Trang trong tổng số 9 trang (88 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Vodanhthi đã viết:

Thời của dối gian?



 Sự kiện thứ 1: Cuối cùng thì hôm 4.10 bộ Giáo dục – đào tạo đã giao vụ giáo dục đại học tiến hành thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế – phó viện trưởng viện Tài chính – Ngân hàng thuộc trường đại học Kinh tế quốc dân và kiến nghị hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước xem xét thu hồi quyết định công nhận chức danh phó giáo sư đối với ông Quế sau khi có kết luận luận án tiến sĩ của ông Quế bị tố cáo đạo văn là đúng.

Ông Hoàng Xuân Quế – tác giả luận án tiến sĩ được bảo vệ năm 2003 với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ Việt Nam” bị tố cáo đạo văn từ một luận án tiến sĩ bảo vệ năm 2002 của ông Mai Thanh Quế ở học viện Ngân hàng. Hội đồng chức danh giáo sư ngành Kinh tế học đã thành lập hội đồng xác minh luận án và 100% thành viên hội đồng đã khẳng định luận án của ông Hoàng Xuân Quế sao chép tới 30% nội dung (52,5/159 trang) từ luận án của ông Mai Thanh Quế.
Các nội dung sao chép trong luận án của ông Hoàng Xuân Quế là không hợp pháp vì không có chú dẫn nguồn trích và việc sao chép không đúng quy định (không có dấu ngoặc kép cho phần sao chép nguyên văn). Vì vậy, luận án của ông Hoàng Xuân Quế “không được coi là một công trình khoa học hoàn chỉnh”.

Sự kiện thứ 2: “Thơ thiền núi thiêng Yên Tử lay động đại học Kỷ lục Thế giới”. Như một tiếng kèn ca khúc khải hoàn, dưới cái tít như trên, báo GD-TĐ đưa tin: ngày 22.9, tại thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (thành phố Uông Bí – Quảng Ninh), đại học Kỷ lục Thế giới trao tặng bằng Tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục cho quyển sách độc bản “Thi vân Yên Tử” của nhà thơ, GS.TS Hoàng Quang Thuận cho Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử.

Về “nhà thơ thần” – GS.TS Hoàng Quang Thuận – và giá trị thơ của ông, thi giới đã bàn nhiều, tưởng không cần nhắc lại. Nhưng cái đại học Kỷ lục Thế giới lạ hoắc thì xưa nay chắc chẳng ai biết, trừ phi có ai đó bỏ thì giờ vào trang web của nó để thấy nó tự xưng là một trường đại học tự quản, một tổ chức liên kết các cuốn sách kỷ lục châu Á và một số quốc gia như Việt Nam, Nepal, Ấn Độ… Nó cấp bằng tiến sĩ danh dự cho những người giữ kỷ lục của cộng đồng với điều kiện nộp cho “trường đại học” này 1.000 đôla Mỹ. Có người đã gọi cái đại học Kỷ lục Thế giới này là “đại học lừa”.
Vậy mà không biết bằng cách nào người nhận bằng của cái đại học đó đã “huy động” được sự tham dự buổi lễ trao bằng của một cựu ủy viên Bộ Chính trị, nguyên phó Chủ tịch Quốc hội; một cựu phó Thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ Ngoại giao cùng lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị trung ương; một phó chủ tịch UBND tỉnh và Thượng tọa, trưởng ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh; lãnh đạo thành phố Uông Bí, đại diện các sở, gành, đơn vị cùng hơn 2.000 tăng ni, phật tử trong tỉnh. Chẳng lẽ trong bao nhiêu vị ấy, không ai biết gì về thực chất của cái trường đại học ấy?
Một người bán hàng gian dối dù sao cũng chỉ hại một hoặc một số ít người, với một món hàng dỏm. Một, và không chỉ một, người được coi là trí thức mà gian dối thì ảnh hưởng chắc chắn không chỉ tới một mà nhiều người, nếu không nói là cả thế hệ trẻ. Nếu lấy bằng tiến sĩ bằng cách sao chép hoặc bằng cái bằng dỏm một cách dễ dàng thì ai còn chịu học thực? Phải nói đó là một tấm gương xấu cho thế hệ trẻ.
Một nghiên cứu gần đây cho biết học sinh càng học lên càng nói dối nhiều hơn lúc nhỏ. Chẳng biết, ngoài việc phải thường xuyên nói dối, viết dối theo các bài văn mẫu ở trường, các em có bị ảnh hưởng gì không của những đại trí thức, đại khoa bảng như hai vị trong hai sự kiện kể trên?

ĐOÀN KHẮC XUYÊN
Chuyện dối gian của hai người này là chuyện vặt. Như 2 hạt cát trong sa mạc Sa Ha Ra.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thái Thanh Tâm đã viết:
'Lãnh đạo VN bị ý thức hệ kìm hãm'

Ông Lý Quang Diệu từng thăm Việt Nam.
Hồi tháng Tám vừa qua, cựu thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu cho ra mắt cuốn sách hơn 400 trang, bày tỏ quan điểm về tương lai, triển vọng của các quốc gia lớn đáng chú ý trên thế giới và trong vùng Đông Nam Á.
Cuốn 'One man’s View of the World' có cả phần nhận định của tác giả về hiện tại và tương lai của Việt Nam.

