Trang trong tổng số 2 trang (18 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]

Ảnh đại diện

Bóng nắng

Khi Thanh Cao vẽ "Gương mặt gió"

         Hồi anh Nguyễn Thanh Cao làm Tổng biên tập tờ tạp chí Công nghiệp quốc phòng và kinh tế, tôi đã nhiều lần gặp anh để trao đổi bài vở cộng tác. Tuyệt nhiên chẳng thấy anh bàn chuyện thơ, dù anh biết tôi là một trong những tác giả thơ trẻ của quân đội. Đến khi anh rời quân ngũ và làm cho báo Người cao tuổi, có lẽ do môi trường nên anh chăm chỉ sáng tác thơ hơn? Và bất ngờ năm 2011 này, anh còn tặng tôi tập thơ riêng “Khuôn mặt gió” do NXB Hội Nhà văn ấn hành vào quý 4-2010.

         Nguyễn Thanh Cao quê biển Cửa Lò (Nghệ An), vùng đất vốn nhiều nắng gió, nên anh muốn nhận diện sự mặn mòi của gió, tìm trong sự khắc nghiệt của gió Lào để soi bóng quê hương, tri ân nguồn cội. Anh vẽ “Khuôn mặt gió” bắt đầu từ quê hương, nơi sinh thành: “Con ra đời chiếc võng thay nôi/Thiếu manh áo mẹ ủ bằng hơi ấm/Lời mẹ ru trong đêm dài tiếng sóng/Trải mấy mùa bão tố chẳng nguôi ngoai” (Mẹ).

         Nét vẽ đầu tiên của anh là người mẹ có bóng “đổ nghiêng dáng đời khó nhọc”. Đọc câu thơ anh viết, tôi lại nhớ đến Hữu Thỉnh trong trường ca “Đường tới thành phố” có câu “Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng/Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió”. Sức gió mạnh làm nghiêng xiêu dáng mẹ, toát lên sự lam lũ, tảo tần của người mẹ ở quê. Và anh còn tô đậm thêm “Xẻ vào trán cha những đường cày nhọc nhằn/ Đè lên vai mẹ còng lưng gánh gồng sớm tối” (Thời gian). Anh vẽ “Làng quê”: “Làng chênh vênh bên dòng xanh giữa miền gió thốc/Hàng tre còng lưng đổ bóng xuống con đường chi chít vết chân trâu ký ức/Cây lúa oằn mình đẫm giọt mồ hôi nặng trĩu chiêm mùa... Những căn nhà mái rạ sắt se gió hú bốn bề chao rung bần bật/Làng mang bóng tuổi thơ trần truồng phơi mình nơi nắng rát”. Câu thơ dài và có chỗ như nét vẽ dư mực, khiến bức tranh hơi rối, nhưng người thưởng thức tranh hiểu được tâm ý tác giả mà đồng cảm, trân trọng tấm tình người viết với quê hương.

         Nguyễn Thanh Cao dùng nhiều mảng màu, tạo không gian, thời gian, bằng hiện thực và tâm thức để vẽ nên “Khuôn mặt gió”. Bức tranh thơ của anh có nhiều ánh sáng và toát lên sự đa cảm của trái tim khao khát niềm yêu. Không gian trong “Khuôn mặt gió” rộng dài, từ làng quê đến mọi miền đất nước, từ Tây Nguyên trong những ngôi nhà Rông đến Hội An phố cổ; anh “Qua bến Giang Đình” ra biển “Buông neo” để có những ngày “Bâng khuâng Sầm Sơn”, thậm chí anh sang cả nước bạn tham quan và nghĩ suy trước đền đài Ăng-ko... Nguyễn Thanh Cao dụng công đan xen thời gian với tâm trạng, nối từ ký ức vào hiện tại, từ mơ đến thực và từ hoài niệm đến khát vọng. Anh tạo những mảng ánh sáng với nắng, với gió, ánh trăng thanh thoát và nồng ấm. Về những khoảng trầm khuất, Nguyễn Thanh Cao cũng có những nét vẽ rất riêng: “Thôi đành-nhỡ nhàng-lối bước/ vin cành trúc trắc anh về” (Thôi đành)

         Nguyễn Thanh Cao vẽ “Khuôn mặt gió” bằng 56 bài thơ, ở trong đó gặp nhiều câu thơ, theo tôi, gây được ấn tượng với bạn đọc: “Trời nghiêng một mảnh trăng ngà/Xong mùa em quẩy câu ca ra đình” (Câu ca ra đình), “Nắng hanh hao tóe vàng con mắt/Chốn quê nghèo cát bạc, cồn khô” (Mẹ), “Bãi bờ quen lấp lánh ánh thủy tinh/Trưa hè đổ tròn xoe bóng nón/Mải đùa theo bông chông lăn gió cuốn/Đôi chân trần bỏng rát cát nồng bay” (Quê sóng); “Thời gian cùng ai vò võ/ắp đầy nỗi nhớ giêng hai” (Thời gian); “Anh treo trăng liềm đầu tháng/Chiều buông/Cánh chim bảng lảng/Tóc em rười rượi sông dài” (Bóng tóc). Tuy vậy, Nguyễn Thanh Cao còn để cảm xúc mình dàn trải, trong một số bài thơ việc dụng từ còn mòn sáo hoặc câu chữ không phù hợp, lên gân cốt làm cản trở đến sự tiếp nhận của người đọc. Chẳng hạn như: “Quê em ân tình tỏa bóng”, “Nồng say câu hát/Niềm vui vẫy vùng vỗ nhịp sóng trùng khơi”; “Bờ vai em/áo bạc màu mưa nắng/gió sương khuya sớm chứa chan”. Trong “Khuôn mặt gió” có những bài thơ, câu thơ mô tả về sự mơn trớn, ân ái, đụng chạm da thịt, nhưng chưa thật nhuần nhuyễn, thoát ly sự mô tả nhục dục tầm thường.  

         Như là sự tự bạch khi Nguyễn Thanh Cao viết: “Tôi cưới tứ thơ như quê tôi cưới chợ/Đón thơ về/Thơ ở lại với mình không?”. Đấy không chỉ là sự trăn trở của riêng anh mà của thảy những người làm thơ, đau đáu niềm thơ. Có thể nói “Khuôn mặt gió” là một đời thơ anh mà “Gió vẫn đêm ngày lẩn khuất đâu đây”...

Hà Nội 15.7.2011
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nhathoquandoi

“Chút thu” mà hai nửa cuộc đời

       Nguyễn Đình Xuân

Nhà thơ Vũ Đình Văn đã từng viết “Nếu phải chia cho người yêu một nửa/Thì em ơi, nhận lấy khoảng đời đầu/Cái khoảng đời vời vợi nhìn nhau/Đằm thắm thời gian không mùa ranh giới”. Cùng thế hệ với Vũ Đình Văn, anh Nguyễn Chu Nhạc – hiện đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cũng chia cuộc - đời - thơ của mình làm hai nửa, một nửa đằm thắm niềm yêu và một nửa của miền ký ức. Đấy là tôi muốn nói đến tập thơ “Chút thu” của anh mới được NXB Văn học ấn hành quý 4 năm 2011.
“Chút thu” được nhà thơ Trần Đăng Khoa, cũng là một người cùng thế hệ với Nguyễn Chu Nhạc viết lời giới thiệu. Trong “Mấy lời mở sách”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định: “Chút thu” có thể xem như tuyển tập thơ của cả một đời Nguyễn Chu Nhạc. Đọc thơ anh, tôi luôn thấy thấp thoáng sau những con chữ là bóng của một ông đồ. Không phải ông đồ khăn xếp áo the với cây bút lông xưa cũ trong thơ Vũ Đình Liên, mà rất hiện đại với com-lê, cà-vạt và cả dàn vi tính trong tay. Trần Đăng Khoa cho rằng, thơ Nguyễn Chu Nhạc chỉn chu, mực thước, thâm thúy, mơ mộng nhưng vẫn tỉnh táo. Tóm lại là thơ anh đa dạng, biến hóa và “không biết đó là ánh sáng hắt xuống từ trời mây, hay tỏa lên từ sông nước, hoa cỏ”.
“Chút thu” chia cuộc đời thơ Nguyễn Chu Nhạc làm hai nửa, hai con người. Con người thi sĩ lãng mạn đi suốt hành trình thơ của mình và con người của miền ký ức anh đã trải qua với trách nhiệm công dân để nhìn nhận hiện tại và tương lai. Theo năm tháng hành trình trên đường công tác, anh dành trọn niềm yêu cho người thân và cho người mình yêu: “Bài thơ viết ra hành trình mải miết/ Xui những tâm hồn đồng điều đến tìm nhau” (Có một ngôi sao). Sự lãng mạn của anh, chỉ người trẻ tuổi mới có: “Không hiểu vì sao tôi cứ tin/em là nàng công chúa ngủ mê trong lâu đài cổ/tôi là chàng hoàng tử hôn lên đôi môi hé mở/mình dắt tay nhau đi thức cả xứ Hoa hồng”. (Không hiểu vì sao tôi cứ tin). Bài thơ viết khi anh ở tuổi đôi mươi, chứ ở tuổi “tri thiên mệnh” bây giờ thì sao anh có thể viết với cảm xúc trong trẻo, dạt dào được như thế?
Con người lãng mạn Nguyễn Chu Nhạc bộc lộ ở từng cử chỉ, từng trạng thái, “Anh xa vào lúc cuối thu” thì nhớ đã đành, ở gần cũng nhớ: “Sáng sớm, em ra đi/Anh mở cửa ra,/căn phòng tràn trề nhịp trái tim rạo rực/nên tiếng đàn bồi hồi, thổn thức/trước sự sinh sôi” (Sáng sớm, em ra đi). Bài thơ phản ánh cuộc sống sinh hoạt thường ngày, em đi làm mỗi sáng, thế mà anh vẫn nhớ. Hóa ra ngày dài là bởi nhớ, bởi yêu tha thiết quá.
Nguyễn Chu Nhạc có trái tim đa cảm. Những thứ bất chợt hoặc rất bình thường xung quanh, anh cũng rung động thành thơ, huống chi những “Mưa ngâu”, “Nắng thu”, “Rét nàng Bân”, “Rét muộn”, nơi có “em váy ngắn chân trần len giữa phố đông”, để “ta tần ngần/đắm vào ánh chiều thăm thẳm”. Bằng trái tim đa cảm, Nguyễn Chu Nhạc viết nên những câu thơ tinh tế: “Đêm nao buồn vẳng câu chèo/Cầu sông ai tắm trăng neo giữa dòng” (Nỗi quê); “Lá thuyền dán xuống mặt sông/Vết chân quết vạt cỏ đồng phù sa” (Đồng tháng sáu); “Quê nhà, ổi thơm cuối vụ/kịp về chắc hẳn còn sen?” (Bất chợt)...
Từng làm kỹ sư canh nông, rồi làm báo, Nguyễn Chu Nhạc đi đến nhiều nơi, nhiều vùng đất, từ đồng bằng châu thổ sông Hồng, đến đồng bằng sông Cửu Long, qua dằng dặc khúc ruột miền Trung, đến Viên Chăn đất Lào... Dù miền đất quen, hay vùng quê xa ngái, đến đâu anh cũng có thơ. Đọc “Chút thu” để biết mưa miền Trung, mưa Huế, đến được Cửa Tùng, đi xe ngựa Bảy Núi, ngược lên Tây Bắc đến Điện Biên, dự chợ phiên Cán Cấu, qua Xi-ma-cai rồi ngược nguồn sông Mã... Không chỉ cảm cái đẹp của từng vùng đất, mà ở đó, Nguyễn Chu Nhạc còn khẳng định trách nhiệm công dân của mình, gửi những ước vọng, mong mỏi từng địa phương phát huy thế mạnh du lịch, đặc sản vùng, để nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân.
Ở tuổi vào thu, Nguyễn Chu Nhạc lấy cảm hứng thơ từ sự trải nghiệm cuộc đời, để đánh giá những được mất một thời đã qua. Đầu tiên là anh trở về miền ký ức tuổi thơ, về làng quê và những con phố anh đã từng sống, qua đó để thấy sự đổi thay “một đi không trở lại”. Niềm yêu của anh ở “khoảng sau cuộc đời” cũng khác, cái nhìn đã khác “Xưa còn nước chảy chân cầu/Nay thì chỉ thấy một màu hoang vu” (Nắng lắm thì lại mưa nhiều); “len lén thở dài nhịp tâm thiếu phụ/tỉnh giấc đêm muông chợt tiếc xuân thì” (Thu). Những thi ảnh mùa thu, với những tâm trạng khác nhau, từ cảm hứng thu, ngỡ thu đến nắng thu, cuối thu, rồi thu vớt, chút thu... cho thấy Nguyễn Chu Nhạc trải lòng đau đáu với số phận con người. Cảm hứng mang âm hưởng sử thi, trường ca qua các bài thơ “Chút thu”, “Con sông tuổi thơ”, “Nơi ngọn nguồn sông Mã”, “Tây bắc thương nhớ” của Nguyễn Chu Nhạc rất đáng chú ý. Đó là sự trải nghiệm qua thăng trầm đời người, đi từ cái cụ thể đến sự khái quát, từ một làng quê đến một vùng đất, từ sông ra biển, từ một cuộc đời đến những cuộc đời. Triết lý nhân sinh trong sự biến thiên thời gian cuối cùng còn lại, theo Nguyễn Chu Nhạc là cái bản ngã sâu thẳm của con người, bên trong con người. Đấy là lý do để anh viết:“Một chút / anh / một chút / em / thêm phố xá / là thành / nỗi nhớ / thêm / nỗi nhớ / nữa / thành ngọn lửa / cháy / bập bùng / soi / dọc thời gian”...
Hà Nội 2012
Nhathoquandoi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

Hương quê



Nhẹ như xa, nặng như gần

Bâng khuâng ấy cứ bần thần lòng ta

Mùi hương thoáng đấy rồi xa

Thoáng thôi mà kéo lòng ta chụm về.



Trời ơi! Sao lạ thế kia

Trăm nghênh ngang cũng dọn về giọt xưa!

Phạm Văn Đoan



“Hương quê” trong nỗi nhớ người xa xứ



                                                                            * Nguyễn Đình Xuân





         Nhà thơ Phạm Văn Đoan quê Thái Bình. Anh xa quê vào sinh sống, công tác ở thành phố Vũng Tàu đã lâu. Có lẽ mỗi khi về quê, nhớ quê anh đều có thơ để giải tỏa nỗi lòng. Bài thơ “Hương quê” cũng trong hoàn cảnh ấy.

         Bài thơ ngắn, nhẹ nhàng khi đọc mà sao sâu lắng. Mỗi khi đọc bài thơ, tôi như thấy anh nói hộ lòng mình, nhất là mỗi lần về quê, âm hưởng ấy lại ngân trong tôi.

“Nhẹ như xa, nặng như gần/Bâng khuâng ấy cứ bần thần lòng ta”. Từ quê hương ra đi, ngỡ như lòng mình nhẹ nhàng lắm. Và mỗi lần về, bao kỷ niệm thân thương ở quê lại ùa đến, nên nặng lòng chăng? Câu thơ tưởng như nghịch lý. Ra đi phải nặng lòng chứ. Vì mình mang bao nỗi niềm cùng đi cơ mà. Nhà thơ Thâm Tâm chẳng nói “Đưa người, ta không đưa sang sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng” kia. Vậy là sự “đi xa” của Phạm Văn Đoan nhẹ mà không nhẹ, mà lắng lại thôi. Để đến khi về quê mới nặng thế. Có thế, nhà thơ mới so sánh, mà có hai sự so sánh bằng chữ “như” chỉ trong một câu thơ mở đầu bài thơ như thế. Để câu thơ sau đã rõ ràng, thành thật: “Bâng khuâng ấy cứ bần thần lòng ta”. Thế là đi-về đều là bâng khuâng, là tâm trạng chung của người xa quê lâu ngày.

Sự tiếp nối tự nhiên của mạch cảm xúc “Mùi hương thoáng đấy rồi xa/Thoáng thôi mà kéo lòng ta chụm về”. Cái hay của thơ là từ cảm giác mong manh để hội tụ thành điều có thật, hiển hiện như cầm nắm được. Mùi hương là mong manh, thoáng đấy thôi, mà như những vòng dây trói lòng người, kéo “lòng ta chụm về”. Cái riêng mà không riêng nữa, để hòa đồng, cùng tụ hợp với những con người thân thiết, gần gũi ở quê. Từng xa quê và mỗi lần về quê tôi có cảm giác ấy, khi thấy lũy tre đầu làng, thấy ngọn khói bếp tỏa vào không trung. Tôi hình dung bên bếp lửa mẹ lụi cụi nấu niêu cơm; gặp các bạn tôi thời thơ ấu chơi đánh trận giả, giấu mình trong đống rơm khô... Hương quê của lòng tôi có thể nào quên được? Thế mà xa, chỉ là trong nỗi nhớ. Bởi vậy, đọc những câu thơ trên của Phạm Văn Đoan sao mà tâm đắc, chắc không chỉ riêng tôi.

Chẳng cần nhiều lời, dài dòng, chỉ chấm phá thế là đủ nên nhà thơ đặt bút: “Trời ơi! Sao lạ thế kia/Trăm nghênh ngang cũng dọn về giọt xưa!”. Lại thêm một lần rõ ràng. Người quê đi xa bươn trải làm ăn, hoặc công tác trưởng thành, khá giả nữa để mà “nghênh ngang”, nhưng về quê, nơi sinh ra, đùm bọc thời thơ ấu, cũng hiền lành như giọt nước. Ấy cũng là cái đạo ở đời, ở tình người. “Giọt xưa”, đấy là những kỷ niệm của những lam lũ, của những tảo tần, của giá trị đầu tiên, viên gạch đầu tiên đặt nền tảng cho một cuộc đời. Mà cũng có thể “giọt xưa” sẽ đón người về, sau những năm tháng đi xa và cả khi không còn ở dương gian nữa.

Thơ hay nhiều khi không dài, không nhiều lời, cốt đồng cảm, nhập tâm vào người đọc. “Hương quê” của Phạm Văn Đoan là bài thơ như vậy. Bài thơ chân chất hồn quê, nhẹ nhàng, viết như chơi “thoáng đấy”, “thoáng thôi” mà có sức nặng biểu cảm, tạo sự nhấn trong cảm xúc cho người đọc. Đọc xong bài thơ, tôi cảm thấy như sau khi được tắm trên dòng sông quê mình, được hít thở thứ không khí nồng nồng của hương đồng ngày xưa.

Hà Nội 1.2013
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Ngọc Tín

Xuân về bên thành cổ
             
              Anh và em đi trong thành cổ
              Bâng khuâng nghe cây khẽ cựa mình
              Tiếng gió thì thầm nhè nhẹ
              Tưởng như khúc nhạc gọi xuân về
               
              Thành xưa chuyện cũ đã bao năm
              In dấu đời ta tuổi trăng rằm
              Đã bao đổi mới mà xao xuyến
              Khắc mãi trong ta một mối tình
               
              Thành Sơn giờ đã khác với xưa
              Biết bao đổi mới trong nắng mưa
              Cỏ cây hoa lá giờ khởi sắc
              Bừng lên trong nắng mới chan hoà
               
              Ai khoác lên thành một áo hoa
              Lan can thẳng tắp dáng hiền hoà
              Cầu cong uốn lượn đường xây thẳng
              Gạch cũng thành hoa thắm nghĩa tình

              Đường phố rộn ràng không khí tết
              Người xe tấp nập lúc xuân về
              Kìa em gái nhỏ sao vui thế
              Để gió bay bay mái tóc thề

              Anh dẫn em đi trong say mê
              Xứ Đoài mây trắng lúc xuân về
              Thành Sơn là chốn quê anh đó
              Đã níu chân em suốt cuộc đời
               
              Có phải gió xuân đang thổi tới
              Cho chúng ta lại được song hành
              Mãi mãi bên thành xưa tận hưởng
              Vị ngọt ngào sung sướng mùa xuân .
                                         NNT
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nhathoquandoi

Anh NNT ơi, bài thơ rất hay, để trong chủ đề này nên có lời bình nữa.
Nhathoquandoi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nhathoquandoi

Xuân
Tặng Dương

Xuân năm nào cũng mới
Chỉ  mình đang cũ thôi
Câu thơ ai thao thiết
Cho tim anh bồi hồi.

Ngắm nụ đào chớm nở
Sắc thắm bông mai vàng
Trẻ nhà ai  ríu rít
Rạo rực trời xuân sang.

Ơi mùa vui xuân mới
Mái tóc em thêm dài
Làn mi cong ngày ấy
Khắc khoải trời giêng hai...

Xuân năm nào cũng mới
Nhưng anh có buồn đâu
Chỉ nhớ ngày xa ấy
Mà tóc nay ngả mầu!
24-2-2010
Nguyễn Viết Hiện

--------------------

Nỗi niềm trước “Xuân”

   Mấy năm nay cứ mỗi độ năm mới đến, xuân về, tôi lại ngâm nga bài thơ “Xuân” của Nguyễn Viết Hiện. Bài thơ dung dị mà chứa bao cung bậc tâm trạng, cảm xúc. Nguyễn Viết Hiện làm báo Hải Dương, nhưng anh từ lâu đã đam mê thơ. Và vì thế, thơ anh chân thật, chứa đựng nhiều thông tin. Trong bài thơ “Xuân” cũng vậy, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống, nhưng thăng hoa hơn bởi cái tình chan chứa.
   Anh mở đầu bài thơ bằng hai câu rất tự nhiên: “Xuân năm nào cũng mới/Chỉ mình đang cũ thôi”. Thiên nhiên, đất trời vào Xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, sự vật mới mẻ. Một năm mới đến, đối với tác giả cảm thấy mình thêm tuổi, thêm “cũ” đi. Tự thấy mình cũ mới nhìn thấy cái tươi mới, sự sống mới xung quanh mình. Nguyễn Viết Hiện đã đi giữa hai chiều thời gian mùa Xuân và cuộc đời, bởi chính anh nhận thấy: “Câu thơ ai thao thiết/Cho tim anh bồi hồi”. Như thế là tác giả, chính là con người yêu sự sống lắm, nên trái tim mới bồi hồi trước sự đổi thay, tươi mới của thiên nhiên vào Xuân.

  Hương sắc tươi mới của mùa Xuân được tác giả khắc họa trong những khổ thơ tiếp sau: “Ngắm nụ đào chớm nở/Sắc thắm bông mai vàng/Trẻ nhà ai ríu rít/Rạo rực trời xuân sang.//Ơi mùa vui xuân mới/Mái tóc em thêm dài/Làn mi cong ngày ấy/Khắc khoải trời giêng hai...”. Một mùa xuân vui với những đặc trưng cụ thể, có nụ đào chớm nở, có sắc thắm mai vàng, có bầu trời rộng mở. Ở trong khung cảnh ấy, có tiếng trẻ cười nói ríu ran, có bóng dáng người con gái với mái tóc dài, làn mi cong. Cảnh và người hòa quyện tạo nên bức tranh xuân đa màu, nhiều cảnh. Nhưng trong bức tranh ấy, có điểm nhấn mà người đọc phải dừng lại, để nghĩ suy, không chỉ là “ngắm” nữa, mà trở nên khắc khoải. Đấy chính là ký ức, sự nuối tiếc một thời tuổi thanh xuân vừa đi qua. Mái tóc dài, làn mi cong ấy chỉ là của ngày xưa, trong nỗi nhớ. Thế nên mới hiểu khi tác giả muốn níu lại thời đã qua “Chỉ mình đang cũ thôi”.
   Tâm trạng khắc khoải, nhớ về thời tươi trẻ là vậy, nhưng tác giả cố giấu đi, cố khỏa lấp khoảng trống khi mùa xuân căng đầy sự sống ùa về: “Xuân năm nào cũng mới/Nhưng anh có buồn đâu”. Là nỗi nhớ, là kỷ niệm, có cố quên càng nhớ thêm, nói không buồn nhưng trong lòng bao tâm trạng. Là lẽ tự nhiên của quy luật thời gian, quy luật đời người, nên tác giả viết: “Chỉ nhớ ngày xa ấy/Mà tóc nay ngả mầu!”. Hai câu thơ đưa người đọc cảm nhận về một thực tế, là thông tin rõ ràng. Câu đầu ở khổ thơ đầu và khổ cuối của bài thơ, tác giả điệp khúc “Xuân năm nào cũng mới”, cho thấy nhịp thời gian liên tục, có mới nhưng không dừng lại. Lấy mùa xuân là cớ để nói về sự khát khao của con người khi đã đi về bên kia dốc cuộc đời. Có ai không khát khao về thời thanh xuân, thời trai trẻ, đã từng nhớ nhung về một mái tóc dài, về làn mi cong của người con gái đang mơn mởn mùa Xuân? Có thể suy ra, thông điệp bài thơ như muốn nói với bạn trẻ, với mỗi người hãy trân trọng, sống tốt với cuộc sống này, để có những kỷ niệm đẹp của một thời làm ta nhớ mãi.
Tháng 1.2013
Nguyễn Đình Xuân
Nhathoquandoi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nghia Hoa

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY

http://i105.photobucket.com/albums/m213/Trong_Nghia_Nguyen/socircngth1EA1chHatildenQu1EA3ngTR1ECB_zpsaf2e864e.jpgSông Thạch Hãn

Cựu chiến sĩ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam Lê Bá Dương
trong lần quay lại Thành cổ Quảng Trị
kết bè hoa thả xuống dòng Thạch Hãn,
con sông đang chứa trong lòng nó
hàng trăm linh hồn liệt sĩ đồng đội,
đã bật lên từ đáy lòng:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm

              LÊ BÁ DƯƠNG
http://i105.photobucket.com/albums/m213/Trong_Nghia_Nguyen/HOa11101030ngth1EA1chhatilden_zpsfb118788.jpg
Thả hoa đăng viếng linh hồn liệt sỹ ở sông Thạch Hãn

Cảm nhà thơ nhà báo Lê Bá Dương đã cho chúng tôi trở lại cùng đồng đội. Kính viếng anh linh các liệt sỹ

Chỉ với bốn dòng thơ
Anh nói lên tất cả
Đồng đội, toàn dân nhớ
Tổ Quốc dựng đền thờ


                NGHĨA HOÀ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoanghuy87

Bài thơ này em có đọc rồi, đọc suốt đó, vì cảm thấy là những bài thơ này hay và giáo dục nhân cách con người lắm
<a href=http://www.gadongtaohungyen.vn/>gà đông tảo</a>
<a href=http://www.gadongtaohungyen.vn/gia-ga-dong-tao/>ga dong tao</a>
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (18 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]