Trang trong tổng số 15 trang (144 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

chao chang

BIỂN VÀ EM-Viết bởi Thuyền Thu

Hoàng hôn buông ánh vàng bên biển biếc
Em dịu dàng gót nhỏ đỏ kiêu sa
Tóc mây bay vờn gió với trăng ngà
Làn áo mỏng,cánh môi mềm..thương lạ!


Em là gió là mây là khúc hạ
Là hương hoa thơm ngát rủ xuân nồng
Là tinh tú bầu trời đêm hương động
Là mặt trời tỏa nắng gọi yêu thương


Em yêu anh mắt hồn nhiên mơ mộng
Đêm thì thầm hò hẹn những đam mê
Biển nhấp nhô níu đuổi ánh trăng thề
ta trong nhau mùa căng phồng khao khát...

Thuyền Thu



Cảm nhận từ: Nguyễn Bá Hòa

Anh sang nhà Thuyền Thu đọc "Biển và Em" em viết hay lắm .Đến với "Biển và Em" người đọc cảm thấy lòng mình thật nhẹ nhàng và như chính mình đang sống với một tình yêu đầy lãng mạn .

"Hoàng hôn buông ánh vàng bên biển biếc
Em dịu dàng gót nhỏ đỏ kiêu sa
Tóc mây bay vờn gió với trăng ngà
Làn áo mỏng,cánh môi mềm..thương lạ!"

Cái ánh hoàng hôn của mọi ngày nay trước em bỗng như bừng sắc lạ.Em thật nhẹ nhàng bên như cơn gió biển quê hương.Ta ngỡ trong mơ thèm làm cơn gió, vuốt đùa lên suối tóc em dài .Có phải chăng áng mây hồng sắc thắm,bồng bềnh trôi ghen với tóc em mềm . Một trái tim đang rộn ràng nhịp yêu khao khát, bờ môi xinh mềm ấm áp em mơ màng .Có phải chăng lòng em đang nhớ , đang hẹn chờ người ấy yêu thương .

"Em là gió là mây là khúc hạ
Là hương hoa thơm ngát rủ xuân nồng
Là tinh tú bầu trời đêm hương động
Là mặt trời tỏa nắng gọi yêu thương"

Em cô gái trong bài thơ thật đẹp và trẻ trung như mầm xuân nhú . Em là lá hoa thơm ngát hương đời. Em như trời xanh và gió thoảng mây bay,là tất cả những gì bình dị nhất . Em đã tới mang tình yêu đích thực , bỗng lạ đẹp diệu kỳ như lạc bước cõi thần tiên .

"Em yêu anh mắt hồn nhiên mơ mộng
Đêm thì thầm hò hẹn những đam mê
Biển nhấp nhô níu đuổi ánh trăng thề
ta trong nhau mùa căng phồng khao khát..."

Đọc bài thơ đến đây trong đầu ta nghĩ đến  một đôi mắt nai tơ đang mơ mộng hồn nhiên. Một trái tim "em" dành về anh hết tất cả những yêu thương cháy bỏng nhất .Anh yêu ơi tình anh chăng có biết, những niềm thương nhung nhớ đêm về .Lời nào thì thầm rót tặng những đam mê .Cho khao khát đầy tim em mong nhớ .Hỡi biển rộng như lòng em sóng nổi .Ánh trăng ơi hỏi người có còn nhớ câu thề .

Em thật nhẹ nhàng mỏng manh như tà áo lụa gió nâng bay .Gót son nhỏ em lướt đi trên bãi cát trắng mịn màng.Sóng có biết điều gì em đang khao khát. Nhớ mãi về anh cả ngày nắng ngày mưa và  suốt cả những đêm dài .

Anh sang nhà Thuyền Thu được đọc thơ em viết rất hay! làm lòng  anh nhẹ nhàng quá như đang bay lãng đãng tựa cơn gió mát.Thả hồn trôi bay trên sông theo con sóng hát.Nơi đó ngày xưa cùng ai trên cát in dấu chân.Để kéo yêu thương hoài niệm cũ nay về gần. Để ta biết đời còn rất nhiều điều tốt đẹp . Tim ta bỗng như rộng mở qua lối mòn quá hẹp. Để được ôm trọn cuộc đời  ấm áp tình nhân ái bao la .

Anh xin chúc Thuyền Thu luôn vui khỏe và sáng tác được thêm nhiều bài thơ hay nữa nhé !
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chao chang

ĐI HỨNG BÃO -Viết bởi: Nguyễn Đăng Thuyết

Hai kẻ điên đầu trần hứng bão
Gió từng hồi bầm tím ruột gan
Gầm trời bòn mót đa đoan
Lỡ ăn cái bả...sóng tràn Đồ Sơn

Anh vào mắt bão từng cơn
Em ra Hòn Dáu thả hờn biển sâu
Tình chiều vật vã canh thâu
Trần lưng hứng bão gột câu thơ buồn

Cầu Rào bến động mưa tuôn
Cấm cầu sông Cấm gió luồn cửa kinh
Bão cuồng tái ngọn bình minh
An Dương gió cuốn bóng hình quặn đau

Sóng xô day dứt thân tầu
Cát Bà thổn thức thuyền câu chòng chành
Em về hứng bão cùng anh
Câu thơ đắp chiếu...biển xanh ậm ờ...


Đồ Sơn:7-7-2012


Cảm nhận từ Nguyễn Bá Hoà

http://www.youtube.com/watch?v=RaeP6AaZn-A

"ĐI HỨNG BÃO" Khi đọc bài thơ này ta như có cái gì như quen như lạ.Có lẽ nào một đôi trai gái đang đứng trên mũi tầu và dang tay ra đón bão mưa gió bão bùng.Hay thật giống với hình ảnh đôi trai gái trên con tầu Tiatnic và bản nhạc lời bài hát ( My Heart Will Go On )  thật hay thiết tha đang vang lên thật ngọt ngào trước những giông tố sắp sảy ra và như định mệnh và sự say đắm của tình yêu .


"Hai kẻ điên đầu trần hứng bão
Gió từng hồi bầm tím ruột gan
Gầm trời bòn mót đa đoan
Lỡ ăn cái bả...sóng tràn Đồ Sơn"

Ai có cùng sống trong những phút giây thăng hoa của cảm xúc tình yêu của cái nửa mà ta bỗng tìm thấy trong đời dành cho và từ đó hai kẻ tìm điên trong điệu vũ khúc đắm say đến quên đất quên cả trời .Chẳng có gì ngăn trở tình nhau,không cơn gió lạnh nào quật ngã được hai trái tim đang yêu cháy bỏng.Tác giả cho ta thấy cái vất vả kiếm tìm về nhau , bằng cái đa đoan khát khao mong ước có nhau.Hay người đã chót say cái bả tình nhau rồi đây và bão lòng đang nổi sóng cuồng dâng cao vút nhấn chìm luôn bao khao khát và khổ đau .