Quyển này hay. Các bạn có thể đặt mua ở các website chuyên bán sách qua Internet. Thí dụ như Amazon.com bán bản hardcover là USD13 (used book rẻ hơn nữa), còn phiên bản dành cho Kindle khoảng USD11. Nếu mua thẳng ở Singapore thì rẻ hơn.

http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Chinh%20tri%20va%20thoi%20su/00_zps694d04b1.jpg


/
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Dịch bằng… toán



SGTT.VN - Tạp chí MIT Technology Review – Hoa Kỳ vừa có bài giới thiệu nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Google gồm: TS Tomas Mikolov (Cộng hoà Czech), TS Lê Viết Quốc (Việt Nam) và Ilya Sutskever (Canada). Ý tưởng chính của nghiên cứu này là thiết lập và biểu diễn bản đồ ngôn ngữ bằng một không gian véctơ. Khi đó, việc dịch chỉ là thực hiện thuật toán chuyển đổi giữa các không gian véctơ.

Hai bước chuyển ngữ  

Khoa học máy tính đang thay đổi bản chất của dịch thuật, nhưng những người từng dùng Babel Fish hay Google Translate để dịch đều biết rằng dù hữu ích, những công cụ này chưa hoàn hảo, nếu không nói là còn nhiều khiếm khuyết.

Nhóm nghiên cứu của Google tìm một hướng đi mới giải quyết vấn đề đó. “Rất đơn giản, để dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, chúng tôi dùng sự biến đổi tuyến tính để có thể kết nối từ này sang từ khác”, nhóm các nhà nghiên cứu của Google nói.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, TS Lê Viết Quốc, thành viên của nhóm giải thích thêm: “Trong dịch thuật có hai vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất là tạo ra bảng chuyển ngữ (translation table) như “xinh đẹp” chuyển thành “beautiful”, “khoẻ mạnh” thành “healthy”. Nhưng dịch thuật không đơn giản như vậy. Ví dụ “Tôi đi học ở một ngôi trường rất xa” chuyển ngữ trực tiếp sẽ thành “I go to a school very far” – tập hợp từ này không có nghĩa trong tiếng Anh. Vì vậy người ta phải tìm cách chắp nối những từ này lại cho thành câu. Bước thứ hai này được gọi là sử dụng mô hình ngôn ngữ (language modelling). Các phương pháp dịch thuật nói chung cần giải quyết hai bước này thật tốt. Thực tế đã có rất nhiều hướng nghiên cứu khác nhau. Đa phần đều muốn tìm cách làm bước thứ hai cho thật tốt, và họ đều dùng phiên dịch chuyên nghiệp – tức là người biết rành cả hai ngôn ngữ để tạo ra bảng chuyển ngữ. Nghiên cứu của nhóm đã – lần đầu tiên – tạo ra translation table mà không cần người dịch thuật”.

Theo đó, phương pháp tiếp cận mới tương đối đơn giản. Nó dựa trên quan điểm cho rằng mọi ngôn ngữ phải được mô tả là một tập hợp tương tự về ý nghĩa. Vì thế, từ ngữ mang cùng ý nghĩa trong các ngôn ngữ khác nhau cũng phải có nét tương đồng. Thí dụ, hầu hết các ngôn ngữ đều có từ chỉ những động vật phổ biến như “chó”, “mèo”, “bò”... và những từ này có thể được dùng theo cách giống nhau trong các câu, thí dụ “một con mèo là một động vật nhỏ hơn một con chó”.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=207823
Với một số từ cơ bản được chọn làm mốc, mỗi từ trong một ngôn ngữ nào đó có mối tương quan được thể hiện ở vị trí nhất định trong không gian đa chiều. Ở trên là hình chiếu biểu diễn một số con số từ không gian đa chiều xuống không gian hai chiều. Hình ảnh này cho thấy véctơ đại diện cho các con số từ 1 – 5 trong tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha giống nhau như thế nào.



Một không gian tập hợp  
TS Quốc nói: “Nếu suy nghĩ kỹ về ngôn ngữ, ta sẽ nhận thấy định nghĩa của nhiều từ là có tính tương đối, như “xinh đẹp” có thể nghĩ là “không xấu”, “dễ nhìn”… Câu hỏi đặt ra là có cách tổng quát nào để định nghĩa một từ bằng cách xác định mối tương quan của nó với các từ khác? Khi ta tra từ điển, có một từ rất mới, ta sẽ định nghĩa nó một cách tương đối so với những từ còn lại trong từ điển. Từ đó hình thành giải thiết: nếu ta dùng một không gian mà ở đó có một số từ rất thông dụng làm cột mốc thì những từ còn lại có thể định nghĩa theo cột mốc đó. Một không gian như vậy trong toán học là không gian véctơ. Thực chất đây chỉ là một phương pháp định nghĩa theo mặt toán học”.

Phương pháp của nhóm là biểu diễn toàn bộ một ngôn ngữ dựa trên mối quan hệ giữa các từ của nó. Một tập hợp tất cả các mối quan hệ tạo thành “không gian ngôn ngữ” có thể được biểu diễn bởi một tập hợp các véctơ. Và trong nhiều năm gần đây, nhóm của TS Quốc đã phát hiện rằng có thể vận dụng phép tính toán học cho những véctơ này. Thí dụ, phép tính “vua” + “nữ giới” sẽ cho kết quả trên véctơ, có nghĩa tương tự là “nữ hoàng”.

Nếu đã tìm ra được một “không gian ngôn ngữ” biểu diễn bằng các véctơ thì quá trình chuyển đổi từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác tương đương với việc chuyển đổi từ một không gian véctơ này sang không gian véctơ khác. Như vậy, quá trình dịch thuật đã trở thành quá trình được giải quyết bởi các thuật toán. Ở đây, nhóm nghiên cứu của Google phải tìm một cách kết nối chính xác một không gian véctơ vào một không gian véctơ khác. Họ đã dùng một từ điển song ngữ do con người biên soạn – so sánh với bộ sưu tập các văn bản viết hoặc nói của các từ trong hai ngôn ngữ khác nhau, mang lại một biến đổi tuyến tính có sẵn để triển khai phương pháp này.

Nhóm nghiên cứu cho biết nó hoạt động khá tốt: “Mặc dù đơn giản, phương pháp của chúng tôi có hiệu quả đáng ngạc nhiên, chúng tôi có thể đạt được gần 90% độ chính xác đối với dịch các từ giữa tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha”.

Phương pháp này có thể được dùng để mở rộng và cải tiến từ điển, thậm chí có thể phát hiện sai sót trong từ điển. Thực tế, nhóm Google đã làm điều đó với một từ điển tiếng Anh – tiếng Czech, và tìm ra rất nhiều lỗi trong đó.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có thể áp dụng kỹ thuật này với các ngôn ngữ hoàn toàn không có sự liên quan. Thí dụ, dù được xây dựng trên hai ngôn ngữ có nhiều sự tương đồng là tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha nhưng nghiên cứu cho thấy kỹ thuật mới cũng hoạt động tốt đối với các cặp ngôn ngữ không có nhiều liên quan, như tiếng Anh và tiếng Việt.

TS Quốc cho biết thêm: “Việc nghiên cứu đã được tiến hành gần một năm nay và có kết quả từ cách đây hai tháng. Với nghiên cứu này chưa thể gọi là hoàn thành, nhưng về kết quả thực nghiệm thì như thế cũng là khá đầy đủ”. Tạp chí MIT Technology Review cũng nhận định “đây là một bước tiến hữu ích cho tương lai của truyền thông đa ngôn ngữ”.

Tuy nhiên, “đây mới chỉ là bước khởi đầu, rõ ràng, vẫn có nhiều thứ cần được khám phá”, TS Tomas Mikolov, đại diện nhóm nghiên cứu nói.

 Kim Dung – Hưng Long (theo MIT Technology Review)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Cụ ông tạt axit vợ cũ rồi tự thiêu trong căn nhà 3 tầng

Sau khi tạt axit người vợ đã ly hôn, ông chồng chạy vào nhà khóa cửa rồi tưới xăng tự thiêu.


http://m.f29.img.vnecdn.net/2013/10/21/chuyen-xac-5842-1382335942.jpg

Thi thể người đàn ông được chuyển đi. Ảnh: An Nhơn

9h ngày 21/10, người dân ở đường số 3 (phường 7, quận Gò Vấp, TP HCM) hốt hoảng khi thấy ông Vương Chí Linh (70 tuổi) tạt axit vào người vợ cũ là bà Vân (62 tuổi) rồi chạy vào căn nhà 3 tầng khóa cửa. Mọi người nhanh chóng đưa bà Vân đi cấp cứu trong tình trạng bị bỏng nặng.

Sau đó, hàng xóm thấy lửa bùng lên trong căn nhà, cửa vẫn bị khóa. Đến khi Cảnh sát chữa cháy quận Gò Vấp có mặt thì phát hiện ông Linh đã chết trong phòng.

Theo thông tin ban đầu, trong thời gian sống với nhau, ông Linh và bà Vân thường xuyên xảy ra cãi vã dẫn đến ly hôn. Bà Vân vẫn ở trong căn nhà chung còn ông Linh chuyển đi chỗ khác.


http://m.f29.img.vnecdn.net/2013/10/21/can-xang-2468-1382335942.jpg
Những can xăng được tìm thấy trong hiện trường. Ảnh: An Nhơn

Sáng nay, ông lão 70 tuổi được cho là mua sẵn xăng và axit rồi ngồi ở quán cà phê đối diện căn nhà. Khi thấy bà Vân về, ông Linh tạt axit vào người bà này rồi lên phòng khóa trái cửa, tự thiêu.

Công an quận đã khám nghiệm hiện trường, thu giữ một lá thư tuyệt mệnh nghi là của ông Linh gửi cho người thân.
....

Ông này là nhà thơ hoặc bán nhà thơ thì không hành xử như thế này. Phải không bà con ?

Nhà thơ thấm đẫm tình yêu
Chả bao giờ nghĩ đến điều bất nhân
Cãi nhau cho vợ tranh phần
Thiệt thòi nhận hết rồi lần đến thơ...

TTT (22.10.13)
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Giáo dục tiên tiến

Học sinh lớp 1 kiểm tra giữa kỳ như... thi đại học



TT - Trộn phòng thi, đánh số báo danh cho toàn khối, cho các giáo viên không phải là giáo viên phụ trách lớp “gác thi” và yêu cầu học sinh ôn đến hàng chục bài thi.

http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Chinh%20tri%20va%20thoi%20su/0_zps6ec5a638.jpg



Đó là cách kiểm tra giữa kỳ đối với học sinh tiểu học, trong đó có học sinh lớp 1 của Trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3 (TP.HCM) vừa diễn ra.

Theo nhiều phụ huynh, trường này tổ chức cho con em họ, nhất là khối lớp 1, kiểm tra giữa kỳ mà áp lực như thi ĐH-CĐ. Cụ thể, để chuẩn bị cho việc thi giữa kỳ, nhà trường đã yêu cầu học sinh khối 1 phải ôn đến hàng chục bài toán và tiếng Việt.

“Tôi thấy đi họp phụ huynh, nhà trường nói để cho bé học thoải mái, không bị áp lực thi cử. Thế mà con tôi mới chân ướt chân ráo từ trường mầm non bước qua tiểu học được hơn hai tháng đã tổ chức thi giữa kỳ như thi ĐH thế này thì thật là quá sốc đối với các cháu. Đã vậy, nhà trường đánh số báo danh lên đến hàng trăm, các học sinh lớp 1 làm sao biết mà đọc, mà thi” - một phụ huynh bức xúc. Nhiều phụ huynh còn cho rằng việc tổ chức thi cử theo kiểu như vậy không chỉ học sinh lớp 1 mà ngay cả người lớn cũng mệt mỏi. Nhiều bé sau khi kiểm tra về đã kêu mệt.

Sáng 18-10, tại Trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM, một học sinh lớp 1 khi vừa làm bài thi xong được người nhà đón về tỏ ra không vui. Bé nói với mẹ: “Cô giáo gác thi dữ lắm, các bạn trong lớp... ai cũng sợ hết”. Học sinh này còn kể phòng thi của bé chỉ có một bạn quen, còn lại là lạ hoắc.

Trả lời về vấn đề này, chuyên viên phụ trách tiểu học của Phòng GD-ĐT Q.3 cho biết hiện các trường tiểu học vẫn thực hiện đánh giá theo thông tư 32 của Bộ GD-ĐT nên vẫn cho học sinh lớp 1 kiểm tra giữa kỳ. Tuy nhiên, Phòng GD-ĐT đã quán triệt cách thức tiến hành kiểm tra giữa kỳ (nhất là học sinh lớp 1) không được gây căng thẳng cho học sinh. “Nếu cách kiểm tra giữa kỳ của Trường tiểu học Kỳ Đồng đúng như vậy thì vô hình trung gây áp lực cho học sinh. Phòng sẽ xuống cơ sở để làm việc lại” - vị này cho biết.

Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp (khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết lớp 1 không chấm điểm mà thi căng thẳng đến thế. Ông Điệp cho rằng việc tổ chức thi cử như vậy đối với học sinh tiểu học là quá sức, chứ không riêng gì học sinh lớp 1. Theo ông, không chỉ cách đánh giá thay đổi là giảm áp lực mà cách thi cử cũng phải khác đi.

MỸ DUNG  
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Còn kiểm tra giữa kỳ và thi cuối kỳ của trường đại học thì như chợ trời.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Dương Kỳ Anh phù thủy bốc thơm thơ thủm Hoàng Quang Thuận – ô danh muôn đời.

Đỗ Hoàng (Theo vannghecuocsong.com)

Trong cuộc Hội thảo khoa học “ Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử

http://badamxoevietnam2.files.wordpress.com/2013/10/130.jpg?w=450
Nhà thơ Dương Kỳ Anh
tháng 8 năm 2012” do Hội Nhà văn ViệtNam chủ trương, Tạp chí Nhà văn tổ chức, tôi được phân công việc đón tiếp khách khứa. Hội thảo định 9 giờ khai mạc, nhưng ví chờ nhà thơ Hữu Thỉnh nên gần 10 giờ mới tiến hành. ( Hội thảo thơ các tác giả, Hữu Thỉnh rất ít  khi đến kể cả Vũ Quần Phương, bạn Hữu Thỉnh nhưng Hoàng Quang Thuận vô danh tiểu tốt thì Hữu Thỉnh đến (!)).

Tôi đứng ở cửa hội trường Hội Nhà văn thấy Hữu Thỉnh bước lên không chào ai cả, mắt him him nghiêng ngó, bỏ qua các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng đứng quanh đó, bước nhanh đến chỗ Hoàng Quang Thuận ra vẻ thân thiết, vồn vả, tay đập đập vào vai Thuận và nói câu nói cửa miệng muôn thuở của Hữu Thỉnh:

-   Thật tuyệt vời, tuyệt vời!


Lúc này tôi mới biết người mặc com lê màu xi nhạt, dáng tầm thước vừa đang cáu ghắt những người xếp bàn ghế sai ý ông ta là Hoàng Quang Thuận. Hoàng Quang Thuận ngoài đời trông ánh mắt nét mặt gian manh chứ không phải béo tốt đầy đặn như mặt Phật trong ảnh ở các tập thơ (Gã lừa thiện tâm độc giả). Sau Hữu Thỉnh là Hữu Ước, ông ta vợ mới chết chưa quá 49 ngày mà vẫn đeo lon trung tướng đỏ lòm trên vai áo dáng rất điệu rất cu -lít, khệnh khạng bước lên lầu hội trường. Đúng là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”!

Do mối quan hệ riêng của mình, Hoàng Quang Thuận mời được nguyên bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Chiến Thắng, các nhà dịch giả, nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Văn Dân đen như Hắc Toàn Phong Lý Quỳ lúc đó phụ trách tạp chí Văn học nước ngoài, Trần Nhuận Minh từ Quảng Ninh lặn lội lên – nguyên Chủ tịch Hội văn nghệ Quảng Ninh, người giới thiệu thứ nhất Hoàng Quang Thuận vào Hội Nhà văn Việt Nam, Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng biên tập báo Tiền phong, Nguyễn Hữu Sơn, Vện phó viện Văn học…

Nguyễn Dy Niên, Nguyễn Chiến Thắng không biết gì thơ phú cũng cao đàm khoát luận khen thơ thủm Hoàng Quang Thuận. Thật không biết xấu hổ trước các nhà văn nhà thơ ngồi dưới hội trường.

Sau lời bốc thơm của hai vị ngoại giao dốt nát thơ phú là đến lượt Dương Kỳ Anh lên phù phép. Dương Kỳ Anh nói lại ý trong bài viết “Cảm thức tâm linh trong thơ Hoàng Quang Thuận” in trong sách thơ Hoàng Quang Thuận và trong kỷ yếu Hội thảo của Tạp chí Nhà văn tháng 8 năm 2012 để mê hoặc người nghe.  Anh ta cao giọng Nghệ:

“Tiếng mõ am xưa vua thiền định
Chim rừng buông cánh lằng nghe kinh
Hầu, vượn từng đàn ngồi chật cửa
Muộn vật từ bi cõi nhân sinh”

Những vần thơ nghe như của một thiền sư, của một thoát tục, của tự ngàn xưa vọng lại chứ đâu biết rằng đó là thơ của một G S, TS, Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông. (Giáo sư thật không, Tiến sỹ thật không, Viện trách nhiệm hết hơi hay viện chính thống của Nhà nước – Điều này chắc Dương Kỳ Anh tự phong hoặc Hoàng Quang Thuận tự phong?)

Bài thơ trên của Thuận thối không chịu được. Chim buông tức là chim nghe kinh mà chết. Kinh ấy đâu là kinh phật, kinh ấy là kinh của phù thủy Dương Kỳ Anh và kinh giả vờ Hoàng Quang Thuận (Chữ buông có một nghĩa nữa nghĩa là đến tận cùng rồi – buông mình, buông tuồng, buông thả buông tay…) . Rồi đến thơ bốn câu 28 chữ mà dùng không kiệm chữ kiệm lời. Đã dùng vượn thì thôi hầu. Mà hầu chỉ con khỉ là âm Hán – Việt. Thơ không sạch nước cản đến thế, như rứa mà Dương Kỳ Anh vẫn uốn lưỡi cú diều bốc thơm lên mây xanh!
Dương Kỳ Anh lại tiếp:
“ Hoàng Quang Thận kể với tôi rằng trong một lần anh lên Yên Tử, trên đường thấy một người bán rắn, anh mua tất cả rồi phóng sinh. Một con rắn mào đỏ như lửa vừa bò vào rừng, vừa ngoái lại nhìn anh như thầm cám ơn…”
  Đêm ấy Đức Phật hiển linh và anh đã làm được một tập thơ, tập Thi vân Yên Tử trên một 100 bài (!)
Và mới đây cuốn sách độc bản Thi vân Yên Tử dày 300 trang, nặng 120 ki lô gam đã đạt kỷ lục Châu Á.

Thơ của Hoàng Quang Thuận là thơ của anh mới vào nghề, ngô nghê tập viết, chưa sạch nước cản, thấy gì viết nấy, bạ đâu kể đấy, vừa vụng về, vừa ngu dại không hiểu chữ nghĩa, dốt nát văn chương,. ( Xin xem báo mạng các bài viết của Nguyễn Hoàng Đức, Đỗ Hoàng, Trần Mạnh Hảo, Minh Đức Triều Tâm Ảnh…)
Nhà thơ Dương Kỳ Anh đã học qua Đại học Tổng hợp Văn sao không biết thơ thiền các bậc đại nhân, thiền sư, thi sỹ  Lý, Trần, Lê…cả đời tâm huyêt chỉ viết được một hai bài về Yên Tử. Hoàng Quang Thuận là kẻ phàm phu tục tửu tài cán đâu mà làm một đêm trên 100 bài thơ tuyệt bút về Yên Tử. Dương Kỳ Anh quá táng tận lương tâm. Đúng là:
http://badamxoevietnam2.files.wordpress.com/2013/10/314.jpg?w=450
“Nhìn mông hoa hậu si mê3
Dương Kỳ Anh để thơ khê cháy nồi”
(Ca dao mới)

Hãy đọc thơ của thiên sư thi sỹ in trong Tạng Thư là  Digo Khientse Rimpole (xứ Tạng):
Ta mong manh làn mây muà thu
Sinh tử nhòe như một màn mưa
Đời vụt qua trong giông chớp giật
Từ thác cao buông xuống cõi xưa”
(Đỗ Hoàng dịch thơ)
Và đây của Thi Phật Vương Duy đời Đường:
Bạc mạc hành dục mộ
An thiền chế độc long
(Mong manh chiều mau tối
Tu chùa trị rồng hung!)
(Đỗ Hoàng dịch thơ)
Hay Thiền sư  thi sỹ Huyền Quang chỉ mới có  một “Yên Tử sơn am cư”
“Am biếc thanh tiêu lãnh
Môn khai vân thượng bằng
Dĩ can Long Động nhật
Do xích Hồ Khê  băng
Bảo chuếch vô dư sách
Phù suy hưu sấu đăng
Trúc lâm đa túc điểu
Quá bán bạn nhân tăng”

Đỗ Hoàng dịch thơ:

Ở CHÙA NHỎ TRÊN NÚI YÊN TỬ

Chùa xanh bên trời lạnh    
Cửa mở gặp tầng mây
Long Động ngày nắng chiếu
Hồ Khê giá còn đầy
Vụng về không kế lạ
Nhờ gậy đỡ thân gầy
Chim nhiều trong rừng trúc
Hơn nửa bạn với thầy!
Nhà thơ Hoàng Quang Thuận


http://badamxoevietnam2.files.wordpress.com/2013/10/410.jpg?w=450
Nhà thơ Hoàng Quang Thuận
Thần linh người ta viết như thế. Có thần linh nào mách bảo cho Hoàng Quang Thuận són ra những thứ tanh không ngửi được như Dương Kỳ Anh bốc thơm! Dương Kỳ Anh còn khoe Hoàng Quang Thuận  lấy gồ in thơ cho nặng tạ hai để được sách kỷ lục Châu Á. Chắc cơ quan kỷ lục ấy là một cơ quan rởm. Buồn cười hết sức, bỗng nhớ thơ Eptusenco ( nhà thơ Nga) viết:
Tiếc giấy gỗ rừng
Đem in thơ dở
Tiếc tia nằng vàng
Chiếu cành lá úa
Tiếc con thuyền rồng
Đắm trong lạch nhỏ
Tiếc bậc anh hùng
Sập mình xuống lổ…

Chưa hết Dương Kỳ Anh còn phù phép tiếp:

Hoàng Quang Thuận đưa cho tôi nửa tập giấy trằng tờ A4, bảo “ anh ký tên mình vào góc những tờ này cho em nhé”. Thuận cũng ký tên mình vào nửa kia của tập giấy. Chúng tôi đổi cho nhau. Thuận cầm tập giấy có chữ ký của tôi. Tất cả đều để trắng….
…Độ 4 giờ sáng, tôi tỉnh dậy đi ra sân thì thấy một bóng người mặc quần áo trắng mờ đứng bên bờ thung sâu…
Thì ra là Thuận.
Hoàng Quang Thuận chạy đến bên tôi nói như reo: “Anh xem này, em làm được trên 100 bài thơ hết số giấy anh ký rồi”…
…Chỉ ba, bốn tiếng đồng hồ , Hoàng Quang Thuận đã làm được 125 bài thơ, chữ viết nắn nót trên những tờ giấy mà tôi đã ký bên dưới… sau này in ra lấy tên là Hoa Lư thi tập.

Thưa với bạn đọc rằng: “ Tập Thi vân Yên Tử đã khắm không chịu được thì tập Hoa Lư thi tập nó còn khắm hơn nữa. Thật như  Nguyễn Công Trứ đã than:

“Ngán thay cái mũi vô duyên
Câu thơ Thi xã, sánh thuyền Nghệ An”
Nay:

Buồn cho cái lũ bốc thơm
Thơ Hoàng Quang Thuận thối hơn mắm Chuồn”.

Phù thủy, táng tận lương tâm như Dương Kỳ Anh và  đám bốc thơm thơ thủm Hoàng Quang Thuận đến nước ấy thì không còn cách nào mà nói nữa, sẽ ô danh muôn đời!

Hà Nội, ngày 19 tháng 19 năm 2013
Đ – H
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

ngh.mai đã viết:
Còn kiểm tra giữa kỳ và thi cuối kỳ của trường đại học thì như chợ trời.

 Sinh viên “phát mệt” vì… quá rảnh



(Dân trí) - Những tưởng ở bậc đại học, việc học phải rất áp lực và đòi hỏi nhiều thời gian nhưng không ít sinh viên thường xuyên rảnh rỗi đến mức phải tìm đủ cách để “giết” thời gian, thậm chí tham gia những trò vô bổ.

“Tám chuyện” giết thời gian


4h chiều, tại Trường ĐH Sài Gòn (đường An Dương Vương, Q.5, TPHCM), nhiều nhóm sinh viên (SV) kéo nhau ngồi ở hành lang, gốc cây, ghế đá… "tám chuyện" sau giờ học. Mọi chuyện ăn uống, học hành, ngủ nghỉ, thời tiết… đều được họ đưa ra “mổ xẻ. Nhiều bạn kéo nhau ra quán ăn trước cổng trường hoặc rủ nhau qua ra phố ngắm đồ với lý do chung vì chẳng biết làm gì.

“Hết giờ học, tụi em đâu biết làm gì, về phòng trọ cũng chỉ loay hoay chờ... đến giờ đi ngủ nên ở lại tám chuyện cho đỡ buồn”, một nữ sinh ngồi "buôn chuyện" với nhóm bạn cho hay.

Việc "tám chuyện" sau giờ học thế này “tùy hứng”, có hôm họ ngồi đến 6 - 7 giờ thì ai về nhà nấy hoặc lại tìm chỗ nào khác để đi.

Phạm Thị Thanh, SV Khoa Môi trường cho rằng, ngoài giờ học ở lớp thì nhiều SV rất rảnh rỗi. Thế nên, họ thường tụ tập "buôn" chuyện sau giờ học, về nhà thì lên mạng lướt web, xem phim, chat… cho hết ngày.

“Việc học nhẹ nhàng nên không cần quá nhiều thời gian SV vẫn có thể thi qua. Hơn nữa, động lực học cũng không có. Còn việc tham gia các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ thì phụ thuộc vào tính chủ động của từng người”, Thanh nói. .

Hình ảnh SV la cà lại sân trường, ở hàng ăn, quán Internet hàng giờ đồng sau giờ học để giết thời gian như vậy không hề hiếm tại các trường ĐH, CĐ. Họ ngồi tám chuyện trên trời dưới đất nhưng có thể “ngốn” mất 3 - 4 giờ đồng hồ là chuyện nhỏ.

“Sinh bệnh” vì… rảnh
Dư giả thời gian, nhiều SV rơi vào trạng thái uể oải, thường xuyên thở than vì… rảnh. Điều này càng dễ thấy hơn tại nhiều khu trọ, với không ít SV, thời gian ăn ngủ, hay lên lướt web, nghe nhạc… chiếm phần lớn thời gian trong ngày.

Ng. T. Vũ, SV Trường CĐ Điện lực, trọ ở đường Hà Huy Giáp (Q.12, TPHCM) không ngại ngần cho biết, ngoài chừng 3 tiếng mỗi ngày ở lớp thì cậu và 5 người bạn cùng phòng còn 20 giờ còn lại loay hoay ở nhà ngủ, có người nghiện game. Đầu tháng có tiền thì tụ tập ăn nhậu hoặc đánh bài.

Chuyện ngồi vào bàn học hay chạm đến sách vở là điều cực hiếm với họ. Trong phòng trọ, “dấu ấn” học hành của 6 SV chỉ là vài ba cuốn tập.

http://dantri4.vcmedia.vn/7MPEnE5WMWukgZZut8l/Image/2013/06/ranhroi1-0f6cf.jpg
Nhậu nhẹt…



“Thế nhưng đến ngày thi cũng qua, bết lắm mới phải thi lại. SV ngủ hoặc nhậu, chơi bài 10 - 15 tiếng mỗi ngày cũng không có gì lạ.”, Vũ nói.

Tại xóm trọ này, có cô cậu còn khoe "kỳ tích" ngồi quán chơi game 5 - 10 giờ mỗi ngày hoặc có những nữ sinh “cày” phim bộ hàng trăm tập chỉ trong 1, 2 tuần vì có ngày đã xem đến… vài chục tập.

“Chán quá, chẳng biết làm gì” cũng là câu cửa miệng của không ít SV. Với họ, việc ngủ dậy lúc 10 - 11 giờ là chuyện không có gì lạ, sau giờ đến lớp lại… lăn ra giường.

Một SV thừa nhận chỉ ai thật chăm chỉ mới học bài còn số đông chẳng mấy khi động đến sách vở, trừ trước dịp thi. Ngủ, lên mạng, nghe nhạc, tám chuyện là hoạt động thường xuyên của đông SV.

http://dantri4.vcmedia.vn/7MPEnE5WMWukgZZut8l/Image/2013/06/ranhroi2-0f6cf.jpg
Cờ bạc là những thú vui của không ít sinh viên nhằm "giết" thời gian.



Lý giải về việc SV rảnh rỗi, Trần Đăng Đạt - K28 Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngân hàng TPHCM cho hay việc học ở ĐH khác phổ thông, người học không bị áp lực về kiểm tra bài mỗi ngày hay điểm phẩy mà đơn giản là qua môn. Khi xác định chỉ để qua môn thì nhiều thực tế với nhiều người… chẳng cần phải học hoặc tốn rất ít thời gian.

“Nhiều anh chị khóa trước nói rằng tụi tao chơi hoài có học hành gì đâu vẫn ra trường. Mà có thi lại mới là SV”. Chính vì lẽ đó theo Đạt, trừ những người có mục tiêu học tập rõ ràng thì nói chung, SV nhàn rỗi vô cùng. Nhiều cậu bạn của Đạt thường tụ tập nhậu nhẹt, chơi bời hay tham gia nhiều trò vô bổ để giải sầu do rảnh quá.

Tại hội thảo về giáo dục đạo đức cho SV tổ chức cách đây không lâu tại ĐH Sư phạm TPHCM, nhiều giảng viên chỉ ra rằng SV dễ sa vào các tệ nạn, các hành vi tiêu cực một phần do họ có quá nhiều thời gian gian nhàn rỗi.

Trong khi các hoạt động ngoài giờ như sinh hoạt câu lạc bộ, chuyên đề, hoạt động Đoàn hội chưa thật sự gắn kết và hấp dẫn SV. Cũng như tính chủ động trong việc học hay tham gia vào các hoạt động lành lạnh để rút ngắn thời gian “rảnh” của SV còn hạn chế.

HOÀI NAM
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Loạt dự án dầu khí tỷ đô dọc miền Trung
Thứ sáu, 2013-10-25 20:25:10 - Nguồn: InfoNet.vn
Tiếp sau Dung Quất, dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn 9 tỷ USD, dự án tại Vũng Rô hơn 3 tỷ USD, siêu dự án tại Bình Định 27 tỷ USD rục rịch tăng nhiệt trên dải đất miền Trung...
Hôm nay (23/10), Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), vốn đầu tư 9 tỷ USD, chính thức được khởi công xây dựng - một sự tiếp nối sau Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), thúc đẩy công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam phát triển.
Không phải là dự án lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam, song quy mô lên tới 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn/năm của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn khiến dư luận kỳ vọng, nếu được triển khai thành công, Dự án sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng đối với công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam.
Chưa nói tới các tác động về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội hay giải quyết việc làm, việc Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2017, với các sản phẩm khí hóa lỏng (32.000 tấn/năm), xăng RON 92 (1.131.000 tấn/năm), xăng RON 95 (1.131.000 tấn/năm)…, được ông Kazutoshi Shimura, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, khẳng định rằng, sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam từng bước tiến tới tự cung, tự cấp các sản phẩm lọc dầu, đảm bảo nguồn cung năng lượng.
“Dự án của chúng tôi sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt đối với các sản phẩm dầu mỏ”, ông Shimura nói.
Sức đóng góp của Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ lớn hơn nữa, khi theo dự kiến, Dự án sẽ nâng công suất từ 10 triệu tấn/năm hiện nay lên 20 triệu tấn/năm vào năm 2020.
Cùng với một Lọc dầu Dung Quất đang vận hành tốt, đạt doanh thu hơn 112.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.300 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, và một Lọc hóa dầu Nghi Sơn hôm nay được khởi công, những động thái gần đây cũng cho thấy, mối quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực lọc hóa dầu Việt Nam.
Diễn biến mới nhất, là đầu tháng 10 này, UBND tỉnh Phú Yên đã trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, để nâng vốn đầu tư Dự án lên gần 3,18 tỷ USD. Cũng tại buổi lễ, Công ty Dầu khí Vũng Rô đã công bố chọn Tập đoàn JGC làm nhà thầu EPC.
Theo kế hoạch, Dự án có công suất 8 triệu tấn/năm này sẽ sớm được khởi công xây dựng, để sau 42 tháng nữa, kể từ lúc xong phần thiết kế (6 tháng), Lọc dầu Vũng Rô sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên.
“Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và cùng với nhà đầu tư gấp rút hoàn tất các công việc còn lại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai khởi công dự án”, ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cam kết.
Trong khi đó, trung tuần tháng 8/2013, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký biên bản thỏa thuận về việc bàn giao 400 ha đất cho chủ đầu tư Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn. Dự án có vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,5 tỷ USD này, tuy chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng với thông tin từ Tập đoàn SCG (Thái Lan), nhiều khả năng, phần thủ tục này sẽ được hoàn tất sớm để kịp kế hoạch khởi công xây dựng đã được dự kiến trong năm 2014 và có sản phẩm đầu tiên vào năm 2018. Ở Lọc dầu Long Sơn, ngoài SCG, còn có sự tham gia của Tập đoàn Qatar Petroleum, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) mới đây cũng đã bày tỏ mối quan tâm tới dự án này.
Không thể không nhắc tới siêu dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD ở Bình Định của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan - PTT và các đối tác của mình. Quy mô quá lớn của dự án này khiến có không ít ý kiến quan ngại về tính khả thi của nó. Cũng tương tự như vậy, là mối lo về một tương lai mà Việt Nam có quá nhiều dự án lọc hóa dầu, bởi ngoài các dự án vừa kể trên, còn có Lọc dầu Cần Thơ (Cần Thơ), vốn đầu tư 538 triệu USD, nhiều năm rồi chưa triển khai, hay kế hoạch đầu tư một dự án lọc hóa dầu ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) của Tập đoàn Formosa (Đài Loan), vốn đầu tư lên tới hơn 12 tỷ USD. Không chỉ là dư thừa nguồn cung, mà các vấn đề liên quan tới môi trường cũng rất đáng phải quan tâm.
Mặc dù vậy, nếu chỉ xét trên khía cạnh đầu tư, sự xuất hiện lần lượt các dự án quy mô lớn đang khẳng định sức hấp dẫn của Việt Nam trong lĩnh vực này. “Không chỉ là thu hút đầu tư riêng lĩnh vực lọc hóa dầu, khi các dự án đi vào hoạt động, sẽ tạo động lực to lớn cũng như cơ hội để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, như sản xuất hóa chất, hạt nhựa và cơ khí chế tạo...”, ông Trần Hòa, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) nhận định.
Nguồn: Đầu tư

Nói bừa chứ bắt đầu thấy nghi ngờ kiểu đầu tư bầy đàn này rồi đây. Người người lọc dầu, nhà nhà lọc dầu, cả nước thành đại công trường lọc dầu. Trong khi Sing đưa tất cả các nhà máy lọc dầu ra ngoài khơi, Malai xây dựng những nhà máy lọc dầu qui mô tầm trung dưới vài tỉ $ thì mình toàn siêu dự án cả.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Những mục tiêu không tưởng



Giáo sư Viện Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản Kenichi Ohno, người có gần 20 năm tham gia tư vấn chính sách cho VN, từng nói đại ý rằng quy trình hoạch định chính sách của VN kỳ lạ, có một không hai. Ông giải thích về nhận định này như sau: VN có quá nhiều chiến lược ngành.

Mỗi chiến lược chỉ do vài người làm, trong thời gian ngắn, với chất lượng không cao. Chính phủ lựa chọn ưu tiên và quyết định kế hoạch. Cán bộ nhà nước phải xây dựng quá nhiều kế hoạch, chiến lược với nguồn lực hạn chế cả về tài chính và nhân lực. Trong khi đó, ở các nước, chẳng hạn như Thái Lan, chính phủ không đưa ra chiến lược ngành nào cả. Đại diện doanh nghiệp là người đưa ra chiến lược, và chính phủ chỉ có nhiệm vụ nhận và chấp thuận những kiến nghị đó.

Như thế, việc xây dựng chiến lược (bao gồm xác định sứ mệnh, thiết lập các mục tiêu và đề ra các chính sách) của một ngành, lĩnh vực nào đó được làm từ dưới lên, thông qua những đề xuất gắn liền thực tiễn của những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực đó (Giáo sư Ohno gọi là các doanh nghiệp), chứ không phải bắt đầu từ “vài người” thuộc cơ quan quản lý như VN đang làm.

Thế nên, khỏi nói cũng biết, dư luận đã lấy làm phiền lòng như thế nào giữa bối cảnh rất nhiều trường đại học VN còn đang hoang mang trong mục tiêu phát triển của chính mình, học sinh thi được 3-4 điểm cũng có thể đỗ, thì trong chiến lược của mình (được phê duyệt năm 2010), ngành giáo dục đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 2 trường đại học của Việt Nam xếp trong top 200 thế giới.

Hoặc, chính những nhà hoạt động điện ảnh lão luyện, các đạo diễn uy tín cũng không thể hiểu, căn cứ nào để dự thảo đề án Chiến lược phát triển điện ảnh đặt ra mục tiêu năm 2020, Việt Nam phấn đấu là nước có nền điện ảnh đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á và 10 năm sau (2030) sẽ là một trong những nền điện ảnh mạnh của khu vực châu Á. 7 năm thị trường điện ảnh “phim ngoại là chủ yếu” trở thành nền điện ảnh dẫn đầu khu vực? 7 năm để cho một nền điện ảnh mà ngay cả việc làm chiến lược cho nó cũng bị đình hoãn lại tới gần 10 năm vì “thiếu kinh phí”, trở thành dẫn đầu? Không biết mình là ai, đó cũng là một cái tội vậy!

Những mục tiêu xa vời như thế sẽ chỉ chứng minh một điều rằng các bản chiến lược được làm một cách chiếu lệ, thiếu căn cứ và nó nhanh chóng đẩy các kế hoạch, chính sách tiếp sau trở thành không tưởng. Đã có quá nhiều bài học sai lầm trong quy hoạch các ngành như vật liệu xây dựng, công nghiệp ô tô, đóng tàu… đều xuất phát từ việc xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách dựa trên những đánh giá chủ quan hoặc số liệu “ảo”.

Chúng ta cần bắt đầu một quy trình hoạch định chính sách mới, với sự tham gia cả tất cả các bên liên quan (quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, các nhà tài trợ, các nhà khoa học, chuyên gia). Chính sách không nên đơn thuần chỉ là một văn bản hành chính của cơ quan quản lý nhà nước nào đó.

ĐỒNG NHÂN  (Báo Thanh Niên)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 9 trang (88 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối