Trang trong tổng số 19 trang (185 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [16] [17] [18] [19]

Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 19:
Ngô Đình Nhu vạch kế hoạch “phản đảo chánh” mang mật danh “Bravo I và II”

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjPFjTfi4jhV5BhFqXL3GVN2COHSZBi_g9CAP8M5LFsW2yoz7zUVe_uMdXeHV5_GkFT3-ez4a1UE_dfqh0gliZPpFfF2IDBnWp9rsyOuNdgNbnv5EwrzO_DDkjvBxNX3n8ZTwKCTlJ9idMpOKaaX13WnT-Mjnk3uaksVkuKyd8rOh-J_9728kgdUN4DuPrP/w502-h640/0-1.PNG


Nếu kế hoạch “phản đảo chánh” của Ngô Đình Nhu thành công sẽ “có một cuộc tắm máu - trong đó một số người Mỹ cũng như người Việt sẽ bị giết chết” (Robert Shaplen)…

Lẽ ra cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm xảy ra hồi tháng 8, hoặc cuối tháng 10.1963 nhưng bất thành - bởi các đầu mối tình báo của Ngô Đình Nhu phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường trong quan hệ giữa các tướng lãnh Sài Gòn với Toà đại sứ Mỹ - đặc biệt là các tài liệu liên quan đến âm mưu lật đổ.
Nhận báo cáo, Ngô Đình Nhu “tương kế tựu kế” bí mật cùng các tướng lãnh tâm phúc phác thảo kế hoạch “đảo chánh giả” để tiêu diệt “đảo chánh thật”. Theo đó, vài ngày sau lễ Quốc khánh 26.10.1963, tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh Quân đoàn 3 (đang nắm giữ lực lượng quân đội chính quy trong khu vực thủ đô) sẽ cùng đại tá Lê Quang Tung - chỉ huy trưởng Lực lượng đặc biệt (được phép hoạt động ngoài tầm kiểm soát của Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH) kết hợp Liên binh phòng vệ Phủ tổng thống trung thành với hai ông Diệm - Nhu, sẽ bắt tay thực hiện chiến dịch mang tên Bravo qua hai giai đoạn (do Robert Shaplen nêu trong cuốn “The Lost Revolution” - được dịch và in lại qua “Hồ sơ tối mật của Ngũ Giác Đài - Người Mỹ làm thế nào để giết tổng thống Việt Nam” - tài liệu đd ở Kỳ 16):

* Giai đoạn 1 (Bravo 1): “Để đánh lừa người Mỹ và các tướng đang mưu toan đảo chánh, đại tá Tung (Lê Quang Tung) sẽ gởi một vài đơn vị của ông (lực lượng đặc biệt) ra khỏi Sài Gòn, nói là đi hành quân.

Trong khi đó, các lực lượng trung thành khác cùng với các đơn vị thiết xa (thiết giáp) sẽ bí mật bố trí quanh thành phố (Sài Gòn). Rồi bất thần, các đơn vị cảnh sát và những toán phá rối làm ra vẻ chống Diệm để tạo một cuộc nổi dậy giả (đảo chánh giả). Hai ông Diệm - Nhu ngay trong giờ đầu hành động sẽ ra Vũng Tàu - nơi đây đã đặt sẵn một bộ chỉ huy có đầy đủ phương tiện liên lạc. Hai ông làm như thể đã “thoát được một cuộc nổi dậy”.

Một chính phủ cách mạng giả hiệu ở Sài Gòn sẽ ra tuyên cáo về chương trình mới. Và một vài tù nhân chính trị có tiếng tăm sẽ được thả ra khỏi nhà tù. Những toán du đãng khác được chiêu mộ khi ấy sẽ bắt tay vào hành động và sẽ có một cuộc tắm máu…”.

* Giai đoạn 2 (Bravo 2): “Trong vòng 24 giờ, “để tái lập trật tự” - các tướng Đính (Tôn Thất Đính), Cao (Huỳnh Văn Cao) sử dụng quân đội của họ quanh Sài Gòn, sẽ tấn công chiếm (giả vờ như tái chiếm) thành phố. Giai đoạn 2 này của cuộc “đảo chánh giả” gọi là Bravo 2. Và cuối cùng, hai ông Diệm - Nhu sẽ trở về từ Vũng Tàu như những vị anh hùng!”.

Nhưng cuộc “tắm máu” như Robert Shaplen nhắc đến đã không xảy ra, vì kế hoạch Bravo phá sản, do một mắc xích quan trọng trong hàng ngũ tướng lãnh trung thành với Diệm - Nhu là tướng Tôn Thất Đính đã ngã sang phía Hội đồng Quân nhân cách mạng (phe đảo chánh) vào những ngày cuối. Nên khi bị bao vây, hai ông Diệm - Nhu liên lạc điện thoại với tướng Tôn Thất Đính nhưng tướng Đính không trả lời. Quân đảo chánh tiến chiếm dinh Gia Long và bao vây nhà thờ Cha Tam vào 2.11.1963 (như đã viết ở Kỳ 18). Trần Kim Tuyến (cùng Cao Thế Dung) tường thuật tiếp:

Khi chiếc xe tăng M113 tiến vào nhà thờ, anh em ông Diệm vẫn đang còn đọc kinh: “đối với đời sống tôn giáo như Thiên Chúa giáo thì hai anh em ông Diệm đã làm tròn phép đạo trước khi lìa trần”. Lúc ấy, ông Diệm “vẫn bình thản đọc kinh”. Ông Nhu có vẻ bồn chồn, đứng lên trước và quay nhìn về hướng cửa chính. Ở hướng đó, một viên sĩ quan của phía đảo chánh từ dưới thềm bước lên, đưa tay mở rộng cửa. Nhật ký Đỗ Thọ (sđd Kỳ 18) ghi:

“Họ đẩy mạnh ông Nhu xuống sân nhà thờ. Tổng thống Ngô Đình Diệm, tôi và cha Jean theo sau. Trong khi đó trục máy của chiếc M113 buông thả cửa xe. Lính đảo chánh đẩy ông Nhu lên xe. Ông Nhu cự nự quay lại nửa người và đưa tổng thống Diệm lên trước. Tôi chạy đến trao chiếc cặp da, chiếc ba-toong cho tổng thống. Nhưng đại uý Nhung đã giật lấy những món này. Đồng thời họ không cho tôi được phép đến gần tổng thống Ngô Đình Diệm. Tôi đứng lại nhìn. Cửa sau chiếc M113 đóng lại. Tôi không thể ngờ đó là nơi an nghỉ của tổng thống Diệm trong quan tài bọc sắt” (sđd tr. 267)

Đến cổng xe lửa đường Hồng thập tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP. HCM) đột nhiên đoàn xe dừng lại. Trần Kim Tuyến dẫn báo Công Luận (số 882 ngày 26-11-1970) tường thuật:

“Đại tá Lắm ngồi với thiếu tướng Mai Hữu Xuân trong một chiếc xe jeep chạy giữa đoàn, thấy đoàn xe bất thần dừng lại, ông không biết chuyện gì nên đã thét vào máy truyền tin:

- Ai cho lịnh các anh ngừng lại?

Tiếng quân nhân trên thiết giáp đi đầu trả lời:

- Thưa đại tá, kẹt xe lửa. Có một chuyến xe lửa sắp chạy qua, cổng rào đã kéo xuống.

Đại tá Lắm “à” một tiếng; rồi tiếp tục nói chuyện với thiếu tướng Xuân. Chừng vài phút sau, giữa tiếng chuyển động ầm ầm của chuyến xe lửa chạy qua, ông nghe mơ hồ có nhiều tiếng súng nổ, nhưng hỏi phía trước không có một báo cáo nào cho ông biết chuyện gì bất ngờ xảy ra (…) Đó là tiếng súng của đại uý Nhung (…) đại uý Nhung đã bất thần từ chiếc xe jeep đi kèm nhảy qua chiếc thiết vận xa, khẩu rouleau ngắn nòng được rút ra khỏi vỏ và ông đã nhả đạn, sau đó dùng dao kết liễu đời hai ông Diệm - Nhu. Hai nhân vật đầu não của chế độ nằm xuống. Vĩnh viễn nằm xuống, không một phản ứng nhỏ nhoi nào”…

Nhà báo quốc tế Robert Shaplen (rất thân thiết với Phạm Xuân Ẩn) - và là tác giả đã thông tin về kế hoạch “phản đảo chánh” Bravo của Ngô Đình Nhu, đưa ra một số luận cứ để cho rằng: “đại uý Nhung có thể đã ra tay hạ sát theo lệnh của tướng Dương Văn Minh”. Có một số giả thuyết khác nữa. Song dẫu thế nào, thì: “rõ rệt nhất là những viên đạn đó được chế tạo tại Hoa Kỳ. Nếu đại uý Nhung cầm súng nảy cò thì ông ta cũng là người thi hành lệnh cấp trên. Một đại uý như Nhung dù là sĩ quan tuỳ viên của chủ tịch Hội đồng Quân nhân cách mạng (tướng Dương Văn Minh) ông ta cũng chưa thể “điên” đến mức độ tự mình bắn anh em tổng thống Diệm” (Cao Thế Dung - Trần Kim Tuyến: Làm thế nào để giết một tổng thống?).

Đài phát thanh Sài Gòn loan tin: “Anh em ông Diệm và ông Nhu đã tự sát”. Song tài liệu lưu trữ đến nay cho biết phản ứng của Khâm sứ Toà thánh Sài Gòn là bác bỏ ngay nội dung của bản tin trên, bởi: “đối với người Công giáo không được phép tự sát, vì đó là trọng tội đối với thượng đế và sẽ mất hết mọi ân phước - một người Công giáo như ông Diệm thì chuyện này (tự sát) không thể xảy ra”. Dư luận cho rằng cái chết của Diệm - Nhu “đến nay tuy không còn là một điều bí mật, song có quá nhiều những chi tiết mâu thuẫn nhau”. Và đàng sau hai cái chết ấy là một âm mưu chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, được tiết lộ qua “Hồ sơ tối mật của Ngũ Giác Đài” với nguyên bản các tài liệu dính dấp đến Tổng thống Kennedy, Phó tổng thống Johnson, Ngoại trưởng Rusk, Bộ trưởng Quốc phòng Mc. Namara, Thứ trưởng Quốc phòng Roswell L. Gilpatric, Phó giám đốc cơ quan CIA: trung tướng Marshall S. Carter và thiếu tướng Victor H. Krulak, phụ tá đặc biệt Tham mưu trưởng Liên quân đặc trách chống phản loạn của Mỹ, như thế nào?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 20:
Cái chết Diệm - Nhu qua hồ sơ tối mật của Ngũ Giác Đài

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgKhk5jbl4NVH84O4aP8ARelSrB_rQPcFZ9ptVcW2uhykr5X72P94xoaewg8XRT8gnROBjCc4T6wjkwywF1NITP9JX748bnMGLo1wq49DX3GZm5_kZBQsqi_QBrT2URV1m6khRdm9bCMlEj9z4_hSul1uyOGChwaVR-dxd-6yrUP_j7oqla_l2eEr8n8A-C/w640-h520/0-1.PNG


Xác tổng thống Diệm được khiêng ra khỏi chiếc xe bọc thép và bị đặt nằm chơ vơ dưới đất - viên hạ sĩ quan trên chiếc M113 ấy nhảy xuống, lặng lẽ rút chiếc khăn tay trong túi mình đắp lên mặt ông Diệm, như chừng để người chết đỡ phải trơ trọi dưới nắng…

Có lẽ chiếc khăn tay kia là vật an ủi duy nhất dành cho linh hồn của người mới qua đời, vào những phút sa cơ, máu chưa khô hẳn. Lúc sống, không mấy ai dám nhìn thẳng vào mắt người chết đó (Diệm). Ngay những viên chức thuộc hàng cao cấp nhất của dinh Gia Long, khi ôm hồ sơ đến trình tổng thống cũng phải “đầu cúi ngó mũi giày” - chưa dám đường đột ngẩng lên vội. Cụ Vương Hồng Sển đã quan sát và ghi lại như vậy qua lần gặp tổng thống Diệm để thẩm định đồ cổ tại dinh Gia Long (đọc chi tiết trong: Vương Hồng Sển, Hơn nửa đời hư - NXB TP. HCM 1999, tr. 457 - 464).
Nằm cạnh xác ông Diệm (dưới cột cờ của Bộ Tổng tham mưu) là xác ông Ngô Đình Nhu: “há hốc, mắt nhắm, máu ở miệng trào ra hai bên mép và máu ở cổ đã trở thành đen” (Cao Thế Dung và Trần Kim Tuyến: Làm thế nào để giết một tổng thống).