"Anh vào mắt bão từng cơn
Em ra Hòn Dáu thả hờn biển sâu
Tình chiều vật vã canh thâu
Trần lưng hứng bão gột câu thơ buồn"

Ta thường sợ những cơn bão tố, người trải đời biết mắt bão rất bình yên .Để em thả nỗi hờn giận làm duyên bởi cái biển rộng và sâu lắm có biết đổ bao nhiêu củng chả đáng gì,cùng chung hưởng cái tình chiều vật vã .Có cơn bão nào sánh bằng cơn bão tình đây và có câu thơ nào nói hết được tình người dành cho nhau đây nên câu thơ mãi buồn để nhớ mà thương.

Anh muốn cùng em đi khắp biển trời , cho nơi đâu cũng ắp đầy kỷ niệm.Chẳng có gì có thể ngăn cản cơn bão tố tình mình đang trào dâng như nắng như gió , như thủy triều lên xuống mỗi ngày.Anh mãi như con thuyền còn em như con sóng biếc mãi xô thuyền hôn mãi chẳng ngừng yêu .

Em sang thăm nhà và đọc thơ cùng xin chúc mừng Anh Nguyễn Đăng Thuyết với bài thơ tình hay quá ! và em xin vương vài dòng cảm nhận .Xin chúc anh luôn khỏe và vui nhiều cùng sáng tác thêm nhiều bài thơ hay nữa !
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chao chang

viết bởi: ĐĂNG THUYẾT

SỜ PHẬT CẦU MAY

Em đi
sờ Phật cầu may
Bụi trần lấm láp...
gió lay động chùa

Mõ chiều
lấp lửng đong đưa
Xẻ đôi vạt áo
em vừa mới khâu

Non cao
mây trắng bạc đầu
Gập ghềnh dốc đá
miệng câu di đà...

Dòng người
khắp chốn gần xa
Tím xanh Phật Ngọc
món quà Trời ban

Dẫu rằng!
Chân có muộn màng
Quết tay bụng Phật
xốn xang...cõi lòng

Nguyễn Đăng Thuyết



Cảm nhận từ: Nguyễn Bá Hòa

"SỜ PHẬT CẦU MAY"

Khi đọc bài thơ lục bát "SỜ PHẬT CẦU MAY" của nhà thơ Nguyễn Đăng Thuyết ta cảm thấy thật hay và mượt mà sâu lắng.
Nơi đây với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng đèo cao dốc núi.
Nơi mà đấng tối cao Trời ,Phật,chùa thanh tịnh nghiêm trang.
Nơi đây thường làm người ta có cảm giác lành lạnh nơi chốn linh thiêng.
Nhưng trong thơ tác giả thật tài tình luôn cho ta thấy "người Em " và mọi người đi lễ chùa thăm Phật như đang rất vui.

"Em đi
sờ Phật cầu may
Bụi trần lấm láp...
gió lay động chùa "

Sao không là hình ảnh em chắp tay cầu khấn Phật
Mà lại là "sờ Phật cầu may".
Cả cái bụi trần trong thơ anh cũng thật lấp lửng.
Gió cũng lạ sao không là lay động cành lá trên cây cao kia mà lại là lay động cả chùa.
Có phải chăng em trong bài thơ này đẹp lắm mà siêu lòng người và Tượng Phật vốn lặng im .

"Mõ chiều
lấp lửng đong đưa
Xẻ đôi vạt áo
em vừa mới khâu"

Cái tiếng mõ mọi khi cứ đều đều nhấp nhịp đường kinh .
Mà sao nay cũng như hư mà đổi thaylạ khác cứ "Đong đưa lấp lửng" .
Tiếng mõ vang vang vào chiều phải đâu là dao sắc
Mà lại đong đưa vào chiều xẻ đôi vạt áo thanh tân .

"Non cao
mây trắng bạc đầu
Gập ghềnh dốc đá
miệng câu di đà...

Dòng người
khắp chốn gần xa
Tím xanh Phật Ngọc
món quà Trời ban

Dẫu rằng!
Chân có muộn màng
Quết tay bụng Phật
xốn xang...cõi lòng

Phật Thật gần gũi trong đức tin của mọi người .
Đoàn người cứ đi vượt qua bao khó khăn gian lao vất vả hành hương tìm về với đất Phật với cao cả đức tin .

Em sang thăm Anh và chúc mừng anh với bài thơ "SỜ PHẬT CẦU MAY" thật là rất hay !
Xin chúc Anh luôn khỏe và vui thật nhiều anh nhé!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chao chang

NẾU ...Viết bởi NGUYỄN LÂM CẨN

Nếu bị nhốt vào mắt em
Anh tự nguyện ôm cây đàn xẩm chợ
Hát bài ca mắc nợ
Ánh sáng mượn vay của kẻ mù tình

Nếu bị nhốt vào tim em
Anh sẽ ngủ yên
Đừng đánh thức khi anh còn mơ mộng
Anh được chết khi đang tìm sự sống
Sau ngực em khao khát kiếm tìm

Hoang vu cô đơn bịt lối
Đi hoang hoải một mình trong bóng tối
Nếu em nhốt mãi ban ngày
Anh sẽ cất đêm thành rượu để mà say.

Hà Nội 14-7-2012
Nguyễn Lâm Cẩn



Cảm nhận từ: Nguyễn Bá Hòa

Xin chúc mừng nhà thơ nhà giáo Nguyễn Lâm Cẩn với bài thơ tình thật lãng mạn.
Lâu nay chúng ta thường biết tới nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn với những bài thơ thế sự với đầy những nỗi đau vò xé trong tâm trạng con người . Của những đêm dài trằn trọc day dứt không ngủ . Những lời đắng cay từ trong tâm khảm mà không dễ gì thốt lên được ....Nhưng hôm nay đây Ta biết tới Anh qua bài thơ tình với trái tim yêu cháy bỏng .

"NẾU" cái tít thật ngỡ ngàng và rộng theo lối mở .Một tình yêu phải chăng luôn mở rộng để đóng nhận từ "Em" người mà Anh thương .

"Nếu bị nhốt vào mắt em
Anh tự nguyện ôm cây đàn xẩm chợ
Hát bài ca mắc nợ
Ánh sáng mượn vay của kẻ mù tình"

Dù chỉ là thì tương lai hay giả định,anh tự nguyện dù bị giam cầm cầm tù trong đôi mắt em,xin tự nguyện là kẻ say tình.Anh hát mãi ngợi ca tình yêu ấy dành cho nàng giữa chợ đời như khoe đời với bàn dân thiên hạ niềm hạnh phúc của lòng mình.

"Nếu bị nhốt vào tim em
Anh sẽ ngủ yên
Đừng đánh thức khi anh còn mơ mộng
Anh được chết khi đang tìm sự sống
Sau ngực em khao khát kiếm tìm"

"Nếu" một lần nữa nhà thơ cho ta thấy một tình yêu thật lãng mạn.Anh xin ngủ yên trong tim người con gái như một niềm hạnh phúc cao cả .Bởi trái tim cô gái đã có phần dành cho anh đó.Ôm niềm hạnh phúc đang trào dâng anh mong sao đây mãi là sự thật.Xin đừng nhé xin đừng đánh thức, bởi giấc mộng rồi chỉ là mơ thôi.
Có lẽ nào anh anh mong được chết trong niềm hạnh phúc.Hãy ngủ yên trong lồng ngực em yêu một nửa của yêu thương một nửa đời nhau mà anh khao khát kiếm tìm.

