Trang trong tổng số 2 trang (17 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vanachi

Được phát động từ đầu năm 2005, cuộc thi Chọn những bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20 do Trung tâm văn hoá doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo Dục phối hợp tổ chức đã lựa ra được 100 thi phẩm xuất sắc và công bố trong Đêm Nguyên tiêu của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5.

100 bài thơ, chia đều cho 100 tác giả, không một ai được vinh dự góp mặt với hơn một sáng tác. Hiện tượng này khiến không ít độc giả ngậm ngùi tiếc nuối khi Xuân Diệu có Nguyệt cầm nhưng không có Đây mùa thu tới hay Vội vàng... Hoàng Cầm có Bên kia sông Đuống nhưng không có Lá diêu bông... Nguyễn Duy có Đò lèn nhưng lại vắng Tre Việt Nam hay Hơi ấm ổ rơm...

Ngoài ra sự vắng mặt của nhiều bài thơ nổi tiếng trong danh sách này không khỏi khiến người yêu thơ phải nuối tiếc.

Phong trào Thơ Mới góp mặt trong danh sách với số lượng tác giả, tác phẩm lớn nhất. Tiếp đó là những sáng tác có ảnh hưởng sâu nặng đến suy nghĩ và hành động của bao thế hệ độc giả qua hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp.

Nhà văn Lê Lựu, Giám đốc Trung tâm Văn hoá Doanh nhân, cho biết: “Chúng tôi nhận được rất nhiều bài viết công phu, thể hiện tình yêu và thái độ trân trọng với thơ ca. Có những độc giả viết đến hàng chục trang bình chọn và đưa ra nhiều lý lẽ bảo vệ cho sự lựa chọn của mình”.

100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20 đã được Nhà xuất bản Giáo Dục in thành sách và phát hành rộng rãi.


Danh sách 100 bài thơ hay nhất:

Ngoài Nguyên Tiêu, 99 bài còn lại được sắp xếp theo tên tác giả dựa vào bảng chữ cái.

1) Nguyên Tiêu - Hồ Chí Minh.

2) Ngày hoà bình đầu tiên - Phùng Khắc Bắc.

3) Những bóng người trên sân ga - Nguyễn Bính.

4) Tạm biệt Huế - Thu Bồn.

5) Vào chùa - Đồng Đức Bốn.

6) Sư đoàn - Phạm Ngọc Cảnh.

7) Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc - Văn Cao.

8) Núi Đôi - Vũ Cao.

9) Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm.

10) Tràng Giang - Huy Cận.

11) Dọn về làng - Nông Quốc Chấn.

12) Quê hương - Nguyễn Bá Chung.

13) Say đi em - Vũ Hoàng Chương.

14) Miền Trung - Hoàng Trần Cương.

15) Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ.

16) Anh đừng khen em - Lâm Thị Mỹ Dạ.

17) Nguyệt cầm - Xuân Diệu.

18) Cô bộ đội ấy đã đi rồi - Phạm Tiến Duật.

19) Tây tiến - Quang Dũng.

20) Lên Côn Sơn - Khương Hữu Dụng.

21) Đò lèn - Nguyễn Duy.

22) Chiều - Hồ Dzếnh.

23) Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà.

24) Cha tôi - Lê Đạt.

25) Mẹ và quả - Nguyễn Khoa Điềm.

26) Núi mường Hung dòng sông Mã - Cầm Giang.

27) Mắt buồn - Bùi Giáng.

28) Hai sắc hoa tigôn - T.T.KH.

29) Bài thơ tình ở Hàng Châu - Tế Hanh.

30) Trở về quê nội - Ca Lê Hiến.

31) Đêm mưa - Tô Hoàn.

32) Những đứa trẻ chơi trước cửa đền - Thi Hoàng.

33) Cửu Long giang ta ơi - Nguyên Hồng.

34) Đọc thơ Ức Trai - Sóng Hồng.

35) Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ.

36) Nỗi niềm Thị Nở - Quang Huy.

37) Đường khuya trở bước - Đinh Hùng.