Hai ông nằm hiu quạnh giữa trời hơn 8 tiếng đồng hồ - từ trưa đến lúc sập tối (11g15 đến 19g30 mới chuyển đi nơi khác). Quãng thời gian ấy, lực lượng phòng vệ nhận lệnh thiết lập “hàng rào sắt” đề phòng dân chúng đang quá đỗi phấn khích vì cuộc đảo chánh thành công có thể kéo đến cướp xác. Cũng ngăn cấm tuyệt đối các nhà báo đến chụp ảnh, đưa tin. Chỉ có các tướng lãnh của hội đồng quân nhân đảo chánh mới được lai vãng quanh hai xác chết. Song, ngay giữa trưa gần giờ ngọ hôm ấy (2.11), trong “tử địa” vắng lặng đó, xuất hiện bóng trung tá Lucien Conein của CIA bước đến lật chiếc khăn tay lên để nhận diện tử thi.



Khi xác định hai xác chết nằm dưới cột cờ là tổng thống Diệm và cố vấn Nhu, Conein điện ngay về Toà đại sứ để Cabot Lodge biết tin tức mới nhất về số phận Diệm - Nhu bằng một cách nói “mật khẩu” - đầy ẩn ý:

- “Mùa thu thì lá phải bay thôi!”.

Cabot Lodge hiểu ngay Diệm - Nhu đã bị thanh toán và Lodge tức tốc thảo bản tin gởi Nhà Trắng, hân hoan vì: “cuộc đảo chánh thành công mỹ mãn về mọi phương diện!”.

Song, tổng thống Kennedy choáng váng, đã “tái mặt đi và bước ra khỏi phòng họp để trấn tĩnh lại” khi biết tin Diệm - Nhu bị bắn chết. Colby kể và ghi tiếp là ngay ngày hôm ấy (2.11.1963 - rơi vào “ngày lễ của những người chết theo lịch của Công giáo”), TT Kennedy triệu tập cuộc họp bất thường với Hội đồng An ninh quốc gia thông báo nội dung bức điện của đại sứ Cabot Lodge và không mấy ai có mặt tán thưởng nội dung trên (chỉ một người đánh giá cao “thành tích ngoạn mục” của đại sứ Lodge là ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao Dean Rusk).
Trong quá khứ, theo William Colby, khi Kennedy nghe một người bạn kết tội “Diệm - Nhu là hai tên bạo chúa, Kennedy đã đáp: “Không, họ ở trong một hoàn cảnh khó khăn và họ làm hết sức mình cho đất nước họ” - nhưng bây giờ ông biết mình đang phải đương đầu với một vấn đề nghiêm trọng, bởi chính là chính phủ ông đã ủng hộ cho cuộc đảo chánh”” (William Colby - Một chiến thắng bị bỏ lỡ - sđd kỳ 3, tr. 207).
William Colby viết, tối hôm đó Colby mời vợ chồng Nolting (cựu đại sứ Mỹ ở Nam Việt Nam) và vợ chồng Richardson (cựu Trưởng văn phòng CIA tại Sài Gòn) tới dự bữa cơm kéo dài đến tận khuya: “có lẽ đó là buổi túc trực đêm bên người chết duy nhất của người Mỹ dành cho hai anh em Diệm - Nhu” và những người có mặt đều kinh ngạc khi biết chính phủ Mỹ “góp phần trực tiếp vào việc lật đổ Diệm và cái chết của ông ta” (sđd tr. 208).

Dưới đây gồm một số trích dẫn tiêu biểu từ cuốn “Hồ sơ tối mật (top secret) của Ngũ Giác Đài - Người Mỹ làm thế nào để giết tổng thống Việt Nam” theo bản in bằng chữ đúc chì (mất trang ghi tên NXB), dày 220 trang, để bạn đọc tham khảo thêm (về vai trò người Mỹ trong sự kiện 1.11):
* Bản nghiên cứu của Ngũ Giác Đài xác định rằng: “Bắt đầu từ tháng 8.1963, chúng ta đã nhiều lần cho phép, chấp thuận và khuyến khích những cố gắng đảo chánh của các tướng lãnh Việt Nam và dành sự yểm trợ hoàn toàn cho một chính phủ kế tiếp (sau chế độ Diệm). Hồi tháng 10 (1963) chúng ta đã cắt viện trợ (cho Diệm)… và duy trì sự tiếp xúc kín đáo với họ (các tướng lãnh VNCH chống Diệm)” (tr. 13).

* Ngày 10.7.1963: nội dung bản đánh giá tình báo quốc gia (số 53-2-63) dự đoán: “cuộc khủng hoảng Phật giáo ở miền Nam Việt Nam làm nổi bật và gia tăng sự bất mãn lan rộng từ lâu với chế độ Diệm (…) những xáo trộn và cơ hội của một cuộc đảo chánh hay cuộc mưu sát nhắm vào ông (Diệm) sẽ có thể thuận lợi hơn bao giờ hết” (tr. 40).

* Ngày 25.8.1963: Cabot Lodge phúc đáp nhanh về Washington: “đề nghị chúng ta đi thẳng với các tướng lãnh (…) mà không cho Diệm biết”. Cùng ngày, thư của Bộ Ngoại giao Mỹ do ngoại trưởng George Ball ký gởi đại sứ Cabot Lodge: “nước Mỹ không dung dưỡng vai trò đầy thế lực của ông Nhu và bà vợ của ông (Trần Lệ Xuân) lâu hơn nữa” - đồng thời xác định: “ủng hộ ông (Cabot Lodge) đến cùng trong các hành động của ông nhằm đạt các mục tiêu (lật đổ Diệm)” (tr. 44).

Trước đảo chánh một hôm (30.10.1963), từ Washington, Bundy (Phụ tá tổng thống Kennedy, đặc trách An ninh quốc gia) điện trả lời Cabot Lodge, nhấn mạnh: “vì quyền lợi của nước Mỹ, cuộc đảo chánh phải thành công” (tr.12). Nếu thất bại, Toà đại sứ Mỹ và các cơ quan liên hệ khác của Mỹ sẽ mở rộng cửa đón các tướng lãnh chống chế độ Diệm vào tỵ nạn chính trị. Người Mỹ mỗi ngày chi ra 1 triệu USD (thời 1963) cho VNCH không thể để “kịch bản Sài Gòn” rơi vào tay kẻ khác…

Sau ngày 1.11.1963, bất ổn chưa từng thấy làm nghiêng ngả chính trường Sài Gòn với 6 chính phủ liên tiếp thay thế nhau cầm quyền chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm (1963-1967) được cuốn “Lược sử lập hiến Việt Nam” của Phan Đăng Thanh - Trương Thị Hoà (NXB Tổng hợp TP. HCM 2013, tr. 119-120) nêu rõ thời hạn của từng chính phủ “lên rồi xuống” theo nhịp độ đổ quân của Mỹ vào miền Nam Việt Nam:

1. Chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ từ 4.11.1963 đến 30.1.1964
2. Chính phủ Nguyễn Khánh từ 8.2.1964 đến 26.10.1964
3. Chính phủ Trần Văn Hương từ 31.10.1964 đến 27.1.1965
4. Chính phủ Nguyễn Xuân Oánh từ 28.1.1965 đến 16.2.1965
5. Chính phủ Phan Huy Quát từ 16.2.1965 đến 12.6.1965
6. Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ từ 19.6.1965 đến 9.11.1967

Trong bối cảnh đó, hàng loạt các cuộc đảo chánh nổ ra. Làm rung chuyển Sài Gòn là cuộc nổi dậy ngày 19.2.1965 đánh chiếm căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh quốc gia và nhiều cứ điểm quân sự trọng yếu trên địa bàn Sài Gòn, dẫn đến phiên toà Quân sự mặt trận tuyên án tử hình vắng mặt thiếu tướng Lâm Văn Phát và đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 21:
Tổng thống Johnson “dưới bóng toà đại sứ Mỹ”!

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjwRKI7bWqRx2pgDAHXQ33Wb5CNZ8YGcPBaTEvlkHfqdiPolB0O9jYq0SQR7oM7qMieRLcDjJ60dW6cQwuzCBN5EwlKz8oKLmmrUafRyG8dC5S_rf8kcQosqNIG9h9-v527pYb3XGa28PKS-ShJK4d8MDoy9cWbf2rV3H5Rcng-kIX1vzUt5qhEDF21sUGZ/w484-h640/0-1.PNG


Người phóng xe cảm tử lao thẳng vào cổng Toà đại sứ Mỹ là trinh sát Nguyễn Thanh Xuân (tức Bảy B) - anh ta phải nhanh chân thoát khỏi vòng sát thương của khối thuốc nổ TNT (do chính anh giật nụ xoè, kích nổ) trong 20 giây…

Nếu chậm hơn, anh sẽ phải bỏ mạng dưới toà nhà đổ nát.
Khối thuốc nổ ấy chở trên chiếc ô tô du lịch hiệu Frigate màu đen bóng loáng, được mua trước đó với giá 270.000 đồng - tương đương 2.289 USD, tính theo hối suất của năm 1965 (lúc mở trận đánh): 1 USD ăn 118 đồng tiền Sài Gòn (xem thêm: Lịch sử Sài Gòn thời kỳ 1945-1975 - Cao Tự Thanh, Hồng Duệ, Hoàng Mai chủ biên, NXB Tổng hợp TP. HCM và NXB Văn hoá Sài Gòn ấn hành 2007, tr. 164-166).

Ngoài Bảy B, đội cảm tử trực tiếp vào trận còn có: Lê Văn Việt (căn cước giả mang tên: Nguyễn Văn Hai), Trần Văn Thế, Nguyễn Nông và Nguyễn Thị Minh Nguyệt.

Minh Nguyệt hoạt động quân báo từ năm 1961, lần này đảm trách chuyển súng ngắn vào điểm X. và đưa hơn 150kg TNT cùng kíp gây nổ, nụ xoè, dây cháy chậm trên một chiếc xe buôn mủ cao su (theo “hợp đồng giả” với cơ sở cách mạng Tư Sao) đến ém tại nhà ông Mười Vĩnh Long (68/168B Trần Quang Khải, quận 1) và Nguyễn Nông (tức Năm Bắc) ở số 194/5/5 đường Bạch Đằng - Gia Định.

9g40 phút ngày 30.3.1965: họ xuất phát từ quán cà phê Văn Hoa số 85 Trần Quang Khải theo đội hình: “3 chiếc xe gắn máy lần lượt nối tiếp nhau, gồm: anh Năm Bắc (trinh sát lộ trình), Trần Văn Thế (bảo vệ xung kích), Lê Văn Việt (xung kích), chiếc Frigate đi hàng thứ 4 do Nguyễn Thanh Xuân lái (làm nhiệm vụ thọc sâu), sau cùng là Nguyễn Thị Minh Nguyệt trên chiếc mobylette có nhiệm vụ “coi chừng cái đuôi” (Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến, Trần Hải Phụng và Lưu Phương Thanh chủ biên, NXB TP. HCM 1994, tr. 396).

Khi xe do Bảy B lái trờ tới đoạn đường ngang qua Toà đại sứ, anh ta bất thần tăng ga leo lên lề, phóng thẳng đến sát cửa chính của toà nhà, rồi bằng một động tác chuyên nghiệp đã thắng thật mạnh cho xe chồm lên phía trước, nhanh nhẹn tung cửa nhảy ra; tay kia giật nụ xoè kích nổ, 5 giây - rồi 7 giây… Từ bên kia đường, hai cảnh sát có vũ trang nghi ngờ nhìn về phía cổng Toà đại sứ, định bắn Bảy B. Tư Việt nổ súng hạ gục cả hai. Nghe tiếng nổ, đám đông công an Sài Gòn mặc thường phục đang ngồi trong các quán nước quanh đó đã ùa ra bao vây.

Bảy B vẫn bình tĩnh rời xa “chiếc xe tử thần” - bắn gục hai lính Mỹ trước khi băng qua vệt vôi ranh giới - và thoát khỏi tầm bắn của ổ súng đại liên Mỹ đang khạc đạn từ trên lầu 5 xuống. Khoảng 190 nhân viên trong Toà đại sứ hoảng hốt chạy vào thang máy và các hành lang thoát hiểm để đến tầng trệt, nhưng không may, chưa tới nơi khối TNT đã phát nổ:

“Tiếng nổ long trời ở Toà đại sứ Mỹ làm cả Sài Gòn náo động. Từng đoàn xe cứu hoả lao tới cùng với các đoàn người đổ về đông nghẹt, ai cũng muốn được nhìn tận mắt cảnh tượng bi thảm của “Nhà Trắng phương Đông”. Sức thổi của khối thuốc hình lõm làm tất cả tường phía trong của lầu 1, 2, 3 đều bị sập rỗng lên đến tầng 4, song sắt cửa của các tầng đều bị cong queo, 30 chiếc xe du lịch của sứ quán đều cháy trụi, là cờ Mỹ 50 sao bị hất xuống đất, gạch ngói, ly cốc, giấy tờ bay tơi tả. Sứ quán Mỹ tan hoang. Trong tro bụi hoang tàn và hỗn loạn, số Mỹ còn sống sót lóp ngóp chui ra, mình mẩy bê bết máu (...) Người ta thấy cả phó đại sứ Alexis Johnson ôm đầu tháo chạy ra phía cổng đại sứ quán. Lúc đó là 10 giờ 55 phút (ngày 30.3.1965)”.

Trên đây là đoạn trích từ cuốn Biệt động Sài Gòn của Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu) - Phó tư lệnh Bộ chỉ huy chiến trường Sài Gòn - Gia Định các năm 1968-1972, kiêm Chỉ huy trưởng các lực lượng biệt động thành Sài Gòn (NXB Trẻ TP. HCM 1999, tr. 113). Tư Chu ghi nhận:

*Phía chính phủ Mỹ: Tổng thống Johnson ngừng ngay bữa tiệc tiếp đãi phái đoàn của nước Thượng Volta để nghe báo cáo về tổn thất nặng nề của Toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn (có hơn 190 người Mỹ vừa chết vừa bị thương). Nếu cụm từ “dưới bóng Toà đại sứ Mỹ” dùng để chỉ các tướng lãnh và các chính khách VNCH hoàn toàn ủng hộ chính sách mở rộng chiến tranh của Mỹ thì lúc đó có thể tạm dùng để chỉ “nỗi lòng” của tổng thống Johnson trong ngày Toà đại sứ này bị đánh tan hoang…

* Phía cảm tử quân cộng sản: Lái xe cảm tử Nguyễn Thanh Xuân thoát khỏi vùng ảnh hưởng của 150kg chất nổ và lần ra phía ngoài, ngoắc tắc-xi “đến chợ Bến Thành (anh xuống), lách qua các gian hàng buôn bán để đề phòng bị theo dõi, sau đó ung dung về nhà cơ sở”.

- Cảm tử quân Trần Văn Thế “bắn viên đạn cuối cùng yểm trợ cho Tư Việt, rồi cho xe gắn máy lách qua ngã ba để qua bên kia Chợ Cũ (…) chạy thẳng về nhà thu xếp đồ đạc đưa mẹ anh ra xe đón sẵn về thẳng chiến khu (bà cụ đứng tên mua chiếc Frigate)”. Những biệt động khác cũng an toàn (sau trận đánh).

Chỉ riêng Tư Việt - cảm tử quân mà sau này chính phủ Mỹ, tổng thống Johnson, gia đình cố tổng thống Kennedy và cả ban giám đốc tình báo CIA đều phải nhắc đến tên. Vào giờ phút nguy kịch nhất, sau tiếng nổ đánh sập Toà đại sứ Mỹ, Tư Việt bị công an cảnh sát Sài Gòn rượt đuổi. Anh phóng xe lao tới trước, nhưng một tay vẫn cầm súng quay đầu lại bắn trả. Cuộc đấu súng không cân sức diễn ra quyết liệt trên một đoạn ngắn dọc đường Nguyễn Công Trứ và Phó Đức Chính. Thất thế, anh bị trúng đạn ở bụng, từ phía sau xuyên ra trước, hất anh ngã xuống gốc cây bên đường: “Tư Việt một tay nhét ruột vào bụng, một tay cầm súng với hai viên đạn cuối cùng”…
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 22:
Nhà Kennedy vận động trao trả cảm tử quân Tư Việt đổi lấy trung tá tình báo CIA Gustave Hertz

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgI7hHJNoimB2tRwMKvppOgyzy0luAebA2pG-fx0kXfrM6N0V6iGp4jr8Sj6TQE29wHTQxVgvWIAT8kiJRcUJh4aOpDqGwrvwz1fXcWsF0fP-LvOjMpj_B8HXOMFTEeT6mNVo6mDSfsHYTWvMKLQsYtxXCp3lzR8jDWi3BGbp9XDkeHvVkkJ1Z92PRVVG7q/w518-h640/0-2.PNG


Cảm tử quân Tư Việt trúng đạn, bị bắt và bị kết án tử hình với lệnh “xử bắn khẩn cấp”…
Nhưng người Mỹ chặn lại, không để chính quyền Sài Gòn thi hành bản án trên. Nguyên do:
Toà án Quân sự mặt trận của chính quyền Sài Gòn khiêng Tư Việt ra xử (8 ngày sau trận đánh vào Toà đại sứ Mỹ - xem Kỳ 23) dầu lúc ấy anh hãy còn phải băng bó, do viên đạn bắn xuyên qua bụng, đang mở rộng miệng vết thương nhức nhối về phía trước. Anh bị bắt khi đang gắng sức móc quả lựu đạn “quyết tử” lên miệng rút chốt tự vẫn, nhưng máu ra nhiều quá, kiệt sức ngã xuống. Do kết quả trận đánh làm rúng động dư luận Mỹ và thế giới, nên chính quyền Sài Gòn muốn xử nhanh, với mức án được tuyên tối đa: “tử hình” và “xử bắn ngay”!.

Đáp lại, và để cứu cảm tử quân Tư Việt, ngay tối hôm Toà án Quân sự mặt trận của chính quyền Sài Gòn tuyên án, Uỷ ban trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam đã nhanh chóng chính thức và đanh thép tuyên bố trên Đài phát thanh Giải phóng:

“Nếu Mỹ và chính quyền Sài Gòn xử bắn Tư Việt, thì lực lượng vũ trang cách mạng của Mặt trận sẽ tử hình ngay lập tức trung tá tình báo Gustave Hertz của CIA bị bắt ở ngoại ô Sài Gòn (Thủ Đức) trước đó”.

Nghe tuyên bố trên, lãnh đạo Nhà Trắng ở Washington và Ban giám đốc CIA Mỹ cấp thời ngăn cản để chính quyền Sài Gòn đình chỉ lệnh “xử bắn khẩn cấp” đối với “tử tù Nguyễn Văn Hai (tức Tư Việt - tên thật: Lê Văn Việt”) và đày ra Côn Đảo để đó.

Những ngày ấy, tâm trí của tổng thống Johnson vốn đã bị đè nặng bởi “bóng toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn tan nát” - nay lại càng rối lên vì áp lực của nhà Kennedy trong cuộc vận động nhằm đưa trung tá Gustave Hertz là “con ruột ông già vợ của em cố tổng thống Kennedy” đến vùng trao đổi…

Việc trên, qua cuốn “Biệt động Sài Gòn” (sđd Kỳ 23, tr. 266) của Nguyễn Đức Hùng - thường gọi: Tư Chu (Chỉ huy trưởng các lực lượng biệt động Sài Gòn) đã trích dẫn hồi ký của ông Huỳnh Văn Tâm (nguyên đại diện Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở nước ngoài) kể rành mạch:

Lúc cảm tử quân Tư Việt được hoãn lệnh “xử bắn khẩn cấp”, tổng thống Bel Bella của nước Cộng hoà Algérie có mời ông Huỳnh Văn Tâm lên dinh tổng thống để bàn việc tối quan trọng vào năm 1966: “Đến nơi tôi (Huỳnh Văn Tâm) bất ngờ vì (thấy) có mặt ông già vợ của em cố tổng thống Kennedy (do tổng thống Bel Bella giới thiệu). Ông ta khẩn thiết đề nghị trao đổi chiến sĩ biệt động (Tư Việt), người (xung kích) đánh sập sứ quán Mỹ ở Sài Gòn (đang bị bắt lưu đày ở Côn Đảo) với con trai của ông ta là trung tá Gustave Hertz (tình báo CIA) bị lực lượng biệt động ta (cảm tử quân Giải phóng) bắt giữ ở ven đô (Thủ Đức). Trung ương Cục đặt điều kiện “1 đổi 3” - ngoài anh Nguyễn Văn Hai (tức Tư Việt) còn có 2 cán bộ cao cấp khác do ta chọn. Phía Mỹ chấp thuận và chịu tổn phí 1 triệu đô la” để hoàn tất mọi việc.

Tổ chức Hồng thập tự quốc tế tự nguyện đứng ra làm trung gian cuộc trao trả “vì hoà bình và đoàn kết tương thân”. Đáp ứng sự kiện “bồ câu trắng” đó, từ thủ đô Campuchia - hoàng thân Norodom Sihanouk lên tiếng sẵn sàng lấy Phnôm Pênh làm nơi trao trả cảm tử quân Tư Việt với trung tá CIA Gustave Hertz. Chính phủ Pháp cũng vào cuộc, với đề nghị lấy thủ đô Paris làm nơi gặp gỡ và hoà giải. Nhưng việc bất thành vào giờ chót, bởi trên đường áp giải Gustave Hertz về căn cứ Trung ương Cục, anh ta bị sốt rét ác tính qua đời đột ngột.

Khoảng thời gian đó, tuy chưa bị xử bắn, song Tư Việt phải trải qua nhiều nhà giam từ khám lớn Chí Hoà đến Côn Đảo. Cuối đường, Tư Việt tìm cách vượt ngục nhưng không thành, bị bắt và đánh đập tàn nhẫn, chết nửa khuya 31.10.1966 tại Côn Đảo, lúc mới 26 tuổi.

Qua chuyện khác:
Khi Toà đại sứ Mỹ bị tấn công, tướng Westmoreland - Tư lệnh Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ (MAC V) ở Sài Gòn suýt chết, đã kể qua cuốn “A soldier reports” (bản dịch của Phòng Khoa học Quân khu 9 không ghi tên dịch giả) như sau:

“Sáng hôm đó 30.3.1965, tôi có dịp đến sứ quán gặp phó đại sứ Alexis Johnson (đại sứ Maxwell Taylor vừa rời Việt Nam về Mỹ). Nếu tôi đến đúng hẹn thì chắc tôi đã có mặt tại hành lang lúc vụ nổ xảy ra (và tính mệnh chưa biết sẽ ra sao). Qua máy bộ đàm trên ô tô tôi được tin về vụ nổ, lúc đó tôi chỉ còn ở cách sứ quán hai khối nhà” (NXB Trẻ, TP. HCM 1988).

Khoảng hai tuần (sau ngày Toà đại sứ Mỹ bị tấn công), vào 15.4.1965: “lực lượng không quân Mỹ và Nam Việt Nam đã tiến hành đợt không kích lớn nhất từ trước đến nay ở miền Nam Việt Nam, ném hơn 1000 tấn bom Napalm xuống tỉnh Tây Ninh (là nơi Mỹ coi là sào huyệt của lực lượng kháng chiến Nam Việt Nam và là khu vực “ném bom tự do”), giết chết hàng trăm dân thường vô tội, đốt cháy hàng trăm hecta rừng. Trận ném bom được thực hiện ngay sau khi tổng thống Mỹ Johnson cam kết tăng cường lực lượng quân sự Mỹ cho cuộc chiến tranh Việt Nam nhằm buộc Việt Nam phải tham gia “đàm phán hoà bình” theo các điều kiện của Mỹ”. Nhưng một lần nữa, cảm tử quân cộng sản Việt Nam lại xuất hiện trên đường phố Sài Gòn, họ hành động (thay lời nói) để phủ nhận các điều kiện của Mỹ đưa ra, bằng một loạt các trận đánh mới mà tướng Westmoreland ví von là đã bùng lên từ “những bóng ma”…
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 23:
Tướng Nguyễn Chánh Thi “đảo chánh” và “chống đảo chánh” ra sao?

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEge4EkP7YMRj46yiKMIKVYT1X8fjO8DJVxEmzQRXFD_5KBP6P9nXZUL62gm_l8ZkieLcKfbhefR8w1VWLyt-Lr3HuhZJQmsfdrwWDpXM-MNf1YUtaidU_7jkTHuNFJ84yvh38YFVTl77KXsEJDK-YzktfNES_rEXUfWEzeJ-W2oJKPijSUXJRbTxfk9ay3V/w640-h588/0-3.PNG


Tới nay, tướng Nguyễn Chánh Thi vẫn được nhắc đến như một chuyên gia “đảo chánh” và “chống đảo chánh” lão luyện trong hàng tướng lãnh Việt Nam Cộng hoà…

Nói đến “chống đảo chánh” trước.
Lúc lực lượng quân đội của cựu thiếu tướng Lâm Văn Phát và đại tá Phạm Ngọc Thảo nổi dậy làm chủ Sài Gòn chiều 19.2.1965 (xem Kỳ 21) - các tướng lãnh (của Hội đồng Quân lực) cùng đại diện công quyền (của Hội đồng Quốc gia lập pháp) và đại biểu chính phủ (của thủ tướng Phan Huy Quát) đã lánh về Biên Hoà đồng thuận đưa tướng Nguyễn Chánh Thi lên làm Tư lệnh Quân đoàn giải phóng thủ đô (Sài Gòn) trong phiên họp toàn thể hôm 20.2.1965.

Ngay đêm ấy, tướng Thi điều động các đơn vị biệt động quân, thiết giáp, thuỷ quân lục chiến, nhảy dù, phối hợp với trung đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 7 đóng tại Long An kéo về Sài Gòn. Bộ tham mưu lưu động của tướng Thi mở đợt “bôn tập” với tốc độ hành quân “gió lốc” đã nhanh chóng lật ngược thế cờ. Họ không phải dùng đến sức mạnh của không quân nên tránh được cho Sài Gòn khỏi “bị dội bom” như tướng Nguyễn Cao Kỳ đe doạ (xem Kỳ 21) và lần lượt đưa quân tái chiếm, thu hồi trại Lê Văn Duyệt, đài Phát thanh, bến Bạch Đằng và sân bay Tân Sơn Nhất, cùng các căn cứ quân sự và cơ sở hành chánh bị mất trước đó vào tay tướng Phát và đại tá Thảo.

Điều hiếm thấy là, phe “chống đảo chánh” thành công đã tức khắc mở ra cuộc “đảo chánh mới” giữa lòng Sài Gòn. Mục đích: nhằm lật đổ nguyên thủ tướng, tổng tư lệnh quân đội: đại tướng Nguyễn Khánh. Đại tướng Khánh bị các tướng lãnh ghép “nhiều tội”, trong đó theo tướng Thi nguy hiểm nhất là tội đã “gây chia rẽ tôn giáo và lũng đoạn quân đội”.

Tướng Nguyễn Cao Kỳ đồng ý gạt Khánh, lấy người khác thay vị trí tổng tư lệnh quân đội, với đòi hỏi “sự thay đổi đó phải được thực hiện trên căn bản pháp lý” (để tránh tai tiếng).

Bằng cách nào?
Kỳ đề nghị: “rước bác sĩ Sửu (Quốc trưởng Phan Khắc Sửu - GH) ở Thượng hội đồng quốc gia đến để thảo ra một sắc lệnh cho phép thực hiện” (hồi ký Nguyễn Cao Kỳ, sđd Kỳ 21, tr. 40).

Được, nhưng chậm lắm. Bởi:

Trong lúc tìm cánh cửa hợp pháp để đẩy Khánh ra đi theo cách của Kỳ nói, sợ Khánh có thể lợi dụng “khoảng giữa” của thời gian còn lại để sẽ “đảo chánh” ngược. Hãy nhớ, Khánh đầy kinh nghiệm qua 7 lần đảo chánh và tác động thay đổi lãnh đạo quốc gia chỉ trong 1 năm (1964). Cần phải hành động nhanh hơn, không để Khánh kịp trở tay, bằng giải pháp: uỷ nhiệm Tư lệnh Quân đoàn giải phóng thủ đô Nguyễn Chánh Thi đến gặp Quốc trưởng Phan Khắc Sửu tối 21.2.1965 để yêu cầu ký ngay sắc lệnh giải nhiệm tướng Khánh (và đưa trung tướng Trần Văn Minh lên thay theo chỉ định của các tướng lãnh đang chủ trương: “đảo chánh không tiếng súng”).

Nguyễn Chánh Thi kể (qua hồi ký: Việt Nam - một trời tâm sự, NXB Xuân Thu, California 1987, tr. 294-295) là khi ông đến gặp Quốc trưởng Phan Khắc Sửu để trình bày (uy hiếp?- GH) đã thấy thủ tướng Phan Huy Quát và phó thủ tướng thứ nhất Nguyễn Văn Thiệu (tổng thống VNCH sau này) có mặt sẵn ở đó. Nghe Thi nói xong, Phan Khắc Sửu nhìn sang hai ông Quát và Thiệu hỏi ý kiến. Cả hai ông ấy đồng ý ký sắc lệnh “truất phế” Khánh. Tuy vậy ông Sửu vẫn chần chừ: “Nếu được, nên để đến ngày mai vì tôi muốn cân nhắc lại và cũng cần hỏi thêm một vài người nữa”.

Nguyễn Chánh Thi không chịu, thúc tới: “Quốc trưởng phải có quyết định ngay, để ông Quát và ông Thiệu (có mặt ở đây) cùng ký với Quốc trưởng luôn thể”.

Ông Sửu “bấm trán một lúc rồi thuận theo”. Thế là sắc lệnh “giải nhiệm Nguyễn Khánh” đã ký xong và lập tức đưa đến đài phát thanh loan báo ngay. Nghe bản tin, Khánh bàng hoàng và cay đắng phổ biến một công điện nêu rõ: “một vài tướng lãnh tiếp tục đảo chánh theo cuộc đảo chánh vừa mới dẹp yên hôm nay” (ý nói cuộc “chống đảo chánh” đã biến tướng thành “đảo chánh Khánh” do Nguyễn Chánh Thi và Nguyễn Cao Kỳ khởi xướng).

Và rồi, khi tướng Khánh đã phải rời Việt Nam, lưu vong với danh nghĩa “đại sứ lưu động”, cuộc “đảo chánh không tiếng súng” đạt đến thành công trọn vẹn với tuyên bố từ chức của thủ tướng Quát và quốc trưởng Sửu sau đó vài ba tháng (11.6.1965), mở đường đưa trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch Uỷ ban lãnh đạo quốc gia và thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Uỷ ban hành pháp trung ương (14.6.1965). Chuyến “thăng hoa” của hai tướng Thiệu - Kỳ kéo theo một loạt các tướng tá cùng phe cánh của họ tăng thêm quyền lực.

Nhưng ngược lại, số phận của các tướng lãnh không “chung đường” với họ thì sao?. Thử nêu hai trường hợp:

1. Sau thất bại, những sĩ quan tham gia cuộc chính biến 19.2 bị Toà án Quân sự Mặt trận vùng III chiến thuật xét xử (7.5.1965) tuyên án tử hình vắng mặt: Phạm Ngọc Thảo, Lâm Văn Phát (như đã viết ở các kỳ trước) và Nguyễn Kim Báu - cùng 40 người khác với: “13 án khổ sai, 16 án tù ở, 6 án tù treo, tha bổng 5 bị cáo” (Phan Đăng Thanh - Trương Thị Hoà - sđd Kỳ 20, tr. 117). Nguyễn Cao Kỳ viết, Thảo và Phát cùng đại tá Robert Rowland, cố vấn Mỹ cạnh không quân VNCH bay tới Biên Hoà gặp Kỳ thương lượng trong giờ tướng Thi xuất quân - nhưng đã trễ. Về sau Thảo và Phát “bỏ trốn trong các làng Công giáo khoảng 2 năm (…) sau đó Thảo bị giết chết theo lệnh của tướng Thiệu (…) khi tôi lên làm thủ tướng tôi đã ra lệnh ân xá đưa Phát ra khỏi nơi ẩn trốn - suốt trong mấy tuần cuối trước khi Sài Gòn sụp đổ (30.4.1975), Phát thường hay đến nhà tôi, tỏ ý muốn cộng tác với tôi để lật đổ Thiệu - theo tôi biết thì Phát vẫn còn ở Sài Gòn sau 30.4…” (Nguyễn Cao Kỳ - sđd tr. 41).

Lâm Văn Phát có thân phụ là cụ Lâm Văn Phận, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, từng làm Chủ tịch Uỷ ban Liên Việt tỉnh Cần Thơ thời kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc năm 1954. Tướng Phát ở lại gia nhập quân đội VNCH, bị cách chức và sống âm thầm suốt 10 năm sau chính biến 19.2 (1965-1975), được tổng thống Dương Văn Minh phục hồi và thăng trung tướng, giao làm Tư lệnh Biệt khu thủ đô ngày 29.4.1975. Ông bắt tay củng cố lực lượng quân đội còn lại với mong muốn “cố thủ để tìm đường đàm phán” nhưng rốt cuộc đành buông súng sau quyết định đầu hàng của tướng Minh và phải đi học tập cải tạo hơn 10 năm. Khi được trả tự do, ông qua Mỹ định cư tại Cali và mất ở đó năm 78 tuổi (1998) sau một cuộc đời thăng trầm, chìm nổi, với 4 lần tham gia đảo chánh, bị kết án tử hình vắng mặt và được ân xá, được lên chức, rồi cuối cùng vẫn bị vướng vào vòng lao lý, tha hương…

2. Nguyễn Chánh Thi, một tuần sau ngày dẹp yên chính biến, đã từ chối tham chính để rời Sài Gòn quay về ngoài Trung, tiếp tục làm Tư lệnh Quân đoàn I, kiêm Tư lệnh vùng I chiến thuật, đóng ở Đà Nẵng và thường ghé thăm Huế (Nguyễn Chánh Thi sinh tại Thừa Thiên - Huế 23.2.1923).

Những lần đến Huế, ông không khỏi có dịp nhắc đến buổi nói chuyện lần đầu (và duy nhất) với Ngô Đình Cẩn (em ruột của tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu) đầu năm 1960 - lúc ông Cẩn đang trên đỉnh cao quyền lực. Còn tướng Thi (lúc ấy) đang là đại tá tư lệnh Lữ đoàn dù “anh cả đỏ” đóng tại Sài Gòn. Ngô Đình Cẩn điện vào triệu tập ông Thi ra Huế. Hai bên gặp nhau ở dinh Phú Cam. Giữa câu chuyện, ông Cẩn đang nhai trầu bỏm bẻm, đột nhiên ngước lên nhìn Thi hỏi:

- Đại tá có muốn tôi trình với tổng thống móc sao tướng cho đại tá không?

Ông Thi lịch sự cám ơn và nói một câu chắc hẳn đã làm Ngô Đình Cẩn bất ngờ: “Thật ra đối với cá nhân tôi, cấp bậc không phải là điều quan trọng”….

Về lại Sài Gòn, vài hôm sau đang chào cờ buổi sáng, sĩ quan trực của Nguyễn Chánh Thi đến khẩn báo: “Nha An ninh quân đội có lệnh mời đại tá đến văn phòng của Nha ngay bây giờ”.

Nguyễn Chánh Thi lấy xe phóng đi, tới nơi thấy đại tá giám đốc Đỗ Mậu đang ngồi chờ. Đỗ Mậu lẳng lặng chìa công văn của Phủ tổng thống gởi Nha An ninh quân đội (và Bộ Tư lệnh Quân khu thủ đô) có đóng dấu “mật” và “tối khẩn” chỉ thị phải gấp rút điều tra đại tá tư lệnh Lữ đoàn dù Nguyễn Chánh Thi về “những hoạt động có hại cho quốc gia”!

Rời Nha An ninh quân đội, biết tình thế thúc bách, gấp gáp lắm, ông Thi bàn rút ngắn kế hoạch đảo chánh tổng thống Diệm với nhóm sĩ quan đối kháng nhà Ngô như trung tá Vương Văn Đông, thiếu tá Nguyễn Triệu Hồng, đại uý Phan Lạc Tuyên… Để không lâu sau, ngày 11.11.1960 - tướng Thi đã quyết định kéo Lữ đoàn dù, kết hợp với các đơn vị thiết giáp và bộ binh nổ súng tấn công dinh Độc Lập. Tiếng súng đánh thức giám đốc CIA William Colby đang ngủ với vợ con ở ngôi nhà gần đó phải choàng dậy lúc nửa đêm về sáng…
15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 19 trang (185 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [16] [17] [18] [19]