"Hoang vu cô đơn bịt lối
Đi hoang hoải một mình trong bóng tối
Nếu em nhốt mãi ban ngày
Anh sẽ cất đêm thành rượu để mà say."

Mà tình em như nguồn anh sáng của cuộc đời. Anh đã tìm thấy nới cuối con đường hầm .Niềm hạnh phúc khi ta ngộ ra và tìm thấy ,như ánh sáng ban ngày rạng rỡ.Mà nếu em nhốt cả ban ngày Thì "Anh sẽ cất đêm thành rượu để mà say." Câu kết này thật hay và lãng mạn.

Xin chúc mừng nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn với bài thơ tình hay và lãng mạn . xin chúc anh luôn khỏe và vui thật nhiều Ạ !
NBH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

http://i836.photobucket.com/albums/zz289/mit55/12_438535486-1.jpg


Chạng vạng cuộc đời, “Chạng vạng...” thơ



         Cách đây mấy năm tôi gặp tác giả Phạm Ngọc San ở Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, số 9, Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Ông giới thiệu với tôi đã từng tham gia quân đội, vào chiến trường miền Nam. Người gầy, ốm yếu do vết thương và di chứng chiến tranh để lại, song ông có nghị lực phi thường, hằng ngày làm thơ và vẽ, ngay cả khi trên giường bệnh. Các sáng tác thơ của ông đã được tập hợp in trong các tập “Vầng trăng trong mưa” (NXB Mỹ thuật, 2002), “Hoàng hôn không yên lặng” (NXB Văn học, 2008). Mới đây nhất, ông ra mắt tập thơ “Chạng vạng hoa đèn” (NXB Hội Nhà văn, 2011) gồm 54 bài, chủ yếu ông làm trong thời gian điều trị tại bệnh viện và giữa hai cơn đau.

         Tôi nhớ có lần đã trao đổi với ông về một chữ trong bài thơ “Nhớ Tây bắc”. Bài thơ hay, song câu “Heo may xao xác hàng cây/Thu đi không để dấu giày thời gian”, tôi đề nghị thay chữ “giày” bằng “gầy”. Theo tôi, chữ “gầy” làm cho câu thơ thanh thoát hơn, thể hiện được phong cảnh đang miêu tả, ngữ cảnh của bài thơ; đồng thời nói được bước thời gian rất nhẹ, không để dấu vết mà vẫn hằn lên cuộc đời. Phạm Ngọc San tâm đắc với góp ý trên và bảo, thế hệ làm thơ chúng tôi vẫn còn tư duy cụ thể lắm. Ông hơn tôi hai giáp tuổi, đã là khoảng cách một thế hệ, song điều đó không quan trọng, mục tiêu là có thơ hay.

         Cầm trên tay tập thơ “Chạng vạng hoa đèn” ông tặng, tôi nhận thấy niềm yêu thơ của Phạm Ngọc San sâu sắc và thủy chung nhường nào. Nhà thơ Phùng Quán từng viết “Có những lúc ngã lòng/tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Còn Phạm Ngọc San vịn vào câu thơ để chống chọi với bệnh tật. Vì thế, thơ của ông chân thật, tâm sáng, hồn hậu. Khi ở buổi chạng vạng cuộc đời, ông suy nghĩ về con đường đã qua, những bon chen được, mất; những giá trị thật ảo. Trải qua những biến đổi thăng trầm, cuối cùng con người ta cũng trở về nơi cần đến, cái bến cuối vĩnh hằng. Vậy thì khi sống làm sao để mỗi ngày thật ý nghĩa, bao dung, nhân ái, “người với người sống để yêu nhau”.

         Thực tại là nguồn cảm hứng sáng tác thơ của Phạm Ngọc San, dù đó là thực tại nghiệt ngã. Ông có cái nhìn về sự yên bình trong so sánh giữa thời chiến tranh bom đạn và hòa bình: “Thuở bom đạn dội sớm trưa/Bình yên nhẹ giấc võng đưa ấm lòng/Bây giờ gió rít đồng không/Nghe như đạn réo bom rung chiến trường” (Yên bình). Đất nước hòa bình, nhưng chiến tranh chưa đi qua người lính, nó nằm trong những vết thương trên cơ thể và hằn trong ký ức con người. Phạm Ngọc San là thương binh nên ông mong: “Đồng xanh, bến nước thân thương/Gió đừng rít để quê hương yên bình”. Trái gió trở giời làm vết thương tái phát, lúc ấy người ta mới cảm nhận được chiến tranh khốc liệt thế nào. Nhà thơ Trần Nhuận Minh cũng từng đề cập  đến chiến tranh trong ngày hòa bình qua “Chị Hai Vui”. Bài thơ khiến mọi người xúc động, cảm thông sâu sắc khi người phụ nữ thường phải chịu đựng những trận đòn của chồng - người thương binh bị tâm thần gây nên khi mỗi lần trái gió, trở giời. Còn Phạm Ngọc San viết về nỗi đau, những vết thương chiến tranh hành hạ của những người đã từng đi qua cuộc chiến tranh, nay sống trong hòa bình.

         Cũng mạch đề tài thương binh, trong bài “Khúc giao mùa”, Phạm Ngọc San viết những câu thơ làm xúc động người đọc: “Lối đi, lạc lối/Vấp vào ngày xanh/Lối về-quên nhớ/Sương muối mặn cành”. Tôi rưng rưng trong lòng khi đọc từng chữ, từng câu của Phạm Ngọc San viết về chiến tranh, như trong những bài “Hội nhập sẹo”, “Dấu lặng trên khuông nhạc”, “Rừng xanh một thuở”... Ông viết về chiến tranh thông qua người mẹ cụ thể của mình và cũng là của những người mẹ Việt Nam: “Chiến tranh mấy cuộc kéo dài/Gồng vai thay bố nơi ngoài chiến khu/Tay kim chỉ, miệng hát ru/Khêu đèn lụi bấc, trăng lu tảo tần” (Con dâng mẹ bát chè xanh).   

         Thơ viết ở buổi chạng vạng cuộc đời, nên Phạm Ngọc San có nhiều tâm sự. Ông nhìn lại hành trình sống, đã hoàn thành nhiệm vụ với trách nhiệm công dân đối với gia đình, xã hội. Ông căn dặn từ vợ đến con trai, con gái “giấy rách phải giữ lấy lề”. Phạm Ngọc San trăn trở với những biến đổi làm mất đi vẻ đẹp văn hóa làng quê đã bao đời, từng gắn bó với bao người:  “Nắng tãi bê tông nhòa mặt ngõ/Đồng xanh dự án khói bâng khuâng/Tìm đâu giếng nước, cây đa cổ/Ấm bụi tre làng lúc bão giông” (Phố làng). Vật đổi sao dời theo thời gian âu cũng là quy luật, song sự biến đổi lòng người mới là sự trăn trở nhất, ông phải thốt lên: “Phù vân giăng lối đỏ xanh/Phía sau xanh đỏ mong manh kiếp người” (Mong manh).

         Phạm Ngọc San làm thơ lúc hoàng hôn cuộc đời, song không vì thế mà thơ ông thiếu đi sự lãng mạn. Trái tim nhạy cảm, đa cảm của ông mở ra nhiều hướng, thấm những giọt sương mai và đón ngọn gió xuân vào lòng. Ông bồi hồi khi thời khắc chuyển mùa, xao động trước heo may thu về. Những bài thơ Gọi mùa, Khúc mưa, Nụ hôn mưa trái mùa, Giọt nắng, Khúc hát dòng sông, Mùa thu tới, Nét thu quê... đậm chất trữ tình, nhẹ nhàng và sâu lắng. Đây là những câu thơ hay: “Rượu quê/một chén mơ màng/Về đi/trăng ủ tàng tàng men quê” (Đường heo may). “Nhấp nháy trong đêm sao ngà say/La đà sợ lạc mây ngại bay/Đáy chén lung linh, ôi bóng bạn/Uống bạn hay là uống bóng mây” (Đối ẩm)...

         Phạm Ngọc San làm thơ để giãi bày lòng mình, nên câu thơ mộc mạc, chân chất, dường như không dụng kỹ thuật, ít được trau chuốt. Những bài thơ trong “Chạng vạng hoa đèn” chủ yếu viết trên giường bệnh, cho thấy tình yêu thơ và nghị lực chiến thắng bệnh tật của ông, thật trân trọng.

10-6-2012
Nguyễn Đình Xuân
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chao chang

BUỒN THU

Thu
Thu…

Ngước lên
Ừ nhỉ !
Sương mù đang rơi
Tiếng gì trong chốn xa xôi
Lắng nghe…
Ngỗng gọi lưng trời ngàn xưa
Mây dồn khuất ánh sao thưa
Mèo hoang tìm bạn như vừa mới kêu
Trăng mờ trong đám rong rêu
Gió đưa mặt nước lêu bêu cánh bèo

Cạn mình
Một chén
Vắng teo…!
Thơ khem khép chữ lèo tèo mấy câu
Ai giờ tận đẩu đầu đâu
Hình như lá ở trong đầu còn rơi

Gọi thầm thôi
Gọi thầm ơi…
Tiếng thu gió thoảng bay rồi…
Ai nghe ?
NGUYỄN LÂM CẨN

Cảm nhận từ: Nguyễn Bá Hòa


"BUỒN THU"

Mùa Thu đã về đến đây đâu nhỉ ? nhưng Mùa Thu thường đem lại nhiều cảm xúc thăng hoa trong lòng người nghệ sĩ. Bao nhiêu tứ thơ cùng tình yêu đôi lứa có trong mùa thu vàng lóng lánh và cái se se lạnh gió chuyển mùa gợi cho ta bao nhớ thương xưa. Bao hoài niệm về những mùa qua Cứ ùa theo tiếng thu còn xa mà nay đã vang trong lòng ta đó .

Đọc "Thu Buồn " của Nguyễn Lâm Cẩn ta đâu có thấy buồn đâu chứ .Ta chỉ thấy tâm hồn nhà thơ với góc nhìn đầy trải nghiệm sâu sắc . Tình yêu Mùa thu được mưu tả trong thơ thật bao la trong cao và sống động.

Thu
Thu…

Ngước lên
Ừ nhỉ !
Sương mù đang rơi
Tiếng gì trong chốn xa xôi
Lắng nghe…
Ngỗng gọi lưng trời ngàn xưa
Mây dồn khuất ánh sao thưa
Mèo hoang tìm bạn như vừa mới kêu
Trăng mờ trong đám rong rêu
Gió đưa mặt nước lêu bêu cánh bèo

Tác giả thật sảng khoái ngước nhìn trời thu xanh trong cao và hít những hơi thơ sâu đầy trong lồng ngực và tác giả thốt lên :THU...THU, như đón chào một người thân quen trở về vậy. Thu về và trải qua với từng thời khắc của thời gian và không gian .Để lắng nghe .. tiếng thu từ xa vọng lại tiếng đàn ngỗng kêu vọng lại cứ rõ dần như chúng đang cõng mùa thu về tới. Hay là phải chăng những cánh chim Lạc Việt thủa ngàn xưa vẫn còn cõng mang vác còn nhiều trăn trở .

Đêm thu buồn vì "mây khuất ánh sao thưa"
"Mèo hoang tìm bạn như vừa mới kêu
Trăng mờ trong đám rong rêu
Gió đưa mặt nước lêu bêu cánh bèo"

Thật là tiếc vì bầu trời đem trăng sao nay chẳng được sáng tỏ rồi thú đi hoang thảm thiết gầm gào, cảnh cánh bèo cũng chìm nổi lêu bêu.

Thu trong lòng tác giả nay về rất lạ .Không xao xuyến lòng với thu như hồi còn trai trẻ mà chiêm nghiệm đời vào trong câu chữ giữa đêm thu .

Cạn mình
Một chén
Vắng teo…!
Thơ khem khép chữ lèo tèo mấy câu
Ai giờ tận đẩu đầu đâu
Hình như lá ở trong đầu còn rơi

Tác giả thả lòng như cô độc ngồi độc ẩm uống rượu mà ngắm trời ngắm đất ngắm trăng sao.Lời thơ cảm tác trải lòng cũng thật là lạ "Thơ khem khép chữ lèo tèo mấy câu" .

Đây rồi ta tìm được một chút xuyến xao lòng nhớ ai người từ năm cũ "Ai giờ tận đẩu đầu đâu" và thu cũ vẫn còn in đầy trong hoài niệm dấu xưa "Hình như lá ở trong đầu còn rơi"

"Gọi thầm thôi
Gọi thầm ơi…
Tiếng thu gió thoảng bay rồi…
Ai nghe ?"

"Gọi Thầm Thôi"..."Gọi Thầm ƠI..." Thật nhẹ nhành sâu lắng , thật mỏng mang và mong manh rất cần nâng niu thật khẽ.Tác giả làm người đọc cảm giác đang nín thở để đừng làm xao động đừng làm tan vỡ cái cảm xúc mùa thu về với bao nhiêu hoài niệm đẹp trong suốt ngỡ thiên thần .

"Tiếng thu gió thoảng bay rồi…
Ai nghe ?"

Câu kết thật nhẹ nhàng và thật đặc biệt "Tiếng thu gió thoảng bay rồi… Ai Nghe ..? "
Khi ta đang được mơ màng với mùa thu thì bỗng tất cả như cơn gió thoảng bay đi rồi , ta sẽ cảm thấy hụt hững và man mát buồn ,nhưng sau câu kết thật nhẹ nhàng này với tác giả là một nụ cười thật tươi .

Qua thăm nhà và được đọc một bài thơ về mùa thu thật hay và đặc biệt tả mùa thu thật nhẹ nhàng bay bổng và sống động trong không gian thời gian thu đi qua từng thời khắc trong ngày và đêm, có tiếng gió tiếng chim có trăng sao và mây mù...rồi thu đi như con gió thoảng mà nói hộ lòng người với nỗi niềm đầy ắp tâm tư . Xin chúc tác giả luôn khỏe và vui thật nhiều cùng mắt luôn sáng, bút lực xung mãnh để viết nên thêm nhiều bài thơ hay nữa .
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chao chang

THẠCH SÙNG ƠI !

Viết bởi Nhà thơ Nhà giáo Nguyễn Lâm Cẩn

Thạch Sùng !
Thạch Sùng !
Kêu mà chi !
Đêm dài ngắn nghe tiếng mày chặc lưỡi
Trò chuyện với bức tường
Cát vôi chẳng nói
Chỉ bóng tao câm lặng Thạch Sùng ơi !

Day dứt gì
Chặc lưỡi mãi không thôi
Ngày lẫn khuất, đêm lần mò khoảng trống
Hay mày biết kiếp này là chiếc bóng
Thực hư đời
Có cũng như không ?

Kiếp này tao nợ với cha ông
Thơ trăn trở mòn đêm chưa nói được
Mày u uẩn
Khổ đau vì kiếp trước
Tao trầm tư dằng dặc kiếp mai sau

Tao với mày
Tri kỷ cùng nhau
Mày chặc lưỡi
Tao kêu trong tâm tưởng
Kiếp làm người thấm nỗi mày đêm trắng
Còn tao thấm tiếng mày kêu.

Hải Phòng 6-2-1998


Cảm nhận từ Nguyễn Bá Hòa

“THẠCH SÙNG ƠI !” Ngay từ cái tên gọi của bài thơ đã cho ta thấy sự gần gũi với cuộc sống với thơ của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn .Bằng những sự việc xung quanh mình , bằng ngòi bút tài tình mà tác giả đã đưa vào thơ từ những con vật rất nhỏ bé nhưng có đầy tính cách nhân văn sâu sắc và nhiều khi là những chân lý của cuộc đời .

“Thạch Sùng !
Thạch Sùng !
Kêu mà chi !”


Con người và đêm vắng đang hỏi con thạch sùng như cách hỏi mà những người bạn thân vẫn thường hỏi thăm nhau. Có lẽ nào người bạn của con người đang có chuyện u buồn gì cần than thở đây???

“Đêm dài ngắn nghe tiếng mày chặc lưỡi
Trò chuyện với bức tường”


Cách xưng hô cũng thật gần gũi thân thiện giữa tao mới mày thì chỉ còn lại bốn bức tường thôi và có lẽ cuộc đối thoại này vẫn còn đang tiếp diễn .


"Cát vôi chẳng nói
Chỉ bóng tao câm lặng Thạch Sùng ơi !"

Bốn bức tường kia là cát vôi vô tri vô giác câm lặng giữa đêm trường . Giờ chỉ còn ta con người và cái bóng của ta câm lặng mà thôi . Con người như khích lệ, như hối thúc chú thạch sùng chia sẻ lòng mình.Qua đó phải chăng con người cũng muốn những chia sẻ để tìm ra lối thoát cho tâm tư của chính mình .

"Day dứt gì
Chặc lưỡi mãi không thôi
Ngày lẫn khuất, đêm lần mò khoảng trống
Hay mày biết kiếp này là chiếc bóng
Thực hư đời
Có cũng như không ?"

Từ hình ảnh con thạch sùng từ tiếng kêu chặc lưỡi mãi chẳng thôi tác giả viết trong thơ với bao điều trắc ẩn để ta liên tưởng đến hay nó cũng như ta con người đang có nhiều điều day dứt.Cái tập tính của con thạch sùng ngày thường lẩn khuất trong khe hốc ,đến khi tối trời thì nó mới tìm ra kiếm ăn nay cũng được tác giả khai thác để nói nên những gì còn trắc ẩn của đời người từ hình ảnh một con vật rất nhỏ mà thôi .Con người hỏi con thạch sùng hay hỏi chính mình đây ??? :

“Hay mày biết kiếp này là chiếc bóng
Thực hư đời
Có cũng như không ?”

Hình ảnh con người cũng thật tội tình ngồi câm lặng với bóng đêm và nghĩ về cái bóng. Cái bóng của con người luôn đi theo suốt cuộc đời mỗi con người .Nhưng mấy ai đã nhìn thấy trong ta có luôn có hai con người và luôn đấu tranh với nhau giữa cái thiên và ác giữa cái đúng và sai … không biết có khi nào chúng cùng thỏa hiệp .

"Kiếp này tao nợ với cha ông
Thơ trăn trở mòn đêm chưa nói được
Mày u uẩn
Khổ đau vì kiếp trước
Tao trầm tư dằng dặc kiếp mai sau"

Người cất tiếng nói với thạch sùng những nỗi niềm trăn trở, về bao những gì chưa làm được ở kiếp đời này và tự cảm thấy hổ thẹn và còn mang nợ với cha ông .
Con người hiểu theo truyền thuyết con thạch sùng nó buồn chặc lưỡi tiếc mãi vì kiếp trước nó là một tay trọc phú giầu có mà chết đi chẳng mang đi theo được gì và hóa thành con thạch sùng để đến đêm về chặc chặc tiếc tiếc .Nhưng thạch sùng ơi ! mày chỉ khổ và tiếc về kiếp trước mà thôi.Còn tao đây còn buồn còn khổ kiếp này và mãi nhiều kiếp mai sau .

"Tao với mày
Tri kỷ cùng nhau
Mày chặc lưỡi
Tao kêu trong tâm tưởng
Kiếp làm người thấm nỗi mày đêm trắng
Còn tao thấm tiếng mày kêu."

Thật là buồn cho số phận con người, ở một nơi nào đó , một góc khuất nào của cuộc sống mà con người không thể chia sẻ cùng nhau mà chỉ có thể nói lòng mình với con thạch sùng bé nhỏ.
Nhưng con thạch sùng còn có phần sướng hơn tự do hơn con người nữa vì nó còn kêu được thành lời bằng những tiếng chặc lưỡi tiếc tiếc .Con người có những điều không được nói ,không thể nói và cũng chẳng thể nói lên được bằng tiếng người , chỉ còn là tiếng kêu vang lên trong tâm tưởng mà thôi .

“Kiếp làm người thấm nỗi mày đêm trắng
Còn tao thấm tiếng mày kêu.”

Câu kết này làm người đọc day dứt bởi những số phận con người đâu đó vẫn còn có rất nhiều trăn trở và tiếc nuối.Cũng có thể nhà thơ trọn mảng thơ chuyên viết về bi thương để gần gũi hơn để nói nên những mảnh đời đau yếu nghèo hèn trong xã hội.Mà các nhân vận cũng là những con người nhưng kém may mắn hơn người khác .Nhưng trong tâm tưởng vẫn là một con người vẫn rõ ràng sự suy tư dằn vặt đấu tranh giữa bản ngã con người và cái bóng của chính mỗi người giữa cái tốt và cái sấu … để biết rõ mình hơn và vươn lên theo hướng tích cực .

Thường thì các nhà thơ thường hướng tác phẩm của mình đi theo trường phái viết về ngợi ca hay chuyên viết về hài nhưng rất ít các nhà thơ viết về mảng Bi .nhưng khi ta càng đọc và suy ngẫm thì những bài thơ viết về Bi như vậy mới lột tả hiện thực cuộc sống tâm tư tình cảm con người và chứa đầy triết lý. Bài thơ “Thạch sùng ơi ” của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn là một bài như vậy .

Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn lâm Cẩn và chúc tác giả luôn khỏe mạnh và vui nhiều cùng mắt luôn sáng và bút lực luôn mạnh và dồi dào cảm xúc để viết nên những tác phẩm hay cho đời .
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Điêu Chính Luận

THÚ VỊ VỚI "ĐI HỨNG BÃO"

  Biết "Đi hứng bão" của nhà thơ Nguyễn Đăng Thuyết qua bài viết của Nguyễn Bá Hoà.
  Cảm nhận đầu tiên của tôi đó là sự dũng cảm của tác giả, người đã ra Đồ sơn đằm mình trong giông bão lấy cảm hứng để viết, thử hỏi trong làng thơ mấy ai được như anh.Chính điều đó giúp tôi khám phá một Nguyễn Đăng Thuyết từng trải, dày dạn trong cả đời thường lẫn thơ trường, bám sát cuộc sống.lời thơ lúc rất thật, lúc lơ lửng, thực thực ,hư hư  như  khi ta được nhâm nhi miếng thịt ba chỉ. Có lẽ vì thế nên khi đọc xong thơ anh, mỗi người có một cảm nhận thú vị khác nhau.

  Đúng vậy! khác với Nguyễn Bá Hoà,tôi tìm mãi trong các khổ thơ mà chẳng tìm thấy gì liên tưởng đến hình tượng  đắt giá mang đậm ngôn ngữ điện ảnh  của đạo diễn James Cameron do cặp diễn viên: Leonardo, KateWinslet đóng mà chỉ thấy

           Hai kẻ điên đầu đi hứng bão
           gió từng hồi bầm tím ruột gan

 Không phải là những  kẻ tâm thần, họ bế tắc trong tình yêu, bế tắc là phải? họ đến với nhau đâu phải từ sự rung động của  hai trái tim, mà bởi những dấu cộng,trừ,nhân,chia, hay tiếng loẻng xoẻng của đồng tiền.Khi kết quả sau dấu bằng (=) là số 0 tròn trĩnh,lúc này họ  toan tính  ra biển, lấy sóng, gió làm cách đo độ nông sâu của lòng nhau mà thôi

           Gầm trời bòn mót đa đoan
           Lỡ ăn cái bả... sóng tràn Đồ Sơn

 Đấy! thật bần cùng và đáng sợ, đi khắp gầm trời để moi móc,toan tính,tìm kiếm mưu mẹo để giải cái phương trình tình yêu của họ. Cùng cảnh mèo mả,gà đồng, rồi chẳng ai kém ai:

             Anh vào mắt bão từng cơn
             Em ra Hòn Dáu thả hờn biển sâu
             Tình chiều vật vã canh thâu
             Trần lưng hứng bão gột câu thơ buồn

 Thi thố đến như thế, giữ miếng nhau như  thế ! nhưng vẫn chỉ là:
         
             Cầu Rào bến động mưa tuôn
             Cấm cầu sông Cấm gió luồn cửa kinh
             Bão cuồng tái ngọn bình minh
             An Dương gió cuốn bóng hình quặn đau

             Sóng xô day dứt thân tầu
             Cát Bà thổn thức thuyền câu chòng chành

 Bức tranh ảm đạm ấy giành cho họ nghe chừng còn nhẹ nhàng, êm ả chán khi dại dột đương đầu "Đi đón bão". Rồi họ thu, hái được gì sau  chuyến đi"Tự vẫn” giả này:

          Em về hứng bão cùng anh
          Câu thơ đắp chiếu...biển xanh ậm ờ...

 Ngược với sự iêng hùng lúc ban đầu, câu thơ cuối khép lại với manh chiếu Đậu phủ lên và sự ậm ờ của biển chiều vắng khách là cái đáp số chẳng thể khác được đang chờ.Hình như họ cũng...lờ mờ nhận ra điều gì đấy bất ổn qua cuộc doạ nhau, thử nhau này. Cũng có thể họ đã tìm ra chân lí nhưng chẳng ai dại gì mà nói ra cái ý đồ trước lúc ra đến Đồ Sơn. Nếu đúng thế thì họ vẫn còn khôn chán. Chẳng dại gì mà chết vì bão mà phải sống để tính toán nhiều cái gì đó tương tự.

 Bài học này chắc không giành riêng cho hai kẻ "Điên đầu" mà cảnh tỉnh cho cả bao bạn trẻ khác nữa đừng có bao giờ "bắt chước".Giá trị nội dung thật sâu sắc toát lên khi đọc xong bài thơ

 "Đi hứng bão" giúp tôi thêm  một lần nữa nhận ra  Nguyễn Đăng Thuyết thật là thâm thuý,đầy ẩn dụ, vẫn những tứ thơ lấp lửng, ậm ờ... theo kiểu ái nam,ái nữ, buộc người đọc phải trầm ngâm,suy luận mới nhận biết cái triết lí sâu thẳm trong anh.
Trong "đi hứng bão" anh không dùng các mĩ từ như  anh vẫn thường viết. liệu có phải đó là ngón nghệ thuật chứng tỏ ngòi bút dưới tay anh thật mềm mại,khéo luồn lách,uyển chuyển, đa năng.

 Tôi thích nét lạ, khác người trong thơ anh, dẫu có trộn trấu cũng không thể nào lẫn được. Nhưng để học theo hẳn không phải là dễ.
 Xin chúc mừng anh và cảm ơn Nguyễn Bá Hoà  mà tôi được biết đến bài thơ trên

      TRẠI HỌC HÈ THAN UYÊN 12.08.2012- ĐCL

Họ em mang tiếng là Điêu
Nhưng lòng em chứa toàn điều chính chuyên

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tiểu Thanh Đình

Chào các thành viên trong thi viện!
Lâu nay anh Nguyễn Thế Duyên không sinh hoạt bên thi viện, nhưng sau khi đọc tác phẩm "Chạng vạng hoa đèn" của anh Phạm Ngọc San (bút danh Phạm Thôn Nhân) anh Duyên đã viết một bài bình cho tập thơ đó và nhờ Tiểu Thanh Đình đăng lên. Mong các thi hữu đọc và nhận xét cho ý kiến, thay mặt anh Nguyễn Thế Duyên, Thanh Đình xin chân thành cảm ơn. Chúc anh Phạm Thôn Nhân và các thi hữu khoẻ mạnh, vui vẻ và hạnh phúc.


  Chạng vạng hoa đèn.


Giữa thời buổi siêu lạm phát thơ, tôi đã chán thơ lắm rồi. Ra đường cứ nhổ ba bãi nước bọt thế nào một bãi cũng trúng vào đầu một “Nhà thơ”. Thơ nhan nhản khắp nơi. Rồi nhà thơ này của Hội văn nghệ này đến nhà thơ kia của Hội văn nghệ kia xuất bản những tập thơ mà “Tiếng vang hơn mõ”. Thậm chí có những nhà thơ được tổ chức những cuộc hội thảo mà tham luận đọc ở buổi hội thảo ấy nghe đâu đến gần chục bản. Toàn những lời tung hô mà đến Lý Bạch hay Xuân Diệu nghe thấy cũng phát ghen lên với danh tiếng của họ. Ấy thế nhưng tôi lại không làm sao nuốt nổi lấy một bài hoàn chỉnh của họ. Chán quá tôi đã thề không bao giờ thèm đọc thơ nữa.
Hôm qua, có một người đưa cho tôi một tập thơ và bảo:
- Anh đọc tập thơ này thử xem. Em phải chạy đôn chạy đáo mấy nơi mới kiếm được cho anh tập thơ này đấy.
Tôi cầm lấy quyển sách xem cái tựa đề  “Chạng vạng hoa đèn” tôi gật đầu bảo với cô gái đã lùng sách cho tôi:
- Ừ ! Cái tiêu đề của tập thơ có vẻ gợi cảm thật đấy. Chắc người này phải rất  kĩ tính trong cách dùng từ.
Cô gái sôi nổi hẳn lên:
- Em đảm bảo với anh là anh sẽ thích.
- Anh chẳng chắc lắm đâu. – Tôi bảo với cô gái. – đến tập thơ được giải thưởng của Hội nhà văn mà anh chỉ đọc được đến bài thứ hai là lập tức vứt ngay vào sọt rác kia kìa.
 - Thì anh cứ thử đọc một bài xem
Cô gái nài nỉ. Nể quá tôi mở tập thơ và đọc bài đầu tiên “Yên bình”
Hai câu đầu tiên chuội đi trong đầu tôi nhưng bốn câu tiếp theo đã buộc con mắt tôi phải dừng lại.
       Thủa đạn bom dội sớm trưa.
Bình yên nhẹ giấc võng đưa ấm lòng
      Bây giờ gió rít đồng không
Nghe như đạn réo bom rung chiến trường.
Tác giả đưa ra hai hoàn cảnh đối lập để nói về hai tình cảm đối lập. Cái thời đạn bom một sống hai chết thì con người lại cảm thấy bình yên. Còn cái thời hòa bình thì tiếng gió rít trên cánh đồng quạnh vắng lại làm cho con người có cảm giác sợ hãi. Sao vậy nhỉ? Câu hỏi không được đặt ra nhưng nó vẫn cứ lẩn quất ở đâu đó trong bài thơ. Nhưng đến hai câu kết của bài thơ thì tôi lại không thể đồng ý với anh.
     Đồng xanh bến nước thân thương
Gió đừng rít, để quê hương yên bình.
Không! Anh Phạm Thôn Nhân. Tôi muốn hỏi anh một câu “Liệu có thể cầu xin được sự yên bình không anh”?
Tôi đã đọc liền một mạch năm mươi mươi tư bài thơ của anh và khi rời cuốn sách ra những băn khoăn cứ xáo trộn trong lòng
Tôi cứ hình dung ra vào một buổi tối chạng vạng, một người đàn ông tóc đã bạc trắng ngồi một mình trong căn nhà với một ngọn đèn đã gần cạn hết dầu. Giữa ngọn lửa đèn là một cái hoa đèn đỏ rực. Chính cái hoa đèn đó làm cho ánh sáng của ngọn đèn mờ đi và người đàn ông đã dùng cái ánh sáng vàng úa của ngọn đền đã gần cạn hết dầu ấy để rọi về quá khứ, soi nhìn hiện tại. Và cái ánh sáng úa vàng đó hắt chiếc bóng của người đàn ông thành một vệt tối sẫm đổ về phía truớc. Tất cả mờ đi và cái tôi nhìn thấy chỉ còn lại cái hoa đèn sáng đỏ.
Cô đơn! Bất lực và có không một chút gì của sự tiếc nuối?
Xòe tay chắt nắng tìm hơi ấm
Hứng chút hương thầm ngọn gió bay
Cứ gội mưa cho lòng nguội lửa
Thầm thì với gió để cùng say
                        - Tự say -
Đọc hai từ “Chắt nắng” tôi lại nghĩ đến cụm từ “Gạn đục, khơi trong” Đục lắm rồi! Đục hết rồi! Liệu có thể gạn đi để kiếm lấy chút nước trong? Liệu có chắt tìm được hơi ấm không anh? Tôi nghĩ là không!
Hứng chút hương thầm ngọn gió bay
Tôi cứ nghĩ rằng nếu là “hương thừa” thì hay hơn anh ạ.Thứ hương này hiện tại không còn sinh ra nữa. Nếu thấy còn thì chỉ là thứ hương còn sót lại của một thời dĩ vãng oai hùng đã xa, Và! Anh hãy say đi, vì chỉ có say mới có thể làm nguội đi ngọn lửa lòng. Ngọn lửa ấy chẳng có gió mưa nào làm nguội được.
Thơ anh trữ tình, kín đáo ẩn chứa một nỗi buồn thời thế nhưng để nhận ra được cái tình cảm được dấu kín trong thơ anh thật chẳng dễ gì.
           Dòng sông nào qua tôi
        Đổi thay dâu bể.
     Hiền hòa
      Ngầm siết
      Kì ảo muôn màu
Đấy là dòng sông nào? Dòng sông nào đã hiền hòa mà lại còn ngầm siết? Và:
     Chảy qua tôi đọng lại
Những đêm trắng đỏ au
“Đỏ au”! Tôi đã cố hình dung ra cái màu đỏ ấy. Màu đỏ của máu? Không phải ! Màu máu đỏ tươi và khi khô lại máu có mầu “Bầm đỏ”. Mầu đỏ của chớp bom ? Không phải! Chớp bom có màu đỏ khé. Vậy “ Những đêm trắng đỏ au”anh dùng ở đây không phải là những đêm trắng của những ngày chiến tranh bom đạn mà những đêm trắng ở đây là đêm trắng của những ngày “Chạng vạng” và đêm được nhuộm đỏ từ cái “Hoa đèn”. Một nỗi đau thầm lặng, xót xa.
  Che tai ngỡ tưởng lòng thanh thản
  Bịt mắt nào ngờ dạ rối bong
Một người lính xách súng bước vào một cuộc chiến tranh tàn khốc với một niềm tin trong sáng và tươi rói. Trong suốt cuộc đời mình, ở đâu đó, vào một lúc nào đó, người lính ấy bắt gặp những điều không giống như “cái điều mà mình đã tin tưởng”. Anh ta đã cố gắng tự lừa dối mình: “Đấy chỉ là một trường hợp cá biệt”, nó cũng giống như một bài thơ đường  có thất luật một chút cũng chẳng sao. Nhưng đến cuối cuộc đời thì “Thất luật” Chẳng còn là  “Hiện tượng cá biệt “ nữa, thế mà anh vẫn còn dùng hai chữ “Hình như”
Đạo lý hình như đang biến thái.
Đọc câu thơ này, tôi lại nhớ đến một đoạn của giáo sư Nguyễn Huệ Chi  đã viết:
“Ở một câu lạc bộ cao cấp đã về hưu nọ, ở đấy hai phần ba số hội viên là những anh già “đã hạ cánh an toàn”. Một phần ba số hội viên còn lại là những anh già đã về hưu rồi mà vẫn còn ngu ngơ một cách rất đáng yêu và cũng rất đáng thương”.
Ở  bài này, hình như anh vẫn còn nằm trong số những anh già “ngu ngơ” đó. Nhưng đến bài “Muỗi mòng phè phỡn” thì dường như anh đã phản tỉnh hoàn toàn
Muỗi mòng phè phỡn mỉm cười áo manh
Chỉ tiếc là. Vâng! Thật là đáng tiếc! Hai từ “Thương trường” đã làm hỏng bài thơ. Tôi không nghĩ rằng anh không biết đến điều đó. Anh biết nhưng anh vẫn dùng. Tôi bỗng thương anh quá.
Nếu ai hỏi tôi “Trong cả tập thơ tôi thích bài thơ nào nhất?” thì tôi sẽ trả lời tôi thích nhất bài thơ “Chiều quê” của anh. Đến bài thơ này không phải là tôi đọc thơ  mà là tôi hát. Giai điệu bài hát của Phạm Duy quyện vào với lời thơ của anh  ngân nga mãi trong tôi. Thanh bình quá! Hai từ “Chiều ơi” ở đầu mỗi khổ thơ vút lên cao như một tiếng gọi tha thiết để rồi hai từ “Hỡi chiều” ở cuối mối khổ trầm xuống làm người ta có cảm giác bâng khuâng vời vợi xa xôi. Bài thơ hay tuyệt mặc dù nó chẳng có một ý tưởng gì độc đáo. Thơ là vậy! Cần gì những ý tưởng lớn lao. Cái duy nhất mà thơ cần chỉ là một chữ “Tình”. Mà trong bài chiều quê  cái tình của anh thấm đẫm trong từng câu chữ. Đọc bài này, tôi mới hiểu tại sao anh lấy bút danh là “Phạm Thôn Nhân”. Thực ra cái người nông thôn theo cái nghĩa một nắng hai sương trong anh cũng không rõ nét lắm đâu nhưng cái tình với quê hương của anh thì lại khá đậm đà.
Gió đồng chiều nâng hồn bay theo gió
Sắc vàng rơm - vàng ngõ bước chân say
Lối bập bênh rơm óng - Bập bềnh say
Hương mùa vụ dư hương thu thôn dã
                        - Nét thu quê -
Nét thu này không phải là cái nét thu của người làm ra cái “Sắc vàng rơm” của làng xóm mà là cái nét thu của của một chàng lãng tử  lạc bước đến chốn đồng quê. Nhưng câu thơ hay thậm chí là rất hay nữa mà cái hay của câu thơ lại nằm trong ngữ điệu của lời thơ. Câu đầu tiên kéo dài khi đọc nó đừng ngắt hơi ở chữ “Chiều “
    Gió đòng chiều nâng hồn bay theo gió
Câu thứ hai ngắt làm ba: Sắc vàng rơm/ Vàng ngõ/Bước chân say nếu ngắt hơi như thế người đọc có thể cũng loạng choạng theo cái say của người viết. Câu thứ ba cũng ngắt làm ba như vậy nhưng cái “Lối bập bềnh” Thì thật là tuyệt bút. Chỉ có ai đã từng đi trên con đường làng vừa mới trải đầy rơm mà phải là rơm vừa trải chứ rơm đã xẹp xuống rồi thì sẽ không sao có được cái cảm giác này, mới có thể cảm nhận được cái thực, cái hay của câu thơ. Con đường như bập bềnh do rơm mới  làm nhà thơ cứ nghĩ “Mình say”. Nhưng đúng là nhà thơ say thật! Anh say với cảnh sắc  no ấm ngày mùa.
  Nắng tãi bê tông nhòa mặt ngõ
     Đồng xanh dự án khói bâng khuâng
    Tìm đâu giếng nước cây đa cổ
    Ấm bụi tre làng lúc bão giông.
Lại đau đáu một nỗi niềm trong người nông dân họ Phạm.
   Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
                          Chân quê—Nguyễn Bính
Mới chỉ bay đi một ít “Hương đồng gió nội” thôi mà Nguyễn Bính đã thấy lo rồi. Còn đây là mất hết tất cả “Hương đồng gió nội”  làm gì người nông dân trong anh chẳng thấy lo.
Nhưng khác với Nguyễn Bính, vấn đề anh đặt ra ở  bài thơ bốn câu này lớn hơn của Nguyễn Bính rất nhiều. Thời của Nguyễn Bính chưa có hiện tượng đô thị hóa và công nghiệp hóa nên cái “Hương đồng gió nội” mà Nguyễn Bính nói đến trong bài thơ Chân quê chỉ là một số rất nhỏ những  thay đổi về y phục làm nhà thơ không thích
         Đâu rồi cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen.
Còn vấn đề anh đặt ra ở đây lại là một không gian văn hóa
Tìm đâu giếng  nước cây đa cổ? hay “Nắng tãi bê tông nhòe mặt ngõ”
Khi không gian văn hóa mà mất thì văn hóa cũng mất theo. Mà văn hóa là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Là linh hồn của dân tộc để rồi dẫn đến cái khắc khoải của một người lính đã đổ máu giữ gìn mảnh đất này.
Ấm bụi tre làng lúc bão giông
Mà “Bão giông” thì luôn và đang rình dập mảnh đất này.
Anh Phạm Thôn Nhân ơi! Tôi biết những ngày này anh đang nằm trên giường bệnh. Ung thư giai đoạn cuối đau đớn lắm! Sao anh chẳng viết lấy một dòng nào cho nỗi “Đau mình”? Phải chăng nỗi đau thời thế, nỗi đau nhân thế đã át đi nỗi đau thân thế trong anh?
Yên tâm đi anh! Cái hoa đèn nhỏ bé của anh sẽ thắp lên thêm những ngọn lửa đèn và hàng triệu những ngọn đèn ấy sẽ đẩy lùi cái chạng vạng của hôm nay. Đó chính là sức mạnh của ngòi bút.
Những lời xưng tụng có nghĩa gì đâu. Một tượng đài trong lòng người đọc đấy mới là niềm vui, niềm tự hào của một nhà thơ đích thực và anh là một trong số ít ỏi những nhà thơ đích thực đó hiện nay.


                      Hà nội 16-8-2012

Tác giả: Nguyễn Thế Duyên
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đông Quan

Tiểu Thanh Đình đã viết:


Giữa thời buổi siêu lạm phát thơ, tôi đã chán thơ lắm rồi. Ra đường cứ nhổ ba bãi nước bọt thế nào một bãi cũng trúng vào đầu một “Nhà thơ”. Thơ nhan nhản khắp nơi. Rồi nhà thơ này của Hội văn nghệ này đến nhà thơ kia của Hội văn nghệ kia xuất bản những tập thơ mà “Tiếng vang hơn mõ”. Thậm chí có những nhà thơ được tổ chức những cuộc hội thảo mà tham luận đọc ở buổi hội thảo ấy nghe đâu đến gần chục bản. Toàn những lời tung hô mà đến Lý Bạch hay Xuân Diệu nghe thấy cũng phát ghen lên với danh tiếng của họ. Ấy thế nhưng tôi lại không làm sao nuốt nổi lấy một bài hoàn chỉnh của họ. Chán quá tôi đã thề không bao giờ thèm đọc thơ nữa.
Lạ thật! anh ta làm thế nào mà  tự nhổ nước bọt và đầu mình được nhỉ? Phải nói là ba bãi trúng cả ba....
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 15 trang (144 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] ›Trang sau »Trang cuối