Trang trong tổng số 6 trang (58 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6]

Ảnh đại diện

Nguyễn Trọng Tạo

Văn Cầm Hải - Trần tích cảm quan Việt
Tác giả: Nguyễn Trọng Tạo



Năm 2002, tôi viết lời tựa này cho tập thơ "Người Dương Cầm" của Văn Cầm Hải, nhưng qua 3 nhà xuất bản mà tập thơ vẫn chưa có giấy phép xuất bản, trong khi mấy tập văn xuôi của anh thì được người ta mua bản thảo và in đi in lại. Giờ thì Hải đang theo học thêm bằng Văn Chương ở Mỹ. Bài viết này tôi đã cho đăng trên tạp chí Sông Hương mấy năm trước, nhưng do trục trặc kỹ thuật nó bị mất một đoạn. Hôm qua có người bạn giữ được bản thảo bài viết này và đã đánh máy lại, mail cho tôi. Xin đưa lên đây coi như bản gốc để so sánh với những bản khác cùng xuất hiện trên mạng từ tạp chí Sông Hương.

***

Còn nhớ mùa Huế mưa 1992, Nguyễn Khắc Thạch và Ngô Minh đến nhà tôi chơi, mang theo bản thảo đánh máy tập thơ đầu tay của một tác giả mới 20 tuổi có tên là Văn Cầm Hải. Một cái tên lạ mà tôi chưa nghe bao giờ. Những bài thơ của anh cũng chưa hề xuất hiện trên mặt báo. Nguyễn Khắc Thạch và Ngô Minh đều nói rằng: "Thơ tay này lạ lắm. Ông xem thử". Tôi vốn là người "kỹ tính" đối với thơ, đặc biệt là đối với những người làm thơ trẻ, nhưng cũng là người kỳ vọng nhiều nhất về họ, bởi vì theo tôi sự bùng nổ thơ ca thường khởi ra từ những người trẻ tuổi. Văn Cầm Hải lúc đó mới 20 tuổi, vừa tốt nghiệp văn khoa Đại học tổng hợp Huế, chưa tìm được việc làm, và làm thơ chính là cứu cánh duy nhất của anh. "Vâng - tôi nói - tôi sẽ đọc kỹ bản thảo Văn Cầm Hải".

Ngay từ lần đọc đầu tiên, tôi đã kinh ngạc về sự khác lạ của tập thơ "Người đi chăn sóng biển". Một tập thơ không giống những tập thơ mà tôi đã được đọc. Nó thoát ra khỏi giọng thơ sáo mòn hoặc kỳ quặc mà tôi vẫn thường gặp ở những cây bút trẻ khác, dù rất khó đọc. Tôi nghĩ : "Tay này sẽ làm khó cho các nhà xuất bản đây!". Thế là, dù không ai nhờ khiến, tôi đã viết lời Tựa cho "Người đi chăn sóng biển" trình bày cảm nhận riêng của mình, với hy vọng người đọc có thể cùng tôi chia sẻ cái giọng thơ khác lạ này. Lời Tựa có đoạn như sau:

"Một lối tư duy khác, một cách lập ngôn khác, một điệu nhạc khác. Người làm thơ trẻ tuổi này ngay từ đầu, muốn cất lên một tiếng thơ không giống những gì đã có. Có thể câu thơ viết về Apollinaire: không ăn bóng một thời thơ đã qua, cũng chính là tuyên ngôn đầu tiên về thơ của chàng.

"Quả đúng như vậy, chàng không hề chịu bó mình vào một luật thơ định sẵn nào. Không một bài lục bát, không một bài ngũ ngôn hay thất ngôn, chàng phóng bút trên những cảm xúc nhảy cóc bất ngờ tưởng như rất khó nắm bắt, nhưng những con chữ đa nghĩa đã làm chủ được ý tưởng mới lạ của chàng. Thơ chàng vì thế mà làm ta nghĩ đến những bức tranh trừu tượng vân cẩu thường được dựng trên trời chiều, biến hóa khôn lường. Cũng giống như Bích Khê thời trẻ đi làm Cái Mới cho Thơ Mới, chàng đi tìm Cái Mới trên nền thơ đã phát triển đến định hình, nhưng may thay cả hai người đều "làm thơ" chứ không bị "thơ làm" (chữ của Chế Lan Viên).

"Tuy vậy, đọc tập thơ này ta có cảm giác khác lạ chứ nó không xa lạ. Bởi tập thơ mang đến cho ta những điều gần gũi lắm, đấy là tình yêu ngọt ngào và đắng chát, là chiến tranh "Lá rụng rồi vẫn còn nhả máu", là người chị độc thân "Như viện bảo tàng - Có nhiều mặt nạ đàn ông". Đấy là cuộc sống đã trở thành ảnh tượng chung quanh ta...".

Và hình như lúc ấy, tôi cũng linh cảm được những cạm bẫy đang chờ sẵn kẻ khai mở trẻ tuổi, nên kết thúc lời Tựa tôi đã viết : "Chúc người bạn trẻ lên đường, dù đấy là con đường nhiều chông gai và vực thẳm".

Quả đúng như vậy, cho dù sau đó vài bài thơ Văn Cầm Hải đã được tạp chí Sông Hương "can đảm" giới thiệu và được chú ý ngay, nhưng hai nhà xuất bản ở Huế và Hà Nội không chịu nổi, đã từ chối cấp giấy phép xuất bản cho "Người đi chăn sóng biển". Nhưng thật may, trong một lần ra Huế chấm giải thưởng văn xuôi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã gặp Hải, và bản thảo tập thơ "Người đi chăn sóng biển" đã được ông mang vào thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu cho nhà xuất bản Trẻ. Năm 1995 nó đã được xuất bản trọn vẹn 28 bài cùng với lời Tựa của tôi.

Sự ra đời của "Người đi chăn sóng biển" giải thoát được phần nào sự hoài nghi của một số người quen ưa lối thơ cũ, và tạo được ấn tượng mới đối với lớp trẻ, đồng thời củng cố thêm niềm tin của Hải về sáng tạo thơ. Anh lại tiếp tục con đường riêng của mình. Nhiều bài thơ mới được in trên mặt báo, và trong một cuộc thi thơ mở rộng ra cả nước của Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và tạp chí Sông Hương, anh đoạt giải Tư đồng hạng với Phan Huyền Thư và Vi Thùy Linh, là ba tác giả nổi đình nổi đám trong thế hệ làm thơ trẻ cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21. Một số bài thơ của Văn Cầm Hải đã được đăng lại ở báo chí nước ngoài, được vào các tuyển tập thơ trong nước và ngoài nước, và người ta còn dịch thơ anh ra tiếng Anh. Hội Nhà văn Việt Nam cũng mời anh làm đại biểu chính thức tham dự 2 Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc.

Nhưng không phải hoàn toàn thuận buồm xuôi gió, thơ Văn Cầm Hải với tư duy phức tạp và "cảm xúc nhảy cóc bất ngờ" đã gây phản cảm cho một số người. Có những bài viết "kết tội" anh gay gắt, thậm chí đòi xem lại "nhân thân" của tác giả. Và có những bài viết trao đổi lại, bênh vực cho anh. Văn Cầm Hải lặng lẽ thâu nhận tất cả, nhưng anh vẫn không lùi con đường thơ đã chọn - hay là con đường thơ tiền định của riêng anh ? Bản thảo tập thơ mới "Những giấc mơ của lưỡi" hình thành cách đây 6 năm, và  hoàn thành vào năm 2001 gồm 64 bài (trùng với con số 64 quẻ trong Kinh Dịch) vẫn còn chờ đợi giấy phép xuất bản. Vẫn cái lối thơ khác lạ, vẫn không lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn... Thơ tự do không vần là cái tạng của anh, hay chính tư duy hiện đại của con tằm thi sĩ đã nhả ra những sợi tơ thô ráp ấy ? Vẫn cái lối dùng thi ảnh và từ ngữ táo bạo của mười năm trước: "Trên da bụng em nườm nượp tiếng khóc", nhưng bây giờ sự vang động đã mạnh hơn nhiều:

"Em là đường chỉ tay định mệnh
Cầm dao chơi với mặt trời".

Có cảm giác Văn Cầm Hải hăm hở vượt thoát tư duy thơ truyền thống, nhưng đọc kỹ, thấy thơ anh tràn ngập cảm quan Việt trong thế giới hiện đại:

- "Mi yêu Duly - mái tóc Tây Ban Nha phả giọng nắng miền Trung.

Tuyệt vời thay vị Thành hoàng làng mi chấp nhận Duly vì qua mi người biết những hột vú của nàng cũng giống mùa cau trong làng. Mi lúc nào cũng muốn chia lửa nguyên thủy, đang lúc ấy mi hiểu ngọn lửa làng mi được linh hồn nuôi nấng ngôn từ phản ứng mang tính toàn cầu hóa".

- "Những dòng sông Việt Nam thường hay trầm tư
Tầng mây ký ức
...
Những dòng sông xanh thêm eo lưng con gái
Rất tự tin quyến rũ bản đồ thế giới !".

- "Cây đàn dài núi đồi điệp nốt
Gia đình bạn và tôi tha hồ mà hát, hát điệu gì cũng thấy mình tròn trĩnh hạt gạo".

Cái cảm quan Việt ấy quán xuyến toàn bộ thơ của Văn Cầm Hải, ngay cả khi anh viết về Pink Floyd hay Mùa thu Homer: "Những vì sao thi nhau khảo sát đồ đồng, đồ sắt, đồ vi tính đỏ ối mùa thu. Những mùa thu thi nhau đỏ ối tuổi thơ".

Và khi đã thấm thía sự trả giá cho văn minh công nghiệp trong "những mái tóc đói lả vỉa má đã cạn kiệt bao nhiêu lát xẻng công nghiệp hóa". Cùng Hải, chúng ta mới chia sẻ tận cùng nỗi đau của cánh đồng "Kinh nghiệm xanh" đã nằm sâu móng phố:

"Tôi nằm dưới bóng râm thời trang
Kinh nghiệm xanh rì rào thành phố".

Ôi, có phải tiếng rì rào của hồn cánh đồng và hồn người quá khứ? Có lẽ chính cảm quan Việt là sợi dây thả cao mãi cánh diều thơ Văn Cầm Hải.

Như trên, tôi đã nói tới tư duy phức tạp trong thơ Văn Cầm Hải, vâng, nghĩa là một tư duy không đơn giản, không một chiều (ngược tư duy đơn tuyến). Tư duy đa tuyến của anh chính là sự khúc xạ truyền thống và hiện đại, khiến cho mỗi câu thơ, bài thơ (dù ngắn) cũng trở nên đầy ắp thi ảnh, cảm xúc và trí tuệ. Có lúc tôi đã gọi nó là "tư duy lập trình". Nghe có vẻ khô cứng và máy móc. Nhưng đến thời máy móc siêu hiện đại, nếu không có tư duy lập trình, liệu chúng ta có thể "chung sống" cùng văn minh bùng nổ được không ? Tư duy lập trình đã đẩy con người lên một trình độ mới trong cách sống, cách nghĩ và cảm quan sự vật. Thế hệ trẻ ở ta có thể hội nhập với thế giới ngày nay chính là nhờ hệ tư duy lập trình ấy. Thơ của thế hệ trẻ nhờ thế mà cũng bắt đầu biến động, hình thành trên cơ sở "xa lạ" ấy. Tất nhiên không phải bất cứ ai có "tư duy lập trình" là đều làm ra thơ phức tạp, thơ "hậu siêu thực". Văn Cầm Hải chính là một trong rất ít người đang vượt thoát "bức tường phiên âm viên gạch đẻ  hoang" mà anh đã từng nhắc tới trong bài Pink Floyd sự hồn nhiên tường đá. Chính vì vậy mà không thể đọc thơ anh bằng tư duy thơ đơn giản. Điều này có thể so sánh ca khúc và giao hưởng : Ca khúc là giai điệu đơn, còn giao hưởng là phức điệu. Có nhiều phân phổ trong bản tổng phổ của một giao hưởng. Nếu tấu riêng từng phân phổ có khi chẳng tạo ra một hiệu quả gì đáng kể, nhưng nếu ghép chúng lại, cùng lúc vang lên với cả một dàn nhạc lớn, người ta mới cảm nhận được sức mạnh nghệ thuật tuyệt vời của nó:

"Người dương cầm lên cơn tổng phổ
Chùm hoa tigôn cũng đỏ màu tập thể".

Hai câu thơ đầy ấn tượng và tưởng như khó hiểu của Văn Cầm Hải, chính là được kết hợp rất chặt chẽ các cảm xúc và suy nghĩ của anh về một hiện thực mà anh đã từng sống, từng chứng kiến. Dạo ấy, anh từ Huế ra Hà Nội thăm tôi trên một căn hộ tập thể tầng 6. Ở căn nhà tập thể bên kia có một giàn hoa tigôn nở đỏ rực rỡ, nhà nào cũng có thể thưởng thức bằng mắt riêng. Đêm đó, tôi bị cảm cúm, vừa ho khan vừa phải hoàn thành ca khúc Đồng Lộc thông ru. Hải xúc động lắm. Rồi tất cả những điều ấy đã "ám tượng" vào người thi sĩ trẻ, và thế là những câu thơ ra đời theo cách
của anh.

Bây giờ viết về thơ, kẻ khen, người chê là quyền của mỗi người bởi người ta có quyền thích hay không thích. Điều đó không thể bắt bẻ nhau được. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, tất nhiên. Nhưng, những người viết phê bình thơ không thể chỉ đưa ra cái quyền ấy làm trên hết, mà nó khác người đọc bình thường ở chỗ phải có tri thức sâu sắc về thơ, nghĩa là trên cơ sở đó mà giải thích xác đáng về cái sự thích hay không thích của mình.

Thơ Văn Cầm Hải chịu nhiều thiệt thòi bởi cái lối phê bình thơ ngộ nhận không xác đáng ấy. Bản thảo tập thơ "Những giấc mơ của lưỡi" bây giờ đổi tên thành "Người dương cầm", mà chắc gì đã "dễ chịu" hơn ? Một nhà xuất bản đã trả lại bản thảo mà giám đốc nói rằng "chính tôi đọc cũng không hiểu". Vâng, có những bức tranh trừu tượng của Văn Cao hơn 50 năm trước cũng đã bị xếp xó vì một lời nhận xét như vậy của một người lãnh đạo có trình độ và trách nhiệm, để mấy mục năm sau nó mới được bán giá đắt, và tranh trừu tượng ở ta mới được tự do triển lãm, và được đông đảo công chúng hâm mộ. Con đường sáng tạo thật nhiều chông gai và vực thẳm, nhưng khi đã vượt qua, thì vinh quang cũng không hà tiện với anh. Tôi vẫn tin những cặp mắt xanh còn ẩn hiện đâu đó, những cặp mắt xanh biết nhìn thấy lấp lánh vàng trong cát...

Tôi có may mắn được tiếp xúc nhiều người làm thơ trẻ, có người đã thành danh, có người đang ẩn danh. Họ có một điều chung là giàu hoài bão sáng tạo, cách tân và can đảm. Văn Cầm Hải cũng vậy, nhưng hình như anh còn có một bí mật gì đó rất khác nhiều bạn thơ trẻ tuổi. Anh nung nấu thơ và cả văn xuôi nữa. Thơ và văn xuôi của anh đều mang tới một thứ ngôn ngữ kết dính bằng nhựa sống trầm tích cảm quan Việt, và tình yêu lắng trong đắng đót của một thằng trai quê tiền kiếp nhảy vào hiện đại.

Một lần nữa tôi lại mong sao Hải và tôi và chúng ta hãy điềm tĩnh trước những thành bại trên con đường sáng tạo vô định chốn trần gian.

Mùa Giáng Sinh, 2002
chia cho em một đời say
một cây si/ với/ một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Trọng Tạo

Bội Trân và "Thiếu nữ và hoa"
Tác giả: Nguyễn Trọng Tạo



Tôi ghé vào Gallery Minh Châu số 7 Lý Đạo Thành, Hà Nội, không phải để chiêm ngưỡng tranh của các bậc thầy hội hoạ Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng...vẫn thường được bày bán ở đây, hay để thăm cô chủ nhỏ Minh Châu quen thân từ trong Huế như mọi lần, mà để xem tranh của mẹ cô vừa mang từ Huế ra trình làng với giới hâm mộ hội hoạ đất Hà Thành. Những lẵng hoa mừng triển lãm vẫn còn tươi. Người đến xem tranh vẫn còn đông. Người ta và người nước ngoài xem tranh và xem nhau. Máy ảnh và camera lưu giữ những kỷ niệm. Cả hai tầng nhà tràn ngập sắc và hình. ấn tượng mạnh nhất gieo vào người xem là Thiếu nữ và Hoa.

Tôi quen biết tác giả của những bức tranh ấy đã khá lâu, hồi tôi còn ở Huế. Dạo ấy Bội Trân là một trong những người can đảm mở gallery tư nhân đầu tiên, một gallery lớn ngay nơi tầng một của khách sạn Morin cạnh bờ sông Hương thơ mộng. Cuộc khai trương Gallery Bội Trân có mặt nhiều hoạ sĩ Băc - Trung - Nam, và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lúc ấy là Bộ trưởng bộ Văn Hoá-Thông tin  cắt băng khai mạc. Tôi hiểu sự trân trọng của người bộ trưởng đối với cái sự kiện mới mẻ này bởi từ đấy có thể mở ra một thị trường tranh cho thành phố du lịch đặc biệt mang trong nó một di sản văn hoá thế giới với những cung điện, chùa chiền, đền đài, lăng tẩm đang được bảo tồn. Từ niềm đam mê hội hoạ ấy, Bội Trân đã vẽ. Những người thầy đầu tiên của chị là hoạ sĩ Nguyễn Trung, Trương Bé hay Trịnh Công Sơn. Những người thầy nổi tiếng ấy đã cùng Bội Trân vẽ tranh tại tư gia của chị hoặc trên những đồi thông vi vút bên hồ Thủy Tiên. Chị vẽ họ và họ vẽ chị. Vẽ người và vẽ cảnh. Vẽ sơn dầu và vẽ sơn mài. Có lẽ vì thế mà đôi bức tranh thuở ban đầu của Bội Trân phảng phất bút pháp Nguyễn Trung? Nhưng xem kỹ, đã thấy những dấu hiệu nữ tính nổi trội trong tranh của chị. Và một điều lạ nữa, là không hiểu vì sao những bức tranh của chị lại lôi dắt người xem trở về với dáng vẻ u hoài và kiêu sa của xứ Huế cố đô...

Bội Trân kể với tôi rằng, chưa bao giờ chị vẽ nhiều như hai năm qua. Tôi biết chị muốn nói đến một nỗi đau khủng khiếp mà không bao giờ vượt qua được. Đó là sự ra đi đột ngột của đứa con trai cưng nhất đời chị. Một đứa con trai thật đẹp, thật ngoan hiền, thật giàu mơ mộng, đang học Đại học năm thứ tư ở Mỹ bỗng vĩnh viễn qua đời trong một cuộc cứu bạn bên kia biển Thái Binh Dương. Chị dành cả ngôi nhà rường làm bằng toàn gỗ mít đẹp nhất trong khu nhà vườn bên đồi Thiên An để thờ con, còn chị thì ở ngôi nhà sàn Hoà Bình bên cạnh. Chung quanh ngôi nhà thờ treo toàn ảnh con trai chụp với gia đình, thiên nhiên và bè bạn. Trong ngày lễ cầu siêu cho con trai tại Huế, Hà Nội như không còn hoa hồng trắng, bởi những bông hồng trắng đã được chuyển vào Huế cho người mẹ mất con, là chị. "Những ngày ấy nếu không vẽ, chắc Bội Trân sẽ chết mất", chị nói, giọng vẫn nặng trĩu nỗi đau hai năm rồi, khó mà chia sẻ được. Tôi nhìn những bức tranh. Những thiếu nữ mắt mở to nhìn về xa xăm, cúi xuống với hoa Quỳnh tay khép lại nguyện cầu sao mà nó giống đôi mắt chị. 12 bức sơn mài 60x120 cm vẽ thiếu nữ, không một bức nào ánh màu sặc sỡ dù vẫn có chất liệu vàng kim, mà tất cả đều trầm xuống cùng với rêu phong hoàng thành hay đất đồi Thiên An hoá thạch. Chỉ khi trong tranh chị xuất hiện đứa bé trai được mẹ bế bồng thì tươi sáng mới xuất hịên trên cái nền u trầm ấy, và ta đọc thấy trong tranh chị một tình yêu con đến phải nuốt lệ. Tôi chú ý một bức tranh thiếu nữ ngồi bên mỏm đá, cằm tì trên hai bàn tay đặt trên hai gối chân khép lại, mắt mở to nhìn về vô định. Một bức tranh có bố cục khá độc đáo, khác hẳn với các tranh thiếu nữ khác trong phòng tranh. Và tôi được biết đấy là bức tranh Bội Trân vẽ cô con gái Minh Châu đang ngồi bên vụng biển ở Mỹ đợi chờ người ta kiếm tìm thi thể của em trai đang chìm dưới biển. Những dồn nén như vậy đã được Bội Trân dồn lên cây cọ. vài chục bức tranh Hoa đã được ra đời như vậy. Hoa Quỳnh và hoa Sen là hai loài hoa được Bội Trân yêu mến nhất. Chị vẽ như nâng niu từng khoảnh khắc nở và tàn ngắn ngủi của phận kiếp Quỳnh Hoa. Đấy là chị muốn níu giữ từng khoảnh khắc của cái đẹp, chị muốn cứu cái đẹp. Tôi nhìn những bông Sen trong tranh chị và thấy những bông hoa biến hoá lạ lùng. Khi thì Sen như nến thắp trên mặt hồ đêm, khi thì Sen được bó lại thành từng bó như những bó nhang đang cháy... Có điều gì đó thật thiêng liêng gửi gắm trong hoa.  

"Hoạ sĩ vẽ không phải để nói, mà là để im lặng". Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân nói thế, và ông cũng nói thêm: "Cái ta đọc thấy nơi tác phẩm nghệ thuật, là nằm ở phần ngầm của tảng băng mà Hemingway đã một lần thức giấc". Tôi đồng ý với ông khi tôi xem tranh Bội Trân, nhưng  có những cái đẹp ngay từ đầu đã đập thẳng vào trực giác của con người. Cái điều tôi thấy đầu tiên khi xem tranh của chị là Đẹp. Một vẻ đẹp trong suốt của màu, và một vẻ đẹp ngây thơ của hình. Cái vẻ đẹp đầy tính bản năng đã hiện ra trước cả sự điêu luyện của kỹ thuật và trải nghiệm. Đấy là một khả năng mà nếu không có nó, người ta không thể trở thành nghệ sĩ.

Trong một bài viết trước đây, tôi có gọi Bội Trân là một Tài-Nữ-Huế, khi ấy chị chưa triển lãm tranh. Đấy là một con người vượt qua số phận để tồn tại như một người nổi tiếng ngay giữa đất cố đô. Chị sinh ra ở Quảng Trị gió lào và cát trắng vào năm Con Gà 1957. Vào Huế đi học, lấy chồng rồi một mình nôi con, một mình mở gallery ở Huế và ở Hà Nội, một mình dựng lên một khu nhà vườn văn hoá bên đồi Thiên An, một mình mở công ty mỹ nghệ mây tre, và từng tổ chức cả một Hội chợ quê cho Noel năm trước. Và giờ đây, dù không qua một trường lớp hội hoạ chính quy nào, chị vẫn có cả một phòng tranh đẹp bày tự tin giữa thủ đô văn hiến. Dù nhà chỉ còn hai mẹ con, mẹ ở Huế, con ở Hà Nội, nhưng chị vẫn ước mơ trong một vài năm tới sẽ biến khu nhà vườn của mình ở Huế thành một trung tâm thu hút khách du lịch, với những dịch vụ văn hoá, sản xuất hàng mỹ thuật, trưng bày triển lãm và hội thảo... Tôi hỏi: "Bội Trân làm nhiều thế, không thấy mệt hay sao?", chị cười nhỏ nhẹ: "Dạ thưa...Cái tính em nó rứa, quen lấy mệt làm vui rồi anh ạ!". Tôi ngước nhìn lần nữa những bức tranh thiếu nữ và hoa, chợt thấy Bội Trân đã nói đúng, sau những lao động sáng tạo, con người đã tìm được niềm vui cho chính mình.

Hà Nội, 30.12.2004
chia cho em một đời say
một cây si/ với/ một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

karizebato

Giai thoại của thi sĩ
Tác giả: Bùi Chí Vinh



Vừa rồi, sau khi ra mắt hai tập Thơ tìnhThơ đời trong nước lẫn trên mạng, tình cờ tôi được nghe một số giai thoại hay hoặc không hay của thiên hạ bàn tán về mình. Ðối với tôi, hay hoặc không hay đều vẫn là giai thoại. Nhưng giai thoại phải có cơ sở xác đáng, có thực tế chứng minh, có những người trong cuộc chứng kiến thì giai thoại đó mới trường tồn, truyền khẩu hợp lý và khoa học được. Những giai thoại đồn đại chung quanh hình tích, sự đi đứng, năng khiếu làm thơ ứng khẩu của tôi xuất hiện ngay từ sau giải phóng, lúc tôi còn rất trẻ, đang làm việc tại một tờ báo và chỉ mới 21 tuổi đầu. Giai thoại mỗi ngày mỗi phát triển thêm lúc tôi đi bộ đội, rồi đi giang hồ, rồi làm đủ mọi thứ nghề để sống, thậm chí cả giai thoại lúc tôi bày tỏ chính kiến của mình...

Trong phạm vi bài viết này tôi xin mở đầu bằng một giai thoại quái đản nhất vừa nghe được. Sự quái đản ở đây tùy nghi ai muốn hiểu sao thì hiểu trong khi câu thơ đồn đại về tôi lại khởi nguồn từ một tình bạn rất đẹp. Cụ thể từ hai câu thơ tam sao thất bổn sau đây:

Trọc đầu BÙI làm sao CHÍ ở
Nhục còn chưa có lấy gì VINH


Và họ nói rằng hai câu thơ trên là do Bùi Giáng ứng khẩu tặng tôi trong bàn nhậu lúc tôi đang múa may chữ nghĩa, khiến tôi hoàn toàn tâm phục khẩu phục. Suy nghĩ như thế không riêng gì tôi mà những người quen biết tôi đều phải phì cười. Bởi một lẽ đơn giản, tác giả hai câu thơ trên không phải là Bùi Giáng tiên sinh mà là ông anh Mặc Tuyền, một nhà thơ kiêm kịch tác gia bụi đời làm "chọc quê" tôi khi tôi mạt lộ đang ngồi ở vỉa hè phụ sửa xe cùng anh Phan Văn Bồng, tự Bế Văn Bồng mưu sinh kiếm sống vào thời điểm cuối thập niên 80 đói rách. Thời điểm ấy nạn dịch bo bo khoai mì hoành hành, mâm cơm không có gạo trắng mà ăn, Mặc Tuyền cố kiềm chế sự ngông cuồng của tôi nên làm hai câu khá cảm động. Vừa chơi chữ, vừa nói về chữ "nhục", nhục ở đây có nghĩa là "thịt", thi sĩ lớn cỡ nào mà đầu cạo trọc và thiếu thịt ăn thì bao tử cũng đói meo và chí khí lẫn chí mén cũng đi chơi chỗ khác.

Còn Bùi Giáng tiên sinh đương nhiên thuộc về đẳng cấp khác. Ông và tôi không phải huynh đệ hoặc thân thiết tri kỷ, nhưng khi gặp nhau chưa bao giờ ông dèm pha biếm nhẽ thế hệ sau mình. Giai thoại giữa tôi và ông độc đáo hơn nhiều. Cách đây hơn 20 năm, tôi và Hồ Lê Thuần (con trai cố bí thư Thành Ðoàn trước 1975 là Hồ Hảo Hớn) vi hành xuống miệt Gò Vấp chợ Long Hoa lúc nửa đêm. Nhằm vào lúc Bùi Giáng rời chùa Long Huê gần đó ra chợ quậy tưng bừng khói lửa với một cây chổi rách tượng trưng cho ấn kiếm. Gọi là ấn kiếm vì Bùi Giáng luôn vỗ ngực xưng vương bất cứ lúc nào cao hứng. Ðêm đó chúng tôi ngồi uống rượu vỉa hè chứng kiến "vua cỏ" Bùi Giáng làm bà con chạy tán loạn và nhìn ông múa chổi tiến về phía chúng tôi. Ông vừa đi vừa khạc thơ rồi dòm trừng trừng vào mặt tôi. Trong cơn say xỉn ngất trời, Hồ Lê Thuần xúi tôi đọc thơ đáp lễ. Thế là người ngồi người đứng xuất khẩu thành thi qua lại liên tục. Không biết Bùi tiên sinh "phê" thơ tôi ra sao, chỉ biết Người tự động quỳ xuống bàn chúng tôi dâng cây chổi rách lên và tuyên bố "Ðêm nay Trẫm thay mặt cựu hoàng Bảo Ðại giao ấn kiếm cho thế hệ Hồ Chí Minh". Câu nói đầy tính "chính trị" và đối phó của Bùi Giáng bắt buộc tôi phải nhận cây chổi và làm một bài thơ tặng ông tại chỗ, có chép lại nhét túi ông đàng hoàng, xin mạn phép ghi ra đây để khép lại lời đồn về sự "tâm phục khẩu phục" của tôi trước Bùi Giáng:

Cách lạy của Bùi Giáng
Liên tồn, l... tiên, liền tôn
Bác Bùi chưa gặp đồng môn đây mà
Ta hăm bảy tuổi đăng khoa
Bác hơn sáu chục mới là Trạng Nguyên
"Bác đi, bi đát" cơn điên
Ðể mua trí tuệ "l... tiên, liên tồn"
"Riêng ta” thành "ra tiên" con
Lúc say xỉn vỗ hậu môn cười khà
"Bán dùi Bùi Giáng" xót xa
"Bình Chí Vui" ta vốn là "Bùi Vinh"
Bác không màng nhắc triều đình
Có đâu ta nỡ cố tình làm vua
Chi bằng giữa chợ say sưa
Bùi to Bùi nhỏ đi lùa các em
Kìa sao bác lạy như điên
Ðợi ta đỡ dậy chiêu hiền nữa sao?!?


Ngoài ra tôi còn chép cho Bùi tiên sinh bài thơ BÌNH CHÍ VUI khi ông muốn tôi bình tĩnh chí nam nhi trở lại để có thể tồn tại trước bọn sâu bọ làm người. Tôi đã làm bài thơ này theo "môđen" tiếng lái và chơi chữ của ông:

Bình Chí Vui
"Bùi Chí Vinh, Bình Chí Vui"
Không bình chí, chắc tiếng cười mất tiêu
Chí trong bình, chí mốc meo
Chui ra bình, chí mới nhiều nhục vinh
Bùi làm thiên hạ giật mình
Sờ ngay "cái đó" kẻo em mếch lòng
"Bùi như lạc" nhậu sướng không?
"Trần như nhộng" Bùi tồng ngồng đái chơi
Bất bình nên chí chưa vui
Các em nên gọi ông Bùi Chí Vinh


Chuyện gặp Nguyễn Ðức Sơn giang hồ hơn. Trước đó khi mạn đàm về thi ca cùng đồng nghiệp, tôi luôn luôn khẳng định miền Nam trước đây có 4 chưởng môn nhân đại diện cho 4 trường phái thi ca tiêu biểu. Ðó là Bùi Giáng thơ trên trời, Nguyễn Ðức Sơn thơ dưới đất, Thanh Tâm Tuyền thơ tự do kiểu Tây phương, Tô Thùy Yên thơ hành cổ điển kiểu Ðông phương. Vì thế lần hạnh ngộ Nguyễn Ðức Sơn trên cao nguyên Ðại Lào sơn lam chướng khí, tôi đã ăn những gì ông tự trồng tự hái và đã đấu khẩu những gì ông muốn.

Nguyễn Ðức Sơn vốn sở trường thơ lục bát và nổi tiếng trước những bài thơ tinh gọn đến mức độ tối thiểu về chữ mà vẫn dào dạt ý tứ. Có bài thơ chỉ hai câu, mỗi câu hai chữ như "Cái lỗ - Tối cổ" đủ nói hết về chế độ mẫu hệ, về nơi khai sinh ra loài người. Có bài thơ chỉ ba câu, mỗi câu một chữ như "Hột - Thì - Le" đủ nói hết về bản chất sinh tồn thiện ác của nhân loại. Và tôi đã mượn những ý thơ độc đáo đó để đưa vô bài thơ làm tặng ông như một thứ giai thoại truyền khẩu:

Ðụng độ Nguyễn Ðức Sơn
"Hột thì le" thật đó sao?
Ta dân "thảy lỗ" đến chào đồng môn
Xưa nay hai kẻ du côn
Ít khi đời sống cô hồn như nhau
Như miếng trầu khác miếng cau
Nhưng có cau, chẳng có trầu, như không
Như không sinh chuyện động phòng
Hột sao le được "nụ hồng thi ca"
Như không sinh nở đàn bà
"Cái lỗ tối cổ" thành ra tầm thường

Ta thừa văn, bác dư chương
Hôm nay một chén Hồ Trường chao nghiêng
"Thiên tài" nhờ lỗ "tai thiền"
Buồn lên núi hú chẳng phiền Tarzan
Buồn hái nấm luyện thành sâm
Buồn quay vào vách thương thầm Ðạt Ma
Buồn hơn xuống động bẻ hoa
Buồn hơn chút nữa kiếm ta đỡ buồn

Kiếm ta ta cứ ngông cuồng
Sánh vai với Nguyễn Ðức Sơn cũng kỳ
"Kỳ" thì theo "Thiệu" mà đi
Ta theo bác đã chắc gì tịnh tâm
Chẳng thà bút vẩy thơ đâm
Rong chơi đợi trận cát lầm đi qua
Ðừng khen chê trước mặt ta
Sợ e tiếng gáy làm gà ghét nhau
Chẳng thà trong cuộc bể dâu
Cưa nhau chén rượu cho sầu chia hai...


Riêng đối với Phạm Thiên Thư thì tôi "quậy" theo kiểu bụi đời hơn. Năm 1980 tôi được nghỉ phép, mặc đồ bộ đội rách xác xơ đi lang thang cùng Hoàng Linh qua đường Lý Chính Thắng (tức Yên Ðỗ cũ). Hoàng Linh là bạn giang hồ của tôi, anh là con trai nhà văn Hoàng Ly và là em vợ Phạm Thiên Thư lúc đó. Anh giới thiệu tôi với Phạm tiên sinh đang mở tiệm hớt tóc và bỏ mối rượu ngay trên đường này.

Cuộc hội ngộ diễn ra y chang truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Ngoài trời mưa tầm tã, bên trong tiệm Phạm tiên sinh ngừng hớt tóc cho vị thân chủ mặt mũi kỳ dị và kéo vị ấy ngồi xuống rót chai rượu màu xanh tiếp tôi và Hoàng Linh. Sau tuần rượu đầu đàm đạo về thơ, vị khách lạ đứng dậy chỉ vào mặt tôi và phán "tuổi Giáp Ngọ phải không, sanh vào cuối tháng 9 âm lịch phải không, chào đời nửa đêm phải không?". Rồi ông ta đứng dậy bỏ đi một mạch. Lời phán của kẻ dị nhân khiến tôi hoang mang nhưng hai anh em Phạm Thiên Thư, Hoàng Linh chỉ khẽ gật gù khoái trá. Ðến giờ này tôi vẫn chưa hiểu dị nhân đó là ai và tại sao chỉ sau một quẻ Dịch ông ta lại biết ngày giờ năm sinh tháng đẻ của tôi trong khi cả bàn không ai biết. Hôm đó trong lúc cụng ly nghe Phạm tiên sinh thố lộ về cuộc đời trôi nổi lên voi xuống chó của ông làm tôi ngậm ngùi vô tận. Tôi thừa biết họ Phạm sở trường về thơ bốn chữ nên ứng khẩu tặng ông bài thơ cùng thể loại mà ông ưa thích. Bài thơ như sau:

Ghẹo Phạm Thiên Thư
Rượu Phạm Thiên Thư
Thơ Bùi hiền sĩ
Một chén càn khôn
Ðất trời túy lúy

Tưởng huynh tên "Thị"
Nên mới vào chùa
Dè đâu tửu sắc
Cũng ghiền nam mô

Huynh giữ một bồ
Chứa toàn thịt chó
Ta giữ bồ kia
Chứa toàn tín nữ

Vì huynh quân tử
Như Nhạc Bất Quần
Ta đành tiểu tử
Như Ðiền Bá Quang

Tiếu Ngạo cung đàn
Một gian lều cỏ
Huynh mới bẻ gươm
Ta còn mãi võ

"Ðoạn trường" hai chữ
Huynh ngâm nát lòng
"Vô thanh" đâu chứ
Cửa thiền huynh trông

Ta con nhà tông
Giống lông giống cánh
Quen ngủ chiếu rơm
Dùng cơm khổ hạnh

Gặp chiều mưa lạnh
Chén tạc chén thù
Ðem thơ tặng Phạm
Ðếch cần Thiên Thư!


Cũng trong thời gian đó, tôi lang bạt rất nhiều nơi, làm quen với nhiều người, trong đó có thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn từ Phan Thiết vô là tác giả tập thơ Chiến tranh Việt Nam và tôi nổi tiếng.

Nguyễn Bắc Sơn có hẹn hò đâu với Trần Mạnh Hảo nên rủ tôi lên chung cư Hội Văn nghệ số 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa lai rai ba sợi chơi. Khi đi, tôi có rủ thêm Trần Hữu Dũng, Vũ Ngọc Giao là hai chiến hữu giang hồ cùng cạn chén tang bồng hồ thỉ.

Rượu vào lời ra. Tôi và Nguyễn Bắc Sơn thay phiên nhau khạc thơ chan chát. Có lẽ Nguyễn Bắc Sơn không ngờ tôi là một kẻ hậu sinh chưa hề có tên tuổi trước giải phóng mà khạc thơ quá đã, nên anh "bốc" liền một câu: "Thằng cha Bùi Chí Vinh này làm bài thơ nào cũng hay hết, nhưng thơ họ Bùi là Ðồ Long Ðao, còn thơ Nguyễn Bắc Sơn ta mới là Ỷ Thiên Kiếm". Nguyễn Bắc Sơn đâu biết câu phát biểu đó vô tình làm "mồi" cho một bài thơ giai thoại về anh và tôi sau này. Bài thơ được tôi ứng khẩu tại chỗ như sau:

Cách nhậu với Nguyễn Bắc Sơn
"Ta làm thơ bài nào cũng hay"
Nghe gã Nguyễn Bắc Sơn nói thế
Té ra gừng già ngươi chưa cay
Ta chỉ hạt tiêu mà rơi lệ
Làm thơ ta làm từ bụng mẹ
Ðợi ngươi nổi tiếng là ta sinh
Sinh sau đẻ muộn giống Hạng Thác
Cho người Khổng Tử đỡ hợm mình
Sinh sau đẻ muộn giống chim hạc
Cho đàn cò đói đỡ ăn đêm

Nhà ngươi bốc ta cứ như chưởng:
Rằng thơ ta ngông như Tạ Tốn
Câu trước câu sau Ðồ Long Ðao
Vần dưới vần trên Ỷ Thiên Kiếm
Ðao kiếm dành cho bọn cường hào
Có đâu đưa vào thơ bố trận
Tại đời lắm muối nên thơ mặn
Chứ thiết gì ta nghiệp võ công
Kìa coi hoàng đế Quang Trung đó
Ðến chết còn ghê chữ má hồng

Tiếc rằng ngươi không là thiếu nữ
Thiếu nữ bốc, ta thành vua Trụ
Nhà ngươi bốc, ta thành bia hơi
Uống say bọt bay hết lên trời...


Ðối ẩm với Nguyễn Bắc Sơn tại nhà Trần Mạnh Hảo mà quên nhắc đến họ Trần thì quả là điều không phải phép. Khi tôi 15 tuổi tham gia phong trào sinh viên học sinh đấu tranh đô thị ở Sài Gòn thì bộ đội Trần Mạnh Hảo đã siết cò AK ở trong rừng. Ngay giải văn học Thành phố Hồ Chí Minh đầu tiên sau giải phóng 1976-1977, tôi và Trần Mạnh Hảo đã biết nhau khi anh đoạt giải thơ với tập Tiếng chim gõ cửa, còn tôi đoạt giải thơ với tập Hạnh phúc có thật. Tôi với anh còn thân nhau bởi cùng đi lưu diễn đọc thơ các trường đại học cùng với Nguyễn Duy, Văn Lê, Nguyễn Nhật Ánh. Phải nói thật, tôi thân với Trần Mạnh Hảo hơn những nhà thơ ngoài Bắc khác một phần vì quê quán cha tôi thuộc tỉnh Nam Ðịnh, đồng hương với anh.

Trần Mạnh Hảo và tôi mỗi người đều tạo ra những sóng gió và dư luận riêng bởi cá tính và thơ của mình. Trong bàn nhậu đám đông, tôi và anh luôn luôn giữ vai trò chủ lực trong việc đọc thơ phục vụ bè bạn bằng thơ trí nhớ hoặc thơ ứng khẩu. Ai cũng khẳng định rằng tôi và anh đều có trí nhớ đặc biệt, thuộc lòng bất kỳ bài nào của mình viết ra, cho dù là viết giỡn chơi. Thậm chí giới giang hồ mỗi lần nghe tôi và anh đấu khẩu bằng thơ đều gọi là "Nam chinh, Bắc chiến". Một lần ngồi dưới chân cầu Công Lý trước nhà chị Phương Huệ, có mặt khá đông bá tánh tín đồ Phật Giáo, Trần Mạnh Hảo đã cao hứng đọc oang oang bài thơ chinh phục thiên hạ. Bằng trí nhớ tôi chép ra đây sau một thời gian quá lâu hơn 20 năm, nếu có sơ xuất hoặc thiếu câu nào đoạn nào mong Trần Mạnh Hảo thông cảm:

Phùng Phật, sát Phật
Phùng Phật phải sát Phật
Sát Phật, Phật quay về
Ngộ rồi mà chưa ngộ
Tỉnh tỉnh mà mê mê

Thúy Kiều vừa thành Phật
Mười lăm năm tu hành
Cõi tâm là cõi Phật
Lầu không lầu không xanh

Phật tự thân người đẹp
Không dưng, sao Phật Bà
A Di Ðà sát Phật
Phật hoá thành đôi ta![/i]

Tôi thấy tình hình căng quá bèn giải thoát cho các tín đồ Phật Giáo bằng bài thơ thức ngộ sau đây:

Phùng Phật, cứu Phật
Trần Mạnh Hảo sát Phật
Giữ lại mình Quan Âm
Nói theo kiểu phàm tục
Diệt dục mà sinh dâm
Nói theo kiểu cờ bạc
Úp Tây mà lật Ðầm
Nói theo Bùi hiền sĩ
Muốn vậy chìa hai trăm!


Bao giờ cũng vậy, những cuộc đấu khẩu thơ giữa tôi và Trần Mạnh Hảo đều làm thiên hạ bật cười nhẹ nhõm tới bến sau khi thần kinh căng thẳng cũng tới bến. Anh em văn nghệ mà. Những người có khả năng khuấy đảo thiên hạ chỉ đếm trên đầu ngón tay, tại sao lại không biết thương nhau bảo vệ nhau trước những cặp mắt cú vọ của đám tiểu nhân rình mò tâu hót ám hại.

Một giai thoại nữa có liên quan tới Trần Mạnh Hảo khi họ Trần dẫn theo hai vị chức sắc thuộc tỉnh Hà Nam Ninh đến Hội Văn nghệ 81 Trần Quốc Thảo ăn nhậu và ra câu đối thách thức. Chuyện đó đã hơn 15 năm. Hôm đó tôi đang ngồi uống bia dưới gốc cây đa cùng với Nguyễn Quốc Chánh, Ðoàn Vị Thượng... và nhiều anh em văn nghệ khác. Hai bên chào nhau và ráp bàn. Trần Mạnh Hảo tuyên bố: "Có một câu đối chúng tôi ra vế mà từ Bắc vô Nam chưa ai đối được hoàn hảo về mặt nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu các bạn trong bàn giải được, chúng tôi cá độ một chầu nhậu thả giàn".

Vế đối ra như sau: "BATA đi giày vải"

Phải thú thật là vế ra quá độc. Bởi băng "Hà Nam Ninh" của Trần Mạnh Hảo gồm đúng 3 người, mà cả 3 đều đi giày vải, và giày vải đều mang hiệu BATA. Thế là anh em chiến hữu đều hướng mắt về phía tôi. Trong tình thế chỉ mành treo chuông, tôi gật đầu cái rụp.

Sau 15 phút động não nhằm xác minh một đơn vị tiểu thủ công nghiệp mang tên "Ðại Chúng" chuyên sản xuất dép râu ở Chợ Lớn, tôi hùng hồn đứng dậy đối lại như sau:

"ÐẠI CHÚNG lết dép râu"

Câu đối lại đã quá rõ ràng. Khi ba cán bộ đi giày Bata thì đám đông đại chúng nghèo khổ đành phải mang dép râu lết bánh. Thế là sau một hồi tranh cãi gọi điện thoại bàn xác minh cơ sở sản xuất dép lốp Ðại Chúng có thật hay không thì băng Trần Mạnh Hảo đành phải chung độ chứ còn phải hỏi.

Cũng trong giai thoại về câu đối, nhân đây tôi nhắc chuyện này như một nén nhang thắp tặng linh hồn hai vị thuộc giới văn nghệ đã khuất. Ðó là hai nhà thơ trào phúng Tú Rua và bác Cử Tạ, vốn là hai nhân vật nằm trong hai câu đối của tôi. Chuyện xảy ra vào cuối thập niên 80 khi tôi và Lê Dụng (con trai cố nhạc sĩ Hoàng Việt) đến nhà Tú Rua chơi. Nhà thơ trào phúng Tú Rua vừa là chủ tiệm may đắt khách, vừa là một cộng tác viên đắc lực của báo Văn nghệ Thành phố, nơi Lê Dụng công tác. Trong lúc trà dư tửu hậu chén tạc chén thù, ông chủ tiệm may Tú Rua cao hứng phán một câu "Nghe đồn Bùi Chí Vinh có khả năng ứng tác về ca từ thi phú cổ điển. Vậy ông có ngon làm hai câu đối nói về chí khí của Tú Rua tôi trong sáng như sao Tua Rua trên bầu trời đêm thì tôi sẵn sàng đãi ông và Lê Dụng suốt một ngày khắp các quán Sài Gòn". Lời phán của Tú Rua như một tiếng sét đánh ngang mày. Mà đã là sét đánh thì nháng lửa và tung tóe như sao. Bất giác tôi liên tưởng đến bác Cử Tạ phụ trách mục "Ôn cố tri tân" trên báo Long An cuối tuần thường hay bốc thuốc Ðông y ở khu Ông Tạ. Tôi nháy mắt với Lê Dụng như một nhân chứng và xuất khẩu thành... hai câu đối như sau:

TÚ RUA "rua" SAO RUA
CỬ TẠ tạ ÔNG TẠ


Tôi thấy Lê Dụng khoái trá, còn Tú Rua lặng người. Trong ba từ "rua" của vế trên thì chữ "rua" thứ nhì là tiếng Pháp có nghĩa là "bắt tay". Tương tự trong ba từ "tạ" của vế đáp thì chữ "tạ" thứ nhì thuộc tiếng Hán có nghĩa là "vái chào". Và kết quả là chúng tôi say xỉn quắc cần câu như thế nào có lẽ các bạn cũng hình dung ra được.

Cũng trong thập niên 80, tôi thường xuống khu Ông Tạ giao du với gia đình nhà văn Lưu Ngũ và các hảo hớn anh chị sống ngoài vòng pháp luật ở khu vực đó. Lưu Ngũ xuất thân là cựu trung úy Biệt động quân của quân đội Sài Gòn, sau giải phóng đi học tập cải tạo và trở thành nhà văn bất đắc dĩ nhờ đoạt giải văn học thành phố năm 1976-1977 với truyện dài Vũng lầy. Anh chán ghét chiến tranh đến mức độ chỉ muốn làm con người, nhưng làm con người giữa thời đại "bo bo" và "xuyên tâm liên" thì quả khó làm sao. Trong một đêm nhậu đã đời với những kẻ "Ðảng nghi ngờ, nhân dân chú ý" chúng tôi đã đi lang thang trên đường phố chỉ toàn xe đò chạy bằng than, nhìn thấy những chiếc xích lô kiếp ngựa thồ mà phu xe toàn là cựu chiến binh bộ đội lẫn quân đội chế độ cũ, chúng tôi tiếp tục nhìn thấy những giọt lệ ứa ra từ các mệnh phụ phu nhân, các tiểu thư nghèo khổ phải "đứng đường" đón khách kiếm tiền độ nhật. Bài thơ "Sinh nghi hành" mở đầu một giai thoại truyền khẩu sau này ra đời từ đó:

Sinh nghi hành
Sinh nghi ta viết một bài hành
Vợ nghi chồng, em út nghi anh
Cha nghi con cái, bè nghi bạn
Thủ trưởng thì nghi hết ban ngành
Láng giềng dòm ngó nghi hàng xóm
Ngoài đường nghi phố chứa lưu manh
Ngay ta khi viết bài in báo
Cũng nghi mình kiếm chác công danh
Trời ơi, mọi chuyện sinh nghi thật
Chén kiểu thường nghi kỵ chén sành

Thời buổi công hầu như chén cứt
Thiếu chó, mèo ăn cũng rất nhanh
Mèo ăn cho chó leo bàn độc
Vừa sủa vừa nhai riết cũng rành
Trẻ con khát sữa, ai cho bú
Vú mẹ gầy, sâu rúc nồi canh
Quang Trung bỏ núi Tây Sơn xuống
Hoảng hốt vì gương vỡ chẳng lành
Nguyễn Du chỉ một đêm dạo phố
Ðoạn Trường ngồi viết lại Tân Thanh
Thúy Kiều phát triển nhiều như thế
Thảo nào đất nước hoá lầu xanh
Nhà tù phát triển nhiều như thế
Kẻ sĩ làm sao dám học hành

Ta làm thơ mà lòng đứt ruột
Suốt đời bao tử chạy loanh quanh
Lãnh tụ nói "đói quên nghi kỵ"
Ơn ấy ngàn năm sáng sử xanh!


Trước khi tạm ngưng phần đầu bài viết "Giai thoại của thi sĩ" này, tôi thiết tưởng không có gì ý vị hơn khi nhắc đến một ông bạn phương xa là Nguyễn Lương Vị. Hồi còn ở trong nước chưa định cư ở Mỹ, Nguyễn Lương Vị sống cùng địa phương với tôi, và những lúc buồn bã cô độc, anh thường ghé nhà rủ tôi nhâm nhi chén rượu quên sầu. Anh buồn vì một lý do cực kỳ giản dị: anh là một con người chứ không phải một con thú hoặc một cỗ máy. Thậm chí anh còn rung động nhanh hơn con người bình thường một bậc, bởi anh là... thi sĩ.

Nguyễn Lương Vị thường ngồi bứt tóc trong lúc đánh cờ tướng. Ðánh xong bàn cờ là tóc anh rụng như mưa. Anh sống nửa dại nửa khôn nửa tỉnh nửa điên như thế nên phải tự giải thoát mình trong triết lý Phật Giáo. Mỗi lần say xỉn anh thường thuyết giảng cho tôi nghe về tiểu thừa đại thừa, về sắc sắc không không, về cõi luân hồi sát na sát khí... để cho tôi “choáng” mà bớt quậy. Nào dè tôi quậy còn tưng bừng hơn. Tôi có tặng anh bài thơ sau đây trước khi anh sum họp gia đình bên Mỹ:

Phật sống
Chư huynh bàn về tu luyện
Ðứa đại thừa, đứa tiểu thừa
Ðứa nào cũng sắp thành Phật
Chỉ mình ta còn gươm khua

Ðời này nói đến hơn thua
Biết bao giờ cho hết chuyện
Ta thấy chư huynh yêu chùa
Cũng là tự thân bảo hiểm

Nhưng tu như vậy còn kém
Biết khôn lựa gốc bồ đề
Có người tu hang Pắc Bó
Sau này thành Phật sướng ghê!


7-2008

Nguồn: http://www.talawas.org/ta...php?res=13905&rb=0101
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Trọng Tạo

Phê bình - giải minh hay phá bĩnh? (Hay là Ngộ nhận trong phán xét văn trẻ)
Tác giả: Nguyễn Trọng Tạo



Phê bình văn học là giải minh cho văn chương. Văn chương hay hoặc dở, giản đơn hay phức tạp, nó được thiết lập trên thi pháp này hay thi pháp khác, thể loại này hay thể loại khác, thời này hay thời khác, v.v... đều phải được làm sáng tỏ bằng những lập luận khoa học chứ không phải bằng cảm tính của người phê bình. Những người phê bình cảm tính thường rơi vào cực đoan, áp đặt lên văn chương những ý nghĩ chủ quan, rốt cuộc là rơi vào ngộ nhận. Những nhà phê bình khoa học thường hoà nhập vào tác phẩm để từ đó nhận ra ánh sáng hay bóng tối của văn chương, nhằm đưa ra những phán xét khách quan.

Phê bình khoa học bao giờ cũng là bạn của sáng tác và thưởng thức. Phê bình ngộ nhận lại là kẻ phá bĩnh trong dạ tiệc hội ngộ giữa nhà văn và bạn đọc.

Trên mặt báo gần đây xuất hiện một số những cây bút mới ký dưới các bài gọi là phê bình nhằm vào các tác giả trẻ. Ðó là Hoàng Xuân Tuyền, Chu Thị Thơm, Nguyễn Thanh Sơn, Ngọc Oanh (Nguyễn Hoà), Hưng Yên, v.v... Cái mạnh của họ là bạo dạn, dám bộc lộ chính kiến, thậm chí có người rần rật máu nóng chảy trong từng dòng viết phê phán các tác giả trẻ. Cũng có đôi lúc, đôi người thể hiện sự học vấn, hoặc ra giọng khụng khiệng của những bậc thầy lớn tiếng nhận định, phán xét và răn dạy những người sáng tác trẻ. Thôi thì dịu dàng hay bặm trợn, khụng khiệng hay từ tốn... cũng chẳng có hại gì cho phê bình cả, thậm chí còn là "cá tính" để tạo nên bản sắc của từng cây bút khiến họ không lẫn vào đám đông, cũng là một ưu điểm vậy. Nhưng điều đáng bàn là nhiều luận điểm họ đưa ra trong các bài viết là quá chủ quan, ngộ nhận và tự mâu thuẫn khi nhận định, phán xét văn chương của giới trẻ.

Như chúng ta đều biết, giới trẻ bao gồm những người trẻ tuổi, và gọi những cây bút trẻ hay những nhà văn trẻ đều khu biệt trong tuổi tác mà thôi. Theo nhiều nhà nghiên cứu tâm lý học sáng tạo thì những phát kiến quan trọng của đa số những người sáng tạo thường nằm trong độ tuổi 24 - 28. Ngoại lệ thì có "thần đồng", "thần lão" hoặc ở ngoài độ tuổi 24 - 28. ở ta, hội nghị những người viết trẻ thường chọn dưới 40 tuổi. Theo ý riêng tôi thì giới trẻ chỉ nên tính từ 16 - 35, đấy là tuổi thanh xuân của đời người, tuổi khởi ra nhiều sự mới mẻ để khẳng định chính mình, để "lập thân". Trong văn học nghệ thuật, lứa tuổi này thường tạo ra những đột phá quan trọng cho văn nghệ thời đại. Sự đăng quang của Thơ Mới, sự đăng quang của Thơ chống Mỹ chẳng là của giới trẻ đó sao?

Tuy nhiên trong lịch sử văn học, nhiều thế hệ bị bỏ trống, hoặc trở thành thế hệ "lót đường" - thế hệ chuẩn bị. Hiện tượng Thơ Mới nối dài, và hiện tượng thế hệ chống Mỹ bao trùm văn đàn lấn át thế hệ kế tiếp là có thật. Ðiều đó không có nghĩa là họ cố tình múa bút dương oai chiếm chỗ của thế hệ trẻ, mà còn phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, và qui luật phát triển của văn tài trong xã hội. Ở ta, sau hoà bình 15 năm, từ những năm 90, lớp nhà văn trẻ mới có cơ hội tốt để khẳng định chính mình. Ðấy là một thế hệ được chuẩn bị và được ngọn gió đổi mới, hội nhập tràn thổi vào đôi cánh thanh xuân. Từ thơ đến văn xuôi (cũng rất rõ trong hội họa) đã xuất hiện những làn sóng mới, khác với các thế hệ trước đó. Trường hợp Trương Nam Hương đoạt giải thưởng thơ Hội Nhà văn Việt Nam năm 28 tuổi (1991) và Nguyễn Quang Thiều cũng nhận giải thưởng này năm 36 tuổi (1993) là bằng chứng tự khẳng định mình của giới trẻ. Ngay trong cuộc xét giải thưởng thơ năm 2000 tại Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua, 2 tác giả trẻ là Vi Thùy Linh (20 tuổi) và Nguyễn Hữu Hồng Minh (28 tuổi) đã được Hội đồng Thơ đề cử cùng 6 tác giả khác để bỏ phiếu. Số phiếu của họ chỉ thua 2 tác giả đoạt giải. Ðó là những dấu hiệu tốt về sự hiện diện của thơ trẻ những năm gần đây. Một số tác giả trẻ khác như Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly cũng đã gây được sự chú ý của độc giả, trong đó có người đã tạo ra được những tranh luận, khen ngợi hoặc phê phán. Trường hợp tập LINH (sau tập khát được đề cử ở Hội đồng Thơ) của Vi Thùy Linh là một hiện tượng khá đặc biệt được tranh luận nhiều trên báo chí Bắc Trung Nam, trong đó 8 bài khen, 4 bài chê và 3 bài dở khen dở chê. Số lượng bài viết về thơ Văn Cầm Hải ít hơn, bởi tập thơ đầu tay người đi chăn sóng biển của anh in từ năm 1994 với số lượng nhỏ, ít người được đọc, vì vậy có người phải đem cả những bài chưa in (có thể là chưa hoàn chỉnh) của anh ra để "bổ" như bổ củi; đến nỗi sau khi đọc bài của Ngọc Oanh (Phụ san Văn nghệ Quân đội số 15 ngày 10-8-1998. Người Hà Nội in lại số 9 ngày 3-3-2001) Văn Cầm Hải đã phải kêu lên: " Tôi không đòi hỏi Ngọc Oanh bên cạnh chê nên khen thơ tôi, vì quan niệm nghệ thuật vốn xưa nay không phải luôn luôn đồng nhất, và tư tưởng nghệ thuật thì nó có những bến bờ của nó mà không phải con thuyền nào cũng cập bến được. Những gì mà Ngọc Oanh "chọn ra" để "phê bình" còn ở dạng bản thảo, nó còn được tiếp tục điều chỉnh và bổ sung, đó là quyền của người sáng tạo. Hệ thống luật pháp của nước ta, kể cả thế giới, không có một điều khoản nào qui định cho phép người phê bình tự ý đưa bản thảo của người khác lên các phương tiện thông tin đại chúng để phân tích, phê bình. Tôi nghĩ rằng, trước lúc làm một nhà báo, nhà phê bình, Ngọc Oanh nên là một công dân sống và làm việc theo pháp luật qui định". (Phải chăng đó là phê bình? - VCH). Lại có người chỉ đọc được dăm ba bài của anh, thấy lạ rồi khen với một giọng cũng "lạ" không kém " ...Cái hay của nó chính là nhịp lên của một câu thơ 6 chữ rất "khẩu hiệu" và hiện đại như "vượt qua giai đoạn thành kiến", được đột ngột hạ xuống tương phản với một câu thơ 4 chữ cũ "nhớ buổi sinh tiền", rồi lại hất lên rồi để buông rơi ở một câu thơ chỉ có 3 chữ lơ lửng "cơn gió hát"..." (Nguyễn Thanh Sơn - Tia Sáng số 5 - 2001). Thực ra thì Văn Cầm Hải đã thoát khỏi hình thức quen thuộc với một nội dung mang tính tích hợp trong cảm thức khác biệt của thi sĩ: "người dương cầm lên cơn tổng phổ", "chùm hoa tigôn cũng đỏ màu tập thể", "đời chị như viện bảo tàng/ treo đầy mặt nạ đàn ông", v.v...

Trở lại "hiện tượng Vi Thùy Linh", một cây bút in thơ từ năm 16 tuổi, và 4 năm sau đã cho xuất bản 2 tập thơ (trên 200 trang với 96 bài thơ chọn lọc), hầu hết là thơ tình yêu, hay có thể nói là thơ khát tình, khát yêu, thậm chí là khát dục cũng đều đúng cả. Cái tôi bản thể trong thơ Vi Thùy Linh dường như được "bóc trần" đến tận lõi khát vọng yêu của con người. Tất nhiên con người có nhiều khát vọng (cao sang hay thấp hèn), nhưng trong thơ, Vi Thùy Linh chỉ mạnh mẽ một khát vọng được yêu, được sống trong tình yêu đích thực của con người. Ở đây không đơn giản là tình yêu xác thịt như một ít người lầm tưởng, mà là một tình yêu "toả nhiệt vào thơ bất kể mùa nóng, lạnh", "yêu đến tan cả em" nên luôn thấy "ngày dài hơn mùa" rồi bật khóc đến nỗi phải "cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh". Thơ Vi Thùy Linh không chỉ có thông minh (không thông minh thì không thể làm thơ) mà còn có cả khổ đau của thân phận người, đặc biệt là phận người phụ nữ trong tình yêu : "Cứ để chăn trễ nải/ Biết đâu/ Một tối trở về/ Chồng nằm trong đó". Vi Thùy Linh có rất nhiều những câu thơ buồn, thật buồn mà viết ra như không: "Ðêm mở mắt bên em là mùa đông", "Sau giấc mơ em còn nguyên", "chúng mình buồn như cặp bánh phu-thê/ Chiều quắt lại như mặt người ốm dậy "... Lại có nhiều câu thơ sáng trưng lộng lẫy: "Chưa bao giờ như chiều nay/ Ðàn kiến tha mặt trời qua mùa hè run rẩy", "Mặt trời vỡ hàng triệu mảnh bọc thân thể tôi rát bỏng... Cát bay lên như những linh hồn". Tình dục chỉ là một phần của thơ Vi Thùy Linh, nó là những ám ảnh trong khát vọng tình yêu, đôi khi tưởng như trần tục, nhưng trong hệ thống ngôn từ và thi ảnh nó đã nhuốm màu triết học, và nhờ thế nó mở ra một hệ thống thẩm mĩ mới, khác với quan niệm đạo đức mà không ít người nhầm tưởng. "Khoả thân trong chăn/ Thèm chồng..." không phải là nhục thể, bởi sau đó là câu: "Chỉ cần anh gối lên đùi", và dù "Mình ôm lấy anh ôm mình" thì cũng chỉ là vì một khao khát yên bình: "Biết sự bình yên của mặt đất". Thật lạ lùng, khi đọc những câu thơ như thế mà Chu Thị Thơm lại tưởng tượng ra những điều thật kinh dị: "Cứ nhất thiết, thèm chồng là cứ phải để tư duy phiêu lưu với hình thể nồng nỗng, trần truồng hồng hộc đợi chờ trong sự bất thường như thế chăng?" (Khi nhục cảm đã vượt qua con chữ - GD&TÐ số 27 ngày 3-3-2001). Vẫn biết người đọc là người sáng tạo thứ hai (sau tác giả), nhưng lối đọc thơ "nồng nỗng", "hồng hộc" bệnh hoạn như thế có khác nào truyền bệnh của mình vào thơ của người khác, và tác hại hơn, đấy lại là ý kiến của một "nhà giáo phê bình" với sức tưởng tượng quái đản làm lây lan tới những người đọc nhẹ dạ cả tin khác. Phải khẳng định rằng, đề tài tình dục chưa bao giờ xa lạ với văn chương. "Một lần nữa bằng môi- Tôi chạy dọc theo đùi". Ðấy không phải là câu thơ của Vi Thùy Linh, mà là một trong cả ngàn câu thơ tình dục rút ra từ tập thơ tuyệt tác 99 đêm của nàng Kômati của thi sĩ Rubôkô Sô (980-1020) Nhật Bản. Trong tập Văn chương cảm và luận tôi đã hơn một lần bàn về thơ tình dục, thơ hiện đại, và khẳng định rằng: "Muốn cảm nhận được thơ tình dục, thơ hiện đại, cần phải có một Mỹ Học đổi mới". Còn việc Hoàng Xuân Tuyền trích lẻ một số câu thơ của Vi Thùy Linh rồi gán cho nó là thơ "Anh-Em-Chăn-Gối-Giường-Sừng" thì đấy là một lối đọc thơ bất nhẫn (xem Người Hà Nội số 7 ngày 17-2-2001). Ngay câu thơ đầy ám tượng về Con ngựa một sừng trong huyền thoại Hy Lạp của Vi Thùy Linh: "Con ngựa có chiếc sừng vĩ đại vẫn vọt lên con ngựa kia cầu vồng sao trắng" mà Hoàng Xuân Tuyền ngạc nhiên đến không tài nào hiểu nổi, phán rằng: "...đố biết chiếc sừng vĩ đại trổ ra từ đâu?". Xin thưa, nó trổ ra từ văn hoá nhân loại đấy!

Phê bình có khi là khám bệnh và kê đơn cho văn chương, nhưng ngược lại những "thầy thuốc phê bình" ốm yếu bệnh hoạn đôi khi lại tự biến mình thành kẻ truyền bệnh. Vẫn biết con người thường có những ngộ nhận, nhưng người phê bình ngộ nhận thường đưa ra những phán xét liều lĩnh đến nực cười. Tỷ dụ như với thơ Vi Thùy Linh, Hoàng Xuân Tuyền phán: "Chúng tôi không coi những ghi chép lộn xộn đó là thơ", còn Nguyễn Thanh Sơn thì bảo, đó chỉ là "một món-nộm-thơ nhạt nhẽo". Tất nhiên, thích hay không thích là quyền của mỗi người, nhưng đâu phải cứ phán bừa như thế thì thơ Vi Thùy Linh sẽ bị hạ thấp xuống đáy vực hay trở thành văn xuôi, mà ngược lại, nhà thơ trẻ này vẫn khát, vẫn linh, vẫn song mã nước đại "Tới vùng sa mạc ánh nhũ mặt trời xanh/ Cùng cả tham sân si đầu thai kiếp khác".

Trong phê bình, thổi phồng hay bóp méo các giá trị đều xa lạ với khoa học khách quan. Người sáng tác cực đoan đôi khi mở ra những chân trời mới lạ, nhưng người phê bình cực đoan lại thường nhốt bầu trời trong đáy giếng. Chính vì vậy mà đòi hỏi nhà phê bình phải tìm ra các hệ thống ngôn ngữ, triết học và tư tưởng của tác phẩm và tác giả, từ đó đưa ra các lời bình luận hay phán quyết. Khi tính cảm tính lấn át tính hệ thống thì phê bình sẽ trở nên phiến diện, nông cạn và ỡm ờ. Trong bài viết Văn trẻ hôm nay (Tia Sáng số 5 - 2001), Nguyễn Thanh Sơn cố đi tìm cái khác, cái mới của thơ văn trẻ, nhưng ngay từ đầu anh đã đưa ra nhận định thiếu chính xác về "thế hệ". Anh cho rằng thế hệ trước (Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Trần Trung Chính, Bảo Ninh...) là "thế hệ hoài nghi", còn lớp người viết trẻ hôm nay "họ không hoài nghi". Anh viết tiếp: "Các nhà văn thế hệ trước có quá khứ: chiến tranh, niềm tin, một nôi văn hoá quen thuộc và đã được định giá", còn "các nhà văn trẻ hiện nay thuộc một thế hệ từ chối quá khứ đã được định sẵn cho họ và khao khát đi tìm cho mình một quá khứ khác". Không phải chỉ thế hệ trẻ hôm nay mới "đi tìm cho mình một quá khứ khác". Thế hệ nào cũng có một thời trẻ, họ làm ra quá khứ của mình; còn "hoài nghi" luôn luôn là đặc tính của những nhà sáng tạo ở bất kỳ thời nào, ở bất cứ người già hay người trẻ. Chỉ có điều, những sáng tạo sau phải khác, phải không lặp lại những gì đã có. Tuy nhiên vẫn có những hình thức tồn tại trường cửu, không dễ gì phá vỡ nổi (thơ Ðường, thơ Xonnê, thơ lục bát, v.v..). Vấn đề là người sau phải cộng thêm vào thành tựu của người trước chứ không phải là xoá trắng thành tựu (mà có muốn cũng không thể làm được). Ðiều này tôi đã phân tích kỹ trong bài Thơ trẻ không an bài với thành tựu (Văn chương cảm và luận - tr. 216-225). Cũng do những hiểu biết nông cạn về chân giá trị của cái mới, Nguyễn Thanh Sơn có bài Ba cái lầm của nhà thơ lớn tuổi (Tia Sáng, số 4-2001). Anh viết: "Thế hệ trẻ, thực ra, không cô đơn, cũng không hề hoang mang"; "không phải cứ tấu lên những 'chó sủa, mèo gào, mọt nghiến, người rên rỉ' là bài thơ trở thành một bản nhạc giao hưởng", và "các nhà thơ lớn tuổi cứ tưởng rằng, làm ồn ào quanh các hiện tượng là thái độ ưu ái với các nhà thơ trẻ", v.v..Ở đây tôi không bàn đến cái giọng khụng khiệng cố nội của một người viết trẻ (bởi chính Nguyễn Thanh Sơn cũng tự thú nhận: "Cám dỗ của lòng tự kiêu ngấm ngầm: được là một người viết trẻ viết về những người viết trẻ"), mà chỉ muốn nói rằng, chính anh đã nhầm về sự cô đơn và hoang mang của thế hệ trẻ. Cô đơn và hoang mang chính là khởi sự nội tâm của sáng tạo, hiểu theo nghĩa giải toả hay chia sẻ. Anh cũng nhầm giữa "bản nhạc giao hưởng" và thơ có tính phức điệu của nhạc giao hưởng. Còn "thái độ ưu ái (của các nhà thơ lớn tuổi - NTT) với các nhà thơ trẻ" thì đấy lại là một truyền thống đẹp cần được biểu dương chứ không phải là để phỉ báng và chế giễu. Trẻ con thường có tâm lý đố kỵ với người lớn, muốn bằng người lớn và muốn hơn người lớn, chính vì thế mà nó phải tập chia động từ "Tôi là" trong một thời gian không mấy ngắn. Nhưng đấy là trẻ con chưa trưởng thành. Tôi nghĩ, để trưởng thành, bên cạnh sự khiêm tốn học hỏi thế giới, cũng cần có lòng tự kiêu, chứ không phải là sự cao ngạo ngộ tưởng.

Sáng tác đã khó. Ðọc, nghe hay dịch cho sát (tiếp cận) với văn bản cũng không phải dễ. Chả thế mà các cuộc thi Piano Chopin thế giới, nhiều lần không có giải nhất. Ðặng Thái Sơn ngoài việc chơi đúng văn bản tác phẩm Chopin, anh còn tái tạo được cả phần hồn trong tác phẩm của ông. Nhưng anh mới chỉ là một người "dịch" giỏi Chopin mà thôi. Phê bình khoâng chỉ là đọc, là nghe, là dịch, mà còn là giải mã tác phẩm; rồi trên cả giải mã là bình luận và đưa ra những luận điểm về đối tượng phê bình. Thật khó lắm thay! Ðấy là chỉ mới nói đến việc phê bình những tác phẩm cụ thể. Còn khi đưa ra những nhận định khái quát về các thời kỳ văn học, những dòng chảy, những trào lưu, những trường phái, hay về những thế hệ văn chương thì việc ấy mới thật mênh mông như bể Sở (Mênh mông bể Sở sông Ngô). Chỉ mới xem qua một số bài viết về thơ văn giới trẻ của một ít người phê bình trẻ, tôi đã thấy có nhiều điều bất ổn. Chính vì thế mà chúng ta cần phải xem lại mình, cần điều chỉnh những hiểu biết của mình trước các giá trị mới đang mở ra, một cách bình tĩnh và minh triết. Có như vậy phê bình mới thoát khỏi sự phá bĩnh làm cản trở, nhiễu loạn văn chương (cả người viết lẫn người đọc), để đi tới sự giải minh đắc lực cho văn chương và thời đại mới.

Hà Nội, 11.2001
chia cho em một đời say
một cây si/ với/ một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Trọng Tạo

Thơ và cú đấm vào bức tường ngôn ngữ
Tác giả: Nguyễn Trọng Tạo



Rồi bạn sẽ quen dần với thứ ánh sáng u huyền
đang hắt lên từ vết nứt của bức tường ngôn ngữ.
(NTT)


1. Con người không có Thơ thì chỉ là một cái máy bằng xương thịt. Thế giới không có Thơ thì chỉ là một cái nhà hoang. Octavio Paz cho rằng: “Nếu thiếu Thơ thì đến cả nói năng cũng trở nên ú ớ”. Nhưng Thơ là gì thì chẳng ai dám quả quyết là mình đã bắt giữ được.
Thơ giống như Gió. Không ai biết rõ Gió từ đâu tới và Gió đi về đâu, nhưng ai cũng cảm thấy Gió mang chứa những năng lực huyền bí siêu phàm. Trên lộ trình viễn du vô định, Gió đã tạo ra biết bao hiện tượng lạ lùng khó mà đoán trước. Kito coi Gió là “Thần hồn thiêng liêng”. Trang Tử gọi Gió là “Thế nhạc”. Liệt Tử luyện mình thành Gió vân du đó đây tuỳ thích đến  nỗi  “không biết Gió đi với ta hay ta đi với Gió”.  Thơ cũng mang chứa năng lực huyền bí siêu phàm chẳng khác gì Gió vậy. Thơ làm cho ta vui buồn lúc nào không hay. Thơ làm cho ta thoát ra ngoài tục luỵ phiêu diêu cùng trời đất, hoà nhập với thiên nhiên, hoặc đồng cảm cùng đồng loại. Lắm khi, Thơ còn tạo nên sức mạnh tuồng như mê tín của cả một cộng đồng. Chính vì thế mà Thơ có mặt ở mọi thời, mọi người, mọi nơi. Từ  xưa, Thơ được coi như một tôn giáo và được xếp thứ tư sau Thượng đế và Thánh, Thần.

2. Tôi không nghĩ Thơ chỉ dành riêng cho một số người. Không riêng ai độc quyền về Thơ cả, kể cả sự phán xét. Thơ ở trong mỗi người chỉ chờ có dịp là xuất thần. Nhiều người làm thơ là điều tốt trong thiên hạ, bởi vì thơ chỉ có ở chốn thiện tâm. Những vụ án văn chương trong lịch sử hầu hết là xảy ra đối với Thơ, nhưng xét cho cùng đều bị qui tội phạm huý, phạm thượng với cá nhân kẻ cầm quyền hay thể chế chính trị qua sự suy diễn méo mó, và rút cuộc nó trở thành những bài học cho hậu thế cần ứng xử với Thơ một cách tử tế hơn. Đấy cũng là một quan hệ tế nhị giữa người viết và người đọc. Các chủ thể sáng tạo Thơ có tài luôn hướng tới cái mới lạ. Không mới lạ thì không thể gọi là sáng tạo, và chỉ làm nản lòng những người đọc anh minh. Có hiện tượng nhiều nhà thơ trẻ phương Đông hướng về phương Tây và ngược lại, cũng chính là mong muốn hướng tới cái mới lạ. Cần có thái độ bình tĩnh không nên nóng vội phê phán hay phán xét họ. Đấy là dấu hiệu hội nhập thế giới Thơ trong tương lai, nó làm phong phú hơn cho cả phương Đông lẫn phương Tây. Không có ảnh hưởng phương Tây thì không có thành tựu “Thơ mới” Việt Nam những năm 30 thế kỉ qua, cũng như không có ảnh hưởng của Đường-Tống thì không có một thời kì ánh sáng trong thơ Lý-Trần rực rỡ một thời. Sự dung hợp của nhiều nền văn minh đang diễn ra trong thế giới hiện đại, không lẽ gì Thơ tự tách mình ra theo vùng miền hạn hẹp, khư khư phụng thờ vinh quang quá khứ mà không chịu tìm kiếm và làm nên những vinh quang mới? Tôi dám nói là tôi khá chịu đọc những nhà thơ trẻ. Thơ của họ có khi đi xa cái tuổi của họ có, đấy là họ đã huy động được văn hoá đọc, văn hoá sống và văn hoá viết trên cơ sở tưởng tượng phong phú và kì lạ của thiên bẩm. Không nên bắt họ phải chờ đợi cũng như không thể bắt Nguyên Hồng phải bốn năm mươi tuổi mới được viết “Bỉ vỏ” khi mà ông viết ra thiên tiểu thuyết kì lạ này lúc mới 17 tuổi.

3. Ai đó nói rằng, cá tính sáng tạo bị triệt tiêu thì văn học có chung một gương mặt, đấy là cái mặt nạ của thần chết. Sự tôn trọng cá tính, phong cách, trường phái bao giờ cũng làm cho văn học phong phú và đa phức. Có Thơ đọc để hiểu và có Thơ đọc để cảm. Từ lâu, Cao Bá Quát đã chạm tới cái thăm thẳm của Thơ khi ông cho rằng “Cố tình hiểu nghĩa chỉ dại thôi” (tức tâm liễu nghĩa chân như si). Hoài Thanh trở thành một nhà phê bình Thơ quán quân của thế kỷ khi ông đọc nó bằng con mắt trực giác, cùng với sự quan tâm đến đời sống riêng biệt của từng thi sĩ. “Một nền phê bình hay, thường ra đời từ sự thân quen (với tác giả) và từ sự tiếp xúc thường xuyên lâu dài với tác phẩm được đánh giá” - Nhận xét này của Octavio Paz có vẻ trái ngược với những “nhà phê bình khách quan”, nhưng thực ra đây là một gợi ý đáng để giới phê bình lưu ý, đặc biệt khi họ phải tiếp cận những giá trị mới có tính khai mở trên hệ thống ngôn ngữ mới phức tạp và đa nghĩa. Khi thơ ca trong tình hình “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” thì sẽ xuất hiện vô số niềm vui tầm tầm, nỗi buồn tầm tầm, yêu ghét tầm tầm, có nghĩa là vô số những tác phẩm tầm tầm, cỏ dại lấn át những mầm cây. Cái tài của nhà phê bình không phải là đốt cỏ (hẳn sẽ làm thui chột các mầm cây) mà phải phát hiện ra các mầm cây để nâng niu chăm sóc nó. Có như thế mới giúp cho người đọc phân biệt được CÂY với cỏ. Đừng sợ cỏ, cỏ mãi mãi vẫn chỉ là cỏ mà thôi. Vấn đề đáng lưu ý đối với phê bình Thơ của ta gần đây là: Khi thì nhầm cỏ là cây, khi lại nhầm cây là cỏ.

4. Một nữ tiến sỹ Nhật bản - chị Mori - thạo nhiều ngoại ngữ (khá sành tiếng Việt) và đang tìm hiểu văn học Việt Nam, sau khi nghe nhà thơ Hoàng Cầm và mấy nhà thơ ta đọc Thơ đã không kìm được xúc động, liền nhận xét: “Tôi thấy Thơ Việt Nam hay không kém thơ thế giới mà tôi đã được đọc!” Đấy không phải là một nhận xét “ngoại giao”, mà là một sự khám phá về ngôn ngữ Thơ Việt. Nghệ thuật thơ Việt với những cuộc cách mạng và thành tựu của nó đã tôn vinh tiếng Việt lên tới những đỉnh cao rực rỡ qua nhiều tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà hay Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu, Bích Khê, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Thanh Tâm Tuyền... Thế hệ Thơ xuất hiện trong thời kỳ chiến tranh (chống Mỹ) cũng tạo nên một cuộc đi dài với những đóng góp đáng kể ở giai đoạn “sau chống Mỹ”. Trong những năm gần đây, có người quan niệm rằng Thơ ta cần tước bỏ những rườm rà ngôn ngữ mà chỉ cần hướng tới các ý tưởng hay “thông điệp” để dễ được dịch ra tiếng Anh, (hay các ngoại ngữ khác) mới mong truyền bá ra thế giới; ngược lại có người lại cho rằng cần “phôn-clo hóa cho Thơ” mới dễ dàng phổ cập thơ trong đời sống thị trường đầy xáo trộn ở nước ta. Cả hai quan niệm ấy đều sai lầm khi chối từ chức phận của ngôn ngữ đa nghĩa tạo ra tính hấp dẫn đặc thù của Thơ nói chung và Thơ Việt nói riêng. Chính các nhà thơ phải biết mang tới cho dân tộc mình một ngôn ngữ Thơ sinh động và mới mẻ. Nói như Hêghen: “Nhà thơ là người đầu tiên đã làm cho dân tộc mình mở miệng và thiết lập mối quan hệ giữa biểu tượng và ngôn ngữ”. Tôi đọc lại Thơ Việt qua các kiệt tác, các tuyển tập và những tập Thơ đương đại, thiển nghĩ rằng cũng chẳng có gì đáng hổ thẹn trước Thơ của các dân tộc khác. Chúng ta cần khiêm tốn học hỏi, nhưng cũng không nên quá tự ti khi Thơ ta ít được truyền bá trên thế giới. Việc chuyển ngữ từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài là cả một vấn đề lớn, như có lần tôi đã viết trên báo Văn Nghệ và trả lời đài RFI rằng, quá hiếm những nhà thơ nước ngoài thông thạo ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. Dịch Thơ là tái tạo bài thơ trên một ngôn ngữ khác, không phải ai thạo tiếng nước ngoài là cũng dịch Thơ hay được. Phải có những nhà thơ nước ngoài dịch Thơ Việt như nhiều nhà thơ Việt đã dịch Thơ nước ngoài. Muốn có được điều đó, nhà nước cần phải có một chiến lược đào tạo mới hòng mở mày mở mặt cho Thơ Việt ra cùng thế giới đúng như nó vốn có, chứ không phải là nó mang bộ mặt méo mó dị dạng như hiện tại.  Có thể nói, đây là một “thiệt thòi” lớn cho Thơ Việt cần được khắc phục trong tương lai.

5. Thời nào cũng xuất hiện những nhà thơ trẻ. Họ trẻ cả về tuổi đời và trẻ trung trong cảm xúc, tư duy và ngôn từ. Họ tạo ra hình thức như chính họ không an bài trong những “kiểu mốt” thời trang quen thuộc ngoài đời. Sự “đập phá” những khuôn thước cũ để đưa ra những hình mẫu mới là bản chất, hay nói cách khác là tâm lý chung của tuổi trẻ khao khát sáng tạo nhằm khẳng định chính mình. Trong Thơ, sự xuất hiện những gương mặt trẻ có cá tính thường dễ gây “sốc” cho những người vốn đã quen chiêm ngưỡng những giá trị ổn định. Vấn đề “đạp đổ thần tượng” là một vấn đề khó được chấp nhận, vì chưa có thần tượng mới thay thế, vì tâm lý sụp đổ thần tượng hình như chưa được chuẩn bị một cách đầy đủ. Vậy nên, những cú “sốc” của đối tượng tiếp nhận Thơ “khác chuẩn” là không thể tránh khỏi.

Nhưng không chỉ có thế. Vẫn có những người đọc Thơ chán ghét sự nhàm chán, cũ kỹ, sáo mòn đến vô cảm của Thơ, và họ khao khát cái mới, khao khát sự đổi thay, làm phong phú thi đàn, cũng có nghĩa là làm phong phú hơn tâm hồn của con người thời đại. Bởi chính thời đại luôn vận động, và nhiều quan niệm về thẩm mỹ, lối sống, đạo đức, kinh tế, chính trị… cũng dần đổi thay cùng thời đại của nó. Sự xuất hiện những giọng điệu mới lạ, những tên tuổi chưa quen (không chỉ của thế hệ trẻ) như một nhu cầu khẩn thiết đối với họ. Và sự bắt gặp này lại mang tới cho họ niềm vui, nỗi buồn, thất vọng và hy vọng.

Gần đây (mươi năm qua), vấn đề tình dục trong văn học ở ta luôn được “soi kính lúp”. Nhiều nhà thơ nhà văn động bút vào tình dục luôn được coi là những đối tượng “cần xem xét”, bởi họ đã động vào hàng rào “cấm kỵ” không văn bản của xã hội cộng đồng. Chính vì thế mà thơ Vi Thuỳ Linh, văn Đỗ Hoàng Diệu (những người thực sự trẻ cả tuổi đời lẫn quan niệm văn chương) được đưa ra mổ xẻ không thương tiếc, và đã trở thành những cuộc tranh luận, bút chiến không phân thắng bại giữa các nhà phê bình không cùng quan niệm, còn các tác giả thì ngậm ngùi đau đớn mang trong mình “nỗi oan Thị Kính” mà không sao giải toả.

6. Mười năm qua, có thể nói đấy là mười năm xuất hiện và khẳng định của nhiều nhà thơ trẻ. Tôi muốn nhắc đến những người mà ngay từ khi họ mới xuất hiện đã gây cho tôi sự chú ý và hào hứng viết bài cổ suý, đề cao hoặc lưu ý đến họ. Hiện tượng Văn Cầm Hải ở Huế với tập thơ Người đi chăn sóng biển phải đưa qua 3 nhà xuất bản mới được cho phép in, không phải vì phạm luật cấm mà chỉ vì “thơ lạ quá, đọc không hiểu”. Tám năm sau, tập thơ thứ hai của Hải cũng bị nhận xét đúng như thế, và khác với tập trước là không đâu cấp phép cho in. Nhưng thơ Hải lại được dịch ra tiếng Anh khá nhiều, và xuất hiện trong một số tuyển tập quan trọng trong nước và nước ngoài. Và Hải đã “phải” trở thành hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam bằng 2 tập bút ký độc đáo, và “khó đọc” không kém gì thơ Hải. Hiện tượng Vi Thuỳ Linh rầm rộ hơn, bị phê là “mới mười mấy tuổi mà viết về tình dục như người từng trải, cứ là hư trước tuổi”. Hai tập Khát và Linh dù sao cũng đã được xuất bản. Đến tập Vili thì chạy vòng quanh qua đủ các cửa ải, và rốt cuộc là xếp xó. Năm năm sau, nghĩa là đến tháng 10.2005 mới được in ra bằng một cái tên khác: Đồng tử, một số bài được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Và ông giám đốc Festival Thơ quốc tế tại Pháp đã mời Linh, đại biểu trẻ nhất, tham dự và đọc Thơ trong một Festival như thế tận bên Tây. Phan Huyền Thư cũng là một nhà thơ trẻ sắc sảo, gai góc và sành điệu ngôn từ. Thơ của Thư chẳng “hiền lành” gì, cũng chát chúa thế sự, đanh đá dục tình, nhưng khi tập Nằm nghiêng ra đời thì chỉ nhận được toàn lời tán dương, khâm phục. Chỉ có Nguyễn Hữu Hồng Minh là bị (được) dư luận co bóp liên hồi, khi thì vì thơ tục bẩn, khi thì vì lớn tiếng tuyên ngôn. Nhưng Minh là một người thông minh, “non dạ” nên dần dà cũng được “bỏ qua”. Chỉ có nhóm “Mở miệng” là nổi đình nổi đám trên mạng và sách xuất bản dưới hình thức phô-tô với lối thơ diễu nhại và tuyên ngôn “chúng tôi không làm thơ”, nghe ngồ ngộ thế nào…

Vâng, thời gian trôi qua, và những gì đáng còn lại thì cứ còn lại. Thơ trẻ dần dần khẳng định vị trí của họ. Thực tế tâm hồn họ không có chiến tranh đẫm máu như thế hệ cha anh. Họ có thực tế của thời bình mở cửa và hội nhập cũng đầy ba động, thách thức mỗi thân phận con người. Thơ họ đang tiếp cận với xu hướng đó.

7. Thơ ta vẫn đang hay, nhưng cái hay có vẻ êm ái, mơn man, rả rích trong mỗi ngõ nhỏ của đời sống tình cảm, mà nó thiếu một “cú hích” mạnh, một tư tưởng lớn tạo ra sự đột biến kinh ngạc trong đời sống văn học. Không ít các nhà thơ thoả hiệp với tiếng vỗ tay trong trò chơi giải trí của đám đông kiểu “vui chơi có thưởng” xuất hiện nhan nhản gần đây. Thơ không phải là khẩu hiệu chữ to để có thể phơi phóng trên các ngã ba ngã tư hay tầm gửi vào các phương tiện quảng cáo tiếp thị dung thô mà không ít người ngộ nhận. Cái mà Thơ ta cần hướng tới là một cuộc cách mạng tư duy và ngôn ngữ nghệ thuật. Đấy không phải là cuộc cách mạng chối bỏ di sản Thơ, mà tạo ra những “di sản mới” vừa khác biệt lại vừa mang tính kế thừa. Trong sáng tạo, các cá nhân có quyền chối bỏ và phủ nhận kẻ khác để làm nên chính mình, tất nhiên điều đó không đồng nghĩa với sự cắt đứt văn hóa hay văn minh mà các cá nhân cùng tiếp nhận. Nếu một nhà thơ nào đó tuyên bố “tôi không thích Nguyễn Du” thì cũng chẳng can hại gì đến uy tín lớn lao của nhà đại thi hào. Vấn đề là anh có dám từ giã cái cũ để làm nên cái mới hay không mà thôi. ý tôi muốn nói là Thơ ta không thể an bài với thành tựu đã có, mà cần can đảm, táo bạo hơn để bước qua chính mình. Hoặc nói như Eptusenco – tôi muốn một lần nữa nhắc lại câu nói tâm đắc này: “Hãy đấm vào bức tường, có thể vỡ tay đấy, nhưng cũng có thể làm vỡ bức tường.”

Bài đầy đủ và đã được tác giả chỉnh lý sau khi trích đăng Văn Nghệ Công Nhân (VN) và vannghesongcuulong.
chia cho em một đời say
một cây si/ với/ một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Trọng Tạo

Thơ hậu chiến - ngột ngạt và hé mở
Tác giả: Nguyễn Trọng Tạo



Đến cơ  quan, tới quầy  báo, trở về  nhà... mở báo  mở sách ra là thấy Thơ  xếp hàng ngang,  sắp hàng dọc,  quây vòng tròn  bao vây mình. Đấy  là Thơ đã được  in từ công nghiệp  in ti-pô đến ốp-set điện tử. Còn  thơ đang trên bản thảo thì  chắc hẳn phải nhiều gấp mấy chục lần. Tôi làm biên tập  thơ cho một tờ tạp chí địa phương và một  hội văn nghệ địa  phương thôi mà mỗi  tháng cũng phải đọc tới vài ba  trăm bài thơ anh em  gửi tới. Đấy là chưa  kể lắm khi gặp gỡ, có  tác giả tranh thủ "xuất bản  miệng" bán không cho cả chục bài một lúc. Tôi đã từng  thú vị câu thơ của Voznêxenxki "Em sẽ được mặc toàn bằng Thơ hai  mươi bốn giờ ngày", vậy mà đến hôm nay tôi  bỗng thấy hoảng sợ  trước câu thơ tuyệt  diệu ấy, bởi vì không chỉ mặc mà còn phải tiêu  hóa và thở bằng Thơ nữa. Chao ôi, ngột ngạt dễ đến nổ tung.

Sự ngột  ngạt bởi số lượng  thơ theo kiểu "lấy  thịt đè người" kể cũng chưa  phải đáng sợ  bậc nhất.  Ta  có thể thoát  khỏi nó dễ thôi. Không đọc  là xong. Nhưng khốn nỗi, thơ  lại là một nhu cầu không thể thiếu của con người như người ta thường nói, nó như một bộ phận quan trọng để cấy thành con người vậy, Chả lẽ mình chỉ là một con-người-thiếu? Cái nhu cầu muốn làm người-hoàn-thiện đẩy ta vào cái  biển Thơ hiện tại  mông lung, không còn  biết đâu là bờ bến. Thơ tình yêu, Thơ tình dục, Thơ tụng ca, Thơ chống tiêu cực, Thơ tự thú,  Thơ bông phèng, Thơ buồn nôn...  Thôi thì đủ loại Thơ tạp-pí-lù. Thơ  giống một tấm  ảnh loạn sáng  được phóng đại  khó nhận ra được ra được hình ảnh  thật của nó. Nếu cặp mắt không còn khả năng  vô nhiễm thì  chả mấy chốc  người ta sẽ  mắc phải chứng loạn thị. Người đọc  Thơ thời nay quả là bị hành  hạ không thương tiếc, ấy là vì  sự xuất bản Thơ bung  ra quá trớn. Tác giả  bỏ tiền mua giấy phép, nạp nhà in, tự bán  lấy Thơ hoặc cho không biếu không, nghĩa là tự lo  từ A đến Z, miễn  là "Thơ được in", còn  hay dở, yêu ghét thì đã có "tác giả chịu trận" chứ  can cớ chi ai. Mà tôi dám chắc cứ trăm  người làm thơ  thì chín mươi  chín người sẵn  sàng "chịu trận", miễn  là thơ mình được  công bố cho bàn  dân thiên hạ; thậm chí không ít người còn cầu mong cho Thơ mình được báo chí lên án để nhanh chóng nổi tiếng  theo kiểu Êrôxtrat! Cũng là  nổi tiếng, chứ sao. Đã có máu  in thơ, mấy ai lại  không thích nổi tiếng? Còn  in Thơ để "chơi" cho vui thì xin lỗi, đấy  chỉ là sự ngụy biện giả dối; chả lẽ tự chép lấy  một bản cho đúng chính tả lại  chẳng "chơi" được hay sao? Cũng  chính vì thế mà  Thơ làng nhàng èo  uột, Thơ bê-đê lại cái in ấn  tràn lan làm ô nhiễm  thẩm mỹ, phá vở môi  trường sinh thái của Thơ. Nhưng vấn đề cơ bản  hơn chính là ở sự ngộ nhận thi sĩ cùng  với sự lúng  túng thiếu bản  lĩnh của người  làm thơ trước  những lượng thông  tin đậm đặc  về những thành  tựu Thơ ca  cổ kim của nhân loại trước sự  bùng nổ thông tin thế  giới nói chung và trong  nước nói riêng.

Sự ngô nhận thi sĩ không đồng nghĩa với sự tự say mê tài năng mà đấy là một giấc mơ phù phiếm thấy mình trở thành thi sĩ cho đến khi tỉnh dậy trên  giường vẫn ngỡ  mình đang ngự  trên ngai vàng  của vương quốc Thơ. Đấy  là giấc mơ đồng nát  hóa vàng ròng. Và thế  là anh bắt đầu trở  thành nhà sản xuất đồng nát,  nó cũng vàng lấp lánh, nó cũng có thể làm nên bao nhiêu đồ trang sức. Thơ mất thiêng khi xuất hiện  sự ngộ nhận về  nó. Và lúc đó,  người ta đến với  Thơ đầy nghi ngờ như  bước vào chợ Trời đầy rẫy  hàng giả như thật. Nhưng những người ngộ nhận  thi sĩ thì cũng đáng thương thay  , anh đang tiêu bạc giả mà anh nào hay biết! Ngẫm cho cùng, dù sao ta cũng còn có thể cảm thông với  những kẻ bị giấc mơ lừa phỉnh.  Còn những người làm thơ thiếu bản  lĩnh thì sao? Họ  chạy đi chạy lại  nhớn nhác theo các trường lực thi ca cuốn hút. Lúc thì họ bắt chước Nguyễn Bính, khi thì họ  học theo Hàn Mặc  Tử. Lại thấy Thơ  làm chưa ráo mực  đã cũ mèm, lại phá mở  theo kiểu thơ Tây cho có vẻ  hiện đại. Nhưng thấy nó ngọng nghịu thế nào, tức điên  lên học kiểu Thơ lính chiến cao bồi văng  thề chửi tục, đời  này biết đâu khối  người khoái trá. Rốt cuộc là thơ họ  giống tất cả, trừ không giống bản  thân mình. Họ làm cho trường Thơ  nhiễu loạn, biến Thơ thành những  lời ca mới phổ vào các làn điệu có sẵn. (Riêng điểm này thì các nhà soạn lời mới cho các làn điệu dân  ca cao giá hơn nhiều). Đấy là  chưa nói vẫn còn không ít những người làm thơ luôn giành cho mình độc quyền "xem thời tiết" để viết  đơn trước cho  báo này báo  nọ, tuần chay  nào cũng có nước mắt, như những kẻ mánh mung, đánh  quả mà quên mất rằng họ đang đánh quả chính mình: nay ca ngợi Thạch Sanh, mai xưng tụng Lý Thông.

Lại nữa, sự xuất hiện các "nhà  phê bình" thực dụng, khen chê Thơ với những dụng ý ngoài văn học. Có người được thuê khen bốc trời, chê thô bạo, nhằm câu sự  tò mò của độc giả để bán Thơ.  Có những tập Thơ mà tên tác giả chưa hề xuất hiện trên  báo chí một lần, vẫn có ba bốn lời giới  thiệu hoa hoè, hoa  sói in kèm theo  cho cuốn sách thêm phần "sáng giá". Lại có những người  nhân danh "bạn đọc" lạm bàn về Thơ mà không hề hiểu biết tí gì về nghệ thuật Thơ, họ qui chụp chính trị cho Thơ một cách thô bạo, tiêm  nhiễm bệnh suy diễn méo mó lây lan sang một số đông người đọc thiếu bản lĩnh. (Những người này lại thường giấu mặt, giấu tên  như những kẻ ném đá  giấu tay, bộc lộ sự  thiếu trong sáng của người  phê bình). Dĩ nhiên là  trước không khí tranh luận  tự do, dân chủ hiện nay ý kiến của họ được công bố trên báo, bình đẳng với các ý kiến trái ngược. Điều đáng  nói là thái độ công bằng và cẩn trọng của người  phê bình, phải biết giữ lấy  mầm giống tốt khi diệt trừ cỏ dại,  giữ lấy đứa trẻ khi  đổ đi chậu nước tắm  như Mác đã nói. Hơn nữa, như chúng ta đều  biết, việc thưởng thức Thơ ca là heat sức phức tạp, đặc biệt là đối với loại Thơ không đi theo các lối moon quen thuộc. Câu  chuyện câu thơ "Chiếc quần xà  lỏn ấm" của Nadim Hitmet bị người bạn Thơ dịch thành  "Chiếc quần bó thể thao làm bằng nỉ mỏng" là  vì vậy. Sự tìm kiếm  cái mới (đưa vào Thơ  những từ ngữ đời thường) của Nadim Hitmet đã bị người bạn "nắn" trở về cái cũ (từ ngữ phải nhã, phải đẹp) mà không hề hay biết. Và anh ta cũng quean mất rằng, tác giả của nó đâu  phải người làm xiếc mà mặc quần bó, tác giả  ở trong tù chân  bị tê thấp, có  cái quần xà lỏn  hẳn dễ chịu hơn. Tuy  nhiên đối với các "nhà phê  bình" kiểu này, Thơ ca với giá  trị đích thực  của nó sẽ  tự vượt lên,  tồn taị theo qui luật riêng của nghệ thuật. Tháp Ep-phen dựng cuối thế kỷ 19 bị bao người chê bai đòi lật đổ, nó lại là kỳ quan của thế kỳ 20!

Trong quá  trình đổi mới  của mỗi giai  đoạn văn học,  Thơ vẫn thường đóng vai trò tiên phong. Nó  là một loại hình nhạy bén bậc nhất, nắm bắt và  dự báo sự chuyển biến mạnh mẽ  của thời đại. Có người coi Thơ như người lính xung kíck của đạo quân văn học là vì vậy. Nhưng cũng chính vì vai trò  xung kíck, tiên phong ấy nên số phận  của Thơ  không chỉ  có vinh  quang, mà  nhiều khi phải chịu nhiều cay đắng. Trong lịch sử Thơ ca, nhiều nhà thơ, bài thơ phải trả giá đắt  trên con đường tìm kiếm những  giá trị mới của mình. Cách đây 136 năm,  tập thơ Lá Cỏ của nhà thơ  Mỹ Oan Uytman trước khi được toàn  thế giới hâm mộ đã  từng bị coi là "một  cuốn sách bất lịch  sự", và tác  giả của nó  liền bị viên  Bộ trưởng Nội vụ đuổi ra khỏi cơ quan nhà nước. Đấy  là ở Mỹ. Còn ở ta? Không phải không có những sự kiện tương tự  như vậy. Tập thơ Cửa Mở của Việt Phương ngót hai mươi  năm trước vừa cất lên một tiếng  Thơ mới lạ lập tức bị chối từ, bị lên án gay  gắt. Cho mãi tới công cuộc đổi mới hôm nay, giá trị  mới mẻ của nó mới được đánh  giá lại. Quả là việc tiếp nhận sự cách  tân cả nội dung lẫn hình thức  của Thơ không phải là chuyện dễ dàng, đơn giản.

Sự "bung ra" của Thơ ta những năm gần  đây như đã nói ở trên là ồ ạt đến ngột ngạt, nó  khiến người đọc nghi ngờ Thơ, thờ  ơ với Thơ, coi thường Thơ, hoặc kinh hãi Thơ là hoàn toàn có thật. Nhưng, tất cả cũng không  hoàn toàn như  vậy. Sự trả  giá đắt của  thơ ca thời hậu chiến không phải là  không có ý nghĩa tích cực của  nó. Ý niệm Dân chủ và Đổi mới được  đề cao trước xã hội ngày nay cho  dù lắm lúc bị nhiễu loạn nhưng  luôn là mục tiêu  cho những ăng-ten nhạy  cảm của thi sĩ thực sự hướng  tới. Thơ đang âm ỉ  chuyển biến về chất. Đã  có những trang Thơ "khác trước" xuất hiện trên báo chí, tách ra khỏi những giọng Thơ quen thuộc lâu nay. Đã có những  tập thơ không chỉ nói tới niềm vui mà còn bộc  lộ cả những nỗi  buồn sâu sắc của  con người với sự  tìm tòi khác lạ  về hình thức  diễn đạt. Vậy  là bên cạnh  những tác giả vẫn viết theo quán  tính của cái cũ, đã  có những cây bút hăm  hở đi tìm cái mới. Tuy chưa tạo được sự bùng  nổ mạnh mẽ của những tư tưởng lớn, nhưng Thơ hậu chiến của ta đã thực sự khởi sắc, nó đã dám công bố những bí mật của  con người cá thể và tìm cách  vượt khỏi khuôn khổ của một lời  tự thú. Mà nói  như Yanit Ritxôt là:  "Thơ vuợt qua khuôn khổ của một  lời tự thú riêng của  nhà thơ, nó trở thành  đại diện cho tất cả mọi  người về chính nghĩa, hạnh phúc và  tự do." Chính vì vậy, tôi không hề  có ý nghĩ là Thơ ta đang đi  vào ngõ cụt, mà tin chắc rằng, nó  đang đi tới sự bùng  nổ, nó đang tìm cách  để vượt qua bức tường mà thành tựu của Thơ ca trước đây đã xây nên.

Nếu Thơ ca luôn luôn thỏa hiệp  với thành tựu của quá khứ cũng có nghĩa là nó không có gì để tồn  tại. Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, tìm kiếm  và khai phá cái mới. Một  Nguyễn Huy Thiệp, một Phạm Thị Hoài, một  Nguyễn Quang Lập, một Bảo Ninh  trước lãnh vực văn xuôi đã làm thay  đổi tư duy của không  ít người đọc, người viết  trước những năm gần đây. Rồi còn tốn  nhiều giấy bút về những nhà văn  này. Về Thơ, cũng đã thấy khởi lên  những dòng thơ khác biệt, đầy hi  vọng. Những giọng thơ nữ ngày càng trưởng thành với những tìm tòi táo bạo giàu nữ tính như Ý Nhi, Lâm thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây... Những nhà thơ trẻ của thời chiến tranh như  Nguyễn Duy, Thanh  Thảo, Hữu Thỉnh,  Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo...  vẫn còn gây được những tiếng  vang vào đầu thập niên 80  này,  báo  hiệu  một  dòng  chảy  mới  của  thơ hậu chiến: Thơ xã-hội-đời-thường, loại trừ lối tư  duy thần tượng giáo điều cùng lối ca mòn sáo, bên cạnh những dòng thơ được chú ý trước đấy đang trở về  sự ổn định: Xuân  Quỳnh, Thu Bồn, Bằng  Việt, Phạm Tiến Duật, Thanh Tùng,  Thạch Quỳ, Nguyễn Khoa Điềm...  trước rừng người làm thơ ì ạch sau 1975 có người đã bứt lên thành tác giả như Nguyễn Thụy Kha, Bùi Chí Vinh với "Tuyên ngôn Thi" đầy táo bạo bất ngờ: "Bằng sáng tác của mình - Tôi nhổ nước bọt vào những điều lừa mị... Tôi sẽ làm cho những nhà  bác học - thấy mình còn cận  thị trước tương lai"; Như Nguyễn Khắc Thạch  với Cảm-thức Thơ giữa "Thế kỷ  may đo cúi chào nền may sẵn  - những số phận đầu  thai ống nghiệm - những  rô-bốt bê-đê ngẫu hứng làm tình"; như đôi ba  người đây đó vẫn làm ta ngạc nhiên, kính nể. Người với lối nói lộng  ngôn, thâm thúy, người với giọng thơ dồn nén, quyết liệt, cách nói tuy khác nhau nhưng họ giống nhau ở chỗ là không vòng  vo tam quốc, tấn công không khoan  nhượng trước cái xấu xa bỉ ổi, cảnh tỉnh sai lầm u  mê của con người quyền lực có nguy cơ đưa xã hội đến sụp đổ bại vong.  Thơ của họ thường làm cho kẻ cơ hội, kẻ xấu giật  mình sờ gáy (hoặc thù ghét), và  những người có long tri thì lặng người  suy ngẫm. Đặc biệt là sự xuất  hiện gần đây, Thơ của một lớp người thực sự trẻ, trên dưới 20 tuổi. So với mấy chục name qua thì đây là  hiện tượng lạ. Nhưng lạ hơn lại  chính là Thơ của họ, những bài  Thơ tình yêu, cuộc đời với những  quan niệm sống phóng khoáng, hiện đại.  Họ chưa thành tác giả, nhưng  gộp họ lại là cả một sự mới lạ  khác thường. Thơ của họ thường chứa  đựng đầy ắp những trăn trở của tuổi trẻ trước biến động khôn lường của xã hội. Đọc họ, thấy cả sự tin yêu lẫn chán chường, trinh bạch bên cạnh xác thịt, cao siêu chứa đựng cả bỉ ổi tởm  lợm. Họ khiến ta vừa hy vọng vừa lo lắng...  Nếu như Hàn  Mặc Tử cho  rằng, Thơ là  chứa đựng những hình ảnh  của Thế-Gian này hay  cả một cõi Xuất-Thế-Gian  nào nữa, thì  ở  Thơ  của  lớp  người  này,  tôi  thấy  còn  cả hình ảnh của một Phản-Thế-Gian hiện  hữu. Phải chăng đấy  chính là dấu hiệu  hé mở của Thơ hậu chiến?

Dù sao thì trước bầu không khí ngột  ngạt của sự lạm phát Thơ đến mức báo động như hiện nay, sự hé mở dù ít dù nhiều của những giá trị mới mẻ vẫn là sợi  dây tơ níu kéo người đọc lại với  Thơ. Bởi vì núi ấy có vàng nên vẫn còn người tìm vàng.  Người đọc Thơ nhiều khi còn có đức tính kiên  nhẫn của người  tìm vàng vậy.  Đãi cát tìm  vàng thì cũng chẳng có  gì là lạ. Còn  các thi sĩ? Cũng  xin các thi sĩ  không nên chơi mãi  bài lì, coi  người đọc như  là những vật  thí nghiệm cho Thơ mình, mà nên tôn trọng nhau một cách bình đẳng như Đấng Chí Tôn đã từng sáng tạo ra ba loài cùng đáng được tôn trọng: Thiên thần, loài Người và loài Thi sĩ...

Bài đã in tạp chí Cửa Việt, 1992
chia cho em một đời say
một cây si/ với/ một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Thuỵ Đào Nguyên

Giới thiệu nhà thơ thời Lê sơ: Lý Tử Tấn (1378-1457)
Tác giả: Bùi Thụy Đào Nguyên



Lý Tử Tấn (tới khi đứng tuổi, vào thời nhà Lê, ông mới đổi thành Nguyễn Tử Tấn) (1378-1457), hiệu Chuyết Am, quê ở làng Triều Đông (sau đổi là Triều Liệt), huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Tân Minh huyện Thường Tín, Hà Nội), làm quan dưới triều Hậu Lê. Ông là nhà thơ Việt Nam thời Lê sơ.

Năm 32 tuổi (1400), ông thi đỗ Thái học sinh, cùng khoa với Nguyễn Trãi, thời Hồ Quý Ly, nhưng không làm quan cho nhà Hồ.

Vào khoảng cuối cuộc kháng chiến chống Minh của nghĩa quân Lam Sơn, ông đến yết kiến nơi hành tại, được Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi), khen là người họ nhiều, sai giữ chức Văn cáo tức là làm nhiệm vụ thảo công văn, giấy tờ, thư tín...

Sau đó, ông tiếp tục làm quan dưới triều nhà Lê, trải qua ba đời vua: Lê Thái Tổ(1428 - 1433), Lê Thái Tông (1434 - 1442), Lê Nhân Tông (1443 - 1459), trải các chức: Thông phụng đại phu, Hành khiển Bắc đạo, Thừa chỉ viện Hàn lâm, vào hầu giảng ở tòa Kinh Diên.

Dưới triều Lê Thái Tổ ông có đi sứ Chiêm Thành. Khi Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn ông đã thay Nguyễn Trãi thảo nhiều chiếu lệnh, chế cáo và thư từ.

Ông mất năm 1457 (có nguồn ghi 1454), thọ 79 tuổi.

Lý Tử Tấn có Chuyết Am thi tập (chữ Hán), nhưng hiện chỉ còn 5 bài phú chép trong Quần hiền phú tập do Hoàng Tụy Phu (1414-?) sưu tập, và 73 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (1726-1784).

Trong 5 bài phú còn lại, nổi tiếng nhất là bài Phú Xương Giang, ca ngợi chiến thắng Xương Giang ngày 3 tháng 11 năm 1427 của nghĩa quân Lam Sơn: tiêu diệt 7 vạn quân Minh và bắt sống các tướng nhà Minh là Thôi Tụ, Hoàng Phúc… Ngoài ra, ông cũng có làm lời thông luận cho bộ Dư địa chí của Nguyễn Trãi; hiệu chính và phê điểm trong bộ Việt âm thi tập.

Đại để sáng tác của Lý Tử Tấn gồm hai phần.

Phần đầu mang tử lạc quan, tích cực của thời kỳ kháng chiến chống Minh và những năm rực rỡ của nhà Lê sơ; gồm các bài như: Hạ tiệp (Mừng thắng trận), Hạ đăng cực (Mừng vua lên ngôi), Quan duyệt võ (Xem duyệt võ), Tứ hải nhất gia (Bốn bể một nhà); và nhất là 2 bài phú: Chí Linh sơn phú (Phú núi Chí Linh) & Xương Giang phú vừa nói trên.

Phần thứ hai, ông nói đến lý tưởng sống thanh cao, thường phác họa mình là một con người sống đạm bạc, thường tự nhủ mình hãy sống theo “đạo trời”, vì “đạo trời” sẽ chi phối tất cả. Ở đây còn có cái cô đơn vì nhà thơ cảm thấy chán nản trước mọi chuyện phức tạp của trường danh lợi; cho nên thơ ông có đôi chút băn khoăn, nhưng không đến mức bi phẫn. Tiêu biểu ở mảng thơ này có bài như: Hạ nhật (Ngày hạ), Sơ thu (Đầu thu), Lý Tử Tấn đề Ức trai bích (Lý Tử Tấn đề vách nhà Ức trai) Tạp hứng (2 bài)...

Về nghệ thuật, thơ và phú của Lý Tử Tấn mang phong cách bình đạm. Câu thơ thường chân chất, không khuôn sáo, không đậm nét trữ tình như Nguyễn Trãi.

Nhận xét chung về Lý Tử Tấn, Phan Huy Chú viết: "Ông tiêu dao ở các chức nhàn tản, là bậc nhà nho có tuổi thời bấy giờ. Thơ ông chuộng giản dị, phần nhiều có ý thơ cổ" (Lịch triều hiến chương loại chí); còn Lê Quý Đôn thì chép rằng "ông là người danh vọng, đức độ, kỳ cựu, túc học..." (Kiến văn tiểu lục, mục Tài phẩm).

Và nhìn chung, không gian thơ của Lý Tử Tấn là một không gian nhẹ nhàng, trong tĩnh. Cái không gian như vậy chỉ có thể thấy trong thế giới tinh thần tĩnh tại Á Đông xưa. Tuy nhiên, ông vẫn là một nhà nho (ra làm quan) nhập thế, luôn làm tròn chức trách của mình, nhưng không hề bị công danh làm lụy.

Lý Tử Tấn làm thơ trên quan điểm thi pháp của mình. Ông nói:
Tôi cho rằng phép làm thơ khó lắm thay! Thơ luật chỉ có 56 chữ, thơ tuyệt cú lại chỉ có 28 chữ, mà đủ mọi thể cách. Muốn thơ cổ kính, thanh đạm thì lại gần với thô; muốn đẹp đẽ, phong phú thì lại gần sự lòe loẹt; hào phóng thì dễ buông thả, thật thà thì dễ quê mùa. Cho nên lời ý giản dị đầy đủ, mạch lạc thông suốt, chất phác mà vẫn nhã, mới lạ mà không trúc trắc, trung hậu nhưng không thô kệch, cao siêu mà vẫn ôn hòa, đó là những điều rất khó có thể đạt được (Tựa sách Việt âm thi tập).

Giới thiệu 2 thi phẩm tiêu biểu:

Sơ thu (Đầu thu)

Nắng hòe êm dịu xế tường vôi,
Mềm mại chồi sen quạt gió trời.
Sắc lẫn màu thu trời rợn bóng,
Ánh lồng vẻ núi nước trong ngời.
Cua vàng gạch óng vào đăng sớm,
Phật thủ da xanh nở múi rồi,
Bình sẵn rượu ngon vui cứ uống,
Đợi gì giậu cúc nhị vàng phơi. [1]

Tạp hứng (bài 1)
Chim trĩ chết, vì lông đẹp
Rùa bị đốt, vì mai thiêng.
Gỗ xấu, không phải làm rường cột,
Vật cộc đuôi, khoải phải làm hy sinh.
Dùng bỏ đều có mệnh,
Can chi nhọc một đời!
Đầu giường có sách cổ,
Trong hòm có gươm báu.
Đọc sách thắm thía được đạo hay,
Cầm gươm vui vẻ thời thanh bình.
Cúi ngửa khoảng trời đất,
Việc muôn đời như không. [2]

1. Xem nguyên tác trong Hoàng Việt thi văn tuyển. Bản dịch trên chép sách này.
2. Xem nguyên tác trong Lịch triều hiến chương loại chí (tập 3), tr. 116. Bản dịch trên chép sách này.

Tham khảo:
- Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (tập 1và 3, mục Nhân vật chí và Văn tịch chí). Nxb KHXH, 1992.
- Nhiều người soạn, Từ điển Văn học (bộ mới). Nxb Thế giới, 2004.
- Đinh Gia Khánh-Bùi Duy Tân-Mại Cao Chương, Văn học Việt Nam thế kỷ 10-nửa đầu thế kỷ 18 (tập I). Nxb Đại học & THCN, 1978.
- Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nxb KHXH, 1992.
- Tạ Ngọc Liễn, Danh nhân văn hóa trong lịch sử Việt Nam. Nxb Thanh Niên, 2008.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Nữ sĩ người Đức Herta Müller – người mắc nợ cuộc đời
Tác giả: Thuỵ Anh



Ngày 8-10-2009, Viện hàn lâm Thụy Điển đã chính thức thông báo Giải Nobel văn chương năm 2009 thuộc về nữ sĩ người Đức Herta Müller.

Herta Müller sinh năm 1953 tại Romania. Năm 1973-1976, nghiên cứu tiếng Đức, tiếng Romania và văn học tại trường Tổng hợp Timişoara, tham gia nhóm Aktionsgruppe Banat, một tổ chức đoàn kết của các cây bút trẻ nói tiếng Đức. Năm 1987, vì lý do chính trị, Herta Müller cùng chồng rời Romania đến cư trú tại Đức. Hiện giờ bà sống chủ yếu ở Berlin.

Thực ra, nếu nhớ rằng, những năm gần đây, bất kỳ một tác gia nào lọt vào mắt xanh của hội đồng chấm giải Nobel Viện hàn lâm Thụy Điển đều khiến người ta xôn xao vì sự “không thời sự, không hot” của họ, thì cái tin Herta Müller được vinh danh năm nay lại khiến dư luận ngạc nhiên vì điều ngược lại! Đây là một cây bút rất “hot” trên văn đàn Đức.

Herta Müller chưa nhiều tuổi đến mức bị coi là tác gia của thế kỷ cũ như Doris Lessing (Nobel văn học 2007), cũng không xa lánh báo giới và sống gần như ẩn dật như Jean-Marie Gustave Le Clezio (Nobel văn học 2008). Bà là một cây bút còn đầy sung sức và tích cực tham gia vào cuộc sống hiện đại. Thậm chí, người ta thấy tên Herta Müller ký dưới rất nhiều bức thư ngỏ phản đối chiến tranh ở Chechnya.

Bà viết đều và xuất bản nhiều, là tác giả của 19 tiểu thuyết và truyện vừa. Tác phẩm của bà được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới.

Tập truyện ngắn đầu tay của Herta Müller là tập “Những miền đất trũng” xuất bản tại Bucharest vào năm 1982, từng bị cấm phát hành tại Romania. Tại Đức, Herta Müller có nhiều tác phẩm được độc giả chú ý như tập truyện “Tháng hai chân đất” (1987), truyện dài “Con quỷ ngụ trong gương” (1991), tiểu thuyết “Ngay cả con cáo cũng từng là thợ săn” (1992), các tập tiểu luận “Cơn đói và tơ lụa” (1995), “Hôm nay có lẽ tôi không nên gặp chính mìnhh” (1997)… Ngoài ra, trong gia tài văn chương của mình, Müller còn có một số tuyển thơ bằng tiếng Romania và tiếng Đức được trình bày rất hiện đại – thơ cắt dán từ những mẩu báo. Năm 2000, Herta Müller cho ra mắt độc giả tập thơ – cắt dán “Im Haarknoten wohnt eine Dame” (Một người đàn bà sống trong búi tóc).

Sáng tác của Herta Müller được coi là một trong những hiện tượng đáng lưu ý của nền văn học Đức hiện đại và được giới phê bình rất quan tâm. Bà cũng là người có duyên với các giải thưởng. Từ năm 1981 cho đến nay, bà nhận được trên dưới 20 giải thưởng quốc gia và quốc tế về văn học, trong số đó, đáng kể nhất là giải thưởng mang tên Heinrich von Kleist (1994), giải thưởng  Frankz Kafka  (1999), giải thưởng Joseph-Breitbach (2003), giải thưởng văn học Đức Walter-Hasenclever (2006) và bây giờ là giải Nobel văn học 2009!

Người mắc nợ cuộc sống

Herta Müller lớn lên ở một làng quê vùng Timiş (Niţchidorf) hẻo lánh. Nơi ấy, bà có một thế giới đặc biệt của riêng mình: một cộng đồng người dân gốc Đức lưu lạc ở Romania từ thời quân chủ Áo – Hung. Họ sinh hoạt tương đối biệt lập, có trường học riêng, có ý thức giữ gìn ngôn ngữ gốc. Chính vì thế, ngay từ khi bắt đầu sáng tác, Herta Müller đã viết bằng tiếng Đức. Bà cảm nhận ngôn từ tiếng Đức tinh tế hơn nhiều đồng nghiệp sinh ra và lớn lên ở Đức. Bà tìm được trong ngôn ngữ này cách biểu cảm độc đáo và bất ngờ bởi bà vừa nắm vững tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ, lại vừa có cái nhìn của một người từ bên ngoài, một người lớn lên ở một đất nước khác, một nền văn hóa khác. Người ta so sánh khả năng linh hoạt về ngôn ngữ của Herta Müller với nhà thơ Heinz Erhard, một người Đức sống ở Riga, nắm vững và hiểu sâu sắc ba ngôn ngữ: tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Latvi.

Trong cách hành văn, ngôn ngữ của Müller khá đặc biệt – nó như cách một đứa trẻ tiếp nhận thế giới ngôn từ theo cách riêng của mình, đầy bất ngờ. Müller từng viết trong cuốn tiểu luận “Nhà vua cúi chào và xuống tay giết người” về quan niệm của mình về ngôn ngữ như sau: “Đối với phần đông mọi người, không hề có kẽ hở nào giữa một từ và sự vật mà từ ấy gọi tên, muốn nhìn được ra kẽ hở ấy, có lẽ cần phải định vị ánh mắt vào cõi mông lung, giống như tuột từ thân thể chính mình vào chỗ trống vậy….  Trong mỗi một ngôn ngữ, nghĩa là mỗi một phương cách để chuyển tải lời nói, đều ẩn giấu những cái nhìn khác”

Herta Müller là một cây bút bao quát nhiều thể loại. Bà viết truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, tiểu luận, đoản văn, và cả thơ. Trong một tác phẩm của mình, nữ sĩ đã viết: “Tôi… chính là hồi ức về bản thân mình” – gần như là một tuyên bố quan niệm về nghề của bà. Ký ức giống như lương tâm, lên tiếng thông qua nhà văn, nhà văn chỉ là công cụ của ký ức – lương tâm mà thôi. Với Müller, những hồi tưởng trở thành chất liệu cho gần như mọi tác phẩm của bà, trở thành một thủ pháp nghệ thuật cơ bản của tác giả. “Tôi không có bổn phận gì hết đối với văn học. Những gì tôi viết, tôi hoàn thành sứ mệnh đối với bản thân tôi.” – Müller từng nói như vậy. Bà nói đến “nghĩa vụ của mình trước những điều đã có trong ký ức”, đến sự thật cần được nói ra mà bà luôn cảm thấy “mắc nợ với những con người, những sự vật, những vùng đất”. Nghĩa là, Herta Müller đến với nghề bằng sự thôi thúc tự thân, bằng sự mong muốn được “trả những món nợ” tinh thần ấy.

Một trong những miền đất mà bà mắc nợ chính là Romania. Herta Müller khi đã chọn con đường ra đi rồi, thì dường như vẫn chưa hề rời khỏi đất nước bà đã gắn bó từ tuổi ấu thơ. Romania hiện lên trong mọi cuốn sách bà viết sau này, với mây trời cây cối, những con chó con bò, những cánh đồng ngô trải rộng, những con đường nhựa ở Timiş, với cả thứ phương ngữ thân thuộc của vùng quê bà từng sống.

Những dòng viết của nữ sĩ về miền đất này có thể coi như chứng nhân cho thời thế, cho một giai đoạn lịch sử, trong đó khắc họa con người rất rõ nét, sự tồn tại vô vọng của họ, sợ hãi, bạo lực, trống trải… của một thời. Herta Müller từng nói: “Trong nhiều tác phẩm của tôi, Romania cứ hiện ra, cứ trào ra… Tôi chỉ mong sao Romania và chế độ xã hội ấy đừng có nhoi lên phía trước, đừng đập vào mắt người đọc như thế. Thế nhưng, trong mọi văn bản tôi viết, chúng vẫn cứ có mặt, kể cả khi đề tài hoàn toàn khác.”


Đề tài dữ dội, cách viết trữ tình

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí cách đây mấy năm,  Herta Müller cho rằng, “văn học giúp ta hiểu thấu đáo hiện thực hơn, giúp ta đối diện với nó chứ không phải chạy trốn”. Vì thế, bà không ngại khai thác những đề tài “dữ dội” mang màu sắc chính trị. Nhưng cách viết lại linh hoạt: khi đơn giản, hiện đại, lúc lại mang hơi hướng cổ điển trữ tình, ảnh hưởng của nền văn học Nga mà bà rất hâm mộ. Müller đặc biệt yêu thích các nhà thơ Nga Venedikt Eropheev, Marina Tsvetaeva và Daniila Harms.
Truyện ngắn của Herta Müller độc đáo ở tính thơ nội tại, với những chi tiết được hình tượng hóa, với dung lượng từ không nhiều, đôi lúc sử dụng thủ pháp láy ngữ láy hình ảnh và nhịp điệu mở. Thế nhưng, mạch cảm xúc lại dồn nén đến độ lạnh lùng, nhưng luôn tạo hiệu quả bất ngờ khi kết thúc. Chẳng hạn, viết về tình cảnh túng quẫn cùng cực của một người muốn rời bỏ đất nước mình, bà bắt đầu như mở đầu một bài thơ: “Từ bìa rừng một người màu xanh lá cây đi dọc theo cánh đồng. Cái gáy của người ấy được cạo trọc lốc. Người màu xanh lá cây đeo một chiếc ba-lô màu xanh lá…” Sau đó, cuộc sống bi đát hiện lên dần dần, chỉ bằng những lời văn tả ngắn gọn, không kể lể, không một lời cảm thán từ phía tác giả. Đến cả viết về cái chết cũng tưởng chừng rất thản nhiên: “Ba năm trước Karl từng muốn vào núi ở. Trước khi Karl trở lại làng, cha anh đã treo cổ trong nhà kho. Karl nhìn thấy đôi giày của cha ở cạnh miệng giếng. Trước khi chết, kẻ tự vẫn từng có ý định trẫm mình.
Hai năm trước Karl từng muốn ra miền biển…
Một năm trước Karl từng muốn bỏ xứ mà đi…” (truyện ngắn “Giữa mùa hè”)
Ngược lại, thơ của Herta Müller lại khúc triết, duy lý mà vẫn đầy sức gợi, với cách trình bày cắt dán ngộ nghĩnh ấn tượng:

Trong bọc lông vũ có con gà trống đang sống
Trong bọc lá phong có cả hàng cây
Hồn con thỏ trong bọc đựng lông mềm
Trong bọc nước mắt một mặt hồ đang ngủ

(Ba bài thơ)


Cuốn tiểu thuyết mới nhất Herta Müller viết năm 2009 có tên “Atemschaukel” (tạm dịch là Nhịp thở)  là một tác phẩm thuộc thể loại non-fiction viết về cuộc đời có thực của một người Đức sống ở Romania trải qua thời kỳ ở trại lao động cưỡng bức ở Ukraine. Vừa mới xuất bản, cuốn sách đã được đề cử giải Deutscher Bücherpreis, một trong những giải thưởng văn học có uy tín ở Đức. Trong tác phẩm, có sự thật mà gia đình Herta Müller từng trải qua, có bi kịch của 80 nghìn người Đức sống ở Romania bị cưỡng chế rời Romania vào năm 1945. Có lao động khổ sai, có cái đói, cái rét và cả chết chóc. Để viết cuốn sách này, nhà văn đã cất công tìm gặp rất nhiều nhân chứng, nhưng bà thất vọng vì cách kể chuyện rập khuôn, không tình tiết sống động của họ. Người ta không quên nhưng không muốn hoặc không quen, không biết cách nhắc đến những bi kịch của một thời như nhắc về một hiện thực gần gũi có thật. Về sau, nữ sĩ may mắn tìm được một “người đồng hành” quan trọng là tác giả người Đức từng sống ở Romania Oscar Pastior (1927-2006), một nhân chứng sống. Hai người đã tìm về Ukraine, về nơi Oscar đã từng lao động trong trại. Tiếc rằng năm 2006, Oscar qua đời, Herta Müller đã hoàn thành cuốn sách mà không có sự trợ giúp đắc lực của người bạn văn - nhân chứng sống ấy.
Điều đáng nói là, giới phê bình văn học Đức nhận xét rằng, cuốn sách được viết một cách trữ tình cho dù nội dung dữ dội. Sự thật phơi bày trong tác phẩm được cách truyền tải “trữ tình” ấy làm cho thật và dễ cảm nhận hơn. Đó có lẽ cũng là lý do mà Herta Müller được nhận giải Nobel lĩnh vực văn học năm 2009: vì “sự dồn nén của thơ và sự chân thực của văn xuôi mà tác giả dùng để lột tả bối cảnh cuộc sống của những người thống khổ bị tước đoạt miền đất của mình”

Ghi chú: những đoạn trích thơ và truyện ngắn Thụy Anh dịch qua bản tiếng Nga của dịch giả Mark Belorusets
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 6 trang (58 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6]