38) Người về- Hoàng Hưng.

39) Đồng chí - Chính Hữu.

40) Khi con tu hú - Tố Hữu.

41) Lên Cấm sơn - Thôi Hữu.

42) Lời nói dối nhân ái - Trang Thế Hy.

43) Gánh nước đêm - Á Nam Trần Tuấn Khải.

44) Tỳ bà - Bích Khê.

45) Gửi bác Trần Nhuận Minh - Trần Đăng Khoa.

46) Thu điếu - Nguyễn Khuyến.

47) Bến Mi Lăng - Yến Lan.

48) Tháp Chàm - Văn Lê.

49) Ông đồ - Vũ Đình Liên.

50) Đèo cả - Hữu Loan.

51) Viếng bạn - Hoàng Lộc.

52) Tiếng thu - Lưu Trọng Lư.

53) Nhớ rừng - Thế Lữ.

54) Một vị tướng về hưu - Nguyễn Đức Mậu.

55) Những mùa trăng mong chờ - Lê Thị Mây.

56) Dặn con - Trần Nhuận Minh.

57) Hội Lim - Vũ Đình Minh.

58) Khóc người vợ hiền - Tú Mỡ.

59) Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ.

60) Quê hương - Giang Nam.

61) Thị Màu - Anh Ngọc.

62) Nhớ - Hồng Nguyên.

63) Trời và đất - Phan Thị Thanh Nhàn.

64) Người đàn bà ngồi đan - Ý Nhi.

65) Nhớ máu - Trần Mai Ninh.

66) Mẹ - Nguyễn Ngọc Oánh.

67) Bông và mây - Ngô Văn Phú.

68) Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương - Việt Phương.

69) Đợi - Vũ Quần Phương.

70) Tên làng - Y Phương.

71) Lời mẹ dặn - Phùng Quán.

72) Có khi nào - Bùi Minh Quốc.

73) Tự hát - Xuân Quỳnh.

74) Áo lụa Hà Đông - Nguyên Sa.

75) Bài thơ của một người yêu nước mình - Trần Vàng Sao.

76) Người đẹp - Lò Ngân Sủn.

77) Đồng dao cho người lớn - Nguyễn Trọng Tạo.

78) Tống biệt hành - Thâm Tâm.

79) Dấu chân qua trảng cỏ - Thanh Thảo.

80) Đất nước - Nguyễn Đình Thi.

81) Những người đàn bà gánh nước sông - Nguyễn Quang Thiều.

82) Nghe tiếng cuốc kêu - Hữu Thỉnh.

83) Bao giờ trở lại - Hoàng Trung Thông.

84) Bờ sông vẫn gió - Trúc Thông.

85) Bến đò ngày mưa - Anh Thơ.

86) Thăm lúa - Trần Hữu Thung.

87) Cổ luỹ cô thôn - Phạm Thiên Thư.

88) Nói sao cho vợi - Thu Trang.

89) Mưa đêm lều vó - Trần Huyền Trân.

90) Bên mộ cụ Nguyễn Du - Vương Trọng.

91) Nhớ Huế quê tôi - Thanh Tịnh.

92) Màu thời gian - Đoàn Phú Tứ.

93) Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử.

94) Nhớ vợ - Cầm Vĩnh Ui.

95) Em tắm - Bạc Văn Ùi.

96) Một ngày ta ngoái lại - Đinh Thị Thu Vân.

97) Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên.

98) Bếp lửa - Bằng Việt.

99) Vườn trong phố - Lưu Quang Vũ.

100) Thương vợ - Trần Tế Xương.

Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn...D=189755&ChannelID=10
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
63.33
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Hôm nay qua VTV4, tôi đã được theo dõi một phần của Đêm thơ nguyên tiêu - lễ công bố 100 bài thơ hay nhất thế kỷ của Việt Nam. Rất háo hức, rất xúc động... Nhất là nghe đọc những bài thơ thân thương mà dường như thế hệ người VN nào cũng thuộc.. Nhưng hơi chán là người dẫn chương trình - Diễm Quỳnh- nói quá chán, quá quá chán và nhạt nhẽo, từ ngữ thì sáo rỗng! Giá như người dẫn chương trình là một nhà thơ thì có phải hay không!
Một lần tôi được nghe nhà thơ trẻ Phan Huyền Thư dẫn chương trình. Phải như thế mới tuyệt!
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
63.67
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Chef

Mình xin lỗi để sửa bài viết của bạn, nhưng vì nó quá dài nên ảnh hưởng đến việc đọc của những người khác. Với những bài viết quá dài, xin bạn hãy chia ra và gửi làm nhiều lần.
Với bài viết này, mình xin cắt vì trong phần trên mình đã để link đến những bài thơ tương ứng rồi.
Cảm ơn sự đóng góp của bạn và mong bạn sẽ tiếp tục,
Điệp luyến hoa


Tôi sưu tầm chưa đủ. Xin các bạn yêu thơ tiếp tục.

100 bài thơ hay nhất VN thế kỷ 20
1) Nguyên Tiêu - Hồ Chí Minh.
Nguyên tiêu
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Tháng 2 năm 1948.
Viết bằng chữ Hán

Rằm tháng riêng (Người dịch: Xuân Thuỷ)
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

2) Ngày Hòa bình đầu tiên - Phùng Khắc Bắc.
Những sợi nắng xuyên qua nhà mình
Thành những mũi tên
Thành những viên đạn,
Bắn tiếp vào anh không gì che chắn
Phải nhận tất cả,
Van anh.
Hôm qua chưa nhận được một viên đạn
Hôm nay nhận những lỗ thủng
Anh về quê không mang súng
Vũ khí lúc này hai bàn tay
Mẹ giục:
- Ăn cơm, con!
Hòa bình trong canh cua, mồng tơi, cà

Mùi ổ rơm.

3) Những bóng người trên sân ga - của Nguyễn Bính.
Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.

Có lần tôi thấy hai cô gái
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
"Đường về nhà chị chắc xa xôi ?"

Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.

Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở sân toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.

Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu anh thắt lại:
"Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!"

Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga

Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.

Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những dôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này ?

...
62.33
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Chào bạn, tại sao trong danh sách của bạn lại có thêm 2 bài cuối, "Dáng đứng Việt Nam" và "Chút tình đầu" nhỉ ?
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
45.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Câu hỏi về 100 bài thơ hay      
Người viết: Trần Nhương     
07/03/2007  
                    Ai đứng ra tuyển chọn 100 bài thơ hay thế kỷ 20 ?  

 Tại đêm thơ Nguyên Tiêu, Ban Tổ chức tuyển chọn 100 bài thơ hay thế kỷ 20 công bố kết quả các cơ quan đứng ra tổ chức lấy ý kiến bình chọn gồm: Trung tâm văn hoá doanh nhân, Nhà xuất bản Giáo dục, Hội Nhà văn Việt Nam.



 Tôi nghi nghờ, vì tôi là người làm việc ngay tại cơ quan Hội Nhà văn mà không hề biết có “vụ” này. Tôi sợ mình bận mà không để ý nên đi hỏi nhà thơ Nguyễn Hoa, phó ban thường trực ban Tổ chức-Hội viên. Nhà thơ Nguyễn Hoa trả lời tôi: Hội Nhà văn không tham gia vụ này. Tôi hỏi nhà văn Đào Thắng, Chánh văn phòng Hội. Ông Đào Thắng nói; Hội không tham gia bình chọn nhưng tổ chức đêm thơ ấy thì bị sưc ép nên đành đứng tên.



    Như vậy về việc tuyển chọn thơ Hội Nhà văn không tham gia. Vậy mà người ta vẫn giới thiệu cơ quan này trong những đơn vị tuyển chọn. Do nhầm lẫn ư ?



 Việc tổ chức tuyển chọn thơ, hay tuyển tập này nọ là chuyện bình thường. Và người tuyển chọn bao giờ cũng mang dấu ấn của mình vào công việc đó và họ chịu trách nhiệm. Thế kỷ trước Hoài Thanh, Hoài Chân đã để lại Thi nhân Việt Nam lừng lẫy.



 Theo Ban tổ chức thì do bạn đọc xa gần gửi về sự chọn lựa của mình. Biết vậy. Và đằng sau nó là gì chỉ có những người tham gia làm việc đó mới biết...Điều chắc chắn là những người thực hiện phát hành cuốn sách này bán chạy. Và các nhà doanh nghiệp ngồi sẵn chờ Diễm Quỳnh thò micro đến là đọc thơ và nói cho đáng đồng tiền bát gạo bỏ ra...



 Chiều 9-3-2007, tôi nhận được điện thoại của nhà thơ Thái Thăng Long từ Sài gòn. Ông cũng bức xúc về việc này, ông nói ngày mai ông trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên. Mời các bạn đón đọc xem nhà thơ nói gì.





                                                           

Cập nhật ( 09/03/2007 )  
Nguồn: http://trannhuong.com/ind...&id=304&Itemid=28
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
23.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nguyen trong tao

Gửi Thi Viện,
Thấy trên diễn đàn Thi Viện có giới thiệu sự kiện bình chọn 100 bài thơ hay thế kỷ XX, tôi có gửi thư này cho nhà thơ Trần Nhương, chia sẻ với ý kiến của ông trên trannhuong.com. Luôn tiện, tôi gửi tiếp thư này tới Thi Viện để các bạn tham khảo.

11/3/2007
Gửi bác Trần Nhương,
Tôi đọc trang Web của bác về sự kiện/ sự cố 100 bài thơ hay thế kỷ XX: http://trannhuong.com/ind...&id=304&Itemid=28 mới biết được một phần câu chuyện bình chọn và xuất bản cuốn sách này. Tôi cũng đã được xem danh sách 100 bài thơ của 100 tác giả đăng trên nhiều báo viết, báo mạng.  Mặc dù có bài thơ của tôi trong danh sách được công bố, nhưng tôi vẫn rất không đồng tình một số điểm như sau:
1. Quá ít những bài thơ của các nhà thơ xuất hiện sau 1975. Một phần tư thế kỷ ấy chả lẽ lại có quá ít những nhà thơ xứng đáng được tuyển chọn? Đấy là cái vênh thứ nhất.
2. Quá ít những nhà thơ miền Nam rất nổi tiếng, có đóng góp cho sự cách tân thơ Việt từ sau 1954 đến nay. Tôi nghĩ, cho dù bây giờ họ ở đâu, làm gì, thì những bài thơ có giá trị của họ vẫn còn đó. Nếu thực sự muốn chọn những bài thơ hay của dân tộc Việt thế kỷ XX thì dứt khoát phải căn cứ vào bài thơ mới bảo đảm khách quan. Điểm này rõ ràng là không vô tư với Thơ. Đấy là cái vênh thứ hai.
3. Nhiều nhà thơ bị chọn nhầm bài thơ Hay Nhất của họ. Ví dụ muốn chọn Hữu Loan thì phải chọn Màu Tím Hoa Sim chứ không thể là Đèo Cả. Dấy là cái vênh thứ ba.
4. Một số bài thơ được chọn chất lượng quá tầm thường so với những bài không được chọn của các tác giả khác. Đấy là cái vênh thứ tư.
5. Một số tên tuổi nhà thơ được chọn không thực sự nổi tiếng vì họ không có bài thơ nào thực sự vượt lên để trở thành bài thơ hay. Điều này khiến người ta nghi ngờ Hội đồng thẩm định thiên vị, thiên kiến cá nhân. Đấy là cái vênh thứ năm.
6. Phần lớn những bài thơ được chọn ngả theo xu hướng bình dân hơn là bác học. Có thể hầu hết người tham gia bình chọn chỉ là người đọc thơ nghiệp dư. Vì thế hạn chế sự tiếp nhận thơ cách tân hiện đại. Điều đó khiến cho cách nhìn thơ Việt thế kỷ XX có cảm giác trì trệ, không đúng với diện mạo thực của nó. Đấy là cái vênh thứ sáu…
Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn có thể điều chỉnh được một mặt chuẩn tốt hơn bằng những cuộc bình chọn khác, rông rãi hơn, thận trọng hơn, nghiêm cẩn hơn. Không biết bác Trần có đồng ý với tôi không?
NGUYỄN TRỌNG TẠO
23.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Sự thực là từ hôm thấy chị HXT nói về sự kiện này tới giờ, em cũng thử hỏi nhiều người mà hoàn toàn không có ai biết gì về nó trong suốt quá trình bầu chọn. Bài trên ghi là phát động từ đầu năm 2005, tức đúng 2 năm, mà đến giờ trao giải xong rồi mọi người mới hay. Ban đầu em chỉ nghĩ "có lẽ mình dân ngoại đạo" nhưng bây giờ mới ngỡ ra rằng thì ra người trong ngành cũng không hay.

Hôm nay em search lại trên net thì mới tìm được một trang duy nhất thông tin về việc phát động cuộc bình chọn này, là trang tin của NXB Giáo dục: http://www.nxbgd.com.vn/D...mp;id=201&vTopicID=47
Nhắc lại là trong suốt 2 năm không hề có một tờ báo hay một ai khác trên mạng thông báo tin tức đó, điều đó chứng tỏ bản tin đó hầu như không đến được với mọi người.

Tất nhiên về lý thì NXB Giáo dục làm như vậy không có gì sai, nhưng nó quá hạn chế khi mà cái tên giải thì rất "vĩ đại" (Những bài thơ hay nhất thế kỷ XX) mà số người tham gia thì.. không rõ có ai có thông tin gì về số người, số bài dự thi không nhỉ ?

Điều đầu tiên đập vào mắt chính là sự hạn chế của danh sách 100 bài đã công bố ở trên.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
12.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Chef

Cảm ơn bạn Điệp luyến hoa đã biên tập lại phần sưu tầm 100 bài thơ hay nhất VN thế kỷ 20. Tôi chỉ cố tìm và đọc xem các bài thơ này ra sao. Cá nhân tôi chọn thêm 2 bài của Lê Anh Xuân và Đỗ Trung Quân mà tôi cho rằng xứng đáng được lựa chọn. Tôi cho rằng đây chỉ là sự lựa chọn riêng của NXB Giáo dục và Trung tâm gì đó của Nhà văn Lê Lựu. Vì vậy chúng ta cũng nên thưởng thức 100 bài này để biết "gu thơ" của họ. Ai cũng có "gu thơ" của riêng mình, chẳng ai giống ai, đấy là chưa kể "thơ mình, vợ người Nhật". Do đó cũng chẳng nên ồn ào làm vì chuyện đó, không có sự lựa chọn đó thì chúng ta vẫn hàng ngày đọc thơ, làm thơ và sưu tầm thơ.
Tôi nảy ra một ý tưởng mỗi người trong hơn 700 thành viên của Thi viện hãy chọn ra 10 bài mà mình thích nhất. Tổ hợp lại chúng ta sẽ có sự lựa chọn của chúng ta. Đó là 100 bài được nhiều người chọn nhất, chẳng hạn. Mong được mọi người hưởng ứng. Tôi bắt đầu suy nghĩ về 10 bài của riêng mình và thông báo sau.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Ý kiến của Chef hay quá...
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
23.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Mình có thảo luận với một vài thành viên nữa trên Thi Viện, và ý kiến của bạn rất được hoan nghênh, nhưng cần có một sự chuẩn bị. Trong thời gian tới mình sẽ cố gắng bàn thêm và để phát động cuộc bầu chọn sớm nhất có thể, mình rất mong nhận được ý kiến của mọi người về việc này.

Mình mở một chủ đề riêng để mọi người đóng góp ý kiến: http://www.thivien.net/fo...ID=6xOAUbKdWiBr-eAAn9zXQQ
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (17 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối