để rồi phán xét chúng theo các công thức của bộ môn lý luận.

Ta hãy đọc lại một lần nữa bài ca dao:
"Trong đầm gì đẹp bằng sen?
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Trong khi câu đầu và cuối, không rõ là cảnh sinh tình hay tình sinh cảnh thì hai câu giữa lại chỉ có cảnh mà không tình. Đây là một sự cân đối, nhưng kỳ lạ, tại sao hai câu giữa chỉ có cảnh?

"Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh".

Đó là một điệp khúc, lặp đi lặp lại trong tâm tưởng của tác giả chứ không phải chỉ 2 lần như trên câu chữ. Hãy tưởng tượng, đó là lúc tác giả đang ngắm sen, miệng không ngừng lẩm bẩm... Từ ngoài vào trong, lại từ trong ra ngoài, như một vòng tuần hoàn. Sen trước sau như một không thay đổi. Sự trước sau như một ấy càng được thể hiện rõ trong câu cuối: "gần bùn mà chẳng hôi tanh".

Tất nhiên, ta có thể nói, bông hoa nào cũng có thể mô tả như vậy, bông hoa nào cũng trước sau như một. Hoa dâm bụt lá xanh, bông đỏ, nhị vàng thì có thể tả như sau:
"Lá xanh bông đỏ lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông đỏ lá xanh".

Tuy nhiên, nếu câu từ của tác giả chỉ dùng để mô tả màu sắc thì không còn là nghệ thuật nữa. Tạm chưa bàn đến các màu xanh- trắng- vàng (đậm- nhạt- đậm) có ý nghĩa gì, bởi ta biết hoa sen cũng có bông màu hồng mà tác giả lại chọn mô tả bông màu trắng, nhưng chắc chắn, tác giả đang muốn tô điểm phẩm chất của cây sen. Ở đây, tác giả trước hết nhấn mạnh về đặc điểm trong hình thức của cây sen, sau đó nhấn mạnh về mùi hương để từ đó, xét tổng thể, là nhấn mạnh phẩm chất của cây sen: vừa tinh khiết, vừa ưu nhã lại trang nghiêm, mềm mại nhưng ngay thẳng. Sen rất dễ gần, rất giản dị nhưng cũng rất cao quý; giản dị nhưng vẫn cao quý, cao quý mà vẫn giản dị, đó không phải một phẩm chất tuyệt vời hay sao?

Tôi nói hoa sen giản dị, cũng chính từ hai câu mô tả màu sắc. Màu sắc như vậy có thể nói là đơn giản, rất nhẹ nhàng chứ không sặc sỡ, nhưng chính màu sắc đơn giản ấy lại làm đòn bẩy cho mùi hương của sen, thứ mùi hương không được mô tả trực tiếp nhưng đủ để giúp chúng ta hiểu: không phải hình thức, mà chính mùi hương giúp hoa sen trở nên đặc biệt. Để rồi, khi mùi hương và hình thức đạt được trạng thái cân bằng, hoà quyện, bổ sung ý nghĩa cho nhau thì cây sen đã đạt đến phẩm chất cao nhất.

Nói về phẩm chất của sen, cũng có thể tóm gọn trong hai chữ: trung chính. Một loài hoa có đức trung chính, ấy phải là loài hoa như thế nào?

Chẳng ngạc nhiên tại sao hoa sen được coi trọng trong nhiều nền văn hoá và tôn giáo!

Bài ca dao tả hoa sen, nhưng cũng gửi gắm đạo làm người của tác giả. Trước hết, là giữ lấy bản tâm của mình, từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài đều trong sáng, không vì hoàn cảnh mà thay đổi. "Bùn" không những chỉ hoàn cảnh khó khăn, loạn lạc của cuộc sống, mà còn để nói kiếp nhân sinh, là cơ hội để con người rèn luyện phẩm chất của mình, thân ở trong bùn, nhưng tâm ở ngoài bùn. Tuy nhiên, không vì thế mà kiêu ngạo, đối với vạn vật nhận biết mà không phân biệt, không phân biệt nhưng không nhầm lẫn, đó là đạo của sự bao dung, nằm trong tất cả nhưng cũng nằm ngoài tất cả.

Bài ca dao tuy ngắn, nhưng ý tứ thì vô tận, đan xen lẫn nhau, khiến một vài lời thật rất khó nói hết!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nhân Tâm

Nhà thơ Phùng Quán có bài thơ như sau:
"Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền
Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm chất của sen.
Nhưng tôi không thể nào tin được
Câu ca này gốc gác tự nhân dân
Bởi câu ca sặc mùi phản trắc
Của những phường bội nghĩa vong ân!
Vốn con cái của giai cấp cùng khổ
Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son
Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ
Chúng mưu toan giấu che từ bỏ
Nói xa gần chúng mượn chuyện sen
… Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Tất cả là trong cái chữ gần
Chỉ một chữ mà ta thấu gan thấu ruột
Những manh tâm bội nghĩa vong ân.
Bùn với sen đâu phải chuyện gần?
Chính là sen mọc lên từ trong đó
Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen
Nhị vàng , bông trắng, lá xanh…
Tất cả, tất cả, tất cả…!
Là do bùn nuôi dưỡng
Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng
Cũng là xương thịt của bùn tanh!
Như nhân dân: Gian truân, thầm lặng, vô danh
Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sỹ…
Nhân danh bùn! Nhân danh sen!
Tôi đề nghị: Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!"


Tôi thấy nhà thơ đã mắc những sai lầm rất cơ bản.

Thứ nhất, nhà thơ không biết bối cảnh của câu ca dao, vậy ông dựa vào đâu để kết luận câu ca dao "sặc mùi phản trắc" và không có "gốc gác tự nhân dân"?

Cũng vẫn ví dụ ở bài viết trước, nếu bối cảnh là tác giả đang suy ngẫm về hoa sen và đạo làm người, từ đó những câu ca cũng thấm đẫm tư tưởng như thế, không quá để tâm vào vấn đề gốc gác (giả sử nhà thơ đúng khi phân tích về gốc gác) thì sao?

Một hậu thế, lớp con cháu mà áp đặt quan điểm vào lời ca của tiền nhân để xuyên tạc, bôi bác nó, thậm chí còn nghi ngờ gốc gác của tiền nhân thì có gọi là "phản trắc", "bội nghĩa vong ân" được không?

Thứ hai, gốc của sen cắm trong bùn, đâu có nghĩa sen là con của bùn? Sen phải là con của "mẹ" sen chứ? Tư tưởng sống ở đâu thì tức là con của nơi đó, phủ nhận đấng sinh thành có được coi là "bội nghĩa vong ân" hay không?

Gốc của sen cắm trong bùn, điều đó chỉ cho thấy sự khắc nghiệt nơi sen lớn lên, nhưng trong môi trường khó khăn ấy, sen vẫn toả ngát hương thơm, vẫn tinh khiết, cao quý... điều đó càng tôn lên phẩm chất của sen mới đúng.

Một con người dù sống trong môi trường nào, ta đều có thể nói được môi trường ấy nuôi dưỡng. Đứa trẻ sinh ra trong nhà tù cũng được nhà tù nuôi dưỡng, đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh loạn lạc cũng được chém giết nuôi dưỡng. Nhưng từ những chất bẩn ấy, chắt lọc được tinh hoa để lớn lên và đẹp đẽ mới là điều đáng ca ngợi. Xét về mặt sinh học, bùn giúp sen sống nhưng không nuôi sen, nuôi sen là chính bản thân sen, bùn chỉ là thức ăn; cần lưu ý sen cũng đem lại lợi ích cho bùn và cho toàn bộ cái đầm. Nói như nhà thơ, nhà thơ ăn thịt lợn thì con lợn đã nuôi nhà thơ?

Rõ ràng, coi thức ăn là thứ đã nuôi sống mình mà không phải những khả năng cha mẹ đã ban tặng là một sự vong ân.

Một số người nói nhà thơ quá cứng ngắc khi áp dụng thực tiễn để phân tích. Theo tôi, họ cũng có nhầm lẫn. Thực tiễn, tức thực tế, là xét về mặt sinh học thì những lý luận nhà thơ đưa ra cũng là xuyên tạc, bịa đặt. Nói cho đúng, ông tự bịa ra một thực tiễn chỉ có trong tưởng tượng của ông, đã thế, còn "nhân danh bùn, nhân danh sen". Bùn với sen mà biết nói, chắc đã kiện ông ra toà.

Toàn bộ bài thơ trên, đều là những lý luận rất gượng ép, tự mâu thuẫn một cách khó hiểu. Có thể nhà thơ muốn mượn chuyện này để nói chuyện khác, trút cái bức xúc của bản thân với ai đó, nhưng:
Một là, ông phản bác một bài ca dao chứa nhiều giá trị nghệ thuật, truyền thống và nhân văn, cũng có nghĩa ông phản bác toàn bộ những giá trị ấy. Những lý luận sai trái của ông có thể gây ảnh hưởng đến một số người trẻ, khiến họ giảm niềm tin vào các giá trị truyền thống.

Bài ca dao về hoa sen, tôi tin chắc là một phần trong những gì đã dạy ông viết chữ, làm thơ... nhưng bởi không hiểu cách làm người trong bài ca dao, nên ông quay lại, dùng ngòi bút đâm vào cổ chính điều đã giúp nuôi dạy mình, với lý do bài ca dao đã "bội nghĩa vong ân".

Hai là, là một nhà thơ, người làm nghệ thuật, muốn trút bức xúc, ông có thể làm một bài thơ ví von với nhiều thủ pháp... nhưng ông lại cho ra những câu từ lủng củng, không có nội hàm, không có bất cứ thủ pháp nào. Nhờ ông mà tôi nhận ra, chưa bao giờ làm thơ lại dễ như thế!

Tóm lại, ông không hiểu bài ca dao và đã chọn sai chủ đề cho "tác phẩm" của mình.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nhân Tâm

Do diễn đàn không cho sửa bài viết nên tôi xin phép đính chính, và cũng xin lỗi các bạn vì bài viết này có đôi chỗ còn cẩu thả.
1. "Câu thứ 2 và 3 lại là một vế đối, nhắc lại đến 2 lần về màu sắc của cây sen" sửa thành "Câu thứ 2 và 3 nhắc lại đến 2 lần về màu sắc của cây sen". Tôi bỏ phần vế đối đi, bởi cách diễn đạt như thế là sai. Ý của tôi là một cặp đối lập nhưng hài hoà, bổ sung cho nhau... tuy nhiên không cần thiết phải nhắc đến nữa, do đó tôi cắt ngắn câu này lại.
2. "Tóm lại, ông không hiểu bài ca dao và đã chọn sai chủ đề cho "tác phẩm" của mình." sửa thành "Tóm lại, ông không hiểu bài ca dao và đã chọn sai đối tượng cho "tác phẩm" của mình."

Chủ đề của ông ấy là chỉ tang mạ hoè, mượn đối tượng này để chửi đối tượng khác bội nghĩa vong ân... nên vấn đề là ông đã chọn sai đối tượng chứ không phải chọn sai chủ đề (chủ đề đúng hay sai còn tuỳ bối cảnh và nhận thức, tôi không dám bàn). Do đó câu này tôi sửa lại như vậy.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài viết)
[1]